Chương 1
Tác giả: Thu Trinh
Mùa hè năm 1972 hai anh em tôi được mẹ gửi lên ở nhà dì Hai ở thị trấn Bảo Lộc để đi học. Lúc đó anh Quang Hùng bắt đầu vào lớp 11 và tôi bắt đầu vào lớp 9. Dì Hai có tất cả bốn người con, chị Bích Phượng lớn nhất, sau hai lần thi tú tài không đậu chị bỏ con đường đi học chỉ ở nhà phụ dì Hai buôn bán, trông nom nhà cửa và nấu nướng. Anh Quốc Dũng cùng tuổi với tôi học lớp 9. Hai người con còn lại của dì nhỏ tuổi hơn chúng tôi, chị Bích Dung học lớp 5 và anh Quốc Trung học lớp 6.
Dì Hai có một cửa tiệm bán gạo ngoài chợ, dì là người cai quản và đứng bán chính, chị Bích Phượng mỗi ngày ra phụ với dì vào buổi sáng lúc chợ đông người. Gần trưa, chị Phượng về nhà nấu cơm và dọn dẹp nhà cửa, đến chiều chị mới quay ra lại tiệm phụ dì Hai dọn hàng và đóng cửa. Dượng Hai làm hành chánh cho phòng bưu điện của thị trấn. Dượng làm công chức nên ngày nào cũng ‘sáng xách cặp đi, chiều xách cặp về’. Buổi trưa thì dượng ghé về nhà để ăn cơm và ngủ trưa, sau đó lại quay lại văn phòng làm việc đến chiều mới về.
Sau khi gửi hai anh em tôi lên ở trọ nhà dì Hai, mẹ tôi vẫn tiếp tục ở lại Sài Gòn đi làm. Tháng tháng mẹ gửi tiền lên cho dì Hai để phụ giúp trả tiền chi phí ăn uống và học hành cho anh em tôi. Dì Hai nhất định không bao giờ chịu lấy số tiền này. Dì nói rằng gia đình dì đủ dư giả để nuôi thêm anh em tôi, cháu chắt trong nhà dì không muốn tính toán những chuyện nhỏ nhặt như vậy. Tuy nhiên mẹ tôi không chịu, mẹ nói nếu dì Hai không lấy tiền thì mẹ sẽ không nhờ nữa và sẽ đem anh em tôi trở về lại Sài Gòn. Dì Hai chẳng đặng mới nhận tiền. Dì chỉ lấy một số nhỏ làm tượng trưng, nói tiền này dì để cho anh em tôi may quần áo mặc, mua sách vở đi học và để xài riêng khỏi phải xin ai.
Dì Hai thương mẹ con tôi lắm. Dì là chị lớn nhất trong nhà, mẹ tôi là em gái kế dì, theo sau là Cậu Tư và cậu Út. Dượng Hai chồng của dì Hai thì hiền như cục bột. Dượng để vợ mình toàn quyền quyết định trong nhà muốn làm gì thì làm. Tính đàn ông không để ý tới những việc vặt vặn trong nhà, chuyện hai anh em tôi đến ở cũng không gây phiền hà gì cho dượng. Dượng nói, thật ra anh em tôi đã mang những điều lợi cho gia đình dượng. Thứ nhất, vì có anh Quang Hùng, dượng cảm thấy yên tâm có người cho dượng nhờ cậy canh chừng anh Quốc Dũng. Anh Quang Hùng trở thành người giám thị không chính thức của anh Quốc Dũng. Dượng Hai giao cho anh nhiệm vụ để ý dò la xem anh Quốc Dũng có hay đi chơi bời lêu lổng hay không, có trốn học hay không và học hành như thế nào ở trong trường. Điểm lợi thứ hai mà dượng thấy, đó là tôi có thể kèm chị Bích Dung và anh Quốc Trung học và làm bài ở nhà. Ai cũng biết tôi học giỏi mà lại kiên nhẫn, dạy kèm cho hai anh chị nhỏ học thật không ai bằng. Có tôi, dượng tiết kiệm được tiền, đỡ phải gửi hai con nhỏ đi học kèm với người khác.
Hai anh em tôi được gia đình dì Hai đón nhận vào ở trong nhà một cách nồng nhiệt và mọi người ai cũng thương chúng tôi. Có lẽ tình chị em thắm thiết giữa dì và mẹ tôi trong nhiều năm đã ảnh hưởng tới tất cả mọi người trong hai gia đình. Là anh chị em bạn dì nhưng chúng tôi thương nhau không khác gì anh chị em cùng cha mẹ. Anh Quang Hùng được ở chung phòng với anh Quốc Dũng và Quốc Trung, còn tôi thì ở chung phòng với chị Bích Dung.
Để hiểu tại sao anh em tôi phải đi trọ học nhà dì Hai thì phải đi tìm hiểu về chuyện của cha mẹ tôi. Chuyện của cha mẹ tôi nếu đem ra kể có lẽ có thể viết thành một quyển tiểu thuyết dầy. Cha và mẹ tôi đã bắt đầu kết hợp với nhau bằng một cuộc tình lãng mạn thơ mộng thời sinh viên, nhưng lại kết thúc bằng một đổ vỡ đắng cay chua chát. Cha tôi người Huế, nhà ở Đà Lạt xuống Sài Gòn học đại học. Lúc đó nhà ông bà nội trên Đà Lạt rất giầu, làm chủ nông trại rau và trái cây lớn. Họ mong rằng cha sau khi ra trường sẽ có đủ kiến thức để phát triển ngành nghề cho gia đình. Mẹ tôi là gái miền nam, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, sinh viên cùng trường với cha tôi nhưng nhỏ hơn hai khóa.
Cha và mẹ đã gặp nhau, quen nhau và yêu nhau. Cuộc tình của họ là một cuộc tình đẹp và thơ mộng nhưng lại lắm gian nan. Về phía mẹ tôi thì không có gì trở ngại vì bà ngoại bận buôn bán suốt ngày, ít để ý đến con gái. Bà ngoại lại là người dễ dãi nên cũng không la rầy gì. Cha tôi cũng được coi là đẹp trai, lại thêm con nhà giầu, như vậy thật không có gì đáng để bà ngoại phản đối hay ngăn cản. Sự phản đối đã có thật ra là từ phía gia đình nội tôi.
Gia đình cha tôi là người Huế, nghe nói khi xưa lâu lắm rồi ông tổ ông cố cũng thuộc vào hàng quan đời nhà Nguyễn. Sau này khi nhà Nguyễn suy sụp, ông cố đem gia đình vào Đà Lạt định cư lập nghiệp. Sang đến đời ông bà nội, ông bà vẫn mang nặng tính khắc khe và cổ hủ. Ông bà nội lúc nào cũng coi trọng mặt mũi bề ngoài và muốn giữ gìn sự cao quý của giòng dõi. Lâu trước khi cha tôi vào Sài Gòn học đại học, ông bà nội đã có ý muốn cha tôi lấy một cô gái thuộc một gia đình giầu có trên Đà Lạt và cũng là con gái của người bạn thân quen của bà nội. Tuy nhiên cha tôi không chịu, cha nói cha không thể lấy vợ mà không có tình yêu. Cha nói cái thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đó cổ hủ phong kiến đã qua rồi, thanh niên thời đại mới phải được quyền tự do luyến ái và lấy người mình yêu.
Khi biết được tình yêu giữa cha và mẹ, ông bà nội giận lắm, bắt cha tôi phải chấm dứt cuộc tình ngay. Hai ông bà đã nhiều lần thân chinh xuống tận Sài Gòn gặp mặt mẹ tôi nói chuyện, buộc mẹ phải rút lui ra khỏi cuộc tình. Nhưng mẹ tôi là một người con gái cứng đầu và bướng bỉnh, mẹ tôi đã từ chối. Sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn là một thành phố lớn, mẹ tôi mang cá tính của một cô gái thời mới tỉnh thành. Con người mẹ tuy lãng mạn, cởi mở nhưng rất cứng cỏi, độc lập và không biết sợ ai.
Ngay từ lúc đầu đã không tán thành cuộc tình này, bây giờ thấy thái độ của mẹ tôi như vậy, ông bà nội càng ghét cay ghét đắng mẹ tôi. Đối với ông bà nội, một cô gái có gia đình tầm thường như mẹ, gia sản thì chẳng có gì, lại thêm là người quá tân thời và âu hóa, mẹ thật không có điểm nào cho họ ưng ý, họ càng ra sức áp lực cha tôi chia tay với mẹ và thúc dục cha về làm đám cưới với cô gái mà họ chọn.
Để ngăn cản cuộc tình này và để tránh cảnh đêm dài lắm mộng, mùa hè một năm trước khi cha tôi ra trường, ông bà nội quyết định sẽ làm đám cưới cho cha tôi và cô gái ở Đà Lạt. Họ tính sau khi đám cưới cha vẫn có thể theo học tiếp cho tới khi ra trường. Cha tôi phản đối dự định này kịch liệt. Lúc đó cha yêu mẹ tha thiết nồng nàn, một tình yêu mãnh liệt khiến không có gì có thể làm cha rời xa mẹ. Do đó, để chống lại ông bà nội và để họ bỏ ý định bắt cha lấy người khác, mùa hè năm đó thay vì về Đà Lạt làm đám cưới với cô gái mà gia đình đã chọn, cha và mẹ tôi quyết định lấy nhau. Ông bà nội đương nhiên làm sao chấp nhận được chuyện này. Họ đưa ra tối hậu thư, một là cha về Đà Lạt lấy vợ, còn nếu cứ nhất định đòi lấy mẹ thì gia đình sẽ từ cha tôi luôn và cắt đứt mọi chu cấp đi học hàng tháng.
Về phía bên ngoại tôi thì cũng không xuông xẻ hơn bao nhiêu, bà ngoại tôi tuy không phản đối cha tôi nhưng không muốn mẹ hấp tấp kết hôn. Bà ngoại muốn mẹ học cho ra trường đã. Thuyết phục bà ngoại không được mẹ sang năn nỉ chị gái. Mẹ khóc lóc quá làm dì Hai mủi lòng. Hai chị em biết bà ngoại là người dễ tính và hay tha thứ nên bàn nhau cứ tổ chức đám cưới đi rồi sau đó mới ‘đánh trước tấu sau’ với bà ngoại. Thật ra dì Hai đã biết, với tính cứng đầu của mẹ tôi, cho dù dì có phản đối đi nữa mẹ cũng vẫn sẽ làm. Thế là cha và mẹ lấy nhau.
Đám cưới của họ thật là đơn giản, ngoài dì dượng Hai đứng ra làm chứng, họ chỉ mời mấy người bạn sinh viên trong trường và đãi hai ba bàn tiệc ngọt sơ sài. Không áo cưới cô dâu, không xe hoa đưa đón, không tiệc tùng linh đình, mẹ tôi đã hy sinh giấc mộng mặc áo cưới cô dâu lộng lẫy trong ngày về nhà chồng để lấy cha tôi trong một nghi thức đơn giản như vậy. Cha và mẹ an ủi lẫn nhau rằng sau này khi ông bà nội hết giận rồi, họ sẽ tổ chức đám cưới lại cho đàng hoàng.
Dĩ nhiên sau đám cưới cha mẹ gia đình cả hai bên đều giận dữ. Cả bên nội và bên ngoại đều từ không nhìn mặt cha mẹ. Dì Hai bị bà ngoại la cho một trận tơi bời vì đã nuông chiều em gái và qua mặt bà ngoại. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, đúng như hai chị em dự đoán, bà ngoại đã nguôi giận và tha thứ cho cả hai chị em, nhất là tha cho mẹ tôi. Bà ngoại than thở rằng con hư tại mẹ và đổ lỗi cho việc này là vì ông ngoại chết sớm và bà không biết dạy con.
Gia đình ông bà nội thì ngược lại. Chuyện cha cãi lời không chịu về Đà Lạt cưới vợ, đã vậy còn tự tiện đi lấy mẹ tôi, khiến họ giận không sao diễn tả. Đối với họ đó là một điều xấu hổ nhục nhã cho gia đình. Vì quá giận và để trừng phạt cha tôi đã cãi lời, ông bà nội tuyên bố từ con trai và cắt đứt mọi trợ cấp đi học hàng tháng. Điều này khiến cha tôi xém phải bỏ học vì không có tiền trả tiền trường và tiền ăn ở. Sau đám cưới, cha không thể ở nội trú trong trường được nữa (vì trường chỉ có ký túc xá riêng cho nam và ký túc xá riêng cho nữ, không có chuyện vợ chồng ở chung), hai người họ ra mướn phòng ở trọ bên ngoài.
Sau khi ông bà nội cúp trợ cấp, cha mẹ tôi đã thật là khốn đốn vì không có tiền. Tiền bà ngoại cho mẹ hàng tháng chỉ đủ cho mẹ đi học, không đủ để ra ngoài ở riêng và lại còn bao thêm cho cả cha tôi. Lúc đó dì dượng Hai thì đang ở Bảo Lộc. Cha mẹ phần vì tự ái, phần thì không muốn làm phiền dì Hai, họ nhất định không chịu về nhờ dì Hai giúp. Không có tiền, cha tôi muốn bỏ học nhưng mẹ tôi khuyên mãi. Mẹ nói cha chỉ còn hơn một năm là tốt nghiệp, bỏ ngang như vậy thật là quá uổng. Mẹ nhất quyết muốn cha học tới nơi tới chốn ra trường thành tài đàng hoàng, như vậy sẽ khiến ông bà nội vui lòng và tha thứ về sau này. Để giúp cha ăn học, mẹ bỏ học đi làm kiếm tiền cho hai vợ chồng sống qua ngày. Dĩ nhiên con đường học vấn của cha vì vậy mà vẫn xuông sẻ tiến tới nhưng con đường học vấn của mẹ thì đành giở giang. Mẹ không vì thế mà buồn. Sự đền bù cho sự hy sinh của mẹ là nhìn thấy chồng mình vẫn còn được đi học đàng hoàng.
Nghèo mà hạnh phúc, cha mẹ tôi đã trải qua những tháng ngày hạnh phúc nhất trong cuộc tình của họ. Họ yêu nhau chân thật và sẵn sàng hy sinh cho nhau, câu “một túp lều tranh hai trái tim vàng” nếu áp dụng cho hoàn cảnh họ thì thật là đúng. Dì Hai thương em gái nên thương luôn em rể. Dì thường gửi tiền về giúp em gái, thế nhưng vì lúc đó dượng Hai mới thuyên chuyển về làm ở Bảo Lộc, hai vợ chồng dì còn đang trong tình trạng lập nghiệp nên sự giúp đỡ của dì cũng hạn chế không được nhiều. Bà ngoại tôi thì không hay biết tý gì chuyện mẹ tôi bỏ học và chuyện cha tôi đã không còn tiền trợ cấp từ gia đình. Cô con gái của bà dấu diếm mọi chuyện kỹ quá, lúc nào về thăm mẹ cũng mang một khuôn mặt tươi vui hạnh phúc cho bà yên lòng.
Trong khi chuyện học hành và đời sống của cha mẹ tôi chưa đi đến đâu thì đùng một cái mẹ mang bầu anh Quang Hùng. Mọi người chung quanh ai cũng ái ngại cho mẹ, nhưng mẹ thì không than van. Tình yêu dành cho cha và tình yêu dành cho đứa con trong bụng khiến mẹ cho rằng mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Mùa hè năm đó khi cha tôi tốt nghiệp đại học thì anh Quang Hùng cũng ra đời.
Sau khi tốt nghiệp, cha bắt đầu đi làm việc, nhưng vì không có kinh nghiệm và không có tay chân quen biết, những việc cha tôi xin được đều không kiếm được nhiều tiền. Nhìn mẹ tôi vất vả, nhìn anh Quang Hùng đang còn bé tý xíu lúc đó còn chưa biết đi, cha thương lắm. Lại thêm phần trong lòng thương nhớ ông bà nội và gia đình, cha tôi bàn với mẹ và hai người quyết định đi về xin lỗi ông bà nội. Cuối cùng cha tôi cũng thành công trong việc thuyết phục ông bà nội tha thứ và chấp nhận cho cha đem vợ con về Đà Lạt. Cha tôi là con trai trưởng và cũng là cháu đích tôn trong giòng họ, ông bà nội thật không muốn mất đi đứa con trai này. Họ cũng bỏ qua luôn chuyện bắt cha lấy cô gái kia và như vậy mẹ tôi chính thức về làm dâu nhà chồng.
Cha mẹ tôi dọn về Đà Lạt ở chung nhà với ông bà nội và các em chồng. Vì cha tôi là con trai trưởng sau này sẽ kế thừa làm chủ căn nhà của ông bà nội, cho nên cha tôi không được phép ra ở riêng. Ông bà nội bắt đầu giao cho cha những công việc làm ăn của gia đình, giúp cha làm quen với mọi thứ để sau này giao cho cha quản lý mọi việc. Làm con dâu nhà khá giả, mẹ tôi không phải làm gì, chỉ ở nhà nuôi con. Những năm làm dâu, cuộc sống của mẹ thật là chịu đựng. Vốn không được bố mẹ chồng ưa từ trước, cộng thêm thành kiến về những chuyện đã làm trong quá khứ, mẹ tôi đã trở thành cái gai trong mắt ông bà nội. Dù gì cũng là gia đình cao quý trọng mặt mũi, gia đình nội không muốn bị mang tiếng là đối xử với con dâu tồi tệ. Bên ngoài mặt, họ đối xử với mẹ tôi như một mợ hai trong nhà, rất kiểu cách và rất lịch sự. Nhưng thật ra bên trong, phải là người trong cuộc mới biết, những cư xử đó chứa đựng sự lạnh lùng, xa cách, đôi khi còn chêm vào những câu nói mỉa mai hay khinh khi.
Trong nhà có nuôi người làm, về mặt vật chất và thể xác thì mẹ tôi không khổ, nhưng về mặt tinh thần thì mẹ tôi thật là đau khổ. Sống ở Đà Lạt không bà con thân thuộc, không bạn bè, chỉ có chồng là người thương yêu nhưng chồng thì lại bận rộn công chuyện làm ăn đi làm cả ngày, mẹ tôi đã sống trong sự cô đơn, lẻ loi, buồn bã và bị khinh khi. Mẹ xin phép để được ra ngoài đi làm, cố ý tránh không muốn ở nhà trong những giờ phút cha tôi vắng mặt. Thế nhưng ông bà nội và ngay cả cha tôi cũng không đồng ý. Mọi người ai cũng nói họ là gia đình khá giả, mẹ không cần đi làm, vả lại mẹ đi làm rồi không ai trông coi anh Quang Hùng. Mẹ tôi do đó ở nhà nuôi con và sống nhờ vào sự chu cấp của gia đình chồng.
Khi anh Quang Hùng được hơn hai tuổi thì tôi ra đời. Cha tôi sau khi đã được an cư, ông bắt đầu cảm thấy yên tâm để lo lập nghiệp. Cha tôi từ từ nắm quyền cai quản đồn điền mà gia đình làm chủ. Lúc trước, đồn điền của gia đình chỉ chủ yếu là sản xuất rau quả, sau đó bán lại cho những người buôn mối. Từ lúc cha tôi về giúp, với óc sáng tạo cộng thêm kiến thức học vấn, cha tôi bắt đầu phát triển thêm để bao thầu luôn phân phối. Ông mua một loạt những xe vận tải lớn để chuyên trở rau cải sản xuất được từ nông trại của mình về Sài Gòn và đến các tỉnh. Nông trại nhà không đủ cung cấp hàng cho vận chuyển, ông bắt đầu nhảy sang thu mua thêm rau quả từ những nông trại khác chung quanh. Những năm kế tiếp, trong khi việc làm ăn buôn bán của cha tôi ngày càng phát triển, quan hệ giữa mẹ tôi và ông bà nội cũng không được tiến bộ hơn bao nhiêu. Thương con trai nhưng không có nghĩa là họ sẽ thương luôn con dâu. Thương cháu nội nhưng cũng không có nghĩa ông bà chịu vượt qua cái hố ngăn cắt với người mẹ để bày tỏ tình thương với cháu. Khi có mặt mẹ, ông bà vẫn tỏ ra lạnh lùng xa cách với cháu nội. Chỉ có khi nào không có mặt mẹ thì ông bà mới hỏi han đến chúng tôi.
Đường đời không phải lúc nào cũng êm đềm như mình tưởng. Cuộc tình sóng gió của cha mẹ tôi ngỡ rằng sẽ được êm ả những năm tháng sau đó, ai ngờ đâu đã phải đi đến một kết cục đau buồn. Vì công việc làm ăn lúc đó đã kiêm thêm ngành chuyên chở buôn bán với các tỉnh ở xa, cha tôi phải đi giao dịch và vắng nhà thường xuyên. Khi tôi được chừng năm tuổi, cha tôi về thú nhận ông có quan hệ với một người đàn bà khác ở tỉnh xa và họ đã lỡ có con với nhau. Cha muốn mẹ tha thứ để ông công khai chấp nhận người đàn bà này và đứa con.
Mẹ tôi đau khổ cùng cực. Dĩ nhiên mẹ làm dữ lắm và nhất định không chịu. Trên đời này có người đàn bà nào chịu chia sẻ chồng mình cho một người đàn bà khác. Cuộc tình tay ba kéo dài rất lâu mà không đi đến đâu. Mỗi lần cha về nhà, cha và mẹ lại gây lộn, mẹ muốn cha bỏ người đàn bà kia. Cha thì cũng muốn bỏ bà ta lắm, nhưng vì liên quan đến đứa con, cha không muốn làm người bất nhân bỏ rơi con. Thời gian đó là những ngày đau khổ nhất trong đời mẹ tôi. Bị cha mẹ chồng ghét bỏ và sống trong cảnh cô đơn ở nhà chồng cũng không đau đớn bằng cảnh chồng mình có người đàn bà khác. Sự ghen tuông đã hành hạ tâm hồn mẹ tôi. Lúc đó tôi còn bé lắm nhưng vẫn nhớ mang máng cảnh mẹ ôm hai anh em tôi khóc thầm. Không có ai chung quanh cho mẹ thở than tâm sự, mẹ thỉnh thoảng chỉ biết bế con ghé về dì Hai khóc lóc than thở với chị.
Tình trạng như vậy kéo dài được hai năm thì mẹ tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Với tính tình bướng bỉnh và cứng rắn, mẹ tôi khăn gói mang anh em tôi về nhà bà ngoại, nhất định chấm dứt một cuộc hôn nhân tay ba mà mẹ không muốn làm bà lớn hay bà nhỏ. Mẹ nói cha đã không dứt khoát và không có quyết định trong chuyện tình cảm, nhưng mẹ có. Trong hai năm sau đó, tuy cha tôi đã về Sài Gòn nhiều lần năn nỉ xin đón mẹ con tôi về, mẹ tôi vẫn làm giấy ly dị, thế là cuộc tình đẹp ngày nào đành chấm dứt. Sau ly dị, cha tôi nghĩ ông không còn cơ hội gì hàn gắn với mẹ nữa nên đã chính thức lấy người đàn bà kia và đem hai mẹ con họ về nhà. Sau này bà ta còn sanh cho cha thêm một người con trai nữa.
Về phần mẹ con tôi, chúng tôi được bà ngoại cho ở chung nhà. Lúc đó cậu Tư và cậu Út chưa lập gia đình. Mẹ tôi kiếm được việc đứng bán hàng cho siêu thị. Thế nhưng sau này khi cậu Tư và cậu Út lấy vợ và mang vợ về ở chung thì nhà bà nội trở nên chật hẹp. Anh em chúng tôi ngày càng lớn, gia đình hai cậu bắt đầu sanh con, căn nhà ở càng ngày càng chật hơn. Đến khi bà ngoại qua đời, mẹ cảm thấy áy náy nếu cứ ở như vậy thì sẽ làm phiền hai cậu, cho nên ngay sau khi mẹ tìm được một việc làm mới ở trong một hãng chủ ngoại quốc thì chúng tôi dọn nhà ra riêng, mướn một căn gác trọ nhỏ ở trong một khu lao động rẻ tiền.
Căn gác nhỏ chúng tôi mướn ở là một căn phòng được người chủ nhà nối thêm lên ở phía trên căn nhà, mẹ tôi mướn vì giá thuê rẻ. Căn gác vừa nhỏ, vừa hẹp, trần nhà thấp làm bằng tôn nên nóng lắm. Buổi tối thì đỡ, nhưng buổi trưa thì không ai có thể ở nổi. Mẹ tôi đi làm cả ngày, chỉ có hai anh em tôi ở nhà, nóng quá anh em tôi ít khi ở trên gác. Để tránh cái nóng, anh Quang Hùng có cớ dẫn tôi đi chơi la cà khắp nơi, làng trên xóm dưới, mãi đến tối khi nào mẹ tôi sắp về hai anh em tôi mới dẫn nhau về nhà. Hôm nào chúng tôi có nhiều bài làm ở nhà, hai anh em tôi phải cắn răng chịu nóng ở trên gác làm bài. Mồ hôi đổ nhỏ giọt, chúng tôi vừa làm bài, vừa quạt phe phẩy, vừa lấy tay gạt mồ hôi. Mẹ tôi biết hai anh em tôi cực khổ nên mỗi ngày đều an ủi chúng tôi. Mẹ nói cho mẹ thêm một thời gian, khi mẹ có đủ sức cáng đáng mẹ sẽ đi kiếm một chỗ ở khá hơn.
Điều kiện sống của chúng tôi khắc nghiệt như vậy cho đến khi dì Hai về Sài Gòn thăm. Nhìn thấy cảnh sống mẹ con chúng tôi, dì nổi giận đùng đùng, la lối om sòm và chê mẹ tôi là anh hùng rơm. Dì nói phải đi kiếm cha tôi bắt cha tôi chu cấp cho mẹ con, nếu không thì mẹ nên về ở chung với hai cậu để anh em tôi đỡ khổ. Nhưng thật ra có ai còn lạ gì tính mẹ tôi. Nếu nói về ngang bướng, cứng đầu và tự ái cao thì không ai qua mặt mẹ. Thật ra cha tôi ngay từ đầu đã có ý muốn chu cấp hàng tháng cho chúng tôi nhưng mẹ nhất định không lấy một đồng xu từ cha tôi. Về phần hai cậu, hai cậu cũng đã ngăn mẹ tôi đừng ra ở riêng, nhưng mẹ vì ngại không muốn làm phiền hai em dâu, nên nhất định dọn ra.
Dì Hai làm dữ lắm, bắt mẹ con chúng tôi dọn lên nhà dì ở Bảo Lộc, nhưng mẹ tôi cũng không chịu. Mẹ nói mẹ mới xin được vào làm một hãng ngoại quốc, sau này sẽ có tương lai, vả lại về Bảo Lộc không có việc gì thích hợp cho mẹ làm. Mãi sau này, dì Hai dùng việc học của hai anh em tôi làm lý do cho mẹ đổi ý. Dì nói:
- “Căn gác nóng như vậy anh em chúng làm sao học hành. Thằng Hùng sắp bắt đầu vào đệ nhị cấp rồi, chẳng còn bao nữa sẽ thi tú tài, nó cần một nơi để học hành. Ngày nào cũng để hai anh em nó lêu lổng la cà ngoài đường như vậy thế nào cũng hư, rồi sẽ theo cao bồi du đãng. Em phải biết, làm người có tự ái và tự trọng là tốt nhưng cũng chỉ mức nào thôi, khi nó có ảnh hưởng tới con cái thì mình phải suy xét lại.
Hai chị em cãi qua cãi lại mấy ngày lâu lắm. Sau cùng, mẹ tôi nghe những lời dì Hai nói thấy cũng có lý, thế là mẹ tôi bằng lòng gửi anh em tôi lên ở với dì Hai đi học, trong khi mẹ vẫn tiếp tục ở Sài Gòn đi làm. Mẹ nói, một khi mẹ có khả năng kiếm được một chỗ ở đàng hoàng, mẹ sẽ đem anh em tôi về lại ở với mẹ. Thế là sang đến mùa hè, mẹ tôi thu dọn dẫn hai anh em tôi lên gửi sống với dì Hai ở thị trấn.