Lãng Nhân
Tác giả: Tạ Tỵ
Nội dung thủ bút:
Giày mũ, xe cộ, nhà cửa, cho đến báo chí, sách vở, tranh ảnh, âm nhạc… sản xuất cùng một khuôn, tiêu thụ theo một loạt, bản ngã của từng người bị số đông uy hiếp tràn lấn, cả thế giới rồi phục sức, ăn ở, nói cười, suy nghĩ, không ai bảo ai mà ai cũng giống ai, mọi người rồi biến thành như một người vô danh! [2]
Lãng Nhân (Phùng Tất Đắc): Làm báo, viết văn. Sinh ngày 20 tháng 6 năm 1907 tại Hà Nội
Tác phẩm: Trước đèn (1939), Chuyện vô lý (1942), Chơi chữ (1960), Giai thoại làng Nho (1963), Hán Văn tinh tuý (1965), Thơ Pháp ngữ tuyển dịch (1968), Chuyện cà kê (1968)
Tác phẩm ký dưới bút hiệu Cố Nhi Tân (Những tiểu truyện danh nhân): Khổng Tử (1968), Tư Mã Quang, Vương An Thạch (1968), Nguyễn Thái Học (1969), Tôn Thất Thuyết (1969), Nghiêm Phục (1970)
Lãng Nhân
Ánh đèn trong đêm tối
“Gió sương đã đổi hai màu tóc
Non nước chưa đành một tiếng tơ.”
“Trong các nhà báo, nhà văn lớp trước, hiện nay ở đây còn sót lại vài người. Trong số này, có bạn Lãng Nhân.” Nhà văn Vũ Bằng đã nói đúng trong bài Tựa tác phẩm Trước đèn tái bản lần thứ ba, năm 1964.
Lãng Nhân, một nhà báo, một nhà văn, một nhà tư tưởng. Đã 40 năm trôi qua, đã trên một vạn ngày đêm đuổi nhau đi vào vô tận, đi vào sự tàn phá huỷ diệt mọi giá trị không đủ khả năng tồn tại, nhưng một khi giá trị, dù vật chất hay tinh thần chống lại được thời gian mà tồn tại được, thì ở trong đó ắt đã chứa đựng một cái gì vĩnh cửu.
Lãng Nhân đi vào cuộc đời văn chương từ năm 23 tuổi, sau khi lỡ dở bước đường cử nghiệp vì cuộc bãi khóa chống lại viên giám đốc người Pháp của Trường Bưởi (Chu Văn An ngày nay). Lãng Nhân mang một tinh thần trẻ và tiến bộ, mong vượt thoát “lối mòn” để vươn cao lên đón bắt từng vùng hào quang của văn học quốc tế đang từ phương Đông lướt tới, từ phương Tây ồ ạt đổ vào.
Năm 1930, tờ Đông Tây ra đời do Hoàng Tích Chu, một thanh niên từ Pháp về, chủ trương cải cách nền báo chí Việt Nam chậm tiến. Cũng từ đó, Lãng Nhân bắt đầu “cầm cố” đời mình cho bút mực. Trong suốt một dòng sông không bao giờ ngơi nghỉ, Lãng Nhân quăng hơi thở, ném cái tài hoa vào đà chung của tiến hóa. Lãng Nhân khởi hành từ Đông Tây qua Thời báo, Duy tân, Nhựt tân, Hải Phòng Tuần báo, Ích Hữu và Đông Dương Tạp chí. Lãng Nhân đôi lúc “bốc đồng” lại nhảy sang giữ chức vụ giám đốc cho hai tờ báo viết bằng Pháp ngữ: Le Cri de Hanoi và Fléchettes. Nhưng dù ở cương vị, hoàn cảnh nào, Lãng Nhân vẫn coi viết và viết ra được là chủ yếu, là cái đích cần đi tới, là lý tưởng của đời mình. Tuy nhiên, Lãng Nhân viết gì và viết ra sao, cái đó mới quan trọng.
Với cái học uyên thâm cả Tây lẫn Hán cộng vào sự khó tính về phương diện văn chương, tất cả những điều gì Lãng Nhân viết ra, nói lên, đều không mang trong nó cái tầm thường dối trá, mà đều có cao vọng trình bày một giá trị của tư tưởng.
Sinh ra là lớn lên trong giai đoạn đầu của đất nước do quân thù khuấy động và chính mình lại đóng vai trò nhân chứng lịch sử giữa cuộc tranh chấp mới, cũ, chẳng những ở đời sống vật chất mà còn trầm trọng ở phương diện tinh thần, Lãng Nhân đã tìm đúng phương hướng hoạt động, tức là dùng văn chương để nói lên tất cả những suy nghĩ cũng như sự việc, dù tốt dù xấu, để mong cải tạo nếp sống của thời đại hiện diện.
Hầu hết các báo mà Lãng Nhân cộng tác đều mang nội dung tiến bộ nghĩa là mong làm đời sống tinh thần của dân “An Nam” khá hơn, để sớm ý thức được trách nhiệm của mình trước tương lai dân tộc.
Tác phẩm Trước đèn là một quyển sách “nói chơi” đã đăng từng kỳ ở báo Đông Tây do Hoàng Tích Chu chủ nhiệm, Lãng Nhân chủ bút từ năm 1930. Nội dung tác phẩm chứa đựng thật nhiều vấn đề, trình bày dưới hình thức phiếm luận. Lãng Nhân nói chơi hay nói thật, ai mà đoán nổi, vì mỗi dòng, mỗi chữ đều hàm chứa hai, ba nghĩa, tuỳ người đọc suy luận để tìm về mình ý nào thích hợp. Kỹ thuật hành văn của Lãng Nhân đúng là “khuôn vàng thước ngọc” dùng để đo lường khả năng và giá trị của văn học, vì
“Đọc sách đối với nhà nho, không những chỉ là thú tiêu nhàn tao nhã, mà còn là một tác động thiêng liêng: tìm cách cảm thông với người thiên cổ.
Người thiên cổ đã để lại trong thư tịch một túi khôn uyên áo, hay một tấm lòng cảm thương, túi khôn mong giúp ích cho đời sau, tấm lòng mong bộc bạch với người sau… (Trước đèn)
Cái túi khôn và tấm lòng của người thiên cổ để lại cho thế gian, Lãng Nhân đã ân cần nhận lấy, góp thêm công khó của chính mình để “túi khôn” và “tấm lòng” được toả rộng ra tám trời, bốn hướng.
Lãng Nhân đã hao phí rất nhiều hơi sức và thời gian với sách vở. Đọc cả một xe sách để chỉ lấy về phần mình vài suy nghĩ văn chương của mình những bước đi riêng trong khung cảnh đặc biệt của “nước An Nam” đang bị ngoại bang và phong kiến tiếp tay bóc lột, áp bức. Do đó, lời văn và tư tưởng gói ghém trong mỗi dòng, mỗi chữ đều toát ra nỗi giận hờn, muốn khóc mà không được, muốn kêu gào nào biết có ai nghe? Vì biết rõ hoàn cảnh và mục tiêu cần đạt tới nên Lãng Nhân không hấp tấp, vội vã, cứ nhởn nha tiến tới như một kẻ phiếm du trong khu rừng cấm, tìm cách mở đường cho kẻ đi sau.
Cuộc nhân sinh vốn ngắn ngủi. Thời gian, hai tiếng đó như lưỡi dao thật sắc, cắt dần con người từng chút, từng chút mà nạn nhân không hề biết đau đớn:
“Ai chế ra đồng hồ, thực đã có công hình dung được thời gian, nhưng có ngờ chăng là đã chuốc cho người đời bao nhiêu lo lắng!
Hai chiếc kim sắt nhọn, lúc nào cũng đon đả đua nhau thái nhỏ đời ta ra làm trăm ngàn mảnh vụn. Mỗi tiếng tích tắc nghe như tiếng nhấm, tiếng gặm, thủng thẳng, lạnh lẽo, tựa hồ điềm nhiên nhắc vào tai ta rằng: đây là một giây, một phút của đời ta đã tách ra và rơi mất vào khoảng không vô tận.” (Trước đèn)
Sở dĩ Lãng Nhân phải viết ra, cốt để lưu ý thiên hạ đừng bao giờ phải nhắc lại câu nói của Oscar Wilde: “Cái bi kịch của người ta lúc về già, là tuổi già rồi mà lại thấy mình còn trẻ” (Trước đèn).
Chẳng đến hôm nay vấn đề tình dục mới trở thành thắc mắc đối với thế hệ trẻ. Nó đã có từ lâu. Nó hiện diện trong sử sách, trong dòng thời gian miên tục lướt qua từng triều đại, từng thế hệ. Chỉ có khác là kỹ thuật đặt vấn đề và môi trường xuất phát mỗi thời mỗi cách. Người xưa kín đáo với nhiều ẩn dụ, người nay nói toạc ra không cần úp mở và vấn đề được khai triển do các danh nhân quốc tế in thành sách trang trọng. Lãng Nhân viết về ái tình:
“Nói đến ái tình, nhà đạo đức chưa chi đã cho ngay là không đứng đắn. Đối với nhà đạo đức, ái tình là một điều khó nói, dường như không nên nói tới: các ngài cho là một thứ dây oan dắt ta xa lìa thiên lý, kéo ta vào cuộc đời khổ não những tiếc cùng thương… Nhưng ái tình là một lòng dục: đứng vào phương diện sinh lý ái tình không ngoài sự cần dùng của nhục thể. Đã là cần dùng, thế tất phải làm cho thoả mãn.
Nhưng thoả mãn thế nào cho có vẻ mỹ quan, đấy là dấu loài người cao hơn vạn vật, cũng lại là cách làm cho ái tình nhoi lên đến cõi thơ mộng, vượt hẳn ra ngoài cái tục tằn của mọi loài”.
Ở vấn đề trên, Lãng Nhân còn bàn rộng đến cái “trinh” với những tư tưởng rộng rãi qua quan niệm của Tây phương lẫn Đông phương. Nhờ vậy, người đọc mới biết Tần Thỉ Hoàng – một bạo chúa – có cái gương đặc biệt soi vào người cung phi, là biết ngay được “còn” hay “mất” và giữa tự do phóng khoáng với trinh tiết người con gái phải tự lựa chọn lấy một bề.
Từ ái tình đến trinh tiết qua hôn nhân, Lãng Nhân đã có cái nhìn thật bao dung, thật tiến bộ, vì hôn nhân chỉ là đơn thuốc của luân lý để chữa bệnh cho xã hội mà luân lý cũng như thầy lang đều không dám quyết đoán, không dám thẳng tay điều trị.
Cuộc sống có những băn khoăn, những nỗi buồn muốn tỏ bày một cách vô tư hay có thái độ, do mâu thuẫn của nội tâm hay thực tế đưa lại. Dần dần nỗi ám ảnh như mũi nhọn cứ lút dần vào suy nghĩ làm bứt rứt, khó chịu, làm đớn đau đến phẫn nộ. Cái tình thương mà nhân danh con người để tỏ bày với nhau, thực chất vẫn giả dối, vì mình hơn vì người, nên Lãng Nhân cần phải viết ra, nói ra dù sự việc đó làm phiền mình và phiền người. Để chứng minh cho tư tưởng, cho lập luận của mình, Lãng Nhân dẫn chứng lời nói của triết gia Platon:
“Người ta chê sự bất công, không phải vì sợ mình sẽ làm điều bất công, mà vì sợ mình sẽ phải chịu điều bất công”
để đi đến kết luận cho bài phiếm luận về cứu tế xã hội bằng câu nói chua chát:
“Cơ quan cứu tế, cũng như Hồng thập tự, một việc phúc gây ra bởi chiến tranh.
Cơ quan cứu tế, cũng như giải hoà bình, một giải thưởng đặt ra do Nobel, nhà phát minh chất cốt mìn.” (Trước đèn).
Để an ủi cái xã hội mà áp bức, bất công trói buộc mỗi thân phận con người Việt Nam càng ngày càng đi dần xuống vực thẳm của nghèo đói, của ngu dốt, thực dân Pháp vẫn đưa ra cái khẩu hiệu: Tự do, Bình đẳng, Bác ái để che lấp dã tâm của một dân tộc tự nhận là văn minh ở trời Âu, đi khai phóng dã man.
“Tự do, bình đẳng, bác ái, ba điều tốt đẹp trên thế gian. Tốt đẹp vì cả ba cùng chỉ có ở trong vòng lý tưởng, nhờ cái ánh sáng rực rỡ của lý tưởng rọi vào, nên mới lập lòe muôn sắc hào quang. Thực ra, bác ái là yêu mình trước đã, rồi sẽ yêu đến người. Lắm kẻ yêu mình còn chưa xong, trách gì không yêu được người.
Bình đẳng, trong đời hoạ chỉ có hai lúc: lúc lọt lòng ra, lúc thác đi. Ai cũng do một nơi mà đến, ai cũng cùng về một nơi:
Bị gậy, cân đai: đất một hòn!”
Thật ngao ngán, thật chua xót, công hầu, khanh tướng và kẻ khôn cùng nào ai có hơn ai trong tư tưởng của Lãng Nhân về hai chữ: Sinh, Tử?
Cái quan niệm bi đát về cõi sống, Lãng Nhân đã nhìn thấy, tức là đã đạt, đã thấu suốt “ba nghìn thế giới” trong cõi Tin do Đức Thích Ca dẫn dắt, và kiếp nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày cũng là mộng ảo cả thôi! Nên:
“Nhiều khi yên lặng còn là cách ôm kín nỗi lòng: gặp trường hợp khó khăn, không giãi hết được với mọi người, cũng không giãi riêng được cả với ai, âu đành ‘nỗi lòng kín chẳng ai hay’, chịu cho đau thương cắn rứt trong yên lặng, như một vết rạn nhấm dần. Thấy vết rạn li ti, ai có ngờ bình kia đã vỡ mà hiểu vì đâu đóa Mã tiên úa héo khô dần” (Trước đèn).
Cái “bình tâm hồn” của Sully Prud’homme đã rỉ hết nước làm khô đóa Mã tiên của tình yêu, cái bình tư tưởng của Lãng Nhân cũng khô cong suy nghĩ vì bức tranh tâm cảnh do Hồ Xuân Hương phác hoạ:
“Tựa gối chẳng hề lên một tiếng
Ôm đàn mà vắng cả năm cung.”
Lãng Nhân, trong vũng lầy thời đại, đã cố công dùng vợ chồng để phá vỡ u mê mong tìm chân lý cho người đời chung hưởng. Nhưng văn chương Lãng Nhân ở một cung bậc cao quá, trí thức quá, nên chuyển cái thực, cái đúng, cái phải, cái cần, trở thành nghi hoặc đúng như nhận xét của Vũ Ngọc Phan viết về Lãng Nhân qua tác phẩm Trước đèn trong tập Nhà văn hiện đại xuất bản năm 1943 tại Hà Nội. Lãng Nhân nên coi đó là một vinh dự vì nền văn chương Đông phương mới chỉ đi vào kỷ nguyên nghi hoặc trong ít năm gần đây, Lãng Nhân đã nói tới nó từ 40 năm.
Từ Trước đèn viết trong Đông Tây 1931 đến Chuyện vô lý đăng ở Đông Dương Tạp chí năm 1937 do Nguyễn Giang, thứ nam nhà văn hào Nguyễn Văn Vĩnh, làm chủ nhiệm, Lãng Nhân đã chuyển văn chương từ địa hạt triết lý qua địa hạt hành động, nghĩa là nhắm thẳng vào từng việc, từng người với từng sự kiện hiển nhiên phô bày giữa cuộc sống. Phương pháp hành văn vẫn như vậy, thật ngắn, thật gọn, thật súc tích, thâm trầm và tế nhị. Đọc văn Lãng Nhân người ta thấy tác giả phải khổ công chẳng những tìm đề tài mà còn ở vấn đề lựa lời, chọn chữ. Mỗi chữ được Lãng Nhân “cầm” tới, trở thành có giá trị và đổi ngay trọng lượng, đang nhẹ tênh tênh, bỗng nặng trĩu mắt.
Nhưng Chuyện vô lý là gì?
Theo định nghĩa của Nguyễn Giang trong lời tựa Chuyện vô lý xuất bản tại Hà Nội năm 1939, như sau: “Theo như nghĩa thông thường, thì một câu chuyện vô lý là câu chuyện cao hơn, trội hơn cái trí hiểu biết và xét đoán của mình. Vô lý có nghĩa là bất ngờ: một việc ta đoán, hoặc cứ tự nhiên ta tin, ta tưởng nó thế này, mà nó lại xảy ra thế kia”.
Cái vô lý mà Lãng Nhân viết ra, là chuyện có thực, căn cứ vào sự thực, một sự thực thật vô lý mà với óc suy luận thường thường cho rằng: Sao lại như thế được? Ấy thế mà có đấy! Nó hiện diện như sự thường tình ít ai để ý, nếu Lãng Nhân không đưa nó vào một khung cảnh, một vấn đề cần nói ra. Chẳng hạn như chuyện hai ông “An Nam” ở vùng Hải Dương nhất định xin vào Pháp tịch vì hai ông quả quyết mình là Tây:
“Toà án giao hai ông cho một viên bác sĩ khám nghiệm. Bác sĩ khai rằng hai ông không có chút máu Tây nào trong huyết quản. Hai ông không chịu (lẽ tất nhiên), hai ông xin Toà cử một bác sĩ khác khám lại. Thì bác sĩ này kết luận: Hai ông tuy ‘hình dáng’ An Nam nhưng da thịt Tây!
Toà đã theo lời bác sĩ này mà nhận cho hai ông đáng là dân trong làng Tây.
Thịt da ai cũng là người, nay nhờ có bác sĩ ta mới biết có thứ thịt da An Nam, có thứ thịt da Tây”.
Thật mỉa may, cay độc! Cái thời dân An Nam bị đô hộ nó như thế đấy. Nước Việt Nam lụn bại cũng tại những sự việc vô lý cỏn con đó, trong khi chúng ta cần những người như Thang Trí Dung và Y Xuyên, một người yêu nước một cách mạng thức thời, một người có lòng nghĩa hiệp. Chuyện này Lãng Nhân viết ra với thâm ý cảnh tỉnh những ai còn mê muội, đớn hèn làm tay sai cho thực dân để hại nước, bằng giọng văn giễu cợt và cho đó là điều vô lý vì ở đầu thế kỷ XX này làm gì còn có chuyện yêu nước và nghĩa hiệp!
Cùng theo đuổi mục đích trên, câu chuyện “Ăn cho đều” có ý công kích chế độ cai trị của Pháp bằng ngay kế hoạch Pháp viết ra:
“Trong khi hàng xâu người bóng dáng tiều tuỵ, quần áo lam lũ, nối gót nhau xin cơm phát chẩn, hoặc xin chỗ ngủ trong phúc đường, trong khi ở Âu châu già trẻ không đủ ấm no, thì ở thế giới, người ta thừa dùng phải đổ đi 90 toa lúa mì, 15 vạn toa gạo, bận Hoa Kỳ phải vất đi 20 triệu tấn đồ hộp, giết bỏ 6 triệu lợn, 60 vạn bò, bên Nam Mỹ phải giết bỏ 55 vạn cừu, đổ ra biển 22 triệu bì cà-phê, ở Canada phải đốt bớt không biết bao nhiêu bông, ở Cuba vất đi 33 triệu tấn mía… nhiều nước lại treo giải thưởng cho công cuộc phá huỷ ấy nữa.” (Chuyện vô lý)
Lúc ấy dân Việt Nam đói và thiếu thốn mọi thứ, mỉa mai thay! Con người ở những xã hội tân tiến, sản xuất thực phẩm tiêu thụ không hết, thay vì đem trợ giúp cho nhân loại đang đói khổ lại đổ xuống biển hoặc đốt cháy thành tro. Do đó, thay vì hô “Chính trị đã” như Ch. Maurras, Lãng Nhân đề nghị: “Kinh tế đã”.
Nói cho đúng, không gì khổ bằng một dân tộc lạc hậu, chậm tiến lại còn gặp biết bao nhiêu tai trời, ách nước nào lụt lội, nào bệnh tật. Khi gặp lụt thì muôn dân lâm vào cảnh cát lấp, sông vùi. Ruộng, vườn, nhà cửa, gia súc đều ùa trôi theo ngọn nước tàn bạo. Con người nheo nhóc, không cơm áo, không có đất để ở. Muôn ngàn thê thảm. Chứng kiến tận mắt cái cảnh người bóc lột người, người lợi dụng cái đau khổ của người để được thăng thưởng và thu lợi, với tư cách nhà văn, vũ khí chỉ có cây viết, Lãng Nhân đành dùng nó để đả phá sự bỉ ổi đó:
“Có người lại bảo rằng trời ra tai, ấy là để trừng phạt những kẻ có trách nhiệm chăn dân mà không chăn cho chu đáo… Có lẽ đâu lại vô lý như thế?
… Riêng dân ta thật đắng cay vì nước.
Từ trước đến nay, dân này đã vì nước mà trải bao gian nguy, biết bao lần sảy đàn tan nghé.
Nhưng lẽ trời cũng có thừa trừ…
… Dân bị vỡ đê cũng như bị cướp bóc, bị dịch tả, tai nạn càng to, bậc quan phụ mẫu càng dễ được đặc cách thăng thưởng.
… Cho hay có thử lửa mới biết lòng vàng, mà trời ra tai cho người này lại là sinh phúc cho kẻ khác.” (Chuyện vô lý)
Dân An Nam còn một cái khổ nữa, còn khổ hơn lụt lội là bệnh ăn “hối lộ’, bây giờ thời buổi mới gọi là tham nhũng. Mong cảnh tỉnh những ai, Lãng Nhân đã viết bài đả kích hai ông quan Huyện ăn hối lộ (“Quận trưởng ngày nay”). Hai quan đọc báo giận quá bèn gửi thư đến toà báo với dòng chữ:“Từ số sau xin ngài đừng gửi báo cho tôi nữa”. Mất hai người đọc vì chuyện đã dám nói quan ăn chè đen, lễ mừng, lễ trình, tiền hồ cháo v.v… Do đó Lãng Nhân trích dẫn lời thầy Mặc Tử, trong thiên Thượng Hiền, để nhắn nhủ “nhà nước bảo hộ”.
“Có ba điều gốc trong đạo trị dân: chức cho cao, lộc cho hậu, lệnh cho nghiêm – chức không cao, dân không kính; lộc không hậu, dân không tin; lệnh không nghiêm, dân không sợ. Cho nên bậc thánh vương xưa nâng cao chức tước, trả lương hậu, giữ lệnh nghiêm. Ngày nay thì bậc vương công muốn tỏ lòng chuộng hiền mà dùng người tốt ra trị dân, nhưng chỉ đặt lên chức cao, mà không tăng lương theo. Dân thấy lương không xứng chức, không tin mà nói: ‘Đấy nhà vua không thực lòng yêu ta, giả dối để lừa ta…’
Bây giờ nhà nước có bụng chuộng hiền hay chăng? Nếu có cũng nên tăng lương, nhưng phải khuyên bậc hiền tài khâu đáy cho túi tham”. (Chuyện vô lý)
Trong hoàn cảnh bi thảm của đại đa số dân chúng Việt Nam hồi ấy, lắm chuyện xảy ra thật thương tâm như đói quá không kiếm được gì sinh sống phải cố tình làm bậy để “được” ngồi tù, vì ngồi tù chắc chắn không chết đói!
Còn dân trí lúc đó ra sao? Lúc đó có Hội Khai trí sau một thời gian đánh “tổ tôm” và ăn “cỗ mâm đồng” chợt thấy mình phải làm một cái gì để khai trí chớ? Nhưng rốt cuộc Hội này cũng chả làm được gì hơn ngoài việc tranh luận về văn phạm để làm tự điển theo văn phạm Tây. Lãng Nhân thử viết theo văn phạm Tây:
“Tôi thì ốm, nó có rét; cái nhà trong ấy có hai người ở; nếu anh có năm đồng, hãy cho tôi vay chúng nó; với một tấm lòng hăng hái, tôi nhảy vào…”
Trong “Chuyện vô lý” còn có rất nhiều cái vô lý ghê gớm khác mà Lãng Nhân đề cập tới như chuyện “Đạo văn”, “Mốt mới”, “Rơi vú”, “Con khoa học” v.v… Riêng chuyện “Con khoa học” mang một ý nghĩa vô cùng cay đắng do khoa học tạo nên, ở đây, người đàn ông và dòng giống hoàn toàn không có nghĩa gì nữa vì mọi người đàn bà có thể thụ thai do sự cấy tinh trùng giống đực đã đóng trong hộp sắt như cá mòi, như hạt đậu “cô-ve”…
Xuyên qua hai tác phẩm Trước đèn (1939) và Chuyện vô lý (1942) người đọc nhìn thấy Lãng Nhân đã vượt thoát được những gò bó tầm thường của ngôn ngữ thời đó với các cụ, ngài Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Đỗ Mục v.v... toàn là các bậc túc nho và cũng sống bằng chữ nghĩa. Sự vượt thoát này là bước đi bắt buộc của tiến hóa, chẳng cứ gì Lãng Nhân mà biết bao nhiêu nhà văn học trẻ thời đó đứng lên góp gió, nhất là Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn v.v... và thời nay với Hiếu Chân, ký giả Lô Răng, Sức Mấy v.v…
Đi từ Chuyện vô lý tới Chuyện cà kê (Nam Chi Tùng Thư 1968) sự liên hệ về mục đích cũng gần nhau. Chỉ khác, ở Chuyện cà kê, Lãng Nhân đã sử dụng hình thức đàm thoại để chuyên chở nội dung. Nó là những câu chuyện cũ được nói chơi với nhau nhưng suy nghĩ hồi lâu, thấy nó ăn khớp với chuyện hôm nay. Vẫn cái giọng văn dí dỏm, vẫn những từ ngữ chọn lọc, vẫn những chuyện buồn man mác, dở khóc dở cười, vẫn cái hoài bão, mong mỏi với ít dòng, ít chữ có thể sửa đổi được một phần nét sống lệch lạc hiện hữu, vẫn đi tìm cái tuyệt đối của văn chương trong lãnh vực tư tưởng. Có lẽ, ý niệm sẽ làm khổ Lãng Nhân trọn kiếp.
Ngoài vấn đề nói chơi, kể Chuyện vô lý, Chuyện cà kê, Lãng Nhân còn dịch thơ Trung Quốc, thơ Pháp và sưu tầm các giai thoại về thế hệ trước mà nho học là nền văn học chính của nước ta trong thời phong kiến và cái thú chơi chữ của người xưa.
Trong Giai thoại làng Nho toàn tập do Nam Chi Tùng Thư xuất bản năm 1966 dày ngót 800 trang, nội dung thật phong phú và dồi dào. “Làng Nho” đối với xã hội chúng ta hôm nay, thật ra không còn một chút ảnh hưởng gì về đời sống cũng như về suy tưởng. Các nhà văn nghệ mới của hạ bán thế kỷ XX đi tìm cái học và cái biết ở các phương trời Âu Mỹ mà không một người quay nhìn về quá khứ, quay nhìn về cái bản chất đích thực của các bậc tiền bối để tìm hiểu một lần cho biết về nề nếp sinh hoạt – cả vật chất lẫn tinh thần – trong giá trị lịch sử, giá trị tiến hóa giữa văn học và các liên hệ khác của xã hội Việt Nam, qua các giai đoạn thăng trầm cùng nỗi khó khăn của những con người mang danh trí thức. Cũng may, chúng ta còn Lãng Nhân, người đã có công sưu tầm, nghiên cứu hàng bao nhiêu năm trời để giữ lại cho tủ sách Việt Nam những trang sách quý báu của cố nhân.
Nói đến Làng Nho, các văn nghệ sĩ bây giờ cho là cố hủ, là lỗi thời. Lầm, thật là lầm, nếu người ta chỉ nhìn cái nhan đề mà suy luận nội dung. Ở Giai thoại làng Nho toàn tập, Lãng Nhân chẳng những ghi chép những sự việc thuộc riêng một danh nhân, từ tiểu sử tới hành động với sự chứng minh đầy đủ, mà còn lưu giữ hộ chúng ta những áng văn chương tuyệt mỹ cùng với bao nhiêu dữ kiện thuộc về sĩ khí của từng vị, qua mỗi giai đoạn do thời thế đưa đẩy, làm nổi bật từng cá tính trong con người Việt Nam nói chung.
Từ Mạc Đĩnh Chi (1280-1350) người thấp bé, mặt mũi cổ quái, xấu xí tự ví mình với đóa hoa quân tử, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) 24 tuổi, cho đến Hoàng Trà tức kép Trà (1890-) vốn tính ngông nghênh, bướng bỉnh, thích những việc ngang ngược lại hay làm thơ chỉ trích quan trường, tất cả gồm 94 vị. Ở mỗi vị Lãng Nhân đều vẽ rõ từng khía cạnh đặc thù, làm người đọc có ngay một ý niệm rõ ràng về nhân vật đứng ở bối cảnh nào của lịch sử.
Đọc Giai thoại làng Nho, tức là chúng ta được nhìn vóc dáng người xưa với những nét thật sống động, thật chính xác, và qua tấm lăng kính quá khứ, nếu thành thực với lòng mình, chúng ta phải nhận rằng, chính vì những danh nhân đó, nước Việt mới có một nền văn hóa sung mãn hôm nay, ấy là chúng ta chưa nói đến những sự việc có tính cách “anh hùng khí phách” hay “tiêu sái” tuỳ ở tâm trạng, mỗi con người thuộc mỗi giai đoạn.
Trong cuốn Chơi chữ (Nam Chi Tùng Thư 1963), Lãng Nhân sưu tập cái thú của người xưa về vấn đề chữ nghĩa. Đọc Chơi chữ, chúng ta lại ngậm ngùi tiếc nhớ, vì cuộc sống bây giờ quá bề bộn, quá lo toan, quá cấp bách nó làm cho kiếp người quay cuồng vì miếng cơm manh áo, nó làm cho con người trở thành hà tiện ngay cả đến thời giờ nghỉ ngơi, còn nói gì đến chuyện “ngày Trời tháng Bụt” mà nhởn nha ngâm vịnh cùng bạn hữu dăm ba câu “Kiều lẩy” hay vài khẩu Đường Thi.
Chơi chữ là một lối chơi “có học”. Nhưng “có học” cũng không đủ, phải có tài nữa. Những lúc tửu hậu trà dư, khi đối cảnh sinh tình, thương cho kiếp người ngắn chẳng tày gang, thương cho phận mình phận người, thương non sông gấm vóc bỗng chốc rơi vào tay bạch quỷ, thương tiếng đàn nhịp phách, thương cho tiếng cười nào đó vụt tắt với thời gian. Cổ nhân đem cái buồn, thương, giận, hờn, yêu, mến, biến thành cái thú chơi chữ để thoả mãn lòng tự ái nhiều khi đến tàn nhẫn, như chuyện “một ông ra tranh lý trưởng không xong, nhờ thời thế được cử làm quan, rồi cánh buồm được gió, lên tới chức Tổng đốc, bèn mở tiệc Hạ thọ, có người thuộc hạ mừng bức hoành khắc bốn chữ: ‘Vạn Lý Trường Thành’, ví cụ lớn như bức thành vạn lý che chở cho cả tỉnh. Lời khen tặng đã trọng vọng và cung kính, nhưng kỳ thực là nhà Nho chơi chữ vì chữ ‘lý trường’ cho thêm một nét ngoặc vào chữ trường thành chữ ‘lý trưởng’ ngụ ý cụ lớn ngày nay ‘Tổng đốc hữu dư’ nhưng xưa chỉ là ‘lý trưởng bất túc’.” (Chơi chữ, trang 13)
Toàn bộ tập Chơi chữ đều ghi chép những sự việc với nhiều ẩn dụ và cố nhân đã sử dụng tuyệt kỹ lối chơi chữ để nói lên cái ý thực của mình ở bên trong, ở đằng sau, mỗi chữ, mỗi nghĩa. Sự “chơi chữ” đối với Lãng Nhân cũng là một nghề lắm công phu và để “dâng một cười”, Lãng Nhân đã trích dẫn câu của thi sĩ Santeul: Cười cợt mà sửa lại phong hóa (Castigat ridendo mores). Nhưng cái cười ở trong Chơi chữ là cái cười ra nước mắt, cái cười gằn đớn đau, uất ức, cái cười nửa miệng thật chua xót, cái cười chết nửa cõi lòng!
Sau hết, Lãng Nhân lại nương theo nhận xét của Bergson, nói về tiếng cười:
“Các lớp sóng xã hội hàng ngày dồn dập xô đẩy nhau, kèn cựa chống đối nhau, nếu trong sự va chạm ấy có nổi lên một ít bọt trắng ngần, ấy là cái cười ý nghĩa. Cái cười cũng như bọt biển, có muối mặn bên trong.” (Chơi chữ, trang 271-272)
Lãng Nhân dâng hiến cả một đời cho văn học. Lãng Nhân muốn đem cái “biết” nhỏ bé của mình đóng góp vào cái kho tàng văn hóa Việt Nam bằng cách mượn của người làm vốn cho mình. Lãng Nhân dịch thơ Trung Quốc và thơ Pháp sang Việt ngữ. Trong tập Hán văn tinh tuý, những bài thơ được chọn không do tác giả nổi tiếng trên thi đàn thế giới mà đích thực do ý nghĩa và giá trị của từng bài được tuyển dịch và chú thích điển tích cũng như dẫn giải. Chen vào giữa các đại thi hào Trung Hoa như Đỗ Phủ, Vương Bột, Đỗ Mục, Âu Dương Tu v.v… có “Chuyện cô Cầm” của Nguyễn Du và “Khúc ngâm cảm hoài đêm thu” của Kỳ Đồng (sinh cuối đời Tự Đức 1875). Hai sáng tác trên đều viết bằng Hán văn, do Học Canh dịch và Lãng Nhân giữ phần ghi tiểu sử, và dẫn giải điển tích.
Vì cái “duyên nợ” với Pháp trong gần một thế kỷ, cũng như với Trung Hoa mấy ngàn năm, văn hóa Pháp cũng gây ảnh hưởng vào nền văn hóa ta không ít dai dẳng tới ngày nay.
Công việc tuyển lựa thơ Pháp cũng được tiến hành theo đúng tiêu chuẩn trong Hán văn tinh tuý, nghĩa là chọn sáng tác chứ không chọn tác giả. Tác phẩm này rất hữu ích cho công cuộc sưu tầm và học hỏi của những ai muốn biết sơ lược về sự tiến hóa của thơ Pháp từ thế kỷ thứ Xô Viết tức thời Trung cổ (Moyen Age) tới Hiện đại.
Trong “lời phát đoan”, Lãng Nhân tóm lược gần đầy đủ về các phong trào và chiều hướng thi ca ở mỗi giai đoạn đổi thay nếp suy tư của thi sĩ Pháp. Ở mỗi thi nhân, có phần tiểu sử, có khuynh hướng cũng như bút pháp riêng biệt để người đọc – qua đây – nhận diện nhà thơ với ý niệm phát thực. Đành rằng chuyện đó, Lãng Nhân cũng chỉ “đọc” và “dịch” giúp độc giả mà thôi, nhưng có điểm đặc biệt, Lãng Nhân đã chuyển ngữ rất khéo, làm cho đọc thơ dịch mà ta cứ tưởng đọc thơ nguyên bản. Được như thế, nhờ Lãng Nhân chẳng những quán triệt chữ Pháp mà còn biết áp dụng linh động tuỳ theo mỗi thể thơ Việt cho mỗi bài được dịch. Chẳng hạn, Lãng Nhân đã dùng thể “song thất lục bát” để dịch bài "L’Espoir" của Verlaine.
L’espoir
L’espoir luit comme un brin de paille dans l’étable
Que crains-tu de la guêpe ivre de son vol fou?
Vois, le soleil toujours poudroie à quelque trou
Que ne t’endormais-tu, le coude sur la table.
Hy vọng
Cọng rơm nhỏ chuồng bò tăm tối
Tia nắng trưa rọi tới sáng loè
Ấy tia hy vọng khác gì,
Con ong mặc nó vo ve bay quàng…
Kìa khe nào ánh dương chẳng chiếu,
Tì lên bàn thôi liệu ngủ đi!...
Thơ Pháp, nhất là thơ của các trường phái Tượng trưng, Siêu thực khó dịch vô cùng. Người đọc có trình độ học vấn nào đó, có thể hiểu ngầm ý bài thơ nhưng bảo nói cho rõ nghĩa chắc đã mấy ai làm nổi?
*
Đã 12 năm qua, tôi được biết Lãng Nhân trong một buổi đi cùng kiến trúc sư Võ Đức Diên (đã mất năm 1962 tại Sài Gòn) lại nhà in Kim Lai số 3 Nguyễn Siêu, Sài Gòn để lo việc ấn hành một tạp chí. Cái cảm tưởng mà nhà văn Vũ Bằng nói về chuyện gặp Lãng Nhân lần đầu tại Toà soạn báo Đông Tây cách đây 40 năm như sau:
“Tôi được gặp ông Phùng Tất Đắc lần đầu tiên, vào một chiều tắt nắng, nhân dịp đến ‘yết kiến’ Hoàng Tích Chu tại trụ sở báo Đông Tây, số 12 phố Nhà Thờ. Vừa mới thấy ông Đắc ngồi ở bàn viết ở cửa đi thẳng vào, tôi đã biết ngay, không phải tại đã được ông tự giới thiệu, nhưng tại chính tôi được biết vì có bè bạn, trước đó, đã chỉ ông cho tôi rồi. Ngồi xuống ghế, nói với ông câu đầu, máu tôi chảy có một vòng, phần vì sợ văn ông, phần vì vẫn nghe tiếng ông là còn nhà giàu ở Nam thành, thạo đời ‘một cây’, lại có tiếng là tay ăn chơi ‘sộp’… tôi luống cuống và cảm thấy tay chân thừa cả, không biết giấu chỗ nào…
Ông Đắc mặc âu phục, vén tay áo sơ-mi lên ngồi rung đùi khảo cứu Nho giáo. Bên cạnh cuốn sách của Lệ Thần Trần Trọng Kim, tôi thấy một chồng sách chữ Nho. Đêm hôm ấy, về nằm nhớ lại buổi ban chiều, tôi chán đời không thể tả, vì thấy Phùng Tất Đắc tôi quan niệm muốn viết báo cho ra viết báo, muốn sử dụng ngòi bút tài tình như ông Đắc trong mục ‘Trước đèn’ của báo Đông Tây, người ta phải thông kim bác cổ, thạo cả chữ Hán lẫn chữ Tây”. (Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo, trang 27)
Tôi không ở tâm trạng này, vì sự hoạt động văn nghệ của tôi phần chính nằm ở hội hoạ, nhưng nhìn Lãng Nhân ngồi đĩnh đạc trong một căn phòng làm việc, dưới ánh sáng mờ của ngọn đèn để bàn, xung quanh sách vở chất đống, tự nhiên lòng tôi cũng gợn lên một xúc động. Sự xúc động tuy nhẹ thôi, nhưng cũng vừa đủ để cho lòng kính trọng được dịp tỏ bày trước một bậc huynh trưởng đã xông pha nơi “trường văn trận bút” từ lúc mình còn chưa thoát khỏi tiểu học. Với tính tình hoà nhã, phong cách hào hoa, hình ảnh Lãng Nhân đã in đậm trong tôi với từng cử chỉ ưu ái từ buổi đầu gặp gỡ. Tôi cũng cần phải thú thực, khi trước Lãng Nhân đến với tôi chỉ là một “biểu tượng” của một-thời-đã-qua, nhưng quả thật lầm, lúc tôi được đọc kỹ Trước đèn và Chuyện vô lý mà Lãng Nhân đã viết từ ba, bốn mươi năm nay. Khi còn thanh niên, tôi có đọc, nhưng đọc để đọc thôi, chứ thật tình không thú vì không hiểu đúng hơn. Thuở ấy về văn, tôi thích đọc Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Thanh Châu, Vũ Trọng Phụng và sau này đến Nam Cao, Tô Hoài v.v… bởi lẽ tôi hiểu, hơn nữa, trong con người tôi lúc ấy chẳng có một ly ý thức nào về cuộc sống hiện diện.
Nhưng những năm gần đây, lúc đứng tuổi, các chuyện phiếm trong Trước đèn và Chuyện vô lý đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều vì ngoài cái tài hành văn lựa lời, chọn chữ, những tư tưởng và sự việc được Lãng Nhân viết ra trong hai tác phẩm trên, nó vẫn mang bên trong giá trị của từng ý nghĩ, từng sự việc hôm nay. Bởi vậy, tác phẩm của Lãng Nhân không phải ở tuổi nào cũng đọc được. Theo ý riêng tôi, người ta phải đọc nó ở cái tuổi 30 đến 40, khi lưỡi mình đã cảm thấy có vị đắng chát mỗi khi đụng vào “thực phẩm trần gian”, khi lòng đã lắng đầy muối mặn và cái chất mộng mơ đã theo năm tháng bay xa dần tầm tay vọng ước. Đọc văn Lãng Nhân ở cái tuổi “tam thập nhi lập” cho đến “tứ thập” tuy cố nhân bảo là “bất hoặc” nhưng mình vẫn bị ảnh hưởng như thường, nhất là đọc vào những đêm trời có gió hây hây và có chút mưa vừa đủ gây tưởng nhớ. Một mình với ngọn đèn đêm vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, quả thực cái chất chữ nghĩa nó có ma lực làm cho đời sống thêm nghĩa lý và biến thành nhu cầu thực tiễn đối với mỗi con người cần tìm một chút tư tưởng trong tâm hồn để vỗ về thân phận.
Tôi có cảm tưởng, Lãng Nhân chịu ảnh hưởng nhiều ở Voltaire, một nhà thơ, văn, kịch, sử và triết học của nước Pháp. Voltaire ra đời ở cuối thế kỷ XVII và sống suốt ¾ thế kỷ thứ XVIII. Voltaire thường tỏ ra kính trọng ý thức và tự do cá nhân, cũng như tin tưởng vững vàng vào tiến bộ và tín nhiệm về hiệu năng của hành động. Tác phẩm của ông đã gây ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội Pháp thời ấy, và tư tưởng Voltaire đã đóng góp rất nhiều cho cuộc Đại Cách mạng Pháp 1789.
Lãng Nhân chịu đọc và học ở cả Tây lẫn Đông phương nhưng tuy chịu ảnh hưởng thật đấy mà vẫn bày tỏ được cái riêng của mình trong ngôn ngữ và suy tưởng, luôn luôn đặt nó vào hoàn cảnh nước nhà. Lâm Ngữ Đường khi viết The Importance of Living [3] , đi từ con người ra sự vật để tiến tới thái độ về cuộc sống, trong đó còn ngầm mang lời khuyến dụ nên sống ra sao, còn Lãng Nhân lại đi từ sự vật vào con người, chẳng khuyến dụ gì hết. Lãng Nhân chỉ trình bày như tức bích hoạ để mà ngắm, ai muốn hiểu sao cũng được. Cái dị biệt giữa Lãng Nhân và người khác là ở chỗ đó.
Trong hơn 10 năm, căn phòng làm việc của Lãng Nhân, hầu như ngày nào cũng là nơi tụ họp của bạn văn, ở nơi đó tôi thường gặp Tchya (khi sống), Đàm Quang Thiện, Vi Huyền Đắc, Lê Văn Siêu, Đoàn Thêm, Phan Văn Tạo, Toan Ánh, Bàng Bá Lân, Phạm Trọng Nhân và đôi khi Triều Đẩu, Bùi Xuân Uyên của tạp chí Thế kỷ ngày xưa và Hà Thượng Nhân, Bùi Đình, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng (khi sống), Phạm Duy, Hiếu Chân và ký giả Lô-răng cùng nhiều, rất nhiều bạn khác.
Lãng Nhân làm việc không biết mệt tuy tuổi đã cao. Bây giờ Lãng Nhân viết loại Tiểu truyện danh nhân dưới bút hiệu Cố Nhi Tân do Cơ sở Phạm Quang Khai xuất bản. Loại Tiểu truyện này nhằm mục đích nêu cao tấm gương anh dũng của các anh hùng Việt Nam như Tôn Thất Thuyết, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học và những nếp suy tư của các danh nhân Trung Quốc như Khổng Tử, Tư Mã Quang, Vương An Thạch v.v…
Có những buổi chiều nắng quái chưa tắt hẳn trên nền da rắn ở phía mái ngói trước mặt, anh em đã về hết, còn lại tôi và Lãng Nhân đối diện tâm sự. Trong khi đó, tôi thường yêu cầu anh nói cho nghe về cuộc đời làm báo, viết văn của anh ngày trước. Biết bao nhiêu chuyện vui, buồn, nhưng có một chuyện làm cho đến bây giờ anh còn ân hận, đó là khi anh hợp tác với tờ Duy Tân của Nguyễn Đình Thấu (người đã chết rất bi thảm vì thuốc phiện mà Vũ Bằng đã ghi ở bài Bạt cuốn Phù Dung ơi! Vĩnh biệt). Để báo chạy nên nhóm đã chủ trương đả kích tất cả những người có danh vọng địa vị trong xã hội thời ấy. Trong một bài đả kích một người mà làm cả gia đình người ấy ly tán vì xấu hổ, bài ấy không do Lãng Nhân viết nhưng với tư cách thư ký toà soạn anh vẫn chịu trách nhiệm. Vì đó, nên đến giờ mỗi khi bắt gặp bài báo đả kích ai, anh lại buồn!
Chúng tôi thường coi Lãng Nhân như quyển tự điển sống. Chữ nào nghi ngờ, điển tích nào không am tường xuất xứ, chúng tôi đều hỏi và được Lãng Nhân giải thích rất chu đáo, cặn kẽ. Lãng Nhân có một trí nhớ đặc biệt, hình như những điều anh học hay đọc đã in chết vào tiềm thức, lúc cần lại hiện ra để cho chúng tôi xài và coi đó như điều mình có. Lãng Nhân năm nay đã ngoài 60, sống giản dị. Tuổi niên thiếu khi làm báo anh em đã thường giễu, vì cả ngày anh chỉ ngủ: “Trắng trẻo, đẹp trai, xương xương người mà không làm gì cả!”.
Anh viết về đêm, dưới một căn hầm, từ một, hai giờ cho tới sáng, do đó mới có quyển Trước đèn. Lãng Nhân từng được Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ kết bạn vong niên. Cụ Trần những khi chán nản về nhân tình thế thái, thường nói với Lãng Nhân:
“Ông ạ, nghĩ cho cùng, cuộc đời chẳng cái đệch gì ra cái đệch gì cả!”.
Lãng Nhân thích câu nói đó, thường nhắc lại với anh em. Tôi mượn câu đó để làm câu kết thúc.
Trích văn Lãng Nhân
Một chánh sách nhân đạo
Nhiều người sẽ cho tôi là “khen phò mã tốt áo”. Mặc lòng, tôi cứ cao tiếng mà khen ông Đốc lý Hanoi [4] là người thật có lòng nhân đạo.
Tôi rất tiếc không biết ca tụng ông quan nhân đạo ấy bằng những lời nhiệt liệt hơn nữa, nhưng tôi tưởng ở buổi đời này là buổi đời mạnh đè yếu, lớn nuốt bé, buổi đời mà lẽ phải ở bên chó sói chứ không ở bên con chiên non, hai chữ “nhân đạo” há chẳng là một lời khen tốt đẹp lắm rồi sao!
Được một người có lòng nhân đạo, làm nên một việc nhân đạo, không phải là sự thường thấy hằng ngày.
Cho nên tôi hết sức phản đối mấy ông hội viên ta trong Hội đồng Thành phố Hanoi, đã bỏ hội trường mà ra về; người ta trách các ông xử sự một cách “thảng thốt, hấp tấp”, thật không phải là quá đáng. Các ông đùng đùng đứng dậy làm “reo”, quả là các ông đã không suy nghĩ chín.
Một việc làm nhân đạo, do một chính sách nhân đạo, một chính sách nhân đạo do một tấm lòng nhân đạo (thật là đúng lý), các ông sao mà cạn lòng chẳng biết ý sâu!
Thì ông Đốc lý đã vạch cho các ông rõ đấy: tấm lòng nhân đạo khi nào đã muốn phát biểu ra thì không ai cản được, cho nên ông về thì mặc ông về, ông Đốc lý vẫn cứ nghiễm nhiên ngồi lại mà thi hành cho trót cái việc nhân đạo của ông ta.
Nhân đạo bao giờ chẳng thắng!
Cái việc nhân đạo của ông Đốc lý là gì?
Là bổ ra thuế cư trú, thuế nước.
Ai cũng đã rõ rằng ông Đốc lý thương dân An Nam vô cùng. Mỗi khi muốn đuổi những đám tụ họp không có phép, ông ấy cho vòi rồng tưới nước, chứ không dùng súng bắn, như ở bên Pháp. Ông ấy lại săn sóc đến giống nòi ta nữa, nên đã để ra bao nhiêu tâm tư nghiên cứu về vấn đề mại dâm.
Nay vì thấy dân Hà Thành chen chúc nhau đông quá, mà trong số đông ấy lại có rất nhiều người không có công ăn việc làm, chơi bời lêu lổng, nên ông ấy nghĩ đặt ra thuế nước và thuế cư trú. Thật là một cái sáng kiến của khối óc phi thường. Phải rồi, những người thường dân trong tám hộ kia làm gì có đất, làm gì có nước! Không có thì phải thuê, vậy trả thuế trước, thuế cư trú là một điều nhằm lý.
Muốn trả thuế trước, thuế cư trú, phải có tiền; muốn có tiền, phải đi kiếm; muốn kiếm tiền, phải đi làm. Thế là đánh thuế, chủ ý cho dân chăm làm. Chăm làm há chẳng còn hơn là chơi bời lêu lổng ư! Chơi bời lêu lổng, luật pháp bắt tù, ông Đốc lý đánh thuế lại gỡ cả cho dân nạn tù. Sâu sắc thay!
Huống chi tiền thuế kia thu vào, có phải là để ông tiêu riêng đâu! Ông sẽ bỏ ra để xây mả, để sửa vườn hoa, toàn là những việc bày ra cho dân làm cả.
Dân đã có việc làm, là thành dân “làm ăn tử tế” không phải hạng vong gia thất thố nữa. Như thế, thuần phong mỹ tục của Hà Thành sẽ có tiếng thơm xa nức. Việc của ông Đốc lý thật là hoàn toàn về đủ mọi phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội, luân lý…
Nếu các ông hội viên ta đừng “thảng thốt hấp tấp” quá, nếu các ông chịu suy xét cho kỹ càng, tôi chắc các ông sẽ cảm tấm lòng nhân đạo của ông Đốc lý, mà không những không làm “reo”, lại còn xin đúc tượng để kỷ công vị quan cai trị nhân đạo ấy nữa.
Tượng tất nhiên sẽ đặt ở chợ Đông Xuân hay ở Máy nước, là những chỗ đã được vị quan ấy săn sóc đến luôn luôn…
(Chuyện vô lý, trang 75)
Lời người bán cam
...............................
Lái cam cười nhạt đáp rằng:
Tôi đây dĩ nghệ đã từng bấy lâu,
Buôn quanh quẩn chỉ cầu lấy sống,
Khách xa gần ai cũng tìm mua
Chẳng ai chê trách bao giờ,
Đến nay mới một ông là không ưng.
Ông há chẳng biết rằng bao kẻ:
Chỉ chăm chăm tìm kế lừa người.
Phải đâu có một mình tôi,
Dám tin ông xét việc đời chưa sâu…
Kìa những kẻ mình đeo ấn hổ,
Nệm da beo ngồi rõ uy nghi,
Vẻ ngoài lẫm liệt gớm ghê,
Mà trong thao lược có gì hay chăng?
Lại những kẻ nghiêm trang trịnh trọng:
Mũ đội cao, đai rộng xênh xang,
Rõ là nghi vệ đường đường
Hỏi rằng công nghiệp ra tuồng gì chưa?
Giặc cướp phá, không ngừa được hẳn
Dân đói nghèo cũng vẫn thảm thương!
Lại còn tham nhũng đủ đường,
Của kho sẵn đó tiêu hoang sá gì?
Ở lầu cao, đi, về, ngựa lớn,
Tiệc tùng luôn, chè chén linh đình.
Vênh vang rõ khéo hợm mình
Ai trông mà chẳng thất kinh rụng rời:
Nhưng rút lại: bề ngoài vàng ngọc,
Mà bên trong cũng mốc khác gì ư
Ông không chỉ trích ai kia,
Lại đi chỉ trích riêng nghề bán cam!
...............................
(Hán văn tinh tuý)
Đoạn ca bỏ sót
Lệ rỏ trong tâm
Mưa rơi ngoài phố
Thờ thẫn âm thầm
Thấm dần trong tâm…
Tiếng mưa êm gieo
Dưới hè trên mái
Lòng càng đìu hiu
Ôi tiếng mưa gieo!
Lệ rỏ không đâu
Lòng ta ngao ngán
Nào ai phụ nhau
Tang lòng không đâu…
Còn gì phiền ưu
Bằng không duyên cớ:
Không ghét không yêu
Lòng đầy phiền ưu…
(Dịch bài “Ariettes Oubliées” của Verlaine – Thơ Pháp ngữ tuyển dịch, trang 133)
*
Đem mộng sự đầu với chân thân thì cũng mệt…
Cao Bá Quát
Mỗi ngày chạy qua, những mơ ước buổi thanh niên lại tan tác ra từng mảnh. Mỗi buổi chiều tàn, biết bao nhiêu ảo tưởng phải vùi sâu!
Ai chẳng từng qua một lần tuổi trẻ, cái tuổi bồng bột mà mỗi khi gặp đôi mắt hữu tình lòng lại bừng lên như trời đông hé rạng. Trong vầng ánh sáng ấy, ta bâng khuâng thơ thẩn, ước ao những đỉnh Giáp non Thần. Rồi thái dương càng lên cao, càng nhận dần thấy những sự thực trơ trẽn đáng buồn. Đến buổi tà huy ủ rũ, ấy là lúc phải đào hố mà tự mình lấp lấy những hình bóng ta đã tha thiết mơ màng.
Vì có thể yêu người như yêu chị Hằng ở tít cung mây, tình yêu có chăng mới dài một chuỗi yêu mặn nồng, vì lúc nào cũng còn khao khát.
Chị Hằng khi lơ lửng khoảng trời xanh, thi sĩ so nên giây tuyệt diệu. Nhưng, hễ thấy ánh trăng chiếu trên mặt nước, gần gụi như có thể ôm lấy vào lòng, thì thi nhân đã vội nhảy ngay từ mạn thuyền xuống nước để vớt lấy bóng vàng: bóng vỡ tung ra muôn mảnh, mà khách tình rồi đắm đuối, cũng gieo cả tính mạng đi theo…
Ta thường không ưng để tình yêu xa lắc xa lơ, chỉ xăm xăm co nó lại gần, nên mới hay chuốc lấy bao lần bi phẫn.
Nếu biết chống lại với lòng chán nản, ngoài ái tình là giấc mơ tuổi trẻ, chú si-lang có lẽ còn tìm ra nhiều lý tưởng khác kê chân cho cuộc đời. Còn những cô oán nữ thì nghe như khó lòng, vì phần nhiều chỉ muốn quy hết cuộc đời vào một chữ tình, cho cả cuộc đời chỉ là một khối tình. Khiến nên nay hờn mai giận, tình trường tình đoản đau lòng vì ai!
Nhìn thẳng vào sự thực, giảm bớt sức tưởng tượng, phải chăng đó là cách tránh được nhiều thất vọng? Tránh được nữa chăng, bộ mặt vô duyên của cuộc đời sẽ lại làm cho đường sinh hoạt mất hết cả vẻ nên thơ.
Trời đất trong lúc sáng loà, mỹ nhân ngắm buổi giữa trưa, ai dù nhắm mắt lại ngay, chắc cũng không thoát qua cái cảm giác ngại ngùng…
Cái đẹp của thế giới thường phô diễn vào hai lúc sáng và chiều. Hai lúc sáng tối mập mờ, là lúc ẩn hiện bao nhiêu vẻ lung linh mơ mộng.
Những nét khuynh thành, nên nhìn bằng một tia mắt lọc qua hàng mi, đôi khi lại chỉ nên ngó bằng một đuôi con mắt.
Cuộc đời trong đuôi con mắt, là cuộc đời thần tiên: thần tiên ai cũng bảo đẹp vô cùng, vì ai cũng chỉ mường tượng trong mơ màng, thì thấy là vô cùng huyền ảo, chứ nào ai đã từng được trông thấy rõ bao giờ?
Trông thấy rõ, tẻ thay ánh sáng của trí xét suy!
Ta nghiệm rằng điều gì xét suy ra, lại dễ lấy xét suy mà đánh đổ. Còn những điều không xét suy, mà tự trong cùng thẳm tâm linh đã cho là phải, thì dù trí xét suy có vạch được rõ ra là sai lầm, là vô lý, người ta vẫn cứ theo hoài.
Trải bao thế kỷ, những điều xét suy ra luôn luôn thay đổi, mà tín ngưỡng thì khôn chuyển khôn lay. Phần đông vẫn tin như mấy ngàn năm trước, và có lẽ còn tin mãi mãi về sau này, những điềm hay điềm dở, những thuyết báo ứng luân hồi…
Những sách về khoa học chỉ trong ít lâu là nhiều cuốn không dùng được nữa: sự vật ngày một đổi thay, trí xét suy ngày một tăng tiến. Nhưng lời dạy đơn giản của mấy ông giáo tổ, dù qua bao lần dâu bể, vẫn còn là cột đá chống ở giữa dòng.
Vì sức mạnh của tín ngưỡng không phải do xét suy rành rọt mà ra. Thiên đường Nát bàn chỉ cho ngờ ngợ là có, ảnh hưởng mới hay. Nếu lại biết Thiên đường Nát bàn chắc chắn ở phương nào, có thể đi những lối nào mà đến được tận nơi, xem được tận mắt, Thiên đường Nát bàn sẽ mất cả tính cách linh thiêng, còn khiến sao cho ai nấy nhắm mắt tin mà sửa mình!
Ở đời, xét suy cho lắm, dường như vô ích, có khi lại sinh nguy hiểm: xét suy rõ quá, thấy rõ cái chân giá của mọi sự, lại tính trước được cả những ảnh hưởng có thể xảy tới, dễ sinh ngã lòng, vì rã rời hết mọi niềm hy vọng.
Người lữ khách, dù biết đầu đường bên kia có phục sẵn bao nhiêu điều thất vọng, cũng vẫn cố ôm lấy thực nhiều tưởng tượng để mơ màng, mơ màng mà hy vọng, có hy vọng mới dấn bước trên đường.
Sức tưởng tượng tô cho cuộc đời một vẻ ngây thơ, nhưng rất nên thơ. Cho nên, lăn lưng trong cuộc ganh đua, ta vẫn nâng niu trìu mến anh chàng thi nhân đã quá ngây thơ mà nhiều tưởng tượng …
Có kẻ ngồi thở dài:
“Hôm nay thực là vô vị!”
Ấy, vẫn thế đấy: không vui sướng vì than phiền rằng khó chịu, mà hễ không gặp phải điều gì khó, lại cũng thấy như khó chịu, phải than phiền…
Thì cái ngày hôm nay quả đã vô vị đến thế chưa?
Những người đã từng tan gan nát ruột vì lo nghĩ, vì đau đớn, dễ thường lại ưng được sống một ngày vô vị như hôm nay. Có khi lại coi hôm nay là một ngày vui sướng nữa, vì thấy đỡ khổ hơn ngày qua.
Ví như ta ra đường, gặp một người tàn tật, ta có thể nghĩ: Nếu người tàn tật kia bỗng hóa trở lại được lành lặn như người thường, chắc sẽ lấy làm hởi dạ lắm đây! Ta đâu có ngờ đến trường hợp nếu được trở lại lành lặn như thường, người ấy có khi còn chưa lấy làm toại nguyện, còn muốn mình xinh đẹp nữa kia…
Cũng như ta sống một ngày tầm thường như hôm nay, chưa lấy gì làm phỉ chí. Ngày nào ta cũng muốn có một sự phi thường… Cái phi thường như bậc vĩ nhân, ta chỉ nên ngó ở xa xa. Cái phi thường như người vợ đẹp: vợ đẹp bao giờ cũng chỉ là vợ những người ngoài phố…
(Trước đèn, trang 173-180)
Chú thích:
[1]A la critique stérile des défauts, il faul substituer la critique féconde des Béautés. (Chateaubriand 1768-1848)
[2]Những thủ bút này trong nguyên tác khá mờ, chúng tôi buộc phải đánh máy lại để kèm vào phần chính văn và hình ảnh. Xin lưu ý cùng bạn đọc. (talawas)
[3]Người Việt quen đọc tác phẩm này qua bản dịch của Nguyễn Hiến Lê với tên Sống đẹp. (talawas)
[4]Hồi ấy ông là Virgitti.