Chương 1
Tác giả: Yến Quỳnh
Hai bím tóc đang đưa trước ngực, như hòa cùng những bước chăn nhún nhảy xuống cầu thang, Hồng Kim trông giống như một nữ sinh lớp 12 tuổi mười bảy hơn là một cô gái đã bước vào tuổi hai mươi hai.
Bà Hồng Như nhận xét con gái như thế khi thấy cô đã xuống đến bậc thang cuối cùng.
Bà khẽ lắc đầu mắng yêu:
– Con gái lớn rồi mà đi đứng cứ như là con nít.
Hồng Kim chu môi nũng nịu:
– Con còn nhỏ xíu hà mẹ ơi.
– Nhớ nhé! Còn nhỏ xíu sao lại dám đòi lăn lộn ngoài xã hội để lo cho mẹ hả? Con tính cho mẹ hưu non phải hôn?
Ôm vai mẹ, Hồng Kim liến thoắng:
– Đã đến lúc để con phải lo cho mẹ rồi mẹ ạ. Mẹ nghỉ hưu là đúng chứ hổng phải hưu non đâu.
– Hừm! Lý sự!
Nhìn Hồng Kim, bà Hồng Như lại âu yếm hỏi:
– Con định đi đâu thế?
Hồng Kim nhoẻn miệng cười thật tươi:
– Mẹ quên công việc thường ngày của con rồi sao?
Giọng bà Như ân cần:
– Tất nhiên là không rồi? Chỉ có điều mẹ thấy hơi lạ vì hôm nay con đi quá sớm.
Hồng Kim tỉnh bơ:
– Thế mà con còn sợ không kịp nữa đó mẹ. Mẹ biết vì sao không? Hôm nay ở làng SOS sẽ đón tiếp một phái đoàn từ Nhật đến.
Bà Như trêu:
– A! Thì ra con chuẩn bị hơi sớm để đón Việt kiều.
Hồng Kim phồng má lên cãi:
– Con tới sớm để phụ với các sơ ở đó chuẩn bị trước, một số công việc chứ bộ. Này, mẹ nghe nhé. Nào là cắm hoa nè, lo trang trí phòng óc bàn tiệc nè, rồi còn phải lo quần áo tươm tất lịch sự cho cả một lũ nhóc nữa ... Mẹ không thấy là cả khối công việc sao?
Bà Hồng Như phì cười trước điệu bộ của con gái:
– Ừ! Quả là nhiều đấy con gái. Thôi, con đi đi.
– Dạ. Con đi nha mẹ.
Nói xong là Hồng Kim đã leo lên xe phóng một cái vù ra khỏi cổng.
Trong đầu cô lẩm nhẩm tập nói những câu chào hỏi xã giao bằng tiếng Nhật mà cô đã nhờ Nam Khoa dạy cho. Cứ như thế mà cô đã đến cổng làng SOS từ khi nào ...
Hơi thoáng ngạc nhiên Hồng Kim đứng ngẩn ra mấy giây khi thấy các em trong làng trẻ đang tụ họp ngoài sân.
Hồng Kim nhủ thầm:
Chẳng lẽ mình đến trễ sao? Không! Kim nhớ là mình đã toan liệu trước những công việc cần làm và mình đã đến sớm hơn gần một giờ đồng hồ kia mà. Thật nhanh, Kim liếc vào chiếc đồng hồ đeo trên cổ tay và chứng minh điều mình đến sớm là hoàn toàn đúng.
Thế thì ai đã cho các em tập hợp nhỉ. Tự hỏi xong thì Hồng Kim cũng tự phát hiện ra các em nhỏ không ở trong sân một mình mà chúng đang vây quanh một người thanh niên lạ và anh này thì đang lăng xăng phát quà bánh cho lũ trẻ.
Quên cả việc dựng chân chống cho chiếc xe nên Hồng Kim đã làm cho nó ngã đổ cái rầm.
– A! Chị Kim đến! Chị Kim đến!
Tiếng xe ngã đã làm cho các em nhỏ chú ý và reo to.
Hồng Kim lao đến chắn ngang người thanh niên lạ với giọng trống không và chứa đầy sự khó chịu.
– Nè, ở đâu tùy tiện vô đây vậy?
Gã thanh niên nhếch môi giọng thật tỉnh:
– Phải xem là ai hồ đồ tùy tiện chứ?
Hồng Kim nóng mặt. Nhưng chao ôi, nụ cười treo lơ lửng trền khóe miệng của gã đàn ông lạ như vừa làm cô vừa bị tức vẫn vừa bị yếu bóng vía ngay:
Không thêm đáp lời gã thanh niên, Hồng Kim quay sang các em nhỏ, giọng cáu kỉnh:
– Sao các em lại ra đây mà không chờ chị hả?
Khi nhìn thấy trên tay bọn trẻ không chỉ là bánh kẹo mà còn có cả những món đồ chơi điện tử đắt tiền, Hồng Kim tỏ ra lo sợ hơn là ngạc nhiên.
Cô nghiêm nét mặt bảo lũ trẻ:
– Nghe chị bảo nè, bây giờ mấy em mau xếp hàng lại để chị điểm danh và chúng ta không được ở ngoài này nữa. Nào, An, Bích, Cúc, Dũng, Khương!
Gã đàn ông vẫn đứng khoanh tay và cười trước một dọc tên mà cô gái vừa đọc vanh vách.
Các bé gái dù mê bánh hạnh nhân nướng, bánh chocolate vẫn ngoan ngoãn chạy đến xếp vào hàng ngũ, chỉ có bọn nhóc tì con trai cứ mê tít với các loại đồ chơi điện tử trong phim Doremon nên chẳng chịu nghe lời Hồng Kim để tập trung xếp hàng.
Hồng Kim tức khí hăm he:
– Các emkhông ngoan, không nghe lời, hôm nay chị sẽ không thông báo cho các em một tin vui. Còn nữa! Các em phải trả lại hết những thứ này cho người lạ. Tại sao các em tự ý nhận quà mà không chờ ý kiến của chị hả?
Quay sang gã đàn ông đang chỉ cách điều khiển chiếc phi cơ bằng pin cho đám trẻ, Hồng Kim lớn giọng:
– Xin mời, ông lịch sự rời khỏi nơi đây cho?
Bọn trẻ thấy Hồng Kim giận dữ nên chúng cũng vội tản ra khỏi vòng vây với chú khách lạ này mà trở về vị trí xếp hàng.
Hồng Kim hơi dịu lại khi thấy lũ nhóc đã chịu nghe lời mình. Nãy giờ cô tức khí bọn trẻ. Cô nói rát cổ họng mà chúng lại lơ là, trong khi hắn nói, hắn rủ chơi gì bọn trẻ cũng nghe cả. Nhưng hắn là người lạ cơ mà. Tất cả cũng chỉ vì những thứ đồ chơi này mà ra cả. Hắn ta là ai? Đến đây làm gì? Mình phải cảnh giác mới được.
Nghĩ thế nên Hồng Kim điềm tĩnh hơn. Cô dàn xếp trật tự cho lũ trẻ xong và chiếu cho gã đàn ông tia nhìn bén ngót như dao cạo của mấy ông thợ hớt tóc.
– Xin mời ông vào văn phòng?
Gã đàn ông không thèm đáp, chỉ lẳng lặng đi theo Hồng Kim. Trong khi Hồng Kim đang chuẩn bị cho mình một số câu hỏi và cả một bộ mặt rất là hình sự để thị uy.
Kéo ghế mời ngồi, Hồng Kim đặt một tập giấy lên bàn, nghiêm giọng:
– Ông hãy tự khai đi!
– Phải tự khai nữa sao? Thế phải khai gì nhỉ?
Nghe gã hỏi với giọng điệu cà rỡn, Hồng Kim lạnh lùng:
– Thì đại khái là tên tuổi, nghề nghiệp chỗ ở.
Gã đàn ông cắt ngang:
– Được! Vậy cô ghi nghe, tôi viết chữ xấu lắm.
Hồng Kim xì nhẹ nhưng rồi cô lại rắn giọng ngay:
– Rồi! Nói đi! Tên gì?
– Bửu Điền!
– Thế còn họ? Thôi khỏi cũng được ... Mục đích của anh vào đây là gì?
Bửu Điền cười cười:
– Mục đích từ thiện.
Hồng Kim lườm lườm:
– Tôi nghi ngờ mục đích ấy của anh.
Bửu Điền tưng tửng giọng:
– Ủa! Bộ cô trông thấy cái "mục của đích ..." Í lộn, mục đích của tôi ra làm sao rồi à?
Một gã đàn ông vô duyên.
Hồng Kim đỏ mặt lẫn ấm ức vì lối đối đáp của gã. Cô bồi luôn.
– Chỉ cần nhìn qua bộ dạng và những thứ anh mang đến đây là tôi đoán được ý đồ của anh rồi.
– Ý đồ gì?
– Xấu!
– Đến thăm trẻ em mồ côi và cho quà bánh cho chúng là có ý đồ xấu sao?
Hồng Kim có hơi ngắc ngứ trước câu hỏi của hắn. Bởi quả thật những ai đến với làng SOS này đều không ngoài những tình cảm mà nhân loại dành cho nhau.
Không ai mà không chạnh lòng trước hoàn cảnh bất hạnh mà các em nhỏ này phải gánh chịu. Nhất là đối với các em vừa mồ côi vừa tàn tật. Cố em đi đứng được nhưng lại không nhìn thấy, không biết được thế giới chung quanh mình. Còn có những em nghe nhìn được thì lại không có đôi bàn tay để đón nhận những gì mà cuộc đời mang đến cho bạn thân mình, không được đi đứng trên đôi chân của mình.
Trước những mảnh đời như thế, ai mà không đau không xót và có thể ngoảnh mặt lờ đi được.
Chính Hồng Kim cũng thế. Cô đến với các em với làng trẻ này cũng xuất phát từ những điều trên.
Nhưng gã đàn ông này? Liệu hắn có ý gì nữa? Câu hỏi cứ lảng vảng trong đầu óc Hồng Kim.
Những đoàn, hội từ thiện đã từng đến đây thăm và tặng quà nhiều và nhiều nữa là khác. Tuy nhiên những loại đồ chơi trẻ con sang lắm cũng chỉ là những thứ hàng nhựa cao cấp và là hàng Việt Nam chính hiệu.
Vậy mà bây giờ người thanh niên lạ mặt này với hình thức bên ngoài chẳng lấy gì chứng minh là một ông chủ bự hay đại diện một tập đoàn kinh doanh tải trợ nào cả.
Lúc đứng ngoài sân, Hồng Kim đã quan sát gã. Chiếc quần Jean bạc màu cùng chiếc áo thun ngắn tay ôm lấy người hắn đã tạo nên cho hắn một vẻ bụi bụi và phong trần lãng tử.
Hồng Kim giật mình và cảm thấy lo lắng với ý nghĩ hắn ta là một tên lừa đảo đang giả dạng vào đây để thực hiện những hành vi xấu ...cho nên Hồng Kim tiếp tục thẩm vấn.
– Anh vào đây lúc mấy giờ?
Bửu Điền thản nhiên:
– Lúc đó tôi không nghĩ là sẽ gặp rắc rối như thế này nên chả chú ý đến thời gian. Nhưng tôi có thể đoán là chưa được sáu giờ sáng.
Hồng Kim tròn mắt:
– Hả! Anh có dùng giờ dây thun hôn mà cho dãn dữ vậy?
Bửu Điền bật cười:
– Tôi sử dụng đồng hồ thời gian chớ không biết giờ dây thun là gì.
Bửu Điền biết cô nàng ấm ức lắng nhưng không nói gì thêm mà chỉ cắm cúi ghi ghi chép chép.
Ngẩng đầu lên, đẩy tờ giấy về phía Bửu Điền, trao cho hắn cây viết, Hồng Kim dõng dạc:
– Anh hãy đọc lại và ký tên vào biên bản cam kết này.
Lướt qua những dòng chữ, Bửu Điền suýt bật cười, song anh lại chiếu cho cô tia nhìn ranh mãnh và điềm giọng:
– Những ý tưởng của cô cũng khá độc đáo đấy. Nhưng tôi vào đây để dụ dỗ ai chứ? Các sơ à?
Hồng Kim nghênh mặt:
– Anh đừng ăn nói phạm thượng, chẳng bọn trẻ con thì còn ai.
Lần này thì Bửu Điền cười phá lên thật to.
– Nếu dụ dỗ thì tôi sẽ lựa các cô gái trẻ đẹp ngây thơ kia.
Rồi anh vặn lại Hồng Kim:
– Cô nghĩ sao mà cho rằng tôi dụ dỗ bọn nhóc? Hơn nữa dụ để làm gì chứ hả?
– Thì bắt cóc để bán ra nước ngoài chớ còn làm gì?
Liếc chiếc kính râm che lấp gần cả khuôn mặt của hắn, Hồng Kim càng tin vào sự suy luận của mình nên nói tỉnh:
– Anh đừng giả vờ nữa, bởi vì có thể anh đã bị lật tẩy vì nhữag thủ đoạn với các cô gái nhẹ dạ, ngu ngơ rồi hết đường nên lò mò vào đây.
Bửu Điền khinh khỉnh:
– Bắt cóc trẻ em đưa ra nước ngoài để điều trị bệnh tật và chăm sóc cho chúng à. Nếu thế thì cô nên hoan nghênh tôi mới phải.
Hồng Kim nóng mũi:
– Nè! Anh đừng có hỏi đố tôi! Làm gì thì anh rõ hơn ai hết. Nhưng những hành động mổ bụng moi lấy nội tạng để bán là một việc làm tàn nhẫn, một tội ác đáng lên án, đáng nguyền rủa, đáng bị trừng trị.
Bửu Điền sững sờ trước những điều cô gái trước mặt anh đang tưởng tượng. Và trớ trêu thay cô lại áp đặt lại vu khống cho anh những điều vô căn cứ đó.
Tuy nhiên, Bửu Điền không nổi giận, anh cầm bút chỉ vào con số thứ hai trong bản luận tội mà cô ghi rồi hỏi:
– Cô cho rằng trong quà bánh cũng có vấn đề à?
– Đúng vậy! Tôi rất nghi ngờ. Cho nên anh phải chịu trách nhiệm nếu như các em bị ngộ độc thực phẩm hoặc là các món đồ chơi trên mà xảy ra sự cố gì thì ...
Giọng Bửu Điền lạnh lùng:
– Được! Cô cứ kiểm nghiệm. Nhưng e rằng các tội danh trên đều quá đáng. Riêng điều thứ ba cô kết luận hơi nặng với bác bảo vệ đấy.
– Quy định giờ giấc ở đây rất kỹ và nghiêm ngặt. Cũng có thể anh mua chuộc hay uy hiếp bác nên mới tự tiện vào khi chưa đến giờ mở cửa như thế.
Bửu Điền gằn lại:
– Nếu bác bảo vệ nghe cô gán cho danh từ đó sẽ xử trí ra sao nhỉ?
Hồng Kim hơi phân vân, cô cũng không biết mình đang đúng hay sai đây?
Nhưng Bửu Điền đã nhanh tay hạ bút và nói tỉnh bơ:
– Tôi chỉ ký tên xác nhận mình là Bửu Điền. Chớ không đồng ý với những tội danh mà cô áp đặt đâu nhé.
Hồng Kim cứng rắn:
– Mọi việc sẽ do sơ viện trưởng xem xét ... Anh cứ ngồi ở đây không được bỏ đi đâu cả. Tôi sẽ đi mời sơ Bình xuống.
Nói xong, Hồng Kim cầm tờ biên bản đứng lên đi ra. Đôi mắt cô không quên nhắn lại rằng:
“Anh đừng mong bỏ trốn, tôi đặt máy quay rồi đó”.
Băng qua khoảng sân rộng, Hồng Kim đi như chạy về dãy hành lang bên phải và lên tầng lầu hai khá nhanh. Cô gõ cửa phòng sơ Ân Bình:
– Thưa sơ.
– Hồng Kim đấy à? Con tìm sơ có việc gì thế?
Không để sơ hỏi thêm Hồng Kim đã nói một mạch và trao tờ biên bản cho sơ:
– Con cảm thấy hành tung của anh ta rất khả nghi nên đã mạn phép sơ để lập biên bản. Hiện hắn còn đang ngồi ở văn phòng dưới lầu.
Sơ Ân Bình mỉm cười đôn hậu:
– Cảnh giác như thế là rất tất con ạ. Nhưng ...
Hồng Kim mau mắn:
– Chuyện bé An Na trước đây suýt bị một người đàn bà sang trọng dụ đi tìm cha mẹ ruột ... đến giờ con vẫn còn khiếp sợ ạ. Nếu như hôm ấy không có sơ Hòa đến kịp thì không biết con bé An Na bị làm tình làm tội đến như thế nào.
– Chuyện đã qua rồi. Thôi được. Việc ấy để cho sơ, con đã làm xong những phận sự của con rồi chứ hả?
– Ý chết! Con ...
Nghe Sơ Ân Bình nhắc Hồng Kim mới sực nhớ đến nhiệm vụ tối quan trọng của mình trong ngày hôm nay.
Nãy giờ mải lo vấn đề tên lạ mặt kia mà cô suýt đã quên khuấy đi mất.
Hồng Kim gấp gáp nói:
– Con xin phép sơ, con phải trở xuống lo thay trang phục mới cho các em nữa và còn ...
– Cắm hoa trang trí, chuẩn bị tiệc tùng, nước nôi nữa, đúng không nào?
Sơ Ân Bình nhắc khẽ rồi cười thật hiền.
– Con mau lo phần việc của mình đi Hồng Kim ạ.
– Vâng! Con xin phép. Con chào sơ.
Hồng Kim biến thật nhanh như khi cô xuất hiện vậy. Cô bé không hay rằng sau lưng cô, sơ Ân Bình đang gởi một nụ cười hiền bằng đôi mắt hấp háy dưới làn kính trắng.
Đứng giữa sân, Bửu Điền nhìn đám trẻ tươm tất lịch sự trong bộ đồ đồng phục. Các bé gái xinh xắn nhí nhảnh hơn với những chiếc kẹp tóc chiếc nơ hoa cài trên đầu, cùng những bím tóc được tốt khéo léo gọn gàng. Các bé trai trông cũng rất oách và sạch sẽ. Bửu Điền nghĩ ngay đến công lao của cô bảo mẫu Hồng Kim nọ rồi.
Chà! Nhưng sao không thấy cô ta nhỉ? Chắc là bị sơ viện trưởng mắng cho một trận, bởi cái tội xớn sơ xớn xác vừa rồi cũng nên.
Bửu Điền khẽ mỉm cười một mình ...
– Chú ơi! Chú múa với bọn cháu nhé.
– À lêu lêu! Chú múa sai nhịp rồi. Phải có chị Hồng Kim ở đây là cái chân chú bị khỏ rồi đấy.
– Ối! Nhất chú Điền! Hoan hô chú Điền hát hay ghê.
Chẳng biết từ bao giờ Bửu Điền quên mất mình là người lớn. Anh nhào vô cùng bọn trẻ nô đùa, nhảy múa, ca hát hò reo, hồn nhiên như một đứa trẻ con.
“Cùng nhảy múa xung quanh vòng. Cùng nhảy múa cùng vui.
Cùng nhảy múa xung quanh vòng. Vui cùng vui múa đều Nắm tay nhau, bắt tay nhau.
Ta cùng vui múa ca, ta cùng vui múa đều ...”.
Bài hát cứ lặp đi lặp 1ại. Sự hồn nhiên vô tư của lũ trẻ đã lây truyền cho Bửu Điền. Anh chợt khát khao khoảnh khắc tuổi thơ hồn nhiên này vô cùng.
Đâu mấy ai hiểu rằng Bửu Điền đến với tất cả các làng trẻ em nghèo, các viện mồ côi ở nhiều nơi trên thế giới cũng vì một sự đồng cãm vì cùng chung một số phận. Anh đã từng chua xót khi nghĩ rằng mình từng bị bỏ rơi, từng bị lưu lạc, cho dù bây giờ anh đã khoác lên mình một mác Việt kiều chính hiệu cùng với địa vị và sự thành đạt trong cuộc sống, anh vẫn khát khao tìm đến cội nguồn.
– Chú Điền ơi! Chú múa sai bét hết rồi.
– Chú ơi! Sao chú hổng hát nữa?
Những câu hỏi lao nhao kéo Bửu Điền về thực tại, anh giấu nhẹ tiếng thở dài.
– Các cháu tài thật, giỏi thật. Chú chịu thua các cháu rồi đó.
– Chú Bửu Điền đáng bị phạt lắm. Phải phạt chú thôi.
Một cô bé có đôi mắt tròn xoe đen láy như hai hột nhãn vừa bắt anh nhảy cóc, làm chó sủa gâu gâu ... đủ trò khiến Bửu Điền không sao rời khỏi vòng vây được và hình như anh cũng không có dịp để nhớ đến các cô bảo mẫu của chúng tại sao không thấy xuất hiện ...
Nụ cười tươi tắn nở trên môi, Hồng Kim sung sướng và hài lòng ngồi ngắm nghía những công trình mà bây giờ cô đã tốn khá nhiều công phu.
Mỗi bình hoa, Hồng Kim gắn cho một chủ đề, khiến các sơ phải phì cười.
Sơ Hòa còn bảo:
– Đâu là “hồn nhiên”, đâu là “mơ ước” đâu là "hạnh phúc" hở Hồng Kim?
Sao sơ thấy lọ hoa nào cũng như lọ nấy.
Hồng Kim chu môi vờ cãi:
– Khác chứ sơ. Đâu có lọ nào giống hoa của lọ nào đâu.
Sơ Hòa cười mỉm. Thật ra sơ biết chứ. Sơ có thể cảm nhận qua những loài hoa mà Hồng Kim chọn để cắm. Đúng với hồn nhiên, nhí nhảnh, với bông hoa cẩm chướng nhỏ li ti cùng những hoa đồng tiền, hoa cúc điểm xuyết đan xen trong chiếc lọ hình bầu cổ lùn, ngộ nghĩnh. Mỗi bình hoa với một kiểu dáng một màu sắc riêng, nhưng đều rất tươi tắn, rực rỡ. Dù nghệ thuật cắm hoa của Hồng Kim chưa đạt đến trình độ chuyên nghiệp nhưng sơ cũng phải thầm khen và thán phục cô bé này.
Hồng Kim đem các bình hoa đặt vào các vị trí cũ, rồi đến kéo rèm cửa sổ.
Từ trên cao nhìn xuống khoảng sân rộng, Hồng Kim nhìn thấy đám trẻ vẫn còn tíu tít vui đùa với Bửu Điền mà trong lòng thầm hỏi:
“Hắn ta yêu trẻ con thật sự hay gỉả vờ để chiêu dụ chúng đây. Bởi vì đối với đàn ông và nhất là những người đàn ông đã từng đến thăm làng trẻ SOS thì cho dù họ có mang đến tất cả lòng yêu thương các em đi chăng nữa thì cũng ít có ai biểu lộ hay bỏ công ra ngồi hằng giờ để trò chuyện vui đùa với chúng.
Nhưng Bửu Điền thì khác. Anh ta đã hòa vào cuộc chơi với chúng, thậm chí Hồng Kim còn thấy anh bị phạt nhảy cóc, nhảy lò cò nữa chớ. Và xúc động nhất là cô còn thấy anh ta cõng thằng Tiến trên vai và nối vòng tay cùng bọn trẻ múa hát.
Tiến là một đứa trẻ mồ côi mới được đưa về đây hơn hai tháng nay. Bố mẹ Tiến đã chết vì bị ánh hưởng chất độc màu da cam. Bản thân Tiến cũng thế, em bị dị dạng chiếc đầu, hai chân thì cụt sát cho nên em thường thu mình một góc mỗi khi nhìn chúng bạn vui chơi.
Bây giờ Bửu Điền đã mang em vào với cuộc chơi một cách rất là hào hứng.
Bửu Điền! Bửu Điền! Hắn ta là ai thế nhỉ? Một dấu hỏi to tướng cứ hiện lên mà Hồng Kim không sao tìm ra câu giải đáp.
Sao mình lại bận tâm đến anh ta nhỉ? Mình còn biết bao công việc phải làm cơ mà. Hồng Kim lại tự nhắc mình như thế. Và cô lại quên ngay anh chàng Bửu Điền thật lạ lùng, kỳ quặc đó.
Hôm nay vui quá. Đứa nào cũng được quà xịn ghê.
– Của mình đẹp hơn.
– Hỏng dám đâu! Của đứa nào cũng giống nhau hết. Chú Điền nói vậy chứ bộ.
– Phải rồi!
– phải rồi!
Hồng Kim chợt giật mình vì những câu nói, những bước chân lao nhao của đám trẻ bên tai, chúng đang trở về phòng với một tâm trạng phấn chấn và reo vui.
Vội nhìn vào đồng hồ, Hồng Kim buột miệng:
– Ấy chết!
– Gì thế Hồng Kim?
– Dạ .... thưa, không có chi sơ ạ.
Đáp lời sơ Hòa xong, Hồng Kim vội vã trở lại phòng tiếp tân. Cô ngạc nhiên khi thấy chẳng có vị khách nào ở đây cả.
Nãy giờ cô mải mê lo cho xong những bổn phận sự của mình mà chẳng để ý đến việc phái đoàn Nhật Bản. Họ đến từ bao giờ? Tại sao sơ Ân Bình không cho gọi Hồng Kim nhỉ?
Hồng Kim phân vân và thắc mắc vô cùng. Đã hơn mười một giờ rồi. Đưa mắt nhìn ra ngoài sân, khoảng sân vắng lặng, Hồng Kim không thấy bóng dáng người đàn ông mang tên Bửu Điền còn ở đó nữa.
Hồng Kim băng qua khoảng sân rộng để đi trở lại văn phòng. Nhưng bước chân của Hồng Kim bây giờ lại khác, không nôn nóng, nhanh nhẹn như lúc đầu nữa. Hồng Kim vừa đi vừa suy nghĩ về người đàn ông nọ nên bước đi chậm rãi như người đang đếm bước.
Trong đầu Hồng Kim vang lên bao câu hỏi. Chẳng lẽ hắn là Việt kiều Nhật Bản? Việt kiều gì ăn mặc đơn giản như chàng sinh viên thích chơi đùa.
Hắn đâu có ra dáng một ông chủ bự sang trọng đang quảng cáo cho công ty của mình.
Còn nếu hắn có âm mưu gì thì làm sao mấy đứa trẻ trở về phòng được an toàn, cũng chẳng có biểu hiện gì cho thấy trong thức ăn, quà bánh, đồ chơi hắn mang đến có vấn đề. Thế này thì thật là lạ. Hay là hắn đã bị bại lộ rồi nên không hành động.
Hồng Kim đâm sầm vào sơ Ân Bình ở văn phòng, sơ mỉm cười:
– Hình như con không phải đi tìm sơ chứ?
Hồng Kim lúng túng:
– Sơ ... con ... Sơ ơi! Con muốn hỏi sao không thấy phái đoàn nào đến cả vậy?
Sơ Ân Bình tỉnh giọng:
– Có đấy chứ?
Đôi mắt Hồng Kim mở tròn hết kích cỡ. Cô ngờ nghệch hỏi:
– Thế ... họ đến rồi hả sơ?
– Không đến. Nhưng đã về rồi con ạ.
Hồng Kim nhìn sơ vừa lạ lẫm vừa ngạc nhiên:
– - Sơ bảo sao ạ?
– Họ không đến được như đã hẹn. Nhưng có người đại diện đến và mang đầy đủ quà cho bọn trẻ.
Hồng Kim nhớ ra:
– Lẽ nào ...
– Con nói gì, hở Hồng Kim?
– Con ... thắc mắc, hổng lẽ có một Việt kiều nào lại mê con nít một cách kỳ lạ vậy không?
Sơ Ân Bình khẽ mỉm cười đôn hậu mà không nói gì. Đã vậy, trước khi Hồng Kim chào sơ ra về, sơ còn giúi vào tay Hồng Kim xấp giấy mà cô làm biên bản và nói:
– Con giữ để thẩm tra giùm sơ nhé.
Vẻ bơ phờ của con gái khác hắn nét tươi tắn, hớn hở ban sáng khi Hồng Kim trở về nhà khiến bà Như lo lắng:
– Con bệnh hả Hồng Kim?
– Dạ đâu có, mẹ.
– Sao mẹ thấy con có vẻ mệt mỏi quá vậy. Chắc hôm nay đón tiếp phái đoàn đến thăm làng trẻ nên con cực nhọc chứ gì.
Hồng Kim tiu nghỉu:
– Chuẩn bị mệt ngất ngư, rồi mất công toi mẹ ạ.
– Nghĩa là sao?
Hồng Kim chậc lưỡi xuýt xoa:
– Là họ hứa lèo, hứa dỏm, báo hại con và các sơ lo đủ thứ, thế mà hổng có ma nào ghé cả.
Bà Như đùa:
– Cũng may là không có ma. Nếu có thì con là người đầu tiên vắt giò lên cổ bỏ chạy đó.
– Mẹ kỳ! Mẹ chọc quê con hả?
Bà Hồng Như âu yếm:
– Mẹ quên dạo này con hết sợ ma rồi chứ. Vì đã có Nam Khoa theo giữ ma cho con mà.
Hồng Kim phụng phịu:
– Tự dưng ... mẹ lôi anh Nam Khoa vào đây chi vậy?
– Thì nó tới kiếm con mấy lần rồi ... Nó giữ con hơn cả mẹ nữa đó.
Nhắc đến Nam Khoa khuôn mặt Hồng Kim lại ửng hồng e thẹn. Bà Như nói to hơn khi nghe tiếng xe quen thuộc đang dừng ngoài ngõ.
– Đấy! Con ma của con lại đến kia. Thôi, hai đứa ở nhà, mẹ phải đến bác Thêm có công chuyện một chút.
Nam Khoa nhanh nhảu:
– Bác đi đâu, để con đưa bác đi nhé.
– Không cần đâu Nam Khoa, bác chỉ đi gần. Vả lại, đi bộ để dưỡng sinh cũng là cách trị liệu cho chứng bệnh của bác nữa đó.
Bà Hồng Như nói rồi vui vẻ ra khỏi ngôi nhà trọ, ít nhiều trong lòng bà cũng có chút u buồn. Từ một nơi ở sang trọng đầy đủ, mẹ con bà phải bán đi để trang trải nợ nần. Bây giờ phải ở căn nhà trọ chật hẹp này quá là chua xót vô cùng.
Đã bao lần bà thầm trách ông trời không thương xót mẹ con bà, bắt bà phải mang chứng bệnh tim khó trị này làm chi. Để rồi vì lo trị bệnh cho bà mà Hồng Kim phải gánh một gánh quá nặng nề này.
Từ khi bán căn nhà lớn để trả các khoản nợ nần điều trị bệnh cho bà, bà những tưởng sẽ mua được một căn nhà nhỏ để nương thân, chứ đâu ngờ cái cảnh hai mẹ con phải thuê nhà trọ như thế này.
Cũng may gia đình Nam Khoa còn giữ lời hôn ước khi xưa, bây giờ trong lòng bà Như chỉ ao ước một điều là HồngKim được nên gia thất, nhất là Nam Khoa lại biết trọng chữ tín, chữ nghĩa, chữ hiếu như thế này thì bà còn gì vui hơn. Bà chẳng còn mong điều gì nữa.
Bao suy nghĩ, bao trăn trở cứ hiện lên và bà Hồng Như cứ thế vừa đi vừa thả đầu óc mông lung và quên cả để ý đến chung quanh ... Chờ mẹ vợ tương lai đi khỏi, Nam Khoa bước đến sau lưng Hồng Kim vòng tay ôm choàng ngang eo cô, anh âu yếm:
– Em có biết hôm nay anh sốt ruột như thế nào khi chờ em không?
Hồng Kim giả vờ trêu anh, cô lắc đầu:
– Không biết!
– Em hư lắm Hồng Kim ạ. Cứ đến với bọn trẻ là em quên hết đường đi lối về.
Câu trách khẽ của Nam Khoa, Hồng Kim không biết mình nghe bao nhiêu lần rồi. Lắm lúc cô đùa với anh:
– Bộ anh ghen với chúng sao?
Nam Khoa giơ nắm tay đe dọa:
– Anh mà đi ghen với lũ nhóc đó à? Chỉ có điều anh không thích em lao vào công việc đó mà quên đi anh chồng sắp cưới này.
Nghĩ đến nhữngcâu đó, Hồng Kim khẽ cười một mình. Nam Khoa ngạc nhiên:
– Chẳng phải tự nhiên mà em có kiểu cười chết ngưới đó đâu nha. Có phải em đang nghĩ điều gì đúng không?
– Em nghĩ đến anh!
Nam Khoa tỏ ra sung sướng. Anh hôn nhẹ lên chiếc gáy trắng ngần của Hồng Kim.
– Có thế chứ!
– Nhưng anh có biết em đã nghĩ đến anh về điều gì không?
Nam Khoa bướng bỉnh:
– Anh không cần biết em nghĩ điều gì. Chỉ cần em nghĩ đến anh, chứng tỏ em yêu anh là đủ.
Hồng Kim buột miệng hỏi:
– Hả! Anh nghĩ tình yêu đơn giả vậy thôi sao?
Nam Khoa nheo mắt hỏi ngược lại:
– Thế theo em, em nghĩ như thế nào về tình yêu.
Hồng Kim cắn môi, hai bàn tay cứ đan xoắn vào nhau. Cô cũng chưa có câu trả lời cho Nam Khoa, cũng như cho chính bản thân mình. Giữa cô và Nam Khoa gọi là tình yêu có đúng không? Cô còn phải tự hỏi nữa là.
Dường như HồngKim chưa nếm được hương vị của tmh yêu. Tình yêu đầy hương thơm ngọt ngào hay vị đắng cay chất ngất? Nhưng với Hồng Kim tình yêu chẳng đơn giản như Nam Khoa định nghĩa mà muôn màu muôn vẻ và rất đa dạng. Chưa có một danh nhân thi sĩ nào trên thế giới có cùng một định nghĩa cả ý nghĩ như vậy.
Hồng Kim tinh nghịch đáp lại Nam Khoa:
– Trời ơi! Lãng mạn và ướt như XuânDiệu, ông hoàng của tình yêu còn phải bó tay không định nghĩa được huống hồ gì em.
Rồi cô khe khẽ ngâm nga:
– Làm sao cắt nghĩa được tình yêu. Đó anh thấy không?
Nam Khoa vỡ lẽ. Anh cốc đầu cô, âu yếm.
– Anh mới phải bó tay chịu thua em đó, nhóc con.
– Hứ! Em mà nhóc hả? Nhóc mà chỉ huy được cả một đám trẻ tinh nghịch ấy à.
Khuôn mặt Nam Khoa chùng xuống, giọng có vẻ không vui:
– Em thì lúc nào cũng chỉ có bọn trẻ.
Hồng Kim sôi nổi:
– Trẻ con hồn nhiên và vô tư lắm anh ạ. Thế giới của bọn chúng chỉ có tiếng cười và niềm vui không phải lo toan bộn bề.
Nam Khoa nhắc nhở:
– Sống trên đời phải thực tế một chút em ạ.
– Em biết và đâu em có xa rời thực tế bao giờ. Nhưng quả tình mỗi lần đến với chúng, em cảm thấy tâm hồn rất thoải mái và thanh thản nên quên cả về.
Nam Khoa tỉnh giọng:
– Thế thì chúng mình cưới nhanh đi rồi em sẽ sinh con. Khi ấy em sẽ được thoải mái chăm sóc chúng cả ngày.
– Bộ anh bắt em nghỉ làm ư?
– Đương nhiên . Lấy chồng rồi phải phục vụ cho chồng chứ!
Hồng Kim phản đối:
– Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Anh quên tiêu chí này sao? Nếu anh mà nghĩ như vậy e rằng anh hơi bị lạc hậu rồi đó.
Đôi mày rậm như đám cỏ mọc hoang sau cơn mưa cau lại, Nam Khoa tỏ ý không hài lòng câu nói vừa rồi của Hồng Kim. Nhưng thật nhanh, anh phớt lờ nét mặt ngay và từ tốn nói:
Tư tưởng mà lạc hậu thì anh đâu đạt đến trình độ để trở thành một kiến trúc sư ngày hôm nay chứ.
Hồng Kim nhỏ nhẹ:
– Anh giận em à! Em chỉ nói đùa thôi, cho em xin lỗi nhé.
– Làm như anh nhỏ nhen lắm vậy, hở tí là bắt lỗi bắt phải. Quả tình đối với anh hiện nay mà nói, vấn đề vợ con cũng chưa phải là điều quan tâm hàng đầu của anh. Hiện tại anh quan trọng nhất là việc nghiên cứu đề tài về kiến trúc công trình đô thị mới.
Hồng Kim nói lẫy:
– Em biết, đàn ông các anh lúc nào cũng xem sự nghiệp là quan trọng cả.
Nam Khoa cười cười:
– Vậy chớ theo em thì thế nào? Em không thích lấy một người chồng thành đạt và có sự nghiệp sao?
– Tất nhiên ai mà chẳng thích một điều tốt đẹp và hoàn hảo như thế hở anh. Nhưng mà anh cũng nên nhớ rằng, “đằng sau sự thành đạt của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ” đấy.
Búng tay, Nam Khoa nói tỉnh bơ:
– Thì núp bóng thôi, chớ làm được gì. Như em chẳng hạn. Em sẽ làm được gì để giúp anh đây, nếu như em là người phụ nữ đằng sau sự thành đạt đó?
Thấy Hồng Kim chưa nói gì, Nam Khoa cao giọng tiếp:
– Trong khi công việc của anh và em chẳng có gì khớp hay ăn nhập với nhau. Nói cho chính xác là công việc em đang làm đấy hết sức bình thường so với thực tế cuộc sống hiện nay Kim ạ.
Sững sờ, Hồng Kim cúi mặt xuống mà chẳng biết mình tìm kiếm gì trên nền gạch để cho lòng giảm sự căng thẳng vì cô cảm thấy quá đỗi băn khoăn.
Lần đầu tiên chính miệng Nam Khoa tỏ ý xem thường công việc của cô. Nói như thế chẳng khác nào anh xem thường cả cô.
Một nỗi buồn vô cớ đã làm Hồng Kim nghe xa lạ và nhạt nhẽo khi đang ngồi ở cạnh Nam Khoa. Hồng Kim mím môi ngồi yên. Đột nhiên Nam Khoa cũng im bặt và cả hai như lặng thinh để theo đuổi những ý nghĩ riêng tư của mình.
Trong khi đó, bà Hồng Như ngoài phố cũng lang thang đi mà không định hướng gì cả. Từ ngày gia đình sa sút, bà là người nhạy cảm nhất để nhận ra sự thay đổi từ phía gia đình Nam Khoa. Nói cho chính xác hơn là từ bà “sui tương lai”, nhưng bà phải nén lòng cam chịu bởi vì thái độ đối xử rất mực cung kính của Nam Khoa dành cho bà.
Nam Khoa thường xuyên tới lui, mang quà và mua cả thuốc uống hàng ngày cho bà nữa. Với bà, Nam Khoa quả là một chàng rể quý, rể tốt. Bà không mong mỏi gì hơn khi Hồng Kim có được một tấm chồng như thế.
– Nhất định mình phải bảo vệ hôn ước để Hồng Kim và Nam Khoa được lấy nhau.
Bà Hồng Như vừa đi vừa nghĩ và bà buột miệng như nói với chính mình