Chương 3
Tác giả: QUỲNH DAO
Cô Trương đã cùng ăn buổi cơm tối với Khương. Nàng đã bắt đầu hiểu người con trai này. Đây là một chàng con trai bướng bỉnh, cực đoan và phóng túng, chàng khác nào một con mèo hoang, ta chỉ có thể vuốt nhẹ lông nó mà thôi.
Nàng không làm phật lòng chàng vì vậy sau bữa cơm tối, nàng đã dẫn chàng về nhà mình chơi. Từ nhà Khương sát vách văng vẳng có tiếng âm nhạc vọng tới. Hai người họ không cần chú ý đến những tiếng nhạc đó. Ngồi nơi phòng khách trang nhã của nàng, chàng bắt đầu kể chuyện mình. Không, phải nói là chàng đang cởi mở những gì u tối trong lòng chàng mới đúng.
- Kể từ ngày tôi có sự hiểu biết, có trí nhớ, thì tôi thấy mình đã bị nhốt trong một cái chuồng gỗ.
Nàng chau mày. Chàng nói nghe rất lạ làm nàng không hiểu gì hết. Chàng nói tiếp:
- Đấy là một chiếc nôi gỗ rất cũ, đã được nhiều hài nhi nằm ngủ trong đó. Thế mà... tôi đã sống trong đó suốt bốn năm dài.
Tại sao là một chiếc nôi rất cũ, đã nhiều hài nhi ngủ trong đó? Bệnh viện chăng? Vô lý, vì bệnh viện nuôi hài nhi rất kỹ, vậy đâu có một chiếc nôi rất cũ. Hay là... mẹ chàng đã mua lại chiếc nôi cũ cho chàng, làm chàng bất mãn?
- Sau khi sanh tôi bẩy ngày thì tôi được rời bệnh viện và được đưa tới một nhà gởi trẻ rất tầm thường.
Nhà gởi trẻ? Nàng gật đầu. Té ra là thế. Nàng nói:
- Việc được gởi nuôi tại nhà gởi trẻ không phải là một việc tệ hại. Có lẽ mẹ cậu chưa có kinh nghiệm, nên đã gởi cậu vào một nhà gởi trẻ chăm sóc hài nhi không được kỹ lắm.
Chàng cười nhạt:
- Đấy là ý cô nghĩ.
Nàng hỏi trở lại:
- Một ý nghĩ trong tưởng tượng? Tại sao?
Chàng lắc đầu:
- Lúc đầu tôi là một đứa hài nhi chỉ biết khóc, mặc cho ai muốn làm gì thì làm. Tôi không hiểu họ chăm sóc tôi như thế nào. Đến năm tôi lên hai thì tôi có sự hiểu biết. Tôi trông thấy họ chăm sóc những hài nhi khác, mới hiểu trước kia họ đã chăm sóc tôi như thế nào.
Hai tuổi mà đã có sự hiểu biết? Vậy phải kể chàng là một đứa bé thông minh.
- Có lẽ cậu đã hiểu lầm. Tôi nghe đâu các y tá trong nhà gởi trẻ làm việc rất tận tâm.
Chàng lắc đầu tức tối:
- Đây là những gì cô nghe nói chứ kỳ thật những người đó không như vậy đâu. Thậm chí có những người chưa từng được huấn luyện kỹ càng về cách nuôi dưỡng hài nhi.
Khương đã kể lại tất cả những nỗi cô đơn nhọc nhằn trong những ngày chàng sống ở nhà gởi trẻ. Lắm lúc chàng bị sốt rất nặng mà mẹ chàng vẫn không hay biết. Tất cả những cái đó đã làm cho chàng có một cá tánh kỳ dị như ngày hôm nay. Nếu Khương từ lúc nhỏ được mẹ chàng ôm ấp trong lòng, chăm nom kỹ lưỡng từ giọt sữa, từng manh áo, thì ngày nay chàng đâu có trở thành một con người như vậy?
Người mẹ có tình thương, có một mối dây liên hệ thiêng liêng với đứa con của mình mà không có gì thay thế được.
Cô Trương bỗng chợt nhớ ra:
- Nhưng... tại sao cậu lại thích ở trên ngọn cây?
Những lời chàng nói vừa rồi, có liên hệ gì đến cái ổ trên ngọn cây của chàng?
Chàng đáp:
- Tôi muốn lánh xa mọi người, kể cả cha mẹ tôi. Hồi nhỏ cha mẹ tôi bỏ rơi tôi, vậy khi khôn lớn tôi có thể bỏ rơi lại cha mẹ tôi.
Nàng hỏi:
- Nhưng tại sao lại ở trên cây?
- Vì những lá cây rậm rạp giúp tôi có một cảm giác an toàn. Và chiếc chòi bé nhỏ bằng gỗ ấy... rất giống chiếc nôi ở trong nhà gởi trẻ.
Nàng ngạc nhiên:
- Chẳng phải cậu rất ghét nơi đó sao?
- Dù sao... chiếc nôi cũ kỹ ấy vẫn là nơi tôi sống bốn năm dài.
Lời giải thích của chàng không hẳn đúng nhưng nó làm cho người ta đau lòng. Ý nghĩ hoài niệm chuyện cũ ấy đã chứng tỏ chàng là một người con trai nhiều tình cảm. Cô Trương rất cảm động, nhưng cô không biết phải nói gì. Nàng có cách gì giúp cho chàng chăng? Nàng chưa nghĩ ra được. Bỗng nàng nhớ đến Điền:
- Còn Điền là một cô gái hết sức dễ thương, vậy cậu không nhận thấy sao? Cô ấy được các bạn học đặt cho cái hiệu là "cục kẹo thơm" đấy. Cô ta lại rất thích cậu...
Chàng đáp nhanh:
- Nhưng cô ta là một cô bé đầy hạnh phúc.
Hạnh phúc? Nàng ngẩn ngơ. Việc này có liên hệ gì đến hạnh phúc đâu?
- Mẹ của cô ta, các bạn của cô ta đều yêu mến cô ta. Vậy hà tất cần đến tôi nữa?
Nàng cười:
- Có phải cậu ganh tị với cô ta không?
Nàng nhận rằng người tuổi trẻ thường có cái tâm lý đó. Nhưng chàng lắc đầu:
- Tôi không biết. Cô ta nói chuyện suốt ngày. Cười suốt ngày. Không bao giờ thấy cô ta buồn rầu... Tôi rất ghét những người như vậy.
Người con trai này thật là ngây thơ non dại, chỉ có điều là cái ngây thơ ấy đã bị sự lạnh lùng và buồn bực che lấp tất cả.
- Cậu Khương, thế mà cậu còn bảo là không ganh ti....
- Ngoài ra cô ta còn một bạn trai kêu là Mỹ. Tôi rất ghét những thằng con trai chưng diện như con gái.
Cô Trương tươi cười. Nàng đã bắt đầu hiểu được Khương. Chàng nói tiếp:
- Chuyện này từ trước tới nay tôi chưa nói với ai bao giờ.
Câu nói của chàng như chưa được nói hết ý. Nàng đáp như hứa với chàng:
- Cậu yên lòng, tôi không bao giờ đem chuyện này thố lộ với người thứ ba.
Chàng mấp máy đôi môi, dường như còn một câu nói đang dồn ứ nơi cổ, rất khó nói ra:
- Không. Không phải tôi muốn nói như vậy. Tôi muốn bảo là...
Nàng đoán:
- Hy vọng tôi sẽ đem việc đó nói lại giúp cho mẹ cậu?
Chàng thở dài:
- Không...
Chàng bỗng cảm thấy mình hết sức can đảm, nói tiếp:
- Tôi đem chuyện bí mật này nói với cô, là vì... tôi rất thích cô!
Nàng giật mình. Từ sắc diện của Khương nàng đã hiểu được ngay cái tiếng "thích" ấy không phải giản dị đâu. Nàng giả vờ giữ bình tĩnh, vì nàng không muốn làm tổn thương đến chàng:
- Cậu Khương, tôi cũng rất thích cậu, như người chị đối với người em!
Chàng đỏ mặt:
- Không. Không nên như chị với em. Cô đã bảo chúng ta là bạn mà.
Nàng lúng túng:
- Cậu Khương...
Chàng vẫn trang nghiêm:
- Cô chưa có bạn trai. Cô từ trước tới nay không bao giờ đi phố, tôi biết. Mọi hôm tôi ở trên cái ổ nhỏ của tôi đều nhìn thấy cô đi dạy về. Tôi ở đấy trông chờ cô trở về. Cô đã nhìn tôi mỉm cười. Tôi rất thích nụ cười của cô. Tôi...
Nàng nghiêm trang cắt đứt câu nói của chàng:
- Cậu Khường, chớ nói nữa. Cậu đã hiểu lầm rồi. Hơn nữa... cậu không thể thích tôi vì tôi lớn hơn cậu nhiều. Tôi năm nay hai mươi lăm tuổi và...
- Cô chớ nói nữa. Tôi chỉ biết lòng tôi. Tôi thích thì tôi nói thích. Chẳng phải cô đã nhận lời hẹn đi gặp tôi rồi hay sao?
Nàng lỡ khóc lỡ cười:
- Tôi không cảm thấy đó là một cái hẹn. Tôi tưởng có nhiều người tới dự. Cậu đã hiểu lầm thật sự rồi!
Sắc mặt của Khương lộ vẻ thất vọng:
- Cô bảo là... cô không thích tôi tí nào?
Cô Trương tìm lời giải thích rất khó khăn:
- Cái tiếng thích của tôi dùng khác nghĩa với cậu. Tôi lúc nào cũng xem cậu là một đứa em.
Chàng giận dỗi:
- Tôi không còn bé nữa. Tôi đã mười tám tuổi rồi!
Nàng cố gắng giải thích:
- Cậu Khương, cậu hãy suy nghĩ lại. Cô của cậu là bạn học với tôi, vậy cậu không thể thích. Cậu nên thích cô Điền, người con gái vẫn yêu cậu.
Chàng cắn môi và không nói gì nữa. Chàng nhìn thẳng vào nàng trân trối, lạnh lùng và thật lâu. Độ chừng hai phút sau mà vẫn còn nhìn làm nàng cảm thấy rất ngượng nghịu.
Chàng chậm rãi và nhấn mạnh từng tiếng:
- Tôi thích cô. Tôi sẽ thích mãi. Tôi không bao giờ thay đổi, trừ phị.. cô dối gạt tôi.
Nàng kêu lên:
- Dối gạt?
Có gì mà dối gạt? Người con trai này đã hiểu lầm tất cả. Chàng lập lại:
- Dối gạt!
Chàng đứng lên định bước đi. Nhưng lại nói thêm:
- Cô còn nhớ là cô đã hứa với tôi, không đem chuyện của tôi nói lại với người thứ ba.
Thế rồi chàng quay gót bỏ đi thẳng ra cửa.
- Cậu Khương...
Nàng muốn gọi chàng lại, nhưng suy nghĩ thấy gọi chàng trở lại cũng chẳng biết nói gì hơn? Chàng thích nàng, quả là một việc làm cho nàng lỡ khóc lỡ cười. Khương đã rời đi.
Nàng nghe có tiếng cổng, nhưng nàng vẫn ngồi ngẩn ngơ, yên lặng. Thật nàng không dè chuyện lại xảy ra thế này. Khương cũng như Điền đều là người trẻ tuổi, thế mà lại đi yêu một người lớn hơn chàng. Quả là một chuyện lạ lùng.
Hay là hành động này có tương quan với những cảnh ngộ thời thơ ấu của chàng? Nàng cần phải nghĩ cách để giải quyết chuyện này. Nàng là một cô gái bình tĩnh và cứng rắn.
Nàng tự tin mình không bị thất bại. Nàng đứng lên thong thả bước đến trước cửa sổ.
Tiếng âm nhạc từ nhà Khương vẫn còn vang vang vọng tới. Buổi lễ sinh nhật không có chủ nhân vẫn vui vẻ. Người trẻ tuổi có khác.
Khương trở về tới nhà thì sao? Chàng sẽ tham dự vào buổi khiêu vũ không? Không. Chàng không phải là hạng người như vậy. Tánh chàng rất cố chấp... Nàng bỗng ngửa đầu lên trông thấy chiếc ổ nhỏ trên ngọn cây của Khương. Trên ấy dường như có bóng người. Khương lại đến chiếc ổ ấy hay sao? Nàng nhanh nhẹn lui vào nhà. Nàng không muốn gây ra sự hiểu lầm nữa.
Nàng bỗng nhớ đến một việc là Khương chưa từng biết tên nàng là gì, thế mà lại yêu nàng.
Quả là chuyện không thể tưởng tượng.
Khương không tham gia buổi lễ sinh nhật của cha mẹ chàng tổ chức cho chàng, nhưng có điều lạ là mẹ chàng và Điền không ai ngỏ lời trách cứ cả. Điền vốn là cô gái có chi nói nấy, thế mà lần này nàng cũng tuyệt nhiên không đả động tới chuyện ấy. Điều đó làm cho Khương nghĩ ngợi và không hiểu tại sao.
Điền vẫn vui vẻ như xưa. Vào trường nàng vẫn liến thoắng, vẫn xuất hiện trong vườn hoa nhà trường, nhưng nàng không bao giờ tới khuấy rầy Khương nữa. Nàng không theo đòi Khương đưa nàng đi xem xi nê, mà cũng không đứng ở thang lầu gọi to tên chàng như những ngày qua. Có phải Điền đã giận chàng rồi không?
Suốt mười mấy năm qua lúc nào chàng cũng bị Điền theo sát bên cạnh. Giờ đây bỗng vắng bóng nàng, chàng cảm thấy như không quen. Chàng có cảm giác như mình đánh mất một cái gì quý báu trên người mình. Chàng lấy làm băn khoăn. Còn một việc làm chàng cảm thấy lạ, ấy là hình bóng của mẹ chàng dường như xa vắng, chẳng còn thấy tới lui bên cạnh chàng.
Trước kia má chàng luôn thức sớm để cùng ngồi ăn điểm tâm với chàng. Sau khi ngồi với chàng dùng điểm tâm xong, bà mới trở về phòng riêng. Mấy hôm nay điểm tâm buổi sáng chỉ có phần ăn của chàng thôi. Má chàng đâu? Phải chăng đã giận chàng? Chàng đã quen trầm lặng, nên dù thấy lạ nhưng vẫn không mở miệng hỏi chị Thái. Tan học về nhà, chàng không còn thấy mẹ mình đứng đón ở trước cửa nữa. Mẹ chàng vẫn ở trong nhà, bà đang bận rộn với công việc riêng của bà.
Gian nhà càng trở nên lạnh lẽo, quạnh hiu. Chàng càng thêm trầm lặng, càng cô độc. Mỗi hôm chàng vẫn bỏ nhiều thì giờ lên nằm trên cái ổ nhỏ trên ngọn cây. Chàng nằm ở đấy để nghĩ ngợi, để tưởng tượng. Chàng ở lại đấy để chờ đợi cô giáo Trương nhìn chàng mỉm cười. Chỉ có cô giáo Trương là vẫn như thường. Nàng đi dạy đúng giờ, trở về đúng giờ. Nàng vẫn giữ thái độ thân mật, tự nhiên. Nàng vẫn nhìn chàng mỉm cười.
Mặc dù nàng không sang nhà chàng để nói chuyện với chàng, nhưng như vậy chàng đã hài lòng lắm rồi. Chỉ cần nàng mỉm cười là đủ. Một hôm sau giờ tan học, Khương vẫn như mọi ngày bước ra cửa trường một mình. Nhà không xa nên chàng chẳng cần phải chen lấn để lên xe buýt. Bỗng chàng trông thấy bóng của Điền phía trước. Điền đang đi sánh vai với Mỹ. Lại là cậu Mỹ...
Khương lắc đầu. Chàng cảm thấy mình càng ngày càng chán ghét Mỹ hơn. Điền và Mỹ đang nói nói cười cười. Chừng như họ đang thảo luận, những chương trình vui chơi gì đó.
Nhà Điền cũng không xa, nhưng nàng đã theo Mỹ bước lên xe buýt. Có phải họ định đi xem xi nê chăng?
Lòng Khương bỗng cảm thấy một sự bực dọc khó hiểu. Điền tuy là một cô gái nghịch ngợm. Điền tuy thích bám sát chàng để khuấy rầy, nhưng... dầu sao nàng vẫn là một cô gái đáng yêu. Nàng không nên giao thiệp với hạng con trai như Mỹ. Chính mắt chàng trông thấy Mỹ hẹn hò với những cô gái khác. Hạng con trai háo gái ấy làm sao xứng đáng với Điền? Chàng cảm thấy bất bình giùm cho Điền.
Nhìn theo chiếc xe buýt mang Điền đi, chàng ngẩn ngơ như mất của quý. Trở về tới nhà chàng thấy ngôi nhà vẫn vắng tanh, ngay đến khi chị Thái cũng chẳng biết trốn đi đâu mất. Không khí tựa hồ như đông đặc lại. Chàng ném chiếc cặp rồi hối hả đi thẳng ra sau vườn. Chàng có thể chẳng cần biết những người chung quanh. Chàng chỉ cần trông thấy cô giáo Trương mỉm cười là đủ rồi. Bây giờ có lẽ cô ấy cũng sắp về tới.
Chàng trèo lên cây nằm xuống cái ổ bé nhỏ của chàng. Chàng nằm im lặng chờ đợi.
Quả nhiên, chàng đã nghe tiếng xe hơi. Mọi ngày, sau khi khóa xong cửa xe cô Trương thong thả bước vào vườn hoa và đi ngang cái ổ của chàng. Nàng vẫn mỉm cười như thường lệ. Khương ngồi lên định đón nhận nụ cười của nàng, nhưng... Chuyện gì đã xảy ra? Từ trước tới nay cô Trương vẫn đi về một mình, thế tại sao hôm nay bên cạnh cô lại có thêm một người con trai xinh đẹp, cao lớn?
Khương không làm sao đè nén được con ghen tức đang dâng lên trong lòng. Chàng tự biết khuôn mặt mình đang tức đến đỏ hồng. Cô Trương vẫn không tiếc một nụ cười với chàng, nhưng... nàng có vẻ hối hả, có vẻ chiếu lệ quá. Lòng Khương cảm thấy giá lạnh, chừng như đông lại thành từng tảng băng, chàng có cảm giác bị dối gạt, bị một vết thương.
Người con trai ấy... là bạn trai của cô Trương chăng? Nàng đã có bạn trai rồi? Thế tại sao từ trước tới nay không nghe nàng nhắc tới, cũng chưa bao giờ trông thấy y tới nhà nàng? Chả lẽ... hôm nay y muốn thị Oai với chàng? Khương cảm thấy tức giận. Chàng như muốn nhảy xuống chạy vào nhà cô giáo Trương đuổi người con trai ấy ra khỏi nhà. Cô giáo Trương là bạn của chàng, vậy cô phải thuộc về chàng. Trong lòng chàng như đang gào thét, nhưng ngoài mặt chàng lại càng trầm lặng hơn.
Mười phút sau cô Trương và người con trai ấy tay khoác tay từ trong nhà đi trở ra. Nàng thay y phục rất đẹp, môi tô son. Khương nhớ hôm nàng đi dự sinh nhật của chàng, nàng ăn mặc rất tầm thường. Xem ra nàng chỉ quý trọng người con trai này. Nếu không nàng đâu có chưng diện. Cô Trương cười thật ngọt, như đang cảm thấy thật là hạnh phúc. Khi đi ngang Khương nàng đứng lại, kéo người con trai ấy đến chân tường cất tiếng vui vẻ:
- Cậu Khương, tôi giới thiệu với cậu nhe! Đây là anh Vỹ, vị hôn phu của tôi. Anh vừa từ Gia Nã Đại (Canada) về!
Khương chỉ cảm thấy như tiếng kêu o o trong lỗ tai, chớ không còn nghe được gì nữa. Vị hôn phu? Trời! Sao lại có chuyện như vậy? Cô Trương đã có vị hôn phu rồi? Chàng không nhớ là mình đã nói gì, đã làm gì. Chàng chỉ trông thấy khuôn mặt thật tươi, tràn ngập niềm hạnh phúc của cô giáo Trương. Và sau đó, chàng dùng tia mắt tiễn họ rời khỏi khu vườn.
Người con gái khi yêu một người con trai, ta có thể nhận thấy được qua sắc diện của họ.
Với nét tươi vui, với nụ cười, họ khác hẳn bình thường. Cô giáo Trương đã yêu Vỹ, đó là việc mà Khương tin chắn chắn. Yêu... thế còn Khương thì sao? Khương từng nói với nàng là chàng thích nàng. Thật ra Khương muốn nói yêu nàng, nhưng vì chàng e thẹn, không dám nói thẳng ra. Bây giờ...
Cô Trương dựa sát vào vị hôn phu. Hình ảnh đó làm chàng hoàn toàn thất vọng. Không! Làm chàng hoàn toàn thất tình! Thất tình... Đây là một chuyện yêu hoàn toàn trong tưởng tượng. Chỉ có chàng là yêu cô giáo Trương. Đây là một thứ tình yêu đơn phương!
Thượng Đế tại sao lại bạc đãi chàng như vậy? Chả lẽ đời chàng số mạng đã an bày là không bao giờ hưởng được sự ấm áp? Không bao giờ được yêu? Chàng ngồi trơ trơ trên chiếc ổ nhỏ ở ngọn cây, mãi cho đến màu trời hoàn toàn tối hẳn. Chị Thái ra mời chàng vào dùng cơm tối, chàng mới chậm rãi leo xuống. Ý nghĩ bị dối gạt trong đầu óc chàng mỗi lúc như thêm lớn mạnh hơn. Chàng cảm thấy phẫn nộ.
Chàng phải làm một cái gì. Chàng cần phải để cho họ biết chàng... Trần Trọng Khương này chẳng phải dễ coi thường. Nơi bàn ăn, cha mẹ chàng vẫn bình thản, an lành. Mẹ chàng không còn cử chỉ lo lắng gắp thức ăn cho chàng nữa. Không còn khuyên nhủ chàng ăn nhiều hơn và cũng không chú ý nhiều tới chàng.
Qua chuyện cô Trương chàng bị kích thích mạnh, lại thêm thấy cha mẹ không còn chăm sóc tới mình, nên chàng không thể nào chịu đựng được nữa. Chàng cung tay quẹt mạnh tất cả chén đĩa xuống đất. Cha mẹ chàng hết sức ngạc nhiên, nhìn chàng trân trối. Mẹ chàng nói qua giọng kinh dị:
- Khương, con làm gì vậy?
Chàng kêu to:
- Con... muốn giết người!
Cha Khương buột miệng kêu lên:
- Khương...
Khương cười to như điên:
- Phải, muốn giết người! Giết những người đã dồn con vào vùng băng giá. Giết những người đã xem thường, đã lạnh lùng với con. Giết những người giả dối làm bộ chăm lo cho kẻ khác. Giết những người... sinh con ra mà vô trách nhiệm!
Mẹ chàng kêu lên:
- Khương, con điên rồi hả?
- Con không điên. Con bình tĩnh hơn bao giờ hết. Con hiểu rõ hơn ai hết...
Sau một chuỗi cười dài, nước mắt chàng trào ra:
- Ba và má sinh con ra nhưng lại không thương con. Không chăm sóc con. Đã gởi con vào nhà gởi trẻ sống bốn năm trong lạnh lùng. Cuộc sống ấy làm con sợ hãi. Làm con mang một vết thương đau. Ba và me.... là những bậc làm cha mẹ thiếu trách nhiệm nhất trong đời này!
Đôi mắt của mẹ chàng đỏ hoe:
- Khương, tại sao con lại nói như vậy? Mọi việc nào phải thế đâu...
- Tại sao không phải?
Chàng khóc thành tiếng:
- Mẹ đã sợ cực nhọc, sợ mau già, nên không bằng lòng nuôi con. Mẹ đã làm cho con từ khi có sự hiểu biết đã tiếp xúc với những gì giá lạnh. Mẹ đã để con sống bốn năm dài trong chiếc giường gỗ cũ kỹ đáng sợ. Mẹ đã làm cho con sống... cảm thấy mình như một đứa bé bị bỏ rơi, không cha không mẹ. Mẹ đã làm cho con... vĩnh viễn không có cảm giác là mình có gia đình, có tình thương... me....
Cha Khương đứng lên:
- Khương!
Qua sắc mặt xúc động dữ dội của cha Khương, rõ ràng ông đang hết sức xấu hổ:
- Con không được nói bậy!
Khương vẫn khóc:
- Con không nói bậy. Những lời nói của con hoàn toàn đúng. Con là người, là một đứa bé có cha mẹ, tại sao con không thể như bao nhiêu đứa bé khác, như Điền, được sống bên cạnh mẹ hiền. Dù cho nghèo dù cho khổ, nhưng nếu có đươc sự chăm sóc chu đáo, có được tình thương thì cũng chẳng sao. Tại sao con không được những cái đó? Tại sao?
Cha chàng với dáng điệu trân trọng bước tới trước mặt chàng:
- Không, con đã hiểu lầm rồi. Cha có thể giải thích cho con hiểu.
Chàng vẫn khóc. Chàng quá xúc động:
- Không cần giải thích nữa. Đã muộn quá rồi. Những gì cha mẹ đối với con trước đây mười tám năm, ngày nay không thể có gì bù đắp đươc.
Mẹ Khương rơi lệ:
- Khương, con...
Khương nói:
- Một đứa bé đã bị sự đau buồn giày vò, đã bị sự kinh khiếp gây nên những bóng tối trong tâm hồn, thì dù ánh sáng mặt trời cũng không thể làm cho tâm hồn nó bừng sáng trở lại. Mọi người đều bảo trong đời này không có cha mẹ nào mà không thương yêu con, nhưng phải trừ ba và mẹ ra!
Cha chàng chụp mạnh vai chàng:
- Khương, con phải nghe lời nói của ba!
Lần thứ nhất chàng thấy cha chàng lại mạnh mẽ đến như vậy. Chàng kêu lên:
- Con không nghe! Con không bao giờ nghe! Con rất phiền ba mẹ. Ngay từ lúc nhỏ con đã bị ba mẹ tước bỏ tất cả sự vui vẻ, niềm ngây thơ của con. Ba má không làm sao cứu vãn được sự sai lầm của mình.
Mẹ Khương lại gọi to:
- Khương, con...
Khương dùng sức giẫy để thoát ra khỏi bàn tay của cha, vừa thụt lùi vừa chỉ vào cha mẹ chàng:
- Con phải xa rời cha mẹ. Con không muốn bao giờ gặp lại ba mẹ!
Chàng đã lui ra khỏi cửa. Cha chàng bước nhanh theo:
- Khương, con...
Khương không để cha chàng bước lại gần, quay lưng bỏ chạy. Chàng nghe tiếng gọi lớn của mẹ chàng từ sau lưng vọng tới. Nhưng chàng không để ý. Lòng chàng đang rối loạn, đang xúc động mạnh, đang giận dữ. Những cái gì đè nén trước mười tám năm qua, nay bỗng bùng nổ lên, thật không có gì ngăn cản nổi.
Chàng chạy ra sau nhà, đứng bên vệ đường. Bỗng chàng cảm thấy đầu óc tỉnh táo lạ thường. Chàng bèn đứng lại. Chàng đã bảo là bỏ nhà đi, vậy chàng nhất định phải đi.
Một ngôi nhà như vậy thật không có chỗ nào đáng cho chàng lưu luyến. Ngay đến cái ổ nhỏ của chàng trên ngọn cây, giờ cũng không còn ý nghĩa nữa.
Cô Trương đã có vị hôn phu rồi! Nay chàng đã mười tám tuổi, vậy chàng có thể làm bất cứ việc gì để tự nuôi sống lấy mình. Chàng không cần nhờ vả vào ai nữa. Chàng cũng không có ai để nhờ vả. Chàng đi mãi, đi mãi. Chừng như chàng đã rời khỏi nhà rất xa.
Chàng không bao giờ quay đầu nhìn lại, vĩnh viễn không nhìn lại. Chàng là một đứa con trai rất cứng cỏi. Nhưng trong lòng chàng dường như còn có một điều lo âu...
Điền không nên đi lại với một con người như Mỹ. Chàng tuy sẽ không gặp Điền nữa, nhưng chàng có thể gởi cho Điền một bức thư. Những năm qua chàng cư xử với Điền quá lạnh nhạt. Điều đó chàng cũng tự hiểu. Chàng thấy Điền là một cô gái ngây thơ, trong trắng. Bây giờ chàng rời đi, chàng bỗng cảm thấy lo nghĩ tới nàng.
Chàng đứng trước ngã tư đường, trong lòng ít nhiều hoang mang. Chàng nên đi thẳng hay là nên đi quẹo? Chàng đang mặc đồng phục của trường. Trong túi chàng chỉ còn hai đồng bạc.
Những ngày sắp tới chàng phải trông cậy vào lòng tin vào sự can đảm của mình. Chàng cắn môi tự nhủ là không nên quay đầu nhìn lại. Không nên...
Một chiếc xe con cóc màu bơ từ sau lưng chàng chạy tới và dừng lại bên chàng. Chàng ngạc nhiên. Chàng có hoa mắt không?
- Lên đây, cậu Khương!
Giọng nói thật oai nghiêm, làm cho người nghe không dám cãi lại. Chàng ngửa mặt nhìn, trông thấy đôi mắt ngay thẳng và chăm lo đang nhìn chàng. Chàng không khỏi giật mình và không thể cắn chặt đôi môi nữa.
- Lên đây!
Cô Trương lại hối. Chàng không dám cưỡng lại, ngoan ngoãn bước lên xe. Không phải chàng thiếu lòng tin và thiếu lòng can đảm, mà vì... trong đôi mắt ấy có yêu. Tình yêu giữa những người bạn!
o0o
Cô Trương cất giọng bình tĩnh nhưng rất nghiêm nghị:
- Tại sao cậu vẫn thích làm chuyện điên rồ? Cậu đã làm cho cha mẹ cậu đau khổ, cậu biết không?
Chàng đáp:
- Chính họ đã làm cho tôi đau khổ trước!
Chàng không thấy Vỹ... vị hôn phu của cô Trương đâu. Chàng cảm thấy rất dễ chịu. Cô Trương nghiêm nghị:
- Cậu hãy tin lời tôi. Cha mẹ cậu không phải cố ý làm cho cậu đau buồn đâu. Vì cha mẹ cậu không hiểu rõ tình trạng của nhà gởi trẻ. Hơn nữa... lúc bấy giờ họ không thể không gởi cậu vào đó.
Khương chau mày. Nàng nói gì vậy? Lúc bấy giờ cha mẹ chàng không thể không làm như thế? Cô Trương thong thả nói:
- Cậu nên biết mẹ cậu không phải sợ cực nhọc, không phải sợ chóng già. Sau khi sanh cậu, bà ấy rất kém sức khỏe, vì cậu là đứa bé sanh khó, làm bà bị mất máu nhiều. Bà trở thành một người bệnh!
Khương trầm lặng. Cô Trương đang nói gì? Đây là một mẩu chuyện mà chàng chưa từng nghe bao giờ. Cô Trương lại nói tiếp:
- Lúc ấy cha mẹ cậu đều phải làm việc. Gia đình cậu không phải giàu có như ngày nay, vậy cậu thử nghĩ một người đàn bà bệnh hoạn, ban ngày phải làm việc, vậy làm sao đủ sức để nuôi một đứa con còn quá nhỏ.
Khương chớp chớp đôi mắt. Sự thật như thế nào?
- Việc đưa cậu vào nhà gởi trẻ là một việc bất đắc dĩ. Cha mẹ cậu đóng tiền hàng tháng rất khó khăn. Vậy là một đứa con, cậu cần phải hiểu và thông cảm nỗi khổ đau của cha mẹ mới phải!
Khương hỏi nàng:
- Tại sao cô lại biết việc đó?
Nàng đáp:
- Chính mẹ cậu nói cho tôi nghe. Bà đúng là một bà mẹ hiền. Bà vừa kể vừa chảy nước mắt. Bà cũng nhận rằng mãi cho tới bây giờ trong lòng bà có cảm giảc mình có lỗi với con. Mười mấy năm gần đây hoàn cảnh gia đình đã khá giả, bà luôn tìm cách bù đắp lại cho cậu, nhưng cậu đã không để cho mẹ mình có dịp nào làm chuyện đó.
Chàng lại hỏi:
- Tại sao mẹ tôi không nói cho tôi biết?
Chàng đã tin lời nói của nàng. Con người nàng có thể làm cho người chung quanh tin tưởng.
Nàng mỉm cười:
- Nếu mẹ cậu nói, cậu có chịu tin không? Hơn nữa, có bao giờ cậu bằng lòng nói chuyện lâu với mẹ cậu không?
Khương nghĩ ngợi giây lát, nỗi thắc mắc bấy lâu nay trong lòng chàng như được cởi mở. Đúng là chàng không để cho mẹ mình có dịp nào giải bày sự thật. Suốt mười mấy năm qua không bao giờ hai mẹ con nói được gì với nhau nhiều.
Vậy là mình... cũng có chỗ sai! Chàng bắt đầu hối hận. Chàng bắt đầu xấu hổ. Chàng chuyển sang đầu đề khác:
- Cộ.. tại sao tìm được tôi?
Sau khi sự phẫn nộ, sự xúc động đã biến mất, bây giờ chàng cảm thấy thẹn thùng.
- Sau khi tôi đưa Vỹ về nhà định sửa bài học sinh thì tôi trông thấy cậu chạy ra khỏi cổng. Tôi nghe được tiếng khóc của mẹ cậu.
Chàng lộ vẻ lo lắng:
- Ba mẹ tôi... hiện giờ thế nào?
Tình mẹ con là tình thiêng liêng, làm sao tiêu diệt được. Nàng lắc đầu:
- Tôi không biết. Tôi chỉ lo đuổi theo cậu. Tôi sợ cậu lại làm những chuyện điên rồ.
Chàng cúi đầu:
- Tôi vốn có ý định sẽ không trở về nhà nữa. Tôi sẽ vào xưởng thợ xin việc làm để tự nuôi lấy thân.
Nàng vỗ vai chàng:
- Lại một ý nghĩ điên rồ. Tự mình bỏ rơi hạnh phúc, bỏ rơi con đường tương lai tươi sáng và gây sự đau khổ cho cha mẹ. Thật cậu là người không thể tha thứ được.
- Cô Trương, tôi...
Nàng mỉm cười và lắc đầu:
- Chớ nói những lời cám ơn!
Bao giờ nàng cũng bình tĩnh:
- Tôi chỉ có một lời yêu cầu nhỏ nhen này.
Mặt chàng bừng đỏ:
- Có sự yêu cầu gì?
Tất cả những gì đã qua, những gì giữa chàng với nàng, quả là không thể tưởng tượng được. Nàng mỉm cười:
- Từ nay về sau đừng gọi tôi là cô Trương nữa. Tên tôi là Khiết, vậy cậu có thể gọi thẳng tên tôi. Nhưng... tốt nhất cậu nên gọi tôi là chị Khiết!
Chàng do dự một lúc. Nhưng chàng đã cất giọng ngượng nghịu:
- Chi.... Khiết!
Chẳng khác nào bầu trời đầy mây đen bỗng tan đi trong chốc lát. Chàng cảm thấy lòng mình thanh thản vô cùng, nhẹ nhàng vô cùng. Từ bao năm qua chàng chưa bao giờ thấy vui vẻ như vậy.
- Chị Khiết!
Chàng lại lên tiếng gọi nàng. Lần này giọng chàng rất tự nhiên. Nàng không nói gì, cho xe thắng lại ngay trước cổng nhà chàng. Nàng vỗ vai chàng, mỉm một nụ cười khích lệ:
- Hãy đi vào! Cha mẹ cậu đang chờ cậu. Chắc cậu đã biết mình phải làm gì rồi!
- Tôi rất cảm kích chị.
Nàng cười:
- Cậu khách sáo làm gì? Chẳng phải cậu đã gọi tôi là chị Khiết đấy hay sao? Còn có việc này nữa, ấy là cậu cần thu xếp cái ổ nhỏ trên ngọn cây.
Chàng không hiểu:
- Thu xếp?
- Cái ổ nhỏ ấy tiêu biểu cho một giai đoạn không vui trong ký ức. Cậu bảo nó là chiếc nôi cũ kỹ trong nhà giữ trẻ. Nhưng ký ức ấy không còn có ý nghĩa nữa. Cậu đã có cha mẹ luôn yêu mến cậu, vậy thì... cậu biết phải thu xếp thế nào rồi.
Chàng nghĩ ngợi và khẽ gật đầu. Chàng thong thả bước xuống xe. Chàng ngoảnh mặt lại:
- Sau này nếu có dịp, chị hãy bảo anh Vỹ dạy tôi cách tập thân thể như thế nào để được rắn chắc như anh ấy!
Nàng không khỏi chưng hửng. Khương cũng biết nói đùa, biết nói những lời vui tươi? Như vậy là sự giúp đỡ nhỏ nhen của nàng xem như đã thành công. Nàng nhìn chàng vẫy tay và tiếp tục nhìn chàng bước vào cổng. Ánh đèn trong nhà vẫn sáng trưng. Trước sau không quá hai tiếng đồng hồ, nhưng không khí trong nhà đã hoàn toàn khác hẳn. Má chàng đang ngồi trơ trơ trên sa lông. Cha chàng cũng ngồi trầm lặng cạnh đấy.
Khương bước đi rất khẽ, không ai hay biết chàng vào nhà. Mẹ chàng đang khóc:
- Không hiểu... nó có chịu trở về không?
Cha chàng đáp:
- Nên an lòng, nó là một thằng bé thông minh. Qua cơn giận dữ nó sẽ tự biết sai lầm. Chúng ta không có gì phải hổ thẹn với lương tâm. Chúng ta đã lo lắng cho nó thực sự, đã thương yêu nó. Chắc chắn nó sẽ hiểu.
- Nhưng... những năm gần đây nó vẫn thế. Em thật khổ sở. Phải chi muốn là được, em sẽ kéo lùi thời gian cho sự việc khởi điểm lại từ đầu. Dù có khổ sở tới đâu, em cũng không bao giờ đưa nó vào nhà gởi trẻ.
Cha chàng thở dài:
- Không ai có thể trách em, vậy em chớ tự trách mình.
Khương không còn cách nào đè nén được nữa. Nước mắt của chàng đã trào ra. Chàng bước vào nhà:
- Ba! Má! Con... đã về đây!
Mẹ chàng chồm dậy:
- Khương, con!...
Bà ôm chầm lấy Khương và òa lên khóc to. Khương dang hai tay từ từ ôm lấy vai me.... Chàng nói qua màn lệ:
- Tất cả đều do con sai lầm. Xin mẹ tha lỗi cho con.
Mẹ chàng vui vẻ mỉm cười trong khi nước mắt vẫn còn ràn rụa:
- Ơ! Khương, câu nói của con nghe phải lắm. Khương...
Khương nói tiếp:
- Con đã hiểu lầm. Con thật là ngu ngốc. Suýt nữa con đã tự hại lấy đời con.
Sau khi nỗi thắc mắc trong lòng được cởi mở, con người chàng hoàn toàn thay đổi hẳn.
Mẹ chàng nói:
- Con hiểu là tốt rồi. Này con, chỉ cần con hiểu là tốt rồi!
Cha chàng ngồi bên cạnh gật gù. Ông là người rất ít nói. Ông lên tiếng:
- Con hãy đi nghỉ một chút đi. Kể từ ngày mai chúng ta sẽ sống lại cuộc sống mới!
Điền bỗng từ ngoài chạy vào. Nàng nói lớn:
- Cuộc sống mới gì thế? Có cho con dự không?
Mẹ Khương buông Khương ra. Bà đưa tay gạt lệ. Điền ngây thơ hỏi:
- Ủa? Mọi người đang làm gì vậy? Tại sao ai cũng khóc? Bộ tập đóng kịch hả?
Cha chàng đã thấy vui. Ông mỉm cười:
- Điền, con đã mười bẩy tuổi rồi, nhưng không giống người lớn tí nào cả. Chớ nói càn nói bậy.
- Con... nói càn nói bậy?
Điền đưa tay chỉ lỗ mũi của mình, vẻ mặt ngơ ngác trông rất ngây thơ và đáng mến. Cha chàng dìu mẹ chàng bước đi:
- Con cứ hỏi con thì rõ!
Điền sững sờ một lúc lâu. Nàng không hiểu lời nói của mình là lời nói thật hay đã nói càn nói bậy? Nàng nhíu mũi:
- Chính dượng mới là người nói sai! Anh Khương, anh đang làm cái gì vậy? Tại sao anh cũng chảy nước mắt?
Khương cúi mặt:
- Anh... bị đau mắt.
Đối với nàng, chàng không còn có ý lánh xa nữa. Nàng lắc đầu:
- Anh gạt ai? Anh Khương, em đến tìm anh để anh đưa em đi chơi banh bowling được không?
Chàng đáp:
- Chẳng phải em và... Mỹ thích nhau lắm sao? Hãy kêu nó đưa em đi!
Chẳng hiểu do đâu lòng chàng bỗng cảm thấy có sự ghen tức. Điền vẫn nghiêm trang:
- Nếu anh bằng lòng đưa em đi thì em cần gì tới anh ấy. Vì em quá buồn, không có cách nào khác hơn, nên mới tìm anh ấy cùng đi đó chớ!
- Nếu vậy... từ đây về sau anh sẽ đưa em đi.
Điền kêu lên:
- Tại sao không đi bây giờ?
Nàng thấy Khương đã đổi tánh, bèn nhanh nhẹn sửa lại câu nói:
- Anh, chừng nào mới đi?
Khương hứa như vậy phải kể là một chuyện hi hữu lắm rồi. Khương đáp:
- Ngày mai, được không? Hôm nay em hãy giúp anh một tí việc.
Điền trố mắt nhìn Khương, không hiểu hai lỗ tai mình có nghe lầm chăng? Khương thay đổi nhiều quá. Khương chẳng những bằng lòng đưa nàng đi chơi, mà còn chủ động mời nàng ở lại giúp tí việc cho chàng nữa. Nàng gật đầu lia lịa:
- Được! Được! Đêm nay em ở lại với anh, vậy anh cần em giúp cho những gì?
Chàng ngồi xuống:
- Chờ một chút thì em sẽ biết. Này em Điền, anh có việc muốn nói với em.
Nàng kêu lên:
- Hôm nay sao anh luôn miệng “anh anh em em” ngọt ngào thế?
Chàng mỉm cười:
- Từ nay về sau anh sẽ gọi em là em Điền. Và những thái độ trước đây của anh đối với em... anh nhận là anh sai.
Nàng kinh ngạc:
- Anh Khương!...
Điền có cảm giác nếu chẳng phải mình lãng trí thì chắc là Khương đang điên. Vì một con người mang biệt hiệu "Khoa học quái nhân", lạnh lùng và cô độc như Khương, tại sao bỗng nhiên lại quá tốt như vậy?
Chàng lên tiếng:
- Không phải anh điên đâu, mà chính vì anh... đã hiểu được một số sự thật!
Nàng không hỏi đấy là những sự thật gì. Nàng mừng rõ:
- Nếu vậy thì tốt quá!
Nàng là một cô gái lười tìm hiểu bất cứ chuyện gì. Khương nói:
- Về sau đi đâu anh cũng sẽ cùng đi với em. Anh muốn làm một người anh họ tốt.
Nàng thè lưỡi:
- Thật ra từ trước tới nay anh nào phải là người xấu. Chỉ có điều là anh dữ quá. Nhưng dù anh dữ tới đâu em cũng không sợ, vì da em dày lắm!
Nói đoạn nàng cười giòn. Tiếng cười của nàng nghe thật ngây thơ.
- Thế còn... anh Mỹ...?
Nàng đáp nhanh không cần nghĩ ngợi:
- Em chẳng cần biết tới anh ấy. Một khi có anh bên cạnh thì em không bao giờ nghĩ tới anh ấy. Anh Khương, em chỉ mến anh thôi.
Khương đã nghe tiếng mến do chính miệng nàng nói. Điền đã nói một cách tự nhiên và khi nói đến tiếng đó mặt nàng thoáng hiện một sự vui vẻ khác thường.
- Đi, bây giờ em hãy giúp anh chuyện này.
Nàng nhảy tung tăng theo chàng:
- Được!
Hai người cùng đi ra sau vườn, đến gốc cây to. Nàng ngoẻo đầu hỏi:
- Mời em lên cái ổ nhỏ của anh chơi hả?
Chàng đáp bình tỉnh:
- Không, anh tháo bỏ nó!
Nàng kêu lên:
- Tháo bỏ?
Khương đáp:
- Phải, tháo bỏ! Nó chỉ là một cái ga nhỏ để cho tâm hồn u buồn của anh tạm dừng lại. Đây là những gì không vui trong ký ức. Quên được nó đi, sẽ giúp cho anh tự mình đi tìm kiếm những gì vui vẻ hơn. Mãi giam mình trong cái buồn là ngốc lắm.
Nàng lắc đầu:
- Em không hiểu!
- Không hiểu càng tốt. Hãy giúp anh tháo bỏ nó đi.
Chàng leo lên cây bắt đầu tháo những tấm ván. Chàng trao từng tấm xuống cho Điền và Điền ném nó xuống đất. Hai người cùng hợp tác rất chặt chẽ. Sau khi gỡ đến tấm ván cuối cùng, Khương cúi mình xuống nói với Điền:
- Kể từ giờ phút này, anh cũng sẽ là người đầy đủ hạnh phúc như em.
Nàng ngơ ngác hỏi:
- Thế trước đây anh không có hạnh phúc hay sao?
- Trước đây...
Chàng dừng câu nói lại để tìm những lời nói khác hơn:
- Anh không còn nhớ nữa. Anh chỉ muốn tìm hạnh phúc ở mai sau.
Ánh trăng chiếu sáng lên khuôn mặt ngây thơ khả ái của Điền, làm chàng nhìn mà phải ngẩn ngơ. Chàng đang tìm thấy được một việc mới:
- Em Điền, té ra em... thật là đẹp!
Nàng không nghe rõ:
- Anh nói gì?
Chàng đáp:
- Để anh xuống rồi nói lại cho em nghe.
Chàng bất ngờ ngửa mắt nhìn lên, trông thấy nơi cửa sổ nhà láng giềng, cô giáo Trương... mà không, chị Khiết đang đừng ở đây. Nàng mỉm một nụ cười chúc lành rồi bước đi nơi khác.
Chàng nhún vai. Những chuyện điên rồ vừa qua cũng sẽ chìm vào lãng quên cùng với cái ổ nhỏ trên cây của chàng. Điền đang đứng dưới gốc cây chờ chàng xuống. Chàng bỗng cảm thấy một thứ hạnh phúc thật sự đến với mình. Đây là cái hạnh phúc của người khi được yêu!
Hết