Mau trí khôn
Tác giả: Thế Lữ
Lại chuyện anh Tập.
Mà nói chuyện anh Tập tức là nói chuyện ô tô.
Bởi vì cái ô tô rất xấu của người rất tốt kia là một vật anh ta dùng để đi đường, nhưng cũng là một kho chuyện vui nữa.
Nếu độc giả kém trí nhớ thì tôi lại xin mô tả nó ra đây trong ba câu ngắn:
1. Nó là chiếc xe cũ và hơi bẹp.
2. Chạy thì chiếm giải quán quân về sự chậm.
3. Dọc đường, chết đi sống lại luôn.
Nhưng không hề gì, bạn tôi không quan tâm đến những nét xấu này lắm. Đối với chiếc xe rẻ tiền ấy, anh ta có đôi mắt của một người si tình. Nghĩa là đôi mắt của một người không bao giờ chịu nhận rằng cái mũi của tình nhân hơi to một chút.
Anh ta vẫn bảo:
- Phải, có lẽ nó xoàng, nó cũ, nhưng nó cũng là xe ô tô.
Chả còn ai cãi vã lại được với câu nói chí lý ấy. Và chả còn ai không công nhận với Tập rằng: ngồi trên chiếc xe ô tô khổ, nhưng cũng là ngồi ô tô.
Cho nên một buổi chiều kia, hồi ấy anh mới chữa và sơn lại vỏ ngoài chiếc xe, anh trịnh trọng đến bảo tôi:
- Lê Ta ơi, tôi mới thay bộ cánh cho xe, muốn mời anh đi khao với tôi một bữa.
"Đi khao" nghĩa là đi diện ô tô với anh.
Tôi tuy hoảng sợ nhưng cũng phải nhận lời, vì tôi vốn nể bạn.
Ra tới xe, tôi mới biết rằng muốn cho cuộc khao long trọng hơn, anh mời cả tình nhân của anh đi nữa.
*
* *
Xe lúc đầu vẫn chạy (nói là vẫn đi mới đúng) theo cái bước thong thả của nó.
Qua nhà thương Phủ Doãn, qua Cửa Nam, rẽ ra ga, rồi ngót nửa giờ sau, chúng tôi đã ở trên đường Cống Vọng.
Lúc ấy, xe mới bắt đầu giở quẻ(vì bạn tôi muốn khoe tài cầm lái của mình), đi xiêu đi vẹo như một bác quá chén. Còn tôi với người tình nhân của bạn thì luôn luôn ngả về phía trước, ngả về bên trái, ngả về bên phải, ý như để đáp lễ những cây cối, ruộng nương ở hai bên đường. Lúc nào chạy ngăn ngắn hơn thì chúng tôi cứ nhảy chồm chồm ở chỗ ngồi, như người cho ngựa đi nước kiệu.
Qua nhà thương Cống Vọng, đường tuy thẳng, nhưng nhiều xe bò đi lại và gặp những chiếc xe ô tô hàng nó làm cho Tập lúng túng như người bí nước cờ.
Chúng tôi thấy vậy, giục anh quay xe về, nhưng anh nhất định không nghe:
- Cảnh đẹp như thế này mà về thì thực là vô lý.
Nhưng cái lý của anh không phải vì ưa cảnh đẹp, mà chính là vì cái tài cầm lái của anh nó chửa cho anh quay được xe ở quãng đường khó khăn này. Vả lại, Tập là người giàu lòng tự ái xưa nay, anh không muốn thú thực sự kém cỏi của anh sớm đến thế.
Xe lồng lên chạy một cách oanh liệt đến nỗi suýt nữa đưa cả ba người xuống ruộng; rồi lại từ từ tiến lên. Anh kéo "vi tét" ấn chân "ga", nhưng xe vẫn cứ thong thả bước. Tôi đang thương hại bạn vất vả, thì đằng sau tiếng còi của một chiếc xe rất sang réo ầm lên.
Tập ngó lại một cách khinh nhờn, rồi cứ giữa đường cho xe đi, không chịu tránh sang bên cạnh. Anh nói to để át tiếng máy chạy:
- Đã khỏe giục thì ta om cho một lúc xem sao.
Tôi quay lại nhìn, rồi bảo bạn:
- Xe người Pháp, anh Tập ạ.
Tập hách dịch:
- Người Pháp hay người gì cũng đợi đấy đã.
Trong lúc ấy thì tay vặn, chân đạp, xe vẫn chạy chậm mà vẫn không tránh được sang một bên.
Người Pháp ở sau chúng tôi lúc đó có vẻ tức giận vô cùng, nói lên những tiếng nghe không được vui tai, nhưng hình như Tập không thèm nghe thấy. Anh vẫn thản nhiên, yên lặng, rồi thấy những lời của người Pháp hơi quá đáng, anh cũng quay lại quát:
- Khi đằng trước có những xe bò nó đi từng lũ thế kia thì tránh làm sao!
Người Pháp quát lại liền:
- Không tránh được à? Thế thì về học cầm lái đi ít lâu nữa đã!
Tập giận tái mét mặt:
- Này anh đừng có xược! Anh đừng có láo!
- à, mi muốn ta dạy cho mi làm sốp phơ phải không? Đồ oắt con!
Tập hết sức quát thật to:
- Cái mồm của mi im ngay!
Rồi, không biết làm thế nào, anh khiến cái xe băng lên nhanh một cách bất ngờ. Nhưng chỉ được độ hơn một trăm thước, rồi đứng lại.
Câu dữ dội Tập ném ra lúc nãy, người Pháp ở xe sau chừng đã nghe thấy. Cái mặt hầm hầm của y tiến gần đến bảo cho chúng tôi biết sẽ có sự kịch liệt xảy ra.
Tập hẳn cũng biết vậy.
Anh ta, mặt vẫn tái mét, thong thả đứng lên, thong thả bước xuống, thì cái xe người Pháp cũng vừa tới nơi.
Thực là cái phút hồi hộp vô cùng!
Tôi hỏi Tập:
- Nguy, hắn thế nào cũng sinh sự, mà sinh sự thì...
- Sinh sự thì...
Anh ta nói thế rồi tiến đến trước mặt người Pháp, vừa chững chạc hỏi:
- La boxe, monsieur! (Thưa ông, ta đấu võ nào)
Câu nói có sức làm cho người kia ngạc nhiên nhìn Tập từ đầu đến chân:
- Thế nào? Anh định nói gì?
- Tôi nói rằng ta đánh nhau một trận.
Rồi không để người kia đáp lại, Tập tiếp luôn:
- Vì xe tôi làm vướng xe ông, ông chửi tôi, tôi chửi ông. Ta phải chữa lại điều đó.
Dứt lời, anh Tập cởi áo ngoài ném cho tôi giữ và để lộ cái thân hình lép kẹp ở trong lần áo sơ mi. Lúc quay lại thấy người kia đứng im, anh lấy thứ giọng văn hoa và dõng dạc như một nhà quý phái thách đấu gươm mà bảo người Pháp:
- Thưa ông, tôi xin đón tiếp.
Thì người Pháp (một thiếu tá lực lưỡng trẻ trai) gật đầu một cái:
- Nếu vậy được. Nào ta ra đây.
Tôi đã tưởng rằng Tập có ngón võ gì anh mới học được và giấu tôi, nên mới có cái vẻ phi thường như thế. Không ngờ anh vừa quơ tay một cái đã bị một quả tống bắn anh ra ba thước, lổm ngổm bò trên mặt đường. Sấn lại, nhận một quả nữa vào đầu, tránh được một quả thứ hai, trả lại được một quả búng ruồi, rồi lại bị một tống nữa vào ngực.
- Xin ông cho tôi ba phút nghỉ.
Người Pháp ưng thuận. Tập thở, cài lại cúc áo, vuốt tóc ngồi xuống bờ cỏ. Một lát anh đứng dậy, vừa chực đấm người Pháp thì một quá tống trời giáng làm anh quay đi ba vòng.
Hiệp thứ hai này cũng như hiệp đầu, bạn tôi "nhận" rất nhiều, mà "cho" rất ít.
Tôi đứng ngoài cũng thấy tối cả mắt. Muốn cứu bạn nhưng luật tranh đấu bắt mình chỉ được là khách quan. Chưa biết số mệnh Tập ra sao thì bỗng anh ta giữ má nhẩy lùi ra ngoài nói to:
- Hãy gượm.
Người Pháp cũng ngừng lại thì Tập hổn hển nói:
- Thưa ông, hai bên không được ngang sức. Vậy tôi xin chịu thua.
Rồi cũng chững chạc như khi anh tiến lên lúc đầu, bạn tôi về xe lấy áo mặc.
Xem ra thì Tập không bị thương mấy chút. Anh để cho cái xe người Pháp đi (người này lúc ấy đã hả giận), mới quay lại bảo chúng tôi:
- Bây giờ thì ta quay về.
*
* *
Việc lôi thôi ấy Tập làm như người quên ngay. Mấy hôm sau tôi gặp anh, anh cũng không muốn nhắc tới. Nhưng tôi không chịu được, hỏi đi hỏi lại mãi, anh mới trả lời:
- Anh không hiểu gì cả?
- Mà sao hiểu được! Tại sao xe nó muốn lên, anh lại không tránh?
Tập cười xòa:
- Nào có tránh được cho cam. Lúc ấy xe bò đi chặt đường, mà tay lái tôi có vững lắm đâu. Cái xe lại như không chịu theo ý tôi. Tôi đã tưởng đến truyện Lưu Bị với con ngựa Đích Lư và đã thầm bảo nó rằng: "Đích Lư, Đích Lư, thiên hạ nói không sai, mi thực là đồ phản chủ".
- ừ, đã thế, sao anh còn trêu tức người Pháp làm gì?
- Tại nó bóp còi nhắng lên... Mình thì không biết tránh lối nào. Chửi nhau chơi rồi muốn đánh nhau thì đánh.
Tôi nói:
- Đánh nhau thì lợi gì cho anh, thế mà anh còn dám thách già! Tôi tưởng anh biết võ.
- Không thách nó, nó cũng giã mình trước. Anh không nhớ lúc ấy nó hầm hầm đuổi theo xe tôi đấy ư? Vậy, tôi làm thế chỉ là để lấy cớ đấu võ để khỏi thiệt cho mình. Cũng là đánh nhau nhưng muốn cho nó đánh ít hay nhiều là tùy ở mình cả. Vả lại (chỗ này Tập vừa nói vừa nháy mắt) như thế thì không phải chạy trốn như một kẻ hèn nhát, mất tiếng với tình nhân!
1939
Rút từ Tuyển tập Thế Lữ,
Nxb Văn học, 1983.
Lại chuyện anh Tập.
Mà nói chuyện anh Tập tức là nói chuyện ô tô.
Bởi vì cái ô tô rất xấu của người rất tốt kia là một vật anh ta dùng để đi đường, nhưng cũng là một kho chuyện vui nữa.
Nếu độc giả kém trí nhớ thì tôi lại xin mô tả nó ra đây trong ba câu ngắn:
1. Nó là chiếc xe cũ và hơi bẹp.
2. Chạy thì chiếm giải quán quân về sự chậm.
3. Dọc đường, chết đi sống lại luôn.
Nhưng không hề gì, bạn tôi không quan tâm đến những nét xấu này lắm. Đối với chiếc xe rẻ tiền ấy, anh ta có đôi mắt của một người si tình. Nghĩa là đôi mắt của một người không bao giờ chịu nhận rằng cái mũi của tình nhân hơi to một chút.
Anh ta vẫn bảo:
- Phải, có lẽ nó xoàng, nó cũ, nhưng nó cũng là xe ô tô.
Chả còn ai cãi vã lại được với câu nói chí lý ấy. Và chả còn ai không công nhận với Tập rằng: ngồi trên chiếc xe ô tô khổ, nhưng cũng là ngồi ô tô.
Cho nên một buổi chiều kia, hồi ấy anh mới chữa và sơn lại vỏ ngoài chiếc xe, anh trịnh trọng đến bảo tôi:
- Lê Ta ơi, tôi mới thay bộ cánh cho xe, muốn mời anh đi khao với tôi một bữa.
"Đi khao" nghĩa là đi diện ô tô với anh.
Tôi tuy hoảng sợ nhưng cũng phải nhận lời, vì tôi vốn nể bạn.
Ra tới xe, tôi mới biết rằng muốn cho cuộc khao long trọng hơn, anh mời cả tình nhân của anh đi nữa.
*
* *
Xe lúc đầu vẫn chạy (nói là vẫn đi mới đúng) theo cái bước thong thả của nó.
Qua nhà thương Phủ Doãn, qua Cửa Nam, rẽ ra ga, rồi ngót nửa giờ sau, chúng tôi đã ở trên đường Cống Vọng.
Lúc ấy, xe mới bắt đầu giở quẻ(vì bạn tôi muốn khoe tài cầm lái của mình), đi xiêu đi vẹo như một bác quá chén. Còn tôi với người tình nhân của bạn thì luôn luôn ngả về phía trước, ngả về bên trái, ngả về bên phải, ý như để đáp lễ những cây cối, ruộng nương ở hai bên đường. Lúc nào chạy ngăn ngắn hơn thì chúng tôi cứ nhảy chồm chồm ở chỗ ngồi, như người cho ngựa đi nước kiệu.
Qua nhà thương Cống Vọng, đường tuy thẳng, nhưng nhiều xe bò đi lại và gặp những chiếc xe ô tô hàng nó làm cho Tập lúng túng như người bí nước cờ.
Chúng tôi thấy vậy, giục anh quay xe về, nhưng anh nhất định không nghe:
- Cảnh đẹp như thế này mà về thì thực là vô lý.
Nhưng cái lý của anh không phải vì ưa cảnh đẹp, mà chính là vì cái tài cầm lái của anh nó chửa cho anh quay được xe ở quãng đường khó khăn này. Vả lại, Tập là người giàu lòng tự ái xưa nay, anh không muốn thú thực sự kém cỏi của anh sớm đến thế.
Xe lồng lên chạy một cách oanh liệt đến nỗi suýt nữa đưa cả ba người xuống ruộng; rồi lại từ từ tiến lên. Anh kéo "vi tét" ấn chân "ga", nhưng xe vẫn cứ thong thả bước. Tôi đang thương hại bạn vất vả, thì đằng sau tiếng còi của một chiếc xe rất sang réo ầm lên.
Tập ngó lại một cách khinh nhờn, rồi cứ giữa đường cho xe đi, không chịu tránh sang bên cạnh. Anh nói to để át tiếng máy chạy:
- Đã khỏe giục thì ta om cho một lúc xem sao.
Tôi quay lại nhìn, rồi bảo bạn:
- Xe người Pháp, anh Tập ạ.
Tập hách dịch:
- Người Pháp hay người gì cũng đợi đấy đã.
Trong lúc ấy thì tay vặn, chân đạp, xe vẫn chạy chậm mà vẫn không tránh được sang một bên.
Người Pháp ở sau chúng tôi lúc đó có vẻ tức giận vô cùng, nói lên những tiếng nghe không được vui tai, nhưng hình như Tập không thèm nghe thấy. Anh vẫn thản nhiên, yên lặng, rồi thấy những lời của người Pháp hơi quá đáng, anh cũng quay lại quát:
- Khi đằng trước có những xe bò nó đi từng lũ thế kia thì tránh làm sao!
Người Pháp quát lại liền:
- Không tránh được à? Thế thì về học cầm lái đi ít lâu nữa đã!
Tập giận tái mét mặt:
- Này anh đừng có xược! Anh đừng có láo!
- à, mi muốn ta dạy cho mi làm sốp phơ phải không? Đồ oắt con!
Tập hết sức quát thật to:
- Cái mồm của mi im ngay!
Rồi, không biết làm thế nào, anh khiến cái xe băng lên nhanh một cách bất ngờ. Nhưng chỉ được độ hơn một trăm thước, rồi đứng lại.
Câu dữ dội Tập ném ra lúc nãy, người Pháp ở xe sau chừng đã nghe thấy. Cái mặt hầm hầm của y tiến gần đến bảo cho chúng tôi biết sẽ có sự kịch liệt xảy ra.
Tập hẳn cũng biết vậy.
Anh ta, mặt vẫn tái mét, thong thả đứng lên, thong thả bước xuống, thì cái xe người Pháp cũng vừa tới nơi.
Thực là cái phút hồi hộp vô cùng!
Tôi hỏi Tập:
- Nguy, hắn thế nào cũng sinh sự, mà sinh sự thì...
- Sinh sự thì...
Anh ta nói thế rồi tiến đến trước mặt người Pháp, vừa chững chạc hỏi:
- La boxe, monsieur! (Thưa ông, ta đấu võ nào)
Câu nói có sức làm cho người kia ngạc nhiên nhìn Tập từ đầu đến chân:
- Thế nào? Anh định nói gì?
- Tôi nói rằng ta đánh nhau một trận.
Rồi không để người kia đáp lại, Tập tiếp luôn:
- Vì xe tôi làm vướng xe ông, ông chửi tôi, tôi chửi ông. Ta phải chữa lại điều đó.
Dứt lời, anh Tập cởi áo ngoài ném cho tôi giữ và để lộ cái thân hình lép kẹp ở trong lần áo sơ mi. Lúc quay lại thấy người kia đứng im, anh lấy thứ giọng văn hoa và dõng dạc như một nhà quý phái thách đấu gươm mà bảo người Pháp:
- Thưa ông, tôi xin đón tiếp.
Thì người Pháp (một thiếu tá lực lưỡng trẻ trai) gật đầu một cái:
- Nếu vậy được. Nào ta ra đây.
Tôi đã tưởng rằng Tập có ngón võ gì anh mới học được và giấu tôi, nên mới có cái vẻ phi thường như thế. Không ngờ anh vừa quơ tay một cái đã bị một quả tống bắn anh ra ba thước, lổm ngổm bò trên mặt đường. Sấn lại, nhận một quả nữa vào đầu, tránh được một quả thứ hai, trả lại được một quả búng ruồi, rồi lại bị một tống nữa vào ngực.
- Xin ông cho tôi ba phút nghỉ.
Người Pháp ưng thuận. Tập thở, cài lại cúc áo, vuốt tóc ngồi xuống bờ cỏ. Một lát anh đứng dậy, vừa chực đấm người Pháp thì một quá tống trời giáng làm anh quay đi ba vòng.
Hiệp thứ hai này cũng như hiệp đầu, bạn tôi "nhận" rất nhiều, mà "cho" rất ít.
Tôi đứng ngoài cũng thấy tối cả mắt. Muốn cứu bạn nhưng luật tranh đấu bắt mình chỉ được là khách quan. Chưa biết số mệnh Tập ra sao thì bỗng anh ta giữ má nhẩy lùi ra ngoài nói to:
- Hãy gượm.
Người Pháp cũng ngừng lại thì Tập hổn hển nói:
- Thưa ông, hai bên không được ngang sức. Vậy tôi xin chịu thua.
Rồi cũng chững chạc như khi anh tiến lên lúc đầu, bạn tôi về xe lấy áo mặc.
Xem ra thì Tập không bị thương mấy chút. Anh để cho cái xe người Pháp đi (người này lúc ấy đã hả giận), mới quay lại bảo chúng tôi:
- Bây giờ thì ta quay về.
*
* *
Việc lôi thôi ấy Tập làm như người quên ngay. Mấy hôm sau tôi gặp anh, anh cũng không muốn nhắc tới. Nhưng tôi không chịu được, hỏi đi hỏi lại mãi, anh mới trả lời:
- Anh không hiểu gì cả?
- Mà sao hiểu được! Tại sao xe nó muốn lên, anh lại không tránh?
Tập cười xòa:
- Nào có tránh được cho cam. Lúc ấy xe bò đi chặt đường, mà tay lái tôi có vững lắm đâu. Cái xe lại như không chịu theo ý tôi. Tôi đã tưởng đến truyện Lưu Bị với con ngựa Đích Lư và đã thầm bảo nó rằng: "Đích Lư, Đích Lư, thiên hạ nói không sai, mi thực là đồ phản chủ".
- ừ, đã thế, sao anh còn trêu tức người Pháp làm gì?
- Tại nó bóp còi nhắng lên... Mình thì không biết tránh lối nào. Chửi nhau chơi rồi muốn đánh nhau thì đánh.
Tôi nói:
- Đánh nhau thì lợi gì cho anh, thế mà anh còn dám thách già! Tôi tưởng anh biết võ.
- Không thách nó, nó cũng giã mình trước. Anh không nhớ lúc ấy nó hầm hầm đuổi theo xe tôi đấy ư? Vậy, tôi làm thế chỉ là để lấy cớ đấu võ để khỏi thiệt cho mình. Cũng là đánh nhau nhưng muốn cho nó đánh ít hay nhiều là tùy ở mình cả. Vả lại (chỗ này Tập vừa nói vừa nháy mắt) như thế thì không phải chạy trốn như một kẻ hèn nhát, mất tiếng với tình nhân!
1939
Rút từ Tuyển tập Thế Lữ,
Nxb Văn học, 1983.