Chương VIII
Tác giả: Thế Nhật
+ T.T.KH - thi nhân Việt Nam (HOÀI THANH, HOÀI CHÂN)
+ T.T.KH – là ai? – HOÀNG TIẾN
+ Ghi thêm về Thâm Tâm và T.T.KH – Mã Giang Lân
+ Nói thêm về T.T.KH –THANH CHÂU
+Thâm Tâm và T.T.KH - THẾ PHONG
+ Thâm Tâm và sự thật về T.T.KH - NGUYỄN VỸ
+ Thơ T.T.KH ở nước ngoài –TC
+Sầu thu –VÂN NƯƠNG
T.T.KH
Hồi tháng 9-1937, Tiểu thuyết thứ bảy đăng một truyện ngắn của ô.Thanh Châu:”Hoa ti-gôn”. Ít ngày sau toà báo nhận được một bài thơ nhan đề: “Bài thơ thứ nhất”, rồi lại nhận được một bài nữa: “Hai sắc hoa ti-gôn”. Hai bài đều ký T.T.KH và đều một nét chữ run run. Từ đấy toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy không nhận được bài nào nữa và cũng không biết T.T.KH ở đâu.
Nhưng sau khi bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn xôn xao. Có đến mấy người nhất quyết T.T.KH chính là người yêu của mình. Và người ta đã phê bình rất náo nhiệt. Có kẻ không ngần ngại cho hai bài ấy là những áng thơ kiệt tác.
Nói thế đã đành là quá lời nhưng trong hai bài ấy cũng có những câu thơ xứng với vẻ lâm ly của câu chuyện. Cô bé T.T.Kh yêu. Người yêu của cô có nét mặt rầu rầu và có lẽ đã đọc nhiều văn Từ Trẫm Á. Cô bé kể: những buổi chiều thu, đứng dưới giàn hoa ti-gôn
…Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui;
Bảo rằng : “Hoa giống như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”.
Cô bé ngây thơ không tin. Ai ngờ lời nói văn hoa kia bỗng thánh sự thực. Chàng đi…
Ở lại vườn Thanh có một mình,
Tôi yêu gió lạnh lúc tàn canh,
Yêu trăng lạnh lẽo rơi trên áo,
Yêu bóng chim xa, nắng lướt mành.
Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa, lúc di theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác!
_Gió hỡi, làm sao lạnh rất nhiều?
Ngày ấy là ngày buồn nhất trong đời nàng:
Người xa xăm quá - Tôi buồn lắm
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.
Từ đó mùa thu qua, rồi mùa thu qua. Nàng vẫn luôn luôn tưởng nhớ, nhưng tin buồn chàng nào có hay; cho nên nàng tự hỏi:
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Một nỗi đau đớn trần truồng không ẩn sau Liễu Chương Đài như nỗi đau đớn của nàng Kiều ngày trước (1)
Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay!
Cho đến hôm nay, xem chuyện, tình cờ lại thấy cánh hoa xưa. Nàng không sao cầm lòng được:
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên
Bốn năm qua từ ngày báo vô tình hé mở cho ta một cõi lòng. Ai biết “con người vườn Thanh” bây giờ ra thế nào? Liệu rồi đây người có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về chín suối?
Tháng 11-1941
HOÀI THANH - HOÀI CHÂN
(Thi nhân Việt Nam – 1942)
(1) Khi về hỏi Liễu Chương Đài
T.T.KH LÀ AI?
T.T.KH với những câu thơ xót xa cảm động:
…Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Và từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim một bóng người…
Vậy T.T.KH là ai? Nam hay nữ? Bút danh này chỉ thấy ghi ở ba bài thơ đăng trong Tiểu thuyết thứ bảy và một bài trên báo Phụ nữ , rồi thôi, không thấy xuất hiện nữa.
Ông Hoài Thanh năm 1941 có soạn cuốn Thi nhân Việt Nam cũng trích dẫn T.T.KH với lời ghi chú :”Sau khi bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao, có đến mấy người nhất quyết T.T.KH chính là người yêu của mình. Và người ta đã phê bình rất náo nhiêt.. Có kẻ không ngần ngại cho những bài ấy là những áng thơ kiệt tác..”
Hôm nay xin công bố với bạn đọc, một thông tin chúng tôi được biết về T.T.KH. Người kể còn sống, mà T.T.KH cách đây bốn năm vẫn còn gặp. Chúng tôi thấy cần phải công bố ngay vì nó có lợi cho việc làm văn học sử sau này.
Số là vào dịp hội đền Bà Tấm năm nay (Kỷ Tỵ, 1989) chúng tôi rủ nhau sang Phú Thuỵ dự hội. Cùng đi có nhà thơ Lương Trúc thuộc lớp nhà thơ trước Cách mạng Tháng Tám, năm nay đã 74 tuổi (tên thật là Phạm Quang Hoà) bạn thân với các nhà thơ Thâm Tâm, Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân. Chính bài Tống biệt hành Thâm Tâm viết tặng Phạm Quang Hoà khi đi hoạt động cách mạng. Nguyễn Bính cũng có bài thơ tặng Phạm Quang Hoà mở đầu bằng hai câu:
…Tôi và anh: Bính và Hoà
Ở đây xa chị, xa nhà, xa em…
Và kết thúc bằng hai câu:
Đây là giọt lệ phân ly
Ngày mai tôi ở, anh đi, Bao giờ?..
Nhà thơ Lương Trúc là người cung cấp tư liệu và tất nhiên ông sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về họ tên tác giả Hai sắc hoa ti-gôn được công bố dưới đây. Cùng nghe hôm đó với tôi có nhà thơ Trần Lê Văn và nhà thơ Tú Sót
T.T.KH tên thật là Trần Thị Khánh, người yêu của Thâm Tâm. Hai người yêu nhau, nhưng biết không lấy được nhau hẹn giữ kín mối tình, để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau naỳ. Cô Khánh đọc Tiểu thuyết thứ bảy in truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu (số tháng 9-1937) xúc động tự thổ lộ câu chuyện riêng bằng bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn và gửi đăng Tiểu thuyết thứ bảy.
Bài thơ in ra đã gây xôn xao trong làng văn chương như ông Hoài Thanh ghi nhận. Tiếp đó để giải thích lý do viết bài Hai sắc hoa ti-gôn , T.T.KH gửi đến Tiểu thuyết thứ bảy một bài nữa, với tiêu đề là Bài thơ thứ nhất và viết riêng gửi tặng Thâm Tâm bài thơ Đan áo.
Lại càng xôn xao nhiều người cho là nam giới giả danh nhiều người nhận là người yêu của mình trong số này có nhà thơ Nguyễn Bính.
Thâm Tâm hồi còn rất trẻ, với tính hiếu thắng của tuổi trẻ ông đã gửi báo Phụ nữ đăng bài thơ Đan áo để minh chứng với thiên hạ rằng T.T.KH chính là người yêu của mình. Tất nhiên không có sự đồng ý của T.T.KH.
Và thế là T.T.KH giận, cô viết bài thơ lấy tiêu đề Bài thơ cuối cùng gửi đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy vừa hờn giận vừa đầy yêu thương và cũng từ đấy T.T.KH “tắt lịm” trên thi đàn.
Sau này,Thâm Tâm có viết một bài thơ dài để trả lời T.T.KH bài Các anh (tập thơ mới của Thâm Tâm nhà xuất bản Văn học 1987 có in bài Các anh nhưng đây chỉ mới trích một phần)
Lời bàn : Có người viết hàng trăm bài thơ, in hơn chục tập thơ, mà không gây được một vang hưởng nào trong nghệ thuật thơ.T.T.KH viết bốn bài thơ có bài đã gây được vang hưởng.
Thơ hay đâu có cần nhiều
Phê- lích Ác-ve (Félix Arvers (1806-1850) chỉ nhờ bài Tình tuyệt vọng mà tên tuổi được ghi trong văn học sử Pháp. Mới hay trong “lãnh địa” nghệ thuật, số lượng chỉ là cái không đáng kể. T.T.KH cần phải được xem xét và đánh giá như một tác giả của dòng thơ lãng mạn trước Cách mạng Tháng Tám. Điều đó không có gì là quá đáng.
Được biết T.T.KH về sống ở Thanh Hoá đã bốn năm nay, không biết bây giờ bà còn hay mất nhưng cứ xin phép cho chúng tôi được công bố điều bí mật trên vì nghĩ rằng:
Thời gian qua đi dã dài, nhà thơ Thâm Tâm đã mất, ông nhà cũng đã quy tiên. Vả lại cũng vì công việc của văn học sử, nếu tìm ra được tác gia của một tác phẩm nổi tiếng thì dù đắn đo đến đâu rồi cũng phải công bố..
Nhân dân chủ nhật số 23 tháng 7-1989
HOÀNG TIÊN
GHI THÊM VỀ THÂM TÂM VÀ T.T.KH
40 năm nay, nhà thơ Thâm Tâm đã là “người trong cõi nhớ”. Bạn bè đồng nghiệp của ông như Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Trần Độ, Tô Hoài.. đã nhớ và kể lại cuộc đời hoạt động và sáng tác văn thơ của ông với một tình cảm chân thành trân trọng.
Thế nhưng nói đến Thâm Tâm , nhiều người nghĩ ngay đến T.T.KH .T.T.KH là ai? Là người yêu của Thâm Tâm? T.T.KH chính là Thâm Tâm? Giữa T.T.KH và Thâm Tâm vào những năm 1937 -1940 với những bài thơ tình tuyệt vời đã làm cho tên tuổi nhà thơ và nhà nữ sĩ ấy vang vọng mãi trên thi đàn.
Những năm sau này, những đợt sóng, những luồng dư luận khác nhau về nghi vấn văn chương này vẫn dội lên. Một trong những chứng nhân quan trọng để làm rõ vấn đề là Thâm Tâm thì nhà thơ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1950…Ở Sàigòn trước đây, nhất là năm 1970 người ta không ngớt tung ra những huyền thoại về Thâm Tâm và T.T.KH. Vũ Bằng là người giỏi bịa chuyện đã làm rùm beng một dạo để tỏ mình là người từng trải, là người hiểu biết. Và trong những dịp ấy nhiều người cũng nhảy ra “ăn theo” bởi vì họ chỉ biết qua nghe, rồi nhặt nhạnh, thêm bớt viết thành bài làm sang. Báo chí Sàigòn lúc đó còn công bố thêm nhiều bài thơ giả cũng ký tên là T.T.KH.
Hai năm nay khi tập thơ Thâm Tâm ra đời sự mến mộ của người đọc đối với nhà thơ được khẳng định thêm. Và lại xuất hiện trên báo chí những bài viết say sưa đến quá nhiệt tình. Anh Hoàng Tiến viết liền hai bài. Một bài đăng trên Nhân dân chủ nhật (số 23 tháng 7-1989) kể về T.T.KH. Anh còn nói bài thơ Các anh in trong tập Thơ Thâm Tâm là trích một bài đăng ở Người Hà Nội (2-9-1989) để cung cấp bản đầy đủ Tống biệt hành của Thâm Tâm. Tư liệu anh có là từ nguồn nghe. Hai lần ở hai bài anh đều nói anh “may mắn” được gặp, được nghe cụ Lương Trúc, nhà thơ bạn Thâm Tâm kể. Anh Hoàng Tiến nói; “ Vì trách nhiệm của công việc khảo cứu và biên soạn cũng như lợi ích của việc khảo cứu và biên soạn cũng như lợi ích của việc làm văn học sử sau này “ nên anh xin phép nhà thơ Lương Trúc cho công bố toàn bộ bài Tống biệt hành của Thâm Tâm. Đấy là một việc bổ ích và cần thiết (nếu như nghiêm túc khoa học) chỉ tiếc một điều bằng lối văn lộng ngữ Hoàng Tiến đã đưa ra những nghi ngờ, những điều không có căn cứ. Vậy theo đó mà viết văn học sử mà khảo cứu thì giấy mực đâu in cho xuể.
Trước khi nói về T.T.KH tôi xin có mấy đính chính ở một bài viết ngắn của Hoàng Tiến khi công bố bài Tống biệt hành.
Tập thơ Thâm Tâm do Nhà xuất bản Văn học in năm 1987 sao anh nói là Nhà xuất bản Giáo dục?
Giữa năm 1950 Thâm Tâm đi chiến dịch, làm báo mặt trận và hy sinh ở gần biên giới vì cơn bệnh tai ác, anh chỉ ghi nơi hy sinh: “ở rừng Việt Bắc”
Đúng là bài Tống biệt hành có một khổ cuối nữa mà Thi nhân Việt Nam cũng như Thơ Thâm Tâm không đưa vào. Khổ thơ đó như sau:
…Mây thu đầu núi, gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động tiếng hờn căm
Còn khổ thơ mà anh cung cấp cho bạn đọc là:
Mây thu đầu núi gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đã đổ thầm
Ngừng ở ven trời nghe tiếng khóc
Tiếng đời xô động tiếng lòng căm
Tôi thì cho khổ thơ trên chính xác hơn vì đã in trên báo Tiểu thuyết thứ bảy năm 1940
Bài Các anh trong tập Thơ Thâm Tâm chỉ có 16 câu (4 khổ) lấy trọn vẹn từ báo Tiểu thuyết thứ bảy ngày 4-5-1940 Hoàng Tiến nghe đâu mà bảo đó chỉ là trích đoạn. Chắc anh tin vào ai đó đã đưa in trên Văn nghệ và nói rằng đây là bài thơ của Thâm Tâm không có đề mà ở đây thực sự ra mở đầu là 8 câu trên và kết thúc là 8 câu sau của bài Các anh còn ở giữa là 56 câu khác không ăn nhập gì với kết cấu toàn bài. Vẫn bài thơ dài này cộng cả 64 câu , ông Nguyễn Tấn Long trong Việt Nam thi nhân tiền chiến in ở Sàigòn năm 1968 lại đặt tên là Gửi T.T.KH có lẽ cũng nghe ai nói rồi ghi lại.
Trở lại câu hỏi T.T.KH là ai? Tôi xin mách: Thanh Châu chính là người khơi nguồn thiên tình hận này. Năm 1937 Tiểu thuyết thứ bảy đăng truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu kể lại mối tình ngang trái giữa chàng nghệ sĩ và thiếu nữ Mai Hạnh. Họ đã gặp nhau dưới hoa ti-gôn. Nàng sợ bố mẹ khổ tâm , sợ tai tiếng ở đời…nên không dám bỏ nhà đi với người yêu – nàng phải sống gượng ép với một người chồng. Ít ngày sau toà soạn báo nhận được hai bài thơ Bài thơ thứ nhất và Hai sắc hoa ti-gôn của T.T.KH . Khi hai bài thơ này được đăng nhiều người nhận T.T.KH là người yêu của mình như Nguyễn Bính, J.Leiba, Thâm Tâm đã làm mấy bài thơ đáp lại tiếng lòng của thiếu nữ giải bày tâm trạng đau đớn của mình. Trong nhiều bài thơ của Thâm Tâm thường xuất hiện cái màu hoa cái dáng hoa ti-gôn “như tim vỡ”. Trong bài T.T.KH là ai? Hoàng Tiến viết T.T.KH “về sống ở Thanh Hoá đã bốn năm nay, không biết bà còn hay mất”, cụ Lương Trúc đã có dịp gặp đôi ba lần! Sự thật theo tôi, 50 năm rồi T.T.KH đến nay vẫn còn là “ẩn số” . Một hồn thơ đầy xúc cảm, một con người cao thượng nói lên nỗi đau đớn của mình một cách tuyệt vời mà lại âm thầm mai danh ẩn tích để lại cho đời cho giới mày râu cầm bút biết bao bàng hoàng thương cảm mến phục.
Một điều cần chú ý: Trước Cách mạng Tháng Tám, bà Thâm Tâm sống và học ở Thanh Hoá, khi xây dựng gia đình với Thâm tâm thì ở Hà Nội và những năm tháng kháng chiến chống Pháp lại ở Thanh Hoá mãi đến năm 1950 khi nhà thơ hy sinh , bà mới cùng bé Nguyễn Tuấn Khoa con trai duy nhất lặn lội ra Việt Bắc bà Thâm Tâm hiện nay vẫn đang ở Hà Nội.
T.T.KH là ai? Là Trần Thị Khánh, là ThâmTâm – Khánh là Tuấn Trình – Khánh (vì tên thật của Thâm Tâm là Nguyễn Tuấn Trình). Theo Việt Nam thi nhân tiền chiến (Sàigòn 1968) có người còn nói T.T.KH chính là Trần Thị Khánh, người em gái đồng tông với nhà thơ Tế Hanh ở Thanh hoá vân vân và vân vân. Tôi có thể nêu lên rất nhiều những huyền thoại huyễn hoặc nữa xung quanh cái tên T.T.KH này.
T.T.KH là ai? Là một thiếu phụ nhưng chưa bao giờ xuất đầu lộ diện. Chỉ lộ ra cái tênT.T.KH cái tên Trần thị Khánh cũng do suy luận, đoán. Theo tôi mọi cái tên diễn dịch khẳng định ở trên đều là của giả. Ngay cả hai bài thơ tiếp sau là Đan áo cho chồng và Bài thơ cuối cùng dù được ký tên là T.T.KH cũng rất có thể cũng là của giả, bởi vì xét về ý tứ nghệ thuật thơ cũng có những mâu thuẫn những điểm đáng ngờ.
MÃ GIANG LÂN
(Văn nghệ số 13 tháng 3-90)
NÓI THÊM VỀ T.T.KH
(Tác giả những bài thơ nổi tiếng từ 1937)
Năm 1989 Nhà xuất bản Khoa hoc – xã hội có in mấy truyện ngắn của tôi (cùng một số truyện của Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh v..v..thời kỳ 1930 – 1945 ). Bởi thấy còn nhiều người muốn hiểu rõ hơn về T.T.KH, tôi đã đưa in lại truyện ngắn Hoa ti-gôn viết năm 1937 đăng ở Tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy truyện ngắn đã gây xúc cảm cho T.T.KH nên sau đó toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy đã nhận được mấy bài thơ của T.T.KH gửi đăng liền được dư luận bạn đọc đương thời chú ý.
Sự thật ngày nay truyện ngắn và thơ tình như của Xuân Diệu, Xuân Quỳnh hay lắm chứ, nhưng tại sao từ 1937 đến nay vẫn còn người nhắc đến T.T.KH?
Cuối năm 1989, một người bà con ở Canada đã gửi thư cho tôi nhờ chép lại mấy bài thơ cũ ấy.Và cũng vào dịp đó, tôi được nghe một băng ghi giọng ngâm thơ T.T.KH của một bà Hà Nội, nay là kiều bào ở Paris. Mới biết nỗi bất hạnh của con người điều ngang ngửa trong chuyện tình duyên đôi lứa, thời nào cũng gây được sự đồng cảm của người đồng loại. Thời tạm chiếm (Pháp) ở Hà Nội, thời Mỹ Nguỵ ở Sàigòn, vẫn có báo đăng, nhắc chuyện T.T.KH. Và từ giải phóng miền Nam tới nay, người đọc các báo Nhân Dân, Văn nghệ , sách Nhà Xuất bản Văn học (Thơ Thâm Tâm) vẫn lại thấy có người tranh cãi về T.T.KH
Vậy T.T.KH là ai?
Có phải Trần Thị Khánh? Hay Tào Thị Khê? Hay Tôn Thị Khuê? Trần Thị Khải, Thái Thị Khương? Ai mà biết được. Cho nên cuối bài truyện ngắn Hoa ti-gôn in lại năm 1989 tôi đã phải viết: “T.T.KH là ai? Lúc trước (1937) tác giả đã không cho biết địa chỉ cũng như không chịu “xuất đầu lộ diện” cho tới ngày nay, nếu còn sống T.T.KH phải là “lớp cổ lai hy” rồi. Vậy có nên quý trọng sự khiêm tốn của nhà thơ hẳn có lý do “ẩn tích” của mình”.
Viết như vậy đâu có ổn. Như thế khác gì người đặt bó hoa lên ngôi mộ vô chủ, rồi ra về. Nhưng bạn đọc yêu thơ đòi hỏi khác. Người ta muốn T.T.KH. đã vì ai cho ai mà có thơ? Và người yêu T.T.KH đích thị là Thâm Tâm, hay Nguyễn Bính, hay ai nữa…?
Năm 1986 anh Tô Hoài (trong bìa viết về Trần Huyền Trân đăng tuần báo Văn Nghệ số 45 tháng 11, 1986) cũng lại nhắc: “ Câu chuyện tình u uẩn mà nhiều báo một thời bàn tán sôi nổi nào ”Hai sắc hoa ti-gôn”, nào T.T.KH., nào Thâm Tâm và Khánh hay là ai? Những éo le mơ hồ các anh Thanh Châu, Thâm tâm. Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính - những đồng tác giả ấy – hôm nay cũng còn có bạn có thể kể lại rành rõ được, hay là cứ để mờ ảo mãi như thế?..."
Hôm nay nhân tìm lại những tư liệu còn giữ được tôi muốn kết thúc cái chuyện cũ càng “mờ mịt” này bằng cách công bố thêm một điều lạ, là “thủ phạm” của sự “nhiễu” này, khiến thiên hạ càng đoán phỏng, đoán mò – chỉ tại Nguyễn Bính đã đăng một bài thơ (đề tặng T.T.KH) bài “ Cô gái vườn Thanh” , in năm 1940. Đọc lại bài này người ta thấy Nguyễn Bính có đến Vườn Thanh trọ nhà một ông già, ông này kể cho nghe chuyện một thiếu phụ cũng “đêm đêm bên cạnh chồng già – bên cạnh bóng người xa hiện về…”
Và rồi Nguyễn Bính tự hỏi:
“…Bao nhiêu oan khổ vì tình
Cớ sao giống hệt chuyện mình gặp xưa?
Phải chăng mình có nên ngờ
Rằng người năm ngoái bây giờ là đây?
Một người thơ đa tình như Nguyễn Bính; chuyện xưa hồ lãng quên rồi - Bỗng đâu xem được thơ người vườn Thanh” …(tức T.T.KH) bèn ra thơ đề tặng T.T.KH (Cô gái vườn Thanh) người mà Nguyễn Bính chưa hề biết mặt. Bởi vậy có người đã khẳng định – sau khi đọc bài thơ của Nguyễn Bính- rằng: “ Chính ông Bính là người yêu của T.T.KH rồi làm thơ người ta tế nhị nói chuyện nọ ra chuyện kia – như thi sĩ Ac-ve đã kín đáo trong thơ của ông ta vậy”
Người thứ hai làm cho mọi người hơi thoả mãn chính là Thâm tâm, khi có bài :Màu máu ti-gôn” (gửi T.T.KH, tác giả bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn”):
“Người ta tả lại cánh hoa tàn
Thôi thế duyên tình cũng dở dang
Màu máu ti-gôn đà biến sắc
Tim người yêu cũ phủ màu tang.
K..hỡi người yêu của tôi ơi!
Nào ngờ em giết chết một đời
dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ
Hình ảnh em hoài mãi thế thôi!
“Quên làm sao được thuở ban đầu
Một cánh ti-gôn đã khắc sâu
Một cánh hoa xưa màu hy vọng
Nay còn dư ảnh trái tim đau
Anh biết làm sao được hỡi trời
Dứt tình bao nỡ, nhớ không thôi
Thôi em hãy giữ cành hoa úa
Kỷ niệm ngàn năm một cuộc đời…”
Theo tôi, đây là một bài thơ dở nhất, không xứng với Thâm Tâm, mặc dù tác giả nói rõ là K…hỡi người yêu của tôi .. Đến nay tôi không hiểu bài thơ này in ở đâu? Lấy ở đâu ra, sau này lại do Mã Giang Lâm tuyển in vào tập Thơ Thâm Tâm (do Nhà xuất bản Văn học in năm 1988, mà không đề năm tháng?). Liền sau bài “Màu máu ti-gôn” này, nói là của Thâm tâm “tặng T.T.KH” lại thêm bài Các anh như sau (cũng ở tập Thơ Thâm Tâm nói trên):
“Các anh hãy chuốc thực say
Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im
Giờ hình như quá nửa đem
Lòng đau đau lại cái tim cuối mùa
Hơi đàn buồn như trời mưa
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi
Giờ hình như ở ngòai trời
Tiếng xe đã nghiến đã rời rã đi
Tâm tình lạnh nhạt đâu nghe
Tiếng mùa lá chết đã xê dịch chiều
Giờ hình như gió thổi nhiều
Những loài hoa máu đã gieo nốt đời
Bao nhiêu nghệ sĩ nổi trôi
Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh
Sá chi những chuyện tâm tình
Lòng đau đem chữa trong bình rượu cay…
( Bài này ghi:1940)
Cũng may với sự nghi ngờ :” có thể hai bài thơ trên là thơ dỏm ) lời thơ vụng, không chắc của Thâm Tâm. Tôi đã tìm đến ông Phạm Quang Hoà, nghe nói ông trước kia có làm thơ, và quen thân với Thâm Tâm, còn giữ được nhiều thơ cũ. Ông Phạm Quang Hoà đã chép cho tôi một bài giống như bài Các anh nói trên. Nhưng theo ông Phạm Quang Hoà thì đây là bài thơ Thâm Tâm trả lời T.T.KH sau khi có Bài thơ cuối cùng của T.T.KH đăng báo Tiểu thuyết thứ bảy (?).
Bây giờ xem lại thì bài này dài gấp mấy lần bài “Các anh”, Chỉ đúng có 8 câu đầu là của bài “Các anh ” tiếp theo còn 47 câu thì bỏ, để lại bắt vào đoạn cuối của bài Các anh với bảy câu kết (như trong bài Các anh ).
Vậy thì Mã Giang Lân đã lấy ở đâu ra bài Các anh (đã in ở sách Thơ tâm Tâm nhà xuất bản Văn học – 1988) ? Với vỏn vẹn có 16 câu? Nếu trích ở đâu sao không nói rõ?
Về ông Phạm Quang Hoà ta có thể tin ông cũng là bạn thân của Thâm Tâm, nên mới có Bài thơ trả lời T.T.KH của Thâm Tâm mà ông giữ được đến nay. Nhưng sao đọc những câu như:
…”Tiếng xe mở lối vu quy
Hay là tiếng cắt nàng chia cuộc đời
Miệng chồng KHÁNH gắn trên môi
Hình anh,mắt KHÁNH sáng ngời còn ghi…”
“…KHÁNH ơi, còn hỏi gì anh?
Xưa tình đã lỡ nay tình lại nguyên…”
Rõ ràng lời thơ không xứng đáng với mối tình tha thiết và cay đắng của một thiếu phụ như T.T.KH đã giữ hẹn xưa:
…” Cố quên đi nhé, câm mà nín
đừng thở than bằng những giọng thơ…”
Tình cảnh một người có chồng không quên được người cũ, muốn giữ kín chuyện riêng, lúc nào cũng:
…”Tôi run sợ viết, lặng im nghe
Tiếng lá thu khô xiết mặt hè…”
“Tôi run sợ viết bởi rồi đây
Nếu không yên được thì tôi chết…”
Trong khi đó người đàn ông của mình cứ bô bô réo tên mình lên trong thơ, hết K …ơi, lại Khánh ơi! Đến nỗi T.T.KH phải kêu lên:
…”Là giết đời nhau đó biết không?
…Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung
Giận anh em viết dòng dư lệ
Là chút dư hương điệu cuối cùng…”
Đã thế lại còn Bài thơ đan áo (1938). Ai đã đem bài thơ này của T.T.KH đăng lên báo Phụ nữ thời đàm (phố Hội vũ )? Bài thơ như T.T.KH nói rõ:
…”Chỉ có ba người (?)đa đọc riêng
Bài thơ đan áo của chồng em
Bài thơ đan áo nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem…”
Với mục đích gì “người yêu của T.T.KH “ lại đăng lên báo Bài thơ đan áo để đến nỗi T.T.KH phải “nặng lòng”:
“…Từ đây anh hãy bán thơ anh
Còn để yên tôi với một mình
Những cánh hoa lòng, hừ đã ghét
Thì đem mà đổi lấy hư vinh…”
Một người nghiêm túc như Thâm Tâm mà anh em văn nghệ thời trước từng quen biết có thể có cử chỉ và lời thơ dễ dãi vô ý thức như vậy không? Đó là sự đáng ngờ. Vì vậy ngày Trần Huyền Trân còn chưa lâm bệnh nặng, tôi đã hai lần gặng hỏi anh về mối tình của Thâm Tâm và T.T.KH: có thực hay không? Và Trần Huyền Trân người bạn “nối khố” của Thâm Tâm đã khẳng định là không từng nghe Thâm Tâm nói đến. Vậy người yêu đích thực của Thâm Tâm là ai? Có phải là T.T.KH như lâu nay nhiều người nghe nói? K…và T.T.KH là một hay hai?
Có người nói vào thời thơ T.T.KH nổi lên như thế có nhiều anh tự nhận là người yêu của họ, nên Thâm Tâm đã phải kêu cái tên KHÁNH lên rõ to để những kẻ có ý đồ xấu phải im tiếng và hiểu rằng “hoa kia đã có chúa xuân”
Như vậy lại càng không đúng tư cách Thâm Tâm. Anh Vũ Cao là người cùng sống gần gũi nhất với Thâm Tâm khi làm báo Vệ quốc quân (sau là Quân đội Nhân dân ) trong kháng chiến chống Pháp đã nói với tôi:” Thâm Tâm tính tình kín đáo nghiêm túc đến nỗi chính vợ mình rất nể sợ. Phong cách làm việc của anh đúng mực đến nỗi anh em toà soạn phaỉ noi gương “học tập Thâm Tâm” cho nên một số bạn thơ văn, đích thực là bạn của Thâm Tâm thường nói: “Thâm Tâm qua đời lâu rồi mà T.T.KH nếu còn sống cũng đã già lão qúa rồi nên để họ yên nghỉ với gía trị không thể chối cãi một thời của họ. Những danh nhân chết đi bao giờ chả để lại cho người sau vô số huyền thoại, cái đúng cái sai cái “dởm”. đó là vinh dự cho danh nhân không phải vinh dự cho người muốn gắn tên tuổi mình vào hào quang của người đã khuất. Vũ Cao và Trần Cư cùng làm báo quân đội với Thâm Tâm cho biết: ngay bài thơ Tống biệt hành anh em nhắc đến , Thâm Tâm rất cảm động nhưng vốn là người khiêm tốn, anh không thích kể đi kể lại, coi đó là tuyệt đỉnh của mình. tiếc rằng anh “đi” sớm quá, giữa lúc anh còn muốn có những bài thơ mới khác với hơi thơ cũ.
Thời Mỹ nguỵ, ông Vũ Bằng (vào quãng cuối tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy ) di cư vào Sàigòn có dựng đứng câu chuyện “Quang Dũng là con trai cụ Tản Đà” và nói về T.T.KH, họ Vũ cũng ghép tên thi sĩ Leiba vào, làm mọi người chả hiểu ra sao. Nhưng ai đã từng làm báo với họ Vũ cũng đều thuộc “ngón” làm ăn này của Vũ. Leiba (tức Lê Văn Bái) có thời gian ngắn làm báo Ích hữu (của Tân Dân) sau đó thi đỗ làm ông phán toà sứ Sơn Tây rồi mất (1941). Leiba là lớp trước Thâm Tâm không quen biết gì nhau. Đây chỉ là cách làm báo phao tin giật gân cho chạy báo.
Cũng cùng một loạt phao tin”thất thiệt” đó tôi còn nghe một chuyện tức cười nữa là có người “khẳng định” người yêu của Thâm Tâm chính là cô em gái cùng cha khác mẹ với nhà thơ Tế Hanh. Sự đồn đại chung quanh một tên tuổi đi vào lịch sử văn học, quả là phong phú.
Gần đây trên một vài tờ báo ta đọc hàng ngày đều có những “thông tin” vô bằng cớ như trên . Những chuyện “nghe lõm” rồi thêu dệt thêm tuỳ hứng. Như giai thoại về Nguyễn Tuân, về Vũ Trọng Phụng, về Quang Dũng, về Nguyễn Gia Trí và Thanh Tịnh v..v…
Buồn thay lớp người 1930 – 1945 trong văn học đã theo nhau “đi” gần hết. còn sót lại có Lưu trọng Lư, Bùi Hiến, Tô Hoài…"Nửa đếm sực tỉnh” anh Lư có còn nhớ nhiều không với sức nhớ của người trên 70 tuổi rồi?
Viết đến đây tôi muốn cung cấp để bạn đọc biết thêm ít chi tiết về T.T.KH trước khi chấm dấu cuối cùng: Hồi năm 1937, tôi có nhận được một thư trả lời toàn soạn Tiểu thuyết thứ bảy … của T.T.KH Tôi nhớ lại đại ý người làm thơ không muốn cho địa chỉ - để chúng tôi gửi báo biếu, với lý do cuôc đời của mình “chả ra sao”. Bức thư đó cũng như thư của bạn đọc hàng ngày gửi đến báo ai giữ làm gì?Hơn nữa hồi đó tôi còn trẻ, nên không mấy quan tâm đến chuyện các bà phụ nữ làm thơ” Nếu tôi là người mê thơ, mê người làm thơ như bây giờ có lẽ bức thư kia còn lại đến ngaỳ nay, cũng thành có giá .
Còn chuyện nữa xin kể nốt:
Hồi làm báo Tiểu thuyết thứ bảy ở Hà Nội vì gia đình tôi ở thị xã Thanh Hoá nên thời thường vẫn đi về cũng như Nguyễn Tuân và Hồ Dzếnh có gia đình ở thị xã này.
Một hôm tôi không có mặt ở nhà thấy em tôi bảo:” Có một người con gái đến chơi, không chịu nói tên chỉ để lại một bó hoa” ti-gôn rồi cáo lui”.Từ đó không lần nào trở lại. Ai nhỉ? Tuổi tôi lúc đó cũng có đôi ba bạn gái nhưng thời gian này báo đã đăng mấy bài của T.T.KH rồi, vậy đó là người đã đọc truyện Hoa ti-gôn của tôi, hay đã yêu thơ T.T.KH mà tìm đến?
…Ở lại Vườn Thanh có một mình …Có thể người này vốn là dân thị xã này chăng? Sao tôi không biết không từng gặp? Lại nữa nếu như có thực tên người yêu của Thâm Tâm là Khánh, Trần Thị Khánh thì bài thơ Các anh đã gọi toẹt ra rồi. Chỉ có tôi đến hôm nay là còn chưa rõ. Bạn đọc chú ý đến bài thơ T.T.KH, và Thâm Tâm người nào chả nói được căn cứ theo lời kêu gọi trong thơ:
Khánh ơi! Còn hỏi gì anh? Khánh ơi, còn đợi gì anh?. ..” Chả là thầy bói cũng nói trúng tên: người ấy, T.T.KH (tức Khánh).
Năm tháng đó “cuốn theo chiều gió” bao chuyện vui buồn. Cái gì còn lại vẫn là tài năng đức hạnh. Ngày nay còn có người nhắc đến tên T.T.KH là do sức sống của thơ. Có người thích thú tìm thấy 9 chữ thu trong hai bài thơ đầu (mùa thu tâm sự đầy khắc khoải).
Có người điểm thấy ba (3) chữ nghiêm trong thơ T.T.KH mà đoán rằng: Nghiêm là tên chồng, hay là họ người chồng luống tuổi của T.T.KH? Lại có người nhấn mạnh mấy chữ, lúc thì tôi , lúc thì em trong thơ T.T.Kh (vừa giận vừa thương của một tấm lòng tha thứ, khi thấy người yêu làm vỡ lở tình duyên cũ)
Riêng tôi đọc lại thơ T.T.KH tôi ngạc nhiên thấy phong cách thơ bà này khác xa thơ của ba ông bạn Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân cùng thời. Thơ T.T.KH không có những chữ “ ly khách,cửa ải xa,xóm thanh bình,trường thành,quan san, trường đình, thét roi, cô phụ, đoạn trường …(Thâm Tâm); hay rau tần ngỏ trúc, tương tư, giang hồ, nhân thế, biển dâu, khóm trúc, phong ba, hoa đèn, giọt đồng , lưu biệt, thiên thu, tịch liêu v..v. . (Trần Huyền Trân); hay vương tơ, lão bộc, vật đổi sao dời, quay tơ, guồng tơ, hận tình buồng the v..v. .(Nguyễn Bính). Thơ T.T.KH kể chuyện mình một cách giản dị không sáo ngữ lúc thì thanh minh" ba năm ví biết anh còn nhớ, em đã câm lời có nói đâu, lúc lại trách người mang cánh ti-gôn ấy, mà viết tình em được ích gì, rồi lại tự than:Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết thấy ai cũng ví cánh hoa xưa..” Sực nhớ việc mình đi lấy chồng đã ba năm lại hối: nếu biết rằng tôi đã lấy chồng trời ơi người ấy có buồn không?...
Thơ T.T.KH không cố tìm chữ lạ, không làm dáng,nên dễ đi vào lòng người nhất là lòng bạn gái cùng cảnh ngộ. Luyến tiếc thời ngây thơ con gái, lắng tiếng lá thu rơi mặt hè, tưởng như bước chân người yêu trở lại, càng lo sợ. Tả cái giận, nói đến nỗi lòng yếu đuối của mình đối với người yêu mà mình không rứt được… thật chân thành.
Từ năm 1937-1938 để lại ba bài thơ chuyên tả tâm sự mình mà người đọc không chán. Đó là đặc điểm của thơ T.T.KH.
T.T.KH là ai?
Có lẽ ta cũng chẳng cần biết rõ đó là ai? Một người phụ nữ vào thời đó làm thơ, đã theo kịp trào lưu thơ mới là điều đáng trọng.Tôi không tin rằng ai đó tìm ra bà - nếu bà còn, đã đáng bậc bà – không thể được bà sẵn lòng tiếp đón. Một người đã cố tình quên đi, đào sâu chôn chặt mối tình đau xót, bất hạnh nhất của mình (mà đã có những bài thơ như thế chỉ bộc lộ một lần rồi dập tắt) hẳn không giống kẻ kém tài kém đức chỉ mong có nổi một bài thơ tình được đăng lên báo, vì danh hay vì lợi.
Với sự trân trọng môt tài năng, một tâm hồn phụ nữ hiếm hoi trong quá khứ chúng tôi viết bài này và đề nghị cho in lại ba bài thơ độc nhất của bà, để chúng ta cùng thưởng thức.
Mùa thu 1990
THANH CHÂU
(THÂM TÂM – T.T.KH của Hoài Việt NXB Hội nhà văn 1991)