watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tiếu Lâm An Nam-Phần 7 - tác giả Thọ An, Phạm Duy Tốn Thọ An, Phạm Duy Tốn

Thọ An, Phạm Duy Tốn

Phần 7

Tác giả: Thọ An, Phạm Duy Tốn

31. Kém gì Lý Bạch
Có một ông Quan Võ tính hay thích làm thơ Nôm. Ở bên cạnh, có một bác chỉ khéo hót ăn. Ông Quan Võ làm được bài thơ nào, thường gọi nó sang, đọc cho nó nghe. Nó tán tụng, khen hay, thì lại cho nó ăn.
Một hôm ông ấy cho gọi nó sang chơi đánh chén. Lúc ngồi ăn, ông ta nói rằng:
- Tôi mới dựng một cái chuồng chim bồ câu ở sau vườn. Nhân nghĩ được một bài thơ tứ tuyệt. Tôi thử đọc bác nghe xem có được hay không:
- Dạ, xin ngài cứ đọc.
Ông Quan Võ gật gù, đọc rằng:
Bốn cọc chênh vênh đứng giữa trời;
Khi thì bay bổng, lúc bay khơi,
Ngày sau hắn đẻ ra con cháu.
Nướng chả băm viên, đánh chén chơi.
Bác kia nức nở khen rằng:
- Hay lắm! Xin Ngài đọc lại từng câu một cho con nghe.
- Bốn cọc chênh vênh đứng giữa trời...
- Hay! Con nghiệm câu này thì có lẽ Ngài làm đến Tứ trụ!...
- Khi thì bay bổng, lúc bay khơi...
- Ngài còn thăng quan chưa biết đến đâu!...
- Ngày sau hắn đẻ ra con cháu...
- Con cháu Ngài còn vô số! Đa lộc, lại đa đinh!...
- Nướng chả băm viên, đánh chén chơi!
- Hay quá! Cảnh Ngài về sau tha hồ nhàn, tha hồ phong lưu phú quý!
Ông Quan Võ lỗ mũi nở bằng cái thúng.
Rung đùi, vuốt râu; lấy làm đắc chí. Rót rượu mời anh kia; rồi nói rằng:
- Thơ tôi lắm câu cũng tự nhiên. Bây giờ nhân cuộc vui, tôi thử làm chơi một bài tức cảnh, xem thế nào, nhé!
- Bẩm vâng.
Ông Quan Võ mới nhìn chung quanh, trông thấy con chó, làm luôn thơ chó, rằng:
Chẳng phải voi, mà chẳng phải trâu,
Ấy là con chó cắn gâu gâu!
Khi nằm với vợ thì phải đứng;
Cả đời không ăn một miếng giầu!
Anh kia gật đầu khen hay. Hai người rót rượu mời nhau uống. Rồi anh ta xin họa theo một bài. Ông kia ưng. Anh nọ ngồi nghĩ một nhát, đọc lên rằng:
Quanh quanh đường đít lại đường đầu,
Hễ thấy ai vào cắn gâu gâu!
Ăn hết của thơm cùng của thối,
Trăm năm chẳng được chén chè tầu!

32. Phải mắng oan
Hai vợ chồng trẻ, đương độ thanh xuân. Một đêm, gió mát trăng trong, chồng hỏi nhỏ vợ rằng:
- Những lúc đấy muốn thì làm thế nào cho đây biết được?
- Hễ lúc nào đỏ mặt lên là chính lúc ấy đương..
Anh chồng biết vậy.
Đến hôm giỗ bố, vợ phải chui đầu vào bếp, hì hục làm cỗ cả ngày, hóa ra mặt đỏ như quả gấc chín. Khi cỗ làm xong, đệ lên giường thờ cúng; chồng đương khúm núm qùy khấn ở trước bàn, bỗng đâu vợ lù lù ra.
Chồng nhìn thấy mặt vợ đỏ gay, tức quá; tái mét mặt lại, đứng ngay phắt dậy, mắng rằng: “Sao mầy hư thế? Hôm nay là ngày giỗ bố tao, mà mầy cũng không biết nể! Mầy lại nhè giữa lúc tao đương khấn vái, mà mầy... đỏ mặt mầy lên! Đồ quạ mổ ở đâu đấy a!”

33. Thằng đầy tớ nỡm
Ngày xưa có một bà Huyện đến chơi nhà chị em bạn; có thằng đầy tớ đi theo hầu. Đương ngồi nói chuyện, đông đủ cả mọi người, bà Huyện ta tự nhiên vãi ngay ra một cái rắm.
Thằng đầy tớ đứng hầu ở sau lưng, thấy bà mình đánh rắm, phì cười ra. Nhưng mà lúc bấy giờ các bà ngồi chơi đấy thì đông, mà đầy tớ đứng hầu chung quanh cũng nhiều, cho nên lộn xộn, không biết rõ là rắm ai.
Tuy vậy, bà Huyện cũng ngượng, bẽn lẽn cáo lui ra về; trong bụng căm thằng đầy tớ quá. Muốn chừng như về đến huyện, thì đem băm vằm ngay nó ra được!
Thế nhưng mà đi đường, dần dần bà nguôi cơn giận. Cho nên khi về đến dinh, chỉ gọi nó vào nhà trong, mà chửi mắng nó đáo để một hồi, rằng: “Đồ ngu! đồ dại! đồ không ra gì! Mầy như người ta thì mầy nhận là của mầy, có được không! Việc gì mầy lại nhe răng ra mà cười, như con đông sơn vậy? Đồ ăn mày ở đâu ấy a? Bận này bà tha cho, bận sau mà còn thế nữa, thì bà đánh lột xương ra!... “ Rồi đuổi nó: “Bước ngay ra đường kia, nỡm!”
Anh nỡm ta sợ mất vía, vội vàng lui ra; xăm xăm chạy một mạch đến nhà kia, nói với đông nhan cả mọi người rằng:
- Thưa các Bà, cái rắm bà con đánh ban nãy, là rắm con đấy!...

34. Khóc chồng
Có một chị, chồng mới chết.
Khi người chồng còn sống, cứ mỗi bận đi lại với vợ thì bỏ một hột gạo vào trong cái hũ. Đến lúc chồng chết, chị ta đem hũ ấy ra, đổ gạo vào đấu thì chưa được lưng đấu. Mới ngồi khóc rằng:
“Ới anh ơi, là anh ơi! Anh lấy tôi chưa được lưng thưng vực đấu, mà anh đã bỏ tôi anh đi, anh ơi, là anh ơi!...”

35. Ông khách nói mát
Mọi nhà có giỗ, mời khách đến ăn cỗ. Khách đến đông đủ cả rồi, dọn cỗ ra, thiếu mất một đôi đũa.
Một người cầm đũa, mời nhau. Còn người khách không có đũa, đứng dậy, bảo người nhà rằng:
- Múc cho tôi xin một chậu nước lã.
Chủ nhà nghe thấy, chạy lại, hỏi lấy nước lã làm gì.
Ông khách nói rằng:
- Tôi rửa tay cho sạch để bốc đồ ăn!...

36. Ông già thật thà
Có một ông lão già thật thà quá. Một hôm cày ruộng ở ngoài đồng. Đến bữa cơm, bà vợ ra cổng đứng gọi to rằng:
- Ông ơi! Cơm chín rồi, đi về mà ăn.
Ông lão cũng nói to lên rằng:
- Ừ, để tôi giấu cái này vào trong bụi tre đã, rồi tôi về.
Đến khi về, vợ bảo chồng:
- Giấu cày thì cứ im mà giấu; sao ông lại kêu rống lên thế, người ta biết, người ta có lấy mất không? Từ rày trở đi, ông đừng có nói to thế nữa, nhé!
Ông lão gật đầu:
- Ừ, từ rày tôi không nói to nữa.
Ăn cơm xong, ông lão trở ra đồng, vào bụi tre tìm cày thì không thấy cày đâu nữa: người ta ăn cắp mất rồi!
Vội vàng chạy về, ghé mồm vào tai vợ mà nói rằng:
- Người ta ăn cắp mất cái cày rồi, bà mày ạ!...

37. Vỏ quít dày, móng tay nhọn
Hai ông thầy, một ông thầy bói và một ông thầy thuốc, không biết làm sao mà hằn thù nhau.
Một hôm, có mụ đàn bà, chồng ốm, thuốc thang cúng vái làm sao cũng không khỏi, cùng đường, đến nhờ ông thầy bói xem hộ có phương kế nào cứu được chồng chăng.
Ông thầy gieo quẻ xong, bảo chị ấy cứ đến xin thuốc ông lang nọ cho chồng uống thì khỏi ngay. Nhưng mà bụng ông thầy muốn xỏ ông lang, mới dặn mụ ấy rằng:
- Hễ lại nhà ông lang, thì phải nói ông ấy: “Có phải thật ông là ông lang mà dao cầu mạng nhện chằng và ô thuốc mốc, không? “ Hỏi thế rồi hãy kể bệnh xin thuốc, thì thuốc mới hay. Mụ ấy xin vâng. Hỏi thăm đến nhà ông thầy thuốc nọ, rồi cũng nói như lời ông thầy bói đã dặn.
Ông lang thấy nó hỏi thế thì tức quá, đoán rằng hẳn lại thằng thầy bói xỏ mình đây; cho nên mới hỏi lại mụ nọ rằng có phải ông thầy bói dặn thế không. Mụ nọ bảo phải. Ông lang căm lắm, nhưng mà cứ lẳng lặng bốc thuốc cho mụ ấy. Tay bốc thuốc, bụng nghĩ cách để xỏ lại anh thầy bói kia. Lúc đưa thuốc cho mụ ấy, mới dặn rằng:
- Phải bắt cho được một con ruồi ở mép ông thầy bói ấy, mà làm thang thì thuốc này mới nghiệm.
Mụ ấy xin vâng; vội vàng trở lại hàng ông thầy bói, ngồi chực xem hễ có con ruồi nào đến đậu mép ông thầy thì bắt. Nhưng mà ngồi đợi mãi cũng chẳng thấy con ruồi nào đến. Nóng ruột quá!. Trời đã chiều rồi, mà chồng thì ốm nằm đợi ở nhà!
May làm sao, có hàng bánh rán rao qua. Ông thầy bói ngồi buồn, gọi vào mua ăn; ăn nhồm nhàm, mật dính cả vào râu: Bổng có một con ruồi xanh ở đâu bay lại, đậu ngay vào mép.
Mụ kia mới rón rén lại gần, giơ thẳng cánh, vả ông thầy bói một cái “đốp” lòi cả bánh rán ra.
Ông thầy bói kêu vỡ làng nước, rằng:
“Ông làm gì đứa nào mà đánh ông?”
Mụ kia vội vàng nói đầu đuôi cho ông ta nghe, rồi một mạch chạy thẳng về nhà...

38. Thơ cóc
Có ba ông vẫn tự đắc là mình hay thơ nôm. Một hôm, rủ nhau đi chơi chùa, để cùng họa thơ tức cảnh.
Nhưng mà đến chùa, không biết làm thơ gì; mới bảo nhau hãy đưa tiền cho ông tự đi mua rượu và đồ nhắm về đánh chén đã: hễ rượu vào rồi, thì tự khắc thơ ra tuồn tuột!
Mua về, ba ông ngồi bắt chân chữ ngũ, gật gù uống rượu, rung đùi nghĩ thơ. Chợt thấy con cóc ở trong xó, nhảy ra. Một ông mới ngâm rằng:
Con cóc trong hang,
Con cóc nhảy ra.
Ông thứ hai hoạ theo rằng:
Con cóc nhảy ra,
Con cóc ngồi đấy.
Ông thứ ba:
Con cóc ngồi đấy
Con cóc nhảy đi.
Ba ông cùng vỗ đùi, cười ổ cả lên khen rằng:
- Hay! hay! hay thật!
Cười chán rồi, một ông bảo rằng:
- Thơ ta tuyệt cú! mà ta xuất khẩu thành chương như thế thì tôi e lắm, hai Tiên sinh ạ. E rằng Thánh nhân người đã dạy: ai mà linh khẩu lắm thì chẳng kẻo chết non. Vậy ta phải nên liệu trước.
Hai ông kia lấy làm phải lắm, bèn mời ông tự ra, nói hết đầu đuôi; rồi đưa tiền nhờ mua hộ ngay cho ba cỗ ván.
Ông tự cầm tiền đi mua. Một chốc đem về bốn cái áo quan. Ba ông hay thơ mới hỏi:
- Sao lại mua những bốn cái thế?
- Thưa các Ngài, tôi mua thêm một cái để cho tôi, bởi vì tôi buồn cười quá, cũng đến chết mất.

39. Được cả đơn liền kép
Một chị có chồng, phải lòng anh hàng xóm. Một hôm, chồng đi vắng, chị ta đón nhân ngãi về nhà.
Đương trò chuyện ở trong màn, sực thấy anh chồng đẩy cửa về, anh nọ vội vàng chui ngay xuống dưới gầm giường còn chị kia thì giả cách đau bụng, kêu lăn kêu lộn ở trong màn, gọi chồng bảo rằng:
- Có mau mà giắt tôi ra đường sau đi đồng, không thì chết mất.
Chồng vội vàng giắt vợ vào nhà trong. Vào đến nơi, chị nọ làm bộ cố rặn mà nói rằng:
- Mầy không ra mau thì chết cả tao liền mầy!
Anh kia nghe thấy thế, vội vàng chui ra, chạy về. Chẳng may sân nhà nó lắm rêu, trượt chân, ngã đánh “huỴch” một cái bằng trời giáng.
Anh ta lập tức bấu ngay một ít rêu, viên tròn lại, đứng dậy, chạy vào bảo chồng chị kia rằng:
- Tôi ở bên nhà, nghe thấy bác gái kêu đau bụng từ sớm đến giờ, mà chưa khỏi. Đây tôi có viên thuốc này hay lắm, đưa sang để cho bác gái uống thử xem có khỏi không.
Rồi đưa viên rêu bảo chị kia nhai mà nuốt đi. Chị kia nuốt chưa đến cổ, đã kêu khỏi rồi. Anh chồng không biết lấy gì mà trả ơn anh láng giềng được. Hôm sau bàn với vợ, đi mua một buồng cau non đem sang tạ.

40. Anh chàng lẩn thẩn
Ngày xưa có một anh tính khí lẩn thẩn: hễ vợ đi đâu, cũng đi theo đấy; vợ ngồi đâu cũng ngồi ngay bên cạnh, để giữ gìn cái của vợ, kẻo sợ nó đánh rơi mất.
Người vợ bảo làm sao cũng chẳng nghe, cứ quấn quít, không chịu rời nó ra một bước nào.
Vợ tức mình quá, một hôm, mới nhặt một cái mảnh sành, giắt sẵn vào lưng, rồi ra đi chợ. Anh chồng lẽo đẽo theo sau.
Đi đến một cái ao, nó quay lại bảo cu cậu về đi, không về thì nó vất cái ấy xuống ao cho rồi. Cu cậu không về. Nó mới cầm miếng mảnh sành, ném đánh “bõm” một cái xuống ao, mà nói giỗi rằng:
- Bảo mãi cũng chẳng nghe thì để làm gì mà không vất đi cho rảnh! Nói rồi, ngoay ngoảy đi.
Anh nọ tưởng vợ ném cái ấy xuống đấy thật, vội vàng chạy về nhà lấy cái gầu lại tát nước. Tát cạn ao rồi, xắn quần, lội xuống tìm. Tôm cá nhảy chung quanh bên mình vô số, cũng chẳng bắt, cứ hì hục mò tìm cái kia; mãi cũng không thấy.
Có một chị đi đến đấy, thấy thế hỏi rằng:
- Bác tìm gì vậy? Sao cá nhiều thế kia, mà không bắt?
- Tôi tìm cái này. Chẳng thiết gì cá!
- Thế thì bác cho tôi xuống bắt ít cá vậy, chẳng có hoài của.
- Ừ, cá đấy, tha hồ xuống mà bắt. Nhưng mà hễ có tìm thấy cái gì, thì phải trả tôi.
Chị nọ cũng chẳng biết là cái gì; chỉ cốt thèm bắt mấy con cá, cho nên cứ ừ liều. Rồi vén váy, lội xuống ao, bắt cá. Ai ngờ chị ta cúi chổng mông, để hở cái gì ra! Anh kia trông thấy, vội vàng chạy lại, nắm lấy cái ấy, mà kêu lên rằng:
- A! a! a! đây rồi! Của tôi đây rồi! Gớm! Mầy để tao tìm mãi từ sớm đến giờ!
Nói rồi, lại trách chị kia rằng:
- Sao chị tệ thế? Chị bắt được, mà chị lại không trả tôi?
Chị nọ kêu giãy nãy:
- Buông ra! Ô hay chửa kìa!
Anh ta không buông, cữ giữ chặt lấy.
Chị cãi của chị, anh cãi của anh; đương lôi thôi thì người vợ vừa về đến đấy, thấy thế, vội vàng tốc váy lên, bảo chồng rằng:
- Của nhà ta đây kia mà! Ơ nhầm! Buông bác ấy ra chứ!
Anh nọ trông lên, thấy rõ của mình đâu vẫn ở đấy, mới buông chị kia ra, mà nhăn nhở nói rằng:
- Ô hay! của bác ấy cũng như của ta nhỉ.
Tiếu Lâm An Nam
Mấy lời nói đầu
Tựa
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần kết