Chương 7
Tác giả: Tuyết Nhung
Thục Uyên bước vào nhà, hơi ngạc nhiên vì hai nhỏ bạn không chuẩn bị cơm mà ngồi ở bàn vẻ mặt rất nghiêm trọng.Thục Uyên hỏi:
– Sao hai đứa bây không nấu cơm, bộ định đi ăn cơm tiệm hả?
Bây giờ hai đứa mới nhìn thẳng vào Thục Uyên, cái nhìn làm Thục Uyên chột dạ. Cô hỏi:
– Bộ mặt tao đính lọ hay sao mà tụi bây nhìn tao dữ vậy?
Lan Hương bây giờ mới lên tiếng:
– Mày có xem tụi tao là bạn không?
Thục Uyên trố mắt:
– Nhỏ này, sao mày hỏi lạ, nếu không xem tụi mày là bạn thì là gì?
– Vậy tại sao mày gạt tụi tao.
Thục Uyên giật mình:
– Tao gạt tụi bây cái gì?
Lan Hương điềm đạm:
– Mày gạt nhiều nữa là khác, nhưng tao chỉ kể sơ sơ thôi. Một là cái tivi không phải của mày mua trả góp, nồi cơm điện cũng không, mày nói nhà mày nghèo rớt mồng tơi, nhưng cái di động mày đang xài ít nhất cũng năm triệu.
Thục Uyên ngắt lời:
– Vậy tụi bây nghi ngờ đó là của gian hả?
Lan Hương im lặng. Thục Uyên đưa mắt nhìn Thục, nó bối rối:
– Tao ...
Thục Uyên thở ra ngồi xuống ghế:
– Tao biết thế nào rồi cũng có ngày này, nhưng tao không ngờ nhanh hơn tao tưởng. Thực ra, nhà tao không khó khăn như tao từng nói. Nhà tao có công ty riêng ba tao làm giám đốc. Cuộc sống của gia đình cực kỳ thoải mái tao thích học ở đây nên xin vào đây học.
Lan Hương ngắt lời:
– Vậy cô hôm họ đến ký túc xá là mẹ bạn à?
Thục Uyên lắc đầu:
– Không! Là thím Út mình. Ba mẹ mình ở Huế. Trước khi vào ký túc xá, mình ở với chú thím.
Lan Hương kêu lên:
– Chúa ơi? Vậy là Phú Khang chẳng phải là em mày, cũng chẳng phải nhỏ tuổi hơn tụi mình, đúng không?
– Là em tao thì đúng hơn. Vì ba hắn em của ba tao. Còn nhỏ tuổi hơn thì không đúng, vì hắn lớn hơn bọn mình năm tuổi.
Lan Hương la làng:
– Tía má ơi! Vậy mà bấy lâu nay con gọi bằng em ngọt xớt. Đầu đuôi cũng tại nhỏ này.
Lan Hương thò tay nhéo Thục Uyên, cô nghiêng người tránh cú nhéo của bạn. Cô chống chế:
– Em tao cũng như em mày. Trừ khi mày không muốn làm bạn với tao mà muốn làm ... em dâu tao thì mới lo chứ.
Thục lên tiếng:
– Thế sao ngay từ đầu mày không nói thật cho tụi tao biết?
Thục Uyên liếc hai bạn:
– Tao có cơ hội đó sao? Chưa kịp mở miệng thì tụi bây đã phán một câu xanh dờn:
“bọn con gái nhà giàu chảnh lắm đừng có chơí'. Vậy thì tụi mày bảo tao phải mở miệng nói sao đây hả?
Lan Hương gãi gãi tai:
– Ờ thì ... tại tao đâu có nghĩ là con nhà giàu cũng có đứa “bình dân” giản dị như mày.
Câu nói của Lan Hương ít nhiều cũng làm Thục Uyên mát dạ, cô quay nhìn nơi khác:
– Hứ! Vơ đũa cá nắm còn ráng nói.
Lan Hương cười hì hì:
– Giờ thì biết thân phận thật sự của mày rồi, tụi này phải “lợi dụng triệt để”.
mới được.
Thục Uyên giật mình quay lại:
– Cái gì mà “lợi dụng triệt để”?
Lan Hương đáp thản nhiên:
– Ngay bây giờ mày phải dắt tụi tao đi ăn. Tao đói rã cả ruột rồi đây.
Thục Uyên lườm bạn:
– Đói sao không chịu nấu cơm ăn? Tao còn sống sờ sờ đây muốn mổ xẻ lúc nào mà chẳng được.
– Tại tao tức quá mà! Mày có biết tao với nhỏ Thục đói muốn chết mà phải đạp xe đi lòng vòng để tìm cửa hàng mày nói để trả hết tiền mua ti vi và nồi cơm điện cho người ta. Tụi tao định làm mày bất ngờ, chẳng dè người bất ngờ là tụi tao.
Thục Uyên đứng lên:
– Giờ mây có chịu đi ăn không hay ngồi đó mà kể lể.
Lan Hương cũng đứng lên nói:
– Không ăn đói chết thì sao. Lần này tao phải ăn ba tô mới được.
Ngay cả nhỏ Thục thường ngày ăn như mèo bây giờ cũng nói:
– Còn tao thì hai tô.
Thục Uyên ra cửa nói:
– Bây giờ ăn chục tô cũng chẳng ai nói gì. Ăn xong, lỡ có thiếu tiền thì ở lại rửa tô trừ nợ thế thôi.
Ra đến tiệm ăn, mỗi đứa gọi một tô bún bò, người ta vừa bưng ra, nhỏ Hương dặn thêm:
– Xong tô này dì cho con tô nữa nha.
Thục cũng nhanh miệng nói thêm:
– Cho con tô nữa nghen dì.
Nghe thế, Thục Uyên rên rỉ:
– Tía má ơi! Tụi bây làm thiệt hả? Nói trước, tao hết tiền rồi nha, bây giờ ráng ăn cho nhiều rồi ở lại rửa bát nha.
Hai đứa kia vẫn thản nhiên:
– Lo gì, lát nữa có thiếu tiền thì bọn tao bỏ mày lại gọi chú thím mày ra chuộc.
– Sao tụi bây tàn nhẫn vậy hả!
Thục Uyên kêu lên, vừa lúc đó có một người lại gần:
– Xin lỗi tôi ngồi được không, quán đông quá.
Ba đứa nó nhìn lên và miệng cùng há ra ... Là thầy Nam!
Sau phút bất ngờ, Thục Uyên đẩy ghế nhích vào, nói nhỏ:
– Em mời thầy!
Tự nhiên ngồi xuống ghế,. Thành Nam hỏi:
– Ba đứa hay đi ăn “cơm bụi” thế này à?
Thục Uyên lễ phép:
– Dạ, không thường xuyên lắm. Vì hôm nay về trễ, chiều tụi em còn phải đi làm nên rủ nhau đi ăn “cơm bụi” cho đỡ mất thời gian Thành Nam ngạc nhiên:
– Tụi, em đi làm? Mà làm gì?
– Dạ, tụi em bán hàng trong siêu thị gần đây. Hôm nào rảnh, mời thầy ghé mua ủng hộ.
Lan Hương và Thục trố mắt nhìn Thục Uyên. Nhỏ này thật chẳng biết trời cao đất rộng là gì, cả thầy giáo mà còn dám ... tiếp thị. Phen này ổng bực mình ổng đì cho sói trán. Nhưng tụi nhỏ Thục lo lắng hóa ra lại thừa. Vừa nghe xong, Thành Nam vui vẻ.
– Được hôm nào tôi sẽ ghé. Nhưng nghĩ tình thầy trò đừng có lấy dao mà “cứa” cổ tôi đấy!
– Thầy yên tâm, hàng bán có niêm yết giá cả mà.
Vừa lúc đó chủ quán bước ra:
– Hương ăn nữa không con?
Lan Hương lắc đầu:
– Dạ thôi, con no rồi.
Cô chủ quán lại quay qua nhỏ Thục:
– Thế còn con?
Thục cũng lắc đầu:
– Cảm ơn dì, con cũng no lắm rồi.
Đợi cô chủ quán đi rồi Thục Uyên chấp hai tay.
– Ôi, em cám ơn thầy lắm lắm.
Thành Nam kinh ngạc:
– Sao lại cảm ơn tôi?
Thục Uyên thản nhiên trước hai đôi mắt van nài của nhỏ bạn, cô đáp:
– Dạ, nhờ có thầy mà phần nhỏ Hương ba tô giảm xuống còn một, nhỏ Thục hai tô giảm xuống còn một. Nếu không, phen này em vớ nợ mất. Em thật không biết nói gì để cám ơn thầy đây.
Thành Nam tủm tỉm:
– Vậy thì em hãy trả tiền tô của tôi nữa đó là lời cảm ơn thiết thực nhất đấy.
Thục Uyên kêu lên:
– Không phải vậy chớ, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa! Nhưng thôi, đành vậy, dù sao thì một tô cũng đỡ hơn ba tô.
Trong khi Thục Uyên móc tiền lẻ ra đếm thì Thành Nam đã rời chỗ ngồi. Lát sau Thục Uyên gọi tính tiền thì cô chủ quán vui vẻ:
– Cậu thanh niên ngồi chung bàn đã trả cho tụi con rồi.
Thục Uyên tiếc rẻ:
– Chà, biết thế lúc nãy mình ăn thêm một tô nữa.
Lan Hương lườm bạn:
– Mày còn tiếc gì nữa, cả thầy giáo mà mày cũng mở miệng tiếp thị được.
Tin này mà lan ra, ổng “đì” cho mày sói trán.
Thục Uyên đáp đầy tự tin:
– Chỉ những đứa học lực thường thường bậc trung như mày mới sợ thầy thôi.
Còn tao ứ sợ.
Thục ngồi im nãy giờ, bây giờ mới lên tiếng:
– Tóm lại, số nhỏ Uyên bữa nay gặp may, được no bụng mà chả phải tốn xu nào.
Lan Hương hưởng ứng:
– Phải đó! Vậy “độ” này không tính. Ngày mai tiếp tục phát huy chiến dịch “cơm bụi”.
Thục hỏi một câu đầy ý nghĩa:
– Nhưng vấn đề ở chỗ là ai trả tiền đây?
Lan Hương đáp ngay không cần do dự:
– Nhỏ Uyên chứ ai! Đã nói “độ” này không tính rồi còn gì.
Thục Uyên la lên:
– Nè, tụi bây đừng có mà “đục nước béo cò” nha. Ngày mai tao đãi tụi bây mỗi đứa một đĩa cơm thôi. Đứa nào vượt quá tiêu chuẩn phải trả tiền. Còn không thì ở lại rửa bát mà trừ.
Nhỏ Thục và nhỏ Hương la lên:
– Không phải vậy chớ?
Thục Uyên hất mặt:
– Phải dzậy thôi nếu không tao vỡ nợ ra đường xin ăn thì sao?
Vì bạn bè đã biết rõ về cô nên Thục Uyên không cần phầi che giấu nữa.
Thục Uyên mang luôn cả tủ lạnh lẫn dàn máy vi tính trong phòng mình đến chỗ trọ. Giờ thì ngoài việc bán hàng ở siêu thị, ba đứa đăng ký học thêm ngoại ngữ và tin học. Những giờ học khác nhau, nên ba đứa chỉ gặp nhau vào buổi tối.
Vừa về đến nhà, Lan Hương đã mở tủ lạnh nhóm lấy quả sơri cho vào mồm nhai nhóp nhép. Thục từ nhà tắm bước ra phàn nàn:
– Nhỏ này, nó không để cho cái miệng nó kéo da non, lúc nào cũng nhóp nhép.
Bốc thêm một nắm nữa, Lan Hương ngồi xuống bàn triết lý:
– Lúc trước tao cũng nghĩ như mày, ăn để sống chứ không phải sống để ăn.
Nhưng rồi chứng kiến nhiều cảnh sinh ly tử biệt con người ta trở về với cát bụi với đôi tay không và cái bụng lép xẹp. Tao nhận ra rằng còn sống ngày nào nếu có điều kiện thì cứ việc làm những gì mình muốn ăn những gì mình thích để khi về với cát bụi không phải hối tiếc.
Nghe Lan Hương nói một hồi, Thực hết ý kiến. Mà phải công nhận ông trời đã ban cho nhỏ Hương một đặc ân là dù nó ãn nhiều cỡ nào cũng không béo phì, chứ nếu không thì nó đã thành cái thùng phuy biết đi rồi.
Thục Uyên ngồi bên máy vi tlnh quay ra nói:
– Tao làm xong đề cương rồi đây, nhỏ Hương mang đĩa ra ngoài in ra một bản rồi photo ra để học.
Phun mấy cái hột sơri ra, Lan Hương thắc mắc:
– Sao không in ra ba bản luôn?
Thục “hừ” nhỏ:
– Mày tưởng in rẻ lắm chắc?
Thục Uyên thì nói:
– Tùy mày muốn làm sao cũng được, nhưng hết tiền thì chịu khó ăn mì gói nghen.
– Nhưng tại sao phải là tao mà không là nhỏ Thục.
Thục Uyên mở tủ lạnh lấy chai nước lọc tu một hơi rồi nói:
– Giao cho mày in ấn photo là nhẹ nhàng lắm rồi. Mày có biết tao với nhỏ Thục vừa soạn vừa tìm đáp án cực khổ lắm không?
Lan Hương xuôi xị:
– Đi thì đi, làm gì mà mày kể dữ vậy?
Thục còn dặn dò:
– Tí hồi về nhớ hứng nước nha. Cô thông báo cúp nước hai ngày mới có lại đó.
Lan Hương nhăn mặt:
– Sao lại là tao nữa?
– Chứ còn ai nữa! Hai ngày nay đổi ca, mày lại bận học nên tao với nhỏ Uyên vừa soạn đề cương vừa tổng vệ sinh nhà cửa kiêm luôn việc chợ búa cơm nước. Mày chỉ việc hưởng thụ thôi, giờ có tí việc đã kêu ca rồi.
Tao có muốn vậy đâu, tại thời thế nên thế thời phải thế chứ.
Thục quay đi:
– Vậy thì làm đi, phàn nàn cái gì?
Lan Hương đành cầm cái đĩa vi tính ra ngoài. Lan Hương đi rồi Thục Uyên cũng nai nịt gọn gàng Thục trố mắt:
– Tối rồi, mày còn đi đâu nữa?
– Tao có hẹn đánh bóng với Phú Khang nó sắp đến đón tao rồi.
– Vậy chừng nào mày về?
Uyên nhìn đồng hồ rồi nói:
– Đánh bóng xong còn đi ăn nên chắc là tao về trễ. Có gì mày với nhỏ Hương ngủ trước tao có chìa khóa mà.
Mày không học bài sao mà về trễ?
Thục Uyên cột dây giày vừa nói:
– Mấy ngày nay tao soạn đề cương, nên tao cũng dung nạp được một ít, mày đừng lo.
– Vậy thì đi chơi vui vẻ nhé.
Thục Uyên mỉm cười chụp lấy chìa khóa từ tay Thục thảy tới. Cô đi nhanh ra cổng.
Phú Khang ngồi trên xe đón Thục Uyên với nụ cười hết cỡ:
– Giờ muốn gặp chị lúc nào cũng được, thoải mái ghê.
Thục Uyên cũng cười:
– Ừ, nói với tụi nó xong, ta cũng thấy nhẹ cả người không còn cảm giác phập phồng nữa.
Phú Khang hỏi:
– Giờ chị thích đi đâu?
– Dĩ nhiên là đi đánh bóng chứ đi đâu. Lâu lắm ta không cầm đến vợt tennis.
– Vậy giờ mình đi đánh bóng xong ăn một chút gì đó rồi hãy về.
Thục Uyên gật đầu, Phú Khang cho xe chạy đến sân tennis. Mới đánh được vài quả thì Thục Uyên buông vợt khuỵu xuống. Phú Khang hết hoảng vụt chạy đến:
– Chị làm sao vậy?
Thục Uyên nhăn mặt vì đau:
– Hình như chân bị bong gân thì phải.
Phú Khang khẩn trương:
– Chị cởi giầy ra coi!
Thục Uyên mỡ dây giầy cởi giầy ra bàn chân trắng hồng của cô đã đỏ ửng và sưng vù lên. Phú Khang nâng nhẹ chân Thục Uyên lên xem rồi nói:
– Đúng là bị bong gân rồi. Chị ngồi yên nha.
Vừa nói, Phú Khang vừa nắm chân Thục Uyên kéo mạnh, đau quá Thục Uyên la lên.
Phú Khang cười hì hì:
– Xong rồi, con nhà võ mà chịu đau dở quá.
Thục Uyên đứng lên đúng là đỡ đau hơn mặc dù vẫn còn nhoi nhói. Cô nói:
– Giờ về thôi, chân cẳng thế này mà còn đánh đấm gì nữa.
Phú Khang đỡ ngang người Thục Uyên dìu cô đi:
– Chị vịn vào em đi, bớt cử động một chút cho đỡ sưng về nhà bóp dầu là khỏi thôi:
Hai người ra đến xe, nhưng chưa kịp lên xe thì một giọng đứa con gái cất lên the thé:
– Phú Khang! Anh giỏi lắm, từ chối đi chơi với tôi để bám theo con nhỏ này.
Anh là đồ dối trá, đồ sở khanh, đồ bắt cá hai tay.
Thục Uyên kêu trời trong bụng. Vụ gì đây trời! Sao chưa thấy người mà nghe chửi điếc cả con ráy thế này.
Thục Uyên quay người lại:
– Hình như cô hiểu lầm rồi, tôi với Phú Khang là.
Không để Thục Uyên nói hết câu, cô gái kia xỉa xói:
– Là tình nhân chứ gì? Trông mặt mũi cô cũng không đến nỗi nào không lẽ không tự kiếm nổi cho mình một anh “bồ” hay sao mà phải đi giật của người khác. Hay cô thấy anh ấy giàu có nên nhào vô cố chịu đấm ăn xôi hả?
Thục Uyên nóng cả mặt chưa hết phản ứng thế nào thì những người trong bãi xe đang nhìn họ với đôi mắt hiếu kỳ, thì Phú Khang quát to:
– Kiều Diễm! Cô mau rút lại những lời nói vừa rồi và xin lỗi cô ấy mau!
– Xin lỗi nè!
Cùng lời nói là một cái tát nẩy lửa giáng vào mặt Thục Uyên làm cô ngã chúi vào thành xe. Phú Khang sau phút bất ngờ, anh giơ tay lên nhưng rất nhanh Thục Uyên khóa chặt tay anh trước khi anh kịp tát vào mặt Kiều Diễm. Mắt Phú Khang đỏ ngầu nhìn Kiều Diễm khiến cô lạnh cả người, anh nói giọng lạnh tanh:
– Cô cút đi, trước khi tôi không còn kềm chế được!
Thấy mọi người đứng nhìn Kiều Diễm, không những không di ra mà còn la lớn hơn:
– Anh là một tên đàn ông hèn hạ bỉ ổi ...
“Bốp” một cái tát giáng thẳng vào mặt Kiều Diễm. Cô quắt mắt nhìn Phú Khang giọng căm hờn:
– Anh dám đánh tôi à?
Phú Khang lạnh lùng nhìn Kiều Diễm:
– Một cái tát xem ra còn quá nhẹ. Cô nhìn lại mình mà xem, là một cô giáo tương lai mà cô cư xử như một người vô học, cô biết người cô vừa nhục mạ đánh đập là không? Xin thưa với cô, đây là chị của tôi đấy. Ngay cả cha mẹ tôi còn chưa bao giờ nặng nhẹ chị ấy dù chỉ một câu. Còn cô, cô tưởng mình là ai hả?
Sau phút ngỡ ngàng, Kiều Diễm lúng túng:
– Em xin lỗi ... em ...
Phú Khang phẩy tay:
– Tốt hơn hết là cô đi đi, tôi không muốn nghe gì nữa cả. Dù sao tôi cũng cảm ơn trời đã xui khiến cho buổi hôm nay, nhờ nó tôi mới nhìn rõ con người của cô.
– Anh Khang nghe em nói ...
– Cô đi đi và tôi không muốn nghe gì nữa cả.
Phú Khang quay đi. Kiều Diễm bặm môi nhìn theo rồi quay người bỏ đi.
Thục Uyên ái ngại nhìn theo rồi bảo Phú Khang:
– Em đuổi theo cô ấy đi, con gái lúc giận thì như thế, chỉ cần em nhỏ nhẹ một chút thì mọi chuyện sẽ êm xui thôi mà.
Phú Khang mở cửa xe leo lên:
– Cô ta không đáng để em phải làm như thế.
Thục Uyên nhìn Phú Khang bất lực:
– Phú Khang ...
– Chị đừng có nhìn em như thế! Có lẽ tình cảm em dành cho cô ấy chưa đến mức sâu đậm nên em không thấy bứt rứt. Với em, gia đình rất quan trọng, người yêu của em phải biết tôn trọng những người thân của em. Thái độ của cô ấy, em không thể chấp nhận được .
Thục Uyên nhăn mặt:
– Em hãy nhìn sự việc thoáng hơn một chút đi, chỉ vì hiểu lầm thôi. Người ta nói có yêu thì mới có ghen, em không vì thế mà thông cảm cho cô ấy được sao.
– Nhưng ghen tuông một cách hồ đồ mù quáng như thế thì em không thể chấp nhận được, nhất là với cô ấy, sắp là cô giáo mà nhân cách tầm thường quá.
Thôi, chị xe đi em đưa về xoa dầu cho cái chân đỡ đau nếu không mai làm sao đi học.
Thục Uyên đành bất lực, cô đã cứng đầu nhưng hắn còn cứng đầu hơn cô.
Thục Uyên ngồi tựa đầu vào thành ghế ngẫm nghĩ. Phú Khang có chia tay hẳn với Kiều Diểm cũng tốt. Ngay từ đầu, Thục Uyên đã không mấy thiện cẩm với cô gái này, mẫu người kiêu kỳ hợm hĩnh như thế không hợp với gia tộc nhà cô.
Nhưng tôn trọng sự lựa chọn của Phú Khang, cô không có ý kiến. Vì thực ra tuy chị nhưng thực tế cô vẫn nhỏ tuổi hơn anh mà. Giờ hai người hục hặc nhau mà nguyên nhân chính là cô, Thục Uyên không biết mình phải làm gì. .... Phú Khang dừng xe hỏi nhỏ:
– Chị đang nghĩ gì vậy?
Thục Uyên thở ra:
– Không nghĩ gì cả!
Rồi cô mở cửa xe bước xuống, nói tiếp:
– Nếu được, ngay bây giờ em hãy tìm cô ấy mà làm lành.
Phú Khang nhăn mặt:
– Chị lại thế nữa! Em không muốn nghe chuyện này nữa đâu đấy.
Anh theo đỡ Thục Uyên vào nhà. Hiền Thục còn thức nên chạy ra mở cổng cho Thục Uyên. Trông thấy Thục Uyên đi cà nhắc, cô lo lắng hỏi:
– Chân mày sao vậy?
– Tao bị bong gân ...
Phú Khang đỡ Thục Uyên, nói:
– Thục lấy cho tôi mượn chai dầu.
Thục lật đật chạy vào lấy chai dầu đem ra, Phú Khang cầm lấy đổ lên chân Thục Uyên xoa nhẹ. Thục Uyên giành lấy chai dầu:
– Ta bị thương ở chân, nhưng tay vẫn còn lành lặn, ta tự làm được.
– Vậy em về nha.
– Về đi - Cô quay qua Thục nói với Thục - Mi ra đóng cửa giùm ta?
Thục đi theo Phú Khang ra đóng cổng. Đến cổng, Phú Khang nói với Thục:
– Nếu sáng mai chỉ Uyên đi không được thì Thục gọi điện thoại báo cho tôi hay nha.
Thục nhìn thẳng vào mặt Khang, nói:
– Anh yên tâm, bọn tôi thừa sức lo cho Thục Uyên.
Nhìn ánh mắt trong veo của Thục, Phú Khang bất chợt quay đi. Thật ra, anh biết chân của Thục Uyên chỉ cần xoa dầu là sáng mai có thể đi lại được. Mà nếu có đau quá đi không được, Thục Uyên cũng không đời nào gọi điện cho anh.
Chỉ vì không hiểu sao anh thích nghe giọng nói của Thục. Bản thân anh cũng không hiểu mình muốn gì nữa,hễ một tuần không được gặp Thục là anh thấy bứt rứt không yên.
Phú Khang lắc mạnh đầu. Mình sao thế nhỉ?
Thảy cái khăn lông cho Thục Uyên lau mồ hôi, Phú Khang hỏi:
– Giờ chị về nhà không?
Thục Uyên lắc đầu:
– Đế lúc khác đi. Giờ ta về nhà trọ tắm rửa. Ta có hẹn với tụi nó tối nay đi ăn kem.
Phú Khang sáng mắt:
– Cho em tháp tùng với?
Thục Uyên phẩy tay:
– Chỗ đàn bà con gái nói chuyện, mi theo làm chi?
Phú Khang đành ngậm tăm, song anh nói:
– Mẹ em nói hôm nào chị dẫn các bạn chị về nhà chơi, nhớ báo trước để mẹ làm tiệc đãi các chị.
Thục Uyên gật đầu:
– Ừ, hôm nào ta sẽ về. Giờ phải về thôi kẻo tụi nó đợi.
Phú Khang đứng lên đi về phía xe, Thục Uyên đi theo. Về đến nhà mở cửa xe cho Thụ Uyên, Phú Khang chong mắt nhìn vào nhà mong nhìn thấy bóng dáng của Hiền Thục. Nhưng anh hoàn toàn thất vọng, người mở cửa cho Uyên là Lan Hương chứ không phải là Hiền Thục. Anh đành lên xe và cho xe lao vút đi.
Vào đến nhà, Thục Uyên vọt nhanh vào phòng tắm mở vòi nước. Nhưng hỡi ơi, vòi nước khô ran không có một giọt nước. Thục Uyên la lên:
– Thế này là thế nào?
Hiền Thục nhún vai:
– Biết chết liền! Rõ ràng thông báo là hôm nay có nước mà, sao giờ sắp hết ngày mà chẳng có giọt nước nào cả.
– Rồi lấy nước đâu mà tao tắm bây giờ?
Hiền Thục nói tỉnh:
– Thì mày chịu khó ở dơ một chút. Chứ còn mỗi một xô nước để mai rửa mặt đánh răng, giờ mày tắm thì mai mang cái mặt mèo đến giảng đường à?
Thục Uyên la làng:
– Bình thường ở dơ còn chịu được, chứ tao mới đánh bóngvề mồ hôi mồ kê nhễ nhại mày bảo tao phải ở dơ thì làm sao chịu nổi. Lan Hương bước vào nói tiếp:
– Ở bẩn sống lâu, mày kêu ca cái gì?
Thục Uyên lườm bạn:
– Chỉ có mày mới quan niệm thế thôi.
Nói xong, cô bước lại bàn nhắc điện thoại lên:
– Đứa nào giữ số điện thoại công ty cấp nước cho tao mượn đi.
Hiền Thục ngạc nhiên:
– Mày hỏi chi vậy?
Thục Uyên hăm he:
– Cho một trận chứ chi.
Hiền Thục chìa mảnh giấy cho Thục Uyên:
– Đó, có giỏi thì mày “cho” họ “một trận” đi, chứ tao không có gan.
Thục Uyên giằng mạnh giấy:
– Mày nhát thì để tao làm cho!
Nói rồi, Thục Uyên hùng hổ ấn số. Trong cơn nóng giận, cô đã phạm sai lầm không thể cứu vãn.
Đưa khách tham quan một vòng công ty, Vũ Nguyên đưa khách về văn phòng để bàn về việc ký kết hợp đồng đang thảo luận thì máy diện thoại nội bộ sáng lên. Vũ Nguyên nhìn vị khách lịch sự:
– Xin lỗi ...
Người khách nhã nhặn:
– Anh cứ tự nhiên.
Vũ Nguyên bước lại máy điện thoại:
– Chuyện gì vậy cô Hoa?
– Thưa ông, có khách cần gặp ông.
Vũ Nguyên thở nhẹ:
– Cô nối máy vào cho tôi đi.
Cô thư ký nối máy, Vũ Nguyên chỉ vừa nói “phòng giám đốc nghe” tức thì anh muốn điếc cả con ráy khi bên kia có tiếng hét lanh lảnh của một cô gái:
– Này, các người làm ăn vậy hả? Nói hai ngày là cấp nước cho người ta xài, vậy mà đã hết ngày thứ ba vẫn chưa có giọt nước nào. Thế mà tiễn nước hàng tháng thu không thiếu một xu. Các người cứ liệu đấy, tiền nước tháng này đừng hòng tôi trả một xu.
Một tiếng “cạch” khô khan vang lên, cô gái đã cúp máy mà không cho Vũ Nguyên kịp giải thích một lời nào. Anh cứ đứng trân người nhìn cái điện thoại như nhìn quái vật mà quên mất vị khách trong phòng cũng đang nhìn anh như nhìn vật thể lạ. Hồi lâu, vị khách khẽ hắn giọng, Vũ Nguyên giật mình quay lại.
Anh giả lả:
– Xin lỗi, ta bàn tiếp nhé.
Vị khách mỉm cười nhã nhặn:
– Xin lỗi, có lẽ tôi cần suy nghĩ thêm trước khi ký vào bản hợp đồng này.
Anh có thể cho tôi thêm một tuần nữa không?
Vũ Nguyên ngả người ra khoanh tay trước bụng hỏi:
– Có phải vì cú điện thoại lúc nãy, làm ông e dè không? ...
Không đợi vị khách trả lời anh nói luôn.
– Cú điện thoại lúc nãy có lẽ người ta gọi nhầm số. Ông thấy đó, công ty của tôi không kinh doanh mặt hàng nào là “nước” cả. Nếu ông cần phải suy nghĩ thì cứ tự nhiên, công ty tôi lúc nào cũng rộng rãi chào đón ông quay lại bất kỳ lúc nào.
Vị khách đứng lên từ giã Vũ Nguyên. Tiễn vị khách một đoạn xong, anh quay lại chỗ cô thư ký:
– Cô Hoa, tất cả các cuộc điện thoại đàm trong máy nội bộ phòng tôi đều cô được ghi âm hết phải không?
Cô thư ký giật mình:
– Dạ vâng! Từ trước đến giờ vẫn vậy mà. Bộ có gì không ổn sao thưa giám đốc?
– Không! Hết giờ làm việc, cô đem cuộn băng đó vào phòng cho tôi, luôn cả số điện thoại của cuộc gọi đến mới nhất.
– Có phải số của “kháchhàng” vừa gọi cách đây năm phút?
Vũ Nguyên gật đầu:
– Đúng vậy. Cô nhớ tra luôn địa chỉ của số điện thoại mà “khách hàng” vừa rồi gọi đến luôn nhé.
– Vâng. Còn gì nữa không thưa giám đốc – Chỉ bấy nhiêu thôi. Cô tiếp tục côngviệc của mình đi.
Vũ Nguyên vào phòng làm việc ngả người vào ghế thở ra. Thế là anh mất cơ hội ngồi lên chiếc ghế quen thuộc của mình rồi. Mẹ anh một người rất sắt đá.
Anh đã không ngồi lên được chiếc ghế quen thuộc của mình thì đừng mong gì được thừa kế cả công ty đồ sộ thế này trừ phi anh cưới được ... vợ. Nhưng chuyện này với anh còn khó hơn việc cố gắng ngồi vào chiếc ghế bọc nhung kia nhiều, vì cô gái nào anh đưa về đều không lọt nổi qua vòng sơ khảo thì mơ gì đến việc lọt vào vòng chung kết. Ừ, mà nhắc đến con gái mới nhớ, chẳng phải anh vừa bị con gái làm cho cơ hội tuột khỏi tầm tay đó sao. Giờ nghĩ lại mới thấy máu nóng trào dâng. Chẳng biết người ở phương nào mà xớn xác hồ đồ đến thế, còn giọng nói thì chua hơn cả giắm nuôi, đến tận bây giờ mà màng nhĩ của anh nó vẫn còn rung lên bằn bạt. Được lắm, món nợ này nhất địch anh phải đòi lại cả vốn lẫn lời.
Đang tắm thì nghe từng hồi chuông dồn đập vang lên, Thục Uyên định mặc kệ nhưng sực nhớ hôm nay hai nhỏ bạn cô nó đi học từ sớm rồi, giờ chỉ còn mình cô ở nhà. Thục Uyên đành mặc vội quần áo vớ lấy cái khăn lông phủ lên cái đầu còn ướt nước, cô chạy ra mở cổng. Thục Uyên khựng người:
– Xin lỗi ông là ai?
Vũ Nguyên đưa tay dụi mặt hai ba cái. Sao lại thế nhỉ, đây là nhà má mình mà! Liệu cô Hoa thư ký có nhầm lẫn gì chăng, Thôi kệ, cứ liều xem sao, nghĩ vậy, anh hắng giọng:
– Cô là chủ nhà này?
Thục Uyên đáp:
– Phải mà không phải.
Vũ Nguyên nhăn tí đôi lông mày.
– Phải thì phải, còn không thì thôi, chứ cái gì mà “phải mà không phảI”. Tôi hỏI vì công việc chớ có rảnh để hỏi chơi đâu.
Thục Uyên cũng đáp tỉnh bơ:
– Tôi cũng trả lời thiệt chứ có rảnh đâu mà đi đùa với ông.
Nhìn vẻ mặt của vũ Nguyên tối sầm lại Thục Uyên mới chịu bổ sung thêm:
– Nhà này không phải là nhà của tôi, mà là nhà tôi thuê. Vì thế tôi vừa là chủ vừa là không phải chủ.
Vũ Nguyên nheo mắt:
– Vậy hiện giờ cô là chủ nhà chứ gì.
– Đúng là vậy.
Vũ Nguyên chỉ tay vào trong:
– Vậy tôi có thể vào nhà được không, đứng nói chuyện thế này hình như không tiện lắm.
Thục Uyên đành miễn cuỡng:
– À vâng, mời ông vào!
Vào đến nhà, Vũ Nguyên nhìn bao quát khắp nơi. Nhà có bàn tay phụ nữ có khác, gọn gàng ngăn nắp hẳn ra, chẳng bù với lúc nó còn là “tổng hành dinh”.
của anh.
Anh nhìn Thục Uyên nói:
– Cô không thể mời khách một ly nước à?
Thục Uyên tròn xoe đôi mắt phượng. Trời ơi! Ở đâu có vị khách trời gầm vầy nè trời.
Thục Uyên vất cái khăn lên thành ghế, hất ngược mái tóc ra sau, cô đặt bình nước lọc lên bàn, nói:
– Mời ông. Mà ông tìm tôi cô việc gì?
Bây giờ Vũ Nguyên mới nhìn rõ mặt Thục Uyên. Anh sững sờ. Cô đẹp quá, vầng tráng cao thanh tú, đôi mắt đen tròn sáng long lanh như hai vì sao trong đêm, làn da trắng mịn màng nhìn rõ cả lớp lông tơ trên mặt. Đôi môi mọng hồng đầy cám dỗ. Anh sẽ còn ngắm mãi nếu cô gái không cất giọng đầy nghiêm nghị:
– Không phải ông có việc muốn nói sao?
Vũ Nguyên giật mình. Mất phong độ quá! Từ trước đến giờ anh chưa bao giờ mất phong độ như hôm nay cả. Phải lấy lại phong độ mới được. Nghĩ vậy, anh thản nhiên rót một mình một ly nước, thong thả uống từng ngụm nhỏ trước đôi mắt phượng bắt đầu nhíu lại vì bực mình. Đặt ly xuống bàn, anh điềm đạm:
– Cách đây hai ngày vào lúc mười lăm giờ ba phút bốn mươi lăm giây, chủ nhân của máy điện thoại nhà này đã gọi một cuộc gọi đến số điện thoại 8530. .... Thục Uyên ngắt lời:
– Tóm lại, ông đến đây vì việc gì, tốt hơn là nói thẳng ra. Tôi không có nhiều thời gian cho ông đâu. Với tôi thì giờ là vàng bạc, tôi không muốn bỏ phí một giây nào đâu.
– Vậy thì thưa quý cô, cuộc điện thoại tai hại ấy đã làm công ty tôi thiệt hại rất nặng nề.
Thục Uyên hừ mũi:
– Tôi nào có biết công ty của mấy người là công ty gì và chắc gì cuộc gọi đó do máy nhà này thực hiện.
Vũ Nguyên đặt mấy tờ giấy lên bàn nói:
– Vậy thì đây mời quý cô xem qua xem có đúng không nhé?
Thục Uyên xem qua quả đúng là như vậy. Nhưng cô không hiểu vì sao hắn lại có được thứ này. Ngay cả cô còn chưa nhận được giấy báo của bưu điện kia mà. Những diễn biến trên gương mặt Thục Uyên đều không qua khỏi cặp mắt củaVũ Nguyên. Anh đặt một chiếc máy nhỏ xíu lên bàn và ấn nút:
– Nếu quý cô còn nghi ngờ thì xin mời quý cô nghe tiếp nhé!
Tiếng máy rè rè một lúc rồi giọng Thục Uyên vang lên rõ mồn một:
“Này các người làm ăn vậy hả? Nói hai ngày là cấp nước cho ngườI ta xài vậy mà đã hết ngày thứ ba mà vẫn chưa có giọt nước nào. Thế mà tiền nước hàng tháng thu không thiếu một xu. Các người cứ liệu đấy, tiền nước tháng này đừng hòng tôi trả một xu ...”.
Vũ Nguyên thò tay tắt máy. Trước sự thật hiển nhiên và bằng chứng cụ thể, Thục Uyên không thể mở miệng chối cãi được. Cô nhìn thẳng vào mặt Vũ Nguyên:
– Tóm lại, giờ ông muốn làm gì?
Vũ Nguyên thản nhiên đáp:
– Muốn biết rõ họ tên và nghề nghiệp của cô.
Nhìn ánh mắt của Thục Uyên, Vũ Nguyên xua tay:
– Ấy ấy, đừng nhìn tôi với ánh mắt muốn ăn tươi nuốt sống như thế! Đành rằng tôi rất thông cảm với sự nhầm lẫn của cô, nhưng tôi không thể bỏ qua vì sự nhầm lẫn của cô làm cho công ty tôi thiệt hại rất nhiều.
Thục Uyên ngắt lời:
– Nói thẳng ra là ông muốn bồi thường chứ gì. Bao nhiêu?
Vũ Nguyên xua tay:
– Tôi chưa muốn bồi thường bây giờ.
– Thế bao giờ thì ông mới cần bồi thuờng?
– Tôi cần có thời gian để kiểm tra lại mức độ thiệt hại rồi mới đưa ra mức đền bù thỏa đáng được.
Thục Uyên hầm hè:
– Vậy giờ ông cần gì?
Đáp lại thái độ hầm hè của Thục Uyên, Vũ Nguyên vẫn thản nhiên đáp:
– Tôi cần biết rõ họ tên nghề nghiệp của cô Thục Uyên đành nói:
– Thục Uyên là tên tôi.
Vũ Nguyên nhướng mắt:
– Quý cô vui lòng cho tôi biết rõ họ tên.
Thục Uyên cộc cằn đáp:
– Tôn Nữ Thục Uyên.
Vũ Nguyên nhịp nhịp cây viết hỏi tiếp:
– Còn tuổi?
– Mười chín.
– Nghề nghiệp.
– Sinh viên.
– Trường đang theo học?
– Đại học Kinh tế.
Vũ Nguyên hí hoáy ghi chép mà cố giấu nụ cười. Vậy là anh có được những thông tin về người đẹp mà anh cần. Công nhận cô bé này dễ “bắt nạt” ghê.
Ghi xong, anh nói:
– Vài ngày nữa sau khi thống kê xong, tôi sẽ tìm cô để đền bù thỏa đáng về mức độ thiệt hại.
Thục Uyên hất mặt:
– Vài ngày là mấy ngày, ông làm ơn ấn định cho rõ ràng. Tôi không có nhiều thời gian rảnh rỗi để ông muốn đến lúc nào thì đến.
– Ồ, vâng, tôi quên mất cô là sinh viên.
– Vậy ba ngày nữa tôi đến được không?
Thục Uyên ngầu mặt:
– Ba ngày thì ba ngày. Giờ thì ông mau “biến” đi giùm tôi.
Hai tay thọc túi quần,Vũ Nguyên lững thững bước đi và nói:
– Đó là câu nói dùng để tiễn khách hay nhất của một người làm kinh tế trong tương lai à?
Thục Uyên đóng sầm cổng lại, làu bàu:
– Ông thử tìm xem có ai đón chủ nợ đến nhà bằng thái độ vuivẻ vừa mới trúng số không?
Vũ Nguyên tủm tỉm cười và mắt anh chợt sáng lên, không ai đoán được anh đang nghĩ gì. Chỉ thấy anh huýt sáo một điệu nhạc thật vui trước khi lên xe nổ máy chạy đi.