watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cấu Trúc Thơ-II. Những điều đã viết - tác giả Thụy Khuê Thụy Khuê

Thụy Khuê

II. Những điều đã viết

Tác giả: Thụy Khuê

Bài tiểu luận bằng quốc ngữ đầu tiên phân tích bản chất thơ có lẽ là bài "Thơ ta và thơ tây" của Phạm Quỳnh, xuất hiện năm 1917 trên Nam Phong Tạp Chí. Phạm Quỳnh đưa ra một định nghĩa rất đơn giản về thơ: "Ta coi thơ tức là vẽ, và vẽ tức là thơ; thơ là vẽ bằng lời, bằng thanh âm, vẽ là thơ bằng hình, bằng màu sắc [...].
Muốn làm bài thơ, trong trí phải tưởng tượng ra một cái cảnh, hoặc là cảnh thiên nhiên, hoặc là cảnh trong tâm giới, rồi dùng những âm hưởng thích đáng mà gọi, mà kêu nó lên, khiến cho người nghe cũng phải tưởng tượng như thế. Hai đàng cùng là vẽ cả, một đàng là vẽ cách trực tiếp, một đàng là vẽ cách gián tiếp, nhưng đều là muốn khêu gợi ra một mối tư tưởng cảm tình trong tâm trí người ta vậy."
Khó mà tìm một định nghĩa rõ ràng và ngắn gọn hơn,vừa nói lên mối tương quan giữa thi và họa, vừa xác định những yếu tính của thơ: dùng ngôn ngữ làm chất liệu để tạo hình (thiên nhiên hoặc tâm cảnh), khêu gợi cảm tình trong tâm trí người đọc.
Những điều ấy, Phạm Quỳnh viết chơi "nhân đọc sách "Cổ xúy nguyên âm " của ông Nguyễn Ðông Châu(1) mà chạnh nghĩ ra những ý kiến ngổn ngang như thế, nghĩ làm sao viết ra làm vậy, đâu dám tự phụ xướng ra một lý thuyết mới về thơ tây với thơ ta".
Năm 1917, Phạm Quỳnh 25 tuổi.
Trong Nhà Văn Hiện Ðại (1942), Vũ Ngọc Phan có giới thiệu cuốn Chương Dân Thi Thoại của Phan Khôi, in năm 1936 tại Huế. Theo nhận định của Vũ Ngọc Phan thì đây là cuốn sách biên tập và bình thơ có giá trị. Hoàng Văn Chí trong Trăm Hoa Ðua Nởû Trên Ðất Bắc (1959) cho rằng Chương Dân Thi Thoại còn có tên là Nam Âm Thi Thoại, in khoảng 1930 tại Hà Nội, đến năm 1936 in lại, đổi tên là Chương Dân Thị Thoại . Chương Dân là bút hiệu khác của Phan Khôi. Vậy Nam Âm Thi Thoại có thể xem như là cuốn sách bình thơ đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ.

*

Hàn Mặc Tử trong thư viết cho Hoàng Trọng Miên tháng 6 năm 1939 (in lại trong tập Chơi giữa mùa trăng ) đề ra quan niệm về thơ dựa trên thánh chúa: "Ðức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương, để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa (...). Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là "thiên thần và loài người" ra, Ðức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài Thi Sĩ (...). Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng, không có lấy một người hiểu mình (...).
Thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thỉ, vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt (...). Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt (...).
Tôi làm thơ?
Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng."
Quan niệm huyền diệu về thơ trên đây của Hàn Mặc Tử tuy không chủ xướng một lý thuyết về thơ, nhưng đã phản ảnh chân thành tâm hồn và động cơ sáng tác của thi sĩ, đồng thời nói lên mối tương quan giữa thi nhân và trời đất, giữa thơ và nhạc, thơ và các ngành nghệ thuật khác.

*

Trong Nhà Văn Hiện Ðại , tập III (1942), Vũ Ngọc Phan dành riêng phần VI để viết về một số nhà thơ trong phong trào Thơ Mới.
Trong Thi nhân Việt Nam (1941) Hoài Thanh và Hoài Chân làm ba công việc: lựa chọn các nhà thơ đưa vào tuyển tập, bình thơ và viết tổng quan tình hình thi ca những năm 40: thuật lại những trào lưu và biến chuyển tư tưởng cùng ảnh hưởng thi ca Tây phương trong thơ mới. Tác phẩm của Hoài Thanh - Hoài Chân có giá trị văn học sử, phê bình và tuyển chọn giúp người đọc biết rõ tình hình thơ ca những năm 40 và cảm nhận cái hay trong mỗi tác giả.

*

Năm 1941, nhóm Xuân Thu Nhã Tập (2) -Nguyễn Ðỗ Cung, Phạm văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Ðoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Xuân Khoát- dưới lối trình bầy đôi khi bí hiểm, đưa ra một số lý thuyết mới mẻ về thơ, họa và nhạc, tìm mối tương quan mật thiết giữa ba ngành nghệ thuật và xác định một triết lý thi ca nằm trong tinh thần chữ Ðạo của Ðông phương.
Bằng lập luận có hệ thống, phát xuất từ nền tảng tư tưởng Tây phương: tự do hưởng thụ, đề cao vai trò của giác quan (trước khi dùng những phương thức lý trí, có ý thức, có hệ thống để phán đoán (...) chúng ta đã chịu sức quyến rũ của mùi thơm) , và cá nhân chủ nghĩa: (thơ chỉ là một sự nhớ lại, một cuộc trở về của thi sĩ trong cái tôi của mình nằm trong sự vật); nhóm Xuân Thu Nhã Tập phủ nhận tư tưởng Tây phương để quay về với triết lý Ðông phương. Ðoàn Phú Tứ từ bỏ cái "tôi" hẹp hòi của Tây phương để bước sang cái "ta" Ðông phương, với hy vọng tìm ra chân lý trong cái "ta" vô cùng vô tận:
"Tôi đã thu trọn trong kén, như con tằm tự vương mãi dây oan", "Ta là tất cả, vì tất cả đã bừng sáng trong ta", "Thoát cái tôi dày đặc, tối tăm, ta đã sáng suốt vươn tới cõi vô cùng bằng Tình Yêu, bằng Thơ, bằng Tin Tưởng" . Cái "ta" của Ðoàn Phú Tứ, nhìn một cách nào đó, là tính cách đa ngã và vô ngã trong thơ hiện đại (chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này). Theo lập luận đó, từ cái "ta" lồng lộng đẹp vô cùng ấy nẩy sinh "Cái Ðẹp" và "Sự Thật", hai yếu tố căn bản cấu tạo nên Thơ. "Thơ là một cái gì không giải thích được ... Nó tràn sóng sang người đọc, được rung động theo nhịp điệu của Tuyệt Ðối ... Ta là chiếc đàn muôn dây, rung theo nhịp điệu của vô cùng, và trên cánh nhạc, ta cảm thông với sự thật của Trời Ðất, sự thật tuyệt đối".
Vậy Thơ là Ðạo và Xuân Thu Nhã Tập vẽ cái vòng:
Cách trình bày có vẻ kỳ bí trên đây chỉ giãi bầy một lập thuyết đơn giản và chính xác: Ðạo là căn bản phát sinh ra Âm Dương trong tạo vật. Nhà thơ khi sáng tạo, hòa mình với vạn vật và chỉ trong cõi tạo vật huyền đồng mới có thể có Rung Ðộng . Mọi Rung Ðộng thể hiện nên Thơ . Do đó Thơ là con đường dẫn đến Ðạo và Ðạo lại nẩy sinh Âm Dương ... Quỹ đạo tròn ấy là vòng tương sinh trong Xuân Thu Nhã Tập.
Phủ nhận tư tưởng Tây phương chỉ là một cách nói, vì nghiệm cho cùng triết lý Ðông Tây có nhiều chỗ gặp nhau: Lập thuyết "Ðạo là nguồn gốc sự vậ t" và thuyết "tương đối "của Trang Tử không xa lập thuyết "Bản thể là nguồn gốc sự vật " của Parménide và thuyết "vạn vật biến đổi " của Héraclite. Sau này Nietszche chủ trương xóa bỏ bản thể, quên bản thể lại càng gần với thuyết "tạo vật huyền đồng " của Trang Tử hơn nữa.
Vậy cái Tôi Tây phương, đẩy đến cùng, chính là bản thể của sự vật, phần tinh khiết sâu kín nhất và cũng là cái Ta Ðông phương, nói theo Trang Tử, là "tính tự nhiên " hay Ðạo trong vạn vật. Hành động theo cái tôi, trong trường hợp đó là hành động theo "tính tự nhiên " hay thể hiện "tự do tuyệt đối " trong con người.
Ði tiên phong trong việc đổi mới tư tưởng và mở rộng thi ca, Xuân Thu Nhã Tập muốn đề xướng quan niệm tự do tuyệt đối trong sáng tác , phát xuất từ triết lý cả Ðông lẫn Tây. Phân biệt giá trị giữa văn và thơ: văn nói lên phần ý thức (conscient) minh bạch và sáng sủa, trong khi thơ thể hiện phần vô thức (inconscient) u uẩn và huyền diệu trong tâm hồn con người. Nhưng tính cách siêu thực trong thơ của họ quá mới đối với thập niên 40 ở Việt Nam, và sau 45 gặp phải bức tường ngăn cản của Cách mạng, vì thế cho đến nay không mấy ai nhận định đúng mức giá trị của Xuân Thu Nhã Tập.

*

Năm 1949, Nguyễn đình Thi viết bài "M ấy ý nghĩ về thơ "(3), một tiểu luận sâu sắc và cô đọng. Ông quy định bản chất thi ca: "Mưa phùn buổi chiều gợi những câu thơ nào nhớ nhung, nhưng chính nỗi nhớ nhung gặp buổi chiều mưa mà muốn thì thầm những câu thơ chưa thành hình rõ [...] Tâm hồn chúng ta có một rung động thơ khi nó ra khỏi tình trạng bình thường [...]. Làm thơ, ấy là dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời nói -tức là chữ- để thể hiện một trạng thái tâm lý đang rung chuyển mạnh mẽ khác thường [...]. Ðiều kỳ diệu ở thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên cho mọi sự vật bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến chung quanh nó một vùng ánh sáng rung động... Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy."
Nguyễn đình Thi trình bầy sự khác biệt giữa văn và thơ, những nguyên nhân khiến nghệ sĩ sáng tác và tác dụng tình cảm của thi ca, nghệ thuật tạo hình, tâm trạng và rung động của nhà thơ, cảm hứng của thi nhân, khả năng truyền cảm của thi ca trong đời sống tâm hồn.
Bài tiểu luận ngắn Nguyễn đình Thi viết lúc 25 tuổi bàn đến nhiều vấn đề, không đi sâu, nhưng rõ ràng, khúc triết và đưa ra những nhận xét sắc bén giúp người đọc có một ý niệm tổng quát về thi ca.

*

Nếu Nguyễn đình Thi, Văn Cao, ... là những người khai phá thơ tự do sau 45, thì từ 1956, Thanh Tâm Tuyền là người xây dựng cho thơ tự do một nội dung hành trang tư tưởng trên tâm thức con người và phong cách thể hiện nghệ thuật. Từ chối quan niệm thi nhân và thi ca cổ điển, Thanh Tâm Tuyền viết: "Vần của nó (thơ tự do) là vần ẩn giấu cách xa (có thể đi tới khác âm, nghịch thanh), nhịp điệu của nó ... là một thứ nhịp điệu rộng rãi, phức tạp ở một trình độ nghệ thuật cao hơn đối với thứ nhịp điệu đơn giản rút gọn ...
... là sự thể hiện nhịp điệu của ý thức, hơn bao giờ hết người ta sẽ thấy các nhà thơ hôm nay là những ý thức muốn biểu diễn bằng thi ca ..... Những người làm thơ hôm nay không muốn làm thi nhân, muốn làm một người hèn mọn kiêu hãnh, cố gắng tách lìa mọi người để gặp được hiện tại tầm thường. Họ muốn nhìn thực tế bằng con mắt trợn tròn căng thẳng phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn không che đậy...... Họ không gọi thơ là Nàng Thơ nên họ không sợ thơ biết đau ...... Người ta lạc vào cái thế giới có những đêm tối nghẹn ngào, những ánh sáng lộ liễu, những bệnh viện lạnh lẽo, những nấm mồ hoang vu ...... Cái tâm hồn hôm nay chịu sự vùi dập bởi những khốn nạn tang thương đòi giải phóng ngay chính ở hiện tại...... Chúng tôi cho các người vĩnh viễn, hãy nhường cho chúng tôi hiện tại ...... Người làm thơ hôm nay chỉ là tên ăn mày -lẫn giữa đám khốn cùng- với một mẩu tự do sót lại."
(Nỗi buồn trong thơ hôm nay, 1956, in lại trên VĂN, số đặc biệt Thanh Tâm Tuyền tháng 10/1972)
Trong lập luận ngôn ngữ cũng như trong sáng tạo thi ca, Thanh Tâm Tuyền mở sinh lộ cho thơ mới đã bế tắc, vào một nội giới trăn trở, khó khăn, khúc mắc, xót xa, đa diện và cô đơn của con người công nghiệp thập kỷ 50. Thanh Tâm Tuyền được coi như người khai sinh ra phong trào thơ tự do ở miền Nam sau 54.


*

Trong Lược Khảo Văn Học (3 tập) của Nguyễn văn Trung, tập II, Nam Sơn xuất bản năm 1965, phần Ngôn ngữ văn chương chuyên về thơ, Nguyễn Văn Trung giới thiệu quan niệm của ba lý thuyết gia: Valéry, Breton, Sartre và trình bầy lập thuyết của Xuân Thu Nhã Tập. Với chủ đích khảo sát ranh giới giữa văn vần và văn xuôi, tác phẩm cho độc giả cái nhìn khái quát về bản chất và sự hình thành ngôn ngữ thơ: tương quan giữa cấu trúc hình thức và rung động tâm linh. Khảo luận của Nguyễn văn Trung mở cửa cho người đọc những khuynh hướng cận đại về phê bình và lý luận văn học, từ đó có một điểm tựa để cảm nhận văn chương nói chung, và thơ nói riêng.

*

Năm 1973, báo Văn (Sàigòn) in ba bài biên khảo về thi học của Ðặng Tiến: Thơ là gì? Thơ hay và văn hay. Thơ với người xưa .
Dựa vào những khám phá mới của Tây phương trong thế kỷ này, qua môn ngữ học từ de Saussure đến Jakobson và nhân chủng học từ Sapir đến Lévi Strauss, Ðặng Tiến hòa hợp với tư tưởng cổ điển Ðông phương để giải đáp một số vấn đề cốt yếu của thi học:
1. Thơ khác ngôn ngữ nói chung ra sao? Ngôn ngữ nói chung là phương tiện để truyền đạt tin tức. Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh: Nói là nói cái gì. Còn làm thơ là nói để được cái thú nghe lời mình nói. Yêu thơ là yêu những lời nói đẹp.
2. Sự khác biệt giữa văn và thơ: "Trong văn xuôi, lời là phương tiện của ý. Trong thơ, ý là phương tiện của lời" . Tuy nhiên "trên phương diện thực tế, văn và thơ vẫn giao thoa. Thơ là một bộ môn của văn chương, cho nên trong thơ lúc nào cũng phải có văn, nhưng ngược lại, trong văn, thỉnh thoảng mới có thơ. Khi một nhà văn chọn một chữ hay một hình ảnh, không phải vì nó chính xác, mà vì nó đẹp, thì nhà văn đã làm cái việc của nhà thơ".
3. Thơ là ngôn ngữ nghịch với lẽ thường : Vầng trăng làm sao ai xẻ làm đôi được? Nhưng "thi sĩ là kẻ phá vỡ tương quan của ý tưởng và thay thế vào đó tương quan của từ ngữ."
4. Trình bầy những quan niệm của người xưa về thi ca: Ði từ "thi ngôn chí" trong đạo Nho, được xem như nguồn gốc thi học Á đông, đến các quan niệm khác lần lượt xuất hiện sau này như "văn dĩ tải đạo" của Trình Chu, "thi lục tình" , của các nhà thơ vụ tình cảm.
Ðây là những bài tiểu luận có tính cách tìm tòi. Ðặng Tiến phân tích và giải thích một số vấn đề cụ thể trong thơ, giúp độc giả hiểu và thưởng thức thơ, phân biệt thế nào là văn và thơ, thơ hay và văn hay.


*

Năm 1987, xuất hiện cuốn Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Phan Cảnh do nhà xuất bản Ðại học và giáo dục chuyên nghiệp phát hành tại Hà Nội. Ðây là tác phẩm biên khảo về thơ hoàn chỉnh và nghiêm túc nhất từ trước đến giờ. Nguyễn Phan Cảnh dùng những lý thuyết về ngữ học hiện đại (Jakobson) để phân tích hình thức và nội dung thi ca, khu biệt văn với thơ. Tác phẩm có tính cách nghiên cứu chuyên môn cho nên khó đến với độc giả trung bình.

*

Ở hải ngoại, gần đây, Nguyễn Hưng Quốc viết hai cuốn tiểu luận "Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam " (Quê Mẹ - Paris, 1988) và "Nghĩ về thơ " (Văn Nghệ - California, 1990).
Nguyễn Hưng Quốc bình thơ, và đưa ra những nhận xét, những định nghĩa của anh về thơ, về cảm xúc thơ, cấu trúc bài thơ, tứ thơ, ngôn ngữ thơ, thơ và văn xuôi, v.v...
"Gió vẫn có đấy chứ, quen thuộc lắm mà, từ bao nhiêu đời rồi, nhưng phải đợi đến lúc nhà thơ ra đời, nghiêng mình làm lá, gió mới cất thành tiếng reo. [...]. Nhà thơ có sáng tạo được gì đâu? Hắn chỉ làm lá reo để đón gió, là hồ im để đón trăng, là cỏ ngửa mặt để chờ sương. Hắn nắm bắt và giữ lại cho đời những chất thơ kín đáo nhất, mong manh nhất thoáng qua nhất."
"Nhà thơ lớn là những hạt muối. Hạt muối nhỏ nhưng chất chứa dồn nén trong mình tất cả những vị mặn chát của đại dương.
Nhà thơ lớn là những chiếc lá ngô đồng. Chiếc lá nhỏ hanh hao, bay bay trong gió thoi thóp biết mấy nhưng lại mang trong mình tất cả tín hiệu của một mùa trời đất đang đi" (Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam, tr. 9 và 32) Hai tập tiểu luận của Nguyễn Hưng Quốc thiên về cảm tính, viết theo lối phóng bút, lời văn óng chuốt, lượt là, ít tính chất tìm tòi nghiên cứu và nhiều tính chất bay bướm.


*

Tìm thơ trong tiếng nói của Ðỗ Quý Toàn do Thanh Văn xuất bản năm 1992 tại California, Hoa Kỳ, là một tập tiệp ký (ghi chép nhanh), gồm những bài tùy bút ngắn rất lý thú ghi lại những cảm xúc khi đọc thơ, khi tìm thơ ... trong văn chương và trong tiếng nói. Tác giả không chỉ dừng lại ở phần cảm nhận mà còn đi sâu vào phân tích những cảm nhận ấy. Ðôi khi diễu cợt pha trò, đôi khi dậm chân suy nghĩ, đôi khi không ngần ngại chẻ sợi tóc làm tư ... Tác phẩm bắc cầu giữa phân tích khoa học và cảm nhận trực giác giữa thiền và thực -giữa quan niệm văn chương và hiện sinh đời sống-.
Paris tháng 2/1991
Chú thích:
(1) Phạm Quỳnh viết Thơ ta và thơ tây nhân dịp giới thiệu cuốn Cổ xúy nguyên âm của Ðông Châu Nguyễn Hữu Tiến, do Ðông Kinh ấn quán xuất bản, có lẽ là tập sách quốc ngữ đầu tiên về thơ. Sách chia làm 7 mục: 1- Thi, 2- Phú, 3- Kinh nghĩa, 4- Văn sách, 5- Ca từ, 6- Văn thư, 7- Ðối liễn. Năm 1917 mới in xong tập thứ nhất về thơ. Nội dung giảng về luật làm thơ và trích gần 100 bài thơ (Theo Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại). Có lẽ chỉ có một tập đầu vì không thấy ai nhắc đến những tập sau.
(2) Trích tài liệu in ronéo.
Năm 1991, nhà xuất bản Văn học (Hà Nội) đã in lại Xuân Thu Nhã Tập ; trong phần Bạt có bài phê bình rất giá trị (Ðọc Xuân Thu Nhã Tập II ) của Diệu Anh Ðinh Gia Trinh, đã đăng trên báo Thanh Nghị số 22 ngày 1 - 10 - 1942
(3) Trong tập Mấy vấn đề văn học , in lần thứ hai, 1958, nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội, in lại trong Tác phẩm mới , số 3, bộ mới, 1992.
Cấu Trúc Thơ
Thay lời tựa
I. Nguồn gốc thi ca:
II. Những điều đã viết
III. Nhận diện thơ
IV. Thơ, văn xuôi và văn vần
V. Ẩn dụ trong thơ
VI. Ẩn dụ và hoán dụ
VII. Cấu trúc hình thức thi ca
VIII. Nguyên lý song song
IX. Phân tích bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu
X. Dòng mạch siêu thực trong thơ hiện đại
XI. Khuynh hướng mở đầu
XII. Sáng Tạo
XIII. Thơ tự do
XIV. Thơ văn xuôi
XV. Thơ Tạo Sinh