Chương 1
Tác giả: Song Mai & Song Châu
Mặt trời đỏ như quả gấc từ từ chìm xuống biển. Biển vào buổi hoàng hôn đẹp mê hồn. Vạch đường chân trời tím như nằm vắt ngang qua đỉnh núi mờ ảo xa xa. Mặt biển lam biếc bỗng thay màu loang loáng tím. Trong vịnh nắng ngoài biển, Mẫn Huy đang say sưa lấy những mẫu cát đủ màu sắc.
Ở chiếc lều trại trên bờ, Ngạn đang chờ cậu chủ về dùng cơm tối. Bất chợt Nhạn nhìn thấy trên ngọn núi thấp trước mặt một đốm lửa đỏ lập lòe và một bóng đen phất phơ lúc ẩn lúc hiện. Hoảng quá, Ngạn gọi Mẫn Huy hai ba lần.
Không có tiếng đáp lại. Một lát sau mới thấy Mẫn Huy lững thững xách mấy bịch cát đi vào. Thấy Mẫn Huy, Ngạn mừng rỡ hét lên như đứa trẻ:– Trời ơi, cậu đi xúc cát ở đâu mà mất biệt, tôi tưởng cậu bị sóng thần cuốn rồi chứ.Mẫn Huy trợn mắt la lên :
– Thằng quỷ, trù ẻo không hà! Làm gì có sóng thần chứ?
Ngạn bỗng hỏi:
– Thế lúc nãy cậu xúc cát ở đâu? Có thấy gì không?
– Thấy gì?
Ngạn rụt cổ:
– Ma!
– Cái gì?
Đưa tay chỉ về phía trước, giọng Ngạn đầy vẻ bí mật lần sợ sệt.
– Con ma áo đen, tóc xỏa phất phơ, cầm cục lửa đỏ quơ quơ, thấy ghê lắm.
Mẫn Huy đập vai Ngạn và cười ngất:
– Cái thằng, khéo tưởng tượng. Ma quỷ gì đâu.
Ngạn phân bua:
– Tôi thấy ma thật đó.
Mẫn Huy châm chọc:
– Mầy nằm chiêm bao phải không?
Ngạn ấm ức:
– Tôi vái trời con ma lúc nãy hiện ra trước mặt cậu.
– Tao đang chờ con ma trên đinh núi của mầy đó.
Dù Ngạn nói thế nào, Mẫn Huy cũng không tin mà còn chế nhạo Ngạn:
– Không có con ma áo đen nhưng có tiếng hú giữa biển đêm của mầy!
Là một thanh niên tuổi mười bảy, từng là người giữ xe cho công ty của ông Mẫn Kha - cha của Mẫn Huy - mà Ngạn lại rất nhút nhát và sợ ma. Hôm sau, Ngạn rời bỏ Mẫn Huy trở về thành phố.
Còn lại một mình, Mẫn Huy vẫn lang thang đi tìm các loại cát có sắc màu tự nhiên trên bãi biển vắng, trong những vách núi đá Mẫn Huy say mê công việc mà quên cả bản thân mình.
Buổi trưa, Mẫn Huy trở về lều trại trên tay cầm bịch cát khô lòng phơi phới hân hoan, Mẫn Huy huýt sáo một bản nhạc vui tươi. Bất chợt Mẫn Huy trông thấy bóng dáng một cô gái trong lều trại. Ôi ma! Chẳng lẽ con ma áo đen của Ngạn lại xuất hiện tại chỗ trú ngụ của Mẫn Huy đúng như lời dọa của Ngạn?
Mẫn Huy không tin. Làm gì có ma? Nhất là giữa ban ngày sáng trưng thế nầy?
Mẫn Huy thản nhiên bước vào “nhà” của mình. Một căn lều bạt che tạm bợ.
Chỗ ở của Mẫn Huy như là chỗ cắm trại vui chơi của học sinh sinh viên.
Cô gái lạ không hay biết. Mẫn Huy tha hồ quan sát cô. Cô gái mặc bộ quần áo cũ kỹ, bạc màu có vẻ quê mùa. Làn da ngăm ngăm rám nắng. Đặc biệt là mái tóc. Nếu các cô gái thành thị đua nhau nhuộm tóc vàng hoe thì cô gái biển nầy khỏi nhuộm, mái tóc của cô buộc túm đuôi gà cháy đỏ hoe vì nắng và gió biển.
Chẳng bận tâm đến mọi chuyện thế gian, cô gái ngồi say sưa vọc cát trong những bịch nylon của Mẫn Huy. Những mẫu cát nhiều màu anh đã cất công tìm kiếm và phân loại để riêng.
Trông cô gái vô tư nghịch cát như con nít mẫu giáo mà Mẫn Huy tức tối. Cô mà cao hứng đổ lộn xộn thì uổng phí bao công lao của anh.
Mẫn Huy hắng giọng. Anh sẽ la cho cô bé một trận về cái tội phá phách khi vắng chủ ''nhà'' – Hừm!
Cô bé ngẩng lên. Hoảng sợ vì tiếng hắng giọng vừa phát ra và trông thấy gương mặt “phù thủy” của Mẫn Huy mà cô bé bỏ chạy thục mạng về phía ngọn núi trước mắt.
Mẫn Huy chạy đuổi theo. Nhất định anh phải bắt cho được cô bé để hỏi tội.
Vừa chạy, Mẫn Huy vừa í ới gọi với theo:
– Đứng lại! Đứng lại!
– ...
– Không được chạy!
Cô bé chạy càng nhanh, Mẫn Huy đuổi theo không kịp. Mẫn Huy vừa chạy vừa thở hổn hển. Khi Mẫn Huy đuổi kịp thì không thấy bóng dáng cô bé đâu cả.
Cô bé mất dạng và một căn nhà hiện ra.
Mẫn Huy hấp tấp bước vào. Chắc chắn cô bé biến vào đây. Thế nhưng Mẫn Huy chẳng thấy tăm hơi cô bé mà lại trông thấy một ... ông già.
Ông già có mai tóc bạc giống các ông tiên trong truyện cổ tích. Tương phản với ông tiên là một gương mặt khó đăm đăm, đôi mắt đầy vẻ nghiêm khắc.
Mẫn Huy hơi thất vọng, nhưng cũng tìm cách làm quen.
– Thưa bác cho cháu hỏi thăm!
Giọng ông lão nặng trịch:
– Hỏi gì? Chẳng có gì đáng hỏi cả.
Mẫn Huy cụt hứng. Biết nói gì đây. Chẳng lẽ hỏi có cô gái nào vừa đi vào nhà?
Phớt lờ Mẫn Huy và có lẽ không muốn cho anh hỏi gì, ông lão rót tách trà đem ra mời Mẫn Huy làm nhiệm vụ tiếp khách.
– Uống đi! Trà sen đó!
Mẫn Huy bưng tách trà sen uống từng ngụm. Uống xong lại sợ giữa vùng núi vắng vẻ nầy, chẳng biết ông lão là ai. Ông không mặn mà hiếu khách, mà Mẫn Huy thản nhiên uống nước. Lỡ trong tách trà có gì:
Xua tan ý nghĩ không mấy sáng sủa, Mẫn Huy đưa mắt quan sát ông lão. Thấy nụ cười bí hiểm lạnh lạnh của ông, Mẫn Huy càng thêm bối rối.
Không dễ gì tìm được cô gái, Mẫn Huy lại ra về mang thêm nỗi thắc mắc.
Điều kỳ diệu đã xảy ra. Không tìm mà gặp.
Cô bé lạ mặt lại xuất hiện trong lều trại của Mẫn Huy.
Như cô Tấm chui ra từ quả thị, giúp bà lão ở trong rừng, cô bé cũng chui ra từ quả thị giúp Mẫn Huy. Hàng ngày cô mang rau tươi hái trên núi và thịt cá khô xuống tiếp tế cho Mẫn Huy.
Và lần nầy cô sẽ không bỏ chạy thục mạng khi gặp Mẫn Huy nữa.
– Anh hãy nướng khô và nấu canh rau ăn cơm nhé!
Mẫn Huy lắc đầu:
– Nếu cô bé không nói rõ, tôi sẽ không dùng những thứ nầy đâu.
Cô bé nghiêng đầu nhìn Mẫn Huy:
– Nói gì ạ?
– Nói rõ cô là ai? Làm gì? và ở đâu?
Không ngờ cô bé cũng hỏi lại:
– Thế anh là ai? Làm gì? Ở đâu?
Mẫn Huy bật cười:
– Cô bé nói trước vì cô là khách đến ''nhà'' tôi.
Nụ cười thật hồn nhiên, cô bé lúc lắc mái tóc đuôi gà:
– Em tên là Hồng Cát. Sống ở vùng biển vắng nầy với cha nuôi là ông Trần.
Mẫn Huy biết ngay là ông già khó đăm đăm đó. Anh chưa nói gì thì Hồng Cát đã hỏi ngay:
– Thế còn anh, ở đâu đến đây? Anh xúc cát để làm gì? Có phải đãi cát tìm vàng không?
Mẫn Huy lắc đầu:
– Tôi không đãi cát tìm vàng đâu.
Biết nói với Hồng Cát thế nào đây? Mẫn Huy đang bỏ nhà ra đi tìm ... cát.
Mẫn Huy là con của nhà kinh doanh địa ốc Mẫn Kha. Mẫn Huy học đại học mỹ thuật, đam mê hội họa, đặc biệt là đang nghiên cứu tranh cát. Mẫn Huy không mặn mà gì đến công ty địa ốc của cha. Bỗng dưng Mẫn Huy bị bà nội và cha ép buộc cưới vợ. Cô gái tên Đan Uyên, một cô gái xa lạ Mẫn Huy hoàn toàn chưa biết mặt và lần đầu mới nghe nói tên.
Giọng bà nội ngọt ngào nhưng cũng đầy nghiêm khắc:
– Con cưới Đan Uyên là vẹn cả đôi bề, gia đình nó và gia đình mình vừa thân thiết vừa tương xứng nhau. Không cưới Đan Uyên thì con chẳng cưới ai cả.
Mẫn Huy kêu lên:
– Con không biết cô ta mà.
Bà Tâm Khuê cười tươi:
– Không biết rồi con sẽ biết, có khó gì đâu Đan Uyên là cô gái xinh đẹp chứ không phải Chung Vô Diệm đâu mà con lo.
Mẫn Huy chống chế:
– Con không nói vấn đề đó. Nhưng mà ...
Biết Mẫn Huy từ chối, ông Mẫn Kha buông lời hăm dọa.
– Con đồng ý cưới Đan Uyên thì sẽ được làm giám đốc công ty địa ốc. Bằng không thì trở thành chàng họa sĩ trắng tay.
Mẫn Huy đã chấp nhận rời khỏi gia đình với bàn tay trắng. Anh muốn sống với nỗi đam mê làm tranh cát. Anh không muốn sống mà bị lệ thuộc, bị đe dọa.
Sống mà không được làm theo ý mình thì sống mà làm gì. Thế là Mẫn Huy nhất quyết ra đi. Cùng đi với Mẫn Huy có Ngạn, chàng trai giữ xe của công ty địa ốc trốn theo Mẫn Huy.
Hai người lang thang khắp các vùng biển bãi biển hoang sơ vắng vẻ để sưu tầm cát màu. Thật ra chỉ có Mẫn Huy sưu tầm cát, còn Ngạn theo cậu chủ cho vui. Mẫn Huy và Ngạn cắm lều trại ven biển, ăn uống đồ hộp, nước ngọt qua loa, sống đời du mục. Sức trẻ và niềm tin khiến hai người rất lạc quan.
Nhưng Ngạn đột ngột bỏ về Sài Gòn vì sự cố ... ma. Trở về thành phố, dĩ nhiên Ngạn bị ông mẫn Kha đuổi việc vì ông rất khó tính. Ông không chấp nhận nhân viên vô kỷ luật.
Ngạn gọi điện thoại cầu cứu Mẫn Huy. Anh gọi điện về cho cha vừa năn nỉ vừa phải bảo lãnh cho Ngạn không bị đuổi việc vì ông rất khó tính. Phận của Ngạn đã yên, Mẫn Huy rất mừng. Riêng phần Mẫn Huy thì sao cũng được.
Không gì bằng anh được sống với thú đam mê của mình.
Hồng Cát vẫn thắc mắc hỏi Mẫn Huy:
– Anh không đãi cát tìm vàng, vậy đãi cát làm gì?
– Làm tranh cát .
– Làm tranh cát. Lạ quá nhỉ?
Mẫn Huy ôn tồn giải thích cho Hồng Cát.
– Tranh cát có nghĩa là dùng cát làm chất liệu để tạo ra tranh. Cát phải rây thiệt nhuyễn, mịn, màu cát tự nhiên không pha nhuộm thì những bức tranh cát sẽ rất đẹp và vô cùng độc đáo.
Hồng Cát thích thú reo lên:
– Làm tranh từ cát hay quá nhỉ?
Mẫn Huy mỉm cười nói thêm:
– Làm tranh cát công phu lắm phải có tính kiên nhẫn và tỉ mỉ mới được.
Hồng Cát kết luận thật gọn:
– Vậy anh là người có tính kiên nhẫn và tỉ mỉ.
Mẫn Huy cười hồi:
– Sao Hồng Cát nói thế?
– Thì anh đang làm tranh cát.
Mẫn Huy tỏ vẻ thân mật:
– Anh chỉ mới nghiên cứu cát thôi.
Hồng Cát lại hỏi:
– Rồi anh sẽ tiến hành làm tranh cát chứ?
Mẫn Huy hào hứng gật đầu:
– Anh sẽ tiến hành tạo tranh cát. Đây là sở thích và đam mê của anh. Anh nhất định sẽ thực hiện điều tâm huyết nầy.
Hồng Cát tán thành:
– Chắc chắn anh sẽ tạo được những bức tranh cát tuyệt đẹp.
– Mong là được như thế.
Như một đứa trẻ nhỏ. Hồng Cát nhìn Mẫn Huy giọng đầy khích lệ.
– Chắc chắn anh sẽ làm được những bức tranh cát tuyệt đẹp. Anh đã tỉ mỉ tìm cát thế kia.
Vừa nói, Hồng Cát vừa đưa tay chỉ mấy bịt cát. Chợt nhớ chuyện Hồng Cát vọc cát phá phách hôm nọ, Mẫn Huy cất tiếng:
– Hôm đó đang vọc cát sao thấy anh Hồng Cát bỏ chạy dữ vậy?
Hồng Cát trả lời tỉnh bơ:
– Không chạy bị anh bắt đền cát thì sao?
– Anh đâu có đòi bắt đền?
– Không bắt đền mà khuôn mặt anh hầm hừ dữ tợn thấy ghê.
Mẫn Huy đưa tay lên xoa cằm, sờ mặt thật tức cười.
– Bộ mặt anh lúc đó dữ tợn lắm hả?
Hồng Cát cười hồn nhiên:
– Còn phải nói. Dữ tợn như con ma!
Lại ma! Mẫn Huy cắc cớ hỏi:
– Bộ em thấy ma rồi hả?
Hồng Cát, rụt cổ:
– Eo ôi, ma thấy ghê! Em có thấy ma bao giờ đâu.
Mẫn Huy vặn lại:
– Không thấy ma mà dám nói anh như con ma.
– Thì anh giống ma.
Mẫn Huy nghênh mặt lên hỏi:
– Bây giờ có giống không?
– Bây giờ giống ...
– Đừng nói là giống quỷ nha!
Hồng Cát lém lỉnh bảo:
– Bây giờ thì giống người bình thường.
Mẫn Huy vặn lại:
– Chẳng lẽ em nói anh bất thường?
– Em không nói anh bất thường nhưng ngạc nhiên vì cuộc sống của anh.
Mẫn Huy đính chính:
– Anh sống bình thường mà!
– Bình thường đâu. Anh ở đây chỉ mấy lon đồ hộp và nước ngọt. Ăn uống qua loa như vậy làm sao mà sống?
Mẫn Huy nhe răng cười:
– Anh vẫn sống nhăn răng nè.
Hồng Cát nhận định:
– Nhưng không tồn tại lâu đâu. Anh thiếu sinh tố và rau tươi , anh sẽ héo hắt, suy dinh dưỡng đấy.
Nghe giọng điệu bác sĩ của Hồng Cát, Mẫn Huy cười thú vị:
– Nghe nói giống em ở bệnh viện ra quá.
Hồng Cát cười khúc khích:
– Em từ trên núi xuống.
– Giảng đạo hả?
– Không! Tuyên truyền về vệ sinh ăn uống.
Mẫn Huy ưỡn ngực:
– Anh vệ sinh có thừa!
Đưa tay chỉ quanh lều trại, Hồng Cát phê phán:
– Vệ sinh có thừa mà vứt bỏ bừa bãi.
Mẫn Huy gãi đầu phân bua:
– Tại anh không có thời gian thu gom cho sạch.
Hồng Cát tiếp tục nhận định:
– Anh sống thế nầy sẽ suy dinh dưỡng.
Mẫn Huy nheo một bên mắt nhìn Hồng Cát:
– Làm như anh là con nít vậy. Đường đường thế nầy mà suy dinh dưỡng đâu.
Hồng Cát hỏi lại:
– Anh tưởng anh đường bệ lắm à?
– Đường hoàng?
Hồng Cát hạ ngay một câu:
– Đường hoàng mà bề bộn thế nầy ư?
Phê phán nhưng tiện tay, Hồng Cát cũng thu gom các thứ trong liều trại của Mẫn Huy lại cho ngăn nắp sạch sẽ.
Hồng Cát thú vị mân mê các bịt cát màu.
– Hôm nọ mà em lỡ dại trộn lẫn các bịt cát vào nhau, không biết sẽ ra sao?
Giọng Mẫn Huy tỉnh rụi:
– Thì bị ăn đòn.
Đôi môi màu san hô đỏ chu lên:
– Xí! Làm gì có?
Mẫn Huy tình bơ giải thích tỉnh:
– Em không thấy sao, mấy đứa con nít vọc cát đá luôn bị đánh đòn.
– Nhưng em đâu phải con nít.
– Người lớn cũng bị đòn luôn vì phá.
Hồng Cát hờn dỗi ngúng nguẩy:
– Giúp anh mà anh nói thế, em bỏ cho anh suy dinh dưỡng luôn.
Nói thế nhưng Hồng Cát vẫn thể hiện vẻ người lớn của mình. Cô nhặt rau tươi nhóm bếp, nhen củi nấu nồi canh cho Mẫn Huy. Sẵn than củi, cô nướng mấy con cá khô.
Cử chi hiền hậu cần mẫn của Hồng Cát làm Mẫn Huy cảm động. Ngạn về Sài Gòn rồi có ai chăm sóc anh đâu. Tự dưng cô gái trong quả thị chui ra chăm sóc giúp đỡ anh.
Xong mọi việc, Hồng Cát ân cần:
– Anh ăn cơm cho nóng!
Mẫn Huy nhìn Hồng Cát với ánh mắt cảm kích:
– Em được bà tiên trên núi phái xuống giúp anh hả?
Nở nụ cười, Hồng Cát giải thích thật gọn:
– Có ai phái đâu? Thấy anh đơn chiếc quá em giúp.
Cơm dẻo, canh nóng. Mọi thứ Hồng Cát đã chuẩn bị tươm tất, Mẫn Huy mời lại Hồng Cát nhưng cô lắc đầu:
– Anh ăn đi em đã ăn ở nhà rồi. Anh đi tìm cát suốt cả ngày vất vả.
Đang đói bụng Mẫn Huy ăn ngay. Chưa bao giờ trong đời Mẫn Huy ăn bữa cơm nào ngon lành như thế.
Có hôm Hồng Cát nướng cho Mẫn Huy mấy con ốc biển thật ngon. Anh lai rai với mấy lon bia rất thú vị.
Mẫn Huy tấm tắc khen:
– Ốc biển nhậu bia rất, ngon tuyệt .
Hồng Cát khoe:
– Em biết làm các món đồ biển cho cha em nhậu nữa, như mực xào chua, mực nhồi thịt cua xốt cà, gỏi nghêu.
Mẫn Huy chép miệng:
– Chà ngon tuyệt! Nghe em kể các món là anh muốn nhậu.
Chợt nhớ đã lỡ lời, Hồng Cát nhìn Mẫn Huy nghiêm giọng:
– Em nói thế nhưng anh không được nhậu nhiều. Phải ăn uống tốt để giữ sức khỏe.
Mẫn Huy cười phá lên:
– Anh biết rồi, chuyên gia dinh dưỡng ạ!
Hồng Cát bẽn lẽn:
– Em chỉ lo cho những người đang làm việc như anh. Không được nhậu.
Mẫn Huy nhìn Hồng Cát trêu chọc:
– Anh hỏi thật nghe, em có dám khuyên cha em bỏ rượu không?
– Dám chứ!
– Thật không?
– Làm con mà khuyên cha thì có gì mà không dám?
Mẫn Huy bày tỏ:
– Anh thấy cha em khó đăm đăm mà phát ngán.
Nở nụ cười hồn nhiên Hồng Cát trả lời tỉnh bơ:
– Cha khó với ai chứ đâu có khó với em.
– Chắc em là con cưng, con gái rượu.
– Em chẳng biết con gái rượu thế nào đâu.
Hồng Cát lắc đầu trả lời rồi giới thiệu:
– Cha em ở biển biết nhiều nơi có cát đẹp để em nói cha chỉ cho anh tìm nhé.
Nói đến cát màu là niềm say mê của Mẫn Huy anh thích thú reo lên như đứa trẻ được quà:
– Ồ, tuyệt quá! Nơi nào có cát anh sẽ tìm đến. Cám ơn em.
– Có gì mà cám ơn em! Cát của thiên nhiên anh cứ tha hồ mà lấy.
Mẫn Huy chủ động tìm đến nhà Hồng Cát. Căn nhà nhô bé, đơn sơ dưới núi mà anh đã ghé vào khi đuổi theo Hồng Cát.
Ông già tóc bạc phơ, gương mặt khó đăm đăm để lại ấn tượng sâu sắc trong anh. Lần gặp gỡ nầy, ông Trần cởi mở hơn, nụ cười bí hiểm lạnh lùng được thay bằng nụ cười hiền hậu. Vẫn tách trà sen rót mời Mẫn Huy nhưng giọng ông Trần ngọt ngào thân thiện hơn:
– Mời cậu dùng!
Mẫn Huy đáp lễ:
– Dạ, cám ơn bác!
Mẫn Huy tặng ông mấy lon đồ hộp cá thịt mà anh mới mua ngoài tiệm. Thức ăn Mẫn Huy đem theo đã cạn kiệt rồi, anh phải bổ sung thêm. Cũng nhờ Hồng Cát tiếp tế rau tươi nếu không, chắc Mẫn Huy héo hắt mất.
– Cháu biếu bác dùng.
Ông Trần cởi mở nhưng từ chối:
– Cậu bày vẽ! Cứ giữ lấy mà dùng!
– Dạ, cháu còn ạ. Bác cứ dùng thử đồ hộp.
– Tôi ở đây cứ tha hồ dùng đồ biển.
Vừa lúc đó, Hồng Cát bưng mâm thức ăn lên. Đĩa gỏi mực, tô cháo nghêu nghi ngút khói, mùi thơm hòa quyện hấp dẫn.
– Mời ba và anh Mẫn Huy!
Ông Trần bày thức ăn ra và bảo:
– Con hãy ngồi đây dùng cháo nghêu.
Hồng Cát mỉm cười liến thoắng:
– Ba với anh Mẫn Huy nhậu lai rai, con ngồi làm chi.
Mẫn Huy tinh nghịch bảo:
– Có Hồng Cát ngồi kèm, tôi và bác sẽ không lai rai nhiều đâu.
Hồng Cát đáp trả lại ngay:
– Không đám đâu! Ba bảo mồi càng ngon hấp dẫn thì càng nhậu nhiều.
Nhìn con gái với ánh mắt yêu thương, ông Trần đùa giọng:
– Vậy là con công nhận là con làm mồi ngon.
Hồng Cát nở nụ cười để lộ lúm đồng tiền tròn xoay trên má. Tại sao bây giờ Mẫn Huy mới nhìn thấy nhỉ? Có lẽ nước da ngăm rám nắng của Hồng Cát đã khiến anh ấn tượng nên quên để ý nét duyên ngầm của cô.
– Ba từng bảo con làm mồi ngon mà!
Giọng Hồng Cát trong trẻo vang lên.
Tuy không cùng ngồi ăn nhưng Hồng Cát vẫn ngồi xuống phục vụ cho hai người đàn ông. Cô múc cháo gắp thức ăn cho cha và Mẫn Huy và giục hai người ăn cho nóng.
Hồng Cát lại tươi cười nhắc nhở:
– Lai rai chút đỉnh thôi nghe ba, đừng uống rượu nhiều không tốt đâu.
Ông Trần nhìn con gái ra vẻ trách yêu:
– Không cho cha uống rượu nhiều, thế con làm mồi ngon để chi?
Hồng Cát nhanh nhẩu trả lời:
– Để bồi dưỡng cha à!
Đối đáp thật khôn ngoan. Mẫn Huy thầm khen Hồng Cát.
Ông Trần cười hóm hỉnh:
– Chắc là con định bồi dưỡng cậu tìm cát nầy?
Hồng Cát bẽn lẽn, hai má ửng đỏ như màu mận chín.
Ông Trần quay sang Mẫn Huy.
– Nghe Hồng Cát bảo cậu tìm cát làm chi đó?
Mẫn Huy nhã nhặn đáp:
– Dạ, cháu nghiên cứu cát để sản xuất tranh cát ạ!
Ông Trần cười đôn hậu:
– Tốt! Tốt! Hôm nào tôi sẽ chỉ cho cậu nhiều chỗ cát màu đẹp lắm.
– Dạ! Cám ơn bác.
Hồng Cát nhìn Mẫn Huy một cách tinh nghịch:
– Anh thấy chưa? Ba em đâu có khó đăm đăm.
Ông Trần bỗng hỏi ngay:
– Cái gì khó đăm đăm hả con?
Hồng Cát cười khúc khích:
– Hôm đó anh Mẫn Huy đến đây gặp cha khó đăm đăm, anh ấy sợ hết hồn.
Ông Trần ôn tồn lý giải với Mẫn Huy:
– Hôm đó tôi tưởng cậu là bọn choai choai đi chơi phá phách đó mà.
Trời ạ! Mẫn Huy thế nầy mà ông bảo là bọn thanh niên choai choai phá phách. Thật là oan!
Mẫn Huy nhẹ nhàng đính chính.
– Cháu đâu có.
Ông Trần cười khề khà:
– Tôi biết rồi! Cậu chỉ say mê tranh cát thôi.
Bỗng ông cất tiếng hỏi Mẫn Huy:
– Cậu ở đâu đến đây lang thang tìm cát cực khổ thế nầy?
– Dạ, cháu ở thành phố.
Ông Trần lại nhận định:
– Trai thanh niên ở thành phố mà chịu về nơi vắng vẻ thế nầy.
Mẫn Huy trả lời nhẹ tênh:
– Vì đam mê tranh cát, cháu sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu tìm cát.
Ông Trần gật gù tán thành:
– Hay! Hay! Phải có lòng say mê công việc như thế.
Được người hiểu biết công việc của mình như ông Trần thì hay biết mấy.
Cha Mẫn Huy có cái nhìn rất thiển cận. Ông chỉ muốn Mẫn Huy theo công việc kinh doanh của ông. Ông rất ghét và luôn chê bai việc làm tranh cát của Mẫn Huy. Ông cho là anh mơ mộng viễn vông xa rời thực tế. Kinh doanh địa ốc là công việc đáng làm mà không lo lại đam mê theo cát. Cát mà làm được cái quái gì?
Mối quan hệ giữa hai cha con ngày càng xấu đi. Ông không bao giờ đồng cám và tán thành việc nghiên cứu cát của Mẫn Huy. Đến nỗi Mẫn Huy phải bỏ đi. Mẫn Huy phải rời bỏ gia đình để tránh cả cuộc hôn nhân ép buộc.
Mẫn Huy đường đường thế nầy mà bị cha và nội ép cưới vợ, thật là nực cười và vô lý. Tuy nhiên, Mẫn Huy vẫn không để lộ ''tung tích'' của anh trước ông Trần và Hồng Cát. Không khí gia đình Hồng Cát thật ấm áp dễ chịu. Mẫn Huy thấy sống bình dị như họ thật thoải mái. Chẳng lo toan hay gặp phiền toái gì.
Bỗng ông Trần buông giọng bộc bạch:
– Cậu say mê cát nên làm tranh. Tôi cũng say mê cát nên đặt con nhỏ tên là Hồng Cát.
Hồng Cát quay lại cha phụng phịu:
– Cha đặt con tên Cát gì kỳ quá chẳng đẹp tí nào.
Mẫn Huy lên tiếng ngay:
– Tên Hồng Cát rất hay và có ý nghĩa vô cùng, lại đẹp nữa.
Hồng Cát, lắc đầu:
– Em thấy có đẹp gì đâu.
Ông Trần nhắc nhở con gái:
– Con đừng có chê! Hồng Cát là cát màu hồng, rất có ý nghĩa.
Mẫn Huy cũng tán thành và nói thêm:
– Em ở biển mà tên Hồng Cát thì càng hay.
Hồng Cát nghếch mũi lên vờ nhăn nhó với Mẫn Huy:
– Không ngờ anh cũng cùng phe với cha em.
Ông Trần cười hóm hỉnh:
– Cùng phe tức là cùng tư tưởng thì tốt chứ sao con.
Nói xong, ông bưng ly rượu uống một ngụm và đưa cho Mẫn Huy. Anh lắc đầu:
– Cháu không uống rượu đế được đâu bác.
– Cứ uống rồi sẽ uống được.
Hồng Cát can ngăn:
– Anh Mẫn Huy không uống rượu được là tốt, sao ba lại ép?
Ông Trần lại phân bua :
– Ba ép uống rượu chứ có bắt cậu ấy làm gì sai pháp luật đâu.
Hồng Cát buông gọn:
– Uống rượu cũng là sai trái pháp luật đó ba.
Ông Trần lắc đầu:
– Hết biết con nhỏ nầy! Khách đến nhà, ba mời lai rai, còn con thì ngăn cản, cậu Mẫn Huy sẽ nghĩ sao nhỉ?
Hồng Cát nghiêng đầu nhìn Mẫn Huy lém lỉnh bảo:
– Anh nghĩ sao cứ nói cho ba em biết đi.
Nói sao nhỉ? Không uống rượu thì phật ý ông già. Còn uống rượu thì phật ý cô gái. Mẫn Huy gãi đầu, liệu lời mà nói. Cuối cùng, anh nhẹ nhàng đáp.
– Mỗi người có quan niệm về rượu nghĩa, rượu lễ, rượu tình và chỉ nên uống chừng mực như thế.
Ông Trần cười cười:
– Vậy là cậu uống với tôi ly rượu xã giao.
– Vâng, cháu sẽ uống với bác.
Ông Trần bưng ly rượu uống phân nửa, rồi đưa cho Mẫn Huy.
– Tới cậu!
Mẫn Huy bưng ly rượu uống một ngụm và để xuống. Ông Trần la quá chừng:
– Cậu phải uống hết!
Hồng Cát lên tiếng ngay:
– Ba thật kỳ! Anh Mẫn Huy đã uống xã giao rồi.
Và cô thoăn thoắt múc cháo vào chén thêm cho Mẫn Huy:
– Anh ăn cháo đi!
Đưa mắt nhìn con gái, ông Trần đùa giọng:
– Cậu ấy không có say đâu mà con lo.
Mẫn Huy buông câu pha trò nhưng đầy ý nghĩa:
– Cháu chỉ say công việc chứ không say rượu đâu.
Ông Trần bộc bạch:
– Say công việc thì tốt. Tôi cũng có uống rượu đâu mà Hồng Cát cằn nhằn suốt ngày.
Đôi môi xinh xinh của Hồng Cát phụng phịu rất dễ thương:
– Con có dám cằn nhằn cha đâu.
– Không cằn nhằn mà không cho cha uống rượu.
– Con chỉ khuyên cha đừng uống rượu vì rượu rất có hại cho sức khỏe.
Mẫn Huy mỉm cười buông gọn:
– Đúng, Hồng Cát là chuyên gia sức khỏe và dinh dưỡng.
Ông Trần nói nhanh:
– Nó là con gái dân chài miền biển có làm chuyên gia gì đâu cậu.
Hồng Cát bẽn lẽn nói như đính chính:
– Anh Mẫn Huy chế nhạo con đó ba ơi.
Mẫn Huy múc muỗng cháo nghêu và tỏ vẻ khen ngợi cô:
– Không dám chế nhạo Hồng Cát đâu. Thấy em hay khuyên nhủ điều nầy nọ, anh nghĩ giá em là bác sĩ.
Hồng Cát cất giọng tỉnh bơ:
– Em mà làm bác sĩ, em bắt cha và anh nằm viện.
Mẫn Huy kêu lên.
– Trời đất!
Còn ông Trần thì xua tay.
– Con đừng có nói khùng.
Không khí càng trở nên thân mật. Là khách nhưng Mẫn Huy thấy anh đã hòa nhập vào với gia đình của Hồng Cát. Anh ngỡ như đã quen thân với cha con Hồng Cát tự khi nào.
Khi chia tay ra về ông Trần đã dặn Mẫn Huy:
– Cậu nhớ ghé đây, tôi sẽ đưa đi tìm cát màu.
– Dạ!
Những ngày sau, Mẫn Huy được ông Trần đưa đến các nơi có cát màu để anh tha hồ tìm tòi nghiên cứu.
Ông Trần rất thích thú và ủng hộ việc làm tranh cát của Mẫn Huy:
– Cát bỏ không chẳng thấy ý nghĩa gì, nhưng làm tranh cát thì chắc tuyệt lắm.
Mẫn Huy hào hứng:
– Tranh cát đẹp lắm bác ạ.
Sau khi tìm được cát, Mẫn Huy trở về thành phố chuẩn bị các thứ để làm tranh cát.