Chương 4
Tác giả: Thanh Châu
Lúc Hòa ở ga về với bà Thông và Phúc, thì cả ba người cùng ngạc nhiên, thấy mấy chị em Xương và u ái đương xúm xít quanh giường Thuần mà nói chuyện rì rầm. Hòa đi khỏi thì người ta liền thấy một sự rất lạ kỳ. Thuần vật vã một hồi trên gối hình như đau đớn lắm rồi bỗng lăn ra ngủ như một người thiếp dần đi. Cả nhà đã hoảng hồn khóc ầm lên. Nhưng, thế là cơn sốt đi rồi! Nhiều khi có sự bất ngờ như vậy. Và thế là Thuần thoát khỏi tay tử thần. Bây giờ Thuần ngủ, một giấc ngủ yên lành, lại sức. Thuần đã thoát khỏi tử thần. Mà bà Thông cũng đã về. Không còn lo sợ điều gì nữa. Người khách nguy hiểm và tàn ác đến thăm cái gia đình nhỏ mọn của nhà Xương đã bị đuổi ra khỏi cửa rồi. Cái bóng dáng, cái bàn tay của người mẹ đã như bàn tay mầu nhiệm của người phù thủy xua đuổi nổi tà ma. Xương đột nhiên được nếm biết một cuộc đời mới lạ lấy làm sửng sốt. Sau những ngày lạnh nhạt sống trong hạnh phúc hiền lành, thiếu nữ bỗng làm quen với một cuộc đời mới có lẫn nước mắt và nụ cười. Chỉ trong khoảng vài ngày, vài giờ đã qua, tâm hồn trẻ thơ của nàng đã già đi nhiều lắm. Chẳng khác chi một trái cây nhiều lúc cũng phải cần đến nắng gió và sương mưa mới chín được hoàn toàn. Cô thiếu nữ trước kia đã biến vào trong dĩ vãng với những cái áo có vết mực, cái quần rách vì móc phải gai, những đôi guốc đứt quai, những cuốn truyện khờ khạo, những vẻ nghịch ngợm hồn nhiên. Xương thấy rằng mình đã trở nên một kẻ đàn bà... người đàn bà với những sự lo lắng, băn khoăn, với những tính tình phản trái, với quả tim dễ động, với những yếu đuối và sức đảm đang cứ nảy nở dần khi đụng chạm với đời.
Bên kia giường của Thuần là mẹ nàng, là Thịnh, là ái, là u ái, là Hòa và Phúc. Xương nhìn nét mặt hân hoan của mọi người, lòng nàng xao động. Nhưng thấy Hòa nhìn nàng âu yếm mỉm cười nàng lại thấy trong lòng êm ả.
Ba năm sau, Thịnh lấy Phúc, thầy học cũ. Việc đó không phải là dễ như người ta tưởng. Sau trận ốm của Thuần, Xương lại càng thấy cái hạnh phúc yêu quý của gia đình mình là mỏng manh. Xương đã cố hết sức giữ cho Thịnh và Phúc khỏi yêu nhau, Xương đã cố làm cho Thịnh thoát khỏi tay người đàn ông xa lạ đến chia rẽ chị em nhà. Nhưng vô hiệu. Xương không đủ sức thắng. Thịnh bao giờ cũng yêu mến gia đình, và coi đó là cái tổ êm vui nhất đời người, nhưng, vốn là một người con gái khôn ngoan và thiết thực, nàng nghĩ rằng cái tình yêu của Thịnh đối với Phúc không có gì là đáng sợ, không có gì đáng làm phiền lòng cha mẹ, chị em. Thịnh chỉ vâng theo cái luật tự nhiên của trời đất. Nàng đã là thiếu nữ, nàng đã là chị, nàng sẽ thành vợ, và bao giờ có con, nàng sẽ thành một người mẹ, như mẹ nàng. Có gì là trái ngược?
Thế là lâu dần, Xương cũng phải cho là Thịnh có lý hơn mình. Lòng ghen tuông của nàng đối với mối tình tha thiết của chị cũng nhạt dần. Và rồi chẳng mấy chốc mà Xương hiểu rõ được người chị cả. Với lại, Xương cũng không còn là một người con gái nhỏ dại như xưa nữa. Cuộc đời đã mỗi ngày đem lại cho nàng một bài học từng trải và kinh nghiệm. Không muốn trở nên kẻ thù của Thịnh và Phúc, người đàn ông đã chiếm được lòng yêu của chị mình, Xương lại trở nên "đồng đảng" của hai người để bênh vực hai người mỗi khi có chuyện lôi thôi với bà cô. Bởi vì, người ta đã đoán ra, cả phố và gần cả tỉnh, không mấy người là không để ý đến Thịnh, cô con gái lớn nhất của bà Thông, và người thầy giáo bên nhà cụ án. Một vài người đã nói đến tai bà Cả. Và bà Cả cho đó là một điều không thể tha thứ được. Nhà ông Thông, vì vợ con vụng dại nên nghèo, nhưng Thịnh, cháu bà, không có thể lấy một người không danh giá, không tiền của như giáo Phúc được. Cái chức giáo học ở một tư gia đối với bà cô ác nghiệt, chỉ là một cách để "kiếm cơm" tạm bợ thôi. Bà Cả xưa nay vẫn cho rằng Thịnh nhan sắc hơn tất cả nhà, thì ít ra cũng có thể làm dâu một nhà giàu có và danh tiếng nào trong tỉnh để ý tới. Mà nếu vợ chồng ông Thông nghèo, không lo được việc cưới xin cho chu đáo, thì đã có bà ở đấy. Bà sẽ giúp tiền cho cháu gái làm vốn khi xuất giá. Bà sẽ lo liệu hết. Nhưng, nếu đã lấy anh chàng giáo khổ này thì mặc kệ.
Nhà ông Thông còn những ba cô con gái phải gả chồng, không phải là ít ỏi gì. Nếu đứa đầu không lấy được nơi khá giả, thì những đứa sau này thành ra khó lọt. Bà Cả rất lấy làm bực tức. Bà không hiểu sao em mình lại dung túng cho con gái đến như vậy được. Và không hiểu ông Thông có biết gì đến những lời đồn trong tỉnh rồi không? Một buổi trưa, bà nhất định đến để hỏi cho ra chuyện, bởi vì bà nghĩ dù sao mình cũng là chị ông Thông, dù sao mình cũng có một chút quyền hành ở trong gia đình của em mình. Hôm đó ông Thông đương nằm nghỉ ở trên gác. Từ buổi xin về hưu sớm vì sức yếu, ông vẫn ở nhà. Thường thường ông chỉ nằm xem sách ở trên gác một mình. Thịnh ra mở cửa cho cô. Nhìn vẻ mặt người cô hôm đó, nàng đã hiểu là cô mình định đến để làm gì rồi. Bởi thế khi bà Cả hỏi đến ông Thông, thì Thịnh nói ngay là ông Thông đi vắng. Nhưng bà cô nào có tha đâu. Bà thấy chỉ có một mình Thịnh ở trong nhà, thì bà bỗng lại nhớ ngay đến những lời đồn đại về cô cháu gái. Thế là bà phát cáu. Bà không muốn trở về mà chưa nói được câu gì, nên bà nói thẳng ngay với Thịnh:
- Này, tôi hỏi, thế ra bây giờ cô định bêu xấu cả họ hàng, và cô đi chơi ngoài đường với một người đàn ông có phải không? Con gái đời bây giờ thực là hư hỏng quá! Thịnh đỏ mặt lên hỏi lại:
- Thưa cô, cô muốn nói gì con không hiểu.
- Tôi muốn nói gì, cô không hiểu? Vậy chứ cô đi chơi với ai ở ngoài đường để cho thiên hạ người ta bàn tán, cô có hiểu không?
- Cô định nói đến ông giáo Phúc?
- Hả, ông giáo Phúc... Bố mẹ cô thực là quý hóa! Ai đời lại để cho con gái như vậy bao giờ? ông giáo Phúc hay là một anh khố rách? Cô phải biết là bổn phận cô phải giữ gìn, đứng đắn. Và mặt mũi cô như vậy, thì có thể chọn được nơi sang trọng hơn nhiều.
- Bổn phận?
- Ừ, bổn phận cô là phải làm đẹp mặt đẹp mày cho họ hàng một tý thì hơn. Tôi cũng định cho cô ít tiền làm vốn bao giờ cô lấy chồng. Nhưng đã thế thì đừng hòng. Không có một xu nào cô ạ. Mặt Thịnh đương đỏ bừng, bỗng trở nên tái mét. Môi nàng run lên, mắt nàng sáng quắc:
- Thưa cô, bao giờ cô cũng nói đến tiền của cô. Nhưng dẫu anh Phúc là một thằng khố rách, dẫu chúng tôi là những kẻ không danh giá, chúng tôi cũng cứ lấy nhau, và không bao giờ cần đến tiền của cô cho mới sung sướng được. Xin cô hiểu thế. Và xin cô cũng đừng khuyên bảo chúng tôi vô ích! Bà Cả đứng nghẹn ngào như tắc thở. Bà không ngờ Thịnh ngày thường lễ phép là thế, mà bây giờ bỗng nhiên đổ đốn thế. Nhưng Thịnh nói dồn luôn:
- Anh Phúc là một người lương thiện, là một người tốt bụng. Anh ấy không xui giục tôi và cũng không bắt buộc tôi. Anh ấy đối với tôi là một người bạn quý mà tôi chịu nhiều ơn, vì anh biết giúp đỡ tận tâm người khác trong lúc cần phải giúp. Cô xem vậy thì thiên hạ có nói gì cũng vô ích. Vì thưa cô, tôi biết là tôi yêu anh ấy, và anh ấy cũng yêu tôi thành thực. Tôi không bao giờ lấy một người nào khác người tôi đã chọn. Bà Cả định nổi giận và mắng nàng một chập, nhưng nàng lại nói luôn ngay:
- Bây giờ thì xin cô trở lại nhà nằm nghỉ cho khỏe, để mặc xác người khác lo liệu lấy đời mình. Như vậy còn hơn là cô làm ầm lên vô ích! Bà Cả uất người lên, vội vã đi về và thề sẽ không bao giờ còn bước chân đến nhà em và cháu nữa.
Tuy vậy bà vẫn đợi vợ chồng ông Thông sẽ đem con đến xin mình nghĩ lại. Nhưng cả ông Thông và bà Thông cũng lại cho con gái mình không trái. Và sự can đảm của Thịnh đã làm cho Xương thầm kính phục chị dám đương đầu với bà cô ghê gớm để bênh vực cho cái tình yêu của đời mình. Trong hai tháng, không ai đi lại nhà bà Cả nữa. Vậy là, người đàn bà giàu có đành nhượng bộ. Vì bà hiểu là dẫu sao bà cũng vẫn yêu các cháu bà, nếu bà cứ nhất định không đi lại nhà em nữa, thì rồi bà sẽ chết một mình trong ngôi nhà rộng vắng, mà của cải của bà cũng sẽ thuộc về tay kẻ khác. Như vậy thì ai oán quá! Một hôm, bà Cả sai người gọi Xương sang ngay để cho bà nhờ một chút, nói rằng mình ốm. Cả nhà biết là bà Cả nói thác ra thế để gợi lòng thương của mọi người, nên giục Xương phải sang ngay. Khi Xương tới, bà Cả liền lấy ra hai đôi vòng vàng và hai chiếc nhẫn đưa cho nàng mà gắt:
- Đây, tôi biếu cô và cô Thịnh. Chúng mày đều là đồ vô lễ vô phép cả, nhưng con gái nhớn rồi, chẳng lẽ không có một chút đồ nữ trang gì ở trên người, thiên hạ họ cười cho thì đẹp mặt! Rồi không để cho Xương kịp cám ơn, bà nói ngắt luôn:
- Bây giờ thì cô cầm cuốn truyện này đọc cho tôi nghe vài đoạn... Đừng thấm nước bọt vào tay mà giở thế trông không lịch sự chút nào! To xác bằng này rồi mà ngu lạ! Vậy là vẫn như xưa, Xương đọc cóc nhảy từng quãng một, khi đã nghe có tiếng ngáy của bà cô. Những nhân vật trong truyện hành động nhanh như chớp, cho đến khi bà cô ngủ rất say, thì Xương lại rón rén ra về...
o0o
Thịnh và Phúc đã làm lễ ăn hỏi. Nhưng vì Thịnh còn trẻ quá, nên người ta muốn hôn lễ để lâu một chút. Ngày tháng dần qua. Thịnh sửa Soạn gối chăn sống áo để bước sang đời làm vợ. Nàng vui như một con bướm trong nắng mới. Xương thấy chị mình hơi gầy đi một chút. Nhưng nàng hiểu đó là cái gầy của những người thấy hạnh phúc đầy tràn quá trong lòng.
Còn Thuần thì từ ngày khỏi bệnh, da mặt Thuần lại càng xanh hơn trước. Nàng héo lả như một cánh hoa hồng giữa tiết hè thiêu đốt. Thiếu nữ không còn hay đi ra vườn và dự các cuộc vui đùa của chị em như trước nữa. ái phải thay Thịnh trong việc bếp nước và xếp đặt mọi việc trong nhà. Nàng không phải đi học nữa, và lấy làm kiêu hãnh vì được đóng vai nội trợ. Nhưng thiếu nữ vẫn không quên nghề vẽ. ái thường sao nhãng cái cán chổi lông gà phủi bụi để cầm những bút chì xanh đỏ và hộp thuốc vẽ còn sót lại. Vì thế, tuy đôi khi nhà cửa không được ngăn nắp lắm, nhưng bù lại, phòng khách đã có được thêm một hai bức vẽ của nàng. ái vẽ những góc vườn yên tĩnh mà nàng yêu mến, ái vẽ những con mèo nhỏ của Thuần, ái vẽ những phong cảnh trên bờ sông Châu... Những bức vẽ của nàng cũng nhiều khi linh động và đầy ý nghĩa, đầy sáng kiến. Chỉ có Xương là thay đổi nhiều hơn hết. Nàng thường xa lánh chỗ đông người. Và người ta thường thấy nàng ngồi viết lách rất lâu trong cái xó gác cũ của nàng. Nàng xóa gạch bao nhiêu hàng chữ. Nàng mất bao nhiêu là trang giấy trắng. Nàng đuổi theo bao nhiêu là câu chuyện do mình tưởng tượng ra, hoặc buồn rầu, bi đát, hoặc khôi hài hay rùng rợn để viết cho những tờ báo có đăng tiểu thuyết.
Nhiều khi, Thuần mon men đến với nàng, thì Xương thường đọc cho em nghe vài đoạn văn minh, khiến Thuần phải hoảng sợ vì những cử chỉ quá tàn bạo, quá sỗ sàng của những người trong truyện. Hay là Thuần rưng rưng khóc vì một cảnh buồn thảm quá do Xương bịa đặt trong truyện của mình.
Ngày tháng dần qua... Hòa đã theo học ở một trường lớn trên Hà Nội. Và cụ án cũng đã nhờ người vận động cho Phúc được bổ giáo học ở một miền quê Thanh Hóa. Với cái lương đi dạy học của chàng và chút vốn riêng mà bà Cả đã cho, Thịnh có thể sống với chồng một cách phong lưu được. Không bao lâu, đã đến ngày cưới Thịnh. Nàng mặc một chiếc áo thêu kim tuyến màu hồng. Nàng đẹp như một cô tiên, làm cho chị em nhà ngơ ngác. Đó là một ngày nắng ráo giữa tháng mười. Tia nắng ấm áp chiếu qua các cành cây kẽ lá ngoài vườn. Trời đất cũng như vui mừng mà chia sẻ nỗi hân hoan của lòng người thiếu nữ buổi vu quá. Bà Thông thấy lòng mình thắt lại khi nhìn trộm người con gái đầu sắp sửa về nhà chồng nhẹ nhàng đi lại trong phòng khách. Bà mẹ đã thấy con nhớn lên từng lúc một. Ngày nay Thịnh đã là một người đàn bà hoàn toàn xinh đẹp. Thịnh sắp đến giờ từ giã gia đình. ái thì mải lúng túng với cái áo mới may cùng màu với cô dâu. Lòng nàng cũng bối rối hơn lòng người thiếu nữ khi xuất giá. ái nhìn gương đến trăm bận, chỉ lo không được đẹp lúc người bạn học của Hòa cùng ở Hà Nội về ăn cưới Thịnh với Hòa. Hòa mấy hôm trước đã báo tin cho Xương biết là thể nào chàng cũng mời một người bạn học cùng lớp ở trong trường về để đưa dâu cho thêm phần vui vẻ. Tất cả mọi người đều lộ vẻ vui mừng. Chỉ có Xương là thờ thẫn như người mất trí. Nàng đi lại trong vòng rộn rịp của mọi người, nhưng lòng nàng thì vắng ngắt. Nàng nhìn từng thứ đồ vật trong nhà và nàng thấy chúng đều có một bộ mặt lạ lùng khác hẳn trước kia rồi. Cái ngày sung sướng này sẽ thấy Thịnh bước đi xa khỏi chị em... mãi mãi.
Và gia đình chung của bốn người sẽ không giống khi xưa nữa. Xương lại thấy cái đau đớn lầu đầu nghe tin Thịnh có tình cùng kẻ khác bóp chặt trái tim. Nàng đi ra vườn, bước trên bãi cỏ xanh mà bốn chị em vẫn chơi đùa ngày bé. Đến một gốc cây ổi, nàng không quản đến bộ quần áo mới, liền ngồi xuống đó, và lặng người đi. Trong nhà tiếng cười nói ồn ào của họ hàng lọt đến tai nàng từ nơi cửa rộng. Xương thấy quả tim nặng nề như muốn vỡ. Bỗng nàng nghe thấy có bước chân tiến lại gần mình.
Trong nhà chỉ có một mình Hòa là đoán ra rằng Xương có vẻ buồn rầu và nàng đã lánh ra vườn, nên Xương đi một lát thì chàng cũng theo ngay. Hòa thấy mắt Xương đẫm lệ thì chàng biết là người bạn gái của chàng đang ở trong một phút mà người ta cần hiu quạnh. Chàng đứng lại lặng im bên cạnh Xương. Thiếu nữ tuy hiểu là Hòa đã ở cạnh mình, nhưng mãi một lúc sau nàng mới nói:
- Hòa đi vào nhà, để mặc tôi ở chỗ này. Nàng nói xong thì lại gục đầu xuống gối, vai nàng rung động trong cơn thổn thức.
- Xương đừng khóc như vậy... Xương xem có việc gì đáng khóc đâu? Cả nhà cùng vui vẻ vì thấy Thịnh sung sướng đi lấy chồng. Tôi cũng vậy. Những lời nói đó làm cho Xương càng bực tức, nhưng Hòa không biết nên chàng lại nói:
- Tôi cũng vậy, tôi cũng rất mừng vì thấy Thịnh lấy được người chồng mà Thịnh đã yêu. Nhưng tôi thì không bao giờ tôi xa Xương cả... Phải, những người khác sẽ dần dần đi chỗ khác, bởi vì đó là số phận của các gia đình. Người ta có chia ra như vậy, thì những gia đình khác mới lại lập nên và nảy nở thêm ra được. Những người thân mến của Xương sẽ đi chỗ khác để lập gia đình, nhưng còn Hòa thì Hòa sẽ ở bên Xương, mãi mãi... Hòa ngồi xuống cạnh Xương và giọng chàng bỗng trở nên cảm động:
- Xương... Tôi muốn nói với Xương một điều này... Xương vội lấy tay bịt mồm Hòa lại. Nàng có vẻ sợ hãi thực tình:
- Không... Tôi xin Hòa đừng nói gì cả. Tôi đã hiểu... Hòa gạt tay thiếu nữ ra. Chàng nắm chặt lấy bàn tay ấy.
- Xương phải nghe tôi mới được. Tôi thấy cần phải nói lắm rồi. ít lâu nay tôi không hiểu Xương ra sao nữa. Hình như Xương cứ như muốn tránh xa tôi vậy. Vậy mà Xương có hiểu không? Tôi học hành như thế, tôi đỗ đạt như thế cũng chỉ vì Xương... Thiếu nữ lại vội vàng ngắt lời Hòa:
- Tôi biết vậy lắm... Tôi lấy làm kiêu hãnh vì Hòa lắm! Hòa nghe vậy liền lộ vẻ vui mừng ra mặt:
- Nếu vậy thì lại càng hay lắm. Tôi chỉ sợ Xương không hiểu. Xương ơi, thực vậy, tôi học hành chăm chỉ, tôi biết yêu đời, cũng chỉ vì có Xương, cũng chỉ vì tôi đã yêu Xương tự những ngày tôi thấy bóng Xương trong vườn này lần đầu đứng ở cửa nhà. Vậy mà chưa bao giờ cả, chưa bao giờ tôi có dịp ngỏ cho Xương biết. Mà hình như Xương có ý sợ một điều gì hay sao ấy. Bây giờ Xương phải nói cho tôi biết, tôi mới yên lòng được. Thiếu nữ nhìn ra xa, và trả lời Hòa chậm chạp. Giọng nàng lúc đó bình tĩnh quá làm cho Hòa đau đớn:
- Hòa ạ, có lẽ chúng ta không bao giờ có thể yêu nhau được. Hòa sẽ lấy một người nào ở cái xã hội của Hòa. Một người đàn bà lịch sự và mềm mỏng, biết sắp đặt cho gia đình Hòa cho thêm bề tươi đẹp. Xương chỉ là một người con gái vụng về. Chúng ta không hợp tính nhau... Hòa thì chịu đựng được cái đời lộng lẫy vui vẻ của những người sung sướng, còn tôi thì tôi lại muốn lánh xa. Tôi có những há vọng nhỏ, những sự băn khoăn mà mọi người cho là vô lý, nhưng mà tôi quý. Tôi viết những chuyện mà Hòa cho là đáng buồn cười, nhưng mà tôi thì tôi thích viết. Chúng ta xưa nay vẫn là một đôi bạn thiết, một đôi bạn thân nhau như thể anh em... Chúng ta đừng nên làm hỏng mất cái tình đáng quý đó, bởi vì nó đẹp vô cùng. Ta cứ để nguyên nó như một bông hoa quý nếu không có ngón tay của người đời chạm phải thì lâu bền được mãi. Hòa sửng sốt, chàng không ngờ Xương lại trả lời chàng như vậy. Chàng có cảm tưởng nếu không nhanh tay hái cái hạnh phúc của đời mình mà bỏ lỡ phút này, thì rồi chàng sẽ phải suốt đời ân hận.
- Sao Xương lại nói lạ lùng như thế? Tôi thực chẳng bao giờ ngờ vậy. Tôi thực chưa bao giờ nghĩ đến rằng Xương sẽ không nhận lời tôi. Mà có lẽ tất cả mọi người cũng vậy. Tất cả đều coi chúng ta như là một đôi vợ chồng chưa cưới, và ông tôi thì đã quý Xương như con gái của mình rồi. Xương không biết rằng, từ bao lâu, tôi chỉ sống vì Xương đấy thôi ư? Chàng vừa nói vừa nắm chặt tay Xương kéo Xương sát vào mình. Nhưng thiếu nữ đã giật tay ra một cách đau xót và thất vọng:
- Không, Hòa, tôi xin Hòa, tôi không thể nhận lời Hòa được... Nàng nói thế, nhưng trong phút ấy nàng cũng không hiểu là mình nói câu gì. Cái xót thương gây ra bởi cuộc chia lìa ở gia đình đương còn tươi rói ở lòng nàng. Nàng hành động như một đứa trẻ trong cơn phẫn uất. Nhưng, trong mắt Hòa, Xương vừa đọc thấy một nỗi đau đớn không thường nên nàng liền hối hận. Chưa bao giờ Xương thấy Hòa thân yêu đối với lòng mình như lúc bây giờ. Nàng muốn bảo Hòa đặt đầu chàng vào lòng mình để mình an ủi người bạn như một đứa bé đã dại dột chơi với một trò chơi nguy hiểm. Nhưng nàng chỉ nói bằng một giọng rất buồn rầu, rất dịu dàng:
- Hòa, tội nghiệp Hòa! Hòa không hiểu, tôi cũng yêu Hòa, nhưng đó là một tình yêu khác. Nhưng tình yêu ấy thì Hòa không muốn, biết làm sao được?
Hòa tái mặt. Vậy ra cái tình bè bạn từ trẻ thơ của chàng chỉ đem chàng đến chỗ kết cục này thôi? Vậy ra cái tình bạn của chàng đã đổi ra tình yêu mà Xương không nhận? Than ôi, bao giờ Xương cũng là người mà chàng yêu như yêu một người bạn trăm năm mình kén chọn từ lâu, kén chọn kỹ càng. Chàng đã thấy Xương nhớn lên ở cạnh mình. Chàng đã thông thuộc nết hạnh của Xương. Nhưng còn Xương thì bao giờ nàng cũng giữ mãi tấm lòng hồn nhiên, trong trẻo của thời thơ dại. Nàng chỉ coi Hòa như một người bạn của mình thôi, một người bạn không bao giờ thay đổi. Đối với nàng, Hòa bao giờ cũng vẫn thế. Bao giờ Hòa cũng vẫn là người con trai yếu ớt, sợ ông, bao giờ Hòa cũng vẫn chạy chậm hơn mình, bao giờ Hòa cũng phải nhờ nàng trèo lên cây cao để hái quả hộ mình! Tất cả những kỷ niệm sâu xa làm nung nấu thêm, làm thắm thiết thêm mối tình của Hòa, trái lại, đối với Xương chỉ là những điều cản trở. Người ta đã có một quãng đời như vậy thì nếu yêu nhau là phạm lỗi. Xương lùi lại trước tình yêu của người đàn ông đã ở cạnh mình từ bé, chỉ vì nàng sợ nếu mình yêu, thì tức là mình ném một cái bóng đen lên trên những ngày tươi sáng, trong sạch của ngày qua. Tất cả những điều suy nghĩ đó làm rối loạn, làm mờ tối lòng người thiếu nữ. Nhưng còn Hòa thì Hòa đã ngoài hai mươi tuổi từ lâu. Và chàng cũng yêu Xương đã từ lâu. ở cái tuổi đó, người ta thương chua chát và độc ác... Hòa đứng lên, mắt chàng đỏ vì tức giận:
- À, nếu vậy ra Xương chẳng khi nào yêu tôi cả. Nếu vậy tôi nhầm... ồ, tôi không cần gì Xương phải thương hại tôi đâu... Tôi cũng không cần gì cái tình bè bạn của Xương đâu. Tôi không còn là một đứa trẻ con.
Và Xương cũng vậy. Chúng ta đã đi xa cái quãng ấy rồi. Tôi yêu Xương, mà tôi cũng cần được Xương yêu lại. Tôi không thể ở suốt đời bên cạnh Xương để chờ cho đến khi Xương gặp một người nào mà Xương sẽ yêu, để đóng cái vai "người anh hờ", để nghe Xương kể chuyện tình riêng, hay tâm sự đâu. "Vì rằng thể nào rồi Xương cũng sẽ yêu, một ngày kia... mặc dầu lúc này Xương là một người con gái lạnh lùng và kiêu ngạo. Xương sẽ yêu một người đàn ông nào đó nó làm cho Xương đau khổ, và chính vì vậy mà Xương yêu... Lúc đó, Xương sẽ chạy đến tôi để khóc lóc, kể lể, để cho tôi an ủi, dỗ dành, như một người anh. Như một người anh, thôi đi! Không bao giờ như thế cả. Hòa nói một thôi như vậy. Và chàng cười một tiếng khô khan, chàng nói những lời tàn nhẫn ấy vào mặt người bạn gái của mình, rồi chàng quay lưng đi thẳng. Xương muốn chạy theo ngăn chàng lại. Nhưng Hòa bước những bước rất nhanh và trước khi đi khỏi bụi cây um tùm chỗ rẽ vào cửa nhà, chàng quay lại, giơ tay nói:
- Xin từ biệt! Những tiếng ấy vọng vào đáy lòng thiếu nữ như những tiếng khóc từ trong cổ họng Hòa thoát ra lời. Xương không đủ sức chạy theo Hòa nữa. Nàng đứng lại giữa vườn. Đầu óc nàng choáng váng. Nàng vịn tay vào một cành na. Hòa đã đi khỏi đời nàng. Hòa, người bạn rất gần với tấm lòng nàng mà nàng không thể làm cho sung sướng được...
Và đó là một ngày đẹp đẽ, trong không khí có mùi thơm của hoa lá, có tiếng vo ve của những con ong say nhị mới, có tiếng chim cãi cọ tranh mồi, có tiếng cười của những kẻ thân bằng say rượu cưới. Xương hiểu là nàng đương sống một giờ quan trọng nhất trong đời mình. Nàng cũng chưa kịp hỏi xem sau này mình có sẽ hối vì đã làm lỡ mối tình đầu của mình không. Nàng chỉ thấy một sự trống rỗng lớn lao ở trong người. Một sự trống rỗng xé lòng. Nàng có cảm giác như Hòa bỏ nàng mà đi như vậy tức là bỏ đi vĩnh viễn. Rồi cuộc đời sẽ thay đổi hết. Rồi suốt đời nàng sẽ một mình, không ai hiểu biết cho tấm lòng phiền phức của mình. Một tràng pháo nổ trong nhà càng làm cho Xương tê tái. Hai tay nàng giá ngắt. Nàng nhìn vùng khói tỏa từ các cửa ra vườn, và trên bực cửa chính của nhà, nàng thấy hiện ra cái bóng mỏng mảnh của Thuần, người em gái yêu quý nhất của nàng. Thuần thấy vắng mặt Xương lâu ở trong nhà thì cũng chạy đi tìm. Lúc thấy chị, mặt nàng tươi lên rất đáng yêu. Trong ngày vui của Thịnh, người ta thấy Thuần cũng chẳng khác ngày thường mấy chút. Tuy là áo quần có mới, tuy là Thịnh đã tô phấn vẽ môi cho, nhưng trông Thuần vẫn không có cái vẻ rực rỡ của cô dâu hay của ái. Cái sắc đẹp của Thuần hình như chỉ có mỗi một mình Xương là hiểu. Nó có một vẻ trinh tiết, ngoài cuộc đời. Như cái đẹp thanh khiết, trắng ngần của một thứ hoa bạc mệnh rung rinh trong bóng chiều mùa lạnh. Thuần đi lại gần chị và nở một nụ cười hiền hậu:
- Chị lại sắp nghĩ chuyện gì để viết hay sao thế? Lần này chắc chị tả một đám cưới mà cô dâu đẹp như sao băng.
Những lời nói của Thuần lại làm cho Xương thấy trong lòng lạnh lẽo thêm. Nàng nhìn em và thấy mình thèm thuồng cái đời thầm lặng của Thuần nấp dưới bóng những người thân yêu ở gia đình. Hình như là cái vui buồn ở đời này không làm cho Thuần để ý tới lâu như Xương. Thuần đã có những bạn riêng của Thuần, những vật rất vô hại, những con mèo nhỏ, những cây hoa: Thiếu nữ yêu chúng bằng một mối tình vô hại, và không nghĩ đến cái gì xa hơn nữa. Nàng chỉ ước ao được ở mãi trong cái nhà cũ của mình, với những vật thân yêu từ bé. Lòng người con gái ấy bao giờ cũng như một vũng nước suối, nước bao giờ cũng trong suốt đáy, và không chảy đi đâu cả. Cây cỏ và những vật gì ở gần một vũng nước như vậy cũng thấy mát mẻ và dễ chịu. Thuần không biết rằng một việc hệ trọng đến cả đời Xương vừa xảy ra ở giữa vườn. Nàng cũng không hiểu rằng lòng người chị phút này đương tơi bời chẳng khác một phong cảnh trong giông tố. Nàng kéo tay chị lại góc hiên phía tây để khoe với chị một cây hoa leo của nàng trồng:
- Chị thấy chưa? Cây hoa leo Nhật Bản của em đã có một chùm hoa rồi đấy. Nó ra đúng vào dịp vui mừng của chị Thịnh thì có lẽ là một điềm hay. Thầy bảo thế. Sang năm, nó còn ra nhiều hơn thế nữa. Khắp hè nhà sẽ đầy những chùm hoa tím nhạt này trông như là một ngày hội của hoa. Lúc đó chị Thịnh chắc đã có con rồi. Chị sẽ bế con ngồi dưới giàn hoa. Và anh Hòa chắc cũng sẽ có mặt ở đấy ngày hoa nở vui như thế, để khen em là chủ nó khéo tay trồng. Không khí sẽ đầy mùi hoa thoảng...
Xương không giữ lâu được nữa. Câu nói của Thuần vô tình đã đem lại cho nàng bao hối tiếc. Nàng ôm mặt khóc nấc lên một tiếng làm cho Thuần kinh hãi. Thuần ôm lấy chị, gỡ tay chị ra, lo lắng hỏi:
- Có chuyện gì vậy chị Xương? Chị nói cho em biết kẻo em sợ lắm. Em đã làm gì cho chị khóc? Xương vội lau nước mắt trả lời:
- Không em ạ, không làm sao cả. Chị nghe em nói vậy nên cảm động đó thôi. Bởi ngày mai chị Thịnh đã đi rồi.
Hòa đi rồi, thì trời đất ở Hà Nam đối với Xương hình như tối sầm ngay lại. Bóng dáng và hơi hướng của những người còn sót lại trong nhà không đủ làm ấm lại lòng nàng. Khu vườn trở nên u tịch quá. Con đường ngăn đôi nhà nàng với nhà cụ án hóa ra nhạt nhẽo, không hồn. Bờ sông Châu, các vùng ngoại ô, không một chỗ nào không gợi cho Xương cái cảm giác trống rỗng và vô tình. Xương cố tìm khuây khỏa bên Thuần, bên người em thân mến nhất, nhưng Thuần cũng trở nên ít nói ít cười. Thuần càng khiến Xương nghĩ đến Thịnh, đến sự chia lá không tránh được của gia đình. Xương mượn cớ khâu vá, ngồi suốt ngày trong gian gác nhỏ của mình. Và có nhiều lúc ngồi ăn đông đủ cả nhà, nàng tuy là nói chuyện với mọi người, nhưng mà trí não thì đi vắng. Trước kia, trong khi Hòa đi học, thì tuy hai người mỗi năm chỉ gặp gỡ nhau một vài lần, trong những dịp Hòa nghỉ lễ, nhưng lúc dó Xương không thấy người bạn của mình cách biệt như hiện bây giờ.
Xưa kia thì cách trở bởi không gian. Nhưng bây giờ thì xa nhau bởi tấm lòng. Đó mới là điều chua chát. Không một ai hiểu như vậy cho Xương cả. Xưa kia Hòa là bạn. Nhưng bây giờ... nhưng bây giờ... Xương vừa lo sợ không bao giờ gặp lại Hòa, vừa lo sợ cái buổi sau này gặp lại Hòa...
Nàng hiểu rằng người bạn thân nhất của đời nàng sẽ không tha thứ cho nàng. Nhưng cớ sao Xương lại không dám nhận một mối tình chân thành như thế, của người bạn gần với tấm lòng nàng nhất! Chính nàng cũng không hiểu nữa. Bởi vậy, Xương chỉ muốn đi đâu cho thoát khỏi cái khung cảnh hàng ngày thân mật quá với mình, nó nhắc nhở cho mình bao nhiêu điều tiếc hận... Bà Thông thấy con ngày một héo hắt như cái cây mọc trong chỗ tù túng, trong chỗ bóng râm, liền nghĩ đến sự cho nàng đi đâu xa một độ. Bà bàn với chồng, và cả hai người cùng đồng ý gửi nàng lên Hà Nội. Bà Thông có một bà em họ buôn hàng tấm ở phố Hàng Đào. ở đấy phố xá lúc nào cũng rộn rịp, ồn ào. Vả lại trong nhà cũng có trẻ con đi học. Xương có thể bảo thêm cho chúng, vừa đi học thêm, nếu như nàng muốn. Bà em họ bà Thông mỗi lần ghé chơi với bà Thông vẫn thường có ý mến Xương và đã nhiều lần nói về chuyện đó. Xương muốn rủ cả Thuần đi cho vui nhưng Thuần sức khỏe không đều. Tính nàng lại sợ những chốn đông người, nên sau cùng chỉ có một mình Xương đi Hà Nội. Bà em họ bà Thông đối với nàng rất là tử tế. Luôn luôn bà tìm dịp làm cho Xương vui vẻ, làm cho nàng không thấy mình là khách ở gia đình bà. Bà góa chồng đã lâu năm, một tay tần tảo nuôi các con đi học.
Bởi thế nên gần gụi Xương hôm sớm, bà đã đem lòng yêu quý Xương ngay. Thế là ở Hà Nam, trong nhà bà Thông chỉ còn có hai vợ chồng già và hai cô con gái: Thuần và ái với người u già cũ kỹ trung thành. Mỗi lần ái đọc thư của bà Phán Hàng Đào trên Hà Nội gửi về, là cả nhà cùng hiểu rằng Xương cũng không được vui vẻ lắm ở trên Hà Nội. Xương ăn được, nhưng da mặt nàng vẫn xanh như trước. Nàng không muốn kết bạn bè với những thiếu nữ trong họ thường lui tới nhà bà Phán Hàng Đào. Chỉ thỉnh thoảng Xương mới đi chơi phố, dạo Hồ Tây, đi chơi quanh hồ Hoàn Kiếm với đứa con gái lớn nhất của bà Phán. Xương thường thức rất khuya để viết lách gì lâu lắm, hàng giờ trong buồng ngủ.
Cái mộng của Xương là, nếu nàng được ở ngay Hà Nội, tất nàng sẽ có dịp đi lại những nhà báo vẫn thường nhận đăng những bài tiểu thuyết của mình. Sự đó đã làm nàng vui lòng hơn hết. Người ta đã nhận giả tiền nàng hàng tháng. Xương há vọng sẽ giúp đỡ được bà Thông bởi vì ông Thông bây giờ về hưu trí, trong nhà lại có bề quẫn túng hơn trước. Vả trong khi làm việc, nàng có thể nguôi quên hết được mọi điều. Ban ngày thì Xương đi học đánh máy chữ để hòng sau này sẽ có một nghề thông thạo trong tay. Ban đêm nàng viết truyện. Tay nàng nhiều hôm cũng cứng mỏi như lòng nàng vậy. Còn tiểu thuyết của Xương thì vẫn là những chuyện hoang đường, bi đát, thê thảm, rùng rợn... như ngày trước. Những độc giả của tờ báo mà Xương gửi đăng cũng ngây thơ như tấm lòng nàng. Họ không cần gì hơn nữa! Mặc kệ! Miễn là Xương có tiền thỉnh thoảng mua thuốc cho em Thuần, hay gửi cho bà Thông là được. Và thấm thoắt, Xương đã ở Hà Nội được một năm trời, xa cái tổ thân yêu của mình, cái tổ mà trước kia Xương tưởng là không bao giờ nàng có thể rời ra được. Việc đời đã dần dần khiến cô thiếu nữ xưa kia nhận thấy rõ ràng cái ý nghĩa của sự sống, nó chẳng giản dị như tấm lòng người chưa từng trải. Nhưng có một điều Xương lấy làm đau đớn nhất, là tuy ở cùng một thành phố với Hòa, mà Xương lại càng thấy xa Hòa như bởi muôn ngàn sông núi. Hòa trọ ở đâu? Sự học của chàng đã đến bực nào? Chàng thường hay đi tới những chỗ nào? Cái tâm sự của Xương, bà Phán Hàng Đào rõ làm sao được? Những đứa bé con bà hiểu làm sao được? Hòa có thường đi qua nhà nàng ở? Hòa có thường nhắc đến nàng không? Trong những bức thư của ái gửi lên, không có dòng nào đả động đến Hòa. Nhiều lúc Xương tưởng là đời nàng, không còn lần nào lại gần Hòa nữa. Hai người thế là chia rẽ suốt đời.
Những lúc đó, phần thì mệt mỏi vì nghĩ ngợi, vì thức khuya, vì chán nán, Xương thường chép vào cuốn nhật ký của mình tất cả những thầm kín của quả tim. Nàng nghĩ đến sự gì là viết ngay vào đấy. Vẫn là những cái mà ta đã biết... Vẫn khung cảnh ở tỉnh nhà... với cái cửa sổ bên nhà cụ án, với mảnh vườn rậm lá, với cái nhà cũ kỹ, cái gác xép, những hôm mưa, những bóng dáng của cha mẹ, chị em, những lá vàng rụng trên hiên, những con mèo của Thuần, những câu hát của u ái xưa kia thường ru cho ái ngủ, ánh đèn buổi tối trong nhà... Và Hòa, Hòa, Hòa, người bạn cũ với thân hình mỏng mảnh, lúc chưa quen, với cảnh xé lòng bên gốc ổi...
Đã một năm rồi, Xương không có tin tức gì của người bạn cũ. Liệu Hòa đã nguôi giận hay chưa? Liệu Hòa đã quên chuyện cũ, và trong lòng chàng liệu có còn một chỗ nào kín đáo nhất cho hình ảnh của Xương? Những giờ hiu quạnh nhất của mình, Xương vẫn tự hỏi thầm như vậy. Bởi vì đến bây giờ Xương mới hiểu cái mầu nhiệm của tình yêu. Phải có sự giận dỗi của Hòa, phải có sự xa cách, Xương mới nhận ra rằng Hòa cần thiết cho đời nàng đến bực nào. Xưa kia lòng Xương non dại quá, ái tình chạm đến một cách thình lình làm cho nàng sợ, như con chim bỡ ngỡ bị bàn tay quá bạo làm cho kinh khủng. Bây giờ, đến bây giờ, Xương mới rõ thế nào là ngờ vực, là há vọng, là đợi chờ...
Nàng đợi, và ngày tháng cứ qua đi, tẻ ngắt như một đời vô ích. Thế rồi một hôm kia, có một sự thay đổi bất ngờ đến làm rộn rịp nơi Xương ở. Một người đàn ông nghèo, một người cháu bà Phán Hàng Đào đến ở chung với cô, bỗng trở nên một người bạn mới của Xương. Nhà còn một cái gác trong vẫn để hàng, vả hai đứa con trai của bà Phán cũng cần phải học thêm giờ, nên bà Phán đã bằng lòng để cho chàng đến ở để dạy con mình luôn thể. Người đàn ông đó là Tâm. Tâm vừa đi dạy học tư vừa làm báo. ở Hà Nội chàng cũng cô độc hơn là Xương nữa. Chàng mặc áo quần cũ kỹ nhưng sạch sẽ. Nét mặt chàng sớm in dấu vết của một đời vất vả lúc trẻ thơ, nên thiếu vẻ trẻ trung. Nhưng nhờ hàm răng trắng, nên nụ cười hóa ra tươi tỉnh, và dễ gây thiện cảm với mọi người.
Lần đầu thấy Tâm, Xương đã hiểu ngay rằng đó là một kẻ vụng về, vì ít giao du bè bạn, vì nghèo túng, nhưng trong ngực chàng thì giấu một trái tim vàng. Xương thấy rằng Tâm cũng như mình, chứa đựng trong lòng một nỗi đơn độc nặng nề giữa chốn kinh kỳ rộn rã. Hai tâm trạng cùng như một nên dễ khiến hai người thành thực thân nhau. Buổi tối, khi không có việc gì làm, Xương thường đính hộ Tâm một cái cúc áo, hoặc khâu lại cho chàng vài đường chỉ tuột ở quần áo của chàng. Và Xương cũng không sợ thiệt. Bởi vì Tâm là người học rộng. Chàng lại kể cho Xương nghe những chuyện về công việc của chàng. Tâm đọc rất nhiều sách lạ. Chàng nói đến văn chương ngoại quốc. Chàng như là một ông thầy học của Xương. Thiếu nữ chỉ nhờ chàng mà hiểu biết thêm nhiều điều cần thiết cho nàng. Xương thấy rằng Tâm hình như cái gì cũng biết, cũng đã từng trải qua rồi, nên lại đem lòng kính phục. Nhờ vậy mà đời nàng cũng đỡ bề tịch mịch. Nàng kể cho Tâm biết qua gia đình mình, cái gia đình thân mến lúc nào nàng cũng đem theo ở lòng mình. Tính nết ông Thông, vẻ hiền từ của bà mẹ, sức khỏe của em Thuần...
Xương kể hết, như kể với một kẻ thân tình mà người ta không còn có điều gì ngờ vực nữa. Nàng kể cả với Tâm rằng mình vẫn viết tiểu thuyết cho một hai tờ báo. Và người ta trả cho nàng không được bao nhiêu, nhưng nàng viết có phải đâu vì nàng. Xương viết vì em Thuần, vì bà Thông cần tiền, lúc nào cũng cần tiền, tuy hai người đó không bao giờ bắt nàng phải kiếm. Xương kể cả cho Tâm biết rằng Thịnh cũng vừa báo tin với nhà rằng nàng đã đẻ con trai. Và em Thuần cũng báo tin rằng giàn hoa Nhật Bản của nàng đã nở một bận nhiều hoa nhưng mà vắng bóng Thịnh, Xương, Hòa ở đấy. Xương nói đến Hòa với Tâm như nói đến một người bạn chung của hai người. Làm như Tâm cũng dự vào cái quãng đời trước kia ở bên bờ ao sen nhà cụ án. Vì vậy, nhiều lúc Tâm rất lấy làm sửng sốt nhưng chàng cũng đoán thầm rằng có lẽ đó là một người thân yêu nhất của chị em Xương. Tâm nhận thấy rằng Xương nhắc đến Hòa nhiều quá. Mà mỗi lần nhắc đến cái tên Hòa thì mặt nàng sáng lên một vẻ khác thường.
Buổi chiều hôm đó, Xương đương nhờ Tâm đọc hộ mấy trang tiểu thuyết của mình vừa viết để dò xem ý kiến của Tâm, thì con ở chạy vào báo rằng Xương có khách. Thiếu nữ sửng sốt, vì nàng chẳng quen ai ở Hà Thành. Nàng đoán thầm rằng có lẽ có người ở tỉnh nhà lên nhắn nàng việc gì quan trọng. Đầu gối run run, nàng đi xuống gác, ngực nàng đập mạnh. Nhưng chẳng phải ai xa lạ.
Đó là cô Cả và em nàng: ái. Xương mừng rỡ có thể òa lên khóc được. Đã lâu ngày nàng chưa gặp một kẻ thân tình nào. Hai chị em ôm lấy nhau một lúc. Rồi Xương đẩy ái ra mà ngắm. ái quả đã thành một cô thiếu nữ rất xinh tươi. ái ăn mặc sang trọng chẳng kém gì các thiếu nữ con nhà giàu mới nhớn lên ở Hà thành. Xương thấy nổi lên trong lòng một niềm kiêu hãnh và vui sướng thực êm đềm. Trong thời kỳ Thuần đau ốm, ái thường phải đi sang ngủ ở nhà cô Cả.
Bà Thông không muốn có đông người ở trong nhà lúc đó. ái thường phải thay Xương để đọc truyện, và trông nom nhà cửa cho cô. Đến khi Xương lên ở Hà Nội thì ái đã thành một cô cháu "chính thức" của bà cô khó tính. Vốn xưa nay mềm mỏng, ái chẳng bao lâu đã rất hợp với cô. Nàng quen ngay với cái đời sống của một nhà giàu trưởng giả. ái ở hàng tháng với cô, và được cô coi như là con gái quý. Bà Cả cho thế là đã báo thù được mấy cô cháu cứng đầu cứng cổ xưa kia. Thịnh đã bằng lòng theo một anh giáo học nghèo, Thuần thì ốm yếu quanh năm, Xương đã bỏ nhà lên ở trên Hà Nội, vậy thì ái sẽ hưởng tất cả mọi điều sung sướng đáng thèm. Cô Cả vẫn biết Xương là một thiếu nữ thông minh thực đấy, nhưng bà thấy ái dễ bảo và đáng yêu hơn. Bởi thế bà cho ái theo bà đi chơi Huế và Sài Gòn một chuyến. Như phần nhiều các người giàu có tuổi, bà cũng muốn đi đây đi đó một lần để giối già. Hai cô cháu chỉ đến thăm Xương được một buổi thôi. Chuyến tàu tốc hành tối nay sẽ đưa hai người vào Huế. ái vui vẻ thuật tất cả những điều đó cho Xương biết, trong khi cô đương nói chuyện với bà Phán Hàng Đào ở ngoài hàng. Xương nghe xong, người cứ tái dần đi. Nàng thấy mọi vật đều quay tròn ở quanh mình. Tiếng ái nghe giòn như tiếng nói của những người con gái ít tuổi đang sung sướng. ái khoe với Xương những đồ trang sức mà cô vừa mới sắm cho để đi chơi xa.
Xương thấy trong mình lạnh ngắt. Thôi! Thế là hết cả! Cuộc đi chơi xa này cũng không đến phần nàng. Vậy mà xưa kia, bà Cả đã bao lần hứa với nàng, những lúc nàng đọc xong một cuốn truyện làm bà cô cảm động. Đã bao nhiêu lần, Xương du lịch trong tưởng tượng. Thiếu nữ cho là cả nhà chỉ có mình là hiểu được cái đẹp của sông núi, của cảnh sắc nơi xa lạ. Nàng thường tả trong truyện của mình những buổi hoàng hôn, những buổi sáng trăng trên những con sông, những phong cảnh chưa bao giờ đi tới. Một ngày kia, nàng sẽ đi cùng cô Cả. Nàng sẽ đi thăm cung điện và lăng tẩm Huế. Nàng sẽ bước trên những sàn gạch mà các vị đế vương đời trước đã bước lên. Nàng sẽ được thấy Sài Gòn, cái thành phố đẹp như hòn ngọc mà mọi người ca tụng. Nàng sẽ đi Cao Miên, hay Đà Lạt, là các chốn người ta ca tụng bằng những lời văn diễm lệ trong sách vở. Nàng sẽ đi... Nhưng, thôi thực hết! Bây giờ đó là ái thay nàng. ái, một cô em không bao giờ ham đọc sách như nàng, không hiểu được tâm hồn của sự vật như nàng. Xương cố nén lòng để cho qua cái cơn đau đớn ấy. Nàng hỏi thăm em về tin tức ở nhà, về Thuần, về đứa con đầu lòng của Thịnh. Sau cùng nàng hỏi tới Hòa. ái kêu lên sửng sốt:
- Thế chị không biết rằng Hòa hiện cũng ở Sài Gòn với cụ án? Hòa đi chơi với cụ đã gần một tháng nay.
Vì hình như Hòa độ này có vẻ buồn bã làm sao ấy. Câu nói của ái chẳng khác một cái dùi nhọn đâm vào tim người chị. Xương bàng hoàng, rời rã cả tay chân. Hòa cũng đi Nam với ông? Thế thì Hòa tệ thực. Ai ai cũng có phần hạnh phúc của mình. Duy chỉ có Xương là chịu thiệt. Ngày xưa đã có lần Xương và Hòa cùng bàn tán với nhau về "cuộc du lịch lớn lao" kia. Hai người cùng tưởng tượng với nhau những non nước thực là kỳ ảo. Đến bây giờ người bạn của nàng đã quên nàng, đã không thèm viết cho nàng một cái thư, từ ở chốn vui kia.
Một mình Xương ở giữa Hà Nội. Nàng như một con vật thả hoang, không được nếm một chút vuốt ve âu yếm. Trời tối. Bà Cả cơm nước xong đã giục ái sửa Soạn để ra ga Hàng Cỏ. Xương bùi ngùi tủi phận và nghĩ thầm rằng có lẽ cô mình và em gái mình ghé thăm mình, là chỉ vì bà Thông khẩn khoản mà thôi. Nàng thấy mình đã cách biệt với mọi người. Và trừ tấm lòng tốt của mẹ ra, thì không còn gì nữa. Ra đến sân ga, Xương thấy không còn gì để nói với những người đương nóng lòng đợi giờ xe lửa chạy mang mình đi đến những xứ lạ nhiệm màu. Nàng nhìn em và cố nuốt những giọt lệ vào cổ họng. Nhưng cái nhìn của nàng tuyệt vọng nhường kia, ái làm gì mà chả thấy. ái bỗng nhớ ra rằng trước kia, đã bao lần Xương khoe với các chị em rằng bà cô sẽ cho mình đi để hầu cô. ái hiểu rằng vô tình mình đã cướp phần của chị. Thiếu nữ vội cầm lấy tay chị mà nắm chặt:
- Ồ Xương! Đáng lẽ ra thì chị đi mới phải. Chị vẫn ước ao... Hay là để em nói với cô... Xương bịt mồm em lại. Vừa lúc đó, tiếng còi xe đã rúc lên, Xương đẩy em lên bực cửa:
- Không. Đó là phần thưởng của em. Bởi vì em biết cách hầu cô. Em đi cho vui vẻ... Và nếu vào trong Nam, em có... Nàng định nói: "Nếu em có gặp anh Hòa..." Nhưng không nói được tên Hòa. Nàng tiếp:
- Nếu em có được xem nhiều cảnh đẹp, thì em viết thư cho chị... Thế cũng như là chị đã đi.