Chương 1
Tác giả: VIXETE BLAXCO IBANHEX
Cũng như mọi lần có đấu bò mộng, Huan Gađacđô ăn bữa sáng rất sớm. Anh chỉ ăn qua loa một lát thịt quay, không hề nhấp một giọt rượu, vì anh cầÇn giữ mình cho thật điềm tĩnh. Anh uống hai tách cà phê đen thật đặc, rồi, sau khi châm một điếu xì gà to tướng, anh ngồi yên, khuỷu tay tì xuống mặt bàn, cằm đặt vào lòng bàn tay, đôi mắt ngái ngủ lim dim nhìn những người khác bước dần vào phòng ăn.
Từ mấy năm nay, nghĩa là từ khi anh được phong chức expađa(1) chính thức tại đấu trường Madrit, anh đến ngụ ở khách sạn này trong phố Ancala. Ở đây, chủ nhân coi anh như người nhà, còn bọn bồi phòng, gác cửa, phụ bếp, vú già thì cưng anh như hòn ngọc của khách sạn.
Và cũng ở đây, sau khi bị hai vết thương, người còn quấn đầy băng, anh đã sống những ngày dài dằng dặc trong một bầu không khí sặc mùi thuốc vàng(2) và khói thuốc lá. Nhưng kỷ niệm đáng buồn đó không mảy may làm anh nao núng. Với óc mê tín của một người miền Nam quen gặp nguy hiểm, anh tin rằng khách sạn này đem lại may mắn cho anh. Ngụ tại đây, anh chẳng còn phải lo bị một tai nạn nghiêm trọng nào: mà nếu có bị thì bất quá cũng chỉ là một sự chẳng may không đáng kể của nghề nghiệp, ví dụ rách áo hoặc toạc da, chứ không đến cái thảm cảnh té ngã rồi không bao giờ đứng dậy được nữa như đã từng xẩy ra cho một số bạn anh mà, mỗi khi nhớ đến, anh lại cảm thấy xao xuyến, ngay cả trong những giờ phút anh sung sướng nhất.
Trong những ngày có cuộc đấu, người expađa ấy, sau khi ăn sáng rất sớm, lần chần mãi trong phòng ăn và giết thời giờ bằng việc quan sát người qua lại từ nước khác hoặc từ các tỉnh đến. Đầu tiên, họ không để ý đến anh lúc đi bên cạnh anh, nhưng rồi họ đều ngoảnh lại tò mò nhìn anh khi được chú hầu phòng cho biết cái anh chàng đẹp trai, có bộ mặt cạo nhẵn và đôi mắt đen, diện như một cậu công tử con nhà, chính là Huan Gađacđô, người mà ai nấy đều gọi thân mật là "anh Gađácđô", nhà matađo tiếng tăm lừng lẫy. Cho đến lúc lên đường ra đấu trường, Huan Gađacđô, đã tìm được cách giải trí đó để qua những giờ phút chờ đợi nặng nề. Thời gian mới chậm làm sao! Những giờ phút hồi hộp này mà, từ trong thâm tâm anh, chợt nổi lên những mối lo sợ mơ hồ làm cho anh nghi ngờ ngay cả bản thân anh, là những giờ phút khó chịu nhất trong nghề. Anh không muốn ra phố vì anh nghĩ đến những nỗi mệt nhọc chiều nay, đến điều cần thiết phải giữ mình cho được tươi tỉnh và nhanh nhẹn. Anh không thể kéo dài bữa ăn vì anh cần phải ăn ít, ăn mau để khi ra đấu trường anh không còn lo nặng bụng. Vì thế, anh vẫn ngồi ở đầu bàn ăn, hai tay ôm đầu, thả một đám khói thuốc lá thơm bay trước mắt và thỉnh thoảng hãnh diện đảo mắt bốn phía để liếc mấy phụ nữ đang chăm chú ngắm người tôrêrô(3) danh tiếng.
Kiêu hãnh cho mình là thần tượng của công chúng, anh ngỡ đoán ra được trong ánh mắt những người phụ nữ ấy những lời tán tụng và những cử chỉ bợ đỡ. Chắc chắn họ thấy anh lịch sự và đẹp trai. Thế là anh quên bẵng những điều bận tâm và, tuân theo bản năng của một người quen lấy tư thế hiên ngang trước công chúng, anh vươn người đứng dậy, búng tàn thuốc rơi trên tay áo, sửa lại cái nhẫn nạm một viên kim cương cực lớn đầy hào quang che kín cả một đốt ngón tay.
Anh đưa mắt nhìn khắp người anh một cách tự đắc về bộ complê may rất khéo, về cái mũ lưỡi trai mà anh hay đội khi đi lại trong khách sạn và lúc này anh đặt trên một cái ghế gần đấy, về sợi dây vàng đẹp đẽ vắt ngang từ túi bên này sang túi bên kia áo gilê, về những viên ngọc trai đính trên yếm áo sơmi dường như tỏa một thứ ánh sáng nhợt nhờ lên khuôn mặt màu nâu của anh, về đôi giày bằng da nước Nga để lộ từ cổ chân đến gấu quần vén cao đôi bít tất lụa thêu dua tựa hồ đôi bít tất của những cô gái ăn chơi.
Mùi nước hoa Anh thoang thoảng tỏa ra từ bộ quần áo, từ mái tóc đen bóng cuộn thành từng vòng trên hai thái dương. Trước con mắt tò mò của đám phụ nữ, anh ưỡn ngực với tư thế của kẻ chiến thắng. Quả thật trông mẽ anh không phải là một đấu sĩ hạng tồi. Anh rất tự mãn. Khó mà tìm ra một con người nào khác ưu tú hơn anh, có thể làm vừa lòng phụ nữ hơn anh.
Nhưng chẳng bao lâu những điều bận tâm lại trở lại trong tâm trí anh; ánh mắt anh lụi tắt, cằm anh thưỡn ra trong lòng bàn tay. Anh rít thật mạnh điếu xì gà, lơ đãng nhìn theo làn khói thuốc.
Anh nóng ruột nghĩ tới lúc màn đêm buông xuống anh sẽ từ đấu trường trở về, mình đẫm mồ hôi và người mệt lử, nhưng lòng vui sướng vì vừa vượt khỏi nỗi hiểm nghèo, với bao nhiêu thèm muốn lại trỗi dậy, với dục vọng hưởng lạc điên cuồng và với lòng tin tưởng, chắc chắn rằng mình sắp có được vài ngày nghỉ ngơi yên ổn: Nếu chúa trời vẫn phù hộ anh như mọi khi, anh sẽ lại được ăn uống ngấu nghiến ngon lành như trong những năm anh còn là một kẻ bần cùng, anh sẽ lại được say sưa chút đỉnh và được đi kiếm một cô ca sĩ của tiệm ca vũ mà anh đã gặp trong một cuộc hành trình trước nhưng chưa có thời gian để làm thân thêm. Cuộc đời xê dịch không ngừng bắt anh phải chạy từ đầu này đến đầu kia bán đảo(4) không để anh còn thời giờ làm cái gì nữa.
Đang lúc ấy, bỗng có mấy người bạn mến phục anh bước vào phòng ăn, họ muốn gặp anh trước khi họ đi ăn sáng. Đó là mấy tay mê đấu bò, sung sướng được đứng trong một phe phái và có một thần tượng. Họ đã chọn Gađacđô làm matađo, họ khuyên Gađacđô của họ nhiều điều khôn ngoan và không bao giờ quên nhắc đến những thần tượng ngày xưa của họ là Lagactihô và Fraxcuêlô(5).
Họ xưng hô cậu cậu tớ tớ với Gađacđô nhưng với vẻ thân mật của người bề trên, còn Gađacđô khi trả lời, không bao giờ quên nêu tiếng ngài trước tên của họ.
Cái đó bắt nguồn từ truyền thống phân biệt đẳng cấp giữa anh đấu bò Gađacđô xuất thân từ thành phần xã hội thấp nhất và những người hâm mộ anh ta. Trong khi tỏ lòng khâm phục anh, họ thường nhắc đến nhiều kỷ niệm xa xưa, cốt để đấu sĩ trẻ tuổi anh tài kia hiểu rằng họ có cái ưu thế của những con người lão thành nhiều kinh nghiệm. Họ thường nói tới đấu trường cũ của Madrit là nơi duy nhất đã chứng kiến những con bò mộng xứng đáng và những người đấu bò xứng đáng. Đối với thời kỳ gần đây nhất, họ cảm động đến run người khi nhắc đến tên anh "Đen", tên tục người matađo lừng lẫy Fraxcuêlô.
- Giá mà cậu được xem anh "Đen" nhỉ! Họ nói... Nhưng lúc ấy, cậu và những người trạc tuổi cậu hãy còn bé tí hoặc chưa ra đời.
Trong đám người ủng hộ Gađacđô bước vào phòng ăn, có một số trông thiểu não và có vẻ đói ăn: đó là những phóng viên nhà báo vô danh, chỉ quen mấy người đấu bò mà họ ca tụng hoặc chê bai; đó là những người không có nghề nghiệp rõ ràng xuất hiện ngay khi có tin Gađacđô tới và bám lấy anh để ca tụng anh, xin vé anh vào cửa. Nhiệt tình chung giúp họ làm thân được với những người khác là những nhà buôn lớn hoặc những ông công chức không quan tâm đến bộ cánh tồi tàn của họ, sẵn sàng bàn luận say sưa với họ về các vấn đề của môn đấu bò.
Tất cả mọi người tiến tới gần Gađacđô rồi ôm hôn anh hoặc bắt tay anh và hỏi anh dồn dập:
- Anh Huan!.. Chị Cácmen(6) có khỏe không?
- Cám ơn, nhà tôi rất khỏe.
- Thế bà Aogutiax(7) nhà ta có khỏe không?
- Cảm ơn, mẹ tôi cũng rất khỏe. Bà cụ đang ở trại Rinhcônađa(8).
- Thế còn chị của anh? Và các cháu nhỏ, con chị ấy? - Cám ơn, tất cả đều rất khỏe.
- Thế còn người anh rể tinh ma của anh? - Cũng khỏe, vẫn liến thoắng như thường.
- Thế gia đình anh có thêm được ai nữa không? Triển vọng thế nào?
- Không. Chưa có triển vọng gì cả.
Và anh búng mạnh ngón tay vào hàm răng để tỏ ý rõ ràng là không có gì mới cả. Đến lượt anh hỏi lại người khách mới tới là người anh không biết gì cả ngoài việc người ấy là một dân mê đấu bò.
- Thế ông bạn và gia đình cũng mạnh khỏe cả đấy chứ?.. Tốt lắm!... Vậy thì ông bạn hãy ngồi xuống đây và hãy dùng một chút gì chứ?
Rồi anh hỏi dò về dáng dấp mấy con bò mà anh sẽ đấu trong vài giờ nữa, vì mới rồi ở bãi đấu mấy người bạn đó được xem phân chia bò vào từng lộ. Sau cùng, với vẻ tò mò của một người thông thạo, anh hỏi họ về tình hình Tiệm cà phê Anh, nơi tụ họp của nhiều người trong giới mê đấu bò.
Những người hâm mộ Gađacđô tỏ ra rất hy vọng, họ dẫn ra nhiều bài báo tường thuật những trận đại thắng gần đây của anh trên nhiều đấu trường Tây Ban Nha. Không có người matađo nào lại có nhiều hợp đồng như anh. Từ cuộc đấu tổ chức tại Xêvilơ trong dịp lễ Phục sinh là cuộc đấu quan trọng đầu tiên trong mùa đấu năm nay, anh đang phải đi hết thành phố này đến thành phố khác để hạ sát bò mộng. Sang tháng tám và tháng chín, anh sẽ phải đêm đêm ngồi xe lửa và chiều chiều đến bãi đấu, không còn lúc nào xả hơi. Người ủy quyền của anh(9) bận bù đầu, vì thư từ và điện tín gửi tới dồn dập khiến ông ta không biết làm thế nào để gói ghém tất cả những đề nghị ký hợp đồng vào một mùa đấu ngắn ngủi.
Mới hôm qua, sau khi đấu ở Xiuđa Rêan, Gađacđô không có thời giờ cởi bộ quần áo đấu đã phải nhảy ngay lên xe lửa để sáng nay tới Madrit. Anh đã qua một đêm trắng hoặc gần như vậy, nằm co quắp trong một góc toa nhờ có những hành khách khác đã vui lòng ngồi thu lại để nhường chỗ cho một người sắp phải liều thân để giúp vui cho dân chúng được nghỉ ngơi đôi chút.
Những người hâm mộ anh ca ngợi sức chịu đựng của anh và sự can đảm đến liều lĩnh của anh lúc anh xông vào hạ sát con bò.
Họ nói với anh một cách tin tưởng nhiệt thành:
- Chiều nay chúng tôi sẽ lại được xem cậu đấu. Giới hâm mộ trông đợi rất nhiều ở cậu. Cậu sẽ làm lu mờ khối đối thủ. Cố gắng xuất sắc như lần ở Xêvilơ nhé!
Nói rồi họ đi ăn để còn đến bãi đấu cho sớm. Còn Gađacđô ở lại một mình chuẩn bị trở lên phòng của anh: anh thấy cần đổi chỗ vì sốt ruột. Bỗng nhiên một người đàn ông, tay dắt hai chú bé con, đẩy cánh cửa kính phòng ăn bước vào, không để ý đến những người phục vụ khách sạn hỏi ông ta muốn gì. Trông thấy người matađo, ông ta liền nở một nụ cười như người được ban phúc lành rồi tiến lại, kéo theo sau hai đứa trẻ, mắt nhìn chằm chặp người matađo danh tiếng. Gađacđô nhận ra ông ta. Ông ta chào:
- Thế nào người cha đỡ đầu của con tôi, bác có khỏe không?
Tiếp theo lời chào là cả một chuỗi câu hỏi thường lệ về tình hình sức khỏe của gia đình. Cuối cùng, ông ta quay về phía các con rồi nghiêm trang nói với chúng:
- Đấy, các con ngắm cho kỹ đi: bác ấy đấy! Các con cứ ao ước được gặp bác ấy mãi! Thế có phải hoàn toàn giống các bức ảnh không nào?...
Hai đứa bé ngắm nghía một cách sùng kính người anh hùng mà chúng hằng được chiêm ngưỡng trong những bức chân dung trang hoàng cho căn nhà nghèo nàn của chúng: một nhân vật siêu phàm mà thành tích và của cải đã từng là niềm kinh ngạc đầu tiên của chúng, lúc chúng bắt đầu hiểu những thực tế của cuộc đời.
- Huan, con hôn tay cha đỡ đầu của con đi!
Thằng bé ít tuổi nhất áp vào bàn tay phải của bậc danh nhân cái mồm đỏ nhỏ xíu của nó mới được bà mẹ chùi sạch nhân dịp viếng thăm này và Gađacđô lơ đãng xoa đầu thằng bé. Đấy là một trong số con đỡ đầu đông vô kể của anh ở Tây Ban Nha. Những người tôn sùng anh, ép anh phải đỡ đầu cho con cái họ, vì họ tưởng như vậy sẽ đảm bảo tương lai cho chúng. Phải dự hết lễ rửa tội này đến lễ rửa tội khác, cái đó thật là một hậu quả của vinh quang. Nhưng đứa con đỡ đầu hôm nay làm anh nhớ lại thời kỳ đen tối khi anh mới bước chân vào nghề, anh vẫn nhớ ơn cha nó vì ông ta đã tin tưởng anh trong lúc mọi người còn nghi ngờ tài nghệ anh.
- Thế hàng họ của bác thế nào? Gađacđô hỏi. Có khá hơn trước không?
Người hâm mộ nhăn mặt. Ông ta làm nghề chào hàng ở chợ Xêbađa và nghề đó chỉ vừa đủ giúp ông ta không chết đói. Gađacđô ái ngại nhìn quần áo thiểu não của ông ta, bộ cánh ngày hội của một người nghèo.
- Này bác! Chắc bác muốn đi xem đấu chứ? Bác hãy lên phòng tôi, Garabatô(10) sẽ đưa cho bác một cái vé. Thôi tạm biệt bác nhé! Thế còn các cháu, các cháu hãy cầm lấy cái này để mua đồ chơi.
Gađacđô giơ tay trái treo cho thằng bé nhớn hai đồng đuarô(11) trong khi thằng con đỡ đầu của anh hôn bàn tay phải anh. Thế là người đàn ông kéo đàn con của mình ra khỏi phòng, sau khi đã xin lỗi và cám ơn rối rít khiến người ta không thể biết ông cám ơn nhiệt liệt vì món quà của Gađacđô cho hai đứa bé hay vì tấm vé mà anh đầy tớ sắp trao cho ông.
Gađacđô chờ cho vài phút trôi qua để không phải gặp lại ở trên phòng anh con người hâm mộ anh và đàn con của ông ta. Anh nhìn đồng hồ: mới một giờ! Còn biết bao thời gian từ nay đến lúc có cuộc đấu!...
Anh ra khỏi phòng ăn và đi về phía cầu thang bỗng một người đàn bà, đầu quấn cái khăn choàng tồi tàn, từ buồng người gác cổng đâm bổ ra cản đường anh một cách thân mật nhưng kiên quyết, bất chấp sự phản đối của nhân viên phục vụ khách sạn.
- Cháu Huan!... cháu Huan!... cháu không nhận ra bác à? Bác là Đôlôrêx tục gọi là mụ Sên, mẹ của thằng bé tội nghiệp Lêchughêrô đây mà...
Gađacđô vừa mỉm cười với mụ già người thấp bé, da ngăm ngăm và dăn deo, mắt đỏ rực như mắt phù thủy, miệng liến thoắng, vừa thò tay vào túi khi anh đoán ra mục đích của những lời nói vô hồi kỳ trận của mụ.
- Khổ quá đi cháu ơi! Bác nghèo quá, chết chẳng chết được!.. Bác nghe tin hôm nay cháu đến bãi đấu, bác mới nghĩ: "Ta đi thăm Huan đi, chắc nó chưa quên mẹ của thằng bạn tội nghiệp của nó!". Cháu ơi, cháu mới đẹp làm sao, khỏe mạnh làm sao? Chắc chắn tất cả bọn đàn bà đều mê tít cháu thôi, quỷ ạ! Còn bác thì, cháu ơi, bác rất khổ. Đến một cái áo sơ mi cũng thiếu. Từ sáng bác chưa có gì vào bụng, ngoài một giọt rượu hồi. Bà Pêpôna, quê ở mạn dưới, đồng hương với chúng ta, đã thương hại bác, cho bác trọ ở nhà bà ta. Chỗ ấy cũng khá lắm, mỗi tháng phải trả năm đuarô. Cháu đến thăm bọn bác đi. Ở đấy ai cũng thành thật, ca ngợi cháu. Bác sửa đầu tóc cho bọn con gái và làm những việc mà các ông sai đi... Ôi chao! Giá mà thằng con bác còn sống nhỉ!... Cháu còn nhớ thằng Pêpê(12) không? Cháu còn nhớ cái buổi chiều nó chết không?...
Sau khi dúi một đồng đuarô vào lòng bàn tay khô đét của mụ già, Gađacđô cố tránh nghe thêm những lời nói liến thoắng đã bắt đầu kèm theo những tiếng sụt sùi. Con mụ phù thủy chết tiệt này! Nó đến đúng vào một ngày có cuộc đấu nhắc anh nhớ tới Lêchughêrô, thằng bạn tội nghiệp của những năm đầu trong nghề đã chết tươi trước mắt anh khi bị một con bò mộng húc trúng tim ở bãi đấu Lêbriha vào thời kỳ cả hai đứa đều là nôviđiêrô(13): và cùng đấu chung với nhau. Thật đáng nguyền rủa mụ già mang điềm gở này!... Anh đẩy mụ ra. Nhưng đang xúc động mụ biến như bỡn thành vui vẻ và tuôn ra hàng tràng lời ca tụng những nhà vô địch anh tài, những người đấu bò dũng cảm biết chiếm cả đồng tiền của công chúng lẫn trái tim của phụ nữ.
- Thằng cháu điển trai của bác xứng đáng với Hoàng hậu nước Tây Ban Nha đấy! Chị Cacmen là cứ phải cẩn thận đấy! Không thì có ngày sẽ có người cướp mất cháu không trả lại đâu... Cháu Huan, chẳng lẽ cháu không cho bác một cái vé để đi xem chiều nay hay sao? Cháu yêu quý ơi, bác muốn xem cháu đấu lắm!...
Những tiếng xuýt xoa và những lời tán tỉnh quá đáng của mụ già làm cho các nhân viên khách sạn bật cười quên cả nhiệm vụ nghiêm ngặt của họ là ngăn lại ở bậc cửa một nhóm người tò mò và nghèo đói kéo đến vì thấy Gađacđô. Một đám ăn mày, du đãng, hàng rong đẩy nhẹ bọn đầy tớ và len vào phòng ngoài. Bọn trẻ con bán báo, tay cắp gói báo, ngả mũ chào Gađacđô với một vẻ thân mật nồng nhiệt.
- Anh Gađacđô ! Hoan hô anh Gađacđô! Hoan hô những người dũng cảm!
Những đứa bạo dạn nhất nắm lấy bàn tay người matađo siết chặt lắc đi lắc lại rất mạnh như để kéo dài càng lâu càng hay sự tiếp xúc vinh dự với người anh hùng dân tộc mà chúng đã được thấy hình ảnh trên mặt báo.
Rồi muốn cho đồng bọn chia sẻ niềm vinh dự ấy, chúng giục bạn làm theo chúng.
- Sờ tay anh đi mày! Anh ấy không giận đâu. Gớm, anh ấy đẹp trai ghê!
Thiếu chút nữa, bọn ranh con quỳ xuống trước mặt Gađacđô để tỏ lòng khâm phục.
Một số người tò mò khác, râu chải qua quýt, mặc những bộ quần áo cũ rích, trước đây có thể cũng lịch sự, lê những đôi giày cùn đế lượn quanh người Gađacđô, ngả cái mũ dây mỡ chào thần tượng, nói năng nhỏ nhẹ, và gọi anh là Đông(14) Huan, để tự phân biệt với bọn lưu manh nhiệt tình nhưng vô lễ.
Sau khi than thở với Gađacđô về cảnh khổ của mình, họ ngỏ lời xin tiền, có kẻ còn liều lĩnh viện lý do mê đấu bò vật nài xin vé vào cửa tuy thật tình họ đã rắp tâm xin được vé là đem bán lại ngay lập tức.
Gađacđô vừa cười vừa chống đỡ làn sóng người xô đẩy anh và đè lên người anh. Các nhân viên phục vụ khách sạn phát hoảng về cách công chúng tỏ lòng hâm mộ anh, họ cố can thiệp nhưng không làm thế nào để gỡ cho anh thoát được. Anh lục đi lục lại các túi quần túi áo cho đến khi cạn trơn để lấy tiền phát vào bất kỳ bàn tay nào chìa ra.
- Tớ không còn một đồng nào nữa!... Tiền tớ để dành cũng cạn sạch rồi! Thôi, đừng đùa dai nữa, để cho tớ yên!
Nói xong, anh giả vờ chán ngán cách tỏ lòng hâm mộ tuy anh rất thích. Rồi bằng những bắp thịt lực sĩ của mình anh đẩy người này, gạt người khác, mở một lối đi và nhẩy ba bốn bậc một lên cầu thang với điệu bộ nhanh nhẹn của một giáo sư thể dục. Còn các nhân viên khách sạn chẳng nể nang gì nữa, liền kịch liệt đuổi bọn hạ lưu này ra ngoài đường.
Gađacđô đi ngang qua cửa phòng của Garabatô. Qua cánh cửa mở hé anh trông thấy người hầu của anh đứng giữa một hòm xiểng đang chuẩn bị quần áo đấu bò cho anh.
Cuối cùng, khi anh vào đứng một mình ở trong phòng mình, anh đột nhiên cảm thấy tiêu tan niềm phấn chấn mà nhiệt tình của công chúng đã gây ra trong lòng anh. Những phút tệ hại nhất của ngày đấu đã tới, những phút bồn chồn trước lúc lên đường đến đấu trường. Những con bò mộng hôm nay là bò trại Miura(15) và công chúng hôm nay là công chúng Madrit! Sự nguy hiểm chẳng bao lâu nữa sẽ tới gần. Dường như ban nãy, nó làm cho anh say sưa và thêm can đảm, nhưng lúc này nó lại làm cho anh lo ngại ngay từ phút đầu anh đứng một mình, tựa hồ có một cái gì vô hình, khủng khiếp vì trạng thái hồi hộp của chính bản thân anh.
Anh cảm thấy rã rời dường như những sự mệt nhọc của các đêm thiếu ngủ vừa qua đột nhiên đè ép người anh. Anh thấy thèm ngả lưng lên một trong mấy giường ở cuối phòng nhưng, một lần nữa, mối lo lắng mà buổi chiều bất trắc và bí mật này gây ra, lại xua tan cơn buồn ngủ.
Anh đi đi lại lại trong phòng, châm một điếu xì gà Havan khác vào đầu điếu thuốc anh vừa mới hút hết.
Mùa đấu này ở Madrit sẽ ra sao đối với anh? Các kẻ thù của anh sẽ nói gì? Các địch thủ trong nghề của anh sẽ làm ăn thế nào? Cho tới nay anh đã hạ sát nhiều bò của trại Miura và nói tóm lại chúng cũng chẳng khác gì những con bò mộng khác. Tuy nhiên, anh không thể không nghĩ tới những người bạn đã gục ngã trên đấu trường, hầu hết đều là nạn nhân của những con bò trại đó. Giống bò Miura yêu quái thật ! Không phải vô cớ mà trong hợp đồng, anh cũng như các matađo khác đều đòi thêm một nghìn pêxêta(16)
mỗi lần đấu với loại bò ấy.
Anh tiếp tục đi đi lại lại trong phòng, lòng bứt rứt. Đôi lúc anh dừng bước thẫn thờ nhìn một vật nào đó nằm ở mớ hành lý, rồi đột nhiên, anh cảm thấy tinh thần suy sụp, anh buông mình xuống một chiếc ghế bành. Anh nhìn đồng hồ nhiều lần: vẫn chưa đến hai giờ. Chẳng lẽ thời gian ngừng trôi rồi sao?
Anh mong chóng tới giây phút mặc quần áo và ra đấu trường, coi đó như một phương thuốc cho thần kinh anh: vì đám đông, tiếng ầm ĩ, sự tò mò của công chúng ý muốn tỏ ra mình thanh thản và nhanh nhẹn, và nhất là sự tiếp cận với nguy hiểm hữu hình và thực sự lập tức sẽ xua tan nỗi lo lắng gần như sợ hãi xuất hiện khi anh đứng một mình thiếu những nhân tố kích thích động viên từ bên ngoài.
Để giải khuây, anh rút từ túi trong áo vét tông ra một chiếc phong bì nhỏ, nhẹ, tỏa một mùi thơm dịu. Đứng bên một cửa sổ, qua đó ánh sáng mờ nhạt từ ngoài sân lọt vào, anh ngắm nghía chiếc phong bì mà người ta trao cho anh khi anh mới tới khách sạn, và anh thán phục vẻ thanh lịch của những dòng chữ nhỏ nhắn xinh xẻo đề địa chỉ. Rồi anh mở lá thư. Từ đó anh hít một cách khoái chí cái mùi hương say đắm ấy. Trời! Những người phụ nữ đại quý tộc đã đi nhiều nơi này! Vẻ cao quí không thể bắt chước được của họ thể hiện trong nhiều chi tiết nhỏ nhặt nhất!
Bản thân Gađacđô cũng xức nước hoa quá nhiều, dường như thân thể của anh vẫn còn giữ mùi cay đắng của thời niên thiếu nghèo khổ. Các kẻ thù của anh thường chế giễu anh chàng thanh niên lực sĩ thơm phức như một cô gái giang hồ này. Còn các bạn của anh thì mỉm cười trước nhược điểm ấy, nhưng đôi khi họ cũng phải quay mặt đi vì mùi thơm xông lên mạnh quá làm họ phát ớn. Anh đi đâu cũng như đem theo cả một tiệm nước hoa. Khi anh ra bãi đấu người anh cũng thơm nức mùi nước hoa phụ nữ giữa những con bò chết, những mớ ruột gan vung vãi, những đống phân dính máu. Mấy cô gái ăn chơi có cảm tình với anh, quen anh trong một chuyến anh sang miền Nam nước Pháp, đã truyền cho anh bí quyết pha chế vài thứ nước hoa đặc biệt. Nhưng vẫn không có gì so sánh nổi với thứ hương thơm của lá thư vừa ngát vừa dịu, vừa huyền ảo vừa rất đượm, cùng loại với thứ nước hoa thường dùng của người phụ nữ viết thư cho anh, một thứ nước hoa kỳ lạ, tuyệt diệu và không thể tả được hình như toát ra từ da thịt của người quí phái và anh gọi là "mùi thơm của các phu nhân".
Anh đọc đi đọc lại lá thư, miệng mở một nụ cười khoái lạc và kiêu hãnh. Thật ra lá thư có nhiều nhặn gì: dăm dòng chữ, một lời chào gửi từ Xêvilơ mấy câu chúc tụng nhân mùa đấu ở Madrit mong anh sẽ đạt nhiều thành tích rực rỡ. Một lá thư như thế người ta có thể để thất lạc mà không phiền lụy gì cho người phụ nữ đã viết: Mở đầu là "Thưa ông Gađacđô thân mến" và cuối cùng là "Bạn ông: Xôn". Từ đầu đến cuối viết bằng một thứ chữ xinh xắn hình như mơn trớn con mắt anh matađo, bằng một giọng tử tế nhưng không thân mật, một giọng lịch thiệp của người bề trên hạ cố nói với người bề dưới.
Trong khi đọc lại bức thư với thái độ kính cẩn của người thứ dân không thông thạo phép đọc, Gađacđô không thể không cảm thấy khó chịu như mình bị khinh thường.
- Cô ả này! - anh lẩm bẩm - thật là một người phụ nữ ghê gớm! Chẳng chút ngượng nghịu! Dám gọi mình là "ông"!...
Nhưng rồi nhớ lại những kỷ niệm êm ái anh mỉm cười khoái chí. Giọng thư lạnh lùng chỉ vì đây là thư từ: một thói quen của các bà lớn, một sự thận trọng của các bà đại sứ đã đi khắp thế giới. Tóm lại, anh matađo không thấy khó chịu nữa mà chỉ thấy cảm phục.
- Cô ả này mới khôn ngoan làm sao! Láu cá thật!...
Nụ cười này của anh biểu hiện một sự thỏa mãn và hãnh diện có tính chất nghề nghiệp, sự hãnh diện của một người dạy thú dữ ca ngợi chính mình khi ca ngợi sức mạnh của con vật mà mình chinh phục được.
Trong khi Gađacđô ngắm bức thư, người hầu của anh, Garabatô đi đi lại lại, mang tới nhiều quần áo, bao hộp và đặt tất cả lên giường.
Garabatô là một người có những cử động lặng lẽ, đôi tay khéo léo. Chú hình như không nhận thấy sự có mặt của anh matađo. Từ nhiều năm nay chú đi theo Gađacđô trong các cuộc hành trình với tư cách người đầy tớ mang kiếm(17). Xưa kia chú đã từng bắt đầu đấu bò trong những cuộc capêa(18) với Gađacđô trên những bãi đấu vùng Xêvilơ, nhưng trong các cuộc đấu đó, mọi rủi ro đều rơi vào đầu chú, còn mỗi thắng lợi và lời ca ngợi thì về phần bạn chú hưởng cả. Chú có khổ người thấp bé, nước da xanh tái, gân cốt không chắc. Một vết sẹo ngoằn ngoèo, không kín miệng đã tạo thành một vệt trăng trắng trên khuôn mặt dăn deo và gầy guộc của chú. Cái sẹo ấy là do chú bị bò húc gần chết trên bãi đấu của một tỉnh nhỏ. Ngoài vết thương khủng khiếp đó, chú còn bị nhiều vết khác làm biến dạng nhiều bộ phận kín của thân thể chú. Điều đau đớn nhất cho chú trong thời kỳ ấy là mọi người cười những rủi ro của chú và lấy làm thích thú mỗi khi thấy chú bị bò xéo lên và xé rách người.
Nhưng thật kỳ lạ, bao giờ chú cũng qua khỏi sau những nạn đó. Cuối cùng vì chú cứ vụng về mãi nên chú đành chịu thua số phận không ra gì. Và đành làm đầy tớ bạn cũ, một người đầy tớ thân tín mà chủ đi đâu cũng đi theo. Chú là người hâm mộ nhiệt thành Gađacđô nhất mặc dầu chú đã phần nào lạm dụng tình thân để trách móc và chê bai chủ. Chú nói: "Chú mà ở vào địa vị của chủ trong trường hợp này hoặc trường hợp nọ, nhất định chú sẽ làm được hơn".
Các bạn hữu của Gađacđô dựa vào những tham vọng không thành của chú mà chế giễu chú, nhưng chú vẫn dửng dưng trước những lời nhạo báng ấy. Từ bỏ môn đấu bò ư? Không đời nào! Để khỏi thủ tiêu hoàn toàn kỷ niệm về quá khứ của mình, chú để mái tóc mai rễ tre bóng nhẫy của chú vòng xuống ở bên tai, và chú vẫn bảo tồn sau đỉnh đầu cái nạm tóc chí tôn, cái côlêta(19) của thời trẻ, cái phù hiệu cao quý phân biệt chú với những kẻ phàm tục khác.
Khi nào anh matađo nóng tính giận chú điều gì, anh đều nhằm vào cái nạm tóc trang điểm ấy để bộc lộ ra mặt cơn thịnh nộ.
- Thằng trơ trẽn này, mày dám để côlêta à? Tao thì cắt ngay nó đi, thằng đấu bò mạt hạng kia!
Garabatô nhẫn nhục nghe những lời xỉ vả ấy, chú trả thù bằng thái độ im lặng của người bậc trên, chú chỉ nhún vai khi Gađacđô từ bãi đấu trở về sau một trận đấu tốt đẹp vui vẻ hỏi chú một cách huênh hoang trẻ con:
- Thế nào mày thấy hôm nay tao đấu thế nào? Tốt, có phải không?
Tình bạn thời trẻ còn để lại cho Garabatô đặc quyền xưng hô "cậu cậu tớ tớ" với chủ. Chú không thể nào xưng hô khác đi với Gađacđô, nhưng tiếng "cậu" của chú bao giờ cũng kèm theo một cử chỉ nghiêm trang, một biểu hiện kính cẩn ngây thơ. Thái độ của chú giống thái độ của những kỵ sĩ tùy tùng thời xưa đối với người hiệp sĩ giang hồ chủ của họ.
Là người đấu bò từ đỉnh đầu đến gáy, nhưng ở những bộ phận khác của con người thì chú lại có vẻ vừa là một anh thợ may vừa là một người hầu. Chú mặc một bộ complê bằng dạ Anh của chủ cho, chú cài không biết bao nhiêu là đinh ghim trên ve áo và nhiều chiếc kim luồn sẵn chỉ trên ống tay. Đôi bàn tay khô khốc và rám nâu của chú chạm vào đâu, sửa cái gì cũng khéo kéo như tay phụ nữ.
Sau khi đặt lên giường mọi đồ trang phục của Gađacđô, chú kiểm tra lại các thứ linh tinh ấy, xem có thiếu gì không. Rồi chú đứng ở giữa phòng nói mà không nhìn chủ như một người nói một mình, với giọng khàn khàn và cấm cẩu:
- Hai giờ!
Gađacđô đột nhiên ngẩng đầu, dường như trước lúc đó anh không nhìn thấy người hầu của mình. Anh cất lá thư vào trong túi, chậm chạp bước về phía cuối phòng có lẽ vì muốn kéo lui cái giờ phút mặc quần áo.
- Xong cả rồi chứ? Anh hỏi.
Nhưng anh bỗng giật mình, bộ mặt tái nhợt của anh đỏ lên, cặp mắt anh mở to quá đỗi. Trông anh có vẻ một người choáng váng vì phát hiện ra một cái gì kinh khủng.
- Mày chuẩn bị cho tao bộ quần áo nào?
Garabatô chỉ lên giường. Nhưng chú chưa nói được lời nào thì chủ của chú đã nổi cơn thịnh nộ:
- Trời ơi là trời! Mày không biết tý gì về công việc của mày à? Phải chăng mày mới ra tỉnh? Một cuộc đấu ở Madrit với những con bò Miura, thế mà mày lấy cho tao một bộ quần áo màu đỏ? Cái màu quần áo của cậu "Manuen Bán chiếu"(20) chết dạo trước à? Đồ ba que, mày còn tệ hơn kẻ thù của tao kia đấy! Mày muốn tao chết ư?
Gađacđô càng ngẫm nghĩ thấy sự vô ý ấy nghiêm trọng bao nhiêu thì càng tức giận bấy nhiêu, vì đó thật là một sự thách thức số mệnh. Ai lại đi đấu bò ở Madrit với một bộ quần áo màu đỏ, sau chuyện xẩy ra dạo trước! Mắt anh căm tức long lên sòng sọc y như có người định hại ngầm anh, con ngươi của anh nẩy lửa y như anh sắp nhảy bổ lên người Garabatô để nện cho chú một trận bằng đôi tay matađo hộ pháp.
Một tiếng gõ nhẹ vào cánh cửa chấm dứt cảnh tượng này.
- Cứ vào!
Người bước vào là một người trẻ tuổi bận quần áo màu nhạt, thắt ca-vát đỏ, cầm một cái mũ dạ xứ Coócđu, ngón tay lấp lánh mấy cái nhẫn kim cương to tướng. Gađacđô nhận ra người này ngay, nhờ tài nhớ mặt mau lẹ của những ai buộc phải luôn luôn quan hệ với quần chúng. Thế là đột nhiên anh chuyển từ thái độ giận dữ sang thái độ thân ái tươi tỉnh, y như việc đến thăm này là một sự bất ngờ rất thú vị đối với anh. Đây là một người bạn ở Binbao, hâm mộ môn đấu bò và nhiệt tình ủng hộ anh. Đó là tất cả những cái mà anh matađo nhớ được về người bạn đó. Còn tên người ấy là gì thì anh không nhớ. Có điều chắc chắn đối với anh là anh phải xưng hô cậu cậu tớ tớ với người ấy vì hai bên là bạn cũ của nhau.
- Cậu ngồi xuống đây. Thật không ngờ! Cậu tới Madrit từ bao giờ? Tình hình ở nhà cậu tốt cả chứ?
Người hâm mộ Gađacđô ngồi xuống với sự khoái chí của một tín đồ được vào tới thánh cung của vị thần mình sùng bái và quyết tâm ở lì đấy đến phút cuối cùng. Hắn sung sướng được xưng hô cậu cậu tớ tớ với "bậc anh tài" mà hắn luôn luôn gọi bằng tên tục như để cho bàn ghế, tường vách và những người qua lại trong hành lang hiểu rõ là hắn quen thân bậc vĩ nhân ấy. Hắn từ Binbao tới sáng nay và hắn lại trở về đó ngay ngày mai. Hắn đi chuyến này cốt chỉ để gặp "Huan". Hắn xem báo nói về những thắng lợi kỳ diệu của "bậc anh tài" ấy. Mùa đấu này bắt đầu tốt đẹp. Cuộc đấu hôm nay sẽ hay. Sáng nay hắn đã xem phân chia bò vào các lô, hắn chú ý đến một con có bộ lông màu nâu xẫm, chắc chắn nó sẽ trả miếng ra trò trong tay Gađacđô.
Anh matađo hấp tấp cắt ngang lời tiên đoán của người hâm mộ đó:
- Xin lỗi cậu. Tớ ra ngoài một phút.
Nói đoạn anh ra khỏi phòng, đi về phía một cái cửa nhỏ không mang số ở cuối hành lang. Nhưng Garabatô ngăn anh lại và hỏi anh, giọng càng khàn đi vì chú muốn tỏ ra biết vâng lời chủ:
- Tớ phải chuẩn bị cho cậu bộ nào?
- Bộ xanh lá cây, bộ xanh lơ hoặc bộ nâu... Tùy mày.
Rồi anh biến mất sau cánh cửa nhỏ. Anh vừa đi khuất thì Garabatô mỉm cười hóm hỉnh ra vẻ đã báo được thù. Chú thừa hiểu vì sao Gađacđô vội bỏ chạy vào lúc mặc quần áo: đó là do anh "sợ vãi đái" như những người trong nghề thường nói. Nụ cười của chú biểu hiện nỗi vui thích của một người hầu nhận thấy thêm một lần nữa rằng những bậc vĩ nhân trong nghề, dũng cảm có thừa, bản thân họ vẫn có những mối lo sợ do sự cảm động gây ra, giống hệt chú trong thời kỳ chú còn đấu ở mấy bãi tỉnh nhỏ.
Một lát sau, khi Gađacđô trở về phòng, anh thấy một người khách nữa. Đó là bác sĩ Ruix, người thầy thuốc vẫn ký các biên bản y tế và chữa các đấu sĩ bị thương ở đấu trường Madrit từ ba mươi năm nay. Gađacđô kính phục ông, coi ông như người đại diện xứng đáng nhất của nền khoa học tổng hợp, song anh hay nói đùa một cách thân ái về tình hình quá tốt và cách ăn mặc quá cẩu thả của ông. Sự kính phục của anh là sự kính phục của lớp thường dân cho rằng những nhà thông thái nhất định phải ăn mặc lôi thôi và tính khí kỳ cục khác hẳn mọi người.
Bác sĩ Ruix, người béo lùn, bụng phệ, mặt to, mũi tẹt, chòm râu quai nón ngà ngà khiến ông hao hao giống Xôcrat(21). Khi ông đứng, cái bụng phệ cứ theo từng lời nói của ông mà nẩy lên trong chiếc áo gi-lê rộng thùng thình, và khi ông ngồi, cũng cái vùng đó của cơ thể ông, lại dâng lên tận ngực. Quần áo của ông bẩn thỉu và nhàu nát vì mặc nhiều ngày, lụng thụng như quần áo của người khác đối với thân hình không cân đối của ông, béo phị ở những bộ phận dành cho tiêu hóa và khẳng khiu ở những bộ phận dành cho cử động.
- Ông ấy thật là ngốc! - Gađacđô nói - Thông thái - đúng thế - hiền như bụt, nhưng gàn ơi là gàn! Không bao giờ ông ấy có được một đồng Pêxêta. Có cái gì là sẵn sàng cho ngay, và ai muốn trả bao nhiêu cũng nhận...
Ngoài việc mê đấu bò, bác sĩ Ruix còn mê cách mạng, một thứ cách mạng mơ hồ, dữ dội, sớm muộn sẽ phải nổ ra và sẽ không để cho bất kỳ một thể chế hiện hành nào ở Châu Âu đứng nổi. Đó là giấc mơ về một nền cộng hòa vô chính phủ mà ông chẳng chịu giải thích, chỉ biết rõ ràng rằng nó gồm những sự phủ định có tính chất hủy diệt.
Những người đấu bò coi ông Ruix như bố. Còn ông thì ăn nói thân mật với tất cả bọn họ; và chỉ cần nhận được một bức điện đánh từ bất cứ nơi nào trên bán đảo là lập tức ông bác sĩ nhân hậu ấy lên ngay xe lửa đi chữa cho một "cậu" bị bò húc, với số tiền thù lao bao nhiêu cũng xong.
Gặp lại Gađacđô sau một thời gian xa cách dài, ông ôm hôn anh, áp cái bụng sệ của ông vào mình đồng da sắt của anh. Hoan hô những chàng trai dũng cảm! Ông thấy khí sắc anh matađo tươi đẹp hơn bất cứ hồi nào.
- Thế nào, câu chuyện nước Cộng hòa đến đâu rồi bác sĩ? Gađacđô hỏi với vẻ mặt thản nhiên của người Ăngđalu. Bao giờ thì tuyên bố thành lập đấy? Người Quốc dân(22) có cho biết rằng nó sắp ra đời rồi chỉ một sớm một chiều thôi!
- Con người thích bông phèng, cậu thì cần gì việc đó chứ! Thôi cậu hãy để cho Người Quốc dân tội nghiệp được yên thân. Đối với hắn, tốt hơn hết là cắm những cặp banđêri cho khéo hơn nữa. Còn cậu, Gađacđô ạ, điều duy nhất mà cậu nên quan tâm là tiếp tục hạ sát bò mộng như Đức Chúa Trời... Này, hình như cuộc đấu chiều nay sẽ hay lắm. Tớ nghe nói rằng những con bò...
Đến đây, người khách trẻ tuổi ở Binbao, người đã được xem chia bò vào các lô và rất muốn cung cấp tin tức, ngắt lời ông bác sĩ để nói về một con bò lông màu nâu sẫm "đã lọt vào mắt anh" và chắc sẽ đấu rất hay. Bác sĩ Ruix và người trẻ tuổi ở Binbao, sau cái bắt tay, đã cùng ngồi đối diện nhau rất lâu ở trong phòng mà chưa hề nói với nhau một lời nào. Gađacđô thấy lúc này cần phải giới thiệu hai bên. Khốn nỗi anh không nhớ tên cái anh bạn mà anh xưng hô cậu cậu tớ tớ ấy. Anh gãi tai, nhíu lông mày, nghĩ một lúc. Nhưng anh trù trừ không lâu. Anh nói:
- Này cậu, tên cậu là gì nhỉ? Cậu tha lỗi cho tớ nhé! Cậu hiểu cho với biết bao nhiêu con người...
Người trẻ tuổi mỉm cười giấu nỗi chán ngán thấy mình bị "tôn sư" quên tên. Hắn xưng danh. Vừa nghe tên hắn, Gađacđô cảm thấy quá khứ đột nhiên tái hiện trong trí nhớ, và anh chữa lỗi lãng quên bằng cách thêm vào tên anh ta: "một ông chủ mỏ giàu có ở Binbao". Rồi anh giới thiệu "bác sĩ lừng danh Ruix". Lập tức hai nhà hâm mộ đấu bò, như thể đã quen nhau từ lâu lắm, xích lại gần nhau do một mối nhiệt tình chung, bắt đầu trao đổi ý kiến về những con vật sẽ đấu chiều nay.
- Mời hai vị ngồi xuống kia, Gađacđô vừa nói vừa chỉ cái ghế xôfa đặt ở cuối gian phòng. Ngồi đó, hai vị không còn lo quấy rầy ai. Hai vị cứ nói chuyện với nhau đi, đừng bận tâm đến tôi. Tôi phải mặc quần áo. Đàn ông đàn ang với nhau cả mà...
Gađacđô cởi áo vét-tông và áo gi-lê, chỉ còn mặc nguyên chiếc sơ mi. Ngồi trên một cái ghế, ở giữa cái cửa vòm nhỏ ngăn phòng khách nhỏ với phòng trong, anh phó thác thân thể anh cho đôi bàn tay của Garabatô; lúc ấy chú này đã mở một cái bao bằng da nước Nga và rút ra một bộ đồ hầu như của phụ nữ để trang điểm cho Gađacđô.
Mặc dầu Gađacđô đã cạo râu kỹ lưỡng, Garabatô vẫn xát xà phòng một lần nữa và cạo mặt cho anh, nhanh nhẹn như một người ngày nào cũng làm công việc đó. Gađacđô, sau khi rửa mặt, lại ngồi lên ghế. Người hầu của anh bèn tẩm đẫm sáp thơm và nước hoa lên mái tóc anh, xếp nó thành từng vòng trên trán và thái dương rồi bắt đầu sửa sang cái biểu trưng nghề nghiệp tức là cái côlêta vô cùng tôn quý.
Garabatô kính cẩn chải và tết nạm tóc dài mọc trên đỉnh đầu chủ. Chú bỗng ngừng tay, vắt ngọn nạm tóc lên, gài nó vào đỉnh đầu bằng hai cái cặp tóc rồi ngừng công việc đó để chốc nữa sẽ làm nốt. Bây giờ chú còn phải sửa soạn cho đôi chân của chủ. Chú cởi quần dài và bít tất của Gađacđô ra, chỉ còn để lại trên người anh cái áo may ô và cái quần đùi bằng lụa thêu. Những bắp thịt cường tráng của Gađacđô nổi lên ở dưới lớp vải thành những múi khỏe mạnh. Đùi anh có một chỗ lõm sâu: một cái sẹo do bò húc. Mấy vệt trăng trắng che giấu những thương tích cũ để lại trên nước da nâu đôi cánh tay anh. Bộ ngực anh màu hung hung và không có lông hằn lên hai vạch không đều và tím bầm chạy ngang cũng nhắc lại những giai đoạn đẫm máu khác. Ở mắt cá chân anh, da lõm xuống như mang dấu một đồng tiền, màu đo đỏ. Cái cơ thể chiến đấu này tiết ra một mùi da thịt lành mạnh và hùng dũng pha lẫn mùi hương thơm nức của phụ nữ.
Garabatô, một tay ôm đầy bông băng trắng toát, quỳ xuống dưới chân chủ:
- Y như một đấu sĩ thời cổ đại! Bác sĩ Ruix kêu lên, ngừng nói chuyện với người chủ mỏ ở Binbao. Trông kìa, cậu đã trở thành người La Mã rồi đấy, Huan ạ!
- Tại tuổi tác đấy, bác sĩ ạ! Anh matađo đáp với vẻ buồn buồn. Chúng ta già đi. Xưa kia, khi tôi còn phải đấu cả với bò mộng lẫn ma đói, tôi đâu có cần tất cả những thứ này. Cặp chân tôi mạnh chắc và dẻo dai trong những lúc làm động tác với áo choàng ấy chứ!
Garabatô nhét từng nắm bông nhỏ vào giữa những ngón chân của chủ, phủ bông lên lòng bàn chân và cổ chân thành những mảng của cái vỏ bọc mềm mại này, và quấn băng thành những vòng trôn ốc siết chặt giống những cái vòng quấn các xác ướp cổ Ai Cập. Sau đó anh lấy kim đã luồn sẵn chỉ gài ở tay áo anh, khâu kỹ càng những đầu dải băng lại.
Gađacđô nện xuống đất hai bàn chân trông có vẻ chắc chắn hơn vì được bọc kỹ. Anh cảm thấy khi chúng được nén chặt như thế, chúng thành mạnh mẽ và nhanh nhẹn. Rồi Garabatô luồn chúng vào đôi bít tất dài đến tận nửa đùi. Đó là những đôi bít tất dày dặn và mềm mại, giống như đôi ủng, cái bảo vệ duy nhất của chân anh dưới lớp quần áo chiến đấu bằng lụa.
- Đừng để có nếp nhăn nhé, anh nói. Mày biết đấy, tao không thích bít tất nhăn nhúm đâu.
Anh ra đứng trước gương, ngắm mình hết đằng trước đến đằng sau, cúi người vuốt tay lên đùi để kéo phẳng các nếp nhăn. Bên ngoài đôi bít tất trắng, Garabatô còn lồng cho chủ một đôi bít tất lụa hồng che lấp hoàn toàn đôi trước. Rồi Gađacđô xỏ chân vào một đôi giày mỏng mà anh đã chọn trong nhiều đôi xếp trong một cái hòm tất cả đều có đế trắng và chưa dùng bao giờ.
Bây giờ mới bắt đầu cái giai đoạn khó khăn nhất của việc mặc quần áo. Garabatô cầm phía trên một cái quần cộc chẽn bằng lụa màu hung thêu kim tuyến chằng chịt ở những đường khâu, mở phanh nó ra rồi giơ cho chủ xỏ chân vào. Những cái dải rút(23) buộc ống quần cụt có quả kim tuyến ở đầu, buông lủng lẳng trên đôi bàn chân anh. Gađacđô bảo người hầu néo thật chặt các dải lại, đồng thời anh lên gân đùi. Công việc đó rất quan trọng vì người matađo cần phải thắt thật chặt. Sau khi chỗ thắt dải rút bị che khuất ở mép dưới quần, Garabatô tết nó thành những dây tua tủa nhỏ lủng lẳng rất mỹ thuật.
Tiếp đó, Garabatô đưa cho chủ một cái áo sơ mi bằng vải mỏng mịn và trong suốt như sơ mi phụ nữ, ở cổ áo có dải ren chếp nếp thành những hình ống. Chú cài khuy áo, thắt ca-vát thành một vệt dài đỏ rực chạy từ trên xuống dưới yếm áo và lẩn vào trong quần cụt.
Còn lại một phần quần áo cần mặc hết sức cẩn thận. Đó là cái thắt lưng dài ít nhất bốn mét hầu như làm ngập cả gian phòng. Garabatô sử dụng nó khéo léo lạ thường nhờ quen tay.
Anh matađo tới đứng ở một đầu gian phòng gần các bạn anh rồi anh nhét một đầu thắt lưng vào phía trên quần.
- Cẩn thận đấy! Mày phải khéo léo một chút đấy! Anh bảo người hầu.
Rồi anh từ từ xoay tròn người trên gót chân, tiến dần về phía Garabatô trong khi chú này cầm đầu kia của thắt lưng khiến nó quấn quanh thân người anh matađo thành những vòng tròn đều đặn. Bằng những động tác lanh lẹ của bàn tay, chú luôn luôn thay đổi vị trí của dải lụa làm cho nó khi thì gập đôi khi thì căng nguyên khổ, nhưng lúc nào cũng ăn sát vào người không có một vết nhăn vết phồng, nhẵn lì như chỉ có một lớp vải. Trong khi vừa đi vừa xoay tròn người như thế, Gađacđô vốn kỹ tính về vấn đề ăn mặc thỉnh thoảng lại dừng chân, lùi lại hai ba bước để chỉnh lại cái thắt lưng.
- Không phải thế này, anh gắt. Con khỉ! Phải cẩn thận chứ, Garabatô.
Sau nhiều lần dừng lại như vậy, cuối cùng Gađacđô hoàn thành cuộc hành trình là toàn bộ cái thắt lưng đã được quấn gọn vào người anh.
Trước khi đó, người hầu khéo tay của anh đã may nhiều đường chỉ, đính nhiều cây ghim ở khắp nơi, khiến cho tất cả các phần của bộ chiến phục liền lại với nhau thành một thể duy nhất. Muốn cởi bộ chiến phục đó, Gađacđô phải dùng kéo và nhờ tay người khác. Anh không có cách nào trút bỏ bất cứ thứ gì của bộ chiến phục ấy cho tới khi anh về tới khách sạn, trừ trường hợp một con bò lột bỏ nó ra hộ anh ở ngay tại bãi đấu khiến cuối cùng người ta phải cởi nó cho anh tại trạm xá.
Gađacđô lại ngồi xuống ghế và lần thứ hai Garabatô lại lúi húi sửa sang cái côlêta cho anh. Chú tháo các cặp tóc rồi ghép vào côlêta một cái mônha(24), búi tóc giả làm bằng những dải băng đen hao hao giống bao tóc của những người matađo trong thời kỳ đầu của lịch sử đấu bò mộng.
Gađacđô hình như chưa muốn giam mình hoàn toàn trong bộ chiến phục nên anh vươn vai, bảo Garabatô đi lấy cho anh điếu xì gà trên bàn ngủ, hỏi giờ và có vẻ nghi ngờ rằng đồng hồ nào chạy cũng nhanh cả.
- Còn sớm quá! Anh nói. Vả lại các cậu trong đội đã tới đâu... Mình không thích đến bãi sớm quá. Phải chờ đợi thì khó chịu vô cùng.
Nhưng một người hầu của khách sạn vào bảo rằng xe ngựa chở các đội viên của Gađacđô đã tới chờ ở trước nhà. Giờ đi đã tới. Không thể viện lý do gì để trì hoãn lúc lên đường được nữa. Gađacđô mặc ra ngoài thắt lưng một cái áo gilê có ngù kim tuyến. Ngoài áo gilê, anh mặc một cái áo vét-tông lộng lẫy với những đường thêu nổi và to, nặng như một cái áo giáp và đỏ rực như một lò than hồng. Màu lụa hung hung chỉ thoáng trông thấy ở phía trong ống tay và ở hai hình tam giác trên vai, còn ở tất cả những chỗ khác nó bị lấp dưới một lớp nẹp cài áo và hình cành lá thêu kim tuyến dày cộp cùng những đóa hoa có cánh làm bằng những hòn ngọc đủ màu sắc. Các cầu vai được trang điểm bằng những hình thêu chỉ vàng to sụ. Các mép của nó cũng thêu kim tuyến và treo hàng chùm búp tơ vàng nhỏ rung rinh theo bước chân đi. Ở các cửa túi thò ra đầu hai cái khăn quàng lụa cũng đỏ rực như ca-vát và thắt lưng của anh.
- Đưa mũ chiến đây!
Garabatô thận trọng lấy trong một cái hộp hình bầu dục ra một cái mũ ống màu đen và xoăn có hai tai phòng lên ở hai bên để trang trí. Gađacđô đội mũ, cẩn thận để búi tóc giả lòi ra và treo đúng giữa hai vai.
- Đưa áo choàng(25) đây!
Garabatô lấy trên lưng ghế cái áo choàng diễu hành rất sang, cái áo choàng quý giá bằng lụa ngày hội cùng màu với toàn bộ quần áo và cũng thêu kim tuyến rất công phu. Gađacđô khoác nó lên vai rồi soi gương, thỏa mãn về việc chuẩn bị. Quả thật trông anh rất oai. Thôi bây giờ thì ra bãi!
Hai người bạn vội vã cáo từ để đi kiếm xe theo anh ra đấu trường. Garabatô cắp một bọc vải đỏ to để thò ra ngoài những cái chuôi và đầu bao của mấy thanh kiếm.
Xuống tới phòng ngoài của khách sạn, Gađacđô thấy chật cứng ở cửa ra vào một đám đông ồn ào tựa hồ có một sự kiện quan trọng nào vừa mới xẩy ra. Anh còn nghe thấy tiếng lao xao của một đám đông khác mà anh không trông thấy vì nó tập trung ngoài phố, ở bên phải và bên trái cổng xe. Ông chủ khách sạn cùng gia đình ông chạy vội tới, tất cả đều giang rộng cánh tay như để từ biệt Gađacđô lên đường đi xa.
- May mắn nhé ! Đại thắng nhé!
Bọn hầu trai, phấn khởi đến quên cả sự cách biệt, cũng bắt tay anh:
- Ngài Huan, may mắn nhé!
Anh quay mặt ra bốn phía, mỉm cười không chú ý đến vẻ mặt đầy lo lắng của các nữ nhân viên khách sạn.
- Cảm ơn lắm, cảm ơn lắm! Lát nữa sẽ gặp lại! Anh trở thành một người khác hẳn. Từ khi anh vắt lên vai cái áo choàng lộng lẫy, một nụ cười bình tĩnh làm nét mặt anh sáng hẳn ra. Da mặt anh tai tái nhơm nhớp như da mặt người ốm, nhưng anh cười khoái trá vì được sống và được đến với công chúng. Anh thay đổi vẻ mặt một cách dễ dàng do bản năng, như những người cần lấy dáng khi đứng trước công chúng. Anh ưỡn ngực một cách ngạo nghễ, miệng nhả điếu xì-gà cầm trong tay trái, vừa đi vừa lắc lư cái áo choàng sang trọng, bước vững chãi với vẻ tin tưởng của một người đẹp trai biết rằng thiên hạ đang trầm trồ khen mình.
- Xin lỗi các vị, cho tôi đi nào!... Cảm ơn lắm, cảm ơn lắm!
Anh cố giữ cho quần áo khỏi bị bẩn trong khi lên giữa đám đông ăn mặc rách rưới nhưng phấn khởi đang chen nhau ở trước cửa. Họ không có tiền đi xem nhưng họ tranh thủ dịp này để bắt tay người matađo lừng lẫy hoặc ít nhất cũng sờ được vào vạt áo anh.
Bên vỉa hè, một chiếc xe đang chờ anh, có bốn con la cương thắng lịch sự, đeo đầy những quả ngù và lục lạc. Garabatô đã tót lên bên người đánh xe từ bao giờ, với cái gói đựng mulêta(26) và kiếm. Ngồi trong xe là ba đấu sĩ đặt áo choàng trên đầu gối, mặc những bộ quần áo cũng rực rỡ và thêu chằng chịt như quần áo của người đội trưởng, chỉ khác là quần áo của họ thêu bằng chỉ bạc.
Gađacđô bị xô đẩy giữa đám người hâm mộ, buộc phải dùng khuỷu tay để chống đỡ những bàn tay khao khát quá. Cuối cùng anh tới được bên bậc lên xuống và đám đông nhiệt tình giúp anh leo lên xe bằng những cái xô đẩy dữ dội vào lưng anh.
- Chào các cậu! Anh nói vắn tắt với các đội viên của mình.
Rồi để tất cả mọi người có thể dễ dàng trông thấy anh, anh ngồi xuống cái ghế sau gần bậc lên xuống, mỉm cười và gật đầu đáp lại những tiếng kêu gọi của vài phụ nữ ăn mặc rách rưới và tiếng hoan hô do bọn trẻ bán báo khởi đầu.
...............
(1) Expađa hoặc matađo: Hội trưởng một đội đấu bò mộng, người có quyền hạ sát bò mộng trong cuộc đấu.
(2) Thuốc vàng: thuốc sát trùng màu vàng, rất khó ngửi.
(3) Tôrêrô: Phiên âm từ Tây Ban Nha chỉ những người làm nghề đấu bò mộng.
(4) Bán đảo: chỉ nước Tây Ban Nha.
(5) Lagartihô và Fraxcuêlô: tên hai nhà matađo nổi tiếng ở Tây Ban Nha.
(6) Cacmen: vợ của Huan Gađacđô.
(7) Aogutiax: mẹ của Huan Gađacđô.
(8) Rinhcônađa: tên cái trại lớn của Gađacđô. Trong truyện này sẽ nhắc tới trại đó nhiều lần.
(9) Mỗi người matađo đắt hàng đều có một người uỷ quyền để trông nom quyền lợi."
(10) Garabatô: tên người đày tớ của Gađacđô.
(11) Đuarô: Một đơn vị tiền tệ Tây Ban Nha.
(12) Pêpê: tên thân mật của Lêchughêrô.
(13) Nôviđiêrô: Phiên âm từ Tây Ban Nha, chỉ người đấu bò mộng tập sự chưa được phong chức matađo, chỉ được phép đấu với những con bò non 2-3 tuổi. Loại bò này gọi là nôviđiô, còn những trận đấu như thế gọi là Nôviđiađa.
(14) Đông: Từ Tây Ban Nha chỉ những người quý tộc hoặc những người giàu sang.
(15) Miura (Đara Êđuacđô Miura): một chủ trại bò mộng, chuyên nuôi những con nổi tiếng hung dữ.
(16) Một nghìn đồng pêxêta: 200 đồng đuarô. Một pêxêta bằng một frăng Pháp.
(17) Chỉ người hầu của matađo mang kiếm cho chủ; kiếm (êxtôkê) làm bằng thép, dài khoảng 85cm, có hai lưỡi và một chuôi ngắn khoảng 6cm, quấn vải đỏ. Khi đâm, người matađo ấn mạnh cái chuôi kiếm thọc sâu vào thân con bò mộng.
(18) Capêa: một loại đấu, trong đó người đấu chỉ múa áo choàng để rỡn bò, chứ không được dùng kiếm để giết nó.
(19) Côlêta: nạm tóc dài và tết của những người đấu bò để mọc ở phía sau đỉnh đầu.
(20) Manuen Bán chiếu: tên một matađo Tây Ban Nha danh tiếng, bị bò húc chết ở đấu trường Madrit.
(21) Xôcrát: nhà triết học danh tiếng thời cổ đại Hy Lạp (khoảng 470 - 399 trước Công nguyên). Ngày nay còn lưu truyền tượng bán thân của ông.
(22) Người Quốc dân: Tên gọi đùa của một người banđêri diêrô, thành viên trong đội đấu bò của Gađacđô. Người Banđêriđiêrô có nhiệm vụ cắm cặp xiên (banđêri) vào bướu cổ con bò trước khi người matađo dùng kiếm giết nó.
(23) Dải rút: Những dải rút này rất to dùng để thắt chặt quần cụt ở dưới đầu gối làm cho chân mạnh mẽ hơn.
(24) Mônha: Không phải chỉ dùng để trang điểm mà còn để làmgiảm đau nếu người matađo bị ngã.
(25) Áo choàng (capa) của người đấu bò may bằng lụa hoặc vải màu rực rỡ. Có hai loại áo choàng: loại áo diễu hành may bằng lụa, thêu rất công phu, chỉ mặc khi đi diễu trên bãi và loại áo chiến đấu may bằng vải bông, mặc khi đấu, dùng để khiêu khích, làm hoa mắt, lừa giỡn con bò cho nó khỏi húc vào người đấu sĩ.
(26) Mulêta: Mảnh vải đỏ hình vuông buộc vào một cái gậy dài khoảng 75cm, dùng để nhử và lừa con bò mộng.