Trần Huy Phụng
Hồi 3
Tác giả: Trần Huy Phụng
Hòa bình lập lại trên miền Bắc, đến năm 1957 nó trở thành Trưởng phòng Giáo dục Huyện. Bây giờ thì có nhiều người nhờ vả nó. Trước hết là ông chủ nhà mà nó đã ở nhờ khi còn tản cư. Ông nhờ nó giúp cho con ông tên là Mãnh tốt nghiệp cấp I. Ông cán bộ Ủy ban huyện cũng nhờ như vậy, rồi hàng chục trường hợp nhờ vả khác mà người nhờ thuộc đủ mọi thành phần từ Trưởng phòng Nông nghiệp, cán bộ thu mua, Phó phòng bưu điện v.v…còn các qúy tử thì óc đặc như cán mai, một tuần trốn học đi chơi ba bốn buổi. Vợ nó đã cảnh báo liệu mà làm kẻo rối thiên hạ họ kiện cho thì mất chức như chơi. Nhưng cái khó nó ló cái khôn, nó chợt nghĩ ra một mánh không tiền khoáng hậu Dựa vào phong trào thi đua nó đã mở một hội nghị gọi là Hội nghị “Thi đua dạy tốt, học tốt” mà các thành viên tham dự từ Hiệu trưởng đến giáo viên các cấp do nó quản lý. Tại Hội nghị này nó phát động thi đua và đề ra những chỉ tiêu cụ thể căn cứ vào số học sinh tiền tiến, số học sinh lên lớp hoặc số học sinh tốt nghiệp mà công nhận là giáo viên dạy giỏi, lớp tiền tiến, trường tiền tiến.
Kết quả của Hội nghị thật là quá sức mong đợi. Cuối năm học đó trường nào cũng đạt trên 90% tốt nghiệp, lớp nào cũng chỉ vài ba phần trăm lưu ban và cũng đã có vài ba lớp không có học sinh lưu ban. Những lớp này ngay tức khắc được tuyên dương toàn huyện.
Quả thật cái phong trào này làm cho “cả làng đều vui”, lãnh đạo huyện nở mày nở mặt, lãnh đạo tỉnh ngay tức khắc về thăm hỏi, động viên và hô hào cả tỉnh học tập, nó được rất nhiều người biết mặt, biết tên. Từ đó khắp nơi ùn ùn kéo về “học tập kinh nghiệm”. Cái chỉ tiêu thi đua kiểu “phần trăm” đó nhanh chóng lan ra toàn quốc. Thậm chí trong một số trường Đại học cũng đánh giá giáo viên theo kiểu “phần trăm” đó. Cũng có những ông bố, bà mẹ hơi băn khoăn “ quái thằng bé nhà mình là học sinh xuất sắc mà hỏi nó 7 cộng 3 là bao nhiêu mà nó cứ ngắc ngứ mãi, lật vở nó ra xem thấy bài tập toán nào cũng đúng cả, toàn điểm 9, điểm 10.!”. Cuối cùng các vị cũng chép miệng cho qua vì “chắc chắn nó không phải lưu ban, thế là tốt rồi” .
Cuối năm 1958 nó được Ty Giáo dục điều về làm trưởng phòng quản lý khối các trường Phổ thông và đến năm 1965 là Phó Trưởng Ty.
Dưới quyền nó bây giờ có 2 nhân vật được nó tin cậy, một tên là Trực, người địa phương, tốt nghiệp Trung cấp sư phạm từ năm 1956, về công tác tại phòng và sau 4 năm được giới thiệu đi học hàm thụ Đại học Sư phạm Toán . Người thứ hai chính là Mãnh, con ông chủ nhà mà nó ở nhờ hồi tản cư, cậu này đã được nó bảo lãnh cho lên cấp II đã nói ở trên. Còn sau đó nhờ phong trào thi đua cứ lên lớp đều đều. Rồi không hiểu bằng cách nào Mãnh chẳng những có bằng Đại học lại có cả bằng Thạc sĩ Nông nghiệp. Mãnh vốn công tác ở Hà nội rồi năm 1965 không hiểu sao người ta điều nó về Ty Giáo dục này. Nó về đúng lúc Hạ được đề bạt làm Phó Trưởng ty. Vớ được người quen biết cũ, lại là Thạc sĩ nên Hạ đã yêu cầu bố trí Mãnh làm cố vấn cho nó. Lúc này phong trào thi đua đã đi vào chiều sâu. Giáo viên nào có nhiều học sinh kém thì đừng hòng lên lương. Huyện nào có trường nhiều học sinh lưu ban hay tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn 90% thì lãnh đạo Huyện cảm thấy mình bị xúc phạm.