Chương 5
Tác giả: Quỷ Cổ Nữ
Đó là một tập bản đồ. Nói đúng ra là một tập bản đồ chép tay, hai mươi mấy trang giấy trắng đóng lại với nhau, trên mỗi trang giấy đều có một bức bản đồ vẽ tay, chỉ có hai màu đen trắng, hình như là một người nghiệp dư thích vẽ bản đồ, dùng bút mực vẽ nên những tác phẩm này.
Càng kỳ lạ hơn là, thoáng nhìn tất cả các bản đồ đều y hệt nhau, nhưng nhìn kỹ lại, đường nét đại thể của mỗi tấm bản đồ đều giống nhau, chính giữa có hai chữ “Diệm Sơn”, nhưng lại có nét khác biệt. Ví dụ bản đồ ở trang một chỉ có mấy đường nét thô sơ, chú thích ở cuối trang ghi “Năm thứ nhất Diên Hoà thời Đường(1), nghi làm giả”.
Những bản đồ phía sau dần tinh tế, có đường nét chi tiết hơn và đánh dấu địa danh, có tấm ghi chú thích “Không rõ niên đại”, có khi chú thích rõ niên đại, ví dụ “Năm thứ nhất Gia Tĩnh thời Minh(2)”, “Năm thứ hai Đạo Quang thời Thanh(3)”, “năm 1935”, gần nhất là năm 1983. Bắt đầu từ trang bản đồ “Năm thứ ba Thiên Khải thời Minh(4)” có một vòng nhỏ đánh dấu “Thị trấn Hoa Tây”, những tấm bản đồ từ đó về sau, phạm vi của cái vòng này không ngừng mở rộng chứng tỏ quy mô của thị trấn Hoa Tây ngày càng lớn.
Thì ra đây là bản đồ của địa phương này, chúng sẽ đem lại cho mình những gợi ý gì?
Thôn quái dị, chắc chắn có liên quan đến Thôn quái dị.
Tư Dao đã từng xem tỷ mỷ tấm bản đồ cô có được ở thôn Thạch Lạp; cô vẫn nhớ rõ vị trí của Thôn quái dị. Cô giở tới trang cuối cùng ghi “Năm 1983”; quả nhiên ở vị trí Thôn quái dị có một chấm đen đậm, chú thích chữ “A”.
Cô lại giở lên trang trước, chú thích bên dưới ghi “Năm 1957”, xem lướt qua, vị trí Thôn quái dị vẫn là một chấm đen đậm, cũng có chữ “A”, nhưng nhìn kỹ cô thấy vị trí của chấm đen hơi chếch về phía đông nam. Không có gì lạ, bản đồ vẽ tay, có sự sai lệch nhỏ là rất bình thường. Cô lại lật lên trang trước là ”Năm 1935”,dường như chấm đen lại hơi lệch thêm về phía đông nam. Đúng là như vậy ư? Liệu có phải mắt mình đã lừa mình không?
Mắt mình không phải máy đo, thì chuẩn sao được? Nhất là khi đang ngồi trên chiếc xe khách đến sân bay, người luôn bị lúc lắc.
Một ý nghĩ chợt lóe lên, Tư Dao lấy từ trong túi xách tay ra một chiếc bút bi và khăn giấy màu trắng, giở ra đặt lên trên tấm bản đồ “Năm 1983”, một góc khăn giấy khớp với một góc bản đồ, dấu chấm đậm nằm ở vị trí của Thôn quái dị hiện lên qua lớp giấy mỏng, Tư Dao đánh dấu lên trên mặt giấy, đồng thời đánh dấu ở vị trí “Thị trấn Hoa Tây” và “Thôn Thạch Lạp”. Tiếp theo, cô lại đặt tờ giấy lên trên bản đồ “Năm 1959”, cùng đánh ba dấu như thế, đặc biệt chú ý đến sự trùng khớp căn bản giữa vị trí Thôn quái dị và dấu chấm “Năm 1983”, thì thấy rõ ràng vẫn có sai lệch nhỏ, trong khi “Thị trấn Hoa Tây” và “Thôn Thạch Lạp” lại hoàn toàn không lệch một ly.
Cứ như vậy,cô lần lượt đánh dấu từng trang từ sau lên trước cho đến “Năm thứ ba Thiên Khải thời Minh” là năm đầu của thị trấn Hoa Tây.
Tư Dao kinh ngạc phát hiện ra ở mỗi trang bản đồ, vị trí của Thôn quái dị không giống nhau, bản đồ càng cổ thì vị trí của thôn càng lệch về đông nam hơn, sau mười bốn trang bản đồ, mười bốn điểm chấm trên tờ giấy đã nối thành một đường vòng cung còn vị trí của thị trấn Hoa Tây và thôn Thạch Lạp từ đầu đến cuối không thay đổi.
Điều này chứng tỏ cái gì? Kỳ Lân nói không đúng,ai bảo lịch sử của Thôn quái dị là ngắn? Ít ra cũng có vài trăm năm lịch sử. Thôn quái dị lúc đầu ở gần thị trấn Hoa Tây. Theo dòng thời gian, Thôn quái dị dần dần dịch sâu vào núi, theo đường vòng cung này…Đường vòng cung này, chính là con đường Tư Dao đã đi qua, con đường gian khổ đầy những xương cốt thiên táng trong các bụi cỏ và các tấm bia không chữ!
Tư Dao chợt thấy lạnh buốt từ trong đáy lòng.
Phải! Đó là một con đường chông gai biết chừng nào, một giai đoạn lịch sử đầy biến động ghê gớm! Bao nhiêu bi kịch đã xảy ra ngay trước mắt ông. Những câu chuyện xa xưa, đầy bi thảm, dù ông chưa tận mắt trông thấy nhưng những năm gần đây vẫn hiện ra trong trí não ông sống động như thật.
Người mặc áo mưa không phải ngày nào cũng mặc áo mưa, ông đang ngồi trên chuyến xe khách đến sân bay, một ông già bình thường không có đặc trưng gì nổi bật. Ông biết con đường về Giang Kinh sẽ không có gió mưa gì, nhưng trong lòng ông thì mưa gió đang cuộn trào vì ông lại trông thấy tập bản đồ lịch sử chép tay. Tư Dao đang ngồi trên ghế hàng trước, chắc là vì sợ hãi điều gì, cô hít thở thật sâu, toàn thân khẽ run… Nhìn cô như vậy ông cảm thấy có một chút khoái cảm báo thù.
Đương nhiên, đây chỉ là mở màn, ác mộng vừa mới bắt đầu.
Chú thích
(1): Năm 712
(2): Năm 1521
(3): Năm 1822
(4): Năm 1623