Chương 3
Tác giả: Việt Dương Nhân
Trời cao có thấu hay chăng
Vì sao đau khổ khăng khăng đeo hoài
Ngập tràn những nỗi đắng cay
Bao giờ thấy được một ngày sáng tươi.
Một đêm tan nát cõi lòng. Mai Ly không làm sao ngủ được, đôi mắt lệ cứ tuôn trào. Trong lòng mang nỗi niềm đau vô tận. Và lo lắng cho số phận mình ngày mai sẽ ra sao ? Mai Ly tự hỏi :
- Rồi đây mình đi về đâu ? Nếu đi mướn phòng hoặc nhà, thì họ hỏi giấy căn cước. Mà mình không có một tờ giấy lận lưng. Trời ơi, hỡi trời !
Mai Ly nghĩ tới mụ chủ bar Kim Cương... Rồi nghĩ tới Marie-Thu, nghĩ sang qua chị Simone, lại nghĩ đến phòng trà " Orchidée-Phong Lan " . Nghĩ chỗ nào cũng không ỗn. Đầu óc em suy nghĩ lung tung, bị quá chi phối, muốn phát điên lên. Rồi nghĩ đến mẹ em, nhưng làm sao về ở chung cùng mẹ được. Thân Mai Ly đã vướng bụi đời rồi. Hơn nữa, mẹ em và em không hạp. Nếu đi làm đêm ở tuốt ngoài Sàigòn xa quá. Vã lại chung quanh lối xóm để ý không tốt cho ai cả, thà em phải ở xa mẹ, xa xóm giềng.
Cuối cùng Mai Ly nhứt quyết trở lại Snack-bar Kim Cương. Lần này em cũng đi xin việc làm. Nhưng làm việc khác. Suốt đêm suy nghĩ và xếp soạn đồ đạc vô va-li xong, em thiếp đi.
Sáng dậy Mai Ly ra ngoài sân vườn nhìn chung quanh. Trời rạng ánh bình minh nắng tỏa chang hòa, chim hót líu lo, những giọt sương còn đọng trên cánh lá, ngọn cỏ lóng lánh như những hạt kim cương. Mùi hoa sứ trong vườn thoang thoảng hương thơm. Mai Ly đi một vòng, rồi trở vô nhà, lên lầu.
Vì là ngày chúa nhựt, đã hơn tám giờ trong nhà im lìm còn chìm trong giấc ngủ. Mai Ly xách chiếc va-li từ trên lầu xuống, em gặp ngay bà bếp đang đặt bàn cho điểm tâm sáng, bà hỏi :
- Ủa, cô Mai Ly ! Cô đi đâu mà khệ nệ chiếc va-li vậy ?
- Dạ, thưa dì Tư. Con đi về.
- Cô về ? Cô về đâu ?
Nước mắt Mai Ly trào ra, em nghẹn ngào nói :
- Dạ, con cũng chưa biết về đâu !
- Vậy sao cô không ở lại đây ? Các ông mến cô lắm, và tôi cũng mến cô nữa.
- Cám ơn dì, con biết. Nhưng... nhưng con phải rời khỏi nơi đây. Vì ông Thiếu Tá Coper bị tai nạn đã đưa về Mỹ rồi.
- Thật không may cho ông Coper và cả cô nữa. Nhưng cô cứ ở lại đây, đâu có hề gì.
- Dạ, không được đâu dì Tư à !
- Vậy, cô ăn điểm tâm đi, chút nữa các ông kia thức dậy đầy đủ, rồi cô đi đâu có muộn !
- Dạ, con cám ơn dì, con đi liền. Còn đây, con xin gởi tí quà cho dì, chú bồi và chú tài xế, nhờ dì trao lại dùm.
- Dạ, cám ơn cô, cô ở đây có mấy tuần mà ai cũng mến thương cô.
Bà bếp phụ xách va-li đưa Mai Ly ra cổng. Chú lính gác cổng mở cửa cho Mai Ly, và em đưa cho chú chút quà. Mai Ly đi bộ từ từ ra đường Chi Lăng đón taxi. Leo lên taxi, em nín thinh, chú Taxi hỏi :
- Cô đi đâu ?
Mai Ly giựt mình nói :
- Dạ, dạ. Chú đưa dùm ra Sàigòn.
Từ Chi Lăng ra Sàigòn, Mai Ly còn phân vân, rồi tự hỏi : - Mình đi đâu ? Đi mướn chỗ cũ của Marie-Thu hay đến Snack-bar Kim Cương ? Mai Ly suy nghĩ mãi, taxi đã chạy ngang qua nhà thờ Đức Bà, Mai Ly giựt mình nói với chú tài xế :
- Chú, chú ! Chú làm ơn đưa dùm cháu qua đường Hồng Thập Tự - Cao Thắng.
Chú taxi điềm nhiên cho xe trực chỉ đến đó, chú nói :
- Thưa cô đây là Hồng Thập Tự - Cao Thắng.
- Được rồi. Bao nhiêu tiền vậy chú ?
-Dạ, hai trăm ba mươi hai đồng.
- Đây chú cầm luôn khỏi thối.
Mai Ly đưa chú taxi hai trăm năm mươi đồng. Mai Ly xuống xe với cái va-li. Em nhìn về phía biệt thự ‘’Ngọc Yến’’. Rồi em cuối đầu đi thẳng qua nhà bà Kim Cương.
Đã hơn mười giờ sáng. Mai Ly đi vòng ra ngõ sau, vì em cố ý tìm bà Vú. Bà Vú vừa đi chợ về nhìn thấy Mai Ly, bà hỏi :
- Ủa, Mai Ly đây hả ?
- Dạ, con nè Vú, bộ Vú quên con rồi sao ?
- Cha, bây giờ con thay đổi quá chừng. Con đi đâu đây ? Sao mà còn xách va-li theo nữa ?
- Dạ, con đi xin việc làm.
- Xin việc làm ?
- Dạ, đúng. Nhưng kỳ này con xin làm... chiêu-đãi-viên.
- Chắc chắn bà chủ sẽ chịu liền. Con biết không ? Dạo trước con bỏ đi ngang, bà chủ giận con lắm.
- Vậy hả Vú ?
- Chớ sao. Thôi, con ở đây ăn cơm trưa. Rồi chừng nào bà chủ thức dậy, Vú lên thông báo cho bà biết.
- Dạ, mọi sự con nhờ Vú.
- Vú cũng ráng giúp con.
Lối bốn giờ chiều, bà Kim Cương thức dậy. Như thường lệ, bà lên tiếng là bà Vú đem ly nước cam tươi lên và sẵn Vú mở lời :
- Dạ, thưa bà, chắc bà ngủ ngon ?
- Ờ, tối hôm qua vui quá, tôi ngủ yên.
- Dạ, thưa... bà...
- Cái gì mà bữa nay Vú cứ đứng đây thưa bẩm hoài vậy ?
- Dạ, dạ... Bà còn nhớ cô Mai Ly không ?
- Mai Ly ! Mai Ly... con bé đó nó hại tôi. Chút xíu nữa tôi phải hoàn tiền lại cho lão Thành An rồi. Nhưng cũng may lão ta rộng rãi biếu tôi luôn. Ờ, nhớ chớ, nó ra sao ?
- Dạ, Mai Ly đang ở dưới nhà bếp.
- Hả ! Nó dám " lết " cái mặt nó đến tìm tôi ? Con bé này gan thật !
- Dạ, thưa bà, tôi nghiệp Mai Ly. Còn em không biết gì hết. Chỉ biết Mai Ly trở đây lại xin làm chiêu-đãi-viên nhà này.
- Hứ ! Mấy tháng nay nó trốn biệt, rồi bây giờ mang xác về xin làm. Vú xuống bảo nó lên đây cho tôi biểu.
- Dạ, xin bà niệm tình thương cổ.
- Ờ, thương hay không tùy tôi, Vú kêu nó lên.
Bà Vú trở xuống bếp nói với Mai Ly :
- Mai Ly à ! Ráng nhịn nhục, bà chủ nói gì cũng ngồi nghe, chớ đừng có gàn cãi nghe con.
- Dạ, con nghe lời Vú. Con khổ quá Vú ơi !
Nói đến đây, nước mắt Mai Ly tuôn trào. Em lên phòng bà Kim Cương gõ cửa :
- Ờ, vô đi.
- Dạ, con kính chào bà, mong bà hiểu dùm con.
- Hiểu rồi.
Bà Kim Cương nhìn Mai Ly, bà mỉm cười, nói giọng mai mỉa :
- Cô cần đến tôi sao ? Bây giờ tôi thấy cô càng đẹp hơn và coi bộ sành đời dữ à.
- Dạ, xin bà thương con...
- Làm chiêu-đãi-viên, chớ hết giữ em rồi phải không ?
- Dạ. Nhưng tùy bà.
- Lúc nào cũng cái giọng kiêu ngạo.
- Dạ, con nào dám.
- Mấy tháng nay cô trốn tôi. Cô ở đâu, làm gì ?
Mai Ly ngập ngừng đôi phút, rồi nói :
- Dạ... con đã có chồng.
- Có chồng ! Chồng cô đâu ?
- Dạ, bị tai nạn.
- Tai nạn ! Tai nạn bao lâu rồi ?
- Dạ, mới đây.
- Vậy, cô lấy chồng được bao lâu ?
- Dạ, mới vài tuần.
- Vài tuần ! Vậy là số sát chồng !
- Dạ, chồng con chỉ bị thương thôi.
- Đâu rồi ?
- Dạ, đưa về Mỹ rồi.
- Lấy Mỹ ! Hứ ! Chỉ có vài tuần thôi sao ?
- Dạ, tụi con biết nhau lâu hơn.
- Vậy, cô làm tình mấy lần ?
- Dạ, một lần.
Ánh mắt bà Kim Cương vụt sáng lên, rồi dịu giọng :
- Tội nghiệp hôn ! Được, tôi nhận cô làm. Còn việc ‘’đi khách’’ ?
- Dạ, xin bà cho con lựa chọn.
- Lại lựa chọn, lựa chọn. Hứ !
- Dạ, bây giờ con biết sơ sơ nghề chiêu-đãi-viên, cũng nhờ ơn bà đã cho con học Anh-văn lúc trước.
- Thôi, được. Tôi nhận cô. Còn chuyện gì khác sau này sẽ tính. Phòng cô còn trống trên lầu ba, xuống nhà nói với Vú là cô ở phòng cũ.
- Dạ, con đội ơn bà.
- Nè. Ăn ở đây cái gì cũng chia sáu-bốn nghe hôn !
- Dạ, con hiểu, thưa bà.
(...)
Mai Ly xách va-li đi lên phòng cũ. Rồi trở xuống bếp ăn chút cơm nguội. Sau đó, Mai Ly đi ra chợ Sàigòn mua sắm drap, áo gối mới và tặng cho bà vú chút tiền. Chiều về, em sửa soạn chuẩn bị tiếp khách. Quang cảnh Snack-bar cũng thế. Chỉ có thay đổi vài cô gái mới. Vừa xuống bar thì bảy tám cô chiêu-đãi-viên nhìn Mai Ly bằng những cặp mắt tò mò. Mai Ly cười và gật chào xã giao. Riêng, chỉ có Sự biết Mai Ly. Sự đến gần và quàng tay qua vai Mai Ly, cậu làm ra vẻ thân mật và nói với các cô :
- Đây là Mai Ly, nhân viên cũ... Nhưng trước kia làm việc khác.
- Cả bar cười rần lên, có cô Minh Anh hỏi :
- Việc gì vậy anh Sự ?
- Giữ cậu Út, con trai của bà chủ mình.
- Thế à ! Nay cô ‘’giữ’’ ai đây ?
- Thôi các cô đừng châm biếm. Kể từ bây giờ, Mai Ly là đồng nghiệp với các cô.
- Hứ ! Dân ở đợ ra đời đó tụi bây ơi !
Mai Ly thấy khó chịu trong lòng, nhưng nàng vẫn giữ nụ cười gượng, đ ưa ánh mắt rảo quanh nhìn các cô và nói :
- Đúng vậy. Vì nghèo và dốt nát mới làm thế đó các chị à !
Các cô nghe những lời Mai Ly đáp lại, coi giận lắm. Cô Diễm Trang liếc mắt, chửi thề :
- Xí, ĐM... Thứ làm điếm mà tưởng đ âu m ình là tiểu thư đài các. Còn bày đặt nói móc nữa...
‘’Tưởng rằng con gái đang xuân.
Không ngờ lại rặt những phường ăn sương’’.
Nghe tiếng giày bà chủ vọng xuống, mọi người đều im lặng. Bà Kim Cương là loại gái làng chơi từ hồi đời Pháp thuộc. Năm nay tuổi bà ngoài năm chục. Tuy như cánh hoa đã tàn, nhưng nét diễm kiều, xuân sắc xưa cũng còn in đậm trên gương mặt phong trần sương gió và đầy kinh nghiệm với cái nghề ‘’ăn sương hút máu’’ này...
Khách từ từ vô, mỗi người có phận sự. Mai Ly cũng cầm bộ bài xóc xóc. Em chỉ tiếp khách thừa, khách lạ.
Trôi qua hơn một tuần lễ êm đềm. Bà Kim Cương để ý cách Mai Ly làm việc. Em chỉ tán khách uống nước trà (Sàigòn-Tea) để chia tiền. Mai Ly làm việc rất giỏi, mà không có ông khách nào hỏi em đi... Có lẽ họ thấy em còn quá trẻ. Thật ra Mai Ly vẫn tự xem mình như còn trinh trắng. Cứ như thế, khách trở lại cho em uống nước trà...
Một buổi xế chiều, bà Kim Cương gọi Mai Ly lên phòng, bà đề nghị :
- Mai Ly ! Con còn nhớ ông Thành An không ? Ông ta vẫn còn mê con lắm.
- Dạ, xin bà thương con, cho con làm để con sống và còn nuôi má con nữa. Ông ấy con ghê tởm và sợ lắm.
- Sao, cô ghê tởm à ? Cái giọng này cũng không chừa.
- Dạ, con xin bà...
- Không xin xỏ gì cả. Ngày nay cô vào đây làm chiêu-đãi-viên. Cô là con Đ... trong nhà tôi rồi, cô biết không ?
- Dạ, xin bà đừng giận con.
- Hứ ! Kỳ này cô cãi tôi, tôi sẽ cho cô vô khám. Thứ làm điếm rồi mà còn cái giọng cầu cao.
Nước mắt Mai Ly tuôn tràn, tự nhủ :
- Trời ơi ! Thân phận vì sao mà khổ như thế này ?
Mai Ly ngồi khóc thút thít. Bà Kim Cương nghĩ mình đã nắm được tâm lý phần nào. Vì bà biết Mai Ly đến bước đường cùng, nên bà tấn công tới tấp :
- Hứ ! Cô có biết không ? Tại vì cô mà tôi đã mang nợ ông Thành An. Ngày nay trời khiến cô trở lại cần tôi. Tôi tử tế nhận cô làm việc, còn ăn và ở đây nữa. Cô làm tôi hao tốn nhiều quá mà cô không có chút tình hay nhớ ơn nghĩa chi cả. Cô thật là tệ bạc.
Mai Ly nghe bà Kim Cương nói, em liền lau nước mắt, gằn giọng, hỏi :
- Thưa bà. Tiền gì ? Nợ gì ? Bao nhiêu ?
- Cô có gì để trả lại cho người ta ?
- Bây giờ con không có. Nhưng những ngày tháng tới con sẽ trả từ từ.
- Tôi sẽ đuổi cô ra khỏi nơi đây. Cho cô hết cách làm ra tiền. Hứ, đồ, đồ...
Mai Ly bất cần, em hất mặt lên và nói :
- Nếu không được thì bà kêu lính bắt con đi.
- Cô thách tôi à ?
- Dạ, không. Con không dám thách bà, nhưng con đành bó tay. Nước đường cùng ở tù trừ nợ có sao đâu !
Mai Ly không ngờ bà Kim Cương có thể gọi lính bắt em. Nhưng mưu kế bà ta đã dàn dựng sẵn ra rồi. Bà đứng lên gọi điện thoại nói nho nhỏ, Mai Ly không nghe được bà nói gì và với ai ? Nửa tiếng đồng hồ sau, trên xe Jeep có ba, bốn chú lính lại. Bà Kim Cương phao vu là Mai Ly ăn cắp năm chục ngàn đồng.
Lính bắt Mai Ly về bót quận ba. Lính giao lên cho ông Cò cỡ bốn mươi tuổi, Mai Ly vừa thấy ông, em rất lễ độ :
- Dạ, con kính chào bác.
- Ờ, mời cô ngồi.
- Dạ, con cám ơn bác.
Ông nhìn Mai Ly, lấy khẩu cung :
- Cô cho tôi biết họ tên của cô đi !
- Dạ, thưa bác, con tên Nguyễn Thị Mai Ly.
- Mấy tuổi ?
- Dạ, tuổi Việt, con được mười tám. Còn tuổi Tây con chưa tới.
- Con nhà ai. Cha mẹ tên gì ?
Mai Ly nín thinh không nói lời nào. Ông Cò lớn tiếng hỏi như hâm dọa :
- Tôi hỏi cô, sao cô nín thinh, bộ cô muốn tôi nhốt hả ?
- Dạ, dạ. Con không là con của ai cả !
- Ai trách nhiệm đời ?
Mai Ly nghe hai tiếng " trách nhiệm ", em nói lớn :
- Trách nhiệm ! Trách nhiệm !
Mai Ly ngả người trên chiếc ghế và cười một cách ngạo nghể. Làm ông Cò giận quá, ông hét to lên :
- Tại sao cô cười ? Mà cái giọng quá ngạo nghể, khinh thường tôi hả ? Tuổi tôi đáng cha cô, cô có biết không ?
Mai Ly nghe đến tiếng ‘’đáng cha‘’. Mặt nghiêm lại nhìn chầm chập vào mặt ông Cò và nói chầm chậm :
- Con xin bác tha thứ lỗi mất dạy của con. Và xin bác hãy dạy con như một đứa con hư hỏng đang bị cha rầy đi.
Ông Cò đứng dậy đi qua đi lại, ghim điếu thuốc lá vào môi, hít một hơi dài, ông nghĩ : - Trời ơi ! Con bé này rất thông minh, mình hớ một câu là nó chụp liền, nó không phải là con cháu nhà tầm thường, và cũng không phải thứ ngu dốt !
Ông Cò nghiêm giọng hỏi :
- Này, cô Mai Ly !
- Không. Nguyễn Thị Mai Ly mới đúng đó thưa bác.
- Ờ, Nguyễn Thị Mai Ly. Được rồi. Tôi hỏi lại cô một lần nữa, ai là người trách nhiệm đời cô ?
Mai Ly ngửa mặt nhìn lên trần nhà :
- Bác khéo hỏi, người trách nhiệm đời con, ... chính là bác đó.
Ông Cò sửng sốt :
- Trời, trời ơi ! Sao cô đổ thừa cho tôi ?
- Tại, tại vì bác không bắn cho con chết liền đi.
Nói đến đây Mai Ly ôm mặt khóc ào lên. Ông Cò hết hiểu nổi. Từ đáy lòng ông lại thấy tội nghiệp Mai Ly. Ông nhẹ giọng :
- Mà này cháu Mai Ly ! Cháu hãy nói thật với bác đi. Cháu có ăn cắp tiền của bà Kim Cương không ?
Mai Ly khóc thút thít, nghẹn ngào nói :
- Bác hiểu mà, sao bác còn hỏi con ?
- Vậy là bà Kim Cương muốn làm áp lực gì đó với cháu phải không ?
- Tùy bác hiểu. Bác biết quá cái nghề của bà ấy mà.
- Thôi, bây giờ cháu không chịu nói, cháu là con nhà ai, và cũng không nói ai là người trách nhiệm. Bác sẽ thả cháu về, mà cháu về với gia đình nha. Cháu đừng có đi hoang nữa. Vì cháu chưa đủ tuổi thành niên.
Mai Ly nghe ông Cò nói thế, em thấy mừng mừng trong lòng, vội hỏi :
- Bác thả con về ! Con về đâu cà ? (suy nghĩ một chút) Ý, được được... con sẽ về. Nhưng bác phải cho con chút tiền xe, vì con không có một cắc trong túi.
- Bác thả cháu, và cháu sẽ được trở lại lấy đồ đạc ở nhà bà Kim Cương.
- Vậy hả bác. Bác nói thật ? Con còn chút đình tiền và quần áo ở đó.
- Bác đích thân đưa cháu về đó.
- Con rất đội ơn bác.
Sau đó, Mai Ly được ông Cò đưa về nhà bà Kim Cương để lấy đồ đạc, quần áo. Còn tiền làm việc thì bà Kim Cương không phát cho em. Mai Ly rất tinh ranh, sẵn nhờ ông Cò đưa đi, vì em sợ bà Kim Cương sẽ hành hung. Em nói nhỏ với ông Cò :
- Dạ, bác làm ơn đưa dùm con ra Ngã Sáu Sài-gòn.
- Để làm gì ?
- Dạ, con có nhà người thân ở đó.
- Ờ, cũng được. Cháu đợi bác một chút để bác nói chuyện riêng với bà Kim Cương rồi bác đưa đi.
Ông Cò ra dấu với bà Kim Cương lên lầu với ông. Bà Kim Cương và ông Cò đi lên lầu, vào phòng khách, ông cắt nghĩa và nói :
- Bà nên tha con bé đó đi. Vì nó liều mạng lắm, bà khó mà làm áp lực được nó, một khi nó không có ăn cắp. Xin bà thông cảm dùm tôi.
- Thiệt là tức. Tôi già đầu mà làm không lại con ranh con này !
- Và bà cũng cho nó lấy đồ đạc.
- Chớ tôi giữ mấy thứ đó làm cái gì ?
Bởi bà Kim Cương dàn cảnh với ông Cò làm áp lực Mai Ly, để em sợ mà kêu bà ta cầu cứu, có thể sau đó sẽ ưng thuận theo ý bà. Nhưng ông Cò sợ rắc rối vì sự phao vu, rủi Mai Ly liều mạng là mệt cho ông... Nên sau đó ông Cò đưa Mai Ly đến Ngã Sáu Sài-gòn, em chỉ ông quẹo qua đường Ngô Tùng Châu hẻm bảy mươi bốn (74), Mai Ly chỉ đại mấy cái vi-la bên trong. Ông Cò tin và nghĩ là em nói thật, ông thả em xuống. Mai Ly thoát nạn lòng mừng.
Mai Ly xuống xe chờ xe ông Cò mất dạng. Em liền vào tiệm cơm Phước-Thành ăn một dĩa cơm sườn nướng, ăn xong em đứng dậy đến chào ông bà chủ, em hỏi bà Phước-Thành :
- Măn, măn khỏe hả măn ?
- Ờ, ờ... Sao tôi thấy cô quen quen ?
- Dạ, hồi năm trước con ở bên hẻm với chị Marie-Thu. Măn không còn nhớ con sao ?
- Mèn đét ơi ! Mai Ly đây hả ? Mới đây mà cô thay đổi dữ quá. Ờ, măn nhớ rồi. Mà cô đi đâu xách va-li vậy ?
Nét mặt Mai Ly hơi buồn buồn, em nói :
- Dạ, con đến đây nhờ măn hỏi ông chủ nhà bên hẻm, coi còn phòng cho con mướn được không ?
- Trời ơi ! Cô không có chỗ ở à ?
- Dạ, thưa không.
- Được mà, chắc ổng còn phòng trống. Cô cứ qua bễn hỏi đi, nói là ở bên này gởi cô qua.
- Dạ, con cảm ơn măn nhiều. Măn cho con gởi va-li lại đây, có gì chút nữa con sẽ trở lại lấy nghe măn !
- Ờ được.
Mai Ly liền chạy qua hỏi ông chủ nhà. Ông cho em mướn liền. Mai Ly mừng quá, trở lại tiệm cơm lấy va-li và cảm ơn ông bà Phước-Thành, rồi băng qua đường.
Ông chủ nhà dẫn Mai Ly lên gác cây ọp ẹp, mở cửa phòng và đưa chìa khóa cho em. Căn phòng nhỏ xíu, chỉ để một cái giường, không chiếu, mền gì cả. Mai Ly để chiếc va-li đó, liền chạy đi mua một chiếc chiếu, cái mền và một cái gối. Bấy giờ căn phòng đó như là giang san của Mai Ly. Cũng may là bà Kim Cương không lục xét, nên tiền và đồng hồ của Larry tặng còn. Tiền ấy em mua sắm và hằng ngày ăn cơm bên tiệm Phước-Thành.
Trời khuya một bóng chơi vơi
Trở về gác trọ xót đời hồng nhan.
Mấy ngày Mai Ly lo trang hoàng căn phòng trọ. Chung quanh, có năm sáu phòng, hầu hết là những anh chị sinh viên học đủ mọi ngành; y, dược, luật... Lúc nào Mai Ly cũng lễ phép, hòa nhã với mọi người chung quanh, hàng xóm.
Mai Ly đi xin làm chiêu-đãi-viên ở một Snack-bar nhỏ. Chiều chiều sửa soạn đi, khuya khuya lại về. Những người hàng xóm chung quanh, họ chẳng biết Mai Ly làm nghề gì. Sinh viên, học sinh, gái giang hồ, hay gì gì... ? Mai Ly cứ âm thầm sống theo lối sống của mình hằng ngày. Em lấy lòng tất cả các anh chị sinh viên và mọi người trong xóm, từ trẻ đến kẻ già.
Một hôm, Lisa-Xuân, cô bạn làm chung bar với Mai Ly. Xuân ngồi than thở :
- Mai Ly ơi ! Tao có chửa hoang hơn ba tháng rồi. Hỗm rày ế-ẩm quá không làm ra tiền ! Hiện giờ, tao đang thiếu tiền nhà hơn một tháng. Bà chủ nhà nói, nếu tao không lo đủ là bả tống cổ tao ra ngoài đường. Mầy có dư, làm ơn cho tao mượn một ngàn rưởi được không ?
Mai Ly cũng không dư giả gì, nhưng em có thể mượn bà chủ bar trước được. Em vui vẻ nói :
- ờ, để tao mượn tiền bà chủ mình nha !
Xuân nghĩ : - Mình hỏi thử con Mai Ly coi nó có cho mình ở trọ nhà nó không ? :
- Nếu được, luôn thể mầy cho tao đến nhà mầy ở trọ, khi sanh xong, tao đi làm và sẽ quàng tất cả tiền lại cho mầy !
Mai Ly nghe Xuân nói, lòng em xúc động, liền trả lời :
- Được, được. Nhà tao chỉ có một cái giường nhỏ. Hai đứa mình nằm chật một chút cũng không sao.
- Tao chỉ cần có chỗ ở thôi. Ngủ dưới đất cũng được mà Mai Ly !
Qua ngày sau, Mai Ly mượn được tiền đưa cho Xuân đi trả tiền nhà, rồi Xuân xách va-li đến phòng trọ ở với Mai Ly.
Hai cô gái đồng nghề với ‘’Đạm Tiên, Thúy Kiều’’, đồng tuổi, sắc vóc không hơn không kém ‘’mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười’’.
Lisa-Xuân về ở nhà Mai Ly được vài tuần, thì có mẹ Mai Ly ra thăm. Bà Hùng thấy Xuân có chửa, bà chờ cho Xuân đi vắng, bà nói với con :
- Con à ! Con Xuân, nó có chửa hoang mà con cho nó ở đậu xui lắm à nghe !
Mai Ly nghe mẹ nói thế, em nín thinh. Bà Hùng nhắc lại :
- Bầu bì, thai nghén bốn mắt, mà con chứa thì không có hên. Xui mạc-rệp đó con ơi !
Mai Ly nhích gần bên mẹ, nói :
- Má à ! Giúp được người là mình hên rồi. Má đừng có tin dị đoan. Riêng con thì con tin Trời-Phật. Mình giúp người lúc té ngựa, khổ đau, hoạn nạn là làm việc lành mà má !
Bà Hùng thấy con mình cãi lại, và có ý muốn dạy mình. Bà nổi giận :
- Tao sẽ ở lại đây với mầy, không còn chỗ trống cho con Xuân nữa...
Mai Ly tưởng mẹ mình nói lẩy, ai dè bà Hùng ở lại thiệt. Chiều tối Lisa-Xuân về. Mai Ly suy nghĩ :
- Có một cái giường nhỏ, bây giờ mẹ mình ở lại ngủ, không lẽ để cho Xuân ngủ dưới sàn nhà. Hơn nữa, nó đang mang bầu cũng tội nghiệp ! Vậy thì mình ngủ dưới sàn nhà cũng sao ! Cho con Xuân ngủ với mẹ mình... Đến giờ Mai Ly đi làm. Rồi khuya về, em trải chiếu dưới đất ngủ, nhường chỗ cho Xuân và mẹ. Sáng hôm sau thức dậy, Mai Ly xách giỏ đi chợ. Ở nhà bà Hùng đuổi Xuân. Xuân bị chạm tự ái đành bỏ đi mà không chờ Mai Ly về. Mai Ly biết tánh mẹ mình khó, lòng em xót xa cho bạn, và thấy mẹ mình hơi ác với Xuân. Nhưng bà Hùng nói là Xuân tự ý cuốn gói ra đi. Bà thấy Xuân đi rồi, bà yên lòng cho con gái mình, bà đi trở về Xóm-Đầm.
Vài tuần sau, có Ngà, cô bạn đồng hương lên Sàigòn tìm việc làm. Ngà xin ở trọ nữa. Mai Ly cũng không thể nào từ chối. Vài ngày sau, Ngà xin được một chân bán vải ngoài chợ Sàigòn. Mai Ly cho Ngà ăn và ở, em không hỏi cắc bạc nào cả. Thừa lúc Mai Ly nghe dưới nhà có phòng trống rộng rãi hơn, em tìm ông chủ nhà xin đổi phòng. Dọn xuống xong, Mai Ly thấy mình còn chút tiền dư, em liền đi mua giấy bông dán tường cho đẹp đẽ, sạch sẽ hơn.
Rồi một hôm, Mai Ly đang từ chợ Sài-gòn lang thang về. Về tới Ngã-Sáu thì gặp một người đàn bà trẻ, khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, ôm hai đứa con còn nhỏ, ngồi khóc bên vệ đường. Mai Ly đến gần hỏi :
- Sao chị khóc vậy ?
Chị ta chỉ hai đứa con và nói :
- Thưa cô, tôi khổ quá cô ơi ! Chồng tôi mới chết để lại hai con còn nhỏ. Ước gì, cô có tiền giúp tôi năm trăm đồng để tôi làm vốn mua vóng gánh bán trái cây nuôi hai con qua ngày.
Mai Ly nghe động lòng. trong túi chỉ có bảy trăm đồng (700), em liền móc ra cho chị ấy năm trăm. Chị nhận lấy số tiền, rồi chấp lạy và nói cảm ơn liên tu bất tận :
- Cảm ơn cô ! Cảm ơn cô ! Cô tử tế quá, ơn cô làm sao tôi trả được sau này ?
Mai Ly lắc đầu và đưa tay nựng hai đứa nhỏ. Đứa cỡ ba tuổi và đứa cỡ sáu bảy tháng, em nói :
- Xin chị đừng quan tâm gì cả. Nếu nhờ năm trăm đồng của tôi mà chị buôn bán được khá giả sau này. Nếu chị muốn đền ơn tôi, bằng cách là chị thấy ai nghèo khổ như chị bây giờ thì chị giúp cho họ. Đó là cách tốt đẹp nhứt để chị trả ơn cho tôi. Thôi, tôi về. Chúc chị được nhiều may mắn.
Nói xong Mai Ly bỏ đi. Về đến nhà gặp Ngà, Mai Ly kể lể chuyện vừa giúp người. Ngà nổi giận la mắng Mai Ly :
- Sao mầy ngu quá vậy ? Mầy bị người ta gạt rồi ! Rồi, rồi làm sao trả tiền nhà, chỉ còn ba ngày nữa tới tháng đó. Ngu quá đi !
- Bất chợt bị Ngà la mắng, Mai Ly từ tốn nói :
- Hổng có sao đâu. Tao sẽ năn nỉ ông chủ nhà cho tao đóng trễ hai tuần.
Tuy nói vậy, mà trong lòng Mai Ly cũng sùng Ngà lắm, em nghĩ : - Con Ngà này quá keo kiệt và ích kỹ. Ở nhà mình, nó không chia tiền mà còn làm tàn. Mình phải tìm nhà khác mướn mới được, để nhà này cho nó, nếu nó tiếp tục đóng thì ở, còn không thì bị người ta đuổi ra ngoài đường ráng chịu ha ha...
Qua ba ngày sau, Mai Ly đang đi chợ, thình lình có tiếng kêu :
- Mai Ly ! Mai Ly !
Mai Ly tìm dáo dác :
- Lisa ! Xuân ! Con quỉ sứ, trời ơi ! Mầy đi đâu mấy tháng nay ? ... Ủa, cái bụng mầy...
- Tao đi bụi đời... Tao bị hư thai. Và tao...
- Trời đất ! Chớ không phải mầy phá thai hả ?
- Không. Đừng nói bậy. Hên quá gặp mầy. Nè, tao trả một ngàn rưởi cho mầy nè. Bây giờ tao có bồ Mỹ khá lắm. Thôi, tao đi. Tao có hẹn...
Lisa-Xuân biến mất trong đám đông. Mai Ly cầm tiền trong tay mà như người đang nằm mộng được tiền. Em mừng thầm : - Thiệt là ông trời thương mình. Chưa kịp hẹn với ông chủ nhà, thì ông trời khiến con Xuân trả tiền cho mình. Mai Ly nghe lòng lâng lâng niềm vui, đi ra khỏi chợ, gọi xích-lô-đạp chở v nhà. Vừa thấy ông chủ nhà, em liền móc tiền trả liền. Làm ông chủ nhà ngạc nhiên :
- Bác có nghe cô Ngà nói, là cô đang kẹt tiền gì đó, sẽ để trễ vài tuần mà ?
Mai Ly cười, nói :
- Con định nói với bác chiều nay. Ai dè con Ngà nói rồi. Và cũng may mắn, vừa gặp Lisa-Xuân trả nợ cho con nè.
- Cô ở đây mấy tháng, tâm tánh cô hay bao đồng, giúp người. Thiệt là ông trời thương cô nên bù đáp lại đó. Chớ cô Ngà cổ nói cô ngu lắm.
Mai Ly mỉm cười :
- Nó nói con ngu, mà nó ở nhờ nhà con. Thì nó ngu chớ đâu phải là con. Ngu thì con làm sao làm ra tiền để giúp người hoạn nạn bác ?
- Bác biết chớ !
- Sẵn đây, con nói luôn với bác. Hết tháng này con để phòng lại cho con Ngà. Nếu nó tiếp tục ở thì phải đóng tiền.
- Trời ơi ! Cô bỏ tui sao ? Sao cô không bảo cô Ngà đi chỗ khác ?
- Làm sao con dám đuổi nó ? Nó đi làm có tiền lương đàng hoàng mà không chia phụ con cắc nào cả, rồi còn nói với bác là con ngu. Thôi, con phải đi, con tặng những gì con mua sắm cho nó hết. Con xách quần áo đi thôi.
- Cô cho không, cho đồ đạt hết cho cô Ngà vậy à !
- Dạ, cho không, cho hết. Nồi niu, soon chảo có bao nhiêu. Trời cho con làm có tiền, con sắm cái khác tốt hơn.
- Thiệt, cô tốt bụng quá !
- Bác biết quá lòng người mà ! Hễ ăn ở tốt là người ta cho mình ngu hà bác ơi ! à, trước khi con tạm biệt nơi đây, con sẽ đãi tiệc, mời anh chị em sinh viên và bác ăn uống một bữa nha ! Thôi, con vô nhà...
Tháng sau, Mai Ly dọn lại đường Cá-Hấp. Phòng ở đây sạch sẽ hơn, mắc hơn một chút. Nhưng gần chỗ làm khỏi tốn tiền xe.
Rồi cũng cảnh cũ tái diễn. Xinh, người chị bà con với Mai Ly, Xinh còn trẻ đẹp, cỡ hai mươi hai tuổi, đến xin ở nhờ ngắn hạn. Mai Ly cũng không từ chối nổi. Thỉnh thoảng Xinh hẹn ông bồ Việt Nam, tên Khánh đến nhà. Mỗi lần Khánh đến là Mai Ly ra ngoài hành lan ngồi chờ cho họ tình tự... Xong rồi Mai Ly mới vào nhà. Có khi Khánh ở lại ngủ, Mai Ly trải mền dưới đất nhường giường cho họ. Nhiều lúc Mai Ly cảm thấy mình ngu thiệt. Với tâm tánh ấy thì cứ bị ngươì ta ăn hiếp thì đúng rồi ! Mai Ly lảm nhảm trong lòng : - Chị Xinh, xin ở đậu nhà mình một thời gian ngắn, nhưng sao chị cứ ở hoà kìa ? Hết tháng này tới tháng nọ. Rồi còn chuyên quyền, xem mình như người ăn nhờ ở đậu không khác. Có nhiều lúc trước mặt anh Khánh, chỉ còn ra điều sai bảo mình như đứa ở đợ làm mướn cho chỉ. Mai Ly cảm thấy đau lòng buồn chán tình đời. Rồi em lại đi tìm phòng khác mướn, và cũng ‘’cho không’’ hết đồ đạc, chỉ xách quần áo ra đi nhường chỗ lại cho Xinh. Em đến mướn một phòng nho nhỏ trong hẻm Võ Tánh.
Đúng là Mai Ly là số con rệp ! Nhưng ông trời có bao giờ bỏ rơi em đâu.