Nguyễn Tuân
Tác giả: Tạ Tỵ
Nội dung thủ bút:
Tôi đang bận chữa épreuve cho cuốn Chiếc lư đồng mắt cua. Cuối tháng mới xong. Sẽ dành cho anh một bản giấy tốt. (Nhưng đừng nói ồn lên, sợ anh em chỗ khác, không có, lại trách móc. Căn dặn anh như vậy.) Chữa xong, tôi vô Nam một chuyến nữa rồi trở về Bắc sống với cái tiểu gia đình sắp đưa hết từ Thanh ra Cầu Mới – làng mọc “bản quán”.
Những điều anh trách tôi trong thư vừa rồi, xin nhận lỗi hết. Và mong chuyến sau, không dám cẩu thả nữa.
Anh mạnh.
Nguyễn Tuân (Tài liệu của bạn Nguyễn Như Cảnh)
Nguyễn Tuân: Làm báo, viết văn, đóng phim. Sinh năm 1910 tại Thanh Hóa
Tác phẩm: Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Một chuyến đi, Tàn ngọn đèn dầu lạc, Tuỳ bút I, Tuỳ bút II, Tóc chị Hoài, Quê hương, Nguyễn, Chùa Đàn, Ngược dòng sông Đà
Tác phẩm chưa in: Cỏ độc lập (Kịch), Tuỳ bút III
Nguyễn Tuân
Và thái độ kẻ sĩ trước cách mạng qua tác phẩm Chùa Đàn
Nguyễn Tuân là một trong những khuôn mặt lớn của nền văn học nghệ thuật Việt Nam ở trước và trong cuộc chiến. Nói đến Nguyễn Tuân là nói một giá trị hồn nhiên, là khơi sáng lại dòng sông thời gian chìm khuất, là nhắc nhở đến một vùng trời xôn xao của thanh âm ngôn ngữ. Nguyễn Tuân đứng sững trước mặt chúng ta với vóc dáng kiêu kỳ, với từng ngón tài hoa, với đôi cánh chập chờn bay lượn trên đỉnh cao nghệ thuật. Hành trình vào tác phẩm Nguyễn Tuân như hành trình đi vào một cung điện tráng lệ đầy màu sắc diễm ảo. Từng nguồn ánh sáng lung linh chiếu rọi vào mỗi dòng, mỗi chữ, thứ ánh sáng lạ kỳ làm mê hoặc cả gỗ đá vô tri làm nhũn từng ý nghĩ bứt đi tự niềm cô đơn nhất. Nghệ thuật khi đã vươn tới đỉnh cao có thể toả ra xung quanh những tia lửa làm cháy cả rừng cây, làm khô dòng suối, nếu rừng cây dòng suối chỉ mang trong bản chất những ước lệ tầm thường, nhàm chán.
Toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Tuân không nhiều, nhưng ở mỗi tác phẩm đều súc tích và chứa đựng sự bắt buông, vượt thoát của ngôn ngữ đi vào thế giới riêng biệt mà chỉ có Nguyễn mới đủ sức phung phí và sử dụng để hình thành một kiến trúc vĩ đại như thế. Mỗi chữ được Nguyễn dùng trở nên quý giá. Nguyễn Tuân viết mà giống như nhà điêu khắc cần cù chạm trổ vào mặt đá quý những hình nét trác tuyệt.
Từ Vang bóng một thời qua Chiếc lư đồng mắt cua, Một chuyến đi, Tàn ngọn đèn dầu lạc, Tuỳ bút I, Tuỳ bút II, Tóc chị Hoài, Quê hương đến Nguyễn rồi Chùa Đàn, tác phẩm sau chót của Nguyễn Tuân trước khói lửa, đã do Nhà xuất bản Quốc văn ấn hành ngày 5-8-1946 tại Nhà in Trung Bắc, 36 phố Phùng Hưng, Hà Nội. Tác phẩm Chùa Đàn ra đời được già 4 tháng thì cuộc chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ trên toàn quốc (19-12-1946). Từ đó toàn quốc kháng chiến và cũng từ đó, mọi sinh hoạt của con người Việt Nam bắt buộc phải đổi thay, nhất là sinh hoạt văn học nghệ thuật.
Trong hơn một năm trời, từ ngày 19-8-1945 đoàn quân khởi nghĩa rời núi rừng Cao-Bắc-Lạng tràn về Hà Nội rồi lần lượt qua các tỉnh cho đến ngày 19-12-1946, Nguyễn Tuân mới chào mừng cách mạng được 2 tác phẩm: Nguyễn và Chùa Đàn. Nội dung tác phẩm Nguyễn được coi như tác phẩm tự thuật. Nguyễn Tuân đã nhân danh nhân vật Nguyễn để trình bày quan niệm sống của riêng mình đối với cách mạng bằng cách chối bỏ quá khứ và tình nguyện dấn thân vào ánh sáng chỉ đạo của lý tưởng mới. Nguyễn Tuân đã tự lột xác. Thái độ này làm bỡ ngỡ nhiều người, nhất là trong nhóm bạn bè thân thiết.
Nguyễn Tuân, một nghệ sĩ đã ném cuộc đời vào đam mê, đã mơ ước sau khi chết, như văn sĩ Pháp Paul Morand, người đời thuộc da mình làm “va-li” để được tiếp nối giấc mộng phiêu đãng nửa chừng dang dở. Nguyễn Tuân đã phung phí tuổi hoa niên với tiếng đàn, câu hát, đã dìm phương tiện vào những thích thú cầu kỳ trong đời sống, từ miếng ăn, ly rượu, tách trà, hơi thuốc, nhất nhất cái gì cũng trở thành kiểu cách, cũng được xưng tụng như một thiêng liêng. Những cái đó, Nguyễn Tuân đã treo lơ lửng từng thứ một chẳng phải chỉ trong văn chương mà còn ở phần sâu kín nhất của tâm tư và luôn luôn điều hợp cho cái thích của riêng mình thành một đạo giáo có tín đồ quỳ gối.
Khởi hành từ nhận định trên, sự lột xác của Nguyễn Tuân trong tác phẩm Nguyễn là một đột khởi, một ngỡ ngàng gần như thất vọng. Nhưng, tâm trạng Nguyễn Tuân, một tâm trạng phức tạp, không hẳn đã do thời cuộc tạo nên mà chính thực kết đọng trong máu, trong hồn Nguyễn Tuân từng năm, từng tháng.
Cái tâm trạng đó được bộc lộ rõ trong tác phẩm Chùa Đàn, một tác phẩm được dựng lên theo đúng cung cách của khúc hát ả đào về hình thức, còn nội dung nói lên sự quyết tâm phục tùng cách mạng và chính ở tác phẩm này, những “mảnh da thú” cuối cùng được gỡ bỏ để biến Nguyễn Tuân thành con người khác, vĩnh viễn thành con người khác.
Mở đầu cho tác phẩm Chùa Đàn Nguyễn Tuân đã trích một đoạn trong tập Nguyễn:
“Mày hãy diệt hết những con người cũ ở trong mày đi… Mày phải tự hoại nội tâm mày đi đã. Mày hãy lấy mày ra làm lửa mà đốt cháy hết những phong cảnh cũ của tâm tưởng mày.” (Nguyễn)
Để tới được những vụ án mạng rất cần ấy, lại chỉ có viết ra! (Nguyễn Tuân)
Đoạn trên cho người đọc nhìn rõ lập trường và chiều hướng của tác phẩm Chùa Đàn, Nguyễn Tuân muốn mọi người phải thừa nhận ý muốn cuối cùng và quyết liệt của tác giả, để tiến tới sự dứt khoát với quá khứ, với chính bản thân mình. Nguyễn Tuân muốn tạo một giá trị mới, một suy cảm mới, ở đó, con người nghệ sĩ phóng đãng phải chết, phải huỷ diệt cái con người vị kỷ lỗi thời dù con người đó là thiên tài văn học, hay là gì gì đi nữa.
Tác phẩm Chùa Đàn gồm 3 phần: Dựng, Tâm sự của Nước độc và Mưỡu cuối.
Ở phần Dựng, Nguyễn Tuân cho độc giả gặp người tù 2910 trong một trại an trí, tại Cao Nguyên. Người tù 2910 là Lịnh, nhà cách mạng luôn luôn có mặt ở khắp các nhà tù vì đã coi cách mạng như một tôn giáo. Lịnh – 2910 – đã trở thành đối tượng phức tạp để Nguyễn Tuân phải gửi vào đây một dấu hỏi, và một dấu chấm rất đậm. Người tù chính trị 2910 dưới ngòi bút Nguyễn Tuân trở thành một thần tượng chẳng những cho tác giả mà còn cho tất cả các tù nhân khác và ảnh hưởng đến những tên cai, đội khố xanh coi tù nữa. Lịnh – 2910 – biết nhiều thứ quá, ngoài việc làm cách mạng, ngồi tù. Lịnh – 2910 – dạy Ăng-lê, viết thơ, làm câu đối chữ Nho, sinh hoạt với anh em trong “căng” bằng cách “ngồi chót vót trên thang đu tập thể thao, đọc tin tức và tình hình chính trị ngoại giao các nước và những biến cố xã hội trên khắp thế giới, rồi mổ xẻ chương trình Đại Đông Á của Đại Nhật Bản”! Người tù 2910, không uống rượu, không nghe hát cô đầu dù, ông “đội” khố xanh vì lòng “cảm phục” có nhã ý tổ chức buổi hát lậu trong rừng cho vui, mà Lịnh – 2910 – không chịu.
Để giải thích thái độ đó, Lịnh – 2910 – đưa cho tác giả một vở viết. Vở mở đầu bằng một tựa đề “Tâm sự của nước độc” dưới chua một dòng nhỏ:
Ai hát hay mà ai hay nghe hát
Phần II, ghi “Tâm sự của nước độc”. Phần hay nhất của Chùa Đàn, mà Nguyễn Tuân đã cố gắng lần chót trước khi chia tay vĩnh viễn với cái thú phong lưu, trước khi lìa bỏ “mảnh da thú” cuối cùng.
Cậu Lãnh Út, một trang điền chủ hào hoa, phong nhã. Từ ngày người vợ trẻ đẹp chết vì tai nạn hoả xa, cậu trở thành kẻ thù của nền văn minh cơ khí. Cậu đâm mê cuồng, chỉ uống rượu suốt ngày đêm để giải buồn. Rượu, rượu nhiều vô kể, cả một “tửu phần” có ghi tên cùng ngày tháng từng lứa cất. Tửu phần do Bá Nhỡ – quản gia – một tử tội trốn tránh, được gia đình Lãnh Út che chở. Để tạ ơn cứu tử, Bá Nhỡ, một tay tổ chức, một tay nghệ sĩ siêu phàm, một đệ tử trung kiên, đã tự hy sinh để mang lại nguồn vui cho ân nhân và người thương nữ, cô Tơ, một ca kỹ nổi danh từ ngày ông Chánh Thú – chồng cô – chết, thề không hành trình cho ai đàn nữa. Lời thề đã làm một kẻ mê hát chết mất nửa người. Cô Tơ, vì nhân đạo, không nỡ để Bá Nhỡ – người đã khổ công vì mình – phải chết, khi hồn ông Chánh Thú đã nhất quyết để Bá Nhỡ chết cho mình được đầu thai kiếp khác. Nhưng định mệnh đã ràng buộc mỗi số phận vào nhau, và kết quả đưa tới: một kẻ chết trên vũng máu của chính huyết quản mình rỏ xuống, một kẻ đi tu, một kẻ phản tỉnh đi làm cách mạng, và Chùa Đàn được dựng lên trong Ấp Mê Thảo, do cô Tơ phụ trách nhang đèn.
Phần “Mưỡu cuối” gồm 2 đoạn: một, nói với Lịnh, người tù 2910 và lá thư gửi sư thầy Tuệ Không, tức cô Tơ để yêu cầu “nhà chùa” minh xác thái độ trước cuộc sống.
I. Nhân vật Lịnh – 2910 và Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân bản chất là con người thích hành lạc và thích một mình bay bổng trên những thú đam mê có tính cách phóng túng hình hài mà bỗng nhiên tự giam cầm mình vào một kích thước – kích thước của nhà tù – để say đắm, mải mê với một hình thức cứng rắn và gò bó, chẳng phải do kỹ thuật trại giam mà đích thực do sự bủa vây của cách mạng, Nguyễn Tuân bắt gặp cách mạng như kẻ sắp “về quê” vì bệnh hoạn gặp được danh y, như kẻ lưu vong tìm về được đất mẹ.
Nguyễn Tuân đã thần thánh hóa vai trò của Lịnh – 2910 – ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào có thể nói được, viết được. Với những quấn quít, vội vã với sự bấn loạn của suy tưởng trước cách mạng, Nguyễn Tuân hành động như một người không trang bị khí giới phòng thân, đột nhiên bị quẳng vào đấu trường để tỉ thí với một lực sĩ khổng lồ có sức mạnh vô địch.
“Ngoài những lúc phải theo lính canh vào rừng ngả cây cổ thụ, phát quang rừng lau, phá đồi, đánh gianh lợp nhà, cắt cỏ cho trâu dê bên đồn, lấy nước suối ngọt cho bên trại anh em, những lúc được về ăn nghỉ trong trại, tôi ngắm Lịnh (người tù 2910). Những cử chỉ vụn vặt của Lịnh đã đi vào con người tôi không sót một nét. Tôi ngắm Lịnh lặng lẽ và kính cẩn.” (Chùa Đàn, trang 13)
Người đọc cần phải hiểu Nguyễn Tuân trong đoạn văn trên với ý nghĩa Lịnh – 2910 – tượng trưng cho cách mạng, tượng trưng cho uy quyền tối cao của Đảng. Lịnh nói với Nguyễn Tuân mà như ra lệnh, Tuân vâng lời như đứa nhỏ hiền ngoan.
“Càng ở vào hoàn cảnh tù tội, chúng ta chúng phải giữ mình làm trọng. Để lúc về trung châu, còn có mặt trong hàng ngũ của đoàn thể… Thiếu đi – dù là một người – công cuộc sẽ chậm ít ra là một bước trong thời gian.” Tôi yêu kính câu nói của Lịnh chứa đầy một niềm sốt sắng giống như lời nói của nhà lãnh đạo ký chú với những đồng chí chưa hoàn toàn nhập điệu…” (Chùa Đàn, trang 14)
Ấy đó, cái sự thực mà nhiều người còn e ấp không dám nói trắng ra, Nguyễn Tuân đã nói và nói rất thành khẩn với lòng mình và cả kẻ khác. Phía trước mặt Tuân lúc đó, thật quả không có gì lớn hơn, vĩ đại hơn hình ảnh Lịnh – 2910. Cái vóc dáng cách mạng đã trùm lấp mọi suy nghĩ và huỷ diệt đến tận cội rễ từng phân vuông hư hỏng bởi nếp sống phong kiến hưởng thụ trong con người nghệ sĩ có mặt. Lịnh – 2910 – là một nhà thông thái, một “siêu nhân” trước những bê bối, lạc lõng, bẩn thỉu, ích kỷ, đớn hèn của quá khứ. Lịnh – 2910 – là nhân vật quá hoàn hảo, quá lý tưởng đến nỗi không còn phê bình vào đâu được. Lịnh – 2910 – giỏi văn hóa, giỏi chính trị, có tài lãnh đạo, thông suốt một vấn đề, mọi liên quan giữa con người và sự vật. Nguyễn Tuân đinh ninh rằng một người như Lịnh – 2910 – làm gì Tây nó chả bắt “vì ai cho anh xây dựng Thị trấn Ngày mai trên phá hoại”, “Ai cho đi làm cách mạng để đạp đổ chế độ thống trị này?” vì thế Nguyễn Tuân yêu Lịnh – 2910 – như một người anh cả trong cõi học và cõi đức.
Ở tù rượu ngang là quý lắm, Lịnh – 2910 – không uống mà chỉ có 790 tức Nguyễn Tuân uống thôi. Nguyễn uống say khướt trong một buổi chiều cuối xuân đất trích nhớ nhà, Lịnh 2910 chỉ ngồi cạnh “lập là” xem Nguyễn say. Nhưng rồi Nguyễn bỗng sực tỉnh trong một đoạn văn tuyệt mỹ:
“Thời tiết cuối xuân sang hè, rừng lim trổ hoa xám bỗng nổi cơn giông. Gió ngàn bị quấn trong kẹt thung lũng đâm ra cuồng cứ vật mãi vào hàng rào nứa tép của đất tập trung. Gió xoay quanh ‘căng’ chúng tôi đủ bốn hướng tám mặt. Mỗi lần gió đổi chiều, lướt qua những đầu nứa vát chéo nhọn, cái hàng rào lại rung lên như một cây phong cầm đồ sộ bị hiếp bởi một tay nhạc công tàn bạo. Có những thanh âm gùn ghè gầm thét, có rất nhiều cung bậc của than thở. Tôi không tách được tiếng ri rền nào là riêng của hàng rào nứa và tiếng oán tiếc thở dài nào là riêng của gió rừng biến động. Tôi chỉ biết tai tôi đang nghe một thứ nhạc đàn đầy âm thanh tấm tức. Gió giông không tìm được lối thoát lại càng nghẹn ngào vật mình vật mấy với mấy tường nứa rừng nhọn hoắt. Bỗng Lịnh để nhẹ tay vào vai tôi, ‘Này, nghe nó như các khổ dựng của cây đàn đáy ấy 790 ạ.’ Tôi vội đặt chén xuống." (Chùa Đàn, trang 20)
Uống xong, Nguyễn cứ “ngồi bệt đấy với chén rượu tàn” với dĩ vãng trôi bồng bềnh trong tâm tưởng. Nguyễn Tuân vốn say mê đàn hát, từ hát bộ, hát chèo, hát gõ, ca Huế đến cải lương Nam Kỳ. Nguyễn luôn luôn đam mê mà lời lãi chỉ thu về rung động. Nhưng từ ngày tự trói buộc mình vào lý tưởng, vào sự giam cầm của khuôn thức cách mạng mà Lịnh – 2910 – là ngọn đuốc soi đường, đôi lúc tâm hồn Nguyễn vẫn bị day dứt, vò xé bởi tiếng đàn, câu hát trôi về từ cõi vô thức làm cho hoang dại bất ngờ, làm tê liệt cả công tác “cỏ-vê” chém tre, ngả gỗ trên ngàn!
Nguyễn Tuân đã sử dụng ngôn ngữ văn chương để thi vị hóa những tên cai, đội khố xanh làm cho những nhân vật “răng đen mã tấu” này trở thành cao sang, có “tấm lòng” đối với anh em cách mạng mà trên thực tế, sự kiện không thể xảy ra, không-bao-giờ-xảy-ra-được.
Ông đội khố xanh qua ngòi bút Nguyễn Tuân trở nên hào hoa, đã dám “qua mặt” Tây, tổ chức buổi hát ả đào trong rừng chỉ để riêng cho người tù 2910 thưởng thức. Nhưng người tù đó – Lịnh – vẫn từ chối như đã từ chối dĩ vãng và buổi hát giữa rừng cũng không bao giờ có nữa.
“Mùa nước độc đã đến – lá lim, quả ngái rụng xuống suối kể đã nhiều – ai cũng chỉ lo ốm thôi!”
II. "Tâm sự của nước độc" hay nỗi ám-ảnh-đến-chết-không-rời trong tâm sự Nguyễn Tuân
Trong “Tâm sự của nước độc”, Nguyễn Tuân đã gửi gắm rất nhiều hình ảnh mình, hình ảnh cuộc đời qua tác phong và ngôn ngữ của Lãnh Út.
Lãnh Út, một nghệ sĩ trên nghệ sĩ, căm thù thời đại cơ khí vì cô vợ đã chết dưới bánh xe hoả. Người vợ đây, là biểu tượng ngàn đời trong nghệ thuật. Sự căm thù này được cụ thể bằng hành động. Lãnh Út dằn dỗi cả với những vật dụng cần thiết hằng ngày như ô-tô, xe đạp, máy bơm nước, ống chì dẫn nước, kèn hát, máy chữ, bút máy, lò cồn, đèn măng-sông, ống hàn thử biểu, lịch in bằng máy và vứt luôn cả khẩu súng bắn chim hai nòng xuống sông Tâm.
Lãnh Út dìm thân phận mình, dìm những ngày, những tháng, những năm trống trải bơ vơ trong hũ rượu, trong vòng đai ấp Mê Thảo, trong nỗi nhớ thương dằng dặc không thời gian. Lãnh Út tự khép mình giữa cơn mê dĩ vãng để tìm về sự hưởng lạc cá nhân do mình quyết định và an bài. Cái con người kỳ lạ ấy, mỗi năm đến ngày giỗ vợ lại bắt nhân công đi chặt một cây gạo to đem trồng ở trước nhà để làm gì chẳng ai đoán biết. Một số phận nữa, Bá Nhỡ – tên tử tội, đeo cứng vào gã nô bộc trung thành nhất, hy sinh nhất, chịu đựng nhất để làm vui lòng một người, một người khó tính đến độ cuồng dại đã quay màn giữa ngã Sáu quán Chuột để giải quyết sinh lý với đàn bà đi chợ. Tất cả vì rượu. Rượu tràn ngập vây lút toàn diện khung trời Mê Thảo. Cậu Lãnh Út tối nào cũng uống suốt sáng còn Bá Nhỡ ngồi bồi rượu, bình cổ văn, ngâm thơ Đường và trình diễn nhiều đoạn Kim Cổ Kỳ Quan, Đông Hán và Đông Chu. Một mình Bá Nhỡ diễn vở Lưu Bình, Dương Lễ, lần lượt sắm đủ mọi vai. Bá Nhỡ là bậc kỳ tài dưới nét mực Nguyễn Tuân.
Nhưng Bá Nhỡ không phải tên bồi rượu tầm thường, mà trong con người đó, còn có một lý luận, một hướng đi lên.
“Sống, đâu có phải là ngồi ỳ ra đây để chuyên tâm nhớ một người vợ chết. Nhớ thương tiêu cực. Phải cho cậu Lãnh tục huyền với đời sống mới được.”
Từ ý nghĩ đi đến thực hành còn phải qua nhiều khoảng trống, do đó, Bá Nhỡ vẫn phải nghe tiếng mõ gọi rượu, vẫn phải săn sóc “mả rượu” vì ngoài Bá Nhỡ ra không ai được quyền lai vãng gần tửu phần. Tửu phần được phân ra từng khu Đông, Tây, Nam, Bắc như một nghĩa trang sơn thôn. Ở đó có chôn từng lứa rượu và đặt tên từng mẻ rượu mang những tựa đề rất thơ: “Vô cố nhân”, “Mê Thảo Hầu”, “Thuần Hoành Quận chúa”, “Ức Sấu Viên”. Tên rượu do Bá Nhỡ đặt và Sấu Viên là tên hiệu của mợ Lãnh – người đã chết. Đêm đêm cậu Lãnh nhớ con Vượn Gầy đã uống cả vò để khi say ngồi nhìn trăng mà khóc một mình đến nỗi bóng in đậm cả khoảng tường.
Cảnh đào rượu ban đêm, đã được Nguyễn Tuân mô tả với kỹ thuật trác tuyệt.
"Cỏ gò chôn rượu bừng dậy chất xanh bóng thạch bồ, bên cái sáng bốc khói của đuốc lớn. Người phụ việc cầm đuốc, Bá Nhỡ cầm mai, hì hục đào. Những tiếng chìm chìm sương rừng reo xuống, những tiếng đục đục loài kim thảo ruột loài thố.
… Một hũ Vô Cố Nhân đã lấy lên khỏi sườn gò… Bó đuốc của người phụ việc lấp lại huyệt rượu giờ đang lụn dần tàn đóm, sèo sèo trên cỏ dầm. Vài con rắn cạp nong trườn từ hang ra, nuốt những tàn lửa đã nguội…
Cú rừng giờ mới rủ nhau đổ một hồi tan canh."
Sau bữa rượu giỗ đoạn tan Mợ Lãnh, cậu Lãnh giở chứng không khóc, không nghe đàn hát mà cũng không thèm rượu. Cậu chỉ đốt pháo. Tiếng pháo lệnh nổ to làm lứa tầm đang chín mà chết cả vì hành động của người cuồng. Trong kh đó Bá Nhỡ ngồi chờ cái ngày tận thế của Mê Thảo.
Nhưng rồi sau một năm, cái “Nghiệp” nó buộc Lãnh Út phải uống lại, vì không uống, cậu không còn là người nữa. Một đêm mưa gió tiếng mõ lại hằn lên trong không gian lạnh lẽo và rượu bỏ quên dưới mộ lại được khai quật để làm vui nhân thế. Bá Nhỡ lại giữ vai bồi rượu như những đêm nào. Cái tâm trạng Lãnh Út, cái bản chất đích danh của nhân vật quay trở lại để giày vò một thân xác đã chết chìm trong tưởng nhớ.
Rượu vào, cậu Lãnh bỗng nhớ đàn hát và tiếng ca của người thương nữ – cô Tơ – năm nào, lướt về ám ảnh trong trí não, khuấy động lại khoảng thời gian đã tắt. Bá Nhỡ – con-người-phương-tiện – coi như cái lệnh thiêng liêng, một nhiệm vụ cao cả, đến nỗi quên hẳn mình là tên tử tội tại đào, có thể bị lộ tung tích mà mất đời sống trước bản án tử hình.
Nguyễn Tuân trong lúc mê mải làm văn chương đã quên mất lương tri, đã hành động với lòng tàn nhẫn trong lúc sử dụng nhân vật dưới quyền uy tuyệt đối của mình. Nguyễn khao khát và ước mơ những cái gì tuyệt đỉnh, chẳng cứ trong nghệ thuật mà cả trong đời sống thực. Do đó, người đọc đừng ngạc nhiên khi cậu Lãnh Út đòi hỏi ở Bá Nhỡ quá nhiều mà chẳng bao giờ Lãnh Út trả về cho Bá Nhỡ mảy may ân huệ trừ sự nguỵ trang lý lịch.
Người thương nữ – cô Tơ, tuy là một đào hát nhưng cũng thuỷ chung đối với vong hồn ông Chánh Thú – chồng cô. Đã tưởng rằng lời thề trước linh sàng kẻ khuất, cô mong giữ trọn để yên phận một đời cây cỏ, ai ngờ tiếng hát ấy, nhịp phách kia vẫn quấn riết lấy số kiếp để dựng nên oan nghiệt.
“Chẳng nói giấu gì ông, từ khi ông Chánh nhà chúng tôi mất đi, chúng tôi không cầm đến lá phách nữa. Bất nhẫn lắm ông ạ! Bởi vì hát lên lại động đến vong hồn người đàn ngày xưa.” (Chùa Đàn, trang 46)
Cô Tơ không nhận lời lên Ấp Mê Thảo để hát, biết rằng phụ tri âm, nhưng chẳng làm sao hơn vì tiếng đàn cũ của chồng giờ này không ai còn có thể lựa phím, so dây!
Bá Nhỡ một lòng vì chủ, không chịu thua, nhất định học nghề để đờn cho cô Tơ hát một lần, một lần thôi rồi sao cũng được. Bá Nhỡ đón người kép nghiện về Ấp để luyện và chỉ một tháng, Bá Nhỡ đã cướp nghề của ông thầy.
“Tập đàn đáy như Bá Nhỡ thì tức là cướp nghề của kép nghiện đấy. Bá Nhỡ không thèm buông một tiếng nào. Đã bấm đến tiếng đàn nào thì tiếng đàn ấy chín nục đi. Không một chỗ nào sượng. Tưởng có đi đàn thờ ở một cửa đình nào thì ông thân làng lấy giải cũng không bắt được Bá Nhỡ đàn lỗi bất cứ ở khổ nào… Những ngón đàn như vê, lấy, chụp, vuốt, nhằn, những tiếng thoảng, những chỗ xòe. Bá Nhỡ đều nhập tâm cả…” (Chùa Đàn, trang 47)
Bá Nhỡ học xong nghề, còn cô đi mua lại cây đàn đáy cũ, thành bằng gỗ trắc đã lên nước, tang bằng gỗ ngô đồng Chiêm Thành, rồi đi xuống làng cô Tơ để vặn trục, thử dây cho người thương nữ tin vào tài nghệ mà thuận theo mình lên Mê Thảo.
"Tùng tung dếnh, dênh dênh a dênh
Tùng tung tùng tung tùng tếnh tung tụng.
Tung tùng ếnh tùng ên tùng tung (xòe)…
…Nghe đàn Bá Nhỡ mà miệng cô Tơ mấp máy, cổ họng muốn đằng hắng, cô muốn hít hơi cho đầy hai lá phổi. Cánh mũi cô phập phồng nhẹ. Cô muốn hát vo theo những khổ đàn của Bá Nhỡ cứ như thấm mãi vào người. Cô muốn quỳ xuống mà lạy tổ muôn lạy và hối vì đã muốn giải nghệ.” (Chùa Đàn, trang 48-49)
Sau những lời năn nỉ của Bá Nhỡ, cô Tơ đành thú thực sự lo sợ của riêng mình và nói về bí mật cây đàn đáy của ông Chánh Thú dang dựng cạnh bàn thờ.
“Nguyên cây đàn đó hình như có phù chú yếm bùa biếc gì ấy. Tang đàn làm bằng nắp ván thôi cỗ quan tài một người con gái đồng trinh… Cứ vào những đêm tối giời không có gà gáy, chó kêu và thứ nhất là vào những đêm áp ngày giỗ nhà tôi, thường cây đàn vẫn giở giời, thành đàn đổ mồ hôi cứ vã ra như tắm và thùng đàn phát lên những tiếng thở dài và vật mình vật mẩy với bức vách, cứ lủng củng suốt đêm.” (Chùa Đàn, trang 51)
Tưởng nghe thấy thế, Bá Nhỡ sẽ bỏ ý định mời hát, nào ngờ Bá Nhỡ, con người kiên trì và cương quyết, chỉ cần tới đích chứ không sợ trở ngại. Nhân vật Bá Nhỡ được Nguyễn Tuân sử dụng như phương tiện để chuyên chở từng sự kiện đã được ấn định rõ ràng trong tâm thức nhà văn.
Cây đàn của ông Chánh Thú, một kẻ mê hát sờ vào mà bị hành, trở thành phế nhân, nay đến lượt Bá Nhỡ quyết tâm đem một đời, đem hơi thở của mình để đánh đổi lấy những phút rung động cho kẻ khác nên chỉ sau một ngày đêm tóc đã trắng như cước, giống như trường hợp Ngũ Tử Tư thời Chiến Quốc.
Cô Tơ không lên Ấp Thảo thì cậu Lãnh Út xuống vậy. Lãnh Út xuống núi vì mê tiếng đàn, câu hát để khoả lấp nỗi cô đơn dù rằng phải trả bằng sinh mệnh một con người, vì đã “trên dưới nghìn đêm rừng rồi, gà ở Ấp Thảo chỉ có gáy chõ vào một chén rượu của một con người này”.
Bá Nhỡ tay không, lần thứ ba, đến nhà cô Tơ. Người thương nữ gặp lại kẻ-mê-mình,“Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê”. Lần này người nghệ sĩ, Bá Nhỡ quyết cầm vào cây đàn đựng trong buồng thờ. Hắn đã nghĩ kỹ và an tâm chịu mọi hậu quả. Cô Tơ không muốn, thành thực không muốn để người nghệ sĩ “có lòng” kia phải chết bi thảm, dù rằng cái chết đó rất nghệ thuật và để cho ông Chánh Thú được sớm đầu thai kiếp khác. Nói tình tứ cổ xưa vẫn vậy, đã không biết thì thôi, một khi biết, đố ai gỡ nổi, huống hồ “cuộc vui” này để “chi phí” cho vụ “ân oán giang hồ”. Cô Tơ đã xin với linh hồn ông Chánh Thú tha cho Bá Nhỡ, nhưng xin đã ba lần mà hồn ma vẫn chẳng chịu. “Cô Tơ hoa mắt, nghẹn nơi họng và trong người như có ai đặt hoả lò”.
Thế rồi cái gì phải đến, đã đến. Cậu Lãnh cầm chầu, cô Tơ hát và Bá Nhỡ cầm đàn. Định mệnh nào đó thật phũ phàng, nó dìm chết từng số phận dần dần như thuốc độc ngấm sâu vào cơ thể.
“Chiếc cáng điều ấp Mê Thảo đã dựng giữa sân nhà cô Tơ, hai đầu gác lên hai cái trấu gỗ ối già. Cậu Lãnh vẫn chưa tỉnh rượu…”
Thế là từ đây, từ giây phút này, nguồn đam mê bắt đầu rót xuống nhịp phách, tiếng đàn, câu hát, khổ trống những tiếng bi thảm như chiếc búa đóng vào cá “săng”. Ở đây, Nguyễn Tuân đã dùng những “ngón” mầu nhiệm của văn chương để diễn tả một kỹ thuật tuyệt luân của nghề đàn hát. Người đọc bị Nguyễn xô đẩy vào thế giới âm thanh, quyện vào màu tang tóc rồi vã xuống vũng máu tanh ngòm nhuộm hồng vóc dáng kẻ chơi đàn, cây đàn tử thần, với niềm say mê vô độ.
“Chưa bao giờ cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy buối này. Tiếng đàn hậm hực hình như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào liễm kết cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó là một cái tâm sự không tiết được ra. Nó là một nỗi u kín bực dọc, bưng bít. Nó giống như cái trạng huống than thở của một cảnh ngộ vô tri âm. Nó là cái tấm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng. Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể chiều dứt chân sóng. Nó là cơn gió lọt kẽ mành thưa. Nó là sự tái phát chứng tật phong thấp vào cữ cuối thu dầm dề mưa ầm và nhức nhối xương tuỷ. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành. Nó là cái lê thê của nấm mộ vô danh hiu hiu ngọn gió vàng so le. Nó là cái oan uổng ngàn đời của cuộc sống thanh âm. Nó là sự khốn nạn, khốn đốn của chỉ tơ, con phím. Nó là một chuyện vương vít nửa vời.” (Chùa Đàn, trang 62)
Người đọc vừa nghe một khúc nhạc làm toàn bằng ngôn ngữ. Nó tha thiết, giày vò. Nó nghẹn ngào, uất ức. Nó rung lên từng thân phận bi thảm. Nó là máu, là lệ. Nó là con tim, khối óc. Nó là tài hoa phát xuất. Nó vang động trong tâm hồn. Nó luồn qua từng tế bào thoi thóp. Nó bay vút lên không gian cao thẳm. Nó là ánh sáng, là bóng tối. Nó là cõi sống và cõi chết giao thoa. Nó là Nguyễn Tuân. Nó là Nghệ thuật.
Trong khi đó, “cỗ phách của cô Tơ dồn như tiếng chim kêu thương trên dặm cát nổi bão lốc. Nhiều tiếng tay ba ngừng gục xuống bàn phách, nghe tàn rợn như tiếng con cắt lao mạnh xuống thềm đá sau một phát tên”.
Còn cậu Lãnh Út thì “mềm tay roi, càng mê tơi đi vì tơ trúc ríu ran”. “… Ai… Đàn ai… một tiếng...”
Chao ôi! Chỉ một tiếng thôi, tiếng đàn khốn khổ bao nhiêu và cay đắng bao nhiêu cho một thân phận, cho hai thân phận, cho ba thân phận và cho cả một thế hệ lạc loài.
Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn, huống hồ cuộc vui lần chót. Tiếng phách đã lảo đảo, tiếng đàn lả về cõi chết, tiếng hát méo lần đi vào cơn mê thiếp như ăn phải bát cháo lú bên sông Hắc Thuỷ. Tiếng trống sắc sảo, sát phạt bỗng ngừng trên mặt da thú vì trong buồng thờ ông Chánh có tiếng cười sằng sặc ở sau bài vị. Cái bát hương bằng sứ chẻ dọc làm hai mảnh để báo tin cuộc vui đến giờ tắt lửa. Số phận mỗi người và sự vật được định đoạt minh bạch. Bá Nhỡ tự hành quyết trong vũng máu âm thanh. Tinh hồn đã xuất thoát với hình ảnh con châu chấu ma nổ ruột trên tim nến lả lay. Cây đàn biến thành những mảnh gỗ vụn. Cô Tơ hát chưa hết một phần ba điệu Hóa Mã mà nhịp phách đã lảo đảo, rã rời. Và Lãnh Út, nước mắt vận chuyển hết vào nội tâm thành một niềm tư lường im vắng ghê lạnh!...
“… Một năm sau, ấp Mê Thảo mọc lên một gò Chùa – Chùa Đàn.”
III. Thái độ kẻ sĩ và niềm-ăn-năn-trước-cuộc-sống
Phần “Mưỡu cuối”, phần chót của Chùa Đàn, Nguyễn Tuân đã sử dụng kỹ thuật hành văn theo thể viết thư để dễ dàng bày tỏ ý niệm và lập trường của mình. Bức thư đó coi như lời trăn trối cuối cùng của kẻ tự lột xác, vĩnh viễn đi vào một phương hướng khác, một môi trường khác – ở đó cái sự bận bịu, kiểu cách, lập dị không chỗ dung thân.
Nha Trang khẳng định thái độ trước cuộc sống mới bằng một đoạn với Lịnh – người tù 2910 – hiện thân của “Lãnh Út hôm qua” với một niềm tin tưởng và sự khuất phục của riêng mình đối với cách mạng.
Bức thư gửi cho sư thầy Tuệ Không, đích thực là niềm ăn-năn-vô-hạn của một kẻ phạm pháp được ân xá quay lại kết tội người đã ký giấy tha mình.
Nguyễn yêu cầu: Nhà chùa cứ thỉnh xong hồi chuông chiều một trăm linh tám tiếng ấy đi, thì “chúng tôi” (Nguyễn và cách mạng) sẽ trở lại với nhà chùa đấy.
Cái giọng nói sát phạt mới dễ làm sao!
Khi đọc hết “Tâm sự của nước độc”, người ta thấy Nguyễn càng lún sâu vào ảo giác do cách mạng hình thành. Lịnh – 2910 – cậu Lãnh Út – càng lúc càng trở nên vĩ đại để biến thành chiếc lưới khổng lồ chụp gọn cả thể xác lẫn linh hồn Nguyễn vào nguồn đam mê mới, sự thực, chưa hẳn như vậy. Nguyễn Tuân, tượng hình của sự hưởng lạc mà nay phải đối diện với một nhân vật làm cách mạng thường trực giữa cuộc đời chênh vênh lạc nền tảng này thì ai là người có thể đoan chắc “một câu chót?” Câu chót đó, lúc này đã ngoài 60, Nguyễn Tuân có thể nói được, nói thành khẩn với lòng mình, với cuộc sống có đó, cũng như năm 1946, Nguyễn đã đặt vấn đề với sư thầy Tuệ Không – cô Tơ – trong Mưỡu cuối.
Nguyễn Tuân, tự nhận mình là Kẻ Vô Đạo, đứng trước sự trào dâng trùng trùng lớp lớp của cách mạng, yêu cầu “nhà chùa” – cô Tơ – phải theo gương mình phục vụ cho đời sống mới, phục vụ cho uy quyền tối cao của cách mạng. Nguyễn quả tình đã nặng lời với người tu hành và cho rằng sự “đi tu” của cô Tơ chỉ là một hình thức ăn cướp của đời, “là đánh bạc gian, và thời khắc biểu của nhà chùa chỉ là những ngày tháng của bệnh nhân trầm trệ. Sự hô hấp của tăng già chỉ toàn có thán khí thôi, lúc hít vào cũng như khi thở ra”.
Thái độ Nguyễn Tuân lúc đó có thể rất thành thực, nhưng nó chỉ có thể đại diện cho riêng Nguyễn. Trên thực tế, lúc đó Nguyễn cũng là một kẻ bắt “nhân tình” với cách mạng, chứ chưa “già nhân ngãi”. Dù sao nữa, thái độ ấy cũng không thể chấp nhận đối với con người Nguyễn Tuân, vì bản chất của lời kêu gọi không nhân danh “kẻ trong cuộc” mà chỉ là lời nói hộ của “kẻ đứng bên lề”.
Thời gian chắc đã làm cho Nguyễn Tuân cảnh giác. Nhưng hòn đá đã ném rồi. Nó rơi vào tâm hồn những con người quý văn tài Nguyễn Tuân. Nó nằm gọn trong đó với nhức nhối vô vàn.
*
Đối với tôi, Nguyễn Tuân là một nhà văn có tầm vóc quá khổ. Tôi đã đọc nhiều lần và do đó ngôn ngữ Nguyễn Tuân đã vào sâu và nằm lì trong tiềm thức tôi từ mấy chục năm qua. Vì yêu và phục tài Nguyễn, nên tôi tìm hiểu Nguyễn ở cả đời sống. Nguyễn Tuân sinh ra đã có máu giang hồ. Lúc tuổi nhỏ có lần đã bị bắt ở biên giới Cao Miên – Thái Lan vì định vượt biên. Cơ quan an ninh Pháp giữ rồi bị quản thúc tại gia do lời xin của cụ Tú – thân phụ Nguyễn – lúc đó làm việc tại Thanh Hóa.
Chính tại địa điểm này Nguyễn Doãn Vượng chủ nhiệm báo Trung Bắc tân văn đã tìm ra Nguyễn Tuân, mời giữ nhiệm vụ thông tín viên đặc biệt của tờ Trung Bắc. Bước vào chân thứ hai của Nguyễn đi vào sự nghiệp văn chương. Bước chân thứ nhất là làm phóng viên cho báo Đông Tây từ năm 1931. Sau đó, Nguyễn đi Hồng Kông cùng Đàm Quang Thiện và Nguyễn Doãn Vượng đóng phim Cánh đồng ma là phim nói đầu tiên của Việt Nam (1937). Nguyễn đóng vai y tá. Lúc về Nguyễn viết Một chuyến đi đăng tải ít bài trong Tiểu thuyết thứ bảy sau in thành sách. Tác phẩm này đưa Nguyễn vào vị trí đúng của văn học.
Nguyễn Tuân là con người kiêu bạc, chẳng phải chỉ ở văn chương mà còn ở cuộc sống thường nhật. Tính ưa lập dị, danh từ lúc đó gọi là “chơi trội”. Ăn chim quay chỉ gặm hai cẳng chân. Tách cà-phê chỉ bỏ đúng một miếng rưỡi đường cục. Uống rượu say, ngồi lì một chỗ, chẳng nói chẳng rằng, độ tiếng đồng hồ sau mới bắt đầu phá phách. Uống trà phải tự tay đun nước bằng siêu đồng, than Tàu và pha trong ấm Mạnh Thần bằng trà quý hái từ núi Vũ Di Trung Quốc. Nguyễn cầu kỳ, kiểu cách từng cử chỉ nhỏ nhặt.
Trong thời gian kháng chiến, tôi có gặp Nguyễn một lần tại cánh rừng thuộc Thái Nguyên, Liên khu 1. Vẫn mái tóc bồng bềnh, vẫn cái mũi nổi gồ khoằm đặc biệt, vẫn cái môi chum chúm, vẫn nụ cười khó hiểu, chỉ có điều khác, đó là bộ bà ba nâu với đôi dép Bình Trị Thiên làm Nguyễn trở thành một “nông dân trí thức”. Cũng như Nguyễn Đình Thi, một cán bộ văn hóa cao cấp, mặc áo the đen chít khăn như ông xã, nhà văn Như Phong của Tiểu thuyết thứ bảy ngày xưa, vẫn nửa đùa nửa thật gọi tôi là “hoạ sĩ tiểu tư sản” vì tôi chưa hoà mình tích cực vào đời sống tập thể, ăn mặc giống hệt người lái buôn. Đồ Phồn nhà văn thơ trào phúng nghi trang như ông lão quê mùa, Xuân Diệu xúng xính trong bộ đồ nâu bạc phếch khoác blouson, cỡi xe đạp đi tung tăng đó đây nhưng mái tóc vẫn cuốn “bồng trên đài trán thơ ngây” và còn nhiều nữa, những khuôn mặt anh em trong tháng năm dài kháng chiến.
Qua hai tác phẩm Nguyễn và Chùa Đàn, Nguyễn Tuân cho rằng mình chưa đủ nhiệt thành đối với cách mạng nên trong một lớp chỉnh huấn vào năm 1950, một lần nữa, Nguyễn Tuân lại tự lột xác cùng với Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Ngọc Vân, Tú Mỡ, Nguyễn Cao Luyện v.v… theo tài liệu của Nghiêm Kế Tổ trong Việt Nam máu lửa, xuất bản năm 1954.
Nguyễn Tuân thời chiến đã lên án Nguyễn Tuân của Vang bóng một thời:
“Trong Vang bóng một thời, tôi đã đứng về phía bọn phong kiến ăn bám, bóc lột, thống trị nông dân lao động mà đưa ra một cái nhân sinh quan phản tiến bộ của bọn quan lại, địa chủ tiêu dao hưởng lạc, bất lực trước nhiệm vụ lịch sử… Nhân vật Vang bóng một thời của tôi tiêu biểu đầy đủ cho tư tưởng phong kiến, địa chủ, quan liêu…
Sau cùng Nguyễn hứa hẹn:
“Tôi quan tâm từ nay sáng tác vì quyền lợi dân cày… Tôi phấn khởi đứng về phía bần cố nông mà thận trọng và cố gắng thể hiện cái tâm hồn sáng lên của dân cày có Đảng lãnh đạo.” (Việt Nam máu lửa, Nghiêm Kế Tổ)
Đó, đó. Nguyễn Tuân một văn tài lỗi lạc của nền văn học Việt Nam đã quyết liệt với chính mình bởi lý do rất đơn giản rằng, Nguyễn Tuân chỉ là một nghệ sĩ theo đúng nghĩa chữ, là cánh chim giang hồ, nơi nào đẹp, vừa ý vội hạ cánh hót chơi vì vậy, người đọc mới có dịp đọc lại văn phong của Nguyễn trong bài tuỳ bút "Phở" đăng ở tạp chí Văn nghệ xuất bản tại Hà Nội 13 năm trước. Và vì tình cờ, kẻ viết được đọc một bút ký của Nguyễn viết về Quốc lộ 1 trên đường thăm Bến Hải. Lẽ dĩ nhiên, “đoàn thể đã sửa chữa” cho Nguyễn nhiều, rất nhiều, nên đọc Nguyễn mà tôi tưởng như đọc văn của người khác. Nhận định về Nguyễn Tuân, một bạn văn cho rằng, Nguyễn quả có văn tài, văn phong, nhưng Nguyễn không phải là nhà văn tư tưởng. Điều này có lẽ đúng chăng?
Sau khi viết xong bài về Nguyễn Tuân, tôi được tin Nguyễn đã mất tại Hà Nội năm 1969 [1] . Cái chết của Nguyễn Tuân thực đẹp, nếu câu chuyện sau đây được coi là đúng sự thực: Nguyễn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Phú Doãn về bệnh chai gan do rượu mà ra. Một buổi có người bạn lại thăm, Nguyễn kêu thèm rượu quá. Vì thương mến Nguyễn, người bạn tìm mua được một chai Whisky đem lại ngay chiều hôm đó. Chờ đến tối, Nguyễn ôm chai rượu trèo tường trốn ra khỏi Bệnh viện đi thẳng tới Hồ Gươm, vào giữa Trấn Ba Đình ngồi gật gù độc ẩm, cho đến cạn cả chai rồi nằm lăn ra đất. Sáng hôm sau có người tới mới hay Nguyễn đã chết, không biết từ lúc nào.
Trích văn Nguyễn Tuân
Tâm sự của nước độc
Gần tàn tiệc đêm, cậu Lãnh vụt nhớ đến cái thèm ước cũ: “À, hôm nào em cho tìm cô Tơ về ấp hát một buổi. Đàn của em nghe chín lắm. Sao mọi khi không thấy em chơi đàn đáy! Ừ, chưa có lần nào em đánh đàn đáy. Cô Tơ hát thêm vào nữa, thì cuộc đời không đến nỗi toàn là những chén ‘Vô Cố Nhân’ đó em ạ”.
Chủ ấp lại đòi vợi thêm nửa bì “Vô Cố Nhân” nữa để cho mặt giời rọi lệch ánh buổi mai rừng vào miệng chén trào sóng còn sủi tăm. Đã trên dưới nghìn đêm rừng rồi, gà ở ấp Thảo chỉ có gáy chõ vào một chén rượu của một con người này.
Bá Nhỡ lại xuống núi, tâm hồn không mà xuống núi chứ không có đem đàn theo như lần trước. Lần này là lần thứ ba mà một người đánh đàn tìm đến một nếp nhà gianh để cầu một tiếng hát.
Trông thấy Bá Nhỡ bước vào nhà, cô Tơ càng lo sợ nghĩ đến cái mộng đêm trước không khéo mà ứng vào ông khách trên ấp này đây. Đêm nọ gần về sáng, cô Tơ nửa thức nửa ngủ, chờn chợn nghe thấy tiếng người rón rén đi từ buồng thờ ra. Cô quay mặt lại phía cửa màn thì đã thấy ông Chánh Thú đứng sững ở đấy, áo xô gai rộng tay và hoen ố. Cô định vùng chạy đi thì hồn chồng ra hiệu là không việc gì mà sợ. Ngồi men vào thành giường, cái hồn mặc đồ vải trắng bệch ấy phào với vợ: “Một ngày rất gần đây sẽ có một người tìm đến để nghe mình hát. Cứ để cho người ấy đàn vào cái đàn dựng ở bàn thờ tôi. Mình đừng có ngăn giữ người ta. Mình phải hát cho người ấy đàn. Đàn xong thì người ấy lăn ra chết. Thế nghĩa là người ấy sẽ thế mạng cho tôi ở dưới cung Thuỷ Tinh này, thì tôi mới được trở lên làm người dương gian. Đàn dưới này cho Diêm Vương trong mười Vương Phủ, tối tăm khổ sở lắm. Những thanh âm của ngục tối, mình ôi! Mình nhớ kỹ lấy để tôi được đầu thai về cái thế giới tơ trúc trên dương gian. Lần trước đã hụt mất một dịp đầu thai rồi vì mạng cái người bên Kinh Bắc ấy còn vững lắm, tôi bắt chưa được. Thôi, tôi về đây”. Một luồng gió lạnh lay động lá màn. Cô Tơ ngồi hẳn dậy thì không thấy gì nữa. Và một điều lạ là trong buồng thờ lại có ánh đèn. Ai thắp? Bao giờ cô cũng tắt đèn thờ trước khi đi nằm. Cô vào đến nơi thì có ba tiếng nứt tách rất dứt khoát. Ấy là ba sợi dây tiểu, dây trung, dây đại ở đàn đáy kế tiếp nhau mà cùng đứt. Một con đom đóm vờn bay trên cây đàn nhễ nhại mồ hôi. Trên nền tang đàn gỗ ngô đồng, có những đóm lân tinh lập lòe. Cô Tơ lại gần nhìn thì mới biết đấy là máu của dây đàn đứt. Đầu các dây còn rung lên, ruột sợi tơ rỉ tuôn ra một thứ nước đặc sệt như máu con giời leo và xanh đục như ruột bọ nẹt. Chất ấy đọng thành giọt ở các đầu dây và lóe tia xanh lạnh lên dưới cái sáng chờn vờn của lửa đom đóm. Cô Tơ thắp một tuần nhang bất thường và, đồ cỗ phách ra khỏi túi vóc, cô gõ mấy câu hát thờ.
Công việc đồng áng của cô Tơ vào sau giấc chiêm bao ấy có điều trễ nải hơn mọi khi. Rồi là thấy Bá Nhỡ vào nhà cô.
Sực nhớ lại mấy lời trong mộng, cô Tơ chỉ vội mời Bá Nhỡ uống nước, và bỏ mặc khách đấy, cô lùi ngay vào buồng thờ châm đèn hương, thỉnh chuông và cầm hai đồng tiền gieo xuống đĩa xin âm dương, khấn “Nếu mộng triệu ứng vào người khách chơi đàn trên ấp Mê Thảo đang ngồi ngoài kia, thì tôi muốn xin mình tha cho người ấy. Mình chờ đến người sau rồi hãy đầu thai lên lại với cuộc đời bằng thịt bằng xương thật này. Cũng không lâu gì đâu. Mình muốn lúc nào thì cứ báo mộng cho tôi là tôi tìm ngay được một người cầm vào đàn của mình mà đánh để rồi chết. Thiên hạ nào thiếu gì những cầm đàn chạy theo vợ mình. Có trôi sông cũng không hết. Nhưng đến cái người ngồi ngoài kia thì tôi thấy không đang tâm. Tôi xin mình, mình chứng giám cho lòng ngay thẳng và thương người của vợ mình. Tôi gieo tiền, mình bằng lòng thì một đồng sấp một đồng ngửa.”
Tiền khất đài một mặt bôi vôi, ba lần gieo xuống đĩa thì ba lần chỉ quay tít mà cười rồi lăn ngửa ra cả đĩa, chứ không keo nào được cả. Cô Tơ hoa mắt, nghẹn nơi họng và trong người như có ai đặt hoả lò. Rồi cô lặng cúi trở ra phòng khách, không dám nhìn thẳng vào Bá Nhỡ.
"Thưa cô, tôi về ấp đã nghĩ kỹ rồi. Tôi sẽ đánh đúng vào cây đàn thờ dựng trong buồng. Sự gì sẽ phải xảy ra cho tôi, tôi vui lòng chịu lấy. Cô không nên lo sợ ái ngại gì cho tôi cả."
"Thưa ông… Thưa ông…"
"Thưa cô, tôi đã nhất định. Nếu tôi có tránh được cái việc đánh vào cây đàn ông Chánh, tôi thấy đời tôi nó cũng chẳng thêm hơn lên lấy được một điều gì. Có lẽ lại còn nhạt là khác nữa."
"Thưa ông…"
"Thưa cô… mà lần này chắc không còn cách gì để cô từ chối nữa. Vì cô không phải lên hát tận trên ấp. Cô ngồi hát hay ở bục kia. Tiện lắm."
"Thưa, không có trống?"
"Điều đó, tôi đã tính rồi. Chừng vàng mặt trời thì võng cậu Lãnh tôi sẽ có người cáng tới đây. Cậu Lãnh sẽ cầm chầu. Cô sẽ hát, tôi sẽ đàn – đàn ngay vào cái đàn ông Chánh. Thôi, cô bảo dọn qua loa cái gì cho tôi uống mấy chén cho nó ấm bụng."
Trông người quản gia ấy nâng chén độc ẩm, người ta phải liên tưởng tới cốc rượu mạnh của tội nhân sắp lên đoạn đầu đài. Bởi vì, chốc nữa – chỉ vì một chốc nữa thôi – khi mà Bá Nhỡ cầm đúng cây đàn thờ ấy lên, hễ bắt đầu sòng lên ba tiếng tức là ký vào một bản án tử hình đấy.
Cả người cô Tơ là một cõi bồn chồn không có biên giới. Cô ở nhà ngang chạy lên nhà trên, nhìn vào mâm rượu rồi lại nhìn trộm Bá Nhỡ rồi lại chạy xuống. Cứ thế mãi. Cô muốn được trốn tránh đi đâu chứ không muốn là một niềm xúc cảm gì ở cái nhà này nữa. Cái sinh mệnh người ngồi tự tống tửu cho mình kia chỉ đang treo vào một sợi… tơ! Và cô sắp hát cho người ấy nghe để cho sợi tơ kia đứt phựt.
Chiếc cáng điều ấp Mê Thảo đã dựng giữa sân nhà cô Tơ, hai đầu gác lên hai cái trấu gỗ ổi già. Cậu Lãnh vẫn chưa tỉnh rượu. Hai lực điền dân ấp vực cậu Lãnh vào, đặt cậu ngả lưng bên gối xếp. Bá Nhỡ ra hiệu cho chủ nhân triệt soạn và mời cô Tơ đổ phách ra mà gõ ngay đi thôi. Sau khi châm mấy nén hương vĩnh quyết vào bát hương thờ Chánh Thú, Bá Nhỡ đã khệ nệ ôm cây đàn thờ từ trong buồng ra. Cô Tơ cầm phách gõ.
Bá Nhỡ thử dây, vặn trục đàn. Trục nghiền gắt và nấc dân mãi lên. Cần đàn ôm sát vào mặt, Bá Nhỡ ngửi thấy một mùi tanh tanh và gỗ đàn đã truyền sang lòng tay một chất nhờn sánh. Buông đầu gảy xuống dây đàn vẳng ngân một tiếng cuồng loạn. Và những đầu ngón tay phải – Bá Nhỡ đàn tay trái cũng như cầm đũa, cầm bút – nhấn xuống dây đã run lên những cảm giác buốc nhức. Bá Nhỡ chững chạc buông ba tiếng sòng.
Cậu Lãnh còn đang li bì vội choàng dậy, cầm roi chầu đánh luôn mấy tiếng. Người cậu Lãnh chỉ còn hai cánh tay và hai cái tai, chứ cật và chân cứng đờ và mắt thì nhắm nghiền, cằm vểnh lên trời. Cô Tơ như mất hẳn hồn, cái tâm chỉ còn lên xuống theo với bực đàn. Gỗ bục dưới thân tan loãng đi đâu để cả người cô Tơ phiêu phiêu lững lờ trôi mãi giữa không.
Chưa bao giờ cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy buổi này. Tiếng đàn đáy hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào liễm kết cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó là một cái tâm sự không tiết được ra. Nó là nỗi u kín bực dọc bưng bít. Nó giống như cái trạng huống than thở của một cảnh ngộ vô tri âm. Nó là cái tấm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng. Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa. Nó là sự tái phát chứng tật phong thấp vào cữ cuối thu dầm dề mưa ẩm và nhức nhối xương tuỷ. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành. Nó là cái lê thê của nấm mộ vô danh hưu hưu ngọn vàng so le. Nó là cái oan uổng nghìn đời của cuộc sống thanh âm. Nó là sự khốn nạn khốn đốn của chỉ tơ con phím. Nó là một chuyện vướng vít nửa vời.
Tiếng đôi lá con cỗ phách cô Tơ dồn như tiếng chim kêu thương trên dậm cát nổi bão lốc. Nhiều tiếng tay ba ngừng gục xuống bàn phách, nghe tàn rợn như tiếng con cắt lao mạnh xuống thềm đá sau một phát tên. Tay phách không một tiếng nào là nhụt. Mỗi tiếng phách sắc như một nét dao thuận chiều. Và gõ đến như thế thì thật là đem cái vinh quang đến cho tre cho trúc và tạo cho thảo mộc một tấm linh hồn. Dưới mười ngón tay hoa múa dẻo quanh, tre trúc bật nảy lên vì thoả thích. Đàn và hát dắt nhau mà lướt bổng. Cậu Lãnh Út mềm tay roi, càng mê tơi đi vì tơ trúc ríu ran. Chưa hồi tỉnh cuộc rượu của ấp, cậu lại tự bồi thêm trận rượu của đêm nhạc. “Đàn ai đàn...”.
Nắn những đường gân ngang, gò cong mình xuống đàn, day thịt da tê cóng trên dây sắc buốt như cật nứa, mấy đầu ngón tay Bá Nhỡ sưng vù và bật máu. Bá Nhỡ đang chịu một nhục hình bá đao tùng xẻo. Nghe phách cô Tơ, ở những khổ rung thưa rồi mau Bá Nhỡ say sưa trong cái nhận thức là mình đang chết dần giữa đàn hát và mỗi một tiếng trúc tiếng tơ đánh thêm lên là mình lại càng lả dần về cõi chết. Có người tự tử bằng mùi hoa ngát, có người tự tử bằng hơi nhạc. Người đang luyện phím khảo dây bỗng nở một nụ cười héo sửng trên hai môi tái.
Máu chảy ra nhiều quá. Toàn thân Bá Nhỡ đỏ ngòm. Áo quần màu trắng của Bá Nhỡ vụt trở nên vóc đại hồng, trông hệt một người phục sức để ăn thượng thọ. Người Bá Nhỡ đã là một cái vại đựng chất lỏng có nhiều chỗ rò rỉ. Máu trong cơ thể Bá Nhỡ cứ đều một dòng tuôn mà thẩm lậu ra ngoài. Bá Nhỡ đã thấy khát nước. Và khắp mình mẩy xót nhức không biết đến đâu là chừng hạn nữa. Mỗi tiếng đàn là một miếng thịt lấy ra. Tí một, tiếng đàn đưa nhau về nơi vĩnh quyết. Tùng. Tang. Tùng tùng! Tụng. Bá Nhỡ vấp vào một chỗ nhấn, đầu ngón tay ngừng đổi dây lát trên mõ phím cao quyện huyết. “Đàn ai… đàn… một tiếng…”.
Vừa có một mũi kim nào châm vào cái đốt cuối xương sống Bá Nhỡ, làm cho cây đàn đột ngột bật hẳn cân dọc lên. Rồi không rõ từ đâu vào, vẫn ở đoạn xương sống, có rất nhiều hạt muối lạo xao đánh loãng chất tuỷ người đang gò đàn. Ruột nhũn hẳn ra, óc se thắt lại, chỉ còn có cái tâm Bá Nhỡ là điều động với lớp lớp tơ trúc dật dờ.
Gân tay cô Tơ xuống phách đã có chiều lảo đảo vì chuột rút. Hạt châu lẩy bẩy đọng trên môi người hát, sáng đục như mắt chuồn chuồn. Phải nuốt nước mắt mặn chát tuôn đều với máu người đàn đối diện, tiếng hát cô Tơ có nhiều chữ buông bắt đã hết vuông hết tròn. Tiếng hát đã sa làn rồi khê và mực hát đã có chỗ bửng. Cả hát cả đàn đang dắt tay nhau sa lầy trên cái mênh mông bùn sũng ngào vỏ ốc, mờ rộng xanh lơ ngút chân trời. Cô Tơ rùng mình. Hình như đây là pháp trường đang có những tiếng mớm chiêng đồng. Như ăn phải bát cháo lú bên sông Hắc Thuỷ, cô mê thiếp đi. Tiếng hát méo dần.
Thoáng một tiếng dây đàn đứt. Cô choàng tỉnh để nhận cúi đầu tơ ấy bắn vào mặt. Thái dương cô tê dại trong khoảnh khắc. Rồi vững lại tay phách, chỉnh lại hơi cổ hơi mũi, cô Tơ hát bây giờ mới vượt qua những đỉnh nhọn của thế giới âm thanh. Tiếng hát mọc cánh, thăm thẳm trong trắng tinh khiết quá pha lê gọt. Cô đang gọi nước suối đá ngọt trào dâng lên. Tiếng phách trục ríu ran như cô đọng lại được muôn điệu của muôn giống chim. Có những tiếng tre đanh thép, sắc bén đến cái mực cắt đứt được sợi tóc nào vô tình bay qua khoảng nơi phách đang bốc cao vươn mình đứng dậy như vách thành. Đôi tai cậu Lãnh Út chỉ là hai cái phễu để cô Tơ rót vào đấy cả một rừng chim và cả một suối thuỷ tinh.
Cô Tơ giờ mới để ý đến những tiếng trống điểm. Trống người chủ ấp trẻ ấy sát phạt thật. Thật là một thứ trống lợi hại. Trong tiếng trống, có tiếng đổ nhào của ngói gạch vụn rời. Hình như tất cả những lâu đài cung điện của cuộc đời nhãn tiền đều tan rã theo một cái roi quật xuống mặt da loài thú. Hình như phải có được vô vàn vàng lụa luỹ thế mà phí đi thì mới đổi được ra thành cái tiếng âm âm đục đục ấy. Châu, điểm đến như thế thì khỏi nào mà tránh được chuyện oan trái cùng người gõ trục.
Lúc này, cậu Lãnh chỉ biết có sự thẩm âm. Âm trúc, âm tơ. Còn ngoài ra, cậu không biết gì hết. Chén tống rượu cứ liên tiếp mà vơi mà đầy, gia nhân đi theo rót đưa đến đâu thì cậu uống đến đấy. Tưởng lúc bấy giờ, cả quê Nhộn này có phát hỏi, cả chính quyền cậu đất có sụt nứt hết, cậu cũng mặc. Cậu đang ngủ cái giấc ngủ thôi miên của âm nhạc. Không một tiếng nào lép, roi cứ như ôm lấy tang mít, rồi cứ như dán vào mặt da.
“… nguyệt dãi tàn nhang… ư… Con sông hồ nước biếc…”. Nhưng thật ra, cô Tơ chuyển hướng tiếng hát vào lòng người chơi đàn chứ không bận gì mấy đến người điềm châu. Bá Nhỡ ngồi trước mặt kia, sinh mệnh chỉ còn dính vào cuộc đời bằng một vài khổ đàn nữa thôi. Tắt bản đàn, là cuộc đời người đang cúi xuống cái đầu bầy bằng sừng bò tót kia cũng hết luôn. Hơi tơ thiểu não như lời gửi gấm giối giăng. Nó buồn rộng xa nhòe quá một tiếng lên đường. Thôi thì đây cũng là những tiếng cuối cùng của đời. Cô Tơ cố bắt buông từng chữ cho thật chín nục để cho kẻ sắp hết làm người kia đem đi cho thật đầy đủ cái dư âm của cõi sống. Làn hát chênh đi như lời giã từ ngượng nghịu.
Trong buồng thờ Chánh Thú, có tiếng cười sằng sặc ở sau cái bài vị. Bát hương thờ sứ chẻ dọc làm hai mảnh, tiếng nẻ toác to gọn như mắt tre nổ trong lửa. Hai mảnh sứ nhào lăn xuống nền đất, kêu đánh xoảng. Riêng cô Tơ nhận thấy tiếng đổ vỡ này và hiểu nó là điềm báo hiệu của một điều linh thiêng gì. Qua cái màn mỏng nước mắt, người hát nhìn trừng trừng vào người đàn. Bá Nhỡ vốn đã còm, giờ lại càng khô sút hẳn đi. Máu tuôn ra nhiều quá, đánh đồng quanh chỗ Bá Nhỡ như một khối hồng hoa. Bắt tay đàn để xuống mạnh một cái đầu gầy thứ nhất ấy là máu trong người Bá Nhỡ vợi đi từ đấy. Và thân hình ngót dần đi và teo tóp mãi lại chẳng khác gì cái xác khô người tăng già khổ hạnh. Hình như tới một chừng mực siêu thanh nào đó, âm nhạc có cái vật tính là làm quắt lại da thịt và chuốt dài thân người ra.
Bá Nhỡ chỉ còn là một cái bóng. Bóng loãng dần và không động. Bóng cứ nhạt mờ thêm mãi qua cái hôn mê của nỗi thảm tình thương và cô Tơ chỉ còn nhận thấy có mỗi một cái chấm sáng trên thân người ôm đàn là còn linh động. Ấy là mặt ngọc chiếc nhẫn ở ngón tay nắn dây. Tất cả sinh khí một kiếp người chỉ còn gởi vào có một cái mặt nhẫn linh động theo ôm đàn. Rồi bẵng hẳn đi, trong phòng không có một tiếng đàn nào nữa. Như một thứ kẹo, máu cũ khô quánh gắn chặt mười đầu ngón tay Bá Nhỡ vào mấy sợi tơ đỏ sẫm và mặt tang ngô đồng hoen ố. Mười ngón như một đã bị đóng đinh liền vào phím cây đàn.
Máu tuôn đã hết chất nồng và chỉ còn toả ra một mùi tanh nhạt.
Bá Nhỡ gục vào đàn, nách cắp lấy thành đàn mà nhoài ra giường. Gỗ bục đêm và thân người nhoài ra kia lạnh bằng nhau.
Phía sau cây Bá Nhỡ, vụt bay lên một con bướm đen loang lổ những chấm tròn hồng hoàng.
Linh hồn Bá Nhỡ đã xuất thoát ra kia đang díu đôi cánh ốm rồi biến dần vào bóng khuya. Một con châu chấu nổ ruột trên tim nến lả lay.
Thế là hết hẳn ngân rung của chỉ đàn.
Điệu hát Hóa Mã, chưa quá một phần ba.
Như một hành khách hoả xa tỉnh giấc lúc tàu đổ vào ga, Lãnh Út choàng dậy, hất hàm hỏi: “Kìa, sao lại nghỉ lâu thế! Nối lại dây chóng vào.”
Cô Tơ bỗng oà lên. Tiếng khóc nức nở thê thảm. Cô chạy lại đỡ xác Bá Nhỡ, đấy chiếc gối mây vào gáy một tấm thi hài co quắp. Cúi mình xuống cái xác dâm dê đỏ, cô Tơ đang vuốt mắt cho Bá Nhỡ, bỗng lại giật bắn mình lên vì một tiếng tách nữa nổ ngay cạnh đó. Cây đàn vừa bị tay người lạnh thả dần xuống mặt bục, đang tự tan vụn ra từng miếng con. Phím long rồi, cần, thành, tang đều tung bật hết mộng chốt, và cùng một lúc nhả hết những đường sơn gắn. Đàn chỉ còn là một đống gỗ vụn gỗ linh tinh những bừa bộn bên một cuộc đời đánh đàn đang khô dần lớp máu cuối cùng.
Lãnh Út – nước mắt vận chuyển hết vào nội tâm thành một niềm tư tưởng im vắng ghê lạnh – chống tay vào cằm, ngây sững như đất tượng nung, ngủ ngồi ngay dưới chân xác chết mất một nửa phần đêm và lân sang nửa ngày sau, mắt mở to, mí không chớp lấy một lần.
Tỉnh giấc ngủ ngồi, Lãnh Út nhẹ đặt thi thể Bá Nhỡ vào cáng đưa về Mê Thảo. Chiếc cáng đi theo cái đà của gió mưa thuận mùa. Lãnh Út bám vào đòn cáng mà lần về ấp. Lẽo đẽo chạy theo sau xa là cô Tơ, mặt chùm kín vuông khăn lượt trắng mỏng.
Bá Nhỡ được hạ thổ vào lúc xế chiều. Và ngay buổi tối ấy, tửu phần cũng bị khai quật luôn lên. Mặt đất gò rượu ngổn ngang đất đào và vô vàn là chum là hũ bị tháo nút ngả nghiêng ở miệng huyệt rượu. Nhiều vò rượu, nước sánh đặc chảy ra lênh láng. Nhiều hũ cơm ủ đang kết men, - lắm cái hình bó và sắc cốt hiện lên đẹp như phát khanh tướng đến nơi.
Sẵn bó đuốc cháy, Lãnh Út vứt luôn vào tửu phần khai quật. Gò rượu phát hoả. Lửa men khê nồng bốc lên liên tiếp. Cho đến hết canh ba mà ngọn lửa men rượu xanh lè cũng chưa dịu ngọn. Đêm phóng hoả tửu phần, thảo mộc chim muông vùng Mê Thảo bị một trận say lây. Cây cành cỏ lá đều miên man rũ rượi rầu nhũn. Thú ngàn rống to lên như cảnh động rừng. Chim bị say, cánh cụp cứng lại mà lìa khỏi tổ, rụng xuống đất như quả chín rời cành mẹ.
Lảo đảo, Lãnh Út lắp bắp ấm ớ nói mê giữa một giấc chiêm bao không ngày tháng: “Sau một cái tử biệt, giờ ta phải tính đến nỗi sinh ly khác. Đối với đàn, hát, từ bây giờ ta nguyện làm một người điếc, một người cô đơn, một người phản bội. Và trên vong linh Bá Nhỡ, ta thề độc là không bao giờ cầm đến một cái chén nào của cuộc đời này”.
(Chùa Đàn)
Chú thích
[1]Tác giả nghe tin nhầm. Nguyễn Tuân mất ngày 28.7.1987 tại Hà Nội. (talawas)