Chương 7
Tác giả: Uyên Nhi
Đang mơ màng giấc điệp , Bạch Tuyết chợt nghe như có những tràng cười rộ lên dội vào tai. Cô cũng chẳng còn cái cảm giác mát rượi của ngọn gió lùa qua từ khung cửa... Còn đang ở trạng thái lơ lửng thì lỗ tai Bạch Tuyết chợt nhói lên vì ai đó búng tay vào. Nó giật mình mở mắt và tỉnh hẳn khi nhận ra thầy Vĩnh. Thầy đang đứng ngay bên bàn của nó, ánh mắt nghiêm khắc :
- Nãy giờ em mơ tới đâu rồi ?
Bạch Tuyết đưa tay dụi đôi mắt đỏ hoe, ấp úng :
- Da... thưa thầy... thưa thầy...
- Lập tức đi ra ngoài rửa mặt ngay cho tôi. Tỉnh táo rồi vào đây nói chuyện !
Bạch Tuyết ngượng chín người, nhưng nó không dám cãi lời thầy. Đứng lên rời khỏi chỗ mà mặt nó cứ cúi gầm xuống đất . Vừa xuống hết cầu thang thứ nhất, do lầm lũi mà đi không ngẩng đầu lên nên Bạch Tuyết va phải một nam sinh đang đi lên, sự va chạm khá mạnh làm Bạch Tuyết té ngồi xuống cầu thang, đầu gối cạ xuống gạch trắng xước đến rướm máu. Một giọng nói quen thuộc cất lên :
- Đang giờ học mà cậu đi đâu vậy ?
Bạch Tuyết ngước lên, gặp Văn Long, nó rươm rướm nước mắt :
- Tớ ngủ gục trong lớp nên bị thầy la đó. Thầy bảo đi rửa mặt . Chắc thế nào cũng bị phạt cho coi. Cậu đi đâu thế?
- À, mình xuống văn phòng lấy dụng cụ dùm thầy...
Đến lúc này Bạch Tuyết mới nhìn thấy cây com-pa bằng gỗ to đùng trên tay Văn Long. Cũng may lúc nãy Văn Long không có mặt nên không nhìn thấy cảnh Bạch Tuyết bị búng lỗ tai, nếu không thì nó chỉ còn nước độn thổ. Đầu giờ học hôm nay, khi được gọi lên trả bài môn địa lý , Bạch Tuyết đã quên mất một đoạn khá dài nên chỉ được điểm bảy. Đến giờ toán thì hai mắt nó cứ dịp lại đến mức nó gục luôn xuống bàn mà ngủ. Chuyện này trước nay chưa xảy ra với nó bao giờ, ôi, quê đến chết được...
- Hôm nay cậu sao thế ? Học bài không kỹ, rồi lại ngủ trong giờ học của thầy... Bộ đêm qua thức khuya lắm hả ?
- Ừ. Hôm qua tớ và Thanh Ngân ở lại coi nghệ sĩ tẩy trang khuya lắm mới về.
- Thôi bớt bớt vụ đó đi, để ảnh hưởng đến việc học không tốt...
- Biết rồi... cậu lên đi...
Thấy Bạch Tuyết đi cà nhắc, Văn Long vội chạy theo :
- Chân của cậu có sao không vậy ?
- Không việc gì, bị trầy một chút thôi . Cậu lên lớp đi, đừng theo tớ.
Văn Long biết Bạch Tuyết ngại có ai nhìn thấy nên cậu vội quay lên. Bạch Tuyết đi xuống chỗ bồn nước, vặn vòi rửa mặt. Những giọt nước mát lạnh quả nhiên làm cho nó cảm thấy tỉnh táo hơn. Nhớ lại chuyện đêm qua, Bạch Tuyết thấy hối hận . Nó đã có những lúc bốc đồng làm chuyện thiếu suy nghĩ, khi làm rồi mới nhận thấy mình sai. Đêm qua lúc vãn tuồng, Thanh Ngân rủ Bạch Tuyết ở lại coi mặt thật của các nghệ sĩ sau khi tẩy trang, vì vậy hai đứa đã về trễ hơn thường ngày nửa tiếng. Sau đó Thanh Ngân thấy một con đường tắt dẫn vào đường phi trường nên lại rủ Bạch Tuyết đi thử coi có thể về nhà nhanh hơn không. Hai đứa đi ngang qua đám rẫy, thấy mấy liếp bắp của ai đang trổ trái to nùi nụi , Bạch Tuyết ngứa tay nên rủ Thanh Ngân... bẻ trộm nửa chục bắp đem về. Đã hơn 24h00 rồi mà hai đứa vẫn còn chưa buồn ngủ nên ra sau hè nhà Bạch Tuyết nhóm bếp than lên nướng bắp ăn để rồi sau đó Bạch Tuyết bị đầy bụng trăn trở không ngủ được. Thế là sáng lên lớp trong trạng thái dật dờ. Hậu quả là bài học rồi có khúc nhớ khúc quên nên chỉ được điểm bảy... bây giờ thì... cả lớp ai cũng biết cô ngủ gục trong lớp học, đúng là chẳng giống ai !
Chuyện này thì Bạch Tuyết không thể kể với Văn Long được... Nó cũng thấy có lỗi vô cùng. Trộm vặt vốn là hành động xấu , vậy mà nó cứ tái phạm hoài... Hậu quả không nghiêm trọng nhưng vẫn là việc không nên làm - Nếu như mẹ mà biết được chắc là buồn lắm... "Thôi thì mình nghe theo Văn Long , đừng xem hát nửa đi. Bây giờ cũng chẳng phải mùa hè cần tập trung cho chuyện học mới phải chứ! "
Bạch Tuyết trở lên lớp. Tưởng tượng bao nhiêu cặp mắt đang đổ dồn về mình, Bạch Tuyết chẳng mặt mũi nào nhìn lên. Nó cứ thế lầm lũi đi về chỗ. Thầy Vĩnh đứng trên bục giảng thấy thái độ của Bạch Tuyết có vẻ biết lỗi nên cơn giận của thầy cũng nguôi đi. Thay vì gọi học trò lên quở trách, thầy Vĩnh lại đi đến chỗ Bạch Tuyết, nói với cô bằng giọng nhẹ nhàng nhưng đầy tôn nghiêm :
- Tại sao em lại ngủ trong giờ học ?
Bạch Tuyết đứng lên, cúi gầm mặt :
- Dạ thưa thầy, vì đêm qua em đã thức rất khuya.
- Thức để ôn bài hay là phụ việc nhà ?
- Dạ không phải ạ. Em đã đi xem hát rồi về còn ăn khuya với bạn... Xin thầy cứ thẳng tay trừng phạt em. Em đã sai rồi. Em hứa sẽ không như thế nửa...
- Tức là em cũng biết là mình làm sai?
- Da...
- Lúc nãy thầy giảng bài , em có nghe được đoạn nào không? Hiểu bài không ?Hay là ngủ ngay khi bắt đầu bài giảng mới ?
- Dạ, em nghe được một lúc rồi mới ngủ, nhưng bài này em đã coi trước ở nhà nên cũng tiếp thu được. Nếu như có chỗ nào không hiểu , em dự định sẽ nhờ bạn giảng lại cho em.
- Sao em không nhờ thầy ?
- Dạ, em sợ làm mất thời gian của thầy ở lớp và làm ảnh hưởng đến các bạn.
- Biết suy nghĩ vậy là tốt. Lẽ ra thầy phạt em đứng hết tiết này, nhưng xem ra em là người biết lỗi cho nên thầy tạm thời bỏ qua, nhưng không được tái phạm đấy nhé.
Lần sau còn như thế thầy sẽ cho em điểm zerọ Thôi, em ngồi xuống đi.
- Dạ, cảm ơn thầy. Xin lỗi thầy, từ rày về sau em không dám phạm lỗi nữa...
- Tốt rồi. Nào, tất cả nhìn lên bảng, chúng ta tiếp tục phần còn lại...
Thầy Vĩnh bước chân lên bục giảng mà lòng nhẹ tênh. Đã lâu lắm rồi thầy mới nghe lại được những từ "cám ơn" và "xin lỗi" từ phía học trò. Những câu nói như vậy tuy đơn giản nhưng bây giờ bỗng trở nên "khan hiếm" trong trường học. Đám học trò thời nay khi làm sai chuyện gì bị thầy cô trách phạt thì chúng sẵn sàng nhận lỗi với thái độ thản nhiên, có đứa còn biểu lộ sự căm ghét đối với người phạt chúng. Điều đó hoàn toàn phản giáo dục, không đúng với lễ nghĩa của một học sinh. Môi trường sư phạm đòi hỏi phải có sự nghiêm khắc , giống như ông bà ta thường dạy "Tiên học lễ, hậu học văn". Thầy Vĩnh cũng tâm niệm như thế nên thái độ nhận lỗi của Bạch Tuyết hôm nay làm thầy rất hài lòng. Thầy sẵn sàng bỏ qua cho học sinh , thực chất "ngủ gục" trong giờ học cũng không phải là lỗi lầm nghiêm trọng. Tuy nhiên, để giáo huấn học sinh về tính thật thà, tôn sư trọng đạo và làm sai biết sửa , cuối giờ học khi chuông reo báo hiệu hết tiết rồi thầy Vĩnh vẫn còn nán lại để phát biểu suy nghĩ của mình với học sinh :
- Các em thân mến ! Lớp chúng ta hôm nay biểu hiện khá tốt trong giờ học của thầy. Ba em học sinh được gọi lên khảo bài thì cả ba đều thuộc, kiểm tra vở bài tập thì hầu hết các em cũng làm bài đầy đủ, chỉ có mỗi khuyết điểm là hơi ồn trong giờ giảng của thầy, riêng trường hợp của bạn Bạch Tuyết, các em thấy thế nào ?
Quốc Bảo vụt đứng lên :
- Thưa thầy, Bạch Tuyết vốn rất mê coi hát cải lương . Theo em biết thì đêm nào bạn ấy cũng đi coi hát đến tận khuya vì vậy bạn ấy ngủ không đủ giấc và tranh thủ "ngủ bù" trong giờ học, việc này cần phải làm kiểm điểm...
Diễm Linh giơ tay :
- Thưa thầy em không đồng tình với suy nghĩ của bạn Quốc Bảo. Em cho rằng ở lứa tuổi chúng em thì mỗi người đều có một sở thích riêng , miễn là không có hại. Bạch Tuyết thích coi hát cũng đâu phải là chuyện xấu, có điều... đừng nên để ảnh hưởng đến việc học của mình. Bạch Tuyết cũng đã nhận ra điều đó và hứa sẽ sửa sai thì không nhất thiết phải làm kiểm điểm.
Thầy Vĩnh hỏi ý lớp trưởng :
- Văn Long , em có ý kiến gì ?
- Vâng, em đồng ý với lời nói của bạn Diễm Linh. Bạch Tuyết vốn là một học sinh chăm chỉ, sự việc hôm nay... có lẽ là ngoài ý muốn của bạn đó thôi.
Cả lớp học nhao nháo ủng hộ lời Văn Long. Thầy Vĩnh khẽ gật đầu :
- Thầy cũng đồng ý với Văn Long và Diễm Linh. Làm sai mà thành thật nhận lỗi là tốt , biết sai thì phải sửa, đã hứa thì phải giữ lời. Bạch Tuyết đã tỏ ra thành thật khi trả lời những câu hỏi của thầy, chứng tỏ em rất có thành ý. Các em là học sinh thì phải nhớ một điều : Không được phép nói dối, qua mặt thầy cô giáo. Bạch Tuyết đã làm rất đúng khi nói lời xin lỗi với thầy và hứa sẽ nhờ bạn giảng bài để không làm ảnh hưởng đến thời giờ của lớp tạ Thầy hy vọng các em cũng sẽ như thế, làm sai thì phải nhận và sửa sai ngay, như thế mới có thể trở thành người hoàn thiện... Thôi, các em ra chơi đi. Bạch Tuyết em mang tập lên đây, không hiểu chỗ nào cứ hỏi thầy, thầy sẽ dành mười phút giải lao này để giảng lại cho em...
Bạch Tuyết rất cảm động trước lòng yêu thương học trò và cả sự tận tuỵ trong nghề nghiệp của người thầy giáo. Nó mang vở lên, chỉ hỏi lại phương pháp giải phương trình rút gọn... Thầy Vĩnh chỉ giảng qua một lần là nó nắm được ngaỵ Thầy xoa đầu nó khen :
- Em có khả năng tiếp thu bài tốt đấy, nhưng nhớ đừng ham chơi mà thức quá khuya nữa, biết chưa ?
- Dạ, em biết rồi. Cám ơn thầy đã bỏ qua cho em.
Thầy Vĩnh ôm cặp táp bước ra khỏi lớp. Bạch Tuyết nhìn đồng hồ treo tường, còn hơn năm phút nửa mới hết giờ giải lao . "Được lắm!" Bạch Tuyết xắn tay áo đi xăm xăm đến bàn Quốc Bảo :
- Này tên "Xêkô mỏ nhọn" kia , lúc nãy ai bảo mi nhiều chuyện vậy hả ?
Thái độ của Bạch Tuyết làm Văn Long đang đứng gần đó giật mình mở to đôi mắt "Hàn Quốc" để nhìn cho kỹ người bạn học. Ối trời ! Nàng Bạch Tuyết lúc nãy và bây giờ thật khác xạ Vửa rồi trước mặt thầy cô bé ngoan "hiền như nai" nhưng bây giờ đang đứng trước mặt Quốc Bảo cô bé lại "dữ như gấu". Đúng là "hai trong một". Văn Long lẳng lặng quan sát xem Quốc Bảo ứng phó thế nào ? Hắn ta cũng chẳng phải tay vừa , cái mỏ nhọn vểnh lên, đưa về phía trước mở đầu cuộc "khẩu chiến" :
- Bà nói ai mỏ nhọn hả bà Tám ?!! Tui nói bộ hỏng đúng hay sao? Ai chẳng biết bà mê "kép" cải lương , tối nào cũng đi nhìn mặt cho "thoa? lòng" mong nhớ...
- Sao ?- Bạch Tuyết chồm hẳn lên bàn, nó đưa tay bóp miệng Quốc Bảo lại, la lớn - Ông có tin tui "mài mỏ " ông không ? Nói chuyện với tui là không được chụp mũ đấy nhé. Bạch Tuyết này ghét nhất là bị người ta vu khống . Ông căn cứ vào đâu mà nói là tui mê kép cải lương ?
- Căn cứ... căn cứ vào... lời của chị tui. Chị tui thấy bà đứng ở sau cánh gà coi nghệ sĩ tẩy trang... nếu bà không thích họ thì tại sao phải đi nhìn mặt ?
- Đồ vô duyên! Tui thích coi mặt thật của nghệ sĩ kệ tui , ai cho ông kết luận bậy bạ như vậy hả ? Ông đừng có viện cớ. Nhà ông chỉ có hai anh em trai, làm gì có chị nào ? Muốn kiếm chuyện mà không dám nhận. Vậy cũng là "đờn ông" sao ?
- Sao bà biết tui không có chị ? Chị họ tui cũng thường đi coi hát và gặp bà hoài...
- Chị Ông là người nào ?
- Nói ra bà cũng đâu có biết !
- Thôi, bỏ qua vụ đó ! Tui hỏi ông, tại sao tự nhiên đi mách lẻo với thầy ?
Sao ông nhiều chuyện vậy?
- Tại tui ghét tính bà làm cao.
- Tui làm cao hồi nào ?
- Còn không có hả? Người ta nhờ tui đưa vé cho bà, bà từ chối, rốt cuộc bà đâu có bỏ qua...
- Chuyện đó mắc mớ gì đến ông ? Đúng là Xêkô mỏ nhọn mà.
- Đỡ hơn bà... "Bạch Tuyết ngủ trên bàn". Hà hà ngày xưa công chúa Bạch Tuyết "ngủ trong lâu đài" , còn Bạch Tuyết của lớp ta "ngủ trên bàn" ..haha... không biết trong giấc mơ bà có gặp hoàng tử nào không nhỉ?
- Hoàng tử thì tui chưa được gặp nhưng Xêkô mỏ nhọn thì tui gặp rồi. Ông coi chừng tui nhạ Lần sau còn mách lẻo vậy nửa là tui "mài mỏ" ông thiệt đó !
- Hổng dám đâu Bạch Tuyết đui then! Bà mà đụng tới tui, tui cho bà đi ngược liền.
- Nè, ông mới gọi tui là gì ?
- Là Bạch Tuyết đen thui. Bộ không phải hay sao? Bà lấy gương soi lại mặt mình đi. Tui thật không hiểu nổi tại sao người nhà bà lại đặt tên bà là Bạch Tuyết , nghe nó trái nghĩa với da mặt bà quá chừng luôn. Nếu là tui, tui sẽ đặt tên cho bà là "Chì mè phủ".
Câu nói của Quốc Bảo làm cả lớp cười vang. Bạch Tuyết bị quê nên trả đũa :
- Tui cũng không hiểu sao mẹ Ông lại đặt tên ông là Quốc Bảo. Ông mà là bảo vật gì ? Quái vật thì có. Đàn ông con trai gì mà vừa tròn vừa ngắn. Nói thiệt nha, nhìn kỹ thấy ông giống y hệt cái lon guizgo.
- Nè, vừa phải thôi nha! Bà làm tui nổi tự ái dữ rồi đó.
- Bộ mình ông biết tự ái sao?
Thấy trận "khẩu chiến" giữa đôi bên đến hồi căng thẳng, Văn Long vội xen vào can ngăn :
- Thôi , thôi mà ! Hai người làm ơn đi ! Bạn bè cả. Mỗi người nhịn một chút được không. Quốc Bảo, cậu thôi đi ! Ai lại cãi tay đôi với con gái thế !
Quốc Bảo hậm hực nhìn Văn Long :
- Cậu thì lúc nào cũng chỉ biết bênh vực cho con gái mà thôi. Cậu không thấy cô ta "mọc nanh" với tui sao?
- Cũng tại cậu hết, ai bảo nói những chuyện không nên nói làm chị Mình là con trai mà, phải rộng lượng một chút...
- Rộng lượng kiểu như cậu tui hổng có ham. Ai đời biết người ta cố ý cắt cổ...
Quốc Bảo vừa mới nói đến đó thì đã bị Văn Long đưa tay bụm miệng kéo ra ngoài. Tuy nhiên câu nói nửa chừng đó cũng khiến Bạch Tuyết hiểu Quốc Bảo muốn ám chỉ điều gì. Cô chạy theo ra cửa nhưng không biết Văn Long đã kéo Quốc Bảo đi đâu mất. Cho đến khi tiếng chuông báo hiệu giờ học kế tiếp đã bắt đầu vẫn không thấy hai người trở lại. Bạch Tuyết thấy bực bội trong lòng . Một lúc sao, Văn Long và Quốc Bảo trở vào nhưng cô giáo dạy môn Lý cũng vừa đến lớp nên Bạch Tuyết không làm gi được.