Chương 19
Tác giả: Thomas L. Friedman
Nếu có một lập luận chung xuyên suốt cuốn sách này thì đó là quan điểm tòan cầu hóa là tổng hòa của mọi điều và những sự tương phản của chính những điều đó. Tòan cầu hóa có thể tiếp sức vô hạn những cũng có thể chèn ép con người vô cùng. Toàn cầu hóa có thể phân bổ các cơ hội nhưng cũng khiến tràn lan sự hoang mang. Toàn cầu hóa thổi phồng những con cá voi nhưng cũng khiến những loài cá nhỏ trở nên mạnh mẽ hơn. Nó bỏ mặc bạn lại đằng sau nhanh chóng hơn, và đuổi kịp bạn sớm hơn. Trong khi có khả năng đồng hóa về văn hóa, thì chính toàn cầu hóa tạo điều kiện cho dân chúng chia sẻ những bản sắc cá nhân độc đáo của họ đến những miền xa một cách nhanh chóng hơn. Nó khiến cho chúng ta đuổi theo chiếc xe Luxus gấp gáp hơn, và buộc chúng ta phải níu giữ những cây Oliu của chúng ta chặt chẽ hơn. Nó làm cho chúng ta đi vào thế giới và khiến cho thế giới đến với chúng ta với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết.
Như tôi đã chúng minh, tử thưở ban đầu, khi toàn cầu hóa trở thành một hệ thống quốc tế, các quốc gia và cộng đồng đã bị giằng co giữa cảm giác bị cuốn hút vào những lợi ích do nó mang lại và cảm giác bị vùi dập bởi những đặc điểm tiêu cực của nó. Cho đến nay, giữa các cơn thăng trầm ủng hộ và chống đối, toàn cầu hóa đã định hình trong tất cả các nước lớn và phát triển, sau khi họ kết nối vào hệ thống. Không nước nào cho thấy sự chống đối toàn cầu hóa đã bao giờ thành công và lên nắm quyền bính, hay trở nên phổ biến đến mức có thể làm tổn hại đến toàn bộ hệ thống - không như hiện tượng đế quốc Áo-Hung trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, hay nước Đức trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
Toàn cầu hóa có mãi mãi như vậy không? Toàn cầu hóa là điều không thể đảo ngược? Tôi có cảm giác rằng toàn cầu hóa "gần như" là không thể đảo ngược. Vì sao tôi nói "gần như" mà không khẳng định chắc chắn? Rất khó có thể đảo ngược được toàn cầu hóa vì nó mang trong mình những hoài bão lớn lao của nhân loại - mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn - và những công nghệ hùng mạnh hội nhập chúng ta ngày đêm, dẫu cho chúng ta có ưa thích thế hay không. Trên lý thuyết thì những hoài bão và những công nghệ đó có thể bị dẹp bỏ, nhưng làm như thế ta sẽ phải xây tường rào cao hơn và vững chãi hơn, như vậy ta sẽ phải trả giá đắt cho sự phát triển của xã hội. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra những đó là điều có khả năng xảy ra. Có khả năng rằng nếu toàn cầu hóa trở nên hỗn loạn, làm phưong hại không những đến thiểu số mà cả đa số dân chúng các nước lớn, thì khi đó toàn cầu hóa sẽ bị dẹp bỏ.
Vì sao có khả năng như vậy? Vì ngày nay đe dọa lớn nhất nhằm vào toàn cầu hóa chính bắt nguồn từ bản thân nó. Hệ thống này cũng mang trong mình những tiềm năng để tự phá hủy bản thân. Nó mang trong mình những nhân tố và đặc tính mà nếu chúng hoành hành thì toàn cầu hóa sẽ trở nên hung dữ, khiến cho số đông dân chúng ở các nước sẽ cảm thấy bị bất lực - họ sẽ chống lại hoặc xây tường rào để xa lánh toàn cầu hóa. Sau đây là những nguyên nhân tình trạng đó có thể xảy ra.
Gian khổ quá
Khi sang Bangkok vào năm 1997,thời điểm hỗn loạn của kinh tế Thái Lan, tôi đã hỏi chuyện một nhà ngoại giao người Mỹ về hậu quả của khủng hoảng đối với đất nước này ra sao. Chúng tôi bàn luận về những gì Thái Lan sẽ phải sớm thực hiện để có thể nâng cấp hệ điều hành và những phần mềm để họ có thể sớm quay lại hội nhập với toàn cầu hóa. Nhà ngoại giao này đưa ra một bản liệt kê. Khi ông ta nói xong, tôi nhận xét: "Ông có biết không, chúng ta muốn Thái Lan trong 20 năm phải thực hiện những điều mà nước Mỹ mất 200 mới hoàn thành."
"Không, không," ông ta lắc đầu, nói với tôi. Tôi nhận xét sai. Ông ta nói: "Chúng ta không muốn họ phải thực hiện những điều đó trong 20 năm... Chúng ta muốn họ thực hiện những điều đó trong một năm!"
Điều hiển nhiên trong toàn cầu hóa ngày nay là sức mạnh và vị thế của một đất nước tùy thuộc một phần vào chức năng phát triển một hệ điều hành và những phần mềm định hướng cho tăng trưởng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi quá trình phát triển những cơ chế tự do hóa thị trường và mặc chiếc áo nịt nạm vàng... tất cả trở nên quá gian khổ với quá nhiều nước lớn? Dẫu cho các nhà chính trị và những người khác có thể chịu đựng gian khổ, thắt lưng buộc bụng để tiến tới thế giới Disney, thì vẫn còn những giới hạn mà họ sẽ phải gặp. Henry Kissinger một lần đã nói, lãnh đạo chính trị "không thể tồn tại nếu họ đóng vai trò những người lắng nghe chị thị từ nước ngoài rồi bắt dân chúng phải chịu đựng thắt lưng buộc bụng trong thời gian quá lâu." Phát triển phần mềm sẽ phải mất thời gian, định hướng đất nước của bạn để kết nối với Bầy Thú Điện Tử sẽ phải mất thời gian dài, và nhiều nước hiện nay chưa có khả năng về chính trị và kinh tế để làm những việc đó. Có những nước trì trệ với lý do văn hóa. Thường thì văn hóa rất chậm thay đổi. Phát triển một đời xe Lexus mới dễ dàng hơn nhiều so với việc thay đổi các giống cây Oliu - vì có khi phải mất hàng thế hệ.
Nếu đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống toàn cầu hóa ngày nay bắt đầu từ khi bức tường Berlin sụp đổ thì chúng ta có thể nói toàn cầu hóa nay đã sang được thập niên thứ hai. Trong thập niên đầu của toàn cầu hóa, chúng ta đã chứng kiến những gì xảy ra khi những nước nhỏ - Bosnia, Albania, Algeria, Serbia, Syria và nhiều nước châu Phi - đã không có khả năng quá độ. Nhưng những đất nước đó nhỏ bé và yếu ớt nên chưa thực sự có tác động tiêu cực đến toàn cầu hóa; toàn cầu hóa có thể xây bao quanh họ một bức tường lửa để tránh xung động.
Tuy nhiên khi sang thập niên thứ hai chúng ta vấp phải một vấn đề nghiêm trọng hơn: Nếu những nước lớn như Nga, Trung Quốc và Nhật Bản - chưa nói đến Indonesia, Brazil, hay một số thành viên của Liên minh chây Âu - không thể quá độ vào toàn cầu hóa? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ cảm thấy chiếc áo nịt quá chật, không thể mặc vừa, hay những xã hội của họ không thể chịu những thay đổi về văn hóa, chính trị và kinh tế nhằm có thể đi đến một chủ nghĩa tư bản sòng phẳng và tàn nhẫn, nơi mà những công ty làm ăn yếu kém sẽ bị thải đi, không cho phép hồi sức. Ba trào lưu dân chủ hóa đã khiến cho sự sụp đổ của Liên Xô và sự thay đổi kinh tế của Trung Quốc diễn ra. Chúng đã khiến cho sự sụp đổ của các chính thể tham nhũng ở Albania và Indonesia diễn ra. Chúng đã khiến diễn ra sự sụp đổ của nền kinh tế lắt léo và bảo hộ của Nhật Bản. Nhưng những điều đó không có nghĩa là chúng sẽ chắc chắn thành công trong hệ thống toàn cầu hóa.
Hãy xem xét ba quốc gia quan trọng nhất ngày nay: Nga, Trung Quốc và Nhật Bản. Nếu xem xét kỹ lưỡng bạn sẽ thấy điều gì? Điều tôi nhìn thấy đó là ba quốc gia lớn và hùng mạnh, trông giống như những đô vật hạng cân cao, bắp thịt cuồn cuộn, chịu trách nhiệm bơm máu cho những bắp thịt công nghiệp - hiện đang bị tắc nghẽn, máu bị bơm xuống chân quá nhiều nhưng lại thiếu ở đầu và những phần khác trên thân thể. Nước Nga cần phải được thay máu hoàn toàn. Trung Quốc cần phải được giải phẫu tim. Và Nhật Bản cần một số biệt dược để có thể giảm thành phần cholesterol (Pháp, Đức và những nước khác ở Tây Âu chưa cần đến những liệu pháp mạnh như vậy, nhưng họ cần phải áp dụng các chế độ ăn kiêng, giảm mỡ, nếu muốn mặc lên thân thể chiếc áo nịt mang tên Liên hiệp Tiền tệ châu Âu. Chế độ ăn kiêng đó thường gây đau đớn và sẽ đòi hỏi phải thay đổi trong lối sống - chính vì thế Liên hiệp Tiền tệ và đồng tiền chung châu Âu sẽ rất khó có thể được duy trì trên phương diện chính trị, khó hơn là mọi người vẫn nghĩ.)
Tôi là người lớn lên trong thời đại mà những đe dọa lớn nhằm vào Mỹ là từ sức mạnh quân sự của Nga và Trung Quốc, và sức mạnh kinh tế Nhật Bản. Tôi ngờ rằng hai cô con gái của tôi, giờ đây đã 12 và 15, sẽ lớn lên trong một thế giới mà đe dọa lớn nhất nhằm vào Hoa Kỳ, và sự yếu kém về quân sự của Nga và Trung Quốc, và sự yếu kém về kinh tế của Nhật Bản. Điều chỉnh để hội nhập toàn cầu hóa sẽ là quá trình cực kỳ khó khăn đối với ba nước này. Ba đất nước khác nhau, thách thức dành cho họ khác nhau, nhưng thực ra chúng không khác biệt nhiều như mức bạn nghĩ.
Nhật Bản
Một điều bí mật: Kinh tế Nhật Bản mang nhiều đặc tính cộng sản hơn tư bản. Walt Mossberg, bình luận viên về công nghệ cho tờ Tạp chí Phố Wall hay nói, "Nhật Bản là đất nước cộng sản thành công nhất thế giới." Thật ra, đó là một nơi mà chủ nghĩa cộng sản thực sự thành công. Đúng thế. Trong Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản chỉ có một đảng cầm quyền, Đảng Dân Chủ Tự do, LDP. Dưới sự lãnh đạo của LDP, Nhà nước được chỉ đạo bởi một cơ chế chuyên chính, một cơ cấu quan liêu cao cấp tương tự như ở Trung Quốc và Nga. Những vị quan liêu đó thường quyết định việc phân bố tài nguyên của đất nước. Truyền thông ở Nhật Bản thường dễ bảo, và được chỉ đạo chủa Chính phủ tuy không trực tiếp nằm dưới quyền kiểm soát của Chính phủ. Nhật Bản có dân số cũng rất tuân phục chế độ, những ai không tuân phục thường phải trả giá đắt. Những người không tuân phục không bị giam vào trại khổ sai, nhưng thường bị chuyển đến những vùng tựa như Siberia của người Nhật. Ở Nhật Bản, những kẻ bất phục thường bị chụp mũ là "Madogiwazoku," tạm dịch là "Những đám đông nhìn qua cửa sổ," vì họ thường bị bắt phải ngồi ở những chiếc bàn trong sở làm nhìn ra cửa sổ, và thường bị hắt hủi. Dân số tuân phục Nhật Bản thường sẵn sàng làm thêm giờ để đổi lấy mức sống được cải thiện, biên chế cả đời và sự ổn định nhất định trong cuộc sống. Nhật Bản có một chương trình bắt buộc mọi người phải tiết kiệm trong đó dân chúng và các công ty bị bắt buộc phải gom tiền và đầu tư và tránh tiêu pha. Nếu chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô phấn đấu bằng một nửa Nhật Bản, thì Liên Xô sẽ không chịu thua trong Chiến tranh Lạnh.
Nói đi thì phải nói lại. Kinh tế Nhật Bản mang đặc tính thị trường tự do rõ rệt. Một phần ba kinh tế Nhật ngày nay được đóng góp từ các công ty công nghệ hiện đại, cạnh tranh toàn cầu, như Sony, Mitsubishi, Canon và Lexus. Đó là những công ty trong số những công ty tốt nhất trên thế giới và chúng đã đem lại những khoản vốn lớn cho đất nước. Những khoản tiết kiệm đó đã bảo vệ cho hai phần kia của kinh tế Nhật - mang tính cộng sản, gồm những hãng xưởng to xác, trì trệ, tồn tại nhiều năm nhờ có những hàng rào bảo hộ mậu dịch do chính quyền một đảng dựng lên. Nhật Bản đã tập trung được những khoản tiết kiệm trong thời Chiến tranh Lạnh đến mức nó tồn tại trong thập niên toàn cầu hóa thứ nhất mà không bị suy yếu - mặc dù bị trì trệ nặng nề từ năm 1992. Ngược lại, Hàn Quốc, theo điển hình Nhật Bản, nhưng lại không có dồi dào những khoản tiết kiệm như của Nhật. Hậu quả là Hàn Quốc phải chịu nhiều đau đớn hơn trong quá trình tự điều chỉnh của nước này với thời hạn rất eo hẹp.
Rốt cuộc, nếu giải quyết đi sự trì trệ kéo dài, thì khu vực cộng sản trong kinh tế Nhật sẽ phải chị "tư nhân hóa" giống như trong trường hợp của Nga và Trung Quốc. Các hãng xưởng và ngân hàng làm ăn thiếu hiệu quả của Nhật Bản sẽ phải bị mang ra xử bắn và vốn liếng tồn đọng của chúng phải được chuyển cho các cơ sở năng động và hiệu quả hơn. Đó là những hiện tượng đã bắt đầu gây rối loạn trong xã hội Nhật.
Hoa Kỳ là một xã hội trong đó tiêu chuẩn văn hóa tương xứng với tiêu chuẩn kinh doanh phù hợp với toàn cầu hóa - cả hai đều mang tính linh động và minh bạch. Nhật Bản không có sự tương xứng đó. Nhật Bản có một thứ văn hóa đầy rẫy những bí mật và tăm tối và một hệ thống cứng nhắc khuôn phép. Những tiêu chuẩn văn hóa càng khác biệt với tiêu chuẩn toàn cầu hóa thì sự điều chỉnh và thích nghi toàn cầu hóa càng trở nên gian khổ hơn. Trong một xã hội Hồi giáo, những người phụ nữ kéo khăn trùm mặt đặng trốn tránh thế giới. Nhật Bản là một đất nước đang cùng đeo một thứ khăn trùm che mặt. Khó có thể thấy được giải khăn này của Nhật Bản, nhưng nó vẫn được đeo, khiến nước Nhật tránh né thế giới.
Tuy nhiên, lịch sử của Nhật Bản cũng dạy chúng ta rằng đất nước này có khả năng thay đổi và thích nghi với các hệ thống mới, nhưng chỉ làm điều đó khi lên đến đỉnh điểm của khủng hỏang và đất nước không còn cách nào khác. Tôi không nghi ngờ là Nhật Bản sẽ lại trở thành một cường quốc kinh tế đáng gờm, nhưng điều đó chỉ xảy ra sau khi có những điều chỉnh về văn hóa, chính trị và xã hội. Hãy xem xét một tập tục của Nhật Bản: Thành viên ban quản trị của hầu như tòan bộ các công ty Nhật được niêm yết ngày nay - ngoại trừ những hãng công nghệ cao, được Mỹ hóa như Sony - bao gồm những giám đốc mới và cũ của hãng đó, và cổ đông hầu như không tham gia gì vào các quyết định của hãng. Hầu như không có loại thành viên quản trị độc lập hoặc đến từ bên ngoài. Một hệ thống cha truyền con nối như vậy không thể nào đem lại được các thay đổi nhanh chóng và những sự phá cũ xây mới ngõ hầu cho phép Nhật Bản theo kịp tốc độ phát triển trong thập niên tới. Cơ chế đó sẽ phải thay đổi, và quả là đã bắt đầu phải chấp nhận chịu đau đớn.
Khi tôi sang Tokyo đầu năm 1999, người bạn của tôi trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản bắt đầu cuộc trò chuyện với tôi bằng câu: "Con trai tôi hôm trước tuyên bố [với vợ tôi và tôi] rằng hắn sẽ trở thành một quản trị viên quỹ đầu tư, nhưng hắn không muốn làm việc cho một ngân hàng Nhật Bản.Hắn muốn làm việc cho một ngân hàng quốc tế. Những cơ sở mà thời chúng tôi còn trẻ rất muốn gia nhập, như các ngân hàng lớn, nay đang vỡ vụn ra. Đó là điều mới mẻ. Vợ tôi không hiểu con trai nói gì. Vậy hắn giải thích với mẹ, "Nếu mẹ muốn biết con đang mong muốn điều gì thì hãy xem phim này." Nói đoạn con trai đưa cho mẹ cuốn băng video bộ phim Tiền của người khác, nói về một nhà tài chính người New York tiếp nhận [và vực dậy] một công ty đang lụn bại ở New England. Vợ tôi vẫn còn lo lắng."
Một người bạn Nhật Bản khác làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng các quản trị viên đã cho tôi biết là chị rất khó kiếm người Nhật sang làm cho các công ty Mỹ. Vì những công ty của Mỹ, không giống những hãng xưởng của Nhật, được biết đến ở nước này qua danh tiếng "ba Ks - bao gồm kitsui, "đòi hỏi cao; kaiko," dễ đuổi nhân viên "khi nhân viên không làm được việc; và kyoso, "cạnh tranh." Nhưng nước Nhật đang thay đổi, và người Nhật cũng đang thay đổi. Bạn tôi kể rằng hiện nay chị sẽ nói với khách hàng rằng: "Thậm chí nếu nằm trong biên chế suốt đời của một công ty Nhật Bản ngày nay, quý vị cũng sớm có ngày tỉnh giấc và nhận thấy công ty của bạn bị người nước ngoài mua lại, và bạn phải làm việc cho người nước ngoài, vì vậy liệu mà vào một công ty nước ngoài ngay từ bây giờ rồi tìm cách thích nghi với nó."
Trung Quốc
Trung Quốc cũng sẽ trải qua một quá trình điều chỉnh gian khổ - lý do không mang tính văn hóa mà là mang đặc tính chính trị. Trung Quốc có nghị lực nhưng không có phương pháp. Sai lầm lớn nhất của các nhà chiến lược là ở chỗ họ nghĩ rằng trung Quốc sẽ tự động thẳng tiến về kinh tế và quân sự đến một mức trong vòng 20 năm, có thể trở thành đối thủ và một siêu cường tương đương với Hoa Kỳ. Tôi không nghĩ vậy.
Đừng hiểu sai ý tôi. Trong 20 năm, Trung Quốc có thể trở thành một cơ sở kinh tế và quân sự có khả năng tranh chấp với Hoa Kỳ - nhưng không có chuyện thẳng tiến ở đây. Trên con đường của Trung Quốc, họ sẽ phải vượt qua một con lươn giảm tốc rất lớn. Vào tháng giêng năm 2000, khoảng 40 phần trăm của nền kinh tế Trung Quốc là đóng góp của những ngành công nghiệp và các ngân hàng quốc doanh, phần nhiều trong số họ đã trở nên tham nhũng và kém hiệu quả. Các duy nhất mà Trung Quốc có thể chăm sóc hàng triệu công nhân trong khu vực đó là tư nhân hóa, đóng cửa hay cho sáp nhập các cơ sở yếu kém, chuyển vốn sang các cơ sở làm ăn hiệu quả. Và cách duy nhất mà Trung Quốc có thể làm điều đó, tránh được nạn thất nghiệp tăng cao, là thu hút cho được những nguồn đầu tư khổng lồ từ bên ngoài.
Quả là Trung Quốc đã thu hút được mức độ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vài một số xí nghiệp nhất định, nhưng đồng nội tệ của họ chưa hoàn toàn có khả năng chuyển đổi thành ngoại tệ, và hiện nay ở đó không có một thị trường công trái và cổ phiếu để người nước ngoài tự do tham gia. Và ở Trung Quốc hiện có hiện tượng tư bản câu kết làm nản lòng các nhà đầu tư từ bên ngoài. Một ví dụ về hiện tượng tham nhũng được đưa ra ánh sáng vào tháng 10/1998 trong một mẩu tin nói rằng trong tổng số 65 tỷ đô-la dành cho việc mua lương thực của nông dân từ năm 1992 thì 25 tỷ đô-la, gần 40 phần trăm, đã "biến mất." Theo tạp chí Times (2/11/1998), phần nhiều trong số tiền thất thoát đó đã được các viên chức chính phủ sử dụng vào việc xây cao ốc, đầu cơ tài chính và mua xe hơi và điện thoại di dộng. Khó khăn của Trung Quốc là ở chỗ họ không thể hùn vốn từ Bầy Thú Điện Tử đủ để cải tạo các doanh nghiệp quốc doanh - chiếm một nửa nền kinh tế - nếu họ không nâng cấp hệ điều hành từ mức DOS 1.0 lên mức DOS 6.0, và nếu họ không cài đặt các phần mềm pháp chế.
Chính vì thế mà bạn không thể kẻ một đường thẳng để đánh dấu Trung Quốc ngày nay phát triển đến ngày Trung Quốc 20 năm sau, rồi đoán rằng nước này sẽ trở nên giàu hơn, có hệ thống toàn trị giàu hơn. Nói như vậy là sai lầm. Trước sau Trung Quốc sẽ vấp phải những giới hạn do chính họ đặt ra. Bởi vì những gì hiện cho phép Trung Quốc tồn tại ngày nay sẽ khác đi, sẽ thay đổi, một khi nước này hội nhập toàn diện vào toàn cầu hóa. Bước quá độ của Trung Quốc sẽ không mấy êm đẹp. Khi 1,2 tỷ dân lao đi với tốc độ 80 dặm/giờ mà vấp chướng ngại, thì cả thế giới sẽ rung chuyển. Khi vấp như vậy, Trung Quốc tạo ra một hiểm họa cho sự ổn định trên thế giới - hiểm họa không bắt nguồn từ sức mạnh, mà bắt nguồn từ thế yếu. Bởi vì vấp phải những thế lực toàn cầu hóa mới - đòi hỏi mở cửa kinh tế và chính trị - đồng thời phải đảm bảo sự thống nhất đất nước, duy trì tính chính đảng của Chính phủ, thì Chính phủ Trung Quốc chỉ còn một lối thoát: chủ nghĩa dân tộc - một thứ cây ô liu già cỗi của Trung Hoa. Một Trung Quốc dân tộc chủ nghĩa nếu cảm thấy toàn cầu hóa "gian khổ quá" thì có thể làm nảy sinh một đe dọa thực sự đối với toàn bộ hệ thống.
Nước Nga
Điều đó cũng tương tự trường hợp ở nước Nga, nhưng ở mức nghiêm trọng hơn, vì xuất phát điểm của nước Nga thấp hơn ở Trung Quốc và Nhật Bản nhiều.
Phải hiểu rằng Nga vẫn tiếp tục là một nước được vũ trang toàn diện, với vũ khí hạt nhân. Nhưng giờ đây khi hội nhập vào hệ thống toàn cầu hóa, sự yếu kém, chứ không phải sức mạnh của Nga, chắc chắn sẽ đe dọa sự ổn định của thế giới trong một thời gian nhất định. Khi kinh tế Nga tan chảy vào tháng 8/1998, nó đã khởi phát một căn bệnh truyền nhiễm tài chính đã gây cho phương Tây: trong vòng một tháng, mức thiệt hại tương đương với mức độ Nga gây ra trong 70 năm. Tuy vậy một số chính trị gia và phân tích gia đối ngoại đã yêu mến Chiến tranh Lạnh đến mức họ vẫn coi Nga không khác gì Liên Xô trước kia, và hệ thống quốc tế ngày nay vẫn là một dạng Chiến tranh Lạnh. Thật đáng ngạc nhiên khi nghĩ đến Đức Quốc xã, vốn tuyên chiến chống cả thế giới và tận diệt sáu triệu người Do Thái, nay sau hai thế hệ đã tự cải tạo trở thành một nước dân chủ được đánh giá là năng động nhất thế giới. Nhưng những chiến binh Chiến tranh Lạnh vẫn coi Nga là một đất nước không có khả năng thay đổi và vẫn tiếp tục là kẻ thù của Hoa Kỳ trên phương diện địa-chính trị.
Không, chúng ta không nên đối xử với nước Nga như đối với Canada, chỉ vì họ đã tổ chức được một vài cuộc bầu cử. Đó là một nước lớn, có bề dày lịch sử, và một kho vũ khí hạt nhân lớn, và, giống các cường quốc khác, nó vẫn tiếp tục cạnh tranh với Hoa Kỳ để giành ảnh hưởng. Rất giống như nước Pháp. Nước Nga không còn là Liên Xô. Nga là một quốc gia đang đứng giữa nhiều chặng đường quá độ thiếu rõ ràng, những bước quá độ diễn ra trong một môi trường quốc tế rất khác. Nga có thể thiếu khả năng nâng cấp hệ điều hành lên tới 1.0, chưa nói đến 6.0, nhưng cũng không có gì định trước nước này sẽ không làm điều đó. Cũng như đối với Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta sẽ được lợi nếu nước Nga đặt gót quá độ - chúng ta không thể quyết định, nhưng có thể gây ảnh hưởng. Chúng ta không có khả năng đơn phương đích thân cải tổ nước Nga nhưng có khả năng làm cho nó không bị cô lập, nguy hiểm và trái tính. Chính vì lẽ đó sự mở rộng khối NATO là một sai lầm. Trong toàn cầu hóa, những vấn dề đe dọa nhiều nhất đến nước Mỹ là những vụ buôn bán đầu đạn hạt nhân trên chợ đen, giảm thiểu tên lửa hạt nhân chiến lược, băng hoại môi trường, kiềm chế các quốc gia bất trị như Iraq hay Bắc Triều Tiên và những vi rút tài chính. Hoa Kỳ sẽ không thể xử lý được những vấn đề đó nếu thiếu sự hợp tác của một nước Nga ổn định và dân chủ. Chính vì thế nhiệm vụ hàng đầu của nước Mỹ là thu hút sự hợp tác của Nga và làm bất cứ điều gì để có thể cải thiện hệ thống chính trị ở đó - chứ không phải bành trướng khối NATO, vì làm như vậy rất khó lấy lòng được Moskva.
Đầu năm 1998, tôi ngồi trong văn phòng của Karel Kovonda, Thứ trưởng Ngọai giao Cộng hoà Czech ở Prague. Khi hùng biện giảng giải cho tôi vì sao NATO nên kết nạp Cộng hòa Czech, ông ta kể cho tôi ảnh hưởng của toàn cầu hóa đối với khu vực và bản thân nước này.
"Tôi tận hưởng bầu không khí quốc tế ở vùng này vì giờ đây Chiến tranh Lạnh đã qua đi và Cộng hoàa Czech đã mở cửa," Kovonda nói: "Cháu bé nhà tôi đi nhà trẻ cùng với con bé con đến từ Hàn Quốc và những cháu khác từ Croatia và Bosnia. Tôi đến tiệm góc phố mua rau quả trồng ở Trung Quốc. Nhưng điều bất lợi là hiện nay có mấy thằng mafia người Ucraina đến ngụ ở tòa nhà bên cạnh. Tất cả diễn ra trong khu phố của tôi nằm ở ngoại ô Prague. Và có những sự ngờ vực và khó chịu ở đây vì mức độ tăng nhanh chóng những người nước ngoài đến sống, làm việc và buôn bán bất hợp pháp ở nước này - ở ngoại ô cũng như trong trung tâm thủ đô. Bạn nhìn thâý cả hai mặt của toàn cầu hóa ở Cộng hòa Czech ngày nay, và vì nằm ở ngã ba đường ở châu Âu, nước chúng tôi là trạm dừng chân đầu tiên của dòng nhân lực di chuyển bất hợp pháp từ Đông sang Tây Âu, trong khi đó ở biên giới giữa chúng tôi và Đức [giờ đây ít mở cửa hơn] là địa bàn quan trọng hơn trước. Trên bàn của tôi là báo cáo tối mật về các hoạt động tội phạm quốc tế cũng như trong nước. Thời cộng sản trước kia thì chẳng làm được những điều như vậy. Khi cộng sản ở đây thì phân nửa thời gian bạn tốn cho việc xin visa sang thăm nước khác, giờ đây thì chẳng cần phải có visa nữa. Buôn lậu linh kiện hạt nhân và ngòi nổ, đó là hiểm họa. Chúng tôi bắt được những kẻ buôn ngòi nổ đưa hàng từ phía Đông sang phía Nam của chúng tôi. Đó là những nguy hiểm mà dân chúng không hiểu hết được..."
Tôi chỉ ngồi gật gù, chẳng muốn hỏi rằng những ngòi nổ đó từ đâu đến và làm sao có thể giải quyết được chuyện đó bằng việc mở rộng khối NATO khiến cho nước Nga thêm xa lánh.
Ở Nga, Trung Quốc và Nhật Bản, có những lãnh đạo lên từ thời Chiến tranh Lạnh đang cố gắng thúc đẩy bước quá độ vào toàn cầu hóa, và trong nhiều trường hợp, họ thiếu các dụng cụ để làm việc đó. Mặc dù người Nga đã hủy bọ hệ thống trung ương chỉ huy, ý thức hệ cộng sản và các chính ủy, họ vẫn chưa xóa bỏ được văn hóa cộng sản và thay thế văn hóa tư bản vào đó.
Quả thực ở Nga, Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta vẫn chờ đợi điều mà Robert Hormats gọi là "thế hệ thiên niên kỷ" - những người trưởng thành trong toàn cầu hóa - lên nắm quyền để tạo những bước ngoặt phát triển. Hormats nói: "Mỗi khi có người hỏi tôi, làm sao có thể tạo ra thay đổi chính trị ở nước Nga?" "Tôi thường đáp lại rằng đó là một quá trình kéo dài chín tháng... và sau đó là 21 năm. Nước Nga đang ở quãng giữa giai đoạn này."
Những gì đang xảy ra thời hiện tại, trong khi chúng ta chờ đợi thế hệ mới, đang khiến chúng ta lo lắng. Lúc trước tôi có so sánh giữa công ty và đất nước. Có khá nhiều điểm tương đồng. Nhưng có một điều mà đất nước không bao giờ giống như công ty. Công ty có thể lên, xuống và biến mất. Đất nước có thể lên, xuống, nhưng bao giờ cũng còn đó. Chúng còn đó và bị thua thiệt què quặt. Nhưng hãy tưởng tượng IBM bị phá sản nhưng vẫn nằm ngổn ngang trên thị trường: các giám đốc và nhân viên thất nghiệp, thiếu lương, đi lại lừa đảo những khách hàng cũ đồng thời giở trò ném đá phá phách những công ty khác vốn là địch thủ của họ.
Một lý do khiến cho toàn cầu hóa thời kỳ trước 1914 bị đổ vỡ thành Chiến tranh thế giới thứ nhất, là hành vi của Đế chế Áo-Hung, một nhân tố chủ chốt trong cán cân lực lượng ở châu Âu. Đế chế này đã phải chịu đựng trong một thời gian dài sự băng hoại quyền lực của nó, xói mòn quyền lực từ mức chậm lên đến mức nhanh chóng vào giai đoạn 1909-1914. Đế chế này lúc đó cảm thấy họ bị ra rìa cuộc đua giữa các cường quốc về kinh tế, chính trị và quân sự. Thay vì im lặng chịu sự tủi nhục, nó đã ứng xử như một tay cờ bạc có vũ trang trong một canh bạc mà hắn biết sẽ không thắng được. Hắn đạp đổ bàn và nổ súng. Trong trường hợp của Áo-Hung, họ đã liên kết với Đức để hủy diệt Serbia trong một cuộc chiến khu vực, hiểu rằng từ đó sẽ làm bùng nổ cuộc chiến lớn hơn với nước Nga.
Nếu Serbia, Albania và Algeria cùng hợp lực gây rối thì mọi thứ sẽ loạn, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Nhưng điều chúng ta không thể lường được đó là hậu quả sẽ ra sao nếu những nước lớn như Nga, Nhật hay Trung Quốc không chấp nhận toàn cầu hóa trong khi kho vũ khí của họ vẫn còn đầy. Robert A. Pastor, nhà khoa học chính trị nhận xét trong cuốn sách của ông Chuyến đi dài một thế kỷ: Các cường quốc định hình thế giới, đã nhận xét thách thức mà toàn cầu hóa ngày nay phải đương đầu trên thực tế giống như thách thức mà hệ thống Versailles gặp phải sau Chiến tranh thế giới thứ nhất: Làm thế nào chúng ta hội nhập những kẻ thua cuộc vào cùng chốn với những kẻ thắng cuộc? Hòa ước Versailles làm việc đó rất tồi và gây nhiều căm giận - đến mức nó âm ỉ những hạt giống cho Chiến tranh thế giới thứ hai. Hòa ước sau Chiến tranh thế giới thứ hai làm điều đó rất giỏi khi hội nhập hai nước thua cuộc chủ chốt - Đức và Nhật Bản - điều đó khiến duy trì được ổn định ở châu Âu và châu Á.
Trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, câu hỏi sẽ là: Làm thế nào để hội nhập những kẻ thua cuộc trong Chiến tranh Lạnh vào một hệ thống toàn cầu hóa được thị trường tự do điều tiết trong đó gồm các quốc gia hầu như dân chủ? Pastor nói đây là một việc đặc biệt khó khăn vì nền hòa bình ngày nay rất khác với thời gian sau Hòa ước Versailles: chiến thắng của các đồng minh phương Tây không phải là không có điều kiện. Phương Tây đã không chiếm giữ Nga và Trung Quốc, chính vì thế không có nhiều khả năng trực tiếp định hướng và gây ảnh hưởng toàn diện đối với nền chính trị trong nội bộ các nước đó. Thực trạng của các nước giờ đây hoàn toàn khác nhau. Tuy vậy sự ổn định của toàn bộ hệ thống ngày nay lại lệ thuộc rất nhiều vào việc hội nhập thành công của các quốc gia như Nga và Trung Quốc. Yếu tố then chốt của sự ổn định quốc tế, theo Pastor, là "những kẻ thách thức hệ thống phải hiểu rằng điều quan trọng đối với họ là bảo tồn cho được hệ thống, chứ không phải lật đổ nó." Giờ đây cần phải nói cho nước Nga và Trung Quốc hiểu được điều đó. Nhưng nếu sự hội nhập trở nên quá khó khăn đối với hai nước này hay những nước khác? Liệu những quốc gia không thể sản xuất được các chíp vi tính có đi gây rối không?
Đây không phải là vấn đề dành riêng cho các nước đang phát triển hay các nước thiêú kỹ năng. Đó cũng là vấn đề của cả các nước có khả năng sản xuất chip vi tính. Có một vấn đề khác bên cạnh vấn đề mang tên "gian khổ quá": đó là vấn đề "đi nhanh qua." Nhịp thay đổi trong toàn cầu hóa ngày nay nhanh lắm, sự đòi hỏi phải thành công đến rất sớm, không ai còn có cảm giác đứng vững trên một nền móng chắc chắn so với cái thời mà cha mẹ của họ phải chịu đựng những bức tường rào trên thế giới, thời đó, với một tấm thẻ nghiệp đoàn và một công việc biên chế suốt đời đã được hưởng một sự ổn định nhất định. Sau khi ấn bản thứ nhất của cuốn sách này ra đời, tôi đã nhận được một bức thư đầy cảm động từ một phụ nữ ở Roanoke, Illinois. Bức thư bày tỏ rất hùng biện một nỗi lo mà tôi thường được nghe, mà tôi cũng rất khó tìm được câu trả lời dễ dàng: Điều gì sẽ xảy ra nếu tốc độ thay đổi mà hệ thống ngày nay đòi hỏi, vượt quá khả năng của cá nhân, công ty và đất nước? Nội dung bức thư đó như sau:
Ông Friedman thân mến, tôi hy vọng thư này đến được tay ông và tôi hy vọng ông có thể giải đáp cho tôi một điều bí ẩn. Tôi đã dự nhiều cuộc nói chuyện của ông, đầy ấn tượng, đến mức đi mua cuốn sách của ông. Tôi đọc nó nhiều lần nhưng vẫn không tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi của tôi: Tôi đứng vào chỗ nào trong cái thị trường ngày nay? Chồng tôi và tôi xưa nay cố gắng tự làm ăn nhưng không mấy thành công. Năm 1984, tôi theo học đại học; ở đó tôi ham thích, tiếp thu tất cả các môn học mà tôi có khả năng chi trả, bao gồm vi tính, kinh tế, cổ phần, doanh nghiệp và kế toán. Kinh tế địa phương lúc đó suy thoái nặng nề, vì nếu Caterpillar gặp khó khăn thì mọi người cũng gặp khó khăn. Việc làm mà tôi tìm được đã không giúp gì được tôi và đến mức tôi phải nghỉ hưu. Trong thời gian đó, chồng tôi bắt đầu mở dịch vụ vi tính tự lắp và lần đầu tiên đã kiếm ra tiền. Nhưng sự xuất hiện của loại máy vi tính có giá thấp hơn 1.000 đô-la đã khiến dịch vụ của chồng tôi thua thiệt dần. Chúng tôi hiểu tất cả những yếu tố thiết yếu về kinh doanh, bao gồm cả Internet và vi tính nhưng vẫn không tìm được chỗ đứng trong thị trường toàn cầu. Chúng tôi hiểu khái niệm bán "như thế nào" nhưng chúng tôi chưa biết sẽ bán "cái gì". Ví dụ, tôi có đủ công cụ để viết một tiểu thuyết rất hay của Mỹ, nhưng chúng tôi không có năng khiếu... Khi những nhà triệu phú gieo hạt giống của họ vào thị trường chứng khoán, thì chúng tôi phá sản. Làm thế nào để những con người bình thường tìm được chỗ đứng trong thị trường? Không chỉ riêng chúng tôi gặp khó khăn đó. Chúng tôi có rất nhiều bạn bè cũng đồng cảnh ngộ, băn khoăn rằng điều gì đã xảy ra và sắp tới sẽ đi đến đâu. Có lẽ xin ông giải đáp cho điều này vào lần sau.
Ước gì tôi có được một giải đáp giản đơn. Dường như ngày nào cũng xuất hiện bài vở trên báo chí cảnh báo nhân công và các sếp của họ về việc cắt giảm biên chế, đào tạo kỹ năng mới, sa thải kỹ năng cũ, kết nối mạng, chạy nhanh hơn, linh hoạt hơn, sẵn sàng loại bỏ những gì cũ kỹ và mới mẻ, đưa vào những gì mới mẻ hơn để theo kịp nhịp toàn cầu hóa. Điều khó khăn là dường như hệ thống mới có chu kỳ thay đổi trong vòng sáu tháng, như thế nhanh quá và khó khăn quá thậm chí đối với những người được huấn luyện đầy đủ, chưa nói đến những người không được đào tạo. Dân chúng sẽ phản ứng ra sao nếu họ cảm thấy toàn cầu hóa quá gian khổ, chạy quá nhanh trong một giai đoạn quá dài.
Kết nối chặt chẽ quá
Một cách khác khiến cho toàn cầu hóa đe dọa chính nó là khi hệ thống này đuợc bôi trơn và kết nối quá chặt chẽ với thế giới, khiến cho những nhóm nhỏ dân chúng - dù đó là người đầu tư hay những kẻ được trao quyền - có thể có những hành vi thái quá gây họa cho toàn bộ hệ thống. Nếu gặp những ngân hàng đầu tư trên phố Wall ngày nay, họ sẽ kể cho bạn về những sửng sốt họ cảm nhận được trong thời gian các thị trường tan chảy (tháng tám tháng chính năm 1998), khi thấy hệ thống thế giới được kết nối chặt chẽ ra sao. Không một mô hình tiên liệu rủi ro nào của họ - dựa trên những trường hợp tương tác giữa đầu tư và sự kiện trong quá khứ - dự đoán được những chuỗi phản ứng xảy ra năm 1998. Sự việc đó đã phá hỏng khái niệm đa dạng hóa để phân tán rủi ro. Các công ty cho rằng họ đã đa dạng hóa bằng cách đầu tư qua nhiều công cụ, có mức đáo hạn khác nhau, dùng nhiều loại tiền, thông qua nhiều hàng hóa vào nhiều nước khác nhau... đã nhanh chóng nhận thấy rằng tất cả các hoạt động đầu tư của họ nằm trong một dây chuyền được ràng buộc chặt chẽ, và khi dây chuyền đó đổ bể thì các công ty đó không tài nào thoát ra được. Mỗi mắt xích trong dây chuyền đó kéo theo các mắt xích khác. Do toàn cầu hóa mà chuỗi dây chuyền đó được nối dài, dài thêm, ngày mỗi ngaỳ, giằng kết vào nhau chặt chẽ hơn. Và sự thật phũ phàng là ở chỗ chúng ta vẫn chưa hiểu được sự kết liên như vậy sẽ có lợi gì, hay làm thế nào để tự bảo vệ nếu một trong những mắt xích yếu đi rồi đứt đoạn. Những quan hệ tương tác đó không chỉ xuất hiện trên thị trường tài chính mà đã xuất hiện trên màn vi tính trong dạng thức con bọ 2000. Các máy tính được lắp ráp với hệ thống đồng hồ - lịch kỹ thuật số với sáu ký tự - 2 dành cho ngày, 2 dành cho tháng và... bạn đoán đúng rồi, 2 dành cho năm: vậy loại lịch này sẽ chấm dứt vào ngày 31/12/99. Vậy khi lịch này nhảy sang ngày 1 tháng giêng năm 2000, thì thay vì lịch ghi là 01/01/2000, máy tính sẽ hiện thị 01/01/00 và hiểu đó là năm 1900. May thay với những sự chuẩn bị sớm sủa và mua sắm máy tính mới, các công ty và đất nước đã giải quyết được thứ bọ Y2K đó. Giao thừa năm 2000, thay vì là một cơn ác mộng, đã trở thành một sự kiện cho chúng ta liên hoan.
Chúng ta sống qua được nỗi đe dọa Y2K không có nghĩa là đã bỏ lại đằng sau những khó khăn do sự kết nối chẵt chẽ gây ra. Hãy nghĩ về thực tế sau đây: Khi một vụ nổ hạt nhân xảy ra trên tầng không, nó tạo ra một xung điện từ trường cực lớn. Vậy nếu có một kẻ khủng bố hay một quốc gia bất trị cho nổ một hỗn hợp hạt nhân trên không phận của nước Mỹ thì nó sẽ làm ngưng trệ và tan rã toàn bộ số máy tính trong nước mức so với Y2K thì Y2K chỉ là một giấc mộng đẹp. Tim Weiner, trong cuốn sách Séc khống của anh về những chương trình bí mật của Chính phủ Mỹ, giải thích về hiện tượng này: "Một đầu đạn hạt nhân phát nổ trên không trung cách bang Omaha 300 dặm sẽ ngay lập tức phát ra xung điện từ trường gồm các sóng hạt điện tử đánh gục toàn bộ nước Mỹ từ bờ biển đông sang tây. Toàn bộ các hệ thống điện tử, radio và tập hợp các máy tính trong nước sẽ chịu một hiện tượng sét đánh nhân lên một triệu lần. Một xung điện lên tới 50 vạn volt/m sẽ được chuyền qua toàn bộ các lưới điện. Hiện tượng đó được phát hiện năm 1962, khi nước Mỹ cho thử ba đầu đạn hạt nhân trên bầu trời Thái Bình Dương. Mặc dù vụ nổ ở cách đảo Hawaii 800 dặm trên không trung, đã khiến cho đèn đường ở Oahu tắt ngấm và các loại chuông báo động ở Honolulu rung ầm ĩ." Không giống như Y2K, chấn động của xung điện từ trường đó, Weiner cho biết, vẫn là điều mà các kỹ sư gọi là "một ẩn số thường thấy" - một ẩn số mà ai cũng biết nhưng không ai giải đáp được.
Một lý do nữa khiến cho việc kết nối chặt chẽ quá sẽ gây khó khăn cho chúng ta. Đó là nếu chúng ta bị kết nối quá chặt chẽ thì những quan hệ và hành vi xã hội của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Một hôm, ngồi bên bàn làm việc, nhận được một mẩu tin trên thông tấn AP đánh đi từ Israel. Mẩu tin nói một người đàn ông Israel "bị cảnh sát chặn lại trong khi lái xe trong thị trấn Netanya, hai tay cầm hai điện thoại di động để nói chuyện. Anh chàng này dùng khuỷu tay để giữ tay lái, nhật báo Haaretz cho biết. Một nữ cảnh sát tình nguyện đã chặn xe của anh chàng này khi thấy chiếc xe Mitsubishi màu xám của anh ta chệnh choạng lái trên đường."
Tôi không thể tìm được một ví dụ nào lột tả hay hơn về sự kết nối thái quá của anh chàng người Israel đó, hai điện thoại di động gắn vào hai bên tai, khuỷu tay tì lên tay lái xe hơi. Đây là một thứ vi rút trong các nước phát triển. Đó là sự phấn khích trong xã hội khi viễn thông được kết hợp với "Evernet" - công nghệ cho phép mọi người lên mạng ở mọi nơi mọi lúc, truy cập Internet bằng đồng hồ, điện thoại di động, xe hơi, lò nướng bánh mì hay máy nghe nhạc walkman.
Loại vi rút sinh ra từ sự kết nối quá mức hiện đang tràn lan hàng ngày và hiện chưa có cách nào chữa trị. Một hôm đang ngồi với con gái trong một tiệm ăn dạo mùa hè năm 1999 tôi trông thấy hai gia đình ngồi hai bên bàn của tôi. Hai ông bố của những gia đình đó nói chuyện trên điện thoại to tiếng như đang ngồi trong văn phòng của họ vậy. Lúc đó tôi chỉ muốn hét lên, "Này, tôi đang trong kỳ nghỉ phép. Tôi cố chạy trốn khỏi công việc và không muốn vào ngồi trong văn phòng của các vị. Tôi không muốn nghe về những trục trặc trong công việc của các vị. Tắt điện thoại đi!" Tháng 10 năm 1999, tôi ở Chicago, tham dự lễ cắt bao quy đầu, một tục lệ Do Thái, cho cháu của họ của tôi. Hôm đó ngay trước lúc người giáo sĩ Do Thái sắp làm lễ, thì một chiếc điện thoại di động reo chuông. Chúng tôi nhìn xung quanh xem ai là thủ phạm phá rối giây phút thiêng liêng này. Nhưng hóa ra thủ phạm chính là vị giáo sĩ nọ. Ông ta bỏ dao xuống và lôi trong túi ra chiếc điện thoại di động đang reo chuông. Và tôi càng thấy mình có cái lối phản ứng trước những người có điện thoại di động giống nhưng cái lối tôi phản ứng với loại người hút xì gà trong tiệm ăn - giận dữ.
Tôi tha thiết mong đến một ngày mà các tiệm ăn cho dựng tường cách âm. "Quý vị có điện thoại di động hay không?" người hầu sẽ hỏi thực khách trước khi xếp chỗ cho họ. Tôi cũng tha thiết mong một ngày nào đó hãng Motorola cho ra một sản phẩm cho phép bạn gây nhiễu chặn tất cả các điện thoại di động xung quanh bạn, dễ dàng như bấm điều khiển từ xa để mở garage vậy. Zap! không còn những tiếng chuông điện thoại trong bán kính ba chục bước chân. Xin lỗi. Không có gì phải ngạc nhiên khi sự kết nối quá mức đang trở thành con vi rút trong thời đại Internet. Vì khi Internet và toàn cầu hóa giúp cắt ngắn thời gian và cự ly, giúp đắc lực cho công việc làm ăn, thì chúng cũng làm cho người ta sợ sự cô độc. Báo The New Yorker có lần đã miêu tả điều đó bằng một tranh biếm họa. Tranh vẽ một người đàn ông đưa tình nhân từ tiệm ăn quay về cửa căn hộ chung cư của cô này. Cô này nắm chặt tay anh ta và nói, "Em rất muốn mời anh vào nhà, anh Howard, nhưng thị trường chứng khoán Hồng Kông sẽ mở cửa giao dịch trong mười phút nữa." Thời gian và khoảng cách cho phép chúng ta có những vùng đệm trong cuộc sống, nhưng khi bạn xóa bỏ chúng, bạn sẽ không còn không gian cho riêng bạn. Nhiều giáo sĩ Do Thái giáo đã viết thư cho tôi nói họ tin và hy vọng rằng nhờ có sự kết nối chặt chẽ mà con người ta nay trở nên quý trọng ngày nghỉ Sabbath hơn. Hình ảnh một ngày nghỉ ngơi thanh thản, xa lánh những điện thoại di động, nay trở nên có sức cám dỗ mới.
Một người bạn làm việc trên phố Madison nói với tôi rằng thời trước khi có điện thoại di động và máy nhắn tin, nếu có ai đó gọi cho anh ta ở văn phòng và không gặp anh, thì cô thư ký chỉ cần nói, "Allen đi ra ngoài rồi." Giờ đây khi gọi đến văn phòng, nếu cô thư ký nói là anh ta đi ra ngoài thì khác sẽ đề nghị, "Vui lòng nối cho tôi vào máy di động của anh ta hay hãy nhắn tin cho anh ta ngay cho tôi." Điều người ta mong đợi giờ đây lúc nào cũng có thể kết nối liên lạc với anh ta - không thoát được. Giờ đây lúc nào bạn cũng có mặt và sẵn sàng. Và nếu lúc nào cũng sẵn sàng thì bạn sẽ trở thành một máy vi tính. Bạn sẽ không được ngưng nghỉ. Giờ đây có bao giờ bạn nghe có người nói, "Đợi tôi ngủ chút đã?" Không còn thời gian hay không gian để có thể ngủ để quên chuyện gì đó đi một lúc. Một quản trị viên phố Wall có lần đã nhận xét với tôi rằng có thời anh ta rất thích sang Nhật Bản, sang đó làm việc cả ngày rồi tối đến sẽ thưởng thức ở các tiệm ăn rất ngon lành ở Tokyo. Nhưng giờ đây, với sự tiến bộ trong thông tin liên lạc, anh ta vẫn phải làm việc cả ngày, và đến lúc chuẩn bị đến các tiệm ăn sushi thì, từ New York, máy fax, nhắn tin và điện thoại di động thi nhau gọi sang. "Trong năm năm qua, tôi không ra được đến bên ngoài để đi ăn tiệm ở Tokyo," anh ta nói. "Giờ đây có khi tôi phải làm việc tới 19 tiếng mỗi ngày, mỗi khi sang đó."
Có lần tôi phỏng vấn một viên chức quốc phòng cao cấp người Anh và được nghe ông ta kể, có lần ông phải đặt máy điện thoại di động vào băng chuyền X-quang ở sân bay rồi quên không nhặt lên. Năm phút sau chạy lại thì người nhân viên an ninh sân bay nói có hai cuộc gọi đến điện thoại đó, trong vòng năm phút. Cả hai cuộc gọi đều từ một viên chức quốc phòng cao cấp khác. "Cha này có thể đã phát động một cuộc chiến tranh nếu hắn trả lời không khéo," viên chức này nói về người nhân viên an ninh sân bay, người nhặt và trả lời điện thoại hộ ông ta.
Tôi quên không hỏi viên chức quốc phòng đó rằng lúc đó ông ta đang đi công việc hay đang đi nghỉ, nhưng có lẽ chính ông ta cũng không phân biệt được sự khác nhau của hai việc đó. Khi chúng ta được kết nối liên lạc suốt ngày đêm thì ranh giới giữa công việc và nghỉ ngơi không còn nữa. Những bậc cha mẹ đi làm sẽ có thêm thời gian ở bên con cái. Trên lý thuyết thì điều đó đúng. Nhưng trong thực tế thì nhiều khi ngày làm việc sẽ dài ra chừng 19 tiếng đồng hồ. Tôi có một người bạn làm công việc của chính phủ về ngành pháp chế - đầy sức ép. Anh ta nói thường hay được về nhà sớm và được ở nhà vào ngày cuối tuần; với điện thoại di động, anh ta có thể tranh thủ làm việc tại nhà và ở bên con gái nhiều hơn. Mặc dù điều đó có nghĩa là cứ 20 phút đến 2 tiếng, anh ta lại phải nói chuyện điện thoại. Nhưng anh ta nói như thế cũng chịu được. Nhưng cô con gái thì không chấp nhận điều đó. Cháu buồn bã và đã nói với bố, "Bố ơi, có lẽ bố cứ đến sở còn hơn."
Tôi ủng hộ ý kiến của cô con gái đó, mặc dù thỉnh thoảng tôi cũng mắc cái tật giống bố của cháu. Đó mới là chuyện nhỏ. Trục trặc Y2K trên máy tính chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Nhưng con vi rút kết nối Y2K về mặt xã hội sẽ còn hoành hành trong chúng ta trong một thời gian dài. Nói cho công bằng thì cũng có những cái lợi - giao tiếp tốt hơn với hàng xóm láng giềng và kết hợp thời gian giữa công việc và nhà cửa hợp lý hơn. Tóm lại nó liên quan tới sự cân đối. Nếu cán cân nghiêng về sự kết nối thái quá, nếu con người ta cảm thấy hệ thống mới khó tiêu quá, thì họ sẽ nổi xung.
Con người trở nên cô đơn quá
Một trong những nghịch lý trong thế giới ngày càng được kết nối là hiện tượng chính cái thế giới này lại làm chúng ta càng trở nên cô đơn hơn. Bởi vì càng kết nối vào hệ thống thì chúng ta càng có điều kiện làm việc một mình, đâu cũng được: ở nhà riêng, nơi nghỉ mát, hay ở những vùng châu Phi xa xôi. Càng nối mạng thì con người càng trở nên tự do hơn, để hoạt động một mình. Một người bạn của tôi làm việc cho một hãng tư vấn lớn, và trong thời gian gần đây khi có những sự sáp nhập toàn cầu hóa, anh ta không còn văn phòng để làm việc. Hãng này đưa ra giải pháp luân lưu nơi làm việc: mọi người chia nhau sử dụng bàn làm việc, ai có việc thì người đó dùng bàn. Tất cả các hồ sơ được lưu trữ trên mạng nội bộ và nhân viên làm việc đến đâu thì truy cập thông tin từ mạng đến đấy. Trên lý thuyết thì làm như thế đầy hiệu quả nhưng người bạn tôi phàn nàn là công việc của anh ta giờ đây không còn hứng thú như trước nữa.
"Khoảng 20 năm nay tôi đã và đang tư vấn pháp lý cho một hãng lớn," anh bạn này kể. "Tôi chưa đến nỗi già, nhưng nhớ lại thời xưa (những năm 80) nếu gặp phải một vấn đề nan giải, bạn sẽ bước đến cuối hàng lang nơi có bình nước lọc, gặp ai đó và nói, " Tôi có chuyện này khó giải quyết liên quan tới công ty này. Họ muốn đẩy bớt tài sản theo hướng này. Nhưng có những chi phí mà chúng ta cần tính cho kỹ. Theo anh/chị, thì phải làm gì bây giờ?" Và một trong những đồng nghiệp của bạn sẽ nói rằng cách đây một hai năm chúng ta đã làm như thế này thế nọ, rồi có ai đó đi ngang qua và nói, không, không hẳn như thế, mà là thế này. Và có thể một anh bạn khác - Bill chẳng hạn, là một chuyên gia và sẽ cho bạn một lời khuyên. Bạn tự giải quyết vấn đề nhưng thông qua những bàn bạc thân mật với đồng nghiệp. Giờ đây phân nửa nhân viên như chúng tôi không có văn phòng để làm việc. Tôi thậm chí không có cả bàn ghế để ngồi riêng. Chúng tôi chia nhau dùng chung các bàn làm việc để tiết kiệm diện tích văn phòng. Không còn bình nước lọc, không còn Bill lúc nào cũng có mặt, vì giờ đây anh ta làm việc tại nhà, nhờ có kỹ thuật nối mạng điện thoại. Tôi tin rằng Bill giờ đây có cuộc sống tốt hơn vì anh ta có thể ngồi nhà làm việc. Và những giải đáp cho các vấn đề hầu hết được chứa trong các máy tính, nhưng đòi hỏi là bạn phải biết cách tìm ra chúng. Điều khiến bạn nhớ nhất là cái lối Bill nói năng, "Anh có thể giải quyết vấn đề này như thế này, theo lý thuyết. Nhưng anh phải cẩn thận ở điểm này." Đó là những điều mà bạn không thể tìm được trên các trang tìm kiếm. Tất nhiên là bạn có thể email Bill ở địa chỉ "Bill.com" và anh ta sẽ cho bạn những lời giải, nhưng như thế không thể hứng thú như xưa."
Vài tháng sau khi nói chuyện với người bạn đó, tôi thấy một quảng cáo cho một công ty phần mềm vi tính mang tên Office.com, có phương chậm: "Nhiều thông tin hơn mức thu thập được trong lần đi đến phòng uống nước." Tôi nghĩ, quả là chẳng có gì hứng thú trong chuyện đó.
Và thực tế rồi cũng chẳng có gì khấm khá hơn. Cầu thủ bóng chày hay bóng rổ rồi sẽ không phải là những tay làm ăn đơn lẻ - giờ đây ai ai cũng bị xô đẩy từ công việc chỗ này sang công việc chỗ khác, từ nhóm này sang nhóm kia, công ty này sng công ty khác, mọi người trở thành thợ tự do thời kỹ thuật số.
Tại sao đến nông nổi này? Nicholas G. Carr, biên tập viên của báo Harvard Business Review, tóm lược hiện tượng trên trong số báo tháng 6/1999: "Mô hình về tổ chức công nghiệp cũ - nhóm đông nhân viên làm việc có phối hợp - vốn dĩ đứng vững trên thế giới [có tường rào]. Nhưng ngày nay, mô hình này không còn hợp lý. Quá đắt đỏ và năng suất thấp. Để cho công việc chạy nhanh giữa các nhóm nhỏ, tạm thời, để những nhóm đó tự tổ chức và phối hợp đáp ứng những kích thích của thị trường, đã trở nên phương pháp mang tính hiệu quả hơn nhiều... Trong nền kinh tế mới, các công ty cần theo đuổi sự uyển chuyển và linh hoạt. Nhưng điều đó đối với bản thân các nhân viên thì có hợp lý không?"
Carr đưa ra câu hỏi đó khi luận bàn về cuốn sách mang tính khiêu khích của nhà xã hội học Richard Sennett, về những phản ứng phụ nảy sinh từ cung cách làm việc ăn mảnh và linh hoạt nói trên. Cuốn sách có tựa đề Sự băng hoại về cá tính: Những hậu quả của công việc lên cá nhân trong chủ nghĩa tư bản mới. Carr nhận xét: Linh hoạt dẫn đến sự thiếu gắn bó. Một công ty làm ăn linh hoạt sẽ phải sẵn sàng loại bỏ các chiến lược, sản phẩm và nhân viên, và thậm chí khách hàng của mình để bước vào một thị trường mới hứa hẹn hơn hoặc thích nghi với cung cách làm ăn hiệu quả và có lợi hơn, giống như công ty của anh bạn tôi kể trên. Nhưng xây dựng những mối quan hệ và cộng đồng, bám giữ lấy cây ô liu - trang trí bàn làm việc của bạn, gọi nó là gia đình khi bạn xa nhà - là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của con người ta. Toàn cầu hóa, một nơi mà chúng ta thường xuyên bị đòi hỏi phải phá vỡ các quan hệ cũ, tự nâng bản thân chúng ta, chú trọng vào ngắn hạn và giữ mức linh hoạt... tất cả điều đó khiến chúng ta cảm thấy trôi nổi và tạm bợ. Nói theo lối của Sennett, Carr cho rằng chúng ta đang bị dồn tối cảnh "không rõ chúng ta là ai và phải làm gì. Tựu trung, điều đó làm xói mòn nền móng xã hội. Chúng ta không còn gắn bó với người khác; chúng ta tham gia vào cùng "nhóm" với họ. Chúng ta không có bạn bè; chúng ta chỉ còn những người quen. Chúng ta không còn là thành viên gắn bó cùng chịu đựng và cùng xây dựng cộng đồng; chúng ta là những điểm nút trong những mạng lưới luôn di chuyển... Nhưng mỗi khi tự cải tiến thì chúng ta thường xóa đi những ý nghĩa và giá trị mà quá khứ mang đến cho chúng ta. Thay vì cảm giác là con người thực với những gắn bó và quan hệ, chúng ta chỉ còn những cảm giác bị bóp méo, trớ trêu. Chúng ta trở thành người ảo."
Điều đáng sợ nhất có lẽ, Sennett nói trong cuốn sách, là kết quả của điều mà chúng ta gọi là "sự tiến bộ." Ông viết: "Điều quái lạ trong cái sự bất định ngày nay là nó tồn tại nhưng không hứa hẹn một tai họa lớn; nó tiêm nhiễm vào các họat động hàng ngày của chủ nghĩa tư bản hung hãn. Bất ổn định trở nên chuyện thường ngày." Schumpeter đưa ra khái niệm về tính thương mại "tạo ra một loại người thập toàn. Sự xói mòn cá tính có lẽ sẽ là hậu quả tất yếu."
Tất nhiên cũng cần biết là sự linh hoạt mất gốc mà Sennett mô tả, dẫu cho có khiến người ta khiếp sợ, cũng có thể mang ý nghĩa giải phóng. Và do hiện không còn nhiều tường rào để có thể bảo vệ công việc của bạn, thì cũng không còn nhiều tường rào để bạn có thể nhảy vào những công việc mới. Hơn nữa, sự linh hoạt ngày nay cũng có nghĩa là trừng phạt dành cho những kẻ thất bại không còn quá nghiêm trọng như xưa. Bản thân Carr nhận xét, "Tuy công việc vừa qua bạn làm không khéo, thì có nhiều khả năng là công việc sắp tới sẽ vừa sức và hợp với tài năng của bạn hơn."
Liệu mỗi chúng ta có tìm được một nền tảng, một bàn làm việc, một cửa hiệu, một trang web, một gia đình để bám giữ, trồng lên đó những cây ô liu, hay chúng ta đang ở trong thang máy di chuyển hết lên lại xuống, không ngừng? Dân chúng có cảm giác ra sao đối với toàn cầu hóa và liệu họ có nổi loạn chống lại nó hay không, một phần sẽ tùy thuộc vào câu trả lời đối với câu hỏi trên.
Can thiệp quá sâu và đời tư
Mùa hè năm 1999 tôi đến Chicago và ngụ tại một khách sạn thuộc một công ty khách sạn chuỗi. Buổi sáng, khi xuống bơi ở bể bơi khách sạn, tôi cầm theo chìa khóa phòng và đút vào túi quần bơi, và sau đó đã đánh rơi chiếc chìa khóa đó trong bể bơi. Vậy là tôi vẫn mặc quần bơi, ướt lướt thước đi đến bàn tiếp tân và mượn một chìa khóa khác để về phòng.
"Xin cho xem một loại thẻ chứng minh cho dán ảnh?" nhân viên tiếp tân nói.
"Không được," tôi nói. "Đang mặc quần bơi như thế này! Làm sao tôi có thể chứng minh trên người."
"Không sao," nhân viên này nói. Chị này đánh vài chữ vào bàn phím máy tính và quay ra hỏi tôi, "Hai cô con gái của ông năm nay bao nhiêu tuổi?"
Lúc đó con gái tôi không đi cùng với tôi. Nhưng cách đây một năm, tôi có đến ngụ tại khách sạn này cùng với chúng. Tôi trả lời câu hỏi của nhân viên tiếp tân và được nhận một chìa khóa phòng mới. Nhưng tôi cảm thấy buồn. Tôi không khỏi có cảm giác: Họ biết thêm điều gì về tôi và gia đình và lưu giữ trong cái máy tính đó, và họ sẽ bán những thông tin đó cho ai? Vài tháng sau, tôi nhận được một lá thư của một người bạn cũ, Richard Day, người tôi gặp ở Beirut năm 1982 nhưng đã mất liên lạc. Richard là một nhà tư vấn sống ở Dubai, và thư của anh ta viết đại để: Tôi tìm thấy địa chỉ của anh trong một trang mạng tìm người trên Internet. Tôi ngạc nhiên khi thấy nếu trả 99 đô-la thì tôi có thể kiểm tra mức khả tín của anh bao gồm trị giá của toàn bộ tài sản của anh. Tôi đã không tra 99 đô-la đó. Nhưng tôi băn khoăn không hiểu mọi sự sẽ đi đến đâu. Con trai con gái của bạn sẽ kiểm tra lẫn nhau theo cái lối đó, điều mà tôi với bạn nằm mơ cũng không thấy.
Đó chỉ là khởi đầu. Điều lệ hàng dầu trong thời đại Internet là chúng ta đều được kết nối nhưng không ai là lãnh đạo. Internet là thế giới của Orwell và trong đó không có mật vụ. Nhưng thay cho mật vụ là một loạt những tay thám tử nhỏ. Hãy cẩn thận với lũ này. Internet đã trang bị cho họ - những cá nhân, trang mạng, côngty và khách sạn - để họ có thể tập hợp rất nhiều thông tin nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Có người sử dụng thông tin đó một cách có trách nhiệm; nhưng cũng có hạng khác rất vô trách nhiệm. Nghiên cứu năm 1999 của Trung tâm Dân chủ và Công nghệ cho thấy dưới 10 phần trăm các trang web chấp hành quy tắc về tôn trọng đời tư tự do OECD đặt ra. Quy tắc này viết: không ai được phép sử dung những thông tin cá nhân được truyền trên Internet nếu không được sự chấp thuận của cá nhân đó; có nhân có quyền sửa những thông tin sai và những thông tin của cá nhân họ phải được bảo vệ, không cho người khác lợi dụng.
Một trong những khía cạnh tích cực của toàn cầu hóa là nó tăng cường tính minh bạch trong giao dịch tài chính. Các nước và các công ty nếu muốn kết nối với Bầy Thú Điện Tử sẽ phải bộc lộ cho thị trường những điều mà trước kia họ có thể giữ kín. Và khi đất nước và công ty không còn nơi lẩn tránh thì các cá nhân cũng vậy - không còn nơi ẩn náu. Mỗi cú điện thoại, hóa đơn đòi tiền, đơn thuốc, băng video bạn thuê, số chuyến bay bạn đi lại, máy rút tiền... đều sẽ nạp thông số về giao dịch của bạn vaò hệ thống của bầy thú, và không rõ một ngày nào đó chúng có thể quay lại để làm hại bản thân bạn. Nếu bạn dan díu với Tổng thống của nước Mỹ thì tức khắc sẽ có một công tố viên đặc biệt theo dõi các cuộc điện thoại bạn gọi đến cho vị tổng thống và theo dõi những chiếc cà vạt bạn dùng thẻ tín dụng mua cho ông ta. Đã bao giờ bạn vào trang mạng khiêu dâm mang tên "Hot Sex?" Xin nhớ cho: khi vào các trang mạng ngày nay, bạn sẽ tự động được gắn cái gọi là "cookie." Cookie tương tự như một dấu tay điện tử do những trang web mà đã đã đến cài vào máy của bạn. Cookie cho biết bạn đã đến đâu, mua hàng ở đâu và làm những gì khi lên mạng, Khi một người nào đó, một người bán hàng chẳng hạn, tập trung những dấu tay đó thì họ có thể hiểu được về thói quen, sở thích của bạn và rồi họ sẽ gửi cho bạn những quảng cáo trực tiếp cám dỗ bạn.
Chẳng sao! Bạn nói. Nhưng hãy nghĩ về khả năng sau đây: Năm 1998 tôi xem một quảng cáo thương mại về một thứ gọi là Chó Giữ Nhà - một loại phần mềm cho phép bảo vệ an ninh và cài mã số cho máy tính và trang web của bạn. Quảng cáo cho thấy một người nào đó nhòm trộm qua màn cửa sổ và một giọng nói cất lên: "Internet là cửa sổ bạn nhìn ra thế giới," nhưng cũng là cửa sổ để người ta "nhòm ngó bạn." Hãy đề phòng điều đó bằng cách mua phần mềm Chó Giữ Nhà; "Nó sẽ không cho Internet lang thang vào đời tư của bạn." Vài tháng sau đó tôi thấy một mẩu tin trên truyền hình ABC đã giải thích chính xác vì sao bạn có lẽ cần mua loại phần mềm đó. Mẩu tin như sau: Một cuộc khảo sát vào mùa hè năm 1998 cho thấy "81 phần trăm dân chúng tin rằng những thông tin cá nhân, bao gồm cả mức chi tiêu tín dụng, bệnh án và các hồ sơ tài chính của họ được bảo mật." Mẩu tin này nói những tiểu bang như Texas đã đưa lên mạng những hồ sơ về tội phạm. Hồ sơ về tội phạm ở bang Texas cho phép người ta kiểm tra tội phạm nếu đánh tên riêng vào và trả 3,5 đô-la/ tên. Một công ty có trụ sở ở nước ngoài mang tên Public Data, đóng ở Anguilla, Bristish West Indies, mua từng lô các hồ sơ công và đưa vào hệ thống dữ liệu trên mạng của họ và bán với giá 3 xu đô-la một lần tìm kiếm. Public Data mời khách, một loạt các loại tìm kiếm, danh mục bao gồm hồ sơ tiền án, hồ sơ tội phạm của các tòa án và danh sách đăng ký bầu cử, hồ sơ lái xe v.v.. Còn nhiều điều tồi tệ hơn. Tháng 12 năm 1998, báo USA Today cho biêt một thứ máy tính cầm tay đang thịnh hành có chức năng lưu trữ thông số, địa chỉ và ghi chép cá nhân " có thể được lập trình để mở khóa xe hơi bằng cách sao chép các mật mã từ các loại chìa khóa tự động điều khiển từ xa, nhà sản xuất loại máy tính này đã xác nhận tin này. Với phần mềm mới, giá 369 đô-la, Palm III có thể ghi lại những thông số để mở xe hơi từ cự ly khoảng 3 mét."
Cung cách chúng ta ứng phó với những tay thám tử nhỏ đang trở thành một vấn đề chính trị. Có rất nhiều ý kiến. Một trong số ý kiến hay nhất là của Giáo sư ngành luật của Đại học Harvard Lawrence Lessig, trong cuốc sách Luật pháp, và những chế tài khác về không gian điện toán. Lessig lập luận rằng người ta đang chịu một ảo tương là đặc tính của không gian điện toán hiện nay sẽ tồn tại mãi cho tới tương lai. Nó không thể thay đổi. Nó là nơi để người ta khám phá chứ không định hình. Nhưng không gian điện toán không phải là sản phẩm của chúa trời. Kiến trúc của nó là do những người có chung mục đích xây dựng nên, những người "đã thiết kế các phần cứng trong không gian điện toán với mục đích chúng ta có được toàn quyền hưởng tự do và bảo vệ được đời tư," Lessig nói. Cấu trúc của không gian điện toán chịu nhiều ảnh hưởng của thương mại và chính phủ, "hai thế lực này hưởng lợi ở việc tìm biết về những hoạt động của con người - bao giờ, làm gì và ở đâu." Lessig nói tiếp, "Vậy thì không phải ngẫu nhiên mà những kiến trúc Internet khiến cho việc thu thập thông tin cá nhân dễ dàng hơn. Chính phủ thì muốn truy lùng mọi người, còn doanh nghiệp thì muốn thu thập thông tin của mọi người."
Theo Lessig, chính phủ không thể ấn định luật pháp về đời tư trên Internet vì họ không thể nào kiểm soát được Internet. Nhưng chính phủ có thể tạo điều kiện cho dân chúng xây dựng những hệ thống lọc lựa và bảo vệ trên Internet. "Giả sử chính phủ nói thông tin cá nhân chính là tài sản của cá nhân bạn và nếu ai đó muốn dùng thông tin đó thì họ chỉ có cách là đàm phán với bản thân bạn," ông ta nói. "Điều đó tạo điều kiện cho các nhà thiết kế trang web đứng ra giúp chúng ta đàm phán về các thông tin cá nhân của chúng ta - những gì chúng ta muốn cho không, muốn bán hay muốn giữ kín."
Quyền bảo vệ đời tư là giá trị cốt lõi của Hiến pháp. Liệu có phải chúng ta đang bước sang kỷ nguyên mà quyền cá nhân chỉ được tôn trọng trên mặt đất, trong khi có thể bị vi phạm trong không gian điện toán? Chánh án Louis Brandeis thường nói về sự cần thiết phải bảo vệ "quyền của con người trong cõi riêng tư." Nhưng khi Internet trở thành trung tâm của những hoạt động liên lạc, giáo dục và làm ăn, nó làm nảy sinh một vấn đề sâu sắc hơn: không chỉ quyền của cõi riêng tư mà là quyền ẩn thân - tránh được chuyện bất cứ cử động gì của bạn cũng bị ghi lại vào những máy tính ở đâu đó và thông tin đó được bán với giá cỡ 39 đô-la. Đó là chốn chúng ta đang đến, vì hiện nay tiến độ trong đó thông tin cá nhân của chúng ta đang được tập trung trong các kho của chính phủ và giới kinh doanh - đang tăng nhanh đến mức chóng mặt. "Tiến bộ trong điện toán cho ra một hiệu quả đúp," Báo The Economist (1/5/1999) cho biết, "không những nó cho phép thu thập những thông tin mà thời trước không thu thập được, mà nó khiến cho việc lưu giữ, phân tích và truy cập trở nên dễ dàng hơn - một điều mà cho mãi đến gần đây không ai làm nổi. Và khi máy tính trở nên nhỏ bé hơn, chạy nhanh hơn, rẻ tiền hơn và nối mạng rộng rãi hơn thì chúng trở thành những tay thám tử mạnh mẽ hơn. Nếu hiến pháp không quản lý nổi Internet, nếu dân chúng coi toàn cầu hóa là sự xâm phạm vào đời tư của người ta hơn là trang bị cho người ta tiến ra thế giới, nếu họ cảm thấy Internet lang thang vào bản thân họ hơn là họ lang thang trên Internet..., thì họ sẽ lại đi dựng tường và rào cản.
Quá bất công đối với quá nhiều người
Julia Preston, phóng viên thường trú báo The New York Times ở Mexico City vào cuối những năm 90 đã kể một câu chuyện rất hay nói về sự căng thẳng giữa kẻ thắng và người thua trong sứ mệnh toàn cầu hóa ở nước này.
"Đó là ngày Lao động Quốc tế năm 1996," Preston nhớ lại, "có một cuộc tuần hành lớn ở Mexico City. Đó là năm đầu tiên sau ngày thực hiện chương trình thắt lưng buộc bụng của chính phủ và cuộc biểu tình có số người tham gia rất đông, trong đó có một số thuộc nghiệp đoàn, những người này chống lại chương trình liên kết giữa chính phủ và nghiệp đoàn để tham gia bãi công. Tôi đi trong số những thành viên của "Công đoàn của nhân viên các trường đại học," nghiệp đoàn có lịch sử dày dạn về những hoạt động cánh tả, họ hô hét ầm ĩ lắm. Lúc đó họ hô vang "Muera Ortiz" - nghĩa là giết chết ortiz, Bộ trưởng Tài chính. Họ to tiếng và hiếu chiến lắm. Đang như vậy thì điện thoại của tôi réo, và chính Bộ trưởng Tài chính Ortiz trong máy và muốn nói chuyện với tôi. Tôi nói với ông ta là khung cảnh ồn ào quá, vì đang giữa lúc biểu tình. Tôi bước khỏi đám đông đến bên một tòa nhà cho đỡ ồn, cũng vì muốn có thời gian chuẩn bị để nói chuyện với ông ta. Tôi nói với ông ta, "Thưa Bộ trưởng, tôi phải nói rằng có rất nhiều người ở đây không chấp nhận những chính sách kinh tế của ông." Ông ta dường như bật cười và tôi nhanh chóng hiểu rằng ông ta chẳng quan tâm gì chuyện đó. Lý do ông ta gọi cho tôi là để mừng cho việc Mexico lần đầu tiên đã cho bán loại công trái loại 30 năm. Đó là lần đầu tiên từ năm [1995] khi đồng peso bị mất giá họ phát hành được trái phiếu dài hạn trên thị trường Wall, mà không cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, và người mua rất quan tâm. Và ông ta như thế đấy - sung sướng bay cao như diều - trong khi nhiều người biểu tình hô hào muốn giết chết ông ta."
Ortiz có thể được sống thêm một ngày - và toàn cầu hóa có thể tồn tại thêm một ngày nếu như có đủ dân chúng ở Mexico cảm thấy họ được hưởng chút ít lợi ích từ toàn cầu hóa để chịu đựng thêm được. Họ có thể xuống đường để phản đối một chính sách hay đòi hỏi một điều gì đó, nhưng những người công nhân ở Mexico đã không gia nhập hàng ngũ của Phó chỉ huy du kích Marcos và những du kích quân Zapatista mong muốn tách Mexico ra khỏi toàn cầu hóa. Đúng hơn là họ chưa làm điều đó.
Lý do chính là vì Bầy Thú Điện Tử và các siêu thị tài chính, trong khi giày vò những nước như Mexico, thì cũng đã nhanh chóng khen thưởng khi họ làm ăn giỏi - mua thêm hàng từ Mexico và đầu tư thêm vào nước này ngay sau khi nuớc này tổ chức lại bộ máy kinh tế của mình. Tăng trưởng kinh tế của đất nước chính là điều đã cho phép những người như ông Ortiz cười khẩy khi nghe người ta hô hào giết, và có thể nói với các công nhân, "Cho phép tôi thêm chút thời gian và tôi hứa với các bạn là mọi sự sẽ yên ổn trở lại."
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cùng một lúc Hoa Kỳ và Tây Âu chịu suy thoái, Nhật Bản tiếp tục trì trệ, không đủ khả năng cứu giúp những cơ sở lười nhác của họ? Bầy thú, thay vì khen thưởng Mexico, Brazil hay Hàn Quốc bằng cách mua công trái của họ, sẽ an binh bất động. Thay vì thu mua tất cả các hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển, Hoa Kỳ và Tây Âu có thể dựng lên các hàng rào bảo hộ chống nhập khẩu để cứu vãn các thị trường nhân lực của chính họ. Như thế thì toàn cầu hóa có tồn tại được không? Chúng ta chưa biết được, vì trong thập niên đầu tiên, chúng ta chưa thấy cảnh này. Nhưng đó là một thử thách thực sự đối với toàn bộ hệ thống - làm thế nào để tồn tại khi có suy thoái trong cốt lõi của hệ thống - và cho đến khi điều đó xảy ra thì chúng ta chưa thể kết luận là toàn cầu hóa có bền vững hay không.
Quá phi nhân tính
Một hôm tôi đang lái xe trên đường Beltway ở Washington, tôi nghe được một mẩu tin trên đài WTOP. Tin đặc biệt nói rằng nếu gọi đến một công ty truyền hình cáp ở New York thì sẽ có dịch vụ mới: "Nếu muốn nói chuyện trực tiếp với người, mời bạn bấm số 1."
Tôi bao giờ cũng bấm 1. Bao giờ cũng vậy. Quả thực, mỗi khi nhận được một chỉ dẫn, "Nếu bạn không có điện thoại bấm số thì vui lòng giữ máy và một nhân viên sẽ gặp bạn...," thì tôi bao giờ cũng giữ máy chờ, cho dù tôi vẫn có loại máy điện thoại bấm số. Khả năng cho phép bấm 1 chính là điều kiện thiết yếu để đảm bảo cho toàn cầu hóa thành công. Khả năng được phép chờ để nói chuyện trực tiếp với nhân viên chính là yếu tố đảm bảo cho sự thành công của toàn cầu hóa. Vì ở một mức độ bạn ph3i giữ được cảm giác rằng hệ thống toàn cầu hóa sinh ra là vì con người, không vì máy móc; nếu không thì toàn cầu hóa sẽ trở nên xa lạ quá.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không còn được phép bấm 1. Điều gì sẽ xảy ra khi toàn cầu hóa trở nên qua tiêu chuẩn hóa, quá phi nhân tính?
Ted Century, anh rể tôi là một nhà sáng chế các thiết bị y tế, có một xưởng nhỏ trong hầm nhà của anh. Ted là dạng người hiếm có, có đôi tay vàng, sáng chế rất nhiều dụng cụ tinh xảo. Khi nói chuyện với anh vào một biểu chiều về giao dịch thương mại trên mạng, Internet và công nghệ vệ tinh... vân vân, anh ta gật đầu, trầm tư và nói, "Vậy thì giá trị cuộc sống nằm ở đâu trong đó?"
Ted và chi tôi sau đó kể một câu chuyện mà họ không dễ gì quên được. "Cứ mỗi mùa hè chúng tôi thường đi từ nhà ở Philadelphia xuống vùng South Jersey để mua thực phẩm, đặc biệt loại cà chua Jersey," Ted nói. "Cà chua to, mọng và hương vị thật ngon. Có thứ gì đó thật đặc biệt trong đất pha cát ở vùng South Jersy giúp trồng cà chua và ngô rất tốt, chính vì thế mà tiệm Campbell's bao giờ cũng mua cà chua ở đó để chế biến tron món xúp của họ. Nhưng điều hay ho trong đặc tính của loại cà chua này là chúng không để lâu được, cho nên không ai dám bán chúng ra ngoài thị trường toàn cầu. Cà chua này có nhiều hình thù khác nhau và bao giờ cũng bị nứt nẻ xâú xí. Nhưng chúng rất ngon. Chúng tôi thường đến thẳng những phiên chợ của nông gia vùng South Jersey để mua từng nửa cân một. Mang chúng về làm món xà lách hoặc sốt, tôi có người bạn ăn sống quá nhiều loại cà này đến mức lưỡi của anh ta phồng rộp. Ta thường quên rằng cà chua là một loại quả, nhưng khi ăn cà chua ở vùng South Jersey, bạn nhớ lại điều đó. Vâng vào mùa hè năm 1997, khi chúng tôi xuống mua cà chua thì thấy khó kiếm quá. Đến năm sau, 1998, khi chúng tôi xuống thì không thấy loại cà này nữa. Biến mất rồi. Thay vào đó chợ nông gia chỉ có loại cà đẹp đẽ, cùng cỡ, màu hồng và ăn nhạt như nến. Và trong một phiên chợ, có một người mở thùng lạnh và cho chúng tôi xem loại cà mới, anh này giải thích loại cà chua này cho phép bảo quản lâu hơn và chuyển đi xa hơn. Cà chua quả nào cũng giống quả nào, không thấy các vết nẻ nữa. Anh nói, "Khách hàng không ưa loại có vết nẻ. Trông chúng xấu đi."
Nói đến đây, chị Jane tôi góp chuyện: "Tồi tệ hơn là người ta vẫn gọi cái loại cà công nghiệp hóa đó với cái tên "cà chua Jersey." Nói cách khác, họ đã vứt đi giống cà cũ nhưng vẫn giữ lại tên gọi, mặc cho loại cà mới hình thức và mùi vị không giống như xưa! Tôi cảm thấy rất buồn về điều này. Nó làm cho tôi cảm thấy mình mất đi vĩnh viễn chút ít giá trị thực sự trong cuộc sống. Tôi cảm thấy như tương lai là thế. Những điều độc đáo trong cuộc sống nay bị biến thành đồ nhựa nhân tạo."
Đến cuối cuộc trò chuyện, ông anh rể tôi nói, "Suy nghĩ đầu tiên đến với tôi sau khi đi mua cà chua về, khi không còn mua được cà đó nữa, là lên Internet để tìm xem có còn ai trồng loại cà chua đó không. Chắc chắn phải có người giữ lại giống cà đó."
Suy đoán của Ted hóa ra rất chuẩn xác. nếu còn có một thị trường cho loại cà đó, và nếu hạt giống của chúng vẫn còn, nếu có những nông dân dùng Internet mở một trang web www.tomatoes.Jerseybeefsteak.com - một tài khoản chuyển phát nhanh và một chương mục tín dụng, thì có thể dùng máy tính để đặt mua giống cả độc đáo đó từ nhà của bạn. Trả tiền bằng thẻ tín dụng, giao hàng tại nhà vào ngày hôm sau - tôi hy vọng như vậy.
Và tương lai của toàn cầu hóa chính phụ thuộc vào khả năng đó.
Cung cách chúng ta tập cân đối giữa sự tăng cường sức mạnh và nhân tính của toàn cầu hóa, với những yếu tố phi nhân tính và gây hại, cũng của toàn cầu hóa, sẽ quyết định cho tương lai nó sẽ bị đảo ngược hay không: Liệu nó chỉ là một giai đoạn quá độ hay sẽ trở thành một sự tiến hóa bền vững.
Tháng 7/1998, tạp chí The New Yorker đăng một tranh biếm họa trong đó có hai con quỷ từ địa ngục râu ria xồm xoàm, tóc dài; một mặc áo phông có đầu lâu xương chéo, một ngồi trên chiếc xe máy. Hai quỷ hỏi nhau ngày hôm đó chúng làm ăn ra sao. Một con quỷ trả lời: "Hôm nay ra sao à? Tiên tiến kéo giúp chậm tiến."
Toàn cầu hóa cũng như vậy đó. Bao giờ cũng phải cân đối, chan bên này bớt bên kia chút ít. Nhiệm vụ của những công dân của thế giới như chúng ta là đảm bảo cho đa số dân chúng cảm thấy rằng những điều mới mẻ tiến bộ đang dẫn đầu và vực dậy và hỗ trợ những gì chậm tiến. Chỉ như thế toàn cầu hóa mới bền vững. Và không một quốc gia nào có nhiều trách nhiệm và cơ hội để làm điều đó hơn nước Mỹ.