Chương 8
Tác giả: VIXETE BLAXCO IBANHEX
Suốt ngày Thứ Bảy Thánh, bạn hữu đến thăm Gađacđô đông vô kể. Họ tươi cười nói:
- Thế là mọi người lại sắp được xem cậu đấu. Giới hâm mộ đấu bò chú ý đến cậu lắm. Thế sức khỏe cậu ra sao rồi?
- Cậu sắp đấu cừ không chê được ! Đông Hôxê ngắt lời, tin tưởng nhiệt liệt. Cậu lại sắp bỏ bò vào túi!...
Đến ngày đấu, cuộc khởi hành ra đấu trường của Gađacđô nặng nề hơn bao giờ hết. Cacmen cố bình tĩnh và còn định giúp chồng mặc quần áo đấu. Nhưng dù làm bộ vô tư lự và vui vẻ, chị vẫn đoán được rằng một mối lo âu âm thầm đang dày vò tâm trí chồng. Tuy bề ngoài làm ra vẻ bình thản, Gađacđô không tự tin như trước nữa : anh không chắc chân tay anh vẫn còn lanh lẹn, cứng rắn.
Khi Gađacđô bước xuống sân, đầu đội mũ đấu, vai khoác áo choàng, bà Aoguxtiax ôm chặt lấy cổ anh khóc nức nở. Bà không nói một lời nhưng những tiếng thở dài sườn sượt đủ chứng tỏ bà lo âu biết ngần nào. Đấu bò lần đầu tiên sau cơn tai họa ngay tại nơi đã bị thương ghê gớm chẳng phải là quá liều lĩnh hay sao? Lòng mê tín của người phụ nữ bình dân chống lại sự liều lĩnh dại dột như thế. Chao ôi! Biết bao giờ Gađacđô mới chịu giải nghệ? Anh chưa kiếm được khá tiền hay sao?
Nhưng Angtôniô can thiệp vào, với uy thế của người cố vấn trong gia đình:
- Thôi, mẹ ơi, có gì mà mẹ phải sầu não như vậy? Chẳng qua là một trận đấu như mọi trận khác mà thôi. Khóc lóc làm rối trí Huan lúc cậu ấy đi ra bãi phỏng có ích gì?
Cacmen tiễn chồng tới tận cửa. Chị muốn nêu gương can đảm cho chồng:
- May mắn nhé! Chị vừa cười vừa nói.
Nhưng chiếc xe chở anh đi, có một lũ oắt con chạy theo, vừa mới rẽ ở góc phố, chị liền trở về phòng mình, thắp nến trước bàn thờ Đức Mẹ Đồng Trinh Đáng Trông Cậy, quỳ xuống vừa cầu vừa khóc.
Tiếng hoan hô và tiếng vỗ tay rầm rĩ đón chào cuộc diễu hành của các đội đấu. Ai nấy hoan nghênh nhiệt liệt người matađo suýt chết và bây giờ lại hiên ngang kiên cường như cũ trở về đấu trường biểu diễn hiến nhân dân tài nghệ khéo léo và lòng dũng cảm của mình.
Khi Gađacđô sắp phải đấu với con bò thứ nhất, công chúng lại vỗ tay hoan hô như sấm. Ở các lô, những phụ nữ quàng khăn trắng giơ ống nhòm ngắm anh. Ngay cả các kẻ thù của anh cũng bị một luồng không khí thiện cảm không sao cưỡng lại được lôi cuốn. Tội nghiệp anh chàng! Anh đã đau khổ biết chừng nào! Toàn thể khán giả yêu mến anh. Chưa bao giờ công chúng lại ủng hộ anh hoàn toàn như thế này.
Đứng trước ông chủ tịch cuộc đấu, Gađacđô cất mũ để làm thủ tục brindix.
- Hoan hô! Hoan hô! Tiếng hoan nghênh lần theo bước chân anh đi về phía con bò, rồi ngừng bặt khi anh đã tới sát con vật. Mọi người im lặng chờ đợi.
Chiếc mulêta cầm tay, anh lấy tư thế đứng trước con vật, không phải như xưa kia anh xòe miếng vải đỏ ngay trước mõm nó mà bây giờ cách xa nó một quãng. Trên khán đài người ta tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng không ai nói gì.
Anh dậm chân mấy lần để khiêu khích con thú. Cuối cùng, nó tấn công một cách lờ phờ, chui qua dưới cái mulêta. Nhưng người matađo đã nhẩy tránh sang một bên với một vẻ hấp tấp lộ liễu. Thấy thế nhiều khán giả nhìn nhau: "Thế nghĩa là thế nào nhỉ?".
Gađacđô trông thấy Người Quốc dân đứng gần anh và xa thêm vài bước là một chú pêông khác của đội anh. Nhưng anh không thét bảo họ: "Mọi người tránh ra xa!" như trước nữa.
Trên khán đài có tiếng ồn ào cãi cọ dữ dội. Những khán giả thuộc phe Gađacđô thấy cần giải thích hộ thần tượng của mình:
- Anh ấy chưa khỏi hẳn các vết thương! Lẽ ra anh ấy chưa nên đấu. Cái chân khổ sở ấy, các ông không thấy à?...
Hai người pêông giúp Gađacđô múa mulêta. Con bò lồng lộn hoa mắt về những tấm áo đỏ, hễ nó tấn công là bị một áo choàng kéo nó ra xa người matađo.
Muốn sớm thoát khỏi tình trạng khó chịu đó, Gađacđô đứng nghiêng người, thanh kiếm giơ cao và nhẩy bổ vào con vật(1). Lưỡi kiếm chỉ cắm vào người con vật một phần ba chiều dài của nó(2) nên rung rinh như muốn bật ra. Đáng lẽ ấn mạnh lưỡi kiếm cho ngập tận chuôi, Gađacđô đã vội vã nhẩy ra ngoài tầm húc của con vật.
- Nhát kiếm đâm đúng chỗ quá! Những người vốn mê Gađacđô vỗ tay rầm rĩ và kêu lên như vậy, định lấy cái tiếng ầm ĩ thay cho số lượng người. Đúng là như vậy!
Những người am hiểu mỉm cười thương hại. Anh chàng này sắp mất ưu điểm duy nhất của anh ta là can đảm. Họ đã trông thấy rõ tình hình diễn ra như thế nào: lúc thanh kiếm chạm vào con bò, anh matađo đã bất giác co tay lại và quay đầu đi chỗ khác, anh đã sợ nên không dám nhìn thẳng vào sự nguy hiểm.
Thanh kiếm rơi xuống đất. Gađacđô lấy một thanh khác rồi trở lại bên con bò vẫn có mấy pêông đi kèm.
Nhát kiếm thứ hai cũng không may mắn gì hơn nhát kiếm thứ nhất: một nửa lưỡi kiếm nằm ngoài u vai con vật. Trên khán đài người xem bắt đầu chỉ trích:
Cậu ấy không ấn mạnh! Sừng bò làm cậu ấy mất vía!
Gađacđô dang rộng hai tay, ý nói rằng con bò đã bị một nhát đích đáng và sớm muộn nó sẽ gục. Nhưng rồi nó cứ ngoan cố đứng mãi, lắc lư cái đầu.
Người Quốc dân bèn quấy nó, bắt nó chạy, tìm mọi dịp đập mạnh áo choàng của bác lên cổ nó để thanh kiếm vào sâu thêm. Khán giả đoán biết ý định của bác, nên chửi rủa bác thậm tệ. Về phía khán đài bị nắng soi, công chúng hoa gậy, ném cam và vỏ chai vào bãi đấu. Nhưng bác Xêbatchiêng tốt bụng cứ giả câm giả điếc chịu đựng những lời thóa mạ và những vật ném đó, tiếp tục đuổi theo con bò, trong lòng sung sướng thấy mình làm tròn bổn phận và cứu bạn.
Ít lâu sau, con bò nôn ra một đống máu tươi và từ từ gập chân lại, tuy vậy nó vẫn ngẩng cao đầu, có vẻ sẵn sàng lại đứng dậy tấn công. Thấy thế, Người Quốc dân bèn lén lút tì vào thanh kiếm làm cho nó ngập đến tận chuôi. Chẳng may, khán giả trông thấy trò man trá đó, họ tức giận dậm chân đập tay và la ó rầm rĩ:
- Thằng kẻ cướp! Thằng giết người!
Khán giả tỏ vẻ thương hại con bò dường như cho rằng nó không đáng chết, họ giơ nắm tay, căm hờn dọa Người Quốc dân y như bác ta vừa phạm tội giết người trước mắt họ.
Tuy nhiên, Gađacđô vẫn tiến lại trước mặt ông chủ tịch cuộc đấu để chào, trong khi những người xem thuộc phe anh viện trường hợp giảm khinh để thanh minh cho anh.
- Anh ấy không gặp may, họ nói hơi lúng túng. Con bò này ác ôn thật!
Cho đến lúc phải vào đấu với con bò thứ hai, Gađacđô đứng im một chỗ gần hàng rào, trong trí miên man những ý nghĩ đen tối. Anh muốn tin vào ảo tưởng nhưng vô hiệu, anh đành tự nhủ rằng anh không còn được như xưa nữa rồi. Bây giờ, bò mộng có vẻ to lớn hơn, dai dẳng hơn đối với anh. Những con bò ngày trước gục dưới lưỡi kiếm của anh một cách dễ dàng kỳ diệu, những con bò ngày nay hình như sống dai gấp đôi và bướng bỉnh không chịu chết. Lại còn cái này nữa: khi đâm kiếm, cánh tay anh hình như ngắn hơn trước. Xưa kia cánh tay ấy, nhanh như chớp, vươn trúng u vai con vật, ngày nay đó là một cuộc hành trình dài vô tận qua một khoảng không gian trong đó thanh kiếm chẳng chạm vào cái gì hết. Chân anh cũng biến đổi. Bây giờ nó ít vâng lệnh anh, có thể nói là nó có hành động riêng, độc lập với những phần còn lại của cơ thể anh. Anh tha hồ ra lệnh cho nó phải bình tĩnh và vững chắc, nhưng hình như nó có mắt, nó nhận ra sự nguy hiểm cho nên con vật vừa mới cựa mình là nó nhảy ngay sang một bên với một sức bật không sao kìm hãm được.
Để cho nhận định đó bớt bi thảm, Gađacđô đổ lỗi cho khán giả làm anh tức giận khi thấy mình yếu đi và thất bại nhục nhã. Bọn họ muốn gì đây? Muốn mình chết để mua vui cho họ à? Rõ ràng anh không cần chứng minh rằng anh can đảm: vết tích của sự dũng cảm điên cuồng nằm ở khắp người anh, khắc sâu vào da thịt anh! Anh đã trông thấy bộ mặt trơ xương của Thần Chết ở ngay trước mắt, và chính vì thế mà anh hiểu giá trị của sự sống hơn bất cứ một ai.
"Các người tưởng rằng ta sẽ hy sinh tính mệnh cho các người đấy hẳn!...", anh vừa lầu bầu vừa nhìn trộm công chúng.
Khi con bò thứ hai xuất hiện trên bãi đấu, Gađacđô đã lấy lại bình tĩnh, anh quyết tâm làm tròn nghiệp vụ nhưng hết sức cố gắng để mình không bị thương. Anh bước về phía con vật với thái độ hiên ngang của những ngày oai hùng và hét thật to:
- Mọi người tránh ra xa!...
Công chúng xôn xao lên với vẻ bằng lòng. Anh ấy đã nói: "Mọi người tránh xa ra!". Vậy anh ấy sắp thi thố một ngón đặc sắc của anh ấy hồi trước. Nhưng người Quốc dân với óc sáng suốt của người pêông già đời từng quen những cái huênh hoang của các matađo, hiểu sự dối trá kệch cỡm của lệnh đó, cho nên bác vẫn tiếp tục đi theo đội trưởng với chiếc áo choàng vắt trên tay.
Gađacđô xòe cái mulêta ở cách con bò một quãng và với một vẻ sợ sệt trông rõ, anh bắt đầu làm các động tác bằng mulêta có sự giúp sức của Người Quốc dân. Có một lúc, anh chậm nâng cao cái mulêta lên một chút, con bò làm ra vẻ định xông vào nhưng thực ra nó vẫn đứng yên. Tuy vậy. Gađacđô thủ thế quá ư cẩn thận và nhầm về bộ điệu của con vật, bèn nhảy lùi lại. Đó là trốn chạy trước một con bò không tấn công. Bước nhảy lùi vô vị của anh làm cho khán giả cười ồ, có kẻ gào lên với giọng chế giễu:
ra nó vẫn đứng yên. Tuy vậy. Gađacđô thủ thế quá ư cẩn thận và nhầm về bộ điệu của con vật, bèn nhảy lùi lại. Đó là trốn chạy trước một con bò không tấn công. Bước nhảy lùi vô vị của anh làm cho khán giả cười ồ, có kẻ gào lên với giọng chế giễu:
- Trốn mau đi! Không thì nó chộp được đấy! Một người khác giả giọng phụ nữ cũng kêu một cách hài hước:
- Anh yêu ơi, tội nghiệp anh quá!
Gađacđô giận tái mặt, anh trút cơn thịnh nộ lên đầu con bò đã làm cho anh bị nhục ngay tại đấu trường Xêvilơ. Bước lại gần từ phía bên sườn nó, anh lén lút đâm nó một nhát kiếm nghiêng (3) khiến con vật gục xuống như một con bò ở lò sát sinh. Một số khán giả vỗ tay chẳng hiểu vì sao, một số khác huýt sáo, còn phần đông im lặng.
Ở đấu trường ra về, Gađacđô có thể nhận thấy sự lạnh nhạt của công chúng. Họ đi gần anh không một tiếng hoan hô. Đây là lần đầu tiên nếm mùi thất bại cay chua. Ngay các banđêridiêrô của anh cũng cau mày im lặng như những binh sĩ vừa thua trận.
Buổi tối hôm có trận đấu bất hạnh đó, Gađacđô vừa tức bực với người ngoài vừa tức bực với bản thân, rất thèm giải trí và lãng quên, bèn nhận lời một số thanh niên trong câu lạc bộ của anh đến Quán Eritana để trác táng. Họ ăn tối ở đấy với ba cô gái giang hồ nổi tiếng Pari đến Xêvilơ nhân dịp hội hè của Tuần lễ Thánh. Các ả tò mò muốn gặp tận mặt người đấu sĩ mà các ả đã nhiều lần được ngắm ảnh trên họa báo và bao diêm.
Phần thú vị nhất của buổi ăn chơi diễn ra ở phòng ăn chính của Quán Eritana. Đó là một phòng ở giữa vườn, trang trí theo kiểu Môrơ muốn dùng những cái tầm thường rẻ tiền để bắt chước vẻ lộng lẫy của cung điện Alămbra. Địa điểm đó hết được sử dụng cho những bữa tiệc chính trị lại được sử dụng cho những cuộc ăn chơi ngông cuồng. Ở đó, người ta chạm cốc mừng sự phục hưng của tổ quốc, người ta nhảy những bản tăng gô lả lơi trong tiếng ghi ta rên rỉ, tiếng chai vỡ loảng xoảng, tiếng kêu khe khẽ của những cô gái bị ôm hôn trong góc phòng.
Gađacđô được mấy cô gái giang hồ tiếp đón gần bằng một vị thần. Các ả chỉ để ý đến anh, tranh nhau vinh dự được ngồi cạnh anh, nhìn anh chằm chặp bằng con mắt yêu đương. Nhan sắc của mấy ả đã hơi tàn, nhưng có phấn son gỡ lại. Bất giác anh matađo so sánh các ả với người kia, người mà anh chưa thể quên hẳn, người đã làm anh đắm đuối vì mớ tóc vàng, vì dáng thanh lịch vô song trong cách ăn mặc, vì vẻ tươi tắn khỏe mạnh của da thịt thơm nức và khêu gợi.
Mọi người ăn uống ngấu nghiến theo thói quen của những bữa tiệc đêm: khách ăn quyết chí làm đủ mọi thứ quá mức mong say cho mau để được thẫn thờ vui vẻ. Đến nửa đêm thì ai nấy đã bí tỉ. Mấy ả tấn công Gađacđô bằng những lời ngưỡng mộ táo bạo, hôn lấy hôn để lên gáy, lên cổ anh. Nhưng anh, không động đậy, cứ ngủ gà không kể gì đến những cặp môi mơn trớn và những bàn tay khiêu khích. Anh say một cách đáng buồn đến nỗi chẳng bao lâu các ả bực mình và cụt hứng không đoái hoài đến anh nữa.
Vào khoảng ba giờ sáng, đang lúc anh nằm gục trên một cái ghế dài say như chết, một thanh niên lại gần, lay vai anh và đề nghị đưa anh về nhà. Cơn gió đêm ngoài đường vẫn không làm anh tỉnh rượu. Khi người bạn để anh lại một mình ở đầu phố của anh, anh lảo đảo bước về nhà. Đến gần cửa thì anh dừng lại khoanh tay tựa trán vào tường dường như đầu óc anh quá nặng nề. Anh đã quên hoàn toàn bữa tiệc, các bạn và mấy ả phấn son, và do một sự đổi ý bất thình lình mà cơn say thường hay gây ra, toàn bộ tâm trí anh đặt cả vào chuyện đấu bò.
Hoan hô! Đông Hôxê nói đúng quá! Chính anh Gađacđô, là người số một trên thế giới. Được rồi! Các kẻ thù của anh sẽ ghen tức nổ ruột khi nào anh lại xuất hiện ở đấu trường. Việc xảy ra hôm nay chỉ là một việc rủi ro không đáng kể như Người Quốc dân thường nói: "Ca sĩ giỏi nhất nào lại chẳng có lúc hát sai hay sao?". Câu cách ngôn đó anh thường nghe thấy ở miệng những vị lão thành khả kính của môn đấu bò trong những buổi thất bại làm anh cảm thấy rất thèm hát. Anh bèn cất giọng lè nhè hát mấy câu của anh sáng tác ra để tự ca tụng:
"Đúng thế, Huan Gađacđô là một hiệp sĩ, một hiệp sĩ, Hiệp sĩ hơn cả Đức Chúa Trời!".
Rồi vì hứng thơ không giúp anh tìm ra tứ nào mới nữa, anh bèn hát đi hát lại đến hai mươi lượt hai câu đó, làm cho một con chó ở đâu không biết sủa vang lên trong đêm tối để hưởng ứng. Anh cứ hát mãi đến nỗi cuối cùng cánh cửa nhà anh mở ra và Garabatô xuất hiện. Người đầy tớ ấy dìu chủ vào nhà. Nhưng anh nhất định không chịu đi nằm: có lẽ vì anh lờ mờ e ngại rằng nếu anh lên gác thì Cacmen sẽ biết anh say.
- Mày cứ mặc kệ tao, anh nghiêm giọng bảo Garabatô. Tao có nhiều việc cần làm. Tao vào phòng làm việc đây.
Đèn điện bật lên. Gađacđô đứng một mình giữa gian phòng, chân nam đá chân chiêu đưa mắt thán phục nhìn quanh. Ở khắp nơi thay thế cho những bức họa và những chiến lợi phẩm, anh trông thấy những bức chân dung oai vệ của chính anh, những tờ áp - phích về những trận đấu oanh liệt của anh, những phù hiệu mà anh đã dũng cảm giật được trên lưng nhiều bò mộng. Thật là cả một nhà bảo tàng để xưng tụng anh.
- Tuyệt quá!... Tuyệt quá!... anh lè nhè nói. Cái anh chàng trông oách thế kia là mình đấy à?... Lại còn cái anh chàng này nữa... và cả cái anh này nữa!
Anh ném mũ lên đi văng, chống hai tay lên mặt bàn. Một lúc sau, cặp mắt quáng gà của anh nhìn thấy một cái đầu bò to tướng trang trí trên tường phía trên cái ghế bành.
- Chú bò kia, chào chú!... Chú làm gì ở đây thế?... Ò ò ò! Ò ò ò!...
Anh không hiểu tại sao cái đầu bò có cặp sừng ghê gớm mà anh vừa chào bằng những tiếng rống ấy lại ở trong phòng. Nhưng chẳng bao lâu anh nhớ ra:
- À, à! Con ơi tao nhận ra mày rồi! Chính mày đã có lúc làm phiền tao rất nhiều... Công chúng huýt sáo tao, ném chai vào tao!... Hẳn mày thích thế lắm phải không, đồ mất dạy!
Cho đến lúc này, anh vẫn vui vẻ. Nhưng cặp mắt bị ma men làm mơ hoảng khiến anh tưởng con bò hơi gật đầu đồng ý và cái mõm sơn bóng nhẫy của nó thoáng mỉm cười mai mỉa. Thế là anh giận sôi sùng sục. "A, con bò khốn kiếp này dám cười à? Phải rồi, chính tại những con bò hiểm độc nghiền ngẫm chơi xỏ người matađo, chính lỗi tại chúng nên người thanh lịch hào hoa mới làm trò cười và bị chửi rủa trước công chúng!".
- Mày còn cười à, đồ bần tiện. Không biết con bò cái khốn kiếp nào đã đẻ ra mày, không biết thằng chủ trại ăn mày ăn xin nào đã cho mày ăn cỏ! Mày còn cười à? Mày chế nhạo tao à? Được rồi, tao cho mày biết tay!
Thế là trong cơn say mù quáng, anh vớ khẩu súng lục nạp đạn để trên bàn.
Pằng!... Pằng!...
Phát đạn thứ nhất làm một con mắt thủy tinh của cái đầu bò văng ra từng mảnh nhỏ khỏi lỗ mắt. Phát thứ hai để áp sát đích xuyên qua sọ con bò thành một lỗ tròn xoe và đen sì giữa những nạm lông bị cháy xém (4).
Trong mấy hôm sau, Gađacđô cảm thấy cần ra phố chuyện trò với bè bạn trong các quán cà phê bình dân và câu lạc bộ nhỏ ở phố Rắn. Anh hy vọng rằng sự có mặt của anh sẽ làm cho miệng lưỡi thị phi của thiên hạ dè dặt hơn và những lời chỉ trích chấm dứt. Lắm khi, suốt buổi chiều, anh ngồi với những người hâm mộ đấu bò thuộc giới bình dân mà anh đã bỏ rơi từ lâu để kết bạn với những người giàu sang.
Đến tối anh tới Câu lạc bộ Bốn mươi lăm. Ở đấy, ông ủy quyền của anh gào thét, múa may cố làm cho thiên hạ đồng tình khâm phục anh.
Tội nghiệp cho Đông Hôxê tốt bụng! Với tấm nhiệt tình không gì lay chuyển nổi, ông không thể tưởng tượng được rằng "người matađo của ông" không còn là vị anh hùng như ông nghĩ nữa. Không bao giờ ông phê phán anh, không bao giờ ông trách móc anh. Trái lại, chính ông cung cấp cho anh những lý lẽ để tự bào chữa, kèm theo rất nhiều lời khuyên bảo rất bổ ích về tương lai:
- Cậu chưa khỏi hẳn vết thương đâu. Tôi vẫn nhắc với mọi người như thế. Tôi nói: "Khi nào anh ấy khỏi hẳn các vị sẽ xem anh ấy ra tay, các vị sẽ cho tôi biết các vị nghĩ thế nào!". Cậu hãy nghe tôi, cậu phải làm như thế này: với lòng dũng cảm mà Đức Chúa Trời đã ban cho cậu, cậu cứ tiến thẳng đến trước mặt con bò, và phập một cái! Cậu đã đâm nhát kiếm đến tận chuôi, thế là cậu bỏ con bò vào túi!...
Anh matađo tán thành ý kiến của Đông Hôxê bằng một nụ cười khó hiểu. Anh còn mong gì hơn là bỏ bò vào túi, nhưng than ôi! Những con vật khốn kiếp ấy đã thành to lớn khó chơi quá.
Trong thượng tuần tháng năm, Gađacđô dự ba bốn cuộc đấu tại vài thành phố miền nam, nhưng anh đấu tồi: chỉ có một hai nhát kiếm là may mắn đâm vào đúng chỗ làm con bò quỵ, còn thì toàn những nhát dớ dẩn không thọc vào đủ sâu, nhiều khi anh vụng về đến mức không thể tha thứ được hoặc bất giác nhảy lùi do bản năng sinh tồn xui khiến.
Mỗi khi anh nhảy giật lùi là đám khán giả bình dân lại chửi anh. Ở đâu người ta cũng biết chuyện xảy ra ở Xêvilơ trong cuộc đấu vào dịp lễ Phục sinh, và người ta không tha thứ cho anh một lỗi lầm nhỏ mọn nào nữa. Những kẻ từng thấy anh dũng cảm điên cuồng, mạo hiểm một cách bạt mạng thì muốn anh cứ như vậy cho đến lúc gục tại đấu trường, để mua vui cho họ. Các kẻ thù của anh sung sướng thấy mình đã trả thù được những thắng lợi liên tiếp hồi xưa của anh; những đồng nghiệp của anh giả vờ thương hại và thích nói về sự xuống dốc của anh. Người ta đã tỉnh cơn mê tín anh. Từ nay công chúng sẵn sàng ác cảm với anh. Mỗi khi anh thành công, họ không hoan nghênh nhiệt liệt như trước và mỗi khi anh thất bại, họ nhao nhao chỉ trích và sỉ nhục.
Ngay cả Đông Hôxê, mặc dầu lòng tin tưởng không bị lay chuyển, vẫn phải tự nhận rằng tình hình đang xấu đi. Đối với ông, "người matađo của ông" vẫn là "người số một trên thế giới" nhưng anh đã bắt đầu đấu lại quá sớm. Không phải anh thiếu can đảm, nhưng sức yếu làm giảm dũng khí. Tội nghiệp anh chưa lành hẳn vết thương, cho nên tốt nhất là anh hãy nghỉ ngơi đến sang năm đã.
- Cậu có muốn biết ý kiến của tôi không? Một hôm ông nói với Gađacđô. Một người như cậu không thể vào bãi đấu mà lại để người ta không hoan hô. Do đó, cậu cần nghỉ ngơi một thời gian để tay chân trở lại linh hoạt như cũ. Tôi xin chịu trách nhiệm thu xếp khoản đó! Một cái giấy chứng nhận sức khỏe của thày thuốc, đăng trên báo chí, cũng đủ để thanh minh việc nghỉ ngơi tạm thời của cậu, và tôi sẽ cùng các nhà thầu thỏa thuận về vấn đề hợp đồng của cậu. Họ sẽ thay cậu bằng một người matađo khác chịu nhận một số tiền ít hơn và cậu sẽ hưởng cái chỗ dôi ra. Rồi sang năm cậu sẽ lại xuất hiện trên đấu trường và làm cho tất cả các địch thủ của cậu phải ghen tức đến phát điên.
Nhưng Gađacđô không đồng ý: anh đang cay về những thất bại mới đây và lòng tự ái bị xúc phạm của anh muốn được trả thù ngay tức khắc. Những trận gần đây anh đấu không hay, anh là người đầu tiên công nhận điều đó, nhưng anh quy trách nhiệm cho sự nóng nẩy của mình. Bây giờ thì anh bình tĩnh lại rồi, chẳng bao lâu nữa thiên hạ sẽ thấy anh vẫn còn khả năng làm lại tất cả những cái anh đã làm.
Bị từ chối, Đông Hôxê lấy làm khổ tâm về thái độ bướng bỉnh của Gađacđô nhưng cũng cảm thấy kính phục và thương hại anh. Ông bèn tìm cách khác để kéo anh ra xa các đấu trường Tây Ban Nha trong một thời gian vì ở đấy khán giả tỏ ra vô ơn đã hùa theo nhau chống anh, không hề có một chút độ lượng nào đối với một người đang dưỡng bệnh.
- Thôi được, ông nói, nếu cậu muốn tiếp tục đấu thì tôi đề nghị với cậu thế này. Tôi đã nói chuyện với một nhà thầu chỉ vài hôm nữa là sang Châu Mỹ. Cậu hãy đi với ông ta. Tôi sẽ kiếm cho cậu một hợp đồng rất bở. Ở châu Mỹ, cậu sẽ không khó nhọc lắm, mà khi về cậu sẽ có nhiều tiền.
Sang Châu Mỹ à? Không, không! Gađacđô cương quyết từ chối. Đi như vậy thì khác nào bỏ trốn. Anh phải xây dựng lại ở Mađrit cái danh tiếng đã bị lu mờ, anh phải chứng minh cho đồng bào của anh biết rằng anh vẫn xứng đáng với nhiệt tình và sự ủng hộ của họ. Hiện nay, anh có một hợp đồng đấu vào tuần lễ sắp tới ở thủ đô, với bất cứ giá nào anh cũng không chịu hủy hợp đồng ấy.
Khi anh cùng đồng đội tới Mađrit thì thời tiết đang xấu. Giữa mùa xuân mà nhiệt kế xuống đột ngột. Nhưng cái đó không phải là hiếm ở một nước có khí hậu thay đổi bất thường. Trời lạnh và u ám, mưa rào liên miên và đôi khi có cả tuyết rơi. Mọi người lại giở áo mưa áo rét ra mặc. Dù muốn dù không, cũng phải hoãn đến khi nào trời đẹp hơn cuộc đấu trước định vào ngày chủ nhật sắp tới. Ông giám đốc và nhân viên đấu trường cũng như giới hâm mộ đấu bò nhìn trời lo sợ, y như người nông dân lo cho mùa màng. Một chút sáng trời, vài ngôi sao xuất hiện vào lúc mọi người ở các hàng cà phê bước ra cũng làm cho họ mừng hụt.
- Trông kìa! Trời tan mây rồi. Đến mai thời tiết sẽ khá. Ngày kia là đấu được...
Hy vọng hão huyền! Hôm sau, mây đen lại kéo đến đầy trời và mưa lại bắt đầu rơi.
Cuộc nghỉ ngơi bất đắc dĩ kéo dài tới nửa tháng, các đội viên của Gađacđô rất bực mình phải ngồi không. Bất cứ ở nơi nào ngoài Mađrit, họ có thể chịu đựng không khó khăn gì, các chi phí ở khách sạn lúc đó đều do người matađo gánh. Nhưng chiếu theo một tục lệ rất dở đặt ra từ lâu, các đội trưởng viện cớ là các đấu sĩ tất nhiên phải có một chỗ ở tại thủ đô, cho nên không chịu trả phí tổn cho họ, do đó những chú pêông và picađo nghèo khổ, ngụ trong một nhà trọ tồi tàn do người vợ góa của một banđêridiêrô mở, đành phải nhịn nhiều thứ lặt vặt, bớt hút thuốc lá và cay đắng nghĩ rằng đến ngày có cuộc đấu thì họ đã xài hết số tiền nhỏ mà họ kiếm được bằng cách phải liều cái mạng nhưng lại rất cần để nuôi sống gia đình.
Gađacđô ngụ một mình ở khách sạn cũng không vui gì hơn các đội viên của anh. Với tâm trạng rối bời của một người nổi tiếng nay thấy uy tín của mình giảm sút, anh hay vào Quán Cà phê Anh là nơi tụ họp của những người ủng hộ các đấu sĩ xứ Øngđaludi, nhưng cẩn thận không bao giờ bước chân vào các hàng cà phê ở Puécta Đen Xôn là nơi những người cuồng tín của trường phái Mađrit hay lui tới. Họ là những người rất bướng bỉnh, buồn phiền thấy ưu thế về tay các đấu sĩ ở Xêvilơ, ở Coócđu và than rằng kể từ thời Fraxcuêlô thủ đô không còn có đấu sĩ danh tiếng nào. Cứ nghe họ nói thì hiện nay không có ai đáng gọi là đấu sĩ. Tất cả đều là đồ hỉ mũi chưa sạch, không biết những nguyên tắc sơ đẳng nhất của nghệ thuật đấu bò, tất cả đều là những anh hề miền Nam chỉ biết đem áo choàng và thân mình ra làm những trò khỉ, hoàn toàn không hiểu "tiếp đón" một con bò là thế nào. Thỉnh thoảng, một tia hy vọng le lói làm cho những người đã thất vọng đó hơi mừng mừng: họ vừa phát hiện ở ngoại ô một đấu sĩ mới tỏ ra xuất sắc trên các bãi đấu ở Valơca và Têtuăng và họ bắt đầu nghĩ rằng chẳng bao lâu thủ đô Mađrit sẽ có đấu sĩ lớn của mình. Lập tức đấu sĩ mới kia trở thành nổi tiếng. Người ta nói đến anh ta một cách nhiệt tình ở các hàng thợ cạo trong các phố bình dân; người ta tiên đoán rằng anh ta sẽ đạt những thành tích rực rỡ. Những thời gian qua đi mà những lời tiên đoán ấy không thực hiện hoặc vì người anh hùng tương lai đã gục chết trong một trận đấu, chẳng có vinh dự nào ngoài mấy dòng chữ báo tin buồn trên các báo, hoặc vì bậc vĩ nhân đã dần dần teo lại và cuối cùng chỉ còn là một gã tiêu dao (1) đi trưng món tóc côlêta trên các vỉa hè của Puecta Đen Xôn, trong lúc chờ đợi một bản hợp đồng không biết bao giờ mới có. Thế là những người nhiệt tình với môn đấu bò lại để mắt vào một đấu sĩ mới vào nghề khác, ngoan cố không kém gì người Juđên chờ Đấng Cứu Thế của mình. Gađacđô biết rằng những người cuồng tín ấy không bao giờ khâm phục anh, bây giờ họ khoái trá thấy anh xuống dốc và nếu anh xuất hiện ở chỗ họ thì cái lũ bất công ấy sẽ lập tức chỉ trích anh.
Ý muốn giao thiệp rộng để lấy cảm tình của càng nhiều người càng tốt khiến anh chịu đựng, thậm chí tìm kiếm những quan hệ mà năm ngoái anh còn khinh rẻ và lảng tránh. Buổi chiều, khi anh đi chơi ở trung tâm thủ đô, anh để cho các đấu sĩ lang thang gặp anh ở phố Xêvilơ sán lại nói chuyện. Họ thường tụ tập trên hè phố đến quá nửa đêm để khoe với nhau những thành tích giả dối. Tất cả đều ăn mặc lành lặn, diêm dúa, linh lợi, đeo hàng lô nhẫn và dây chuyền giả. Họ trịnh trọng gọi anh là "tôn sư", đưa anh lên tận mây xanh rồi cuối cùng hỏi vay anh dăm đồng.
Bọn cùng đinh trong làng đấu bò này cũng có những nhân vật hiển hách của họ, nhưng nói tóm lại những người này có danh tiếng là nhờ cái khác chứ không phải nhờ những nhát kiếm đặc sắc. Có kẻ mà ai cũng biết là chạy trốn trước con bò thì nổi tiếng và được thiên hạ sợ vì rút dao găm rất dễ dàng. Có kẻ đã bị lưu đày trong nhiều năm vì đâm chết người. Cái cậu T'ragatômbrêrô (6) sở dĩ nổi danh là vì trong một đêm trác táng ở một quán rượu Valơca, cậu ta đã nhận cuộc ăn một cái mũ phớt Øngđaludi rán nhỏ từng miếng, vừa ăn vừa uống rượu chí tử để nuốt cho trôi.
Một số khác, trông khỏe mạnh hỗn xược, tự đắc về vẻ nam nhi oai hùng, kể không chán cho Gađacđô nghe những chuyện chim gái ngon ơ, xem ra có vẻ là phương tiện sinh sống chủ yếu của họ. Những buổi sáng đẹp trời, họ lững thững dạo chơi trên con đường chơi mát Caxtêlana để tán gái vào lúc những cô giáo dạy học ở các tư gia sang trọng dẫn các cháu ra chơi. Đó là những cô gái người Anh, người Đức mới tới Mađrit với những ý nghĩ hoang đường về cái xứ thần thoại này và hễ thấy anh con trai nào có bộ mặt cạo nhẵn nhụi và cái mũ phớt rộng vành là các cô yên chí ngay rằng đó là một đấu sĩ bò mộng. Có một đấu sĩ là người yêu thì còn gì bằng!
- Những con bé ấy phải cái hơi tẻ, tôn sư ạ! Chân thô, lông rậm, nhưng được cái tiện dụng. À vâng, tiện dụng, tôi chỉ xin nói như vậy! Vì chúng không hiểu một tiếng Tây Ban Nha nào cả nên mình cũng chẳng phải mất công tán dóc với chúng. Mình chỉ cần nhe hàm răng trắng ra cười và liếc ngang liếc dọc. Mặc dầu chúng nó không biết nói tiếng nước mình nhưng khi nào mình ra hiệu cần ít tiền để mua diêm thuốc là chúng nó cho ngay, chẳng đợi mình xin. Hiện nay tôi có ba con bé như thế bao cho tôi sống đấy.
Một số cậu thì lại nhằm vào những cô gái nước ngoài ở các phòng ca nhạc, vào các vũ nữ và các nữ ca sĩ cuống cuồng muốn có một người yêu là đấu sĩ bò mộng ngay từ khi vừ mới đặt chân lên đất Mađrit. Đó là những cô gái Pháp lanh lợi vui vẻ, mũi hếch ngực lép, những con người lý tưởng trong cái thanh mảnh vô hình chỉ hơi có một chút thực tế sờ thấy được dưới tà áo thơm nức và sột soạt. Đó là những cô gái Đức đồ sộ, nặng nề vì quá nhiều thịt, tóc vàng như các nữ thần Oankiri (7). Hoặc đó là những cô gái Ý tóc bôi dầu đen nhánh, màu da nâu xám như quả ô liu, mắt nhìn bi thảm. Và các tiểu đấu sĩ cười vang khi nhắc tới những lần ân ái đầu tiên với các cô bạn nhiệt tình ấy.
- Thưa tôn sư, tôn sư không thể tưởng tượng được những con bé ấy như thế nào. Chúng nó nhất định bắt mình giảng giải cách đấu bò, thế là để chiều cái ý thích ngông cuồng của chúng nó, đang lúc buồn ngủ đến chết thì mình lại phải nhảy từ trên giường xuống đất, đặt ở giữa phòng một cái ghế giả làm con bò, làm vài động tác áo choàng bằng khăn trải giường và cắm banđêri bằng cái cời lửa.
Sau bài giảng về môn đấu bò ấy, cô vũ nữ hoặc nữ ca sĩ thế nào cũng bảo người yêu đẹp trai tặng mình một cái áo choàng lịch sự thêu kim tuyến để diện ra phố. Và anh bạn đẹp trai hứa một cách hào hiệp sẽ thỏa mãn ý muốn đó. Nhưng đâu mà ra sẵn những áo choàng như thế, vả lại mua nó đâu có rẻ, cho nên cô nàng cứ chờ hoài tặng phẩm thôi. Trong khi đó quan hệ giữa cặp nhân tình ngày càng thêm thân mật, và chàng lợi dụng tình hình đó để bảo người yêu cho vay ít tiền, để đem lên hiệu cầm đồ những đồ nữ trang mà nàng mềm yếu trao cho chàng và để cuỗm tất cả những cái gì của nàng rơi vào tay chàng. Cuối cùng, khi cô nàng tỉnh giấc mộng tình, phản đối việc lạm dụng lòng tin ấy, thì chàng đấu sĩ cho nàng một trận đòn nên thân để chứng minh cho nàng thấy sức mạnh của tình yêu và khôi phục cái uy tín nhân vật thần thoại của mình.
Ngoài việc khuây khỏa bằng cách nói chuyện với bọn thanh niên khá bạt tử đó, Gađacđô còn giải trí bằng cách gặp một ông phục anh, luôn luôn xoắn xuýt khúm núm thỉnh cầu anh một việc. Đó là một chủ tiệm rượu ở Lát Vêga người miền núi Galixơ (8) gân bắp rắn chắc như hộ pháp, vai rộng cổ bạnh, nước da hồng hào, đã kiếm được ít tiền bằng cách mở một tiệm rượu ngoại ô có một số cô sen và binh lính đến nhảy vào ngày chủ nhật. Ông ta chỉ có một cậu con trai, bé nhỏ ốm o nhưng ông nhất định muốn cậu ta trở thành một nhân vật danh tiếng trong môn đấu bò.
- Thằng bé này có tương lai, ông nói với Gađacđô. Thưa Ngài, tôi cũng biết võ vẽ về môn này... Tôi đã bỏ ra khá nhiều tiền để giới thiệu nó với thiên hạ, nhưng muốn cho nó tiến xa tôi thấy nó cần có một người đỡ đầu, và không thể có ai hơn được Ngài. Chao ôi! Giá mà Ngài nhận lãnh đạo một trận đấu cho đấu sĩ mới trong đó con tôi sẽ giết bò thì hay biết bao!
Thiên hạ sẽ kéo đến lũ lượt và tôi xin chịu mọi khoản phí tổn.
Cậu bé tội nghiệp này lúc đầu cũng mê say đấu bò như nhiều đứa trẻ con nhà bình dân khác, cho nên bây giờ bị ông bố hay áp chế đinh ninh rằng chú bé có năng khiếu về môn ấy. Một lũ ăn bám thuộc loại mê đấu bò mạt hạng, trong đó có cả những pêông cũ bây giờ chẳng còn giữ được tí uy tín nào của thời quá khứ lờ mờ của họ, ngoài món tóc côlêta, lăng xăng quanh ông bố, đã uống chịu ở tiệm ông lại còn hay xin xỏ ít tiền để đổi lấy những lời khuyên bảo của họ. Tất cả bọn họ họp với ông bố thành một hội đồng nghị định, nhằm mục đích duy nhất là kéo ngôi sao sáng tương lai ra khỏi bóng tối.
Chẳng thèm hỏi ý kiến của con, ông bố ngây thơ kia tổ chức những trận đấu tại các đấu trường Têtuăng và Valơca và nhất nhất ông ta chịu mọi phí tổn. Những đấu trường ngoại ô này sẵn sàng phục vụ những ai thích để cho bò húc và dẫm ở trước mắt vài ba trăm khán giả. Nhưng đấy không phải là một trò giải trí không mất tiền. Muốn được ngã lăn quay trên bãi cát, quần áo rách bươm, người vấy máu và cứt bò thì phải trả trước tiền thuê tất cả các chỗ ngồi. Ông bố lại đứng ra phân phối vé và ông đem vào khán đài những ông bạn hay phỉnh và những nhà hâm mộ đấu bò túng tiền. Ngoài ra ông còn phải trả lương cho các pêông và các banđêridiêrô để lập đội đấu của con ông, những người đó ra đấu với những bộ quần áo bình thường, còn con ông thì làm khán giả lóa mắt về bộ quần áo mới toanh trị giá bảy nghìn rêan (9) mà người thợ may của Gađacđô đã may cho. Đó là vì tiền đồ của thằng nhỏ, ông không thể bủn xỉn được.
Trong trận đấu, ông chủ tiệm đứng giữ hai lớp hàng rào, động viên nhà matađo tập sự bằng cách hoa lên cây gậy kếch xù mà ông không rời bao giờ. Hễ chú bé ra vẻ muốn nghỉ ngơi một lúc là ông bố ghê gớm hiện ra lù lù ở sau lưng anh, má xị xuống máu nhồi lên đầy mặt.
- Dễ mày tưởng tao bỏ tiền ra để cho mày đứng khoanh tay đấy hẳn? Con khỉ! Phải tự trọng một chút chứ! Đừng có õng ẹo như cô tiểu thư ấy!
Đến khi chú bé tội nghiệp trở về nhà, trong bộ quần áo lụa đỏ, người run như cầy sấy, cái quần rách tan, xương cốt đau như rần, thì mẹ chú hai tay dang ra, chạy lại, sợ tái xanh tái xám. Nhưng ông chủ quán tay vẫn lăm lăm cây gậy thét như điên:
- Đồ ăn hại! Rát như cáy! Thật không bằng con vật! Thế mà mình lại chịu khuynh gia bại sản cho thằng vô dụng ấy!...
Thấy cây gậy có vẻ đe dọa hung hăng, nhà đấu sĩ ưu tú diện đồ lụa thêu vàng vừa mới ám sát ấy con bò vô tội xong, vội hai tay ôm đầu chạy trốn trong khi bà mẹ cố sức che chở cho anh.
Nhưng chỉ hôm sau là ông chủ tiệm lại lạc quan như cũ. Ông nói:
- Có phải lúc nào người ta cũng may tay cả đâu. Khối matađo danh tiếng đã gặp những lúc khó khăn như thế...
Rồi ông lại tổ chức những trận đấu mới ở các đấu trường Tôlêđơ và Goađalagara có các bạn trung thành của ông đi xem và cố nhiên bằng tiền ông chi.
Đang khi ấy, Gađacđô nhận được một bức thư dài của Cacmen. Sau khi lưỡng lự mãi, cuối cùng người phụ nữ tội nghiệp ấy quyết định nói cho chồng biết hết mọi điều đang đè nặng lên tâm trí của chị, và chị nói thẳng, không quanh co gì.
Gađacđô phải "cắt món tóc côlêta" và trở về sống yên lành bằng lợi nhuận của mình hoặc ở nhà tại Xêvilơ hoặc trại Rinhcônađa cạnh những người trong gia đình là những người duy nhất thành thực yêu thương anh. Chị không có giây phút nào yên tâm, chị còn lo lắng hơn cả những năm đầu sau khi cưới. Đêm đêm, chị bị những cơn ác mộng kinh khủng ám ảnh. Chao ôi! Sao công chúng lại bội bạc đến thế! Những người khát máu ấy đã quên sạch những cái mà Gađacđô từng đem đến cho họ khi anh còn hoàn toàn khỏe mạnh. Bức thư kết luận như sau:
"Anh thân yêu, mẹ và em van xin anh. Anh xin nghỉ đi. Tại sao anh cứ đấu mãi? Chúng ta có đủ tiền để sống rồi, và em đau khổ ghê gớm thấy anh bị bọn hèn mạt không xứng đáng với anh, chửi bới anh. Chao ôi! Lạy Chúa, nếu anh có làm sao thì em đến phát điên mất...".
Bức thư đó làm Gađacđô rất cảm động, nhưng không lay chuyển được anh. Giải nghệ à? Chuyện lẩn thẩn. Thật là một ý nghĩ dỡ dẩn của phụ nữ! Hơn nữa, nói thì dễ nhưng làm đâu có dễ. Mới ba mươi tuổi, ai lại đi cắt côlêta của mình? Làm thế thì các kẻ thù sẽ tha hồ mà chế giễu! Không, anh không có "quyền" rút lui, chừng nào thân thể anh còn mạnh khỏe, còn đủ khả năng chiến đấu. Không bao giờ một đấu sĩ lại rời bỏ đấu trường trong hoàn cảnh như thế này. Sự vinh quang không có nghĩa lý gì hay sao? Người ta không cần có lòng tự trọng về nghề nghiệp hay sao? Hàng nghìn hàng vạn người vẫn khâm phục anh nhiệt liệt, sẽ nói sao? Họ biết trả lời thế nào nếu có kẻ nói đốp vào mặt họ rằng Gađacđô rút lui vì nhát?
Vả lại, đồng tiền tuy không phải là tất cả, nhưng người ta vẫn buộc phải nghĩ đến nó. Nói chung, tình hình tài chính của anh bây giờ không được sáng sủa. Vốn liếng của anh chỉ là những số tiền dành dụm trong những năm đầu mới cưới vợ. Sau đó quả thật tiền anh kiếm ra có tăng lên, nhưng những sự chi tiêu và hoang phí của anh lại tăng nhanh hơn nhiều. Anh đánh bạc rất lớn, sinh hoạt xa hoa. Những miếng đất thêm thắt vào trại Rinhcônađa để làm cho nó được vuông vắn, là mua bằng tiền vay của Đông Hôxê và một số bạn khác. Tất nhiên, anh vẫn có thể sống một cách thoải mái, nhưng nếu anh không còn những lợi nhuận kếch xù của các trận đấu - hai ba mươi vạn đồng pêxêta mỗi năm - thì sau khi thanh toán nợ nần anh sẽ phải hạn chế rất nhiều nếp sinh hoạt xa hoa và sống như một nhà quý tộc nông thôn dựa vào sản phẩm ruộng đất của mình.
Cuộc sống tối tăm của một người địa chủ loàng xoàng bắt buộc phải tiết kiệm làm anh kinh hãi, vì anh đã quen huênh hoang trước công chúng và ném tiền qua cửa sổ. Anh sẽ phải hạn chế lối sống ông hoàng lại, từ nay anh sẽ không thể kêu to lên ở trong các quán cà phê và các tiệm rượu: "Tôi trả tiền tất!". Anh sẽ phải khước từ bọn ăn bám và nịnh hót lúc nhúc quanh người anh, mà những lời nỉ non xin xỏ làm anh được giải trí. Nếu có một cô gái nhà nghèo xinh đẹp đến tìm anh, anh sẽ không thể làm cô ta cảm động run người bằn cách đeo vào tai cô đôi hoa tai bằng vàng ngọc; và anh sẽ không thể lại chơi cái trò để rót rượu vàng xuống tấm khăn lụa đẹp của cô rồi làm cô ngạc nhiên bằng cách tặng cô một tấm khăn khác còn đẹp hơn. Anh là một matađo theo kiểu cũ, hoang toàng lộng lẫy tiêu tiền như rác, sẵn sàng cho kẻ nghèo khó những khoản bố thí rất lớn. Anh luôn luôn chê cười những đấu sĩ kiểu mới, những công nghệ gia tầm thường tính toán như những bậc tiểu thương, cân nhắc chi thu một cách tỉ mỉ, không quên cả một cốc nước hai mươi lăm xu uống ở các nhà ga. Không, không, không đời nào Gađacđô lại muốn từ bỏ cuộc sống huy hoàng và chịu giải nghệ!
Anh còn nghĩ đến những nhu cầu của gia đình anh, trong đó ai nấy đã quen sống sung túc mất rồi từ khi tiền bạc tuôn vào nhà như nước chảy. Không kể mẹ anh và vợ anh, anh còn phải nuôi báo cô chị anh, anh rể anh và lũ con của họ, chính anh phải nuôi nấng chúng vì bác Angtôniô ba hoa kia đinh ninh rằng vì có họ ngoại với một người danh tiếng nên bác được phép ăn không ngồi rồi vĩnh viễn, do đó bác đã nghỉ hẳn làm việc. Bà mẹ anh sẽ không thể lấy việc chu cấp rộng rãi, ban tài phát lộc hậu hĩ cho những bà hàng xóm nghèo làm vui trong lúc tuổi già nữa; bà sẽ không thể theo thói thường của bà đóng cái bộ lúng túng của một cô bé bị bắt quả tang phạm lỗi nữa mỗi khi anh con trai của bà giả vờ nổi giận vì lẽ bà đã tiêu sạch một trăm đồng đuarô trong nửa tháng vào những việc làm phúc. Về phần Cacmen chị rất tiết kiệm, rất tận tâm đối với lợi ích của chồng, chị sẽ là người đầu tiên tự nguyện hạn chế sự chi dùng của chị, chịu thiếu thốn nhiều thứ, cắt bỏ những khoản tiêu phí vô ích nhưng thanh lịch, làm đẹp cho cuộc sống của chị. Thảm thay! Tất cả những cái đó sẽ là bằng chứng hiển nhiên của sự suy sụp. Anh matađo chỉ nghĩ đến việc đồng ý làm như vậy thôi, cũng đã thấy xấu hổ vô chừng. Anh tự nhủ rằng thật là một tội ác nếu anh dồn gia đình tới chỗ kham khổ như vậy. Anh phải làm thế nào để tránh tai họa đó? Có gì đâu, anh chỉ cần tiến lại gần các con bò một cách mạnh dạn hơn, xông vào giữa cặp sừng một cách kiên quyết hơn. Được rồi, anh sẽ tiến lại gần chúng, anh sẽ liều mình táo bạo như trước kia!
Anh gửi cho vợ một bức thư trả lời khá ngắn trong đó anh giả vờ vui vẻ, nhưng anh viết mấy chữ cho thấy rằng lòng tự ái của anh bị xúc phạm ngấm ngầm. Anh nhẹ nhàng trách vợ không tin anh như trước nữa, anh coi những thất bại mới rồi chỉ là những rủi ro ngẫu nhiên không quan trọng và cuối thư anh hứa hẹn những điều diệu kỳ trong trận đấu sắp tới, miễn là các con bò cũng phải tử tế. Với những con bò tử tế, anh thách Rôgiê Đê Flo ăn đứt anh!...
Những con bò tử tế! Từ nay cái đó là điều bận tâm thường xuyên của Gađacđô. Xưa kia một trong những cái hợm hĩnh của anh là không thèm để ý đến các con bò, là trước trận đấu anh không bao giờ đến chuồng bò xem những con vật dành cho anh.
- Tôi sẽ làm quen với chúng khi nào chúng vào bãi đấu, tôi sẽ giết bất kỳ con nào mà người ta dẫn đến cho tôi, anh nói.
Trái lại, bây giờ anh muốn quan sát chúng nó trước, chọn chúng, chuẩn bị sự thành công của anh bằng cách nghiên cứu tỉ mỉ những ưu và khuyết điểm của chúng.
(1) Những động tác múa mulêta đòi hỏi người matađo phải thật thông minh vào hiểu rõ con bò. Bằng những động tác ấy, người matađo làm cho con vật để đầu và chân vào vị trí thuận lợi. Do đó, nếu người matađo rút ngắn những động tác đó thì anh sai lầm.
(2) Nhát đâm đó gọi là nhát đâm "ngắn". Còn nhát đâm "vừa" là nhát đâm làm lưỡi kiếm ngập vào một nửa chiều dài của nó.
(3) Nhát kiếm nghiêng: từ chuyên môn để chỉ những nhát kiếm đâm vào một bên sườn con bò, thọc ra ngoài ở sườn bên kia hoặc làm cho da thịt ở sườn bên kia phồng lên tuy lưỡi kiếm không thọc ra. Không bao giờ người xem tha thứ một nhát kiếm đâm hèn kém như vậy.
--------------
(4) Đông Orơliô Ramirê Becman có kể trong một cuốn sách của ông một câu chuyện có thật: Một matađo nổi tiếng, một buổi tối say rượu vào phòng làm việc của mình, chửi rủa và dùng can đánh vào một cái đầu bò mà anh ta đã thuê nhồi rơm, vì trước kia anh ta vất vả lắm mới giết được con bò ấy.
(5) Phái Tiêu dao: Phái triết học của Arixtôt, nhà triết học danh tiếng nước Hy Lạp cổ đại (324 - 322 tr.CN) ông vừa dẫn học trò đi dạo chơi vừa dạy họ, do đó phái của ông có tên là phái Tiêu dao hoặc phái Ngao du.
(6) T'ragatômbrêrô: nghĩa đen là ăn mũ
(7) Oankiri: hoặc Vankiri là một loại nữ thần cấp thấp trong thần thoại các nước Bắc Âu.
(8) Galixơ: tên một vùng rừng núi phì nhiêu ở Tây Ban Nha.
(9) Rêan: Một loại hào Tây Ban Nha, ăn bằng một phần tư đồng bạc pêxêta.