Thương Vay
Tác giả: Xuân Diệu
Tặng Huy Cận
Chiều lên dần dần. Tôi càng đi trời càng tối.
Những bước đi cũng đồng thời với chiều bóng dâng, xui cho tôi dễ tưởng rằng bước của tôi có quan hệ với thời giờ, thỉnh thoảng tôi đứng lại tần mần xem thử họa chăng có liên lạc gì không...
Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng; tôi khởi sự đi trong ánh sáng, và tôi tới lần trong bóng tối, tợ hồ bên thành phố Huế là ngày, bên Nam Giao là đêm. - Tôi bắt được ý này trong trí tôi, nghe phấp phới dễ chịu. Tôi bèn đẩy cách luận lý xa hơn chút nữa, dầu không đứng cũng xong:
Thời gian chỉ là sự cử động. Nếu tôi đứng, nếu máu tôi ngừng, nếu tôi không biết đời bên trong và không hay đời bên ngoài, thời gian của tôi sẽ không còn nữa. Và nếu không có sự luôn chuyển ở trong vũ trụ, nếu mặt trời nghỉ, mặt trăng yên cùng với muôn sao đóng đinh trên bầu trời, thì sẽ chỉ còn không gian chết. Nhúc nhích là thời gian, cử động thay đổi là thời gian.
"Thời gian chỉ là sự cử động".
Tôi sực thấy rằng tôi nghĩ đã xa, và ngay lúc ấy, tôi thấy rằng tôi đi cũng đã xa; tôi mỉm cười.
*
* *
Vâng, chiều lên dần dần: chiều không xuống. Đầu tiên ruộng hai bên đường thẫm lại; những bụi cây, lá không phân biệt nữa, thành những khối bóng. Chín mùi cây cau song song vụt lên, giữ sáng ở trên đầu như những cây nến khổng lồ.
ánh vàng nhạt cứ bớt mãi, có ai kéo về trời để thắp các vì sao. Tàu lá cau trỗi nhất gượng bám chút bụi mặt trời. Nhưng hết rồi. Bóng càng lên mau, càng đậm mãi, xuất tự đất đen, trong khi ở sát da trời, còn mơ hồ ánh sáng. Trí tôi thấy, tuy mắt tôi không, những lớp bóng càng ở trên càng nhạt một tý, và cái đen tối cứ lên hoài, cho đến lúc ngập cả trời cao.
Hoàng hôn ... ễnh ương lên, tiếng khan khản phát từ muôn gốc cỏ, từ những ruộng sâu thũm xuống làm cho con đường tự nhiên mà cao. Tiếng ảo não, hơi phồng, như trong ấy có sự gắng sức, tiếng rậm, và nhiều, và thê lương như sự chết, làm sôi bóng hoàng hôn.
Nơi này đã khởi sự nhà quê. Những con ễnh ương rải hồn tha ma bao trùm đường vắng. Một vài chụm mẻ rải rác đằng kia.
Và đường vắng thì rải nhựa đen. Tôi thong thả đi, buổi chiều len lấn vào tâm tư, theo ngõ của hai mắt.
*
... Không còn cái gì rõ nữa. Bóng chập chững, mọi vật mập mờ, bảng lảng, đương rung rinh. Mây rách từ đâu lê tới những mảnh đen thất thểu, thêm vào cái cảm giác không đều; giữa không trung, dường như có những chụm bóng đặc bay lởn vởn.
Mắt tôi vẫn mở, song kết quả cũng bằng chớp mau. Cảnh chờn vờn một cách nặng nề. Tôi qua trong sự mơ hồ nó chẳng mơ màng. Tôi nghĩ cảnh, tôi nghĩ tôi, tôi nghĩ tất cả.
Và buồn, buồn. Không ai đi trên đường này. Không một người gánh gồng, hai đầu thúng nhún xuống nhún lên ngực thở thành tiếng. Không một người đàn bà vội vàng, chân trụi đập thình thịch, hai tay đánh xa để thêm sức nhanh. Cũng không cả một con chó thẩn thơ mũi cúi xuống đường, hít bóng đặc sệt như mực đen vì gần lớp nhựa.
Đoạn đường dài, nhờ chân tôi chậm. Sao tình cờ lại có sự vắng vẻ hoàn toàn thế này? Ai ở trên trời đổ xuống từng triệu thúng buồn? Có phải tôi buồn đâu. Chính trời đương làm chủ động trong màn buồn.
Tôi đến chụm nhà lụp xụp, tranh xám như lợp bằng tro. Phần nhiều đóng cửa. Những lều mở là những quán nước: ngọn đèn đỏ soi mấy chiếc bánh gói đặt thành gò nhỏ xíu, bên ống dắt đũa tre. Mới bây giờ mà đã có tiếng ru em. Nghe võng cọt kẹt, tôi nhớ những câu đố ngớ ngẩn: "ở trong nhà, có một bà hai đầu!" Tôi đoán những rui khói đóng đen thui, những cột lẳng khẳng làm rung cả nhà, mỗi lần bàn chân ngón xòe đạp vào vách đất.
Chắc một người đàn bà đang lúi húi trong bếp, phồng hết hai má thổi núi rác, nhóm lửa nấu vội cơm. Trách tép đã nóng trên lò hai bàn tay không kịp rửa, nắm vào vành đen, đỡ lên lắc cho đều, rồi lại bắc xuống. Trong khi ấy đứa con gái nhỏ ráng hơi dỗ một đứa em nhỏ hơn. Và đứa này cứ khóc thất thanh, làm bà mẹ sốt ruột. Trong gia đình nhỏ, đêm tới là một dịp rộn ràng. Đèn không có, phải sờ soạng tạo nên bữa ăn.
Mà giọng đưa em thì buồn bã như mọi giọng ru trẻ con, thấm bao nhiêu mênh mông kinh hãi của cánh đồng, bao nhiêu u uất của đêm không đủ đèn sáng, bao nhiêu thương nhớ xa xôi của những linh hồn mộc mạc, buồn xa mà không biết mình buồn.
Sao con đường sang trọng như đường Nam Giao, con đường cho khách du lịch, những nghệ sĩ, những phú ông, những quan quyền rong xe qua để đi thưởng ngoạn, sao mỗi khi đêm đến, đường Nam Giao lại rùng rợn, thê lương?
Hay chỉ vì chiều nay, tôi thấy cái gì cũng tội nghiệp? Những gia đình này nghèo khổ gì lắm đâu; đời quanh Huế cũng đủng đỉnh như đời giữa Huế, người nghèo ở đây không cực hẳn, không lam lũ, không khốn cùng. Nhưng tôi thương, thương tất cả, tất cả mọi điều, vì chiều ấy, tôi thấy cái gì cũng đáng thương.
Có phải ánh leo lét đỏ kia là buồn không; nó thường nói chuyện sợ sệt cũng như sự mập mờ, ở giữa rạ, giữa tranh, ở giữa màng nhện, bòng hóng. Có phải mấy đôi đũa vụng về kia là buồn không; chúng đã run trong những bàn tay da chai, mà đói và mệt làm cho rung rẩy; chúng đã đưa đầu vào những miệng lưỡi thô, răng cứng, hễ thèm ngọt là ăn tảng đường đen...
Đôi hôm lạ lùng, tôi nổi những cơn thương vô cớ như vậy.
Khi tôi đi học, bỗng nhiên đang lật sách, tôi ngừng tay lại, nghĩ tội nghiệp mấy ông giáo dạy tôi. ờ, ông Viên, cái trán cao như cái lầu, xương xao như một tấm đá; ông Bích, miệng cười như khóc, méo một cái méo hãi hùng; ông Thinh, chốc chốc lại kéo cái quần tây, như sợ tụt; ông Lịnh, sau vài tiếng nói lại, "hơ!" "hớ!" nghĩa là: Hiểu không? Nghe chưa? Sao họ buồn cười thế?
Họ chơi, họ dỡn, họ sang trọng, lương cao, vợ tốt. Họ lại còn rầy la học trò, phân phát những cái xách tai hay những hình phạt đáng ghét. Vậy mà họ cứ đáng thương như thường.
Mãi bây giờ tôi mới hiểu rằng vì họ dị quá. Tôi còn hiểu hơn lắm nữa: vì họ là người! Một thứ ánh sáng nhạt nhạt buồn buồn bao trùm mấy ông giáo kia; tuy đương còn trẻ nhỏ, tôi vẫn cảm nghe cái không khí thẩn thơ ở trong lớp học, ở giữa cuộc đời. Và nhất là tôi đã thấy họ như những cái máy. Huống chi tôi đã nhiều lần ghét họ. Hờn ghét ấy, họ không sợ, nhưng mà tôi...
Mà chắc trong bụng của tất cả mọi người, đều có những bánh xe, những trục, những chốt và những giây thiều, để cho mọi thứ vô nghĩa; vô duyên tha hồ vặn máy!
*
* *
Vậy thì chiều nay, tôi thương cảnh vật đến bao nhiêu. Tôi đi luôn đường lên Nam Giao, mang giùm những nỗi khổ của đời, đương lên hơi trong bóng đêm đã tối.
Tôi đứng lại trước đàn. Vô liêu. Tịch mịch. Dường như tôi sợ ma...
Những cây thông, mình mẩy to thêm và đen, đứng trong im phắc, tôi sợ. Tâm hồn tôi lạnh lạnh, rùng rợn vì đêm, và mang những cảm giác ảm đạm mênh mông, những ý đau, ý chết.
Tôi sợ... Như lúc nhỏ, mỗi lần đi giải ngoài sân. Trong nhà ra, thì can đảm bạo dạn, nhưng vừa quay lưng để vào, thì tự nhiên bắt chạy, như có ai xô. Chắc cái lưng tôi nó nhát, chứ không phải tôi nhát.
*
* *
Vậy, tôi quay lưng, trở về thành phố, nghe gió thổi mường tượng sau mình. Được vài mươi thước, tôi mới nhớ nhìn trước mặt tôi. ở đằng kia, một bóng đen lù lù đi lại. Không ánh sáng, nên nét mình không thấy nữa; ấy là một cục bóng có hình người.
Tôi đương bận ngó hai bên đường, trông những cây phi lao đứng xĩu lá bơ phờ như giẻ rách, se sẽ than ra một lời nho nhỏ âu sầu... Khi tôi nhìn lại trước tôi, thì hình người đã gần thêm.
Bây giờ tôi mới để ý lung. Tôi bước dài bước nhưng vẫn rón rén. Bóng ấy gần thêm một chút; tôi bèn đi như thường. Tôi không dám nặng chân, sợ bóng ấy tan mất. Họ đi như đứng, lẩn thẩn như nhờ gió thổi đi, mà gió thì chỉ hơi hơi một vài thoáng. Tợ hồ chỉ thuộc về sự sống có một chút thôi.
Bóng đã gần. Một luồng tê lạnh bỗng chạy qua óc tôi. Sao một cái hình người có thể "ma" như vậy. Im lặng quá, yên tĩnh quá. Cả mình đen, chỉ cái nón xám. Tuy thế, tôi cũng đoán được những miếng vải vá nơi áo dài lổ đổ không toàn màu.
Phải rồi, một bà già. Lưng khòng chân chậm.
Mắt bà lão mở lim dim, mà bóng thì mờ thế này, thế có khác gì nhắm? Tay xách một cái rổ, không trông thấy được những thức gì trong ấy. Có chỉ là rổ không.
Còm. Dáng đi run. Lặng thinh, lẽ lặng thinh, không có một tiếng. Như ngủ. Lặng thinh.
Hình người không thật. Tôi biết không phải chiêm bao, không phải mộng mị. Nhưng tôi vẫn rất ngờ. Họ không biết rằng có tôi đi ngược đường họ. Họ không trông, họ không trách. Chỉ còn một điều tỏ rằng họ không chết, họ còn đi.
Tôi muốn giơ tay ra đụng vào mình bà lão, để quyết rằng không giả. Tôi muốn gọi lên một tiếng, làm bà giật mình, ngước chiếc nón cười lên. Tôi muốn lén bỏ trong mủng một đồng xu để xem ra thế nào, nhưng chẳng có chữ bào trong túi.
Tôi không dám đứng lại, sợ phá rầy nước đi đều, chậm của cục bóng. Tôi cứ đi luôn, lặng lẽ rón rén, như sợ nó tan đi. Khi hai bên đã xa nhau nhiều rồi, tôi mới làm theo ý muốn, đứng lại và nhìn theo.
Thôi, thế là nghĩ vẩn nghĩ vơ, nghĩ mờ nghĩ mịt. Bà già hay hiện hình của sự đau khổ? Nghèo như vậy, sao lại làm thinh mà đi, gặp khách không đón xin tiền? Cũng không nói, cũng không rên, cũng không ngừng. Cứ tha đôi chân vào mất trong tối. Chắc họ buồn lắm. Dưới nón, chỉ thấy đen. Mà gặp tôi, sao không ngước nón lên một chút? Trong cái bóng ấy, có chăng một ý nghĩ, một tình cảm gì?
Không, không phải bằng giấy. ấy một người bằng thịt, bằng xương - thịt khô và xương gầy - với một lịch sử chắc chắn khổ sở hết chín phần mười, với chút sống còn sót giữa lòng, như hòn lửa nhỏ còn lấp dưới tro.
Bà lão về đâu? Một ổ rơm nép bên đường, hay một cái chòi lạc giữa những bụi cây? Về một túp lều xa hay không về túp lều nào cả? Trên vùng hẻo lánh kia, còn nhà cửa nào nữa! Ai sẽ nấu cơm cho bà ăn? Diêm ở đâu để bà nhóm lửa? Về đâu? Ngừng lại nơi đâu?
Đêm dày thêm. Chỉ còn mực xạ. Không kẻ dẫn đường, không một chiếc gậy, bà lão mất trong u uất, lặng im, trong dấu tre, bí mật. Lòng tôi thắc mắc, lẫn kinh dị trong vô hạn xót thương.
Sự thương vay của tôi trẻ con và tưởng tượng hay chăng? Bao giờ lòng thương lại chẳng có duyên cớ ở trên cái đời cùng cực, đau đớn, khốn khổ, rách rưới, cô đơn này, mà những kẻ nghèo đói là những trang anh hùng, cắn chặt hai hàm răng ngậm giữ lấy đau thương.
Vừa nghĩ vừa đi, tôi đến trong thành phố rồi. Nhưng đèn điện sáng chói và tiếng xe ồn ào không rọi được trong tôi bấy nhiêu bóng chết.
Rút từ tập truyện ngắn Phấn thông vàng, 1939