Si tình
Tác giả: Phan thị vàng Anh
M ười một giờ đêm, khách đã bắt đầu lục đục ra về, anh và em đã bắt đầu ngáp vặt, (chúng mình thân nhau quá mà, điều này đâu còn phải là cái để gọi là “xúc phạm” nhau như hồi mới quen cách đây hai năm!).
Trình tự một buổi cà phê đã diễn ra đủ: đã kể chuyện cơ quan anh, ở lớp em cho nhau nghe, đã chửi người này, khen người nọ, xong đến chuyện hai đứa, lại giận nhau, rồi khóc, rồi xin lỗi… và đến mục kể chuyện cười, những chuyện không vui lắm cũng cười (đôi lúc, trong bóng tối, em cảm thấy mình thật giả dối, những cơ cười cứ nhệch ra cầu tài…)
Mười giờ đêm, trời bắt đầu lạnh. Anh vu vơ hỏi em tên một nhà văn nữ. Em bảo em có đọc và ái mộ lắm lắm con người ấy, đôi mắt mở to ấy… mà có lần em được nhìn thấy ngoài đời thật. Anh bảo: “Đọc truyện thấy ngồ ngộ”. Anh mà cũng đọc truyện sao? (Một lần, anh bảo: “Ghét tiểu thuyết, anh chỉ đọc sách vớ vẩn, đại loại “Bạn biết gì về cá voi” hay “Tâm lý phụ nữ”… chẳng hạn, đọc trong lúc nghỉ ăn cơm, vớ được một quyển, hay tối về, đợi giờ đến nhà em…”)… Vậy nên em hào hứng kể cho anh nghe về những gì của chị X. mà em đọc được, mười giờ đêm, em mơ màng với những cốt truyện nhân ái em yêu. Anh lại bảo: “Em về tìm lại cho anh mượn nhé!”. Và em “Vâng!”, và sự khổ sở trong tình yêu của em lại có thêm một chi tiết mới.
II.
Từ đấy, anh không quay lại nữa. Ngày hẹn, am mặc áo xanh thêu hai hàng lá đen mọi rợ, đợi anh đến. Mẹ em bảo: “Tao nghi lắm, nó luôn luôn sai hẹn!” Em cũng nghi lắm (kinh thật, sao em có thể chịu đựng được tình trạng phập phồng này trong suốt hai năm nhỉ?)… Rồi cũng như những lần trước, em nằm vật ra, úp mặt vào cái chăn lông vịt, thấy mình như chết lặng đi, em nghĩ: “Hết rồi!”
Lần này bình tĩnh hơn, em nằm xuống, vạch ra ngay trong đầu một kế hoạch sống mà không có anh, một đời sống gần như là tu hành, có điều, không có vị thần nào để em thờ phụng cả. Mẹ em bước vào phòng, dè dặt: “Con có đến cơ quan tìm nó không?” - “Để làm gì?”, em thấy, thật chẳng để làm gì. Mẹ em dè dặt mà giận: “Nó tệ quá!”, em phì cười: “Tệ gì, người ta không yêu, ép sao được!”. Ép sao được, càng ngày em càng thấy anh chủ tâm xử tệ để em đừng yêu nữa, có lẽ em cảm thấy anh tốt quá, phần “nghĩa” của em đè nặng lên vai anh quá, nếu nói trắng ra: “Thôi nhé, tôi không yêu nữa”, thì có vẻ hơi kinh, nên anh chọn cách nhân đạo hơn, anh làm những việc không ra gì để em tự quyết định… Và rồi cũng có hiệu quả, em cũng đau đớn nhận ra chuyện tình của mình gồm tám phần nghĩa, hai phần tình. Thật khốn nạn cái thân em, từ bé vẫn mơ mộng một mối tình với tám phần tình, hai phần nghĩa!
Em nằm, rứt mấy cọng chiếu ngo ngoe, mẹ em mắng: “Đừng rứt ra nữa, mấy bữa mà hư!”. Buồn cười thật, mẹ em lúc nào cũng tỉnh táo mà quan sát mọi việc, nhượng bộ em vài cọng chiếu này cũng không được sao? Nó an ủi em phần nào đấy chứ!
III.
Em cầm cái chổi lông gà đã bị bầy chó con gặm chơi hết một nửa, một cái ghế đẩu, xuống nhà phụ đựng sách. Ở đây có năm dãy kệ cao hai thước, đứng xếp hàng, mạng nhện nhiều vô kể và mái tôn hầm hập nóng. Trên kệ, vô thiên lủng tổ tò vò, một con tò vò đang cong đít bên cái tổ như cái nậm rượu, em lấy cán chổi đụng vào nó, tò vò hoảng hốt bay đi, rồi vo một nùi mạng nhện, em nhét vào cửa nhà nó. (Một lần thấy em làm thế, có điều, em nhét bằng cơm nguội, anh bảo: “Em ác quá!”. A, anh là người luôn luôn mắng em ác!)
Em đi lần lượt từ cái kệ sát tường, từ tầng dưới lên tầng trên, hắt hơi liên tục vì bụi. Trong đầu em chỉ còn một hình ảnh duy nhất là cái bìa sách có vẽ một mảng cỏ úa làm nền cho hai chữ tựa sách bằng mực đen to cộ. Sách ra đã được năm năm, em đọc đi đọc lại cũng vài lần, một tập truyện về những khu vườn, những người yêu nhau, về một ông thầy giáo già… (Em nghĩ, nếu anh được đọc, có thể anh sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới: Thích đọc truyện).
… Em đi lẩn thẩn giữa những hàng kệ tăm tối, ẩm mốc. Trong đống báo cũ, em nhặt được một quả trứng gà ( gà nhà em có tật xấu đẻ rơi khắp nơi), trong đầu em ngay lập tức tưởng tượng ra cái cảnh tường thuật lại cho anh chi tiết này. Em lục được một chồng hồ sơ cũ, hồi ấy chữ còn tròn trịa, chữ “g” có một cái đuôi như một cái móc tay mời gọi. Sổ nào cũng ép vài tờ thư dở dang hay vài trang nhật ký. Không phải tờ nào cũng viết về anh, em sửng sốt vì thấy rằng mình cũng có lúc đau lòng vì người này, người nọ, khi đã có anh. Em yêu mình lắm, nên em không kết cho em cái tội “ngoại tình”, em gọi là “chọn lựa”… Em chợt hoảng lên, trước khi em lấy chồng một tháng, hẳn em sẽ phải giở lại từng quyển sách trong nhà, nhặt lại hết những tờ giấy ma mãnh này và ông chồng em sẽ an tâm rằng mình là mối tình đầu!
… Thất bại thảm hại, quyển sách không có gì ở đây. Em kê cái ghế ra trước cửa phòng ngồi hóng gió. Gió không có, nắng như đổ lửa, chị em hái đậu quyên mà mặt nhăn nhăn nhó nhó, hỏi: “Tìm sách cho nó à?”. Em thách thức: “ờ”, rồi em lảo đảo muốn ngã, anh có cần lấy sách đâu, anh hỏi vu vơ thôi mà, lúc ấy khuya rồi, hết chuyện rồi, anh hỏi vu vơ thế thôi, còn em, em thần thánh mỗi lời anh nói, em cầm cái chổi lông gà xông pha vào đống mạng nhện, vào đống bụi, vì anh.
IV.
Rồi một người hiền đến với em. Tối thứ bẩy hàng tuần (sách vở như bao cặp tình nhân khác!), “Người hiền trên núi” ấy lặng lẽ ngồi ở cái bàn học của em, chờ đợi. Nếu may mắn trời mưa, em sẽ ở nhà, nếu trời tạnh ráo, em biến đi từ sớm cùng vài đứa bạn gái, để chín giờ tối về, đảo qua đảo lại vài câu rồi xin lỗi, vào buồng nằm thẳng cẳng, nghe ngoài kia, tiếng chào lí nhí và tiếng xe buồn bã lùi xa. Một lần, tụi bạn mách em, anh đi đâu ngoài phố, với một thằng bạn trai, anh phóng xe như bay, đẹp lắm với cái đầu vô cùng lạ mắt. Tụi bạn an ủi: “Thứ bẩy mà đi chơi với bạn trai, chắc là chưa có bồ mới!” (Trời ơi, tụi nó vô tình nhắc lại thói quen của hai ta, anh và em căm ghét ngày thứ bẩy, nó chật chội, đông đúc, ai cũng như ai. Và em trọn ngày thứ Tư làm thứ bảy để hẹn hò).
… Tối thứ bảy đó, em nằm nhà. Người hiền kia lại đến, gõ lạch xạch vào cái cổng tôn han rỉ phủ đầy tigôn rồi lí nhí mời em đi “uống nước”. (Anh ấy không dám dùng từ “cà phê”, sợ rằng sẽ xúc phạm em. Tội nghiệp!). Em ngồi sau xe, thẳng đơ, hai tay khoanh lại, ngửa mặt nhìn trời. Hai bên đường là đất mờ mờ ánh trăng, xe đi ngang vạt đất trồng vạn thọ, em hít thở hương hoa hồng ấy mà ứa nước mắt. Em bảo: “Đừng đi xa, mệt lắm rồi!”. Vào một quán nước bé tí, ghế mây thấp lè tè trên nên cát sỏi sạch sẽ, một anh chủ quán bé tí ưỡn ẹo đi ra, hỏi: “Anh chị dùng chi?”, anh bạn lại quay sang lịch sự: “Em dùng gì?”, em cáu tiết: “Cho bình trà!”, rồi em lấy tay ôm mặt, trong cái tư thế bất lịch sự ấy, em ngồi, nghe một người đang chịu đựng em, như em đã chịu đựng anh, như anh đang chịu đựng ai (biết đâu!), và cũng biết đâu, có một đứa con gái hiền lành đang chịu đựng anh bạn ngồi cạnh em bây giờ! Luẩn quẩn, em tưởng tượng ra một cuộc rượt bắt vĩ đại, em thấy mình mệt quá rồi, thấy mình ngu dại, sao không quay lại mỉm cười với cái người đang đuổi mình, rồi cả hai sẽ cùng nghỉ mệt dưới một bóng cây, như cây xoài ở cái quán này chẳng hạn.
V.
Đến lúc này, em đã có người yêu mới, một người làm em thanh thản đến mức có thể ngủ quên đến tận giờ hẹn mỗi tối thứ bẩy, nghe tiếng gọi cửa, em bật dậy cười thầm: “Thế này sao gọi là yêu?”. Một người thật đến độ em không nỡ nói dối. Anh sẽ hỏi: “Còn nhớ không?”, nhớ lắm chứ, nhớ đến phát điên. Cơ quan của anh, căn nhà quét vôi hồng ấy em không dám đi qua lần nào, em đi học bằng một nẻo vòng vèo khác, ngang qua một khu chợ nhỏ, có một anh giữ xe đạp mắt lác vẹt đứng căng dây từ tờ mờ đất, qua một trường cấp một, trẻ con buổi sáng mắt nhắm mắt mở, khăn quàng xộc xệch đến lớp… Em đi cái đường vòng vèo ấy, xa xôi cốt để cho anh không phải thấy mặt, để anh không bị ám ảnh bởi cảm giác có một đứa theo đuổi, làm phiền.
Hàng ngày em làm việc như một cái đồng hồ. Sáng nghe bính boong chuông lễ, em mở mắt ra, việc đầu tiên là nghĩ đến anh như một thói quen, kế đến là bình thường an tưởng đến người hiền. Rồi em rửa mặt, đánh răng, nấu một nồi cơm, nhét chặt cùng rau thịt vào một cái lon guygô mà đến lớp. (Em tưởng tượng anh sẽ cười khi biết em bắt đầu có cái trò làm nhà lành này!). Ở lớp em lặng lẽ làm đủ số việc được giao, buổi trưa, ở một góc hành lang, em lặng lẽ mở nắp lon cơm đọng đầy nước, rồi ngủ một giấc ngắn ngủi với vài cơn mơ lẫn lộn… Sáu giờ tối, em về nhà. Ở cửa, em hỏi mẹ: “Có thư không?”, mẹ em sẽ uể oải: “Không!”. Em sẽ vào nhà, ăn cơm, nghỉ một chút rồi học bài. Để tám giờ ba mươi tối, ngày nào cũng đúng giờ ấy, em dành mười lăm phút để mở lại báo cũ xếp thành từng chồng lớn trong nhà, em tìm ở trang “Sáng tác” cái tên X. hay những gì liên quan đến X. rồi em cắt ra, tỉa góc tròn, phủi bụi, cho vào một cái phong bì to dán bằng bìa cứng, mà ở một góc, em đề chữ tắt, tên anh.