TỔNG LUẬN
Tác giả: Vũ Tài Lục
Toàn bộ lịch sử Trung quốc có bảy thời đại phân liệt:
1- Xuân Thu chiến quốc.
2- Hán Sở tranh hùng.
3- Tam Quốc.
4- Nam Bắc triều.
5- Tùy Đường phân tranh.
6- Ngũ đại thập quốc.
7- Tống Kim phân lập.
Thời đại Nam Bắc triều và Nam Tống, sự tranh chấp do dân tộc phân lập, quan niệm Trung Hoa và dị tộc nặng nên không đáng kể.
Còn lại Xuân Thu chiến quốc, Hán Sở tranh hùng, Tùy Đường phân tranh, Ngũ đại thập quốc và Tam quốc, sự tranh chấp hoàn toàn nội bộ và riêng Tam quốc tính chất chính trị cao hơn hết. Vì vậy tuy Hán Sở, Tùy Đường, Ngũ Đại, Xuân Thu, đều được thành lịch sử diễn nghĩa, nhưng Tam Quốc chí diễn nghĩa vẫn được lưu truyền và yêu thích hơn hết. Các bản cổ kịch Trung hoa phần lớn rút ra từ Tam quốc nhiều hơn những sử khác. Các nhà soạn kịch danh tiếng đều rất ưa thích chuyện của Tam quốc. Tỉ dụ như Vương Hoa soạn vở Ngọa Long Cương.
Vương Thực Phủ soạn vở: Lục Tích hoài quất, Tào Thực.
Quan Hàn Khanh soạn vở : Đơn đao hội.
Thượng Trọng Hiền soạn vở: Gia Cát Luận công.
Cao Văn Tú soạn vở: Lưu tiên Chủ Tương dương hội v.v. và các vở nổi tiếng do các soạn giả vô danh như: Liên Hoàn kế, Bác Vọng thiêu đồn, Cách giang đấu trí v.v…
Đến nhà Thanh, Tam quốc coi như sách gối đầu giường của các chính trị gia. Đầu nhà Thanh còn có Tổ Vũ trước tác cuốn “Độc sử phương yếu” bàn đến những chiến trận Tam quốc căn cứ vào địa lý học rất nhiều.
Tại sao Tam quốc lại được chuộng như vậy?
Có hai lẽ:
Một là: Những sách diễn nghĩa về thời đại Xuân Thu chiến quốc quá ít tài liệu lại quá ít căn cứ, thêm nữa tình tự Xuân Thu chiến quốc rất phiền tạp, khó lòng làm cho người đọc mãn ý, thỏa thuê. Sở Hán, Tùy Đường thì ngắn quá, vả lại tranh chấp không có gì gay go. Còn Ngũ đại thập quốc thì lôi thôi, nhân tài của thời đại cũng tầm thường.
Hai là: Tam quốc chính trị tuyệt cao. Tranh chấp cực gay go kỳ diệu. Các giá trị đều va chạm nhau ở thời đại này. Cái đạo đức của Quan Vũ va chạm với cái trí mưu, lão luyện của Tào Tháo. Cái trí mưu lão luyện của Tào Tháo va chạm với cái thiên tài của Gia Cát Khổng Minh. Tam quốc là thời đại mà sự vận động của phần tử trí thức rõ rệt nhất và cũng ly kỳ nhất, và khuyết điểm của phần tử trí thức Tam quốc thật là muôn mầu muôn vẻ. Quyết đoán quân cơ như Từ Thứ, Bàng Thống; hành quân dùng binh như Chu Du, Lục Tốn, Tư Mã Ý. Liệu người liệu việc như Triệu Vân, Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung, Nghiêm Nhan. Xung phong hãm trận kiêu dũng như Mã Siêu, Hứa Chử, Điển Vi, Lã Bố, Thái Sử Từ. Hai tài tương đương đấu trí như Đặng Ngải (với Chung Hội, hay Khương Duy?). Gàn dở như Nễ Hành. Huênh hoang như Khổng Dung v.v.v.
Ngoài ra tất cả ai ai cũng yêu Tam quốc chí diễn nghĩa ở chỗ phóng khoáng của nhà văn La Quán Trung, đã phá được sự gò bó của sự thật lịch sử để mà tạo nên hứng thú nhiệt náo tình tiết ly kỳ. Mặc dầu ở đây mục đích của chúng ta là đi tìm một phương pháp khác với “Độc Tam Quốc chí Pháp” ghi trên đầu sách Tam quốc, nghĩa là chúng ta bàn luận, khơi đào kê khảo để hiểu nguyên nhân lịch sử chính trị, xã hội, tư tưởng cho mỗi sự kiện, mọi biến từng (tướng?) cục diện Tam quốc chứ không bị lôi cuốn bởi văn chương Tam quốc đến nỗi nghĩ rằng Thục Ngụy chỉ chiến không hòa hay Ngô Thục chỉ hòa nhiều hơn chiến và Ngô Ngụy chiến nhiều hơn hòa, là để chứng dẫn bút pháp tài tình của nhà văn.
Tuy nhiên sau khi đã phân tích bản chất và hiện tượng, nguyên nhân và kết quả, căn cứ và điều kiện, khả năng và hiện thực cùng liên hoàn tính của chính cục Tam quốc rồi, chúng ta lại vẫn có thể trở về cái phóng dật của bản tính của người Đông phương đối với chính trị để mà ngâm ngợi mấy câu cổ phong:
Phân phân thế sự vô cùng tận
Thiên số mang mang bất khả đào
Tam phân đỉnh túc dĩ thành mộng
Hậu nhân bằng điếu không lao tao.
(Ngẫm thế sự bời bời ngán nổi
Cuộc tang thương biến đổi khôn lường
Tam phân một giấc mơ màng
Viếng đời gọi có mấy hàng nôm na).
***
MỤC LỤC.
LỜI NÓI ĐẦU
NHỮNG VIỆC ĐI TRƯỚC TAM QUỐC
Giai cấp mới – Bình dân tham chính – Ai diệt lục quốc – Hạng Võ đi ngược chiều lịch sử - Lưu Bang biết được thế lớn – Lưu Bang bỏ thế lớn – Văn hóa xung kích và Tam quốc.
NHỮNG GIAI ĐOẠN CHỦ YẾU CỦA TAM QUỐC.
Giai đoạn tiền Tam quốc từ 184 đến 220 – Giai đoạn xây dựng chính thức thế chân vạc – Giai đoạn ba nước tiêu diệt lẫn nhau và nhà Tấn thông nhất – Địa lý thời hậu Hán.
MẦM LOẠN.
Hoạn quan – Ngoại thích – Xung đột giữa phần tử trí thức và hoạn quan - Ẩn dật và ra mặt chống đối – Loạn Khăn vàng – từ Hoàng cân, hoạn quan đến quân phiệt - quân phiệt Đổng Trác – Những nguyên nhân thất bại – Luận về chính quyền và cái chết của Đổng trác – Điêu Thuyền và cái chết của Đổng Trác.
PHẦN TỬ TRÍ THỨC.
Lý luận Vilfredo Pareto – Phần tử trí thức đời Xuân thu đời Chiến quốc – Phần tử trí thức giao thời Tần Hán – Phần tử trí thức đời Tây Hán – Phần tử trí thức tại triều bị hoạn quan quật ngã – Vương Doãn một điển hình Ngụy trí thức cùng loại Vương Doãn – Văn hóa xung kích – Loạn Khương Hồ và kiêu binh.
QUÁ TRÌNH TIÊU TRƯỞNG CỦA CÁC LỰC LƯỢNG
Tình thế Châu U – Hậu quả của hành động mua giây thắt cổ - Lực lượng Tào Tháo trưởng thành – Khái quát thực trạng đấu tranh và liên hợp giữa các lực lượng – Chiến cục Tào Tháo và Đào Khiêm – Lưu Huyền Đức gặp cơ hội đầu tiên – Lã Bố thua – Một điều tuyến nứt rạn – Khổng Dung, chế độ danh sĩ đã hết – Tập đoàn Thái học sinh – Chính sách Tào Tháo sử đãi bọn danh sĩ – Tào Mạnh Đức cần vương – Nội tình việc đem vua về Hứa đô – Vụ chiếu chỉ đai áo Lưu huyền Đức – Hai người đàn bà có ảnh hưởng đến đời chính trị của Lưu Bị.
CHIẾN TRANH VIÊN TÀO.
Viên Thiệu dưới mắt La Quán Trung xét lại chiến dịch Quan Độ - Xét lại trường hợp Viên Thiệu – Lực lượng Viên Thiệu tiêu diệt ra sao – Điền Trù – Chính sách đồn điền là gì?
TRẬN XÍCH BÍCH.
Châu Du – Lỗ Túc - Cố Ung – Luận về Tôn Ngô – Mưu sĩ Tuân Úc – Luận về cái chết của Tuân văn Nhược – Tuân Úc, Nễ Hành, Trần Cung.
CỤC DIỆN CHÍNH TRỊ ÍCH CHÂU VÀ KINH CHÂU
Lã Mông là người thế nào – Quan vân Trường – Bàn luận về cái đức của Quan vân Trường.
LUẬN VỀ TÀO THÁO.
Chính thống và đạo thống – Tào Tháo là con người như thế nào – Gian thần thoán đoạt – Thời đại và xã hội mà Tào Tháo sinh trưởng – Trước hết Tào Tháo có nhân nghĩa để mà vận dụng không – Nhưng đáng kể nhất vẫn là con người chính trị của Tào Tháo – Tâm lý chính trị của Tào Tháo – Bàn về công việc tranh đoạt chính quyền của Tào Tháo – Bàn về cách sử dụng quyền uy của Tào Tháo – Nghi án Lã Bá Xa và Lưu Phúc.
LUẬN VỀ GIA CÁT LƯỢNG.
Tập đoàn trí thức Phương Nam – Tam cố thảo lư – Thiên tài chính trị - thất bại Kinh châu lần thứ nhất – Ngoại giao trên hết – Tư tưởng và tài cán quân sự - Cái tài mượn của Khổng Minh – Bàn về những thất bại của Khổng Minh – Thất thủ Nhai đình – Ngụy Diên tạo phản và tình hình Ba Thục.
TƯ MÃ Ý CHIẾM NGÔI NGỤY
Ngón đòn trí mạng của Tư Mã Ý – Kỹ thuật đảo chính của Trotzky đã được Tư Mã Ý thực hiện cả ngàn năm trước.
KHƯƠNG DUY, ĐẶNG NGẢI VÀ CHUNG HỘI
Thất bại của thỏa hiệp Chung Hội–Khương Duy – Nhu cầu thống nhất đã hủy diệt mưu đồ của Đặng Ngải.
TIỀU CHU VÀ PHẦN TỬ TRÍ THỨC CUỐI TAM QUỐC
Phần tử trí thức rời bỏ nhiệm vụ khiến cho chính trị thất bại – Tranh chấp Nho đạo và Phật giáo – Huyền học phái hưng thịnh do tâm lý chán ghét chiến tranh.
TỔNG LUẬN
So sánh Tam quốc với các bộ sử khác.
***
SÁCH THAM KHẢO
Tam quốc chí diễn nghĩa La Quán Trung (bản dịch của Bùi Kỷ)
Trung quốc thông sử Chu Cốc Thành
Quốc sử tân luận Tiền Mục
Trung quốc văn học sử Trịnh Chấn Đạt
Chuyển hình kỳ đích trí thức phần tử Mã Bân
Gia Cát Khổng Minh toàn tập Khổng Minh
Trung quốc văn hóa đại nghĩa Trình Triệu Hùng
Đại địa nhân vật luận Trình Triệu Hùng
Tào Tháo gia thi tập Tào Tháo – Tào Thực
Trung quốc cổ đại chính trị gia Sái Cảnh Dương
Tổ quốc lương tâm tập Từ Lượng Chí
Trung quốc lịch đại
danh nhân dật sử Nam cung Bắc
Trung quốc quân sự sử lược Trường Kỳ Quân
Trung quốc cổ đại trí thức Hồ Thu Nguyên
Trung quốc danh nhân truyện Từ Lương Chi
Loạn thế triết học Nhiệm Tất Minh
Lục thao tam lược Lã thái Công
L’âme chinoise René Porak
Technique du Coup d’État Malaparte
Le pouvoir politique J.W.Lapierre
Les Machiavelians James Burnam
Les grandes œuvres politique J.Jacques Chevalier
Le Prince Machiavel
Sociologie générale Vilfredo Pareto