Chương 12
Tác giả: Thu Trinh
Sáng mùng ba Tết, mẹ tôi dẫn hai anh em tôi lên Đà Lạt gặp cha. Mẹ tôi đã viết thư cho cha tôi từ trước, nhắn ông đến khách sạn Mộng Đẹp nơi chúng tôi sẽ ở để gặp mặt. Tôi đoán cha tôi ắt hẳn đã ngạc nhiên ghê lắm. Từ ngày mẹ tôi bồng bế anh em tôi rời khỏi Đà Lạt, đây là lần đầu tiên chúng tôi quay về thành phố đó.
Bảo Lộc chỉ cách Đà Lạt có hơn một trăm cây số. Buổi sáng ba mẹ con tôi đi chuyến xe đò sớm chỉ chừng hai tiếng đồng hồ đã lên tới Đà Lạt, tới nơi trời hãy còn là buổi sáng. Lúc xe đò đi ngang qua hồ Xuân Hương, tôi và anh Hùng đều nhớ ra và nhắc lại kỷ niệm khi xưa cha và mẹ đã từng dẫn chúng tôi ra hồ đạp ngỗng nước và ăn bánh ở nhà hàng Thanh Thủy cạnh hồ. Mẹ tôi không nói gì nhiều lắm, mắt mẹ đăm chiêu, có lẽ cảnh cũ đã gợi mẹ nhớ lại chuyện xưa.
Tuy không có ý định ở qua đêm, mẹ tôi cũng mướn một căn phòng ở khách sạn Mộng Đẹp để mẹ con có chỗ nghỉ chân. Khách sạn Mộng Đẹp nằm trên đầu con dốc, ngay cạnh chợ Đà Lạt và chỉ cách một khoảng đi bộ ngắn từ bến xe đò.
Như đã hẹn, khoảng mười một giờ, cha tôi đến gặp mẹ con tôi ở khách sạn, tôi thấy dáng điệu của ông ra chừng như rất hân hoan hớn hở. Ông đi có một mình, ăn mặc rất chỉnh tề và sang trọng, không dẫn theo vợ và hai đứa con của ông. Tuy nhiên thái độ của cha và mẹ lúc gặp nhau thì trông rất ngượng ngùng và khó chịu như lệ thường, hai người chào hỏi nhau qua loa và tránh không nhìn vào mặt nhau. Anh Quang Hùng cũng không kém. Từ đầu đến cuối anh không nói lời nào, cha có hỏi gì thì anh chỉ trả lời bằng những câu trả lời chữ một. Rút cuộc tôi là trung gian cho mọi người nói chuyện. Mọi người dùng tôi để đưa đẩy câu nói của mình đến người kia. Lúc đó mẹ tôi cũng chưa nhắc nhở gì về mục đích về Đà Lạt của mẹ. Cha tôi tuy không hỏi nhưng chắc ông cũng đoán mẹ tôi dẫn anh em về lần này là có lý do hay mục đích. Tuy nhiên tôi không nghĩ ông có thể đoán được lý do đó là gì. Qua dáng điệu vui mừng của ông như vậy, có lẽ ông nghĩ mẹ tôi đã tha thứ cho ông và từ nay sẽ cho chúng tôi về thăm ông ở Đà Lạt thường xuyên. Anh em chúng tôi không dám nói gì, sợ làm mất đi nỗi vui mừng đang có của ông.
Cha tôi nhẫn nại chờ coi mẹ tôi sẽ nói chuyện gì quan trọng như mẹ đã nói trong thư. Nhưng chờ mãi mẹ tôi cũng không nhắc nhở gì. Sau khi nói chuyện thăm hỏi một hồi, mẹ tôi nhắc cha dẫn hai anh em chúng tôi về thăm nhà nội. Mẹ tôi đương nhiên ở lại khách sạn không đi. Mẹ nói có sự hiện diện của mẹ sẽ làm cho mọi người khó chịu. Mẹ dặn cha đem anh em tôi về lại khách sạn trước ba giờ để mẹ con tôi kịp chuyến xe đò về Bảo Lộc. Mẹ còn nói:
- “Chiều nay ông nhớ dẫn vợ ông tới đây thăm tôi. Chuyện quan trọng mà tôi muốn nói với ông, tôi sẽ nói chiều nay trước mặt hai vợ chồng ông.”
Cha tôi tuy tò mò lắm nhưng cũng không hỏi gì hơn. Ông hứa sẽ đưa anh em tôi về lại khách sạn đúng giờ. Sau đó chúng tôi lên xe theo cha về thăm nhà nội. Dọc đường cha tôi cố tình hỏi dò xem chuyện mẹ tôi muốn nói là chuyện gì, nhưng những câu trả lời tránh né của chúng tôi đã không cho cha biết thêm gì.
Xe rời chợ Đà Lạt, chạy lên những con dốc cao đi và vào trong khu dân cư không buôn bán. Cha hỏi:
- “Hai con đã rời Đà Lạt nhiều năm rồi, có còn nhớ khung cảnh ở đây không?”
Anh Quang Hùng trả lời anh vẫn còn nhớ nhiều những khung cảnh chung quanh, nhưng tôi thì trả lời tôi chỉ còn rất chút ít ấn tượng. Tôi rời Đà Lạt năm bẩy tuổi, trong ký ức tôi ngoại trừ hình ảnh của hồ Xuân Hương, của những đồi thông và những con dốc cao, tôi không còn nhớ gì hơn. Mỗi khi đi ngang qua một chỗ nào quen thuộc thì cha tôi lại lái xe chậm lại chỉ cho chúng tôi coi và nhắc lại những kỷ niệm của chúng tôi ngày xưa.
Xe chạy một lúc không lâu thì đến nhà. Anh Quang Hùng thì thầm vào tai tôi:
- “Anh vẫn nhớ mang máng khung cảnh quanh đây. Hai anh em mình thường hay chơi ở sân đó”. Anh Hùng vừa nói vừa đưa tay chỉ vào mảnh sân rộng trước nhà.
Nhà của cha là một tòa nhà lớn, nằm trên một khu đất rộng. Từ cổng phải đi qua một mảnh sân rộng mới tới được hiên nhà. Cha tôi đậu xe vào mảnh đất trống bên hông nhà và dẫn anh em tôi vào. Trên hiên nhà, mấy chậu hoa cúc vàng được sắp thẳng hàng dưới đất, trên mái cao treo lủng lẳng một hàng những bụi hoa lan Long Tu, bụi nào cũng nở đầy hoa vàng, những nhánh hoa rủ xuống từ cao xuống thấp như một bức mành trông thật đẹp. Mấy chậu hoa lan Hạc Đĩnh trắng trưng gần đó cũng không thua kém hoa sắc. Tôi nhớ cha tôi trước kia rất thích sưu tập hoa lan, nhất là Long Tu và Hạc Đĩnh, không ngờ bây giờ ông vẫn vậy.
Thấy người lạ, mấy con chó từ trong nhà chạy ra sủa om tỏi. Một đám đông người trong nhà bước ra đón chúng tôi, tíu tít hỏi chuyện. Trong những năm vừa qua, tôi đã từng được cả mẹ lẫn cha cho coi hình của những người bên nội cho nên tôi không khó khăn gì nhận ra trong số những người ra đón chúng tôi có chú Ba, cô Tư và cô Út. Tôi có nghe nói những cô chú của tôi đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Hôm nay họ về cả đây có thể là để gặp anh em chúng tôi.
Cha tôi vui mừng để lộ ra mặt. Ông dẫn chúng tôi vào trong nhà, mọi người cũng nối đuôi vào theo. Trong nhà tôi thấy ông bà nội tôi đang ngồi ở hai ghế sofa, mỗi người ngồi một ghế. Bà nội mặc áo dài kiểu Huế, tóc búi cao ra phía sau, miệng đang nhai trầu. Ông nội thì ngồi ghế bên kia mắt đeo kính lão, tay cầm tờ báo. Đứng gần đó là hai đứa em cùng cha khác mẹ của tôi, tôi biết chúng vì cha thỉnh thoảng vẫn dẫn hai đứa đến thăm anh em chúng tôi. Đứng sát bên cạnh hai đứa nó là một người đàn bà, tôi đoán là mẹ hai đứa nó, dì Lan, vợ sau này của cha tôi. Dì Lan tuy không đẹp bằng mẹ tôi nhưng trông trẻ hơn và sắc sảo hơn. Quả tôi đoán không sai, sau khi nghe cha giới thiệu, người đàn bà đó đúng là dì Lan. Trong nhà, lúc đó còn có cả chồng và các con của cô Tư, cô Út và vợ con của cậu Ba. Sau khi anh em tôi gật đầu lí nhí chào mọi người, bà nội ngoắc tay cho hai anh em tôi đến gần:
- “Hai đứa mi lại đây cho nội nhìn mặt. Tụi bay đi lâu quá rồi bây giờ về trông lớn quá. Thằng Hùng ni càng lớn càng giống y cha mi, nhưng đẹp trai hơn cha mi lúc trước nhiều.” Bà đưa tay khăn quẹt nước trầu bên mép. “Con ni thì mặt giống mẹ. Con mẹ tụi mi thiệt tệ, giận thằng cha mi rồi dẫn con đi luôn không về. Để nội nói cho nghe, cái nhà này đâu có bỏ tụi mi, con mẹ tụi mi đáng lẽ ra nên mỗi người nhường một bước thì anh em tụi mi ngày nay cũng vẫn còn ở đây. Tệ chi mà tệ, đem con đi đến chừ mới cho về thăm”.
Tôi không nói gì, liếc nhìn anh Hùng thì thấy anh chỉ mím môi nheo mày. Cha tôi có lẽ cũng nhận ra sự khó chịu của anh em tôi, nên chen vào:
- “Thôi mà mẹ, chuyện người lớn nói gì cho con nít. Chúng đâu hiểu chi.”
- “Sao không nói” Bà tôi cãi lại, “phải nói cho chúng hiểu, chứ không chúng tưởng nhà nội ngược đãi đuổi chúng đi.”
Cha tôi nhìn sang các cô tôi ra dáng cầu cứu, cô Út hiểu ý bước tới:
- “Hai cháu tới chúc Tết ông bà nội để ông bà lì xì.”
Chúng tôi nghe lời, bước đến chúc Tết ông bà nội. Ông bà mỗi người lấy ra một phong bì đỏ lì xì cho anh em tôi. Hai đứa tôi đều không nhận, nói rằng đã lớn rồi, tiền lì xì là cho con nít nhỏ. Ông nội nói:
- “Nhỏ lớn gì, ông bà nội cho thì cũng cầm đi. Coi như cho bù mấy năm trước còn nhỏ.”
Hai anh em tôi miễn cưỡng cầm lấy phong bì lì xì. Sau đó mấy cô chú khác trong nhà thay phiên nhau lì xì chúng tôi. Cả dì Lan cũng làm y như vậy, tuy nhiên không như các cô và chú của tôi, trong khi mỗi người đều thăm hỏi nhiều câu, dì Lan không nói gì cả, bà chỉ đưa phong bì kèm theo một nụ cười nhẹ.
Sau đó ông bà nội gọi cho dọn cơm cả nhà ăn chung. Đồ ăn rất thịnh soạn, ngoài những món ăn cổ truyền của ngày Tết còn có thịt cá ê hề. Tôi không biết đây là những món ăn ngày Tết bình thường của gia đình giàu, hay nó đã được làm cho thịnh soạn để đãi anh em chúng tôi. Không khí bữa ăn hơi có phần nặng nề vì anh em tôi không ai biết nói gì. Suốt bữa mọi người thay phiên nhau hỏi chuyện chúng tôi hoặc nhắc chuyện ngày xưa lúc chúng tôi còn nhỏ. Anh Hùng nói chuyện rất ít, anh chỉ trả lời cầm chừng những câu hỏi dành cho anh, phần lớn anh để cho tôi trả lời mọi câu hỏi. Cô Út nói:
- “Thằng Hùng bi chừ ít nói quá hỉ. Ngày xưa cô nhớ cháu liếng thoắng láu liên không ai bằng. Lúc đó các cô chú chưa ai lấy chồng, hai đứa mi suốt ngày bám theo mẹ không cho ai đụng tới.”
- “Thì là do con mẹ chúng dạy chúng như rứa.” Bà nội tôi lại tiếp tục mỉa mai mẹ tôi. Hai anh em tôi đưa mắt nhìn nhau nhưng không nói gì.
Mấy đứa nhỏ con của các cô chú đã được cho ăn cơm từ trước, chúng đứng sau lưng bố mẹ nhìn hai anh em tôi. Có lẽ vì chưa gặp chúng tôi bao giờ chúng giương mắt nhìn anh em tôi một cách tò mò và lạ lùng. Trong nhà, cô Út là người thân thiện nhất, cô không ngừng hỏi han chúng tôi và làm mọi cách cho chúng tôi cảm thấy hòa đồng thoải mái. Bà nội là người nói nhiều nhất, bà nói đủ chuyện trong nhà ngoài đời, nhưng lâu lâu cũng không quên chêm vào nói thêm vài câu trách mắng hay mỉa mai mẹ tôi. Những lúc đó cô Út và cô Tư phải chen vào cản bà, hay đổi đề tài cho bà không nói nữa. Chúng tôi ở chơi chừng vài tiếng thì nhắc cha đưa về đúng như đã hẹn với mẹ. Cha tôi nói dì Lan chuẩn bị để dẫn hai đứa con cùng đi theo.
Đến lúc ra về, chúng tôi vòng tay đến chào từng người ra về. Hai cô và chú của tôi vỗ vai anh anh em dặn nhớ về thăm bên nội thường xuyên. Ông bà nội cũng nói y như vậy, hai người lấy tay xoa đầu chúng tôi, đây là một cử chỉ thân thiện nhất của họ đối với chúng tôi kể từ lúc gặp mặt. Sau đó chúng tôi lên xe ra về, cùng đi theo có cả dì Lan và hai đứa con trai.
Chúng tôi gặp lại mẹ ở khách sạn. Ba giới thiệu mẹ và dì Lan đến lẫn nhau. Qua cách chào hỏi tôi đoán đây là lần đầu tiên hai người họ gặp mặt, họ tỏ ra rất xã giao và thường nhìn dò xét lẫn nhau. Vì khách sạn không có chỗ ngồi nói chuyện thoải mái, mẹ tôi mời mọi người ra quán nước bên ngoài nói chuyện. Anh Quang Hùng viện cớ mệt xin được ở lại trong phòng, hai đứa con của dì Lan cũng muốn được chơi ở trước sân khách sạn. Tôi tuy không muốn tham dự vào cuộc nói chuyện của người lớn nhưng mẹ tôi thì thầm vào tai tôi nói mẹ muốn tôi đi theo, có người cho mẹ lấy tinh thần
Chúng tôi vào quán nước cạnh đấy, sau khi gọi nước mẹ bắt đầu giải thích cho cha tôi nghe ý định của mẹ và muốn cha tôi đồng ý ký giấy cho anh em tôi đi Canada. Tôi có thể thấy được những lời mẹ đang nói ra đã gây một sự ngạc nhiên bất ngờ cho cha tôi và dì Lan. Trong khi dì Lan chỉ ngồi im lặng lắng nghe và đưa mắt dò xét cả cha lẫn mẹ, thì cha tôi mặt càng lúc càng đỏ, ông tỏ vẻ giận dữ. Nhiều khi ông không cho mẹ tôi nói hết lời, chen vào những câu nói nóng giận. Mẹ tôi lại dùng những lời giải thích mà trước đây đã từng xử dụng đến cho dì Hai và anh em chúng tôi, nhưng cha tôi nhất định không đồng ý. Ông nói bất cứ giá nào ông cũng không cho đi và không ký giấy. Nhiều lúc cha tôi đã lớn tiếng vì không giằn được bực tức, dì Lan phải lấy tay cản ông lại và khuyên ông nhỏ giọng lại.
Mẹ tôi vẫn mang vẻ trầm tĩnh nhẫn nại, mẹ nói:
- “Cả cuộc đời tôi, tôi chỉ xin xỏ ông có hai điều. Điều thứ nhất xin cho bản thân tôi thì tôi đã xin cách đây tám năm nhưng lúc đó ông không làm được. Lúc đó tuy tôi đã tha thứ hết những chuyện lang bang mèo chuột của ông bên ngoài và ăn nỉ xin ông quay về với tôi, nhưng ngày đó ông đã không làm được. Còn bây giờ tôi xin ông một điều thứ hai trong đời. Lần xin này là vì các con. Ông hãy vì tương lai chúng nó mà ký giấy cho chúng được đi theo tôi sang Canada. Đi du học là ước nguyện của hai con. Chỉ có cách này tôi mới làm tròn ước mơ của tôi và của tụi nó.”
Cha tôi tỏ ra xúc động mãnh liệt, hay tay ông run run và cặp mặt đỏ lên:
- “Tôi biết tôi có lỗi với bà. Nhưng chuyện đó là chuyện của hai chúng ta, bao nhiêu năm qua bà không hề tha thứ cho tôi. Nhưng hai đứa con cũng là con của tôi. Tuy tôi không được bà cho ở gần chúng và không được nuôi nấng chúng nhưng tình thương của tôi dành cho chúng không phải là không có. Nếu hai đứa nó có ước nguyện muốn đi du học thì tôi nghĩ tôi đủ sức lo cho chúng mà đâu cần bà phải dẫn chúng đi như vậy.”
Mẹ tôi cười khẩy. Bà nhạt giọng:
- “Nếu ông muốn lo thì ông đã lo lâu nay rồi, đâu để đợi đến lúc chúng tôi nhắc ông mới làm. Ông biết tôi mà, cả đời tôi, tôi có bao giờ ngửa tay xin tiền ông không? Hừ.., lo cho con. Thằng Hùng đã học sắp xong lớp mười hai rồi, chỉ còn có mấy tháng nữa là nó tốt nghiệp, sao không thấy ông nói lo từ trước?”
Cha tôi cứng miệng không trả lời được. Mãi một lúc ông mới nói được:
- “Thì để cho nó học đỡ ở đâu đó một năm đi rồi từ từ tôi sẽ lo cho nó.”
- “Ông nói thì dễ dàng lắm. Lỡ một năm qua rồi mà ông không lo được thì sao? Ông lại nói đợi thêm một năm nữa phải không?” Ngừng một chút mẹ tôi dịu giọng lại. “Trong khi nếu ông để cho chúng đi với tôi lần này ông không phải bỏ tiền bạc gì ra cả, mà thằng Hùng cũng không phải bỏ đi một năm chờ đợi.”
- “Nhưng bà mang con tôi đi xứ người xa xôi như vậy coi như tôi mất con. Đến bao giờ tôi mới được gặp lại chúng.”
- “Tôi hứa với ông mỗi năm tôi mỗi cho chúng về nước thăm ông. Một năm một lần, tuy không nhiều nhưng ông sẽ được ở với chúng cả ba tháng hè. Như vậy cũng còn hơn bây giờ, tuy mỗi năm ông gặp chúng hai ba lần nhưng lần nào cũng chỉ được vài tiếng đồng hồ.”
Cha tôi vẫn chưa qua khỏi cơn xao động. Ông đứng lên, khuôn mặt đổi sang tái xanh. Ông nói lớn tiếng:
- “Bà nói sao thì nói. Tôi nhất định không ký.”
Mẹ tôi nói một giọng thật lạnh nhạt:
- “Ông vẫn như xưa. Thật là ích kỷ và chỉ nghĩ cho riêng mình.”
Cha tôi cầm ly nước lên uống một hơi sau đó dằn ly nước xuống bàn. Ông đứng lên và bước nhanh ra cửa. Ông đi lại phía xe hơi, rút thuốc lá châm hút, sau đó đi qua đi lại những bước mạnh. Một lát ông lại đứng dựa lưng vào bên cánh cửa xe, mắt nhìn ra ngoài đường suy nghĩ. Mẹ tôi vẫn ngồi trong quán nước, bình tĩnh nhìn ra ngoài quan sát thái độ của cha mà không nói gì. Dì Lan kéo ghế đứng lên có vẻ chuẩn bị theo cha tôi ra xe. Mẹ tôi vội vàng đưa tay cản bà lại:
- “Chị có thể nán lại vài phút cho tôi nói vài lời không?”
Dì Lan ngừng lại. Bà ngập ngừng:
- “Con thì không phải con tôi. Tôi không biết tôi sẽ giúp được gì.”
Mẹ tôi dịu giọng nói:
- “Chúng ta cùng là đàn bà, tôi nghĩ chị sẽ thông cảm tôi. Tôi thương hai con tôi như thế nào thì tôi biết chị cũng thương hai con chị như vậy. Chúng ta ai cũng muốn con mình sau này có một tương lai tốt đẹp.”
Mẹ tôi ngừng lại thăm dò phản ứng dì Lan, thấy bà ta không nói gì có vẻ như đồng ý với những gì mẹ nói, mẹ tôi tiếp lời:
- “Tuy bao nhiêu năm nay tôi đã nhường chồng cho chị và tôi đã bước đi ra khỏi gia đình giòng họ bên chồng, nhưng điều đó không có nghĩa hai con tôi không có địa vị gì trong giòng họ cha nó. Thằng Hùng dù gì cũng là con trai lớn trong nhà và cũng là cháu đích tôn. Sau này lớn lên, nó sẽ chiếm phần lớn tài sản của cha nó. Chị nỡ nhìn thấy tài sản của hai con chị bị chia xẻ vậy sao? Còn nữa, nếu bây giờ chị để chồng chị bỏ tiền ra lo cho hai con tôi đi du học thì chúng sẽ xài rất nhiều tiền của gia đình chị, chị nỡ lòng sao. Nếu chị chịu về khuyên chồng chị ký giấy cho hai con tôi sang Canada, như vây hai vợ chồng chị không tốn một đồng xu lo cho tụi nó đi du học. Đã vậy nếu tụi nó sau này thành công, tụi nó cũng sẽ không quay trở lại dành dựt tài sản với các con chị làm gì.”
Dì Lan nghe mẹ tôi nói một hồi hình như cũng xiêu lòng. Lòng ích kỷ và tham lam của một người đàn bà đã bị mẹ tôi đánh trúng, Thế nhưng bà vẫn nói cứng.
- “Tôi không phải là người tham tiền như chị nghĩ đâu. Tôi không biết tôi sẽ giúp gì được chị. Ba xấp nhỏ là một người cứng rắn, tôi có khuyên chưa chắc anh ấy đã nghe.”
- “Tôi biết chồng chị là người cứng rắn và chị là người không tham tiền. Nhưng tôi cũng biết chị sẽ có cách làm cho anh ấy chuyển ý. Vì con tôi cũng được hay vì con chị cũng được, tôi mong chị sẽ nói giúp.” Mẹ tôi ngừng một chút rồi nói tiếp một cách cay đắng. “Ngày xưa chị có đủ khả năng khiến anh ấy về bỏ vợ con đi lấy chị. Chuyện khó khăn như vậy chị còn làm được thì chuyện nhỏ nhặt này có thấm thía gì.”
Câu nói của mẹ có thể hiểu theo nghĩa là câu khen nhưng cũng có thể hiểu là câu mỉa mai. Dì Lan đỏ mặt bước đi:
- “Tôi không dám hứa gì chị đâu. Mọi chuyện tôi để cho cha tụi nhỏ quyết định.”
Nói xong dì Lan bước ra xe. Dì Lan nói gì đó với ông, hình như nói là bà muốn về. Tôi thấy cha tôi gật đầu, hai người vẫy tay gọi hai con trai đang chơi gần đó lại. Cha tôi quay nhìn mẹ con tôi trong quán nước, sau đó mọi người lên xe bỏ đi không chào gì mẹ con tôi.
Sau khi cha tôi và vợ con của ông đã đi rồi, mẹ con tôi vẫn ngồi lại trong quán nước một lúc lâu. Mẹ tôi không nói gì, chỉ suy nghĩ. Tôi không dám hỏi mẹ, chỉ biết nhìn mẹ trong yên lặng. Mãi một lúc sau mẹ tôi dường như bừng tỉnh ra khỏi dòng suy nghĩ cũa mình mẹ dục tôi đứng lên ra về.
Tôi ngập ngừng hỏi mẹ:
- “Như vậy là cha không bằng lòng cho tụi con đi?”
Mẹ tôi đứng lên chuẩn bị đi tính tiền nước. Trước khi đứng lên, mẹ quay sang nhìn tôi trên môi nở một nụ cười tin tưởng:
- “Con đừng lo. Rồi cha con sẽ bằng lòng. Mẹ biết người đàn bà đó sẽ có cách làm cho cha con đổi ý. Vì lợi ích tiền bạc của hai con bà ta, bà ta sẽ tìm mọi cách tống khứ mẹ con mình đi khỏi. Bà ta sẽ tìm đủ mọi cách thuyết phục cha con. Thôi chiều rồi, mình đi đón anh con rồi ra cho kịp chuyến xe về Bảo Lộc.”
Mẹ tôi là một người đàn bà thông minh. Bà đã biết đo lường đối phương của mình. Dì Lan không biết làm sao và nói gì cuối cùng sau này đã khiến cho cha tôi đổi ý.
Sau khi Tết đã qua rồi và sau khi mẹ tôi về Sài Gòn được một tuần thì cha tôi viết thư báo cho mẹ biết ông đã đồng ý và sẽ vào Sài Gòn ký giấy tờ cho anh em tôi xuất cảnh. Như vậy mọi chuyện coi như đã ổn thỏa. Sau khi cha tôi ký tên, mẹ tôi và ông Bill đi hoàn tất giấy tờ xuất ngoại cho chúng tôi. Mẹ nói giữa tháng Sáu, ngay sau khi trường nghỉ hè thì anh em chúng tôi sẽ lên đường. Tương lai của anh em tôi như vậy đã được quyết định, chúng tôi sẽ theo mẹ sang Canada sống với người đàn ông ngoại quốc xa lạ mà mẹ tôi sẽ lấy làm chồng. Chúng tôi sẽ được ông ta cho đi học cho đến hết đại học như ông đã hứa với mẹ. Còn mẹ tôi thì hứa với chúng tôi bà sẽ cho chúng tôi về nước chơi mỗi mùa hè, sau khi anh em chúng tôi ra trường rồi, nếu chúng tôi không thích ở Canada nữa chúng tôi sẽ hồi hương.
Có lẽ anh Hùng đã nói chuyện đi Canada của chúng tôi đến Minh Châu, nó buồn lắm. Càng cảm nhận ra sự sắp sửa chia tay, hai người họ càng quấn quít với nhau và càng dành nhiều thì giờ cho nhau. Mỗi buổi chiều họ thường hẹn hò cùng nhau đi riêng hơn. Trong thời gian này tôi cũng ít gặp Minh Châu, thông cảm cho anh và bạn, tôi để hai người họ được có nhiều thời gian ở bên nhau trong những tháng ngày ngắn ngủi còn lại.
Một buổi chiều Minh Châu rủ tôi đi ra mộ ba nó để nhổ cỏ và thắp nhang. Hai đứa chúng tôi đều muốn đi bộ, không đi xe đạp. Chúng tôi thả bộ xuống con dốc dài, rồi rẽ băng qua cầu Trắng đi về phía nghĩa trang. Lúc đi ngang qua cầu Trắng, tôi chỉ cho Minh Châu coi mấy đứa trẻ nhỏ đang thả diều bên bờ hồ. Nhìn những con diều đuôi dài bay nhởn nhơ trên trời tôi nhớ lại những ngày theo anh Hùng đi thả diều ở Sài Gòn. Tôi kể cho Minh Châu nghe những kỷ niệm thơ ấu của hai anh em tôi. Minh Châu nói nó từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ được đi thả diều.
Đến nghĩa trang, tôi phụ Minh Châu nhổ những cây cỏ mọc lên thành mộ của ba nó. Nhổ cỏ xong, Minh Châu thắp cây nhang cắm vô bình trên mộ. Hai đứa tôi chưa về ngay, còn nán lại ngồi nói chuyện một hồi. Không hiểu vì địa thế đất cao của vùng cao nguyên, hay vì có cây cối nhiều và bụi đất đỏ, nắng buổi chiều ở thị trấn thường rất vàng và hay có ráng chiều. Minh Châu nhìn ánh ráng chiều tà đỏ rực ở chân trời, nó nói với nhiều cảm xúc:
- “Mai mốt mình chắc sẽ không còn dịp được ngồi bên nhau ngắm nắng ráng chiều như thế này.”
Tôi nghe và cũng cảm thấy buồn trong lòng.
- “Sau này tao sẽ về mà.”
- “Lúc mày học xong về nước, hai đứa mình đều đã lớn rồi, không biết lúc đó hoàn cảnh, con người, tình cảm và suy nghĩ có còn như hôm nay.”
- “Tao không biết nhưng tao nghĩ mình sẽ không thay đổi.”
Minh Châu nhìn tôi, đôi mắt nó buồn lạ lùng. Màu đen của mắt nó bị ánh chiều vàng chiếu vào nên đã đổi sang màu nhạt hơn.
- “Mày thì tao không sợ sẽ thay đổi, nhưng anh mày thì tao sợ. Tao thấy ba mày, rồi tao thấy anh Tuấn, tao sợ anh Hùng cũng giống như họ.”
- “Mày hỏi anh tao đi.”
- “Hỏi rồi, anh hứa anh sẽ không bao giờ giống như hai người đó, nhưng tao sợ tao sẽ giống chị Phượng của mày. Mày không biết đâu, lúc nào tao cũng sợ cuộc tình của tao và anh mày sẽ mau chấm dứt, tao thật sợ. Tao thật quý mến cuộc tình này. Tao thương thầm anh Hùng từ những ngày anh em mày mới dọn lên ở. Nhưng lúc đó tao nghĩ không bao giờ có ngày anh mày sẽ để ý đến tao. Ông anh mày vừa đẹp trai vừa đa tài, nhiều cô thích như vậy làm sao đến lượt tao. Rồi lại thêm chị Kim Điệp bên cạnh, tao thật chỉ là con lọ lem yêu thầm hoàng tử. Bây giờ đã có được cuộc tình trong tay, tao thật không cam lòng nếu phải chấm dứt sớm.”
- “Thì không phải lọ lem cuối cùng cũng chiếm được tim hoàng tử sao và có được một kết cuộc hạnh phúc?”
- “Tao cũng mong được như vậy.”
Hôm đó khi về nhà tôi kể cho anh Hùng nghe câu nói của Minh Châu về những cánh diều. Ngày hôm sau đi học về tôi thấy anh Hùng lái xe đạp đi kiếm tre về chẻ ra rồi vuốt mỏng làm diều. Anh làm lẹ lắm, chỉ trong buổi chiều hôm đó đã làm xong con diều. Chiều ngày hôm sau anh rủ tôi và Minh Chảu ra sân đá banh trước cửa ty bưu điện để thả diều. Minh Châu xem chừng cảm động ra mặt, cả hai chúng tôi đều biết anh Hùng làm con diều này là vì nó. Trước khi thả cho diều bay lên trời, Minh Châu viết tên chúng tôi lên con diều. Sau đó anh Hùng dạy cho Minh Châu thả diều. Anh đứng một chỗ cầm con diều và nói Minh Châu cầm ống dây chạy, từ từ thả dây cho diều bay lên. Chẳng mấy chốc con diều đã được thả bay cao lên trời. Anh Hùng nói diều bay cao rồi không cần phải làm gì nhiều, chỉ cần giữ giây, nếu thấy diều chao cánh thì dựt kéo lên.
Ba đứa chúng tôi kiếm bãi cỏ ngồi xuống đất chơi. Minh Châu là người vui nhất trong bọn. Nó vui có lẽ không phải là vì lần đầu tiên được đi thả diều, nhưng là vì được thả diều với người nó yêu thích. Hôm đó gió nhiều, lại thêm có ráng chiều, con diều bay cao thẳng dây, nhởn nhơ giữa ánh ráng chiều vàng trông thật đẹp. Chúng tôi nhìn cánh diều bay, mỗi đứa một ý tưởng không khỏi không nghĩ đến tương lai. Năm đó tôi và Minh Châu được mười sáu tuổi và anh Hùng mười tám tuổi.