Chương 2
Tác giả: QUỲNH DAO
Do ở lòng tò mò muốn khám phá bí mật, Điền quyết định lẻn lên chiếc ổ của Khương. Chiều ngày thứ bảy, nàng biết Khương đã đi học thêm, phải đến năm giờ mới về tới. Đây là một cơ hội tốt cho nàng.
Ăn xong cơm trưa nàng liền sang nhà Khương. Nàng vẫn thường tới nên trong nhà không ai hỏi nàng tới có chuyện gì. Cố nhiên nàng không bao giờ nói thật là sẽ leo lên cái ổ của Khương, bằng trái lại thì dì nàng đã phản đối. Dì nàng lúc nào cũng chiều con, sợ con giận. Nàng kiên nhẫn ngồi ở phòng khách dưới nhà xem tạp chí. Dì nàng thấy nàng ngồi yên như vậy cũng lấy làm thích, cho là nàng đã đổi tánh.
Đến quá trưa bà cần phải đi ngủ một chốc vì đó là thói quen của bà. Bà lên lầu ngủ trưa. Điền ngó quanh không thấy ai nữa bèn lẻn ra sau vườn. Khí trời vẫn hết sức nóng bức, ôn độ kế chỉ đúng 30 độ. Từ dưới gốc cây Điền ngước nhìn cái ổ nhỏ bằng gỗ rất đơn sơ trên ngọn cây. Ở đấy có gì đáng cho Khương lưu luyến? Nàng sợ dì và chị Thái trông thấy, bèn hối hả trèo nhanh lên.
Thật là thất vọng, trên cái ổ nhỏ này chẳng có gì hết. Đây đó trống trơn, chẳng có gì gọi là vui, càng không thể gọi là nơi nằm nghỉ thích thú. Vậy tại sao Khương lại thích nằm ở đây? Chàng là người mất bình thường chăng?
Điền chỉ ngồi độ nửa phút, thì không còn muốn ngồi lại nữa. Khi trời nóng bức lại buồn tẻ. Nàng muốn trở về nhà sống vui trong phòng lạnh, ăn kem và nghe nhạc. Thật chỉ có Khương, một con người quái dị mới thích cái nơi quái dị này!
Nàng đang định trèo xuống, thì bỗng thấy bên kia tường có một cô gái nhìn nàng mỉm cười. Đấy là một cô gái lớn hơn Điền nhiều, ít nhất có đến hai mươi lăm tuổi. Đấy là cô giáo Trương.
- Có phải cô là Điền đấy không?
Giọng nói của cô giáo Trương rất trang nhã. Điền kêu lên:
- Sao cô biết tôi? Cô là ai vậy?
Cô giáo Trương mỉm cười:
- Chẳng phải mọi người kêu cô là Điền sao? Cậu Khương bảo cô tên gọi là Văn Tiểu Điền.
Điền tròn xoe đôi mắt:
- Chị cũng biết anh Khương sao?
Cô giáo Trương đáp:
- Chúng tôi là láng giềng, tại sao không biết? Tôi họ Trương. Tôi là bạn học với nữ giáo sư Hoa ở trường của cô.
Điền kêu lên:
- Cô Trương. Cô cũng là giáo sư hả?
Cô Trương gật đầu:
- Vâng!
Điền ngây thơ:
- Xem cô không giống tí nào.
Cô Trương hỏi lại Điền:
- Không giống giáo sư hả? Vậy giống gì?
Người làm nghề giáo thường rất nhẫn nại trước những đứa trẻ, bằng không ai lại đứng dưới bầu trời nóng bức như vầy để nói chuyện?
Điền ngoẻo cổ, nghiêm trang:
- Giống... nữ thư ký hay là chiêu đãi viên hàng không!
Cô Trương lại hỏi:
- Thế hả? Mọi ngày tôi thấy Khương ở trên ấy, thế tại sao hôm nay lại đổi cô?
Mặt Điền đỏ bừng:
- Ối chao! Nè cô Trương, cô chớ đem chuyện em trèo lên đây nói cho anh Khương biết nhé!
Cô Trương khó hiểu:
- Tại sao vậy?
- Anh Khương không cho phép em lên. Ảnh bảo đây là thế giới riêng của ảnh. Hôm nay ảnh đi học thêm, em mới lén trèo lên đây.
Cô Trương mỉm cười:
- Ồ!... Khương đã xem... cái chòi gỗ này quan trọng đến thế?
Điền cải chánh:
- Không phải là chòi gỗ, mà là cái ổ. Em đặt tên nó như vậy.
Cô Trương gật đầu:
- Cái ổ nhỏ trên ngọn cây, phải! Đặt tên hay lắm!
Điền lại hỏi:
- Cô có thể không nói chăng?
Cô Trương gật đầu:
- Được, tôi không nói. Nhưng cô định ngồi ở đấy đến bao giờ?
Điền gạt mồ hôi trên trán:
- Em sẽ xuống ngay. Vừa nóng lại vừa buồn có gì thích đâu.
Cô Trương bỗng hỏi:
- Cô bằng lòng sang nhà tôi chơi không?
Điền vui mừng. Nàng đang buồn vì không có ai chơi với nàng:
- Nhà cô có máy lạnh? Có kem? Có đĩa nhạc?
Cô Trương mỉm cười:
- Còn có thịt bò khô nữa.
Điền reo lên:
- Chà! Em sang ngay.
Cô Trương nói:
- Cô chờ em ở cổng sau.
Nàng vẫn trang nhã, vẫn mỉm cười một nụ cười vui tươi, đúng là người làm nghề giáo. Điền nhảy xuống đất, nhanh nhẹn chạy bay ra cửa sau. Quả nhiên nàng thấy cô Trương đang đợi nàng ở đấy. Cô Trương dựa người vào chiếc xe con cóc sơn màu bơ mà Khương nhìn chăm chú hôm qua. Điền hỏi:
- Xe này của cô hả?
- Cô dạy xa, không xe bất tiện lắm.
Cô Trương dẫn Điền bước vào vườn nhà. Điền thầm nghĩ: Anh Khương lạ lùng này chắc dính dấp chi đến cô giáo Trương?
Nhưng nàng thấy khó có như vậy được vì cô Trương là giáo sư, tuổi đáng chị của chàng. Vậy chắc có một nguyên nhân gì khác. Nhà của cô Trương cũng như người cô rất trang nhã, rất dễ chịu, chưng dọn giản dị nhưng rất có vẻ trí thức. Điền ngây thơ hỏi:
- Cô ở một mình trong ngôi nhà lớn như vầy sao?
Cô Trương mời Điền ngồi:
- Còn có cha mẹ của tôi nữa chớ. Hai ông bà ở trên lầu. Anh tôi nguyên cũng ở đây, nhưng hiện giờ ảnh đi Gia Nã Đại rồi.
Điền hỏi:
- Nhà của chúng tôi cũng lớn lắm và người cũng rất ít.
Cô Trương tươi cười rời đi:
- Em ngồi chờ một chút.
Chẳng bao lâu cô trở ra. Trên tay bưng một cái mâm có kem, thịt bò khô và một dĩa bánh bích qui.
Cô Trương đặt trọn chiếc mâm xuống trước mặt Điền. Cô bé nhìn thức ăn lom lom. Nàng sờ mái tóc ngắn:
- Cho em... tất cả sao?
Cô Trương nhìn nàng cười:
- Cho em tất cả. Thịt bò khô nếu ăn không hết thì đem về nhà.
Điền ngạc nhiên:
- Thiệt hả?
Cô Trương đáp:
- Người làm nghề giáo thì đâu có nói gạt.
Thế là Điền ăn ngon lành, chẳng cần khách sáo. Nàng là một cô gái rất tự nhiên, hễ nói ăn là ăn, mà không ăn thì lắc đầu, chớ không khi nào bụng muốn ăn mà lại lắc đầu bao giờ. Nàng rất ghét những người giả dối và rụt rè.
Cô Trương ngồi bên cạnh nhìn nàng lấy làm thích thú. Nàng ăn hết kem rồi ăn hết cả dĩa bánh, lại mở hộp bò khô nguyên vẹn ra. Chừng ấy nàng mới nhận thấy cô Trương đang nhìn mình. Điền cười rất ngây thơ:
- Còn cộ.. không ăn sao?
Cô Trương đáp:
- Người lớn không ăn quà nhiều như vậy. Những món này, tôi chuẩn bị sẵn cho cậu Khương đấy.
Điền tưởng là mình nghe lầm:
- Cho anh Khương?
Con người quái lạ như Khương, tại sao có thể đến đây chơi được? Hơn nữa, Điền vẫn biết Khương không bao giờ ăn quà vặt. Cô Trương nói:
- Coi cậu ta hiu quạnh quá, cô độc quá. Người trẻ tuổi không nên như vậy.
Điền đáp:
- Anh Khương rất quái dị. Ở trong trường mọi người đều gọi anh là "Khoa học quái nhân". Ngay từ lúc nhỏ ảnh đã như vậy rồi.
Cô Trương nhíu mày:
- Thế hả?
Điền cười rất tươi, rất ngọt:
- Nhưng em không kể gì sự quái dị của anh ấy. Em vẫn thích chơi với anh ấy. Ngay từ lúc nhỏ hai đứa đã gần nhau.
- Cô Hoa có nói cho tôi biết, các bạn học trong trường đều gọi em là "cục kẹo thơm"!
Cô Trương chuyển qua vấn đề khác. Điền ngạc nhiên:
- Cô Hoa cũng biết à?
Co Trương lắc đầu:
- Cái thích của học trò là cho mình đã dối gạt được thầy. Nhưng kỳ thật thầy cô đều biết hết, chẳng qua họ giả vờ không biết đấy thôi.
Điền trợn to mắt:
- Thế hả? Làm thầy cũng biết như vậy sao?
Cô Trương đáp:
- Thầy cũng là người mà, phải không?
Trong lòng Điền không đồng ý, nhưng nàng không muốn cãi. Làm thầy tuy cũng là người, nhưng là người lớn, vậy làm sao giống học trò được?
Chỉ một chốc là Điền lại ăn hết ba miếng bò khô lớn. Nàng bỗng nói:
- Em trông thấy cô Hoa đi dạo phố với bạn trai. Còn cộ.. sao không ra phố chơi? Hôm nay là cuối tuần mà!
Cô Trương không trả lời mà hỏi ngược lại Điền:
- Ai bắt buộc cuối tuần thì phải đi phố?
Điền không thể trả lời được, chỉ biết lo ăn bò khô. Vừa rồi nàng đã đưa mắt ngắm nghía cô Trương, tự nhủ thầm chả lẽ những người làm giáo sư điều là người không đẹp. Nhưng người đẹp thì nên làm những nghề nổi bật đưa mình lên mới thích hợp hơn. Cô Trương tuy không đẹp, nhưng nhìn vào thấy dễ có cảm tình.
Điền là một cô gái ít chịu suy nghĩ, phàm việc gì cũng không muốn tìm hiểu. Thế nhưng hôm nay nàng có vẻ khác biệt hơn. Nàng nói:
- Cô Trương, cô thật giống... một bức tranh thủy mạc của Trung Hoa!
Cô Trương ngẩn ngơ, không hiểu cô bé này định nói gì.
- Cô làm cho lòng... lòng... lòng người ta thấy nhẹ nhàng ghê!
Điền ấp úng một lúc mới nói được thành câu. Tuy đây là một cái thí dụ không hợp lắm nhưng rất độc đáo.
Cô Trương cười:
- Em nói dễ yêu quá. Có thể làm cho người ta thấy lòng nhẹ nhàng sao?
Điền lại ăn bò khô:
- Em không nghĩ ra những tiếng thành ngữ nào khác để hình dung.
Cô Trương lắc đầu. Nàng thích Điền vì Điền là một cô gái rất thơ ngây, rất lanh lợi. Những cô gái cùng tuổi với Điền, ít ai lanh lợi được như Điền. Cô Trương hỏi:
- Em có nhiều thì giờ rảnh, tại sao không đi học thêm? Sang năm tới kỳ thi, phải không?
Điền đáp:
- Em thà là ngồi ở nhà, chớ không bao giờ chịu đi học vào ngày cuối tuần. Học quá chẳng có ích lợi gì, mọi môn chỉ cần đủ điểm trung bình là được.
Cô Trương cười:
- Đây là lý luận quái lạ của em?
- Em không có khiếu học, vậy hà tất buộc mình phải cố gắng quá nhiều? Em không thích làm ra bộ siêng năng.
Cô Trương dựa vào lưng sa lông:
- Em nói có lý.
Nói chuyện với Điền, nàng cũng thấy tâm trạng mình trẻ lại, hăng hái trở lại. Điền giữ giọng trang nghiêm:
- Em chỉ cần đủ điểm là vui lắm rồi. Má em cũng không ép em quá. Bà bảo nếu em có trượt vỏ chuối thi cũng không rầy la gì.
Cô Trương hơi ngạc nhiên:
- Thế hả?
Điền giải thích:
- Má bảo rầy la cũng vô ích, vì má không muốn cho em phải tự tử.
Cô Trương khẽ gật đầu. Cô nhận thấy đây là một bà mẹ khôn ngoan. Điền lại nói tiếp:
- Có nhiều người thi rớt, đâm ra tự tử.
Cô Trương đáp:
- Tôi biết, em đừng quên tôi là giáo sư.
Điền nhíu mũi:
- Ợ.. thật hả? Em cứ tưởng cô không phải là giáo sư.
Sắc mặt của cô Trương nghiêm trang trở lại:
- Này Điền, tại sao Khương có tánh lạ lùng như vậy?
Điền nhún vai:
- Ai biết được.
Cô Trương lại hỏi:
- Em bảo cậu ta ngay từ lúc nhỏ đã thế hả?
Điền gật đầu:
- Vâng!
Cô Trương lại hỏi:
- Cha mẹ cậu ấy... có thương mến cậu ấy lắm không?
Điền hỏi lại:
- Thương mến... là thế nào?
Cô Trương nói thẳng, rõ ý hơn:
- Tôi muốn nói... cha mẹ cậu ấy phải chăng không thích cậu ấy?
Điền kêu lên:
- Ai bảo thế? Dì và dượng em thích anh ấy lắm, luôn luôn chiều anh ấy. Hai ông bà chỉ có Khương là con một.
Cô Trương lúng túng:
- Nếu vậy... có lý do gì tánh tình cậu ấy lại là thế?
Điền nói:
- Nhất là cái ổ nhỏ ở trên ấy. Thật không có lý do nào tồn tại!
Cô Trương nói:
- Nhưng biết đâu cậu ấy lại có lý do riêng.
- Lý do gì, anh ấy chỉ muốn tìm cách trốn lánh em.
Cô Trương cười:
- Trốn lánh em? Tại sao vậy?
Điền thè lưỡi:
- Lúc nào ảnh cũng bảo em theo làm rối. Em tin là anh ấy rất ghét em.
Cô Trương nói thành thật:
- Ai mà ghét em được, cục kẹo thơm?
Điền nói tiếp:
- Nhưng dù anh ấy ghét em cũng chẳng sao. Em là em họ ngoại của ảnh, không khi nào em lại ghét ảnh. Em luôn luôn bắt ảnh phải đưa em đi chơi.
Cô Trương vỗ vai nàng. Điền quả là một cô gái dễ thương.
Điền nói:
- Em không thích đi chơi với những đứa con trai khác. Cùng đi chơi với Khương em thấy rất tự nhiên.
- Hai em là bạn từ thuở ấu thơ mà!
Điền đứng lên cầm hộp thịt bò khô:
- Em thích anh Khương, vậy em đem hộp thịt bò khô này về cho ảnh ăn. Em hy vọng sẽ có ngày ảnh thích em.
Cô Trương ôm lấy vai nàng:
- Có ai lại không thích em mà sợ.
Điền cười:
- Thật hả? Em không mong mọi người đều thích em, mà chỉ mong anh Khương thích là đủ rồi. Anh ấy cùng đi chơi với em thi em vui.
Cô Trương đáp:
- Thượng Đế sẽ giúp em.
Điền nhìn cô Trương:
- Em... có thể đến tìm cô chơi không?
Nàng đáp:
- Lúc nào cũng hoan nghênh. Hãy bảo Khương cùng đến chơi.
Điền vui vẻ cầm hộp thịt bò khô về tới nhà dì, Khương cũng đã về từ lâu.
Điền chạy thẳng lên lầu. Khi đến cửa phòng của Khương nàng nghe có tiếng nói chuyện của dì. Nàng đừng lại lắng tai nghe. Chuyện cô giáo Trương nàng chỉ có thể nói riêng với Khương thôi. Tiếng dì nàng nói:
- Khương, con mau uống đi. Con học thêm mệt nhọc, năm nay lại sắp thi vào đại học, vậy hãy uống nước sâm chưng gà ác cho bổ.
Khương im lặng. Chàng không chịu uống. Giọng nói của dì tràn ngập niềm thương:
- Nè con, con có tâm sự gì không? Tại sao con không nói cho má biết? Má có thể giúp đỡ con.
Khương vẫn im lặng. Điền đứng ngoài không trông thấy. Có lẽ lúc đó Khương đang lắc đầu. Dì thở dài:
- Suốt mấy năm nay con vẫn có thái độ lạnh lùng như thế. Hay là má làm gì con phiền?
Giọng nói của Khương rất cộc cằn:
- Không... có!
Tiếng dì lại cất lên:
- Thế tại sao con không nói gì cả? Chẳng lúc nào thấy con vui? Má chỉ có một mình con, tất nhiên mong con luôn vui vẻ.
Khương đáp:
- Vui vẻ là ở trong nội tâm. Má... không thấy đươc.
Dì lại hỏi:
- Thế... con có vui không?
Khương không nói gì. Dì vẫn hỏi:
- Hãy trả lời cho má, đi con.
Ít có dịp nào Khương bằng lòng nói chuyện, nên mẹ anh chụp cơ hội ấy để chuyện trò với con. Khương đáp:
- Con... có khi vui, có khi buồn.
- Có khi? Tại sao vậy?
Khương đắn đo một lúc lâu mới chậm rãi đáp:
- Khi chỉ có một mình con, khi con ở trên ngọn cây là con vui.
- Này con, thích cô độc không hại gì, nhưng... tại sao con lại thích cái chòi gỗ trên ngọn cây như vậy? Nó có ra gì đâu!
Khương mím chặt môi, không nói gì nữa. Hôm nay đã nói nhiều quá rồi, chàng không muốn nói thêm. Dì thở dài:
- Được rồi, nhưng con cần phải luôn nhớ là ba má lúc nào cũng thương con hết.
Có lẽ dì sắp bước ra. Điền vội vàng núp vào một góc quang. Dì đứng nơi của phòng:
- Ờ, hồi trưa con Điền có đến, nhưng không biết con điên ấy nó đi đâu mất tiêu.
Khương không trả lời. Mẹ chàng trở về phòng riêng. Điền ngó quanh một lúc, bèn chạy nhanh vào phòng Khương. Nàng tươi cười rất ngây thơ, vui vẻ nói:
- Anh Khương ơi, em tới đây nè. Em có đem bò khô lại cho anh ăn nữa.
Khương nhìn nàng với đôi mắt kém vui. Điền vẫn tươi cười:
- Anh có biết bò khô này ở đâu không? Cô giáo Trương sát nhà mình biếu em đấy.
Khương sửng sốt. Cô giáo Trương? Chàng vừa nghe ba tiếng đó là đôi mắt sáng rỡ. Nhưng chàng không tin:
Điền làm thế nào quen với cô giáo Trương được? Nhưng Điền đáp nhanh:
- Cô Trương tốt quá. Cô ấy bảo lần sau dẫn cả anh tới chơi.
Lại một việc lạ.
- Bảo anh tới chơi?
- Được không? Lần sau chúng mình cùng đi.
Khương im lặng một lúc thật lâu mới lên tiếng hỏi:
- Cô ấy... còn nói gì nữa không?
Điền dang rộng đôi tay:
- Ai nhớ cho hết? Lần sau anh đi qua hỏi cô ấy.
Đôi mắt Khương vẫn sáng rỡ nhưng không nói gì nữa. Chắc không phải Điền cố ý đi làm quen với cô giáo Trương? Đâu lại có việc trùng hợp hay ho như vậy? Trong khi chàng vắng nhà thì Điền đi làm quen với cô giáo Trương. Điền làm thế nào để quen được với cô ấy?
Khương bèn hỏi:
- Em quen với... cô giáo Trương ở chỗ nào?
Thật ít khi chàng lại chủ động nói với Điền như vậy. Nhưng nghe hỏi Điền lúng túng:
- Em...
Điền không biết phải trả lời là ở đâu, vì nàng không dám nói thật là lúc nàng leo lên cái ổ của chàng trên cây. Nàng vẫn nhớ sắc mặt nghiêm nghị của Khương. Khương như phát giác ra điều gì.
- Ở chỗ nào, hả Điền?
Điền cuống quít:
- Ở cửa sau. Ồ... tại cửa sau. Em trông thấy cô ấy lái xe về, lái chiếc xe con cóc màu bơ.
Sắc mặt của Khương vui trở lại:
- Nếu anh thấy em leo lên cây...
Điền sợ quá ngắt lời:
- Em đâu có! Thiệt mà, không tin anh hỏi cô giáo Trương xem.
Khương im lặng một lúc lâu. Từ trước tới nay anh ít ăn quà vặt, thế mà cũng thò tay lấy một miếng bò khô bỏ vào miêng. Điền nói:
- Cô Trương và cô Hoa dạy chúng ta là bạn học khi họ còn là sinh viên.
Khương ờ một tiếng rồi lại lấy thêm miếng bò khô ăn nữa. Điền nói tiếp:
- Cô Trương hỏi em, tại sao tánh tình anh kỳ dị thế?
Khương đang nhai thì dừng lại. Cô Trương nói thế sao? Chàng lẩm nhẩm như tự hỏi mình:
- Tôi kỳ dị?
Điền bật cười:
- Chả lẽ anh không kỳ dị? Anh suốt ngày nằm lì trên cái ổ, người ta tưởng anh điên!
Khương tái mặt:
- Cô ấy bảo anh điên hả?
Điền giật mình:
- Ồ... không phải bảo điên mà có ý tương tợ như vậy.
Nàng không đủ can đảm nhận câu nói đó là do nàng bịa ra. Khương sờ hộp thịt bò, sắc mặt thật buồn. Chàng không nói gì nữa và không ai biết chàng đang nghĩ gì.
- Thật ra cô Trương rất tốt. Cô ấy nói như vậy là lo nghĩ tới anh đấy.
Khương đáp cộc lốc:
- Không cần cô ấy lo nghĩ tới anh.
Điền hỏi:
- Như vậy là anh có ý bảo... anh sẽ không theo em đến nhà cô ấy?
Chàng nói như giận dỗi:
- Không đi!
Điền nhún vai, thản nhiên lấy bò khô. Khương có bằng lòng sang nhà cô Trương chơi không? Khương có thích cô Trương không? Những việc đó đối với nàng đều không quan trọng. Chỉ cần Khương thích nàng là đủ rồi. Nàng có thể đi một mình sang nhà cô Trương chơi. Việc đó và Khương là hai việc riêng biệt nhau. Nàng đã thầm nghĩ như vậy. Nàng nói:
- Vậy, em đi về nhe.
Nàng đang muốn về nhà nằm lên giường nhai bò khô thích hơn chớ dại gì ở đây chọc cho Khương giận. Khương nói lớn:
- Về đi!
Điền bước ra. Khương vẫn ngồi yên trước bàn học. Trong lòng chàng, trong óc chàng đang quay cuồng lời nói của cô Trương bảo chàng điên. Mọi hôm cô Trương nhìn chàng mỉm cười, vậy có nghĩa là cười chàng điên? Thế tại sao cô Trương lại mỉm cười với một người điên? Trên đời này ai cũng bảo chàng kỳ dị, bảo chàng điên cũng chẳng sao nhưng nếu cô Trương...
Chàng cảm thấy thật đau lòng. Chàng rất kính nể, rất mến thích cô Trương nên chàng càng thêm đau lòng. Chàng không còn muốn lên cái ổ trên ngọn cây nữa. Chàng không muốn và không dám nhìn thấy cô Trương nữa. Nụ cười của nàng xuất phát từ ngụ ý gì? Tò mò? Thương hại? Nhưng chàng nào phải là con khỉ!
Chàng cảm thấy rất buồn. Trời đã tối, sắp đến giờ dùng cơm. Con người tại sao nhất định phải ăn? Ngồi vào bàn ăn mà Khương cảm thấy như bị hình phạt. Nếu con người không ăn có phải hay hơn không? Chàng không thích mà cũng không quen cùng ngồi chung với cha mẹ. Chàng thấy mình nên sống riêng rẽ hay hơn. Ngay từ lúc nhỏ chàng có cảm giác như vậy rồi. Cha mẹ chàng chỉ sanh chàng ra mà thôi. Con người chàng phải sống độc lập. Tuyệt đối độc lập. Chị Thái lên mời chàng dùng cơm. Chàng bất đắc dĩ phải đi xuống dưới nhà.
Cha mẹ chàng đã đợi ở đấy. Hai ông bà đều nhìn chàng, chừng như họ rất lo lắng cho con, rất yêu con, nhưng... Có thật thế không? Chàng hoài nghi tình thương đó!
Không có người con nào lại nghi ngờ tình thương của cha mẹ. Chỉ có chàng mà thôi. Chàng thật sự hoài nghi và hoài nghi trong nhiều năm qua. Sự chăm lo và tình thương của cha mẹ theo chàng nghĩ không phải là thế. Vậy phải thế nào? Chàng không cắt nghĩa được.
Không khí nơi bàn ăn rất tẻ lạnh. Tia mắt của cha mẹ chàng làm chàng nuốt không trôi. Chàng thấy thà là không ăn để lẩn trốn tia mắt đó. Chàng chạy trốn trước sự chăm lo của cha mẹ mình? Sau bữa cơm tối chàng lại ra sau vườn, đến cái ổ trên cây của chàng. Chàng thấy Điền gọi nó là cái ổ thật đúng. Nhưng chàng không bao giờ chịu nhìn nhận là đúng trước mặt nàng. Chàng nằm lên những tấm gỗ sùi mà lại thấy bình tĩnh thản nhiên. Việc đó thật là tế nhị. Ngoài chàng ra không ai biết được nguyên nhân.
Nó có nguyên nhân! Khương không phải điên đâu. Chắc rồi một ngày nào đó... cô Trương sẽ hiểu được. Chàng nằm im lặng. Ánh trăng thật yên tĩnh, thật lạnh, khác hẳn với ánh nắng nóng ban ngày. Khương nhìn chăm chú cửa sổ nơi phòng ngủ của nàng. Đêm đêm nàng đều ngồi trước cửa sổ xem sách.
Tại sao đêm nay không thấy bóng nàng? Nàng ít đi ra phố và thường ở nhà. Nàng cũng ít có bạn bè. Khương thích việc nàng không có bạn. Như vậy... tựa hồ nàng là của chàng. Đây là một ý nghĩ rất điên rồ! Nhưng chàng vẫn nghĩ như thế. Chàng chờ đợi... đợi mãi. Chàng thấy nó dài như một thế kỷ. Nàng đã đi đâu?
Trong khi chàng đang nghĩ ngợi thì bỗng nghe có tiếng nói:
- Ồ, cậu Khương!
Đây là tiếng nói của cô Trương. Khương cảm thấy lòng mình bình tĩnh và không còn trống trải nữa. Chàng vội vàng ngồi dậy. Chàng sợ bị hiểu lầm là thiếu lễ độ. Chàng ấp úng:
- Chào cô Trương!
Cô Trương ăn mặc đàng hoàng. Y phục của nàng bao giờ cũng sang trọng. Nàng không bao giờ mặc những y phục mà người ta nhìn vào bắt tởm. Nàng vừa đi đâu về. Nàng đi phố chăng? Khương cảm thấy rất lạ. Cô Trương mỉm cười:
- Cậu đang xem trăng đó hả?
Nàng có vẻ đang vui. Chàng đáp:
- Không... chỉ nằm đây nghỉ yên tĩnh một lúc thôi.
Yên tĩnh? Cô Trương chau mày. Nàng không hiểu tại sao nhà Khương chỉ có ba người, không bao giờ có một tiếng động lớn, thế tại sao Khương lại bảo là ra đây để hưởng sự yên tĩnh? Nàng không hỏi ngay nhưng biết chắc có nguyên nhân gì. Để thong thả rồi sẽ tìm hiểu. Cô Trương hỏi:
- Cô Điền có đem bò khô về cho cậu ăn không?
Nàng xem chàng là một cậu bé con, hoặc như một đứa học trò của nàng dậy. Giọng nói của nàng không phải là giọng nói với một người bạn. Chàng gật đầu:
- Dạ có.
Nàng đáp:
- Nếu có rảnh cậu hãy cùng Điền sang nhà tôi chơi. Nhà tôi yên tĩnh lắm, cậu đừng lo.
Chàng lại gật đầu:
- Dạ!
Chàng chỉ đáp một tiếng. Nàng lại hỏi:
- Cậu thích xem sách không? Tôi có nhiều sách lắm cậu có thể sang đây mượn.
Chàng lắc đầu. Chàng không thích sách.
- Không xem sách, vậy cậu vẫn mãi... nghỉ ngơi thế sao?
Nàng ngập ngừng để tìm một tiếng nào tốt đẹp hơn, hay thay thế cho tiếng ngẩn ngơ mà nàng định nói.
Chàng gật đầu:
- Vâng!
Ít có người con trai nào như vậy. Chàng quả là người rất đặc biệt. Nàng nói:
- Tôi không thể trầm tư như cậu, vậy mong có ngày nào tôi sẽ hiểu cậu hơn.
- Hiểu hơn?
Mắt chàng sáng lên. Đối với chàng, đây là những chữ rất mới mẻ. Không ai hiểu chàng cả, vậy cô Trương là người thứ nhất định làm việc đó. Chàng rất xúc động nhưng không bộc lộ ra. Chàng quen tánh lạnh lùng rồi. Mặt chàng lúc nào cũng lạnh như tiền.
- Cộ.. thật tốt!
Giọng nói của chàng hơi run. Nàng đã nhận thấy. Nàng tươi cười. Cậu con trai này chừng như rất kính nể nàng.
- Nếu cậu thích, tôi sẽ xem cậu như một người bạn.
- Bạn!
Đôi mắt Khương càng sáng lên. Nàng từ bên kia tường đưa một cánh tay ra:
- Phải, bạn.
Chàng do dự một lúc lâu và cuối cùng đã thò tay bắt tay nàng, cái bắt tay ấy mang đến cho chàng niềm hy vọng và niềm tin.
Hôm ấy cô Trương lái xe từ trường học về nhà. Nàng gặp Khương đang đứng chờ ở cửa sau. Đây là trường hợp rất đặc biệt, vì Khương lúc nào cũng thích lên ngọn cây. Nàng chào chàng trước:
- Cậu Khương.
Nàng biết chàng có tánh mắc cở. Khương bước tới:
- Cô Trương!
Nàng hỏi:
- Có việc gì không cậu Khương?
Trên tay nàng đang ôm mấy cuốn sách, trên vai đang vác chiếc cặp da, dáng điệu trông thật là trang nhã, thái độ thật là bình thản. Chàng lấy hết can đảm:
- Tôi muốn mời cô dùng cơm tối.
Nàng bằng lòng ngay:
- Cơm tối? Được! Chừng nào?
Trên mặt chàng thoáng hiện một niềm vui khó tả:
- Ngày mai!
Nàng hỏi:
- Có chuyện gì? Sinh nhật cậu hả?
Chàng nghĩ ngợi rồi gật đầu. Chàng đáp:
- Đúng mười tám tuổi.
Nàng mỉm cười:
- Ô! Thế là người lớn rồi!
- Ngày mai... đúng sáu giờ tôi chờ cô ở đây.
Chàng cúi mặt nhìn đôi bàn chân. Người con trai này thường hay mắc cở. Nàng hơi ngạc nhiên:
- Không phải ở nhà cậu sao?
Chàng đáp:
- Tôi đặt bàn tiệc ở nhà hàng.
Nàng gật đầu chẳng cần nghĩ ngợi:
- Được!
Xem như đã làm tròn nhiệm vụ, Khương im lặng không nói gì nữa. Chàng chỉ nhắc:
- Đúng sáu giờ ngày mai.
Nàng đáp:
- Mười tám tuổi là sinh nhật lớn, vậy để đêm nay tôi nghĩ xem phải tặng cậu một món lễ vật gì.
Chàng lắc đầu:
- Chẳng cần lễ vật. Cô đị.. là tốt rồi.
Nàng đưa tay vỗ vai chàng một cách tự nhiên:
- Sao lại nói vậy? Nhất định phải có chớ!
Khương mới mười tám tuổi mà đã cao hơn nàng một cái đầu, dù khuôn mặt Khương hãy còn trẻ con lắm. Chàng nói:
- Vậy tôi về nha.
Nàng vẫy tay:
- Cậu về nhé. Tôi còn phải sửa một xấp bài thi.
Nàng bước tới mở cửa. Thái độ của nàng rất tự nhiên. Nàng là một cô gái hiếm có. Khương lại đứng đấy một hồi nữa rồi mới thong thả trở về nhà. Chàng không leo lên ngọn cây nữa. Ngày mai chàng phải thi một môn học. Trên cây không có đèn chàng không thể học bài được. Chàng vỗ nhẹ vào thân cây chừng như rất có cảm tình. Chàng nhanh bước trở vào nhà.
Mẹ chàng và Điền đang ngồi nơi phòng khách. Điền lên tiếng hỏi:
- Anh Khương, nãy giờ anh đi đâu? Em ra cái ổ của anh mà không thấy anh ở đó?
Chàng đáp:
- Tôi có tí việc.
Mẹ chàng cũng hỏi:
- Ngày mai là sinh nhật của con, vậy con muốn làm sinh nhật không?
Chàng đáp quả quyết:
- Không cần!
Chàng đã có một cái hẹn rất quan trọng, phải thế không?
Má chàng lại hỏi:
- Sinh nhật của con, tại sao lại không làm được?
Khương không nói gì, vì tới ngày giờ đó... chàng nhất định phải đi. Chàng mặc họ muốn làm gì thì làm. Mẹ chàng lại hỏi:
- Má đã mời khách cho con rồi, vậy con muốn khiêu vũ không?
Chàng quay lưng bước đi:
- Không cần!
Điền đuổi theo:
- Anh Khương, em đã mua quà cho anh rồi!
Khương nhìn nàng:
- Cho cô nhiều chuyện.
Điền kêu lên:
- Nhiều chuyện? Dì đã chuẩn bị làm sinh nhật cho anh, đã mời nhiều người rồi.
Chàng lạnh lùng:
- Thì để cho bà ấy mời.
Chàng sẽ đi gặp cô giáo Trương trong ngày hẹn. Chàng nhất định đi. Điền hỏi:
- Tại sao không khiêu vũ, anh Khương?
Chàng chau mày:
- Tùy cô!
Chàng không có mặt, vậy họ muốn làm gì thì làm. Điền mỉm cười hài lòng. Nàng tưởng Khương đã chiều nàng. Nhờ vậy Khương đi lên lầu mà nàng không đuổi theo. Nàng suy nghĩ ngày mai này mình phải mặc áo màu gì?
Đêm hôm ấy mọi người đều thấy vui. Sáng sớm hôm sau, Khương vẫn đi học như thường. Sau khi tan học chàng về nhà thật sớm. Má chàng thấy vậy trong lòng rất vui. Khương đã thay đổi tánh tình rồi chăng? Chàng vào phòng thay một bộ âu phục, chải đầu tươm tất. Sắp đến giờ rồi, vậy chàng phải tìm cách trốn đi mà không để ai trông thấy.
Đêm nay chàng sẽ cùng cô Trương đến một nơi riêng biệt. Nghĩ đến đây tim chàng nhảy lên thình thịch. Trọn đêm nay chàng sẽ đối diện với cô Trương, vậy chàng không vui sao được. Má chàng đang chỉ bảo chị Thái lo sắp đặt bánh trái trong nhà bếp. Điền chưa tới. Cha chàng vẫn còn ở trong phòng xem báo. Vậy đây là giờ phút tốt để chàng trốn đi.
Chàng rón rén xuống lầu, rồi đi thẳng ra vườn. Chàng cẩn thận không gây ra một tiếng động khẽ. Chẳng mấy chốc chàng đã đứng trước cửa nhà cô giáo Trương. Đã sáu giờ kém năm rồi, chắc cô cũng sắp bước ra. Chàng tin chắc cô đã về nhà, vì chiếc xe của cô đang đậu ở đây.
Năm phút sau, quả nhiên cô Trương bước ra. Nàng thật đúng giờ. Nàng không mặc y phục đặc biệt, ngay đến son cũng không tô. Nhưng dưới mắt Khương, nàng là một cô gái thật hoàn toàn. Nàng hỏi:
- Bây giờ đi hả?
Khương nhìn nàng chăm chú:
- Đi được rồi chớ? Cộ.. còn có việc gì không?
Chàng hết sức thích nàng. Thích nàng có thái độ thân mật, nhiệt thành. Sống gần nàng, chàng không còn cảm giác cô độc nữa. Nàng nói:
- Đâu còn chuyện gì nữa. Hôm nay là ngày sinh nhật của cậu mà.
Khương cảm thấy lòng mình hết sức ấm áp. Chàng được nàng coi trọng.
- Đi xe tôi nhé? Như vậy sẽ tiện hơn.
Nàng tự mở cửa xe bước lên. Tánh nàng rất tự lập, rất hồn nhiên. Nàng không cần người con trai nào giúp đỡ nàng. Chàng rất thích cái cá tánh đó. Nàng lái xe rất thạo và rất đẹp. Chiếc xe chạy thật nhanh, chẳng bao lâu đã tới nhà hàng Khương đặt tiệc.
Đây là một nhà hàng rất nổi tiếng và rất đắt tiền. Người tầm thường ít ai dám bước vào. Ngày sinh nhật của Khương tất nhiên cần phải sang trọng một tí. Nàng thầm nghĩ như vậy. Hai người bước vào được người bồi đưa đến chiếc bàn đã dọn sẵn. Đây là một chiếc bàn nho nhỏ, bên trên có để một bình hoa màu bạc và cắm một đóa hoa hồng. Chỉ có hai chiếc ghế thôi.
Cô Trương hết sức ngạc nhiên. Chỉ có hai người? Tại sao vậy?
Cô không phải là một cô gái bé thơ nữa, nên liền lên tiếng một câu nhiều ngụ ý:
- Cậu Khương, còn những người khác chưa tới sao?
Khương cười rất vui vẻ:
- Không còn người nào khác hết!
Tất nhiên, một cậu con trai mười tám tuổi, không sao tránh được sự thẹn thuồng.
- Không còn?
Cô Trương dừng ngang lại, không nói hết những lời ngạc nhiên mà cô định nói ra. Đã đến đây rồi thì phải ngồi xuống chớ biết sao. Mặc dù nàng có cảm giác ngượng nghịu bất ngờ, nhưng nàng vẫn rất bình tĩnh. Nàng nói tự nhiên:
- Tôi tưởng ba má cậu làm sinh nhật cho cậu chớ.
Chàng lắc đầu:
- Tôi không cần ba má tôi làm.
Chàng mặc một bộ âu phục nên xem có vẻ khá lớn. Đối với việc mời cô Trương đêm nay, chừng như chàng đã có kế hoạch từ lâu rồi. Riêng cô Trương cảm thấy thật lúng túng. Tuy nàng không biết ý chàng muốn gì, nhưng nàng cảm thấy khung cảnh này thật không thích hợp. Khương tại sao chỉ mời có nàng, vậy còn cô bạn gái sống bên cạnh chàng từ thuở nhỏ là cô Điền kia đâu?
Nàng tự nhiên thấy cần phải dè dặt, cần phải đề phòng. Nếu nàng nói lỡ một lời nào, chắc sẽ còn gây ra sự hiểu lầm to tát hơn. Nàng bèn giả vờ hỏi:
- Còn Điền đâu? Tại sao không mời cô ấy?
- Con bé ấy mà có biết gì!
Nàng chau mày. Xem ra chuyện này có một nội dung không phải giản dị đâu. Nàng lúng túng:
- Tại sao cậu lại nghĩ... đến việc mời tôi?
Chàng đáp nghiêm trang:
- Tôi cảm thấy... chỉ có cô mới đáng cho tôi mời.
Nàng cố ý nói để tạo một không khí nhẹ nhàng hơn:
- Vì tôi là một giáo sư?
Chàng đáp qua giọng buồn buồn:
- Vì cô là một người bạn.
Cô Trương đã thật sự bắt đầu lo lắng. Cậu Khương này chắc chắn giống như số đông những cậu con trai mới lớn lên, trong lòng không có những cảm tình đúng đắn đối với người lớn. Nàng hỏi:
- Chắc cậu còn nhiều người bạn khác lắm, phải không?
Chàng quả quyết:
- Tôi chỉ có một người bạn thôi.
Nàng không nói gì nữa. Nàng đã biết chắc nàng đến đây là sai lầm rồi. Tại sao nàng không hỏi rõ ràng trước? Nếu nàng biết chỉ có mình là khách, thì dù chàng nói gì nàng cũng không đến. Khương tuy là một người đẹp trai, nhưng hãy còn trẻ con. Nàng năm ấy đã hai mươi lăm tuổi đầu, như vậy... người ta sẽ cười chết!
Nàng không còn vẻ tự nhiên như lúc đầu nữa. Khương nói:
- Má tôi ở nhà đãi khách, nhưng tôi lại mời riêng cô.
Nàng giật mình:
- Cậu bỏ nhà ra đây... vậy má cậu không biết sao?
Chàng đáp rất tự nhiên:
- Tôi đã lén đi. Tôi nào chịu tham dự buổi khiêu vũ vô vị của họ tổ chức.
Cô Trương nghiêm nghị:
- Cậu Khương, cậu đã làm sai rồi, cậu có biết không? Buổi tiệc sinh nhật ở nhà là buổi tiệc sinh nhật của cậu, vậy dù sao cậu cũng phải tham dự. Cậu đi riêng với tôi tới đây, dễ gây sự hiểu lầm lắm.
Chàng cãi bướng:
- Không. Không có hiểu lầm gì đâu.
- Cậu nên trở về nhà ngay. Tôi chỉ muốn tham dự buổi lễ sinh nhật tại nhà cậu.
Chàng cương quyết:
- Tôi không về.
- Tổ chức tiệc sinh nhật như vầy, làm tôi cảm thấy khó xử lắm, cậu có biết không?
- Không đâu. Không có ai biết đâu.
Nàng nhìn thẳng chàng:
- Cậu Khương, tại sao cậu lại dại dột tưởng là không có ai biết? Còn cậu? Còn tôi? Tôi không bao giờ chịu nói dối!
Chàng im lặng một lúc, bỗng nói:
- Tại sao tôi không thể làm những gì tôi thích? Còn họ thì có thể làm được?
Chàng nói nghe rất lạ. Họ là ai? Nàng hít vào một hơi dài:
- Tôi không hiểu.
Nàng cần phải bình tĩnh. Nàng không thể dồn ép người con trai kỳ dị này một cách thái quá. Hơn nữa... chẳng phải nàng có ý nghĩ muốn giúp đỡ chàng sao? Hay đây là một dịp tốt?
Mặt chàng đỏ bừng, có vẻ rất xúc động:
- Tất nhiên cô không thể hiểu được. Không ai có thể hiểu được hết.
Nàng cố trầm tĩnh:
- Nếu vậy... cậu bằng lòng nói cho tôi biết, để tôi hiểu cậu không?
Chàng không nói gì, có vẻ đang suy nghĩ. Nàng đổi giọng dịu dàng:
- Cậu Khương, cậu nên biết sinh nhật không phải chỉ riêng là ngày vui của cậu, mà đó còn là ngày kỷ niệm mẹ cậu đã chịu khổ sở phải không?
Chàng kêu lên như giận dữ:
- Ai bảo bà ấy sanh ra tôi? Nếu bà ấy không sanh tôi... thì chẳng phải không có chuyện gì hết hay sao?
Đây là một nhà hàng có bầu không khí rất yên tĩnh. Chàng kêu lên như vậy đã làm nhiều người chung quanh chú ý. Cô Trương luống cuống đến đỏ mặt một lúc lâu. Khương tức giận cúi gằm mặt. Đáng lý chàng không nên kêu to như vậy. Chàng tự biết lắm. Chàng liền cất tiếng khẽ:
- Tôi xin lỗi cô!
Cô Trương tươi cười và cất giọng lo lắng:
- Vừa rồi tại sao cậu lại nói... những lời nói như thế? Cậu phải thương mẹ cậu chớ.
Khương cắn môi nhìn thẳng nàng một lúc lâu mới quyết định nói rõ sự thật:
- Bà ấy không thương gì tôi. Bà ấy... chắc chắn không muốn tôi sống trên cõi đời này.
Cô Trương hết sức ngạc nhiên:
- Sao lạ vậy? Bà ấy là ai, là mẹ của cậu hả? Cậu Khương, chắc chắn không thể có như vậy được.
Khương nói rất quả quyết:
- Có! Ngay từ lúc nhỏ tôi đã biết. Bà ấy... rất chán ghét tôi.
- Chắc là cậu đã hiểu lầm. Tôi có thấy mẹ cậu. Bà nào phải người như vậy?
Giọng nói của nàng rất dịu dàng. Nàng nghĩ phải chăng đây là nguyên nhân đã làm cho Khương trở thành con người kỳ dị, lạnh lùng và cô độc? Khương vẫn với giọng tức giận:
- Bà ấy là... là một bà mẹ thiếu trách nhiệm nhất trên đời này. Bà ấy không đủ tư cách để làm một bà mẹ. Tôi rất oán hận bả.
Cô Trương càng hết sức ngạc nhiên:
- Cậu Khương...
Chàng hít vào một hơi dài để giữ sự bình tĩnh, nói tiếp:
- Cô bằng lòng nghe tôi kể hết mọi việc không? Tôi sẽ kể với cộ.. vì tôi thích cô.
Cô Trương gật đầu. Cô sẽ nghe chàng kể hết chuyện của chàng rồi sẽ tìm hiểu cái tiếng "thích" ấy sau. Nàng nhất định sẽ giúp đỡ cho chàng.