Tròn một ngày
Tác giả: Viên Nhật
Tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi làm tôi choàng thức giấc. Trái tim giật thót vì lo lắng, không hiểu ở nhà có chuyện gì không? Điện thoại mà reo những giờ không giống ai thì hồi hộp lắm, nhất là khi trong nhà còn có mẹ già đau ốm triền miên.
Quờ quạng trong bóng tối tìm cái SPhone và mở màn hình: Mới có 4 giờ sáng! Tôi lò dò lại, soi màn hình di động vào cái điện thoại bàn và bấm xem số ai vừa gọi. Bất thình lình, cái đèn đỏ nhấp nháy và chuông điện thoại lại réo inh ỏi: Thì ra là số của anh.
Tôi cầm điện thoại lên cằn nhằn:
- Trời ơi, đi ăn trộm hay sao mà …!
- Anh nhắn cho em vào Email rồi mà: Kể từ hôm nay, mình sẽ đi tập thể dục sớm một tiếng.
- Anh nhắn hồi nào sao em không thấy? Messenger mở suốt mà đâu có cái thư nào của anh?
- Anh gởi vào cái hộp thư nick C. từ trưa hôm qua.
- Có phải anh cố tình không? Cái hộp thư ấy chỉ mở khi em biết chắc mình có thư.
Tiếng anh cười nghe là biết gian giảo đầy người.
- Xuống nhà đi, anh đã đến dưới đường chờ rồi.
Đã lỡ thức rồi, tôi đành đi tắm qua và thay bộ short rồi nhanh chóng mang vớ, đi giày. Xuống hết sáu tầng lầu mới nhớ ra là quên mang chìa khóa cổng, tôi lại phải lò dò đi ngược trở lên.
Mồ hôi đầy người, khi mở cánh cổng ra, gió sớm mai thổi làm tôi phát lãnh. Ngoài đường hãy còn tối và vắng. Anh đang đứng ngay đài Liệt sĩ, chiếc xe dựng trên lề.
Lấy tay đẩy cái gọng kính cận, anh chỉ vào ngọn đèn đường sáng choang trên đầu nói:
- Mình đánh cầu lông ở đây giờ này là tiện nhất, vừa sáng, vừa thoáng, vừa …
Tôi nhăn mặt:
- Anh cũng biết là em hay thức khuya, có đêm nào ngủ trước một giờ sáng đâu. Tập bây giờ thì lên tới nhà chỉ mới có 5 giờ 30, chắc em phải ngủ thêm giấc nữa thì mới đi làm nổi. Rủi mà không ngủ được, thì giác 9 – 10 giờ không gà gật mới kỳ đó. Nếu lúc đó đang chạy xe trên đường, buồn ngủ quá chạy như người say đánh võng, không bị công an túm, cũng bị bệnh viện ghi tên.
- Em nói sao nghe y như thật ấy, thương tâm quá trời!
Giọng anh cười cộng với cái tròng kính nhá đèn nhấp nháy hết sức hài hước, còn cửa nào để nổi sùng, thôi thì đánh cầu cho rồi.
Vì tức mình, tôi trút giận vào trái cầu như đánh kẻ thù. Khổ nỗi anh cao lênh khênh, cứ nhẹ nhàng đánh qua vừa tầm cho tôi, dù tôi nhiều lần chơi xấu, khi thì tạt thấp, khi thì đánh xéo để anh phải chạy bở hơi tai, rồi phải múa may đủ tư thế để đỡ trông rất buồn cười. Nhìn thấy anh như thế, tôi vui quá cứ cười khoái chí, đánh không biết mệt. Chỉ đến khi người tôi nóng như lò lửa, mặt rát bỏng và cánh tay gần như không thể giơ lên, tôi mới ngừng.
Sáu tầng lầu bây giờ thật là xa xôi vạn dặm. Tôi thấy tiếc, lúc nãy cho anh cùng lên, thì bây giờ có người để nhờ vả rồi!
Khi về được tới cửa, tôi lại mừng vì lúc nãy, mình sáng suốt không cho anh lên cùng?! Tôi lúc nào cũng đầy mâu thuẩn như thế. Ngay cả tôi, lắm phen còn không chịu nổi mình, làm sao người khác có thể chịu nổi tôi?
Là nói thế thôi, những khi tôi khỏe mạnh, kiểm soát được mình thì tôi là một người hoạt bát, vui vẻ, cực kỳ dễ thương! Nhưng khi mệt mỏi, không đủ sức kiểm soát chính mình thì tốt nhất là kiếm một xó mà trốn biệt, để thiên hạ nhìn thấy một con sư tử Hà Đông thì kinh dị lắm!
Có khối thời gian dư vào sáng nay, thế mà loanh quanh sao không biết, tôi lại thấy mình sắp trễ giờ tới nơi. Chuyện cơm bữa ấy mà, chỉ tự mình hơi thắc mắc mình xài thời gian kiểu gì kỳ lạ thế không biết?
Cũng may tôi là người dị ứng với mọi loại kem, phấn. Mỹ phẩm duy nhất mà tôi xài muôn năm là hai cây son. Vì vậy, dù có tháo mồ hôi chạy như bay xuống lầu cũng chẳng ảnh hưởng tới hòa bình thế giới! Có khi còn hay vì có má hồng tự nhiên ấy nhỉ?
Đang xông ra cửa, tôi nghe tiếng anh gọi:
- Anh ở đây, hôm nay cho em đi nhờ xe miễn phí.
Biết là mình mà chạy tới bãi xe, lấy được chiếc xe ra, trễ càng thêm trễ, tôi vờ cười hớn hở:
- Cám ơn anh nha, cái gì miễn phí, em đều thích hết!
- Em nói đó nha, từ nay anh làm tài xế miễn phí cho em.
- Thôi, cám ơn anh. Em đâu nỡ lợi dụng công khai như thế.
- Là anh tình nguyện mà!
- Ui trời! Chuyện đó hồi sau sẽ tính. Em trễ mất rồi.
Từ khe cửa, tôi đã nhìn thấy chị giám đốc ngồi ở bàn đang viết cái gì đó. Tôi rón rén cúi thấp người xuống, toan âm thầm bò về cái bàn của mình. Chính lúc ấy, tôi thấy một cái bóng chồng lên bóng của mình. Quay phắt lại, tôi nhận ra anh phó giám đốc cũng đang lom khom như thế ở sau mình:
- Em làm rơi gì sao? – Không hiểu sao, giọng anh rất thấp, gần như thì thầm.
- Anh nói sao? Em đâu có làm rơi gì?
Anh liền đứng thẳng dậy:
- Vậy sao em cứ lom khom?
Tôi đưa ngón tay lên miệng:
- Anh đừng la lớn.
- Lại đi trễ nữa! Còn nấp nánh làm gì, tui đã thấy tiểu thư từ dưới cổng rồi.
- Dạ! – Còn gì là bí mật đâu, tôi đành đứng thẳng dậy, liếc cho anh phó một con dao lam bén ngót.
Anh nhe răng cười làm tôi muốn bịnh luôn.
Treo cái giỏ ra sau ghế và cái áo khoác lên lưng ghế xong, tôi ngồi xuống.
- Hôm nay trễ 20 phút, phạt ngồi trực thêm hai tiếng buổi chiều, nghe chưa?
- Dạ! – Tôi ỉu sìu. Ngày nào cũng bị phạt trực sau giờ làm việc, gặm bánh mì muốn ngán mà tôi vẫn hiếm khi tới chỗ làm đúng giờ.
Chuông điện thoại đổ, tôi cầm máy, khẽ ho cho thông giọng rồi mới đưa lên tai, “Alô … xin nghe!” bằng cái giọng dịu dàng nhất thiên hạ. Một phụ huynh nhờ góp ý về đứa con gái của mình. Tôi lấy kinh nghiệm từ mình, nhỏ nhẽ nói chuyện với chị ấy.
Nhiều khi, tôi nghĩ: Nếu tôi không là một cô gái có nhiều vấn đề nổi loạn thuở thiếu niên, chắc là tôi cũng không có bao nhiều kinh nghiệm để thuyết phục người khác. Chuyện tư vấn cho mọi lứa tuổi này quả thật rất đau đầu. Đôi khi, các phụ huynh đã có biện pháp xử lý, điều họ muốn nghe là để giải áp lực cho chính họ chứ không phải cần giải pháp. Còn chưa kể đến nhưng cuộc gọi quấy phá chỉ vì thích nghe giọng nói của người tư vấn, làm mất bao nhiêu thời gian quý báu của người khác.
Nhiều lần, chị giám đốc yêu cầu tôi đưa số điện thoại nhà riêng để có thể tư vấn ngoài giờ, nhưng tôi đều từ chối. Buổi tối là thời gian riêng để tôi thoát khỏi những rắc rối của người khác. Nếu đem cả về nhà, chắc gì tôi có thể còn giữ được giọng nói kiên nhẫn, ngọt ngào được nữa vì quá tải!
Hết giờ làm, mọi người đã về từ lâu, chỉ còn tôi với căn phòng trống và những tiếng điện thoại. May quá, đồng hồ đã chỉ 6 giờ 30, tôi đã xong nghĩa vụ Quốc Tế. Đang khóa cửa, tôi nghe tiếng điện thoại đổ chuông.
Tuy rất muốn đi luôn, coi như mình không nghe thấy. – Cái khó nhất là tự lừa dối mình. – Tôi đành thở dài, quay trở vào. Lại ho hen cho thật tươi tỉnh, tôi bắt máy:
- Alô … xin nghe?
Giọng anh ở đầu dây nghe như ru:
- Có ai bị bỏ đói không nhỉ? Có người đợi sẵn chở đi ăn đây nè!
Không hiểu sao tôi lại thở dài. Sẽ có ngày, anh làm tôi đổi ý mất. Gần đây, tôi thường hay muốn dựa dẫm vào anh, dấu hiệu chẳng hay chút nào! Anh là cái vòng tròn mở ra, khép lại một ngày của tôi. Hơi lắc đầu, tôi tự nói: Không nên để nó thành thói quen. Cái gì quen cũng chẳng mấy hay ho! Chuyện đó, ngày mai hẳn tính, bây giờ, chưa kịp quen, cứ đi ăn cùng anh cái đã! Và tôi lon ton khóa cửa xuống lầu.