Giọt Nắng Xuân
Tác giả: Việt Dương Nhân
Căn nhà cũ kỹ nằm mút con đường nhỏ có hai cửa sổ bị bể kiếng được dán lấp lại bằng mấy tờ nhựt trình, vách tường ẩm ướt hăn hắt mùi mốc meo. Nghe đâu người ta nói xóm này là : Xóm Nghèo. Con đường nhỏ kia, cách công trường Léon-Gambetta một trạm xe buýt. Nơi đây là quận Ivry-sur-Seine phía Nam ngoại ô Paris thuộc tỉnh Créteil nước Pháp.
Làm sao ở bên quê nhà, dân mình tưởng tượng được nơi đất Pháp lại có cảnh nghèo như thế ? Quê hương của chúng ta thường do từ miệng chúng ta nói ra là : ‘’Quê Nghèo’’. Mặc dù nghèo, nhưng chúng ta vẫn nghĩ nhớ và mãi mãi thương yêu. Thật ra, xứ nào cũng có kẻ nghèo người giàu không nhiều thì cũng ít mà thôi !
*
Thời tiết Âu-Châu vừa bước sang mùa đông mà đã nghe buốt lạnh rồi. Trưa nay, bà An mặc chiếc áo măn-tô cũ xì màu nâu đậm, chân mang đôi giày bốt, tay xách cái bịt ny-lon bỏ vài ba thứ giấy tờ trong đó, nét mặt bà hiện lên niềm hy vọng. Vì bà đi thử việc làm trong một hãng chuyên môn ráp dây cáp điện thoại di-Động. Hãng ấy, nằm trong một con đường nhỏ. Bà An đến nơi bước vào văn phòng tiếp tân, bà hỏi thăm và đưa tờ giấy do sở thất nghiệp giới thiệu. Một bà Đầm nước da trắng trẻo, cao vừa vừa, hơi có da có thịt, tuổi xồn xồn, bà đứng lên, miệng tươi cười chào xả giao, rồi bà dẫn bà An qua một cái phòng rộng mênh mông. Ở nơi đó đã có cả chục người đàn ông và đàn bà đang lom khom thử việc. Bà Đầm chỉ cái bàn cho bà An ngồi, rồi bà đi lấy một mớ dây điện nhỏ li chi nhiều màu và những cục vuông vuông cỡ bằng ngón tay cái có nhiều lỗ nhỏ xíu đem lại. Bà Đầm đứng kề bên và chỉ sơ cho bà An cách xỏ và ráp vô. Bà An thấy dễ dàng quá, trong lòng bà nghe vui vui, vì công việc này nhẹ nhàng, làm bà rất thích, nên đăm chiêu ráng gắn vào cho nhanh cho gọn, trong đầu bà hy vọng người ta sẽ nhận bà làm việc nơi đây. Nửa tiếng đồng sau, bà Đầm đến bên bà An, và nói : - Được rồi ! Mời bà qua văn phòng.
Bà An đứng dậy đi theo bà Đầm, mà nghĩ chắc là bà được người ta nhận việc. Qua đến văn phòng, bà Đầm nói : - Công việc này không hạp với bà. Đây, tôi ký tên đóng dấu để bà đưa cho sỡ thất nghiệp biết là bà có đến đây thử việc.
Bà An đưa tay lấy tờ giấy và nói cám ơn mà gương mặt bà buồn hiu. Bà bắt tay chào bà Đầm kia rồi thất thiểu đi ra. Khi ra khỏi văn phòng hãng ấy, bà An đứng trước cái nhà cũ hư kia, lòng tự nhủ : Thời tiết mùa đông lạnh cóng như thế này mà người ta ở trong đó, chắc sẽ chịu lạnh lẽo lắm. Thật tội nghiệp ! Giây phút chạnh lòng, bà An tự an ủi : Mình coi vậy mà vẫn có phước hơn những người ở trong căn nhà này. Mặc dù nhà mình cũng nằm trong một xóm nghèo phía bên kia, nhưng có đầy đủ tiện nghi và ấm áp... Nghĩ bâng quơ rồi bà lơn tơn đi ra ngoài đường lớn, đến trạm ô-tô-buýt, bà không chờ xe mà cứ thả bộ đi từ từ trở lại công trường Léon-Gambetta. Vừa đi bà vừa nhìn chung quanh khu đó. Bà nhủ thầm : Thật đúng là Xóm Nghèo. Ý cha ! Nhà cửa lấp thấp lụp xụp, đường xá chẳng được bằng phẳng, những cửa hàng vắng khách trông buồn hiu, còn người bộ hành trên gương mặt chẳng có nét gì vui cả. Mình đang buồn, mà nhìn thấy cảnh ở đây còn buồn hơn ! Bà An bùi ngùi xót xa. Vì bà cư ngụ tại quận này gần mười sáu năm rồi. Mà lần đầu tiên bà mới đặt chân đến khu này đây.
Sau khi thử việc, bà An không được người ta nhận làm, lòng buồn lắm. Nhưng suy nghĩ lại thì tại bà sắp tới sáu mươi tuổi, mắt yếu, tay chân chậm chạp làm sao ai nhận bà làm việc được đây ? Bà trở về nhà thay quần áo xong, leo lên giường nằm gác tay lên trán suy nghĩ bao chuyện đời đã xẩy ra với bà những năm tháng chìm chìm, nổi nổi. Bà cam đành chấp nhận cuộc sống đạm bạc cho qua ngày, đoạn tháng...
Một năm sau, cũng vào mùa đông Âu Châu, trong dịp sắp Tết Việt Nam. Bà An nhận được cú điện thoại từ bên Houston gọi qua thăm hỏi bà. Đó là cậu Ân, người con trai của dì Ba, dì Ba là người bếp cũ thuở xa xưa ở Sài-gòn. Nghe qua những lời đầy tình người của cậu Ân, bà An rất cảm động.
Sau khi đàm chuyện với cậu Ân, bà An ngồi xếp bằng nhìn qua cửa sổ, cố định thần mà trong cõi lòng bà lại hiện lên những cảnh nổi chìm gần suốt cuộc đời mà bà đã trải qua, làm giao động tâm hồn bà...
* * *
Hồi tưởng lại...
... Xế chiều, của ngày cuối năm, vào đầu thập niên 1970. Chiếc xe du lịch màu trắng hiệu Toyota-Corina do chú tài xế tên Tuân lái. Trong xe chở một thiếu phụ trẻ khoảng chừng hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi. Nàng mặc bộ Âu phục màu xám lợt sọc đen nhuyển, mái tóc dài, gương mặt xinh xắn, miệng cười rất có duyên, đôi mắt mơ màng đượm nét ưu tư.
Chú tài xế quẹo vào cổng Cư-Xá... xây cất theo lối Tây phương, có chín căn tất cả, căn nào căn nấy rộng hơn một trăm thước vuông, gần Nhà-Rồng trên đường Trịnh-Minh-Thế (Khánh Hội). Chú Hai gác-gian nghe tiếng kèn xe, chú ra mở cửa. Chú Tuân cho chiếc xe chạy tuốt vô sân dừng lại. Người đàn bà trẻ ấy, là Nguyễn Thị Thanh An, vợ của một người Pháp tên Jean-Charles làm giám đốc cho một hãng tàu chuyên chở hàng hóa xuất nhập cảng Việt-Pháp.
Thanh An mở cửa xe bước xuống, có tiếng reo vui của hai đứa nhỏ, vì nghe mẹ về nên xuống sân nhà đợi từ hồi trưa đến giờ. Vừa thấy mẹ là tụi nó mừng húm và la lên :
- Má ! Má về ! Má về !
Thanh An dang hai tay ôm choàng hai con mà hôn lia hôn lịa. Nhàn đứa con trai sáu tuổi và Nhã đứa con gái bốn tuổi. Hai đứa nhỏ xa mẹ hơn hai tuần lễ coi bộ tụi nó nhớ mẹ lắm. Trong nhà có hai người làm cũng chạy ra, kẻ xách va-li, người xách giỏ vô nhà. Chú tài xế de xe vô ga-ra. Thanh An vô nhà với hai con. Trên gương mặt của dì Ba thoáng buồn, bà hỏi cô chủ :
- Cô đi Tây, mà sao cô về mau quá vậy ?
- Bên Tây lạnh quá, hơn nữa bưu-điện ở bễn họ đang làm reo, không có liên lạc thơ từ gì được. Nên con nóng ruột quá, mau mau đổi vé máy bay về đây.
- Còn ông. Chừng nào về vậy cô ?
- Hơn một tháng nữa... Sao, ở nhà mấy đứa nhỏ có ngoan không dì ?
- Dạ ngoan !
Thanh An quay qua hỏi Bèo :
- Hai em có nhõng nhẽo, phá phách dữ hôn em ? Tụi nó ăn cơm nhiều không vậy ?
- Dạ hai em ngoan lắm, ăn cơm nhiều và không có nhõng nhẽo, phá phách gì hết... Ở bên Tây có vui không cô ?
- Vui cái gì ? Xui thấy mồ ! Vừa qua tới bên ấy, nhè gặp mùa đông lạnh tê tái, mà còn bị họ làm reo biểu tình tùm lum. Về đây thấy nhẹ người, ở thêm bên Tây chắc cô chết quá !
Thanh An nói thế làm cả nhà cười. Hai đứa nhỏ vẫn kề sát bên mẹ. Thanh An chỉ cái va-li lớn màu nâu và nói với Bèo :
- Bèo, em soạn cái va-li kia ra, có bánh kẹo nhiều lắm trong đó. Em coi chừng trong đó có con búp-bê và chiếc xe hơi, quà bên nội của hai em gởi qua cho tụi nó đó.
Bèo soạn ra con búp-bê, Nhã lại lấy ôm vào mình, còn chiếc xe thì Nhàn đến lấy, hai đứa nhỏ mặt tươi rói và thích thú lắm. Thanh An đi vô phòng thay đồ, Nhàn và Nhã cũng đi theo leo lên giường nằm ngắm nghía đồ chơi.
Giờ cơm chiều, dì Ba dọn lên bàn, vì không có chồng của Thanh An ở nhà nên cô bảo tất cả người làm đều ăn chung. Trong khi ăn cơm, Thanh An hỏi dì Ba :
- Hỗm rày má con có ra đây chơi không dì ?
Dì Ba nhìn Bèo... rồi quay lại trả lời Thanh An :
- Dạ có... Nhưng...
Dì Ba vừa nói thì nước mắt đôi dòng nhiễu lợt đợt.
Thanh An hỏi :
- Ủa sao dì khóc vậy ? Bộ có chuyện gì với má con phải không ?
Dì Ba nghẹn ngào nói từ từ :
- Dạ, bà đuổi tôi đó cô à !
- Đuổi dì ! Mà chuyện gì vậy ? Thôi dì ăn cơm đi, dì đừng có lo, má con đuổi dì chớ con đâu có đuổi dì.
Dì Ba im lặng ăn cơm. Cơm nước xong, Bèo lo tắm rửa cho hai đứa nhỏ. Dì Ba lo rửa chén sau bếp. Thanh An xuống bếp nói chuyện với dì Ba :
- Dì biết má con khó tánh, khi má con nói gì thì dì cứ nín thinh hoặc dạ dạ cho qua truông. Dì đừng bận lòng, dì làm cho con mấy năm nay, con mến dì lắm. Hơn nữa, dì với má con đồng tuổi, má con được con lo đầy đủ, nên không có làm gì hết, còn dì thì phải đi làm để nuôi cho cậu Ân ăn học. Con rất kính dì.
Dì Ba ngưng tay quay lại phân trần với Thanh An :
-Tại bữa hôm bà ra đây, gặp tôi làm chả chiên hột vịt cho hai đứa nhỏ ăn với cơm. Bà la : Tại sao cho hai đứa nhỏ ăn hột vịt hoài ? Tôi nói : Tụi nó thích món đó lắm, mà thỉnh thoảng tôi mới cho ăn như vậy, chớ đâu phải cho ăn mỗi ngày. Tôi nói như vậy, thì bà la om xòm và nói chờ cô về thì tôi tức khắc phải rời khỏi nơi đây. Xin cô hiểu dùm tôi.
Nói đến đây dì Ba khóc thút thít. Thanh An đi lại vuốt vai dì Ba và nói : - Dì đừng có khóc, thế nào má con cũng ra thăm hai đứa cháu ngoại hà. Lúc ấy, con sẽ khuyên má con đừng có giận hờn vô lý như vậy.
Mấy ngày sau, quả thật bà Sáu Thiện, má của Thanh An lót tót ra đến nơi. Trời còn sớm nên bà lên salon ngồi ăn trầu. Một hồi sau hai đứa nhỏ và Bèo mở cửa phòng đi ra, Nhàn và Nhã chạy lại ôm kêu ngoại ngoại. Thanh An nghe tiếng cũng thức dậy ra khỏi phòng và chào hỏi mẹ :
- Dạ, thưa mà mới ra. Má ra đây chi sớm quá vậy ? Để con nói con Bèo qua Chợ-Cũ bên đường Hàm-Nghi mua đồ ăn sáng. Má thích ăn món gì má ?
- Thôi. Tao ăn xôi nếp than ở nhà rồi !
- Má ăn thêm cơm tấm, bánh canh hay hủ tiếu gì nha má ?
- Không. Tao nói, tao không ăn gì hết ! Bây ăn gì ăn đi, chút nữa tao muốn nói chuyện với bây.
Thanh An bảo Bèo lo thay quần áo cho hai đứa nhỏ và hỏi tụi nó ăn gì thì đi mua luôn. Thanh An xin lỗi mẹ, nàng vô phòng thay đồ khác. Thay xong trở ra. Bà Sáu Thiện têm miếng trầu khác bỏ vô miệng nhai rào rạo. Tuy tuổi bà vào lục tuần năm nay, nhưng răng cỏ còn đầy đủ, tóc bạc gần hết cả đầu, bà búi tóc cao và có thả ba cái vòng lái. Dáng vóc cao ráo, nước da trắng trẻo, trông người rất lịch sự mà tánh của bà khó khăn với kẻ ăn người ở của con gái bà quá. Bà sống một mình trong một căn nhà nho nhỏ có đầy đủ tiện nghi, miệt cầu Chữ-Y băng qua khu Phạm-Thế-Hiển. Từ ngày góa chồng đến nay, bà ở vậy, thỉnh thoảng bà buôn bán nữ trang loại nho nhỏ với mấy bà bạn hàng xóm và mỗi tháng Thanh An có lén chồng cho bà chút đỉnh tiền để bà ăn xài rộng rãi hơn.
Bèo, cô gái giữ hai đứa con của Thanh An, cỡ mười bảy mười tám tuổi, tay xách chiếc gào mên năm ngăn trong đó có cơm tấm, bánh canh và hủ tiếu mua về, Bèo dọn lên bàn, đặt đủa muỗng sẵn sàng. Rồi em quay qua lo đút hủ tiếu cho Nhàn và Nhã ăn. Thanh An mời mẹ lại bàn ăn bánh canh, bà Sáu Thiện lắc đầu nói :
- Tao đã nói tao không ăn mà biểu con Bèo mua làm chi cho tốn tiền.
- Không sao đâu má à !... Hình như má giận con chuyện gì phải không má ?
- Bây làm gì tao mà giận với hờn. Nhưng má có việc này...
- Dạ, việc gì vậy má ?
- Tao muốn bây cho bà Ba nghỉ việc liền, tao sẽ thế bã nấu ăn cho bây !
Thanh An nghe lòng run lên chẳng biết nói làm sao với mẹ. Nàng lấy muỗng vừa trộn tô bánh canh, vừa nói :
- Con xin lỗi má, con đâu nỡ cho dì Ba nghỉ việc, mà đâu có gì quan trọng mà má giận dữ vậy !
Bà Sáu Thiện xỉa thuốc lia lịa, mắt ngó thẳng vào mặt con, nói một giọng cương quyết :
- Bây xem người làm hơn mẹ bây thì từ đây, tao từ bây vĩnh viễn !
Nói xong, bà Sáu Thiện đứng dậy xách giỏ trầu ra ngã sau nhà mà đi nhanh. Thanh An hết hồn chạy theo quỳ sụp xuống lạy và nói :
- Con lạy má, xin má tha lỗi cho con. Nếu không, thì con chịu làm đứa con bất hiếu đối với má chớ con không thể nào nghe lời má mà làm một việc ác độc, bất nhân !
Bà Sáu Thiện hất Thanh An qua một bên. Bà đi nhanh ra gần tới cửa ngõ, Thanh An mở cửa trước chạy ra gọi chú Tuân tài xế lấy xe đưa mẹ về. Nhưng bà Sáu Thiện không chịu lên xe mà bà đi tuốt luôn. Thanh An trở vô thấy dì Ba mặt mày tái mét, nước mắt chèm nhèm. Thanh An nói :
- Không sao đâu dì Ba à ! Dì đừng có khóc nữa. Dì cứ ở đây làm cho con.
- Tôi cám ơn cô nhiều lắm. Nếu tôi mất việc làm thì thằng Ân con tôi chắc phải nghỉ học quá !
- Dì an tâm làm cho con. Chuyện má con với dì để từ từ con giàn xếp, rồi đây má con cũng sẽ nguôi. Con biết má con giận lắm. Nhưng... để chờ đầu tháng con đưa tiền chú Tuân đem về cho má con, tới đó coi xem sao ?
Vào đầu tháng, Thanh An bỏ vô bao thơ năm ngàn đồng nhờ chú Tuân đem đưa cho mẹ. Thanh An vừa thấy chú Tuân về, cô liền chạy xuống sân nhà hỏi :
- Sao, chú Tuân ! Má con có nhận tiền không ?
- Dạ, thưa cô ! Bà nhận rồi !
- Má con có nói gì với chú không ?
- Dạ không !
Thanh An thở ra cái phào, nàng trở lên nhà với gương mặt tươi cười và nói với dì Ba :
- Dì Ba ơi ! Má con nhận bao thơ của con rồi ! Con mừng quá !
- Vậy là bà hết giận cô !
- Chắc còn chút chút, nhưng má con nhận tiền là con thấy nhẹ lòng, chớ sợ má con không nhận thì con sẽ khó xử lắm. Nè, dì Ba ! Chừng nào má con có ra nữa thì dì cứ tự nhiên hỏi má con ăn uống gì chưa như mọi lần nha !
- Dạ, tôi xin vâng lời cô và rất cám ơn cô !
Từ đó mỗi đầu tháng là Thanh An nhờ chú Tuân đem tiền về cho mẹ, mẹ nàng vẫn nhận tiền, nhưng không ra Sài-gòn thăm con và hai đứa cháu ngoại. Thanh An cũng cứng đầu mà kình với mẹ chớ nàng không chịu về thăm.
Bà Sáu Thiện tuy giận Thanh An lắm. Nhưng mấy tháng qua bà suy nghĩ cũng nhiều về cách xử thế của con gái bà, trong lòng bà rất nhớ con nhớ cháu ngoại, rồi bà nghĩ : Con An nó cho nó phải, nên nó không về thăm mình. Thôi thì mình đi thăm nó và hai đứa cháu ngoại. Nghĩ mình cũng hơi gắt gao với chị Ba bếp. Tại mình muốn cháu mình ăn thịt bò, thịt heo cho bổ. Chớ ăn hột vịt đâu bổ gì. Cha, ngặt dữ à ! Mình phải làm sao huề với chị Ba đây ? Thây kệ ! Mình sẽ tìm cách nói chuyện vã lả với chị ấy ! Chớ ở nhà mà chờ con An nó về thăm mình chắc còn lâu à ! Tánh nó giống ông già nó hệt khuôn.
Tới tháng thứ sáu, bà Thiện chịu hết nỗi. Bà xách giỏ trầu đi ra Sàigòn thăm cháu ngoại.
Sáng sớm mới hơn sáu giờ là bà Thiện đã có mặt nơi đó rồi. Bà chuyên môn vào nhà Thanh An bằng ngõ sau. Dì Ba và Bèo thấy bà Sáu Thiện lù lù vô nhà, vì cửa sau hễ họ thức dậy là mở cửa tét bét. Dì Ba khều Bèo ra dấu ý bảo nó lên cho cô chủ hay.
Bèo chạy lên nhà trên gõ cửa phòng gọi Thanh An :
- Cô ơi cô !
- Chuyện gì đó Bèo ?
- Có bà ra kìa !
- Vậy hả ? ừ cô ra liền.
Thanh An bật ngồi dậy đi ra khỏi phòng làm chồng nàng giựt mình hỏi :
- Em làm cái gì vậy ?
Thanh An nói :
- Có mẹ em ra, anh ngủ nữa đi.
Thanh An ra salon không thấy mẹ, nàng đi thẳng xuống nhà bếp, thấy mẹ đang ngồi ăn trầu và trò chuyện với dì Ba, trong lòng cô vui mừng vô cùng, cô làm bộ tĩnh bơ mà hỏi mẹ :
- Dạ, thưa má mới ra ! Má ăn sáng món gì để con bảo con Bèo đi mua ? - Thôi khỏi. Tao mới nói với chị Ba, là chút nữa sẵn đi chợ rồi ăn ở ngoài ấy luôn.
Thanh An nghe mẹ nói thế, nàng mừng và nghĩ : Vậy là má mình hết giận rồi ! Đội ơn Trời-Phật đã cứu mình, xém chút xíu nữa là mình làm việc ác rồi !
Nghĩ đến đây nàng trở lên nhà trên vào phòng lấy tiền, rồi trở xuống bếp đưa tiền cho dì Ba đi chợ, và căn dặn :
- Dì Ba à ! Hễ má con thích ăn gì thì dì để má con mua nha !
Dì Ba lấy tiền và nói :
- Tôi biết bà thích ăn cá trê vàng chiên dằm nước mắm gừng chấm với đậu bắp và đọt khoai lang hấp cơm.
Bà Sáu Thiện nghe nói thế, bà cười tít toét, bà đưa cục thuốc lên miệng từ từ xỉa qua xỉa lại, nhổ cỗi trầu nhè nhẹ vào cái lon sữa ghi-gô, rồi bà như vội vàn bảo với dì Ba :
- Thôi đi chợ lẹ lẹ lên chị Ba ơi ! Muốn ăn cá trê vàng lớn thì phải đi chợ sớm, nếu đi trễ thì chỉ còn lại cá nhỏ không ngon đâu.
Bà sáu Thiện và dì Ba bếp dắt nhau đi song song, mặt mày hai bà vui vẻ như không có chuyện gì xẩy ra trước đây. Thanh An thấy vậy chạy vô nói với Bèo :
- Bèo, em thấy chưa ? Nếu cô nghe lời má cô thì chắc cô hối hận chết được sau này đó !
- Em cũng sợ quá trời mấy tháng trước cô à !
* * *
Thời gian êm đềm trôi chảy. Năm sau, Jean-Charles, chồng Thanh An đi về Pháp lo công việc cho hãng. Một đêm Thanh An đi ăn tiệc về thật khuya nàng vừa mở cửa vô nhà thấy đèn đuốt còn sáng chang. Nàng chạy ra nhà sau thì thấy dì Ba bếp nằm xuội lơ, mặt tái mét, đôi mắt như mất hồn chỉ còn cái nhìn kêu cô chủ cứu giúp. Thanh An hỏi Bèo, Bèo nói là dì Ba bị ói mửa và tiêu chảy từ hồi đầu hôm tới giờ. Thanh An tức tốc bảo Bèo phụ cô dìu dì Ba xuống đường đón taxi chở dì Ba vô nhà thương Sài-gòn gấp. Tuy đã sắp tới giờ giớ nghiêm, nhưng cũng may mắn đón được taxi. Thanh An chẳng kịp thay quần áo gì cả, nàng mặc luôn chiếc áo dạ-hội màu đen hở lưng, hở ngực, dài thậm thà thậm thượt, nữ trang đeo sáng chói, trên mặt thì son phấn lòe loẹt. Lúc ấy nàng không còn nhớ gì ngoài cái việc là lo cho dì Ba bếp.
Vào nhà thương, Thanh An hối bác-sĩ lo cho dì Ba khẩn cấp. Ông bác-sĩ trực đêm, gương mặt còn trẻ măn cỡ chừng ba mươi tuổi là cùng. Ông nhìn nhìn Thanh An, có lẽ ông lấy làm lạ vì thấy nàng ăn mặt diêm dúa mà lại hơi hở hang, ông hỏi :
- Bà đây, là gì của cô ?
- Dạ, thưa bác-sĩ ! Dì ruột của tôi !
- Vậy à ! Tôi tưởng... là mẹ cô chứ !
Thanh An nóng ruột hối bác-sĩ :
- Nhờ bác-sĩ khám xem dì tôi bị gì ?
Bác-sĩ khám và đo máu cho dì Ba xong, ông nói :
- Bà đây bị trúng thực đó cô !
- Trời ơi ! Có sao không bác-sĩ ?
- Cũng may là vào nhà thương kịp, chớ trễ thì nguy rồi ! Cô đừng lo, không có sao đâu !
- Dạ, cám ơn bác-sĩ.
Bác-sĩ khám xong, ông chích và cho dì Ba uống thuốc. Dì Ba đã ngưng mửa, nhưng vẫn còn đi cầu, Thanh An dìu dì ra cầu tiêu và lau chùi, vì dì yếu sức lắm. Trong đêm đó, dì Ba đi cầu rất nhiều lần. Thanh An thức đến sáng. Mãi đến trưa trưa dì Ba mới đỡ và ăn chút cháo lỏng. Tới chiều Thanh An thấy dì khỏe lại. nàng xin phép bác-sĩ cho dì Ba về. Nàng đi đóng tiền nhà thương, rồi lấy taxi đem dì Ba về nhà cho dì dưỡng bệnh. Thanh An lo dì Ba như đứa con lo cho mẹ. Cuối tuần cậu Ân, con trai dì Ba ghé thăm mẹ, dì Ba kể lại chuyện trên đã xẩy ra cho con nghe. Ân rất lấy làm cảm động và lên nhà trên gặp Thanh An và nói :
- Dạ, thưa cô An ! Tôi xin có lời cám ơn cô thật nhiều. Nhưng vì sao cô không nhắn người gọi tôi ?
Thanh An tươi cười :
- Vì tôi thấy, tôi lo cho dì Ba được !
- Lòng cô tốt với mẹ tôi. Tôi biết lấy gì đền đáp đây ?
- Có ơn nghĩa gì trọng đại đâu mà cậu quan tâm quá vậy ? Hơn nữa, dì Ba là người tôi mang ơn lớn lắm đó.
- Trời ơi ! Sao cô nói vậy ?
- Tôi nói với tấm lòng thành thật theo quan niệm của riêng tôi, chớ không phải là triết lý, hay dại đời ai. Bởi vì, dì Ba bỏ công cực nhọc làm cho tôi, công lao ấy thậ là lớn vô biên, vô lượng không thể nghĩ bàn được. Còn tiền của tôi trả công cho dì Ba thì có giới hạn, có số. Và hơn nữa, kiếp người ai biết được chuyện gì sẽ xẩy ra ở ngày mai. Biết đâu ngày sau, rủi tôi có thành người làm của cậu, cậu sẽ nghĩ chút tình mà tử tế với tôi.
- Trời ơi ! Cô nói quá lời !
Thanh An cười :
- Ở đời những chuyện xuống lên là lẽ thường mà cậu !
- Cô nghĩ quá xa ! Tôi nghĩ rằng sẽ không bao giờ có chuyện đó xẩy tới đời cô !
- Chuyện gì cũng có thể xẩy ra trên cõi đời. Nhứt là đã mang kiếp con người. Thật ra đối với tôi, thì cái việc tôi lo cho dì Ba trong lúc bệnh hoạn, đó là tự nhiên, là bổn phận con người đối với người mà thôi. Tôi chẳng nghĩ gì trong lúc đó cả. Xin cậu đừng quá ái ngại, cậu nên để lòng yên tịnh mà cố gắng học hành.
Đến đây cậu Ân xin phép đi ra đàng sau. Rồi cậu trở lên, trên tay có xách trái sầu riêng thật to, và nói :
- Tôi xin biếu cô An trái sầu riêng ăn lấy thảo.
Thanh An tươi cười :
- Vâng, tôi nhận. Cám ơn cậu Ân nhiều.
- Dạ, chào cô tôi về.
Dòng đời bể dâu biến đổi, sau 1975, kẻ còn trong nước, người theo chồng hồi hương về Pháp. Một thời gian gần mười năm sau. Gia đình Thanh An tan rã, nàng ráng làm lụng nuôi hai con. Bấy giờ Nhàn và Nhã đã lớn khôn. Mỗi đứa ra ở riêng. Còn dì Ba thì chồng đã chết. Ân, đứa con trai của bà cố gắng học hành và đậu được bằng cấp tiến sĩ kinh tế - xả hội. Mãi đến một thời gian thật dài sau đó mới được người bảo lãnh sang Hoa-Kỳ sinh sống. Dì Ba lúc nào cũng nghĩ tấm tình của Thanh An. Nên quyết tâm tìm người chủ cũ. Bà bảo con bà đi nhờ hội Phước-Thiện-Thiên-Chúa-Giáo-Việt-Nam tại Paris tìm dùm bà Thanh An để mà đền ơn đáp nghĩa. Sau đó Thanh An nhận được lá thư của dì Ba bếp. Nàng rất cảm động và vội vàn trả lời ngay. Từ đó sự liên lạc qua lại giữa gia đình dì Ba với Thanh An rất thường xuyên. Cậu Ân bấy giờ làm ăn khá giả lắm. Cậu có nhã ý mời Thanh An qua Mỹ chơi. Nhưng Thanh An ngại, nên nói là mắc công chuyện không đi được.
Rồi gần mười năm sau, một hôm cậu Ân gọi điện thoại cho bà Thanh An và nói :
- Cô An à ! Gia đình tôi sẽ ghé Paris bốn ngày. Nhứt định kỳ này phải gặp cô và ở nhà cô nha !
Bà Thanh An nghe vậy lòng hơi ái ngại, vì nhà bà nhỏ, mà gia đình của Ân thì đến năm người. Bà sợ rồi đây lo không chu đáo thì sẽ bị chỉ trích, chê bai. Vì người Việt sống bên Mỹ hay chê nhà cửa của người Việt ở Pháp là, chật hẹp, là thiếu tiện nghi... là là... Ôi ! Bởi bà Thanh An đã nghe và thấy nhiều lắm rồi. Bà nói với cậu Ân :
- Nhà tôi nhỏ lắm, không đủ tiện nghi như những nhà bên xứ Mỹ đâu.
- Không sao đâu, cô An à ! Nhà nhỏ mà tình của cô đâu có nhỏ. Má tôi bảo vợ chồng và các con của tôi với giá nào cũng phải ở nhà cô.
*
Tết Tây vừa qua, Tết Việt Nam sắp đến. Gia đình Ân bay qua Paris với hai vợ chồng và ba đứa con của cậu. Cậu mướn chiếc xe Renault-Espasse tám chỗ ngồi để tiện bề di chuyển. Gia đình Ân đến nhà bà Thanh An, họ dồn chung một phòng nhỏ cỡ mười hai thước vuông mà ngủ.
Lúc bấy giờ, bà Thanh An đang trong tình thế túng ngặt, vì thất nghiệp dài hạng. Dầu hoàn cảnh như vậy, bà cũng lo đi chợ để nấu ăn. Nhưng cậu Ân không chịu ăn ở nhà mà cứ đi ăn nhà hàng. Rồi còn đi Li-Đô xem ca-vũ-nhạc show, đi chụp hình ở chân Tháp Eiffel, ra Khải-Hoàn-Môn, đi dạo trên đại lộ Champs-Élysée, lên khu Pigale, đến Sacré-Coeur-Montmartre chụp hình và viếng những thắng cảnh của thủ-đô Paris. Đi đến đâu cậu cũng dành trả tiền.
Gia đình Ân ở nhà bà Thanh An mấy ngày đêm trong không khí vui nhộn. Các con của cậu, đứa con trai tên Nghĩa khoảng hai mươi lăm tuổi, hai đứa con gái, Hiếu và Thảo cỡ tuổi đôi mươi. Tất cả đều lễ phép và rất dễ thương. Trước khi rời khỏi nhà bà Thanh An, Ân có nhét vô tay bà ba trăm đô-la, gọi là quà tặng. Bà từ chối, nhưng vợ con và cậu năn nỉ quá, bà miễn cưỡng đành phải nhận.
Chuyến đi ấy, sẵn dịp cậu Ân về Việt Nam ăn Tết và có công việc làm ăn nữa.
Từ đó gia đình cậu Ân thường liên lạc với bà An. Và cậu được biết bà đã bán nhà và đang tìm việc làm. Nhưng với cái tuổi gần sáu mươi thì khó có ai mướn bà lắm. Ân tìm cách để đền ơn đáp nghĩa cho mẹ mình. Nên cậu trở lại Paris tìm cách mở một cơ sở nho nhỏ và giao bà Thanh An làm quảng lý trông coi.
Tết năm ấy bà Thanh An có việc làm, bà mừng như hứng được những giọt nẮng xuân chiếu vào trong cơn lạnh lùng của mùa đông Âu Châu.
* * *
Địa cầu nhỏ xíu đấy thôi,
Lòng người lớn rộng đất trời nào hơn.
Thời gian lòng dạ chẳng sờn
Nghĩa tình chồng chất như sơn cao vời
Thánh hiền để lại mấy lời :
Ráng ăn ở phải, Phật-Trời thưởng ban
Phật rằng : có Quả, có Nhân,
Cây nào trái đó, định phân rỏ ràng.
(Irvy-sur-Seine, Bạch-Am đêm thu 5-10-2000)