Phần 6
Tác giả: Thọ An, Phạm Duy Tốn
26. Thầy đồ với thầy cúng
Xưa có một người đàn bà góa, chồng mới chết, đến tháng bảy, đốt mã cho chồng; đón thầy cúng đến nhà để cúng và mời cả thầy đồ dạy học con lại chơi.
Phải anh thầy cúng dốt; thấy ông đồ ở đấy, thì sợ rằng cúng sai, ông ấy bẻ, cho nên cứ chàng màng, giở hết khoa nọ, kinh kia; lần lữa mãi đến tối mịt mới vào cúng, hóa ra cỗ bàn thiu cả.
Nguyên ở trong sách cùng, vẫn hay đề trống “Tín chủ Mỗ... “ Chữ “Mỗ” viết đơn, anh thầy cúng trông như cái thẹo. Đến lúc cúng cứ “Tín chủ Nguyễn thị Thẹo” mà đọc.
Ông thầy biết vậy, nhưng mà cũng không nói gì suốt cả.
Cúng vái, ăn cỗ xong, thì đã khuya rồi; ông đồ và thầy cúng không về được phải ngủ ở đấy. Hai thầy nằm ở nhà ngoài; còn mẹ con nhà chủ vào buồng đóng chặt cửa lại. Thầy đồ xơi phải cỗ thiu, đêm đến đau bụng, mót ỉa cuống cả lên. Nhưng mà nhà đàn bà hóa, cửa ngõ chận kỹ, lại có chó dữ. Thầy đồ ta mót quá, không thể nào nhịn được, phải tính liều: “Không có lẽ mình lại bậy ra ở đây được! Sáng dậy nó biết, thì làm thế nào? Chi bằng tương vào đít thằng thầy cúng, rồi mặc kệ nó!” Mới lại sờ đít anh kia. Chẳng may lại sờ phải mồm nó; thấy râu ria xồm xoàm, chắc là chỗ nọ, vội vàng chụt quần ỉa phứa ngay vào. Cứt thì cứt tháo dạ, toé vung đầy cả mặt anh thầy cúng. Anh ta vùng trở dậy, mồm miệng măt mũi be bét những cứt thối hoăng; giận quá, chu lên, rằng:
- Đ... mẹ đứa nào ỉa cả vào mồm ông thế này?
Thầy đồ nghĩ bụng rằng: “Chỉ có mình với nó ở đây thôi. Dẫu mình chối cũng không được! Mà chẵng có lẽ mình lại cứ im! Thôi thì ông cũng liều với mày!” Mới lên tiếng rằng:
- Ông ỉa đấy!
- Làm sao mày lại ỉa vào mồm ông?
- Sao ban tối mầy dám đọc tên mẹ học trò ông là Nguyễn thị Thẹo? Bây giờ ông ỉa vào mồm mầy đấy, để từ rày cho mày chừa!
27. Nói khoác, gặp thời
Có một anh nghèo xác xơ ở cạnh nhà ông Trưởng giả. Ông ấy không có con trai chỉ có ba người con gái thôi. Hai con gái lớn đã gả chồng nhà giàu rồi; người con gái út chưa lấy ai cả, còn kén. Anh nghèo ta ngấp nghé, nhưng mà nhà thì trên không gianh, dưới không phên, ai thèm gả cho? Mới lập mưu, họa may được chăng: Nhà hắn có mấy bụi tre,ngày ngày cứ ra đẵn về, chẻ lạt tết chuỗi, đem phơi đầy sân. Tối lấy vào đun; đến mai lại thế. Khi bấy giờ, mùa màng xong rồi, ông Trưởng giả rỗi việc, thường hay sang chơi nhà nó. Bận nào cũng thấy nó ngồi chẻ lạt tết chuỗi; trong bụng nghĩ rằng: “Hẳn thằng này có nhiều tiền!” Một hôm, mới nói chuyện với bà:
- Này bà mầy ạ, cái thằng ở bên cạnh nhà, ai ngờ mà nó lại có!
- Sao ông biết?
- Bận nào tôi sang, cũng thấy nó chẻ lạt tết chuỗi. Tất thị nó có nhiều tiền.
- Nếu thế thì nó giấu ở đâu?
- Thử để dò xem sao. Nếu thật nó có của, mà kín đáo như thế, ta còn con bé út, nên gọi gả quách cho nó.
- Được thế thì còn gì hơn!
Hai ông bà bàn nhau như vậy. Từ đấy ông trưởng giả cứ ngày ngày sang chơi nói chuyện với anh nhà nghèo, để dò ý tứ. Một hôm, anh ta nói rằng:
- Thưa ông, bên nhà có cái thuyền thúng độ này cũng bỏ không. Ông cho con mượn một tối, đến sáng con xin trả.
- Ừ, đấy, lúc nào anh cần đến, cứ sang mà lấy.
Tối hôm đó, anh chàng ta sang mượn thuyền chở đi vơ vẩn mãi đến tang tảng sáng mới chở về. Trước khi đem trả, anh ta lấy mấy cái chuỗi và mười đồng tiền bỏ rải rác ở trong lòng thuyền. Người nhà ông trưởng giả thấy thế, nói chuyện lại. Ông mới bảo bà rằng:
- Thôi thật chắc rồi!
Lập tức gọi ngay anh ta sang mà gả con cho.
Cưới xin xong rồi, anh nghèo từ đấy thôi không chẻ lạt nữa. Còn chị vợ thì đinh ninh chắc là chồng mình có của, cho nên cũng không nói gì đến chuyện ấy.
Ăn ở với nhau được ít lâu, thì ông trưởng giả mất. Làm ma chay linh đình. Hai chàng rể lớn ganh nhau trạm nọ cỗ kia.
Vợ anh nghèo, mãi không thấy chồng mình nói gì đến, mới bảo rằng:
- Các anh ấy phúng viếng sang trọng như thế, không có lẽ mình lại chẳng có gì cả hay sao!
Anh chồng túng thế, lấy cái thuổng ném ra bụi tre, mà bảo rằng:
- Của đấy ra đào lấy mà phúng.
Nói xong cút thẳng.
Vợ mừng lắm, vội vàng ra đào hì hụi. Ai ngờ đào được vô số của!
Nhưng mà ngặt ngày, không kịp mua trâu bò, trồng ngay cỗ tiền. Tiếng đồn lừng khắp cả làng, ai ai cũng nói rằng cỗ người rễ út to nhất cả.
Đến tai anh ta, lấy làm lạ, lẻn về xóm dò la; thấy quả nhiên như thế, mới về thẳng. Vợ chạy ra, hỏi:
- Sao công việc như thế, mà bỏ đi đâu mấy hôm nay?
Anh ta mới làm bộ nói rằng:
- Tao định đi mua voi về để tế ông, chứ đi đâu!
28. Thằng bé ngu tối
Có một thằng bé ngu tối quá. Mẹ nó đem gửi ở nhà ông thầy học. Ông thầy dạy nó câu gì, nó cũng không nhớ; bảo nó cái gì nó cũng quên. Dạy mãi nó mới biết được “cái ống nhổ”, “cái hỏa lò” và “cái cấp thiêu” mà thôi! Còn ngoại giả chẳng biết một tí gì nữa.
Một hôm, có ông Đề là bạn ông thầy học, đến chơi; nó cũng không chào. Ông thầy mới mắng:
- Cụ Đề là bạn với tao, cũng như tao. Sao cụ ấy đến chơi mà mầy không chào? Thế là vô phép! Hễ bận sau mầy thấy cụ ấy thì mầy phải chắp tay lại mà chào: “Lạy Cụ Đề ạ!” nhé! Thằng bé vâng.
Từ đấy hễ nó thấy ông Đề đến, thì nó chắp tay hai tay lại, chào: “Lạy Cụ Đề ạ!” Bận nào cũng thế.
Một hôm, nó về chơi nhà, Mẹ muốn thử xem con học hành tấn tới thế nào, mới đi lấy cái điếu ra hỏi con rằng:
- Cái này là cái gì?
Thằng bé nói:
- Cái ống nhổ.
Mẹ nó chán quá, lại lấy cái ấm bình tích, hỏi nó:
- Cái này là cái gì?
- Cái hỏa lò.
Giận lắm, lấy cái cơi trầu, hỏi nó:
- Cái này là cái gì?
- Cái cấp thiêu.
Mẹ nó điên ruột, tốc ngược váy lên, hỏi gắt rằng:
- Thế thì cái này là cái gì?
Thằng bé chắp hai tay lại, mà chào rằng:
- Lạy Cụ Đề ạ!
29. Ăn nói khoan thai
Ngày xưa có một người nuôi phải thằng đầy tớ tính hay láu táu, chưa đặt đít đã đặt mồm; bạ đâu nói đấy, chẳng ra đầu đuôi làm sao cả.
Một hôm thầy mắng tớ rằng:
- Từ rày không được ăn nói hấp tấp như thế nữa. Nói câu gì phải cho có đầu có đuôi, chứ không được nói nhăng nói nhít.
Một nhát, người chủ ngồi ăn thuốc lá, tàn thuốc rơi vào áo nhiễu. Thằng đầy tớ trông thấy mới ra đứng khoanh tay, nói thong thả rằng:
- Thưa thầy... trứng con ngài... đem ủ... nở ra... con tằm... Con tằm... kéo kén... Kén... ươm tơ... Tơ đem ra... kẻ chợ... bán... Người ta... mua về... bán lại cho... chú Khách... Chú Khách... đóng hòm... chở về Tầu... Bên Tầu... mới đem... dệt thành nhiễu... Thành nhiễu rồi... đóng hòm... lại chở... sang bên... An Nam... Cửa hàng ta... buôn về... bán lại... Thầy mới đi mua... đem về nhà... gọi... thợ may đến... cắt áo... khâu xong... thầy mặc... thầy ngồi... ăn... thuốc lá... tàn thuốc... rơi... cháy kia kià!
Anh chủ vội vàng trông xuống, thì áo đã cháy mất một mảng to. Giận quá, mắng thằng ấy rằng:
- Sao mầy không bảo ngay, mà mầy nói lôi thôi thế?
Nó thưa rằng:
- Vừa ban nãy, thầy mới dặn con phải ăn nói cho có đầu có đuôi!...
30. Làm phúc, phải tội
Ngày xưa có một ông sư và một con đĩ chết xuống Âm phủ. Vua Diêm vương đem ra tra hỏi. Hễ ai không có tội thì tha, mà lại cho hóa kiếp lên làm người; ai có tội thì bắt bỏ ngục, hay là bắt đầu thai súc vật.
Hỏi con đĩ, thì nó tâu rằng:
- Khi tôi còn sống, tôi chỉ làm cho người ta sướng. Ai buồn bực điều gì, đến tôi thì vui vẻ. Hỏi ông sư, ông sư tâu rằng:
- Khi tôi còn sống, tôi chỉ cứu dân độ thế. Hễ ai ốm đau, thì tôi tụng niện cầu nguyện cho khỏi chết.
Vua Diêm vương phán rằng:
- Thằng này là của không vừa: Mầy chỉ ăn không nói có, dối trên lừa dưới. Ai đến số chết thì ta sai bắt. Thế thì không những là mầy dám cưỡng mệnh ta mà mầy lại dối người rằng mầy cứu được. Quỷ sứ đâu! Đem giam thằng này vào ngục, đợi rồi sau bắt làm kiếp chó. Còn con kia chỉ làm cho người ta sướng, quên cả buồn rầu, xét ra là không có tội, thì ta lại cho lên làm kiếp người.
Ông sư tức quá, phàn nàn rằng: “Mình đi tu thì phải tội, mà con đĩ thì lại được phúc. Thế thì còn muốn đi tu làm gĩ nữa?”
Đến lúc quỷ sứ xiềng xích lôi kéo ông sư ra; đi qua trước mặt con đĩ, ông sư mới dặn với lại rằng:
- Chị có về trên ấy, tôi nhắn một câu này: “Đ... mẹ đứa nào từ rày còn đi tu nữa!”