watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Gió Xoay Chiều-Phận Nghèo - tác giả Việt Dương Nhân Việt Dương Nhân

Việt Dương Nhân

Phận Nghèo

Tác giả: Việt Dương Nhân

Biệt thự ‘’Lệ Thanh’’, nằm tại góc đường Duy Tân - Hồng Thập Tự của ông Thẩm Phán Trương Tấn An. Sân vườn phía trước trồng nhiều hoa kiểng quí, bên góc sân tay trái có xây hồ nuôi cá Tàu và cá tai tượng Phi-Châu, trong hồ một cù lao nhỏ, xây bằng những cục đá xanh, thả bụi bông súng và những rong biển lao chao theo sóng nước của con suối nhân tạo chảy róc rách. Đàng sau nhà có một cây chanh trái lưa thưa và cây bưởi lùn Biên-Hòa trái là xà gần đụng đất và một mảnh đất trồng những rau, ngò gai, tần dầy lá, hành hương, quế, hún lủi, hún cây v.v... Trong nhà có ba người làm. Dì Năm bếp, chị Bảnh giặt ủi và Lành sai vặt.
Lành, đứa tớ gái con nhà nghèo, sỡ học chỉ biết đọc biết viết chữa quốc ngữ trường làng Phước Lý (Gò Đen), mẹ mất sớm, em sống với người cha và dì ghẻ. Lúc mới mười tuổi em bị người cha đem lên Sàigòn đợ cho ông bà An, người đồng hương, họ lên Sàigòn lập nghiệp mấy chục năm nay. Ông Ba Đậu, cha của Lành đã mượn tiền lương trước mười năm. Lúc còn nhỏ Lành không biết xài tiền. Nhưng khi đến tuổi cặp kê mười bốn mười lăm thì em muốn có chút tiền để xài riêng. Một hôm em bạo gan hỏi bà chủ :
- Dạ, thưa bà ! Từ lúc con làm đến nay đã lâu mà sao con không được lãnh lương gì hết. Xin bà cho con chút tiền xài !
Bà An chau mày hỏi Lành :
- Ủa ! Tía mầy không có nói cho mầy biết à ? Tía mầy đã mượn tao trước mười năm tiền lương của mầy rồi !
- Mười năm ! Trời ơi ! Con tưởng... tía con mượn chút ít !
- Mầy còn làm đây năm năm nữa mới hết nợ. Ở đây tao may áo quần và ăn uống đầy đủ. Mầy cần tiền để làm gì ?
Lành nín thinh quay đi xuống bếp ngồi thừ ra mà nước mắt tuôn trào. Em nghĩ : Trời ơi ! Năm năm nữa mới hết nợ. Nhưng hết nợ, rồi không biết tía mình có lên mượn nữa không ? Nếu tía mình mượn tiếp thì chắc mình tự tử chết cho rồi. Chớ sống cái kiếp tôi đòi như vầy suốt đời, thì đời mình còn nghĩa lý gì. Nhưng ở đây có cậu Hiền là người biết thương mình, còn cô Thanh và cậu Bình dạo này hách dịch, bà chủ thì còn ác hơn nữa, ông chủ làm việc bên ngoài nên ông không ngó ngàng gì ai. Mà sao dạo này mình thấy cậu Hiền hay tìm mình kể chuyện học hành này nọ. Cậu ấy thật là người bình dân. Còn dì Năm bếp, và chị Bảnh nịnh bà chủ nên họ hay để ý theo giỏi khi cậu Hiền nói chuyện với mình. Đến đỗi ăn cơm mà họ cũng nói mình ăn nhiều. Nhưng mình cũng tự an ủi. Nơi đây, tuy thân ở đợ, mà ở cho nhà giàu ăn uống cũng ngon, đỡ hơn con Thân, nó ở cho cô Mỹ, cô ấy đày ải, mắng chửi, thậm chí đến ăn uống khổ cực vô cùng... Lành ngồi nghĩ vẩn vơ, bỗng nghe con Lu-Lu sủa mừng người trong nhà về. Lành đứng lên đi ra sân thấy Hiền nựng con Lu-Lu. Hiền ngước lên gọi Lành :
- Lành ơi ! Em tưới cây chưa ? Chiều mát rồi. €, này ! Nếu tưới các cây kiểng, em nhớ đừng tưới nước nhiều cây sứ-cùi của ông nha. Vì loại sứ-cùi ít uống nước.
- Dạ ! Bữa hỗm mới đem về, ông có dặn em. Mà cậu Hiền ơi ! Cả mấy chậu Lan treo trên banh-cong ông cũng bảo em đừng đụng tới mà để ông lo. Tại sao vậy cậu ?
-Ừa ! Thì ông muốn để ông chăm sóc. Mấy chậu kiểng quí ông cưng hơn con nữa đó. Thôi em tưới cây đi. Tưới xong, em lên phòng của tôi dọn dẹp sơ lại mấy chồng sách nha !
- Dạ !
Lành thui thủi tưới cây, còn Hiền vô nhà gặp bà An đang ngồi salon đọc báo, bà bỏ tờ báo xuống và hỏi Hiền :
- Con về tự nãy giờ mà mới vô nhà. Nói chuyện gì với con Lành vậy ?
- Con bảo nó tưới cây.
- Má thấy con bình dân quá với nó, không đúng khuông phép nhà này đó nghe. ba con mà biết là ổng sẽ rầy má !
Đôi mắt Hiền hơi buồn, và nói với bà An :
- Con nghĩ ba không rầy đâu má à ! Con biết nhà mình được may mắn giàu có. Nhưng sao còn quan liêu giai cấp quá. Thật tội nghiệp cho những người vô phước bị nghèo khó.
Bà An quắc mắt, nói :
- Con dạy đời má hả Hiền ?
- Kìa má ! Con có nói gì đâu mà sao má nổi giận ? Con xin lỗi má !
- Má biết tại vì sao mà con học ban triết. Trong khi ba má muốn con học bác sĩ, kỹ sư, mà con cứ khăng khăng theo ý con.
- Mỗi người có quan niệm sống. Thì thằng Bình nó sẽ học kỹ sư. Con Thanh sẽ học bác sĩ.
- Tụi nó còn bậc trung học. Biết chừng nào mới tới đó ?
- Bình, nó tới Đệ Nhị rồi, còn Thanh cũng Đệ Tứ. Còn vài ba năm nữa thôi. Xin phép má con lên phòng.
Bà An nhìn theo Hiền, bà thở ra và nói thầm : Thiệt là con với cái, mà thằng Hiền, nó không giống ai trong nhà này... Bà lấy tờ báo lên và đọc tiếp.
Lành tưới cây xong, em vào nhà, vô tình em nghe mấy lời của bà chủ rầy Hiền. Em nép sau cánh cửa chờ Hiền lên phòng em mới theo sau. Lành thấy Hiền ngồi im ngay bàn học nhìn ra cửa sổ. Lành làm bộ như không biết gì về mấy lời của bà An rầy con, em hỏi :
- Cậu Hiền, cậu muốn em xắp xếp gì đây ?
- Thôi. Không cần hôm nay. Em xuống nhà lo phụ dì Năm dọn cơm đi, để hôm khác cũng được.
Lành định quay đi, nhưng em đứng lại và hỏi Hiền :
- Sao em thấy hình như cậu buồn cái gì phải không ?
Hiền quay lại hỏi Lành :
- Em thấy tôi buồn hả ?
- Dạ !
- Tại tôi tội nghiệp em đó !
Lành ngạc nhiên hỏi nhanh :
- Tội nghiệp em ?
- Ừ ! Em với con Thanh đồng trang lứa, thành ra lúc nào tôi cũng xem như là em của tôi. Em còn nhớ hồi mới lên ở đây không ? Con Thanh, nó hay rủ em chơi cò cò, bún thun, nhảy dây với nó, ăn cái gì nó cũng chia cho em. Rồi chừng hơn một năm nay, nó đỗi tánh không còn xem em như bạn nữa. Em có thấy buồn không ?
- Dạ, không ! Em nghĩ : tại vì cô Thanh mắc lo học nên bà không cho chơi với em thôi.
- Còn thằng Bình, nó còn đánh em nữa không ?
- Dạ, cậu Bình hết đánh em rồi. Mà lâu lâu cẩu hay giựt tóc em một cái.
- Có bao giờ em giận ba em không ?
Lành một thoáng suy nghĩ, vì cũng có lúc em hơi hơi trách ba em. Nhưng Lành cố nén lòng, để trả lời câu hỏi của Hiền :
- Sao cậu hỏi vậy ? Em... em thương ba em lắm.
- Em có hiếu và ngoan quá. Thôi xuống dưới nhà đi, để không bà rầy đó.
Hiền vừa nói xong là bà An đẩy cửa bước vào, bà nhìn Lành nói :
- Rù rì cái gì vậy ? Đi xuống dưới nhà mau.
Lành sợ run người, em lẳng lặng đi ra. Bà An ở lại nói với Hiền :
- Con làm riết, con Lành nó sẽ lừng. Má sẽ trừng trị nó mới được.
- Trời ơi ! Sao má nói gì kỳ vậy ? Con Lành có làm gì đâu, con chỉ hỏi thăm về ba nó thôi. Tại con hỏi nó, nó phải ở lại trả lời, chớ đâu phải lỗi nó má !
- Thôi. Má không nói gì với con được nữa rồi. Giờ này mà ba mầy, thằng Bình, con Thanh cũng chưa về... Ha ! Có tiếng sủa con Lu-Lu, chắc về đó. Thôi xuống ăn cơm.
Những ngày tháng trôi qua suốt mấy năm cứ thường xẩy ra cảnh trên. Hiền càng nghe lòng thương Lành hơn. Bấy giờ Lành đã hơn mười bảy tuổi. Hiền hai mươi ba, Bình hai mươi đã vào đại học, Lệ Thanh bằng tuổi với Lành .
Hiền đã đậu bằng cử nhân triết. Ông bà An mở tiệc ăn mừng. Đèn hoa rực rỡ, có kêu ca sĩ và ban nhạc sống ca hát tưng bừng. Mướn năm sáu cậu bồi chạy bàn, một đầu bếp nấu đồ Tây và nướng hai con trừu to ngoài vườn. Quan khách trên dưới khoảng hai trăm, họ toàn là những người tai to mặt bự tại thủ đô Sàigòn.
*

Vào dịp Tết, cậu Hiền có lì-xì Lành một chút tiền. Nên em xin phép chủ về Phước Lý ăn Tết với gia đình năm ngày. Bà An ngạc nhiên hỏi :
- Tiền đâu mà mầy đi xe. Đi chi dữ vậy ?
Lành ú ớ... :
- Dạ, dạ... có cậu Hiền lì-xì cho con... đủ để con đi xe. Và lâu quá con không có về quê.
- Ừ ! Nè, tao cho thêm chút nữa đây. Đi, nhớ đừng có đi luôn là tao coòng đầu mầy đó.
- Dạ, con không dám làm chuyện đó đâu bà !
- Ừa ! Liệu hồn nghe con !
* * *
Từ ngày lên Sàigòn đến nay đã bảy năm Lành mới được trở về quê, lòng em bồi hồi sợ lạc đường. Nhưng làm sao quên được.
Được phép trở về quê. Sáng ba mươi Tết Lành thức dậy sớm sửa soạn, lấy ô-tô-buýt vô Chợ-Lớn-Mới leo lên chiếc xe đò. Từ Sàigòn đến ngã ba Phước Lý hơn hai mươi cây số, Tới nơi em nói chú lơ-xe cho em xuống. Xuống xe, Lành đi dọc theo những con đường làng, và hai bên bờ ruộng cỏ may đâm vô hai óng quần của Lành dày đặc. Đến nơi em nhìn dáo dác xung quanh, rồi đi thẳng vô nhà.
Tuy đường xá, quang cảnh khá thay đổi, nhà tía em cất lại lớn hơn xưa một chút, mái lợp bằng tôn, vách lá, trước sân có bàn Thiên chưng bông và một dĩa ngũ quả, gần đó có trồng một đám vạn thọ đang nở rộ màu vàng khè, một líp huệ trắng tỏa mùi thơm thoang thoảng, mấy cây chùm ruột, cùng mấy bụi chuối sứ, chuối hột gió thổi lá te tua, mấy bụi sả bên bờ ao, đám rau muống đâm nhiều đọt chĩa lung tung. Trong nhà bàn thờ trang nghiêm, chưng bình bông huệ và vạn thọ, cái chò chưng nhiều nải chuối sứ nửa xanh, nửa vàng chồng chất lên với chục quít đường xen kẽ. Đàng sau có một cất chái làm nhà bếp, treo cả chục đòn bánh tét, một thúng bánh ích để trên khạp gạo và một nồi thịt kho Tàu, một hũ dưa cải và một thao dưa giá để trên bộ ván nhỏ, bầy gà, vịt ngoài sân chạy tới lui, kêu cạp-cạp, cót-cót.
Từ ngày ông ba Đậu, tía của Lành tục quyền, ông có thêm hai đứa con. Một trai, tên Bùi mười ba tuổi và một gái, tên Ngọt mười tuổi. Dường như tía của Lành đã quên hẳn em rồi.
Khi đi, Lành còn là một cô bé. Nhưng nay, em là cô gái mơn mởn đào tơ, da trắng, tóc dài. Em mặc quần sa-ten trắng, áo tay phùn màu đen, có nổi lên những cành hoa mai vàng, tóc kẹp, cây kẹp ba lá, chân mang guốc hơi cao gót, tay xách cái giỏ bệnh bằng dây ny-lon nhiều màu. Nhìn Lành, thật đúng là cô gái thị thành. Lành bước vô nhà :
- Thưa tía con mới về ! Dạ, thưa các chú, các bác !
Ông Ba Đậu đang ngồi ăn nhậu với mấy ông bạn hàng xóm. Ông chưng hửng khi thấy Lành :
- Trời đất ơi ! Làm sao mầy biết đường dìa đây ?
Ông quay lại nói với mấy người bạn nhậu, và tiếp :
- Con gái tui đó các anh !
Lành nín thinh đi thẳng ra đàng sau. Gặp bà dì ghẻ và hai em đang ăn cơm trưa. Lành lại sóng chén lấy chén bới cơm ăn chung.
Mấy ngày Lành về ăn Tết, lối xóm lao xao, bàn tán : Con Lành ở Sàigòn về...Nó lớn đại, hỏng biết có chồng chưa v.v...
Năm ngày Tết qua mau. Sau đó, Lành trở lại nhà ông bà An ở đợ tiếp.
Chiều dì Năm bếp bảo em ra hái vài trái chanh làm nước mắm để ăn bún thịt nướng chiều nay. Em ra ngồi dưới gốc chanh mà lòng thẩn thờ buồn chán, em nghĩ : Mình về ăn Tết với gia đình, mà sao tía, dì và các em không có vui vẻ gì hết. Chắc tại mình không lì-xì cho ai. Nhưng làm sao mình có tiền để cho được bây giờ ? Còn ba năm nữa mới hết nợ trong nhà này. Đang nghĩ bâng quơ, Hiền thấy Lành ngồi một mình, cậu lơn tơn đi đến hỏi :
- Lành ! Em làm gì ở đây vậy ?
- Cậu làm em hết hồn ! Dạ... em thọc chanh cho dì Năm làm nước mắm...
- Thọc chưa ? Đưa đây tôi thọc dùm cho.
- Được rồi cậu, em thọc được mà !
Hiền lấy cây sào ngắn ngắn móc nhánh chanh oằn xuống và hái đưa cho Lành, và cậu hỏi :
- Hồi nào tới giờ em có đi coi chiếu bóng chưa ?
- Dạ, có một lần, em xin phép bà đi với con Thân lâu rồi !
- Em xem phim gì ?
- Dạ, phim Ấn Độ nói tiếng Việt mà có Út-Bạch-Lan ca vọng cổ nữa.
- Cha ! Coi bộ em mê cải lương dữ à ! Bữa nào em đi xem phim Tây thử coi ?
- Thôi. Nghe người ta nói : phim Tây nói tiếng Pháp, em đâu có hiểu.
- Có phụ đề Việt ngữ mà !
- Vậy hả cậu. Mà vé có mắc không cậu ?
- Nếu em thích, thì tôi mua vé cho em.
- Rạp nào vậy cậu ?
- Rạp Eden, ở ngoài Nguyễn Huệ.
- Miệt ngoài đó em không có rành !
- Thôi. Em vô nhà, không thì dì Năm la em đó. Mà nè, cuối tuần này em xin phép bà, nói là em đi xem chiếu bóng với con Thân. Tôi sẽ mua vé đưa cho em nghe hôn !
- Dạ !
*
Đến chiều cuối tuần, Lành được phép đi xem chiếu bóng. Hiền xách Vespas đi mua vé trước, cậu trở về nhà lén đưa cho Lành. Cơm nước xong, Lành sửa soạn đi. Trong lòng em nghe vui vui. Nhưng nghĩ : Đi một mình buồn thấy mồ. Vậy mình ghé rủ con Thân coi nó đi với mình được không ?
Lành mới ra đi một khoảng đường định đến nhà cô Mỹ để gặp Thân thì có tiếng của Hiền gọi :
- Lành ! Em lên ngồi đàng sau tôi chở đi dùm cho.
Lành giựt mình :
- Ủa ! Cậu đi đâu vậy cậu Hiền?
- Thì...thì đi xi-nê !
Lành nghe lời Hiền, leo lên xe tay nắm chặt yên sau. Em nghe lòng ngồ ngộ, vừa vui, vừa sợ. Rồi tự hỏi : Sao cậu Hiền đi xi-nê chung với mình ? Hay cậu ấy đi xem rạp khác ? Trời ơi ! Mẹ cậu mà biết thì bà ta giết mình quá. Đi xi-nê chung với con trai ? Người ta sẽ xem như là bồ bịt hay là tình nhân với nhau rồi ? Nghĩ đến đây, Lành nghe lòng xao xuyến rộn ràng. Thỉnh thoảng đến ngã tư gặp đèn đỏ. Hiền thắng xe dừng lại, làm cặp ngực của Lành áp đụng vô lưng của Hiền, Lành cố ghì không cho ngực ập vô. Nhưng ác thay ! Cứ như thế rất nhiều lần. Có lẽ Hiền cố ý chăng ? Ra đến đại lộ Nguyễn Huệ. Hiền đậu chiếc Vespas ở bên hông đại lộ Lê Lợi. Lành cùng đi với Hiền vào rạp Eden xem phim ‘’Hiệp Sĩ với Cành Hoa’’ do tài tử nổi danh của Pháp đóng vai chánh.
Phim nói tiếng Pháp có phụ đề Việt ngữ. Nhưng chữ chạy nhanh quá nên Lành đọc không kịp. Em cảm thấy chán nản, vì chỉ xem hình ảnh mà không hiểu gì mấy. Em cứ xoay qua, xoay lại. Hiền làm bộ dang cánh tay để qua vai của Lành. Lành biết là Hiền thương em lắm. Em ngả đầu trên tay Hiền. Hiền xoay lại hôn nhẹ trên tóc em, và hỏi :
- Em hiểu truyện phim không ?
Lành không trả lời mà chỉ lắc đầu.
Hiền hỏi tiếp :
- Chắc em muốn về hả ?
- Không phải đâu, cậu còn xem mà !
- Thôi. Mình đến quán Phi-Điệp ăn kem, chút nữa rồi về.
- Em sợ trễ bà rầy chết cậu ơi !
- Em quên là ba má... đi ăn đám cưới tối nay sao ?
Lành và Hiền đến quán Phi-Điệp. Vừa vào ngồi, và đang xem ăn kem gì. Thì Lành thoáng thấy Lệ Thanh, em của Hiền vào với bốn năm người bạn, có trai, có gái. Tim Lành đập mạnh, và nói :
- Cậu Hiền ! Cô Thanh kìa !
Vì Hiền ngồi xoay mặt vô trong nên không thấy Lệ Thanh. Hiền hơi lúng túng, nhưng trong lòng cậu nghĩ : Có gì mình năn nỉ Thanh, nó đừng mét lại bà già. Hiền vội trấn an Lành :
- Không có sao đâu. Em đừng sợ. Em ăn kem gì ?
- Kem sầu riêng. Còn cậu ?
- Nước dừa tươi.
Từ bàn phía ngoài, Lệ Thanh thấy Lành và Hiền ngồi tuốt trong góc, cô đứng lên tới bàn õng ẹo nói :
- Cha ! Lén ba má đi tò tí te hén ! Hố lộ em nhiều thì em không mét má !
Lành không dám ngó Thanh, em nhìn xuống bàn mà trong lòng run sợ. Còn Hiền tỉnh bơ, nói với Lệ Thanh :
- Em lo chuyện vui của em đi. Còn chuyện của anh để tự anh lo, chớ đừng có giỡn nha !
Lệ Thanh bị Hiền chỉnh, cô hơi bị quê, cô nguýt Lành rồi bỏ đi ra với đám bạn. Hiền thấy gương mặt Lành có vẻ lo lắng, cậu kêu tính tiền và đi ra cùng với Lành. Đi ngang bàn của Lệ Thanh, cậu gật đầu chung, còn Lành bẽn lẻn đi luôn. Ra ngoài đường, Hiền rồ xe và chở Lành chạy thẳng tới vườn Tao Đàn. Nơi đây trời về đêm có trăng lờ mờ. Hiền dừng xe lại và nói:
- Trời trong mây biếc, mình đứng đây ngắm ánh trăng xuyên qua kẽ lá. Em thấy có đẹp không ?
Lành dịu dàng nhìn Hiền, và nói nhỏ :
- Dạ đẹp ! Mà sao em lo quá cậu ơi !
- Em lo chuyện gì ?
- Rủi cô Thanh mét bà. Chắc bà giết em quá !
Hiền tiến sát vào Lành và ôm choàng hai vai em. Lành xúc động nước mắt ươm tròng, trái tim đập mạnh. Và nụ hôn đầu tiên Hiền trao cho người con gái nghèo.
Hiền đã yêu Lành từ hồi nào mà cậu ta không hay biết. Mẹ cậu cứ rầy hoài, khi thấy cậu quá thân mật với Lành. Nhưng trái tim yêu cứ thúc giục cậu làm một việc trái lòng mẹ cha.
Còn Lành, em cũng không cưỡng lại được trước một người con trai vóc dáng thanh tao tuấn tú và cộng thêm tấm lòng hiền lành đức độ. Thật cây đắng mà sanh trái ngọt ! Vì mẹ của Hiền, bà ta rất giai cấp và bà ít có lòng nhân. Nhưng ông Thẩm Phán Trương Tấn An thì không như vợ. Ông là người trí thức có tâm hồn sâu rộng, vị tha và công minh, chánh trực.
Tình yêu bốc cháy giữa đầy tớ gái và con trai của chủ. Thì làm sao ai mà cản nỗi. Mỗi ngày chung đụng như lửa gần rơm. Lành ngả trong vòng tay đầy thương yêu của Hiền. Trôi qua một năm họ lén lúc yêu nhau. Tuy bề ngoài vẫn giữ như thường lệ. Nhưng bên trong họ đã kết chặt tơ tình. Mãi đến ngày Lành có thai ba tháng. Bà An để ý cái bụng và thấy Lành cứ ngủ gật hoài. Một hôm bà hỏi con gái :
- Thanh à ! Con thấy con Lành có bồ với ai không ?
Thanh làm bộ ngơ ngác rồi trả lời :
- Con thấy nó trò chuyện với chú tài xế của bà Cò Nhã bên kia thôi. Mà má để ý đến nó làm chi !
- Vì Má thấy con Lành dường như có chửa !
- Có chửa ! Trời đất ơi ! Hỏng lẽ...
Lệ Thanh bắt đầu suy nghĩ và nói thầm : Chết rồi ! Con Lành nó có chửa với anh Hiền chớ chẳng ai khác hơn. Trời ơi ! Mình bắt gặp bao lần họ rù rì, tò tí, mà mình không mét má, nay thì chuyện đã rồi, mình nên nói cho má mình nghe không đây ? Phải làm sao bây giờ ?.
Lệ Thanh quay sang nói tiếp với bà An :
- Chắc không phải nó có chửa đâu má à !
- Để má kêu hỏi nó mới được !
- Thôi. Để con đi gọi nó coi !
Thanh đứng lên đi xuống nhà sau thấy Lành đang nằm thong thả đọc sách không có vẻ gì lo lắng cả. Thanh gọi :
- Lành ! Má tao kêu mầy lên nhà trên biểu kìa !
- Dạ ! Tôi lên liền !
Lành nghe run cả người. Em đi lên nhà trên thấy bà An đang ngồi chéo ngoải, bà bảo :
- Ngồi xuống cho tao hỏi cái này !
- Dạ ! Con đứng hầu bà được rồi !
- Bộ mầy có chửa phải không ?
Lành ngó xuống đất không trả lời. Bà An hỏi tiếp :
- Tao hỏi mầy đó ! Sao không trả lời ? Vậy là đúng rồi ! Mầy có chửa với ai hãy nói cho tao nghe mau !
Nước mắt của Lành tuôn tuôn, em khóc thật. Bà An hỏi tiếp :
- Phải mầy lấy thằng tài xế của bà Cò Nhã không ?
Lành nghèn nghẹn lắc đầu nói :
- Dạ, không phải !
- Bà An nổi giận nói lớn :
- Vậy của ai ? Của ai ? Trời ơi ! Không lẽ ở trong nhà này ?
Nói đến đây bà nghĩ ngay đến Hiền : Thôi rồi ! Đúng rồi ! Mướn người làm mà mặt mày sáng sủa, sạch sẽ như con Lành, cha không dính, thì con cũng dính hà. Khổ ghê ! Phải biết vậy, mình tống cổ nó đi lúc nó mới trổ mã con gái. Trời ơi ! Thật là khổ !
Bà An đứng lên nói lớn tiếng với Lành :
- Mầy đi ngủ đi. Ngày mai tao sẽ cho mầy nghỉ việc. Tiền bạc tao cho hết.
Lành lặng lẽ đi xuống nhà sau. Lệ Thanh nói với bà An :
- Má cho con Lành nó nghỉ, rồi nó ăn ở đâu ?
- Mặc kệ nó !
Lệ Thanh thấy không giấu được với mẹ, bèn nói :
- Chắc là con Lành, nó có chửa với anh Hiền đó má à !
- Sao con biết ? Mà má cũng hơi nghi ! Trời ơi ! Ba bây mà biết được, chắc ổng đứng tim chết quá ! Thôi đi ngủ !
Qua ngày hôm sau. Bà An kêu Lành và đuổi em ra khỏi nhà và bà có cho chút tiền.
Lành đau đớn đành xách gói ra đi. Biết đi đâu bây giờ ? Nên em nép mình bên gốc cây lớn gần nhà bà An mà đợi để gặp Hiền.
Hiền cho chiếc Vespas chậm lại định quẹo vô nhà, Lành gọi :
- Cậu Hiền ! Cậu Hiền !
Hiền ngơ ngác thấy Lành. Mặt cậu biến sắc hỏi Lành :
- Trời ơi ! Em làm gì ngoài này mà xách gì tùm lum vậy ?
Lành khóc nức nỡ, và nói :
- Bà đuổi em rồi ! Em cố đứng đây đợi cậu từ hồi sáng giờ !
Hiền hiểu ngay sự việc. Bèn bảo với Lành leo lên xe và đưa đồ cho cậu để dưới chân phía trước. Lành hỏi :
- Mình đi đâu bây giờ ?
- Đi qua nhà thằng bạn của anh ở bên Khánh Hội !
Hiền đèo Lành qua nhà của giáo sư Hiếu. Đến nơi, Hiếu vắng nhà, chỉ có bà già của Hiếu, Hiền nói :
- Dạ, thưa bác Thảo ! Nhờ bác cho em Lành ở tạm đây vài ngày có được không thưa bác ?
Bà Thảo, mẹ của Hiếu, trạc năm mươi tuổi, góa chồng, gia đình bà chỉ đủ ăn. Nhờ có Hiếu, học hành khá giỏi, cậu là giáo sư, dạy trường trung học Phan-Sào-Nam. Gia cảnh của Hiếu không giàu có như gia đình của Hiền.
Bà Thảo nhìn Hiền, rồi nói :
- Ừ, được. Mà cô này là gì của cậu ?
- Dạ, dạ... là bạn gái của con. Cô đang gặp chuyện không may.
Hiền quay sang nói với Lành :
- Em ở đây với bác Thảo nghe. Anh về nhà, mai anh sẽ trở lại đây lo cho em. Nhớ chờ anh qua, em đừng có đi đâu hết nghe !
Bấy giờ đầu óc của Lành như chỉ rối, tơ vò. Em như người đang trong ác mộng. Lòng tái tê, em không còn biết tính gì hơn là em muốn chết cho rồi.
Hôm sau, Hiền trở lại và đưa em đi mướn một căn phòng nhỏ gần nhà Hiếu. Hai người lén lúc sống chung nhau. Đến ngày sanh ra một bé trai rất khôi ngô. Lành ở đó nuôi con bằng sữa mẹ. Hiền thường bỏ nhà đến với Lành và con. Mãi đến một năm sau, bà An cho người theo dõi Hiền. Bà biết rõ nơi ăn chốn ở của Lành. Bà kễ cho chồng và hai con nghe. Lệ Thanh thì đã biết quá, nên cô không lấy làm ngạc nhiên, chỉ có ông Trương Tấn An và Bình là trưng hửng. Nhưng tâm hồn ông Thẩm Phán rất bình dân
và không giai cấp. Vì mọi quyền hành trong gia đình là do bà vợ chỉ uy. Ông bảo với vợ là đi rước cháu nội của ông về thôi. Nhưng bà An và Bình không chịu. Còn Lệ Thanh không ý kiến. Vì cô ta nghĩ, tại cô biết mà không nói sớm. Một hôm bà An hỏi mỉa mai với Hiền :
- Sao ! Lúc này vợ con của cậu cũng khỏe chứ ?
Hiền nghe hết hồn, mà làm bộ tỉnh :
- Vợ con gì má ?
- Trong nhà này ai cũng biết hết rồi đừng có giấu nữa ! Ba con đòi gặp cháu nội của ổng đó !
Hiền nghe thế cũng thấy nhẹ người. Cậu nghĩ : Nhưng còn em Lành thì ba má mình tính sao ?
Cuối cùng, Hiền thú thật hết mọi việc, là cậu đã yêu Lành từ bấy lâu nay và bây giờ còn có con với nàng nữa. Đồng thời, Hiền năn nỉ mẹ nói giúp dùm, là xin cha cho cậu cưới Lành làm vợ.
Bà An rất yêu thương Hiền, vì cậu là đứa con trai cả, tánh tình hiền hậu và học giỏi. Nhưng bà lại sợ bị tổn thương danh giá gia đình là có cô dâu ở đợ, làm mướn và thất học. Nhưng cháu nội đích tôn làm sao bà bỏ cho được. Bà bèn giàn xếp với Hiền. Bảo Hiền phải xuống Phước Lý gặp cha của Lành để xin hỏi cưới Lành trừ nợ và cho ông ấy một số tiền, bảo ông đừng lên dự đám cưới. Và sẵn Lành đang ở gần nhà bà Thảo, nhờ bà đứng ra làm chủ hôn gả Lành. Thì bà mới an lòng phần nào.
Hiền nghe mẹ nói xong, lòng cậu mừng lắm. Nhưng sợ ba của Lành không chịu điều kiện trên. Có thể ông ta cự nự và đòi tiền nhiều hơn. Hiền đề nghị với mẹ :
- Con cám ơn má đã nhìn nhận Lành và bé Minh. Còn việc đi gặp cha của Lành, theo con nghĩ không nên làm ngay bây giờ. Vì dầu sao Lành cũng lớn rồi. Chừng nào xong xuôi hết, tụi con sẽ dắt nhau về Phước Lý trình diện với ông ấy. Sau đó mọi việc đã xong thì không còn cách gì có rắc rối nữa. Xin má hãy cho phép con ý kiến này...
- ž ! Con tính sao cho tròn thì tính. Còn má với ba con chỉ muốn cháu nội không bị sống nghèo khổ và đem được nó về đây là đủ rồi...
Phận nghèo mà chẳng chịu an
Đèo bồng, xém chút đeo mang khổ sầu
Cũng may sông cạn có cầu
Bước chân nhỏ bé khỏi nhào đáy sâu.


(Ivry-sur-Seine, Bạch-Am, Canh Thìn 2/2000)
Gió Xoay Chiều
Lời giới thiệu về tác phẩm của nhà văn Việt dương Nhân
Như Cánh Tuyết Rơi
Hoa Tuyết Đêm Xuân
Giọt Nắng Xuân
Kiếp Bơ Vơ
Gió Xoay Chiều
Mặt Trời Vẫn Lên
Phận Nghèo
Ngoại Tình
Tay cắt tay bao nở
Bóng Mờ Dĩ Vãng
Xóa Hận Thù Riêng
Vầng Trăng Khuyết
Lá Vàng Lóng Lánh
Một vài cảm nhận về tập truyện