Nụ Cười Rưng Rưng
Tác giả: Võ Hồng
Ngày 1 tháng 6 cây phượng trước sân trường nở những đóa hoa đầu tiên, rực rỡ như những nụ cười màu đỏ. Thật không ai ngờ một cây phượng lại có thể ra hoa sớm như vậy. Nó mới lên được một tuổi rưỡi thôi, chính tay thầy Hiệu trưởng trồng vàp mùa Ðông năm 1975 và tự tay thầy tưới nước hàng ngày. Và ngày nay mới đầu Hè 77.
Hoa phượng là báo hiệu của mùa Hè, mùa chia tay. Hồi học lớp 5, lớp 6, lớp 7, lớp 8 mỗi năm chúng tôi nhắc lại nhận xét đó một lần khi trao cho nhau quyển lưu bút. Thực tế thì hồi đó chúng tôi chỉ nói theo thói quen, một thứ sáo ngữ, một lối thậm xưng. Phải sang đến lớp 9 chúng tôi mới cảm thấy thật sự bâng khuâng khi nghĩ rằng sau mùa Hè chúng tôi phải phân tán mỗi đứa một nơi. Cỡ 30 đứa có thể đậu vào lớp 10. Chia ra các Ban, chia ra các lớp thì hy vọng có chừng 4-5 đứa được ngồi học chung một lớp, gặp mặt nhau hàng ngày và thỉnh thoảng nhắc lại chuyện của những đứa vắng mặt. Những đứa vắng mặt thì hoặc đi học ngành nghề hoặc ở nhà giúp tay cha mẹ. Ừ, phải chi đóa phượng đầu tiên nở vào ngày 31 tháng 5 thì hay biết mấy. Chúng tôi sẽ hãnh diện bảo rằng hoa nở vì chúng tôi, lớp cuối cấp đầu tiên của Trường, ra đi có hoa phượng tiễn chân. Cây hoa năm nay chỉ ra được ba chùm. Nó hãy còn nhỏ. Hè sang năm ắt là số chùm sẽ tăng lên gấp năm gấp bảy, hoa sẽ nở sớm hơn vì cây có đủ sinh lực và có thêm kinh nghiệm.
Tôi đứng lặng nhìn hoa, lòng chợt vui chợt buồn. Các cửa phòng học đóng kín im ỉm và hành lang vắng lặng heo hút không người. Chỉ có văn phòng mở cửa. Các thầy cô đã đi nghỉ phép, kể từ hôm nay, nghỉ trọn một tháng. Cô Long Ái, cô Dung, cô Hà, bác Khánh ngồi trước những chồng hồ sơ. Cô Kim Hoàng, cô Ngọc Mai, giáo viên trực nhật ngồi trước những cuốn sách. Hội trường rộng mênh mông và có tiếng chim lảnh lót trên những cành keo rậm lá. Tôi nhìn bầu trời xanh cao, nơi đó một con diều giấy đứng im, đôi tua dài uốn lượn lăn tăn theo gió.
Mới ngày nào tôi được phân phối về học trường này, tính đến nay là hai năm tròn. Ban đầu nhìn mặt mũi nó mà chán quá. Trông như cái kho thóc gạo kéo dài, mái tôn nhiều mảnh rỉ sét. Cột sắt gầy gò. Không có nổi một cái cửa lá sách, mà chỉ toàn những cánh cửa đóng bằng ván bổ. Nền thấp ngang mặt sân rải sỏi. Tôi ghét luôn cả dãy bông giấy nở lòe loẹt những chùm bông đỏ trước hiên. Trang sức rẻ tiền! Thà cứ để trần trụi, còn bày vẽ hoa hoè hoa sói! Vâng, tôi đã thật tàn nhẫn khi đem "nó" so sánh với những trường có lầu 3, lầu 4, có cửa sổ lắp toàn kính, có nền lát gạch hoa, có lối đi rộng tráng xi măng, có nhà để xe, có sân bóng chuyền bóng đá. Tôi đã học lớp đệ Thất và đệ Lục ở một trường sang trọng như vậy.
Nhưng sau chừng vài tháng, khi chơi quen bạn, khi học quen thầy, chúng tôi quên lần lần những xấu xí, những bất tiện. Ngược lại, mỗi ngày phát hiện thêm ưu điểm và tiện lợi: nền thấp thì đi khỏi vấp, khỏi leo bực tam cấp mỏi chân. Con Yến nói đùa tàn bạo:
- Trường mình tiện lợi quá há? Ðứa nào làm biếng bước đi thì cứ nằm lăn từ cổng lăn tuốt vô lớp, lăn tới bàn học, chỗ ngồi.
Chúng tôi cứ cười theo con Yến nhưng chúng tôi không thể không công nhận rằng trường có cầu thang thì đẹp nhưng mỗi lần lên xuống phải nín thở để đỡ hít bụi. Còn trường chúng tôi vô lớp ra lớp nhanh, vù một cái là đã lọt tới sân, tha hồ nhảy chạy, đón ánh nắng và gió. Lắm đứa tự do quá đà, đến giờ chơi, thót ra cửa sổ cho mau hơn nữa, nhưng đã có đội Trực mời gấp lên văn phòng nhận phạt.
Qua sáu tháng hay một năm, chúng tôi yêu trường hồi nào không biết, yêu hàng dừa chẳng mấy khi xây trái, yêu từng viên đá gốc cây, yêu cái giếng với tiếng gàu thả bõm xuống mặt nước, yêu cả xác bông giấy rơi vung vãi trên hiên vào những buổi chiều nắng dọi, gió lùa. Khi có Tình Yêu trong mắt thì cũng cảnh vật đó mà ta nhìn thấy khác. Những bụi bông giấy không còn vô duyên nữa. Chúng che ánh nắng buổi chiều không cho dọi vào phòng học. Có bức sáo che nắng nào đẹp hơn, sinh động hơn, làm êm vui mắt hơn những cành hoa có màu đỏ rực đó không? Những chùm hoa tươi tắn chuyền niềm vui háo hức như cũng mừng đón chúng tôi mỗi sáng gặp mặt. Một hôm bác Cai ngẫu nhiên cho biết dãy bông giấy này do chính tay thầy Hiệu trưởng trồng cách nay 18 năm, hồi đó thầy còn làm giáo viên. Thấy hiên trường trơ trụi nắng dọi tràn vào đầy lớp, hại mắt học sinh, thầy tự tay đem bông giấy tới trồng. Bây giờ thì gốc cây đã to bằng cổ chân chúng tôi, vặn vẹo sù sì và da mốc đen màu cổ thụ. Cây keo trong sân xanh mát quanh năm, dãy me tây hoa màu hồng phấn rập rình trên tầng lá đan dày, cây phi lao nghiêm nghị đứng giống một nhà quí tộc mặc bộ áo màu tối... tất cả những cây ấy đâu phải ngôi trường 3-4 tầng lầu nào cũng có?
Vì tình yêu, chúng tôi đua nhau làm cho trường thêm đẹp: trồng nhiều hoa trước lớp, trang hoàng cho phòng học khang trang, làm vườn sinh vật, làm sân thể dục, tự tay sửa chữa bàn ghế, bắt điện, quét dọn hàng ngày, làm vệ sinh toàn diện hàng tuần. Như đứa trẻ nghèo yêu ngôi nhà tranh của cha mẹ. Nhớ lời thầy hiệu trưởng nói, khi đoán biết tâm lý chúng tôi trong những ngày đầu:
- Khi không có cái mình yêu thích, hãy yêu thích cái mình có.
Chúng tôi không còn phân biệt nền lát gạch hoa hay nền tráng xi măng, phòng họp có ghế bành hay chỉ bàn gỗ đơn sơ. Chúng tôi chỉ thấy rằng nơi đây chúng tôi có tình thương yêu đùm bọc, của bạn của thầy, nơi đây chúng tôi học, hiểu và giỏi như mọi trường khác, nơi đây chúng tôi tạo những kỷ niệm, đặc biệt là chỉ đẹp và chỉ lưu luyến đối với chúng tôi thôi. Qua những lúc vui và buồn, khi thành công và khi thất bại, chúng tôi cảm thấy như được cột nối vào nhau bằng một sợi dây tình cảm vô hình. Mỗi khi nghe có người nhắc đến tên trường phổ thông cấp 2 Tân Lập là chúng tôi hồi hộp như chợt nghe ai gọi đúng tên mình. Vậy mà bây giờ tôi phải xa trường! Những em lớp 8, ba tháng sau sẽ tiến lên thay thế chúng tôi để làm anh cả, chị lớn. Một dãy dài học sinh lớp 6 sẽ cuồn cuộn chảy từ cổng vào khán đài trong ngày khai giảng năm học mới, lấp vào chỗ trống do chúng tôi ra đi để lại. Tự nhiên tôi bùi ngùi đưa mắt nhìn dãy hành lang vắng lặng, nhìn dãy bồn hoa đang bắt đầu thiếu bàn tay săn sóc. Nhìn lên chùm hoa phượng, nhìn giây lâu, tôi cảm thấy những nụ cười màu đỏ như đang chuyển dần thành niềm lưu luyến rưng rưng.
Ngày 1 tháng 6 cây phượng trước sân trường nở những đóa hoa đầu tiên, rực rỡ như những nụ cười màu đỏ. Thật không ai ngờ một cây phượng lại có thể ra hoa sớm như vậy. Nó mới lên được một tuổi rưỡi thôi, chính tay thầy Hiệu trưởng trồng vàp mùa Ðông năm 1975 và tự tay thầy tưới nước hàng ngày. Và ngày nay mới đầu Hè 77.
Hoa phượng là báo hiệu của mùa Hè, mùa chia tay. Hồi học lớp 5, lớp 6, lớp 7, lớp 8 mỗi năm chúng tôi nhắc lại nhận xét đó một lần khi trao cho nhau quyển lưu bút. Thực tế thì hồi đó chúng tôi chỉ nói theo thói quen, một thứ sáo ngữ, một lối thậm xưng. Phải sang đến lớp 9 chúng tôi mới cảm thấy thật sự bâng khuâng khi nghĩ rằng sau mùa Hè chúng tôi phải phân tán mỗi đứa một nơi. Cỡ 30 đứa có thể đậu vào lớp 10. Chia ra các Ban, chia ra các lớp thì hy vọng có chừng 4-5 đứa được ngồi học chung một lớp, gặp mặt nhau hàng ngày và thỉnh thoảng nhắc lại chuyện của những đứa vắng mặt. Những đứa vắng mặt thì hoặc đi học ngành nghề hoặc ở nhà giúp tay cha mẹ. Ừ, phải chi đóa phượng đầu tiên nở vào ngày 31 tháng 5 thì hay biết mấy. Chúng tôi sẽ hãnh diện bảo rằng hoa nở vì chúng tôi, lớp cuối cấp đầu tiên của Trường, ra đi có hoa phượng tiễn chân. Cây hoa năm nay chỉ ra được ba chùm. Nó hãy còn nhỏ. Hè sang năm ắt là số chùm sẽ tăng lên gấp năm gấp bảy, hoa sẽ nở sớm hơn vì cây có đủ sinh lực và có thêm kinh nghiệm.
Tôi đứng lặng nhìn hoa, lòng chợt vui chợt buồn. Các cửa phòng học đóng kín im ỉm và hành lang vắng lặng heo hút không người. Chỉ có văn phòng mở cửa. Các thầy cô đã đi nghỉ phép, kể từ hôm nay, nghỉ trọn một tháng. Cô Long Ái, cô Dung, cô Hà, bác Khánh ngồi trước những chồng hồ sơ. Cô Kim Hoàng, cô Ngọc Mai, giáo viên trực nhật ngồi trước những cuốn sách. Hội trường rộng mênh mông và có tiếng chim lảnh lót trên những cành keo rậm lá. Tôi nhìn bầu trời xanh cao, nơi đó một con diều giấy đứng im, đôi tua dài uốn lượn lăn tăn theo gió.
Mới ngày nào tôi được phân phối về học trường này, tính đến nay là hai năm tròn. Ban đầu nhìn mặt mũi nó mà chán quá. Trông như cái kho thóc gạo kéo dài, mái tôn nhiều mảnh rỉ sét. Cột sắt gầy gò. Không có nổi một cái cửa lá sách, mà chỉ toàn những cánh cửa đóng bằng ván bổ. Nền thấp ngang mặt sân rải sỏi. Tôi ghét luôn cả dãy bông giấy nở lòe loẹt những chùm bông đỏ trước hiên. Trang sức rẻ tiền! Thà cứ để trần trụi, còn bày vẽ hoa hoè hoa sói! Vâng, tôi đã thật tàn nhẫn khi đem "nó" so sánh với những trường có lầu 3, lầu 4, có cửa sổ lắp toàn kính, có nền lát gạch hoa, có lối đi rộng tráng xi măng, có nhà để xe, có sân bóng chuyền bóng đá. Tôi đã học lớp đệ Thất và đệ Lục ở một trường sang trọng như vậy.
Nhưng sau chừng vài tháng, khi chơi quen bạn, khi học quen thầy, chúng tôi quên lần lần những xấu xí, những bất tiện. Ngược lại, mỗi ngày phát hiện thêm ưu điểm và tiện lợi: nền thấp thì đi khỏi vấp, khỏi leo bực tam cấp mỏi chân. Con Yến nói đùa tàn bạo:
- Trường mình tiện lợi quá há? Ðứa nào làm biếng bước đi thì cứ nằm lăn từ cổng lăn tuốt vô lớp, lăn tới bàn học, chỗ ngồi.
Chúng tôi cứ cười theo con Yến nhưng chúng tôi không thể không công nhận rằng trường có cầu thang thì đẹp nhưng mỗi lần lên xuống phải nín thở để đỡ hít bụi. Còn trường chúng tôi vô lớp ra lớp nhanh, vù một cái là đã lọt tới sân, tha hồ nhảy chạy, đón ánh nắng và gió. Lắm đứa tự do quá đà, đến giờ chơi, thót ra cửa sổ cho mau hơn nữa, nhưng đã có đội Trực mời gấp lên văn phòng nhận phạt.
Qua sáu tháng hay một năm, chúng tôi yêu trường hồi nào không biết, yêu hàng dừa chẳng mấy khi xây trái, yêu từng viên đá gốc cây, yêu cái giếng với tiếng gàu thả bõm xuống mặt nước, yêu cả xác bông giấy rơi vung vãi trên hiên vào những buổi chiều nắng dọi, gió lùa. Khi có Tình Yêu trong mắt thì cũng cảnh vật đó mà ta nhìn thấy khác. Những bụi bông giấy không còn vô duyên nữa. Chúng che ánh nắng buổi chiều không cho dọi vào phòng học. Có bức sáo che nắng nào đẹp hơn, sinh động hơn, làm êm vui mắt hơn những cành hoa có màu đỏ rực đó không? Những chùm hoa tươi tắn chuyền niềm vui háo hức như cũng mừng đón chúng tôi mỗi sáng gặp mặt. Một hôm bác Cai ngẫu nhiên cho biết dãy bông giấy này do chính tay thầy Hiệu trưởng trồng cách nay 18 năm, hồi đó thầy còn làm giáo viên. Thấy hiên trường trơ trụi nắng dọi tràn vào đầy lớp, hại mắt học sinh, thầy tự tay đem bông giấy tới trồng. Bây giờ thì gốc cây đã to bằng cổ chân chúng tôi, vặn vẹo sù sì và da mốc đen màu cổ thụ. Cây keo trong sân xanh mát quanh năm, dãy me tây hoa màu hồng phấn rập rình trên tầng lá đan dày, cây phi lao nghiêm nghị đứng giống một nhà quí tộc mặc bộ áo màu tối... tất cả những cây ấy đâu phải ngôi trường 3-4 tầng lầu nào cũng có?
Vì tình yêu, chúng tôi đua nhau làm cho trường thêm đẹp: trồng nhiều hoa trước lớp, trang hoàng cho phòng học khang trang, làm vườn sinh vật, làm sân thể dục, tự tay sửa chữa bàn ghế, bắt điện, quét dọn hàng ngày, làm vệ sinh toàn diện hàng tuần. Như đứa trẻ nghèo yêu ngôi nhà tranh của cha mẹ. Nhớ lời thầy hiệu trưởng nói, khi đoán biết tâm lý chúng tôi trong những ngày đầu:
- Khi không có cái mình yêu thích, hãy yêu thích cái mình có.
Chúng tôi không còn phân biệt nền lát gạch hoa hay nền tráng xi măng, phòng họp có ghế bành hay chỉ bàn gỗ đơn sơ. Chúng tôi chỉ thấy rằng nơi đây chúng tôi có tình thương yêu đùm bọc, của bạn của thầy, nơi đây chúng tôi học, hiểu và giỏi như mọi trường khác, nơi đây chúng tôi tạo những kỷ niệm, đặc biệt là chỉ đẹp và chỉ lưu luyến đối với chúng tôi thôi. Qua những lúc vui và buồn, khi thành công và khi thất bại, chúng tôi cảm thấy như được cột nối vào nhau bằng một sợi dây tình cảm vô hình. Mỗi khi nghe có người nhắc đến tên trường phổ thông cấp 2 Tân Lập là chúng tôi hồi hộp như chợt nghe ai gọi đúng tên mình. Vậy mà bây giờ tôi phải xa trường! Những em lớp 8, ba tháng sau sẽ tiến lên thay thế chúng tôi để làm anh cả, chị lớn. Một dãy dài học sinh lớp 6 sẽ cuồn cuộn chảy từ cổng vào khán đài trong ngày khai giảng năm học mới, lấp vào chỗ trống do chúng tôi ra đi để lại. Tự nhiên tôi bùi ngùi đưa mắt nhìn dãy hành lang vắng lặng, nhìn dãy bồn hoa đang bắt đầu thiếu bàn tay săn sóc. Nhìn lên chùm hoa phượng, nhìn giây lâu, tôi cảm thấy những nụ cười màu đỏ như đang chuyển dần thành niềm lưu luyến rưng rưng.