watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Một người say rượu - tác giả Thế Lữ Thế Lữ

Một người say rượu

Tác giả: Thế Lữ

Ông lý Thập ríu lưỡi lại nói:
- Uống mới có thế... mà... cũng say... Say quá... Tôi thực... Hừm!
Ông ta nhoẻn miệng cười một cách ngây ngô, ngất nga ngất ngưởng bước trong đường làng, thành thực nhận thấy rằng mình đã quá say, nhưng cũng thành thực tự dung thứ cho mình cái lỗi nhỏ ấy.
Người ông ta đưa về đằng trước. Hai chân không ăn ý, mỗi bước chực đâm chéo về một đường. Cứ thế tiến lên, ông ta lấy làm lạ rằng mình chịu khó đi cũng đã khá lâu, mà sao vẫn chưa ra khỏi thôn Thượng.
- ừ say... Mình say thực... mất rồi!
Ông ta chẳng biết đã uống bao nhiêu chén, cũng chẳng rõ trong bữa khao nhà khán Vịnh, ông ta đã nói những gì. Chỉ phảng phất nhớ rằng có một lần cãi lý với phó tổng Đán, mình nói một câu khí hớ, phó Đán nó vặn lại làm cho mọi người cười ầm lên.
Ông ta lại thấy cả cái hổ thẹn của mình trong bữa cỗ và tức phó Đán lắm:
- Hừ! Nó lại... lại dám xỏ cả mình!
Loạng choạng được mươi bước, ông ta cười gằn:
- Ngữ ấy thì làm... vương tướng cóc gì... mà... làm bộ! Ông cho thì...
Nhưng lý Thập chỉ nói có thế, vì thực ra ông ta cũng chẳng nghĩ được gì thêm. Những chuyện không hay mà ông ta mong cho phó Đán gặp phải chỉ lờ mờ trong cái trí hỗn độn. Tuy vậy, thế cũng đủ cho ông ta đỡ tức rồi.
Mỗi lần bước lạc, chực xiêu người, đâm chúi vào bờ tre, lý Thập lại nhoẻn miệng cười, làm như đó là một trò ngộ nghĩnh lắm.
Rồi chốc chốc ông ta lại cười; hai mép đang kéo nhách lên hai phía tai bỗng dưng khép ngay vào, mặt có vẻ bần thần một lúc lâu lâu, để rồi lại nhoẻn cười như thế nữa.
*
* *
Đi ra khỏi con đường rợp, lý Thập dừng lại bên cái quán bỏ không ở cuối xóm Thượng, nheo mắt nhìn ra quãng đồng đất khô trụi lúa, chạy tắp đến chân trời. Ông ta thấy buồn tiểu tiện, liền kẹp chặt cái ô trắng vào nách, rồi quay mặt vào một bụi tre.
Một tiếng phì mạnh ở sau lưng thốt nhiên làm ông ta giật mình. Ngoảnh lại trông, thì là một con trâu buộc ở gốc một cây nhỏ.
Lý Thập bẽn lẽn vì đã hoảng sợ, trân trân nhìn mãi vào con trâu, nó cũng trân trân nhìn lại mình. Ông ta lảm nhảm chửi con vật mấy câu, thấy nó lặng yên một cách khó chịu, rồi lại phì lên một tiếng nữa.
- à à, mày lại phì ông! Này phì.
Tiện ô, ông ta đánh một cái mạnh vào mũi con trâu, rồi thuận tay đánh mãi. Con vật nặng nề không tránh xa được, cái dây ngắn buộc nó căng thẳng mãi ra.
Lý Thập đắc chí cười thật to, cứ mũi con trâu đánh lên hoài, đánh cho sướng tay, đánh vì thấy con trâu không làm gì được mình, đánh cũng cho hả cái lòng hung bạo của những người say.
Bỗng ông ta ngừng tay lại. Con trâu vừa lắc sừng mạnh, mũi phì thở lên một tiếng khác thường. Hai mắt ướt của nó nhìn ông trông biêng biếc xanh rồi lại đỏ lừ lừ, như hai miếng tiết.
Lý Thập đã hiểu con trâu có những ý định gì rồi. Nhưng cậy có cái dây thừng giữ nó lại, nên ông ta cũng không quá vội vàng. Ông ta tránh sang một nơi, bước xuống một lối ruộng khô, mím miệng lại một cách chán nản, giương cái ô trắng lên và trước khi bỏ đi, còn ngoảnh lại mắng lấy oai mấy tiếng. Giá thành thực hơn một chút, ông ta sẽ thấy tiếng mắng của mình hơi run run.
Lý Thập nghĩ thầm:
- Nó làm quái gì được mình.
Và nói to cái câu nghĩ thầm ấy lên, để tự an ủi:
- ừ ! Nó làm quái gì được ông!
Nhưng ông ta vẫn quay lại nhìn luôn và mỗi lúc một thêm lo ngại.
*
* *
Những tiếng móng ở sau lưng, nện đều xuống đất làm cho Lý Thập lạnh tái người đi.
- Thôi đích rồi!
Cái điều mà ông ta sợ nay đã dẫn đến.
Chỉ ngoảnh lại nhìn vội một cái, ông ta cũng thấy quá rõ cái điều nguy kịch: con trâu đã dứt đứt mũi, để đuổi mình.
Ông Lý như người ngái ngủ vừa nhúng mặt vào thau nước. Ông tỉnh lại, cụp ô xuống, rồi cắm đầu chạy cuống lên.
Tiếng chân của con trâu gần lại mau chóng lạ thường, mà chân của ông thì chưa bao giờ thấy chạy kém bằng lúc ấy.
Ông không dám nhìn lại, vì cho rằng làm thế sẽ mất rất nhiều thì giờ.
*
* *
Qua hai mẫu ruộng rồi.
Bàn chân dẫm lên những nấm rạ khô cũng không thấy đau... Sự kinh hoảng kịch liệt râm ran khắp người và trong tiếng gió vút bên tai, ông chỉ nghe thấy tiếng phì thở của con vật... Ông ta chỉ tưởng thấy vẻ hung tợn của con trâu, với đôi mắt đỏ lừ, với cặp sừng cong rất tiện lợi cho việc báo thù của nó.
Lý Thập mong rằng đó chỉ là một giấc mộng, rồi lại mong rằng mình tưởng lầm: không có con trâu nào đuổi theo ông ta. Nhưng hại thay! Những tiếng chân ở sau lưng mình chả còn có thể là tiếng gì khác.
Ông ta biết rằng chậm một bước là chết. Nhưng người đã nhọc quá, hơi thở trong ngực như không kịp có thời giờ dồn ra... Thử cố tính xem còn kế nào khác nữa không? Nhưng cái ý nghĩ ấy hình như cũng làm cho ông chạy thêm chậm.
Lý Thập thấy mình khổ sở không biết chừng nào. Con trâu vẫn tiến lên một cách đều hòa độc ác.
*
* *
Mồ hôi trên trán chảy xuống nhiều quá.
Ông ta nhắm mắt lại để cho nước mắt giàn ra, rồi thu hết sức hít một hơi cực dài, ông ta nghiến răng lại chạy rướn lên, không ngờ rằng lúc đó còn chạy được nhanh đến thế. Nhưng được chừng dăm trăm bước thấy kiệt sức và hy vọng rằng cũng đã bỏ con trâu được một quãng khá xa, lý Thập liền dừng chân trên một bờ ruộng và quay lại. Ông ta hét lên một tiếng yếu đuối: con trâu chỉ cách mình chừng năm con sào.
Mà nó thì không hề nghỉ chân. Điệu bộ thản nhiên, nó tiến lại trước mặt một cách quả quyết bướng bỉnh kiểu súc vật.
Lý Thập không thể nào nhúc nhích được, chỉ chực ngồi xuống đó để chết, nếu không gặp được sự may mắn phi thường nào.
Con trâu đã qua cái bờ ruộng bên kia, Lý Thập chỉ còn đủ sức cuối cùng để liệng cái ô trắng vào giữa hai sừng của nó. Con vật đứng sững lại như một cái máy chợt hãm. Rồi hình như quên người đàn ông đấy, nó cúi đầu xuống húc, nhay, giày, xéo kỳ cho đến lúc cái ô rách tơi ra. Ông Lý ngồi ở bờ ruộng bên này, mặt xám như tro, hai mắt lạc tinh thần tráo trưng nhìn công việc của con trâu, ngớ ngẩn như người mất trí.
Lúc con trâu ngửng lên, trên sừng còn vướng cái gọng ô nát, lý Thập mới nghĩ ra. Cái thông minh nhọc mệt và chậm chạp của ông ta hình như đến lúc ấy mới sực tỉnh.
Ông ta đứng phắt lên như bị điện giựt, rồi lại cắm đầu chạy. Con trâu nhìn người đàn ông, ngạc nhiên một lúc, rồi đuổi theo liền.
Và cứ thế, trên mặt ruộng man mác và vắng vẻ lạ thường, người đàn ông thì thu hết tàn lực để tránh xa một cái chết gớm ghê, còn con vật thì cứ đều bước tiến theo. Cái thân hình khỏe mạnh của nó lúc ấy như chứa chất một thứ sức mạnh lạnh lùng tàn bạo.
*
* *
Lý Thập không còn một tí gì là say nữa. Ông ta nghĩ đến cái tình thế nguy khốn của mình một cách rõ rệt, và chạy lên cũng hăng hái thêm.
Nhưng chạy qua được năm, sáu thửa ruộng, lý Thập lại tưởng không còn hơi sức nào, trong lòng cay cực và oán giận hết thảy mọi người. Cánh đồng đất dưới ánh nắng chiều sao mà yên tĩnh đến thế, vắng lặng đến thế? Những người ở làng xóm xa hình như hẹn nhau đợi chính lúc này để ở nhà hết, hay có ai biết mình bị nạn cũng không thèm ra cứu mình.
Con trâu vẫn đuổi mình cũng gan góc khác thường.
Khóm tre xanh ở làng ông ta cũng như cố ý xa thêm mãi ra; gió ruộng thổi vào người hình như mạnh thêm lên; tất cả mọi sự đều như nhất định làm cho ông ta khổ. Bước chân dần dần thấy nản và nếu cứ thế mãi thì chỉ lát nữa con trâu húc tới sau lưng.
Sau cùng, khi trông thấy rõ một cây đa con gần Hạ thôn, lý Thập mới gắng hết cái đảm lực tuyệt vọng băng mình lên, biết trước rằng chưa đến cái cây mà đã đứt hơi, thì thôi, thế là hết. Lý Thập đuối sức quá, hai chân vẫn chạy, nhưng hình như bị cái đà người đưa lên thôi, thần trí tán loạn và hôn mê gần như lúc sắp ngất người đi vì uống quá chén.
Đến lúc hai tay đã vồ được cây đa nhỏ gần Hạ thôn, ông ta mới dám hy vọng rằng mình còn có thể thoát được nạn. Ông ta áp ngực vào da cây mà thở một lát, rồi bíu đến nát tay vào đầu mấu, thu hết gân sức trèo lên.
Lý Thập cưỡi được lên cái chạc lớn dưới cùng rồi, cánh tay và bắp chân liền ôm thắt lấy thân cây đa, rồi chúi mặt lên vỏ cây khóc nức lên mấy tiếng. Dưới gốc cây, con trâu đã tới, cái mũi rách toác chõ lên gần tới chân người đàn ông.
*
* *
Chiều tối hôm ấy, người nhà khán Vịnh ở thôn Thượng đổ đi tìm trâu, tới nơi thấy nó lẳng lặng đứng đợi dưới gốc cây đa. Họ phải tròng thừng vào cổ con vật lôi về, rồi lên cây cứu ông lý Thập xuống.
Ông ta lúc ấy ngất đi không biết gì nữa, nhưng chân tay vẫn bám rất chặt lấy thân cây, họ khó nhọc lắm mới gỡ được ra và gọi mãi mới tỉnh.
Lý Thập ốm mất hai tháng trời vẫn chưa hoàn hồn.
Rút từ tập truyện ngắn Bên đường thiên lôi, 1936.



Ông lý Thập ríu lưỡi lại nói:

- Uống mới có thế... mà... cũng say... Say quá... Tôi thực... Hừm!

Ông ta nhoẻn miệng cười một cách ngây ngô, ngất nga ngất ngưởng bước trong đường làng, thành thực nhận thấy rằng mình đã quá say, nhưng cũng thành thực tự dung thứ cho mình cái lỗi nhỏ ấy.

Người ông ta đưa về đằng trước. Hai chân không ăn ý, mỗi bước chực đâm chéo về một đường. Cứ thế tiến lên, ông ta lấy làm lạ rằng mình chịu khó đi cũng đã khá lâu, mà sao vẫn chưa ra khỏi thôn Thượng.

- ừ say... Mình say thực... mất rồi!

Ông ta chẳng biết đã uống bao nhiêu chén, cũng chẳng rõ trong bữa khao nhà khán Vịnh, ông ta đã nói những gì. Chỉ phảng phất nhớ rằng có một lần cãi lý với phó tổng Đán, mình nói một câu khí hớ, phó Đán nó vặn lại làm cho mọi người cười ầm lên.

Ông ta lại thấy cả cái hổ thẹn của mình trong bữa cỗ và tức phó Đán lắm:

- Hừ! Nó lại... lại dám xỏ cả mình!

Loạng choạng được mươi bước, ông ta cười gằn:

- Ngữ ấy thì làm... vương tướng cóc gì... mà... làm bộ! Ông cho thì...

Nhưng lý Thập chỉ nói có thế, vì thực ra ông ta cũng chẳng nghĩ được gì thêm. Những chuyện không hay mà ông ta mong cho phó Đán gặp phải chỉ lờ mờ trong cái trí hỗn độn. Tuy vậy, thế cũng đủ cho ông ta đỡ tức rồi.

Mỗi lần bước lạc, chực xiêu người, đâm chúi vào bờ tre, lý Thập lại nhoẻn miệng cười, làm như đó là một trò ngộ nghĩnh lắm.

Rồi chốc chốc ông ta lại cười; hai mép đang kéo nhách lên hai phía tai bỗng dưng khép ngay vào, mặt có vẻ bần thần một lúc lâu lâu, để rồi lại nhoẻn cười như thế nữa.

*
* *

Đi ra khỏi con đường rợp, lý Thập dừng lại bên cái quán bỏ không ở cuối xóm Thượng, nheo mắt nhìn ra quãng đồng đất khô trụi lúa, chạy tắp đến chân trời. Ông ta thấy buồn tiểu tiện, liền kẹp chặt cái ô trắng vào nách, rồi quay mặt vào một bụi tre.

Một tiếng phì mạnh ở sau lưng thốt nhiên làm ông ta giật mình. Ngoảnh lại trông, thì là một con trâu buộc ở gốc một cây nhỏ.

Lý Thập bẽn lẽn vì đã hoảng sợ, trân trân nhìn mãi vào con trâu, nó cũng trân trân nhìn lại mình. Ông ta lảm nhảm chửi con vật mấy câu, thấy nó lặng yên một cách khó chịu, rồi lại phì lên một tiếng nữa.

- à à, mày lại phì ông! Này phì.

Tiện ô, ông ta đánh một cái mạnh vào mũi con trâu, rồi thuận tay đánh mãi. Con vật nặng nề không tránh xa được, cái dây ngắn buộc nó căng thẳng mãi ra.

Lý Thập đắc chí cười thật to, cứ mũi con trâu đánh lên hoài, đánh cho sướng tay, đánh vì thấy con trâu không làm gì được mình, đánh cũng cho hả cái lòng hung bạo của những người say.

Bỗng ông ta ngừng tay lại. Con trâu vừa lắc sừng mạnh, mũi phì thở lên một tiếng khác thường. Hai mắt ướt của nó nhìn ông trông biêng biếc xanh rồi lại đỏ lừ lừ, như hai miếng tiết.

Lý Thập đã hiểu con trâu có những ý định gì rồi. Nhưng cậy có cái dây thừng giữ nó lại, nên ông ta cũng không quá vội vàng. Ông ta tránh sang một nơi, bước xuống một lối ruộng khô, mím miệng lại một cách chán nản, giương cái ô trắng lên và trước khi bỏ đi, còn ngoảnh lại mắng lấy oai mấy tiếng. Giá thành thực hơn một chút, ông ta sẽ thấy tiếng mắng của mình hơi run run.

Lý Thập nghĩ thầm:

- Nó làm quái gì được mình.

Và nói to cái câu nghĩ thầm ấy lên, để tự an ủi:

- ừ ! Nó làm quái gì được ông!

Nhưng ông ta vẫn quay lại nhìn luôn và mỗi lúc một thêm lo ngại.

*
* *

Những tiếng móng ở sau lưng, nện đều xuống đất làm cho Lý Thập lạnh tái người đi.

- Thôi đích rồi!

Cái điều mà ông ta sợ nay đã dẫn đến.

Chỉ ngoảnh lại nhìn vội một cái, ông ta cũng thấy quá rõ cái điều nguy kịch: con trâu đã dứt đứt mũi, để đuổi mình.

Ông Lý như người ngái ngủ vừa nhúng mặt vào thau nước. Ông tỉnh lại, cụp ô xuống, rồi cắm đầu chạy cuống lên.

Tiếng chân của con trâu gần lại mau chóng lạ thường, mà chân của ông thì chưa bao giờ thấy chạy kém bằng lúc ấy.

Ông không dám nhìn lại, vì cho rằng làm thế sẽ mất rất nhiều thì giờ.

*
* *

Qua hai mẫu ruộng rồi.

Bàn chân dẫm lên những nấm rạ khô cũng không thấy đau... Sự kinh hoảng kịch liệt râm ran khắp người và trong tiếng gió vút bên tai, ông chỉ nghe thấy tiếng phì thở của con vật... Ông ta chỉ tưởng thấy vẻ hung tợn của con trâu, với đôi mắt đỏ lừ, với cặp sừng cong rất tiện lợi cho việc báo thù của nó.

Lý Thập mong rằng đó chỉ là một giấc mộng, rồi lại mong rằng mình tưởng lầm: không có con trâu nào đuổi theo ông ta. Nhưng hại thay! Những tiếng chân ở sau lưng mình chả còn có thể là tiếng gì khác.

Ông ta biết rằng chậm một bước là chết. Nhưng người đã nhọc quá, hơi thở trong ngực như không kịp có thời giờ dồn ra... Thử cố tính xem còn kế nào khác nữa không? Nhưng cái ý nghĩ ấy hình như cũng làm cho ông chạy thêm chậm.

Lý Thập thấy mình khổ sở không biết chừng nào. Con trâu vẫn tiến lên một cách đều hòa độc ác.

*
* *

Mồ hôi trên trán chảy xuống nhiều quá.

Ông ta nhắm mắt lại để cho nước mắt giàn ra, rồi thu hết sức hít một hơi cực dài, ông ta nghiến răng lại chạy rướn lên, không ngờ rằng lúc đó còn chạy được nhanh đến thế. Nhưng được chừng dăm trăm bước thấy kiệt sức và hy vọng rằng cũng đã bỏ con trâu được một quãng khá xa, lý Thập liền dừng chân trên một bờ ruộng và quay lại. Ông ta hét lên một tiếng yếu đuối: con trâu chỉ cách mình chừng năm con sào.

Mà nó thì không hề nghỉ chân. Điệu bộ thản nhiên, nó tiến lại trước mặt một cách quả quyết bướng bỉnh kiểu súc vật.

Lý Thập không thể nào nhúc nhích được, chỉ chực ngồi xuống đó để chết, nếu không gặp được sự may mắn phi thường nào.

Con trâu đã qua cái bờ ruộng bên kia, Lý Thập chỉ còn đủ sức cuối cùng để liệng cái ô trắng vào giữa hai sừng của nó. Con vật đứng sững lại như một cái máy chợt hãm. Rồi hình như quên người đàn ông đấy, nó cúi đầu xuống húc, nhay, giày, xéo kỳ cho đến lúc cái ô rách tơi ra. Ông Lý ngồi ở bờ ruộng bên này, mặt xám như tro, hai mắt lạc tinh thần tráo trưng nhìn công việc của con trâu, ngớ ngẩn như người mất trí.

Lúc con trâu ngửng lên, trên sừng còn vướng cái gọng ô nát, lý Thập mới nghĩ ra. Cái thông minh nhọc mệt và chậm chạp của ông ta hình như đến lúc ấy mới sực tỉnh.

Ông ta đứng phắt lên như bị điện giựt, rồi lại cắm đầu chạy. Con trâu nhìn người đàn ông, ngạc nhiên một lúc, rồi đuổi theo liền.

Và cứ thế, trên mặt ruộng man mác và vắng vẻ lạ thường, người đàn ông thì thu hết tàn lực để tránh xa một cái chết gớm ghê, còn con vật thì cứ đều bước tiến theo. Cái thân hình khỏe mạnh của nó lúc ấy như chứa chất một thứ sức mạnh lạnh lùng tàn bạo.

*
* *

Lý Thập không còn một tí gì là say nữa. Ông ta nghĩ đến cái tình thế nguy khốn của mình một cách rõ rệt, và chạy lên cũng hăng hái thêm.

Nhưng chạy qua được năm, sáu thửa ruộng, lý Thập lại tưởng không còn hơi sức nào, trong lòng cay cực và oán giận hết thảy mọi người. Cánh đồng đất dưới ánh nắng chiều sao mà yên tĩnh đến thế, vắng lặng đến thế? Những người ở làng xóm xa hình như hẹn nhau đợi chính lúc này để ở nhà hết, hay có ai biết mình bị nạn cũng không thèm ra cứu mình.

Con trâu vẫn đuổi mình cũng gan góc khác thường.

Khóm tre xanh ở làng ông ta cũng như cố ý xa thêm mãi ra; gió ruộng thổi vào người hình như mạnh thêm lên; tất cả mọi sự đều như nhất định làm cho ông ta khổ. Bước chân dần dần thấy nản và nếu cứ thế mãi thì chỉ lát nữa con trâu húc tới sau lưng.

Sau cùng, khi trông thấy rõ một cây đa con gần Hạ thôn, lý Thập mới gắng hết cái đảm lực tuyệt vọng băng mình lên, biết trước rằng chưa đến cái cây mà đã đứt hơi, thì thôi, thế là hết. Lý Thập đuối sức quá, hai chân vẫn chạy, nhưng hình như bị cái đà người đưa lên thôi, thần trí tán loạn và hôn mê gần như lúc sắp ngất người đi vì uống quá chén.

Đến lúc hai tay đã vồ được cây đa nhỏ gần Hạ thôn, ông ta mới dám hy vọng rằng mình còn có thể thoát được nạn. Ông ta áp ngực vào da cây mà thở một lát, rồi bíu đến nát tay vào đầu mấu, thu hết gân sức trèo lên.

Lý Thập cưỡi được lên cái chạc lớn dưới cùng rồi, cánh tay và bắp chân liền ôm thắt lấy thân cây đa, rồi chúi mặt lên vỏ cây khóc nức lên mấy tiếng. Dưới gốc cây, con trâu đã tới, cái mũi rách toác chõ lên gần tới chân người đàn ông.

*
* *

Chiều tối hôm ấy, người nhà khán Vịnh ở thôn Thượng đổ đi tìm trâu, tới nơi thấy nó lẳng lặng đứng đợi dưới gốc cây đa. Họ phải tròng thừng vào cổ con vật lôi về, rồi lên cây cứu ông lý Thập xuống.

Ông ta lúc ấy ngất đi không biết gì nữa, nhưng chân tay vẫn bám rất chặt lấy thân cây, họ khó nhọc lắm mới gỡ được ra và gọi mãi mới tỉnh.

Lý Thập ốm mất hai tháng trời vẫn chưa hoàn hồn.

Rút từ tập truyện ngắn Bên đường thiên lôi, 1936.

Các tác phẩm khác của Thế Lữ

Mai Hương và Lê Phong

Gói thuốc lá

Vàng và máu

vì tình

Thoa

Ông phán nghiện

Một người hiếm có

Một chuyện ngoại tình

Mau trí khôn

Hai lần chết

Đêm trăng

Chim đèo

Câu chuyện trên tàu thuỷ

Cái đầu lâu

Đòn hẹn