Cái … danh!
Tác giả: Trần Huy Thuận
“Danh” là tên (một người, một nhóm người,…); là danh hiệu hoặc chức tước của một ai đó. “Tên” mỗi người đều do cha mẹ hay ông bà chú bác đặt cho. Có “tên khai sinh”, “tên thường gọi”, “bí danh”, thậm chí khi chết rồi, còn được đặt cả “tên cúng cơm” nữa (để đề phòng “cô hồn” ăn tranh!).
“Tên khai sinh” và “tên thường gọi” thì ai cũng có và nhiều khi hai cái tên này là một. “Bí danh” thì chỉ các người làm chính trị thời bí mật mới có, người thường không ai đặt. Gần đây, mấy “xếp”có máu cặp bồ, muốn tránh bị vợ con phát hiện, cũng đặt bí danh cho “bồ nhí” của mình - Mấy phu nhân thấy chồng gọi điện thoại “báo cáo thủ trưởng…” hoặc “kính thưa đồng chí…”, cứ tưởng các xếp đang bàn chuyện công tác, hóa ra toàn “thủ-trưởng-bồ”, “đồng- chí-bẹo” cả!
“Danh hiệu” của giới trí thức (như giáo sư, tiến sĩ,…) thì do sự học mà có – “Học thật” là chính, nhưng “học giả” cũng không hiếm. “Học giả bằng giả” đã đáng lo, nhưng không lo bằng “Học giả mà bằng vẫn thật” (nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có lần thốt lên: “Nạn bằng giả không sợ bằng nạn bằng thật”)! Danh hiệu của giới doanh nhân (như “Sao vàng đất Việt”…), của các nghệ sĩ, các nhà giáo và thày thuốc (như “nghệ sĩ ưu tú”, “nhà giáo nhân dân”, “thấy thuốc nhân dân”…) là do nỗ lực phấn đấu trong công việc mà thành. Mà ai đó “ngại” phấn đấu “mất thời giờ”, thì cứ bỏ tiền ra mà mua. Tiền “đồng” không đủ mua, thì kiếm “đô la” mà mua. Cái “danh” thường phải đi liền với cái “giá”, “danh” nào, “giá” ấy – thế nên người đời mới thường nói “danh giá” chứ! Không tin ư? - Thiên hạ chả đã “mua” đầy ra cả rồi đấy sao. Ai đó nói “không biết”, thì chả hóa ra ngây thơ quá!
Người làm “nghề cầm bút”, cũng thường tự đặt cho mình một cái danh, gọi là “bút danh”. Bút danh thường thể hiện ý nguyện, tư tưởng (như Thợ Rèn, Sóng Hồng,…), hoặc một lối “chơi chữ” (Tú Mỡ, Muỗi Sài-gòn…), nhưng nhiều khi chỉ đơn thuần là một cái tên. Thời trẻ, mới tập tọng viết, tôi cũng có một bút danh. Thấy mấy tác giả nổi tiếng thời trước hay dùng cách “trẹo” tên kiểu “Thứ Lễ” thành “Thế Lữ”, “Khánh Giư” thành “Khái Hưng”,.. tôi cũng bắt chước, đặt là “Hân Thụy”. Hy vọng mình sẽ nổi tiếng trên văn đàn như các vị tiền bối kia! Bài thơ đầu tiên gửi đi, được Báo Tiền Phong đăng – đó là vào khoảng năm 1956, 1957 gì đó, khi ấy tôi gần bước sang tuổi hai mươi - lâu ngày quá, cũng không nhớ thật chính xác. Người biên tập có tên Mai Khang, viết thư động viên, mở đầu bằng câu: “Xem tên, không biết tác giả là nam hay nữ? Thôi cứ tạm gọi là anh, nếu có gì không phải, mong “anh” thông cảm”. Sướng điên lên! Một lúc có được hai cái sướng, một là có thơ đăng báo, hai là có thư của Tòa soạn khen ngợi động viên. Trường hợp như thế mà không sướng điện lên, có là người rừng, là gỗ đá! Không chỉ sướng mà còn hí hửng lắm: Phen này thành nhà thơ là cái chắc – mới gửi đi bài đầu tiên, đã được đăng mà lị!
Nhưng, rất tiếc, bài thơ được đăng báo đầu tiên, cũng là bài thơ đăng báo cuối cùng của tác giả… Hân Thụy! Sau này được tiếp xúc, va chạm nhiều với các đồng nghiệp, mới thấy, con đường thành danh của một kẻ làm văn chương cũng lắm nỗi truân chuyên. Thành danh trước hết phải do tài năng thực thụ, nhưng cũng không hoàn toàn thế, hoặc chỉ có thế. Chưa nói chuyện to tát, chỉ nói khi viết được một bài muốn được đăng báo, phải có cách, trừ phi đó là một tác phẩm thật sự xuất sắc hoặc tác giả vốn đã là một người nổi tiếng! Thì ra, các cụ nói rồi, “Viết – lách!” Viết mà không biết “lách”, thì muôn thuở cũng chả ai in. “Lách” có nhiều cách, cách thân quen, cách quà cáp tiền nong; lại có cả cách dùng “vốn tự có” của tác giả nữa cơ! Mặc dù từ rất xa xưa người ta đã khuyên nhủ: “Lập thân tối hạ thị văn chương” rồi đấy! Cái nghề tối hạ mà còn thế, vậy nghề thượng đẳng sẽ ra sao?!. Câu hỏi này thì đến giờ, ai cũng tự trả lời được.
“ Đừng thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào!”. Việc bắt chước các nhà văn tên tuổi trong việc dặt bút danh của tôi thế là thất bại thảm hại! Sau này, khi tham gia Hội Văn nghệ địa phương, được anh em hội viên lớp trước giảng cho: cái bút danh là thứ quan trọng lắm, đặt không khéo, nó ám vào số phận viết của mình ngay. Đấy, như bút danh Hân Thụy của cậu, đọc trại lại, thành “Thuy Hận”, nghe nó “hận” đời thế nào ấy. Làm sao mà thành danh cho được, thậm chí không khéo còn “thân bại danh liệt” ấy nữa chứ!.. Được phân tích như vậy, tuy trong lòng cho là mê tín dị đoan, nhưng cũng sợ … nên tôi quyết định từ bỏ cái bút danh “hận” thù ấy. Vậy đổi là gì cho dễ thành danh? Nghĩ mãi, sau chợt nhớ đến câu của người xưa: “Không thành danh cũng thành nhân”, tôi liền chọn đặt bút hiệu của mình là “Mai Thành Nhân”, tức là quyết tâm, mai kia nếu không thành Danh, cũng sẽ thành Nhân!
Bây giờ già rồi ngẫm lại, “thành Danh” khó thật, nhưng “thành Người” còn khó khăn hơn gấp vạn lần. Khối kẻ danh tiếng cũng không phải loại vừa, vậy mà đời có coi ra gì đâu? (Thời nay có khi thành “chuột”, thành “sâu mọt” lại dễ. Tại sao ư? Xin thưa: Tại phiên khai mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, ngày 21/11/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói “Ở Việt Nam, không muốn tham nhũng vẫn phải động lòng tham”! Một tháng sau, tại cuộc “họp giao ban quận huyện” sáng 25/12/2009, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lại nói: "Cơ chế có những sơ hở khiến nhiều người giàu bất thường, họ có quyền lực nên người khác cứ đưa hối lộ cho dù họ không đòi" – Vậy rõ ràng với bối cảnh như thế, làm “quan thanh liêm” khó hơn làm “quan tham” là gì? Mà xưa nay, bọn quan tham vẫn được dân ta gọi là “chuột”, là “sâu mọt” đấy thôi!).
Cũng xin nói thêm, có một học giả giải thích: Trong câu “Không thành danh cũng thành nhân”, “Nhân không phải là ...người (人), mà là nhân đức ” (仁). Nếu như vậy, “thành nhân” càng trở nên không đơn giản chút nào!).
Chữ DANH ở đời – trừ cái tên bố mẹ đặt cho, ngẫm đều là những thứ “bả” làm mê hoặc loài người, hết thế hệ này sang thế hệ khác. Đến như Nguyễn Công Trứ cũng còn nói: “Đã sinh ra ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông!”. Nói chung người ta đều ham hố và chết vì Danh và Lợi (mà hai thứ này lại thường câu kết rất chặt với nhau – có danh ắt có lợi, muốn có lợi phải có danh!). Nhưng ở đời cũng công bằng lắm, có “thực danh” và có cả “hư danh”, danh “hão”! Thực danh thì được người đời trân trọng, khắc vào đá, khắc vào tâm – vì đó là “danh thơm”. Hư danh thì sớm muộn cũng về chốn hư không. Cũng cần ghi nhớ rằng, chữ danh thường gắn với chữ “phận”. Người có danh cũng không nên lấy thế mà “lên mặt”, coi thiên hạ như cái rơm cái rác. Kẻ không thành danh cũng không vì thế mà bận tâm, nản chí.
Những điều nói trên thật là đơn giản, Vậy mà hầu như chỉ đến khi gần “kề miệng lỗ”, chuẩn bị sang “thế giới bên kia”, có người mới chợt nhận ra đó là chân lý!