Tiền Biên-Quyển thứ IV
Tác giả: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn
Năm Tân Dậu (541). (Lương, năm Đại Đồng thứ 7).
Tháng 12, mùa đông. Người Giao Chỉ là Lý Bôn khởi binh, đánh đuổi thứ sử triều Lương là Tiêu Dư, rồi đóng giữ thành Long Biên.
Tổ tiên Lý Bôn gốc ở phương Bắc (Trung Quốc), cuối đời Tây Hán, tránh loạn sang ở phương Nam, đến Lý Bôn là đời thứ bảy đã thành người phương Nam. Lý Bôn tài kiêm văn võ làm quan triều Lương, coi đạo quân Cửu Đức. Vì bất đắc chí, nên về Thái Bình khởi binh. Tù trưởng huyện Chu Diên là Triệu Túc cũng đem quân theo Lý Bôn. Tiêu Tư biết rõ việc ấy, đem tiền của đút lót cho Lý Bôn rồi chạy về Quảng Châu. Lý Bôn liền giữ thành Long Biên.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), Lý Bôn là dòng dõi nhà hào trưởng. Lúc ấy có Tinh Thiều là người học giỏi, văn hay, đã sang triều Lương ứng tuyển để ra làm quan, nhưng Thượng thư136 bộ Lại triều Lương là Thái Tỗn cho rằng tiên tổ họ Tinh không có người hiển đạt, nên bổ cho làm Quảng Dương môn lang137 . Tinh Thiều lấy làm xấu hổ, trở về; mưu bàn việc khởi binh với Lý Bôn. Giữa lúc đó thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư vì tàn bạo khắc nghiệt mất lòng dân. Hai người, Lý Bôn và Tinh Thiều, nhân đấy liên kết với mấy châu, các tay hào kiệt đều hưởng ứng, theo cả.
Lời chua - Giao Chỉ: Xem Triệu Vũ vương, năm thứ 10 (Tb.I, 20). Sử cũ chép Lý Bôn người Thái Bình thuộc Long Hưng. Nay xét: tên Thái Bình đặt từ năm Vũ Đức thứ tư (621) triều Đường, tên Long Hưng đặt từ đời Trần (1225-1400). Đời Lương không có tên đất này. Sử cũ chỉ theo đó mà truy gọi thôi. Bây giờ ở xã Từ Đường, huyện Thụy Anh, phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định138 còn có đền thờ Lý Bôn.
Long Biên: Tức là Long Uyên. Xem thuộc Hán, năm Nguyên Phong thứ nhất (Tb.2, 7).
Chu Diên: Xem thuộc Hán năm Kiến Vũ thứ 16 (Tb.2, 10).
Quảng Châu: Tên mới đặt từ triều Ngô (222-280), đất Giao Châu bị chia lấy một số thuộc về Quảng Châu.
Thái Tỗn: Người Khảo Thành, quận Tế Dương.
Tiêu Tư: Tước Vũ Lâm hầu, người cùng họ vua Lương.
Năm Quý Hợi (543). (Lương, năm Đại Đồng thứ 9).
Quân nước Lâm Ấp xâm lấn quận Nhật Nam, Lý Bôn sai tướng Phạm Tu đi đánh và phá được ở Cửu Đức.
Lời chua - Lâm Ấp: Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb.3, 20-21).
Nhật Nam: Xem Triệu Thuật Dương vương, năm đầu (Tb.2, 5-6).
Cửu Đức: Xem thuộc Ngô, Kiến Hành năm thứ 3 (Tb.3, 15).
Năm Giáp Tí (544). (Lý, Nam Việt đế Bôn, năm Thiên Đức thứ 1; Lương, năm Đại Đồng thứ 10).
Tháng giêng, mùa xuân. Lý Bôn tự xưng là Nam Việt đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, tên nước là Vạn Xuân.
Lý Bôn nhân thắng quân địch, tự xưng đế, đặt niên hiệu gọi tên nước là Vạn Xuân, có ý mong xã tắc lâu dài đến muôn đời; dựng điện Vạn Xuân để làm chỗ triều hội.
Lời chua - Vạn Xuân: Theo sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử triều Tống, huyện Long Biên có đài Vạn Xuân139 . Đài này của Lý Bôn ở Giao Chỉ làm năm Đại Đồng triều Lương. Nay ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, có hồ Vạn Xuân, còn gọi là đầm Vạn Phúc. Vậy điện Vạn Xuân có lẽ ở đấy.
Đặt ra trăm quan.
Dùng Triệu Túc làm thái phó140 , Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ.
Năm Ất Sửu (545). ([Tiền] Lý, năm Thiên Đức thứ 2; Lương, năm Đại Đồng thứ 11).
Tháng 6, mùa hạ. Triều Lương sai Dương Phiếu, Trần Bá Tiên sang đánh. Nam Việt đế Lý Bôn chạy sang Gia Ninh.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), trước kia, Lý Bôn giữ thành Giao Châu, nhà Lương sai thứ sử Cao Châu là Tôn Quýnh và thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng đem quân sang đánh. Bấy giờ là mùa xuân, đương có khí lam chướng, bọn Quýnh xin đợi đến mùa thu; nhưng tước Vũ Lâm hầu là Tư cứ giục tiến quân. Đến quận Hợp Phố, thì quân bị vỡ, chúng lại quay về. Đến năm này, nhà Lương sai thứ sử Giao Châu là Dương Phiếu sang đánh Lý Bôn, cử Trần Bá Tiên làm tư mã; thứ sử Định Châu là Tiêu Bột cùng họp với Dương Phiến ở Tây Giang. Tiêu Bột biết ý các tướng sĩ sợ phải đi đánh xa, nên nói dối để Dương Phiếu ở lại. Dương Phiếu tập họp các tướng lại để hỏi mưu kế. Bá Tiên nói: "Quan thứ sử Định Châu muốn tạm an nhàn trước mắt, không nghĩ đến mưu kế lớn, Tiết hạ141 vâng mạng vua đi đánh kẻ có tội, dù sống chết thế nào cũng không quản ngại, lẽ nào dùng dằng không tiến quân để nuôi cho thế giặc thêm mạnh mà làm cho quân mình nản chí hay sao?". Bá Tiên liền thúc quân mình đi trước. Dương Phiếu cử Bá Tiên làm tiên phong; đến Giao Châu, Lý Bôn bị thua to, chạy sang thành Gia Ninh. Quân Lương tiến vây thành.
Lời chua - Gia Ninh: Theo Đường Nguyên Hòa (806-820) Quận huyện chí, Gia Ninh vốn là đất huyện Mi Linh do Hán đặt; nhà Ngô chia lập thành huyện Gia Ninh; sau để theo như thế.
Hợp Phố: Xem Thiệu Thuật Dương vương năm thứ 1 (b.2, 5).
Tây Giang: ở cách nửa dặm về phía Tây huyện Vĩnh Phúc thuộc phủ Quế Lâm (Trung Quốc).
Dương Phiếu: Người Tây Huyện thuộc Thiên Thủy.
Bá Tiên: Người Trường Tành thuộc Ngô Hưng, tức là Trần Cao Tổ sau này.
Tiêu Bột: Tôn thất nhà Lương.
Định Châu: Chỉ Tiêu Bột.
Tiết hạ: Nghĩa cũng như các hạ, chỉ Dương Phiến.
Năm Bính Dần (546). ([Tiền] Lý, năm Thiên Đức thứ 3; Lương, năm Trung Đại Đồng thứ 1).
Tháng giêng, mùa xuân. Bọn Dương Phiến đánh được thành Gia Ninh, Nam Việt đế Lý Bôn chạy đi Tân Xương.
Lời chua - Tân Xương: Tức là Phong Châu. Xem thuộc Ngô, năm Kiến Thành thứ 3 (Tb.3, 14).
Mùa thu, tháng tám. Nam Việt đế Lý Bôn đóng đồn ở hồ Điển Triệt. Quân Lương đến đánh, quân Lý Bôn bị vỡ, rút vào giữ động Khuất Lạo.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), Lý Bôn lại đem quân từ trong xứ người Lạo ra, đóng đồn ở hồ Điển Triệt. Quân Lương sợ, cứ đóng ở cửa hồ, không dám tiến. Bá Tiên bảo các tướng: "Quân ta ở đây đã lâu, mà lại không có quân tiếp viện. Bây giờ đã đi sâu vào trong nước người ta, nếu một trận đánh nào bất lợi, còn mong gì sống mà về được nữa? Chi bằng bây giờ nhân dịp quân địch đang thua luôn mấy trận, lòng người chưa cố kết, ta nên liều chết gắng sức quyết đánh bằng được. Nếu vô cớ cứ đóng ở đây thì việc hỏng mất!". Các tướng không ai trả lời. Đêm hôm ấy, nước sông bỗng lên to đến bảy thước, chảy rót vào trong hồ. Bá Tiên đốc thúc quân bản bộ mình theo dòng nước tiến đi trước. Quân Lương đánh trống, reo hò, kéo tràn vào. Quân Lý Bôn bị vỡ, lại trốn vào trong vùng người Lạo.
Sử cũ chép: Nam Việt đế Lý Bôn lại rút lui, giữ trong động Khuất Lạo, điều chỉnh binh lính, mưu tính chiến đấu về sau; giao cho tả tướng quân Triệu Quang Phục giữ nước, cầm quân chống nhau với Bá Tiên.
Lời chua - Hồ Điển Triệt: Theo lời chua của Hồ Tam Tỉnh trong sách Thanh Tông giám tập lãm , hồ này ở Tân Xương, tức là Phong Châu. Theo sách Phương dư kỷ yếu , của Cố Tổ Vũ142 đời Minh thì hồ Điển Triệt ở về phía Tây phủ Thái Nguyên, nay đã bị lấp. Trong hai thuyết ấy, chưa biết rõ ai phải, nay hãy ghi cả hai để cùng tham khảo.
Động Khuất Lạo: Không rõ ở đâu.
Năm Đinh Mão (547). (Nhà [Tiền] Lý, Năm Thiên Đức thứ 4; Lương, năm Thái Thanh thứ 1).
Tháng giêng, mùa xuân. Triệu Quang Phục đóng giữ Dạ Trạch.
Quang Phục cầm cự với Bá Tiên, chưa phân thua được. Quân Bá Tiên nhiều và mạnh lắm. Quang Phục liệu mình không chống nổi, bèn lui giữ Dạ Trạch. Dạ Trạch là cái chằm, chu vi không biết bao dặm mà kể, cỏ cây rậm rạp, giữa chằm có bãi ở được, bốn mặt thì bùn lầy. Người ở đấy thuộc đường, dùng sào đẩy thuyền độc mộc để đi lại. Quang Phục đem hơn một vạn người vào giữ trong chằm ấy: ban ngày thì bặt hẳn khói bếp thổi nấu, đến đêm thì đem quân ra đánh úp trại quân Lương giết chết và bắt được địch rất nhiều; trông vào những lương thực bắt được để làm kế duy trì lâu dài. Bá Tiên cứ theo dõi để đánh nhưng rút cục vẫn không thắng được. Người trong nước bấy giờ gọi Quang Phục là Dạ Trạch vương.
Lời chua - Dạ Trạch: Bây giờ thuộc huyện Đông An, phủ Khoái Châu. Theo sách Thanh Nhất thống chí , Dạ Trạch thuộc huyện Đông Kết, phủ Kiến Xương. Thời Lương Vũ đế, Trần Bá Tiên đánh Lý Bôn, Lý Bôn trốn vào trong chằm này, đêm đến đem quân ra đánh; nhân thế gọi là Dạ Trạch. Huyện Đông An trước kia gọi là Đông Kết.
Sử cũ chua: Tục truyền: con gái Hùng Vương là Tiên Dung mị nương143 ra chơi ngoài cửa biển, khi thuyền trở về đến bãi Chử Gia, gặp Chử Đồng Tử, hai người kết làm
vợ chồng, ở ngay trên bãi ấy, rồi bãi ấy trở thành một nơi đô hội. Bỗng một hôm, đương nửa đêm, tự nhiên mưa to gió lớn lôi cuốn cửa nhà đang ở, dân cư và gà chó bay mất cả, nên người thời đó gọi bãi ấy là bãi Tự Nhiên, chằm ấy là chằm Dạ Trạch. Việc này xuất xứ ở sách Lĩnh Nam trích quái , là một việc hoang đường, nay phụ chép để tham khảo.
Năm Mậu Thìn (548). ([Tiền] Lý, năm Thiên Đức thứ 5; Lương, năm Thái Thanh thứ 2).
Tháng 3, mùa xuân. Nam Việt đế Lý Bôn mất ở động Khuất Lạo.
Nam Việt đế Lý Bôn ở động Khuất Lạo, bị cảm mạo khí lam chướng đến năm này mất.
Lời phê - Nam đế nhà [Tiền] Lý dẫu sức không địch nổi giặc Lương đến nỗi công cuộc không thành, nhưng đã biết nhân thời cơ vùng dậy, tự làm chủ lấy nước mình, đủ làm thanh tế mở đường cho nhà Đinh, nhà Lý sau này. Vậy việc làm của Lý Nam đế há chẳng hay lắm sao? Lời cẩn án - Sử cũ chép năm Giáp Tí, niên hiệu Đại Đồng thứ 10 (544) nhà Lương, Lý Bôn tự xưng đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đến tháng 3, năm Mậu Thìn (548) thì mất. Như vậy năm Mậu Thìn còn là năm Thiên Đức thứ 5, Quang Phục vẫn chưa xưng vương . Sử cũ vội đem năm ấy chép làm năm đầu của Triệu Việt vương thì không hợp nghĩa và lệ, nay xin chép năm Mậu Thìn vẫn là năm Thiên Đức thứ 5, đến hẳn năm Kỷ Tị (549) mới chép làm năm thứ nhất của Triệu Quang Phục, để cho đúng khỏi ngang trái nghĩa và lệ (như phàm lệ ở đầu sách đã nêu ra) và không sai sự thực . Nhà [Tiền] Lý khởi từ năm Giáp Tí (544), mất năm Mậu Thìn (548), cộng được 5 năm.
Năm Kỷ Tỵ (549). (Triệu, Việt Vương Quang Phục năm thứ 1, Lương, năm Thái Thanh thứ 3).
Triệu Quang Phục tự xưng là Việt vương.
Quang Phục là con Triệu Túc, người huyện Chu Diên, là người có oai và hùng dũng, theo Nam Việt đế Lý Bôn đi đánh dẹp, có công, được phong làm tả tướng quân. Khi Lý Bôn mất, Quang Phục tự xưng làm vua. Lúc bấy giờ Quang Phục đóng quân ở Dạ Trạch, thấy quân Lương không rút lui, bèn đốt hương khấn trời thì có điềm tốt là được móng rồng để đính lên mũ đâu mâu, dùng để uy hiếp quân giặc. Từ đó thanh thế quân đội lừng lẫy, đánh đâu được đấy.
Lời chua - Chu Diên: Xem thuộc Hán, năm Kiến Vũ thứ 16 (Tb.2, 10).
Móng rồng: Sử cũ chua rằng: tục truyền trong chằm Dạ Trạch có người tiên là Chử Đồng Tử cưỡi rồng vàng từ trên trời bay xuống trút cái móng rồng trao cho Quang Phục bảo đem đính lên trên mũ đâu mâu để đi đánh giặc.
Đâu Mâu: Theo sách Thuyết Văn , đâu mâu là mũ trận. Thiên Duyệt mệnh trong kinh Thư chép: "Áo giáp mũ trụ là thứ gây ra việc binh nhung". Sách đó chua rằng mũ trụ tức là mũ đâu mâu.
Năm Canh Ngọ (550). (Triệu, Việt vương, năm thứ 2; Lương, Giản Văn đế, năm Đại Bảo thứ 1).
Tháng giêng, mùa xuân. Triệu Việt vương đánh bại được tướng nhà Lương là Dương Sàn; vào đóng ở trong thành Long Biên.
Khi ấy nhà Lương cho Bá Tiên làm Uy Minh tướng quân, thứ sử Giao Châu. Triệu Việt vương vẫn còn đóng giữ Dạ Trạch, Bá Tiên định làm kế cầm cự lâu, cắt đứt đường tiếp viện lương thực để làm mòn mỏi quân đội Triệu Việt vương. Bấy giờ nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, gọi Bá Tiên về, để tỳ tướng của Bá Tiên là Dương Sàn ở lại đánh Triệu Việt vương. Triệu vương đem quân ra đánh: Dương Sàn bị thua và chết, quân Lương tan vỡ, kéo nhau về Bắc (Trung Quốc). Trong nước được yên, Triệu Việt vương vào đóng ở thành Long Biên.
Lời chua - Hầu Cảnh: Người trấn Hoài Sóc nước Nguỵ, phản bội nhà Nguỵ, đầu hàng nhà Lương, được Lương Vũ đế thu nạp. Hầu Cảnh lại làm phản nhà Lương, đánh vây đài thành144 . Bá Tiên hội quân đánh Hầu Cảnh.
Lý Thiên Bảo giữ động Dã Năng, tự xưng là Đào Lang vương.
Trước kia, Lý Bôn lánh vào ở động Khuất Lạo, anh ruột Lý Bôn là Thiên Bảo cùng với một viên tướng người cùng họ là Lý Phật Tử rút vào Cửu Cân. Bá Tiên đuổi đánh, quân Thiên Bảo bị thua, mới thu thập quân còn lại chạy sang vùng người Di, Lạo ở biên giới Ai Lao. Thiên Bảo thấy động Dã Năng ở đầu nguồn sông Đào Giang là chỗ đất bằng phẳng và màu mỡ, bèn đắp thành ở đấy; nhân tên đất đặt hiệu nước, được dân chúng tôn làm chúa, xưng là Đào Lang vương.
Lời chua - Ai Lao145 : Tên nước. Theo sách Hậu Hán thư , người Di Ai Lao gốc tính trước ở Lao Sơn146 , sau dần sinh nở mãi, mới chia đặt ra các tiểu vương, thường hay ở rải rác những nơi khe núi. Theo sách Thái Bình hoàn vũ ký , của Nhạc Sử nhà Tống: "Nước Ai Lao, khoảng giữa niên hiệu Hán Vĩnh Bình (58-75), thuộc trong khu vực nhà Hán. Nhà Hán lấy đất của họ đặt ra hai huyện Ai Lao và Bác Nam, hợp lại làm quận Vĩnh Xương. Sách ấy chua tức là quận Vân Nam bây giờ. Nước Lào phía tây thông với Đại Tần147 , phía nam thông với Giao Chỉ. Theo sách Điền tái ký của Dương Thận148 nhà Minh, đất Điền149 trước kia ở về miền rừng núi Ai Lao thuộc Vĩnh Xương, tộc loại mỗi ngày một sinh nở nhiều, dòng giống tràn lan, cắt giữ từng vùng chia làm 99 bộ. Họ có sáu người tù trưởng, đều gọi là Chiếu. Đến đời Đường, họ Mông mới xưng là nước Nam Chiếu. Theo sách Quảng dư ký của Thái Phương Bính nhà Minh, Vĩnh Xương quân dân phủ thuộc Vân Nam trước là nước Ai Lao. Sau năm Khai Nguyên (713-741) đời Đường, mới bị nước Nam Chiếu chiếm giữ. Đến đời Tống, bị họ Đoàn, họ Cao chiếm giữ. Nhà Nguyên khai thác Vân Nam, lập ra Kim Xỉ tuyên phủ ti. Nhà Minh đổi đặt Vĩnh Xương quân dân chỉ huy sứ. Trong sách Dư địa chí , của Nguyễn Trãi nhà Lê, có chua rằng: "Bộ lạc Ai Lao nhiều lắm, đâu đâu cũng có, đều gọi là Lào".
Hợp các sách lại mà khảo cứu, thì Ai Lao này thuộc Vân Nam. Chỉ vì loài giống họ nhiều lắm, họ ở rải rác các nơi khe núi, nên các dân tộc ở ven biên giới nước ta, như là Lão Qua, Vạn Tượng cho đến cả các man ở Trấn Ninh, Trấn Man và Lạc Biên, tục đều gọi là Lao cả.
Về đoạn sử này, Sử cũ phần trên thì chép là chạy vào Cửu Chân, phần dưới thì chép là chạy sang vùng Di, Lạo ở biên khu Ai Lao. Vậy có lẽ là Trấn Man hay Nam Chưởng bấy giờ chăng?
Dã Năng động : Không biết ở đâu.
Năm Ất Hợi (555). (Triệu, Việt vương, năm thứ 7; Lương, Kính đế, năm Thiệu Thái thứ 1).
Lý Thiên Bảo mất, mọi người suy tôn Lý Phật Tử lên làm chủ soái.
Thiên Bảo mất ở động Dã Năng, không có con thừa tự, mọi người mới suy tôn Lý Phật Tử lên nối ngôi thay để thống suất quân và dân.
Năm Đinh Sửu (557). (Triệu, Việt vương, năm thứ 9; Trần, Vũ đế, năm Vĩnh Định thứ 1).
Lý Phật Tử đánh nhau với Triệu Việt vương, không thắng được, xin giảng hoà.
Phật Tử kéo quân xuống phía đông, đánh nhau với Triệu Việt vương ở Thái Bình, năm lần giáp chiến chưa phân được thua. Quân Phật Tử phải lùi một ít rồi xin hòa. Việt vương nghĩ Phật Tử là người cùng họ với Lý Bôn trước, không nỡ tuyệt tình, mới lấy châu Quân Thần làm địa giới chia cho Lý Phật Tử ở về phía Tây nước mình. Lý Phật Tử mới dời sang ở thành Ô Diên.
Lời chua - Thái Bình : Tên đất. Thời bấy giờ Lý Phật Tử từ trong vùng Di Lạo kéo quân xuống phía đông, đánh nhau với Triệu Việt vương ở đấy; sau cắt chia địa giới ở châu Quân thần thuộc huyện Từ Liêm, thì Thái Bình phải thuộc về Phong Châu xưa, tức là Sơn Tây bây giờ. Có thể khảo thêm ở Địa lý chí trong Đường thư mà lấy làm bằng chứng: "Huyện Thái Bình bị cắt ra đặt làm Phong Khê". Lại nói: "Phong Khê thuộc Phong Châu". Nhưng các sách chép không rõ, nên chưa biết đích xác ở đâu. Hai thôn Đường, Nguyễn thuộc Thái Bình sẽ thấy sau này, có lẽ cũng là ở đây. Có nếu bảo đấy là Thái Bình thuộc Sơn Nam thì không phải.
Quân Thần châu : Nay là hai làng Thượng Cát, Hạ Cát thuộc huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Nội. Có thuyết cho rằng hai làng ấy xưa kia gọi là Thượng Cát Giới và Hạ Cát Giới, về sau đổi lại150 .
Ô Diên : Đất Giao Chỉ xưa, năm Vũ Đức thứ tư (621) nhà Đường đặt ra huyện Ô Diên, cùng với Từ Liêm và Vũ Lập là ba huyện đều thuộc Giao Chỉ. Sử cũ chua Ô Diên là xã Hạ Mỗ ở Từ Liêm. Xã ấy có đền thờ Bát Lang thần, có lẽ là Nhã Lang (con Lý Phật Tử) chăng.
Năm Tân Mão (571). (Lý, Hậu đế Phật Tử, năm thứ 1; Trần Tuyên đế, năm Đại Kiến thứ 3).
Lý Phật Tử đánh úp, lấy được nhà Triệu.
Sử cũ chép: Trước kia, Phật Tử giảng hòa với nhà Triệu, rồi cầu hôn cho con trai là Nhã Lang. Việt vương gả con gái là Cảo Nương cho Nhã Lang, và cho ở gửi rể. Nhã Lang nhân lấy trộm được cái móng rồng, trở về nước mưu với Phật Tử đánh úp nhà Triệu. Khi Phật Tử kéo quân đến đánh, Việt vương vội ra đối địch, thì cái móng rồng đã mất rồi, mới cùng với con gái là Cảo Nương chạy về phía nam. Bị quân Lý Phật Tử đuổi sát, Việt vương chạy đến cửa biển Đại Nha, hết đường chạy, gieo mình xuống biển chết.
Lời cẩn án - Sử cũ chép việc Triệu Việt vương được cái móng rồng của Chử Đồng Tử cho; việc Nhã Lang sang gửi rể rồi lấy trộm móng rồng; việc Triệu Việt vương vì mất cái móng rồng mà bị thua. Đem những việc ấy kháp với chuyện Thục An Dương vương và Triệu Trọng Thủy trước kia giống nhau như hệt, kỳ quái trái thường không cần phải biện bạch cho lắm. Nhưng Sử cũ chép phần nhiều trùng điệp nhau, sai hẳn sự thực, đại loại như thế đấy. Nay muốn tìm ở Sử cũ lấy chuyện có thể tin ở đời này và truyền lại đời sau, thật cũng khó lắm. Lời chua - Cửa biển Đại Nha151 : Xưa gọi là Đại Nha152 , lại gọi là Đại Ác; nhà Lý đổi là Đại An. Nay ở cửa Liêu thuộc xã Quần Liêu153 huyện Đại An có đền thờ Triệu Việt vương154 .
Nhà Triệu mất. Nhà Triệu khởi năm Kỷ Tị, mất năm Canh Dần, cộng hai mươi hai năm (549-570).
Lý Phật Tử tự xưng đế, đóng đô ở Phong Châu.
Phật Tử đã diệt nhà Triệu, bèn theo hiệu Nam đế trước xưng là Hậu Nam đế, dời từ thành Ô Diên đến đóng ở Phong Châu.
Năm Nhâm Tuất (602). (Lý, Hậu đế, năm thứ 32; Tùy, Văn đế, năm Nhân Thọ thứ 2).
Đế Phật Tử sai Lý Đại Quyền giữ thành Long Biên, Lý Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên.
Lời chua - Lý Đại Quyền: Con người anh Lý Hậu đế. Sử cũ chép chữ Đại Quyền (___: quyền lớn) là Đại Quyền (___: thay quyền). Nay căn cứ vào Tùy thư , đính chính lại.
Phổ Đỉnh: Một tướng họ Lý khác.
Nhà Tùy sai Lưu Phương sang xâm lấn. Đế Phật Tử ra hàng.
Theo Tùy thư , Phật Tử giữ châu, tự xưng đế. Dương Tố tiến cử thứ sử Qua Châu là Lưu Phương có tài lược làm tướng. Vua Tùy dùng Lưu Phương làm hành quân tổng quản đạo Giao Châu, thống lĩnh quân sĩ 27 dinh sang đánh. Quân tiến đến núi Đô Long, gặp hơn hai nghìn quân Phật Tử, Lưu Phương đánh phá được ngay. Khi kéo quân đến Phong Châu, Lưu Phương sai người hiểu dụ về họa phúc, Phật Tử sợ, xin hàng. Lưu Phương bắt Phật Tử đem về Bắc (Trung Quốc), còn những tướng cũ bắt được người nào kiệt liệt đều giết chết cả.
Lời chua - Dương Tố: Người Hoa Âm thuộc Hoằng Nông.
Lưu Phương: Người đất Trường An thuộc Kinh Triệu.
Qua Châu: Đời Đường, thuộc đạo Sơn Nam.
Núi Đô Long: Theo Thanh Nhất thống chí , ở phủ Khánh Viễn đời Đường, thuộc An Nam quản, có núi Đô Long.
Nhà Hậu Lý mất. Nhà Hậu Lý khởi lên năm Tân Mão155 , mất năm Nhâm Tuất, cộng ba mươi hai năm (571-602).
Năm Ất Sửu (605). (Tùy, Dượng đế, năm Đại Nghiệp thứ 1).
Tháng giêng, mùa xuân. Nhà Tùy cho Lưu Phương làm chức hành quân tổng quản156 đạo Hoan Châu, đi đánh Lâm Ấp, phá tan được nước ấy.
Theo sách Cương mục (Trung Quốc), các quan nhà Tùy bảo nước Lâm Ấp có nhiều của báu lạ. Khi đó, thiên hạ (đất nước Trung Quốc) đâu đấy không có giặc giã gì cả, Lưu Pương mới bình được Giao Châu. Dượng đế cho Lưu Phương làm chức hành quân tổng quản đạo Hoan Châu, đi kinh lược nước Lâm Ấp. Quân Lưu Phương tiến đến cửa biển, vua Lâm Ấp là Phạn Chí sai quân đóng giữ các nơi hiểm yếu. Lưu Phương đánh đuổi được bọn này. Quân Lưu Phương vượt qua sông Chà157 Lê, gặp quân Lâm Ấp cưỡi voi từ bốn mặt kéo ra đánh: quân Phương thua. Phương sai đào nhiều hố nhỏ, phủ cỏ lên trên, rồi đem quân ra đánh, giả cách thua: quân Lâm Ấp đuổi theo, voi sa xuống hố, nhiều con ngã què. Quân Phương lấy nỏ bắn voi, voi lùi chạy, chà đạp cả vào trận địa Lâm Ấp. Nhân đó Phương tung quân tinh nhuệ ra đánh kịch liệt: quân Lâm Ấp bị thua. Phương thúc quân đuổi theo, vượt qua phía nam cột đồng của Mã Viện, tám ngày thì đến kinh đô nước Lâm Ấp. Tháng tư, Phạn Chí bỏ thành, chạy ra phía biển. Lưu Phương vào thành, tước lấy 18 cái thần chủ thờ ở miếu. Những thần chủ ấy đều đúc bằng vàng. Sau đó
Lưu Phương đục bia ghi công rồi kéo về. Trong trận này quân Tùy bị chân phù thũng, chết đến bốn năm phần mười; Lưu Phương cũng bị bệnh, chết ở dọc đường.
Lời phê - Binh đao là hung khí, thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng để ngăn bọn gian bạo, giữ cho dân được yên ổn, đâu lại hám của, tham lợi, cầu làm thỏa thích lòng ham muốn của mình, để cho dân tàn nước hại, không hề tơ hào đoái hoài thương xót, sao lại nhẫn tâm đến thế được? Cổ nhân nói: "Một tướng thành công, hàng vạn xương cốt người khác phải khô héo", điều ấy không cần nói đến, huống chi tướng Tùy cũng không khỏi chết đường, nước Tùy rồi cũng mất theo. Việc này thực đáng là bài học sâu cay cho những kẻ sính dùng võ lực! Lời chua - Hoan Châu: Đời Hùng Vương xưa là bộ Hoài Hoan; đời Tần, thuộc Tượng quận; đời Hán, thuộc quận Nhật Nam; nhà Lương đổi là Đức Châu; nhà Tùy năm Khai Hoàng (581-600) đổi là Hoan Châu đến năm Đại Nghiệp (605-616), đổi là Nhật Nam. Nhà Đường, năm Trinh Quán (627-649) lại đặt làm Hoan Châu. Triều Đinh, Lê cũng theo tên này. Đến nhà Lý đổi là châu Nghệ An; nhà Trần đổi là trấn Lâm Giang; thuộc Minh đổi làm các phủ Nghệ An và Diễn Châu; nhà Lê, năm Quang Thuận (1460- 1469) đặt làm Nghệ An thừa tuyên. Nay là tỉnh Nghệ An.
Lâm Ấp: Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb.3, 20-21).
Chà Lê: Sách Thông giám tập lãm chua là ở phía bắc nước Chiêm Thành, nay chưa rõ chỗ nào.
Kinh Đô nước Lâm Ấp: Nay xét các xã sau đây đều có di tích thành cũ vua Chiêm, còn kinh đô nước Chiêm thì không rõ ở đâu: xã Trung Ái ở huyện Bình Chính và xã Uẩn Áo ở huyện Lệ Thủy thuộc tỉnh Quảng Bình; xã Nguyệt Biếu ở huyện Hương Thủy và xã Thành Trung ở huyện Quảng Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên; xã Thăng Bình ở huyện Diên Phúc thuộc tỉnh Quảng Nam; hai thôn Nam An, Bắc Thuận ở huyện Tuy Viễn thuộc tỉnh Bình Định.
Đồng Trị (cột đồng): Xem thuộc Hán, năm Kiến Vũ thứ 19 (Tb.2, 12-14).
Năm Tân Tị (621). (Đường, Cao tổ, năm Vũ Đức thứ 4).
Nhà Đường cử Khâu Hòa làm đại tổng quản158 Giao Châu.
Theo Đường thư , cuối năm Đại Nghiệp (605-616), trong nước (Trung Quốc dưới triều Tùy) khổ sở vì nạn quan lại tham nhũng, xâm hại, thường thường nổi dậy làm phản. Dượng đế thấy Khâu Hòa nhận chức ở đâu cũng tỏ ra là người tốt, bèn bổ làm thái thú Giao Chỉ. Khâu Hòa gần gụi nhân dân, hết lòng vỗ về chúng; những miền biên viễn đều được yên ổn. Các nước ở về phía tây nước Lâm Ấp thường đưa biếu Khâu Hòa hạt trai sáng, văn tê vàng bạc, của báu. Vì thế, Khâu Hòa giàu ngang với bọn vua chúa. Vua nhà Lương là Tiêu Tiển nghe thấy vậy, sai Nịnh Trường Chân đem quân Man, Lý sang đánh Khâu Hòa, Khâu Hòa sợ, muốn ra đón tiếp xin hàng, trưởng sử Cao Sĩ Liêm bảo Khâu Hòa rằng: "Quân của Trường Chân dẫu nhiều thực, nhưng từ xa đến đây, chắc cũng không thể ở lâu được. Quân sĩ trong thành còn có thể đánh nổi, việc gì mà phải chịu người ta áp chế!". Khâu Hòa theo lời Sĩ Liêm, cho Liêm làm hành quân tư mã, đón đánh đuổi được quân Trường Chân. Người quận Giao Chỉ thấy thế dựng bia ghi công Khâu Hòa. Khi nhà Tùy mất, Khâu Hòa xin thần phục nhà Đường, nhà Đường cho Khâu Hòa làm đại tổng quản Giao Châu, phong tước Đàm quốc công.
Lời chua - Khâu Hòa: Theo truyện Khâu Hòa trong Đường thư , Khâu Hòa, người đất Lạc Dương, trước làm quan nhà Chu đến chức khai phủ nghi đồng tam ti; sau theo nhà Tùy, làm quan ở ba châu Tư, Lương, Bồ, đều có tiếng là người khoan hòa.
Tiêu Tiển: Cháu bốn đời Tuyên đế nhà Lương. Theo Cương mục (Trung Quốc), năm Đại Nghiệp thứ 13 (617) đời Dượng đế nhà Tùy, Tiêu Tiển khởi binh tự xưng là
Lương vương; đến đời Cung đế năm Nghĩa Ninh thứ hai (618), tự xưng là đế, chiếm địa vực phía đông từ Cửu Giang, phía tây đến Tam Hiệp, phía nam đến tận Giao Chỉ, phía bắc tới Hán Xuyên. Về sau, Tiêu Tiển đầu hàng nhà Đường.
Nịnh Trường Chân: Theo Khâm Châu chí của Chu Xuân Niên, Trường Chân là con Nịnh Mãnh Lực, thứ sử Khâm Châu. Khi Mãnh Lực chết, Trường Chân thay cha làm thứ sử. Trường Chân có quân đội mạnh, gồm có cả mấy quận Uất Châu. Sau Trường Chân hàng nhà Đường, từ đó mấy châu Giao (châu), Ái (châu) mới giao thông được với nhau.
Cao Sĩ Liêm: Người đất Tu thuộc Bột Hải. Khoảng năm Nhân Thọ (601-604), đậu văn tài giáp khoa, được bổ làm trị lễ lang, sau vì can cữu, bị giáng chức làm chủ bạ Chu Diên, Khâu Hòa cử lên làm tư pháp thư tá; về sau, cùng với Khâu Hòa cùng ra hàng nhà Đường, làm quan đến chức hữu bộc xạ.
Năm Kỷ Mão (679). (Đường, Cao Tông, năm Điều Lộ thứ 1).
Tháng 8, mùa thu. Nhà Đường bắt đầu đặt ra An Nam đô hộ phủ, phủ lỵ ở Giao Châu.
Theo Đường thư , An Nam đô hộ phủ vốn là quận Giao Chỉ, phủ lỵ ở Giao Chỉ, thống trị 12 châu, là: Giao Châu, Lục Châu, Phong Châu, Ái Châu, Hoan Châu, Trường Châu, Phúc Lộc châu, Thang Châu, Chi Châu, Vũ Nga châu, Diễn Châu, Vũ An châu.
Lời cẩn án - Theo Sử của Ngô [Thì] Sĩ, nhà Đường đổi quận Giao Chỉ làm An Nam đô hộ phủ gồm có An Nam (nên chép là Giao Châu), Ái Châu, Phúc Lộc châu, Hoan Châu, Phong Châu, Lục Châu, Diễn Châu, Trường Châu. Các châu trên đây đều ở trong địa giới nước ta. Còn như Thang Châu, Chi Châu, Vũ Nga châu, Vũ An châu, chưa chắc đã phải là đất An Nam cả. Vì tại cương giới các châu ấy giáp với Nam Giao nên cũng để thuộc về đô hộ phủ đó thôi. Nay xét: Theo sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử nhà Tống, đất Trường Châu cùng với Cửu Chân là một, thì Trường Châu phải ở gần đất Thanh Hóa bây giờ, nhưng chưa biết đích xác là chỗ nào. Theo sách Thanh Nhất thống chí, ở Khâm Châu có ba huyện Ô Lôi, Hoa Thanh và Ninh Hả, hiện còn có thành cũ bỏ hoang. Vậy thì Lục Châu thuộc về Khâm Châu nhà Thanh, nếu bảo là ở địa giới nước ta cả thì e lầm chăng. Lại như Địa dư chí trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú bảo Hưng Hóa là Chi Châu đời Đường, Tuyên Quang là Thang Châu đời Đường; Thái Nguyên là Vũ Nga châu đời Đường; An Bang tức bây giờ là Quảng Yên, đời Đường gọi là Vũ An châu. Không biết Phan Huy Chú căn cứ vào đâu mà chép thế, nhưng cũng ghi lại để tham khảo. Lời chua - Theo Địa lý chí trong Đường thư :
Giao Châu thống lĩnh 8 huyện là Tống Bình, Nam Định, Thái Bình, Giao Chỉ, Chu Diên, Long Biên, Bình Đạo và Vũ Bình.
Lục Châu thống lĩnh 3 huyện, là: Ô Lôi, Hoa Thanh và Ninh Hải.
Phong Châu thống lĩnh 5 huyện, là: Gia Ninh, Thừa Hóa, Tân Xương, Cao Sơn và Châu Lục.
Ái Châu thống lĩnh 6 huyện, là: Cửu Chân, An Thuận, Sùng Bình, Quân Ninh, Nhật Nam và Trường Lâm.
Hoan Châu thống lĩnh 4 huyện, là: Cửu Đức, Phố Dương, Việt Thường và Hoài Hoan.
Trường Châu thống lĩnh 4 huyện, là: Văn Dương, Đồng Thái, Trường Sơn và Kỳ Thường.
Phúc Lộc châu thống lĩnh 3 huyện, là: Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc.
Thang Châu thống lĩnh 3 huyện, là: Dương Tuyền, Lục Thủy và La Thiều.
Chi Châu thống lĩnh 7 huyện, là: Hân Thành, Phú Xuyên, Bình Tây, Lạc Quang, Lạc Diễm, Đa Vân và Ân Long.
Vũ Nga thống lĩnh 7 huyện, là: Vũ Nga, Như Mã, Vũ Nghĩa, Vũ Di, Vũ Duyên, Vũ Lao và Lương Sơn.
Diễn Châu thống lĩnh 7 huyện, là: Trung Nghĩa, Hoài Hoan, Long Trì, Tư Nông, Vũ Lang, Vũ Dung và Vũ Kim.
Vũ An châu thống lĩnh 2 huyện, là: Vũ An và Lâm Giang.
Năm Điều Lộ thứ nhất: Sử cũ chép lầm là năm Vũ Đức thứ năm; nay theo Đường thư, đổi lại.
Giao Châu: Đặt từ đời Hán, lấy 7 quận ở Giao Chỉ lệ thuộc Giao Châu.
Phong Châu: Xem Hùng vương (Tb, 1, 2, ...)
Ái Châu: Xem thuộc Lương, Vũ đế, năm Phổ Thông thứ 4 (Tb.3, 33)159 .
Chi Châu: Bộ Tân Hưng xưa, nay là tỉnh Hưng Hóa.
Diễn Châu: Bộ Việt Thường xưa, nay là phủ Diễn Châu thuộc tỉnh Nghệ An.
Phúc Lộc châu: Nay ở địa giới tỉnh Thanh Hóa, nhưng chưa rõ chỗ nào.
Trường Châu, Thang Châu: Bộ Vũ Định xưa, nay là Tuyên Quang.
Vũ Nga châu: Bộ Vũ Định xưa, nay là Thái Nguyên. (Hoài Hoan nguyên thuộc Hoan Châu, đầu năm Trinh Quán (627-650) đổi tên là Diễn Châu, rồi lại bỏ. Năm Quảng Đức thứ hai (764) lại tách đất ở Hoan Châu đặt ra Hoài Hoan).
Năm Đinh Hợi (687). (Đường, Trung Tông, năm Tự Thánh thứ 4).
Tháng 7, mùa thu. Đám người Lý160 làm loạn, giết đô hộ Lưu Diên Hựu. Tư mã Quế Châu là Tào Huyền Tĩnh đi đánh, bình được.
Theo Đường thư , trước kia, đám người Lý hằng năm nộp tô có một nửa số đã quy định. Diên Hựu bắt phải nộp cả số ấy. Mọi người đều oán, mưu định cùng nhau dấy loạn. Diên Hựu giết chết người cầm đầu là Lý Tự Tiên. Dư đảng của Tự Tiên là bọn Đinh Kiến nổi lên làm phản, họp nhau lại vây phủ thành. Trong thành quân ít, không thể chống lại được, bèn đóng cửa thành, đợi quân cứu viện. Phùng Tử Du là một đại tộc ở Quảng Châu, nhân dịp đó, mong để lập công, đóng quân lại không đi cứu. Diên Hựu bị giết. Về sau, tư mã Quế Châu là Tào Huyền Tĩnh đem quân sang đánh, chém được Đinh Kiến.
Lời chua - Diên Hựu: Theo truyện Lưu Diên Hựu trong Đường thư , Hựu là người đất Bành Thành thuộc Từ Châu, đậu tiến sĩ có sở năng về nghề làm quan lại, trước đã làm thứ sử Cơ Châu, sau đổi sang làm đô hộ An Nam.
Huyền Tĩnh: Sử cũ chép là Trực Tĩnh.
Tự Tiên: Sử cũ chép là "Tiên".
Tử Du: Sử cũ chép là Do đều lầm; nay theo Đường thư, đổi lại.
Năm Nhâm Tuất (722). (Đường, Huyền tông, năm Khai Nguyên thứ 10).
Tháng 7, mùa thu. Ở Hoan Châu Mai Thúc Loan giữ lấy châu, tự xưng đế. Nhà Đường, sai bọn nội thị Dương Tự Húc sang đánh, phá được.
Theo Đường thư , khoảng năm Khai Nguyên (713-741), An Nam có Mai Thúc Loan làm phản, tự xưng là Hắc đế, chiêu tập quân 32 châu, ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, giữ vùng biển nam, quân số có đến 40 vạn. Tư Húc xin đi đánh, chiêu mộ 10 vạn quân, cùng với Quang Sở Khách tiến quân theo đường cũ của Mã Viện, nhân lúc bất ý, sập đến đánh. Thúc Loan hoang mang nao núng, không kịp mưu tính cách đối phó, bị thua to. Tư Húc mới chôn những xác chết chung vào một nơi, đắp thành cái gò cao (Kình quán), để ghi chiến công của mình, rồi rút quân về.
Lời cẩn án - Khoảng năm Khai Nguyên (713-741) nhà Đường, An Nam đô hộ phủ vẫn còn ở Giao Châu, thống trị 12 châu, 59 huyện, đều đặt các quan thú, tể để quản trị; Việc đánh thuế tô1, thuế điệu2 và bắt lính đều tuân theo lệnh nhà Đường; lúc Mai Thúc Loan khởi lên, thì phủ đô hộ với các châu Phong, Ái, Lục, Diễn chưa nghe thấy có đâu là thuộc về Mai Thúc Loan đóng giữ, như vậy Mai Thúc Loan làm thế nào mà chiêu tập được người 32 châu, có số quân đến 40 vạn? Trộm nghĩ Thúc Loan chẳng qua giữ được một châu, thế lực cũng nhỏ. Bấy giờ Đường Huyền Tông thích lập công ở biên giới, bọn Tư Húc và Sở Khách thì lợi dụng xứ này ở nơi hiểm trở xa xôi, nên mới thổi phồng thanh thế bên địch để cầu lấy công cán và phong thưởng đó thôi. Nếu không phải thế thì sau giáp binh và đất đai như thế, mà quân nhà Đường mới thoạt kéo đến đã vội kinh hãi tan rã ngay? Sử cũ cũng chép Thúc Loan ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân có 30 vạn có lẽ cũng cứ dựa qua vào Đường thư, chứ chưa xét đến sự thực. Lời chua - Dương Tư Húc: Theo truyện Dương Tư Húc trong Đường thư , Tư Húc là hoạn quan người Thạch Thành thuộc La Châu, gốc tích là họ Tô.
Quang Sở Khách ( Sử cũ chép Nguyên Sở Khách là lầm): Người Giang Lăng, hồi đầu niên hiệu Khai Nguyên, sang làm An Nam đô hộ.
Chân Lạp: Tên nước. Xem thuộc Đường, Tuyên Tông, năm Đại Trung thứ 12 (Tb.4, 39).
Kim Lân: Tên nước. Theo sách Thái Bình ngự lãm đời Tống nước Kim Lân còn có tên gọi là Kim Trần. Ngoại quốc truyện chép: từ phía tây Phù Nam đi hơn 2.000 dặm thì đến Kim Lân.
Đường cũ của Mã Viện: Theo sách Khâm Châu chí của Chu Xuân Niên, núi Ô Lội liên tiếp chạy ra biển lớn, (đứng đó) nhìn về phía tây thấy Hải Đông phủ thuộc Giao Chỉ. Mã Phục Ba khi vào An Nam đi theo đường này. Ở đấy có miếu thờ Mã Phục Ba. Theo sách Quận quốc lợi bệnh thư của Cố Viêm Vũ, triều Minh: từ Mã Phục Ba về sau, thủy quân (Trung Quốc) đều đi từ phía nam Khâm Châu ra biển lớn, giương buồm đi một ngày tới trấn Triều Dương thuộc Giao Châu. Nơi đường cũ Mã Viện, tức là đường này.
Mai Thúc Loan: Người Mai Phụ, huyện Thiên Lộc huyện Hoan Châu, bây giờ thuộc huyện Can Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thúc Loan người đen lắm, nên người Hoan Châu gọi là Hắc đế. Nay còn có vết thành cũ ở núi Vệ thuộc huyện Nam Đường và có đền thờ ở xã Hương Lãm thuộc huyện ấy. Đền này được liệt vào hàng đền thờ đế vương các triều đại.
Năm Đinh Dậu (757). (Đường, Túc Tông, năm Chí Đức thứ 2).
Nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ làm Trấn Nam đô hộ phủ.
Lời chú - Trấn Nam đô hộ: trị sở và các châu thống trị, xem: thuộc Đường, Cao Tông Điều lộ năm đầu (Tb.4, 18). Năm Đinh Mùi (767). (Đường, Đại Tông, năm Đại Lịch thứ 2).
Nước Côn Luân, nước Chà Bà161 vào lấn cướp. Kinh lược sứ162 là Trương Bá Nghi đánh phá được; đắp La Thành.
Theo sách An Nam kỷ yếu, Côn Luân và Chà Bà đánh hãm châu thành. Trương Bá Nghi cầu viện với đô úy quận Vũ Định là Cao Chính Bình. Viện binh đến đánh phá được quân giặc ở Chu Diên. Bá Nghi lại đắp La Thành.
Lời chua - Chà Bà: Theo Nam Man truyện trong Đường thư , nước Chà Bà, phía đông giáp Lục Chân Lạp, phía tây giáp Đông Thiên Trúc, phía nam liền với biển, phía bắc giáp Nam Chiếu. Chà Bà có 18 nước phụ thuộc; lại có bộ Tiểu Côn Luân và nước Đại Côn Luân.
Côn Luân: Theo Quận quốc lợi bệnh thư của Cố Viêm Vũ, Côn Luân ở về phía nam nước Lâm Ấp. Căn cứ vào tài liệu đó thì đất đai của nước Chà Bà bao gồm cả các nước Tiêm La, Diến Điện; chỉ vì nước Chà Bà không có thống thuộc, xứ sở nào hùng trưởng ấy, đều sống về nghề đi cướp bóc; nay bị các nước Tiêm La, Diến Điện kiêm tính mất rồi. Những xứ Tất Lực, Hạ Liêu, Giang Lưu Ba và Ma Lục Giáp cũng đều bị người Tây Dương chiếm cứ cả. Người ta hãy còn gọi người bản thổ là Chà Bà. Côn Luân lại là thuộc quốc của nó. Nay về hải phận Vĩnh Long, còn có cù lao Đại Côn Luân, Tiểu Côn Luân, dân Hán163 đến ở làm ăn tại đó cũng đã lâu đời.
Vũ Định: Theo Địa lý chí trong Đường thư , là tên một cơ mi châu164 .
Bá Nghi: Theo Truyện Lý Quang Bật trong Đường thư , Bá Nghi người Nguỵ Châu, lúc trước vì có chiến công, nên lệ thuộc vào quân Lý Quang Bật.
Chu Diên: Xem Hùng Vương (Tb.I, 3...)
La Thành: Xem thuộc Đường, Ý Tông, năm Hàm Thông thứ 7 (Tb.5, 10...).
Vua nhà Đường hạ chiếu nêu khen người đàn bà tiết nghĩa ở Giao Châu là Kim thị.
Theo truyện Liệt Nữ trong Đường thư, tiết phụ Kim thị là mẹ tướng giặc Đào Tề Lượng. Kim thị thường lấy điều trung nghĩa khuyên bảo Tề Lượng, nhưng Tề Lượng ngoan ngạnh, không chịu vâng lời, Kim thị liền từ con, tự làm ruộng lấy thóc ăn, tự dệt vải may áo mặc, xóm làng đều cho là một người gương mẫu. Vua Đường hạ chiếu cho hai người đến hầu hạ nuôi nấng, và quan sở tại phải thường lui tới thăm hỏi suốt đời Kim thị.
Lời chua - Đào Tề Lượng: Người Giao Châu.
Năm Mậu Thân (768). (Đường, năm Đại Lịch thứ 3).
Nhà Đường lại đổi Trấn Nam làm An Nam đô hộ phủ.
Năm Tân Mùi (791). (Đường, Đức Tông, năm Trinh Nguyên thứ 7).
Tháng 4, mùa hạ. Người Đường Lâm thuộc Phong Châu là Phùng Hưng khởi binh, đánh phủ đô hộ và chiếm giữ phủ lỵ.
Trước kia Phùng Hưng người Đường Lâm thuộc Phong Châu, vốn là nhà hào phú, lại có sức khỏe, có thể vật nổi trâu, đánh được hổ. Khoảng năm Đại Lịch (766-779) nhà Đường, nhân thời buổi loạn lạc, Phùng Hưng cùng với em là Phùng Hải đem quân uy phục được các ấp láng giềng, tự xưng là đô quân; Phùng Hải xưng là đô bảo. Khi bấy giờ chính sách của đô hộ165 là Cao Chính Bình, đánh thuế nặng lắm. Phùng Hưng đánh Chính Bình mãi không được, mới dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân đến vây phủ: Chính Bình vì lo sợ mà chết. Phùng Hưng vào ở trong phủ lạy, được ít lâu thì mất. Dân chúng lập con là An lên làm đô phủ quân, tôn Hưng làm Bố Cái đại vương.
Lời chua - Cao Chính Bình: Theo sách An nam kỷ yếu, Cao Chính Bình người thời Đại Tông nhà Đường, trước làm đô úy Vũ Định, vì có công đem quân cứu viện Trương Bá Nghi, được phong làm đô hộ.
Đường Lâm: Tên xã xưa. Sử cũ chua ở huyện Phúc Lộc. Phúc Lộc nay đổi tên là Phúc Thọ thộc tỉnh Sơn Tây. Xét theo Sơn Tây tỉnh sách166 , xã Cam Lâm thuộc huyện Phúc Thọ, xưa gọi là Đường Lâm167 . Phùng Hưng và Ngô Quyền đều là người xã này cả. Bây giờ vẫn còn đền thờ.
Phong Châu: Sử cũ chép lầm là Giao Châu, nay sửa lại. Xét Đường thư, bản kỷ , đời Đức Tông, năm Tring Nguyên thứ 7 (791), chỉ chép rằng tù trưởng An Nam là Đỗ Anh Hàn làm phản, chứ không chép việc Phùng Hưng, có lẽ vì ở cách xa nước ta, nên không rõ có việc Phùng Hưng.
Bố Cái: Sử cũ chua tục cổ nước ta gọi cha là bố gọi mẹ là cái, nên đặt Bố Cái làm tôn hiệu.
Tháng 7, mùa thu. Nhà Đường dùng Triệu Xương làm đô hộ.
Theo sách An Nam kỷ yếu , bấy giờ Giao Châu chưa yên, Triệu Xương đến nơi, vỗ về phủ dụ, lòng dân mới yên. Triệu Xương sai sứ đến dụ Phùng An, Phùng An đem quân ra hàng, Triệu Xương được gia phong làm kinh lược chiêu thảo xử trí sứ, Triệu Xương đắp thêm La Thành, đi thăm khắp nơi núi sông danh thắng, cổ tích, đền miếu ở các đô quận, chép làm sách Phủ chí. Triệu Xương ở phủ được mười năm, vì đau chân, dâng biểu xin người khác sang thay.
Lời chua - Triệu Xương: Theo Đường thư , Triệu Xương tên tự là Hồng Tô, người Thiên Thủy, được thăng dần đến chức thứ sử Kiền Châu. Khi Đỗ Anh Hàn ở An Nam làm phản, nhà Đường dùng Xương làm đô hộ, dân Giao Châu hưởng ứng giáo hóa, không dám ngang ngược, Xương làm được mười năm, vì đau chân, xin về.
Năm Tân Tị (801). (Đường, năm Trinh Nguyên thứ 17).
Nhà Đường dùng Bùi Thái làm đô hộ.
Triệu Xương xin người sang thay, nhà Đường sai lang trung bộ Binh là Bùi Thái sang thay. Bùi Thái đến nơi, bắt quân sĩ lấp bỏ những hào rãnh ở trong thành, hợp làm một thành, lại đắp thành ở các châu Hoan và Ái. Sau đó Bùi Thái bị bộ tướng trong châu là Vương Quý Nguyên đuổi đi.
Năm Quý Mùi (803). (Đường, năm Trinh Nguyên thứ 19).
Tháng 12, nhà Đường lại cử Triệu Xương sang làm đô hộ.
Theo Đường thư , bấy giờ Triệu Xương về triều làm tế tửu chưa được bao lâu, bộ tướng Giao Châu đánh đuổi Bùi Thái. Đức Tông vời Triệu Xương tới để hỏi tình hình. Triệu Xương bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, tâu bày rõ ràng không lẫn; Đức Tông lấy làm lạ, lại cử sang làm đô hộ. Khi tờ chiếu đến nơi, người Giao Châu cùng nhau mừng rỡ; quân làm phản liền yên ngay. Triệu Xương sau thăng làm tiết độ
sứ168 đất Lĩnh Nam, dẹp yên và hàng phục được những nơi biên viễn. Vì có công, Xương được thăng thượng thư bộ Công, tước thái tử thiếu bảo, năm chết đã tám mươi nhăm tuổi, vua Đường truy tặng cho Xương chức Dương Châu đại đô đốc.
Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Diên Hựu ngược đãi dân Lý, gây ra cuộc khởi loạn của Đinh Kiến. Chính Bình đánh thuế dân Giao Châu quá nặng169 , đã thúc đẩy Đỗ Anh Hàn khởi binh. Triệu Xương đến lần trước, yên ngay được dân; đến lần sau, dẹp xong được loạn. Quan lại ở biên cảnh tốt hay xấu, quan hệ đến như thế. Chẳng qua hồi đó người Bắc (Trung Quốc) cho Giao Châu ta là nơi hẻo lánh xa xôi, coi nhẹ việc kén chọn người giỏi, nên dân thời bấy gờ phải cảnh lầm than, không kêu đâu được. Đọc sử đến đây, đáng vì dân thời ấy mà ngậm ngùi than thở! Năm Mậu Tí (808). (Đường, Hiến Tông, năm Nguyên Hòa thứ 3).
Nhà Đường dùng Trương Chu làm đô hộ. Trương Chu sửa đắp lại thành Đại La.
Theo sách An Nam kỷ yếu , Trương Chu làm kinh lược phán quan, khi thăng lên làm đô hộ, hắn sửa đắp lại thành Đại La, đóng chiến thuyền "mông đồng" ba trăm chiếc mỗi chiếc có 25 quân chiến, 23 tay chèo. Khi thuyền đang chèo, xuôi ngược như bay. Hai thành Hoan Châu và Ái Châu trước kia bị Hoàn vương170 đánh phá, bấy giờ đều sửa đắp lại.
Lời chua - Theo sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử nhà Tống, năm Nguyên Hòa thứ 4 (809) đô hộ An Nam là Trương Chu đánh viên Hoan - Ái đô thống giặc của Hoàn vương quốc, giết được hơn ba vạn người.
Mông đồng: Thứ thuyền hẹp mà dài, dùng để xông đánh thuyền giặc.
Hai thành Hoan, Ái: Trước kia do Bùi Thái đắp.
Hoàn vương: Tên gọi vua nước Lâm Ấp.
Năm Kỷ Hợi (819). (Đường, năm Nguyên Hòa thứ 14).
Thứ sử Hoan Châu là Dương Thanh làm phản, đánh úp phủ thành, giết đô hộ Lý Tượng Cổ.
Theo Cương mục (Trung Quốc), Tượng Cổ là người tham lam khắc nghiệt, mất lòng mọi người. Dương Thanh là nhà nhiều đời làm tù trưởng dân Man. Tượng Cổ cho làm nha tướng171 sai đi đánh Man Hoàng Động, Dương Thanh nhận thấy lòng người ai cũng oán giận Tượng Cổ, đang đêm, quay về đánh úp lấy phủ thành, giết Lý Tượng Cổ.
Theo Đường thư , Dương Thanh là Man Tù172 , vẫn uất ức muốn khởi loạn. Nhân dịp đi đánh giặc Hoàng Động, được Lý Tượng Cổ giúp cho binh sĩ, Dương Thanh liền đem quân quay lại đánh úp lấy châu thành, giết Lý Tượng Cổ. Nhà Đường hạ chiếu tha tội Dương Thanh và cho làm Thứ sử Quỳnh Châu, dùng Quế Trọng Vũ làm Đô hộ. Dương Thanh chống cự lại, không tuân lệnh. Quế Trọng Vũ đi dụ riêng từng người đầu sỏ trong đám dân Man, rồi đánh chém được Dương Thanh, tru di cả họ.
Lời chua - Tượng Cổ: Theo Đường thư truyện Tào Vương Minh , Tượng Cổ là con Lý Cao, tông thất nhà Đường, năm Nguyên Hòa thứ 14 (819), làm đô hộ An Nam.
Quế Trọng Vũ: Sử cũ chép sai là Quế Trọng; nay chữa lại.
Hoàng Động: Theo Đường thư, Nam man truyện , các người Man ở Tây Nguyên có họ Hoàng ở động Hoàng Chanh, đất giáp với Nam Chiếu, gọi là Man Hoàng Động, đánh mười tám châu Quế Quản, đi đến đâu đốt cướp đến đấy; người Đường gọi là Hoàng tặc. Khi quân phủ đô hộ nổi loạn, Hoàng tặc giúp Dương Thanh giết Lý Tượng Cổ.
Quỳnh Châu: Theo Thanh Nhất thống chí , là đất Châu Nhai đời Hán, nhà Đờng chia đặt ra Quỳnh Châu, thuộc Lĩnh Nam đạo.
Nhà Đường dùng Mã Tổng làm đô hộ.
Theo Đường thư , Mã Tổng, do chức thứ sử Kiền Châu thăng lên làm đô hộ An Nam, là người thanh liêm, không quấy nhiễu dân, đem học thuật nho gia rèn luyện phong tục, chính sự tốt đẹp, người Lý người Lạo đều yên cả. Mã Tổng dựng hai cột đồng, ghi chép công đức nhà Đường và tỏ ra mình là con cháu Phục Ba (Mã Viện).
Lời cẩn án - Mã Tổng làm Đô hộ, chính sự tốt đẹp , Sử cũ bỏ sót không chép. Nay khảo trong Đường thư, xin bổ sung vào; Nhưng chính truyện Mã Tổng chỉ cho biết là vào khoảng năm Nguyên Hòa (806-802) chứ không chép rõ năm, tháng, cho nên nay chép luôn vào cuối năm Nguyên Hòa để giữ lấy sự thực. Lời chua - Mã Tổng: Theo truyện Mã Tổng , Tổng tên tự là Nguyên Hội, người Phù Phong.
Kiến Châu: Theo địa lý chí trong Đường thư , Kiến Châu thuộc đạo Giang Nam.
Đồng trụ: Xem thuộc Hán, năm Kiến Vũ thứ 19 (Tb.II, 12).
Năm Giáp Thìn (824). (Đường, Mục Tông, năm Trường Khánh thứ 4).
Tháng 11, mùa đông. Đô hộ là Lý Nguyên Gia dời phủ thành ra ngoài cửa Đông Quan.
Theo sách An Nam kỷ yếu , Lý Nguyên Gia cho rằng trước cửa thành là dòng nước chảy ngược, sợ người Giao Châu hay làm phản. Vì thế dời phủ trị (tới trên bờ) sông Tô Lịch. Khi đang đắp cái thành nhỏ, có người đến xem bảo rằng: "Nhà ngươi không đủ sức đắp cái thành lớn, 50 năm nữa có người họ Cao sẽ đóng đô dựng phủ ở đây". Đến giữa niên hiệu Hàm Thông (860-873), Cao Biền đắp La Thành, đúng như lời người ấy.
Lời chua - Tô Lịch: Một nhánh của sông Nhị Hà. Theo Thanh nhất thống chí , sông Tô Lịch đi từ phía đông thành phủ Giao Châu, chuyển sang phía bắc rồi đi sang phía tây, thẳng đến sông Nhuệ. Xưa kia có người tên là Tô Lịch ở đấty, cho nên gọi sông ấy là sông Tô Lịch. Hồi đầu niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1424) nhà Minh, Hoàng Phúc lại đào thêm, nhân đổi tên gọi là sông Lai Tô. Nay ở phía đông tỉnh Hà Nội, đất huyện Thọ Xương có cái cửa sông, đấy là chỗ phân lưu từ sông Nhị Hà.
Năm Ất Tỵ (825). (Đường, Kính Tông, năm Bảo Lịch thứ 1).
Nhà Đường dời phủ lỵ đô hộ sang Tống Bình.
Lời chua - Tống Bình: Theo sách Phương dư kỷ yếu173 của Cố Tổ Vũ, Tống Bình ở phía nam phủ lỵ. Nó là đất huyện Long Biên đời Hán; đầu đời Lưu Tống tách ra đặt làm huyện Tống Bình, đời Tùy thuộc về Giao Châu. Vậy thì Tống Bình phải ở miền ngoại ô phủ Đô hộ cũ. Theo Thanh nhất thống chí , huyện Tống Bình thuộc Giao Châu xưa, ở đây còn có thành cũ Liên Thụ ở phía tây huyện 75 dặm. Nay xét thành Liên Thụ là trị sở quận Giao Chỉ hồi đầu đời Hán, ở vào xã Lũng Khê huyện Siêu Loại tỉnh Bắc Ninh hiện nay, cách tỉnh thành Hà Nội hơn 30 dặm.
Năm Mậu Thân (828). (Đường, Văn Tông, năm Thái Hòa thứ 2).
Thứ sử Phong Châu là Vương Thăng Triều làm phản. Đô hộ là Hàn Ước đánh giết được.
Theo Đường thư , Hàn Ước là người có chí dũng quyết, lõm bõm sử sách, có tài hành chính; trước đã làm thứ sử Kiền Châu. Đến khi Thăng Triều làm phản, Hàn Ước lĩnh chức An Nam đô hộ, đánh dẹp yên, Thăng Triều bị giết. Sau, quân phủ đô hộ nổi loạn, Hàn Ước bị đuổi, chạy về Quảng Châu.
Lời chua - Hàn Ước: Theo truyện Vương Phan trong Đường thư , Hàn Ước người Vũ Lăng thuộc Lãng Châu, tiến thân bằng tiền và thóc174 .
Năm Bính Thìn (836). (Đường, năm Khai Thành thứ 1).
Nhà Đường dùng Mã Thực làm đô hộ.
Theo Đường thư, hồi đầu năm Khai Thành (836-840), Mã Thực làm An Nam đô hộ, là người giỏi việc hành chính, cách ăn ở văn nã, làm việc quan thanh liêm trong sạch, không phiền nhiễu, dân các động đều được yên ổn. Thủ lĩnh các châu cơ mi175 đầu thần phục, xin chịu theo khuôn phép về việc thuế má. Năm Khai Thành thứ ba (838), Mã Thực tâu xin đổi huyện Vũ Lục, làm châu Vũ Lục, kén người thủ lĩnh ở đấy cho làm thứ sử. Vua Đường y theo lời xin ấy. Nhưng rồi ra lại bỏ, không đặt làm châu nữa. Lúc ấy có điềm: một cái ao trước vẫn sản ngọc châu, rồi một dạo tự nhiên mất đi, nay trong cái ao ấy lại sinh sản ngọc châu như cũ. Vì Mã Thực là viên quan có chính tích trội nhất nên được thăng làm quan sát sứ ở Kiềm Trung.
Lời cẩn án - Theo Liệt truyện trong Đường thư, Mã Thực làm đô hộ, chính sự trong sạch, dân các động được yên. Hạt châu ở ao lại sinh sản như xưa: đó là tiết thanh bạch cảm đến cả loài vật. Sách Thanh nhất thống chí liệt tên Mã Thực vào hàng các quan có tiếng ở An Nam, cùng với Triệu Xương, Vương Thức đều xứng đáng là những người trội nhất trong đám thú lệnh. Lại theo Địa lý chí trong Đường thư, năm Khai Thành thứ ba (838), Mã Thực dâng biêu xin đặt châu Vũ Lục. Việc ấy có chứng cứ rõ àng, thế mà Sử cũ bỏ sót không chép, chỉ chép "Thuộc Đường, năm Hội Xương thứ nhất (841), Vũ Hồn thay Hàn Ước làm kinh lược sứ". Nay xét Đường thư Bản kỷ, đời Văn Tông, năm Thái Hòa thứ ba (829), Ước bị quân nổi loạn đuổi. Kể từ năm Thái Hòa thứ hai (828) đến năm Hội Xương thứ nhất (841), trong khoảng đó còn có niên hiệu Khai Thành (836-840) gồm 5 năm phải còn có Mã Thực làm đô hộ. Vậy thì Vũ Hồn kế chân Mã Thực, chứ không phải thay chân Hàn Ước. Nay theo Đường thư, xin bổ chính để nêu rõ người thú mục tốt và chữa chỗ sai lầm. Lời chua - Mã Thực: Theo truyện Mã Thực , Thực là người Phù Phong, đậu tiến sĩ, lại đậu khoa chế sách.
Cơ mi: Theo Địa lý chí trong Đường thư , Thái Tông nhà Đường, sau khi bình định các Phiên Quốc176 thì Man Di các nơi dần dần nội thuộc, lúc ấy nhà Đường lấy ngay các bộ lạc của họ đặt thành châu, huyện, dùng người thủ lĩnh bộ lạc làm đô đốc, làm thứ sử, họ đều được cha truyền con nối, gọi là "cơ mi". Theo sách Cương mục tập lãm dẫn thiên Hán quan nghi nói rằng: (đồ vật làm đầu) ngựa gọi là cơ , (đồ vật dàm hai má) trâu gọi là mi . Ý nói kiềm chế các rợ mọi (tứ di) phải lỏng lẻo như đem buộc "cơ", "mi" cho loài trâu ngựa.
Vũ Lục châu: Tên một châu cơ mi, nay không biết ở đâu.
Trì châu: Theo Hán Thư , khi Mạnh Thường làm Thái thú Hợp Phố, hạt châu (ngọc trai) đã mất đi ở Hợp Phố, lại thấy trở lại. Trong Thanh Nhất thống chí có chép
"Châu trì" (hồ sản hạt trai) ở phía đông nam huyện Hợp Phố, là nơi người trong quận đến mò hạt châu.
Năm Tân Dậu (841). (Đường, Vũ Tông, năm Hội Xương thứ 1).
Nhà Đường dùng Vũ Hồn làm Kinh lược sứ.
Vũ Hồn đến nơi, bắt tướng sĩ sửa phủ thành; quân lính ở phủ Đô Hộ lại khởi loạn, đốt lầu thành, cướp kho đạn. Vũ Hồn phải chạy về Quảng Châu. Viên giám quân là Đoàn Sĩ Tắc dẹp yên đám quân lính làm loạn, Giao Châu mới được yên.
Năm Bính Dần (846). (Đường, năm Hội Xương thứ 6).
Tháng 9, mùa thu. Quân Man Nam Chiếu vào lấn cướp. Kinh lược sứ Bùi Nguyên Dụ đem quân các đạo đánh bại được địch.
Lời chua - Đường thư Bản kỷ chép là "tháng 9 năm Hội Xương thứ 6", Sử cũ chép sai là tháng 7, mùa thu.
Nam Chiếu , theo Lời chua của sách Cương mục (Trung Quốc), gốc tích người Nam Chiếu vốn là giống Man Di ở Ai Lao. Vị trí ở phía tây Diêu Châu. Theo Địa lý chí trong Đường thư , Nam Chiếu ở quận Vân Nam thuộc Diêu Châu, phía đông nam giáp Giao Chỉ, phía tây bắc giáp Thổ Phồn. Tiếng Man gọi vua là Chiếu. Trước kia có 6 Chiếu, Tức là: Mông Tuấn, Việt Tích, Lãng Khung, Đăng Đạm, Thi Lãng và Mông Xá. Mông Xá ở mãi về phía nam, nên gọi là Nam Chiếu. Đến năm Khai Nguyên (713-741) nhà Đường Nam Chiếu dưới đời Bì La Cáp, mỗi ngày một mạnh lớn thêm lên, còn năm Chiếu kia thì suy yếu đi. Lúc đó, Bì La Cáp mới lấy tiền của đút lót cho tiết độ sứ Kiếm Nam là Vương Dục, xin hợp 6 đất Chiếu làm một. Triều đình ưng theo và đặt tên cho là Quy Nghĩa. Từ bấy giờ chúng mới lấy vũ lực phục được các Man khác, phá được Thổ Phồn, dời sang ở thành Thái Hòa, thành ra sau này Nam Chiếu làm mối lo cho miền biên giới. Theo Đường thư, truyện Nam Chiếu, Nam Chiếu từ năm Khai Nguyên (713-741), Bì La Cáp hợp 6 Chiếu làm một, truyền mãi đến con Phong Hựu là Từ Long, năm Hàm Thông thứ I (860), tiếm xưng đế, đặt niên hiệu là Kiến Cực, gọi tên nước là Đại Lễ, thường sang lấn cướp Giao Châu, bị Cao Biền đánh, thua chạy về nước.
Năm Đinh Sụu (857). (Đường, Tuyên Tông, năm Đại Trung thứ 11).
Tháng 4, mùa hạ. Nhà Đường dùng Chu Nhai làm kinh lược sứ.
Khi bấy giờ ở Giao Châu thường hay có giặc cướp ở nơi biên giới, Chu Nhai đang làm hữu can ngưu vệ đại tướng quân, đổi sang làm kinh lược sứ, không bao lâu lại về Quảng Châu.
Năm Mậu Dần (858). (Đường, năm Đại Trung thứ 12).
Tháng giêng, mùa xuân. Nhà Đường dùng Vương Thức làm kinh lược đô hộ sứ.
Theo Đường thư , Vương Thức đang làm thứ sử Tấn Câu, vì có tiếng giỏi, được thăng làm An Nam đô hộ: Người làm đô hộ trước, gặp lúc đang đại hạn, ruộng bị khô, lại làm lũy gỗ177 (để ngăn ngừa giặc cướp), bắt dân hàng năm nộp tiền. Đã không làm hoàn thành cho kịp thời, lại hạch sách và bắt dân đóng góp rất gắt gao! Đến khi Vương Thức sang làm đô hộ, Thức trích lấy tiền thuế một năm mua cây táo gai (cức mộc)178 , ken làm lũy suốt 12 dặm, bãi bỏ thuế ngoại phụ hàng năm để nhẹ cho thường dân; lại đào hào, rào lũy, ngoài trồng tre gai, giặc cướp không thể vào được. Sau, quân Man cướp Cẩm Điền bộ, Vương Thức sai người dịch lời mình hiểu dụ họ, một đêm kia quân Man kéo đi, sai người đến tạ rằng: "Chúng tôi tự đến bắt quân Lạo làm phản, chứ không phải làm giặc đâu".
Theo Cương mục (Trung Quốc), Vương Thức là người có tài năng và mưu lược, khi mới đến phủ, thấy đô hiệu là La Hành Cung đã từ lâu vẫn chuyên giữ chính quyền, số quân tinh nhuệ dưới cờ chỉ huy của hắn có tới hai nghìn người, còn quân của phủ đô hộ chỉ có mấy trăm người gầy yếu. Vương Thức đến nơi đem Hành Cung ra phạt trượng và cách thức.
Lời chua - Vương Thức: theo truyện Vương Bá trong Đường thư , Vương Thức người đất Thái Nguyên, đậu khoa hiền lương phương chính179 khoảng giữa niên hiệu Đại Trung (847-859), làm thứ sử Tấn Châu, cứu sống được mấy nghìn dân xiêu giạt, vì thế nổi tiếng được thăng làm đô hộ An Nam.
Cức mộc: Tên một thứ cây, dùng làm lũy, bền được vài mươi năm. Theo lời chua trong Cương mục180 , khoảng giữa niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1424) đời Minh, thượng thư Trần Hiệp, khi ở Giao Chỉ tìm được sách An Nam chí (có chép) Vương Thức đời Đường trồng cây táo gai làm chiến hào chìm181 , xung quanh hào trồng tre gai, giặc cướp không xâm phạm được. Nay ở Giao Chỉ có cây táo gai.
Cầm Điền: Chưa biết rõ ở đâu.
Bộ: Tức là bến đò; Cẩm điền bộ tức là bến đò Cẩm Điền. Theo sách Thanh Xương tạp ký , ở Lĩnh Nam gọi Tân (bến sông) là Bộ.
Tháng 5, mùa hạ. Quân Thổ man đến lấn cướp. Vương Thức đánh lùi được địch.
Theo truyện Nam Chiếu trong Đường thư , trước kia Lý Trác làm kinh lược sứ, khắc nghiệt tham ô, tự tư tự lợi, cứ mỗi đấu muối đổi lấy một con trâu, người Man Di không chịu nổi. Họ liên kết với tướng Nam Chiếu là Đoàn Tù Thiên cướp phủ đô hộ. Họ tự xưng là Bạch Y một mệnh quân (Quân Áo trắng liều mạng). Lý Trác lại giết tù trưởng người Man là Đỗ Tồn Thành; dân chúng Thổ Man đều oán giận, dắt người Nam Chiếu vào cướp vùng biên giới. Vì thế Giao Châu mới xảy ra mối lo ở biên cương; đến đây người Man lại vào cướp. Vương Thức đánh lui được quân Man.
Tháng 7, mùa thu. Dân Giao Châu nổi loạn, vây phủ thành Vương Thức bắt giết dân nổi loạn.
Theo sách An Nam kỷ yếu , khi bấy giờ có gian dân182 họp nhau làm loạn. Nhân ban đêm, họ đánh trống reo hò, kéo đến vây thành, phao đồn là quan kinh lược sứ Chu Nhai sai đạo binh dưới cờ là Hoàng đầu quân183 vượt biển sang đánh úp, xin đưa quan đô hộ184 về Bắc (Trung Quốc). Nay ta đến đóng ở thành này để chống lại với Hoàng đầu quân từ Bắc phương kéo sang. Vương Thức đang ăn cơm; có người khuyên nên lánh đi. Vương Thức trả lời: "Ta nếu dời chân một chút thì thành này vỡ ngay". Vương Thức cứ ngồi ăn thong thả đến xong bữa. Đoạn, Vương Thức đóng áo giáp, đem những kẻ tả hữu lên thành,
kéo cờ đại tướng, ngồi đấy quở trách dân nổi loạn, thì chúng trở tan chạy. Ngay hôm sau Vương Thức cho bắt và giết hết.
Giao Châu bấy giờ luôn luôn đói kém và loạn lạc, đến nỗi hàng 6 năm không có thuế nộp lên trên, trong quân lính không có khi nào khao thưởng. Vương Thức mới sửa lễ cống, khao các quân sĩ. Từ đấy các nước Chiêm Thành, Chân Lạp đều sai sứ đi lại và trả lại những dân đã cướp đi từ trước.
Lời chua - Hoàng đầu quân: Theo Đường thư , lính thú đóng ở Trung Vũ mặc áo cánh rộng vạt ngắn đầu đội khăn vàng, nên phương nam gọi là Hoàng đầu quân, đó là tứ lính tinh nhuệ trong nước. Lúc đó kinh lược sứ là Chu Nhai đã về Quảng Châu, nên đám dân nổi loạn phao đồn như vậy.
Chiêm Thành: Tức là Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb.3, 20).
Chân Lạp: Tên nước, ở về phía nam Lâm Ấp. Theo Đường thư , Chân Lạp còn có tên là Cát Miệt (Khơ Me). Chân Lạp vốn xưa là thuộc quốc của Phù Nam, sau năm Thần Long (705-706) đời Đường, chia làm hai: nửa về phía bắc có nhiều gò núi, gọi là Lục Chân Lạp, tức nay là Cao Miên; nửa ở về phía nam liền biển, nhiều hồ, nhiều chằm, nên gọi là Thủy Chân Lạp, nay là sáu tỉnh Nam Kỳ185 .
Năm Canh Thìn (860). (Đường, Ý Tông, năm Hàm Thông thứ 1). Tháng 3, mùa xuân. Nhà Đường cho Lý Hộ sang làm đô hộ.
Theo Cương mục (Trung Quốc), giặc ở Chiết Đông là Cửu Phủ làm loạn, vua Đường bàn với các quan kén tướng đi đánh, Hạ Hầu Ti nói: "Vương Thức, con nhà nho, trước làm quan ở An Nam, đã có công, có thể dùng được". Vì thế mới vời Vương Thức cho làm Quan sát sứ Chiết Đông, dùng Lý Hộ sang thay Vương Thức làm Đô hộ.
Tháng 12, mùa đông. Nam Chiếu đánh phá phủ thành, Đô hộ Lý Hộ bỏ châu lỵ chạy.
Theo sách Thông giám, khi Lý Hộ mới đến Đô hộ phủ, giết người tù trưởng dân Man là Đỗ Thủ Trừng. Đồng đảng của Thủ Trừng mới xui người Nam Chiếu đánh phá phủ thành, Lý Hộ chạy về Vũ Châu.
Năm Tân Tị (861). (Đường, năm Hàm Thông thứ 2).
Tháng 6, mùa hạ. Nhà Đường dùng Vương Khoan làm Kinh lược sứ.
Lý Hộ bị thua, nhà Đường đem quân Ung quản và quân các đạo lân cận sang cứu.
Theo sách Thông giám, Lý Hộ từ Vũ Châu tập hợp lính thổ, kéo về đánh các quân Man, lấy lại được châu thành. Vua Đường trách Lý Hộ về tội bỏ thành trì, giáng chức cho làm tư hộ Đam Châu. Sau đó vua Đường cho rằng họ Đỗ của Thủ Trừng hãy còn mạnh lắm, cốt sao nhuế nhóa để mong thu dùng được họ, bèn cho Tồn Thành, cha Thủ Trừng, làm Kim ngô tướng qân. Vua Đường lại quở trách Lý Hộ về tội giết Thủ Trừng, liền đày đi Nhai Châu một thời hạn, lâu dùng phòng ngự sứ Diêm Châu là Vương Khoan sang thay Lý Hộ.
Lời chua - Ung Quản: Tức là Ung Châu một khu vực hành chính do nhà Đường đặt. Theo sách Cương mục tập lãm , quản cũng như phủ.
Đam Châu: Tức là Đam Nhĩ, đời Đường thuộc về đạo Lĩnh Nam. Xem: Triệu Thuật Dương vương, năm Kiến Đức thứ nhất (Tb.2, 4-6).
Đây trở lên, từ năm Tân Dậu, thuộc nhà Lương, niên hiệu Đại Đồng thứ 7, đến năm Tân Tỵ thuộc nhà Đường, niên hiệu Hàm Thông thứ 2, cộng ba trăm hai mươi mốt năm (541-861).
136 Chức quan đứng đầu một bộ được đặt ra từ thời Hán. Thời kỳ đầu Thượng thư còn gọi là Tào.
137 Một chức quan trông coi cổng thành ở thời nhà Lương. Quảng Dương môn lang là canh gác cổng thành thứ nhất ở phía tây nam thành Kiến Khang.
138 Nay là thôn Tử Các thuộc xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
139 Nguyên văn là Vạn Xuân đài. "Đài" là một kiến trúc vật xây cao, có thể nhìn ngó xuống dưới thấp.
140 Chức quan đứng đầu triều, như Tể tướng.
141 Chỉ Dương Phiếu.
142 Tức là tên gọi của Độc sử phương dư kỷ yếu . Cố Tổ Vũ (1624-1680), tên tự là Phục Sơ, lại có tự nữa là Cảnh Phạm, quê ở Vô Tích thuộc Giang Tô, người cuối đời Minh đầu đời Thanh. Sách này gồm 130 quyển, trong có 9 quyển chép về hình thế cương vực châu quận các triều đại, 114 quyển chép về Nam Bắc trực lệ 13 tỉnh, 6 quyển chép về nguyên ủy núi sông, 1 quyển chép về phân dã thiên văn. (theo Trung Quốc văn học gia đại từ điển , trang 1354-1355, Từ nguyên tập dậu, trang 59).
143 Tiếng "mị nương" ở đời Hùng Vương cũng như tiếng công chúa ở đời sau, chứ không phải tên riêng.
144 Tức là cấm thành, nơi vua ở.
145 Tức là Lào.
146 Miền núi nước Lào.
147 Tức là Đại Tần Bà La Môn gọi tắt, ở biên giới Ấn Độ (theo Tập san bác tổ , tập IV, năm 1904, trang 371).
148 Dương Thận (1488-1559), tự Dụng Tu, hiệu Thăng An, người Tân Đô đời Minh. Ngài cuốn Điền tái ký này, Thận còn có cuốn Điền trình ký và nhiều tác phẩm nữa (theo Trung quốc văn học gia đại từ điển trang 1083-1084).
149 Một tên riêng tỉnh Vân Nam.
150 Hai chữ "cát" khác nhau: chữ cát ở tên cũ ___ nghĩa là cắt; chữ cát ___ ở tên sau nghĩa là dây sắn.
151 Hai chữ "nha" theo tiếng Việt thì âm như nhau, nhưng theo chữ Hán, mặt chữ khác nhau.
152 Hai chữ "nha" theo tiếng Việt thì âm như nhau, nhưng theo chữ Hán, mặt chữ khác nhau.
153 Tên nôm là Cồn Liêu, nay thuộc Nam Định.
154 Cửa biển Đại Nha nay là cửa Tam Tòa lục bộ, đấy cũng có đền thờ Triệu Việt vương, lại có bia chép chuyện rõ lắm.
155 Sách Cương mục in gọi sai là Kỷ Mão, thật ra phải là Tân Mão mới đúng: Kỷ Mão là năm 559 (Triệu Việt vương năm thứ 11), tính đến Nhâm Tuất là năm 602 thì sẽ là 44 năm, chứ không phải là 32 năm. Vậy xin chữa là Tân Mão .
156 Một chức quan mang tính thi hành nhiệm vụ, không đặt thường xuyên.
157 Còn có âm nữa là "đồ", nên cũng đọc là "đồ", nhưng theo âm "chà" mới đúng với tên đất mà ta còn biết được.
158 Chức quan đứng đầu Giao Châu, trông coi quân dân, như chức Thứ sử các đời trước.
159 Sách Cương mục in sai là năm Phổ Thông thứ 6, thực ra là năm Phổ Thông thứ 4 (523) (Tb.3, 33). Vậy xin đính chính lại.
160 Tên một dân tộc thiểu số xưa.
161 Chế độ tô, điệu nhà Đường mỗi suất đinh được một khoảnh ruộng, hàng năm, phải nộp hai hộc thóc, gọi là tô ; mỗi năm lại phải nộp hai tấm lụa, ba lạng bông (nếu không nộp lụa mà nộp vải thì phải tăng thêm một phần năm), ba cân gai, hoặc nộp bạc thì phải mười bốn lạng, gọi là điệu .
162 Chế độ tô, điệu nhà Đường mỗi suất đinh được một khoảnh ruộng, hàng năm, phải nộp hai hộc thóc, gọi là tô ; mỗi năm lại phải nộp hai tấm lụa, ba lạng bông (nếu không nộp lụa mà nộp vải thì phải tăng thêm một phần năm), ba cân gai, hoặc nộp bạc thì phải mười bốn lạng, gọi là điệu .
161 Cũng đọc là Bồ Đà hoặc Xà Bà.
162 Một chức quan ở thời nhà Đường, đứng đầu miền đất nước ta, như chức Thứ sử thời trước.
163 Tức là nhân dân theo văn hóa Hán tộc (Trung Hoa).
164 Theo nghĩa đen, cơ là cái dây giàng đầu con ngựa; mi là cái giàn hai má trâu bò. Cơ mi là giàng buộc lỏng lẻo, có đặt ra châu nhưng không bắt theo đúng kỷ luật chế độ.
165 Một chức quan được đặt ra từ thời nhà Đường. Đứng đầu phủ An Nam đô hộ, tức cai quản toàn bộ quân dân miền đất nước ta.
166 Tập khai về địa chí của tỉnh Sơn Tây.
167 Nay thuộc thị xã Sơn Tây (ngoại thị).
168 Một chức quan ở thời Đường, đứng đầu cai quản toàn bộ miền đất nước ta.
169 Bắt dân hằng năm đóng thuế vào cả một kỳ.
170 Tức vua nước Chiêm Thành.
171 Một chức võ quan cấp bậc thấp.
172 Tù tức là Tù trưởng, người đứng đầu các người Man.
173 Xem chú giải ở trên, năm 546.
174 Quyên tiền và thóc để được làm quan.
175 Xem chú giải ở trên, năm 757.
176 Các nước ở ngoài Trung Quốc mà thần phục Trung Quốc như: Cao Ly, Bách Lế, Thổ Phồn, Đột Quyết, v.v...
177 Nguyên văn là "một sách".
178 Xem Lời chua ở dưới.
179 Tên một khoa thi để kén nhân tài có từ đời Hán. Khoa thi này chuyên tuyển lấy những người có tài văn học để bổ làm quan. Đời Đường, Tống vẫn còn noi theo.
180 Cương mục là một bộ sử Trung Quốc mà sách Cương mục ta theo dùng làm mẫu (xem phàm lệ). Sách Cương mục (Trung Quốc), tác giả là Chu Hi đời Tống (thế kỷ XI): thế mà lời chua ở đây lại nói: "Theo lời chua trong Cương mục thì khoảng năm Vĩnh Lạc (1403-1424) đời Minh v.v...". Mới xem, có thể ngờ là không đúng. Nhưng xét kỹ về lại lịch sách Cương mục , ta cũng có thể tin là không sai. Khoảng thế kỷ XI, Chu Hi nhân sách Tự Trị thông giám của Tư Mã Quang làm thành sách Thông giám Cương mục (gọi tắt: Cương mục ), phỏng theo lối Xuân thu , chia ra phần cương và phần mục . Sau giao cho học trò là Triệu Sư Uyên làm trọn bộ gồm 59 quyển. Sau nữa Kim Lý Tường làm thêm Tiền Biên. Đến đời Minh, Thương Lạc làm tục Hậu biên. Đến hồi Kiền Long (thế kỷ XVII). Tất Nguyên lại theo lối Tự Trị thông giám làm tiếp từ Tống đến Nguyên, gồm 320 quyển. Sách này tuy không tinh tường bằng sách của Tư Mã Quang, nhưng rất thông dụng.
181 Nguyên văn là "Đường Vương Thức thụ cúc mộc vi một hào, chu thực chính trúc".
182 Theo nghĩa đen, gian dân là người dân không làm ăn chính đáng theo đúng pháp luật.
183 Vì ai nấy bịt đầu bằng khăn màu vàng, nên gọi là "Hoàng đầu quân" (theo chú thích của Đại việt sử ký , quyển 6, tờ 14b) xem thêm Lời chua của Cương mục ở dưới.
184 Chỉ Vương Thức.
185 Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên.