watch sexy videos at nza-vids!
Truyện NAM HOA KINH-HỌC THUYẾT CỦA TRANG TỬ - tác giả Trang Tử Trang Tử

Trang Tử

HỌC THUYẾT CỦA TRANG TỬ

Tác giả: Trang Tử

IV. HỌC THUYẾT CỦA TRANG TỬ:

A. Đạo và Đức:
Triết học của Trang tử cùng với Lão tử có nhiều điểm không đồng, nhưng rất đồng về quan niệm Đạo và Đức.
Bàn về Đạo, sách Trang tử ở thiên Trí- Bắc- Du có giải rất rõ ràng:
" Đông- Quách- Tử hỏi Trang tử:
Cái gọi là Đạo ở đâu?
Không có chỗ nào là không có Nó.
Xin chỉ ra mới được!
Trong con kiến.
Thấp hơn nữa!
Trong cọng cỏ.
Thấp hơn nữa!
Trong miếng sành vỡ.
Thấp hơn nữa!
Trong cục phân.
Đông- Quách- Tử không hỏi nữa.
Trang tử nói:" Lời hỏi của ông, không đi đến đâu cả. Nó giống cách người giám thị dùng để trị dùng để trị giá heo: mỗi lần đạp trên lưng heo là mỗi lần ấn mạnh cẳng xuống thêm. Ông đừng có chỉ hẳn vào một vật nào có Nó, vì không có vật nào là không có Nó. Đạo là thế, mà lời nói cao cả cũng thế. Như ba tiếng nầy:" đều", " cùng", " cả thảy" tuy danh từ gọi có khác, mà tựu trung đều hàm cùng một ý."
***
Đạo là Nguyên- Lý tuyệt đối sinh ra Trời Đất Vạn- vật. Cho nên hễ có Vật, tức là có Đạo, nghĩa là" không có chỗ nào là không có Đạo".
***
Thiên Đại- Tông- Sư nói:" Kìa Đạo thì có tình, có tin, không làm, không hiện, có thể nhận được mà không thể thấy được. Đạo thì tự bản tự căn, khi chưa có Trời Đất vốn đã tồn tại từ xưa. Nó làm ra các đấng thiêng liêng qủy thần, cùng Thượng đế; Nó sinh ra Trời, Đất; Nó ở trước Thái Cực mà không xem là cao, ở dưới lục- cực mà chẳng thấy là sâu; Nó sinh trước Trời Đất mà chẳng gọi là lâu, dài hơn Thượng Cổ mà chẳng gọi là già". (Phù Đạo hữu tình, hữu tín, vô vi vô hình; khả truyền nhi bất khả thụ, khả đắc nhi bất khả kiến; tự bản tự căn, vị hữu thiên địa, tự cổ dĩ cố tồn; thần quỷ thần đề, sinh thiên sinh địa, tại thái cực chi tiên nhi bất vi cao, tại lục cực nhi hạ chi bất vi thâm, tiên thiên địa sinh nhi bất vi cửu, trường ứ thượng cổ nhi bất vi lão)
Đạo là Nguyên- lý sinh ra Trời Đất Vạn- Vật nên gọi là" tự bản tự căn", nghĩa là tự mình là gốc, là rễ của mình, chứ không phải do một gốc hay một rễ nào khác ngoài mình tạo ra. Đạo cũng là" vô thủy vô chung", " thường tồn bất biến" và vạn vật dựa vào đó mà sinh sinh không dừng vậy.
***
Đạo, như ta đã thấy, biểu- hiện nơi vạn sự vạn vật, bởi vậy, không sự vật nào là không có cái tính" tự sinh", " tự trưởng", " tự hủy", " tự diệt" của nó. Như thế, ta có thể nói rằng sự" tự sinh, tự trưởng, tự hủy, tự diệt" của vạn- sự vạn vật chính là những hành động" tự vi, tự hóa" của mỗi sự vật trong đời, mà ta cũng có thể gọi đó là" chỗ tác- vi của Đạo" mà không sai, vì" không có vật nào là không có Đạo" ở trong cả. Hai chữ" tự- hóa" của Trang, chính là thuyết" vô- vi nhi vô bất vi" của Lão tử.
***
Còn quan niệm về chữ Đức của Trang tử như thế nào?
Thiên Thiên- Địa có nói:" Thuở thái- sơ của Trời Đất thì đã có cái Vô. Cái Vô ấy không có tên, và là nơi phát sinh ra cái Một, nhưng cái Một ấy cũng chưa có hình. Khi mà vạn vật" được cái Một ấy (2) cái đó gọi là Đức". " Thái sơ hữu Vô, Vô hữu Vô danh. Nhất chi sở khởi, hữu Nhất nhi vị hình. Vật đắc dĩ sinh, vị chi Đức."
Trong câu" thái sơ hữu Vô", chữ Vô đây là chỉ về Đạo. Câu" nhất chi sở khởi" của Trang tử " Vô là chỗ phát sinh ra cái Một" thì đồng với câu" Đạo sinh Nhất" của Lão tử trong Đạo- Đức- Kinh. Còn Đức tức là chỗ mà "vật đắc dĩ sinh" (vật nhận được mà sống) . Cho nên mới nói" Đức là chỗ" tự đắc của con người". " Tự đắc" là tự mình đã được của Tạo Hóa, của Tự- nhiên, của Đạo (3) . Hay nói một cách khác: Đức là cái Đạo biểu hiện nơi mỗi người mỗi vật, là những năng khiếu tự nhiên, không vậy không được, của mọi sự vật trên đời.
Đạo và Đức, tuy danh từ dùng để gọi có khác, nhưng vẫn là một. Có kẻ đã ví Đạo như nước. Nước là sông, biển, ao, hồ… cũng như ở bầu tròn, ống thẳng, dù có hình thức động tịnh khác nhau, nhưng đâu đâu cũng là nước cả.
***
B. Thuyết Thiên- Quân:
Trang tử, trong thiên Tề- Vật- Luận, dùng hai chữ Thiên- Quân để chỉ cái tác dụng của Đạo, là có ý chỉ cho ta thấy nó là một thứ triết học biến động nghĩa là" vận hành bất tức"
" Quân" là cái bánh xe quay tròn mà người thợ nung dùng để chế tạo những đồ vật có hình tròn. Chữ" Thiên- Quân" lại có chỗ viết là có ý nói về sự quân- bình, tùy cái bánh xe lưu chuyển, vòng bán kính của bánh xe bao giờ cũng bằng nhau, tự nhiên luôn luôn vẫn quân bình. ở thiên Ngụ- Ngôn có nói:" Vạn vật đều là một giống cả, không cùng hình mà thay nhau, trước sau như những cái vòng tròn, không thể phân biệt luân loại. Nên gọi là Thiên- quân. Thiên- quân, là Thiên- Nghê". " Vạn vật giai chủng dã, dĩ bất đồng hình tương thiện thủy tốt nhược hoàn, mặc đắc kỳ luân. Thị vị Thiên- quân. Thiên- quân giả, Thiên- Nghê dã".
Thiên Thiên Địa lại nói:" Trời Đất tuy lớn, mà sự biến hóa đều quân bình cả" (Thiên địa tuy đại, kỳ hóa quân dã.)
Như thế thì, Thiên- quân của Trang tử là nói về sự đắp đổi nhau của các giống vật mà biến hóa, " đồng hình" biến làm" bất đồng hình". Nhưng ở đâu mà lại, rồi sẽ đi đến đâu, thời sau cùng cũng không biết đâu là manh mối. Sự biến hóa giống như cái bánh xe quay tròn, nên gọi là Thiên- quân.
***
C. Thuyết Vạn- Hóa:
Cứ theo phép ấy thì sự biến thiên của các giống vật đều không có mục đích, không có phương hướng… con đường đó của vạn sự vạn vật là một cái vòng tròn:" châu nhi phục thủy", chứ không phải là một con đường thẳng đi đến một mục tiêu nào. Trang tử không chủ trương Tiến- hóa, mà chủ trương Vạn hóa, hay là Tự-hóa.
Thiên Thu- Thủy nói:" Vạn- vật sinh ra, như đuổi như chạy; hễ động là có biến, không lúc nào mà không xê dịch. Sao lại như thế, mà sao lại chẳng như thế? ấy là vì cái lẽ" tự hóa" vậy! (Vật chi sinh giả, nhược sậu nhược tri, vô động nhi bất biến, vô thời nhi bất di, hà vi hồ, hà bất vi hồ. Phù cố tương tự hóa) .
Thiên Tại- Hựu nói:" Anh hãy chỉ cứ ngồi đây, không cần làm gì cả mà vạn vật tự hóa… vạn vật phồn thịnh, giống nào cũng trở lại nguồn gốc của mình. Vật nào cũng trở lại gốc của mình mà không biết". Trong câu văn này, quan trọng nhất là ở chữ" Phục".
ở thiên Thiên- Thụy trong sách Liệt- tử cũng có câu nói:" Tự sinh, tự hóa, tự có hình, tự có sắc, tự có tri, tự có lực, tự giảm, tự tăng". Thế là đều" tự nhiên nhi nhiên", " bất kỳ nhirn nhi nhiên", không có sự nhất định phải bảo tồn những hình thức cá biệt nào có ích, tiêu diệt những hình thức cá biệt nào có hại như cách tác dụng của luật Thiên- trạch (4) có mục đích, có phương hướng của thuyết Tiến- hóa Tây phương (5) .
Sở dĩ Trang tử không chủ trương Tiến- hóa, mà lại chủ trương Vạn- Hóa là vì theo sự nhận xét của ông, ông cho rằng không thể nào xét biết được lẽ chung thủy của Đạo, nghĩa là không thể nào biết được rằng Đạo bát đầu như thế nào, và sự cùng tận của nó như thế nào. Như vậy, thì làm thế nào mà nhận thấy được cái phương hướng của nó theo chiều nào mà chủ trương Tiến- hóa được? Tiến- hóa chỉ là một ức thuyết của Tạo- Hóa, trong khi sự thật Trời Đất không thể biết đâu là khởi điểm, đâu là cùng tận, mà chỉ là một cái" vòng tròn" (Thiên- Quân) .
Thiên Tắc- Dương nói:" Vạn vật có sống mà không thấy đâu là cái gốc của nó, có chỗ xuất ra mà không thấy đâu là cái cửa của nó". Lại nói:" Người xét Đạo, không theo cho đến chỗ đã phế, cũng không suy cho đến chỗ chưa khởi: hễ bàn đến nó là phải thôi đi. Ta xét cái gốc của nó, ta thấy nó đi đến vô cùng, ta cầu đến cái ngọn của nó, ta lại thấy nó không bao giờ đứt. Không cùng, không dứt, thì còn bàn nói vào đâu được nữa. Vật, thì cũng một lẽ đó".
ở thiên Sơn- Mộc cũng nói:" Hóa muôn vật mà không biết nó thay đổi như thế nào, thời biết nó bắt đầu ra làm sao, mà cùng tận ra làm sao?"
***
Đối với nhân- sự cũng thế: phải biến thành quấy, quấy biến thành phải… không biết đâu là khởi điểm, không biết đâu là cùng tận… như trên một cái" vòng tròn"; Lớn; Nhỏ; Sanh; Tử; Dài; Ngắn; Có; Không; Cao; Thấp; Thành Hoại đều không sao phân biệt được (6) , không sao biết được đâu là chỗ khởi đầu của nó.
Thiên Thu- Thủy nói:" Lấy Đạo mà xem thì vật không có chi gọi là quý, là tiện, là ít, là nhiều cả. Chỉ có Một mà thôi. Lấy chỗ sai biệt mà xét, nhận thấy lớn mà cho là lớn, thì vạn vật không vật nào là không lớn, nhận thấy nhỏ mà cho là nhỏ, thì vạn vật không vật nào là không nhỏ… Lấy xu hướng mà xét, nhận cho phải là phải, thì vạn vật không vật gì là không phải, nhận cho quấy là quấy, thì vạn vật không vật gì là không quấy."
Thiên Đức- Sung- Phù nói:" Lấy chỗ khác nhau mà xét, thì gan và mật cách nhau như nước Sở nước Việt, nhưng mà lấy chỗ tổng mà xét, thì vạn vật đều là Một cả.
Cứ xem cái thuyết Tương đối ngày nay mà xem, ta sẽ thấy cũng không xa gì những điều nhận xét trên đây của Trang tử. Theo Tương- đối- luận thì quyết không có gì là cao, là thấp tuyệt đối; không có gì là dài, là ngắn tuyệt đối; không có gì là lớn, là nhỏ tuyệt đối: những tiếng như" thành"," hủy", " quý", " tiện", " thị", " phi", " hữu"," vô" toàn là những danh- từ tương đối, không phải là tuyệt đối. Cho nên cho rằng Trang tử là tị- tồ của thuyết" tương đối" không phải là quá đáng.
Cái luật Thiên- Quân của Trang tử lại bao hàm cả con người trong đó:" Cho nên Thánh- nhân hòa lẽ Thị- phi, và rốt cuộc ở trong Thiên- Quân".
Thiên Đại- Tông- Sư nói:" Như cái hình của người ta, thật là biến hóa muôn lần, mà chưa thấy đâu là cùng tận vậy". Lại cũng nói:" Giá như cánh tay trái tôi hóa làm con gà, thì tôi sẽ nhân đó mà gáy canh. Giá như lại hóa cánh tay phải tôi làm hòn đạn, tôi sẽ nhân đó mà kiếm chim quay; giá như lại hóa cái xương cùn của tôi làm bánh xe, lấy cái thân hồn tôi làm con ngựa, thì tôi sẽ nhân đó mà cưỡi lên, há còn phải đợi xe ngựa nào nữa!..." Lớn lao thay! Tạo hóa muốn anh làm vật gì bây giờ? Muốn đi đến đâu bây giờ? Hay là biến anh làm gan con chuột? Hay làm cánh trùng?" (…) " Nay có người thợ đúc vàng, vàng nhảy lên đòi: tôi muốn được làm thanh gươm mạc- da, người thợ đúc tất cho nó là vàng quái gở. Nay có kẻ ngẫu nhiên muốn được hình người, nhảy lên nói: Tôi muốn làm người… tạo hóa tất cho người ấy là người quái gở. Nay lấy Trời Đất làm lò lớn, Tạo- hóa làm người thợ đúc lớn, thời tha hồ muốn biến hóa ra sao thì biến hóa, đâu mà chẳng được."
Loài người biến hóa vô cùng, nhưng không có phương hướng nào nhất định cả: Phàm vật, hễ" cùng tắc phản" " chung tắc thủy" loay quay mãi theo" vòng tròn" vô tận.
Tuy Trang tử chủ trương" tự hóa" và" vạn hóa", không chủ trương sự biến hóa có phương hướng như thuyết" luân hồi" của Phật giáo tiểu- thừam hay thuyết" thiên trạch" của Darwin, nhưng lại nói đến sự biến hóa theo một cái" Cơ". Thiên Chí- Lạc nói:" Các giống đều có Cơ" và kết luận rằng:" Vạn vật đều ra nơi Cơ, và vào nơi Cơ. Theo Trang tử thì" Cơ" là cái nguồn gốc của sự biến đổi, và rút lại, quy kết vào hai chữ" đức tính".
Lấy theo thuyết Thiên- Quân mà xét việc đời thì thấy các sự vật đều chằng chịt dính líu với nhau, nhân rồi quả, quả rồi nhân tiếp tục nhau không biết đâu là khởi điểm, đâu là cùng tận, như trên một cái" vòng tròn".
Để chỉ sự phức tạp trong các mối quan hệ, thiên Sơn- Mộc nói:" Trang Châu đi chơi ở rừng Điêu- Lăng, thấy một con chim tước lạ ở phương Nam lại, cánh rộng bảy thước, mắt tròn một tấc, đụng ở trán Châu mà đậu ở bụi cây lật. Trang Châu nói: chim này là chim gì vậy? Cánh to mà không bay, mắt lớn mà không nhìn. bèn dùng dằng dừng bước, lấy đạn ra nhắm bắn. Bỗng thấy một con ve, vừa được bóng mát mà quên cả thân. Một con bọ ngựa, lấy lá che thân, chờm đến muốn bắt lấy mà quên cả thân. Còn phía sau, con tước đang vồ bắt nó mà quên cả thân mình…
Trang Châu giật mình: Ôi! Giống vật vốn làm lụy nhau… hai loài như gọi lẫn nhau.
Rồi bỏ viên đạn mà chạy trở về…"
Xem đó, tuy là một câu chuyện ngụ ngôn, nhưng mà ý vị sâu sắc miêu tả được những mối quan hệ trong vũ trụ phức tạp là chừng nào, thật là điều khó thể tư- nghị được.
Trang tử nói:" Bớt, thêm; đầy, vơi; một tối, một sáng" là muốn bảo luật Thiên- Quân bao- quát cả hai cõi tối, sáng ấy. Câu nói này của Liệt- tử:" một vật thể, khi đầy, khi vơi, khi thêm, khi bớt, khi sáng, khi tối đều có cảm thông với Trời, Đất, ứng với vật loại" có thể bao- quát và cai quản cả cái luật Thiên- Quân.
Theo luật Tiến- hóa, hay tử- trạch thì các giống vật càng biến, càng không bình đẳng. Còn theo luật Thiên- quân thì các giống vật càng biến lại càng theo về bình đẳng, dù cho hình chất không bình đẳng, địa vị không bình đẳng mà Tánh và Phận vẫn bình đẳng. (Xem Tiêu- Diêu- Du và Tề- Vật- Luận) .
Đó là sự phân biệt quan trọng nhất trong hai thuyết Tiến- hóa và Vạn- hóa.
***
Tóm lại, ta có thể lấy câu này của Trang tử đLão chỉ luật Thiên- Quân " trước sau như cái vòng ".
***
Với hai chữ " tự hóa", Trang tử không thừa nhận có một" Đấng tạo hóa " đứng ngoài và làm chúa tể Vũ Trụ Vạn Vởt, mà lại cho rằng ngay ở mỗi vật, từ cực nhỏ tới cực lớn, đều có cái sức " tự sinh", "tự hóa" có thể được xem như một đấng" tiểu tạo hóa" hay" tiểu hóa công". Cho nên trong thiên Tề- Vởt- Luận mới nói:" Trời Đất cùng ta đồng sinh, vạn vật cùng ta đồng nhất". Vạn vật đồng nhất thế, đó là danh từ tổng quát để chỉ Vũ- trụ- quan của Trang tử.
Thuyết Vạn- hóa Thiên- quân của Trang tử, như trên đây đã nói có thể tượng trưng bằng một cái" vòng ốc" không thể lẫn lộn với thuyết Luân- Hồi của Nhà Phật (tiểu- thừa) .
Thuyết Luân- Hồi của Phật- giáo tiểu thừa, tựu trung là một hình thức của thuyết Tiến Hóa, cho nên người ta quan trọng về vấn đề quả trị cao thấp: một ảo vọng của Bản Ngã. Vì vậy, đứng về phương diện Giải thoát, thì thuyết Luân- Hồi phải thua xa thuyết Vịn- Hóa Bình- đẳng của Trang tửNhân
Thật vậy, con người sở dĩ nô lệ, là vì còn bị cái Sợ chi phối tinh thần. Sợ đủ thứ, nhưng cái đáng sợ nhất của con người là sợ chết, và cái cảnh sau khi chết. Thuyết Luân- Hồi của tiểu thừa Phật giáo an ủi được lòng thắc mắc băn khoăn ấy, và bảo đảm được rằng loài người sẽ tiến mãi: hết loài thú, đến loài người, rồi đến loài tiên, loài phật… Con người càng" tiến" chừng nào, thì lòng khao khát lên" cao" lại càng tăng và lòng" nô lệ", ngôi vị đẳng cấp sẽ càng nặng chừng ấy, nghĩa là lòng giải thoát cái Sợ sẽ không bao giờ giảm bớt và dứt được.
Trái lại, với thuyết Bình- đẳng của Trang tử, căn cứ vào thuyết Vạn- hóa Thiên- Quân cho rằng người là Đạo, người mà thực hiện được cái Đạo nơi mình rồi, thì nó sẽ" tự sinh", " Tự Hóa" như Trời Đất, nên" toàn mãn" mà không còn cái bụng đèo bòng tham muốn những gì khác ngoài cái Tánh- Phận của mình nữa:" Vạn vật dữ ngã đồng nhất". Miễn giữ gìn được Thiên- chân, ngoài ra cuộc đời hãy nên xử như Trang Châu hóa bướm". Trang Châu chiêm bao thấy mình là Bướm. Trong khi làm bướm, quên lửng mình là người, và vi thích với phận bướm. Nếu đứng theo Trang Châu mà luận, và thử hỏi Trang Châu có chịu đổi cái kiếp người của mình để làm phận con bướm, thì Trang Châu ắt không chịu. Nhưng, nếu đứng theo con bướm mà xem, và xin đem đổi cái kiếp con bướm làm phận con người như Trang Châu, ắt con bướm cũng không muốn. Làm người chưa ắt là vui hơn làm Vởt, và như thế Vởt và Ta là bình đẳng vậy." Giá cánh tay trái ta la con gà, thì ta nhân đó mà gáy canh…" Mình là Đạo, thì Đạo nơi ta hóa ra cái gì thì hóa, sao mà phải lo sợ? Ta có thể tự nói với mình:" Lớn lao thay! Tạo hóa nơi ta. Ngươi muốn ta đi đến đâu bây giờ? Hay là ngươi muốn biến ta làm gan con chuột, hay làm cánh trùng?" Với một nhân- sinh- quan như thế, thì làm gì còn nô lệ lấy những cái sợ hão huyền để mà tranh giành Cao Thấp, Lớn Nhỏ, Vinh Nhục…? Cho nên giải thoát tinh thần con người khỏi cái" sợ" thiên niên giam hãm đời mình trong dục vọng và bóng tối, quả thuyết Luân- hồi của Phật giáo tiểu thừa phải kém xa thuyết Thiên- Quân Vạn- Hóa ct Trang tử nếu không nói rằng bất- lực.
***
D. Hạnh- Phúc Cá- Nhân và Xã- Hội:
Trang tử cho rằng" hết thảy vạn vật đều do Đạo mà ra, và mỗi vật đều có cái Đức của nó, nghĩa là, hết thảy vạn vật, mỗi vật đều có cái tánh tự nhiên của nó. Nếu biết thụân theo tánh tự nhiên mà sống, thì hạnh phúc có ngay trong lúc đó, không phải cầu cạnh đâu khác ở ngoài."
Được phát triển tự do bản tánh là điều kiện đầu tiên đưa ta đến hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tương đối dĩ nhiên. Muốn đạt đến Hạnh phúc tuyệt đối phải cần đến một thứ tri thức siêu nhiên huyền diệu hơn, tức là cái mà Lão tử gọi" tri bất tri, thượng".
Thường thìm sở dĩ bản tánh con người không được tự do phát triển là do sự ràng buộc, uốn nắn của chế độ, giáo dục, luân lý giả tạo của xã hội bên ngoài. Bởi vậy Trang học, cũng như Lão học hết sức phản đối nhân tạo mà đề cao cái sống cận với thiên nhiên.
ở thiên Thu- Thủy Trang tử nói:" Thiên tại nội, nhơn tại ngoại (…) Ngưu mã tứ túc thị vị Thiên; lạc mã thủ, xuyên ngưu tỉ thi vị Nhơn" (Trời ở bên trong, người ở bên ngoài (…) Bò ngựa bốn chân, đó là Trời, khớp đầu ngựa, xỏ mũi bò, đó là Người) ông lại nói:" Chớ lấy người mà giết Trời! Chớ lấy nhân tạo mà giết Thiên Mạng! Chớ lấy được mà chết theo danh! Giữ cẩn thận, đừng làm mất Thiên chân! đó là trở về cái Chân của mình!"
***
" Trở về cái Chân của mình!" (" phản kỳ chân") hay là" phục kỳ bổn" tức là đạo" Giải thoát: trở về Bản tánh như Nhà Phật khuyên ta" minh tâm, kiên tánh" vậy. Cho nên, không thể hiểu một cách quá giản lược và sai ngoa rằng thuyết" thuận Thiên, an Mạng" của ông là thái độ tiêu cực, nhy nhược, phó mặc cho số phận mà xã hội đã an bài cho ta, ra sao hay vậy. " trở về cái Chân của mình" phải là một cuộc đại- cách- mạng mới thoát khỏi gọng kềm xã hội càng ngày càng phủ lập và mai một Thiên- Chân. Cho nên Trang tử mới khuyên ta:" Chớ có lấy cái Ta xã hội, cái Ta nhân tạo do luân lý, giáo dục, chế độ cầu thành mà giết chết Thiên- tính!" (Vô dĩ nhơn diệt Thiên)
***
Vạn vật, vật nào cũng có cái tánh tự nhiên của nó, và nói về năng khiếu tự nhiên thì không vật nào là giống vật nào cả. Có điều là, nếu mỗi vật, vật nào cũng được phát triển tự do năng khiếu tự nhiên của mình thì vật ấy được ngay hạnh phúc.
Trong thiên Tiêu- Diêu- Du, Trang tử mượn cớ tạo ra một vật cực đại (là cá Côn, chim Bằng) và vật cực tiểu (con ve và con cưu) để chứng minh rằng năng khiếu tự nhiên của mỗi vật hoàn toàn khác nhau. Vật cực đại như chim Bằng, mỗi khi muốn đến biển Nam phải" đập trên mặt nước ba nghìn dặm dài, lên theo gió trốt chín muôn dặm cao, và bay trọn sáu tháng không nghỉ" (…) " Con chim cưu và con ve, thấy vậy, cười nói: Ta thích bay vụt lên cây du, cây phương… nếu có lúc bay không tới mà có rớt xuống đất thì cũng không sao. Sao lại phải lên chi tới chín muôn dặm cao, bay qua biển Nam mà làm gì?"
Nếu mỗi vật đều biết đủ với Tánh Trời của mình, thì tuy Đại Bằng, không xem mình là cao quý hơn chim nhỏ mà tự cao, mà chim nhỏ như chim cưu cũng không xem mình là thấp hèn mà đèo bòng ham muốn đến Ao Trời làm gì như chim Bằng! Lớn, nhỏ tuy khác nhau, nhưng mỗi vật nếu biết thuận theo cái tánh tự nhiên của mình, biết an theo cái phận của mình, thì đều được tiêu diêu (tự do) không sai cả.
Sự vật trên đời không giống nhau, nhưng cũng không nên cầu cho hết thảy đều giống với nhau. Là vì không thể nào cầu cho được. Sự bình đẳng tự nhiên không có và không bao giờ có trên đời này. Thiên Biền Mẫu có nói:" Cẳng vịt thì ngắn, cố mà nối dài, nó khổ. Dò hạc thì dài, cố mà làm cho ngắn, nó đau. Cho nên Tánh mà dài, không phải cái nên chặt bớt; tánh mà ngắn, không phải cái nên kéo dài, thì sao có đau khổ!"
***
Đ. Quan niệm về Xã- hội và Chính- trị:
" Đừng mong kéo cẳng vịt cho dài, thu dò hạc ngắn lại" nhưng đó lại là công việc làm của các nhà xã hội chính trị" hữu vi" từ ngàn xưa vậy.
Mục tiêu chính của các nhà làm luật pháp, các luân lý gia, các chế độ chính trị… phải chăng đều có tham vọng san bằng mọi cá tính đặc biệt, bình đẳng hóa tất cả mọi bất bình đẳng tự nhiên trong thiên hạ… biến mỗi cá nhân thành một con người sống theo xã hội, theo chế độ," thích theo cái thích của mọi người mà không biết thích theo cái thích của mình" (7)
Theo Trang tử, Tánh (tự nhiên) của vạn vật, thì không đồng nhau: mỗi vật đều có chỗ nhận cho là đẹp, là hay, là phải, riêng của vật ấy. Cho nên không cần phải cưỡng ép cho tất cả đều đồng nhau, mà cũng không sao cưỡng ép cho đồng được. Chỗ không đồng của vạn vật, ta phải biết nhận lãnh nó, biết" chịu" nó, đó tức là dùng chỗ" không đồng" mà làm cho" đồng" vậy. Trái lại tất cả mọi chế độ chính trị, xã hội theo hữu vi đêù định ra" một cái tốt" để làm tiêu- chuẩn chung cho mọi tư tưởng hành vi, khiến người người đều phải theo nó mà hành động. đó là ép những chỗ không đồng phải đồng nhau. Yêu, mà yêu theo chỗ thích riêng của mình, là làm đau khổ cho vật mình yêu vậy. Cho nên các bậc thánh nhân lập ra " quy củ chuẩn thằng" cùng các thứ quy tắc chế độ để định chế chánh trị xã hội, khiến cho người người trong thiên hạ đều phải phục tùng theo, chỗ dụng tâm, tuy chưa phải là không có lý do chánh đáng và tốt đẹp, và chỗ dụng ý tuy không phải là không thực yêu người… nhưng, kết quả thì lại như Lỗ- Hầu nuôi chim…
" Xưa kia, có con chim biển đậu ở cửa thành nước Lỗ… Lỗ hầu ngự ra ra nghinh tiếp, rước về chuốc rượu ở đền Thái- miếu, cho tấu nhạc Cửu thiều cho nó vui, giết trâu bò mời nó ăn… Chim ấy ngó dớn dác, bộ sầu bi không dám ăn, dám uống. Cách ba hôm thì chết. đó là dùng cách nuôi người mà nuôi chim. Nếu như muốn dùng cách nuôi chim mà nuôi chim, thì phải để cho nó đậu ở rừng sâu, dạo ngoài gò đất, trôi nổi sông hồ, kiếm ăn lươn cá, đỗ theo hàng liệt, ung dung tự đắc, thích đâu ở đó. Cứ nghe người nói là nó không ưa rồi, lựa là còn đem tiếng nhạc mà làm cho nó kinh tâm. Nếu đem nhạc Hàm trì, Cửu thiều mà đánh lên ở Động- đình, thì chim nghe phải bay, thú nghe phải chạy, cá nghe phải lặn… nhưng người ta thì lại kéo nhau đến đó mà nghe. Cá ở dưới nước thì sống, người ở dưới nước thì chết. Đó và đây đã khác nhau, thì sự ưa ghét cũng khác nhau. Bởi vậy, bậc thánh ngày xưa không giống nhau về sở năng, nên không giống nhau về sự nghiệp". (Chí- Lạc)
Như vậy, ta thấy rằng không phải Lỗ Hỗu không có thiện ý, nhưng kết quả thì lại khác hẳn với ý muốn của mình: hại mà không có lợi. đó cũng là hậu quả của những kẻ muốn dùng luật pháp, luân lý để mà điền chế tư tưởng hành vi của thiên hạ.
Bởi thế, Trang học cực lực phản đối cái cách " lấy trị mà trị thiên hạ" (dĩ trị, trị thiên hạ) . Muốn khiến cho thiên hạ được trị, không chi bằng" lấy sự không trị, mà trị thiên hạ" (dĩ bất trị, trị thiên hạ) . Thiên Tại- Hựu nói:" Ta nghe phòng và giữ thiên hạ, chứ không nghe chuyện trị thiên hạ. Phòng, là sợ thiên hạ đắm đuối mà mất tánh; giữ là sợ thiên hạ dời đổi mà mất đức. Thiên hạ mà không đắm đuối đến mất TánThiên, không dời đổi đến mất Đức, thì sao lại có chuyện trị thiên hạ?" Dù sao đi nữa, bất đắc dĩ mà phải dùng đến luật pháp, luân lý, chính trị, chế độ… thì luật pháp, luân- lý, chính trị, chế độ cũng phải có mục đích duy nhất nầy là phụng sự cho cá nhân, chứ không được đem" Người mà giết Trời, đem nhân tạo mà giết thiên nhiên…"
Lão tử và Trang tử đều chủ trương" Vô vi nhi trị", một chế độ không có chế độ, một chánh thế không có chánh thế, nhưng mỗi người theo những lý do riêng.
Lão tử thì nhấn mạnh về Đạo, và vấn đề phản- phục:" Phản giả Đạo chi động". Còn Trang tử thì nhấn mạnh về sự phân biệt giữa thiên nhiên và nhân tạo:" người không được giết Trời, nhân tạo không được lấn thiên nhiên", vì làm thế là làm cho nhân dân thống khổ: không phát triển được tự do Bản tánh của mình.
***
E. Vấn đề Hạnh- Phúc tương đối và tuyệt đối:
Cái hạnh phúc nói trên đây, chỉ là một thứ hạnh phúc tương đôi, vì nó còn phải có điều kiện, nghĩa là còn phải tùy thuộc vào cái gì. Thật vậy, người ta sở dĩ có được hạnh phúc là khi nào được tự do sống theo bản tánh của mình.
Như vậy, xã hội, chế độ… như đã nói trên, chỉ là một trong những điều kiện không thuận tiện cho sự phát triển tự do bản tánh con người trên con đường hạnh phúc.
Cũng có nhiều trở ngại khác không kém quan trọng khiến cho ta khó thực hiện được hạnh phúc, là vấn đề" lão", "bệnh", và "tử". Như vậy, ta thấy rằng Phật giáo không phải là không có ký, khi họ đề xướng thuyết" sanh, lão, bệnh, tử: khổ" người tự do không những không bị ràng buộc về pháp luật, luân lý, chế độ, xã hội bên ngoài, mà cũng là người không còn sợ già, sợ bệnh, sợ chết nữa.
Già không đáng sợ. đáng sợ là nên sợ cái già mà đầy bệnh tật. Vì vậy, người ta muốn được hạnh phúc, cũng phải biết lo đến phép dưỡng sinh. Người mạnh khỏe không sợ già, cũng không sợ chết nữa. Trong mọi tai họa, tai họa đáng sợ nhất của con người là tật- bệnh. Người hay đau yếu, bệnh tật là người dễ sa vào ích kỷ: thường săn sóc săm soi đến thân thể nên dễ đem lòng quyến luyến và yêu thương. Lão tử cũng đã có nói:" Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vi ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn!" (Chương 13 Đạo- Đức- Kinh) . Cho nên, dưỡng sinh là thuật làm cho mình luôn luôn mạnh khỏe, để mà không có cơ hội thiết tha nghĩ đến thân thể của mình.
Người xưa có nói:" Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người. Có được một thân thể không đau, thì tinh thần mới không loạn; nhưng thường khi, nhờ có một tinh thần không loạn, mới có được một thân thể không đau. đó là hai điều không thể rời nhau: ảnh hưởng của vật chất đối với tinh thần va ảnh hưởng của tinh thầ đối với vật chất. Nhưng bàn về phần cao nhất của phép dưỡng sinh thì người Đông phương coi trọng phần ảnh hưởng của tinh thần hơn.
"Điềm đạm hư vô,
Chân khí tùng chi,
Tinh thần nội thủ,
Bệnh an tùng lai."
(Hoàng- Đế Nội- Kinh)
(Chương Đạo- Sinh)
Thượng- Cổ Thiên- chân luận
***
Ở thiên Dưỡng- sinh- Chủ, Trang tử nói:" Ngô sinh đã hữu nhai, nhi tri đã vô nhai. Dĩ hữu nhai tùy vô nhai, đãi dĩ!" (Sinh lực của ta thì có hạn, mà nỗi lo nghĩ ưu lự thì vô hạn, là nguy vậy!) . Vì vậy mà phép dưỡng sinh chiếm địa vị khá quan trọng trong học thuyết Trang tử và về sau phái Đạo gia lại khai thác nó lập ra thành một học phái đặc biệt là phái" trường sinh cửu thị".
***
Nhưng, mối băn khoăn lo sợ nhất làm cho con người thương- sinh (8) và đã biến con người thành con vật đau khổ nhất đời là lòng ham sống sợ chết (tham sinh úy tử) .
Ta hãy nhìn kỹ chung quanh, xem sự bành trướng mạnh mẽ của tôn giáo thì đủ rõ vấn đề sinh tử là quan trọng đến bực nào! Người hoàn toàn tự do là người thoát khỏi cái tâm trạng" tham sinh úy tử", người biết nhìn thấy sinh tử là Một. Sự băn khoăn lo sợ sự sống chết sẽ giảm được hoặc dứt đi nếu ta hiểu rõ được cái lý của sống chết. đó là cái phép" lấy Lý mà hóa Tình" của Trang tử.
***
Thiên Dưỡng- sinh- chủ nói:" Lão Đam chết. Tần Thất đến điếu, khóc ba tiếng, rồi đi ra. đệ tử hỏi:" Ông không phải là bạn của phu tử hay sao?
Phải.
Vậy thì, điếu như thế là phải hay sao?
Phải. Trước kia ta xem Lão Đam là bạn ta. Nay xem lại đó, thì không phải nữa. Lúc ta vào điếu, thấy có già khóc đó như cha khóc con; trẻ khóc đó như con khóc mẹ. đó là tròn thiên tánh, già thêm tình và quên chỗ mình tọ lãnh của tạo hóa. Cổ nhơn gọi đó là hình- khổ của sự trốn thiên tánh. Phụ tử vui mà đến, là thời; vui mà đi, là thuận. An thời xử thuận thì buồn vui làm sao vào đặng cõi lòng. Cổ nhơn gọi đó là" huyền giải".
Trong Trời Đất, chỉ có một cái" Sống", cái" Sống" không sinh không tử. Sống Chết chỉ là cái hình thức của một cuộc biến hóa của cơ Đại Hóa của Trời Đất. Cái" Sống" ấy chính là cái mà Lão tử gọi"tử nhi bất vong giả thọ" (chết mà không mất) .
Hình thức này mà có mất đi, thì cái" Sống" ấy lại đi về một chỗ khác. Cũng như trong một thân cây, lá này rụng, thì cái sống trong lá cây" trở về" trong thân cây mà sanh ra lá khác, cùng hoa trái khác…cái mà ta gọi là sống chết đây, chỉ là một sự " thành, hủy" của một trạng thái trong vạn hóa của Trời Đất Vạn vật mà thôi. Trang tử đã ví sự sống chết như một bó củi" cột lại" và " mở ra". Sinh là Huyền, tử là Giải. Huyền là cột lại, Giải là tháo ra.
Sống chết chẳng qua là" một đi một lại" nối tiếp nhau, còn cái Sống, tức là Chân- thế của ta, thì luôn luôn như thế mãi, không thay đôỉ.
Cái Sống của Chân thế, đối với hình thể của ta, ví như" lửa" mà đối với" củi": từ hình thể này truyền qua hình thể kia như" lửa" truyền từ bó củi này sang bó củi kia:" không khác nào hỏa cứ truyền mãi mà không tắt, cái sống truyền mãi mà không bao giờ tuyệt".
Chết, là từ một cảnh nầy, đổi qua một cảnh khác… Từ cảnh nầy đổi qua cảnh khác mà lo sợ, thì là một việc lo sợ hão như cảnh nàng Lệ Cơ…" Nàng Lệ Cơ, con một vị quan trấn thủ phong cương xứ Ngại, gả về cho Vua nước Tần. Lúc xuất giá, rơi lụy dầm bâu. Khi tới hoàng cung, cùng Vua đồng sàng, nếm mùi sô- hoạn, rồi nàng lại hối hận giọt lệ ngày xưa" (Tề- Vật- Luận) .
Chết mà lo sợ thì có khác nào ta sợ trước cái cảnh mà mình chưa biết. biết đâu rằng, sau nầy ta lại giống như nàng Lệ Cơ, sau khi đến hoàng cung bấy giờ lại hối hận giọt lệ ngày xưa mà không chịu trở về quê cũ. Nếu ta cho hình thức hiện có đây là đáng vui, thì sau khi chết, chỗ ta đặng hình thức mới khác, sao lại biết là không có chỗ đáng vui như bây giờ? nghĩ lại lúc mà ta chưa là người như ngày nay, có lẽ lúc lìa cảnh đó để sang qua cảnh đây, biết đâu ta cũng đã" rơi lụy đầm bâu", quyến luyến dùng dằng, và cho sự thay đổi hoàn cảnh là một tai họa. Và hiện nay, nghĩ lại cái" giọt lệ ngày trước" ta cũng sẽ lấy làm hối hận." Trong muôn vàn hình thức của vạn vật, hình thức của người là một. Gặp được hình thức ấy, chưa đủ riêng vui với nó, bởi trong vô cực, chỗ" gặp mới" của vạn vật thì vô cùng… Một chỗ" gặp mới" như đây mà còn biết vui, há chỉ có một chỗ này mà thôi sao?" Lời chú đây của Quách Tượng thật rõ ràng hết sức.
Hình thức con người là một trong muôn vàn hình thức của vạn vật. Như vậy, gặp hình thức nào cũng đáng vui mừng cả, há chỉ có hình thức con người đáng vui mừng mà thôi sao? " Giá như cánh tay trái ta biến thánh con gà thì ta nhân đó mà gáy canh. Giá như cánh tay mặt ta hóa làm hòn đạn thì ta nhân đó mà kiếm chim quay. Giá như hóa cái xương cùng của ta làm bánh xe, hóa thần hồn ta làm con ngựa thì ta nhân đó mà cưỡi, há còn đợi xe ngựa nào nữa? Vả" đắc" là thời," thất" là thuận. An thời xử thuận thì buồn vui làm sao vào đặng cõi lòng!" Vì vậy, bậc chân- nhân xưa" không ham sống, không ghét chết, ra không vui, vào không sợ, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi. (Đại- Tông- Sư) .
"Xưa, Trang Châu chiêm bao, thấy mình là bướm, vui phận làm bướm: tự nhiên thích chí không còn biết Châu. Chợt tỉnh giấc, thấy mình là Châu. Không biết Châu lúc chiêm bao là bướm, hay bướm lúc chiêm bao là Châu? Châu cùng bướm ắt có phận định" (Tề- Vật- Luận) .
Bàn về vấn đề sinh tử mà lại dùng đến Thực và Mộng như chuyện Trang Châu mộng hồ- điệp mà nói, thì thâm trầm sâu sắc không biết chừng nào! Thật là văn chương huyễn- tướng lạ thường.
***
Theo Trang tử, muốn trấn tĩnh lòng cảm xúc của con người trước vấn đề sinh tử, cũng như đối với tất cả mọi xúc cảm khác dễ làm cho ta thương sinh, thì phải dùng đến phép" lấy Lý mà hóa Tình". Người trí thức, biết rõ được chân tướng của Vũ Trụ, biết được chỗ phát sinh của sự vật là việc tất nhiên… thì khi gặp việc sẽ không động cảm mà giữ được vẻ thản nhiên trầm tĩnh bên ngoài cũng như bên trong. Không động cảm, là không bị trói buộc, nghĩa là được tự do và hạnh phúc vậy. Tỉ như gió thổi ngói bay, rớt nhằm một đứa trẻ hoặc một kẻ lớn. Đứa trẻ nóng giận, nguyền rủa và quy tội cho miếng ngói vô tình; còn kẻ lớn, trái lại, biết là không lỗi nơi đâu cả, cho nên không động cảm, không bực tức và nhờ đó mà chỗ đau cũng bớt đau. Là vì, tri thức của người lớn biết rõ cái lý do của miếng ngói rớt, nên" lấy Lý mà hóa Tình"," buồn vui vì đó mà không vào đặng cõi lòng!"
Trở lên là bàn đến hạnh phúc tương đối.
***
Còn muốn bàn đến hạnh- phúc tuyệt đối, thì phải bàn đến Tự- Do tuyệt đối.
Muốn đi đến hạnh phúc tuyệt đối, tức là Tự Do tuyệt đối, thì cần phải dùng đến một thứ tri thức siêu đẳng để mà đạt đến chỗ Huyền- đồng cùng vạn vật.
Thiên Tiêu- Diêu- Du, sau khi bàn về hạnh phúc tiêu diêu của chim Bằng, cũng như của chim cưu, có nói đến Liệt- tử cỡi gió mà đi…" Liệt- tử cỡi gió mà đi, đi một cách êm ái nhẹ nhàng, đi trọn mười lăm hôm mới về. Đó sống trong chỗ chí phúc và người như ông dễ thường thấy có. Tuy khỏi phải đi, nhưng còn phải chờ…" Chờ cái gì? Gió.
Như vậy, thì cái hạnh phúc của Liệt- tử cũng chưa được gọi là tuyệt đối, là vì còn phải tùy một điều kiện khác ở ngoài.
Chỉ có những ai" thuận theo cái chánh của Trời Đất, nương theo cái biến của lục- khí mà rong chơi trong cõi vô cùng; thì đó đâu còn phải đợi cái gì nữa. Cho nên nói rằng: bậc chí nhân không thấy có mình, bậc thần nhân không nhớ đến công trạng của mình, bậc thánh nhân không nghĩ đến tên tuổi của mình." (Tiêu- Diêu- Du)
Trang tử, trên đây, tả hạng người hoàn toàn giải thoát, tức là người đã đạt đến hạnh phúc tuyệt đối, bậc chí nhân đã huyền- đồng cùng tạo vật, nên không còn thấy mình nữa. Họ là người đã vượt lên trên những cặp mâu thuẫn mà thế nhân thường nhận thấy: phải quấy, vinh nhục, trước sau, cao thấtử, lớn nhỏ, sanh tử… Họ là người đã giải quyết được sự mâu thuẫn to tát nhất nơi họ: tình và lý, tâm và trí, nội và ngoại, nhĩ ngã. Không còn thấy có" nhĩ", tức là không còn thấy có" ngã", họ là người đã đạt đến trạng thái" vô- ngã". " Vô ngã", nên cũng" vô- công" và " vô danh".
Đã là" vô- kỷ", " vô công"," vô danh" nên họ đã là Một với Đạo." Đạo thì không làm mà không có gì là không làm". Và nhân đó mà hành động của họ không còn gọi là hành động của tư tâm tư dục nữa, mà là hành động của Đạo, của Chân- thế, của Vô- Ngã. Hành động ấy là hành động" Vô- vi" của Đạo nơi ta vậy.
***
Để đi đến sự Huyền- Đồng, bậc Chân- nhân phải" biết quên thị phi" (tri vong thị phi) .
Theo nghĩa thông thường của thế nhân thì" biết" là " biết" bằng sự phân biệt. Phải dứt bỏ lối nhận thức ấy để đi đến một thứ nhận thức siêu- đẳng khác mà các nhà Đạo- học gọi là" tri bất tri, thượng" (9) .
Phùng hữu Lan gọi đó là" kinh nghiệm thuần túy" tức là kinh nghiệm của Vô Tri Thức, và cũng là chỗ mà nhà Phật gọi là Hiện- lượng, Thiên- định, Thiển- tọa, và về sau phái Thần- tiên của Đạo- giáo gọi là Tĩnh- tọa. Thuần túy kinh nghiệm, là sự thực nghiệm Đạo ở bản thân, trong đó không còn cần đến suy lụân, đối đãi… mà nhận thức trực tiếp Thực tại không chủ khách, không nội ngoại vì những cặp đối đãi ấy đã đồng nhất, và đã biến mất trong tâm mình rồi.
***
Thiên Đại- Tông- Sư có đoạn văn này:
" Nhan Hồi nói: Hồi được thêm!
Trọng- Ni hỏi: Là nghĩa gì?
Nhan Hồi nói: Tôi quên Nhân Nghĩa.
Trọng Ni nói: Được, nhưng mà chưa trọn.
Một hôm khác, lại ra mắt và nói:
Hồi được thêm.
Là nghĩa gì thế?
Hồi quân Lễ Nhạc.
Được, nhưng chưa trọn.
Một hôm khác nữa, lại ra mắt mà rằng:
Hồi được thêm.
Là nghĩa gì?
Hồi" ngồi mà quên" rồi.
Trọng Ni ngạc nhiên hỏi:
Ngồi mà quên, là thế làm sao?
Nhan Hồi nói: Giải thể, bỏ thông minh, lìa hình, bỏ trí, đồng với Đạo lớn. đó gọi là" ngồi mà quên" (tọa vong) .
Trọng Ni nói:" Đồng, thì không còn tham muốn nữa; hóa, thì không thường nữa. Quả Hồi là người hiền. Khưu nầy nguyện theo sau đó."
***
Chương đầu thiên Tề- Vật- Luận cũng có nói:
" Quách Tử- Kỳ ngồi dựa ghế, ngửa mặt hà hơi, bơ phờ như người mất bạn.
Nhan- Thành Tử- Du đứng hầu trước mặt, thấy vậy, hỏi:" Sao mà hình hài có thể khiến được như cây khô, còn lòng thì có thể khiến được như tro lạnh. Nay người ngồi trên ghế có phải là người ngồi trên ghế trước đây nữa không?
Tử- Kỳ nói:" Yển, câu hỏi của ngươi đâu phải là không đúng! Ta nay đã mất bản ngã rồi, ngươi có biết không?..."
Đây cũng là phép" tọa vong" để mà thực hiện sự huyền đồng với bản thể của Đạo và đó cũng là cứu cánh của Trang học: hễ" đồng" với cái Sống chung của Vũ Trụ vạn vật thì sẽ không còn thương ghét riêng tư, sẽ không còn tham muốn đèo bòng những Tánh Phận ngoài mình nữa. Cho nên mới nói rằng" đồng tắc vô hiếu dã" (10)
Đạo học, theo Trang tử, không phải chỉ là một lối triết lý suông của lý trí, mà là một cuộc thực hiện hay thực nghiệm bản thân về Chân- Lý. Lời nói của Nhan- Hồi trong câu chuyện" tọa vong" trên đây có nghĩa là Hồi đã được cái Đạo bên trong bằng phép" truất- phế thông minh" và" bỏ lý trí". Nên để ý phân biệt điều này: bỏ sự hiểu biết không phải là khuyên ta đừng hiểu biết. Có hai trình độ hiểu biết: biết cái biết thông thường, cái biết của giới nhị nguyên, cái biết trong vòng tương đối của thị phi, thiện ác và biết về cái lẽ" bất khả tri", biết về bản thể, tức là cái biết về Tuyệt đối. Cái biết thông thường của lý trí, của giới nhị nguyên về thị phi, thiện ác đâu phải là không cần, trong khi ta vẫn còn hoạt động trong vòng" sắc tướng", nhưng, khi muốn nắm được Đạo, ta cần phải vượt lên khỏi nó. Trang tử gọi cái phép" vượt lên" ấy bằng một chữ" Vong", nghĩa là " Quên". ông nói:" Trí vong thị phi, tâm chi thích dã". Người được Đạo, không phải là người không biết thị phi, mà là người đã vượt lên trên cả thị phi. Không biết thị phi, với vượt lên thị phi là hai điều khác nhau xa. Cái" không biết" (bất tri) của đứa hài nhi, với cái" không biết" của bậc đạt Đạo cũng khác nhau rất xa vậy. Cái" không biết" ấy, mà Lão tử gọi là" Xích tử chi tâm" đừng có hiểu lầm đó là tâm trạng hỗn độn của đứa trẻ sơ sinh. Cho nên không nên hiểu cho đó là cái học" ngu dân".
Bởi không nhận thấy rõ ràng sự phân biệt đó mà phần đông học giả chuyên về Trang học mới đề xướng thuyết" phục cổ" như ở Thiên Đạo Chích trong sách Trang tử (Xem Trang tử tinh- hoa) .
Cái tri thức thông thường về sắc giới không làm sao hiểu được chân lý tuyệt đối, vì vậy Trang tử đề xướng sự" khử- tri" và" phế bỏ thông minh".
Ở thiên Thiên Địa có đoạn:" Hoàng đế đi chơi đến phía Bắc Xích Thủy, lên gò Côn- lôn, trông về hướng Nam tìm đường trở về, thì bỏ rơi ngọc Huyền- châu. Sai Trí đi tìm, nhưng không tìm ra. Sai Ly- Châu (rất tinh con mắt) đi tìm, nhưng cũng không tìm ra. Sai Khiết- Cờu (người có tài hùng biện) đi tìm, nhưng cũng tìm không ra. Bèn sai Tượng- Võng. Tượng- Võng tìm ra. Hoàng đế nói: Lạ thay, chỉ có Tượng Võng mới tìm ra được ngọc Huyền- châu sao!"
Tượng- Võng là cái "có hình mà thực ra không có hình" tức là ám chỉ cái" Tâm hư không" trừu tượng siêu hình.
Cũng không thể dùng đến sách vở kinh điển mà tìm được Đạo, vì theo Trang tử, đó cũng chỉ là những" cặn bã của cá nhân" (11) mà thôi.
Lý luận, biện thuyết đều vô ích cả, nó chỉ làm cho lòng ta thêm tăm tối, cho thần minh mờ ám.
" Nhiễm Cầu hỏi Trọng Ni:
Có thể nào biết được cái có trước Trời Đất không?
Trọng Ni nói: Được! Xưa cũng như bây giờ (12)
Nhiễm Cầu rút lui, không hỏi nữa.
Qua ngày hôm sau, lại ra mắt mà rằng:
Hôm trước tôi hỏi: có thể nào biết được cái có trước Trời Đất chăng? Thì thầy dạy rằng: Được. Xưa cũng như nay. Trước kia, tôi tưởng là tôi đã hiểu, nhưng hôm nay thì lại cảm thấy mù mịt. Dám xin hỏi ý Thầy nói như thế nào?
Trọng Ni nói: Hôm trước ngươi hiểu rõ là vì đã dùng đến cái thần minh mà nghe. Nay lại cảm thấy mịt mù là vì đã dùng đến cái không phải thần minh mà cầu hiểu. (Trí Bắc Du)
Cái mà Trang tử gọi" Thần" là ám chỉ cái khiếu biết tự nhiên (một thứ trực giác phát tự cái tâm" hư") , cho nên mới hiểu rõ liền. Về sau, vì dùng cái lý luận giả tạo chấp nối của lý trí, nên lòng thông cảm tự nhiên của trực giác mờ đi. " Học giả, học kỳ sở bất năng học (…) ; biện giả, biện kỳ sở bất năng biện" (13) . Cái học mà Trang tử khuyên ta là" cái học mà không sao học được"; còn có biện luận thì" hãy biện luận cái không sao biện luận được". Đó là cái học về thuần túy siêu hình, một thứ Tâm- học hoàn toàn.
Cho nên chỉ có thực hiện được cái đời sống tâm linh của ta, là mục đích tối cao của đời sống con người. Trong sách Trang tử dẫy đầy những câu chuyện" thần- hóa" ấy.
" Nhan Thành Tử- Du nói với Nam- Quách Tử- Kỳ:
Từ ngày tôi nghe lời dạy của Thầy được một năm, thì tôi thấy lòng tôi trở về mộc mạc đơn thuần; được hai năm, thì chạy theo Đạo; được ba năm, thì thông lẽ Đạo; được bốn năm, thì thấy tôi như một vật ngoại; được năm năm, thì tiến đến mực; được sáu năm, thì thấy dường như có thần minh nhập thể; được bảy năm, thì được thần hóa (thiên thành) ; được tám năm, thì không biết mình còn sống hay chết; được chín năm, thì đã đến chỗ Đại Huyền- diệu" (Ngụ Ngôn) .
Đó là những giai đoạn phải trải qua để đi đến một cuộc "thần hóa" hoàn toàn.
Một đoạn khác ở thiên Đại- Tông- Sư lại nói rõ ràng hơn:
" Ba ngày, thì bỏ được việc thiên hạ ra ngoài; (…) bảy ngày, thì bỏ được sự thấy có ngoại vật bên ngoài; (…) chín ngày, thì bỏ được cái sống của mình ra ngoài (14) . Bỏ được cái sống của mình ra ngoài thì mới được" triêu triệt" (15) . " Triêu triệt" rồi, mới nhận thấy được cái Một. Thấy được cái Một rồi, mới không còn thấy có Xưa có Nay. Không còn thấy có Xưa có Nay rồi, mới vào được cõi không chết không sống."
Cái trạng thái" hốt nhiên, đắc ngộ" ấy, có khi chỉ nhờ một lời nói mà được:" nhứt ngôi nhi năng ngộ" (16) . Công phu dự bị thì lâu dài trong Vô thức, nhưng lúc" đắc ngộ" thì thật là mau lẹ như chớp nháng và làm biến đổi hẳn tâm thần trí não con người.
" Nhan Hồi nói: Khi chưa thần hóa, thì rõ là có Hồi thật. Nhưng khi đã được thần hóa rồi, thì thấy chưa hề có Hồi. Có thể gọi đó là" hư" chưa? (Nhơn- Gian- Thế) .
Cái thời kỳ" đắc ngộ" thì mau lẹ như thế, nhưng cần phải có một thời kỳ chuẩn bị, tức là tu luyện. Thời kỳ ấy, Trang tử gọi là" tâm trai", tức là sự chay tịnh của lòng.
ở thiên Nhơn- Gian- Thế, Trang tử miêu tả rất rõ lẽ ấy:
Hồi nói: Dám xin hỏi thế nào là" chay tịnh của lòng?"
Trọng Ni đáp: Hãy chuyên tâm nhất chí. đừng nghe bằng tai, mà nghe bằng lòng. Đừng nghe bằng lòng, mà nghe bằng khí. Điều gì mình nghe, thì hãy để nó ở ngoài tai, còn lòng thì hợp nhất nó lại. Thần khí phải hư, hư mới nhận được Đạo; hư tức là" chay lòng" đấy!"
Đó là cả một chương trình" chay tịnh": từ bỏ tất cả ngoại vật, sống giản dị, làm cho tâm trí đồng nhất với mọi sự mọi vật, " chuyên tâm bão nhất" cho lòng được trống không hư tịnh, không còn bị ảnh hưởng gì của vật ngoài nữa cả. Như vậy mới mong đạt đến trạng thái huyền- đồng với chân thế tuyệt đối của mình. Cốt yếu là để cho lòng đạt đến" chân không" mới mong thần hóa được (17) .
Và, nhân thế mà phần đông những kẻ theo về với Đạo- học, bao giờ cũng khởi đầu bằng cách lánh xa cuộc sống phồn hoa xã hội, thích ở những nơi tịch- mịch thiên nhiên:
" Khổng- tử bèn từ biệt bè bạn, từ bỏ học trò, trốn vào chẩm lớn, mặc áo cừu, áo vải, ăn hạt gắm, hạt dẻ. Chen vào đám muông mà không làm lọan đàn, chen vào đám chim mà không làm lọan hàng (tức là hòa đồng với vạn vật) . Chim muông còn không ghét bỏ, huống chi la con người (Sơn- Mộc) .
Tuy nhiên, lánh đời có khi cũng chưa đủ để gọi là thoát được khỏi ảnh hưởng của đời. ở trong đời mà không để cho thân tâm lụy vì đời, mới thật là người làm chủ được hoàn cảnh, mới thật là người tự do. Sự thản nhiên dứt bỏ đối với thế sự khởi nơi lòng giác ngộ của mình trước nhất: đâu cần phải xa lánh cuộc đời mới dứt được lòng nô lệ quyến luyến.
ở thiên ứng- Đế- Vương, Trang tử có nói:" (…) Liệt- tử ba năm không ra ngoài. ở nhà nấu cơm cho vợ, nuôi heo cung kính như nuôi người, và không thiết đến việc gì nữa cả (để mà tiêu diệt cái lòng tự kiêu tự ái của mình đi) . Phá bỏ tất cả mọi trang sức giả tạo để cho tấm lòng trở về cõi thuần phác tự nhiên. Thành như cục đất, giữa cảnh náo nhiệt mà lòng vẫn không náo động. Như thế đến trọn đời mình…"
Trong con đường" huyền học", giai đoạn" tâm trai" nầy là khó khăn gay go nhất vì mình phải chịu đựng một cuộc tranh chấp khổng lồ ở nội tâm giữa cái" ta xã hội" và cái" Chân thế" của ta, nghĩa là giữa cái mà Trang tử gọi là Thiên và Nhơn (Trời và người) .
Cắt nghĩa chữ Thiên và Nhơn, Trang tử có nói:" Bò ngựa bốn chân, đó là Trời (Thiên) (18) . Khớp đầu ngựa, xỏ mũi trâu, đó là người (Nhơn) (19) (…) đừng lấy người mà giết trời (…) Giữ cẩn thận, đừng để mất thiên chân, thế gọi là trở về cái Chân của mình." (Thu- Thủy)
Nhơn, tức là nhơn- tạo, là ám chỉ những ước lệ giả tạo của xã hội để ràng buộc con người vào một khuôn khổ, tức là những cái mà Khổng- học gọi là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… luân- lý, Đạo đức, pháp độ, dù rấ có lợi cho con người trong giai đoạn" tri thị phi, tri thiện ác", nó trở lại thành một chướng ngại vật cho giai đọan giải thóat", tức là giai đoạn" vong thị phi, vong thiện ác", giai đoạn mà " Chân thế" đã đến lúc trưởng thành, đủ sức" tự sinh, tự hóa.’ Vì thế Trang tử mới có nói:" Tri vong thị phi, tâm chi thích dã". biết quên sự phải quấy, đó là cái tâm của mình thông suốt rồi vậy. Bảo rằng: biết quên, tức là phải có biết, rồi sau mới vượt lên sự hiểu biết mà quên đi. Muốn giải thoát, con người trước hết phải trải qua giai đoạn nhận thức rõ ràng cái Bản ngã của mình: không bao giờ đi đến giải thoát mà chưa từng nhận thức và sống trong Bản Ngã một cách sâu xa. Bản ngã là nguồn gốc của đau khổ, vì nó cố gắng sống riêng ngoài cái Sống- một cuả tâm hồn. Nhưng bản tánh của nó là "hữu- thức", vì có " hữu thức" mới có thể chia phân. Hữu thức phải đến trình độ cùng cực của nó, mới có thể đi vào cái Sống của Vô thức. Bản ngã là Âm, hễ Âm cực mới Dượng sinh. Dương là ám chỉ cái Chân thế của mình. Như trên đã nói: Bản ngã là nguồn gốc của đau khổ. Muốn đi đén trạng thái Vô- thức, phải làm cho tan vỡ cái vỏ bao ngoài, là Bản ngã. Làm tan vỡ nó, sẽ phải đau khổ để mà thoát xác, " phải chết, rồi mới được Phục sinh:, đó là ý nghĩa của câu chuyện Đấng Cứu- Thế (Jésus) phải chịu chết đóng đinh trên cây Thập- giá, để rồi được phục sinh và lên trời. Vì vậy mới có câu khẩu hiệu này của các nhà huyền học Thiên chúa giáo:" chết trên cây thập giá của mình". Triết học Đông phương bảo" vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản", " chết để mà sống lại", đó là điều ám chỉ đến việc làm cho" chết" bản ngã đi, để phục hồi chân tính.
Nhà Đạo học ấn độ hiện đại là J. Krisnamutri cũng có nói rõ ràng hiện trạng ấy:" Tiếng nói của tôi là tiếng nói của sự Hiểu biết thâm sâu, do một sự đau khổ tuyệt vọng mà có"
Bản ngã chưa chín mùi, chưa có thể rụng. đau khổ chưa đến chỗ tuyệt vời, khó mà giác ngộ (20) .
Bản- ngã (cả cái bản ngã xã hội un đúc nó) có thể ví như cái vỏ trứng gà, đối với con gà con đang thời kỳ chưa nở. Cái vỏ bao ngoài là cần thiết cho cái sống của con gà trong khi nó chưa thành hình đầy đủ, nhưng khi con gà con đã đến độ trưởng thành, có thể sống tiếp xúc ngay với ánh sáng và không khí bên ngoài, thì cái vỏ bao ngoài kia lại trở thành một chướng ngại vật mà nó phải phá vỡ ra, vì đó là tất cả vấn đề sanh tử của nó lúc bấy giờ.
Hột lúa chỉ làm xong sứ mạng của nó khi nào nó trở thành cây lúa, nghĩa là để có thể trở thành cây lúa, nó phải" chết" cái đời sống hột giống của nó đi, thì nó mới hoàn thành được sứ mạng của nó.
Bởi vậy, trước đây Trang tử mới có bảo:" Phá bỏ tất cả mọi trang sức giả tạo bên ngoài để cho tấm lòng trở về cõi thuần phác tự nhiên" (ứng- Đế- Vương) . Và" đừng lấy người mà giết Trời" (Thu- Thủy) . Người đây là cái" ta xã hội" tạo thành, còn Trời tức là chân thế.
Nhận rõ được như thế, ta sẽ không lấy gì làm lạ mà thấy rằng suốt bộ Nam- Hoa- Kinh, Trang tử bao giờ cũng cực lực phản đối cái học của Khổng, Mặc, và đề cao thiên nhiên mà đả kích" nhân vi hay nhân tạo". Cái học của Trang tử, cũng như của Lão tử, là cái học giải thóat, tiêu diệt Bản ngã để thực hiện con người " vô kỷ, vô cùng, và vô danh", tức là cái học thuyết về giai đoạn thứ hai trong cuộc thiên diễn của đời người để hoàn thành sứ mạng con người của mình trong Trời Đất:" Ta nay đã mất Bản ngã rồi, ngươi có biết chăng?" (Tề- Vật- Luận) .
Tóm lại, sự chống đối, đả kích của Trang tử chẳng qua là việc làm của" con gà con" đã đến thời kỳ nở: phá vỡ cái vỏ bọc ngoài của quả trứng để giải thoát. chỉ có thế thôi.
***
Đi ra, rồi trở lại, đó là con đường của Đạo mà Lão tử đã nói:" Phản giả, Đạo chi động". Đi ra, là con đường trong giai đoạn đầu để đi đến sự tạo thành một Bản- ngã đầy đủ; đi về, là con đường" phục kỳ bản", " phản kỳ chân", tiêu diệt bản ngã.
Con đường trước là con đường sống chia phân của nội tâm: Tâm Trí, Nhi Ngã, Thị Phi, Thiện ác…
Con đường thứ hai, là con đường" trở về" nguồn Sống Một, con đường hợp nhất lại những gì đã bị chia chẻ…Đó là con đường giải thoát. Hai con đường trên đây trong đời sống của con người là cat hai thế giới riêng biệt và nghịch hẳn nhau. Con đường trước người ta gọi là con đường" tiến" thì con đường sau phải gọi là con đường" thối". Lão tử có nói:" Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tồn…" Từ bên thế giới nầy sang qua thế giới bên kia, nhà Phật gọi là" đáo bỉ ngạn" (đến bờ bên kia) .
Hai thế giới đã khác nhau, thì sự hoạt động tri thức trên những vùng tinh thần ấy cũng phải khác nhau: ở giới nhị nguyên thì phải dùng lý trí, nhưng khi bước chân vào ngưỡng cửa của giới nhất nguyên thì không còn dùng đến dụng cụ tri thức kia, là lý trí được nữa, mà phải dùng đến một năng khiếu đặc biệt khác là trực giác (21) . Trang tử gọi là" đại tri" và nhà Phật gọi là Trí" Bát nhã", hay là Trí- huệ bát nhã.
Như vậy, nhãn quang của người bước qua giai đoạn giải thoát là nhãn quang nghịch hẳn với nhãn quang của người còn sống trong giai đoạn chấp có một cái ta riêng biệt (nhị nguyên) .
Giai đoạn nầy (giai đoạn nhị nguyên) có hai thời kỳ: thời kỳ phôi thai của bản ngã và thời kỳ trưởng thành của bản ngã.
Trong thời kỳ thứ nhất, con người còn sống theo quần đoàn, sống theo tạp quán, theo ảnh hưởng của người chung quanh, chưa có cá tánh đặc biệt. Họ chỉ biết bắt chước và không dám suy nghĩ khác hơn những giáo lý, tôn giáo hay chế độ giáo dục đương thời: họ hoàn toàn là sản phẩm của xã hội chung quanh.
Thời kỳ thứ hai là thời kỳ trưởng thành của bản ngã. Bắt đầu cá nhân có những tư cách chống đối xã hội, không chịu mù quáng thuận theo một cách nô lệ bất cứ một mạng- lệnh nào, một lề lối cựu ước nào của chế độ luân- lý, tôn giáo, xã hội đã qua hoặc đương thời chi phối. Họ có những tư tưởng cách mạng và độc đoán. Vách thành của truyền thống, của tạp tục bắt đầu rạn nứt. Họ dám suy nghĩ theo mình, bắt đầu hoài nghi, và can đảm đem tất cả mọi vấn đề mà đặt lại. Họ không thụ động nữa, trái lại đề cao đến tột độ chủ nghĩa cá nhân đủ mọi phương diện. Họ tìm đủ mọi cách để đề cao đời sống độc lập tinh thần, không chịu tôn thờ một quyền thế vật chất tinh thần nào cả ngoài mình. Độc lập, tân- kỳ, sáng tạo, tự do, đó là bốn đặc điểm của con người tinh thần của họ.
Nhưng, một ngày kia, bản ngã của họ phát triển đến mức cùng tột, họ lại cảm thấy họ bọ ràng buộc trong những công trình sáng tạo của họ, nghĩa là họ cảm thấy họ bị nô lệ lấy những giá trị giả tạo mà chính họ đã bày ra. Tất cả những giá trị của xã hội văn minh ngày nay, như những giá trị về luân- lý, đạo đức, văn hóa, xã hội mà họ đã bày ra, phải chăng đều có công dụng là trói buộc họ vào những khuôn khổ quá chật hẹp của một ảo vọng đầu tiên vô cùng quan trọng: Bản ngã. Bấy giờ, họ bắt đầu đi qua giai đoạn thứ ba, là vượt lên trên cái Bản ngã ảo tưởng ấy, tức là họ bước qua con đường Giải thoát.
Giai đoạn nầy không phải là giai đoạn đi đến sự thực hiện siêu nhân, mà để thực hiện trạng thái tự nhiên của một con người " viên mãn", một con người " vô ngã", hay nói theo Trang tử, con người" chân- nhân". Giai đoạn này " phản" lại giai đoạn trên: Cách nhận thức, suy luận đều nghịch hẳn với những cách nhận thức, suy luận nhị nguyên như trong giai đoạn trước. Cách lập ngôn vì thế cũng khác hẳn. Cũng như bên Thiền- tông Phật giáo, người ta dùng đến phép lập ngôn vô cùng đặc biệt nầy là hay nói ngược lại tất cả những lối suy nghĩ thông thường để mà phá tan cái" tập niệm nhị nguyên". Phải có trải qua một cuộc đại cách mạng tư tưởng, xáo trộn và lật ngược tất cả mọi vấn đề thường thức trong đời, mới mong" phá tan" được cái ác- tập suy nghĩ theo nhị nguyên, mới nhận rõ được cái Chân- tướng của sự vật.
Như vậy, phần đông người ta, nếu sở dĩ còn trách cái giọng văn" khinh thế ngạo vật" của nhóm Trang học, cho rằng lời văn nhiều khi trịch thượng và quá bạo, không có vẻ dịu dàng hòa nhã và khiêm tốn đối với tư tưởng của Nho Mặc, đại diện tư tưởng nhị nguyên, là vì người ta chưa ý thức được phép lập ngôn của các nhà Đạo học Đông phương, của Lão Trang và nhất là của Thiền- tông, thường vụ lấy chỗ làm cho thức tỉnh, chứ không còn phải vụ lấy sự ru- ngủ cái bản ngã của con người nữa. Sự va chạm nặng nề đối với thành kiến là một trong những phương pháp để giúp cho người dễ tỉnh ngộ.
***
Tóm lại, ba mươi ba thiên của sách Trang tử, tuy nghĩa lý sâu rộng, nhưng chỉ có sáu thiên đầu, là Tiêu- Diêu- Du, Tề- Vật- Luận, Dưỡng- Sinh- Chủ, Đức- Sung- Phù, Đại- Tông- Sư và ứng- Đế- Vương của Nội thiên là bao quát được tất cả yếu chỉ của toàn thể bộ sách. Các thiên chương trong Ngoại và Tạp- thiên rất có thể có một số ít do tay Trang tử viết ra, kỳ dư đều do các bậc hậu học của phái Lão Trang thuật lại để diễn đạt thêm cái đại nghĩa của sáu thiên đầu.
Tiêu- Diêu- Du thì bàn về tự do tuyệt đối; còn Tề- Vật- Luận thì nói về bình đẳng tuyệt đối. Thật ra thì chỉ có hai thiên nầy là nền tảng của cả học thuyết Trang tử mà thôi. Các thiên khác trong Nội thiên cũng đều là những ý tưởng phụ thuộc dùng để diễn đạt cái đại ý của hai thiên nầy mà thôi.
Chú thích:
(1) Tự là Tứ- Huyền (mất vào khoảng 312 TL Kỷ- nguyên) .
(2) đắc Nhất
(3) Chứ không phải của mình thụ lãnh nơi xã hội, luân lý, chế độ, nơi văn minh giả tạo của con người bày ra.
(4) Thiên- trạch là chọn lọc thiên nhiên, thuyết của Darwin trong bộ" Vật chủng Nguyên thủy"
(5) Tiến- Hoá là một sự Biến, một sự Động- và thêm vào một thực trạng ấy là một ý kiến chủ quan là đi theo một khuynh hướng nào.
(6) Đức Sung Phù có câu:" Sanh tử, tồn vong, cùng đạt, bần phú, hiền dữ bất tiếu, hủy dự cơ khát, hán thử: thì sự vi biến, mạng chi hình dã. Nhật dạ tương đại hồ tiền, nhi tri bất năng giai hồ kỳ thủy giả dã ". (Chết sống, còn hết, cùng đạt, nghèo giàu, hiền và bất tiếu, chê khen, đói khát, nóng lạnh: đó là cái biến của vật, cái chuyển của Mạng. Ngày đêm thay phiên tiếp nối trước mặt ta mà trí thông minh của ta không sao nhận thấy được đâu là chỗ khởi đầu. "
(7) thích nhơn chi thích, nhi bất tự thích kỳ thích dã: chạy theo cáo thích của người mà không tự mình chạy theo cái thích của mình.
(8) Thương sinh: làm tổn hại đến sinh mạng.
(9) Tri bất tri, thượng: biết cái không thể biết được (" bất khả trí") , tức là Đạo. (Đạo- Đức- Kinh) .
(10) Đồng với Đạo, nên không còn tham muốn nữa.
(11) Trang- tử: Thiên Thiên Đạo (cổ nhơn chi tao phách)
(12) Cổ du kim dã: cái xưa, thì cũng như cái bây giờ (ám chỉ Đạo vĩnh viễn, bất biến… có từ vị thủy và hiện nay cũng không thay đổi) , người Pháp gọi là" Présent Eternel Immuàble".
(13) Canh Tang Sở.
(14) Nghĩa là không còn biết có mình nữa.
(15) Triêu- triệt: một sự thông hiểu thấu triệt sự vật như ánh sáng buổi ban mai, tức là một thứ" trực quan kiến độc", nhận thấy được cái Chân Thế (Sống Một) .
(16) Liệt- tử, thiên Lực- Mạng.
(17) Xem cái Dũng của thánh nhân (cùng một tác giả) phép tĩnh tọa của Cương- Điền (Phụ- Lục) .
(18) Thiên: thiên nhiên
(19) Nhơn: nhơn tạo, là của người bày ra.
(20) Dịch- kinh:" vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản" và Liệt tử ở thiên Trọng Ni cũng nói:" vật bất cai giả, tắc bất phản". Vật mà không đến mức cùng của nó thì không biến trở lại. Hai câu cùng đồng một ý nghĩa. Muốn" trở về" (phản) phải để cho bản ngã phát triển đến cực độ của nó, thì nó mới" phản biến" mà mất đi (âm cực Dương sinh ở quẻ Phục) .
(21) Trực giác: là dùng theo danh từ ngày nay, nó không phải là một thứ giác quan như người ta thường gọi là " giác quan thứ sáu", hay thứ trực giác theo Bergson. Thứ trực giác theo Bergson cũng chỉ họat động trong" dòng" sắc tướng (nói theo danh từ nhà Phật) chưa thật là cái trực giác của Đại- tri, của Bát- Nhã.


NAM- HOA- KINH
NỘI- THIÊN

TIÊU- DIÊU- DU
NAM HOA KINH
NỘI THIÊN
NỘI THIÊN 2
NỘI THIÊN 3
Các sách chú giải Trang Tử
HỌC THUYẾT CỦA TRANG TỬ
HỌC THUYẾT CỦA TRANG TỬ 2
TIÊU- DIÊU- DU
TỔNG BÌNH
TỀ- VẬT- LUẬN
Phải Quấy và Xấu Tốt
ĐỨC SUNG PHÙ