Chương 10
Tác giả: Thomas L. Friedman
Redmond, Wash., 21/10/1997 - Đáp lại những lời cáo buộc của Bộ Tư pháp, Tập đoàn Microsoft hôm ngay thông báo rằng họ sẽ mua Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ với giá chưa được tiết lộ: "Đó là sự tăng trưởng tự nhiên trong kế hoạch của chúng tôi", Chủ tịch Microsoft Bill Gates nói. "Đó sẽ là một dàn xếp tốt đẹp cho mọi người".
Đại diện của Microsoft cùng Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã tổ chức một cuộc họp báo tại Phòng Bầu Dục của Nhà trắng và trấn an giới báo chí rằng những thay đổi sẽ được giữ ở "mức tối thiểu". Chính phủ Hoa Kỳ sẽ trở thành một chi nhánh trực thuộc Microsoft.
Một đợt phát hành cổ phiếu lần đầu dự định sẽ được tiến hành vào tháng bảy sang năm, và dự kiến Chính phủ Liên bang sẽ có lãi, muộn nhất là vào "quý 4, năm 1999" theo lời Tổng giám đốc Microsoft Steve Ballmer.
Trong một thông báo liên quan, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố ông "sẵn lòng và hăng hái" chấp nhận chức Phó tổng giám đốc Microsoft, và sẽ tiếp tục quản lý Chính phủ Mỹ, trực tiếp nằm dưới quyền Bill Gates. Được hỏi là ông nghĩ thế nào về việc chuyển giao quyền lực hành pháp thiêng liêng của đất nước vào tay Gates, Clinton cười và nói ông thấy "nhẹ người". Ông nói tiếp rằng Gates có một "quá trình làm việc tuyệt vời" và công dân Hoa Kỳ nên "hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng" Gates. Có tin cho biết trong cương vị mới ở Microsoft, Clinton sẽ thu nhập cao hơn nhiều lần mức lương tổng thống 200.000 đô-la hiện nay.
Gates coi đề nghị cho dời Quốc hội Mỹ về Redmond là "nhảm nhí", mặc dù ông có nói là sẽ vạch quyết định quản trị chính phủ từ đại bản doanh của Microsoft. Gates nói tiếp rằng cả Thượng viện và Hạ viện "dĩ nhiên" sẽ bị giải tán. "Microsoft không phải là một nền dân chủ", ông nhận xét, "nhưng hãy xem chúng tôi làm ăn tốt ra sao". Khi được hỏi về những lời đồn đại về chuyện hãng này có thể mua luôn Chính phủ Canada, Gates nói, " Chúng tôi không bác bỏ tin nói rằng đàm phán đang diễn ra". Đại diện của Microsoft đã kết thúc cuộc họp báo bằng tuyên bố rằng các công dân Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế, hưởng thêm các dịch vụ của Chính phủ và được giảm giá khi mua các sản phẩm Microsoft.
Nói thêm về Microsoft: Sáng lập năm 1978, Microsoft (Mã số MSFT trên thị trường NASDAQ) là hãng đứng đầu thế giới về các phần mềm dùng cho máy tính cá nhân và các chính phủ dân chủ. Công ty cung ứng nhiều dạng sản phẩm và dịch vụ đến dân chúng, doanh nghiệp và cá nhân. Sản phẩm được thiết kế để hàng ngày, người dùng thích dùng và thấy dễ dàng hơn trong công việc tận dụng lợi thế của máy tính cá nhân và xã hội tự do.
Nói thêm về Hoa Kỳ: Sáng lập năm 1780, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là đất nước thành công nhất trên lịch sử thế giới, và đã trở thành biểu tượng của dân chủ và cơ hội trong hơn 200 năm. Đại bản doanh ở Washington, D.C., Hoa Kỳ nay trở thành một chi nhánh của tập đoàn Microsoft.
Bản tin hài hước về Microsoft,
tác giả khuyết danh, đăng trên Internet.
----------------------
Một ngày mùa thu năm 1995 tôi đọc tờ Financial Times và một bức ảnh trên trang nhất lôi cuốn sự chú ý của tôi. Trong ảnh là Bill Gates, Chủ tịch Microsoft trò chuyện với Giang Trạch Dân, Chủ tịch Trung Quốc. Chú thích của bức ảnh gây cảm tưởng rằng đây là một cuộc họp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo thế giới. Chú thích viết hai vị đã nói chuyện "thân mật" ngược hẳn với cái không khí trong cuộc gặp mặt của họ trước đó 18 tháng. Tôi nghĩ, Bill Gates gặp Giang Trạch Dân tận hai lần trong vòng 18 tháng - trong khi xưa nay Bill Cliton chỉ gặp Giang có một lần. Cũng không phải ngẫu nhiên. Dường như người Trung Quốc tin rằng đã đến lúc họ cần Bill G hơn là Bill C. Và ai có thể trách họ được? Người Trung Quốc lấy làm phật lòng khi thấy bản dịch tiếng Trung của hệ điều hành Window 3.1 lại do các nhà ngôn ngữ máy tính Đài Loan thực hiện - sử dụng kiểu chữ và bộ mã Đài Loan. Không gì có thể khiến Trung Quốc lục địa tức giận hơn là chuyện Đài Loan gọt giũa phần mềm và hệ điều hành cho toàn bộ các máy tính của người Trung Quốc. Hậu quả là nhà chức trách Trung Hoa cho phong tỏa các cửa khẩu không cho hệ điều hành Window 95 vào thị trường của họ cho đến khi Microsoft chấp nhận để cho phiên bản phần mềm tiếng Trung do Microsoft và một công ty máy tính trên lục địa cùng sản xuất.
Đọc bài báo và chú thích của nó, tôi có ý nghĩ là liệu đã đến lúc những thuộc tính của công ty và của đất nước nay được hòa lẫn vào nhau. Cũng giống như việc móc nối công ty của bạn vào nền kinh tế toàn cầu, nay bạn đưa đất nước của bạn vào thị trường chứng khoán - như một công ty có cổ đông trên toàn cầu. Điều này làm cho đất nước có cảm giác giống một tập đoàn sản xuất và kinh doanh. Dân chúng cư xử như những cổ đông, lãnh đạo thì như các giám đốc và nhà phân tích chính sách đối ngoại thì hành động như các cơ quan giám sát mức tín dụng khả tín.
Trong khi đó, Internet tiếp tục trở thành bộ phận cấu thành trong cuộc sống của công dân, công dân sẽ tiếp tục gây áp lực lên các chính phủ và hệ thống luật pháp, buộc chúng phải hoạt động với tốc độ Internet. Trong hệ thống Chiến tranh Lạnh, khoảng cách giữa công ty và chính phủ là có, nhưng không lớn, IBM và General Motors đã hoạt động giống như cung cách của chính phủ liên bang hay như điện Kremlin vậy. Giờ đây khoảng cách hầu như không còn - chính vì thế nhu cầu cho hình thức chính phủ điện tử tăng lên. Tại sao bạn phải chờ suốt sáu tiếng tại một văn phòng của huyện lỵ để được gia hạn bằng lái xe, trong khi bạn có thể mua cả một chiếc xe hơi trên mạng? Ngày lại ngày, dân chúng sẽ đòi hỏi dịch vụ của nhà nước Hoa Kỳ phải nhanh hơn và dễ sử dụng hơn, nhanh như dịch vụ họ có được khi vào mạng Hoa Kỳ (America Online). Khi chúng ta thấy được cách sống của đồng loại thì các chính phủ sẽ phải hứa hẹn với mỗi chúng ta những điều tương tự, những điều tốt đẹp hơn, mà ta thấy có ở nơi khác. Và để làm việc đó, chính phủ phải ứng xử theo cung cách của công ty. Nói cách khác dân chúng càng đòi hỏi chính phủ hoạt động nhanh và hiệu quả như Amazon.com thì chính phủ càng phải tổ chức hoạt động giống hoạt động của công ty Amazon.com
Mặt khác, các bộ máy nhà nước chịu áp lực phải hoạt động giống như các công ty vì trong thời đại toàn cầu hóa, hơn bao giờ hết, các quốc gia phải lựa chọn giữa sự thịnh vượng - tùy thuộc vào các chính sách mà họ theo đuổi - với khả năng công dân của họ tự động đòi hỏi bằng được sự cải thiện quản lý để được thịnh vượng. Khi dân chúng ngày càng nhận thức thấy chính phủ của họ chỉ sử dụng hệ điều hành DOScapital 1.0 trong khi chính phủ láng giềng đang có phiên bản 6.0, họ sẽ chất vấn: Vì sao? Dân chúng sẽ hiểu là không như thời kỳ Cách mạng Công nghiệp, các quốc gia ngày nay không còn bị lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, vào địa lý hay lịch sử. Ngày nay bất cứ nước nào cũng có thể kết nối vào Internet, tìm kiếm tri thức từ đó và tổ chức đào tạo; bất cứ nước nào cũng có thể tìm đến những nhà đầu tư nước ngoài để thu hút tiền vào những dự án hạ tầng của nó; bất cứ nước nào, sau một thời gian, cũng có thể áp dụng hệ điều hành DOScapital 6.0. "Trong năm nay, nền kinh tế nào tăng trưởng nhanh nhất thế giới?" Tổ chức Economist Intelligence Unit đặt câu hỏi hồi năm 2000. "Mozambique. Mozambique có nền kinh tế có tốc độ tăng nhanh nhất trong bốn năm qua. GDP tăng bình quân 10%. Botswana trong cùng thời gian tăng bình quân 7% một năm. Mặc cho những khó khăn ở châu Phi như khí hậu và bệnh dịch, ổn định chính trị và những chính sách tài chính đúng đắn và những cải cách thương mại có thể tạo ra phép màu, thậm chí ngay tại các quốc gia nghèo nhất".Mozambique và botswana đã lựa chọn sự thịnh vượng. Giáo sư Michael Porter của Trường Kinh doanh thuộc đại học Havard có lần đã phát biểu: "Sự giàu có của một quốc gia ngày nay là thành quả cơ bản của sự lựa chọn tập thể. Vị trí, tài nguyên thiên nhiên và sức mạnh quân sự không còn là những yếu tố quyết định. Thay vào đó, cung cách mà nhà nước và dân chúng lựa chọn việc tổ chức và điều hành kinh tế, điều hành những bộ máy quản lý và loại hình đầu tư cho mọi người, tất cả sẽ quyết định mức thịnh vượng của quốc gia".
Trong toàn cầu hóa nếu các quốc gia lựa chọn sự thịnh vượng giống như cách các công ty lựa chọn,thì họ phải có những chính sách và kỹ năng gì? Trong phần cuối của chương này sang đến chương sau, dựa vào tham khảo những công ty và nhà nước thành công nhất trên thế giới, tôi sẽ liệt kê một danh sách các chính sách và kỹ năng đó. Ngày nay, khi đến một đất nước, để đánh giá sức mạnh kinh tế và tiềm năng của đất nước đó, trước hết, tôi đặt hai câu hỏi.
TÌNH HÌNH KẾT NỐI MẠNG CỦA ĐẤT NƯỚC HAY CỦA CÔNG TY CỦA BẠN RA SAO?
Tháng 10/1995 tôi bay sang Redmond, Washington, để phỏng vấn nhân vật số hai của Microsoft, Tổng giám đốc Steve Ballmer. Tôi hỏi ông một câu đơn giản: Microsoft là công ty quan trọng nhất Hoa Kỳ ngày nay, vậy Microsoft đo lường như thế nào về quyền lực trong cách nghĩ của mình? Khi nhìn ra thế giới, những nước nào mà Microsoft cho rằng mạnh nhất và vì sao? Ballmer hồi đó đã đưa ra một lời đáp đơn giản: "Chúng tôi đánh giá quyền lực bằng một tỷ lệ - số máy vi tính trên số hộ gia đình". OK, tôi nói vậy hãy cho tôi xem bản đồ của Microsoft phân hạng quyền lực trên thế giới. Ông ta nói khu vực Microsoft tăng trưởng nhanh nhất là Á châu, nơi Hàn Quốc có mức sở hữu máy vi tính cao nhất theo số hộ. Tỷ lệ ở Nhật Bản đang tăng lên, ông ta nói, nhưng Microsoft rất hứng khởi khi nhìn vào Trung Quốc.
"Sao ông có thể ưa thích Trung Quốc?' Tôi hỏi, "dân chúng ở đó thu nhập có 50 đô-la mỗi tháng".
"Ồ, anh không hiểu", Ballmer trả lời. Ông ta đến bên một tấm bảng đen, gạch hai vạch ngắn vào một bên, hai vạch ngắn ở bên kia, hai vạch ngắn ở chân bốn vạch đó và một vạch cuối cùng ở đáy, rồi nói: "Hai ông bà ngoại, hai ông bà nội, rồi tới hai bố mẹ, tất cả tập trung tiết kiệm để mua hệ điều hành Window 95 cho một cháu bé". Chính thế, chính sách dân số ở Trung Quốc đang hậu thuẫn cho Microsoft.
"Ông nói tiếp đi, còn nơi nào khác trên thế giới?" Tôi hỏi.
Ballmer nói Brazil và Ấn Độ cũng đang chạy theo, số lượng máy tính trên số gia đình tăng nhanh. Nhưng Trung Đông là vùng không thấy động tĩnh, suốt từ Ma Rốc sang tới Pakistan, ngoại trừ Israel, nơi Microsoft có một trung tâm phát triển máy tính - một mức quyền lực khác hẳn - và Arập Sêút nơi người Ai Cập đang chạy phần mềm Microsoft cho các hãng đa quốc gia. Tây Âu có tiềm lực mạnh được phân bố ở khắp nơi, Ballmer nói, ngoại trừ một nước - Pháp. "Tôi không muốn nói là (Pháp) bị tụt hậu", Ballmer nói, "đây là nơi vốn dĩ số lượng máy tính so với số dân là cao, nhưng thời đó qua rồi".
Tôi gọi tấm bản đồ của Ballmer là "Chính sách đối ngoại 3.1". Ba năm sáu đó, 1998, tôi quay lại để cập nhật thông tin. Lần này tôi vào Thung lũng Silicon và hỏi chuyện các giám đốc các công ty hàng đầu đóng ở đó - Intel, Sun và Cisco - và các giáo sư khoa cơ khí của đại học Stanford, xem họ đo lường quyền lực như thế nào? Thật thú vị, tôi thấy mọi thứ thay đổi nhanh quá. Họ nó vào năm 1998, Thung lũng Silicon không còn chỉ đo đạc theo tỉ lện máy tính trên số hộ dân nữa - họ đo bằng "mức kết nối máy tính".
Điều quan trọng giờ đây, họ nói, là đất nước của bạn nối máy tính đến được những đâu, vào tận đâu, vào công ty, trường học và các tụ điểm, giải trí, và cài đặt mạng nội bộ Intranet và với Internet và World Wide Web. Mức độ kết nối thường được đo kích thước các giải tần ở mỗi nước: công suất của cáp, đường điện thoại và cáp quang để truyền tải liên lạc bằng kỹ thuật số - những bộ mã hiệu gồm số 1 và 0 - trong các mạng liên lạc. Trong những năm 80, phương châm của máy tính là "bộ nhớ dù lớn bao nhiêu cũng vẫn chưa đủ", thì phương châm máy tính trong thời đại mạng là "Giải tần dù lớn bao nhiêu cũng không thừa".
Càng nhiều giải tần thì mức nối kết càng cao. Nếu bạn muốn biết mức độ kết nối của đất nước của bạn bạn hãy đo chúng bằng thông số " Megabits trên đầu người" - giải tần có tổng số dung lượng cao đến đâu chua cho số lượng người dùng tiềm năng. Megabits/người giờ đây cùng với số máy tính/hộ dân, trở thành một thước đo chủ yếu đo đạc tiềm lực mà Thung lũng Silicon sử dụng. Chúng sẽ cho bạn biết mức độ thông tin được phân bổ trong dân chúng và trong mối liên lạc giữa dân chúng và bộ máy lãnh đạo. Công ăn việc làm, tri thức và tăng trưởng kinh tế sẽ đến với những xã hội có mức kết nối cao bằng các giải tần - vì trong những đất nước đó người ta có thể dễ dàng quy tụ, chuyển giao và chia sẻ tri thức để thiết kế, sáng tạo, sản xuất, bán, cung cấp dịch vụ, liên lạc, giảng dạy và giải trí. Khả năng kết nối nay trở thành hiệu quả sản xuất.
Brian Reid, thành viên quản trị của hãng Digital Equipment Corportation, một trong những người có công đầu trong việc xây dựng Internet đã nói với báo The New York Times (tin ngày 8/12/1997): "Trong kỷ nguyên thông tin, giải tần là hệ thống chuyển tải mà trên đó các công ty bán sản phẩm của họ. Hồi những năm 90 giải tần có tầm quan trọng đối với doanh nghiệp không kém gì mạng đường xe lửa hồi 1890, hay những cảng biển hồi 1790. Đó là phương thức để cho bạn bán hàng".
John Chambers của hãng Cisco thích nhận xét rằng những công ty và những đất nước phát triển nhanh trong nền kinh tế Internet là những nơi người ta nắm bắt được tầm quan trọng của nó và nhanh chóng nối mạng trước khi những nơi khác trở tay. Nếu bạn làm được điều đó nhanh hơn các đối thủ của bạn, Chambers nói, thì bạn có thể nói với họ là "Anh đã chậm chân".
Khi chúng ta nhanh chóng tiến vào một thế giới mà Internet định hình thương mại, giáo dục và thông tin, thì chỉ còn hai loại thương vụ tồn tại: thương vụ Internet và thương vụ phản Internet. Thương vụ Internet là những hoạt động diễn ra trên mạng: mọi thứ từ bán sách báo đến môi giới và đánh bạc; hay những dịch vụ được Internet hỗ trợ, từ việc tư vấn quản lý đến việc kiểm soát hàng tồn kho. Thương vụ phản Internet là những gì không thể thực hiện trên mạng - như nấu ăn, cắt tóc và luyện thép - và những dịch vụ được thực hiện như thể chống lại Internet: những siêu thị hàng hóa và những chuỗi cà phê Starbucks chẳng hạn. Starbucks và các siêu thị hàng hóa chống lại các thương vụ Internet vì chúng được hưởng lợi từ một thực tế: ngày càng có nhiều người ở nhà làm ăn trên mạng... Những người này sau khi nhìn máy tính quá lâu sẽ muốn ra khỏi nhà đến siêu thị, xuống phố lớn và vào hàng cà phê để họ có thể trực tiếp cọ xát với người khác, ngửi mùi vị khác, nếm món gì đó hay cảm nhận điều gì đó. Hàng hóa bao giờ cũng cần được trưng bày cho người ta tự sờ mó được hay cảm nhận; dân chúng bao giờ chẳng muốn thâm nhập cộng đồng, dù đó là ở trên phố hay trong siêu thị.
Khi Internet trở thành xương sống của thương mại, giáo dục và liên lạc toàn cầu, chất lượng và quy mô của hoạt động trên mạng trong các nước sẽ góp phần xác định sức mạnh kinh tế của các nước đó. Vậy theo những tiêu chí mới đó thì ngày nay ai thành công, và ai thất bại? Thung lũng Silicon lo sợ trước Đài Loan, khi còn hòn đảo này trưng ra khả năng sáng tạo, kết nối và thực trạng kinh doanh năng động, tất cả tập trung tận dụng công nghệ mới. Nếu Đài Loan được bán như một thứ cổ phần, tôi sẽ là người mua. Hoa Kỳ, Anh, Canada, Australia, Bắc Âu, Iceland, israel, Ý, Singapore, Costa Rice và Ấn Độ cũng nằm trong tiêu chuẩn đó. Costa Rica đang thực hiện một chính sách cung cấp cho mỗi học sinh trung học của họ một địa chỉ email. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang phát triển nhanh sau khi họ bị tụt hậu trước đó. Không còn lâu nữa ta sẽ thấy Singapore không còn là nơi duy nhất tổ chức cuộc thi "Hoa hậu Internet". Một chú thích dưới bức ảnh hoa hậu Internet người Singapore đăng trên tờ USA Today (19/1/1999) ghi: "Singapore thực sự nghiêm túc phát triển kỷ nguyên digital nên đã tổ chức thi Hoa hậu Internet. Stella Tan (người ngồi) đã thắng cuộc hồi tháng Tám. Điều kiện dự thi là các thí sinh phải mặc đồng phục doanh nhân và biết thiết kế mạng".
Từ Bert part đến Bill Gates; cỡ vòng eo lạc hậu rồi - giờ đây là giải tần Internet.
Câu hỏi lớn tiếp theo: sau đây là gì? Sau tỷ lệ máy tính trên số hộ gia đình và mạng điện toán trên đầu người, cái gì sẽ được dùng làm chuẩn mực để đo đếm sức mạnh kinh tế?
Câu trả lời gồm hai mức: "Evernet", một thế giới trong đó chúng ta có thể vào mạng ở mọi nơi, mọi lúc - thông qua một số thiết bị thông tin như: máy truyền hình, máy tính, máy nhắn, fax, lò nướng bánh mì hay email... chẳng hạn.
Tất cả những đồ dùng chạy bằng điện giờ đây đang được lắp các phần mềm, nối với các hệ thống mạng trong tư gia hay văn phòng của bạn. Evernet sẽ đến khi Internet không còn bị giới hạn ở máy vi tính mà có thể được sử dụng qua nhiều thiết bị thông tin khác. Bạn sẽ tự quyết định truy cập ra sao? Qua đồng hồ đeo tay, máy điện thoại di động hay máy tính, hoàn toàn tùy thuộc ở bạn.
Khi Evernet trở thành trào lưu, thì thước đo dùng để đánh giá các quốc gia chính là khả năng kết nối mạng của đất nước. Tiêu chuẩn sẽ là khả năng dân chúng được vào mạng, vào lúc nào, vào ở đâu và những dịch vụ cung cấp qua mạng sẽ phong phú đến đâu. Chẳng hạn có bao nhiêu người trong hộ của bạn có thể sử dụng thiết bị chuyển hóa âm thanh, tiếng nói thành chữ nghĩa trên màn hình - một dịch vụ trên mạng - để họ có thể giao thiệp bằng âm thanh qua mạng? Evernet có thể cho phép đến đâu việc giao lưu trực tiếp bằng hình ảnh, âm thanh, đối thoại trực tiếp với nhau từ khắp nơi trên quả đất với chi phí tối thiểu? Có bao nhiêu cơ sở giáo dục trên đất nước của bạn mở những khóa học trên mạng để mọi người từ khắp mọi nơi đều được vào học? Trình độ mã hóa của Evernet giỏi giang đến đâu để những thông số và chi tiết của thẻ tín dụng được giữ bí mật khi giao dịch, tránh những kẻ cắp trên mạng? Những thiết bị truy cập được thiết kế tiện lợi đến đâu để người ta có thể bỏ túi khi đi lại?
CÔNG TY HAY ĐẤT NƯỚC CỦA BẠN CÓ QUYỀN TẠO LẬP HAY CHỈ ĐÓNG VAI TRÒ THÍCH NGHI?
Mặc dù nối mạng Evernet trở thành đòi hỏi cần thiết để công ty hay đất nước của bạn khuyếch trương kinh tế, điều đó vẫn chưa đủ. Đó mới chỉ là một nửa của câu chuyện về đánh giá tiềm lực. Nửa kia chính là khả năng công ty hay chính phủ của bạn tận dụng, một cách hoàn hảo và sáng tạo, lợi thế của mạng điện toán Evernet. Sức mạnh không những sẽ đến với những nơi được nối mạng nhiều nhất, mà sẽ đến với những người có khả năng tập hợp các công ty, chính phủ, vốn, thông tin, người tiêu dùng và các tài năng vào một liên minh được nối mạng, tất cả để sản sinh các giá trị mới. Có thể là giá trị về thương mại. Có thể là giá trị (sức mạnh) thể hiện ở địa lý và chính trị, liên minh do chính phủ đứng đầu. Có thể là những giá trị nhân văn - quyền của người lao động, bảo vệ môi trường - loại liên minh do các nhà hoạt động nhân quyền điều phối.
Trong hệ thống đó, các công ty, chính phủ và các nhà hoạt động sẽ trở thành điều mà John Hagel III của công ty McKinsey gọi là những nhân tố "tạo lập" hoặc "thích nghi". Những nhân tố tạo lập và những công ty chính phủ và các nhà hoạt động có vai trò khởi đầu những luật lệ và hoạt động tương hỗ, quản lý một hoạt động nhất định trong thế giới Evernet - một hoạt động sinh lãi, gây một cuộc chiến, hay gây áp lực để một chính phủ hay một công ty phải tôn trọng nhân quyền hơn nữa. Nhân tố thích nghi là những công ty, chính phủ và các nhà hoạt động đứng ra tuân thủ những luật lệ và hoạt động tương hỗ đã được khởi đầu, họ áp dụng có sửa đổi, dựa trên những đặc điểm riêng của họ. Một khi liên hệ với nhau chặt chẽ và được nối vào Evernet, sức mạnh sẽ được tập trung vào tay các nhân tố tạo lập lớn nhất. Bạn đã thấy trên thế giới các cuộc tranh đấu để lựa chọn các công ty, chính phủ và các nhà hoạt động hay các cá nhân, để trở thành các nhân tố tạo lập, đưa ra các tiêu chuẩn và luật lệ - bởi một khi bạn giới thiệu một tiêu chuẩn mới trong một thế giới có liên hệ chồng chéo và không còn rào cản, thì phạm vi ứng dụng của nó sẽ rất rộng. Nó có thể ảnh hưởng tới phong cách ứng xử và thói quen mua bán của một lượng khổng lồ người tiêu dùng từng bên này sang bên kia trái đất.
Một ví dụ hay về một nhân tố tạo lập trong kinh tế đó là eBay, một trang dịch vụ đấu giá trên Internet. Không rõ từ đâu đến, nhưng trong vòng ba năm, nó đã đưa ra một hệ thống luật lệ và thủ tục giao lưu để điều tiết việc khách hàng vào mua bán trên mạng. eBay đưa người bán và người mua ngồi lại với nhau và tạo một khu chợ để họ giao dịch, nằm ngoài tất cả những quảng cáo và rao vặt hay những trung tâm giao dịch thông thường. Mỗi người vào bán hàng ở eBay được khách hàng của anh ta/ hay chị ta bầu tín nhiệm/ hay bất tín. Bạn không thể lừa đảo vì nếu làm như thế dù chỉ một lần, thì tất cả những khách hàng khác trên khắp nơi sẽ biết ngay, và rất khó cho bạn vào bán hàng lần sau. Một khi xuất hiện những tiêu chuẩn như của eBay, thì sự cạnh tranh sẽ được chuyển sang một lĩnh vực khác hoặc câu hỏi tiếp theo sẽ là: ai là người có thể áp dụng tiêu chuẩn của eBay một cách hữu hiệu nhất. Và giờ đây bạn không chỉ thấy có những cá nhân vào mua bán ở eBay một cách đơn lẻ, bạn có thể thấy cả những công ty được dựng lên để vào giao dịch trong trang mạng này. Bạn muốn nhiều người khác áp dụng tiêu chuẩn của bạn và hưởng lợi từ đó, vì làm như thế sẽ tạo được sự ổn định và sự cam kết giữa các bạn hàng, đồng thời sẽ xuất hiện những sáng kiến liên quan và không ngừng cải thiện tiêu chuẩn bạn đề ra. Sự xuất hiện của Evernet sẽ cho phép người ta thiết lập ra nhiều dạng eBay khác trong nhiều ngành - xây dựng dân dụng cho tới việc mua bán sắt thép hay đồ nhựa. Những chợ đầu mối như vậy quy tụ kẻ bán người mua trong một ngành nhất định - cho phép mua, bán, trao đổi hiệu quả cao hơn trên quy mô toàn cầu và cho phép chia sẻ kỹ năng buôn bán. Nếu công ty hay đất nước của bạn trở thành nhân tố tạo lập của một hay nhiều chợ đầu mối như vậy - E-Steel (thép), E-rubber(cao su), E-cement (xi măng) - trong thế giới Evernet, thì đó sẽ là một nguồn sức mạnh thực sự. Bởi vì phạm vi hoạt động của các thị trường đó là toàn cầu, và một khi đã hình thành, như eBay chẳng hạn thì khó lòng phá đi được. Trong mỗi ngành chỉ có một hai chợ như vậy mà thôi.
Microsoft là một nhân tố tạo lập khác. Nó đã quy tụ người tiêu dùng và các công ty vào một tấm lưới, dùng công nghệ, tiêu chuẩn, phần mềm và các hệ điều hành bao phủ lên họ. Để trở thành một nhân tố tạo lập, bạn phải có tài thu hút nhiều các nhân tố thích nghi. Nhưng chìa khóa để thu hút nhiều nhân tố thích nghi đến với tiêu chuẩn của bạn là ở chỗ bạn phải có khả năng sáng tạo ra nhiều giá trị cho những người khác - một sản phẩm mới, một giá trị nhân văn hay một tập hợp các luật lệ mang tính địa - chính trị. Nếu người ta trở nên miễn cưỡng đứng trong mạng lưới của bạn, trước sau họ cũng phản kháng, bước khỏi đó và tìm đến một hệ giá trị khác. Vậy thì một điều mà nhân tố tạo lập cần phải hiểu đó là liệu anh ta có để phần cho những người khác - một chút thức ăn trên bàn - để những người khác cảm thấy có lợi trong việc áp dụng những tiêu chuẩn của anh ta hay không. Hay là, anh ta tham lam, ngấu nghiến ăn hết phần của mọi người, hưởng hết lộc mà tiêu chuẩn của anh ta mang đến. Nếu eBay thiết lập cả một thị trường mới để làm ăn, nhưng lại bao biện hết các thương vụ có lời thì dần dần, người ta sẽ chẳng thấy gì hay ho trong eBay nữa, họ bỏ đi, và eBay sẽ sụp đổ. Lòng tham của Microsoft và tính miễn cưỡng khi để dành cơ hội cho những người khác như hãng Netscape chẳng hạn, trong việc cho hãng này sử dụng hệ điều hành của Microsoft, đã dẫn tới vụ khiếu kiện của Bộ Tư pháp dành cho Microsoft theo luật chống độc quyền - đồng thời khiến cho các hãng khác tạo lập những tiêu chuẩn Internet mới. Chìa khóa để trở thành một nhà tạo lập là đừng có tham lam như lợn - như Microsoft.
Không phải bất cứ nhà tạo lập nào ban đầu đã có ý tưởng tạo lập. Hãng máy tính Dell là một ví dụ. Khởi đầu là một nhân tố thích nghi, Dell đã tận dụng những kỹ thuật sẵn có của IBM, thích nghi chúng bằng một loạt kỹ thuật sản xuất đầy sáng tạo. Dell trở thành một phần của dây chuyền của IBM. Sau đó Dell trở thành một nhân tố tạo lập. Dell đã sáng lập ra những phương thức mới sử dụng Internet để đến với khách hàng và quản lý các nhà phân phối và tài sản của hãng. Làm như thế Dell đã hình thành được một dây chuyền của riêng họ và IBM quay lại trở thành một kẻ tự thích nghi khép mình vào những kỹ thuật sản xuất và quản trị dựa trên Internet do Dell sáng chế.
Nguyên tắc như trên cũng được áp dụng trong lĩnh vực địa - chính trị. Hoa Kỳ ngày nay là một nhân tố tạo lập về mặt địa - chính trị. Nói Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về toàn cầu thì hơi quá, nhưng đây là một đất nước có khả năng cao nhất hiện nay để có thể nhào nặn các liên minh để quản trị nền toàn cầu hóa theo thể thức địa-chính trị. Chẳng hạn, trong thế giới ràng buộc hơn hiện nay, Hoa Kỳ đã huy động các mặt, tiền, thông tin và sức mạnh quân sự để có thể vào cứu những người dân Albania ở Kosovo, khi họ bị Nam Tư trục xuất, năm 1999. Hoa Kỳ đã sáng lập khá nhiều luật lệ trên đó Tổ chức Thương mại Thế giới hoạt động và theo đó Trung Quốc có thể gia nhập tổ chức này. Hoa Kỳ đã định hình phản ứng của Liên Hiệp Quốc đối với Tổng thống Saddam Hussein của Iraq. Các nước NATO ngoài Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga thường là những nhân tố thích nghi, mặc dù có lúc họ chỉ thích nghi một cách miễn cưỡng.
Hoa Kỳ và Anh là hai nhân tố tạo lập ra chiếc áo nịt nạm vàng cùng những siêu thị tài chính. Trong thế giới ràng buộc hiện nay, những luật lệ liên quan tới chiếc áo nịt nạm vàng đã trở thành khuôn mẫu, tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi nhất cho việc tăng trưởng. Những luật lệ đó cũng đã tạo ra những hệ thống giá trị qui định các hành xử trong thương mại và dịch vụ - từ đó Hoa Kỳ và Anh là hai nước được hưởng lợi rất nhiều. Ngày nay càng có nhiều quốc gia khác nhận thức thấy lợi ích của việc mặc chiếc áo nụt và họ cũng đã đưa ra những sáng kiến mới - làm cho việc mặc chiếc áo đó dễ chịu hơn.
Trong thế giới thương mại, chìa khóa để trở thành một nhà tạo lập trên lĩnh vực địa - chính trị là cần phải tỏ ra rộng lượng và hào phóng, để các quốc gia khác có thể thấy được những lợi ích của việc thích nghi với những luật lệ và tiêu chuẩn do bạn đặt ra, cho bản thân họ cũng như sự ổn định khu vực họ đang sinh sống. Hoa Kỳ có thể trở thành một nhà tạo lập tham lam nếu họ nói với thế giới: "Các vị phải thích nghi với chiếc áo nịt nạm vàng và mở cửa cho phép tự do thương mại. Và khi đó, chúng tôi sẽ xuất khẩu tất cả những gì chúng tôi có thể sang đất nước của các vị và chúng tôi chỉ cho phép các vị xuất một vài thứ sang Hoa Kỳ". Nói như thế thì sẽ không thuyết phục được các nước mặc lên cho họ chiếc áo nịt và sẽ khiến họ tự xây dựng lấy một hệ tiêu chuẩn mới. Những nhà tạo lập địa- chính trị không tồn tại được lâu chính là những kẻ đã vơ vét quá nhiều cho bản thân họ và không để phần cho những người khác thích nghi và sáng tạo.
Điều ít được hiểu mà cũng rất lý thú là cũng những nguyên tắc áp dụng cho các nhân tố tạo lập và thích nghi cũng có thể được áp dụng đối với giá trị nhân quyền, hoạt động xã hội, công tác từ thiện và hoạt động môi trường. Tất cả các hình thái nhóm tư nhân, chính phủ, cá nhân được trao quyền và các công ty ngày nay đều có thể trở thành những nhân tố tạo lập các quy tắc và liên minh để có được sự quản trị tốt hơn trong những lĩnh vực kể trên ở mức cao hơn bao giờ hết. Nhưng nhiều nhà hoạt động đã không hiểu ra cơ hội đó.
Hãy cân nhắc: khi nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19 đang chuyển mình từ một tập hợp các vùng kinh tế bán tự trị hội nhập thành một nền kinh tế quốc gia, nó đã đồng thời cho ra đời thể chế liên bang như ngày nay người ta thấy. Dự trữ Liên bang, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán, Ủy bản Thôn gtin Liên bang và những định chế khác đã ra đời trong thời kỳ đó. Một nền kinh tế quốc gia cần phải có những định chế giám sát nó, theo dõi và quản lý nó về luật pháp. Khuynh hướng tự nhiên cho thấy cần phải có một cơ chế giám sát toàn cầu hóa. Có nghĩa là khi chúng ta chuyển mình từ những nền kinh tế bán tự trị trở thành một nền kinh tế hội nhập toàn cầu thì chúng ta cũng cần phải có một thứ chính phủ theo dõi, giám sát và quản lý toàn cầu về pháp lý.
Nhưng đạt một bước nhảy từ mức thể chế địa phương lên mức thể chế toàn quốc trong khuôn khổ một quốc gia vẫn dễ dàng hơn nhiều so với việc hội nhập từ mức quốc gia lên tới những định chế toàn cầu. Hai trở ngại sẽ xuất hiện khi bạn đi lên toàn cầu: Vấn đề chủ quyền - dân chúng một nước sẽ rất miễn cưỡng khi phải chịu sự chỉ đạo từ các chính trị gia và viên chức từ một nước khác, những người mà họ không duy trì được giám sát bằng cách này hay cách khác. Trở ngại thứ hai nằm trong bản thân hệ thống toàn cầu hóa. Trong một thế giới không có rào cản, được dựng lên quanh hệ thống Evernet, khả năng của một chính quyền toàn cầu, vươn tay ôm trọn quyền quản lý, ấn định những loại thuế và quy tắc hành xử cho các quốc gia sẽ bị hạn chế - dù đó là lực lượng cảnh sát quốc tế Interpol truy tìm những giao dịch tài chính phi pháp trên Internet từ quần đảo Cayman đến quần đảo trên biển Manche, hay là Tổ chức Thương mại Thế giới cố gắng đặt quy chế thương mại trên toàn cầu. Ngày mỗi ngày càng nảy sinh ra những khu vực mà bộ máy chính phủ theo lối thông thường không với tay đến được.
Do đó khi bàn tới việc tuân thủ những tiêu chuẩn toàn cầu - bảo tồn thiên nhiên, quyền con người, giao dịch tài chính và điều kiện lao động cho công nhân - những nhân tố tạo lập sẽ không nắm vai trò một chính quyền toàn cầu, ít nhất là trong tương lai gần. Vậy chúng ta sẽ phải làm gì? Chúng ta không thể làm ngơ trước những vấn đề đó và chúng ta cũng không muốn để mặc chúng cho thị trường quyết định. Vậy chúng ta tiến đến một vấn đề then chốt: Làm thế nào để có được một sự quản lý toàn cầu trong những chủ đề lớn như môi sinh, nhân quyền, giao dịch tài chính và điều kiện lao động, mà không phải lập nên một chính quyền toàn cầu? Làm thế nào để chúng ta điều hành và quản trị pháp lý những lĩnh vực mà nhân loại và cộng đồng thực sự coi trọng nhưng không cần phải dùng tới một thứ cảnh sát toàn cầu?
Câu trả lời là một sự hiểu biết, một tri thức rằng trong một thế giới được kết nối, các cá nhân, cộng đồng, giới tiêu dùng, các nhà hoạt động và các chính phủ đều có quyền lực như những nhà tạo lập - để định hướng và hình thành các hệ giá trị cho nhân loại. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy có thể tăng cường được sự quản lý toàn cầu mà không cần phải sinh ra một chính phủ toàn cầu. Tuy nhiên để làm được thế cần phải có một tư duy mới giành cho việc huy động các hệ quyền lực. Cần có một lối nghĩ làm thế nào có thể tận dụng được sức mạnh của Internet, người tiêu dùng, và hoạt động của các công ty đa quốc gia, những tập đoàn muốn bảo vệ thương hiệu của họ trên toàn thế giới.
Tôi xin đưa ra một vài ví dụ. Một trong những vấn đề lớn nảy sinh trong thời toàn cầu hóa là việc làm thế nào chúng ta có thể xử lý đúng đắn quyền lợi của người lao động và điều kiện lao động ở những xưởng thợ ở các nước đang phát triển. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, trong khi nhiều nhà hoạt động nhân quyền vẫn tập trung vào vấn đề tự do ngôn luận, bầu cử và việc viết báo chống đối, dân chúng ở các nước đang phát triển tiếp tục chú trọng vào quyền của người lao động, công ăn việc làm, quyền được tự tổ chức đoàn đội và quyền được hưởng những điều kiện làm việc thích đáng. Đơn giản là đối với những người lao động trên thế giới, sự đàn áp từ phía các cai lao động họ phải chịu đựng trước đây giờ được thay thế bởi sự đè nén đến từ những ngày tư bản hoạt động ngoài vòng kiểm soát, những kẻ đang di chuyển thường xuyên các cơ sở sản xuất từ nước này sang nước khác, chuyên tìm tòi những nơi có chi phí rẻ mạt nhất.
Những người lao động đó cần được giúp đỡ một cách thực tế. Nhưng hiện nay không có một chính quyền chung nào trên thế giới để họ trông mong vào, chính quyền có thể chỉ đạo và giám sát điều kiện lao động chung cho mọi người. Trong nhiều năm, các chủ xưởng người Mỹ đã thông qua các mối quan hệ của họ ở Quốc hội, ngăn chặn việc đưa tiêu chuẩn lao động của Mỹ sang áp dụng trong những xưởng thợ của họ ở nước ngoài. Đồng thời, những xưởng dật áo từ miền nam bang Carolinechuyển hoạt động sang Guatemala, một địa phương nơi không có tiêu chuẩn lao động riêng, thêm nữa tại đó, Tổ chức Lao động quốc tế cũng chẳng có ảnh hưởng gì. Đó là trường hợp người lao động không được hưởng bất cứ tiêu chuẩn nào, cả địa phương lẫn toàn cầu, như đã được đề cập vào năm 1996, trong một nhà máy ở Honduras gia công sản phẩm cho thương hiệu Kathie Lee Gifford. Chờ đợi để có một chính quyền toàn cầu giúp đỡ trong trường hợp đó quả là vô vọng.
Đối diện với thử thách như vậy, cộng đồng nhân quyền cần phải được trang bị hiện đại hơn, cũng giống như các tay thợ sản xuất vũ khí trước kia nay phải học cách sản xuất xe hơi hay máy nướng bánh, thay vì xe tăng. "Trong Chiến tranh Lạnh", Michael Posner, đứng đầu Ủy ban Luật gia vì Nhân quyền, lập luận, "vấn đề chính là buộc các chính phủ phải chịu trách nhiệm khi họ vi phạm luật lệ và nguyên tắc. Ngày nay, vấn đề là làm thế nào khiến các công ty tư nhân phải gánh trách nhiệm về việc đối xử với công nhân của họ, khi mà quyền lực chính phủ khắp toàn cầu giảm đi, hoặc bản thân các chính phủ (Trung Quốc chẳng hạn) cũng tham gia các thương vụ và do đó không thể mong đợi họ giữ vai trò giám sát và trọng tài".
Trong một thế giới như vậy, các nhà hoạt động cần phải học cách tận dụng toàn cầu hóa. Họ cần học cách bắt buộc các công ty phải ứng xử tử tế hơn bằng cách dùng internet để vận động giới tiêu dùng trên toàn cầu. Tôi xin gọi đó là "giải pháp mạng dành cho nhân quyền," và đó là tương lai của các nhà hoạt động. Đó là giải pháp từ dưới lên hay ngang hàng chứ không phải được ấn định từ trên xuống. bạn trao quyền cho bên dưới, thay vì chờ đợi quyền hạn được rót từ trên, bằng cách hình thành một liên minh mà có thể tổ chức một hệ thống quản lý tốt hơn mà không cần một chính quyền toàn cầu.
Một thử nghiệm như thế rõ ràng đã xuất hiện vào cuối năm 1999. Từ những tranh cãi xung quanh vụ Kathie Lee Gifford đã nảy sinh một liên minh mới, mang tên Hiệp hội vì sự công bằng cho Người lao động (FLA). Hiệp hội này đã quy tụ các cố gắng của Chính phủ Hoa Kỳ, các nhà hoạt động cho quyền của công nhân như Uỷ ban Luật gia, giới lao động ngành quần áo và sinh viên Mỹ. Hiệp hội hoạt động như sau: Phần lớn những công ty và giới hoạt động trong ngành quần áo trên toàn cầu thống nhất với nhau về một hệ tiêu chuẩn lao động tối thiểu trong các nhà máy, bao gồm việc giảm thiểu lao động trẻ em và hạn chế giờ công và ngày công. Họ cùng thỏa thuận về một hệ thống giám sát theo đó những giám sát viên độc lập được pháp vào thanh tra đột xuất trong các nhà máy. Các điều tra và giám sát viên được cơ quan FLA cất giấy phép hành nghề, họ là những người đại diện cho các tổ chức khác nhau, từ các nhóm tôn giáo cho đến nhân viên giám sát tín dụng của Pricewaterhouse Cooper. FLA cho phát hành những báo cáo hàng năm về việc các công ty tuân thủ các nguyên tắc lao động ra sao. Báo cáo được lưu hành trên Internet và sẽ được tạp chí Báo cáo của Người tiêu dùng (Consummer Reports) đăng tải. Nếu một công ty chấp hành đúng qui định, họ sẽ được gắn một nhãn FLA lên sản phẩm của họ và người tiêu dùng sẽ phân biệt giữa các thương hiệu - sẽ mua sản phẩm nếu họ muốn ủng hộ điều kiện lao động trong ngành quần áo, và từ chối không mua những sản phẩm không có nhãn hiệu của FLA. Hơn 100 trường đại học đã tham gia vào liên minh và đòi các hiệu sách của họ - bán áo phông, sản phẩm may mặc - chỉ bán sản phẩm mang nhãn FLA. Hy vọng là sẽ có ngày các tiệm bán lẻ lớn sẽ làm theo.
Chương trình như trên se không một sớm một chiều cải cách hết được các điều kiện lao động. Nhưng đó là một sự khởi đầu - đưa ra một hệ thống có quy tắc và thể lệ mới trong toàn bộ ngành dệt trên thế giới. Và nó được hình thành không phải do một chính phủ ấn định, mà bằng cách hình thành được một liên minh mà có tiềm năng khiến mỗi người tiêu dùng trở thành một nhà hoạt động nhân quyền và khiến các tổng công ty toàn cầu không còn chỗ nào để lẫn trốn nữa.
"Thật ngạc nhiên khi thấy trong quá khứ cách nhà hoạt động bị mê hoặc ra sao", Paul Gilding, cự phụ trách tổ chức Hoà Bình Xanh, hiện đang tư vấn cho nhiều công ty đa quốc gia về chủ đề phát triển bền vững, "Trước đây, bạn sẽ xuống đường, vận động dân chúng trong cộng đồng, gây áp lực để chính quyền thay đổi luật pháp, rồi thì các công ty sẽ chống đối, sau đó hai bên cùng nhau thỏa hiệp và trong vòng năm năm, mọi sự sẽ thay đổi. Giờ đây chúng tôi không còn thời gian nhiều đến thế".
Những nhóm hoạt động tạo được thay đổi lớn ngày nay là những nhóm có khả năng khống chế được các lợi ích kinh tế của các công ty và người tiêu dùng, dùng khả năng đó để bảo tồn môi trường, cải thiện quyền của người lao động để tăng cường nhân quyền - thay vì đứng ra chống đối trực tiếp các công ty. Có nghĩa là hoạt động, hợp tác cùng các công ty và người tiêu dùng, cơ bản là chứng minh cho các công ty thấy rằng họ vừa có thể kiếm lợi vừa bảo tồn được môi sinh. Các nhà hoạt động sẽ cho họ hiểu rằng nếu họ không có những hành động bảo vệ môi sinh và quyền lợi của nhân công, thì các tổ chức hoạt động sẽ tổ chức một chiến dịch vận động, thông qua Internet, liên lạc với giới tiêu dùng ở khắp thế giới để tẩy chay hàng hóa và dịch vụ. Lợi nhuận kinh tế đang là đòn bẩy quyền lực lớn hiện nay. Nhưng đó không phải là đòn bẩy duy nhất. Luật pháp và quy tắc vẫn là yếu tố quan trọng. Chính phủ vẫn là quan trọng. Chính phủ vẫn cần phải thông qua luật lệ theo chiều hướng bảo vệ quyền lợi của toàn thể xã hội, chứ không phải chỉ riêng một nhóm người tiêu dùng hay các nhà hoạt động. Nhưng thông thường cung cách tốt nhất để mọi người cùng tuân thủ luật lệ chính là sử dụng dụng đòn bẩy, áp lực kinh tế - sự chuyển hóa của chính hệ thống toàn cầu hóa - theo hướng xây dựng hơn là phá hoại.
Trong những năm đầu của thập nhiên 90, WTO đã phản đối việc Hoa Kỳ cấm tiêu thụ loại cá ngừ bị đánh bắt bằng lưới cũng bắt luôn cá heo. Họ nói sự cấm đoán đó là sự bế quan về thương mại. Quyết định của WTo rõ ràng đã khiến các nhà môi trường đau lòng. Một số các nhà hoạt động đã công kích WTO, đặc biệt trong các cuộc họp tại Seatle vào cuối 1999. Tuy nhiên một số khác quyết định liên hiệp lại và trở thành một những nhân tố tạo lập ra một giá trị mới - phương châm là dân đánh cá không nên giết cá heo chỉ vì để bắt cá ngừ với chi phí thấp. Kết quả là trong các tiệm tạp hóa của Hoa Kỳ, người ta chỉ thấy có bán loại cá ngừ hộp được dán nhãn "cá heo (đã) được bảo vệ". Làm thế nào mà họ đạt được kết quả đó, trong khi WTO chỉ trích Hoa Kỳ là bế quan thương mại? Vì những nhà hoạt động thông minh đã lách được sự tài phán của WTO và sáng lập ra một phương thức ứng xử mới. Họ vận động giới tiêu dùng và sử dụng Internet để gây áp lực, buộc các công ty đánh cá phải dùng loại lưới có thể bảo vệ được cá heo nếu không muốn mất khách hàng; nhờ đó, rất nhiều cá heo đã được bảo vệ. Tiêu chuẩn đánh cá bảo vệ cá heo tuy vậy vẫn chưa thật hoàn hảo; Một số ngư dân vẫn lách luật và một số công ty đã không tuân theo tiêu chuẩn đó. Nhưng sự xuất hiện một tiêu chuẩn mới như vậy quả là một cải thiện lớn, từ thời đánh cá vô tội vạ trước đó; đó là kết quả của việc các nhà hoạt động đã sáng lập một hệ tiêu chuẩn mới, sử dụng giải pháp liên kết mà không cần đến sự can thiệp thực sự của chính phủ. "Quyết định đặt tiêu chuẩn an toàn cho cá heo chính bắt nguồn từ công luận trong giới tiêu dùng", Michael Mullen, người phát ngôn thuộc công ty StarKirt tuna nói với tôi, "Trong một tuần, chúng tôi đã nhận được khoảng một ngàn cú điện thoại và 300 email của người tiêu dùng về việc này".
(trong chương 13 "Người Tháo dỡ", tôi sẽ nói chi tiết về phương thức vận động trên được những tổ chức lớn như Bảo tồn Quốc tế áp dụng để cứu nhiều khu vực như các cánh rừng nhiệt đới ở Brazil hay các sông hồ lớn nhất thế giới.)
Hãy xem xét thêm một ví dụ của chiến lược nói trên áp dụng vào một lĩnh vực hoàn toàn khác - xóa đói giảm nghèo. Tôi xin giới thiệu một trang mạng mang địa chỉ www.planetfinance.org. Đó là đứa con tin thần của Jacques Attali, một giám đốc ngân hàng người Pháp, người đã nhận thức rằng toàn cầu hóa đã tiếp sức cho ông trở thành một nhà tạo lập ra những chiến lược mới trong cuộc chiến chống nghèo đói trên toàn cầu. PlanNet Finace hoạt động như sau: Hiện có khoảng 1,3 tỷ dân sống ở mức 1 đô-la/ngày. Một điều mà chúng ta ai cũng biết đó là một trong những phương thức hữu hiệu nhất để xoá nghèo đói cho họ là cho vay những khoản vay nhỏ - từ 100 đến 1.000 đô-la. Khoản tiền đó thường vào tay phụ nữ và hầu như không cần đến tài sản thế chấp. Những người được vay dùng tiền đó để mua máy may, xe đạp để chuyển rau quả của họ ra chợ, trang thiết bị để mở một tiệm cắt tóc ở một vùng quê nghèo ở Bangladesh chẳng hạn. Bản thân những người đó có nghị lực để xóa nghèo, nhưng họ không có nguồn vốn cơ bản, và đó chính là lý do họ cần đến các khoản vay nhỏ. Những người cần vốn thường không được nối mạng và máy vi tính, nhưng các ngân hàng và những tổ chức viện trợ đang giúp đỡ họ thì có điện thoại và khả năng nối mạng. Công ty PlaNet Finance hiện cung cấp dịch vụ nối mạng cho 7.000 các nhóm trợ giúp tài chính nhỏ trên thế giới.
"Trước hết", ông Attali giải thích, "PlaNet nối mạng với thật nhiều các tiểu ngân hàng, để họ liên lạc và chia sẻ kinh nghiệm trên mạng. Sau đó, chúng tôi giúp các nhóm chưa lên mạng được cài đặt giống trường hợp ở Benin. Tiếp theo, chúng tôi tổ chức một hệ thống đánh giá mức khả tín, tương tự như Moody's, đánh giá tiềm lực của các tiểu ngân hàng, dựa vào các tiêu chuẩn đạo đức làm việc, hiệu quả giúp đỡ người nghèo và khả năng tài chính của họ. Tiếp theo chúng tôi thành lập một trường đại học trên mạng để đào tạo kỹ năng cho họ và cũng trên mạng, chúng tôi mở một thị trường để những người khách hàng của các tiểu ngân hàng (người vay để sản xuất) có thể bán các sản phẩm của họ trên mạng. Và sau cùng chúng tôi tổ chức PlaNet Bank để hỗ trợ tín dụng cho các tiểu ngân hàng đó và sẽ thu hút các nhà hảo tâm đến trang mạng của chúng tôi để đóng góp tài chính cho các dự án mà các tiểu ngân hàng tài trợ, họ có thể giám sát xem tiền tài trợ được sử dụng ra sao".
Một khi PlaNet Bank có thể xếp hạng và kết nối các tiểu ngân hàng qua Internet, nó có thể giúp họ giảm thứ chi phí đáng kể nhất - chi phí theo dõi và xử lý các nguồn vốn cho vay nhỏ nhoi của họ. Hy vọng là một tiểu ngân hàng được trang bị một thiết bị thông tin, giống như của hãng chuyển phát nhanh Fedex sử dụng theo dõi các bưu kiện, có thể cùng một lúc theo dõi được hàng trăm những món cho vay và lãi suất từ chúng. Nếu chi phí hành chính và giao dịch giảm xuống thì những khoản vốn cho vay có thể được quy tụ và bán cho các đại ngân hàng trên thế giới. Các tiểu ngân hàng thườn đặt mức lãi suất 4-5%/tháng với các khoản vay, để thanh toán các chi phí, đòi hỏi người vay hoàn vốn nhanh chóng để họ có thể quay vòng cho người khác. Thị trường như vậy với mức lãi như vậy sẽ hấp dẫn các ngân hàng lớn - một khi chi phí giao dịch được cắt bỏ. Và điều đó sẽ tạo nhiều thay đổi. Hiện nay nhu cầu để có được các khoản vay nhỏ thật là lớn, nhưng tiền vốn chỉ tùy thuộc vào các nhà hảo tâm cá nhân và mức đóng góp của chính phủ. Thế nhưng hãy tưởng tượng với mức 20 tỷ đô-la tín dụng từ các ngân hàng lớn cung cấp, bạn có thể chu cấp tín dụng cho 100 triệu dân nghèo đang có mức sống 1 đô-la/ ngày.
Đó là phương cách để bạn biến đổi thế giới - sử dụng toàn cầu hóa để đối phó với chính nó. Trở thành một nhà tạo lập, người không cần đợi đến khi có một chính phủ toàn cầu để chống nghèo đói, mà thay vào đó, sử dụng một hệ thống mới vận động những đại gia lạnh lẽo và vị kỷ, hoạt động trên thương trường tham gia làm từ thiện nhưng lại kiếm được lợi nhuận. Bằng cách biến các ngân hàng thành những nhân tố thích nghi với khái niệm mới như của PlaNet Finance và tạo cho họ những cơ hội kiếm tiền, bạn đã mở ra một loạt các cơ hội mới để xóa đói giảm nghèo.
"Có một câu ngạn ngữ cổ, "Nếu bạn tặng một người một con cá, bạn đã giúp họ một bữa ăn. Nhưng nếu bạn dạy cho người đó cách câu cá, bạn sẽ khiến người đó được no ấm cả đời". Ông Attali nói. "Chúng tôi hiện có hàng triệu dân nghèo đã được dạy cho cách câu cá. Hiện họ chưa có cần câu. Nhưng thông qua PlaNet, chúng tôi sẽ trang bị cần câu cho rất nhiều người trong số họ".
Trong một thế giới được kết nối mạng và không còn rào cản, tương lai thuộc về những nhân tố tạo lập và thích nghi - họ là những công ty hay ngườ tiêu dùng, cường quốc hay những cá nhân được trao quyền.