watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bóng dáng xưa-Chương 3 - tác giả Thanh Châu Thanh Châu

Thanh Châu

Chương 3

Tác giả: Thanh Châu

Cơm nước xong bốn chị em quây quần dưới ánh đèn như thường lệ. Ở tỉnh nhỏ người ta hay ngủ sớm. Nhưng trong gia đình của bốn người con gái, ánh đèn dầu bao giờ cũng le lói khuya hơn tất cả mọi nhà. Xương còn phải lo giúp đỡ u già ái về những công chuyện bếp nước sau bữa ăn, hay tính sổ với bà Thông về những khoản chi tiêu vặt vãnh trong nhà. Trong bốn chị em, Xương là cô thiếu nữ ham xem truyện nhất, nhưng bao giờ nàng cũng là "người đàn bà tháo vát" nhất nhà. Nếu không có Xương thì một mình bà Thông cũng nhiều khi vất vả. Vậy mà Xương lại không phải là chị cả. Nàng đẻ sau Thịnh một năm nhưng trông mặt nàng thì ai cũng phải nhầm nàng là chị cả. Hình như Xương sinh ra để mà gánh lấy tất cả gánh nặng của gia đình và của cuộc đời trên đôi vai gầy guộc. Khuôn mặt nàng có một vẻ khắc khổ như khuôn mặt của những kẻ đàn ông mà số mệnh bắt phải phấn đấu nhiều sau này trong cuộc sống. Thịnh thì tuy đẻ trước, nhưng nàng chỉ có được cái vẻ hồn hậu mà trời phú cho những người sẽ được hưởng nhiều phúc lộc của trời thôi.

Về phần sắc sảo khôn ngoan thì nàng phải thua Xương. Thịnh là cô học trò làm dáng nhất nhà. áo quần Thịnh bao giờ cũng mới mẻ thơm tho. Không bao giờ người ta thấy Thịnh mặc một cái áo dài có vết. Thịnh thường nói rằng dẫu nghèo đến đâu, người ta cũng cứ vẫn giữ được cái vẻ "đài các" của người con gái. Bởi vậy, tuy gia đình bà Thông thật thanh đạm, nhưng đi đến trường, đi đến đâu, người ta cũng phải khen Thịnh là một cô gái gọn gàng, lịch sự. Thịnh không thích đi chơi với Xương ở ngoài đường, bởi vì nàng bảo: Xương không có dáng một người "quý phái", Xương trông như một kẻ đàn ông rất "du côn". Xương nhìn vào mặt tất cả mọi người, và hay la cà mọi chỗ.

Thịnh lúc nào cũng chăm là áo và khăn. Nàng chải tóc cẩn thận như một con mèo làm dáng. Nàng cố tập lấy một dáng điệu đứng đắn riêng, như một người tập "làm bà". Bà Thông thấy vậy thường mỉm cười một mình. Bà biết rằng cô con gái trưởng của mình tuy vậy vẫn giấu một tấm lòng hiền thảo. Nhưng cái bề ngoài của Thịnh chỉ tỏ ra rằng trong bốn chị em, nàng là người đàn bà thiết thực, có tính quyết định, và sau này lớn lên sẽ có một cuộc đời chắc chắn an nhàn. Thịnh chỉ "ăn cánh" nhất cô em thứ ba tên là ái. ái cũng đương đi học. Nàng là cô bé thông minh nhất lớp. Nhưng nàng chỉ thích có ba món: ngụ ngôn đọc thuộc lòng, bài luận và tập vẽ. Vẽ thì bao giờ nàng cũng bỏ xa chúng bạn. Vì vậy cô giáo ở trường thường giao cho nàng tất cả các việc "tô điểm" trong lớp học. Những ngày nghỉ người ta trông thấy ái nằm bò trên giường để vẽ xanh, vẽ đỏ vào những cái bảng "dùng thời giờ" trong lớp hay vẽ những loài động vật để dán vào tường, hay kẻ những câu phương châm cho học trò tập đọc. Những ngày có thanh tra đến khám trường, bao giờ ái cũng được cô giáo gọi ra khoe với các bà giáo khác. Bởi vì ái đã làm vẻ vang cho lớp học. Nhưng đến môn địa dư và toán pháp, thì ái lại thường bị phạt quì luôn. Đã vậy, ái lại còn lợi dụng cái tài vẽ giỏi của mình để vẽ cô giáo và các bạn cùng lớp với mình. ái đã nhiều lần bị cô giáo tóm được về tội ấy. Những hôm như thế, thì ái trở về nhà mắt đỏ hoe và nàng sà vào lòng Thịnh để cho Thịnh dỗ dành như một người mẹ trẻ.

Hình như ái và Thịnh hợp nhau ở chỗ tính tình cùng vui vẻ hồn nhiên. Xương thì trái lại, có vẻ yêu mến nhất Thuần, cô em bé sau cùng. Thuần ốm yếu nhất nhà, và cũng là cô bé rút rát nhất nhà. Thuần rút rát đến nỗi bà Thông không dám cho nàng đến trường như các nữ học sinh khác bằng trạc tuổi Thuần. Một chuyện cỏn con gì cũng có thể làm cho Thuần sợ hãi. Đọc một bài hơi dài hay phải đi lên bảng để làm tính, đối với nàng đều là những cực hình. Một lời mắng nhẹ, một cái cau mày của bà giáo, một câu chế nhạo của học trò, cũng làm cho nàng tái mặt. Bà Thông đành để cho Thuần ở nhà. Thỉnh thoảng, lúc nào Xương được rảnh tay thì nàng lại đọc cho em một bài ám tả, hay luyện cho nàng vài bài tính ngắn.

Còn thì suốt ngày người ta để mặc cho Thuần đi theo u ái vào trong bếp nhặt rau, hay chơi đùa với lũ mèo con mới đẻ. Không bao giờ Thuần theo các chị đi chơi đâu cả. Thiếu nữ như không bao giờ muốn đi xa cái nhà nhỏ của mình. Nàng yêu những cây cảnh trong vườn cũng như những đứa con nhà nghèo bên hàng xóm. Nàng mang những quần áo cũ và đồ chơi hay bánh kẹo của mình cho chúng. Nhiều khi, người ta thấy Thuần ngồi kiên nhẫn trong một xó nào đấy để vá víu lại manh áo cũ của một con búp bê què quặt. Buổi chiều, người ta thường thấy Thuần ngồi đan ở cửa để chờ ba chị ở ngoài về, hay chờ cái bóng của bà Thông hiện ra ở đầu phố, với cái dáng đi tất tưởi của những bà mẹ già sớm vì sự lo phiền về cái êm ấm của gia đình. Và khi bóng tối đã trùm lên thành phố, thì mọi người đều đã có mặt ở trong nhà. ánh đèn tuy không lấy gì làm rực rỡ như ánh điện ở các nhà giàu hay các cửa hiệu, nhưng đó là sự dịu dàng rót vào lòng tất cả mọi người. Ai ai cũng thấy yên ổn vì được sống chung quanh những người thân. Ai ai cũng thấy lòng nở ra như những cánh hoa nở khi trời đã tối. Người ta thấy rằng giàu nghèo ở đời không đáng quan tâm bằng sự được sum họp yên lành dưới mái gia đình. Bà Thông không thấy lo ngại mấy nữa, khi bà đã ngồi bên bốn người con. Lúc bấy giờ tất cả nhà đều chỉ còn nghĩ đến ông Thông ở Hà Giang. Mẹ con đều nhắc nhở đến người vắng mặt. Và người ta lo rằng ở Hà Giang nước độc, nhỡ ông Thông không được khỏe chăng? Nếu có một món ăn ngon thì tất cả đều cùng ý nghĩ:

- Tội nghiệp, thầy vẫn ưa ăn cái món cá kho này.

- Thầy ở trên ấy, không biết ăn có được ngon không?

- Chắc thầy thấy chúng ta nhắc, thế nào cũng nóng ruột. Những ý nghĩ như thế thường làm cho Thịnh và ái cảm động, nếu phải hôm hai cô không học thuộc bài hay phải phạt. Còn Thuần thì mãi mới lên tiếng góp:

- Em sẽ đan cho thầy một cái khăn quàng và một đôi tất. Nói xong, Thuần đỏ mặt, bẽn lẽn nhìn tất cả mọi người, tự cho mình là táo bạo. Cả nhà nói đến ông Thông làm như ông Thông ở bên mình họ. Một đôi khi nếu có một cái thư từ chỗ ông làm việc gửi về thì cả nhà cho là một sự long trọng, cần phải ngồi sát vào nhau mà đọc. Cũng có lần bức thư của người cha làm cho cả nhà cùng khóc. Nhưng đó là thứ nước mắt thiêng liêng, cần phải rỏ, cho đời người có ý nghĩa thêm ra. Giọt nước mắt của những kẻ quên cảnh yên vui của mình để nghĩ đến người xa xôi trơ trọi. Tiếng xe cộ bên ngoài, tiếng hàng quà rao đêm, tiếng gì cũng không lấn át được tiếng đập của những trái tim hòa chung một điệu, dưới đèn.

Mùi nước chè vối thơm bốc lên trong ấm. Cửa đã đóng kỹ càng rồi. U ái có thể lên ngồi cùng bà Thông và bốn cô con gái như một người ruột thịt. Trong cái gia đình cũ kỹ này, u ái đã nuôi ái từ ngày mới đẻ. Không ai bằng lòng cho người đầy tớ trung thành kia trở về làng. Người ta giữ u như giữ một người đã có địa vị vĩnh viễn trong lòng tất cả mọi người. U ái có thể góp vào câu chuyện thân mật của bà Thông như là chuyện nhà mình. Tuy đã nhớn, ái cũng vẫn còn làm nũng u như thuở nhỏ. ái bắt u kể chuyện, bắt u ru và hát. Bà Thông tuy phiền vì chồng ở xa và nước độc, nhưng bà cũng hả lòng khi nhớ lại rằng tất cả phố ai cũng khen bà có bốn cô con gái ngoan ngoãn.

- Cô Xương lại mới mua được cuốn truyện gì rồi đấy mợ ạ. Con Thu nó kêu ở trường cô giáo bắt được cô ả đương xem truyện trinh thám.

- Con Thu là đứa làm bộ, vì nhà nó mới giàu lên, ai chả biết. Tôi không làm bạn với những người như nó.

- Nhưng cô cũng ham tiểu thuyết vừa vừa chứ. Con gái mà đọc truyện nhiều không tốt, thầy thường nói thế. Thấy hai con sắp cãi nhau, bà Thông liền lên tiếng:

- Thôi, các cô liệu đi ngủ sớm đi, kẻo tốn dầu đèn vô ích. Tôi đi nằm nghỉ một chút đây.

Bao giờ bà Thông cũng đứng lên đi vào buồng trước. Bà đã quen tính đi ngủ sớm để dậy được sớm trước cả mọi người. Bà làm lụng suốt ngày nên tối đến cơm nước xong là thấy mỏi rần lưng. Những lần sinh đẻ vất vả trong thời trẻ đã làm suy mòn sức khỏe của người đàn bà làm ăn chăm chỉ. Xương đứng lên xách giỏ nước và cơi trầu vào buồng cho mẹ. Còn lại ba chị em với u ái thì mỗi người đều nghĩ ra một việc cỏn con để vừa làm vừa trò chuyện. Thuần thì cắt một cái áo nhỏ, hay giúp u ái chẻ tăm, hay chẻ rau làm dưa. Thịnh thì giúp ái làm bài vở nhà trường, hay hai chị em cùng làm những việc thủ công tỉ mỉ mà cô giáo thường hay nhờ ái. Thì giờ cứ êm đềm trôi như vậy giữa cuộc đời của bốn cô gái cùng suýt ạoát tuổi nhau trong một gia đình nhỏ mọn, bên cạnh một người mẹ hiền từ. Cứ cuối tháng ông Thông ở Hà Giang gửi tiền lương về cho cả nhà. ông chỉ giữ lại cho ông vừa đủ ăn tiêu, không muốn để thừa một đồng nào, e vợ con ở nhà sẽ thiếu.

Đã lâu, ông biết rằng gia đình ông nhiều phen túng quẫn, chỉ vì lương ông có hạn, mà con cái thì ngày một lớn dần. Trong thư lần nào ông cũng tỏ vẻ lo ngại là mình phải xa các con mà cảnh nhà thì eo hẹp. Nhưng có một điều chắc chắn là dẫu sao ông cũng lấy làm tự phụ vì đã có người vợ đảm đang, với một đàn con mà ông vẫn gọi rất xứng đáng là "chuỗi ngọc quý" của ông. Mỗi lần nhận được thư của các con, ông tưởng như được trông thấy mắt bốn người con gái, với tiếng cười, giọng nói trẻ trung của họ. Lòng ông tức thì sáng hẳn lên. ông quên hết ưu phiền, nhọc mệt. Đồng hồ ở nhà thờ trong tỉnh đánh 10 giờ. Những tiếng động ngoài đường đã thưa thớt. Gió đập tầu cau vào mái nhà như có người cầm chổi quét. Có tiếng mọt gặm trong một cái tủ đựng đồ ăn. Xương gọi Thuần vào buồng ngủ chung của bốn người. Nàng vẫn ưa nằm chung với Thuần một giường từ bé. U ái cũng thu xếp việc và cầm đèn xuống bếp. Trong buồng ngủ của bốn người chỉ còn một ngọn đèn hoa kỳ nhỏ cháy tù mù. Đêm nào Xương cũng không quên thắp nó lên, như người ta săn sóc đến một người bạn giữ phần hạnh phúc của gia đình. Chiếc đèn nhỏ cháy nhấp nháy như một con mắt lúc nào cũng mở để canh cho giấc ngủ của mọi người được yên lành. Trong đêm khuya vắng, đó là cái linh hồn giản dị và tốt lành của nhà cửa hiện ra ở cạnh ta. Một đôi khi người ta quên khép cánh cửa sổ trông ra đường cái. Thì chính Xương lại phải ngồi lên đi khép cửa. Đêm về khuya, nếu trời lạnh, em Thuần có thể ho chăng? Hay nếu trời nổi cơn giông thì gian buồng sẽ bị nước mưa hắt ướt. Xương như là một người chị, lúc nào cũng phải để tâm đến các em. Nàng thường có nét ưu tư trên trán như một người trải đời đứng tuổi. Nhưng tại sao Xương hay đứng lâu bên cửa sổ, và nhìn ra đường để làm gì? Các chị em vẫn thường hỏi vậy, trong khi mắt đã gần ríu lại vì buồn ngủ. Xương vẫn là một thiếu nữ kỳ quặc nhất nhà. Điều đó ai cũng biết.

Có lẽ vì Xương đã đọc nhiều truyện quá rồi sinh ra khác tính đi chăng? Không một ai biết rằng Xương vẫn thường đứng bên cửa sổ để nhìn lên một cái cửa sổ khác có ánh đèn, ở nhà xế cửa.

Như người ta đã thấy, không có gì giản dị hơn cuộc đời của mấy mẹ con bà Thông trong cái tỉnh nhỏ êm đềm kia. Và cũng không có gì trong sạch hơn trái tim của bốn cô thiếu nữ. Buổi sáng mai ngủ dậy, gian buồng của bốn cô đã đầy những tiếng cười và ánh sáng. Bà Thông không muốn để cho con mình quen tính ngủ trưa, nên từ lâu đã tập cho họ dậy sớm như gà. Chỉ có Thịnh và ái là bao giờ cũng cố nằm rốn lại năm ba phút để được cuộn tròn trong hơi ấm của chiếu chăn. Nhưng u già ái đã đến kia. U phát mạnh vào các cô, và lôi các cô ngồi thẳng lên, như người ta phải xử tệ với những cậu học trò lười biếng.

Nhiều khi Xương cũng phụ vào một tay, Xương cầm một chiếc gối bông ném vào đầu hai người, hoặc lôi mất chăn đắp trên người. Thế là cả bốn chị em đuổi nhau khắp gian buồng, cho đến khi nghe tiếng bà Thông gọi mới thôi. Thuần không mấy khi dự vào cuộc chơi đùa của các chị em. Thường gà ở chuồng nhà lên tiếng gáy thì nàng đã đi ra sân múc nước rửa mặt, chứ không đợi cho u già phải hầu mình. Nàng đi xuống bếp xem nồi cháo sáng của bà Thông có được ngon không. Hay nàng bước ra vườn giúp mẹ tưới mấy luống rau thơm. Vả lại Thuần cũng còn mấy cây hoa của mình nữa. Nàng chăm nom những cây hoa của nàng cũng âu yếm như nàng đã chăm nom những con mèo nhỏ đáng yêu. Thỉnh thoảng trong nhà có việc vui mừng hay giỗ chạp gì, thì trên bàn ăn hay trong buồng của bốn chị em, người ta lại thấy vài bông hoa tươi của Thuần mới hái xinh đẹp như màu hồng trên môi đứa trẻ con. Cả nhà đều biết tính Thuần ưa thích những cái "nên thơ" như vậy, nên ai cũng có vẻ kính trọng người con gái nhỏ. Những con mèo của nàng, những cây hoa của nàng đều được mọi người kính trọng như nàng. Và u ái thường nói đùa Thuần là ngày sau lấy chồng, nàng phải lấy một người đàn ông thực là lịch sự và ý tứ. Nhưng Thuần đã đỏ mặt lên ngay, và trả lời u ái:

- Thuần không bao giờ lấy chồng đâu u ái ạ. Thuần sẽ ở mãi trong nhà này với mẹ và các chị cũng giống như u ái ở suốt đời với mẹ và các chị.

*

* *


Những ngày thứ năm, chủ nhật hay nghỉ lễ, Xương thường phải đến chơi nhà cô Cả ở cách nhà cũng không xa. Cô cả là chị ruột ông Thông. Bà rất giàu, nhưng góa chồng đã lâu và không con cái. Tính bà rất khắc nghiệt, nên bốn cô cháu gái cũng không ưa lắm. Mặc dầu thế, bao giờ bảo con sang thăm cô, bà Thông cũng cho con mang hoa quả hay quà bánh gì sang biếu chị chồng. ông Thông lúc phải đổi đi xa có dặn chị thỉnh thoảng sang với vợ con mình và trông qua nhà cửa xem bà cô có điều gì cần giúp đỡ thì giúp đỡ. Nhưng đó là ông nói lấy lòng chị mà thôi. ông vẫn biết tính chị mình keo kiệt và bẳn gắt. Tuy nhà nghèo, nhưng chưa bao giờ ông ngỏ ý gì nhờ vả hay vay mượn chị. Có lẽ vì thế mà bà Cả lại càng tức tối. Bà biết mình trơ trọi mặc dầu có của, bà chỉ còn có em và các cháu là những người thân thuộc ở trong cái tỉnh của mình. Những người đó lại không có ý gì thiết tha đến của cải của mình để phải khuất phục mình.

Bởi vậy, những lần bà Cả đến là bà Thông cùng các con phải khổ sở vì những lời đay nghiến của bà. Bà kêu ông Thông sở dĩ phải chịu túng nghèo là vì vợ con chỉ toàn những kẻ nhàn rỗi, không biết lo toan hay buôn bán làm ăn thêm, chỉ trông vào món lương tháng của ông Thông. Bà kêu Xương đã nhớn rồi mà ăn mặc không gọn gàng, đi đứng nói cười không ý tứ, như những con nhà không ai dạy bảo. Thế nhưng, không ai lấy thế làm điều cả. ông Thông đã dặn vợ con là dẫu sao cũng nên nhịn cô đi. Cô đã có tuổi, vì không con cái nên cô buồn bã mà sinh khó tính. Chỉ còn có hai chị em ở trên đời, người ta phải ăn ở cho phải đạo. ông Thông là người cổ, vợ ông cũng thuộc về một gia đình lễ giáo, nên những lời ông căn dặn ở nhà đều nghe theo. Bà Cả tha hồ muốn nói gì thì nói. Lâu dần không ai cho là quan trọng nữa. Người ta lại lấy thế làm vui vui. Mỗi lần bà cô đi rồi thì bốn chị em lại ôm nhau cười rúc rích. Xương thường bắt chước dáng điệu của cô để làm trò cho cả nhà cười. Nhưng khi Xương phải đến nhà cô thì khác hẳn. Nàng cho là không còn có sự bực bội nào hơn nữa. Bà Cả có khi bắt Xương phải nấu nướng cho bà ăn hay lau cửa lau nhà như một con ở. Bà bẻ hành bẻ tỏi như chính mình đẻ ra Xương. Bà bảo Xương hư vì bà Thông không biết dạy con dạy cái. Xương là một thiếu nữ nhẫn nại đã từng xốc vác từ bé, nên có thể nói là cả nhà chỉ có một mình nàng chịu đựng được cô. Nàng lại nhanh tay nhanh chân hơn tất cả, nên chẳng bao lâu bà Cả xem chừng có ý mến Xương hơn tất cả. Những lần bà đi lễ, đi trảy hội chùa xa với các bạn già, bà thường giao phó nhà cửa cho cô cháu gái. Xương được giữ tiền nong và coi sóc, thu vén mọi việc trong nhà bà cô như một người nội trợ từng trải và đứng đắn. Bà Cả tuy mặt ngoài vẫn làm ra nghiêm nghị, nhưng trong lòng thường vẫn đinh ninh rằng nội các cháu mình chỉ có Xương là đáng cho bà để ý sau này. Mỗi khi trái gió giở trời bà Cả chỉ cho gọi có Xương sang hầu hạ, đấm bóp hay đọc truyện cho bà nghe. Trong gian nhà sạch sẽ như lá và ngăn nắp, như phần nhiều nhà các cụ già, tiếng Xương đọc truyện vang lên rõ ràng, chậm chạp. Bà Cả không thích Xương đọc láu táu như ăn cướp chữ, bởi vì mỗi lần đọc nhanh như vậy là Xương bỏ quãng từng đoạn một, chẳng còn hiểu ra sao được nữa. Xương bỏ quãng cho chóng xong, để xin phép cô về, vì thiếu nữ cho là ở đời không có công việc gì khó chịu hơn là việc đọc truyện hầu một bà già như vậy. Ngày giờ hóa ra chậm chạp quá chừng. Chiếc đồng hồ cổ thỉnh thoảng đánh lên vài tiếng buồn rầu như linh hồn các người già lão. Bà Cả ngáp. Những vai trong truyện Mạnh Lệ Quân, Thủy Hử, song phượng Kỳ duyên cũng hóa ra uể oải theo giọng đọc uể oải của cô thiếu nữ tinh ranh. Bà Cả dần dần nhắm mắt thiu thiu ngủ. Thế rồi, đến khi nghe bà cô ngáy to lên là Xương đọc thấp giọng dần dần đi, như ru ngủ, rồi Xương lùi rất nhẹ ra đường. Lúc bấy giờ nàng mới khoan khoái thở ra một hơi dài như cất một gánh nặng. Và khi thuật lại cho các chị em ở nhà nghe thì ai cũng rùng mình.

Số phận của Xương là như vậy. Hình như trong gia đình có việc gì khó khăn nặng nhọc là Xương phải giơ vai ra hứng lấy, còn mọi người thì cứ việc sống trong sự an vui rất dễ dàng. Ngày giờ cứ qua đi như vậy. Thú gia đình hòa thuận. Tình mẹ con đầm ấm hôm mai. Đấy là hạnh phúc rất đơn giản của hạng người lương thiện. Những người đàn bà trong tỉnh nhỏ này mỗi lúc lên đèn lại càng thấy rằng mỗi ngày sợi dây thiêng liêng mầu nhiệm của tình thân ái cứ buộc chặt thêm người cùng máu mủ vào nhau, tưởng không có tai nạn gì trên đời chia rẽ được. Và trong thâm tâm của mỗi người đều có một tin tưởng vững bền về sự vĩnh viễn của những ngày vui trong suốt như da trời xanh giữa trưa hè không vẩn màu giông tố. Nhưng cứ mỗi đêm đóng cửa sổ để lên giường, Xương vẫn nhìn lên cái cửa sổ ở nhà xế cửa.

Có khi Thuần tưởng là chị mình đứng như vậy để lắng nghe một tiếng dế vọng vào phòng từ bãi cỏ um tùm mọc ở hè đường, có khi nàng nghĩ rằng Xương mơ màng đến những người trong cuốn tiểu thuyết mà nàng vừa mua giấu chị em nhà để đọc trong những giờ trưa nàng không ngủ. Nhưng không phải, ở trong khung cửa sổ nhà xế cửa thường thường có bóng dáng một người con trai đương tuổi lớn lên qua lại. Cả nhà đã biết đó là ai, nhưng không một ai để ý, trừ Xương ra. Bóng người con trai mỏng mảnh như thân hình một người thiếu nữ ốm yếu vì không bao giờ rời khỏi phòng mình. Người con trai đó là Hòa. Bốn cô thiếu nữ vẫn thường nghe tiếng cụ án gọi đến cái tên này những buổi sáng mai khi cụ thức dậy đi thơ thẩn trong vườn hoa của cụ. Hòa là cháu nội cụ. Nhưng Hòa không còn cha mẹ nữa. Chàng ra đời thì cả cha và mẹ đã theo nhau sang bên kia cõi đời. Chàng là kết quả của một tình yêu vụng trộm và bất hạnh. Cụ án là một người cha nghiêm khắc. Cụ không thể nào chấp nhận được việc người con trai độc nhất của cụ, ông Hoàng Mai lại đi mê một người đào hát và nhất quyết lấy nàng làm vợ. Người con nối dõi tông đường, nối dõi một thế gia lệnh tộc! Cụ đuổi ông Mai ra khỏi cửa nhà. Người đào hát đã đẻ được một đứa con trai trong khi đôi tình nhân mang nhau đi nương náu ở một tỉnh xa về miền thượng du. Đứa con ra đời thì người đàn bà vì kham khổ, vì khí hậu không quen, đau ốm mà từ trần. Người con cụ án thất vọng, chết theo người yêu dấu. Hòa còn một mình ở trên đời. Một người từ thiện thương tình cứu vớt đứa hài nhi vô tội. Hòa lớn lên trong cảnh chia lìa tan tác, nhưng chẳng bao lâu cụ án đổi lòng hối hận. Cụ thương thân mình cô độc lúc tuổi già. Cụ sai người đi tìm cho được Hòa về. Đã bao nhiêu năm đứa cháu sống bên cạnh ông nội, nhưng mà vẫn có một cái gì cách biệt hai người. Cụ án vẫn không quên được rằng vì người đào hát mà con trai mình tự tử. Cụ ghét lây cả đứa con của người đào hát. Cụ sống một mình trong một nếp nhà rộng lớn như một con gấu dữ. Hòa thuộc về loại những đứa bé đã đoán biết được cái thống khổ của cuộc đời, từ khi mới lọt lòng. Nét mặt người con trai có vẻ buồn lạnh như nét mặt những người suốt đời giữ một mối tang ở trong lòng. Chàng không hiểu biết vì sao ông mình lại ghẻ lạnh với mình. Và chàng sợ ông như sợ một người xa lạ mà mình không thuộc tính tình. Chàng thui thủi trong ngôi nhà rộng không bạn bè. Những ngày tháng ở trong nếp nhà cụ án là những ngày tiêu điều tẻ ngắt. Một già một trẻ sống với nhau trong đó, không những xa nhau, mà xa cả người đời. Hàng phố không ai còn lạ câu chuyện bi thương xảy ra trong gia đình cụ.

Buổi chiều, những người dân trong tỉnh Hà Nam đi qua nhà cụ án, nếu họ trông thấy cụ chống gậy đi lững thững trong vườn nhà, là họ thì thầm nhắc lại cho nhau nghe câu chuyện cũ. Bốn người thiếu nữ cũng đã nhiều lần nghe u ái và bà Thông nói chuyện với nhau về người cháu sẽ hưởng gia tài của cụ án. Mọi người thường thở dài, hình như cũng cảm động về những sự không may xảy ra cho gia đình cụ án. Bên kia đường là sự phú quý, là quyền thế, là danh giá, nhưng dưới mái nhà không có tiếng cười, không có sự sum họp, như dưới mái nhà bốn cô thiếu nữ thơ ngây sống cạnh mẹ và người đày tớ cũ.

Hòa thường đứng trên sàn gác nhà ông mà buồn rầu nhìn sang vườn nhà bà Thông trước cửa với một tấm lòng khao khát, thèm thuồng. Bên này, mấy người con gái cũng thường chỉ sang nhà cụ án và đoán thầm rằng trong đó hẳn có nhiều bảo vật và nhiều thức quý giá nhìn không chán mắt. Chỉ có một mình Xương là nghĩ tội nghiệp cho người con trai đương tuổi nhớn lên mà bị giam cầm trong một gian nhà đẹp quá, nhưng mà vắng quá! Sự đó cũng không lấy gì làm lạ. Xương là một người con gái tinh ranh nghịch ngợm như con trai. Nàng không thể tưởng tượng rằng người ta có thể sống một cách vô vị và âm thầm như vậy trên đời được. Một người con trai phải có bạn bè, phải được đi đây đi đó chứ không thể cứ ru rú cả ngày với một người thầy giáo trong nhà như Hòa được. Xương nghĩ thầm như vậy. Và đêm đêm trước khi đi ngủ nàng lại đứng bên cửa sổ mà nhìn sang cửa sổ nhà Hòa. Trong tâm nàng đã có một mối thiện cảm êm đềm cho cái bóng người con trai mảnh dẻ và đơn độc đứng lặng im ở trong khung cửa sáng đèn.

Những ngày hè oi ả tới, mang theo tiếng ve sầu, làm nóng ruột những cô học trò đương mong được nghỉ. Và làm cho các thí sinh nhỏ tuổi trong tỉnh hóa ra đứng đắn. Trên bờ sông Châu, một vài cành phượng vì đã nặng những bông hoa sắc lửa. Tơ bông gạo bay trong không trung và rụng trắng cả cỏ xanh. Chẳng bao lâu đã đến ngày đóng cửa trường. Nhờ dịp ấy Thịnh, Xương, Thuần, ái, bốn cô thiếu nữ con bà Thông đã làm quen được với Hòa cháu trai ông cụ án. Hàng năm trong tỉnh vẫn có cuộc phát phần thưởng long trọng chung cho cả hai trường nam nữ. Về dịp đó bao giờ người ta cũng nghĩ đến cụ án, bởi năm nào cụ cũng gửi sách vở giấy bút tặng học trò nghèo mà thi đỗ hay chăm học, năm nay phần thưởng của cụ án lại to hơn, bởi vì cụ có cháu học ở trường. Trong đời cụ án có dễ chỉ lần này là cụ được vui lòng. Nhưng ông già kín đáo vẫn làm ra gắt gỏng. Mãi hôm đến chứng kiến cuộc phát thưởng, người ta mới thấy cụ nở một nụ cười. Nụ cười của con người ta đã nở thì nó cũng như một bông hoa nở. Nó làm thơm cả chung quanh và dễ chịu cho cả chung quanh. Cụ án ngồi nhìn cháu ôm chồng sách kiêu hãnh như chính mình trẻ lại và đương là một cậu học trò trẻ tuổi đi lĩnh thưởng để nghỉ hè.

Giữa lúc đó thì người ta gọi đến tên Xương. Tất cả mọi người đều nhìn lại phía người con gái thứ hai của bà Thông. Xương được thưởng về gần đủ môn, và cũng đỗ như Hòa. Xương bước lên lĩnh thưởng, dáng điệu rất tự nhiên. Nàng không cảm động, không thẹn thùng đỏ mặt như phần nhiều các cô gái khác. Nhưng thực tình, Xương cũng hơi kiêu hãnh, bởi vì Thịnh cũng đỗ và ái cũng được thưởng rất nhiều sách vở. Ba chị em mỗi người một vẻ, làm cho mọi người bàn tán và chỉ trỏ. Cụ án cũng để ý đến Xương như tất cả mọi người. Hòa thấy ông nhìn về phía ba chị em Xương thì vội ghé vào tai ông nói thầm vài tiếng.
Cụ án mở to mắt ra dáng ngạc nhiên. Cụ không ngờ những người con gái đáng yêu kia lại chính là những người con gái bà Thông, ở nhà trước cửa. Thế rồi đột nhiên cụ nhớ lại cái đời sống cô độc và ích kỷ của mình bấy lâu nay. Cái sống của con sâu nằm trong tổ kia, không dự gì đến cuộc đời ở bên ngoài. Cái sống của những người không sống, của những người chỉ thiết tha đến cái đau thương hay cái hạnh phúc riêng của mình thôi. Cuộc phát thưởng đã xong. Hai ông cháu ra về cùng hể hả. Đó là lần đầu, Hòa thấy không sợ ông. Người con trai thấy mình thở được dễ dàng, cử động được dễ dàng hơn mọi bữa. Nỗi vui sướng của tuổi thanh xuân đầy há vọng mới ca hát lên trong lòng chàng. Hòa lấy làm lạ rằng cuộc đời tưng bừng đẹp đẽ như vậy, mà đã bao năm hai ông cháu không được hưởng. Cả cụ án cũng vừa đi vừa nghĩ thầm như thế. Những học trò ăn mặc sạch sẽ tản mác mỗi bọn đi về một ngả. Cái thành phố nhỏ như trở nên mới mẻ, và chứa đựng một linh hồn vui trẻ của học trò. Hòa đi bên cạnh ông đã nghĩ đến những mộng cao xa mà mình ấp ủ từ lâu. Chàng sẽ đi Hà Nội. Chàng sẽ được học ở những trường học to lớn và có danh tiếng. Chàng biết rồi chàng sẽ còn đi xa lắm. Chàng sẽ bước vào nhiều lớp cửa đời khó khăn, nhưng trong lòng chàng sẽ không bao giờ nản. Hòa ôm chặt bó sách thưởng vào ngực, ngước mắt nhìn những con chim sẻ nhảy nhót trên cây.

Chàng thấy tự phút này, đã có một sự gì đổi khác trong mình rồi. Hòa không còn là đứa trẻ sợ sệt và rầu rĩ ở trong phòng học của mình như một cành cây héo nữa. Về gần chỗ ngã ba đường rẽ đến phố nhà thì Hòa và cụ án trông thấy Xương đương đánh rơi sách thưởng xuống đường và đương ngồi xệp ở hè đường mà buộc lại. Chiếc áo trắng của nàng nhàu nát và hoen bẩn. Guốc của Xương cũng đã đứt quai. Nhưng không sao, Xương xách nó lủng lẳng trên tay như không có chuyện gì đáng ngại cả. Cụ án và Hòa thấy Thịnh đương nhăn nhó vì thấy Xương ngồi cả xuống đường làm cho khách đi đường để ý. Khi cụ án đến gần ba chị em thì Thịnh lại càng thấy bực mình hơn. Nhưng Xương vừa thoáng trông thấy Hòa đã vội vàng đứng dậy. Nàng phủi bụi ở quần áo, luống cuống, làm cho Hòa phải che miệng suýt cười. Cụ án vui vẻ nói:

- Các cô còn ở đây ư? Tôi có nhời mừng cụ Phán, về bảo thế nhá! Các cô học giỏi và ngoan lắm! Tôi khen đó. Ba chị em Xương đều sửng sốt. Họ không biết đáp lại thế nào cả, nên đều nói cùng một lúc:

-Vâng ạ. Cụ án chỉ Xương nói tiếp:

- Cô này đầu lòng phải không? Trông giống ông nội lắm. Các cô không rõ! ông nội các cô ngày xưa là học trò ông đẻ ra tôi. Cụ ngừng một lát để cười khà khà rồi lại nói:
- Ông cụ Huyện đẻ ra tôi ngày xưa dạy chữ nho. Mà ông nội các cô học chữ nho cũng giỏi như các cô bây giờ học chữ Tây. Con nhà nòi có khác. Cụ nói xong thì đi lại gần Xương và vuốt tóc nàng. Xương vội nói:

- Thưa cụ, con là thứ hai ạ. Chị Thịnh con đây mới là đầu lòng. Chị con không bằng lòng cho con ngồi xuống đất, bởi vì ngồi như thế không có vẻ là người "đài các" ạ. ông cụ án và Hòa không hiểu ra sao cả, cùng cười. Nhưng Thịnh và ái thì lo sợ quá. Xưa nay, ai cũng bảo cụ án là nghiêm khắc, là dữ tợn. Thế mà Xương dám nói đùa với cụ. Hai thiếu nữ vội vàng nắm tay Xương ra hiệu cho Xương đừng nói nữa. Cụ án gần đi còn quay lại bảo:

- Chắc ông phán được tin các cô học giỏi thế thì phải vui lòng lắm.

Rồi cụ âu yếm nhìn đứa cháu mà lâu nay cụ vẫn thương thầm cho cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ... Hòa vừa đi vừa quay lại nhìn ba người con gái ở nhà trước cửa. Chàng định nói nhiều điều quá khi mới nhìn thấy họ. Nhưng không hiểu sao, chàng chỉ cười, không nói được điều gì. Có lẽ vì có ông ở đấy nên chàng không nói được. Nhất là đối với Xương thì Hòa lại càng muốn nói nhiều điều hơn nữa. Xương, người con gái vẫn thường đứng ở cửa sổ mà nhìn lên cửa sổ của chàng với một đôi mắt hiền từ đầy thiện cảm. Không hiểu sao, Hòa cho rằng trong bốn người con của bà Thông, chỉ có Xương là người hiểu được cảnh ngộ mình hơn cả. Hòa vẫn đinh ninh rằng những nỗi buồn rầu, đau khổ của mình nếu một ngày kia có phải nói ra với một người nào, thì người đó phải là Xương. Vậy mà hôm nay, gặp được dịp may mắn nhất để nói với Xương và hỏi han chị em Xương một vài câu gì đó, thì Hòa quên khuấy ngay đi. Và rồi Hòa đi thẳng với ông. Cả ngày hôm đó, chàng buồn như đã đánh mất một thứ gì quý giá trên đời, mà không có dịp tìm ra được nữa.

o0o

Trái lại, ở nhà bà Thông thì thực là một ngày đại hội. Bà Thông thấy các con mình ngoan thế, đã đi chợ từ sáng sớm. Bà nấu chè, xếp đầy hoa quả vào giỏ mây của các con. Thuần cũng dậy sớm và đã cắm đầy hoa vào các lọ độc bình. Cả nhà ăn tiệc mừng hai cô thi đỗ và một cô được lên lớp nhất. Riêng Thuần biết rằng mình chẳng bao giờ lên lớp hay thi đỗ gì được cả. Nhưng, tin mừng đến cũng làm cho cô gái ít tuổi nhất nhà thấy nao nao trong dạ. Nàng không thấy nảy ra sự ghen tị gì hay tức tối gì đối với chị em mình. Nàng chỉ thấy càng yêu thêm mọi người ở trong nhà. Và lại càng lo sợ rằng hạnh phúc đã đến nhà mình nhiều quá, nhiều quá sức mình mang nổi. Nhưng khi Thuần nghe ái và Thịnh thuật lại việc gặp cụ án và Hòa ở dọc đường, thì nàng mới cho đó là việc lạ lùng hết sức. Thuần bao giờ cũng vẫn là người sợ cụ án nhất nhà. Từ thuở bé, nàng đã nghe mọi người chung quanh thì thầm những sự dị kỳ về cụ án. Cụ án là một người dữ tợn. Cụ án là một người ác đức. Cụ án đã làm cho vợ chồng người con trai cụ phải đem nhau đi, và chết ở xứ xa. Cụ án không ưa gì đứa cháu trai của cụ. Thuần vẫn yên trí là một người như cụ án thì không ai dám tới gần. Vậy mà Xương đã dám trêu cụ án. Thuần nhìn chị bằng đôi mắt kính phục khác mọi ngày. Và nàng lại khám phá ra rằng người chị thứ hai của mình hễ gần ai, thì người ấy tức thì yêu thích. Xương đáng lẽ là đàn ông mới phải.

Nàng sống một cách dễ dàng. Không có sự gì là quan trọng đối với người con gái ấy. Thuần nghĩ thầm như vậy, và nàng cho rằng nếu trong gia đình của bốn chị em, giá Xương là con trai, thì mọi người không còn phải lo ngại gì hết nữa. ông Thông có thể đi Hà Giang hay đi xứ nào rất xa xôi trong suốt một đời người cũng được. Giữa lúc cả nhà đương ăn cơm vui vẻ, thì một đứa ở bên nhà cụ án cầm một mảnh giấy đưa sang. Cả nhà không hiểu ra sao, đều buông đũa ngồi im lặng. Xương chạy ra cửa, cầm lấy tờ giấy ở tay đứa ở nhà cụ án, và nàng đọc to lên cho mọi người nghe: Bà Phán, "ạng cụ đẻ ra ông Phán xưa kia là học trò ông cụ đẻ ra tôi. Đáng lẽ tôi cũng năng đi lại với những người quen thân mới phải. Nhưng đã bao lâu tôi buồn rầu vì chuyện nhà, nên không muốn đi đâu cả. "Ngày mai là ngày giỗ cậu thằng Hòa. Giá ông Phán ở nhà, thì thế nào cũng mời ông sang uống với tôi một chén rượu. Nhưng ông đi vắng thì bà cho phép các cô sang chơi một lát. Tôi đã sửa tiệc mừng cháu Hòa thi đỗ. Và tôi cũng muốn thưởng thêm các cô con gái đáng yêu và học giỏi của bà. Nghỉ hè này, tôi vẫn nhờ ông giáo Phúc dạy thêm cho cháu Hòa. Bà nên cho các con sang tôi học thêm cho mát mẻ. "Lòng tôi thành thực, bà thuận cho như thế thì vui vẻ lắm. Nhà tôi rộng rãi và rất neo người. Các cô sang học sẽ tha hồ chạy nhảy trong vườn. Nay kính.

Bức thư của cụ án đã làm cho hai nhà bỗng chốc trở nên thân mật. Và cả đến Thuần là người sợ cụ án nhất nhà, bây giờ cũng đã dám thỉnh thoảng mang quà sang biếu cụ. Khi thì bà Thông bảo Thuần nấu mấy bát chè, khi thì bà bắt các con làm vài thứ bánh mang sang cụ án. Mỗi lần nhận được quà là cụ án lại sai người nhà mang biếu lại bà Thông một gói chè hay một vài thứ hoa quả gì mà các người đi Hà Nội về thường mua cho cụ. Nhưng chỉ có Hòa là thấy mình sung sướng nhất. Đương là đứa trẻ mồ côi sống lặng lẽ trong một ngôi nhà rộng quá, bây giờ có bạn, Hòa mới nhận ra rằng người đời nếu không đoàn tụ, nếu không chia được cái vui cái khổ cùng nhau, thì những ngày tháng trở nên dài rỗng, nặng nề, vô vị. Gian phòng học âm u của Hòa bây giờ mở cửa suốt ngày, và suốt ngày vang lên những tiếng cười nói của mấy cô thiếu nữ. ông giáo Phúc là một người có họ xa với cụ án, hết sức luyện tập cho mọi người trong mấy tháng nghỉ hè.

Bởi vậy cả Hòa và Xương, ái, Thịnh đều tấn tới lạ lùng. Sự đó cũng nhờ Phúc là một ông giáo vui vẻ đương còn trẻ tuổi. Thầy trò cũng tương đắc như anh em một nhà nên cái không khí ở nhà cụ án thực là dễ chịu khác xưa. Những hôm nghỉ học, cả đoàn đã đem nhau đi chơi các vùng nhà quê gần tỉnh. Hay họ đi ra bờ sông Châu nhìn những mảng bèo nhật bản, những chiếc thuyền trôi lơ lửng theo dòng nước. Hôm nào ở nhà thì cả bọn lại ra ao sen câu cá, hái roi hay chạy nhảy trong vườn.

Cái vườn của cụ án không thiếu thức hoa quả gì, tha hồ cho mấy cô con gái bà Thông đùa nghịch leo trèo thỏa thích. Thuần tuy vẫn ở nhà với bà Thông và u ái, không theo học nữa, nhưng thỉnh thoảng cũng dự vào cuộc chơi đùa của chị em ở trong vườn nhà cụ án. Cụ án cũng biết rằng tính Thuần rút rát, nên cụ thường tránh đi chỗ khác mỗi lần thấy bóng Thuần ở nhà mình. Cụ biết rằng một cái nhà trật tự quá, một cái nhà mà người ông hay người cha nghiêm khắc quá, thì không bao giờ được nghe những tiếng cười của lũ trẻ. Thực là một sự lạ lùng! Những tiếng cười của những cô gái ở nhà trước cửa đã làm đổi tính được một người già khó tính như cụ án, và làm cho đôi má của Hòa hóa hồng hào. Cụ án mỗi lần nhìn cháu lại thấy mắt người con trai lóng lánh thêm lên. Dáng điệu của Hòa thành rắn rỏi, không phải là dáng điệu ẻo lả của một người ốm nữa. Cụ án thấy cháu mình thành thực sung sướng giữa thầy học và bạn hữu. Lòng cụ hơi thắt lại vì cảm động. Nhiều lần cụ tự hỏi có phải xưa kia mình đã bất công và độc ác đối với đứa cháu của mình chăng? Nhưng, một người già hơn sáu mươi tuổi rồi thì làm sao hiểu được tính tình một đứa con trai mười tám tuổi đầu? Vả lại, cảnh cụ cũng thật là bi đát. Hòa không hiểu rõ hết được sự thể ra sao, nhưng chàng đã đoán được từ bé rằng cái tình của ông -người đàn ông độc nhất ở đời mà mình có bổn phận phải yêu - đối với mình có một vẻ gì gượng gạo. Mỗi lần chàng nhìn vào mắt ông thì chàng nhận ra ngay điều đó. Còn cụ án mỗi lần nhìn vào mặt cháu lại nhớ đến nét mặt đứa con trai và nét mặt người đào hát, nhất là nét mặt đáng ghét của người đào hát.

Cụ thấy rằng Hòa tuy giống bố ở dáng người cao, vai rộng, cái cằm khỏe mạnh, cái trán cao, nhưng vành môi và miệng thì có vẻ mềm mại quá. Rõ ràng đó là cái miệng của người mẹ mà cụ yên trí là lẳng lơ mất nết. Đã vậy dáng điệu của Hòa lại không có vẻ đàn ông cứng cáp như cụ muốn. Cả dòng họ cụ, người đàn ông nào cũng hiên ngang khảng khái. Cụ không chịu được rằng giọt máu của cụ lại là giọt máu yếu đuối của một dòng giống hạ tiện pha vào. Thế là, trong bao nhiêu năm, ông cháu thành ra cách biệt, tuy cùng sống với nhau dưới một mái nhà. Người con trai tự nhiên thấy sợ ông, hễ lúc nào có mặt ông thì chàng câm lặng. Hòa trốn vào buồng học của mình có khi suốt một ngày. Sự sợ sệt đó càng làm cho cụ án bực mình. Cụ không hiểu nên làm thế nào để cho Hòa quen với cụ và dần dà yêu cụ được. Vì dẫu sao đó cũng là cháu cụ. Cụ biết rằng cụ vụng về, vì thế cụ lại càng tức tối. Cụ thấy Hòa ngày một buồn rầu, kém ăn, và không bao giờ có một tiếng nói to, một nụ cười. Ngờ đâu bỗng chốc mấy cô gái nhỏ ở nhà trước cửa đi vào nhà cụ, và họ làm thay đổi hết, như là phép nhiệm mầu. Tất cả gánh dĩ vãng nặng nề trên vai cụ án rơi đổ tức thì. Cụ săn sóc đều tất cả mọi người chung quanh. Cụ đã tìm thấy hạnh phúc được sống ở đời. Cụ mừng thầm rằng cháu cụ khỏe mạnh ra, và ham học, ham chơi hơn trước.

Mà thực vậy, mỗi lần ông giáo Phúc chấm bài ông cũng ngạc nhiên thấy Hòa rất chịu khó, rất cố gắng trong sự học. Hình như trong lòng người con trai đương tuổi lớn lên đang có một nguồn há vọng dồi dào, bồng bột. Nó như một ngọn suối nhỏ đã gặp được một dòng sông chảy mạnh để cùng tìm ra bể rộng. Và mỗi buổi chiều đi bên cạnh Xương trên bờ sông, Hòa cũng thường bảo với cô bạn thân mến của mình rằng:

- Hòa muốn chiếm hết cả các bằng ở trên đời này, Xương ạ. Hòa muốn học mãi để giúp ích cho đời. Bởi vì nhiều người khổ quá! Hòa muốn tất cả mọi người sẽ bằng lòng Hòa. Hòa sẽ học và sẽ yêu... tất cả mọi người. Trong lúc Hòa nói thế thì Xương nhìn người bạn trai của mình bằng đôi mắt kính phục. Mà Xương cũng tin rằng Hòa sẽ làm được như mình đã định. ánh sáng trong đôi mắt Hòa có một cái gì vừa cương quyết vừa dịu dàng. Xương nói:

- Hòa có ông Hòa giàu như thế thì học đến đâu mà chẳng được. Sau này Hòa sẽ đi ngoại quốc học thêm, bao giờ về thì mọi người sẽ được bằng lòng và sung sướng, vì thấy Hòa sung sướng. Hòa vội trả lời:

- Không phải thế đâu, Xương ạ. Nếu ông Hòa giàu mà Hòa không được gặp chị em Xương thì chưa chắc Hòa có thích học như bây giờ không kia đấy! Hình như đã lâu, Hòa vẫn coi gia đình chị em Xương như gia đình của mình rồi. Cả trước kia cũng vậy, những hôm đứng ở gác nhìn sang nhà Xương, được chứng kiến cái cảnh hòa thuận êm ái của nhà Xương, Hòa cũng thấy vui lòng và đỡ trơ trọi. Hòa biết rằng thế nào một ngày kia, Hòa cũng được dự một phần vui ở giữa cái gia đình ấy. Hòa sẽ có một địa vị trong lòng những người mà Hòa yêu mến. Và rồi mọi người cũng sẽ yêu Hòa như vậy. Chàng ngừng một lát nhìn Xương rồi nói tiếp:

- Ngày nay đã là sự thực, Hòa thấy vang trong lòng một nỗi vui mới mẻ, dịu dàng mỗi khi trông thấy Thịnh, hay Thuần, hoặc ái chạy quanh Hòa. Cũng như trước kia, Hòa đứng trên gác nhìn sang nhà Xương mà được nghe tiếng bà Thông ở trong nhà gọi đến tên mấy chị em Xương đương chơi đùa ở trong vườn. Những cái tên Xương, Thịnh, ái, Thuần, Hòa đã nhớ rõ như chính tên mình. Nó đã vang lên vui vẻ trong lòng Hòa từ ngày Hòa đến ở với ông. Rồi Hòa kể đến cái thuở bé của mình ở miền rừng. Những ngày đó đã xa xôi quá, Hòa chỉ còn nhớ lờ mờ như chuyện đã xảy ra trong mộng. Hình như cha mẹ Hòa yêu nhau lắm. Hai người thường dắt Hòa mỗi buổi mai đi hóng mát ở trên bờ một con sông chảy giữa hai hàng núi. Nước có khi nông trông thấy cả đáy rêu xanh và cuội trắng. Hai người thường nhặt những hòn cuội cho Hòa chơi.

Thế rồi hai người cùng đi mất, Hòa sống với một gia đình xa lạ. Hòa không được yêu chiều như trước nữa. Cho đến một ngày kia ông Hòa cho người đón Hòa về. Những chuyện đó đã làm cho chị em Xương cảm động, và vì thế họ càng thương người bạn trai của họ. Tình bạn hữu giữa mấy thiếu niên càng ngày càng thêm khăng khít. Và trong bức thư nào gửi đi Hà Giang cho ông Thông, bốn cô con gái cũng nói đến tên Hòa và cụ án. ông Thông thấy mình ở xa nhà, mà được cụ án để tâm giúp đỡ cho gia đình mình như vậy cũng rất lấy làm cảm kích. ông Thông càng vui lòng hơn khi thấy vợ con nhắc đến chuyện ông thân mình ngày xưa là học trò ông đẻ ra cụ án. ông Thông là người biết ăn ở lắm. Chuyện ân nghĩa trước kia, ông vẫn để tâm, chứ không phải là ông không biết. Ngặt vì ông thường thấy cụ án tỏ ra ghẻ lạnh và cao kỳ với tất cả mọi người hàng xóm, nên ông không muốn đi lại, sợ có kẻ không hiểu mình lại cho là ông cầu cạnh, làm quen với kẻ giàu sang quyền quý. ông nghèo nhưng bao giờ cũng rất giữ gìn. Bây giờ, thấy vợ con ca tụng cụ Án bằng những lời chân thành sốt sắng, ông cũng thấy hả lòng. Ông lại càng dặn vợ con ăn ở với cụ Án cho phải phép để đáp lại chỗ tốt của một ông già chỉ đáng thương mà không đáng trách.

Người trong tỉnh không mấy ai là không biết rằng bên nhà cụ án và bên bà Thông quý mến nhau, đi lại với nhau mật thiết, chỉ vì những người trẻ tuổi thân nhau. Thế nhưng cũng đã có nhiều kẻ rỗi thì giờ bàn tán, đặt để những điều tiếng xấu. Họ kêu bà Thông có những bốn cô con gái nhớn, bà nghĩ đến việc sau này của các cô sớm như vậy là hơn. Họ bảo nhà ông Thông cũng chẳng giàu có gì, mà bên cụ án thì chỉ có độc một người cháu trai để thừa hưởng gia tài của cụ. Một vài người đàn bà mỉa mai khen bà Thông biết lo liệu khôn ngoan. ở tỉnh nhỏ, không làm sao người ta ăn ở cho vừa lòng khắp mọi người được. Nhà nào cũng là cái bia cho dư luận. Bởi vì đời người phong lưu ở trong tỉnh nhỏ thường tẻ nhạt.

Phần đông người ta không biết làm thế nào để tiêu cho hết ngày giờ, nên người ta thường thích soi mói và để ý đến đời riêng của kẻ khác. Bà Thông cũng đã nhiều lần nghe u ái đi chợ về kể lại cho nghe như vậy. Vì có nhiều kẻ tò mò không nhịn được, họ phải hỏi ngay người ở cùng nhà với bà Thông cho rõ chuyện mới thỏa lòng. Nhưng u ái đã trả lời họ những câu mát mẻ để tỏ lòng khinh bỉ của người đầy tớ trung thành không chịu được người ngoài miệt thị chủ mình. Còn bà Thông, bà chỉ mỉm cười. Bà biết rằng nhà mình tuy nghèo thực nhưng lương thiện. Và các con mình tuy đương tuổi nhớn lên, nhưng lòng vẫn trắng trong. Bà chỉ nghĩ mừng cho cụ án đã đổi được tính tình xưa, nhờ thế đứa cháu trai của cụ mới trở nên khỏe mạnh, vui vẻ và chăm học. Bà Thông kính trọng cụ án như một người cha có tuổi, hơn thế nữa, như một người mà gia đình nhà chồng đã chịu ơn. Một đôi khi, nếu buổi chiều mát mẻ, cụ án cũng bảo cháu đưa sang nhà trước cửa. Bà Thông bảo các con pha nước, và chính bà thường thân hành đứng tiếp chuyện cụ và chuyên nước trà vào chén cụ. Cụ án cũng nhân dịp đó kể những chuyện ngày xưa, những kỷ niệm lúc thiếu thời, cho bà Thông và các con nghe. Nhưng không một lần nào cụ đả động đến việc người con trai của cụ và người đào hát. Tư đó, không ngày nào là Hòa và Xương không gặp mặt nhau. Hòa mỗi ngày lại tấn tới thêm lên một chút trong sự học. Bây giờ không cần ai nhắc nhở, Hòa cũng học hành ăn ngủ rất đều. Cụ án không thấy chàng thỉnh thoảng lại cáo ốm, vào buồng mình nằm hàng buổi như trước nữa. Và người thầy giáo của Hòa cũng vậy, cũng mỗi ngày lại ngạc nhiên thêm vì thấy cậu học trò mình thương mến như em không còn tỏ ra nhọc mệt, ngại ngùng trước những bài ra nhiều lúc khó khăn hóc hiểm.

Thầy giáo của Hòa là con trai một người thuộc hạ của cụ án, một kẻ tay chân người đồng hương của cụ trong khi cụ còn làm tri phủ ở một vùng xuôi. Chàng mất bố đã lâu, tuy đã đỗ bằng sư phạm nhưng vẫn chưa được bổ. Biết chàng cần phải kiếm tiền nuôi mẹ, vì thương tình người cũ của mình, cụ án nhắn chàng ở quê nhà lên kèm dạy cho Hòa. Nên Xương, Thịnh và ái vì vậy cũng thành ra học trò của chàng trong một vụ hè. Thầy giáo Phúc tuổi hơn học trò không mấy nên chẳng được ai gọi bằng "ông" cả. Mà Phúc cũng không cầu gì hơn thế. Tính tình chàng vui vẻ, rất hợp với bốn người trai gái mà chàng yêu quý ngay tự lúc đầu. Buổi học nào cũng có vẻ anh em thân mật làm cho mọi người cùng cố gắng. Những ngày hè trong sáng đi qua rất êm đềm. Khu vườn của cụ án ngày nào cũng vang những tiếng đọc sách, tiếng cười nói của bọn thiếu niên sung sướng. Buổi chiều cụ án cho phép ông giáo dẫn học trò mình đi ra bờ sông hóng mát. Người ta thường thấy Hòa đi bên cạnh Xương bàn chuyện lên Hà Nội học. Xương thường giễu Hòa gọi đó là "câu chuyện tương lai". Còn Phúc thì người ta nhận thấy rằng chàng săn sóc nhất là cô chị cả tên là Thịnh. Trong lúc học, trong lúc chơi, bao giờ Thịnh và Phúc cũng có vẻ quáến luyến nhau hơn cả. Có lẽ bởi vì Thịnh chỉ kém ông thầy của mình hai tuổi. Xương thì lúc nào cũng hình như không có gì thay đổi, dáng điệu vẫn nghịch ngợm như thường ngày. Thế nhưng Hòa biết rằng thiếu nữ vẫn có một sự gì giấu giếm mình. Hòa lấy làm bực tức một chút về chỗ đó. Đã lâu, chàng coi Xương như một người ruột thịt của mình, không có việc gì là chàng không nói với Xương. Vậy mà Xương tuy thân mật với chàng nhưng bao giờ chàng cũng có cảm tưởng là xa cách. Nhiều khi chàng thấy thiếu nữ đứng thờ thẫn một mình dưới gốc cây ở bờ ao, hay là Xương tuy vẫn nói chuyện với chàng, nhưng chàng biết là Xương nghĩ đâu vào chỗ khác. ở gác nhà Xương có một gian buồng xép dùng làm chỗ chứa đồ đạc cũ. Xương thường thích ngồi trong đó một mình hàng giờ để lúc đi ra ngoài ánh sáng thì mắt long lanh và má đỏ bừng lên như người sốt rét. Mấy chị em đã hiểu tính Xương thường "khỉ" thế, nên chẳng ai lấy làm lạ cả.

Duy chỉ có Hòa là sửng sốt và lo lắng mỗi lần thấy mặt Xương biến đổi như một phong cảnh vừa qua khỏi cơn giông tố. Hòa để tâm rình. Và chẳng bao lâu chàng thỏa nguyện. Cái bí mật của Xương không có gì là bí mật nữa. Xương làm văn giấu mọi người. Thiếu nữ thường ngồi hàng giờ trên gác xép của nhà mình, chính là để viết tiểu thuyết gửi đăng một tờ báo nhi đồng trên Hà Nội. Hôm đó, Xương đi ra nhà dây thép để gửi bài, thì Hòa nấp ở bên một gốc cây chạy xồ ra giật lấy. Xương giật nẩy mình, nhưng lúc biết là Hòa thì nàng giận lắm.

- Hòa! Giả ngay đây! Tôi không bằng lòng Hòa chơi thế. Hòa thấy rằng Xương giận thực. Chàng nhìn qua cái phong bì rồi đưa trả. Lòng đầy căm tức, chàng nói dỗi:


- Đây, mới đùa thế mà đã cáu. Tôi cứ tưởng là Xương không bao giờ giấu tôi một cái gì. Sự thực thì Xương và Hòa đã hẹn nhau là không được giấu nhau một sự gì. Nhưng Xương cũng cứ trả lời rất ích kỷ:

- Nhưng việc này thì khác. Tôi không thể cho Hòa biết được. Hòa mặt buồn thiu, lủi thủi quay đi. Chàng lẩm bẩm:

- Đàn bà chỉ được cái nuốt lời là giỏi. Xương thấy hối. Thiếu nữ vội chạy theo Hòa và nắm vai người bạn lại. Nàng cúi đầu đưa cái phong bì ra cho Hòa đọc, và giảng nghĩa:


- Tôi sở dĩ giấu mọi người là vì tôi đương tập viết, sợ Hòa lại cười tôi. Nhưng ở trên Hà Nội, người chủ bút đã khuyến khích tôi và giục viết... Hòa phá ra cười. Chàng gọi bạn gái của mình là "nữ sĩ". Rồi chàng lại giật phăng cái phong bì ở tay Xương:

- Để tôi đi bỏ vào thùng thư cho! Như thế, tôi cũng được hân hạnh lây một chút. Chàng nhìn Xương bằng con mắt ngạc nhiên mừng rỡ của người con trai mới tìm ra ở bạn thiết của mình một cái tài kín đáo. Chàng không phải nghi ngờ gì nữa. Xương thực xứng đáng là bạn chàng. Đây là một thiếu nữ kỳ quặc, nhưng không phải là không đáng phục. Xương không giống một người nào trong mấy chị em nhà. Không hiểu sao Hòa bỗng thấy mình kiêu hãnh vì Xương. Chàng nhìn kỹ lại người bạn gái, và lòng chàng đầy hạnh phúc, đầy há vọng. Hình như chàng vừa tìm ra một người mới lạ trong bạn cũ của mình. Hòa nói:

- Cũng may là Xương cho tôi biết rõ chuyện này. Nếu không tôi đã giận Xương rồi, và tôi không bao giờ kể cho Xương biết một câu chuyện lý thú mà Xương cần biết. Xương tươi cười đứng sán lại Hòa có vẻ tò mò:

- Chuyện gì thế? Hòa kể ngay đi không tôi sốt ruột. Kể ngay đi! Kể ngay đi! Hòa nhìn hai hàng cây lá xanh rờn mọc ở hai bên đường, lòng hớn hở. Chàng nói ngập ngừng:


- Tôi vừa bắt gặp anh Phúc và chị Thịnh ở trong vườn, lúc tôi chạy theo Xương đến chỗ này. Xương nở một nụ cười chân thực. Nàng sốt ruột:

- Họ làm gì thế?

- Chị Thịnh đưa cho anh giáo một cành hoa hồng trắng. Và anh giáo nói rằng anh ấy sẽ giữ suốt đời... Mặt Xương đương tươi cười bỗng trở nên cau có. Hòa nhìn Xương lo lắng:
- Xương làm sao thế?

- Làm sao? Thế là không tốt chứ làm sao? Tôi rất ghét những chuyện không đứng đắn như vậy. Thực là xấu hổ! Hòa rất đỗi ngạc nhiên. Chàng thấy đôi môi của Xương hơi run tỏ rằng thiếu nữ cho việc đó là quan hệ. Chàng không hiểu. Nhưng Xương thì sực nhớ ra rằng ít lâu nay chị mình đã có cái gì thay đổi thực. Xương nhận thấy rằng ít lâu nay Thịnh có vẻ làm dáng nhiều hơn trước. Thịnh luôn hỏi khắp mọi người trong nhà xem tóc mình chải có đẹp không, hay ăn mặc có vừa không? Thịnh đi qua cái gương là thể nào cũng phải dừng lại ngắm mình một chút. Có lúc thì Thịnh vui quá, có lúc lại buồn rầu quá... Và có một đêm, Xương thấy Thịnh nói mê lảm nhảm và cười một mình trong giấc ngủ. Nhưng Xương không ngờ cái tên người đàn ông mà Thịnh thường nhắc tới trong giấc mộng thiếu nữ thanh tân lại tên là Phúc. Nàng giậm chân như nói một mình:

- Không thể như thế được! Làm sao chị Thịnh lại phải yêu một người nào khác chị em và bố mẹ!... Thịnh không sung sướng giữa chúng tôi? Tại sao Phúc lại làm ạiêu lòng Thịnh được? Trước kia, có việc gì Thịnh cũng nói với tôi. Bây giờ Thịnh lại có chuyện riêng tây. Thịnh đã thay đổi lúc nào rồi? Cái nhà anh giáo Phúc kia thực đáng ghét... Có lẽ hạnh phúc của chúng tôi sẽ do bàn tay anh phá vỡ... Hòa nghe vậy thì tủm tỉm và cho Xương rất đáng buồn cười. Chàng quàng tay Xương âu yếm đáp:

- Ồ có gì là lạ? Trái lại lời Xương nói... một ngày kia đến lượt Xương, rồi Xương sẽ hiểu... Xương giật tay ra mà chạy. Hòa tức thì đuổi theo ngay. Hai người chạy trên đường như hai đứa trẻ. Lúc đó không còn ai nghĩ đến chuyện nghiêm trang nữa. Hòa đương đuổi theo một cô bạn xưa nay vẫn chẳng chịu kém mình trong một cuộc chơi đùa nào ở vườn nhà. Hòa không sao đuổi kịp Xương, bởi vì Xương nhẹ nhõm hơn. Vả khi bắt đầu chạy được một quãng thì Xương đã bỏ dép ra cầm ở tay rồi. Hai người tới gần nhà đã thấy Thịnh đương tiễn Phúc ra đường. Tay Phúc còn cầm cành hoa hồng trắng, và chàng có vẻ dùng dằng chưa nỡ dứt ra về. Xương bỗng sa sầm mặt lại, khi trông thấy Thịnh. Nàng nhớ lại tất cả chuyện vừa qua. Sự tức giận ban nãy vùng nổi dậy. Nàng chạy vào quãng giữa Phúc và Thịnh như để chia rẽ hai người ra. Rồi nàng kéo tay Thịnh rất mạnh vào trong cổng.

Nhưng khi cánh cửa cổng ngoài đã khép lại rồi, thì Thịnh òa lên khóc, và xỉa xói Xương như chưa bao giờ thấy thế. Thịnh vừa tức vừa tủi thẹn, nên về đến nhà nàng liền trút tất cả những câu nặng nền cố nén ra ngoài. Mắt Thịnh đỏ hoe và đầy lệ. Mặt nàng xanh xám, tay nàng run lên khiến Xương phát sợ. Xương không ngờ rằng chị mình thường nhật dịu dàng, mà lúc này biến đổi ra đến thế. Nàng chợt hiểu rằng giữa phút này, Thịnh có thể thù ghét được mình. Thiếu nữ không nói lại được câu gì. Nàng cũng òa lên khóc như Thịnh, và, chạy tuốt lên căn gác xép của mình, nàng gục đầu vào tay mà nức nở rất lâu. Đó là lần đầu Xương thấy một đám mây đen đóng trên hạnh phúc của mình... Thịnh bây giờ đã có những mộng riêng nàng, những há vọng khác, một tình yêu khác, ngoài tình quyến luyến gia đình... Một ngày kia Thịnh sẽ rời bỏ hết để ra đi... Rồi dần dần mỗi chị em trong nhà cũng ra đi như vậy. Gian nhà sẽ trống trải chẳng còn ai. Cái tổ chung của mọi người có lẽ rồi cũng sẽ về tay khác. Gian nhà thân yêu sẽ chứng kiến nhiều sự vui buồn khác, không phải sự vui buồn của nhà Xương. Giữa cái phút chua chát trong đó mầm phân lá đương nảy nở, Xương đã cảm thấu được hết nỗi thê lương của lòng u hoài dĩ vãng mà tương lai sẽ lấp đầy cả cuộc đời nàng. Thu mình trong gian gác nhỏ, Xương nhặt nhạnh từng tiếng động, từng hơi thở, từng mùi gỗ mục, như muốn chôn tất cả vào một góc linh hồn, để sau này có thể nhớ lại mỗi lần nghĩ tới. Nàng nghe thấy như từ chốn xa vọng lại, tất cả tiếng cười giọng nói của mọi người yêu quý ở gia đình.

Những tiếng đó, sau này từ nơi dĩ vãng sâu thăm thẳm sẽ còn trở lại tỉ tê bên tai người thiếu nữ chiều nay, nhẹ như những bước đi trên nhung dạ, nhẹ như tiếng nói của những người đã khuất. Tất cả những cái gì sau này có thể trở nên cho nàng là an ủi, là cay đắng, Xương đều thấu rõ ngay tự lúc này, một cách vô cùng thấm thía... Hình như Xương đang cầm trong tay mình một kho báu sắp bị người ta chiếm đoạt: những giờ khắc tưng bừng của tuổi hoa niên, những ngày đầy hạnh phúc của cuộc đời êm lặng mà rồi đây nàng sẽ cố tìm lại, nhưng chỉ thấy hiện ra khoảnh khắc trong tưởng nhớ. Bởi vì, dòng nước chảy qua rồi không trở về nguồn cũ nữa, ta giơ tay hứng, chỉ thấy nước lọt qua kẽ tay thôi. Và lúc ta rút tay về, thì tay ta giá lạnh... Xương khóc suốt cả buổi chiều hôm đó, một buổi chiều mùa hạ đã tàn. Nước mắt chảy ra được rất nhiều cũng khiến lòng nàng dìu dịu. Xương nghe có tiếng Thuần và ái gọi nàng ở dưới hiên nhà. Nàng lau mặt, lững thững bước xuống thang trong tâm đã rắp chịu theo số mệnh.

Vào một buổi sáng đầu tháng bảy, u ái đương nấu ăn ở dưới bếp thì nghe có tiếng gọi ở cổng vườn. Đó là người nhà dây thép. U ái mang một bức điện tín màu xanh đi tìm bà Thông. Thịnh, Xương, Thuần, ái đều xúm cả lại quanh mẹ. Trong gia đình bà Thông, chưa bao giờ người ta làm quen với cái lối báo tin này. Bởi vậy người nào cũng hồi hộp, và thầm đoán là có việc chẳng lành. Xương được bà Thông giao cho tờ giấy và được mở ra đọc trước. Hình như cả nhà đều cho Xương là rắn rỏi hơn tất cả, nên hễ động có việc gì quan trọng là mọi người nghĩ đến nàng trước hết. Quả nhiên, dây thép báo cho cả nhà một tin dữ dội: ông Thông ốm nặng ở Hà Giang, và ngỏ ý muốn vợ lên với mình, nhưng đừng làm cho con trẻ sợ. Bà Thông tái mặt đi. Bà hiểu rằng chồng mình ốm nặng hơn lời nói trong dây thép. Chỉ vì ông vốn thương con... Bốn cô thiếu nữ ôm nhau khóc, làm cho u ái cũng phải chảy nước mắt lây. Thực là một cảnh tượng não lòng. Người ốm thì ở xa xôi quá.

Lúc này đáng lẽ là lúc cần phải có vợ con ở bên mình, thì ông Thông chỉ có một đứa ở nhà quê thật thà như đếm. Thực là một tiếng sét đánh vào giữa một buổi sáng nắng vàng rực rỡ. Nhưng rồi mọi người đều phải nghĩ đến sự thu xếp cho bà Thông lên đường. Xương liền thu vén tất cả tiền nong trong nhà lại. Xương vốn là một thiếu nữ khôn ngoan sớm, nên nàng chạy sang nhà cô ngay để “cầu cứu” thêm một ít tiền. Thiếu nữ cho rằng lúc này chính là lúc không nên câu nệ, bởi vì ai mà chẳng động lòng. Và cô tuy làm ra mặt ác, nhưng cũng nhiều lúc tỏ ra tha thiết đến gia đình của em và các cháu. Lúc này Xương chỉ nghĩ đến cha nằm yếu đuối, trơ trọi ở một miền rừng núi. Bà Cả cho đó là một dịp để mình mắng nhiếc ông Thông, và nói cạnh nói khóe bà Thông, nên vừa thấy Xương kể lể xong là bà lườm cháu:

- Gớm, thảo nào hôm nay mới thấy cô tự dẫn đến nhà tôi. Mẹ con cô chỉ được cái tiêu tiền là giỏi. Bố cô thì cũng thế, cũng đần độn chẳng kém gì! Lúc lành mạnh thì không lo để dành để dụm. Tôi xem rồi các cô cũng khó lấy chồng cho mà xem. Nhà nghèo thế, ai người ta dại gì mà hỏi đến!

Xương tức cô đến nghẹn họng, nhưng nàng chỉ tím mặt đứng lỳ ra đấy thi gan, nên lúc về nàng chỉ được bà Cả đưa cho có chục bạc. Nàng chảy nước mắt, định giả lại cô, nhưng nghĩ đến ông Thông, nàng lại phải bỏ tiền vào túi. Nếu phải Thịnh hay bà Thông thì dù túng thiếu đến đâu cũng không ai chịu nhẫn đến thế rồi. Về đến nhà, mọi người đều vây lấy nàng để hỏi, nhưng Xương chỉ bỏ nắm giấy bạc ra, mà tay nàng thì run lên. Thiếu nữ không muốn khóc, khi tất cả mọi người cần phải tĩnh tâm. Cụ án được tin cũng chạy sang ngay, cụ bảo người nhà cầm sang đưa bà Thông một ít quế tốt và một vò rượu thuốc bổ. Cụ hết lời an ủi bà Thông nói rằng ông Thông chắc chỉ sốt xoàng thôi. Cụ lại sai ông giáo Phúc đi theo bà Thông đến Hà Giang. Cụ dặn dò Phúc phải săn sóc, giúp đỡ bà Thông mọi việc lúc dọc đường, và khi ở lại Hà Giang nếu có việc gì hệ trọng phải đánh giấy cho cụ ngay tức khắc. Thế là cả nhà đều được yên lòng chút đỉnh. Nhất là Thịnh, mỗi lúc nghĩ đến rằng mẹ mình sẽ có Phúc ở cạnh trong khi đường sá, thì nàng lại cảm động và cám ơn Phúc quá. Trong trí nàng, đường đi lên đến tận Hà Giang thì nguy hiểm khó khăn không biết thế nào mà kể. Nhưng nàng tin đã có Phúc cùng đi thì không còn việc gì đáng lo ngại nữa.

*

* *

Một tuần sau đã có thư của Phúc ở Hà Giang gửi về. Bệnh tình ông Thông không có gì đáng sợ như người ta tưởng. ông chỉ sốt nặng mấy hôm đầu, nhưng từ hôm có bà Thông và Phúc thì ông vui vẻ thêm lên, và ăn uống được chăm nom hơn, nên chẳng mấy nỗi mà ông bình phục. Nhưng dù thế nào bà Thông cũng phải ở lại Hà Giang ít lâu đến khi chồng thực khỏe mới về. Việc nhà bà cậy ở u ái cả. Bà lại không quên dặn dò Xương nhiều chuyện về sự trông nom cho mọi việc đâu vào đấy, như khi bà có mặt ở nhà. Bà Thông thuộc về hạng những người đàn bà hễ phải xa nhà thì băn khoăn, lo lắng về đủ mọi sự. Việc đó thì không phải dặn, tự Xương cũng hiểu rồi. Nàng giúp đỡ u ái nấu nướng, giặt giũ hay lau quét trong nhà ngoài vườn sạch sẽ như khi có mẹ ở nhà. Mọi người không thấy thiếu thốn sự gì, ngoài cái bóng hiền từ của bà Thông. Nhưng, tai họa thường không đến một lần trong một gia đình. Một buổi chiều Thuần theo u ái đi thăm một người bà con nghèo ở ngoại ô về thì người ta thấy mặt nàng đỏ rừ lên, và trán hâm hấp sốt.

Thiếu nữ không nói với một ai, chạy vào chỗ chân thang gác, nằm trên chiếc ghế mây dài thường bỏ không ở đấy. Thuở nhỏ, mỗi khi có người khách lạ nào làm cho cô thiếu nữ rút rát phải sợ, thiếu nữ thường chạy vào đấy trốn. Linh tính của Thuần hình như đã báo trước cho nàng biết rằng một người khách nguy hiểm đã đến nơi ngưỡng cửa gia đình. Người ta đã thấy cái bóng hãi hùng của hắn làm giá lạnh bầu không khí trong gian nhà cổ kính lâu nay chỉ biết có những ngày đầm ấm. Trên giường bệnh, Thuần nằm thở mệt nhọc. Thiếu nữ đương lên cơn sốt rét. Có lẽ nàng đã lây bệnh thương hàn của một đứa bé con trong mấy lần đi chơi với u ái. Thuần xưa nay vẫn yêu quí trẻ con nên thường hay gần chúng. Ban đầu Xương không dám viết thư cho bà Thông biết, sợ bà lại thêm sốt ruột trong lúc ông Thông chưa khỏe hẳn. Nhưng, một hôm bệnh tình Thuần xem chừng nguy kịch quá, ông đốc nhà thương trong tỉnh quen cụ án bảo với Xương rằng nên nhắn cho bà trở về ngay. Đến lúc đó cả nhà mới hiểu rằng tính mệnh Thuần chỉ còn như treo sợi tóc, Xương, Thịnh cùng khiếp đảm... Hai chị em đã hiểu ông đốc nói thế là thế nào rồi. Nếu vậy, sự chờ đợi lại càng làm cho người ta thêm đau đớn. Trên giường bệnh, Thuần thở nặng nề hơn, và lắm lúc mê man... Gương mặt xinh xắn của nàng đỏ rực như da một quả cam nhiều nắng, và mồ hôi vã ra thấm ướt tóc nàng dính chặt vào hai bên thái dương nhơm nhớp như mồ hôi người sắp chết, đến nỗi người ta sợ không biết rồi nàng có chống lại với bệnh mình được lâu chăng? Giời đất hình như cũng lại phụ họa vào cái bất hạnh của một gia đình mà đổ mưa xuống như là trút nước. Cây cối trong vườn tơi bời rũ rượi. Cả một sự ngao ngán tiêu điều khóc lên ở tiếng mưa rơi, nước chảy. Lòng mấy chị em như xé. U ái và mọi người đều suốt ngày chầu chực quanh giường Thuần.

Thiếu nữ ngày thường vẫn hiền lành ngoan nết nhất nhà nên giờ đau yếu, ai cũng đem lòng thương xót. Đau thương tuy vậy càng làm cho mấy chị em sát lại nhau, âu yếm nhau còn hơn trong những ngày đầy hạnh phúc. Một mình Xương vẫn sáng suốt. Trong khi chờ đợi mẹ về, nàng đã không rời em một lúc nào. Nhưng thấy Thuần càng ngày càng ẻo lả thì lòng thiếu nữ cũng không còn vững nữa. Nàng chạy vào cái xó gác của mình ôm mặt khóc. Thuần bao giờ cũng được nàng yêu dấu nhất nhà. Gian gác âm u buồn lạnh. Buổi chiều xuống chầm chậm, ngoài vườn mưa gió tả tơi. Xương ngồi trên nắp một cái hòm quần áo cũ nhìn trời đất, và đó là lần dầu nàng cảm thấy sự thống khổ ở dời. Xương úp mặt vào hai bàn tay mà khóc im lặng một mình. Giờ phút qua, Xương vẫn không nhúc nhích. Hình như cuộc đời nàng ngừng lại, nàng không biết là mình sống nữa. Trong óc nàng chỉ có một câu cầu nguyện:

- Lạy trời Lạy phật, để cho em Thuần tôi sống! Để cho mẹ tôi về kịp! Giữa lúc đó thì Hòa bước lên gác tìm Xương. Hòa thấy gian gác tối mà có tiếng nức nở của Xương đâu đó thì ngừng lại. Mưa rơi đều đều trên mái ngói, và trên cây lá bên ngoài. Chàng cất tiếng gọi:

- Xương! Xương việc gì mà phải khóc? Rồi Thuần sẽ khỏi mà... Xương không nói lại. Nhưng nàng đã nhận ra tiếng bạn. Nàng đứng lên. ánh đèn tỏa chung quanh một màu vàng dịu. Hòa nhìn Xương và bảo:

- Có lẽ tàu đêm nay về là bà Thông đã có ở đây rồi. Xương đừng lo gì cả. Xương đáp sẽ:

- Tôi chỉ sợ mẹ tôi không về kịp Hòa ạ. Không hiểu sao tôi lo quá! Rồi nàng lại ngồi ở chỗ cũ mà khóc. Hòa động lòng đi lại bên nàng. Chàng cầm lấy tay nàng bắt đứng lên mà nói:

- Không hề gì đâu Xương ạ, dẫu sao đã có Hòa ở gần Xương. Xương thấy yếu đuối mặc cho Hòa kéo dậy. Hai thiếu niên đứng sát nhau nhìn ra ngoài trời đen tối.

- Đêm nay ông tôi bảo tôi phải đi ra đón bà Thông ở ngoài ga. Tôi sẽ bảo thằng xe bên nhà tôi đánh xe đi đón. Thể nào mẹ Xương cũng về chuyến tàu này. Xương bỗng thấy ấm áp trong lòng. Bà Thông về, thế là đủ cho nàng há vọng. Hình như bà Thông về được thì bà sẽ đuổi xua được hết lo phiền bất hạnh ở trong nhà. Xương nghĩ vậy và thấy ngực nhẹ hẳn đi khiến mình dễ thở. Và thế là lòng tin trở lại với người thiếu nữ. Nàng cảm động reo lên:

- Ồ Hòa, thực chứ Hòa? Hòa nắm chặt lấy tay người bạn gái trong tay mình. Tóc Xương có một mùi thơm của cây cỏ. Trong ánh đèn dầu, mặt Xương có những nét lạ lùng, cảm động, và ý nghĩa. Đột nhiên, Hòa không nhận ra được người bạn gái vẫn thường đuổi nhau với mình ở trong vườn nữa. Một mối cảm dịu dàng đến với lòng chàng. Lần đầu, Xương hiện ra trước mắt chàng với cái vẻ dịu dàng của người thiếu nữ. Ngày thường Xương cũng chỉ như một người bạn trai nghịch ngợm của chàng thôi. Nhưng lúc này đứng cạnh Xương, Hòa mới thấy nàng hoàn toàn con gái. Bỗng Xương rút tay ra và cầm đèn đi xuống gác:

- Thôi Hòa về sửa Soạn để ra ga đi! Tôi đi lấy thuốc cho Thuần. Có lẽ Thuần ngủ được một lúc lâu rồi đấy nhỉ?
Bóng dáng xưa
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6