Tỏa Nhị Kiều
Tác giả: Xuân Diệu
Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị kiều
Mỗi lần đến chơi nhà Phan, một cái gác thuê ở một phố hẻo lánh, tôi phải đi qua "nhà dưới", qua một mảnh sân nhỏ, trèo một cái cầu thang, đi một đoạn nữa, rồi mới tới lầu ngà của anh bạn âm thầm. Giá Phan ồn ào, nghịch ngợm, ranh mãnh lên như người ta thì hơn. Để mà được một chút vui tươi chứ! Đằng này Phan lại rất nhịp nhàng với tất cả chỗ anh ở, khiến cho tôi bùi ngùi quá, mỗi khi đến thăm anh.
Tôi biết nói cái gì trước bây giờ? Cái gì cũng buồn như nhau: con đường sắc xanh không rải nhựa, dãy phố lặng lẽ, gian nhà không chút đặc biệt của ông chủ, căn phòng không sáng sủa của bạn tôi, và nhất là ở tầng dưới, nơi tôi thường đi qua, có hai cô gái thế nào ấy. Và cái gì cũng lỡ cỡ; chúng nó xấu hẳn đi, buồn hẳn đi có được không? Mọi vật đều buồn một cách lưng chừng, xui lòng tôi cũng không đủ cớ mà buồn nữa kia, phải chịu ngùi ngùi một cách vô lý.
Đoạn đường chạy qua đó không đủ rộng để làm một đường phố, cũng không đủ hẹp để làm một ngõ hẻm; đá không chịu lởm chởm, mà chỉ hơi gập ghềnh. Nhà không chịu xấu, không chịu tối, mà lại chưng một vẻ phong lưu nghèo nghèo một tí. ánh sáng không chịu sáng; giữa hai dãy lầu khéo đứng để ngăn mặt trời, cả ngày chỉ là một buổi chiều dài. ở chợ Hàng Da đương náo nhiệt bao nhiêu, thế mà vừa đi một trăm bước để vào con đường này, cuộc đời bỗng quạnh hiu làm cho nhà cửa ngơ ngẩn.
*
* *
Và nhất là hai cô gái con ông chủ nhà dưới. Nhất là hai nàng Kiều không kiều diễm, mà người ta cũng chẳng chịu khóa hẳn để tôi thương xót cho được vẹn toàn.
Hai cô ở trong một gian nhà có đủ sập gụ, tủ chè, câu đối, hoành phi, có đủ cả bộ bàn ghế Vân Nam chạm chim trái và nạm cẩm thạch. Nhưng tôi chỉ trông qua cũng biết không phải là giàu.
Quỳnh và Giao, hai tên ngọc đặt cho hai người hiền. Họ ngây ngây thơ thơ (chứ không được là ngây thơ), học lặng lẽ và ngơ ngác; ấy là hai hột cơm.
Mỗi lần đi ngang qua, tôi nhanh chân như lủi trốn, nhưng tôi vẫn đủ thì giờ thấy hai cô gái. Màu áo họ rất thanh đạm, vì nhạt nhẽo nên buồn buồn. Cô Quỳnh trẻ hơn, áo mới hơn cô Giao một chút - tôi quên không nói rằng tôi biết tên hai cô là nhờ bạn tôi.
Phan, cái anh chàng khó hiểu làm sao! Anh rất ít nói, và cũng ít làm. Kiểu mặt á Đông, mắt nhỏ và dài, không biết chứa những gì trong vẻ mập mờ kín hẹp ấy. Tôi lạ cho anh hết sức. Sự lặng lẽ của anh là một thứ hư vô, và tôi cảm như không có anh Phan.
Đôi khi Phan lên cầu thang, tôi gặp được nơi khóe môi anh một chút nhíu da giống như một phần sáu của nụ cười. Thấy thế, tôi vui vui, và hơi nghĩ ngợi.
Tôi nghĩ đến Quỳnh, cô em hiền lành quá, với đôi mắt yên ổn và như không. Cô hơi xinh. Mặt cô tròn. Hay nhíu đôi mày cong, cô có vẻ trẻ con lắm. Cô hiền lành đến nỗi tôi thấy xót thương. Tôi không nghe cô nói một câu gì,- có lẽ chỉ vì tôi không có dịp nghe cô nói.
Biết đâu Phan chẳng đồng điệu với Quỳnh, hai sự "như không" gặp nhau. Chắc cái khóe môi hơi nhích kia biểu hiện một cảm tình kín đáo.
Rồi nhân đó, tôi nghĩ đến cô chị. Dường như cô có một tật nhỏ nơi chân: bước của cô cao thấp không đều. Và dường như cô mang một nỗi buồn không ngớt. Cô giống cha cô, mà cha cô thì chẳng khôi ngô chút nào. Trái lại, mắt ông tròn như hai chấm mực, miệng ông hơi quạu, đôi môi giơ tới trước như kình với ai. Ông thường ngồi chéo chân trên sập giữa nhà, và tôi hằng gặp ông đeo kính, tuy không thấy ông cầm sách. Một lần ông đã cự tôi, vì tôi gấp rút vào gác trong, không kịp xin phép ông. Và từ đó, tôi càng thương ông lắm.
Cô Giao giống con người đứng tuổi ấy, thực bất lợi cho cô. Vì cô không dữ - tôi xem qua thì biết - mà mặt cô lại mang những nét không hiền.
ấy đó, Quỳnh và Giao, hai Kiều rất dửng dưng không e lệ nép vào dưới bụi hoa nào cả, và cũng không đẹp một chút, nhưng bởi một hội ý tiêu tao, đã khiến tôi nghĩ ngay đến câu thơ phong tỏa của người xưa.
*
* *
Bởi vì hai cô ngồi trong một buổi chiều rất đỗi ngẩn ngơ, một buổi chiều triền miên của sự vật và của linh hồn, một buổi chiều trong nhà và trong tâm lý. Lạ quá! Tôi như cảm nghe sự mờ nhạt của cuộc đời, khi trông hai cô.
Dầu tôi vui đến đâu, khi bước vào nhà ấy, tôi cũng nghiêm nét mặt, bước khẽ, sợ động không khí. Hễ vào nhà thì phải cất mũ, tuy thế, trong cử chỉ thường lệ ấy, tôi tưởng như tôi đương chào ai, đương chào một cái gì, một đám tang hay một nỗi đau thương.
Tôi không thấy có một người đàn bà đứng tuổi, nên tôi nghĩ rằng ông chủ góa vợ, hai cô mồ côi. Nhưng một lần, tôi bỗng gặp bà chủ. Và tôi chỉ quen được thấy hai người con gái, nên tôi nghĩ rằng ông chủ không có con trai; nhưng tôi lại nhầm to: gặp hai người thiếu niên đi với Phan, tôi hỏi ra mới biết đó là anh của hai Kiều.
Và hỏi thêm ra, tôi hay rằng ông chủ nhà là một người làm việc nhà nước đã về hưu. Ông còn mấy cậu bé gửi học ở Nam Định. Gia đình họ đông đúc thế, và chắc cũng khá đủ tiền bạc; sao tôi lại bày những cớ rất gở, lại giả sử trong trí tôi những điều nhầm tưởng, những chuyện không lành?
*
* *
Nhưng sao nhà ấy lại bao trùm trong một bầu không khí nhạt tẻ, không ánh nắng, chẳng hương người? Sao lại có hai nàng con gái kia, ngơ ngác kia như không biết sống?
Tôi biết hai cô không có việc gì làm. Họ chẳng mấy lúc đi chơi. Họ để cho ngày tháng qua. Họ là hai cái cây - họ lại còn thua hai cái cây, bởi vì còn ra hoa, ra trái, chứ đời con gái của họ, họ biết làm gì? Không sắc, không duyên, và cũng không tiền; chỉ có hiền lành.
Giá họ đừng hiền lành như thế thì hơn, giá họ đàng điếm, hung dữ, trơ trẽn, lẳng lơ tôi sẽ được vui vì thấy họ có việc. Tôi sẽ được cười nếu thấy họ đi đua xe đạp, tôi sẽ được thản nhiên, nếu thấy họ đỏm dáng chòng ghẹo bất cứ người nào.
Tôi ước được gặp họ chửi mắng người ở, đánh đập con sen tôi mong họ ngoa mồm lên, lay động hai cặp môi đắp son đỏ choét. Tôi muốn mặt họ bự phấn, tôi cầu cho họ làm bộ làm tịch, lố lăng bao nhiêu cũng được; thà họ làm cho tôi ghét còn hơn làm cho tôi thương.
Nhưng không! Hai cô buồn buồn ngồi đó, trên trường kỷ, chờ đợi một sự gì xẩy đến. Phố vắng, nhà cũng vắng: hai người anh đi chơi luôn, bà mẹ về nhà quê, ông cha lặng lờ hết ra lại vào. Hai cô cũng hết vào lại ra.
Cô em có một chờ đợi: là chồng. Nhưng có lẽ cô cũng hơi biết rằng nỗi mong ấy gần với một viễn vọng. Còn cô chị? Tôi nghe bạn tôi bảo rằng cô đã có một đời chồng: chồng cô đã ly dị với cô. Hỡi ôi! cô Giao còn biết gì để mà trông ngóng.
Tôi thương hai cô như hai con vật ngẩn ngơ trong rừng lạnh, khi chiều giăng lưới qua muôn gốc cây. Buổi chiều của hai cô mờ nhạt và kéo dài; hai cô lẫn trong mù sương. Đáng tội nghiệp nhất là hai cô không sầu tư, không có một nỗi chán nản gớm ghê, nó xui ta cầu xin cái chết. Không, hai cô là hai cô gái, chỉ biết buồn mờ, buồn lặng, nhưng buồn lâu. Hai cô là hai cánh đồng...
Nhiều lần, theo một liên tưởng mau chóng, tôi nghĩ đến những cụ già còn đôi chút sức lực, ngày ngày quanh quất giữa bàn ghế trong nhà. Cứ tự nhiên im im như thế, các cụ ăn, ngủ, mà may thay! Trong lúc ấy, thì giờ qua... Cho đến khi các cụ hết ở trong nhà với sự buồn tẻ. Cái chết đã nhận những linh hồn kia, cái chết đã là mục đích.
Tôi lại rất nhớ những khi xế trưa, nắng ngả vào bếp nhà tôi. Lửa tắt, than lạnh, chỉ đôi con ruồi lơ thơ đậu dưới đất thỉnh thoảng bay lên kêu vo vo. Nắng vàng phai lặng, chán nản làm sao! Lúc ấy, mọi người đều cảm thấy mơ hồ nỗi nhạt nhẽo của ngày này tiếp theo ngày nọ. Đến nỗi một người đơn giản như mẹ tôi cũng buột mồm nói: "Cơm mai rồi cơm chiều, rút cục mỗi ngày hai bữa cơm".
Mà nhà ai lại chẳng thế! đứa nào mộc mạc nhất cũng đã từng buồn bã khi làm bữa cơm chiều. Ai lại không nghe, ít ra một lần, nỗi đìu hiu của cái Ao Đời bằng phẳng. Chúng ta nhảy múa, gào khóc quay cuồng để cho có việc; nếu không, ta sẽ thấy một sự vắng vẻ vô cùng thê lương. Và dù siêng năng đến đâu, đôi lúc ta cũng bắt gặp ở đây hồn ta một nỗi trống không rất tuyệt vọng.
Có phải vì vậy mà tôi thương hai cô gái kia chăng? Không biết. Tôi không thấy rõ duyên cớ; tôi chỉ thương mà thôi, thương một cách thành thực và dễ dàng. Tôi đã cảm giùm cho hai kẻ ngơ ngác, và lặng thinh ngắm một cảnh tà dương.
*
* *
Bởi vậy tôi đã nảy ra một ý: đến nói chuyện với hai Kiều. ít nữa tôi cũng là một viên sỏi, một cục đá đến rơi xuống trên mặt nước phẳng lỳ của ngày nọ. Tôi định tâm làm cho hai cô tức, cáu, đem tặng hai cô hạnh phúc thấy mình cũng được xẳng xớm rầy la một người khác. Tôi vừa ra vẻ láu táu, ráng lấy một bộ mặt bướng bỉnh. Tôi giả sử tôi là một người đến chọc ghẹo hai cô, và sự kém giáo dục của tôi để tôi vô lễ.
Tôi đã quên với lời và cử chỉ của tôi lúc ngừng lại nơi nhà dưới, khều cho hai cô nói chuyện với tôi. Nhưng tôi rất nhớ sự vồn vã của hai người, trả lời lại như đối với một vị cứu tinh. Hai cô có bao nhiêu ngọt ngào của lòng mình thì đem ra ngoài, lời hai cô hiền lành hơn trẻ nhỏ. Cái duyên dáng mà hai cô có thể có, hai cô đều phô bày ra hết để tiếp chuyện với tôi. Tôi đã thấy mắt cô em ướt hơn ngày thường...
Thế là thất vọng! Tôi muốn họ hung tợn, họ lại thêm hiền lành, cái hiền hậu nó làm tôi khó chịu quá. Tôi sợ sợ, tự biết mình không thể an ủi được cảnh trống không của đời họ. Công việc ấy tôi không dám làm; tôi chỉ có lòng thương, mà họ, họ cần tình yêu.
Tôi mong ở Phan, anh bạn "như không" của tôi, nguyền ước cho cái khóe cười của Phan hằng nở vì cô thiếu nữ: một lần nọ tôi sung sướng thấy Phan đi xem diễn dịch, và Quỳnh và Giao cũng đi...
Nhưng từ cái chiều xảy ra cuộc nói chuyện, tôi ngại ngùng, lành lạnh trong cảm giác, không đến thăm Phan để khỏi qua nhà hai cô. Sau hai tuần, khi đến tìm Phan, tôi ngẩn ngơ hay tin rằng Phan đã đổi chỗ ở.
Rút từ tập truyện ngắn Phấn thông vàng, 1939.