Vẫn còn đó một yêu thương
Tác giả: Vũ Thị Minh Nguyệt
Bà ngoại ơi!
Đêm qua con lại nằm mơ thấy bà. Gió thu hơi se lạnh nên con thu người vào để nằm gọn trong lòng bà thật kỹ như hồi còn nhỏ dại trên chiếc giường một cũ ơi là cũ. Nằm trong lòng bà ấm ơi là ấm và mùi hương riêng biệt chỉ toả ra từ người của bà lại ôm ấp lấy con. Nó như mùi cỏ hay là rơm mới và mùi trầu cau đượm đượm nồng nồng. Nó cho con một gíâc ngủ yên bình không mộng mị. Con cố nhướn lên để áp má mình vào gương mặt phúc hậu của bà.
Bà mắng yêu:
- Sao mày cứ lục xà lục xục thế, ngủ yên nào không bà bắt ra phản nằm một mình bây giờ!
Nói vậy nhưng bà lại ôm chặt lấy con thêm nữa. Con ôm choàng qua lưng bà một vòng tay bé con, một chân gác lên người bà và quắp chặt. Bà bảo sau này lấy chồng mà gác chân như thế có ngày nó đá ra khỏi giường. Con gái con lứa đến vô duyên!
Con cứ ước rằng những mùa thu ấy không bao giờ trôi qua.
Những đêm đông người bà như một lò sưởi kỳ diệu, con chợt buồn cười nhớ lại cái lúc nghịch ngợm luồn tay qua cúc áo bà ba để sờ vào ti bà cho ấm.
Ông là một nhà nho suốt đời ôm đống sách cũ nát của mình. Có nói với cháu con cũng chỉ a hừm a hà với cái nhìn lạnh băng khi con gây lỗi.
*
* * *
*
Ngày mẹ đi lấy chồng lần nữa, con về ở bên nội để đi học. Bà nội bảo cho nó về ngoài này để còn rèn chứ để ở trong đó với bà ngoại chiều lắm thì hư mất. Gần chục cây số giữa hai bên, con vẫn đi bộ hàng tuần về bên ngoại. Chẳng hiểu vì lý do gì mà một đứa bé cứ lóc ca lóc cóc đi bộ như thế. Con nhớ bà!
Ở nhà nội con phải ngủ riêng. Bà nội con thông minh sắc sảo, ăn nói ngoại giao thì cứ gọi giỏi nhất làng. Văn thơ cụ thuộc như nước cho đến bây giờ!
Bà rất đẹp nữa, da trắng tóc dài lại con nhà gia giáo. Cụ ngoại con là chánh tổng của một vùng. Con được thừa hưởng cái gien thông minh của bà nội nên học hành chẳng đến nỗi nào.
Bà ngoại bảo con gái thì học hành gì cho nhiều, lớn lên đi lấy chồng là xong.
Bà nội thì bảo không học thì mai đây đứng đường à, bao giờ mới thoát được cảnh úp mặt xuống ruộng mà cầy mà cấy ?. Bao giờ đỉa mới hết bám chân?.
Các cô các chú thoát ly hết và thành đạt cũng nhờ kỷ luật thép đó. Ông nội thì hiền ơi là hiền và tôn thờ bà nội suốt đời.
Nhưng con không nhớ được cái cảm giác được ôm ấp trong lòng bà nội bao giờ!
*
* * *
*
Lớp bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện nay đây mai đó nên con cứ phải đi trọ học khắp nơi. Đến nơi nào bà nội cũng đưa đi, nói với chủ nhà :
- Cháu nó mồ côi, thôi các bác cưu mang cho cháu nên người.
Vậy là con chỉ phải mang theo vài cân gạo, sách ốc ăn ở nhờ ở đậu nhà bà con. Rau dưa nhà có gì ăn nấy, chả phải mất một xu trọ học. Bà nội đi đến đâu cũng được người ta nể trọng. Ngày ấy dân mình nghèo nhưng ai cũng nói một mực:
Nhịn miệng đãi khách đường xa
Cũng là của gửi con ta ăn đường.
Có lần con ngồi học, gà vào bới thóc tung toé xung quanh mà không biết đường đuổi, bác chủ nhà mắng. Con chạy ra góc vườn khóc thút thít mà chẳng có ông Bụt nào hiện ra. Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến như thế nào, con một mạch chạy cả chục cây số về bên ngoại và khóc tấm tức với bà. Bà giã cơm muối vừng cho con ăn rồi sáng hôm sau lại giục con đến nơi trọ học. Cầm theo quả trứng luộc còn nóng hổi hổi bà dặn là cứ lăn trong tay cho đỡ lạnh, bao giờ được nửa đường thì hãy bóc ăn. Viết đến những dòng này con lại nhớ đến chiếc cối đá của nhà mình. Mỗi lần giã vừng xong, bà chừa lại một ít để giã cơm cho con. Những nắm cơm giã ấy dẻo thơm đến bây giờ.
Bác chủ nhà tìm mãi không con thấy bèn nhắn cho bà nội. Hôm sau bà nội sang đến nơi thì con cũng vừa về tới. Đứng úp mặt vào tường nhưng không hề khóc. Chẳng hiểu tại sao con không bao giờ dám khóc trước mặt bà nội, mặc dù trẻ con luôn thèm được khóc khi nó muốn khóc nhất.
Bà nội nói với bác chủ nhà :
- Tính cháu nó lơ đãng đuyểnh đoảng, cứ chúi mũi vào quyển sách là không cần biết cái gì xung quanh, mong bác thông cảm cho.
Bác chủ nhà lúc ấy thì mừng hơn bắt được vàng vì đã tìm thấy con bé chứ cái vụ thóc lúa kia đâu có đáng gì. Người quê mình trọng tình trọng nghĩa đâu trọng mấy hạt lúa vương.
Có lẽ tính nghiêm khắc của bà nội đã cho con được ý chí sắt đá vượt qua bao khó khăn trong cuộc đời. Nhưng bây giờ con vẫn cứ ôm các con của con vào lòng kể cả khi chúng nó đã lớn rồi.
*
* * *
*
Ngày đi học xa, con về chào bà trước khi đi. Bà bán vét cả gánh hàng xén để lấy một trăm đồng cho con, nhưng lần đầu tiên con đã không cầm tiền của bà.
- Con đi sang Liên xô học sung sướng hơn nhiều, nhà nước lo hết. Từ bây giờ con không xin tiền của bà nữa!
- Năm năm trời lâu lắm, vậy là bà mất cháu rồi. Biết khi về có gặp được bà không?
Bà vừa nói vừa cơi thêm củi bếp, nấu món miến lòng gà mà con thích ăn với rau răm ở quê mình, mặt buồn rười rượi.
Ngày ấy con mới chỉ mười tám tuổi đầu, con chưa bao giờ mảy may nghĩ đến điều gì bất hạnh có thể xảy ra trong năm năm trời. Con tin rằng bà sẽ sống mãi để là ông Bụt ngàn năm của con. Vả lại háo hức đến một đất nước châu Âu giàu sang như một đứa trẻ, con đâu có thấu điều bà nói nó khủng khiếp đến mức nào!
Con nhà nghèo đi xa nên con tiết kiệm và chăm chỉ học. Con cố gắng mua một tấm lụa xa tanh loại đẹp thay vì xa tanh gỗ của Liên xô cùng vài lọ sâm 50 kô pếch để gửi về biếu bà. Thế mà một tháng sau thì con nhận được tin bà không còn nữa.
Con đã đổ sập xuống giường mà không tài nào khóc được. Nếu biết rằng có chuyện đó xảy ra thì không đời nào con đã đi xa. Con cứ day dứt nhớ lại dáng bà nằm thở dài thườn thượt trước lúc con lên đường rồi nói xẵng:
- Thôi không đi đi còn cứ lần khân đến bao giờ?
Con đi rồi bà lăn ra ốm, ăn đến đâu nôn ra đến đó cả năm trời rồi mất. Ngày đó mẹ chả viết nổi cái địa chỉ bằng tiếng Nga của con nên thư từ không tới. Mẹ kể lại xóm làng đưa bà đông chưa từng thấy. Bà bán hàng, vừa bán vừa xua cũng đông khách vì bà không bao giờ lấy thừa tiền của mọi người. Bà đi Chùa nên luôn dạy con không bao giờ mang lại điều ác cho bất cứ ai trên đời này. Những lúc hè hoặc rỗi rãi con thường hay phụ bà bán hàng hoặc gấp những xếp tiền âm phủ. Bà dặn :
- Tiền phải xếp đủ không phải tội đấy con à!
- Cơm ăn xong không được đổ xuống cống mà phải mang sang vại nước gạo của hàng xóm cho người ta nuôi lợn chứ không phải tội đấy con à!
- Có bát canh con mang cho bà Kính kẻo tội nghiệp bà ấy con cái chả có lại ốm đau luôn!
Cũng nhờ có những buổi tỉ tê bên bà mà một đứa con gái sinh ra đã hiếu động nghịch ngợm như con trai biết vá, may, thêu thùa, đan lát. Nó có thể tỉ mẩn cùng bà cả buổi mà nghe dông dài chuyện ngàn năm. Tống Trân Cúc Hoa, Thị Mầu, thi Kính và nhiều nhiều lắm!
Câu chuyện của bà bao giờ kết thúc cũng có hậu khi mà con đã nằm lăn quay ra bên cạnh ngủ tự bao giờ!
Bà chỉ có mỗi mụn con gái là mẹ, nhưng con có nhiều bá, dì là con nuôi của bà. Vì vậy tuổi thơ của con luôn được bế ẵm nâng niu vì theo lời các bá các dì ngày bé con là đứa trẻ xinh xắn đáng yêu nhất làng. Tình yêu của các bà mẹ Việt nam cũng thật lạ!
*
* * *
*
Năm nào con cũng nhớ bà, nhất là vào ngày Phật đản. Bà đi chùa nên con được vào chơi với sư cụ thường xuyên. Sư cụ từ bi lắm, khi thì quả thị, khi thì quả na, lúc thì gói bỏng …cho con mang theo câu chuyện cổ tích quê mình, với đồng lúa và cánh cò bay với lời ru à ơi của bá, của dì, của mẹ.
Đền Đồng Xâm nhà mình thiêng lắm với những câu chuyện về đức Thánh Trần rồi truyền thuyết Trọng Thuỷ và Mỵ Châu.
Đất Đồng Xâm quê mình là đất vàng đất bạc nơi có nghề chạm trổ truyền từ đời này đến đến đời khác.
Thủa ấu thơ có bà, con biết nghe con chim hót, biết đón ngọn gió lành, biết yêu thương những người nông dân hai sương một nắng trên cánh đồng chua mặn. Nước vàng hết những móng chân.
Ngày biết tin bà mất con cũng không nhớ được là con đã bỏ ăn như thế nào cho đến khi con bật khóc được hai tiếng Bà ơi! Một người đồng hương đã nói với con rằng bà đã lên niết bàn theo hầu Đức Phât.
Con tỉnh dậy mệt nhoài, chắc ngủ rốn để mơ và được ở gần bà lâu thêm. Bên ngoài chợ cóc đã lao xao. Tiếng mua bán, mặc cả rồi cãi lộn ồn ào. Tiếng mấy ông giữ trật tự loa đài ồn ã nhưng vẫn mất trật tự cộng thêm tiếng loa đài giữ trật tự.
Cả nhà đã dậy đi hết và nước mắt con bắt đầu lã chã rơi. Bà đã nằm sâu trong lòng đất cả vài chục năm trời …còn đâu cái giường một cũ ơi là cũ ! Con đang nằm trên chiếc giường đệm lò so ga gối thơm ơi là thơm.
Lạ sao nước mắt lại trôi hết đi những muộn phiền trong con. Có lẽ bởi con biết rằng dù người con thương yêu nhất đã nằm sâu trong lòng đất nhưng vẫn còn đó một yêu thương trong trái tim mình.
Hà nội 29.09.2006