watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Câu Chuyện Triết Học-Chương 2 - tác giả Will Durant Will Durant

Will Durant

Chương 2

Tác giả: Will Durant

1. MỘT CHÚT LỊCH SỬ:
Aristote sinh tại Stagira tại tiểu quốc Macédoine cách Athènes 200 dặm, vào năm 384 tTL. Cha của ông làm nghề thầy thuốc, bạn thân của quốc vương Macédoine Amyntas. Ông này là tổ phụ của Alexandre đại đế. Hình như Aristote là đoàn viên của một y sĩ đoàn danh tiếng thời ấy, ông có tất cả những cơ hội thuận tiện để học hỏi và phát triển tri thức.
Có hai giả thuyết về thời kỳ niên thiếu của Aristote. Một giả thuyết cho rằng ông là một thiếu niên thích ăn chơi, phung phí tiền của đến nỗi trở nên nghèo nàn đói rách, không có nghề sinh nhai phải vào lính trong một thời gian. Mãi đến năm 30 tuổi mới đến xin học và trở thành môn đệ của Platon (427 – 348 tTL) . Giả thuyết thứ hai không chấp nhận thời kỳ ăn chơi và phung phí tiền của. Theo giả thuyết này Aristote đến Athènes từ lúc 18 tuổi và trở thành môn đệ của Platon bắt đầu từ đó.
Ông học với Platon vào khoảng từ 8 đến 20 năm, con số 20 năm có lẽ đúng hơn nếu ta xét ảnh hưởng của Platon trong các tác phẩm của Aristote. Người ta có thể tưởng tượng rằng thời kỳ sống với Platon là một thời kỳ lý tưởng trong cuộc đời Aristote. Một môn đệ thông minh xuất chúng được ở gần một giáo sư toàn năng. Sự thật thì mối liên quan giữa hai thầy trò không phải luôn luôn tốt đẹp. Platon lớn hơn Aristote gần 50 tuổi (43 tuổi – chú thích của người đánh máy !), chỉ sự cách biệt ấy cũng không làm dễ dàng sự thông cảm. Platon công nhận rằng Aristote là một môn đệ thông minh xuất chúng, hiếu học vì Aristote là một trong những người đầu tiên trong lịch sử nhân loại biết sưu tầm những tài liệu viết tay thời bấy giờ để lập thành một thư viện. Nhà của Aristote được Platon gọi là nhà đọc sách, nhiều người cho đó là một lời khen, nhưng cũng có người cho đó là một lời chê có ý ám chỉ đến tinh thần quá chú trọng vào sách vở của Aristote. Một sự bất hoà khác quan trọng hơn xảy ra vào cuối đời Platon. Aristote có vẻ chống lại tư tưởng của Platon và nhiều khi không đồng ý với Platon. Thái độ này làm Platon rất bất bình coi Aristote như một đứa con vô ơn. Một vài học giả cho rằng Aristote lập một trường hùng biện. Trong số các môn sinh có Hermias sau này thành người cầm quyền tiểu quốc Atarneus. Để tỏ lòng nhớ ơn thầy cũ, Hermias mời Aristote về sống tại triều đình và năm 344 tTL, Hermias giới thiệu người chị của mình làm vợ Aristote. Cuộc hôn nhân là một sự thành công mỹ mãn. Sau đó một năm quốc vương Macédoine là Philippe mời Aristote về triều đình để dạy cho thái tử Alexandre. Đó là một vinh dự rất lớn cho Aristote, vì Philippe cũng như Alexandre là những vị vua danh tiếng và hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại. Philipe chinh phục Thrace năm 356 tTL để chiếm những mỏ vàng vô cùng phong phú gấp 10 lần số vàng của Athènes. Thần dân của Philippe là những nông dân khoẻ mạnh, những chiến sĩ dũng cảm biết chịu đựng gian khổ. Nhờ những yếu tố ấy Philippe và Alexandre đã thôn tính hàng trăm tiểu quốc và thực hiện được sự thống nhất Hy lạp. Philippe không ưa chủ nghĩa cá nhân đương thời mặc dù chủ nghĩa này có kết quả tốt đẹp đối với nghệ thuật và đời sống tinh thần của dân Hy Lạp. Philippe cho rằng chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của sự đồi truỵ kinh tế cũng như chính trị. Chính dựa vào chủ nghĩa này mà những kẻ lưu manh chính trị có thể lơi dụng sự tin tưởng quá dễ dãi của dân chúng để mặc tình thao túng chính trường gây nên bè phái, giai cấp, âm mưu chống đối nhau. Philippe quyết chấm dứt tình trạng trên để thực hiện một nước Hy Lạp thống nhất và hùng mạnh xứng đáng là trung tâm chính trị của thế giới thời bấy giờ. Trong thời niên thiếu Philippe đã học quân sự tại Thèbes. Năm 338 tTL ông chiến thắng tại Athènes và thực hiện được sự thống nhất của nước Hy Lạp. Ông mong mỏi sẽ cùng người con là Alexandre tiếp tục cuộc chinh phục thế giới nhưng giấc mộng của ông bị tan vỡ vì ông bị ám sát.
Khi Aristote đến nhận việc thì Alexandre là một cậu bé 13 tuổi bồng bột và ốm yếu, ưa cưỡi ngựa và tập ngựa. Những cố gắng của Aristote để làm dịu sự bồng bột của Alexandre hình như không đem lại nhiều kết quả. Theo một vài sử gia Alexandre coi Aristote như cha ruột của mình và về phần Alexandre cũng đã từng tuyên bố muốn học hỏi và coi trọng sự hiểu biết hơn là chinh phục thế giới. Nhưng đó chỉ là những lời lẽ xã giao vì không đúng với sự thật. Alexandre luôn luôn là một chiến sĩ thích chinh phục, sau khi thọ giáo 2 năm với Aristote, Alexandre nối ngôi cha và bắt đầu chinh phục thế giới. Sự thành công của Alexandre có lẽ một phần nào do ảnh hưởng của Aristote và người ta thường so sánh thiên tài của Aristote trong lãnh vực triết lý với thiên tài của Alexandre trong lãnh vực chính trị. Cả hai vĩ nhân này đều có công với nhân loại: một bên thống nhất thế giới, một bên thống nhất triết lý.
Sau khi cất quân chinh phục Á châu, Alexandre để lại ở Hy Lạp những chính phủ trung thành với ông nhưng không được dân chúng ủng hộ. Truyền thống dân chủ của người Hy Lạp không thể một sớm một chiều bị lu mờ trước sức mạnh của đội quân Alexandre. Tại những chính phủ này, những đảng lên cầm quyền được mệnh danh là đảng Macédoine hay là đảng thân Alexandre. Năm 334 tTL Aristote trở về Athènes sau một cuộc du hành và lẽ cố nhiên không dấu cảm tình đối với đảng Macédoine tại đó. Công trình khảo cứu khoa học, triết lý, chính trị của Athènes tuy rất bao la nhưng không phải là hoàn toàn theo đuổi trong sự yên tĩnh. Nhiều biến cố chính trị luôn luôn đe doạ Aristote và nhóm cộng sự viên, công trình này hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự thành công của Alexandre trên lãnh vực chính trị. Những nhận xét trên đây còn cho phép chúng ta hiểu rõ tư tưởng chính trị của Aristote.
2. CÔNG VIỆC CỦA ARISTOTE:
Mặc dù ở trong một tiểu quốc đang sôi sục vì những biến cố chính trị, Aristote đã thành công trong việc lập nên một trường học lấy tên là Lyceum. Rất nhiều môn đồ đến xin thụ giáo đến nỗi cần phải đặt ra những phép tắc luật lệ để giữ gìn trật tự. Những môn đồ này tự bầu cử một uỷ ban để cai quản các công việc của trường. Họ thường ở lại và ăn uống ngay trong trường, các buổi học thường được tổ chức ngoài đồng trống. Trước kia Platon cũng đã thành lập một trường lấy tên là Academy chuyên nghiên cứu về toán học và chính trị. Lyceum của Aristote chuyên nghiên cứu về sinh lý học và động vật học. Alexandre ra lệnh cho các nhà săn bắn và chài lưới phải đem nộp cho Aristote tất cả những giống vật mới lạ. Tục truyền có cả thảy một đội quân 1000 người rải rác khắp Hy Lạp và Á châu để sưu tầm những giống vật mới lạ, Aristote là người đầu tiên đã lập nên vườn bách thảo và sở bách thú trên toàn thế giới. Ngoài sự ủng hộ của Alexandre Aristote còn bỏ vào đó một số vốn rất lớn, ông là một người có nhiều tiền của nhờ cưới vợ giàu và có quyền thế, có lần bên nhà vợ đã tặng Aristote một số tiền tương đương với 4 triệu Mỹ kim theo thời giá hiện nay để dùng vào việc nghiên cứu khoa học. Có người cho rằng chính Aristote đã khuyến cáo Alexandre chinh phục Ai cập với mục đích thám hiểm vùng thượng lưu sông Nil để biết rõ nguyên nhân những trận lụt xảy ra ở Ai cập. Ngoài ra, Aristote còn sưu tầm 158 bản hiến pháp.
Tuy nhiên chúng ta phải nhớ rằng những phương tiện nghiên cứu của Aristote vô cùng thô sơ so với những phương tiện nghiên cứu tối tân của chúng ta ngày nay. Ông phải đo lường thời gian mà không có đồng hồ, đo lường nhiệt độ mà không có hàn thử biểu, xem thiên văn mà không có viễn vọng kính, đoán thời tiết mà không có phong vũ biểu. Những phương tiện duy nhất mà Aristote đã sử dụng là một cái thước và một cái compas. Sức hút của trái đất, hiện tượng phát điện, áp lực không khí, nguyên lý ánh sáng, nhiệt lượng và hầu hết những lý thuyết tân tiến của khoa học hiện đại đều hoàn toàn chưa được phát minh.
Những tác phẩm của Aristote lên đến hàng trăm cuốn. Có người bảo 400 cuốn, có người bảo 1000 cuốn. Những cuốn còn lại đến dời nay chỉ là một số nhỏ nhưng cũng có thể lập thành một tủ sách. Trước hết là những tác phẩm về luận lý dạy các cách xếp đặt và phân loại các ý nghĩ. Rồi đến các tác phẩm khoa học như vật lý học, thiên văn học, khí tượng học, vạn vật học, những sách nói về sự phát triển và suy tàn, về linh hồn, về cơ thể sinh vật, về cử động và về sự sinh đẻ. Loại thứ ba là những sách dạy về cách viết văn và làm thơ. Loại thứ tư là những sách về triết lý như đạo đức học, chính trị học và siêu hình học.
Toàn thể các tác phẩm có thể xem là một bộ bách khoa của Hy Lạp nhưng khác với bộ bách khoa của các nước khác ở chỗ chỉ do một người viết ra. Công trình của Aristote xứng đáng được so sánh với công trình của Alexandre. Văn chương của Aristote không bóng bẩy và thi vị như của Platon, đó là một loại văn chương chính xác và khoa học. Aristote phải đặt thêm nhiều từ ngữ mới để có thể diễn tả tư tưởng. Những từ ngữ Âu Mỹ hiện nay phải mượn ở những tác phẩm của Aristote như "faculty, mean, maxim, category, energy, actuality, motive, end, priciple, form ...". Những chữ này không khác gì những viên gạch để xây dựng tư tưởng và góp phần rất lớn trong công cuộc phát triển tư tưởng đời sau. Aristote còn viết nhiều tác phẩm văn chương nhưng đến nay đã thất truyền.
Có người cho rằng những tác phẩm của Aristote không phải do chính Aristote soạn thảo mà do các môn đệ soạn thảo sau khi ghi chú các bài giảng của Aristote. Phần lớn những tác phẩm này được xuất bản sau khi Aristote qua đời. Chỉ có một số ít tác phẩm về luận lý và văn chương được xuất bản khi Aristote còn sống. Một số những tác phẩm khác về siêu hình học và chính trị được sưu tầm từ đống giấy tờ do Aristote để lại. Có người cho rằng trong tất cả các tác phẩm và Aristote chúng ta có thể tìm thấy một lối viết văn giống nhau, điều này chứng tỏ rằng các môn đệ của Aristote thấm nhuần tư tưởng của thầy một cách sâu xa, nếu không phải tự tay Aristote soạn thảo ra các tác phảm của mình thì các tư tưởng trình bày chắc chắn là của Aristote.
3. NỀN TẢNG CỦA LUẬN LÝ HỌC
Giá trị của Aristote là ở chỗ ông đã phát minh môn học mới, hoàn toàn không dựa vào các tác phẩm từ trước để lại. Lối suy luận của người Hy Lạp trước thời Aristote không được minh bạch, chính Aristote đã chấn chỉnh tình trạng này bằng cách đặt ra những quy luật cho sự suy luận. Ngay cả Platon đôi khi cũng vấp phải lỗi lầm suy luận không chính xác. Dưới thời trung cổ, một ngàn năm sau khi Aristote qua đời người ta còn hăng say dịch lại các sách về luận lý để theo đó mà hướng dẫn tư tưởng.
Luận lý có nghĩa là nghệ thuật và phương pháp suy nghĩ chính xác. Đó là phương pháp của tất cả các khoa học , tất cả các nghệ thuật kể cả âm nhạc. Luận lý học là một khoa học vì nó có thể được trình bày dưới nhiều định luật giống như các định luật vật lý và hình học, nó cũng là một nghệ thuật vì nó tập cho tư tưởng quen với lối suy nghĩ chính xác.
Socrate rất chú trọng đến những định nghĩa, đó là bước đầu của luận lý học. Platon luôn luôn tìm cách làm sáng tỏ các ý niệm của mình. Voltaire thường nói: "Nếu anh muốn nói chuyện với tôi, trước hết hãy định nghĩa các danh từ của anh !". Rất nhiều cuộc tranh luận vô ích, rườm rà, tốn nhiều giấy mực và xương máu có thể tránh khỏi nếu các phe liên hệ định nghĩa rõ ràng những danh từ của mình. Đó là nền tảng của luận lý học, tất cả các ý niệm, các danh từ đều phải được cân nhắc kỹ càng, đó là một công việc khó khăn, nhưng một khi đã làm xong thì mọi khó khăn đã bớt đi được một nửa.
Làm thế nào để định nghĩa một vật hoặc một danh từ ? Aristote trả lời rằng trong mọi định nghĩa chính xác cần phải có 2 phần: phần thứ nhất chỉ rõ vật ấy thuộc loại nào, phần thứ hai chỉ rõ trong loại ấy, vật ấy có những gì đặc biệt ? Ví dụ người là một con vật có lý trí. Định nghĩa này nêu rõ 2 phần: phần thứ nhất chỉ rõ người là một con vật, phần thứ hai chỉ rõ người khác những con vật khác ở chỗ nào: ở lý trí.
Có một vấn đề đã làm cho Aristote bất đồng với Platon và gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Theo Aristote thì những danh từ như: người, sách, cây ... chỉ những vật tổng quát và trừu tượng không có trên thực tế. Những vật có thật phải được xác định bằng những tên gọi như ông Athènes, ông B.
Theo Platon thì những vật tổng quát có thực chất và tồn tại lâu dài hơn những vật đã được xác định. Vì lẽ ấy mà Platon đã cho rằng Quốc gia có trước cá nhân. Sự cách biệt này có ảnh hưởng rộng lớn trong tư tưởng của hai triết gia. Aristote thì thực tế, luôn luôn chú trọng đến hiện tại và có một thái độ khách quan. Trong khi Platon thì mơ mộng, luôn luôn nghĩ đến tương lai và có một thái độ chủ quan. Một trong các phát minh của Aristote trong lãnh vực luận lý là tam đoạn luận. Đó là một lối suy luận theo 3 phần, phần thứ ba hay là phần kết luận theo sau phần thứ nhất và phần thứ hai. Thí dụ người là con vật có lý trí, Socrate là người, vậy Socrate là một con vật có lý trí. Tam đoạn luận có thể được áp dụng trong toán học theo các công thức sau đây: A = B, B = C vậy C = A. Điều khó khăn cần phải giải quyết trong một tam đoạn luận là nếu phần thứ nhất không được chính xác thì phần kết luận lẽ cố nhiên cũng sai. Tuy nhiên, người ta thường chú trọng đến phần kết luận hơn là phần thứ nhất, do đó tam đoạn luận không đem đến những kết quả tốt. Với sự trình bày các phương pháp luận lý Aristote đã có công lớn với nhân loại là đặt nền tảng cho phương pháp suy luận chính xác mặc dù môn luận lý học gặp những chông gai và được coi như một môn học khó hiểu.
4. HỆ THỐNG KHOA HỌC :

4.1. Khoa học Hy Lạp trước thời Aristote:

Học giả Renan cho rằng Socrate đem triết lý cho nhân loại, còn Aristote đem khoa học cho nhân loại. Đành rằng trước Socrate và trước Aristote cũng có khoa học và triết lý nhưng còn trong trạng thái thô sơ. Đã có nhiều cuộc nghiên cứu của người Hy Lạp để phát triển khoa học nhưng những cuộc nghiên cứu ấy ngày nay không thể xem là khoa học mà chỉ có thể xem như một loại thần học. Nói một cách khác, dân Cổ Hy Lạp có khuynh hướng giảng giải tất cả những hiện tượng thiên nhiên như là hành vi của các thần linh.
Một vài người tiên phong tìm cách đi ra khỏi ngõ bí ấy. Thalès (649 - 550 tTL) được coi là cha đẻ của triết lý xuất thân là một nhà thiên văn lên tiếng công kích thói mê tín, xem các tinh tú trên trời như những thần linh. Môn đệ của Thalès là Anaximandre có công vẽ những vị trí của những tinh tú và đưa ra thuyết táo bạo rằng vũ trụ trước kia chỉ là một khối loãng, các hành tinh và định tinh từ trong khối ấy mà ra. Vũ trụ xoay vần theo từng chu kỳ hợp rồi tan, tan rồi hợp. Trái đất nằm trên không trung nhờ sức hút, tất cả các hành tinh đều có chất lỏng, dần dần chất lỏng ấy bốc hơi do ảnh hưởng của mặt trời. Đời sống bắt đầu ở dưới biển và lần lần xuất hiện trên mặt đất vì biển bị bốc hơi. Những con vật không còn nước để sống dần dần tập thở không khí, đó là thuỷ tổ của những giống vật sống trên đất. Ngay cả loài người cũng phải có một hình dáng khác bây giờ. Vì nếu loài người quá yếu ớt lúc sơ sinh và đòi hỏi quá nhiều thời gian để trưởng thành như ngày nay thì không sao có thể tồn tại đến ngày nay.
Một triết gia khác Anaximènes cho rằng vũ trụ bắt đầu bằng một khối chất loãng. Khối ấy dần dần cô đọng lại thành gió, mây, nước, đất và đá. Ba trạng thái của vật là trạng thái khí, lỏng và đặc là 3 giai đoạn của sự cô đọng. Động đất là do sự cô đọng chất lỏng trong lòng đất. Đời sống và linh hồn là một sức mạnh tiềm tàng có mặt khắp nơi.
Anaxagoras tìm cách giảng giải nhật thực và nguyệt thực. Ông là thầy học của danh tướng Periclès. Ông khám phá sự hô hấp của cây cỏ và loài vật. Ông đưa ra giả thuyết rằng sở dĩ loài người thông minh hơn súc vật là nhờ biết đi 2 chân trong khi dành 2 tay để làm những việc khác.
Một học giả khác tên là Héraclite đã hy sinh tất cả của cải để hiến mình cho sự nghiên cứu khoa học. Ông tìm thấy rằng tất cả mọi vật đều thay đổi. Tạo hoá xoay vần theo từng chu kỳ. Sự đấu tranh là cha đẻ của vạn vật. Một học giả khác đã đưa ra thuyết tiến hoá: ông cho rằng các bộ phận trong cơ thể của muôn loài đều thay đổi theo với luật đào thải. Những bộ phận nào đáp ứng với nhu cầu và thích hợp với hoàn cảnh sẽ được tồn tại trong khi những bộ phận khác không thích hợp sẽ bị đào thãi. Một vài học giả khác đã đi gần đến thuyết nguyên tử dù một cách rất thô sơ. Họ cho rằng ngoài thế giới hiện tại còn có vô số thế giới khác. Các hành tinh trong vũ trụ thường va chạm nhau và làm tan vỡ nhiều thế giới. Trên đây là những điều mà các học giả Hy Lạp dưới thời Aristote đã tìm thấy. Cần phải công nhận mặc dù với những dụng cụ thô sơ, công trình phát minh của họ không phải nhỏ. Mặt khác, chính chế độ nô lệ làm trì hoãn các phát minh khoa học giúp ích đời sống: trong khi các nô lệ làm tất cả những công việc nặng nhọc thì không ai nghĩ đến việc phát minh máy móc làm gì. Trái lại phần lớn tư tưởng các học giả hướng về các vấn đề chính trị và xã hội trong một nước Hy Lạp bị chia rẽ bởi nhiều phe nhóm chống đối nhau gay gắt. Do đó triết lý và khoa học chính trị có phần phong phú hơn những ngành khoa học khác.
4.2 Aristote một nhà nghiên cứu thiên nhiên:

Nếu chúng ta bắt đầu bằng cách khảo sát một tác phẩm của Aristote nhan đề là Vật lý học, chúng ta sẽ bị thất vọng. Sự thật là trong cuốn vật lý học ấy chỉ trình bày những khái niệm siêu hình về vật chất, sự chuyển động, không gian, thời gian, nguyên lý, và những khái niệm tương tự. Một đoạn đặc sắc trong tác phẩm trên là đoạn công kích khái niệm chân không của một học giả đương thời. Aristote cho rằng trong vũ trụ không làm gì có chân không. Ngày nay thuyết của Aristote đã bị khoa học chứng minh là sai, nhưng chính nhờ sự công kích mà chúng ta biết được một thuyết khoa học có giá trị. Về khoa thiên văn Aristote không tiến bộ hơn các học giả đương thời là bao. Ông công kích thuyết của Pythagore cho rằng mặt trời là trung tâm điểm của thái dương hệ, ông một dành vinh dự ấy cho trái đất. Tuy nhiên ông cũng có nhiều nhận xét giá trị về sức nóng của mặt trời làm bốc hơi nước biển, làm cạn sông ngòi, nước bốc hơi thành mây và rơi xuống thành mưa. Ông cho rằng xứ Ai cập là công trình của xông Nil: chính phù sa của nước sông này trong hàng ngàn thế kỷ đã đem lại cho xứ Ai cập những vùng đất phì nhiêu. Aristote cũng đã giảng giải một cách thoả đáng sự thành lập các lục địa trên trái đất, ông cho rằng các lục địa được nảy sinh và dần dần biến mất dưới đáy biển cùng với tất cả những nền văn minh ở trên ấy trong một sự thay đổi tuần hoàn. Con người đi từ trạng thái sơ khai đến trạng thái văn minh cực độ rồi sẽ trở về trạng thái sơ khai do những biến cố vĩ đại của tạo hoá.
4.3 Nền tảng của khoa sinh vật học:

Trong khi Aristote quan sát những loại sinh vật trong vườn bách thảo rộng lớn của ông, tự nhiên ông nhận thấy rằng những loại sinh vật có thể được xếp hạng và giữa những hạng ấy có những mối liên hệ mật thiết trong nhiều phương diện khác nhau chẳng hạn như trong sự cấu tạo cơ thể, cách sinh sống, sự thụ thai, sự cảm xúc... Những mối liên hệ này nối liền những loại sinh vật thô sơ nhỏ bé nhất đến những loại sinh vật phức tạp nhất. Trong lĩnh vực những loại sinh vật thô sơ nhỏ bé người ta rất khó lòng phân biệt một sinh vật và một khoáng chất. Aristote cho rằng ranh giới giữa một sinh vật và một khoáng chất trong lãnh vực này rất mơ hồ và đáng nghi ngờ. Mặt khác, người ta không thể phân biệt động vật và thực vật. Đối với một vài loại có thể xem là thực vật cũng được mà xem là động vật cũng được. Trong nhiều trường hợp khác rất khó phân biệt một loại này với một loại khác. Người ta có thể kết luận rằng đời sống trên trái đất phát triển một cách liên tục từ trạng thái thô sơ nhất đến trạng thái phức tạp nhất. Trí thông minh cùng phát triển theo với trạng thái, nói cách khác: trạng thái càng phức tạp, trí thông minh càng phát triển. Đồng thời các cơ quan kiểm soát càng ngày càng tập trung, thần kinh hệ được phát triển cùng với sự tập trung này.
Mặc dù có những nhận xét xác đáng kể trên, Aristote không chủ trương thuyết tiến hoá. Ông đả kích thuyết cho rằng các sinh vật đấu tranh để sống và chỉ những sinh vật nào thích hợp nhất mới được tồn tại. Ông cũng phủ nhận thuyết cho rằng con người trở nên thông minh nhờ dùng 2 tay để làm việc thay vì để di chuyển. Ông nói rằng cần phải suy nghĩ ngược lại nghiã là con người biết dùng 2 tay để làm việc vì đã trở nên thông minh.
Vì các phương tiện nghiên cứu và quan sát trong lãnh vực này còn thiếu sót nên Aristote có nhiều lầm lẫn: Ông không biết gì về sự hiện hữu của các bắp thịt trong cơ thể, ông không phân biệt động mạch và tĩnh mạch, ông tưởng rằng khối óc dùng để làm cho máu trở nên lạnh, ông tin rằng đàn ông có nhiều mảnh xương sọ hơn đàn bà, ông tin rằng người ta chỉ có 8 cặp xương sườn và đàn bà có ít răng hơn đàn ông.
Đó là những sự nhầm lẫn tuy rõ ràng nhưng không quan trọng so với sự đóng góp của Aristote vào nền sinh vật học. Ví dụ ông biết rằng loài chim và loài bò sát có cơ thể rất giống nhau, loài khỉ là một loài trung gian giữa người và vật 4 chân. Ông nhận xét rằng linh hồn của trẻ sơ sinh cũng giống như linh hồn của súc vật. Các món ăn quyết định cách sinh sống: có những con thú sống theo đàn, có những con thú sống cô độc, miễn làm sao chúng có thể kiếm ăn một cách dễ dàng. Ông đã tìm ra kết luận gần giống như thuyết của Von Baer về các đặc tính của giống nòi và thuyết của Spencer về sự tương quan của các giống vật và sự phát triển của chúng. Nói một cách khác, một giống vật càng phát triển thì sự sinh đẻ càng ít. Ông nhận xét khuynh hướng bình đẳng của các giống vật nghĩa là những phần tử xuất chúng, do sự giao cấu với các phần tử thấp kém hơn dần dần sẽ mất các đặc tính của mình. Sau hết Aristote tạo nên một khoa học về sự phát triển của bào thai. Ông nói rằng muốn quan sát sự vật một cách chính xác không gì bằng quan sát ngay trong thời kỳ thai nghén. Hyppocrate cũng đã áp dụng phương pháp này bằng cách quan sát trứng gà lộn trong những thời kỳ khác nhau và đã viết cuốn sách nhan đề là Nguồn gốc của đứa trẻ. Aristote cũng nghiên cứu hiện tượng này và những nhận xét của ông còn làm cho các nhà khoa học ngày nay phải ngạc nhiên. Chắc ông đã làm nhiều thí nghiệm về khoa sinh sản vì ông phủ nhận thuyết cho rằng nam tính hoặc nữ tính của bào thai phụ thuộc vào vị trí của ngọc hành. Ông còn đưa ra nhiều vấn đề thời sự về nhân chủng chẳng hạn như ông đã nhận xét một cuộc hôn nhân giữa người đàn bà da trắng và người đàn ông da đen. Tất cả những đứa con sinh ra đều da trắng nhưng đến thế hệ thứ hai thì nhiều đứa con da đen xuất hiện. Đó chỉ là một nhận xét mở đầu cho định luật danh tiếng về nhân chủng học mệnh danh là định luật Mendel. Nói tóm lại mặc dù những sai lầm trong các tác phẩm về sinh lý học của ông, Aristote cũng đã đặt nền móng cho khoa học này. Nếu chúng ta để ý rằng các phương pháp sưu tầm và nghiên cứu thời ấy rất thô sơ, chúng ta phải công nhận thiên tài vĩ đại của Aristote.
5. SIÊU HÌNH HỌC VÀ THỰC CHẤT CỦA THIÊN CHÚA:

Có thể nói rằng siêu hình học theo Aristote là sự tiếp tục của sinh lý học. Tất cả mọi vật trong vũ trụ đều tiến hoá do một sức mạnh nội tâm. Mỗi một thực thể có thể được xem như một hình thể do một nguyên thể mà phát sinh ra. Ví dụ con người là hình thể, do đứa trẻ là nguyên thể phát sinh. Đứa trẻ là hình thể do bào thai là nguyên thể phát sinh. Bào thai là hình thể do noãn châu là nguyên thể phát sinh. Nếu chúng ta đi lần mãi vào nguồn gốc của nguyên thể chúng ta sẽ tìm thấy một ý niệm về nguyên thể mà không có hình thể (tức là Thiên chúa). Tất cả mọi vật trong vũ trụ đều tiến triển đến một cứu cánh, cứu cánh cuối cùng mới là quan trọng. Những sự nhầm lẫn của tạo hoá là nguyên do của những quái thai. Sự phát triển không phải là một việc ngẫu nhiên mà chính đã được hướng dẫn từ bên trong. Ví dụ cái trứng gà được cấu tạo để thành một con gà chứ không phải một con vịt, hột bồ đề được cấu tạo để thành một cây bồ đề chứ không phải một cây lau. Do đó theo quan niệm của Aristote thì quyền lực của Thiên chúa được thể hiện trong các hiện tượng thiên nhiên.
Aristote quan niệm rằng có một Thiên chúa. Ông đi từ quan niệm cử động trong vũ trụ: mọi vật trong vũ trụ đều cử động xoay vần mãi mãi, nguyên do sự cử động ấy là ở đâu ? Aristote cho rằng nguyên do ấy là ở Thiên chúa, đó là vị chúa tể đã làm cho các tinh tú và hành tinh trong vũ trụ hoặc các yếu tố nhỏ hơn được xoay vần cử động theo một định luật bất di bất dịch. Vị chúa tể này không có hình thể, không thể phân chia, không thể thay đổi, không thể bị huỷ diệt. Theo Aristote thì Thiên chúa không tạo nên vũ trụ, ngài chỉ làm cho vũ trụ cử động. Ngài là cứu cánh cuối cùng của sự vật, là nguyên thể của vũ trụ, là lẽ sống, là toàn thể những diễn tiến sinh lý, là động lực của toàn thể. Ngài là năng lực hoàn toàn, có thể so sánh được với quan niệm năng lực của nền khoa học và triết lý hiện đại.
Aristote còn quan niệm rằng thượng đế là một thực thể có nhiều bí hiểm vì ngài không bao giờ làm gì, không có ý muốn, không có mục đích, không có hành động. Vì ngài là đấng toàn năng nên không bao giờ ngài ước muốn, vì không ước muốn nên không bao giờ ngài hành động.
6. TÂM LÝ HỌC VÀ BẢN CHẤT CỦA NGHỆ THUẬT :

Tâm lý học của Aristote cũng có nhiều khó hiểu và mâu thuẫn. Trong của tác phẩm có nhiều đoạn đáng để ý, chẳng hạn Aristote là người đầu tiên biết đến mãnh lực của thói quen và xem đó như thiên chất thứ hai của con người. Đối với vấn đề tự do của ý chí và bất tử của linh hồn thì ý kiến của Aristote không được đồng nhất, khi thì ông lý luận theo thuyết định mệnh nghĩa là con người không thể làm khác hơn cái gì định mệnh đã an bài. Khi thì ông cho rằng con người có tự do định đoạt số phận của mình bằng cách lựa chọn những bối cảnh của cuộc sống, ví dụ chúng ta có thể tự tạo nên một nhân cách bằng cách chọn lựa bè bạn, sách báo, nghề nghiệp và các trò giải trí. Aristote không tiên liệu rằng những kẻ theo thuyết định mệnh sẽ cãi lại ông ta bằng cách nói rằng chính tánh tình của chúng ta ảnh hưởng đến sự chọn lựa bè bạn, sách báo, nghề nghiệp và trò giải trí của chúng ta. Aristote còn cho rằng con người muốn được khen và sợ bị chỉ trích, chính yếu tố này làm cho họ phải chọn lựa và cũng chứng minh sự tự do chọn lựa của con người. Lý luận này cũng không đứng vững vì chính sự khen chê định đọat hành vi của con người chứ không phải sự tự do lựa chọn.
Aristote còn đưa ra một lý thuyết về linh hồn. Theo ông thì linh hồn là sức sống của mọi sinh vật. Trong cỏ cây thì linh hồn chỉ là khả năng dinh dưỡng và sinh sản, trong loài động vật linh hồn là khả năng di chuyển và cảm xúc, trong loài người linh hồn là khả năng lý luận và suy tư. Vì là một khả năng, linh hồn không thể tồn tại ngoài thể chất. Tuy nhiên trong một đoạn khác bằng một lối lý luận dông dài, Aristote lại cho rằng linh hồn có thể tồn tại. Lối lý luận này tỏ ra mâu thuẫn và có nhiều chỗ tối nghĩa.
Trong một tác phẩm khác, Aristote bàn về nghệ thuật và thẩm mỹ. Ông nói rằng nghệ thuật phát minh do nhu cầu của con người muốn diễn tả những cảm nghĩ, cảm giác của mình. Trong bản chất, nghệ thuật là một sự bắt chước và phản ảnh thiên nhiên giống như cái kiếng thu những hình ảnh của tạo vật. Trong tất cả mọi người đều có bản năng bắt chước, một bản năng mà thú vật thấp kém không có. Tuy nhiên mục đích của nghệ thuật không phải là diễn tả bề ngoài của sự vật mà chính là diễn tả ý nghĩa ở bên trong.
Nghệ thuật cao cả nhất vừa đánh động lý trí vừa đánh động tình cảm, tạo nên một khoái cảm cao cả nhất cho con người. Do đó các công tác nghệ thuật phải hướng về sự đồng nhất. Ví dụ một vở kịch phải có cốt chuyện đồng nhất, nghĩa là không được có những giai đoạn đi ra ngoài đề. Sau cùng nhiệm vụ của nghệ thuật là sự thanh lọc: những cảm giác chất chứa trong con người do đời sống xã hội tạo nên có thể tìm thấy ở nghệ thuật một lối thoát êm đẹp thay vì gây ra sự bạo động. Những ý nghĩ trên đây ngày nay vẫn còn có giá trị và mở màn cho những thuyết tân kỳ về sức mạnh của nghệ thuật.

7. ĐẠO ĐỨC HỌC VÀ BẢN CHẤT CỦA HẠNH PHÚC:

Số môn đồ đến xin học với Aristote càng ngày càng đông, môn học càng ngày càng mở rộng từ vấn đề khoa học đến các vấn đề đạo đức. Những câu hỏi sau đây được đặt ra: cuộc đời lý tưởng phải thế nào ? Cái gì là mục đích tối thượng của cuộc đời ? Đạo đức là gì ? Làm sao có thể tìm thấy hạnh phúc ?
Thái độ của Aristote rất thực tế trước những vấn đề này. Ông không khuyên bảo môn đệ phải theo những lý tưởng quá cao xa. Quan niệm về bản chất con người của Aristote là một quan niệm rất lành mạnh: tất cả những lý tưởng đều có một căn bản thiên nhiên và tất cả những cái gì thiên nhiên đều có thể nẩy nở thành lý tưởng. Aristote chấp nhận một cách thẳng thắn rằng mục đích trực tiếp của cuộc đời không phải là cái hay cái đẹp mà chính là hạnh phúc. Aristote nói rằng người ta tìm kiếm tiền tài, danh vọng, khoái lạc vì người ta tưởng rằng những thứ đó đem đến hạnh phúc. Tuy nhiên cần phải biết rõ hạnh phúc thật sự là gì và con đường nào đưa đến hạnh phúc. Aristote trả lời câu hỏi này bằng cách tìm những đặc điểm phân biệt loài người và những loài vật khác. Ông cho rằng hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ các đức tính của con người. Đức tính nổi bật nhất của loài người là khả năng suy luận, chính nhờ đức tính này mà loài người đứng trên tất cả loài vật khác. Chính vì vậy mà khả năng suy luận một khi được phát triển hoàn toàn đầy đủ sự đem đến hạnh phúc hoàn toàn cho con người.
Điều kiện của hạnh phúc do đó là sự phát triển của khả năng suy luận. Đạo đức tuỳ thuộc vào sự suy luận chính xác, sự kiểm soát tinh thần, sự quân bình của lòng ham muốn. đó không phải là những đức tính của những người thường mà là kết quả của sự tập luyện và kinh nghiệm trong những người hoàn toàn trưởng thành. Con đường đi đến mục đích đó là ý niệm trung dung. Mỗi một đặc tính có thể xếp thành 3 loại: loại đầu và loại chót là những đặc tính quá khích, chỉ loại giữa mới là đạo đức . Ví dụ sự nhút nhát và tánh liều lĩnh thuộc về loại đầu và loại chót, nghĩa là những đặc tính quá khích. Tánh rộng rãi nằm giữa tánh biển lận và phung phí. Tánh khiêm nhượng nằm giữa tánh rụt rè và ngạo mạn. Tánh vui vẻ nằm giữa tánh cau có và tánh ba hoa sống sượng ...
Thuyết trung dung không phải là một thuyết có thể áp dụng một cách máy móc theo toán học. Điểm trung dung có thể thay đổi tuỳ theo trường hợp và chỉ có thể tìm thấy bằng sự suy luận trưởng thành. Chính thói quen quy luận đưa người ta đến chỗ thánh thiện. Một người hành động chính đáng không phải vì lý do họ là một người có đạo đức nhưng ngược lại chính vì họ có đạo đức do sự huấn luyện suy tư công phu mà họ hành động chính đáng. Con người có thể được đánh giá bằng những hành động của họ. Do đó sự thánh thiện không phải là một hành động đơn độc mà chính là một thói quen. Người ta còn nhớ câu nói bất hủ của Aristote về vấn đề này: "Một con én không làm nổi một mùa xuân". Tuổi trẻ là thời kỳ quá khích: nếu một thiếu niên lầm lỗi thì chắc chắn lỗi lầm đó là do sự quá khích mà ra. Sự khó khăn của tuổi trẻ là làm sao không đi từ thái cực này đến thái cực khác vì người ta thường có khuynh hướng sửa sai một cách quá đáng. Những người ở một thái cực có khuynh hướng cho rằng đạo đức không phải nằm ở điểm trung dung mà nằm ở thái cực kia.
Họ có khuynh hướng sửa mình như một người uốn một khúc tre cong: muốn làm khúc tre thẳng họ phải uốn cong về chiều ngược lại. Cũng có trường hợp những kẻ quá khích xem điểm trung dung như một lỗi lầm lớn, người can đảm bị kẻ nhút nhát xem là liều lĩnh trong khi đó những người liều lĩnh lại xem những người can đảm như là nhút nhát. Trong lãnh vực chính trị những kẻ ôn hoà bị kẻ quá khích xem là bảo thủ và bị kẻ bảo thủ xem là quá khích.
Thuyết trung dung là một đặc điểm chẳng những của Aristote mà còn của nền triết lý Hy Lạp. Platon xem đạo đức là những hành động điều hoà không quá khích, Socrate xem đạo đức là do sự suy luận mà có, trong đền thờ Apollon người ta có khắc những chữ meden agan có nghĩa là không làm cái gì quá trớn. Người Hy Lạp cho rằng sự đam mê tự nó không phải là một điều xấu, nó là nguyên liệu tạo nên điều xấu hoặc điều tốt tuỳ theo cách sử dụng có chừng mực hoặc không có chừng mực.
Tuy nhiên thuyết trung dung chưa phải là bí quyết đem đến hạnh phúc. Aristote cho rằng những nhu cầu vật chất cũng cần thiết. Sự nghèo túng quá độ làm cho con người đâm ra biển lận, một tài sản vừa phải đem đến cho con người một đời sống tự do không tham lam giành giựt quá đáng, đó cũng là một đặc điểm của chế độ quý tộc. Một yếu tố khác rất cần thiết cho đời sống hạnh phúc là sự kết bạn. Càng được san sẻ, hạnh phúc càng tăng trưởng. Khái niệm về công bằng không quan trọng trong tình bằng hữu, khi đã là bạn, người ta không nghĩ đến sự công bằng so đo tính toán trong việc giao thiệp. Mặt khác, số bạn chân thật không thể có nhiều: kẻ nào có quá nhiều bạn thật ra không có người bạn nào. Làm bạn với tất cả mọi người là một điều không thể thực hiện được. Tình bạn chân thật phải được thử thách với thời gian, nó đòi hỏi sự ổn định trong tánh tình. Một khi tánh tình không ổn định thì sự kết bạn lẽ cố nhiên cũng bị ảnh hưởng. Bình đẳng là một yếu tố cần thiết trong sự giao thiệp, sự biết ơn không làm cho sự giao thiệp được lâu dài. Những kẻ thi ơn luôn luôn muốn người khác chịu ơn mình mãi mãi trong khi những kẻ chịu ơn luôn luôn muốn xa lánh kẻ thi ơn càng sớm càng tốt. Do đó, sự giao thiệp không thể nào được vững bền.
Mặc dù các tiện nghi vật chất cần thiết cho đời sống hạnh phúc, yếu tố chính là sự sáng suốt của tâm hồn. Những khoái lạc giác quan không phải là chìa khoá của hạnh phúc. Một đời sống chính trị như làm lãnh tụ một quốc gia hoặc một đảng phái không thể đi đôi với hạnh phúc. Những người làm chính trị phải chiều theo sở thích của quần chúng mà không có gì thay đổi bấp bênh bằng sở thích quần chúng. Hạnh phúc phải là sự khoái lạc của tâm trí.
Con người lý tưởng của Aristote không làm việc nguy hiểm một cách vô ích nhưng gặp trường hợp cần thiết họ có thể hy sinh tánh mạng vì có nhiều lúc đời sống thật không còn đáng sống. Họ sẵn lòng giúp đỡ kẻ khác nhưng nhận sự giúp đỡ một cách rất dè dặt. Họ không tìm cách phô trương, họ thẳng thắn nói lên những điều ưa và ghét, hành động một cách chân thật.
Họ không bao giờ khen ai quá đáng vì họ nhận thấy rằng ở trên đời thật sự không có cái gì đáng khen cả. Họ không thể sống a dua với kẻ khác vì tánh a dua là đặc tính của kẻ nô lệ. Họ không bao giờ muốn làm hại ai và sẵn lòng tha thứ tất cả những lỗi lầm của kẻ khác. Họ không muốn nói chuyện nhiều, cũng không muốn được người khác tâng bốc hoặc chỉ trích người khác. Họ không nói xấu người khác dù đó là kẻ thù của họ. Họ đi đứng khoan thai, nói năng ôn tồn, không bao giờ hấp tấp vì tâm trí họ không bị bận rộn bởi những điều phức tạp. Họ không bao giờ hăng hái quá độ vì họ biết rằng trên đời này không có cái gì quan trọng. Họ chịu đựng những sự bất trắc ở đời một cách vui vẻ và đoan trang, giống như một tướng lãnh giỏi cầm quân ngoài mặt trận nắm vững chiến thuật chiến lược. Họ thích sống một mình và không sợ sự cô đơn. Đó là con người lý tưởng của Aristote.
8. KHOA HỌC - CHÍNH TRỊ
8.1. Cộng sản và bảo thủ:
Tư tưởng chính trị của Aristote lẽ tất nhiên phải chịu ảnh hưởng của những tư tưởng về đạo đức kể trên. Nói cách khác Aristote thiên về chế độ quí tộc. Mặt khác, với tư cách là thầy học của một vị hoàng đế và chồng của một vị công chúa, Aristote không có lý do để thiên về thuyết dân chủ hoặc có cảm tình với giai cấp thương gia: Túi tiền của chúng ta nằm ở đâu, triết lý của chúng ta nằm ở đó.
Thêm vào đó tư tưởng ôn hoà của Aristote có thể xem là hậu quả của những tệ đoan do một nền dân chủ quá bê bối. Ông ước mong tìm lại nền an ninh trật tự và hoà bình. Ông cho rằng cần phải chấm dứt những cuộc phiêu lưu chính trị. Chỉ trong những tình thế ổn định con người mới có quyền quá khích. Aristote nói rằng :"người ta có thói quen thay đổi luật lệ quá dễ dàng, làm như vậy lợi bất cập hại. Chúng ta cần phải chịu đựng những điểm thiếu sót nhỏ nhặt của nhà làm luật hơn là đòi thay đổi luật pháp. Quốc gia sẽ không có lợi gì một khi dân chúng làm quen với thái độ bất phục tùng và luôn luôn đòi thay đổi luật pháp. Sự tuân hành luật pháp (rất cần thiết cho sự ổn cố chính trị ) thường bắt nguồn ở tập tục. Thay đổi luật pháp khác gì phá vỡ nguồn gốc của sự tuân hành luật pháp.
Aristote chỉ trích chế độ cộng sản của Platon, cho đó là một chế độ không tưởng. Ông không đồng ý với cuộc sống tập thể của giai cấp thống trị theo kiểu Platon; ông thích những đức tính cá nhân, sự tự do, sự hữu hiệu và trật tự xã hội. Ông không muốn xem tất cả người xung quanh là anh chị, xem tất cả người có tuổi là cha mẹ. Nếu tất cả đều là anh chị, lẽ tất nhiên không có người nào thực sự là anh chị. Thà rằng có một người bà con xa, song thật sự là bà con còn hơn có những người bà con theo kiểu Platon. Trong một xã hội mà tất cả phụ nữ và nhi đồng đều là của chung, tình yêu thương sẽ phai nhạt. Chỉ những cái gì thực sự của ta mới được chiều chuộng và gắn bó.
Rất có thể rằng trong quá khứ xa xôi có một xã hội sống theo chế độ cộng sản. Trong xã hội đó một gia đình được coi như một quốc gia và tất cả hoạt động kinh tế tập trung vào việc cày ruộng và nuôi súc vật. Đối với một xã hội phát triển hơn, cần có sự phân công phức tạp hơn, khả năng của con người không thể đồng nhất như xưa và do đó không thể áp dụng chế độ cộng sản được. Cần phải có sự thúc đẩy tâm lý con người mới chịu tự rèn luyện để đảm nhận những công việc chuyên môn, cần phải có phần thưởng của tư sản con người mới chịu hăng hái phát triển kỹ nghệ và chăn nuôi. Khi tất cả tài sản là của chung, thì không một ai chịu lo lắng giữ gìn tài sản ấy, người ta có khuynh hướng lo lắng cho cái gì thuộc riêng mình và hoàn toàn lơ là trước các vấn đề chung. Cuộc sống tập thể theo kiểu cộng sản tạo nhiều vấn đề nan giải, không chóng thì chầy các cá nhân sẽ tìm cách gây gổ nhau để phân chia của cải.
Người ta thường chỉ trích chế độ tư sản, cho đó là nguyên do của tất cả các tệ đoan xã hội. Sự thật thì nguyên do của các tệ đoan ấy không phải ở chế độ tư sản mà ở bản tánh con người. Khoa học chính trị không đủ sức để làm nên những con người mới mà phải quan tâm đến đặc tánh hiện hữu của con người. Nói một cách tổng quát, con người gần con thú hơn là gần các thiên thần. Phần đông đều u mê và lười biếng. Dù ở trong chế độ nào đi chăng nữa những người ấy cũng nằm vào hạng chót. Chủ trương giúp đữ họ không khác gì chủ trương đổ nước vào một cái thùng bể. Họ phải được cai trị trên phương diện chính trị và sai bảo trên phương diện kinh tế, sự đồng ý của họ hoàn toàn không cần thiết. Từ lúc ra đời đã có những người sinh ra để bị sai khiến và những người khác sinh ra để sai khiến. Những người có khả năng suy nghĩ và tiên liệu là những người sinh ra để làm chủ, những người chỉ có thể làm việc bằng chân tay là những người sinh ra để bị sai khiến. Sự phân công trong xã hội không khác gì sự phân công trong cơ thể: những người chỉ huy không khác gì bộ óc, những người thi hành không khác gì chân tay, chân tay phải phụ thuộc vào bộ óc cũng như người thừa hành phụ thuộc vào người chỉ huy. Người thừa hành là một dụng cụ có đời sống và dụng cụ là một người thừa hành không có đời sống. Aristote tiên liệu sự tiến triển của xã hội đến một đời sống máy móc khi ông viết những dòng sau đây: "Nếu tất cả các dụng cụ đều tự động làm việc, nếu máy dệt tự dệt lấy quần áo, nếu cái đàn tự phát ra những âm thanh... thì lúc đó người ta không cần đến những kẻ thừa hành hoặc những nô lệ nữa".
Lối suy nghĩ trên chứng tỏ thái độ khinh nghề lao động chân tay của người Hy Lạp. Nguyên do là đời sống lúc bấy giờ còn thô sơ và công việc lao động chân tay không đòi hỏi nhiều khả năng như bây giờ. Aristote xem những người lao động chân tay như những người hoàn toàn không biết suy nghĩ. Những công việc ấy chỉ thích hợp với giai cấp nô lệ và cũng dễ nô lệ hoá con người. Aristote cho rằng công việc lao động chân tay làm cho trí óc cằn cỗi, không có thì giờ hoặc năng lực để suy nghĩ về chính trị. Do đó Aristote cho rằng chỉ những người rảnh rang mới được quyền tham gia chính trị. Những kẻ làm thợ nhiều khi còn bị mất quyền công dân. Ở Thèbes còn có một đạo luật cấm những thương gia giữ chức vụ trong chính phủ nếu họ chưa hoàn toàn từ bỏ tất cả các hoạt động thương mãi trong thời hạn 10 năm trở về trước. Những kẻ cho vay, đổi tiền, được Aristote xếp vào hạng nô lệ. Ông coi việc buôn bán như một hành động bất chính và sự cho vay nặng lãi như một hành động đáng ghét. Tiền bạc dùng để giao hoán, không phải để sinh lợi. Sự nghiên cứu tài chánh là những việc đáng làm đối với một triết gia, nhưng các hoạt động tài chánh là những việc không xứng đáng với một công dân.
8.2. Hôn nhân và giáo dục :

Đàn bà là nô lệ, đàn ông là chủ. Sự tương quan giữa đàn bà và đàn ông không khác gì sự tương quan giữa những kẻ trí thức và những kẻ lao động chân tay hoặc giữa những kẻ man rợ và những công dân Hy Lạp. Aristote cho rằng đàn bà chỉ có thể tuân lệnh. Theo bản chất, phụ nữ không có ý chí, do đó không thể tự lập. Việc làm thích hợp nhất đối với phụ nữ là coi sóc nhà cửa. Không nên làm cho phụ nữ được ngang quyền với nam giới như Platon đã chủ trương. Trái lại sự cách biệt cần phải được tăng thêm vì chính sự cách biệt ấy khuyến khích gần gũi giữa nam giới và nữ giới. Sự can đảm của nam giới không giống như sự can đảm của nữ giới như Socrate đã chủ trương. Aristote cho rằng sự can đảm của nam giới thể hiện trong việc chỉ huy, sự can đảm của nữ giới thể hiện trong sự phục tòng. Giữ im lặng là sự vinh quang của nữ giới.
Trên thực tế Aristote cũng nhận rằng sự phân chia khả năng trên ít khi được thực hiện. Thường thường trong gia đình chiến thắng không phải về tay kẻ có sức mạnh vật chất mà về tay kẻ biết nói nhiều và nói dai. Để cứu vãn nam giới khỏi thiệt thòi, Aristote khuyên nam giới chỉ nên lập gia đình vào lúc 37 tuổi và chỉ nên cưới những người vợ vào khoảng 20 tuổi. Một thiếu nữ vào khoảng 20 đủ sức đương đầu với một nam nhi vào khoảng 30, do đó cần phải lấy người chồng vào khoảng 37 thì trật tự gia đình mới bảo toàn. Mặt khác, Aristote bênh vực cho thuyết của mình với nhận xét rằng với số tuổi chênh lệch ấy, khả năng sinh sản của hai vợ chồng mới có thể chấm dứt vào một lúc. Nếu người chồng còn khả năng này hoặc ngược lại thi đời sống gia đình sẽ khó khăn. Đối với nam giới tuổi chấm dứt sinh sản là 70, đối với nữ giới tuổi chấm dứt sinh sản là 50, do đó tuổi cưới hỏi cần phải phù hợp.
Nếu 2 vợ chồng trẻ quá thì sức khoẻ của con cái sẽ bị tổn thương. Những cặp vợ chồng trẻ thường sinh con gái nhiều hơn con trai. Sức khoẻ quan trọng hơn tình yêu giữa vợ chồng. Những phụ nữ lập gia đình quá sớm thường dễ hư hỏng, những thanh niên lập gia đình quá sớm thường không phát triển được tất cả những khả năng vật chất và tinh thần của mình. Vấn đề hôn nhân là một vấn đề tối quan trọng đối với quốc gia xã hội, vì vậy cần phải được hướng dẫn và kiểm soát bởi chính phủ: chính phủ phải ấn định tuổi tối thiểu và tuổi tối đa để kết hôn cho mọi công dân nam nữ, những thời kỳ nào được phép sanh sản và mức độ gia tăng của dân số. Nếu mức độ này quá lớn cần phải áp dụng phương pháp phá thai. Dân số trong mỗi quốc gia tuỳ thuộc vào các nguồn lợi và vị trí của quốc gia ấy. Nếu dân số quá ít quốc gia không thể tự túc, nếu dân số quá nhiều các nguyên tắc dân chủ sẽ khó áp dụng. Dân số một quốc gia không nên quá 10 000 người.
Chính phủ cũng phải kiểm soát nền giáo dục. Muốn chính thể được lâu dài, nền giáo dục phải thích hợp. Những kẻ xuất chúng phải được huấn luyện để trở nên những nhà cai trị. Họ sẽ sống một cuộc đời hoàn toàn vì quyền lợi chung, không đếm xỉa đến của cải riêng. Toàn dân phải được huấn luyện để biết tuân theo pháp luật. Những công dân tốt trước khi trở thành người chỉ huy giỏi phải là người thừa hành giỏi. Nền giáo dục còn có tác dụng thống nhất quốc gia, vượt lên trên những vấn đề chia rẽ địa phương. Các thanh thiếu niên cần phải thấm nhuần các điều lợi ích do cuộc sống tập thể đưa lại. Một con người có giáo dục là một con vật (người ?) tốt nhất, những kẻ sống cô độc làm những kẻ tệ hại nhất. Nếu sự bất công được sử dụng võ khí thì tệ hại càng lớn hơn. Những kẻ có giáo dục không biết hoà mình vào đời sống xã hội cũng đáng sợ hơn, chúng là những con vật tham lam, chỉ sự kiểm soát của xã hội mới đem chúng về con đường đạo đức.Nhờ lời nói con người họp thành một xã hội, nhờ xã hội con người phát triển trí thông minh, nhờ trí thông minh con người sống trong trật tự, nhờ trật tự con người đi đến văn minh. Chính trong xã hội con người mới có những cơ hội để phát triển. Chỉ những thú vật hoặc những thánh hiền mới sống cô độc.
Những cuộc cách mạng bao giờ cũng đáng trách. Chúng có thể đem lại một vài cải cách, nhưng con người phải trả giá quá đắt. Khuyết điểm lớn nhất là tình trạng hỗn độn có thể đưa đến sự phá huỷ trật tự xã hội và cơ cấu quốc gia. Những sự cải cách đôi khi có thể thấy được hoặc tính toán được nhưng các điều bất tiện thì thường thường không thể ngừa trước được mà có khi lại rất quan trọng. Sở dĩ người ta phê phán một cách dễ dàng là vì người ta chỉ nhìn sự vật một cách hời hợt. Những người trẻ tuổi thường dễ bị lừa gạt vì họ tin một cách quá dễ dàng. Huỷ bỏ những tập tục cổ xưa là một việc làm rất nguy hiểm có thể đe doạ sự ổn cố của chính thể. Mặc dù được chính thức huỷ bỏ các tập tục cổ xưa vẫn còn sống trong dân chúng. Nếu một hiến pháp muốn được tồn tại lâu dài, hiến pháp đó phải được đại đa số dân chúng tán thành. Một nhà cai trị muốn tránh các cuộc nổi dậy cần phải làm thế nào để xã hội không có những người quá giàu hoặc quá nghèo. Họ phải khuyến khích dân chúng ra khai khẩn đất đai ở nước ngoài để sự cạnh tranh ở trong nước có lối thoát; họ phải khuyến khích và thực hành tôn giáo. Một lãnh tụ "cần phải tỏ ra ngoan đạo. Nếu dân chúng thấy rằng lãnh tụ của mình ngoan đạo họ sẽ tin tưởng vào vị lãnh tụ nhiều hơn. Do sự tin tưởng ấy họ sẽ không tìm cách lật đổ vị lãnh tụ, những kẻ yếu bóng vía còn tưởng rằng vị lãnh tụ của mình thế nào cũng được các thần thánh giúp đỡ".
8.3. Dân chủ và quý tộc:

Với những bảo đảm về phương diện tôn giáo, giáo dục và nền tảng gia đình, cơ cấu chính trị mới có thể vững chắc. Trong tất cả mọi chính thể đều có những ưu điểm và những khuyết điểm. Trên lý thuyết, chính thể lý tưởng là sự tập trung tất cả quyền hành chính trị vào người khôn ngoan nhất. Thi sĩ Homère có nói rằng : "để cho đám đông cai trị là không tốt, việc cai trị chỉ nên giao cho một người". Đối với một người như vậy, luật pháp chỉ là một phương tiện hơn là một giới hạn. Đối với người xuất chúng không thể có luật pháp nào ràng buộc được : chính họ là luật pháp. Trên thực tế, chế độ quân chủ thường là chế độ dở nhất. Sức mạnh và đạo đức thường không đi đôi với nhau. Do đó chế độ tạm dùng được là chế độ quý tộc trong đó một số người xuất chúng nắm giữ guồng máy của quốc gia. Việc cai trị là một việc quá chuyên môn không thể giao cho dân chúng ngu dốt đảm nhiệm được. Trong ngành y khoa, chỉ những bác sĩ mới được hỏi ý kiến, tại sao không áp dụng nguyên tắc này trong lãnh vực chính trị. Một nhà toán học có thể chọn lựa những nhà toán học, một thuyền trưởng có thể chọn lựa những thuyền trưởng, do đó sự chọn lựa những nhà cai trị phải giao cho những nhà cai trị.
Sự khó khăn của một chế độ quý tộc cha truyền con nối là sự thiếu một căn bản kinh tế. Trong xã hội luôn luôn có những người đột nhiên trở nên giàu và do đó đòi quyền được tham dự vào công cuộc chính trị . Họ sẽ bỏ tiền ra để mua bất cứ cái gì kể cả chức tước. Đó là tình trạng đáng tránh vì khả năng chính trị và khả năng làm giàu là 2 lãnh vực hoàn toàn trái ngược. Để cho kẻ làm giàu lên nắm chính quyền tức là khuyến khích dân chúng có những thủ đoạn của kẻ gian thương vì dân chúng luôn luôn có khuynh hướng nghĩ theo và làm theo người lãnh đạo. Một chế độ quý tộc không căn cứ trên khả năng chính trị không phải là một chế độ quý tộc thực sự.
Chế độ dân chủ thường thường là kết quả của một cuộc cách mạng chống giai cấp giàu sang. Aristote đã có một tư tưởng gần như Karl Marx khi ông nhận xét rằng : Sự cạnh tranh để làm giàu khiến cho giai cấp trọc phú càng ngày càng bị thu hẹp, đám dân chúng vô sản càng ngày càng đông đảo. Những phần tử này sẽ làm cách mạng để lật đổ giai cấp thống trị." Sự chấp chính của giai cấp vô sản có một vài ưu điểm. Xét theo từng cá nhân thì giai cấp này không ra gì nhưng xét theo ý chí chung thì giai cấp này cũng tạm gọi là được. Dân chúng là những người thừa hưởng và trực tiếp chịu ảnh hưởng những chế độ chính trị, với tư cách đó họ có nhiều kinh nghiệm quý giá mà giai cấp lãnh đạo không có. Những kẻ hưởng dụng những tiện nghi của một toà nhà có thể phê bình toà nhà ấy xác đáng hơn là những kiến trúc sư. Những thực khách trong một bữa tiệc có thể phê bình những món ăn xác đáng hơn là những người nấu bếp. Mặt khác, một ưu điểm khác của chế độ dân chủ mà Aristote đã nêu ra là khi đại đa số dân chúng được tham dự chính quyền, sự kiểm soát lẫn nhau sẽ làm khó khăn cho các hành vi tham nhũng. Người ta có thể làm dơ bẩn một ly nước dễ dàng hơn làm dơ bẩn một hồ nước. Hơn nữa, cá nhân dễ bị chi phối vì tham sân si và dễ có những xét đoán sai lầm trong khi đoàn thể khó bị rơi vào tình trạng trên.
Tuy nhiên, Aristote vẫn cho rằng chế độ dân chủ không bằng chế độ quý tộc. Ông không chấp nhận nguyên tắc bình đẳng trong chế độ dân chủ . Ông cho rằng mọi người có thể bình đẳng trên một vài phương diện nhưng không thể bình đẳng trên tất cả mọi phương diện. Ông sợ rằng trong chế độ dân chủ các phần tử sáng suốt sẽ bị hy sinh cho quyền lợi của đa số. Ông còn sợ rằng một thiểu số sẽ nấp sau đa số mà thao túng chính trường. Vì lẽ đó, ông vẫn chủ trương rằng chỉ nên trao quyền đầu phiếu cho những kẻ sáng suốt. Ông muốn có một sự dung hoà giữa 2 chế độ dân chủ và quý tộc.
Một nền cai trị theo hiến pháp hình như là câu trả lời cho giải pháp dung hoà nói trên. Chúng ta cần phải tìm hiểu thế nào là một hiến pháp tốt đẹp nhất cho hầu hết các quốc gia, thế nào là đời sống lý tưởng nhất cho hầu hết các công dân. Chúng ta không nên đặt những tiêu chuẩn quá cao hoặc chủ trương một nền giáo dục quá lý tưởng , chỉ một số ít người theo kịp. Trái lại cần phải đặt những tiêu chuẩn trung bình khiến cho đại đa số dân chúng có thể đạt được dễ dàng. Cần dựa vào những lực lượng muốn duy trì hiến pháp. Lực lượng này không thể gồm toàn dân chúng, hoặc những kẻ có của cải, hoặc những quân nhân, hoặc những công chức mà phải bao gồm tất cả những thành phần kể trên. Lực lượng nòng cốt phải được tìm thấy ở giai cấp trung lưu.
Nếu tất cả mọi người đều có cơ hội tham gia chính phủ thì chế độ dân chủ được bảo đảm. Tuy nhiên Aristote thấy rằng việc chọn lựa người tham gia chính phủ phải được cân nhắc kỹ lưỡng chỉ những người có đầy đủ điều kiện mới được vào, đó là nguyên tắc của chế độ quý tộc. Mặc dù nhìn công việc chính trị dưới khía cạnh nào đi nữa người ta cũng sẽ cùng đi đến một kết luận chung: đó là dân chúng phải có quyền ấn định mục tiêu của quốc gia trong khi đó chỉ những người chuyên môn mới có thể thực hiện mục tiêu đó.
9. PHÊ BÌNH:

Đối với Aristote chúng ta khó có những cảm nghĩ khen hoặc chê một cách nồng nhiệt vì chính Aristote cũng chủ trương rằng không có cái gì làm chúng ta hăng hái quá đáng, không có cái gì đáng khen. Aristote không hăng hái như Platon cũng không có những tư tưởng độc đáo, trí tưởng tượng cao siêu của Platon. Tuy nhiên, sau khi thưởng thức những tư tưởng động trời của Platon chúng ta thấy rằng những tư tưởng của Aristote không khác gì một cơn gió mát thổi vào một buổi trưa hè.
Chúng ta có thể bất đồng ý kiến với Aristote về một vài điểm chẳng hạn như Aristote cho rằng tam đoạn luận là một lối suy luận thông thường và chính xác trong khi ngày nay chúng ta có khuynh hướng coi rằng tam đoạn luận cũng chỉ là một mánh lới để thuyết phục kẻ khác. Ông tưởng rằng tư tưởng con người đi từ các nguyên đề để tìm đến kết luận trong khi trên thực tế có rất nhiều trường hợp con người đi tìm kết luận trước rồi mới cố đặt ra những nguyên đề để chứng minh kết luận của mình.
Những nhận xét của Aristote về thiên nhiên chứa rất nhiều sai lầm quan trọng. Ông thường để cho các tư tưởng siêu hình ảnh hưởng đến các nhận xét khoa học. Đây cũng là một đặc điểm của nền văn hoá Hy Lạp : Các học giả thời ấy thường đi đến kết luận một cách quá hấp tấp. Trong thế giới hiện nay chúng ta lại gặp một trường hợp trái ngược : chúng ta có quá nhiều nhận xét đến nỗi chúng ta cảm thấy vô cùng bối rối khi phải đi đến một kết luận vì các sự kiện, các con số, các nhận xét không ăn khớp với nhau.
Công trình nghiên cứu của Aristote về đạo đức học bị ảnh hưởng quá nhiều của luận lý học. Kết quả là một công trình quá khô khan không đủ sức thúc đẩy con người tự cải thiện. Lý tưởng của Aristote thiên về một đời sống quá bình thản, quá ôn hoà, một đời sống mà người ta thường gán cho giai cấp thượng lưu ở Anh-cát-lợi. Một điểm đặc biệt là những tác phẩm về đạo đức học của Aristote được 2 trường đại học danh tiếng tại Anh-cát-lợi là Oxford và Cambridge dùng làm sách giáo khoa. Nhiều thế hệ sinh viên Anh-cát-lợi xem tác phẩm của Aristote như kinh nhật tụng. Tác phẩm nhan đề là "chính trị" đã góp phần xây dựng tư tưởng của người Anh để đem lại một nền chính trị ôn hoà và hữu hiệu. Nếu thay vì mến chuộng những tác phẩm của Aristote, người Anh lại ham mê và áp dụng những tư tưởng của Platon thì bộ mặt của thế giới có lẽ đã đổi khác.
Chúng ta cần phải để ý rằng tư tưởng của Aristote thuộc về một loại riêng biệt và không có những đặc tính của những tư tưởng thuần tuý Hy Lạp. Khi ông đến thành Athènes, một thành phố Hy Lạp thì ông đã là một người trưởng thành. Vì lẽ đó ông không bị ảnh hưởng bởi đặc tính bồng bột của người Hy Lạp, luôn luôn tìm sự mới lạ trong lãnh vực chính trị, đi từ cải cách này đến cải cách khác cho đến khi sát nhập vào một chính quyền trung ương. Trái lại Aristote luôn luôn tìm cách tránh sự quá khích. Đặc tính ôn hoà của ông làm cho tư tưởng ông một đôi khi có vẻ quá tầm thường. Ông rất sợ những tình trạng hỗn loạn trong xã hội đến nỗi đã lên tiếng bênh vực chế độ nô lệ. Ông sợ những sự thay đổi và chủ trương một xã hội trung thành với các tập tục cổ xưa. Ông quên rằng chế độ cộng sản của Platon chỉ áp dụng đối với giai cấp thống trị, một giai cấp lý tưởng mà Platon đã coi như hoàn toàn giác ngộ, không còn tham lam vị kỷ. Mặc dù đả kích Platon, Aristote cũng đi đến kết luận gần giống như Platon khi ông chủ trương rằng các tài sản trong xã hội cần phải đem ra sử dụng chung. Ông bênh vực quyền sở hữu những ông không thấy rằng quyền sở hữu chỉ có ích đối với xã hội khi vật sở hữu là những món đồ dùng cá nhân không quan trọng . Trái lại khi quyền sở hữu cá nhân liên quan đến các phương tiện sản xuất rộng lớn nó sẽ đưa đến sự tập trung quyền hành quá mạnh và sự bất bình đẳng quá lớn trong xã hội.
Tuy nhiên những nhận xét kể trên thật ra hoàn toàn không cần thiết đối với một hệ thống tư tưởng đã ra đời cách đây 2500 năm. Dù sao đi nữa Aristote đã nêu cao ngọn đuốc văn minh cho nhân loại đồng soi chung. Ông đã đặt nền móng cho một hệ thống tư tưởng vững chắc và giúp cho các thế hệ tương lai dựa vào đó để phát triển sự nghiên cứu sưu tầm hầu mạnh tiến trên con đường tìm chân lý. Những nền văn minh kế tiếp đều mang một món nợ tinh thần đối với Aristote. Những tác phẩm của ông lần lượt được phiên dịch trong suốt quá trình tiến triển của nhân loại nhất là vào thế kỷ thứ 5, thế kỷ thứ 10, thứ 13 và thứ 15. Đạo quân thánh chiến đã đem về Âu châu nhiều tác phẩm của Aristote và các học giả thành Constantinople đã mang theo những tác phẩm của Aristote như những bảo vật khi họ phải tản cư khỏi thành phố này trước những đội quân xâm lăng Thổ-nhĩ-kỳ. Các tác phẩm của Aristote được mến chuộng nhiều cho đến nỗi các cấp lãnh đạo giáo hội Thiên chúa giáo đem lòng ganh ghét vì sợ làm lu mờ các điều truyền dạy trong thánh kinh. Năm 1215 việc giảng dạy các tác phẩm của Aristote bị giáo hoàng cấm, năm 1231 đức giáo hoàng Gregory IX thành lập một uỷ ban để khai trừ Aristote, tuy nhiên đến 1260 thì thái độ của giáo hội thiên chúa giáo đối với Aristote hoàn toàn thay đổi. Việc giảng dạy các tác phẩm của ông chẳng những không bị cấm mà còn bị bắt buộc trong các trường thiên chúa giáo. Những thi sĩ như Chaucer và Dante không tiếc lời ca tụng Aristote. Một số tư tưởng của ông đã ngự trị trong lịch sử văn minh nhân loại hàng chục thế kỷ trước khi bị lu mờ bởi những chứng minh khoa học.
10. TUỔI GIÀ VÀ CHẾT :

Cuộc đời của Aristote có rất nhiều nỗi truân chuyên. Ông có sự bất bình với vua Alexandre vì nhà vua đã xử tử một người cháu của ông. Nguyên do vụ án này là vì cháu của Aristote không chịu phục tòng Alexandre. Trong lúc đó, Aristote lên tiếng bênh vực Alexandre trước những chỉ trích của phe chống đối tại Athènes. Ông binh vực cho sự thống nhất các tiểu quốc người Hy Lạp và muốn thấy tình trạng chia rẽ chấm dứt càng sớm càng tốt. Ông muốn dành vai trò thống nhất các dân tộc Hy Lạp cho Alexandre cũng như sau này văn hào Goethe muốn dành vai trò thống nhất các dân tộc Âu châu cho Napoléon. Trong khi đó các nhóm chia rẽ tại Athènes càng ngày càng bành trướng, họ cương quyết phản đối việc Alexandre cho đúc một bức tượng của Aristote và đặt ở Athènes. Trước tình thế này Aristote rất khó lòng giữ được vẻ lạnh lùng và bình tĩnh trước cuộc đời như ông thường cổ võ trong tác phẩm „Đạo đức học“. Những môn đệ của Platon phụ họa với các nhóm chính trị khác vận động để kết tội Aristote.
Năm 323 tTL vua Alexandre chết. Dân chúng thành Athènes thừa dịp đó tuyên bố ly khai và đánh đổ đảng Macédoine là đảng đã ủng hộ Alexandre. Một nhà lãnh đạo tôn giáo cầm đầu phong trào chống đối Aristote vì cho rằng Aristote đã phản lại tôn giáo bằng cách cổ võ dân chúng không nên cầu nguyện và cúng tế. Aristote biết trước thế nào ông cũng bị đem ra xử trước một đám dân chúng cuồng tín và có nhiều ác cảm. Ông bèn rời bỏ thành phố Athènes để đi nơi khác. Cử chỉ này không phải là một cử chỉ ươn hèn vì theo tục lệ thời ấy, nếu một chính trị gia không muốn bị dân chúng xét xử họ có quyền bỏ thành phố để đi nơi khác. Đến Chalcis Aristote nhuốm bịnh và chết. Có người cho rằng ông đã uống thuốc độc tự tử vì quá ngao ngán cho nhân tình thế thái.
Cũng trong năm ấy và cũng trong lứa tuổi 62, một vĩ nhân Hy-lạp khác là Démosthène cũng uống thuốc độc tự tử. Thế là trong vòng một năm dân Hy-lạp đã mất một nhà lãnh đạo tài ba nhất, một nhà hùng biện hùng hồn nhất và một triết gia thông thái nhất. Ngôi sao của Hy-lạp mờ dần trước sự tiến triển vượt bực của người La-mã. Tuy nhiên sự lộng lẫy của La-mã căn cứ vào sức mạnh hơn là vào nền văn hoá. Sau đó nền văn minh La-mã cũng tàn rụi. Dân chúng Âu châu phải trải qua 1000 năm đen tối trong khi chờ đợi sự tái sinh của triết học./.
Câu Chuyện Triết Học
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9 (chương kết)