- 11 -
Tác giả: Vũ Tài Lục
“Tài của trời đất có ước một hộc. Tào Tử Kiến chiếm chừng tám đấu. Ta một đấu. Còn một đấu nữa thiên hạ chia nhau.”
Đó là lời Tạ Linh Vận nói về Tào Thực.
Tào Thực khiến độc giả Tam Quốc Chí chú ý, nhân vụ bị Tào Phi trách tội, bắt làm thơ rồi mới tha. Cũng từ lúc này Tào Thực thực sự bị đẩy tới thế can dự vào chính trị nhà Ngụy. Nội bộ nhà Tào sở dĩ không rối loạn ngay chính là nhờ vào tính tình đôn hậu nhân ái của Tào Thực.
Tháo trong giờ phút lâm chung cho đòi bọn Tào Hồng, Trần Quần, Giả Hủ, Tư Mã Ý cùng đến cả trước giường nằm, dặn dò việc mai sau:
Cô tung hoành trong thiên hạ hơn ba mươi năm, bao nhiêu kẻ cường bạo trừ sạch cả rồi, chỉ còn Tôn Quyền ở Giang Đông, Lưu Bị ở Tây Thục. Nay bệnh Cô nguy cấp lắm, không bàn được nhiều nữa, chỉ đem việc nhà nhờ cậy các ngươi mà thôi. Con trưởng Cô là Tào Ngang do Lưu thị sinh ra, chẳng may mất sớm ở Uyển Thành. Biện Thị sinh được bốn con Phi, Chương, Thực, Hùng. Cô xưa nay yêu con thứ ba là Thực nhưng nó hay huênh hoang, không được thực thà, lại ngông nghênh rượu chè cho nên không lập làm thế tử. Thằng thứ hai là Chương có khỏe mà chẳng có khôn, thằng thứ tư là Hùng thì lắm bệnh khó thọ. Chỉ con trưởng là Phi có bụng thành thực, kính cẩn có thể nối nghiệp Cô. Các người nên giúp đỡ nó.
Sở dĩ Tháo bỏ hẳn ý định lập Tào Thực kế vị mình, vì những lý do: Tháo đánh giá người trên khả năng chính trị, không đánh giá trên khả năng văn chương. Tào Thực chỉ có khả năng văn chương mà không có khả năng chính trị. Riêng về phần Tào Thực, ông không hề có ý tranh chấp với Tào Phi giành giật đế vị như các sử gia đời sau vẫn lầm tưởng. Xem như vụ Tào Tháo sai Thực đi cứu Tào Nhân bị Quan Vũ vây hãm, Thực uống rượu say túy lúy quên mất, đã biết Thực chẳng thiết gì đến chính trị. Nếu có những sự rối loạn xảy ra chăng nữa thì nguyên động lực không phải ở dã tâm chính trị của Thực, mà do những người định dùng Thực để chống tập đoàn chính trị Tào Phi. Tỉ dụ: Bọn Đinh Nghi, Đinh Dị xui Thực chống Phi, Phi đem giết hết.
Ở thời đại Tam quốc con người không cầm quân, không âm mưu chính trị như Tào Thực mà vẫn được mọi người chú ý, tại sao?
Đó là vì sức mạnh tư tưởng và văn chương Tào Thực đã ảnh hưởng đến phần tử trí thức đương thời.
Quan trọng nhất là Tào Thực cực lực chống cảnh tương tàn tương sát, xâu xé phân tranh.
Cành đậu đun hạt đậu
Hạt đậu khóc hu hu
Cùng sinh từ một gốc
Thui nhau nỡ thế ru.
Thất vọng với thực tế đầy mưu mẹo quỷ quyệt, xương máu binh lửa, văn chương Tào Thực liền bỏ tính chất phác thực, nhập thế, mong xoay chuyển đổi đời mà đi vào con đường siêu việt, xuất thế.
“Trong sầu thảm, lang thang bên đường hình dung tiều tụy, gặp Huyền Linh tiên sinh hỏi: Nhà ngươi ốm đau sao đến nỗi tấm thân tàn tạ thế? Tôi đáp: Thưa tiên sinh bệnh buồn. Huyền Linh nói: “Buồn là cái gì? mà làm cho người đau ốm?” Tôi trả lời: “Sầu là một vật không gọi nó tự đến, đuổi nó không đi. Tìm không biết nó ở đâu. Cầm nó không đầy nắm tay. Đi lại chẳng ra phương hướng nào, làm náo loạn tinh thần con người. Lúc ăn nó làm nghẹn họng, chất nó độc như cường toan. Cười với nó, nó không chịu. Đem đàn ca tới, nó càng làm cho bi thương. Không thứ thuốc nào chữa khỏi. Tiên sinh chẳng hay có kế chi cứu tôi thoát tay nó chăng?”
Huyền Linh tiên sinh đổi nét mặt nói: Nhà ngươi vừa nói với ta về hình dạng cái sầu. Ta tuy không rõ ai sinh ra nó, nhưng ta biết chỗ nó ẩn.
Chẳng qua là tại nhà ngươi chìm đắm trong lưu tục, luyến hoặc với danh vị, thèm khát vinh hoa cho nên ngồi đứng không yên, ăn không ngon, lúc nào cũng vội vội vàng vàng, khiến cho chính khí điêu tàn. Nay ta cho nhà ngươi thang thuốc vô vi, lấy sự đạm bạc làm thang. Rồi ta dùng mũi kim huyền hư, bằng phương pháp thuần phác nhể nó ra. Sau đấy ta cho ngươi yên nghỉ trên chiếc giường tịch mịch. Ta đem cho nhà ngươi những bầu bạn mới, nhà ngươi sẽ cùng với Vương Kiến đi ngao du, cùng Hoành Công ca vịnh, cùng Trang Tử dưỡng thần.
Nghe xong tôi bỗng thấy mồ hôi ướt đầm mình mẩy, phút chốc sầu bi đi đâu hết cả. ”
Viết thế thôi, nhưng Tào Thực không bao giờ hết buồn, hết bất mãn với hiện thực, ông ôm mãi mối hận tới tận ngày chết mới ngoài bốn mươi tuổi. Tào Thực thèm khát cuộc sống tự do và chán ngấy những ràng buộc cấm đoán gây ra bởi tình hình chính trị khốc liệt đời Tam quốc. Ông cũng muốn vượt ra khỏi thân phận vương hầu mà không bị thác sinh vào đó. Tâm sự ấy ông gửi vào những bài thơ dưới đây.
Tạp thi (Bài thứ 2)
Cỏ bồng rời thân cây
Theo gió chuyển như bay.
Thình lình trận gió lốc,
Đưa cỏ bồng lên mây.
Vút vút lên cao mãi,
Đường lên trời dài thay.
Khác nào du khách nọ,
Ra trận quên thân này.
Mặc không ấm xác thịt,
Ăn không no dạ dày.
Đi, ai đi không ngại,
Lo hão sợ thân gầy.
…
Sầu cao vầng nguyệt giãi,
Luồng sáng vẩn vơ trôi.
Có một nàng trên đó,
Than phiền nức nở hoài.
Than phiền ai đó ta?
Vợ đãng tử là “tôi”
Mười mấy năm chàng vắng,
Kiếp thân thiếp lẻ loi.
Chàng như hạt bụi nhẹ,
Thiếp tựa nắm bùn hôi.
Chìm, nổi thân, hình khác,
Bao giờ lại sánh đôi
Gió tây nam muốn những
Cuốn thốc vào lòng ai.
Lòng ai không mở rộng,
Thiếp hết chỗ nương rồi.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Thêm những rắc rối chính trị, những nghi ngờ của Tào Phi càng làm cho Tào Thực khó thở khó sống. Tâm trạng của Tào Thực đối với hoàn cảnh chung quanh chẳng khác gì tâm trạng Kafka đối với gia đình.
Moi, qui ai vécu le plus souvent dans la dépendance, j'ai une soif infinie d'indépendance et de liberté dans tous les domaines. Mais enfin, je suis issu de mes parents, je suis lié à eux et à mes sœurs par le sang. Je les poursuive aussi de ma heine...
Mais, à d'autres moments, je me rappelle qu'ils sont mes parents... J'ai tremblé devant eux et tremble maintenant encore. Ils me dupent, mais comme je ne peux pas m'insurger contre la loi naturelle sans devenir fou, je retombe dans la haine, toujours dans la haine.
Tính chất kỳ lệ nhưng không có kênh kiệu như Đông Hán, trong văn chương, Tào Thực đã đặt ra cho phần tử trí thức vấn đề tự do giải phóng văn chương khỏi chính trị. Sau này Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lý Thương Ẩn ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của Tào Thực cả. Nho đạo nẩy nòi vô vi, Tào Thực báo hiệu hệ thống Nho băng hoại trên chính trị, sang đời Tấn đạo Lão quật khởi đem tư tưởng Phật giáo du nhập Trung Quốc, gây nên tình trạng Nam Bắc phân tranh và loạn Ngũ Hồ.