watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chó Mèo Hoang - tác giả Xuân Diệu Xuân Diệu

Chó Mèo Hoang

Tác giả: Xuân Diệu

Thà con cọp trên rừng hay đàn cá dưới biển, chúng nó sống như chúng nó sống, cứ tự nhiên, như cỏ nội, hoa đồng. Chúng không cần loài người biết đến, họ có hay không thì chúng cũng chả dính líu gì, có họ mà lại hay hơn! Chứ giống chó, giống mèo, nếu ta không nuôi thì nó biết làm sao? ừ, chúng đi làm gì?
Những chó mèo hoang không thể lại thành chó sói hay mèo rừng. Chúng đành phải thất thơ thất thểu, rách rưới, lang thang. Người ta phải nuôi, có một bổn phận phải nuôi bọn nó, nhưng người ta không nuôi. Vậy thì thôi, ai bắt người ta cho được?
Những con vật ấy đã nhiễm thói ăn cơm với cá, quen tính ở cậy ở nhờ, nương tựa, ỷ lại vào những gia đình, để bắt chước những điều văn minh. Chúng đã qua lại trong nhà cửa, đụng chạm với những bàn ghế, chung chạ với bếp núc. Và không thể tự mình lo đủ, vì đã mất bao nhiêu tài cán trời cho.
Không ai nuôi, bọn nó đi hoang; chúng bơ vơ, cực khổ, chúng đói khát, dơ nhớp, chúng thất nghiệp.
*
* *
A, những con mèo mắt sao, mắt ma, mắt giếng thẳm, bí mật như xứ cổ Ai Cập! Chúng rút mình lại, kêu một tiếng rù rù đâu từ các lỗ chân lông phát ra, lấm chấm nghe như gồm bằng rận nhỏ. Chúng hư thân, mất nết lắm, cái bọn mèo!
Khi Sơn còn học vần quốc ngữ ở nhà, mỗi lúc gần bữa ăn, mẹ Sơn bảo:
- Sơn, đi lấy cơm cho mèo ăn trước, kẻo đến lúc người ta ăn, nó nhảy ngay lên, đứng trên bàn.
Cơm xéo thật rời, chan nước thịt, lại bỏ thêm cá vụn, đựng trong cái chén sắt tây mới tháng trước em Sơn còn bưng ăn. Sơn trông mà bắt thèm đi được. Thế mà con Mun lè cái lưỡi hồng chỉ liếm vài miếng, xơi hết cá rồi thôi. Nó ăn sang! Nó làm bộ! Cho ăn tử tế thì không chịu. Để rồi đi ăn vụng, sướng hơn!
Nó lại còn làm biếng nữa. Trong bốn tháng trời nuôi nó, nó chỉ bắt được có một mẩu chuột tí hon. ấy vậy mà khi xin nó về, mẹ Sơn xách tai nó giơ bổng lên cao thử xem tính nó siêng hay nhác, thì con Mun co mình lại, quắp chân vào, kêu eo éo, ngó sao dễ thương quá! Làm cho cả nhà tưởng nó sẽ siêng.
Sơn cho nó ăn cơm lâu ngày cũng chán. Sơn không chịu nổi công việc ấy nữa. Trước người ta quí nó bao nhiêu, bây giờ nó hư bấy nhiêu. Mặc xác nó! Miễn là giữ gìn các thức ăn, đừng cho nó ăn vụng. Nó muốn đói thì cứ đói, mà muốn no thì bắt chuột lấy mà ăn!
Thế rồi con Mun đi hoang, theo bạn theo bè. Nó đi lúc nào không hay, nhẹ nhẹ bốn chân cao su của nó.
*
* *
Nhưng một sáng sớm cách đó ít lâu, ở đống gỗ đầu hiên, Sơn nghe có cheo chéo những tiếng mèo kêu, nhão ướt và inh ỏi. Thằng Được, một đứa ở nhỏ, kể lại với Sơn, giọng quan hệ bằng chuyện sinh hoàng tử:
- Con mèo bụng to gần sát đất vẫn đến nhà ta; hôm nay đẻ rồi. Năm con! Nó gầy xóp ve, không có sữa nên con nó la nheo nhéo.
Thế có gì hay? Song thằng nhỏ nói giọng rất thầm kín làm cho Sơn tò mò.
Sơn chạy ra xem. Mấy mẹ con ở trong hốc nào, tìm mãi không thấy, chỉ nghe tiếng rên la. Bọn mèo sơ sinh thi nhau réo to, trẻ con khóc không bằng. Sơn thương ngay. Thực lòng Sơn tội nghiệp chúng nó lắm.
Và Sơn liền được dịp che chở: chính trưa hôm ấy con mèo mẹ đến luẩn quẩn dưới bàn ăn cơm. Không biết nghĩ sao nó cứ đụng vào ghế Sơn ngồi. Sơn biết ý, lén bỏ xương cá xuống đất. Cái ấy cấm ngặt. Mẹ Sơn đã dặn: "Đừng bỏ xương xuống, nhớp nhà, và dậm lủng chân". Nhưng con mèo và cả gia đình nó đương đói đây này, quí hóa gì cái xương mà tiếc với nó?
Mẹ Sơn bắt được Sơn bỏ cả nửa con tôm xuống dưới bàn. Bà nhìn theo xuống, thấy con mèo. Bà nói:
- Mày nhịn ăn mà nuôi nó! Làm thế nó quen môi đến hoài, rồi rũ lông vào đồ ăn cho người ta ho lao!
Ăn phải lông mèo thì ho lao! Ghê chưa?
Mẹ Sơn còn giảng với những người khác:
- Không phải vậy là thương chứ. Đồ mèo hoang, chỉ tổ ăn chùng!
Tuy thế, sau bữa ăn trưa, Sơn lén vét một chén cơm cho con mẹ khốn nạn. Sơn lại còn nói mơn nó:
- Ăn đi, ăn mau, về mà cho con mày bú!
Có phải tội nghiệp hay không? Mấy con mèo mới đẻ, nhỏ yếu, khát sữa, rúc miệng nhai nát vú mẹ mà chẳng nước gì. Trách sao bọn nó đừng la. Nghĩa là nó khóc theo tiếng của nó.
*
* *
Tuy mẹ Sơn nói hung hăng, nhưng bà không rầy Sơn tốt bụng của bà nữa. Ngày nào con mèo lạ cũng được no. Bà lại còn vẽ cho Sơn:
- Cho nó vừa vừa, kéo nó bỏ dư, uổng hột ngọc trời. Người ta nói "ăn như mèo ăn ", con lấy chi nhiều cơm vậy?
Rồi thì một hôm - chúng nó vào như mèo chả ai biết mà để ý - toàn chùm mèo con nằm gọn trên cái ghế mây. Chúng lại dỡn nhau, con này nhảy lên con kia, làm dáng, khoe duyên, nằm xuống, đứng lên, ngừng lại, chạy vòng, tưởng đâu nhà của Sơn là nhà của chúng.
Đẹp nhất có con tam thể. Ba màu óng ánh, trắng, đen, vàng. Chao ôi, sao nhỏ nhẻ, mũm mỉm, yếu ớt, dễ thương! Sơn nhịn không được, bồng nó vào tay, vuốt ve, nưng nịu. Chị của Sơn, cô Thư mười hai tuổi, bấy lâu hờ hững, hôm nay lại âu yếm hơn ai. Cô nhỏ bồng lên mà thương, thương lộ rõ nơi bàn tay mơn lông, thương quấn quít nơi hai chân nhảy nhót, thương giòn giã nơi miệng nói, thương, thương!
Mẹ Sơn ban đầu nghìn nghiêm hai chị em:
- "Mèo vào nhà thì khó, chó vào nhà thì giàu". Bay liệu đấy! Cơm đâu mà nuôi sáu cái miệng chỉ giỏi ăn mày?
Chị Sơn nũng nịu:
- Mẹ ạ "chó vào nhà thì nghèo, mèo vào nhà thì giàu" chứ! Có phải không mẹ! Phải không Sơn, câu tục ngữ xuôi hơn, đúng hơn chứ?
Mẹ tát yêu vào mặt chị. Giỏi thực! Chị Thư học đâu mà nhiều tục ngữ thế? ứng đối như trạng Quỳnh.
Rồi nhà lăng xăng lên vì những tiếng "meo... meo..." của năm sáu con mèo và của hai đứa nhỏ gọi mèo. Cho ăn, tắm rửa, chăm sóc, vuốt lông, dỡn, đùa, nhìn, vui quá!
Một lần mèo chạy vào chỗ cát, mũi còn ướt, nên dính cát đầy. Sơn phủi không hết, đem cào rửa, đến nỗi rách da non, thấy cả thịt hồng, Sơn lẻn vào buồng mẹ, lấy ve dầu tăng dót ra bôi.
Thấy mũi mấy con mèo nhỏ vàng khè, chị của Sơn lè lưỡi xuýt xoa, tưởng như mũi mình đương bị rát. Nhưng Sơn giảng nghĩa cho chị:
- Chị ạ, mèo nó không biết rát như ta đâu.
*
* *
... Lòng sốt sắng nguội dần, nhất là trong lòng con trẻ. Mấy con mèo càng ngày càng khuấy nghịch. Chị Sơn ngồi tập khâu vá, thì chúng tung rối cả cuộn chỉ; Sơn học, thì một con nhảy lên nằm gọn trên vở mới, nhớp tờ giấy trắng tinh. Cho ăn chung thì phải lấy cả cái đĩa to, đĩa ấy bận đơm cơm cho người nhà; cho ăn riêng thì phải bốn năm cái chén; mà bỏ cơm giữa đất, thì phải quét nhà.
Và càng lâu, càng lớn, chúng ăn càng tợn; mà thức ăn chúng lại kén chọn như ông hoàng. Nhà Sơn có giàu, có sang đâu!
Đã mấy lần, Sơn nghe thằng Được cau có. Bởi vì mèo ăn hết cơm, hết cá, hết phần của nó đi. Nó ăn sau nên nhà trên ăn còn thừa món gì, thì mèo đã hưởng trước nó, đến lúc bưng xuống thì bao nhiêu đĩa đã sạch bong. Và, hỡi ôi! Mèo lại còn ăn lẫn của nó nữa! Một hôm, mẹ Sơn cho nó một miếng cá - ngon lắm, cá thu - nó chưa ăn, chạy ra giếng xách nước; trở vào: đau đớn chưa mèo phỗng mất của nó rồi!
Té ra bọn mèo này ăn vụng! Rau nào sâu nấy. Chị Sơn đã bắt đầu nghĩ cách người lớn:
- Đồ con chửa hoang, làm sao mà nên được! Hư là phải. Cái giống mèo hoang...
Thấm thoát qua nửa tháng. Bọn mèo hành hung, rối loạn. Giường nào cũng leo, bàn nào cũng trèo, ghế nào cũng ngồi, không còn thứ bậc chi nữa. Nhỡ mình chúng có bọ chét, có phải lây sang người ta không? - Và ăn vụng cũng không chừa; quen môi chúng càng gian giảo gắt. Lại còn la inh ỏi; ban sáng, ban trưa, ban đêm người ta ngủ, lúc nào cũng mè nheo.
Con mèo mẹ ra gương xấu trước nhất. Phải trị. Đầu tiên, mẹ Sơn bảo đánh, Sơn lấy một cái lạt tre mỏng như cái tăm. Lần thứ hai một cái que lớn hơn. Lần thứ ba, cái cán quạt lửa. Lần thứ tư, con mèo lỳ lợm quá. Sơn phải dùng cả đến cái thước gạch. Thế mà mẹ Sơn còn mắng:
- Mày đánh không thấm da nó! Phải đánh mạnh, đánh chết đi cho chừa!
Sơn đánh không nỡ tay. Sao lại bắt Sơn làm công việc trị mèo ấy? thằng Được liền vội vàng bái lĩnh. Nó thi hành ngay với chiếc guốc, với cây củi. Nó cứ đánh bừa, gặp cái gì trong tay, là nắm lấy mà đánh mèo, không biết nó có thù gì to lớn thế. Sơn xin nó đừng đánh, nó không nghe. Sơn bảo nó đánh nhẹ, nó chỉ cười. Thấy mà đau giùm cho mấy con mèo; thằng nhỏ nhẫn tâm quá! Nhưng mèo hư tột bậc, cứ ăn vụng hoài. Sơn không có lý gì để bênh vực. Chị Sơn đã bỏ chúng, chỉ còn Sơn bịn rịn, - sao lòng Sơn lại yếu hơn lòng đàn bà?
Bây giờ ai đánh mèo, Sơn không dám cản, ai đập guốc nhằm chân mèo, Sơn chỉ nói nhỏ trong miệng: "tội chưa" - Bọn mèo ơi, ngoan lên thử nào! Bay hư hỏng thế này thì xấu hổ cho Sơn, người đã rước bay về; bay làm cho Sơn không thể giữ bay ở lại mà nuôi nấng.
*
* *
... Gió nồm bỗng thổi lên: thả diều sướng biết mấy! Sơn không giữ mấy con mèo nữa, ngày độc ác ấy, mẹ Sơn bảo thằng Được bỏ lũ mèo ở miếng đất hoang tận đầu thành phố, rất xa, cho chúng khỏi tìm cách về. Cách giải thoát này hoàn toàn nhất, không còn kế nào hơn. Còn nhớ thằng Được - thằng nhỏ sao nỡ quên rằng nó cũng tập tàng như rau tập tàng, đẻ ở bên ruộng kia, nếu không đẻ nơi đống gỗ - Thằng Được xách một tay hai cái tai, một tay ba cái; bọn mèo van nỉ, nhưng nó thì cười. Và con mẹ thì nó mượn một đứa nào đó ôm theo. Nó còn thêm:
- Tao vứt đủ cả sáu chúng mày hủ hỉ mẹ con với nhau. Đừng mong về ăn vụng nữa?
Tiếng "ăn vụng" kéo Sơn lại với niềm sắt đá; Sơn phải nhớ sự thật; nhớ bao nhiêu điều hại bọn mèo đã gây ra; dầu Sơn có thương đến đâu, cũng không ôm mấy con mèo lại được.
Ngày nay lớn lên. Sơn không chỉ thương sáu con mèo xấu số đã cùng sống với chàng trong một thời hạn, ghi lại nơi tay chàng một cảm giác mịn màng ve vuốt, lưu lại nơi mắt chàng cái ký ức của những con mắt tinh ma.
Chàng nghĩ đến tất cả những con mèo sống trong lối, lút trong đêm, trùm trong bí mật ghê sợ của một cuộc đời vô định, khác xa những con mèo sang trọng trong những gia đình trưởng giả, nằm chuốt lông trên chiếc gối bông êm ấm, hình bóng loáng như hàng lụa bao ghế hay gạch hoa lát nhà.
Nhiều phen Sơn đứng trên gác trọ, nhìn bao nhiêu nóc nhà chen lấn, lúc nhúc, gập ghềnh. Những nét ngớ ngẩn vì rắn rỏi, những đường gãy hẳn một cách thô bạo, mái bằng phẳng hay trồi lên sũm xuống vì lợp kiểu âm dương, vôi mốc rêu, ngói cũ càng, những màu nâu hay đỏ, những sắc xám hay xanh: tất cả làm nên một cảnh tượng kỳ dị, buồn cười, một cảnh tượng riêng khác.
Sơn nói: đó là thế giới của bọn mèo hoang. Chúng chui trong ống khói đen, nằm trong máng khô nước. Chúng đi nhẹ như sự rụt rè, chúng nhảy mau, chúng lượn nhanh, chúng vọt cao, chúng bổ thấp. Chúng khinh luật thăng bằng, chúng không sợ chiều dưới, và không nể chiều trên. Chúng không thể ngã chúng không thể té. Có phải chúng nó sống trong một cái đời ở trên cuộc đời hay không?
Song chúng tìm đâu ra ăn? Bảo là ăn vụng, thì tiện quá; cái hay, cái khó ở nơi cách ăn vụng. Đánh cắp thế nào? Rình mò ra sao? Chờ ban trưa, đợi ban tối? Nào có dễ gì ăn vụng! Người ta không chịu mất một con tôm to hay một miếng thịt nhỏ mà không báo thù bằng một thanh củi nặng làm gãy xương sườn. Có nhiều đêm, Sơn được gặp hai chấm sáng trong bóng đen, thôi miên, ám ảnh. Có những chiều, Sơn bắt gặp một thoáng mèo vụt qua rồi biến không biết nào nơi đâu. Có những trưa, Sơn trố mắt tha hồ trông những con mèo hoang gầy bẹp như không có bề dày, ngủ phơi dưới nắng.
Dầu đói khát, dầu phải tìm vỏ tôm hay xương cá ở nơi thùng rác, dầu phải đánh cắp những bộ ruột gà người ta vứt đi, dầu khổ sở thế nào, nhưng con mèo hoang vẫn giữ lấy vẻ quý phái – quý phái chứ không trưởng giả. Cách đi đứng, cách nhai nuốt, cách nâng nhẹ những vật thừa thãi đều có duyên của những bà hoàng sẩy ngôi hay những cung nữ hết thời. Chúng bước dè dặt, không muốn dính mình vào đất dơ, chúng có cái đặc tài giữ chân cẳng trơn tru, dù phải dậm qua nhớp nhúa. Và hễ thong thả, chúng liền tỉ mỉ tắm gội. Những cơn đói không bắt chúng lành tính sạch sẽ; tuy là mèo hoang, chúng vẫn còn là mèo.
*
* *
Và họ cũng không chừa cắn nhau, những bà tướng có râu mép. Họ không bỏ hẳn cốt hùm beo của giống giòng. Chân gầy của họ khéo dùng những móng trắng mỏng, nhọn quấn lại, giữ bén và kỹ hơn gươm trong chuôi.
Họ bấu nhau thì ít, gừ nhau thực nhiều. Họ gậm gừ, tiếng khô như khát, tiếng xóp như đói. Những tiếng căm giận, uất ức, đen ngòm, mếu máo như tiếng khóc của đứa hài nhi. Chốc chốc hai tiếng kình địch xoắn lại như quặn lấy nhau, nghe sợn sùng giữa đêm tối.
Tiếng gào của bọn mèo hoang, xui ta tưởng đến những bãi tha ma, những quỷ địa ngục. Ta thường gọi "Mèo ma" những thứ mèo tợ hồ không phải là sự thật, những thứ mèo có lẽ là giả, là yêu tinh. Và ý chừng, tuy ta không nói rõ với trí ta, ta vẫn tin mờ mờ rằng đó là yêu tinh hiện hình giả dạng.
Mèo hoang! Chuyện hồ ly thuở xưa chắc hẳn chỉ là bịa đặt; chỉ có các ngươi, chỉ có bọn mèo hoang mới thực là hồ ly tinh!
*
* *
Bọn mèo hoang tuy thế mà còn sướng. Chúng chẳng sinh ra để sống ngoại hạng, sống ngoài biên là gì. Chúng cao, chúng nhẹ, chúng ở thượng tầng như những nóc lầu chúng xem tợ đất bằng, như những chim sẻ chúng bắt ăn. Chúng có thuật tàng hình, biết làm một xứ riêng, ở đó mà meo, mà gào, mà khóc lên những tiếng hãi hùng cho bọn trẻ con - như Sơn khi còn nhỏ.
Bọn chó hoang mới thực khổ.
Bọn nó trung thành quá nên cứ luẩn quẩn chung quanh người. Bọn nó hiền quá, thật thà quá để người ta đánh một cách dễ dàng, rồi kêu những tiếng đau đớn như bị gãy xương và vỡ trái tim. Gồm bằng những con chó nhà nghèo, chủ đói không có ăn, huống chi là chó. Gồm bằng những mẫu chó đẻ bên bụi cỏ, lọt lòng ra rúc hết vú mẹ không được một chút sữa khô. Gồm bằng những con chó người ta quên nuôi, vì một ngày kia trong nhà bỗng có mười con hoàng anh hay một con vẹt. Gồm bằng những con chó người ta không đem đi, lúc đổi chỗ ở: chúng yêu quá, nương mùi tìm chủ, song đường xa thẳm, hơi đã bay theo gió mấy lần.
Gồm bằng những con chó già. Gồm bằng những con chó đau. Và biết đâu? Gồm bằng những con chó cứng đầu, ghê roi vọt và sợ đọa đày, bằng lòng chết khổ để theo tự do, như chó sói.
*
* *
Ban ngày, chúng đi lang thang, không biết dùng mình làm việc gì. Chúng không phải là loài biếng nhác. Nhưng không có sân, không có nhà mà giữ để sủa cho sướng miệng. Bây giờ chúng dám đâu hùng hổ với người ăn mày! Bởi vì chúng cũng đương đi ăn xin. Nhưng chúng chỉ có đôi con mắt để mà trông thôi, chúng không có lời để mà nói. Chúng chỉ có một bộ xương rất rõ, đếm được từng cái một, không hề che lấy bằng mảnh giẻ nào; nhưng chúng không thể van xin: "lạy ông, lạy bà, nhón tay làm phúc". ồ! lắm phen chúng ngứa miệng quá. Song lẽ nào lại quáu lên giữa đường, ở ngoài trời không; loài người sẽ đánh cho im, và chửi như... chửi chó!
Những con chó nhà vẫn thường đến nhập đàn với chúng. Trong đôi giờ, chúng được quên rằng chúng là "hoang". Cả năm sáu con ngửi lông nhau, liếm mặt nhau. Một con theo đuôi một con, khác chi một người theo chân một người để xin tình ái. Chúng đứng hai con với nhau; sau khi đã mơ lẫn nhau rồi, hai bên ngơ ngẩn hai đường, mỗi đằng nghĩ một ý riêng...
Họ không kể đến xã hội loại người; còn giữa bọn họ với nhau, thì họ không biết mắc cỡ. Họ rất tự nhiên. Bởi thế mới bị người ta đến quăng đá, ném đất cho, khuấy phá làm rầy, phạm vào tự do của họ. Bảo họ vào giữa sa mạc mà yêu nhau hay sao?
Cũng rất nhiều lần cắn nhau dữ tợn, ồn ào. Những con yếu - đó là những con "hoang" - bị nhổ cả từng vạt lông, da sùi trắng hay cháy ứa máu hồng. - Nói hồng cho đẹp vậy thôi chứ máu của loại chó khô khan, đói khát, gầy gò, chỉ có thể bầm tím. Và có lẽ họ không còn máu để chảy nữa kia!
Đó còn lúc khá. Lúc này mới chịu không nổi cho bọn vẩn vơ; tới giờ ăn, những con vật mập mạp, đầy đủ, béo tròn liền bỏ chạy về mừng ông chủ cũng béo tròn, đầy đủ mập mạp, đuôi ngoắt lia lịa, đầu quấn quít vào những ống quần. Chủ đánh cái nhẹ vào mỏ ác, và một đứa nhỏ ngoa mồm lên:
- ấy, thưa cha, con Vàng nó chạy ra chơi với chó hoang, bẩn cả bộ lông rồi!
- Thầy ạ, con Vện nó muốn hư như lũ chó hoang.
- Con Ba Tô! Mày không được chạy rông như chúng nó.
"Chúng nó" thì đương ngơ ngác nhìn theo. Đầu chúng cần được cọ vào một bàn chân; sườn của chúng nhớ một bàn tay ve vuốt. Và nhớ nhất, là cái bụng lép đáng thương, rỗng như những ngày trống không ở dọc đường.
Chao ôi đói, đói, đói không rên được, đói đi không nổi, đói lử cả người, đói... Bọn họ lẩn thẩn lơ thơ, tìm những cái xương không thể rớt xuống tự trên trời, kiếm những miếng cơm mà đất không làm cho mọc lên. Trời ơi, được một cái xương to mà giòn, nhai nghe rào rạo! Ôi chao! Mùi thơm ngào ngạt ở trong bếp nhà kia đưa ra cùng với khói ngon lành! Nếu vào được ở dưới một cái bàn ăn, há hờ những hột cơm rớt xuống! Những cậu bé vụng về và hào phóng, mới tập cầm đũa hay ăn quà đã no, các cậu đi đâu vắng cả? Sao không làm mưa cơm xuống đầy đất, những hột cơm có ướt nước cá, nước thịt, nước tôm! Các cậu rất xa xỉ, các cậu đạp cả chén cơm cho đổ ùa, các cậu há miệng rất hẹp, cố ý vãi cho con chó hai phần thìa cơm. Khi suốt ngày xơi bánh đã quá no, các cậu bưng chén cơm ra hè, mượn con chó của các cậu ăn giùm cho, rồi khoe với mẹ rằng các cậu giỏi lắm. Ôi, những cậu bé hay thương người như vậy, sao các cậu chỉ ở trong nhà!
Ước mơ... Nhớ nhung... Thèm thuồng. Và đói!
Húc mũi vào đống rác. Lè lưỡi trên bụi cỏ. Cào đất lên như những con gà. Con chó hoang cũng vẫn nhớ rằng không có gì trong ấy đâu, rác và cỏ, và cả đất nữa đều bị nó lục soát mấy mươi phen rồi. Nhưng tìm để mà tìm, để an ủi này lừa dối cơn đói mà thôi. Vả lại biết đâu ông trời của loài chó lại không rủ lòng thương mà cho gặp gỡ?
Chiều chiều Sơn đi chơi, thỉnh thoảng gặp một con chó ngẩn ngơ giữa đường vắng, kiếm gì ở dưới đất, mùi dư hay hương thừa, vết không thấy của một miếng thịt hay bóng vô hình của một ngày qua?
Gặp Sơn nhiều lần nên con chó quen người; nó đã đi sau, hít hơi của Sơn một cách ngọt ngào mà Sơn không để ý tới. Rồi một bận, nó cứ theo lỳ lấy Sơn, đuôi phe phẩy. Chắc bấy lâu, nó không được mừng ai, đuôi nó cần được dùng vào tình quyến luyến. Ai bảo rằng tâm hồn nó lại không đồng một cảnh khát khao yêu mến, như cô gái hay chàng trai trong tiểu thuyết tình?
Thú thực rằng Sơn có hơi sợ chó. Đứng xa xem thì được; lại gần, nghe con chó giơ hàm răng, thè lưỡi ướt liếm vào hai chân, Sơn nhột và sợ. Khi nhỏ, học bài "Con chó dại", Sơn ghê rợn và hễ gặp con chó nào đuôi bỏ thõng, mắt ngơ ngác, Sơn liền nghĩ ngay rằng nó cắn chết người. Bây giờ, tuy Sơn biết con chó ấy không dại, nó chỉ "hoang" thôi; Sơn cũng đương còn chút sợ thuở xưa; con vật theo chàng, chàng cuốn chân, vội vàng nạt nó một tiếng lớn. Chàng muốn ù té chạy. Nhưng lại e nó rượt theo cắn chàng.
Cái ấy không cấm chàng hết lòng thương con vật bơ vơ. Sơn thấy con chó buồn. Nó buồn lắm. Không ai thương nó hết,- nó biết đâu rằng Sơn không dám vuốt ve nó. Sơn sợ tuy rằng thương. Nó chỉ cúi gầm đầu xuống. Nó đi thất thểu không lanh lợi. Thỉnh thoảng nó ngẩng lên nhìn cái gì đâu đâu. Rồi nó lại cúi xuống đường, vừa theo mãi lấy Sơn.
Nó buồn lắm. Nó đương buồn, hoặc có cớ, hoặc không cớ. Mà chắc trong hồn loài vật, nỗi buồn mới thực là vô căn, không hiểu bởi vì đâu và cũng không rõ là thế nào.
Con chó kia còn biết dùng buổi chiều của nó để làm gì? Nó không biết. Nó không có thú tiêu khiển nữa. Nó một mình, - à không, nó đi theo Sơn.
Và Sơn thì theo những ý nghĩ rất thương xót, đớn đau. Người ta buồn thì có thể đi chơi, ít nữa người ta cũng tự biết, chứ con chó sau chân Sơn, nó chỉ đương ngơ ngẩn, không hiểu cái gì lạ thế đè nặng nó như một lớp. Nó khó chịu, nó ngơ ngác, nó cầu cứu với Sơn.
Nhưng Sơn không thể bồng nó vào tay, nựng nịu, mơn trớn nó. Sơn thương chứ không mến. Sơn tội nghiệp, nhưng lòng chua xót vô vị của Sơn không giùm cho con chó được tý gì.
Rồi Sơn muốn dứt khoát cái dây tình cờ đến buộc lấy chân Sơn. Sơn đi nhanh để con chó hoang không theo kịp. Bấy giờ con vật bèn chạy lúp xúp, ô hay! Sao nó dính vào Sơn như thế!
Nó còn chạy theo chàng một quãng xa, như ai bắn nó, đuôi ngoắt hoài, mũi không thôi ngửi vào chân Sơn, cách tỏ âu yếm giống hệt của loài người: người ta hít hương da thịt của bàn tay, của cánh tay, của đầu với tóc, với má, với cổ họng có những hốc nhỏ chứa mùi thơm...
Con chó hoang đã đứng dừng, ngực lép thở mau mau, cái lưỡi thè ra một chút. Sơn đi nhanh quá, Sơn cũng không thèm quay lại nhìn nó cơ mà. Nó biết người ta ghét nó, nên phải dừng lại và trông dõi người đi.
Nó đã xin lòng thương. Nó được lòng thương nhiều lắm, ngập cả tâm hồn người đã đành tâm bỏ nó. Nhưng nó không được nghe trên lông những ngón tay chạy dài, những ngón tay lượn ngược. Lấy hai chân, lấy một chân đè lên mình nó mà mơn trớn nó cũng được; nhưng không!
Sơn bước đi, nhưng người ta đau đớn ngoảnh mặt tránh một cách thê thảm. Cũng như lòng Sơn, chân Sơn không thể nào nhẹ được, tuy chàng nhất định không ngoảnh lại, sợ gặp đôi mắt thảm thiết của cái linh hồn đầu đường xó chợ kia. Sơn rùng mình, vì chàng thấy mình đương dẫm lên tình của một con chó rách, dẫm lên trái tim tội nghiệp của một con vật tồi tàn. Và Sơn hoa mắt đi, tưởng chân mình dính xương, máu nát tan như xương máu của một con chó chết chẹt ô tô.


Rút từ tập truyện ngắn Phấn thông vàng, 1939.

Các tác phẩm khác của Xuân Diệu

TRƯỜNG CA

Những bước đường tư tưởng của tôi

Truyện Cái Giường

Tỏa Nhị Kiều

Thương Vay

Thư Tình, Mùa Thu

Thân Thể

Suối Tóc Ðẹp

Suối Cá Vàng

Sợ

Phấn Thông Vàng

Người Học Trò Tốt

Cái Hỏa Lò

Cái Dây Không Ðứt