watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bước giang hồ của thuyền trưởng Blood-Chương 3 - tác giả Rafael Sabatini Rafael Sabatini

Rafael Sabatini

Chương 3

Tác giả: Rafael Sabatini

Một sáng tháng năm nắng chói năm 1690, một đức ông có một người hầu da đen khoác túi đi theo xuất hiện trên cảng Santiago thuộc đảo Porto Rico. Người lạ mặt được đưa lên bến bằng một chiếc xuồng từ một chiếc galleon màu vàng đậu trong vụng tàu, đỉnh cột buồm phe phẩy một lá cờ Tây Ban Nha. Thả người lạ mặt lên bờ xong, chiếc xuồng lập tức quay mũi trở lại tàu. Liền đó, nó được kéo lên và buộc chặt bên mạn tàu. Thấy vậy, đám người nhàn tản đứng xúm xít trên bờ liền rút ra kết luận rằng cái người vừa mới lên bờ kia chắc là chưa vội về tàu ngay.
Dân rỗi việc nhìn theo người lạ bằng cặp mắt đầy tò mò. Bề ngoài của người đó quả thực cũng đáng để ý nên người ta muốn hay không vẫn cứ phải dõi mắt theo. Ngay cả những nô lệ da trắng khốn khổ gần như trần truồng đang xây bức thành pháo đài cũng đưa mắt ngắm người lạ mặt.
Cao dong dỏng, xương xương, mạnh mẽ, người đó ăn mặc rất diện tuy hơi u ám trong bộ quần áo Tây Ban Nha màu đen điểm bạc, những búp tóc giả đen nhánh buông lơi trên vai, chiếc mũ rộng vành màu đen gắn ngù lông đen đổ bóng xuống nửa mặt phía trên. Mọi người để ý ngay đến cái cằm rắn rỏi cạo nhẵn, cái mũi thanh mảnh gồ lên và khóe môi kiêu kỳ. Trên ngực người lạ lấp lánh những viên ngọc quý, rua đăng ten rủ xuống che lấp bàn tay, cây gậy dài màu đen cán nạm vàng phất phơ mấy dải lụa. Người đó có vẻ là một tay chơi ở phố Alameda nếu toàn bộ dáng điệu của chàng ta không toát lên một sức mạnh khác thường và niềm tự tin điềm tĩnh. Vẻ mặt dửng dưng phớt tỉnh trước cái nắng chói chang của người lạ mặc đồ đen chứng tỏ người đó có sức chịu đựng phi thường, còn ánh mắt chàng ta thì ngạo mạn đến nỗi đám người tò mò bất giác phải cụp mắt trước mặt chàng.
Người lạ hỏi đường đến dinh thống đốc và viên chỉ huy vệ binh liền phái ngay một tên lính đưa chàng đi.
Họ băng qua một quảng trường không khác gì cái quảng trường của một thị trấn nhỏ xứ Tây Ban Nha xưa cũ, nếu không có những cây cọ tỏa bóng đen thẫm trên mặt cát trắng lóa hầm hập hơi nóng. Sau quảng trường là ngôi nhà thờ với hai ngọn tháp chuông và những bậc thềm đá hoa cương, còn đằng sau nhà thờ là những cánh cổng gang cao vọi. Theo chân tên lính dẫn đường qua khỏi cánh cổng, người lạ mặt vào một khu vườn rồi theo lối đi rợp bóng phượng vĩ tiến về phía ngôi nhà lớn màu trắng ở giữa những khóm nhài với những ban công sâu hun hút. Những người hầu da đen trong những bộ lễ phục đỏ có tua vàng ngộ nghĩnh mở cửa cho khách và bẩm lên thống đốc Porto Rico rằng có Don Pedro De Queiroz sứ thần của Hoàng thượng đến thăm.
Ở cái xứ heo hút vào loại lép vế nhất trong các lãnh địa hải ngoại của Đức Hoàng thượng Gia-tô giáo này chẳng mấy khi có sứ thần của nhà vua tới. Nói đúng ra thì đây là lần đầu tiên, thành thử Don Jayme De Villamarga thấy hồi hộp quá, đến nỗi chính ngài cũng không rõ sự hồi hộp đó là vì hãnh diện hay hốt hoảng nữa.
Với thân hình tầm thước và trí năng rất tầm thường nhưng Don Jayme lại có cái đầu quá lớn và cái bụng rất to không tương xứng. Ngài thuộc loại triều thần mà càng ở xa Tây Ban Nha bao nhiêu càng đỡ cho đất nước bấy nhiêu và có lẽ chính vì thế mà ngài mới được bổ nhiệm làm thống đốc Porto Rico. Ngay cả nỗi khiếp sợ đầy kính cẩn đối với Đức Hoàng thượng do Don Pedro thay mặt cũng không lung lạc nổi vẻ tự đắc thâm căn cố đế của Don Jayme. Trịnh trọng vênh vang ngài tiếp đón sứ thần nhà vua và cả ánh mắt lạnh lùng cao ngạo của Don Pedro cũng không làm Don Jayme chịu nhún. Một thầy tu già dòng Dominic lêu khêu, gầy đét, giúp đức ông tiếp khách.
- Xin nhiệt liệt chúc mừng ngài, thưa señor, - Don Jayme lúng búng như ngậm hột thị. - Tôi vô cùng cảm kích được ngài cho biết Đức Hoàng thượng đã có lòng chiếu cố đến tôi.
Don Pedro bỏ chiếc mũ gắn ngù lông ra cúi chào, đoạn trao mũ và gậy cho người hầu da đen.
- Tôi đã gặp một vài biến cố nhưng rất may là không việc gì nên mới đến được đây để thông báo cho ông ân huệ của Đức vua. Sau một vài thử thách của số phận tôi đã đến được đây trên tàu "San Tomas". Nay tàu đã rời bến đi Santo Domingo và ba bốn hôm nữa sẽ quay lại đón tôi. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó tôi xin mạn phép lạm dụng lòng hiếu khách của quan lớn vậy.
Có cảm tưởng như ông khách không chỉ xin nghỉ lại mà còn đòi phải cung phụng mình nữa.
- À, à, - Don Jayme lên giọng phán.
Ngài nghiêng đầu cười tủm tỉm trong hàng râu mép muối tiêu chờ ông khách trình bày tỉ mỉ hơn chiếu chỉ của nhà vua.
Tuy nhiên ông khách lại không hề tỏ ra vội vã. Chàng ta đưa mắt nhìn khắp gian phòng lớn mát mẻ, bày biện các thứ bàn ghế gỗ sồi và gỗ dẻ chạm khắc sang trọng cầu kỳ đưa từ Cựu Thế giới sang cùng với những tấm thảm trải sàn và những bức tranh treo trên tường, rồi ung dung như một người đã quen cảm thấy thoải mái trong bất cứ khung cảnh nào, ông khách lên tiếng hỏi có được phép ngồi không. Ít nhiều mất vẻ trịnh trọng, quan thống đốc vội vàng mời khách ngồi.
Vị sứ thần vẫn ung dung như cũ, miệng phảng phất nụ cười mà Don Jayme rất lấy làm khó chịu, thong thả ngồi xuống ghế và duỗi chân ra.
- Tôi với ông trong chừng mực nào đó còn là bà con cơ đấy, Don Jayme ạ. - Chàng ta thông báo.
Don Jayme trố mắt lên nhìn khách.
- Tôi không có vinh hạnh được biết trước.
- Chính vì thế nên tôi mới phải nói ngay để ông rõ. Quan hệ họ hàng này có được là nhờ cuộc hôn nhân của ông đấy, señor ạ. Tôi là anh họ xa của Doña Hernanda đây.
- Ồ! Của bà vợ tôi! - Trong giọng nói của quan thống đốc nghe rõ sự coi thường đối với quý bà vừa được nhắc đến tên và bà con họ hàng của bà này. - Nghe đến tên ngài là Queiroz tôi đã để ý rồi. - Bấy giờ quan thống đốc mới hiểu do đâu giọng Don Pedro hơi cứng, ít nhiều làm hại cách phát âm Castile rất chuẩn của ông khách. - Vậy ra ngài cũng là người Bồ Đào Nha như Doña Hernanda? - Và giọng ngài thống đốc lại thoáng khinh thị đối với dân Bồ Đào Nha, nhất là những kẻ đang phụng sự Đức vua Tây Ban Nha trong khi Bồ Đào Nha đã độc lập nửa thế kỷ nay rồi.
- Dĩ nhiên chỉ là người Bồ Đào Nha một nửa thôi. Gia đình tôi...
- Phải rồi, phải rồi, - Don Jayme sốt ruột ngắt lời. - Thế thì Đức Hoàng thượng sai ngài đến đây gặp tôi làm gì vậy?
- Sự nôn nóng của ông là hoàn toàn tự nhiên, thưa Don Jayme, - Don Pedro lên tiếng với đôi chút giễu cợt. - Xin ông bỏ qua cho việc tôi nhắc đến dòng họ mình. Còn cái trọng trách mà tôi được ủy thác.... Chắc ông sẽ không lấy làm lạ rằng Đức Hoàng thượng, cầu Chúa phù hộ người, - Don Pedro kính cẩn cúi đầu buộc Don Jayme cũng phải làm theo, - không những đã được nghe tâu về công việc cai trị xuất sắc và hết sức đáng khen của ông trên hòn đảo Porto Rico này và còn biết cả lòng tận tụy lớn lao của ông trong việc cố gắng thanh tảo vùng biển Caribe khỏi sự hoành hành của các loại cướp biển, nhất là bọn hải tặc Anh, những kẻ chuyên cản trở sự giao thông hàng hải và phá hoại cuộc sống thanh bình trong các khu dinh điền của Tây Ban Nha ta.
Phải, dĩ nhiên Don Jayme không thấy ở đây có gì lạ lùng và bất ngờ cả. Thậm chí lúc nghĩ kỹ lại ngài cũng không thấy có gì đáng ngờ. Vốn cực kỳ ngu xuẩn, ngài không đoán nổi rằng trong tất cả các thuộc địa của Tây Ban Nha ở Tây Ấn thì cái đảo Porto Rico do ngài cai trị là nơi bê bết nhất, còn thì Don Jayme quả cũng có góp sức trong việc đánh dẹp bọn cướp trên vùng biển Caribe thật. Vừa mới đây thôi ngài đã giúp một tay trong việc đó, phải nói là hoàn toàn ngẫu nhiên thôi, - giúp khá đắc lực là khác, thành thử ngài bèn nhanh nhẩu khoe ngay.
Ngài ngửa cổ, ưỡn ngực, vênh vang đi đi lại lại trước mặt Don Pedro, huênh hoang kể lại những công tích của mình. Nếu những cố gắng của ngài được chiếu cố đúng mức thì dĩ nhiên ngài sẽ cực kỳ thỏa mãn, ngài bảo thế. Một sự khích lệ như vậy sẽ làm người ta càng thêm hăng hái lập công. Ngài không muốn tỏ ra quá tự phụ, song công bằng mà nói, đảo Porto Rico dưới bàn tay chăn dắt của ngài đang ngày càng thịnh vượng. Frey Alonso đây có thể làm chứng cho ngài. Thiên chúa giáo đã được cắm chặt ở Porto Rico này, không còn một thứ tà đạo nào dám ho he nữa. Đối với bọn cướp biển, ngài đã làm tất cả những gì có thể ở cương vị mình, tuy nhiên ngài vẫn cho là còn chưa đủ. Don Pedro có để ý đến dãy lũy ngài mới dựng lên ở đây không? Công trình phòng thủ này đã sắp hoàn tất, ngay cả tên thuyền trưởng Blood trùm cường khấu vị tất đã dám cả gan bén mảng đến vuốt râu ngài. Ngài đã cho tên tướng khét tiếng ấy biết rằng trêu vào ngài không phải chuyện đùa. Cách đây mấy hôm một toán hải tặc của hắn đã cả gan đổ bộ lên phía nam đảo. Nhưng quân của Don Jayme đã phòng bị đâu đấy. Chính ngài vẫn thường xuyên đôn đốc việc này. Một đội mã binh đến rất kịp thời đã đánh tan bọn cướp. Cứ nhớ đến chuyện đó, Don Jayme lại thấy hào hứng không sao kìm nổi và ngài bật cười hô hố. Don Pedro cũng lễ độ cười theo, rồi bày tỏ lòng tò mò đúng mực, chàng ta lịch sự nài quan thống đốc kể tiếp.
- Hẳn là ngài đã hạ thủ cả bọn không sót mống nào? - Chàng ta hỏi, giọng có vẻ khinh bọn cướp ra mặt.
- Tạm thời thì chưa. - Xem chừng quan thống đốc đã nhấm nháp trước cái thú tàn bạo sắp đến. - Nhưng cả sáu tên bị bắt tôi đã cho nhốt kỹ rồi. Nhưng tôi còn chưa quyết nên xử trí chúng thế nào cho khoái. Có lẽ treo cổ tuốt là hơn. Hay là cho lên dàn lửa để sáng danh Chúa. Dù sao bọn này cũng là bọn tà đạo ấy mà. Để tôi bàn thêm với Frey Alonso xem sao đã.
- Chà, chà,- Don Pedro tặc lưỡi, hình như đã chán không muốn nghe chuyện bọn cướp biển. - Vậy quan thống đốc đã vui lòng nghe tin tôi muốn báo đây chưa?
Quan thống đốc bực mình vì bị cắt ngang bài diễn thuyết huênh hoang tràng giang đại hải, ngài đành cau có nghiêng mình trước vị sứ thần của Hoàng thượng.
- Xin tùy ý ngài, - quan thống đốc lạnh lùng thốt lên.
Nhưng Don Pedro kiêu kỳ dường như không nhận thấy vẻ bực bội của quan thống đốc. Chàng ta móc trong túi chiếc áo sang trọng của mình ra một tờ giấy gấp nhiều lần và một túi da nhỏ dẹt.
- Trước hết tôi phải giải thích để đức ông thống đốc rõ tại sao những vật này lại đến tay đức ông không được mắt như vậy. Lúc nãy tôi đã có vinh hạnh được thông báo - nhưng hình như quan lớn không để ý thì phải - rằng cuộc hành trình của tôi gặp khá nhiều trắc trở. Nói trắng ra, việc tôi rốt cuộc cũng đến được hòn đảo này thật là khó tin. Chính tôi đã trở thành nạn nhân của con ác quỷ Blood kia. Con tàu đưa tôi đi từ Cadiz sang đây mới bị đánh chìm tuần trước. Em họ tôi, Don Rodrigo De Queiroz, cùng đi với tôi đã rơi vào tay tên hải tặc hung ác này và hiện vẫn còn bị hắn giam giữ, còn tôi thì may mắn hơn nên đã trốn thoát được. Nhưng chuyện này nói ra thì dài lắm, không dám kể tỉ mỉ ra đây kẻo lại chán tai quan lớn.
- Ồ, chán thế nào được! - quan thống đốc vội thốt lên. Vì quá tò mò nên ngài không giữ nổi vẻ vênh váo nữa.
Song, bất chấp sự háo hức của quan thống đốc, Don Pedro nhất định không chịu đi sâu vào chi tiết.
- Không, không, để lần khác, nếu quan lớn còn muốn nghe tôi xin kể hầu ngài. Chuyện đó chẳng có gì đáng kể lắm. Đối với quan lớn thì điều đáng kể là tôi đã trốn thoát được mà thôi. Tôi được tàu "San Tomas" vớt lên và đưa đến đây, và tôi hết sức sung sướng là có thể hoàn thành được sự ủy thác của Hoàng thượng. - Chàng ta trao mảnh giấy cho quan thống đốc. - Tôi nhắc đến nỗi gian truân vất vả của mình chỉ để giải thích cho ngài rõ vì sao tờ chiếu chỉ này lại bị nước biển làm hư hại đến thế, tuy rằng cũng chưa đến mức mất hết sự tôn nghiêm đáng có. Trong tờ chiếu này, quan chính lệnh của Hoàng thượng thông báo cho ngài rõ rằng để ghi nhận những công tích của ngài như tôi đã kể ở trên, Đức vua của chúng ta, cầu Chúa phù hộ người, đã quyết định thăng thưởng cho ngài tước hiệp sĩ huân chương cao quý nhất - bội tinh Thánh Jacob xứ Compostella .
Mặt Don Jayme thoắt tái ngắt rồi thoắt lại đỏ bừng. Cực kỳ hồi hộp, ngài run run đón tờ chiếu chỉ và mở nó ra. Mảnh giấy quả thực đã bị nước biển làm hư hại nhiều. Vài chỗ bị nhòe tiệt, không còn gì nữa. Chỗ đề chức vụ và tên họ ngài chỉ còn là một vết mực to tướng, vài chữ còn bị nước biển xóa sạch, tuy nhiên nội dung tờ chiếu thì hoàn toàn khớp với thông báo của Don Pedro - giấy trắng mực đen ghi rành rành ra đây và có cả triện của nhà vua đàng hoàng, không hề bị nước biển đụng đến.
Cuối cùng, khi Don Jayme chịu rời mắt khỏi tờ chiếu, Don Pedro liền đưa cho ngài cái hộp da và ấn nút lò xo. Nắp hộp bật ra và những viên hồng ngọc đỏ rực như than hồng trên nền dạ thẫm khiến quan thống đốc lóa cả mắt.
- Còn đây là bội tinh, - Don Pedro nói tiếp. - Huân chương chữ thập Thánh Jacob xứ Compostella, huân chương cao quý nhất trong tất cả các huân chương và nó là của ngài.
Don Jayme nâng niu đỡ lấy cái hộp như một bảo bối thiêng liêng và dán mắt vào cây thánh giá lấp lánh. Lão thầy tu đến bên quan thống đốc lắp bắp mấy lời chúc tụng. Với công trạng của Don Jayme trước ngai vàng Tây Ban Nha thì bất kỳ huân chương nào cũng đã là một đặc ân quá mức và khó mơ thấy được. Còn việc tặng ngài huân chương cao quý nhất thì thật không ai ngờ nổi, thành thử quan thống đốc Porto Rico cứ đứng ngây như trời trồng mất một lúc.
Nhưng vài phút sau, khi một thiếu phụ trẻ trung xinh đẹp, thon thả, duyên dáng bước vào phòng thì vẻ tự phụ tự mãn thường ngày trở lại với Don Jayme ngay.
Trông thấy một người quý phái lạ mặt đứng dậy đón mình, thiếu phụ bối rối ngập ngừng ngoài cửa. Nàng cất tiếng hỏi Don Jayme.
- Xin lỗi. Thiếp tưởng quan lớn đang rảnh.
Don Jayme cười cay độc và quay sang lão cố đạo.
- Cha nghe thấy chứ, bà ta tưởng tôi đang rảnh cơ đấy! Đường đường là đại diện của Đức vua ở Porto Rico, là thống đốc đảo theo tôn ý của đấng quân vương như tôi, thế mà bà nội tướng của tôi lại không biết rằng tôi đang bận việc. Bà ta cứ nghĩ rằng tôi có lắm thời giờ rỗi rãi mới chết chứ! Thật không thể tưởng tượng được! Ấy, bà nó đến đây nào, Hernanda, bà cứ bước lại đây! - Giọng ngài lại có vẻ phách lác. - Bà thử nhìn xem Đức vua ban cái gì cho kẻ tôi đòi hạ tiện của Người đây này, có lẽ nhờ nó bà sẽ hiểu được cái mà Đức vua đã hiểu và đã khen thưởng xứng đáng trong khi ái thê nhà tôi lại không tài nào hiểu nổi. Đức vua đã đánh giá đúng lòng tận tụy của ta trong việc hoàn thành sứ mạng của mình.
Doña Hernanda khép nép bước lại theo lệnh của ông chồng.
- Cái gì thế, thưa Don Jayme?
- "Cái gì thế"! - Don Jayme giễu cợt nhại bà vợ. - Chỉ là cái này thôi ấy mà! - Ngài chìa cái hộp tận mặt bà vợ và mở ra. - Đức Hoàng thượng ban tặng cho ta bội tinh chữ thập Thánh Jacob xứ Compostella đây này!
Doña Hernanda ngỡ người ta bỡn mình. Đôi má trắng mịn của nàng ửng đỏ. Nhưng không phải vì vui mừng, không, ánh nhìn buồn buồn của cặp mắt to đen không ngời lên niềm hân hoan khi trông thấy tấm huân chương. Don Pedro nghĩ rằng Doña Hernanda đỏ mặt vì phật ý và xấu hổ thay cho ông chồng thô lỗ đã đối xử trịch thượng và thiếu lễ độ với nàng trước mặt người lạ thì đúng hơn.
- Thiếp rất mừng, Don Jayme, - nàng nhỏ nhẹ, giọng yếu ớt, mệt mỏi. - Xin chúc mừng quan lớn. Thiếp rất mừng.
- Ái chà chà! Bà nó mừng cơ đấy? Frey Alonso, xin cha lưu ý cho, Doña Hernanda mừng đấy nhé! - Don Jayme không thèm tỏ ra mảy may ý nhị trong việc chế giễu vợ mình. - À mà đức ông đem huân chương đến đây là họ hàng gì đó của bà đấy, bà nó ạ.
Doña Hernanda ngoái lại nhìn người lạ mặt sang trọng, nhìn như nhìn một người dưng. Nhưng hình như nàng không dám lên tiếng bảo rằng không quen biết anh ta. Không nhận một vị sứ giả của nhà vua đem phần thưởng cao quý đến là bà con họ hàng của mình, hơn nữa lại ngay trước mặt ông chồng như Don Jayme quả thật không phải dễ. Hơn nữa dòng họ lại đông, biết đâu có những người bà con mà nàng chưa gặp bao giờ.
Người lạ cúi chào thật thấp, những búp tóc giả xõa xuống gần kín mặt...
- Chưa chắc cô đã nhớ nổi tôi, Doña Hernanda ạ. Tuy thế tôi vẫn cứ là anh họ cô, và chắc chắn một người anh họ khác - anh Rodrigo - đã kể cho cô nghe về tôi rồi. Tôi là Pedro De Queiroz đây.
- Ngài là Pedro? Ra thế... - Nàng ngắm anh ta chăm chú hơn và gượng gạo cười. - Tôi còn nhớ Pedro. Lúc còn bé tôi với Pedro vẫn chơi đùa với nhau luôn mà.
Giọng nàng thoáng chút ngờ vực. Nhưng Pedro nhìn thẳng vào mắt nàng, hỏi tỉnh queo:
- Dạo ở Santarem chứ gì?
- Vâng, ở Santarem, - vẻ tự tin của anh ta xem ra đã làm nàng dao động. - Nhưng hồi ấy anh là một chú bé béo mập, chắc nịch, tóc lại vàng mà xoăn kia.
Don Pedro bật cười:
- Lớn lên tôi có gầy đi ít nhiều, với lại một bộ tóc giả màu đen xem ra hợp với tôi hơn.
- Có lẽ vì thế mà tự nhiên mắt anh đâm xanh ra. Tôi không nhớ nổi mắt anh lại màu xanh...
- Ôi dào ơi, ngu gì mà ngu thế! - Ông chồng nàng không nhịn được, xen vào. - Bà thì có nhớ cái gì bao giờ đâu chứ!
Nàng quay phắt về phía chồng, môi run run nhưng cặp mắt vẫn rắn rỏi đáp lại ánh mắt giễu cợt của ngài. Những lời đối đáp gay gắt sắp sửa bật ra nhưng nàng đã kìm lại được và chỉ nói rất nhỏ:
- Ồ, không. Có những điều mà đàn bà không quên bao giờ.
- Về chuyện trí nhớ ấy mà - Don Pedro lạnh lùng cao ngạo quay về phía quan thống đốc lên tiếng - về phần mình, tôi cũng không nhớ lắm là dòng họ chúng tôi lại có những người đàn bà ngu ngốc.
- Bố khỉ, vậy thì phải đến tận Porto Rico ngài mới phát hiện ra điều đó đấy. - Quan thống đốc cười khùng khục độp lại.
- Ồ, - Don Pedro thở dài đáp, - không phải tôi chỉ phát hiện có thế thôi đâu.
Trong giọng chàng ta có cái gì đó khiến Don Jayme không ưa. Cái đầu to của ngài vênh váo gật ra sau, đôi lông mày nhăn tít lại.
- Ý ngài muốn nói gì vậy? - ngài hỏi.
Nhận ra vẻ van nài trong ánh mắt u ám ướt rượt của người thiếu phụ mảnh mai nhỏ bé đứng trước mặt mình, Don Pedro bèn chiếu cố cười:
- Chắc tôi còn phải tìm hiểu xem quan lớn sẽ gia ân thu xếp cho tôi ở đâu trong khi tôi buộc phải lạm dụng lòng mến khách của đức ông. Nếu bây giờ tôi được phép lui thì...
Quan thống đốc quay phắt sang Doña Hernanda:
- Bà đã nghe ra chưa? Người bà con của bà phải nhắc nhở chúng ta nhớ đến bổn phận chủ nhà đấy, còn bà thì không hề nghĩ đến chuyện bà phải có trách nhiệm lo lắng cho ông ấy nữa chứ.
- Nhưng tôi đâu có biết...Có ai bảo tôi rằng chúng ta có khách đâu...
- Tuyệt lắm. Giờ thì bà biết rồi nhé, nửa giờ nữa ta sẽ ăn trưa.
Trong bữa ăn Don Jayme rất phởn, nói cách khác, ngài lúc thì cực kỳ quan cách, lúc thì hết sức tếu, cho nên các bức tường nhà ăn chốc chốc lại rung lên bần bật bởi tiếng cười ông ổng của ngài
Don Pedro hầu như không thèm giấu giếm sự khó chịu đối với ngài. Thái độ của chàng ta đối với ngài mỗi lúc một thêm cao ngạo lạnh lùng và hầu như dồn toàn bộ sự chú ý của mình sang người vợ đang phải hứng chịu những lời giễu cợt của ngài.
- Tôi có tin cho cô đây, - chàng ta bảo nàng lúc món tráng miệng được dọn lên. - Từ chỗ anh Rodrigo.
- Thế cơ đấy! - Don Jayme xỏ xiên. - Được tin ông anh hẳn bà ta sướng lắm. Bà nhà tôi xưa nay vẫn có cảm tình khác thường với ông anh họ Rodrigo của mình và anh chàng này cũng thế.
Doña Hernanda đỏ bừng mặt nhưng vẫn không ngước lên. Don Pedro lập tức đỡ lời một cách nhẹ nhàng không chút bối rối:
- Trong dòng họ chúng tôi vốn vẫn quen quan tâm đến nhau. Tất cả những ai mang họ Queiroz đều tự thấy có bổn phận quan tâm săn sóc nhau và sẵn sàng thực hiện bổn phận đó bất cứ lúc nào. - Vừa nói, Don Pedro vừa nhìn thẳng vào mặt Don Jayme như thể lưu ý ngài thấy được ẩn ý trong câu nói của mình. - Và điều đó có liên quan trực tiếp đến những gì tôi sắp cho cô hay đây, Doña Hernanda. Như tôi đã có vinh hạnh thông báo với đức ông thống đốc đây, con tàu mà tôi cùng Rodrigo từ Tây Ban Nha sang đây đã bị tên hải tặc đáng gờm là thuyền trưởng Blood tấn công và đánh chìm. Bọn cướp biển đã bắt được cả hai chúng tôi song tôi đã may mắn thoát được...
- Nhưng ngài vẫn chưa kể chúng tôi nghe ngài đã thoát bằng cách nào - ngài thống đốc ngắt lời - giờ thì ngài kể đi nào.
Nhưng Don Pedro hờ hững phẩy tay.
- Chả có gì hay ho cả, vả lại tôi không thích nói về mình, nghe chán lắm. Nhưng nếu ngài cứ nhất định đòi nghe... Thôi, để lần khác vậy. Tốt hơn cả để tôi kể cho các vị nghe về anh Rodrigo vậy. Anh ấy hiện đang là tù nhân của thuyền trưởng Blood. Ấy, xin đừng quá lo lắng.
Lời an ủi thật hết sức đúng lúc. Doña Hernanda đang nín thở lắng nghe, mặt đã tái mét.
- Đừng lo, Rodrigo vẫn khỏe và tính mạng anh ấy không bị đe dọa gì đâu. Theo chỗ chính tôi đã được chứng kiến, thằng cha Blood khủng khiếp kia cũng không phải không biết thế nào là hiệp sĩ. Tuy là cướp biển thật nhưng hắn cũng là đứa trọng danh dự.
- Cướp biển mà trọng danh dự? - Don Jayme cười lăn cười bò. - Hay thật thôi. Thế đấy! Ngài đến là khéo kể những chuyện ngược đời, Don Pedro ạ. Còn Frey Alonso thì nói thế nào nào?
Lão thầy tu gầy đét cười lấy lòng. Doña Hernanda tái mặt sợ hãi, nhẫn nại chờ Don Pedro kể tiếp. Don Pedro nhướn mày:
- Tôi thì có chuyện gì ngược đời đâu, ngược đời là thuyền trưởng Blood kia. Tên kẻ cướp này, con quỷ Sa-tăng đội lốt người này không bao giờ tỏ ra tàn nhẫn một cách vô nghĩa và luôn luôn giữ lời hứa. Chính vì thế nên tôi xin nhắc lại rằng các vị không việc gì phải lo ngại cho tính mạng của Don Rodrigo.Vấn đề chuộc anh ấy đã được anh ấy và thuyền trưởng Blood thỏa thuận cả rồi, còn tôi thì đi lấy món tiền chuộc về. Hiện thời Rodrigo cũng không đến nỗi nào, anh ấy được đối xử tử tế và thậm chí có thể nói rằng anh ấy còn chơi thân với thuyền trưởng Blood nữa là khác.
- Cái đó thì tôi dám tin ngay, mẹ kiếp! - Quan thống đốc hét lớn, còn Doña Hernanda thì thở phào ngả người ra lưng ghế. - Rodrigo xưa nay khoái giao du với bọn vô lại lắm mà. Đúng không, Hernanda?
- Tôi thiết tưởng... - Doña Hernanda bực tức lên tiếng rồi chợt im bặt, sau đó mới hạ giọng nói thêm: - Tôi chưa bao giờ thấy thế cả.
- Bà chưa bao giờ thấy thế! Nhưng đã bao giờ bà thấy cái gì không đã, xin hỏi bà thế? Vậy là Rodrigo đang chờ chuộc đấy. Nhưng mà tiền chuộc là bao nhiêu?
- Ngài muốn góp ít nhiều chăng? - Don Pedro mừng rỡ thốt lên, gần như thân thiện.
Quan thống đốc nhảy dựng dậy như bị ong đốt đít. Mặt ngài lập tức sa sầm ngay xuống.
- Tôi ấy à? Không, thề có Đức mẹ Maria Đồng trinh! Còn lâu, việc này chỉ liên quan đến họ nhà Queiroz mà thôi.
Nụ cười biến mất trên khuôn mặt Don Pedro. Chàng thở dài.
- Phải rồi, phải rồi! Thế mà... tôi lại cứ tưởng thế nào ngài cũng đóng góp ít nhiều chứ!
- Ngài tưởng thế chỉ mất công thôi, - Don Jayme cười ầm át đi, - thế nào ngài cũng thất vọng thôi.
Bữa trưa đã xong, mọi người rời bàn và theo thông lệ vào những giờ trưa nóng bức ai nấy về phòng nghỉ.
Tối đến họ lại tập trung ở phòng này để ăn chiều trong cái mát mẻ buổi tối, dưới ánh nến cắm trong những giá bạc nặng nề đem từ Tây Ban Nha sang.
Vẻ tự mãn của quan thống đốc, nỗi vui mừng của ngài vì phần thưởng cao quý bất ngờ thật là không bút nào tả xiết. Suốt từ lúc nghỉ trưa ngài chỉ có mỗi một việc là ngắm nghía tấm huân chương quý giá. Ngài cực kỳ khoái chí, tếu nhộn và ầm ĩ nhưng vẫn không quên thả vài câu chế nhạo Doña Hernanda. Đúng là ngài đã lấy nàng làm cái bia để nhạo báng một cách thô bỉ. Ngài giễu cợt vợ mình đủ kiểu, rủ cả Don Pedro và lão thầy tu cùng cười cợt nàng. Tuy thế Don Pedro không cười. Chàng ta vẫn nghiêm trang đến lạ, thậm chí trong ánh mắt của chàng hướng về gương mặt nhợt nhạt, đau khổ, nhẫn nhục một cách bi thảm của Doña Hernanda có lẽ còn thấp thoáng vẻ cảm thông nữa.
Trong chiếc áo dài lụa đen nặng nề làm nổi bật nước da trắng ngần ở cổ và vai nàng, trông Doña Hernanda càng thêm mảnh mai cân đối, còn mái tóc đen nhánh mượt mà càng tôn thêm khuôn mặt trắng mịn của nàng. Nàng giống một bức tượng bằng ngà và gỗ mun mà Don Pedro đã thấy, cũng không một chút sinh khí nào hệt như bức tượng. Cho mãi đến lúc ăn xong chàng ta còn ở lại một mình với nàng trong phòng nhìn ra những lùm hoa nhài lắt lay trong làn gió mát ban đêm từ biển thổi vào.
Đức ông thống đốc lui về thảo biểu tạ ân vua và lôi cả lão thầy tu đi giúp mình một tay. Ngài để ông khách lại cho vợ chăm nom, không quên than thở hộ chàng vài câu. Doña Hernanda mời Don Pedro ra vườn, rồi khi đêm nhiệt đới ngát hương bao trùm lên hai người, thống đốc phu nhân đột nhiên sực tỉnh, đoạn vừa hổn hển xúc động, nàng hỏi khách:
- Những chuyện hôm nay ông kể về Rodrigo có đúng không vậy? Có đúng là thuyền trưởng Blood đã bắt anh ấy và đang cầm tù không? Mà có đúng là anh ấy còn nguyên lành và đang chờ được chuộc không?
- Tất cả là sự thật, không sai một lời.
- Và ông... có thể bảo đảm điều đó chứ? Bảo đảm bằng lời hứa danh dự của một người quân tử ấy mà? Tôi không thể không coi ông là một chính nhân quân tử một khi ông là sứ thần của Đức vua.
- Chỉ vì thế thôi ư? - Don Pedro hơi mếch lòng.
- Ông có thể lấy lời hứa danh dự bảo đảm không đã? - Nàng khăng khăng nhắc lại.
- Không mảy may do dự. Tôi xin hứa. Nhưng tại sao cô lại nghi ngờ nhỉ?
- Bởi vì ông đã khiến tôi nghĩ vậy. Ông không được thành thực cho lắm. Chẳng hạn việc gì ông lại phải mạo nhận là anh họ tôi?
- Vậy ra cô không nhớ tôi thật à?
- Tôi còn nhớ Pedro De Queiroz. Năm tháng có thể làm anh ấy cao lên và mảnh dẻ hơn, ánh nắng mặt trời có thể làm nước da anh ấy sạm đi và mái tóc bên dưới bộ tóc giả đen kia có thể vẫn còn vàng óng như xưa tuy tôi vẫn còn ngờ lắm, nhưng xin phép hỏi ông, làm sao có thể thay đổi đổi cả màu mắt của anh ấy chứ? Vì lẽ mắt ông màu xanh còn mắt Pedro thì màu nâu mà.
Chàng ta im lặng trong chốc lát dường như suy ngẫm điều gì còn nàng thì ngắm nhìn khuôn mặt đẹp trai, phong trần của chàng hiện rõ dưới ánh sáng từ cửa sổ chiếu xuống giữa bóng đêm. Chàng không nhìn nàng. Ánh mắt chàng hướng ra xa về phía mặt biển loáng bạc dưới bầu trời đầy sao lung linh phản chiếu ánh đèn của những con tàu đậu ngoài bến. Sau đó mắt chàng lại dõi theo ánh đom đóm lập lòe đuổi theo một con bướm đêm trong lùm cây... Don Pedro ngó ngang tránh ánh mắt người thiếu phụ nhỏ nhắn mảnh mai đang đứng cạnh chàng.
Cuối cùng chàng thong thả lên tiếng thú nhận sự dối trá của mình với một chút giễu cợt.
- Chúng tôi cứ hy vọng là bà đã quên cái chi tiết cỏn con ấy chứ.
- Chúng tôi à? - Nàng hỏi lại.
- Vâng, tôi và Rodrigo. Quả thật tôi với anh ấy đã bắt đầu thân nhau. Lúc anh ấy đang đến với bà thì xảy ra chuyện. Vì vậy mà tôi với anh ấy mới gặp nhau trên một con tàu.
- Và tự anh ấy muốn ông mạo danh người khác đến đây?
- Lúc nào anh ấy về bà cứ hỏi khắc biết. Mà chỉ vài hôm nữa anh ấy sẽ về tới thôi, xin bà chớ bận tâm. Bao giờ tôi chuộc được là anh ấy sẽ có mặt ngay, nghĩa là ngay sau khi tôi rời khỏi đây. Lúc tôi chạy trốn, - vì tôi không bị ràng buộc bởi lời hứa như anh ấy, - anh ấy đã yêu cầu tôi đến đây và tự xưng là anh họ của bà để nếu cần thì hầu hạ bà trước khi anh ấy tới.
Nàng trầm ngâm suy nghĩ. Hai người lặng lẽ đi thêm mấy bước trong lùm cây.
- Ông đã liều lĩnh một cách khinh suất, - nàng nói, chứng tỏ rằng nàng đã tin.
- Quân tử bao giờ cũng sẵn sàng liều lĩnh vì giai nhân. - Chàng sôi nổi thốt lên.
- Ông liều mình vì tôi ư?
- Vậy bà tưởng tôi liều mạng cho vui chăng?
- Không, không phải.
- Vậy thì nghĩ ngợi làm gì cho mệt óc? Tôi hành động theo nguyện vọng của Rodrigo. Anh ấy sẽ đến đây và sẽ đích thân giải thích cho bà rõ vì sao. Còn tạm thời thì tôi là anh họ của bà và tôi thay mặt anh ấy đến đây. Nếu lão thất phu chồng bà có quấy bà quá...
- Ông nói ra chuyện đó làm gì? - Giọng nàng nghe bực bội.
- Bởi lẽ tôi thay mặt Rodrigo ở đây mà. Xin bà đừng quên điều đó, ngoài ra tôi không cầu xin bà điều gì khác.
- Cảm ơn ông, thưa ông anh họ, - nàng nói và bỏ đi, để chàng đứng lại một mình.
Ba ngày trôi qua. Don Pedro vẫn là khách của quan thống đốc Porto Rico, ngày nào cũng giống ngày nào nếu không kể việc Don Jayme càng ngày càng thấm cái vĩ đại của mình nên càng trở nên chướng hơn. Tuy thế Don Pedro vẫn chịu đựng một cách kiên nhẫn hiếm có bộ mặt ngài, đôi khi chàng có vẻ còn thích khơi dậy tính hiếu danh quái gở của quan thống đốc nữa. Vậy là trong bữa tối hôm thứ ba Don Pedro mới đề nghị đức ông đền đáp ơn vua bằng một sự kiện nào đó có thể khắc sâu trong tâm khảm mọi người và được xếp một vị trí xứng đáng trong biên niên sử của đảo Porto Rico.
Don Jayme hăm hở chớp lấy đề nghị này.
- Phải rồi, phải rồi. Ý hay tuyệt. Ngài thử khuyên tôi xem nên làm gì bây giờ?
Don Pedro cười cười từ chối:
- Tôi đâu dám cả gan mà khuyên Don Jayme De Villamarga! Nhưng ít ra đó phải là một cái gì đấy xứng với một sự kiện lớn lao và trọng đại như vậy mới được.
- Ồ, phải rồi... Đúng đấy. (Tuy thế, đầu óc lão thộn này đâu đủ sức để đề ra một ý gì). Vấn đề là ở chỗ cụ thể cái gì mới có thể được coi là xứng với sự kiện này chứ?
Frey Alonso đề nghị tổ chức một cuộc khiêu vũ lớn tại dinh thống đốc và Doña Hernanda hoan nghênh ngay. Nhưng Don Pedro cho phép mình không đồng ý với nàng: theo ý chàng ta thì cuộc khiêu vũ chỉ những ai được mời mới nhớ đến mà thôi. Phải nghĩ ra một cái gì đó để gây ấn tượng không thể phai mờ cho tất cả dân chúng trên đảo kia.
- Ừ, sao ngài không tuyên bố đại ân xá nhỉ? - Rốt cuộc chàng ta ướm lời.
- Ân xá à? - Ba cặp mắt sửng sốt nhìn chàng dò hỏi.
- Chính thế. Sao lại không? Đó mới thực là nghĩa cử của đấng quân vương chứ. Chẳng lẽ trong chừng mực nào đó thống đốc chả là vua ở đây sao? Chẳng là phó vương hay khâm sứ chứ gì? Lẽ nào dân chúng không chờ đợi ở ngài những hành động của bậc đế vương? Nhân dịp vừa nhận được phần thưởng cao quý ngài hãy mở các nhà tù của ngài ra, Don Jayme ạ, giống như vua chúa vẫn làm trong ngày lễ đăng quang ấy mà.
Bần thần trước cái lớn lao của ý đồ này, Don Jayme không khỏi ngây như phỗng. Cuối cùng ngài đấm tay xuống bàn mà tuyên bố rằng đó là một ý nghĩ tuyệt diệu. Ngày mai sẽ công bố quyết định của mình, hủy bỏ các bản án và thả tất cả tội phạm.
- Trừ sáu thằng cướp biển thôi, - ngài thêm.- Tôi mà thả cả bọn này nữa thì dân chúng không khoái đâu.
- Tôi nghĩ rằng bất kỳ một ngoại lệ nào cũng đều làm mất hết ý nghĩa của nghĩa cử này, - Don Pedro lên tiếng. - Không nên có một ngoại lệ nào hết.
- Nhưng bọn tội phạm này tự chúng đã là ngoại lệ rồi. Chẳng nhẽ ngài không nhớ tôi đã nói với ngài chuyện tôi tóm được sáu tên trong bọn cướp biển đổ bộ lên Porto Rico đấy là gì?
Don Pedro nhíu mày cố nhớ.
- Đúng, đúng, - chàng thốt lên. - Quả là ngài đã có dạy.
- Không biết tôi đã nói với ngài chưa, một trong sáu tên cướp biển đó không phải ai khác mà chính là thằng chó Wolverstone đấy.
- Wolverstone? - Don Pedro hỏi lại. - Ngài tóm được thằng chó Wolverstone rồi cơ à? - Không còn nghi ngờ gì nữa, tin này đã khiến chàng sửng sốt ra mặt, mà cũng phải thôi: số là Wolverstone được coi như cánh tay phải của thuyền trưởng Blood kia mà. Đối với người Tây Ban Nha hắn cũng nổi tiếng chẳng kém gì chính tay thuyền trưởng Blood và họ cũng hận hắn như vậy. - Ngài tóm được thằng Wolverstone rồi? - Don Pedro nhắc lại và mãi đến giờ mới nhìn Don Jayme bằng con mắt kính trọng lần đầu. - Ngài chưa nói với tôi chuyện đó. Hừ, thế này thì ngài đã chặt cánh tay thuyền trưởng Blood rồi còn gì. Thiếu Wolverstone thuyền trưởng Blood chỉ còn đáng sợ một nửa. Chẳng mấy mà chính hắn cũng đi đời và Tây Ban Nha sẽ mang ơn chính ngài về điều này đấy.
Don Jayme dang tay làm bộ khiêm nhường.
- Có lẽ nhờ đó mà phần nào tôi đền đáp được ân tứ lớn lao nhà vua ban cho cũng nên.
- Phần nào! - Don Pedro nhắc lại. - Giá như Hoàng thượng được biết tin này có lẽ Người còn cho rằng huân chương Thánh Jacob xứ Compostella còn chưa xứng với công lao của ngài.
Doña Hernanda liếc nhanh chàng ta một cái, cho rằng đó là chàng đùa. Nhưng xem chừng Don Pedro nói nghiêm chỉnh và thật lòng ra phết. Thậm chí vẻ cao ngạo thường thấy của chàng cũng không còn lộ liễu nữa. Ngừng một lát, chàng nói tiếp:
- Vâng, dĩ nhiên rồi, sáu thằng cướp này ngài không thể nào ân xá được. Đó không phải là bọn đạo tặc tầm thường mà là bọn tử thù của Tây Ban Nha rồi. - Đột nhiên như vừa quyết định điều gì, chàng hỏi - Vậy ngài xử trí bọn này thế nào?
Don Jayme trề môi đăm chiêu.
- Mãi đến giờ tôi còn chưa quyết nên đem chúng ra treo cổ hay giao cho Frey Alonso để hỏa thiêu như những kẻ tà đạo. Hình như tôi đã nói với ngài rồi thì phải.
- Vâng, đúng thế, nhưng mà lúc đó tôi vẫn chưa biết rằng trong bọn họ có cả Wolverstone. Kiểu này phải tính cách khác mà thôi.
- Tại sao chứ?
- Đấy, ngài thử nghĩ xem! Nghĩ cho kỹ nhé. Chỉ cần nghĩ một tí ngài sẽ hiểu ra ngay là cần phải làm gì. Chuyện đó đã rõ như ban ngày rồi.
Don Jayme nghe rồi bắt đầu bóp trán suy nghĩ. Sau đó ngài nhún vai.
- Mẹ khỉ, cái đó có lẽ ngài thì rõ ràng thật nhưng với tôi thì thú thật là ngoài thòng lọng với dàn hỏa ra tôi chịu chẳng còn thấy cách nào nữa cả.
- Rốt cuộc thì cũng sẽ đến cách ấy thôi. Hoặc cái này, hoặc cái kia. Nhưng không phải ở Porto Rico này. Làm thế quả thực là quá xoàng so với những chiến tích vinh hiển của ngài. Xin ngài hãy gửi bọn tội đồ này về Tây Ban Nha, Don Jayme ạ. Hãy gửi chúng cho Đức Hoàng thượng để chứng tỏ lòng tận tụy mà nhờ đó ngài đã xứng đáng được Người ban thưởng. Hãy để nó là một bằng chứng cho thấy ngài hoàn toàn xứng đáng với ân huệ cao quý kia và thậm chí với những ân huệ to lớn hơn nữa trong tương lai. Như vậy là ngài bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với nhà vua đấy.
Don Jayme cấm khẩu mất một lúc, mắt trố ra vì ngỡ ngàng và đắc chí. Mặt ngài đỏ dần lên.
- Trời đất ơi, tôi thì tôi chịu không thể nghĩ ra thật. - Cuối cùng ngài mới lắp bắp nói.
- Chẳng qua là do ngài quá khiêm tốn đấy thôi.
- Chắc là thế, - Don Jayme tán thành.
- Nhưng bây giờ hẳn ngài đã rõ rồi chứ?
- Ồ vâng, bây giờ tôi rõ rồi. Nhà vua chắc phải bàng hoàng.
Nhưng cha Alonso thì ỉu xìu. Cha đã mơ ước mãi cuộc hỏa thiêu này. Còn Doña Hernanda thì lạ nhất là sự thay đổi bất ngờ của ông anh họ: không biết vẻ ngạo mạn khinh thị của chàng biến đâu mất rồi, tại sao tự dưng chàng lại trở nên mềm mỏng và hòa nhã thế? Don Pedro lúc ấy càng được đà dấn tới.
- Đức Hoàng thượng sẽ thấy ngay rằng tài năng của đức ông mà bỏ hoài ở cái xó xỉnh như Porto Rico này thật là uổng. Mắt tôi như đã thấy ngài sẽ làm thống đốc ở một thuộc địa rộng lớn hơn rất nhiều. Biết đâu lại còn là phó vương ấy chứ... Không một viên toàn quyền nào của Tây Ban Nha ở hải ngoại lại tỏ ra hăng hái được bằng ngài.
- Nhưng làm sao tôi gửi chúng về Tây Ban Nha được? - Don Jayme lo lắng hỏi, trong bụng đã không còn chút hồ nghi nào về cái lợi của mưu kế này.
- Điều này thì tôi giúp đức ông được. Tàu "San Tomas" sắp sửa đến đón, tôi sẽ mang chúng đi cùng luôn. Ngài nên viết thêm một tờ biểu tâu vua rằng gửi kèm đây một bằng chứng sống về lòng tận tụy của ngài, tôi sẽ chuyển nó với bọn tù luôn một thể. Việc ân xá thì ngài hẵng thư thả chờ cho tàu tôi rời bến đã, bấy giờ sẽ không còn gì có thể làm hoen ố ngày hội được nữa. Nó sẽ hoàn hảo, trọn vẹn và hết sức uy nghi.
Don Jayme sướng quá cám ơn ông khách lia lịa, thậm chí còn phởn đến nỗi gọi chàng là anh họ luôn mồm.
Quyết định đó thật là đúng lúc bởi vì ngay sớm hôm sau dân chúng Santiago bị dựng dậy bởi tiếng súng đại bác, rồi khi chạy ra xem có chuyện gì mà náo động như vậy, họ trông thấy con tàu Tây Ban Nha màu vàng hôm nọ đưa Don Pedro lên bờ nay lại tiến vào cảng.
Don Pedro lập tức đi tìm quan thống đốc và thông báo rằng đó là tín hiệu khởi hành, lễ phép bày tỏ nỗi luyến tiếc vì trách nhiệm không cho phép chàng lạm dụng lòng hiếu khách hào hiệp của Don Jayme thêm nữa.
Trong lúc chú hầu da đen thu xếp hành trang, Don Pedro đến từ biệt Doña Hernanda và một lần nữa cam đoan với người thiếu phụ nhỏ nhắn u buồn ấy rằng nàng không có lý do gì phải lo lắng cho số phận của ông anh họ Rodrigo, chỉ lát nữa thôi là anh ta sẽ đến đây ra mắt nàng ngay.
Sau đó Don Jayme cùng viên sĩ quay tùy tùng đưa Don Pedro đến nhà ngục thành phố, nơi giam giữ bọn cướp biển.
Trong buồng giam tăm tối chỉ được chiếu sáng bởi mỗi một ô cửa nhỏ không gắn kính với những chấn song nằm lẫn lộn trên nền đá trần trụi. Gian phòng chật hẹp, bẩn thỉu bốc lên mùi hôi thối kinh khủng đến nỗi Don Pedro khựng lại như bị một đòn vào ngực, làm Don Jayme bật cười hô hố trước sự nhạy cảm của chàng ta. Tuy vậy, chính ngài cũng phải móc trong túi ra chiếc khăn tay tẩm hương cỏ roi ngựa bịt mũi, sau đó chốc chốc lại lặp lại động tác này.
Wolverstone cùng năm tên đồng bọn đeo những sợi xích to tướng túm tụm thành một nhóm nhỏ tách khỏi bọn tù còn lại. Bọn này đứa nằm, đứa ngồi chồm hỗm dựa vào tường, dưới sàn vương vãi ít rơm mục làm ổ nằm. Dơ dáy, bù xù, râu ria tua tủa vì vật dụng vệ sinh cá nhân đã bị tước hết, họ nép vào nhau như dựa dẫm đồng bọn, tập trung sức lực chống lại bọn vô lại và trộm cướp vây quanh. Gã hộ pháp Wolverstone trông quần áo cứ ngỡ là lái buôn. Gã Dyke cựu hạ sĩ quan hạm đội nhà vua thì có vẻ một thị dân lương thiện đáng kính. Bốn đứa còn lại đều mặc áo vải bông và quần da - y phục của bọn cướp biển - đầu quấn khăn hoa.
Cả bọn không đứa nào cục cựa khi cánh cửa rít ken két trên các bản lề gang và nửa tá lính Tây Ban Nha giáp trụ sáng nhoáng cầm giáo bước vào dàn hàng ra cửa - đó là đội vệ binh hộ tống của quan thống đốc. Rồi khi ông lớn nọ cùng tay tùy tùng và một vị khách quý phái đích thân bước vào buồng giam và cả bọn tù đều bật dậy cuống quýt xếp hàng dọc theo tường thì mấy tên cướp biển nọ vẫn phớt lờ điềm nhiên ngồi ở ổ rơm của mình. Nói vậy chứ chúng không bàng quan tí nào trước sự việc xảy ra. Lúc Don Pedro ung dung bước tới, hờ hững tì vào cây can quấn tua, phe phẩy trước mũi chiếc khăn tay mà chàng ta cho rằng rút ra cũng chẳng thừa, thì từ trong cái ổ rơm hôi hám của mình Wolverstone bèn nhổm dậy, con mắt độc nhãn của gã (con mắt kia gã mất trong trận Sedgemoor như ta đã biết) long lên sòng sọc.
Don Jayme khoát tay chỉ vào bọn cướp biển.
- Đây, bọn hải tặc khốn kiếp ấy đây, Don Pedro. Ngài thử nhìn xem, chúng bu lại với nhau như quạ tranh xác chết kia kìa.
- Bọn này ấy à? - Don Pedro ngạo mạn hỏi lại, trỏ cây can về phía bọn cướp biển. - Thề có trời, trông tướng bọn này đúng là cướp biển.
Con mắt độc nhãn của Wolverstone càng long lên tợn nhưng gã vẫn một mực nín thinh khinh thị. Thấy rõ là tên hung đồ này lì lợm như trâu.
Trong bộ đồ đen điểm bạc cực kỳ phong lưu của mình, đúng là hiện thân của niềm kiêu hãnh và uy phong của Tây Ban Nha, Don Pedro bước đến gần bọn cướp biển. Quan thống đốc thấp lùn vụng về khoác chiếc áo màu đỏ đều nhịp đi cùng và cho bọn cướp biển một bài huấn thị như sau:
- Hừ, bọn chó Ăng-lê chúng mày! Bây giờ chúng mày đã biết thế nào là trêu ngươi nước Tây Ban Nha hùng mạnh rồi chứ? Không sao, từ giờ đến lúc tối, chúng mày còn được nếm mùi thêm lần nữa... Tao đành phải bỏ mất cái thú được tự tay đưa chúng mày lên giá treo cổ như dự định bởi vì tao muốn cho chúng mày cơ hội về đến Madrid, nơi mà giàn hỏa đang sốt ruột chờ chúng mày đấy.
Wolverstone nhe răng nhếch mép.
- Cao thượng gớm, - gã rít lên bằng thứ tiếng Tây Ban Nha trọ trẹ nhưng vẫn hiểu được. - Cao thượng như cả lò nhà Tây Ban Nha chúng bay. Chúng mày thấy người ta bất lực mới được thể sỉ nhục đấy.
Ngài thống đốc nổi khùng lên chửi gã bằng tất cả những từ ngữ thô tục mà bất kỳ tên Tây Ban Nha nào cũng sẵn sàng văng ra tức thời được và đáng lẽ ngài còn chửi lâu nếu như không có Don Pedro vỗ vai ngài ngăn lại.
- Hoài hơi với lũ này làm gì? - chàng ta khinh miệt nói. - Chỉ tổ mình phải đứng lâu trong cái hang hôi thối này thôi.
Không hiểu sao bọn cướp cứ ngây người nhìn chàng ta. Don Pedro quay phắt đi.
- Ta đi thôi, Don Jayme. - Giọng chàng đầy vẻ ra lệnh - Đưa chúng ra khỏi đây. Tàu "San Tomas" đang chờ, nước cũng sắp lên rồi.
Quan thống đốc có vẻ ngần ngừ, rồi chửi bới bọn cướp biển một thôi một hồi nữa, ngài ra lệnh cho tay tùy tùng, sau đó theo chân ông khách lúc ấy đã bước ra ngoài. Viên sĩ quan tùy tùng ra lệnh cho bọn lính. Bọn lính vừa chửi rủa vừa xô vào lôi kéo lũ cướp biển, dùng giáo xua chúng đi. Bị đám lính dựng cổ dậy, bọn cướp biển loạng choạng khua cùm xích xủng xoảng chui ra ngoài trời thoáng đãng ngập nắng. Rách rưới, bẩn thỉu, tiều tụy, những con người cầm chắc bị giảo hình ấy mệt mỏi lê bước xuyên qua quảng trường, qua những hàng cỏ phất phơ trong gió biển, qua đám dân chúng hiếu kỳ đi ra con kè, nơi có một chiếc thuyền tám mái chèo đang chao đảo bên cầu tàu.
Quan thống đốc và ông khách của ngài chờ cho bọn cướp biển bị hai tên lính vũ trang hộ tống bước xuống thuyền xong xuôi rồi mới bước theo xuống mũi thuyền, sau họ là chú hầu da đen của Don Pedro cùng với hành lý của chàng. Chiếc thuyền rời bến và các tay chèo cắt những làn sóng xanh đưa nó ra phía con tàu uy nghi với lá cờ Tây Ban Nha bay phần phật trên cột buồm.
Chiếc thuyền đã đến gần cầu thang của con tàu màu vàng và gã thủy thủ trực nhật đã chuẩn bị sào chống.
Đứng trên mũi thuyền, Don Pedro oai vệ ra lệnh cho đội danh dự tập hợp ở boong giữa. Phía bên trên mạn khô thò ra một cái đầu đội mũ sắt có chóp nhọn và báo cáo rằng đội danh dự đã tập hợp xong. Tiếp đó, tiếng xích sắt va chạm xủng xoẻng, bọn lính hộ tống xô đẩy đám cướp biển chậm chạp trèo lên thang và từng đứa leo qua mạn tàu.
Don Pedro vẫy tay ra hiệu cho chú hầu da đen theo mình và quay sang mời Don Jayme lên trước. Bản thân chàng ta thì theo sát ngay sau quan thống đốc, và khi Don Jayme tự nhiên dừng lại, Don Pedro vẫn tiếp tục lên và đẩy vào lưng ngài một phát, phải nói là đẩy khá mạnh, đến nỗi suýt nữa ngài ngã chúi mũi xuống mặt boong giữa. Nhưng cả chục cánh tay nhanh nhẹn đã kịp đỡ ngài đứng dậy trong tiếng cười đùa chào hỏi ầm ĩ. Nhưng những cánh tay vừa giữ ngài lại là tay bọn cướp biển chứ không phải ai khác, còn những tiếng chào hỏi thì được nói bằng tiếng Anh. Bọn cướp lố nhố bu kín mặt boong giữa, vài đứa đã vội vàng tháo xiềng xích cho Wolverstone và đồng bọn.
Há hốc mồm kinh ngạc, mặt tái nhợt như một xác chết, Don Jayme De Villamarga hoảng hồn quay lại nhìn Don Pedro. Ông lớn Tây Ban Nha kia vẫn đứng trên bậc thang trên cùng, tay nắm can nhìn chuyện đang xảy ra. Môi chàng nở một nụ cười.
- Ngài khỏi phải lo ngại gì hết, Don Jayme. Xin cam đoan với ngài đấy. Mà tôi thì luôn luôn giữ lời. Tôi là thuyền trưởng Blood đây.
Nói đoạn chàng nhảy xuống mặt boong, còn quan thống đốc thì cứ trố mắt lên mà nhìn chàng - ngài vẫn chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao cả. Rồi khi những lời nói của thuyền trưởng Blood đã ngấm đến ý thức ngài, mọi ý nghĩ trong bộ óc của gã thộn này mới hoàn toàn thức tỉnh.
Một trang nam nhi cao lớn cân đối, ăn mặc hào hoa bước lên đón thuyền trưởng, và quan thống đốc càng kinh ngạc hơn nữa khi nhận ra đó là ông anh họ của vợ mình - Don Rodrigo. Thuyền trưởng Blood thân mật chào hỏi anh ta.
- Thấy chưa, tôi đã đem món chuộc của anh về rồi đấy, Don Rodrigo, - chàng nói và trỏ vào đám tù đeo xiềng. - Giờ thì anh được tự do và có thể cùng Don Jayme rời khỏi tàu được rồi. Tiếc rằng cuộc chia tay của chúng ta ngắn ngủi bởi vì chúng tôi đã nhổ neo rồi. Hagthorpe, ra mệnh lệnh đi!
Don Jayme cảm thấy rằng ngài đã bắt đầu hiểu ra đôi điều. Ngài điên tiết quay sang ông anh họ của vợ mình:
- Mẹ kiếp, vậy là anh với bọn này thông lưng với nhau đấy? Anh thông đồng với những kẻ thù của Tây Ban Nha này để...
Một bàn tay rắn chắc của ai đó đã bóp chặt vai ngài, từ đâu đó vang lên tiếng còi chói tai của thủy thủ trưởng.
- Chúng tôi nhổ neo đây, - thuyền trưởng Blood nói. - tốt hơn hết ngài nên rời tàu đi. Tôi rất hân hạnh được quen biết ngài. Mời ngài cứ về bình yên, Don Jayme, và xin ngài cố mà tôn trọng phu nhân của ngài hơn nhé.
Quan thống đốc bị xô đẩy dúi dụi lảo đảo bước trên thang như trong mơ xuống thuyền. Thân ái chia tay với thuyền trưởng Blood xong, Don Rodrigo cũng đi theo ngài.
Don Jayme đổ huỵch xuống đuôi thuyền như một bị thịt. Nhưng chẳng mấy chốc ngài lại nhảy dựng dậy, hung hăng dọa dẫm Don Rodrigo, đòi anh này phải giải thích.
Don Rodrigo cố giữ bình tĩnh.
- Chịu khó nghe tôi cho kỹ đây. Tôi theo tàu "San Tomas" đi đến Sainto Domingo thì bị thuyền trưởng Blood tấn công và chiếm mất tàu. Toàn đội thủy thủ của chúng tôi bị ông ta đưa lên một hòn đảo trong quần đảo Virgin. Nhưng do địa vị của mình nên tôi bị giữ lại làm con tin.
- Rồi để thoát chết và cứu túi tiền của mình, anh đã thông đồng với hắn bày ra âm mưu bỉ ổi này chứ gì?...
- Tôi đề nghị ngài hãy nghe tôi đã. Mọi sự hoàn toàn không phải thế. Ông ta đối xử với tôi cực kỳ tử tế và tôi với ông ta ở chừng mực nào đó còn thân nhau nữa. Ông ta là một người hết sức khả ái như chính ngài cũng thấy. Ông ta và tôi trò chuyện với nhau nhiều và dần dần biết được vài điều về đời tư của tôi cũng như của ngài, bởi vì chúng ta ít nhiều có liên hệ với nhau do cô em họ Hernanda của tôi là vợ ngài mà. Một tuần sau khi Wolverstone cùng một số cướp biển đổ bộ lên bờ bị ngài bắt, Blood quyết định lợi dụng các tin tức nhận được ở tôi cùng với các thứ giấy tờ mà lẽ đương nhiên ông ta đã thu được. Ông ta thông báo cho tôi biết ý định của mình và hứa sẽ không đòi tôi tiền chuộc nếu ông ta cứu được những người của mình bị bắt nhờ tên tuổi và các giấy tờ tôi mang theo.
- Vậy anh thì sao? Anh đồng ý chứ gì?
- Đồng ý ấy à? Quả thực lắm lúc ngài ngu ngốc không biết để đâu cho hết. Ai thèm hỏi tôi có đồng ý hay không chứ. Tôi chỉ được thông báo thế thôi. Cái thói hám danh ngu xuẩn của ngài và tấm huân chương Thánh Jacob xứ Compostella đã hoàn tất công việc. Chắc ông ta đã giao nó cho ngài và ngài phởn quá nên chả biết hay dở gì nữa, ông ta nói gì cũng tin hết.
- Vậy là anh mang huân chương đến cho tôi đấy? Rồi thằng cướp biển đã tóm được tất cả giấy tờ cùng với anh chứ gì? - Don Jayme lẩm bẩm, cho rằng rốt cuộc ngài đã hiểu cả.
Một nụ cười u ám xuất hiện trên bộ mặt xương xương rám nắng của Don Rodrigo.
- Tôi đem nó cho quan thống đốc xứ Hispaniola là Don Jayme De Guzman. Chả phải bức thư gửi cho ông ta là gì.
Don Jayme De Villamarga há hốc mồm. Sau đó mặt ngài trắng bệch.
- Sao! Cả cái đó cũng là bịp nốt à? Huân chương đó không phải thưởng cho tôi à? Có phải đấy là mưu ma chước quỷ của hắn không?
- Đáng lẽ ngài phải xem cho kỹ tờ chiếu của nhà vua chứ.
- Nhưng bức thư đã bị nước biển làm nhòe hết rồi còn gì! - Quan thống đốc thốt lên hoàn toàn tuyệt vọng.
- Nếu vậy thì tốt hơn hết ngài hãy tự hỏi lương tâm của mình ấy. Chắc nó sẽ bảo ngài rằng ngài chưa hề làm được bất cứ điều gì để mà xứng đáng với một phần thưởng cao quý như vậy.
Vì quá bàng hoàng nên Don Jayme không đối đáp được một cách đích đáng lời nhạo báng ấy. Nhưng lúc về đến nhà ngài đã lại hồn được ít nhiều nên lại đủ sức trút giận xuống đầu vợ, mắng nàng vì chuyện ngài bị người ta xỏ mũi. Tuy nhiên hành vi đó càng khiến cho ngài bị thêm một phen bẽ bàng.
- Thế là thế nào, thưa bà? - ngài hỏi - Làm sao bà lại nhận hắn là anh họ mình?
- Nào tôi có nhận hắn là anh họ tôi đâu, - Doña Hernanda đáp và phá lên cười trả thù những tủi nhục mình đã phải chịu.
- Bà không nhận hắn làm anh họ? Vậy ra bà đã biết rằng đó không phải là anh họ bà? Có phải bà định nói thế không?
- Vâng, chính thế.
- Vậy sao bà chẳng bảo gì tôi cả, hả? - Mọi sự quay cuồng trước mắt Don Jayme như trời sắp sập đến nơi.
- Thì chính ông không cho tôi nói còn gì. Lúc tôi bảo rằng tôi không nhớ là anh Pedro của tôi mắt xanh thì ông đã gạt đi, chế nhạo tôi không nhớ cái gì bao giờ và còn gọi tôi là con ngốc nữa. Tôi không muốn bị gọi là con ngốc trước mặt người ngoài một lần nữa cho nên tôi chẳng thèm dây vào làm gì.
Don Jayme lau mồ hôi trán và trong cơn tức tối bất lực quay sang vặc Don Rodrigo:
- Còn anh thì bảo sao nào?
- Tôi chẳng còn gì mà nói nữa. Chỉ xin nhắc ngài lời thuyền trưởng Blood dặn ngài lúc chia tay mà thôi. Tôi nhớ là ông ta đã nhắc ngài từ nay về sau phải tôn trọng vợ mình hơn nữa.
Bước giang hồ của thuyền trưởng Blood
Quyển II - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10