Chương 7
Tác giả: Võ Nghiêm Phương
– Mở cửa! Mở cửa!
Minh Nguyệt đập mạnh của phòng Đức Thuần. Đức Thuần nhăn nhó, anh ta không mở rộng cửa, mà chỉ thò cái đầu bù xù của mình ra ngoài.
– Em làm gì ồn ào dữ vậy Nguyệt.
– Anh là đồ khốn kiếp!
Minh Nguyệt xô mạnh cánh cửa để len vào. Cô định xoắn lấy Đức Thuần đánh, bàn tay cô vụt buông xuống. Trên chiếc giường của hắn, một cô gái đang ngồi thu mình cuộn lại trong tấm chăn mỏng. Cô căm hờn quay nhìn hắn.
Hắn nhún vai cười nhạt:
– Em ghen? Buồn cười thật!
Minh Nguyệt quát tướng lên:
– Tôi hỏi anh, anh đã nói phim hay ảnh cũng không còn, sao lại có ra ngoài chợ trời?
– Em nên thông cảm, những thước phim đó là vàng là tiền. Anh rất cần tiền em có biết không?
Tiền! Minh Nguyệt đau đớn. Đó là một cách nói của hắn, cuối cùng vẫn là tiền. Tiền mua được cả lương tâm và danh dự. Hắn đốn mạt, còn cô sống hai mặt. Cô yêu Sơn và can tâm để cho hắn lợi dụng cô.
– Sao, hắn đã xem phim và ảnh rồi à? Bây giờ là phần của cô, vì cô chẳng còn tiền cho tôi nữa, nên tôi phải như vậy đấy. Hắn cũng chẳng có tiền bạc gì đâu. Hãy bỏ hắn đi!
Minh Nguyệt giơ cao bàn tay, nhưng rồi cô hạ xuống. Cô đánh hắn, hắn sẽ không đau vì hắn không phải là con người. Nhưng còn cô, mọi thứ đã sụp đổ và mất hết rồi ...
Minh Nguyệt tuông ra ngoài, cô cứ chạy đi trong cơn đau bời bời, bởi cô đã trót sống gian dối ...
Sơn cứ ngồi lặng im trong bóng tối chập chùng, không gian và thời gian như không còn hiện hữu nữa.Còn lại chăng là nỗi đau bời bời.
Bóng tối phủ trùm lên vạn vật chung quanh Sơn. Thành phố về đêm như sẫm màu theo nỗi đau.
– Chú Sơn!
Tiếng bé Bi khóc, rồi tiếng chị vú vừa dỗ con bé, vừa gọi Sơn:
– Chú Sơn! Bé Bi đòi chú, chú mở cửa cho con bé Bi vào với chú một chút đi!
Thật lâu, Sơn mới khệnh khạng đi ra cửa. Đúng hơn là tiếng khóc của bé Bi xót đau cả ruột gan của Sơn, nó khóc đến khan giọng, lẫn trong tiếng gọi “ba ơi, mẹ ơi”. Cánh cửa vừa mở ra, nó bỏ hai tay ra và chồm tới ôm Sơn. Anh xúc động ôm nó vào lòng. Nó có tội tình gì đâu, nó là lòng tham và dục vọng của người lớn.
Được Sơn bế, nó nín khóc, đưa tay sờ lên mặt Sơn, nước mắt còn ràn rụa, tiếng “hức hức” thỉnh thoảng như còn tức tưởi.
– Chị đi làm việc gì thì đi làm đi, để con bé cho tôi!
Sơn ôm con ngồi xuống ghế, anh lấy khăn lau mặt cho nó. Chắc là Minh Nguyệt đã bỏ nhà đi rồi. Nếu không, con bé đâu khóc đến như thế này.
– Ba ba ...
Nó cười với Sơn, nụ cười trẻ thơ tan nát lòng Sơn. Anh hôn con. Ba biết phải làm sao đây hả con? Ba rất yêu con, dù con không phải là núm ruột của ba.
Lời Sơn thì thầm, trẻ con có biết gì đâu, nó cười toe toét rồi nhún nhảy lắc lư trong lòng Sơn.
Bế con ra ngoài, Sơn đi tìm chị vú:
– Chị có biết cô ấy đi đâu không?
– Dạ không! Cô ấy đi từ chiều hôm qua lận.
Sơn vào phòng Minh Nguyệt, quần áo của cô còn nguyên, tiền bạc giấy tờ tùy thân còn đủ. Có lẽ cô xấu hổ với anh nên đi đâu đó vài ngày.
Sơn cũng chưa biết anh phải làm gì nữa, cuộc sống vợ chồng không thể nào tiếp tục được nữa rồi. Ý nghĩ rời bỏ căn nhà này, để mẹ con Minh Nguyệt ở lại hình thành trong đầu Sơn. Con bé Bi sẽ nhớ anh đó, nhưng rồi nó phải quen thôi.
Quay trở lại phòng, Sơn để con ngồi chơi với mớ đồ chơi của nó, Sơn lấy va ly ra, anh mở tủ và bỏ hết quần áo của mình vào. Chỉ cần Minh Nguyệt trở về, anh nói với cô đôi điều cần nói, rồi anh sẽ đi.
Đêm vào khuya. Con đường bên ngoài im ắng, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe chạy qua, Sơn đứng trên lầu buồn rầu nhìn xuống con đường vắng, cây đèn cao áp trên cao soi ánh sáng vàng vọt xuống. Đêm thứ hai, Minh Nguyệt không về. Hay cô đã đi đến ở với tên Đức Thuần? Làm sao anh có thể ngăn được, nếu như chuyện đi đến nước đó. Đêm nay lại trôi qua nặng nề như đêm qua ...
– Cô đây!
Đức Thuần lầu bầu. Cách gõ cửa này không phải của Minh Nguyệt rồi, cô ả lúc nào cũng ầm ầm.Anh ta kéo cánh cửa ra và lùi lại vì người khách là Sơn.
Anh ta chột dạ, nhưng cố trấn tĩnh lại.
– Anh muốn tìm ai?
Sơn nghiêm mặt:
– Tôi muốn tìm Minh Nguyệt. Nếu cô ấy đến đây ở thì anh làm ơn bảo cô ấy về nhà để thu xếp chuyện gia đình.
– Cô ấy có đến đây ngày hôm kia, nhưng đến đây là đi ngay. Xin lỗi, tôi không chuyển giúp được lời nhắn của anh đâu.
Sơn giận dữ:
– Anh là tên đốn mạt, tôi cảnh báo anh, Minh Nguyệt có ra làm sao, trách nhiệm ấy về phần anh.
Sơn hầm hầm bỏ đi. Anh không thích đi tìm Minh Nguyệt, vì chẳng giải quyết được gì cả. Nếu cô còn nghĩ đến đứa con của mình ắt phải quay về nhà.
Sau lưng Sơn, Đức Thuần nhún vai. Anh ta quá quen thuộc với những trò bỏ đi này. Có những con thiêu thân, say mê danh lợi cứ lao vào anh ta.
Sơn quay về, anh không sao yên ổn được, với việc vắng mặt của Minh Nguyệt. Xưa nay, tuy không yêu cô, nhưng anh vẫn luôn quan tâm sự vắng mặt của cô khiến anh khó chịu.
Bước qua ngày thứ tư, Sơn sốt ruột, anh đi tìm bất cứ nơi nào Minh Nguyệt có thể đến. Hoài công! Tăm tích Minh Nguyệt biệt mù.
Đức Thuần bắt đầu được công an gọi làm việc, bản tin nhắn tìm Minh Nguyệt trên đài truyền hình rồi trên đài phát thanh, qua bảy ngày vẫn hoàn toàn bặt tăm.
Bé Bi bắt đầu khóc đòi mẹ, rồi lên cơn sốt cao, chưa bao giờ Sơn thấy khổ sở như thế này, nhìn con khóc đòi mẹ mà anh rớt nước mắt.
Bây giờ nếu Minh Nguyệt trở về, Sơn sẵn sàng tha thứ cho cô hết, nhưng hình bóng Minh Nguyệt như bóng chim tăm cá mịt mù.
– Anh Sơn! Bé Bi bớt sốt chưa?
Sơn lắc đầu héo hắt. Anh đưa con vào bệnh viện Nhi Đồng ngày hôm qua, và thức với con trọn một đêm mệt mỏi, cơn sốt chỉ xuống được một chút, còn ba mươi tám độ tám. Nó cố mở mắt nhìn anh:
– Ba ... mẹ ơi!
Nó đòi gặp Minh Nguyệt, cô đã như con chim trời bay đi không biết nơi nào, quên cả đứa con thân yêu vì quá nhớ thương mà trở bệnh.
Thu Hương ái ngại, cô ngồi xuống bên giường. Người con bé nóng quá, nó đái từ lúc nào ướt cả quần. Cô cởi quần cho nó, nhúng khăn ướt lau mông và lau chân nó.
Con bé mắt mở ra.
– Mẹ!
Nó ôm chầm Thu Hương, khóc tức tưởi.
– Mẹ ơi!
Thu Hương vội vỗ nhè nhẹ vào mông nó:
– Ờ, mẹ đây con. Bi của mẹ ngoan đi, mau hết bệnh, ba chở con đi chơi nghen con.
Nó ôm chặt cổ Thu Hương, như sợ cô sẽ bỏ nó mà đi.
Chờ cho nó ngủ say, Thu Hương mới nhẹ nhàng gỡ tay nó ra cho nằm lại ngay ngắn, cô đắp khăn ướt và lau mồ hôi cho nó.
Nếu như ngày ấy, cô không mất đi đứa con, đứa bé bây giờ gần hai tuổi, nó biết đi, biết chạy và đòi đủ thứ những lời lẽ ngây thơ. Hy vọng có con tan như bọt nước rồi.
Quân cố dấu Thu Hương, nhưng rồi cô cũng biết. Cô có khao khát một đứa con, thì có sao đâu, tình cảm cô dành cho anh vẫn đầy, và mối tình ngày nào với Sơn chỉ còn là một ký ức buồn.
...
Bé Bi hết sốt, nó không đòi chị vú, không đòi Sơn mà đeo dính Thu Hương, không lúc nào cô xa nó được.
Sơn bực mình mắn con:
– Con hư lắm, ba giận con đó Bi! Con phải biết cô Thu Hương còn phải về nhà cô, cô còn phải đi làm việc.
Nó lắc đầu ôm cứng Thu Hương, mặc cho Sơn dỗ dành năn nỉ.
Và anh bắt đầu giận.
– Con còn cứng đầu, ba sẽ đánh con đó!
Lập tức nó khóc òa lên:
– Mẹ ơi!
Sơn bất lực nhìn con, sự vắng mặt của Minh Nguyệt đã khiến anh bỏ tất cả mọi công việc. Và may là bé Bi hết bệnh.
Biết Sơn ngại Thu Hương đỡ lời:
– Anh cứ đi làm việc đi. Khi nào nó ngủ, em giao lại cho chị vú. Anh đừng ngại gì cả.
– Anh không ngại phần em, nhưng còn Quân, em cứ ở luôn trong bệnh viện với cho con anh, anh ấy sao không phiền.
– Em sẽ giải thích cho anh Quân hiểu.
– Nếu như vậy thì anh cám ơn em.
Quân không vui. Anh biết rằng dù nhiều hay ít, trong tâm hồn Thu Hương vẫn còn dành tình cảm cho Sơn. Mấy ngày nay từ lúc xảy ra chuyện, cô dường như quên hẵn anh, chỉ còn biết có Sơn và con bé. Lúc này anh lên tiếng, hóa ra anh là người ích kỷ. Sự khó chịu cứ dằn dặt trong tâm hồn Quân.
– Nước ... nước ...
Tiếng rên khẽ làm cho Ngữ giật mình thức giấc, anh vui mừng nhỏm dậy:
– Cô tỉnh rồi hả?
– Đây là đâu vậy? Làm ơn cho tôi miếng nước.
– Vâng.
Ngữ vội vàng rót nước mang lại, anh đở đầu cô gái cao lên một chút, để anh có thể bón từng ngụm nước. Xong anh để ly nước lên bàn, ân cần:
– Cô nghe trong người như thế nào rồi?
– Đau lắm! Anh là ai vậy, sao tôi lại ở đây?
– Tôi chính là người đã cứu cô và mang cô về đây. Cô đã bị một chiếc xe tông phải trong khi cô hoảng loạn chạy. Tên tông cô ngã, hắn tưởng cô chết nên bỏ chạy luôn. Cô còn nhớ mặt hắn không?
Cô gái nhíu mày, rồi lắc đầu:
– Sao tôi không nhớ gì cả.
– Có lẽ do cô bị chấn động mạnh, trong lúc ngã nên quên đi mọi việc. Không sao, cô sẽ nhớ và bình phục lại.
Ngữ đở cho cô nằm xuống. Anh lấy ống nghe ra:
– Tôi sẽ khám lại cho cô và chờ xem kết quả chụp hình đầu nữa nhé.
– Anh là bác sĩ à?
– Tôi là bác sĩ.
Ngữ khám cẩn thận, xong anh xếp ống nghe lại, đi ra tim cô y tá dặn dò chăm sóc cho bệnh nhân. Trở lên phòng trực, anh mĩm cười nhìn thấy Anh Thư:
– Em đi tìm anh à? Em không đến đây thì anh cũng về nhà. Nào, chờ anh một chút, anh cần xem kỹ lại hình chụp đầu của người vừa nhập viện, rồi thay quần áo xong, anh đưa em về.
Anh Thư có vẻ4 không vui, cô biểu lộ ra bằng vẽ mặt khó chịu.
– Địa vị của một bác sĩ trưởng, anh có thể giao việc này cho các bác sĩ khác, tại sao lại phải vất vả như thế? Suốt đêm qua anh đã không về nhà, cả ngày nay nữa, rồi bây giờ bắt em đợi.
Ngữ vỗ về:
– Hay em về trước đi! Bệnh nhân này bị đụng xe, nếu đêm qua không phẫu thuật và nhanh chóng tiếp máu, cô ấy không qua khỏi. Bây giờ cô ấy đã tĩnh, mạch chảy rất yếu và không nhớ gì cả.
Anh Thư hất tay Ngữ đang ôm qua vai cô, giọng cô xẵng hơn:
– Gặp em, anh không hề hỏi em ngủ được không, con ở nhà làm sao. Anh chỉ nói chuyện bệnh nhân của anh, em chán lắm.
Cô bực dọc đứng lên:
– Em đi đây, nhưng em không về nhà đâu, em đi chơi.
Anh Thư vùng vằng đi nhanh, Ngữ thở dài nhìn theo, anh biết cô giận anh, và đây không phải là lần đầu. Còn anh, anh không thể bỏ mặc bệnh nhân của mình.
Bấm chuông gọi dưới phòng quang tuyến mang ảnh bệnh nhân lên, Ngữ ngồi ngã người ra sau chờ đợi. Người bị nạn và được anh mang về có một nét mặt rất quen, tuy nhiên anh không thể nhớ mình đã gặp cô ở đâu. Trong người cô lại không có một giấy tờ tùy thân, có lẽ anh cần thông báo cho cơ quan pháp luật tìm người nhà giúp cho cô ta.
– Bác sĩ, có kết quả chụp hình rồi ạ!
– Đưa cho tôi.
Ngữ cầm lấy giơ lên cao chăm chú xem.
Cuộc phẩu thật lấy máu bầm trong não nạn nhân không có vấn đề, cô ta đã qua cơn nguy hiểm, nhưng có lẽ chuyện nhớ lại cần phải có thời gian.
Ghi toa thuốc, những thứ thuốc cần thiết, Ngữ đi xuống phòng bệnh, anh dặn dò kỹ cô y tá.
Cô ái ngại:
– Bác sĩ! Tôi nghĩ chúng ta nên thông báo cho công an để tìm người nhà của cô ấy.
– Tôi sẽ làm chuyện đó, nhưng tạm thời cô hãy chăm sóc cô ấy giùm nhé.
– Dạ.
Trở về phòng làm việc, Ngữ thay áo bluose ra, mặc đồ thường phục vào, anh đi ra xe về nhà.
– Ba về!
Ngữ khom người bế con gái lên, anh thơm vào má con:
– Con gái ba có ngoan không nào?
– Dạ ngoan.
Nó hôn lại Ngữ:
– Ba có mệt không ba? Con đi pha nước cam cho ba uống nghen ba?
Ngữ phì cười bẹo má con:
– Công chúa của ba! Con không làm được việc này đâu, để ba nhờ dì Bảy làm.
Ngữ gọi dì Bảy pha cho mình ly nước cam, anh ôm con gái vào lòng âu yếm:
– Na có thương ba không?
– Dạ thương.
– Để đâu?
– Dạ, trên đầu ạ.
Nó nhăn mày:
– Con ghét mẹ. Suốt ngày mẹ không đánh phấn làm đẹp thì mẹ đi nhảy đầm, vậy mà mẹ còn kêu mệt kêu chán, trong lúc ba đi làm việc suốt ngày.
Ngữ cười vuốt mũi con:
– Ba làm bác sĩ thì phải chữa bệnh cho người ta chớ con. Còn mẹ con, tại bây giờ không đi làm vì chê bệnh viện có mùi khó chịu, dĩ nhiên là phải nhàn rỗi rồi.
– Mẹ có chịu dạy con học đâu. Mà mẹ dạy con cũng chẳng thèm học, mẹ cứ hay cốc lên đầu con, đau lắm ba ơi.
Ngữ xoa lên đầu con. Bé Na là niềm vui của anh mỗi khi từ bệnh viện về nhà, hay mỗi lúc Anh Thư dằn vặt gây sự. Hôn nhân của anh quả là sai lầm, vì tham vọng có một dưỡng đường riêng, anh bằng lòng lấy một người mình không yêu, để rồi cuộc sống lúc nào cũng tẻ nhạt, nỗi cô đơn hoang vắng cứ bao vây quanh anh khi trở về nhà.
– Ba ơi! Con đói quá hà.
Bé Na nũng nịu bưng ly nước cam của Ngữ uống, anh xoa đầu con.
– Ờ, để ba nói dì Bảy dọn cơm cha con mình cùng ăn.
Trong bữa ăn, bé Na nói véo von chuyện đi học của nó, phiền muộn trong lòng Ngữ cũng tan đi.
Buổi sáng, Ngữ xuống phòng bệnh,cô gái có vẽ khởi sắc hơn, tuy nhiên cô vẫn không nhớ gì cả. Cô y tá đặt tam cho cô tên Nga. Anh vui vẻ khám bệnh lại.
– Về nhà?
Cô ngẩn người nhìn Ngữ, cô không hình dung nỗi mái nhà của mình như thế nào. Điều này làm cho Ngữ bận tâm.
Anh không thể để cô ở lại bệnh viện khi cô đã lành bệnh. Nếu bên công an vẫn chưa tìm được thân nhân cho cô, anh cần phải lo cho cô. Tình người và người cùng lương tâm của một thầy thuốc không cho phép anh đẩy cô gái ra ngoài xã hội, khi cô vừa bình phục và đang bơ vơ.
Buổi chiều, anh liên hệ bên công an. Trung Kiên chẳng những chưa tìm được giùm, còn trêu chọc:
– Thì anh cứ cho cô ấy ở nhờ nhà anh, hay là sợ sư tử gầm?
– Bậy! Tớ mà sợ vợ!
– Vậy thì ra tay nghĩa hiệp đi!
– Không phải nghĩa hiệp, mà là thấy người ta hoạn nạn, mình giúp, như vậy thôi.
Đôi bạn kéo nhau đi. Họ là đôi bạn thân từ thời còn để chỏm, bây giờ mỗi người đều có gia đình, tình thân thiết mỗi ngày càng thắt chặt hơn.
Chợt Trung Kiên đặt tay lên vai Ngữ:
– Cậu nên khuyên bà xã cậu, ai đã có chồng con, ra đường là phóng xe như bay, tối nào cũng đi vũ trường nhảy nhót với bọn choai choai, coi không được tí nào.
Ngữ thở dài:
– Tớ là thằng đàn ông tồi nhất, không khuyên bảo được vợ mình. Nếu không có bé Na chắc đã bỏ nhau từ lâu.
Trung Kiên thương hại.
– Cậu thấy đó, tiền có thể mua tiên nhưng không thể mua được hạnh phúc.
Hơn mười một giờ rưỡi đêm, Ngữ dụi tắt điếu thuốc toan quay vào. Tiếng xe đỗ bên dưới đường làm anh dừng lại và nhìn xuống. Anh thư đang xuống xe, cô mặt áo đỏ chói hở cả một phần lưng phía sau.
– Bye.
Gã đàn ông trên xe vẫy tay lại, tuy nhiên gã chưa vội lái xe đi, mà còn ngồi trên xe mui trần nhìn theo dáng đi nhún nhảy của Anh Thư, rồi chợt bước xuống.
– Anh Thư!
Cô quay lại, lập tức vòng tay rắn rỏi ôm qua người cô, môi gã gắn vào môi cô, nụ hôn dài ... như một thế kỷ. Anh Thư chẳng những không chống cự lại, cô còn hưởng ứng và đáp lại nụ hôn say đắm kia.
Thật lâu, họ mới buông nhau ra, bàn tay gã đàn ông còn đặt lên ngực cô.
Cái cảnh trông thấy quá dâm ô và chướng mắt, Ngữ ho khẽ từ trên lầu cao.
Lúc này Anh Thư mới giật mình đẩy vội gã đàn ông ra.
– Về đi!
Cô điềm tỉnh đi qua cánh cửa Ngữ vừa mở. Ngoài đường, gã đàn ông cũng vội vàng lái xe đi. Ngữ nhìn vợ. Cô không chút nao núng trước cái nhìn của anh.
– Em cứ tưởng tối nay anh lại ở bệnh viện với bệnh nhân của anh.
Ngữ mai mỉa:
– Cho nên em mới làm chuyện khó coi trước nhà như vậy? Lần sau em nên mời gã vào nhà, hơn là ở ngoài đường như thế chướng mắt.
Anh Thư cười nhạt:
– Anh ghen? Tôi tưởng mắt anh mù và tai anh điếc rồi chớ, không ngờ tai anh vẫn nghe mắt anh vẫn sáng. Đúng, tôi thích làm như vậy đó. Anh say mê công việc hơn vợ anh mà, trong lúc đó có bao nhiêu gã si tình sẵn sàng quỳ dưới chân tôi.
Ngữ lạnh lùng:
– Họ chỉ lợi dụng em thôi. Em nên nghĩ đến danh dự của tôi và của gia đình em.
– Danh dự? Thời này người ta dùng tiền để mua danh dự, bộ anh không biết chuyện này sao?
– Đủ rồi!
Ngữ hết còn mềm mỏng nỗi, anh quát lên:
– Tôi đã dùng lời lẽ ôn tồn để nói chuyện, tại sao em không suy nghĩ vậy?
Em phải nhớ em đã có chồng, em phải biết tôn trọng tôi một chút.
Anh Thư cười khẩy:
– Đừng quên danh dự của anh là do tôi cho anh. Nếu như tôi không lấy anh, anh sẽ chẳng được làm giám đốc bệnh viện Tâm Thư, anh chỉ là một tên bác sĩ quèn trong bệnh viện nào đó của thành phố này, làm sao anh có xe hơi để đi, có nhà lầu để ở, thần tượng cho mấy con y tá trẻ và để cho anh không ngừng làm Mạnh Thường Quân ...
Bốp! Một cái tát nãy lửa vào gương mặt đẹp đẽ và cái miệng chua ngoa của Anh Thư. Cô lùi lại bưng mặt:
– Anh dám đánh tôi à?
Cô hung dữ lao vào đánh xé Ngữ.
– Đồ chó! Mày tưởng mày là ai chớ mà dám đánh tao?
Bốp! Chát! Thêm hai cái tát tai nữa vào mặt Anh Thư, máu rịn ra bên khóe mép. Anh Thư lùi lại, cô không dám xông vào đánh Ngữ mà chửi những lời lẽ thô tục và khó nghe nhất, không thể tưởng tượng nỗi nó lại phát ra từ một người có học và xinh đẹp. Ngữ buông thõng tay, anh có muốn xảy ra cớ sự này đâu, nhưng dù có là thánh đi nữa, anh cũng không nhịn nỗi sự hỗn hào quá trớn kia.
Anh Thư luôn có tật nói dai nhách, Ngữ chán nản quay trở lên lầu. Anh sửng sờ vì từ lúc nào bé Na đứng trên cầu đầu thang, nó đang khóc. Ngữ ăn năn khom người bế con lên đi về phòng con đóng cửa lại.
– Ba xin lỗi con Na ạ! Ba không hề muốn thế.
Con bé ôm cổ Ngữ, nó dụi mặt vào cổ anh. Hai cha con im lặng và nằm xuống cạnh nhau, bóng tối mênh mông và nặng nề.
Sáng nào cũng vậy, chỉ có Ngữ dậy sớm cùng con gái ăn sáng và sau đó Ngữ đưa con đến trường sau đó đến bệnh viện.
Sáng nay anh chỉ uống cà phê, chuyện của tối qua vẫn còn âm vang nặng nề.
Có lẽ đã đến lúc phải chia tay. Anh trả lại bệnh viện Tâm Thư cho gia đình Anh Thư, trở lại bệnh viện anh công tác lúc mới ra trường. Bảy năm kết hôn, nhiều nỗi buồn hơn nụ cười, anh đã mang đến cho bệnh viện Tâm Thư biết bao nhiêu bệnh nhân. Đối với mọi người, anh là một thầy thuốc giỏi. Nhưng trong đôi mắt Anh Thư, anh chỉ là một kẻ nhờ vợ mà có sự nghiệp như ngày nay. Anh sẽ bỏ hết để ra đi và chỉ mang theo một đứa con gái yêu độc nhất.
– Con xong rồi ba.
Bé Na nhai nốt miếng bánh mì, nó uống một hơi sữa, nhảy xuống ghế chạy lon ton vào toilet. Sau tuổi, con bé tự biết lo cho bản thân mình, ăn uống và làm vệ sinh để đến trường.
Ngữ uống hết phần cà phê, anh cũng đứng lên đi ra xe. Bé Na đeo cặp táp chạy ra, hai bím tóc lúc lắc theo bước chân chạy nghịch ngợm. Cho xe chạy ra đường, Ngữ quay sang nhìn con gái, con bé xinh quá, đã bao nhiêu lần chính vì con mà anh cứ để mặt cho mọi việc xảy ra. Bây giờ chắc chắn phải kết thúc thôi. Anh cất giọng:
– Na này, nếu ba và mẹ không ở chung nữa, con theo ba hay theo mẹ?
– Con theo ba.
Con bé trả lời ngay, không chút đắng đo suy nghĩ. Trong tâm hồn non nớt của nó, Anh Thư giống bà dì ghẻ của công chúa Bạch Tuyết hơn là mẹ nó. Ngữ thở dài lặng im lái xe.
Bé Na ngậm ngừng:
– Ba à! Có phải ba muốn ly hôn?
– Ai nói với con như thế?
– Dạ, bà Bảy.
– Vậy con biết ly hôn là gì không?
– Là ba mẹ không ở chung với nhau nữa.
– Vậy con có trách ba không?
– Dạ không! Con thương ba.
Ngữ chớp mắt, anh nắm tay con siết nhẹ, xem ra con bé khôn trước tuổi.
Thương con quá, nhưng anh còn biết làm sao.
Đưa con đến lớp xong, Ngữ mới đến bệnh viện. Thay áo blouse xong, anh đi xuống phòng bệnh.
Nga đã khỏe hẳn, cô đang ngồi ăn sáng. Thấy Ngữ vào, cô bỏ tô cháo đang ăn, gật đầu chào anh.
Ngữ mỉm cười:
– Cô đã khỏe hẳn rồi chớ?
– Dạ. Nhưng bác sĩ, có phải tôi đã khỏe thì phải đi khỏi nơi này không?
– Phải. Đâu có bệnh nhân nào đã bình phục mà muốn ở lại bệnh viện đâu.
Nga cúi đầu:
– Tôi thật tình không biết mình phải đi đâu hết. Bác sĩ, hãy cho tôi ở lại đây được không?
– Cô ăn sáng đi! Một lát, tôi trở lại xem bệnh cho cô.
Ngữ đi lên lầu một, anh đến phòng Tổng giám đốc gõ nhẹ cửa.
– Vào đi!
Anh đẩy cánh cửa bước vào, ông Long ngẩn lên vui vẻ:
– À, Ngữ! Có việc gì đi gặp ba sớm vậy? Mẹ con mới nhắc con sáng nay, bảo chủ nhật đưa bé Na về nhà ngoại chơi.
Lòng Ngữ thoáng chùn lại, lời nói nào định nói ra chợt ngập ngừng. Ông Long nhận ra nên hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
– Con muốn từ chức giám đốc, ba hãy giao nhiệm vụ của con cho bác sĩ Quý.
Ông Long càu mày:
– Lại “cơm không lành canh không ngọt” nữa à?
Ngữ lắc đầu:
– Con không muốn giải thích với ba. Ba hãy cho phép con được từ chức.
Quá hiểu chuyện gì xảy ra, ông Long bực bội:
– Ba không giải quyết gì hết. Bệnh viện đang rất cần con. Đành rằng nếu con không làm cho Tâm Thư, sang bệnh viện khác cũng là chữa bệnh, nhưng ba không muốn cho con đi. Ba cũng biết đo ba quá nuông chiều Anh Thư, nên nó quen thói hỗn hào. Hãy vì ba mà bỏ qua mọi chuyện.
– Con không muốn sự việc xảy ra tồi tệ hơn nữa. Xin ba hiểu cho con!
Ngữ cương quyết đặt tờ đơn lên bàn, còn một thủ tục anh cần làm nữa là ly hôn. Chẳng thà như thế. “Một bát nước đã tràn ra, có lấy lại cũng chẳng con nguyên vẹn”.
Ông Long xé tờ đơn từ chức của Ngữ bỏ vào sọt rác.
– Ba sẽ không giải quyết đâu. Ba già rồi, việc điều hành bệnh viện đều trông cậy vào con, con đừng để bệnh viện chúng ta thất bại.
Ông nói đủ thứ khuyên Ngữ cố nhường nhịn Anh Thư. Ngữ ngồi im lặng nghe, anh chưa biết mình nên có thái độ nào nữa.
Nhớ đến việc của Nga, Ngữ ngập ngừng:
– Con có một bệnh nhân, cô ấy hoàn toàn mất trí nhớ. Bên công an lại chưa tìm người nhà của cô ấy để báo tin, con không biết xử lý như thế nào.
– Cứ bố trí cho cô ấy ở khu nhà tập thể của nhân viên.
Ngữ vui mừng:
– Dạ. Thôi, con đi làm việc.
– Ờ. Con cũng nên suy nghĩ đi Ngữ. Làm việc ở đâu cũng không bằng làm việc ở nhà. Để ba khuyên Anh Thư, nó còn hỗn hào là ba đập nó chết luôn.
Ngữ đi ra, cuối cùng thì anh chẳng giải quyết được gì cả. Thôi thì cứ mặc Anh Thư.
Nhưng có lẽ anh chẳng thể nào chịu sự xúc xiểm hỗn hào quá quắt của cô như đêm qua.