watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Câu Chuyện Không Muốn Kể-Phần III - tác giả Tiền Giang Tiền Giang

Tiền Giang

Phần III

Tác giả: Tiền Giang

Vừa đặt chân sang bờ sông bên kia, bãi xe bỗng bốc cháy rực trời kèm theo nhiều tiếng nổ đinh tai.Lửa bén vào các xe quân sự chở đạn đã biến chỗ chúng tôi vừa rời khỏi trước đó không lâu thành địa ngục thật sự.Chưa hết,một chiến đấu cơ từ hướng Đông bay đến,sau khi lượn một vòng quan sát đã cắm đầu xuống ngay chỗ cầu phao.Khi nó ngóc lên,hai quả bom lớn đã biến khúc sông Ba có chiếc cầu phao thành Đồi Thịt Băm.Đòn đánh để ngăn truy binh đã làm vạ lây biết bao nhiêu người.Quá kinh hãi,chúng tôi cắm đầu chạy thục mạng vào khu rừng ven sông. Đã có rất nhiều người tập kết ở đó. Đa số họ nấn ná chưa đi vì còn chờ người thân bên kia sông. Nhưng khi cầu phao bị bom đánh sập, không còn ai dám ở lại nên cùng nhau kết đoàn chạy về hướng thành phố Tuy Hòa. Phía sau lửa vẫn cháy rực trời nhưng chúng tôi lại mò mẩm đi trong bóng đêm.Đột nhiên có ánh đèn pin quét qua kèm theo đó là những cặp mắt dò xét. Chúng tôi cứ đi và làm như không biết gì. Chợt có tiếng hô lớn buộc chúng tôi dừng lại. Những chiến binh lưng khoát vải dù, đầu đội mũ tai bèo xuất hiện. Họ kiểm tra từng người và giữ lại một số. Trong bóng tối, người ta cũng dễ dàng phân biệt đâu là dân thường, đâu là lính rã ngũ. Thật đơn giản. Giả như ta thò tay vào lồng bắt ếch chắc cũng không dễ bằng. Nhiều sĩ quan cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa đã không qua được tấm lưới này.
Muỗi bay từng đàn dày đặc. Vùng Sông Ba Hạ có giống muỗi đáng được đưa vào kỷ lục Guinness. Không những chúng to gấp nhiều lần đồng loại mà còn sở hữu chiếc vòi dài quá khổ và cứng như cây kim. Mặc mấy lớp áo cũng bị chúng xuyên thủng. Một đặc điểm nữa mà giống muỗi thường không có là vừa đậu xuống, chúng lập tức ấn chiếc kim nhọn vào da nạn nhân ngay, không có độ trễ như ta vẫn biết. Nhiều người bị muỗi đốt kêu lên oai oái. Cái khổ này chồng lên cái khổ kia. Giá như không có mặt ngày ấy mà chỉ nghe kể lại, chắc tôi không bao giờ tin. Để chống lại đoàn quân muỗi ác nghiệt, chúng tôi phải trang bị cho mình mỗi người một cành lá lớn để tự vệ. Mọi người vừa đi vừa đập muỗi liên tục. Tiếng lào xào nghe thật lạ tai!
Vốn quen tác phong nhà giáo, ngày đầu tiên đi di tản, tôi vẫn mang giày da và áo bỏ trong quần. Nhưng không đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tất cả đã phải thay đổi. Đôi giày được vất bỏ vào một góc xe. Thay vào đó là đôi dép lê. Những chiếc áo thun gần như thống trị suốt trên đường đi. Khi bắt đầu rời bỏ chiếc xe, không ai nghĩ đoạn đường sắp đến còn ghê gớm hơn sức tưởng tượng nhiều lần. Đi chưa được hai cây số, dép lê đứt quai, đế thì hả to như miệng cá mập. Tôi đành vứt bỏ và đi chân trần. Cứ tưởng sẽ đơn giản vì trước đây tôi vẫn thường thấy học sinh đi chân đất thăm ruộng hay đến trường.Không ngờ chỉ mới hơn trăm mét,tôi buộc phải dừng lại và kêu lên những tiếng thống khổ.Bàn chân vốn quen đi giày nên da rất mỏng, khi tiếp xúc với sỏi đá đau như bị tra tấn. Đường thì còn xa mù mịt mà tuyệt nhiên không có một thứ phương tiện gì để nhờ cậy. Tôi cảm thấy bị choáng vì ý nghĩ tuyệt lộ vừa thoáng qua trong đầu.Chẳng lẽ mình cũng phải nằm lại nơi rừng không mông quạnh này như bao con người kia hay sao?Ai đã từng xem những đàn thú rừng châu Phi di cư theo mùa chắc không thể nào quên được cảnh thương tâm của các cá thể bị bỏ lại vì thương tật hay sức cùng lực kiệt, cuối cùng phải chịu làm mồi cho hổ báo. Chúng nằm thở thoi thóp, đưa đôi mắt ướt nhìn theo bước chân bầy đàn một cách tuyệt vọng. Không!Tôi không đời nào chấp nhận một kết cục như vậy! Tôi còn quá trẻ, mới bước qua tuổi hai mươi chưa được bao lâu. Một trời hoài bão còn đang ấp ủ trong tim. Bài thơ tình mới chỉ viết khổ đầu làm sao tôi có thể buông bút? Ông cha ta thường nói “Cùng biến tắc thông”.Tôi chợt nhớ đến mấy bộ quần áo mang theo bên mình.Thế là tôi xé cả quần lẫn áo bó chặt lấy hai bàn chân giống các diễn viên cổ trang Hàn Quốc.Đôi giày dị hợm này đã phát huy tác dụng.Chân bớt đau,tôi vùng lên như một con linh dương đầu bò bị thương cố gắng chạy theo bầy đàn tìm đồng cỏ mới.


Trên đường đi,tôi thay giày liên tục. Cũng may là loại giày này cũng dễ tìm. Khi trời sáng,tôi thấy những túi xách quần áo vất ngổn ngang hai bên đường.Có lẽ chủ nhân của chúng đã thấm mệt và không còn thiết tha với những vật ngoại thân đó nữa.Tôi cố hết sức tránh để không bị vấp.Vì tiếng là có giày,nhưng hai đầu ngón chân cái đều đã tóe máu.Thịt cộng với vải thật ra chẳng ăn nhằm gì đối với những hòn đá tai ác nằm chắn giữa đường. Bốn mươi cây số đường bộ đó có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên.
Cuối cùng thì đồng bằng cũng hiện ra trước mắt.Con đường thẳng tắp chạy giữa đồng lúa xanh ngát. Hai bên là kênh dẫn nước trong vắt.Nhưng thật kỳ lạ,sao lại có những cụm khói bốc lên ngun ngút.Còn những đống đen gì nằm chắn cả lối đi thế kia?Định thần nhìn kỹ,chúng tôi cùng kêu lên thất thanh.Đó là xác những chiếc xe bị bắn cháy còn trơ lại khung sắt.Mùi khét xộc vào mũi.Và còn kia nữa!Ối cha mẹ ơi!Nhiều xác người nằm vắt hai bên đường.Có kẻ chết trong tư thế nửa trên bờ,nửa dưới nước.Trận phục kích vào lúc nửa đêm đã để lại một cảnh tượng kinh hoàng.Một vài người chưa chết hẳn nên tuy máu chảy đỏ cả đường vẫn nghe có tiếng rên rỉ đau đớn.Không ít hơn hai lần tôi đã khụy xuống nhưng rồi phải cố đứng lên.Vẫn là câu nói trong tận cùng sâu thẳm bảo tôi không được đầu hàng số phận.Sự sống chỉ kết thúc khi chúng ta chấp nhận cái chết.Tử Thần đã chọn điểm rơi trước và sau đoàn chúng tôi.Chậm hay sớm một chút,tất cả đều có thể đã chấm hết.Trong hòa bình,mạng người trân quý bao nhiêu thì với chiến tranh,nó trở nên rẻ rúng bấy nhiêu.Không phải con người vô tình nhưng vì sự kiện diễn ra nhanh quá,khốc liệt quá.Ai cũng chỉ lo đối phó với những cái phát sinh,còn hệ quả thì khắc phục thật chậm.
Đến Phú Lâm, cửa ngõ của Tuy Hòa, hai bàn chân phồng rộp và đau thấu xương nên tôi gần như phải nhờ vào sự giúp đỡ của đứa em trai và người bạn thân. Cũng may, sự lưu thông của Quốc Lộ số 1 chưa bị cắt đứt nên việc đón xe về Nha Trang khá dễ dàng. Chúng tôi như những con chim sợ cành cong. Trong đầu lúc nào cũng tồn tại một ý niệm là càng rời xa vùng có tiếng súng chừng nào càng tốt chừng nấy.Thật tình mà nói,vấn đề ý thức hệ lúc bấy giờ rất mờ nhạt trong tôi.Cái hiện hữu rõ nét nhất chẳng qua là bản năng sinh tồn.Chúng tôi không khác những miếng xốp trôi trên mặt biển,đến nơi nào là do con sóng quyết định.Hết Nha Trang đến Phan Rí,rồi từ Phan Rí đi Long Hải bằng thuyền.Cung đường nào cũng đầy gian khổ và chứng kiến những chuyện đau lòng.Cuối cùng thì Sài Gòn như một bờ đất mà sóng biển đã đánh những miếng xốp dạt vào đó và không trôi đi đâu được nữa.Nếu bảo chúng tôi như chuột chạy cùng sào thì cũng chẳng ngoa chút nào.Tiền bạc không có.Lương bổng đã bị cắt.Thôi thì cứ như cụ Tiên Điền đã từng than “Cũng liều nhắm mắt đưa chân- Thử xem con tạo xoay vần ra sao”, tôi nằm lì ở nhà người quen và không biết những gì xảy ra trong những ngày tiếp theo.Sài Gòn cũng có cảnh trực thăng bốc người di tản.Cảnh cướp bóc và hôi của cũng đã xảy ra trong lúc giao thời.Nhưng những điều đó không còn làm cho tôi quan tâm.Tôi chỉ mong cái gì phải đến, nếu không thay đổi được, thì hãy xảy ra thật lẹ.Thưở thiếu thời,khi chơi bài tây,tôi chúa ghét việc ngồi nặn thật lâu để biết đó là con bài gì.Sự chờ đợi bào mòn sức lực con người.Nhất là với kẻ đã mất hết tất cả và quá mệt mỏi sau một thời gian dài đối mặt với cái chết.
Nửa tháng sau, khi mọi việc đâu đã vào đó,qua sóng phát thanh,tôi nhận được tin giáo viên phải đến trình diện tại nhiệm sở cũ.Thế là tôi và đám bạn lại rủ nhau khăn gói quay về Pleiku.Lúc đi nặng nề vướng víu bao nhiêu thì ngày “qui cố hương” lại nhẹ nhàng và vô sản bấy nhiêu.Đồ đạc chẳng có gì cả.Toàn bộ đã được chôn vùi một cách không thương tiếc tại bờ sông Ba.Hành trang người nào cũng gọn nhẹ.Thôi thì người sống hơn đống vàng!Sau trận hồng thủy kinh khủng đó mà còn toàn mạng là quý lắm rồi.Biết bao nhiêu kẻ đã nằm xuống ở con đường số 7 đau thương và xui xẻo ấy mà không còn một dịp nào để đoàn tụ với gia đình.Họa trung hữu phúc.Chẳng phải sự sống là trân quý nhất hay sao?
Mấy năm trước,tôi có làm cuộc hành trình trở lại con đường đầy máu và nước mắt ấy bằng xe gắn máy cốt để xem có còn sót lại vết tích gì không?Giao thông giờ thông suốt hoàn toàn.Cảnh vật cũng đổi khác rất nhiều.Đường đã được trải nhựa nhưng lại hư hỏng vì chất lượng thi công không được tốt.Nhà thầu đã bỏ của chạy lấy người khi công trình vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp.Cua Tử thần đã không còn thấy nữa.Đường men theo tả ngạn sông Ba đi một mạch đến Tuy Hòa nên không phải vượt sông.Không ít chuyện lạ nhiều người truyền miệng với nhau về vùng đất này.Sau chiến tranh,chuyện nhặt được của quý thường xuyên xảy ra.Một nông dân phát hiện bộ xương trong bụi rậm.Động lòng trắc ẩn,anh ta van vái vong hồn người chết xin được tổ chức chôn cất cho tử tế.Khi nhặt bộ xương lên,bên dưới lộ ra một thùng đạn đại liên bên trong đầy ắp vàng lá hình ngọn núi.Từ đó,người nông dân giàu lên và xem ngôi mộ vô danh kia như người thân và thường xuyên nhang đèn cúng bái.Lại có câu chuyện một bé trai bị thất lạc cha mẹ,được gia đình người dân tộc Gia Rai cưu mang.Lớn lên,chàng thanh niên lấy một cô gái trong bộ tộc và hoàn toàn hòa nhập với cuộc sống mới.Nhưng rồi cội nguồn thôi thúc,anh chàng cầm tấm ảnh cũ mèm chụp cảnh đoàn tụ của gia đình ngày còn tấm bé mà người cha nuôi đã nhặt được trong bọc quần áo gần chỗ đứa bé nằm,ra thị xã Pleiku tìm người thân.Anh chàng kiên trì tìm hỏi hết người này đến người khác.Hết ngày này sang ngày khác.Và rồi,Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân,như một phép lạ,người thanh niên đã tìm được những người thân bị thất lạc suốt mười mấy năm trời.Chiến tranh tạo ra bao nhiêu nỗi đau nhưng thỉnh thoảng cũng bố thí cho con người vài kết cục có hậu.

Ba mươi lăm năm trôi qua,nếu có ai đó tình cờ trở lại Pleiku chắc hẳn sẽ ngạc nhiên khôn xiết.Phố Núi đã sắm cho mình chiếc áo mới diễm lệ và không quên đính thêm những hạt cườm lóng lánh qua hình ảnh hàng chục ngôi nhà cao tầng.Phố xá lẫn con người đang cố gắng đuổi kịp những đô thị phát triển khác.Tuy chưa phải giàu có,nhưng những cái gọi là cơ bản gần như tạm ổn.Phú quý sinh lễ nghĩa.Hội hè được tổ chức liên miên.Thời hàn vi,những mảnh đất vàng ở nội ô thường chuyển thành biệt thự hay nhà phố vì chúng có giá trị lớn. Ngày nay thì không phải vậy,nơi nào giải tỏa được lập tức chỗ đó biến thành công viên cây xanh,phục vụ lợi ích tập thể.Xe cộ đi lại dập dìu.Trong đó,không hiếm những phiên bản mới nhất của các hảng xe danh tiếng. Lịch sử rất ghét sự lặp lại. Nhưng giả như có một cuộc tháo chạy lần nữa thì dù có đến mười con Liên Tỉnh Lộ 7 cũng không thể nào chứa hết lượng xe hiện có. May mà điều đó chắc chẳng bao giờ lại xảy ra. Con người đã quên hết quá khứ, nhất là thứ quá khứ đau xót của chiến tranh. Những thế hệ 8x hay 9x không biết một chút gì về ngày ấy. Như thế lại hóa hay. Thượng Đế đã tạo ra con người với khuôn mặt đặt ở phía trước luôn trong tư thế bước tới.Ngoái đầu nhìn lại là điều bất đắc dĩ và chẳng hay ho gì. Vậy nên, dựa vào hồi ức của một “Lão nông tri điền”, ngồi viết lại những gì xảy ra ba mươi lăm năm về trước,tôi phải chọn tiêu đề: “CÂU CHUYỆN KHÔNG MUỐN KỂ ”!


Tháng 4 năm 2010
Tiền Giang
Câu Chuyện Không Muốn Kể
Phần I
Phần II
Phần III