watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cấu Trúc Thơ-I. Nguồn gốc thi ca: - tác giả Thụy Khuê Thụy Khuê

Thụy Khuê

I. Nguồn gốc thi ca:

Tác giả: Thụy Khuê

Thơ có từ bao giờ? Ðến nay chưa ai biết rõ. Những thi phẩm đầu tiên của nhân loại còn lưu đến ngày nay, ở Ðông phương là Kinh Thi , gồm 311 bài (sự thật có 305 bài và 6 đề mục, không có lời) xuất hiện từ đầu Tây Chu đến giữa Xuân Thu (tức là từ thế kỷ XI đến thế kỷ VI trước Công Nguyên). Hiện nay, theo nhiều nhà nghiên cứu, Kinh Thi là tập thơ do các quan âm nhạc triều Chu sưu tập, dựa trên công trình tìm kiếm của nhạc công các nước chư hầu. Bên cạnh số lớn ca dao còn có sáng tác của thi nhân và quý tộc soạn để phổ nhạc. Kinh Thi kết hợp với âm nhạc (thơ phổ nhạc), về sau chỉ ghi lại được phần lời là 305 bài thơ còn lại đến ngày nay. Trong quá trình biên soạn và sử dụng Kinh Thi , các quan âm nhạc và các nhà quý tộc, trong đó có Khổng Tử, đã chỉnh lý, sắp xếp ít nhiều về nội dung cũng như hình thức. Kinh Thi đã từng bị Tần Thủy Hoàng tiêu hủy, đến đời Hán mới sưu tập lại. Bản dùng hiện nay là của Mao Hanh, thường được gọi là Mao Thi. Lối thơ trong Kinh Thi rất tự do, không bị gò ép trong niêm luật, lời lẽ mộc mạc, tự nhiên, không đẽo gọt, trau chuốt:

Dịch:
Tử Khâm (1) Cổ áo chàng
Thanh thanh tử khâm Cổ áo chàng xanh xanh
Du du ngã tâm Vẩn vơ em nghĩ
Túng ngã bất vãng Nếu em không đến
Tử ninh bất tự âm? Sao chàng chẳng hỏi thăm?
Thanh thanh tử bội Dây đeo ngọc của chàng xanh xanh
Du du ngã tâm Vẩn vơ em nghĩ
Túng ngã bất vãng Nếu em không đến
Tử ninh bất lai? Sao chàng chẳng lại?

Khiêu hề thoát hề Em nhẹ nhàng nhẩy lên
Tại thành khuyết hề lầu trên thành
Nhất nhật bất kiến Một ngày không thấy chàng
Như tam nguyệt hề. như ba tháng.
Trịnh phong 17 (2)

Trong bài tựa Kinh Thi , Chu Hy viết: " Thơ là cái dư âm (thanh âm còn dư) của lời nói trong, khi lòng người cảm xúc với sự vật mà nó thể hiện ra ngoài" -lời nói trong của Chu Hy đồng nghĩa với tiếng nói nội tâm của Croce-.

Câu trên có thể xem như một định nghĩa cô đọng về bản chất thi ca. Vừa nói lên tính cách tự tại và nội tại của thơ trong ngôn ngữ, trong con người và khả năng giao cảm giữa người và sự vật trong thơ.
Bao gồm cả hai yếu tính ấy, Kinh Thi cho thấy từ buổi bình minh của nhân loại, thơ đã biểu hiệu sự bình đẳng trong mối tương giao giữa người và vạn vật. Ngoài ra, tính chân thật, súc tích và tự do của Kinh Thi được xem như những mẫu mực nghệ thuật mà thi ca thời nào cũng muốn đạt được.



*

Ở phương Tây, hai tác phẩm thi ca truyền khẩu xưa nhất còn lưu lại đến ngày nay là Iliade (24 bài) và Odyssée (24 bài) mà Homère được coi như tác giả. Homère là một người hay nhiều người? - không có gì chứng minh rõ. Trước Homère dân Hy Lạp đã có chữ viết hay chưa? Ngày nay, nhiều giả thuyết vững vàng cho rằng Iliade đã xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ VIII trước Thiên Chúa giáng sinh và người Hy Lạp phát minh chữ viết cũng trong thời gian ấy để ghi lại sử thi Iliade. Có điều chắc chắn rằng Homère may mắn hơn các thi sĩ khác vì thi ca Tây phương, trước ông, chỉ được truyền khẩu, tới đó mới có phương tiện ghi lại cho đời sau.
Iliade gồm 24 bài thơ viết về giai đoạn liên quân Hy Lạp chiếm thành Troie, là thiên anh hùng ca không có anh hùng, chỉ có những con người trầm luân trong chiến tranh và những thánh nhân hành động, toan tính, thủ đoạn,... như người trần thế. Tất cả cùng chung một cuồng vọng và khổ đau: gây ra chiến tranh và chịu sự tàn khốc của chiến tranh.
Iliade là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của loài người xưng tụng tình nhân loại, philanthropia trong tiếng cổ Hy Lạp, trùng hợp với quan niệm đả phá chiến tranh của Mặc Tử sau này.
Chúng ta có thể mường tượng: Iliade đã được sáng tác trong một xã hội chưa có sách vở, hố chia cách giữa người "biết chữ" và người "không biết chữ" chưa sâu xa. Vậy "tình nhân loại" là sở hữu chung của mọi người, không phân biệt giai cấp, trình độ, xuất hiện cùng với tiếng nói, và được những người "dã man" đầu tiên trên trái đất ghi vào thi ca truyền lại cho hậu thế như một thông điệp thiêng liêng giữa người và người.



*


Odyssée gồm 24 bài thơ, chép lại quãng đời 20 năm phiêu lưu, thần kỳ và thơ mộng của Ulysse, sau chiến thắng thành Troie, trở về cố quốc Ithaque.
Nếu Iliade là một thiên anh hùng ca, trong đó thần thánh đồng lõa và đồng nghĩa với người trần, thì Odyssée có thể xem như cuốn tiểu thuyết mạo hiểm thần thoại đầu tiên của loài người viết bằng thơ, có cấu trúc hiện đại của tiểu thuyết mới: không dàn xếp diễn biến theo thứ tự thời gian, không đặt vấn đề lô gích trong tiểu tiết, từ chối mọi xếp đặt an bài, chấp nhận cõi vô thường siêu thực.
Iliade , thiết thực, tổng hợp một quá khứ chiến tranh để rút tỉa bài học cho hòa bình hiện tại. Odyssée mộng ảo, huyền hoặc, mở rộng vào tương lai, vào cõi an bình, điền viên dân dã, với khả năng chinh phục và bảo tồn những miền đất mới.
Ðối lập trong tiêu đề, khác nhau trong phong cách, nhưng cả hai liên hệ chặt chẽ bằng tính chất thuần túy thi ca: vươn lên cái đẹp và kết hợp tình người , cho nên trong truyền thuyết cổ điển Hy Lạp, người ta đã cho rằng Iliade và Odyssée cùng bắt nguồn từ một Homère không phải là không hợp lý.

Thi ca ở Việt Nam

Ở nước ta, không biết đích xác thi ca có từ bao giờ, nhưng đến cuối thế kỷ thứ X thì chắc chắn đã thịnh hành, vì có hai dữ kiện được ghi lại:

- Sách "Văn hiến thông khảo " (3) chép việc sứ nhà Tống là Tống Cảo, năm 990 được dự buổi tiệc do vua Lê Ðại Hành khoản đãi và chính nhà vua "tự hát bài mời rượu" nhưng Tống Cảo không hiểu được lời ca bằng tiếng Việt. Vậy trong thời Tiền Lê, nghệ thuật ca hát đã được phổ biến.

- Sách "Ðại Việt Sử ký toàn thư "(4) chép việc năm Ðinh Hợi (987), dưới thời vua Lê Ðại Hành nhà Tống sai Lý Giác sang sứ nước ta:

"Khi Giác từ biệt ra về, vua sai Khuông Việt làm bài hát để tiễn, lời rằng:
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Dao vọng thần tiên phục đế hương
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang
Cửu thiên quy lộ trường
Tình thảm thiết
Ðối ly trường
Phan luyến sứ tinh lang
Nguyên tương thâm ý vị biên cương
Phân minh tấu ngã hoàng.
(Trời đẹp gió lành, cánh buồm giương
Xa ngóng thần tiên, lại đế hương.
Vượt sóng xanh, muôn trùng non nước
Về phương trời, đường trường.
Tình thắm thiết
Chén ly biệt
Vin xe sứ vấn vương
Xin đem thâm ý vì biên giới
Tâu vua thật tỏ tường. 5
Giác lạy ra về. Năm ấy được mùa to."

(Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư , NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1983, tập I, trang 222)
Bài ca tiễn Lý Giác trên đây của sư Khuông Việt có thể xem như bài thơ chữ Hán đầu tiên còn ghi dấu lại trong sử sách của chúng ta. Sư Khuông Việt tên thật là Ngô Chân Lưu (933 - 1011) được vua Ðinh Tiên Hoàng trao cho chức Tăng Thống và ban hiệu Khuông Việt Ðại sư. Dưới nhà Tiền Lê, ông lại càng được trọng đãi. Ngoài khúc ca V ương Lang quy ( 6) trên đây (Vương Lang quy là tên một thể loại từ khúc mà tác giả mô phỏng), sư Khuông Việt còn để lại hai câu thơ Thủy Chung để tặng học trò và bài kệ Nguyên hỏa ứng khẩu lúc sắp mất. Hai nhà sư Pháp Thuận, Khuông Việt và vài tác gia khuyết danh là những tác gia đầu tiên còn lưu lại dấu vết đến ngày nay(7).

Sang đời Lý, thơ chữ Hán đã có cơ sở vững vàng. Sư Viên Thông đời Lý làm đến hàng nghìn bài kệ để phổ biến giáo lý nhà Phật. Ngoài ra còn có những bài tuyệt cú, đầy chất thơ như bài Ngư nhàn của sư Không Lộ, bài Cáo tật thị chúng của sư Mãn Giác và bài thơ nổi tiếng Nam quốc sơn hà (1077), nêu cao tinh thần chống ngoại xâm của Lý Thường Kiệt (1036 -1105):

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. dịch:

Sông núi nước Nam, hoàng đế nước Nam ở,
[Ranh giới] đã phân định rạch ròi ở sách trời.
Sao quân giặc [kia dám] đến xâm phạm?
Bọn bay cứ thử xem, sẽ chuốc lấy bại vong.(8)

Thể văn biền ngẫu, trung gian giữa văn và thơ, cũng được phát triển: Trong đời Lý, biền văn được sử dụng để viết văn bia trong chùa, ghi lại những sử liệu quan trọng. Những bài biền văn đánh dấu các giai đoạn quan trọng trong lịch sử: Biểu (979) của Lê Hoàn, thay mặt Ðinh Tuệ gửi cho vua nhà Tống báo tin Ðinh Liễn chết, Thiên đô chiếu (chiếu dời đô) (1010) của Lý Thái Tổ, Chiếu nhường ngôi (1225) của Lý Chiêu Hoàng, Hịch tướng sĩ (1285) của Trần Hưng Ðạo (1232(?)-1300), và tiêu biểu nhất trong thể loại biền ngẫu là kiệt tác Bình Ngô đại cáo (1428) của Nguyễn Trãi (1380 - 1442).



*


Thơ bằng tiếng nước ta (tức thơ Nôm) không biết xuất hiện từ năm nào. Thiền sư Từ Ðạo Hạnh (không rõ năm sinh, mất năm 1117), tên thật là Từ Lộ, còn để lại bốn bài thơ chữ Hán: Vấn Kiều Trí Huyền, Thất Châu, Hữu Không, Thị tịch cáo đại chúng, giãi bầy triết lý đạo Phật và theo sách Hí trường phả lục của Lương Thế Vinh (in năm 1501, đời Lê Hiến Tông), Từ Ðạo Hạnh có sáng tác một bài giáo trò như sau:

Trình làng trình chạ
Thượng hạ tây đông
Tư cảnh hoà trung
Nghe tôi giáo trống
Trướng không phong động
Cũng bởi trống tồi
Làng đã vào ngồi
Tôi xin diễn tích ... Vậy rất có thể bài giáo trò của Từ Ðạo Hạnh là bài thơ Nôm đầu tiên còn lưu dấu lại. Ðến đời Nguyễn Thuyên mọi việc rõ ràng hơn. Ðại Việt sử ký toàn thư chép việc năm Nhâm Ngọ (1282) dưới thời vua Trần Nhân Tông:

"Bấy giờ có cá sấu đến sông Lô. Vua sai Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông, cá sấu tự đi mất. Vua cho là việc này giống như việc Hàn Dũ bèn ban gọi Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc ngữ. Thơ phú nước ta dùng nhiều quốc ngữ, thực bắt đầu từ đấy" (9) Bài Văn Tế Cá Sấu của Nguyễn Thuyên đã mất. Theo sử sách cũ và các gia phả họ Nguyễn ở Bắc Khê (Cao Bằng) và ở Vụ Cần (Vĩnh Phú), Nguyễn Thuyên (không rõ năm sinh và năm mất) là người đầu tiên dùng tiếng Việt chép gia phả họ Nguyễn, viết quốc sử và giỏi thơ quốc âm. Tác phẩm Phi sa tập của Nguyễn Thuyên gồm thơ Nôm và thơ chữ Hán nay không còn nữa, và chắc chắn là tập thơ Nôm đầu tiên của Việt Nam. Nguyễn Thuyên khai sáng ra thơ Nôm Ðường luật nên còn gọi là Hàn luật.

Những tác phẩm văn thơ Nôm đời Trần đã mất gần hết, chỉ còn lại một số như: Cư trần lạc đạo phú (phú ở cõi trần vui đạo) và Ðắc thú lâm tuyền thành đạo ca (bài ca được thú lâm tuyền thành đạo) của Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang Lý Ðạo Tái (1254 - 1334), Giáo tử phú (phú dạy con) của Mạc Ðĩnh Chi (1284 -1361) và bài thơ Nôm tục truyền của Nguyễn thị Ðiểm Bích, còn có tên khác là Vân Bích, cung nhân của vua Trần Anh Tông (1293 - 1314):

Vằng vặc trăng mai ánh nước,
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hòa tươi tốt, cảnh hòa lạ,
Mâu Thích ca nào thuở hữu tình .(10) Như vậy, đầu thế kỷ thứ XIV, thơ quốc âm đã thịnh hành. Ngoài giai thoại nàng Ðiểm Bích, hay Vân Bích, đẹp và giỏi thơ Nôm, được vua Anh Tông giao cho nhiệm vụ thử lòng sư Huyền Quang. Vì không lung lạc được Huyền Quang nên Ðiểm Bích tâu vua rằng nhà sư đã làm bài thơ trên như một bằng chứng là Huyền Quang đã bị dao động trước nhan sắc nàng. Sau vua Anh Tông biết nỗi oan của nhà sư, đầy nàng làm thị nữ quét chùa.

Còn một giai thoại nữa, dưới thời Anh Tông, được ghi trong Ðại Việt Sử Ký , năm Bính Ngọ (1306):

"Mùa hạ, tháng sáu, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân. Trước đây, thượng hoàng vân du sang Chiêm thành, đã hứa gả rồi. Các văn sĩ trong triều ngoài nội, nhiều người mượn chuyện vua Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung nô, làm thơ, từ bằng quốc ngữ để châm biếm việc đó." ( 11)

Như vậy thơ Nôm không những đã thịnh hành ở trong triều mà cả ngoài thôn dã nữa. Nhưng các chính quyền phong kiến không lưu ý đến thơ quốc âm, ngay cả dưới thời vua Lê Thánh Tông, chữ Nôm cũng không được đặt ngang hàng với chữ Hán. Nhất là việc Trịnh Tạc (1663) sai Phạm Công Trứ soạn 47 điều "giáo hóa ", trong có những câu chỉ văn thơ Nôm:

"Tiếng dâm dễ khiến người say
Chớ cho in bán, hại thay thói thuần" Trịnh Tạc truyền tịch thu những tập sách Nôm "có hại cho giáo hóa" đem đốt đi. Việc này lại được Trịnh Cương tiếp tục vào đầu thế kỷ XVIII.

Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi là tác phẩm thơ Nôm xưa nhất còn lưu lại trong văn học Việt Nam.
Bản Quốc Âm Thi Tập hiện hành phiên âm từ bản của Dương Bá Cung, do công phu sưu tầm của Trần Khắc Kiệm những năm 60 - 70, thế kỷ XV, theo lệnh của Lê Thánh Tông. Thế kỷ XIX, Dương Bá Cung biên tập lại, cho in Ức Trai Di Tập năm 1868, trong đó có Quốc Âm Thi Tập , là quyển thứ 7 gồm 254 bài thơ (theo Nguyễn Huệ Chi, Từ Ðiển Văn Học ).

Hé cửa đêm chờ hương quế lọt
Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan Thơ Nguyễn Trãi cao trong nghệ thuật dùng chữ, sâu trong nhân sinh quan và vũ trụ quan và đẹp trong niềm vui tự tại của con người trước sự cô đơn của chính mình:

Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng
Phiền sách ngày xuân ngồi chấm câu Ai dám bảo những câu thơ này không ... tự do? Những hình ảnh trà mai, đêm nguyệt ... không tân kỳ? Trải 500 năm nay vẫn còn mới:

Con cờ quẩy - rượu đầy bầu
Ðòi nước non - chơi quản dầu
Ðạp áng mây - ôm bó củi
Ngồi bên suối - gác cần câu Mới trong cấu trúc từ ngữ, mới trong nhạc điệu, mới trong tư tưởng, mới trong cảm quan của thi nhân với thiên nhiên, vũ trụ:

Dậu lưa thưa, hai khóm cúc
Giường thấp thấp, một nồi hương
Vượn chim kết bạn non nước quạnh
Cầm sách cùng nhau ngày tháng trường

Ca dao

Hình thức thi ca gần gụi với dân gian là ca dao. Ca dao, còn gọi là phong dao, tiếng nhà nho dùng để chỉ phần thơ được quan tâm tới và ghi chép lại trong một bài ca hay bài hát truyền khẩu. Tục ngữ là một câu nói ngắn gọn, có vần, có nhịp điệu, có ý nghĩa, đôi khi triết lý, rút ở kinh nghiệm đời sống hàng ngày. Ca dao và tục ngữ đều có vần điệu và cô đọng, nhưng ca dao thuộc lãnh vực thơ, tục ngữ, có ý phán đoán, thực nghiệm, gần với văn.
Ðến nay, chưa có công trình biên khảo nào nghiên cứu và sắp xếp rõ ràng sự xuất hiện của những câu ca dao theo niên đại.

Những nhà nghiên cứu văn học dân gian cho rằng cuốn "Nam phong giải trào " là một công trình sưu tập ca dao xưa nhất(12)
.
Trần Danh Án (1754 -1794) soạn những trang đầu của Nam phong giải trào . Ông là nhà thơ và tôi trung nhà Lê. Những tác phẩm còn để lại: Liễu am thi tập, Liễu am Tản ông thi tập, Bảo triện Trần Danh Án thi thảo, Bảo triện Trần Hoàng Giáp thi tập , ...Trong lúc chạy trốn Tây Sơn vào khoảng năm 1788 - 1789, cùng một nhóm bầy tôi lưu vong của nhà Lê, ông đem ca dao diễn thành thơ chữ Hán, theo lối Kinh thi của Trung quốc để "tiêu khiển nỗi sầu muộn" . Những câu diễn giải của họ Trần là những câu hay nhất, mục đích ban đầu có lẽ chỉ để thưởng thức thơ chữ Hán. Nhưng vì muốn thấu triệt cái hay của phần diễn giải, thì phải chép cả nguyên bản bằng quốc âm. Nhờ thế mà ngày nay chúng ta mới có được những câu ca dao tương ứng.

Ðến đời Nguyễn, dưới thời vua Minh Mệnh, khoảng 1827 trở đi, Ngô đình Thái (hiệu là Ngô Hạo Phu, tức Ngô Thế Mĩ) sưu tập những câu thơ dịch của Trần Danh Án và chính ông cũng dịch thêm một số nữa.
Về sau, Ðỗ Phác Phủ, đưa cả tập này cho Trần Doãn Giác, là cháu gọi Trần Danh Án bằng ông chú, xem, đề tựa, chú giải và bổ sung.

Theo chi tiết ghi ở bài tựa Nam phong giải trào thì Trần Danh Án soạn 17 chương (mỗi chương tương đương với một bài ca dao), Ngô Hạo Phu 4 chương; và tổng số ca dao của tập sách là 68 bài. Vậy phần của Trần Doãn Giác khoảng 2/3. Chính ông đã đi khắp đó đây để tìm "những câu ca dao nơi xóm ngõ, những khúc hát chốn cửa đình" ghi lại, chú giải và đặt tên cho tập sách là Nam phong giải trào.

Về văn bản, hiện nay có 4 bản khác nhau:

- Nam phong giải trào do nhà xuất bản Liễu văn đường khắc in mùa đông năm Duy Tân, Canh Tuất, 1910.
- Nam phong giải trào tiểu dẫn , chép tay, không đề tên người và thời gian chép.
- Nam phong nữ ngạn thi , chép tay, cũng không đề tên người và thời gian chép.
- Phần tạp chí trong sách Quốc phong thi tập hợp thái , do nhà xuất bản Quan văn đường khắc in, đầu mùa đông năm Duy Tân, Canh Tuất, 191013. Nam phong giải trào , sưu tập cuối đời Lê, đầu Nguyễn, nên có phần chắc chắn đã ghi lại một số lớn ca dao đời Lê. Ví dụ như câu:

Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô thị, có chùa Tam Thanh . có thể được sáng tác vào thời Lê - Mạc. Theo sách Bắc giang địa chí của Nhật Nham Trịnh Như Tấu: Khi xưa, các sứ thần đi sang phương Bắc hoặc các binh sĩ đi thú Lạng Sơn, Cao Bằng đều phải đi qua sông Thương. Người thân đưa đến tả ngạn sông này thì phải ly biệt. "Những cuộc tiễn biệt ấy để lại cho ta nhiều câu phong dao ai oán" và một trong những bài phong dao ấy là "Ai lên xứ Lạng ". Nếu so sánh bài ca dao này với một đoạn thơ chữ Nôm, trong trường ca Sứ tình tân truyện của Nguyễn Tôn Khuê (1692 -1766):

Kỳ Lừa cây rợp bóng êm
Cửa the nhà gấm vây thêm tư bề
Khách thương buôn bán đi về,
Cửa thông hai nước(14) , chợ lề sáu phiên. chúng ta càng tin chắc rằng cái phố Kỳ Lừa kia, đông vui, hấp dẫn lắm đến nỗi chàng trai đã "mảng vui quên hết lời em dặn dò" .

Tương tự, những câu:

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.
Nàng về nuôi cái cùng con
Cho anh đi trẩy nước non Cao Bằng. Phạm đình Hổ (1768 - 1839) trong Vũ Trung tùy bút , ghi là bài ca của vợ các lính thú làm khi chồng phải đi đánh trận trong chiến tranh Lê - Mạc ở Cao Bằng.
Bài

"Ðường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ" cùng loại với bài

Ðường lên Mường Lễ bao xa
Trăm bẩy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh . có thể phát xuất từ bài thơ chữ Hán, Lê Lợi làm năm 1429 khi đi đánh đèo Cát Hãn trở về, có câu "lời truyền ba trăm ngọn thác quanh co rất nguy hiểm" (trăm bẩy mươi + trăm ba mươi = ba trăm).

Một giai thoại khác nói về hai câu ca dao:

Lạnh lùng thay láng giềng ôi!
Láng giềng lạnh ít, sao tôi lạnh nhiều Trần Doãn Giác đã nghĩ đến tâm sự "người đàn bà góa, nhân trời rét mà làm bài ca này, đủ thấy sự khổ sở của việc giữ tiết hạnh" , chúng ta cũng có thể liên tưởng đến Nhất Linh, khi viết Lạnh lùng , có thể nhà văn đã "cảm" hai chữ "lạnh lùng" ấy trong ca dao Việt. Ca dao, dù là sáng tác của cá nhân hay tập thể, ở bất cứ thời đại nào, gần gũi với đại đa số quần chúng, là nguồn tư liệu phong phú về lịch sử, xã hội, và là sản phẩm tinh thần của cả dân tộc.

Paris tháng 1/1991
Chú thích:
(1) Tử: Người con trai; khâm: bâu áo, cổ áo.
(2) Ðây là bài ca dao, phong tục số 17 của nước Trịnh (Trịnh phong 17), và là bài thứ 91 trong Kinh Thi (Kinh Thi, NXB Văn Học, Hà Nội, trang 410-412).
(3) Xem Nguồn gốc và lịch sử tuồng chèo Việt Nam của Trần Quốc Vượng và Ðinh Xuân Lâm (Tạp Chí Văn Học, tháng 4 - 1966).
(4) Ðại Việt sử ký toàn thư , tập I và II. Bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697), nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983.
(5) Theo bản dịch Trần Lê Sáng (chú thích ÐVSKTT).
(6) Bài ca của sư Khuông Việt tiễn Lý Giác được ghi trong hai tài liệu cổ là Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư và Thiền Uyển Tập Anh . Bản của ÐVSKTT không có tên. Chúng tôi theo nhan đề Vương Lang Quy ghi trong Tἢ>?? điển Văn học , bài viết của giáo sư Nguyễn Huệ Chi (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1983). Một mặt khác, theo giáo sư Hoàng Văn Lâu trong bài Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm , in năm 1983, thì trong Thiền Uyển Tập Anh , bản in năm 1859, đời Tự Ðức, bài ca ấy có tên là Vương Lang Quy ; nhưng trong Thiền Uyển Tập Anh , bản in năm 1715, đời Lê Dụ Tông, bài ca ấy lại có tên là Ngọc Lan Quy . Vậy giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã theo bản in đời Tự Ðức. Theo giáo sư Hoàng Văn Lâu thì bài ca của sư Khuông Việt có nhiều chỗ giống một điệu từ đời nhà Tống tên là Nguyễn Lan Quy .
Trong sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1988), giáo sư Hà Văn Tấn cũng xác nhận Ngọc Lan Quy là tác phẩm thơ chữ Hán sớm nhất của nước ta.

(7) Xem Thơ văn Lý Trần , tập I, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977.
(8) Bản dịch của ÐVSKTT.

(9) ÐVSKTT, tập II, trang 45.
(10) Theo Tân Ðính Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh (do Bùi Văn Nguyên dịch thuật, chú thích, dẫn nhập, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993), thì Ðiểm Bích, tên là Vân Bích, cung phi thứ ba của Trần Anh Tông, còn gọi là Tam Nương. Mẹ Tam Nương là Tào Thị, tên là Vân Thoa, bị một chàng trai hãm hiếp, sinh ra nàng. Bài thơ, nguyên văn chữ Hán:

Hạo hạo nguyệt quang ngưng thủy diện
Du du trúc ảnh lộng phong sinh
Nhiêu kiều thế giới phương phi cảnh
Tùng thi Mâu Ni đã bất tình. Bài thơ này khá giống với phong cách phóng khoáng của Huyền Quang trong nhiều bài thơ khác của ông. Chắc rằng Vân Bích tâu với vua về bài thơ chữ Hán này, còn bài dịch ra quốc âm của Vân Bích, hoặc của một tác giả khác được truyền tụng như sau:

Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngân sênh
Người hòa tươi tốt, cảnh hòa lạ.
Mâu Thích Ca nào thuở hữu tình. Bài dịch này không sát nguyên văn, có phần xuyên tạc để kết án Huyền Quang.
(chú thích của Bùi Văn Nguyên)

(11) ÐVSKTT, tập II, trang 89.
(12) Viết theo bài "Nam phong giải trào: Lịch sử văn bản và giá trị văn học dân gian " của Kiều Thu Hoạch, Tạp Chí Văn Học tháng 6 - 1978.
(13) Kiều Thu Hoạch phân tích rõ những điểm tương đồng và dị biệt của 4 văn bản nói trên.
(14) Biên giới hai nước Việt và Trung Quốc.
Cấu Trúc Thơ
Thay lời tựa
I. Nguồn gốc thi ca:
II. Những điều đã viết
III. Nhận diện thơ
IV. Thơ, văn xuôi và văn vần
V. Ẩn dụ trong thơ
VI. Ẩn dụ và hoán dụ
VII. Cấu trúc hình thức thi ca
VIII. Nguyên lý song song
IX. Phân tích bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu
X. Dòng mạch siêu thực trong thơ hiện đại
XI. Khuynh hướng mở đầu
XII. Sáng Tạo
XIII. Thơ tự do
XIV. Thơ văn xuôi
XV. Thơ Tạo Sinh