Chữ Hiếu
Tác giả: Quách Tấn
Hiếu là trọn đạo thờ cha mẹ.
Thầy Tử Lộ tên là Do, học trò đức Khổng Tử. Một hôm vào hầu, thưa:
- Đội nặng đường xa thì tiện đâu nghỉ đó, không đợi chọn chỗ rồi mới nghỉ. Nhà nghèo, cha mẹ già, thì con làm nên thế nào, hay thế ấy, không đợi có chức trọng quyền cao mới làm. Ngày trước Do này, lúc song thân còn, cơm thường dưa muối, đường xa trăm dặm, phải đội gạo về nuôi song thân. Sau khi song thân mất rồi, làm quan ở Sở, xe ngựa hàng trăm, bổng lộc hàng vạn, ăn những miếng ngon, mặc những đồ tốt, mỗi khi nhớ đến sông thân, lại muốn dưa muối, đội gạo để nuôi người như trước, thì không sao được nữa! Cha mẹ tuổi già như bóng qua cửa sổ. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi , mà cha mẹ không đợi!
Đức Khổng Tử nói:
- Do, trò phụng sự song thân như thế rất phải. Lúc người còn thì hết lòng phụng dưỡng, lúc người mất thì hết lòng thương tiếc.
Hết lòng phụng dưỡng lúc cha mẹ còn sống và hết lòng tiếc thương khi cha mẹ đã qua đời, đó là hiếu.
Thầy Tử Lộ đã nổi tiếng là người chí hiếu.
Trong hàng đệ tử đức Khổng, ngoài thầy Tử Lộ, còn nhiều vị cũng nổi tiếng hiếu thảo, như thầy Mẫn Tử Khiên.
Thầy Mẫn Tử Khiên mồ côi mẹ từ thuở nhỏ. Cha lấy vợ kế sanh được hai trai. Người mẹ kế tánh ác, chỉ thương con đẻ mà ghét con chồng. Mùa đông giá lạnh, hai em thì áo bông lồng áo kép, còn Tử Khiên thì chỉ được mặc một chiếc áo hoa lao mỏng mảnh.
Một hôm Tử Khiên đánh xe hầu cha, co ro run rẩy. Cha quở mắng, Tử Khiên không đành nói sự thật, nín lặng giục xe đi. Nhưng lạnh quá tay sút dây cương. Cha giận đánh, chẳng ngờ áo Tử Khiên rách, bật hoa lao ra! Cha thấy thế mới hay con mình bị vợ kế bạc đãi, giận lắm, toan đuổi người vợ kế đi. Tử Khiên liền quì xuống khóc mà thưa rằng:
- Dì con còn ở lại thì chỉ một mình con chịu rét. Dì con mà bị đuổi đi, thì cả ba anh em chúng con đều không có người may áo.
Cha nghe nói cảm động ôm con mà khóc. Người vợ kế hay biết liền ăn năn. Từ ấy đem lòng thương yêu Mẫn Tử Khiên như con đẻ vậy.
Mẫn Tử Khiên và thầy Tử Lộ là hai nhân vật trong Nhị Thập Tứ Hiếu mà xưa nay đều lấy làm gương. Ngoài ra còn nhiều tấm gương sáng đáng soi, như Hàn Bá Du là một.
Hàn Bá Du, người đất Lương ở đời nhà Hán.
Bá Du mồ côi cha, thờ mẹ rất có hiếu. Những khi có lỗi bị mẹ đánh, ông vẫn tươi cười. Một hôm phải đòn, ôm mặt khóc. Mẹ hỏi:
- Mọi khi mẹ đánh, con biết lỗi, nhận ngay. Lần này sao con lại khóc dai thế ?
Bá Du quì thưa:
- Mọi khi mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn mạnh khoẻ, con mừng. Lần này mẹ đánh con, con thấy không đau mấy, con biết sức mẹ đã yếu, nên con nghĩ thương mẹ mà khóc.
Chao ôi! Câu nói đơn sơ mà thắm thía làm sao! Ai nghe mà không cảm động? Người xưa nói ; " Lòng hiếu thảo cảm động quỉ thần " thật đúng vậy.
Chuyện ông Khấu Chuẩn sau đây cũng rất cảm động.
Khấu Chuẩn là một nhân vật trứ danh đời Tống. Ông nổi tiếng là công minh chính trực.
Buổi nhỏ tính du đãng, không giữ lễ phép, lại thích chơi chim, chơi chó. Bà mẹ quở phạt mà ông vẫn không chừa.
Một hôm, ông bỏ học đi chơi, bà mẹ giận quá, cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa, phải chữa lâu ngày mới khỏi. Từ ấy ông hồi tâm, chuyên lo học tập. Về sau, thi đỗ, làm quan đến Tể Tướng.
Lúc vinh hiển thì mẹ ông đã mất. Mỗi khi ông sờ đến chiếc sẹo ở chân, thì ông nức nở khóc và nói rằng:
- Chính vết thương này làm ta nên người. Mà khi nên người, mẹ lại không còn nữa!
Lúc bần hàn thì có cha mẹ, mà lúc phú quí lại không có cha mẹ, ấy là một điều đau khổ của kẻ làm con. Cho nên người còn cha mẹ mà không hết lòng phụng sự, đến khi cha mẹ trăm năm rồi thì không khỏi ăn năn.
Nhưng phụng sự cha mẹ, không phải cha mẹ muốn gì theo nấy là có hiếu.
Thầy Tăng Sâm bừa cỏ ruộng dưa, lỡ tay làm đứt mất ít rễ. Cha là Tăng Tích giận, cầm gậy đáng vào lưng. Tăng Sâm đau quá, nhưng sợ cha giận thêm, không dám bỏ chạy. Đương cơn tức giận, cha đánh đến ngất đi, ngã gục hồi lâu mới tỉnh lại. Khi về nhà đến thưa với cha rằng:
- Lúc nãy con có tội đến nỗi cha phải đánh, thật con lỗi đạo. Xin cha tha thứ.
Nói xong lui xuống vừa gảy đàn vừa hát, có ý để cho cha nghe tiếng biết rằng mình không còn đau đớn gì nữa.
Đức Khổng Tử nghe chuyện, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào. Tăng Sâm nghĩ mình vô tội, mượn bạn lại hỏi vì cớ gì mà ngài giận. Đức Khổng Tử nói:
Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, luôn ở bên cạnh, cha sai khiến gì cũng không dám trái. Cha đánh bằng roi vọt thì cham chịu, đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn, lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng bất từ. Nay Sâm thờ cha, liều mình để chịu cơn giận đến nỗi ngất đi. Giá lỡ cha đánh quá tay mà chết mất, thì có phải làm cho cha mắc tội chăng? Tội bất hiếu còn to hơn nữa ?
Tăng Sâm nghe dạy, biết mình lầm lỗi, đến tạ tội cùng đức Khổng Tử.
Liều mình để chiều cơn giận của cha mẹ như Tăng Sâm còn bị đức Khổng cho là đại bất hiếu, huống hồ chiều lòng cha mẹ làm những điều bất nghĩa.
Cổ nhân có nêu lên ba điều bất hiếu là:
- Gia bần thân lão, bất vị lộc sĩ. ( Cha mẹ già, nhà nghèo mà không chịu ra làm quan để lấy lộc nuôi dưỡng).
- A ý khúc tùng, hãm thân bất nghĩa. (Dựa theo ý muốn của cha mẹ để làm điều vạy, tức là hãm cho mẹ vào điều bất nghĩa.)
- Bất thú, vô tử, tuyệt tiên tổ tự. (Không cưới vợ, không có con, làm dứt nồi giống tổ tiên.)
Điều thứ ba, theo thầy Mạnh Kha thì là điều bất hiếu lớn nhất. (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại) . Nhưng ngày nay không còn thích hợp nữa. Vậy xin miễn bàn. Còn hai điều trên thì việc " Hãm thân bất nghĩa " là tội bất hiếu " Bất di bất dịch" , và việc "Bấc vị lộc sĩ " có bất hiếu hay không còn tùy trường hợp, xưa cũng như nay.
Ông Doãn Thuần đời Tống, lúc nhỏ học Trình Di, thường chỉ cốt theo nghề khoa cử. Có một khoa tiến sĩ, ông đã vào đến kỳ Văn sách, đầu bài ra có câu " Tru Nguyên Hựu chư thần " nghĩa là " giết các bề tôi đời Nguyên Hựu " , ông bỏ đề tài không làm, đi ra. Khi về thưa cùng thầy:
- Từ nay con không đi thi Tiến sĩ nữa.
Ông không đi thi nữa là vì đầu bài ra trái ngược với lẽ phải. Bởi bầy tôi đời Nguyên Hựu vốn là người tài đức, mà lại bảo đem giết, như thế ý muốn cho kẻ thi đỗ sau này ra làm quan phải bác đời vua trước để nâng cao đời bấy giờ là đời Tĩnh Khang lên.
Ông Trình Di vẫn biết như thế, nhưng lại bảo :
- Nhà ngươi còn mẹ già kia mà ?
Doãn Thuần về trình cùng mẹ việc thi cử và lời thầy dạy. Bà mẹ nói :
- Ta muốn con lấy điều phải mà nuôi ta, hơn là lấy bổng lộc không ra gì mà nuôi.
Ông Trình Di nghe được, khen rằng:
- Hiền thay ! Bà mẹ như thế !
Như thế là ông Doãn Thuần tuy " gia bần thân lão " mà " bất vị lộc sĩ ", vẫn được khen là người có hiếu. Cho nên chỉ xét ở bề ngoài mà bảo là Hiếu hay Bất Hiếu tưởng không khỏi bị sai lầm.
Xưa nay có lắm người ăn ở với cha mẹ rất có hiếu, nhưng rồi không trọn đạo hiếu suốt đời, như Dĩnh Thúc Khảo.
Dĩnh Thúc Khảo làm quan phong nhân ở ấp Dĩnh rất có hiếu.
Trịnh Bá, vì mẹ làm việc phạm pháp, rối loạn triều chính, bắt đem an trí tại ấp Dĩnh và thề : " Không xuống suối vàng, không gặp nhau". Sau hối hận nhờ Dình Thúc Khảo bày mưu gặp lại mẹ.
Để tỏ lòng biết ơn, Trịnh Trang Công phong Dình Thúc Khảo làm quan Đại Phu cùng Công Tôn Yết chưởng quản việc binh quyền.
Mười một năm sau, vua Trịnh hợp với Tề, Lỗ ở đất Thới Lai để mưu việt đánh nước Hứa.
Để biểu dương lực lượng Trịnh Trang Công bày cuộc duyệt binh trước tôn miếu. Nhà vua lại chế ra một lá cờ bằng gấm, mỗi bề dài một trượng hai, cán dài hơn ba trượng, gọi là cờ "Mâu Hồ", cắm trên một cỗ xe rất lớn. Trang Công truyền rằng:
- Nếu ai cầm cờ Mâu Hồ đi lại hai vòng thì được lãng chức tiên phong, và được thưởng chiếc lộ xa.
Một viên đại tướng là Hà Thúc Doanh bước ra, cầm cờ đi lại ba vòng, rồi cắm vào xe như trước. Ai nấy điều khen. Hà Thúc Doanh vừa tiến đến tạ ơn Trịnh Bá để lãnh thưởng thì Dĩnh Thúc Khảo nhảy ra nói lớn:
- Cầm cờ mà đi có chi là lạ. Tôi có thể vừa đi vừa múa nữa kìa.
Dứt lời, xăn tay áo, nhổ cán cờ lên múa tít như một cây trường thương. Lá cờ lúc mở lúc cuốn, khi dọc khi ngang, trông rất đẹp mắt. Mọi người đều kinh phục. Trịnh Bá mừng rỡ phán:
- Khanh quả là một hổ tướng, đáng lãnh ấn tiên phong và được thưởng chiếc lộ xa.
Trang Công dứt lời thì một thiếu tướng mặt như dồi phấn, bước ra chỉ Khảo Thúc và nói:
- Hãy khoang lấy xe. Ta đây lại không múa nổi cây đại kỳ ấy sao?
Nói rồi nhảy đến giật cây cờ. Nhưng Khảo Thúc lanh lẹ, một tay cầm cờ, một tay lôi chiếc xa lộ, chạy như gió. Thiếu tướng cầm kích đuổi theo, nhưng đến đại lộ theo không kịp, hầm hầm tức giận trở lui
Thiếu tướng ấy là Công tử Ất tức là Tử Đô, một thanh niêm đẹp trai nhất thời Đông Châu. Trang Công rất yêu quí. Để hoà giải đôi bên, Trang Công bèn tặng cho Tử Đô một chiếc xe khác. Nhưng Tử Đô căm thù Khảo Thúc và quyết tâm trả thù.
Mùa thu năm ấy, binh ba nước kéo nhau đi đánh nước Hứa.
Quân Hứa không dám ra đánh, đóng cửa thành cố thủ. Binh Trịnh cống thành rất gắt. Muốn tranh công cùng Tử Đô, Khảo Thúc nổ lực xông vào vòng vây, tay cầm cờ Mâu Hồ, tay cầm trường thương, nhảy phóng lên mặt thành. Vừa đeo thù riêng, vừa sợ Khảo Thúc đoạt mất công lao, Tử Đô bèn lắp tên lén một phát. Khảo Thúc bị tên, té nhào xuống thành bỏ mạng.
Hà Thúc Doanh ngỡ Khảo Thúc bị giặc bắng, bèn lướt đến giật cây cờ, nhảy lên mặt thành, gọi to:
- Chúa công đã lên rồi.
Quân Trịnh hăng hái đua nhau nhảy theo lên, mở tung cửa thành chiếm được nước Hứa.
Lữ Đông Lai bàn rằng:
" Nhờ lòng hiếu thảo Dĩnh Khảo Thúc nổi danh ở nước Trịnh. Dùng một lời nói làm cho Trang Công hồi tâm, khiến Trang Công nhớ đến mẹ. Điều ấy khá khen. Nếu biết suy xét lòng hiếu thảo đến cùng tột thì sẽ thấy tỏa ra khắp trời đất, đầy ngập cả bốn biển. Phàm về lý ở trong thiên hạ, không có gì ra ngoài đạo hiếu được. Như vậy tại sao khi sắp đánh Hứa, lại đi tranh giành một chiếc lộ xa để tự giết mình? Đáng tiếc thay !
Lúc vấn đáp với Trang Công thì ôn tồn hiền hậu, sao biết nhã nhặn như thế? Còn lúc tranh giành với Tử Đô thì giận dữ rồi cướp giật, sao lại hung tợn thế kia? Cũng trong thân một con người, tại đâu mà trước với sau khác hẳn nhau dường ấy? Đương khi dùng cơm với Trang Công thì tưởng nhớ đến mẹ, còn lúc diễn binh đánh Hứa thì không nghĩ đến mẹ cha? Như vậy trước thì nhớ, sau thì quên thì ra ngó thấy hình cha mẹ trong tô canh, mà không ngó thấy hình cha mẹ trong lộ xa!
Nếu Dĩnh Khảo Thúc đem lòng thờ kính cha mẹ để thờ kính tôn miếu thì có đâu dám tranh giành xe ở trước đại cung. Nếu Dĩnh Khảo Thúc biết suy lòng thờ kính cha mẹ ra cách nghiêm trị ba quân, thì khi nào dám tranh giành xe nơi đại lộ. Vì không biết xét suy, nên lúc đầu lãnh được tiếng khen là thuần hiếu, mà sau không tránh khỏi tiếng chê là " đấu ngận nguy phụ mẫu" (đánh lộn để lụy đến cha mẹ .)
Hoặc có người hỏi:
- Lúc đánh cùng nước Hứa, Dĩnh Khảo Thúc, quên mình nhảy trước lên thành, như vậy không phải suy rộng đạo hiếu sao?
Xin đáp:
- Tranh xe là việc riêng, tức là bất hiếu. Trèo trước lên thành là việc công, tức là hiếu. Tiếc mình là hiếu thờ cha mẹ. Quên mình là trung thờ vua chúa. Nhưng trung với hiếu nào phải hai đường ?
Tăng Tử nói : " Lúc chiến đấu, thiếu dũng cảm là bất hiếu". Đó là can đảm của Khảo Thúc khi nhảy trước lên thành. Chính Tăng Tử gọi đó là hiếu. Nhưng Khảo Thúc chết vì thù riêng, chớ nào do việc công. Bởi đó mới tiếc dùm cho Khảo Thúc không biết suy lòng hiếu thảo ra cho đến chốn.
Xưa Tả Khâu Minh khen Dĩnh Khảo Thúc bằng mấy câu Kinh Thi:
- Lòng hiếu khôn cùng. Chia cho đồng loại.
Nay lại đem chuyện trên, thấy bỏ cất miếng thịt thì làm được, còn lìa bỏ trục xe lại không làm được! Coi vậy thì đạo hiếu của Dĩnh Khảo Thúc cũng có lúc cùng! Cảm hóa được lòng của Trang Công mà không cảm hóa được lòng của Tử Đô, coi vậy thì đối với đồng loại có khi cũng không chia sớt được! Nếu Dình Khảo Thúc ngâm đi ngâm lại đôi ba lượt hai câu khen tặng, chẳng biết có hổ thầm hay chăng?
Lời bàn thật là thâm thúy!
Và xem đó thì đạo hiếu rộng biết bao nhiêu! Lo cho tròn đâu phải dễ.