watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Q3 - Cẩm Khê Di Hận-Hồi 25 - tác giả Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Hồi 25

Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Niên hiệu Lĩnh-Nam năm thứ ba, tháng ba ngày 13.
Thần Đào Lục-Gia, tức Sún Đen kính cẩn rập đầu tâu trước hoàng-đế bệ hạ Lĩnh-Nam.
Kể từ khi Lĩnh-Nam phục quốc. Thấm thoát đã được ba năm. Trong ba năm, nền nội trị thực vững vàng. Trên từ hoàng-đế bệ hạ, xuống dưới thứ dân, trước sau như một, người người đồng tâm. Thần đi đến đâu cũng thấy tiếng trẻ đọc sạch. Tiếng hát ở đồng quê. Tiếng thầy dạy học trò. Mùa màng liên tiếp trúng. Lúa gạo đầy kho. Lương tiền dư giả. Trong khi đó, bên Trung-nguyên, quan lại nhũng lạm, dân chúng lầm than. Cái cảnh thái bình, thịnh vượng ở Lĩnh-Nam, khiến dân chúng Trung-nguyên nhấp nhỏm muốn lật nhà Hán. Vì vậy Quang-Vũ hoảng sợ, bằng mọi giá phải diệt nước mình. Trận hồ Động-đình, diệt ba mươi vạn quân. Mã Viện, Lưu Long táng đởm kinh hồn. Trung-nguyên rung động.
Giữa lúc thế giặc tan, Kinh-châu náo loạn, Nam-dương không phòng bị kịp, thần khuyên công chúa Thánh-Thiên đánh lên Bắc, hợp với công-chúa Phật-Nguyệt. Trước chiếm Kinh-châu, trao cho Thục cai trị. Thuận thế trẻ tre đánh về Lạc-dương. Tất Quang-Vũ bỏ Lạc-dương vào Trường-an. Ta trao Trung-nguyên cho Thục. Như vậy cái thế tam phân thiên hạ lại tái lập. Song lời đề nghị của thần không được các tướng soái tán thành.
Thần đã cùng ăn, cùng ở với tướng sĩ Hán. Thần hiểu họ hơn ai hết. Đừng bao giờ hy vọng họ để mình đứng yên. Việt, Hán bất lưỡng lập. Ta không đánh người. Tất người đánh ta. Quả như vậy, sau khi xảy ra vụ Lê Đạo-Sinh, Lĩnh-Nam mất Tượng-quận. Đất tổ mất một phần sáu. Ôi đau đớn biết bao? Bọn tướng sĩ Tây-vu chúng thần, thường đêm ngày khóc thảm, đau xót khôn tả. Đất nước của Quốc-tổ, để rơi vào tay Hán. Bọn thần đều thề rằng: Từ nay gặp giặc Hán, đánh như sét nổ. Coi cái chết như lông hồng. Có như vậy mới khiến giặc kinh sợ.
Hay đâu trận đánh Nam-hải diễn ra. Lưu Long mang hai mươi vạn quân. Mã Viện mười vạn. Thêm mười vạn thủy quân. Cộng lại tới bốn mươi vạn. Hán mất ba mươi vạn ở hồ Động-đình, có hai mươi vạn ở Tượng-quận, bốn mươi vạn ở Nam-hải. Trong khi Lĩnh-Nam mất năm vạn ở hồ Động-đình, đến nay vẫn chưa hàn gắn xong. Trận Tượng-quận, không đánh mà tan hết đạo binh năm vạn. Trên mười vạn tráng đinh Lĩnh-Nam huấn luyện, bị Lê Đạo-Sinh dùng đánh lại Lĩnh-Nam. Không biết sau trận Nam-hải, đất Lĩnh-Nam mất bao nhiêu con em? Ngày nào mới bổ xung kịp? Trong khi đó Hán vẫn có thể kéo quân Tinh, U, Ký châu hơn trăm vạn về.
Bọn thần đã bàn cùng Công-tôn sư huynh, nguyện lấy cái chết đền ơn Quốc tổ, Quốc mẫu và bệ hạ. Vì vậy quân Lưu Long năm phần, Công-tôn đại ca với Sún Lé không được một, mà giết bốn vạn giặc. Công-chúa Thánh-Thiên trao cho công-chúa Đông-Triều, với thần ba vạn quân, phải vây sáu vạn quân Lưu Long. Công-tôn đại ca hai vạn người, trấn mười vạn quân Mã Viện. Khi nhận trách nhiệm, bọn thần cầm chắc cái chết trong tay. Cho nên anh em thần đã bí mật cùng ăn với nhau bữa cơm vĩnh biệt, trước khi ra trận. Trên đường tiến quân, cứ mỗi bước, thần lại liếc nhìn cảnh vật, này sông, này núi, này hoa, này cỏ. Bọn thần chỉ được nhìn lần này là lần chót, rồi thây phơi trên chiến địa.
Thần đứng chỉ huy các sư phong, xà, ngao, hầu vây giặc. Mỗi lần chúng đổ đồi, một lần bọn thần đánh bại. Thề một bước không lui. Lại Quán chỉ huy đoàn khỉ, truyền cành này, băng cành nọ. Bị giặc chém cụt một tay, máu chảy như suối, vẫn nghiến răng chịu đau, đốc xuất Thần-hầu, cho đến khi máu ra hết, mới ngã xuống. Hải-Diệu dùng ong đốt giặc. Hàng ngũ giặc rối loạn. Chúng dùng lửa hun khói. Ong bỏ chạy. Diệu bị bắt, can đảm cắn lưỡi chết, để bảo vệ danh tiết. Lê Diệu-Tiên trấn giữ thác nước, không cho giặc chiếm. Giặc đánh mười lần, đều bị đẩy lui. Thần-long chết hết. Hải-Diệu tủi hổ nhắc lại chỉ dụ của bệ hạ "Tướng là quân. Quân là tướng". Vì vậy đã tự tử theo quân. Xác phơi trên sườn núi. Lã-văn-Ất dùng chó sói bảo vệ Thần-nỏ. Thần-nỏ bị tràn ngập. Chó sói liều lĩnh cùng chết với giặc. Giặc chết hết, thì sói cũng cùng. Lã Văn-Ất kiệt lực, ngã xuống như ngọn đèn hết dầu.
Thần bị trúng thương ba chỗ. Biết chắc sẽ chết. Thu nhặt tàn quân quân đoàn bốn Tây-vu, đánh vào tên giặc chót. Máu ra nhiều quá, chân tay run rẩy, mắt hoa không còn thấy đường. Vội lấy giải áo bệ hạ ban cho ngày nào, gửi tấu chương. Con chim sắp chết, tiếng kêu bi thương. Người ta sắp chết lời nói hẳn lành, thần dám xin bệ hạ, sau trận đánh Nam-hải, Lưu Long, Đoàn Chí, Mã Viện đều kiệt lực. Khẩn cho công-chúa Gia-hưng đánh thẳng về Lạc-dương. Công-chúa Thánh-Thiên đánh về Hạ-khẩu, cùng công-chúa Phật-Nguyệt, tiến chiếm Kinh-châu. Bắc-bình vương Đào Kỳ đi sau tiếp ứng. Cửu-chân vương Đô Dương, vượt biển đánh lên Liêu-đông. Bốn mặt uy hiếp Lạc-dương. Cần đánh thực nhanh, không cho Hán kịp thời trở tay. Quang-Vũ tất bỏ chạy. Ta giúp hào kiệt Trung-nguyên, lập một triều đình mới. Trung-nguyên bị chia ba, chia bốn, Lĩnh-Nam mới tồn tại. Dù sau này họ thống nhất lại được, cũng mất hai, ba chục năm. Bấy giờ Lĩnh-Nam ta mạnh. Ta vỗ kiếm, nói truyện với Trung-nguyên trong thế chiến thắng.
Hỡi ơi! Mắt thần mờ đi rồi, máu ra nhiều quá. Thần... "
Đến đây máu, nước mắt bê bết, không còn chữ nào nữa. Trưng-đế cùng các đại thần nước mắt tuôn rơi. Ngài phán:
– Ta thường nghe Bắc-bình vương nói rằng: Tây-vu Thiên ưng lục tướng tuổi tuy trẻ, mà suy nghĩ như người già. Trong sáu tướng. Lục gia trẻ nhất, học văn tiến hơn cả. Cứ đọc bản văn này thì rõ. Ta sẽ khẩn họp các tướng quyết định về lời tâu của Lục gia.
Lễ tẩm liệm các anh hùng Tây-vu bắt đầu. Đào Tam-Gia đeo bảo kiếm. Tay cầm năm lá cờ ngũ sắc phất. Hơn trăm chiến sĩ Tây-vu cầm tù và rúc lên tu tu. Tiếng tù và nức nở, kéo dài thê lương bất tận. Trên từ Trưng-đế xuống đến quần thần đều cúi mặt. Đào Tam-Gia hướng vào các tử thi đọc bài điếu văn thảm thiết.
Đào Tam-Gia dứt lời. Một hồi tù và thổi lên. Trên trời Thần-ưng từ xa bay tới. Hơn nghìn con bay lượn vòng tròn trên trời. Từng toán năm con một tách khỏi đoàn, nghiêng cánh bay xuống lượn qua xác các chúa tướng. Chúng cất tiếng bi ai thảm não. Cứ như thế, lần lượt chúng biến vào chân trời. Trong khi đó, đoàn Thần-hầu thứ tự đến trước đài để xác các chúa tướng hành lễ như người. Đoàn Thần-tượng đi qua, chúng đều quì gối, rơi nước mắt, rống lên thống thiết bi ai.
Đoàn Thần-hổ, Thần-báo, Thần-ngao, thứ tự đi qua đài. Chỉ còn đàn Thần-phong, Thần-long không dự lễ tiễn biệt.
Đến đó Thần-ưng đã bay trở về. Trên mỏ mỗi con ngậm một đóa hoa tươi. Chúng bay qua khán đài, thả xuống. Hoa mưa trên xác tử sĩ. Rồi chúng đậu chi chít trên các cành cây, cúi đầu ủ rũ, cất tiếng kêu khắc khoải. Xác các tử sĩ được khâm liệm.
Công-chúa Thánh-Thiên truyền chở về quê hương chôn cất. Tính chung quân đoàn bốn Tây-vu thiệt hại:
Sư Tượng, hai trăm thớt voi, hai mươi tướng.
Sư Hổ, ba trăm con, ba mươi tướng.
Sư Báo, ba trăm con, ba mươi tướng.
Sư Long, năm ngàn con, ba mươi nữ tướng.
Sư Ưng, sáu trăm con, ba mươi tướng.
Sư Ngao, ba trăm con, ba mươi tướng.
Sư Hầu, sáu trăm con, ba mươi tướng.
Sư Phong, hai triệu, mười nữ tướng.
Thuật giả chỉ biết tên các chúa tướng, không có sách sử nào chép rõ tên tuổi hai trăm mười tướng tuẫn quốc trên. Đành gọi chung bằng danh hiệu Anh Hùng Lĩnh Nam.
Trưng-đế hỏi:
– Có tin tức gì về đạo thủy binh không?
Trần Tứ-Gia tâu:
– Tâu bệ hạ, từ hôm lâm chiến đến giờ. Thần vẫn nhận được đầy đủ tin tức các đạo thủy quân của công-chúa Gia-hưng, Trấn-đông tướng quân Vũ Chu. Còn tin tức đạo Nam-hải với vịnh Giao-chỉ thần chưa nhận được gì cả.
Trưng Vương vẫy tay, tỏ ý an ủi:
– Xin Tứ sư thúc an tâm. Trước khi đến đây, tôi đã nhận được đầy đủ tin tức đạo quân Chu Long đánh Nam-hải và đạo của Trịnh Sư đánh vịnh Giao-chỉ. Hai nơi này chúng đều bại.
Các tướng sĩ nghe nói, đều mừng hớn hở. Tư-đồ Phùng Vĩnh-Hoa nói:
Trước hết hạm đội của Chinh-nam đại tướng quân Trịnh Sư, gồm hơn hai vạn người ra khơi, hướng vào vịnh Giao-chỉ. Công-chúa Gia-hưng Trần Quốc lệnh cho các đội tuần tiễu tránh xa. Làm như không khám phá âm mưu đánh úp Giao-chỉ của chúng. Một mặt cho Thần-ưng báo về Giao-chỉ. Đại tư mã Giao-chỉ Trần Dương-Đức truyền cho các đội giang thuyền nhỏ ẩn ở trong các lạch ven bờ biển: khi thấy chiến thuyền giặc sắp tới, thì kéo cờ trắng dọc các cửa sông. Trịnh Sư xuất thân một trong Liêu-đông tứ ma. Y sống trên biển quen, song lại không có tài dùng binh. Y thấy cờ trắng treo khắp đác cửa sông, thì nghi ngại. Y cho một chiến thuyền tiến vào dò la. Đô-đốc Giao-chỉ là công-chúa Tử-Vân (sử gọi là nàng Tía) cho một vài chiến thuyền nhỏ chèo ra đánh rồi bỏ chạy. Chiến thuyền vào tới chỗ khuất, nàng cho Giao-long binh lặn xuống đục thuyền Hán. Thuyền chìm. Quân Hán bơi vào bờ sông, bị bắt hết. Trịnh Sư thấy chiến thuyền dò thám mất tích, y cho chiếc thứ nhì vào. Lại bị Tử-Vân đánh chìm bắt hết.
Đến chiến thuyền thư năm mất tích, Trịnh Sư hao hai nghìn năm trăm thủy thủ, mà không biết việc gì xảy ra. Y định rút lui. Bấy giờ Công-chúa Tử-Vân cho một số chiến thuyền xuất hiện. Vừa đánh trống, vừa chạy. Trịnh Sư đuổi theo rất gấp. Công-chúa thuộc địa thế, cho chiến thuyền của mình vượt qua cửa bể Thần-phù dễ dàng. Trịnh Sư không biết cửa Thần-phù sóng lớn, xoáy mạnh, cho chiến thuyền đi vào. Chiến thuyền Hán quay ngang, quay ngửa, khốn khổ lắm mới thoát được, thì không thấy chiến thuyền của công-chúa Tử-Vân đâu. Chúng hướng bờ biển tiến vào, đúng vùng núi Nghi-sơn, Biện-sơn thuộc Cửu-chân.
Các tướng nghe Phùng Vĩnh-Hoa kể truyện, say mê. Đến độ hiện diện hơn nghìn người, mà một con ruồi bay qua còn nghe thấy tiếng. Phùng Vĩnh-Hoa tiếp:" … Các vị biết Cửu-chân vương Đô Dương tài ba thế nào rồi đó. Đất Cửu-chân nhân tài như thế nào rồi đó. Trước khi nhử giặc. Công-chúa Tử-Vân đã thông báo cho Đô vương gia biết. Đô vương gia họp anh hùng Cửu-chân. Ai cũng đòi được đánh giặc. Cuối cùng công-chúa Nga-sơn đưa ra kế hoạch: Phải làm thế nào bắt sống hết đám giặc, mới tỏ được khí phách anh hùng Cửu-chân. Kế hoạch chuẩn bị sẵn ".
Công-chúa Phùng Vĩnh-Hoa ngừng lại, uống bát nước vối, lấy giọng, rồi tiếp:
" … Đô vương gia để cho giặc đổ bộ lên đảo Nghi-sơn. Đêm chúng nấu cơm ăn, ngủ say như chết. Người cho bốn tướng, Mai An, Mai Đạt, Mai Thỏa, Mai Tứ dẫn một đội Giao-long binh từ trên rừng lặn xuống cắt dây cột chiến thuyền, bắt trói mấy tên thủy thủ canh gác lại. Làm xong mọi việc, đốt pháo lệnh lên. Thủy quân của Đô-đốc Tử-Vân từ ngoài khơi tiến vào, đánh trống, khua chiêng. Trịnh Sư cùng đám quân ngủ trên đảo thức giấc, chỉ thấy biển mênh mông. Chiến thuyền mình bị cướp hết. Trời sáng, Đô vương gia dẫn Đại tư-mã Đinh Đại, các đại tướng Đô Thiên, Đào Nghi-Sơn, Đào Biện-Sơn, đem chiến thuyền Cửu-chân hợp với Đô-đốc Tử-Vân vây đảo Nghi-sơn. Được hai ngày, quân trên đảo hết lương, đói lả, nằm la liệt. Bấy giờ quân Cửu-chân dùng thuyền đổ bộ, chỉ việc trói lại. Đại tư mã Đinh-Đại xin xẻo thịt Trịnh Sư trả thù cho Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương, Quách Lãng tử trận hồ Động-đình, song tìm hoài không thấy y đâu" .
Thánh-Thiên hỏi:
– Còn mặt trận Hải-nam?
Trưng Nhị thuật:
" … Công-chúa Tử-Vân xin với tôi, được đem quân tiếp ứng đảo Hải-nam. Tôi thuận. Nàng dùng chiến thuyền Hán, kéo cờ hán. Lấy quần áo thủy thủ Hán cho thủy thủ Lĩnh-Nam mặc. Dương buồm vượt vịnh Giao-chỉ tiến đến đảo Hải-nam. Tôi vội sai Thần-ưng báo cho Nam-hải vương Trần Nhất-Gia, Nhị-Gia biết trước để khỏi ngộ nhận, đánh lẫn nhau. Chu Long dẫn ba vạn thủy thủ, đem chiến thuyền đánh đảo Hải-nam. Sư bá Trần Nhất-Gia giả như không biết. Như các vị biết đảo Hải-nam đất rộng, dân ít, gần bờ biển hơn hai mươi dậm không có người. Sư bá truyền quân ẩn vào rừng rậm. Chu Long yên tâm đổ bộ lên đảo. Nghỉ ngơi hai ngày. Y cho quân tiến sâu vào lục địa. Không gặp quân kháng cự. Dân chúng cúi đầu tuân phục, cung cấp thịt, cá cho chúng. Chúng yên tâm, đóng quân trên đảo. Giữa lúc sư bá Trần Nhất-Gia nhất định phản công đánh giặc, thì được thư của tôi. Người cho sư giả ra khơi bàn với công-chúa Tử-Vân. Công-chúa Tử-Vân án binh ngoài khơi. Chờ đến đêm mới dùng thuyền nhỏ chở đội Giao-long binh vào đánh úp, chiếm hết chiến thuyền của Chu Long, rồi chèo ra khơi. Trong lúc đó sư bá Trần Nhất-Gia cho quân đến cướp trại. Chu Long đấu với sư bá hơn bốn trăm hiệp bất phân thắng bại. Quân sĩ của y rút ra biển, thì ôi thôi, chiến thuyền không cánh mà bay.
Tráng đinh trên đảo, cùng quân sĩ ẩn trong rừng, đêm tiến ra đánh tỉa. Thủy thủ Hán mất chiến thuyền, lương thực không còn, lại bị đánh du kích. Đợi sau mười ngày, cho chúng đói khát. Bấy giờ đại quân Nam-hải với Thủy quân Giao-chỉ xuất hiện. Chúng đầu hàng hết. Chu Long cướp một thuyền nhỏ bỏ chạy. Gặp công-chúa Nga-Sơn cùng đội thủy quân Cửu-chân. Thủy thủ vây y kín như thành đồng vách sắt. Nhìn cử chỉ Công-chúa Nga-Sơn, y biết người không giỏi võ. Y nhảy nhót mấy cái đến bên người, vung tay kiềm chế để thoát thân. Thủy thủ thấy vậy không dám tấn công y nữa. Trong khi y bắt công-chúa Nga-Sơn lên một con thuyền nhỏ, chèo trốn, thì thình lình công-chúa nhào xuống biển. Chu Long đánh theo một chưởng. Công-chúa ở dưới nước bị long óc chết.
Công-chúa Tử-Vân xua chiến thuyền đuổi theo. Hai người đại chiến dưới đáy biển. Sau nửa giờ Chu Long không thạo thủy chiến bị bại, y cướp một chiến thuyền bỏ chạy. Thế là chúng ta bắt sống được năm vạn thủy quân với hai trăm chiến thuyền lớn.
Công-chúa Tử-Vân xin tôi cho phép đem cả hạm đội mới bắt được, vận tải thủy quân Nam-hải, Giao-chỉ tiếp ứng cho công-chúa Trần Quốc. Tôi đồng ý. Đến đó tôi lên đường đi Mê-linh. Không được tin tức gì nữa".
Chú thích tác giả: Công-chúa Tử-Vân thường được gọi bằng danh từ bình dân "Nàng Tía". Quê công-chúa ở Vĩnh-hưng. Nay thuộc xả Vĩnh-quỳnh, huyện Thanh-trì, tỉnh Hà-đông còn có đền thờ bà cùng với hai tướng thời vua Hùng. Trong đền có nhiều câu đối. Tác giả xin trích dần:
Câu đầu, vế thứ nhất:
"Sinh ứng xương kỳ, hiệp tán Hùng gia song hiển thánh".
Vế này ý nói: Thời thịnh trị sinh ra hai tướng cùng phù vua Hùng. Nay hiển thánh.
Vế dưới nói về Tử-Vân:
"Triệu bằng tiền mộng, dực phù Trưng thế nhất anh thư".
Vế này ý nói: Mộng xưa ứng vào điềm, một vị anh thư giúp vua Trưng.
Câu thứ nhì, vế thứ nhất :
"Giáng thế phi thường, Ma lôi cầm chính tướng. Xích tị diệt yêu tinh, vinh hữu khoán thư, tính tuyền tuấn liệt".
Vế này ý nói về hai tướng thời vua Hùng rằng giáng thế khác thường, Ma lôi bắt tướng giặc. Rắn đỏ trừ yêu tinh, cho nên giữ chốn đình này rạng rỡ, thờ kính đời đời vị tài dũng liệt.
Vế dưới, nói về Tử-Vân:
"Hiển linh đặc dị, Thủy quốc mộng báo liên hoa, Thần phù khởi phong trận, hưng tứ phất miện, công mộc hồng hưu".
Nghĩa là: Hiển linh kỳ dị, Thủy quốc mộng hoa sen. Thần phù nổi gió bão. Buổi tế lễ chỉnh tề mũ áo, khắp nơi tắm ơn sâu.
Sau trận Nam-hải, công-chúa trấn vùng vịnh Bắc-Việt khiến hơn hai năm, Lưu Long không vào được đất Giao-chỉ. Đó là truyện sau.
Bây giờ trở lại trận Nam-hải.
Trần Tứ-Gia tâu với Trưng-đế:
" … Đoàn Chí với Sầm Bành đem quân đánh đảo Đông-Sơn. Chúng cho thủy thủ tiến vào bờ. Ngũ-đệ cùng Vũ Chu để cho chúng rời thuyền. Trong khi chúng đang lên bãi cát, lập tức cho lệnh các xe Thần-nỏ bắn ra. Thủy thủ chới với giữa bãi biển, ngã hết. Chỉ loạt đầu, năm dàn Thần-nỏ bắn chết hơn vạn quân. Chúng lui trở lại chiến thuyền. Thần-nỏ được quân hộ tống, đuổi theo bắn tà tà trên thuyền. Chúng rút ra khơi kịp. Quân trên đảo chỉ chiếm được ba mươi chiến thuyền.
Hôm sau chúng trở lại đánh đảo. Chúng mang theo lá chắn bằng rơm tẩm bùn. Đó là kinh nghiệm của Ngô Hán đánh Đức-xương. Thần nỏ bắn không kết quả. Chúng tiến sát hàng rào. Quân trấn thủ chiến đấu mãnh liệt. Suốt ngày, bên giặc chết hơn hai vạn. Lĩnh-Nam chết hơn vạn. Vũ Chu bị thương nặng. Đêm, giặc lên thuyền rút ra khơi.
Trên đảo, Vũ Chu bị thương, lại chiến đấu mệt mỏi, nên chết lúc canh tư. Hôm sau Đoàn Chí, Sầm Anh trở lại đánh nữa. Giữa lúc chúng đánh vào tới hàng rào cuối cùng, binh tướng hai bên chết la liệt, thì Trấn-nam vương Vương Phúc với công-chúa Trần Quốc đem quân tới. Đoàn Chí, Sầm Anh cho quân rút lên chiến thuyền. Hai bên dàn trận giữa biển đại chiến. Thần tiễn Âu-Lạc tứ hùng đứng trên cột buồm lớn. Mỗi lần buông tên, bốn tướng giặc ngã xuống. Hai bên cứ giữ khoảng cách xa gần trăm trượng. Thình lình Thần-ưng xuất hiện đánh xuống. Thủy thủ Hán náo loạn. Giữa lúc đó, đội Giao-long binh lặn xuống đục thuyền. Lát sau hai trăm chiến thuyền Hán bị chìm. Quân Hán bơi đầy mặt biển. Thuyền Lĩnh-Nam vớt lên trói lại... Đoàn Chí, Sầm Anh kéo trên trăm chiến thuyền chạy. Giữa lúc hai bên đuổi nhau, đoàn chiến thuyền của công-chúa Tử-Vân xuất hiện. Công-chúa Trần Quốc thấy chiến thuyền Hán, mang cờ Hán, thủy thủ mặc quần áo Hán, nhờ được báo trước,bà vẫn biết là quân Giao-chỉ giả quân Hán. Đoàn chiến thuyền Giao-chỉ tới nơi, mà Sầm, Đoàn còn tưởng viện binh. Khi các chiến thuyền Giao-chỉ chở Thần-nỏ bắn qua. Thủy thủ Hán ngã ngổn ngang. Chúng mới tỉnh ngộ thì đã trễ.
Sầm Anh bỏ chạy, bị Thần-tiễn Âu-Lạc tứ hùng bắn theo. Y bị thương ở tay, song trốn được. Đoàn Chí bị vây. Y nhảy sang thuyền công-chúa Trần Quốc định bắt tướng. Đụng phải Nghi-hòa công-chúa Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa. Y đấu với Quế-Hoa hơn hai trăm chiêu bất phân thắng bại. Cuối cùng quân tướng bị bắt hết. Y nhảy ùm xuống biển, lặn mất. Công-chúa Trần Quốc nhảy theo. Trận chiến dưới biển kinh hồn diễn ra. Đoàn Chí võ công cao. Công-chúa Trần Quốc giỏi thủy tính. Đánh nhau hơn giờ, y mệt nhoài, trúng một kiếm vào giữa ngực, y bị thương nặng. Công-chúa Trần Quốc bắt sống y đem lên soái thuyền. Được nửa ngày, y mất máu nhiều quá, chết.
Sau đó công-chúa Trần Quốc hợp với công-chúa Tử-Vân, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa, Sa-Giang, Đào Ngũ-Gia, rồi cho chiến thuyền vượt biển đánh lên phía Bắc. Từ đấy thần không được tin tức nữa".
Bỗng có tin báo:
– Dường như Mã Viện chuẩn bị rút quân.
Thánh-Thiên truyền đánh trống tụ tập tướng sĩ nghe lệnh. Bà tâu với vua Trưng:
– Xin bệ hạ ban chỉ dụ.
Vua Trưng mỉm cười:
– Chị ngồi xem em đuổi giặc.
Thánh-Thiên rưng rưng nước mắt cảm động. Vì hơn ai hết, bà hiểu cung cách hành xử của vua Trưng. Đối với người ít thân, ngài thường gọi bằng chức tước. Còn đối với ai quá thâm tình, ngài thường gọi bằng tên hoặc xưng chị em.
Ngài nói với quần thần:
– Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa, Phương-Dung trông còn có vẻ tướng. Chứ Phật-Nguyệt, Thánh-Thiên, mình hạc, xương mai. Nói năng nhỏ nhẹ nhu mì. Có ai ngờ đâu lại có tài cầm quân, có chí nuốt trăng sao vào miệng.
Thánh-Thiên cầm kiếm lệnh để lên án:
– Mã Viện rút quân, chắc y được tin quân Lĩnh-Nam đánh lên Phúc-môn, tiến về Giang-hạ, đánh chiếm Nam-dương. Chúng ta phải đuổi theo giặc, tiêu diệt chủ lực chúng.
Bà trao binh phù cho Trần Tứ-Gia:
– Võ công Phùng Đức rất cao. Ngoài sư bá không ai địch nổi. Vậy sư bá hãy cùng Đào Nương đem đoàn Thần-phong, và hai vạn quân đêm nay cướp trại giặc. Nhớ không nên đuổi giặc làm chi. Chiếm được trại giặc là đủ.
Bà gọi Đào Phương-Dung, Lê Ngọc-Trinh:
– Mã Viện, Lưu Long tất rút quân trước. Chúng để Phùng Đức rút sau. Hai em lĩnh một vạn quân, với năm dàn Thần-nỏ, đem theo Lê Hằng-Nghị với sư Thần-tượng phục ở My-sơn. Hễ thấy Mã Viện, Lưu Long về tới, đợi cho chúng đi qua một nửa. Tung phục binh đánh cắt đoạn hậu.
Bà gọi Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga:
– Hai em đem một vạn quân với Trương Quán, Phan Tương-Liệt dẫn Thần-hổ, Thần-báo, đêm nay cướp trại của Ngô Anh, Vương Hùng. Giặc bỏ chạy thì thôi. Không cần đuổi theo.
Các tướng rầm rộ dẫn quân lên đường. Phan Đông-Bảng, hiện lĩnh chức Tư-không đất Quế-Lâm. Vũ Công-Chất giữ chức Hình-bộ thượng thư cũng thấy ngứa chân tay. Đông-Bảng nói:
– Thánh-Thiên! Có chỗ nào, cho sư thúc đánh với. Ngồi nhà nhìn các cháu đánh giặc, ta chịu không được.
Thánh-Thiên kính cẩn:
– Còn một mặt nữa, cháu không biết nhờ ai. Vậy xin nhờ sư thúc Phan, sư thúc Vũ, Nguyễn dẫn một vạn quân, đem theo sư Thần-ngao, Thần-ưng phục tại Vĩnh-định, hễ thấy Ngô Anh, Vương Hùng chạy qua, thì đổ ra đánh.
Phan Đông-Bảng, Vũ Công-Chất, Nguyễn Tam-Trinh lĩnh mệnh lên đường.
Binh-bộ thượng thư Chu Bá hỏi:
– Còn ta ngồi chơi sao?
Thánh-Thiên nói:
– Sư bá cùng cháu phù hoàng-thượng lên đỉnh núi cao điều binh, tiếp ứng các nơi. Đêm nay mười vạn quân Mã Viện bị tám vạn quân Lĩnh-Nam tiêu diệt.
Thánh-Thiên thỉnh Trưng-đế cùng Trưng vương, triều thần lên đỉnh núi Thường-sơn quan sát trận chiến.
Trưng-đế cầm tay Thánh-Thiên nói:
– Về tài dùng binh, quân sư, mưu kế, em kiêm cả ba. Song có điều em hiểu người không trọn vẹn. Ta sợ có gì không hay xảy ra.
Thánh-Thiên kính cẩn:
– Em xin nghe lời chị dạy dỗ.
– Em cần phân biệt các tướng xuất thân Cửu-chân, khác với các tướng khác. Các tướng khác họ có thể uyển chuyển trong khi hành sự. Còn các tướng gốc Cửu-chân, họ coi cái chết như không. Vì vậy Đào Nhất-Gia, Đào Lục-Gia bị thương chí mạng đến ba bốn chỗ, họ vẫn cương quyết tử chiến. Bây giờ em để Đào Phương-Dung đuổi giặc. Tất Đào Phương-Dung sẽ đuổi tới cùng, một điều ta lo. Thứ nhì nơi phục binh của Lê Chân, ắt gặp Mã Viện. Lê Chân thường cho rằng trong các tướng Hán hiện thời, Mã có tài dùng binh bậc nhất. Để Lê Chân đuổi Mã Viện, tất Lê Chân đuổi tới cùng, có khi gặp hung hiểm. Giá thay Lê Chân bằng Đàm Ngọc-Nga. Đào Phương-Dung bằng Lê Ngọc-Trinh thì hay hơn. Thôi đã lỡ.
Trưng-đế hỏi các anh hùng:
– Các vị nghĩ xem. Chúng ta có nên nghe lời Đào Lục-Gia đánh thẳng về Lạc-dương không?
Trưng Nhị tâu:
– Em đã từng chỉ huy Thiên-ưng lục tướng. Em hiểu họ hơn ai hết. Có một điều em nghĩ mãi không ra. Hễ họ dự đoán việc gì, lập tức việc đó xảy ra đúng như họ nghĩ. Dường như họ có linh khiếu đặc biệt thì phải. Chúng ta nên nghe lời Đào Lục-Gia.
Vĩnh-Huy tâu:
– Lời Đào Lục-Gia không sai. Sau trận Động-đình, Tượng-quận, Nam-hải, quân chúng ta chỉ còn khoảng hai mươi vạn. Nếu dốc hết đánh lên Trung-nguyên bất ngờ nhất định thắng. Song đánh thì phải có tổn thất. Ta lấy quân đâu mà giữ đất người? Khi chiếm được Lạc-dương, quân còn năm, bảy vạn. Bấy giờ Hán phản công. Ta chỉ có chết. Trung-nguyên giữ không được, mà Lĩnh-Nam cũng hỏng luôn.
Chu Bá tiếp:
– Cứ trận Tượng-quận suy ra. Người Hán họ tự coi là con trời, đi cai trị thiên hạ thì được. Họ ở trên đất Lĩnh-Nam, được hưởng đủ thứ quyền lợi sung sướng. Thế mà họ không chịu phục, phản Lĩnh-Nam để trở về với Hán, dù biết trở về với Hán họ khổ trăm chiều. Vì vậy ta mất Tượng-quận. Lại nữa, người Việt mình tính hiếu hòa. Nếu bảo hy sinh chống ngoại xâm, dù chết vẫn lăn vào. Còn nay đi đánh người. Họ không thiết chiến đâu!
Trưng Đế im lặng suy nghĩ, lát sau phán:
– Trẫm nghĩ, hiện mình bắt được mấy vạn binh tướng Hán. Bây giờ cố bắt được Ngô Anh, Vương Hùng rồi xúi chúng về Liêu-đông làm phản. Nhược bằng chúng nghe thì thôi. Còn chúng không nghe, ta dùng Chu Kim-Hựu, Trần Kim-Hồ, Chu Tường-Qui, đổ lỗi trận đánh Nam-hải thất bại do chúng. Chúng xuất thân lưu manh, tất kéo về Liêu-đông làm phản. Chúng thắng, ta cũng kéo quân đánh Kinh-châu, giao cho Vương Phúc tái lập nước Thục. Thế là Trung-nguyên chia làm ba. Lĩnh-Nam yên ổn.
Chu Bá tâu:
– Thần trộm nghĩ, nên báo tất cả chi tiết trận đánh, cùng tình hình cho Phương-Dung, Đào Kỳ, Phật-Nguyệt. Xem ý kiến họ ra sao.
Phùng Vĩnh-Hoa cầm bút viết thư, sai Thần-ưng mang thư đi.
Thình lình Vĩnh-Hoa chỉ về phía Đông-vu:
– Kìa có lửa cháy ở trại Hán. Chắc Trần Tứ-Gia đã thành công.
Lửa bốc lên ngụt trời, tiến quân reo dậy đất. Trưng Nhị chỉ về phía trại quân Ngô Anh, Vương Hùng:
– Kìa, Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga cũng thành công rồi kìa.
Thần-ưng từ các cánh quân báo tin về liên tiếp. Trần Tứ-Gia đã cướp được trại Hán. Phùng Đức chỉ có hơn vạn quân được lệnh rút sau cùng. Không ngờ đang đêm bị Thần-phong, Thần-nỏ tấn công. Quân sĩ bỏ chạy tán loạn. Y chỉ còn một người, một ngựa bôn tẩu. Đến sáng Trần Tứ-Gia, Đào Nương trở về, dẫn theo mấy ngàn tù binh, cùng lừa, ngựa, lương thảo. Một lát Lê Chân, Đàm-Ngọc-Nga cũng trở về trong chiến thắng lẫy lừng.
Mặt trời đã lên cao, vẫn không thấy Đào Phương-Dung, Lê Ngọc-Trinh về. Trưng Đế sốt ruột hỏi:
– Không biết có truyện gì xảy ra không?
Thánh-Thiên sai Thần-ưng liên lạc. Một lát Thần-ưng bay trở về. Chúng kêu lên những tiếng khẩn cấp. Trưng Nhị nói:
– Chắc Đào Phương-Dung gặp hung hiểm rồi. Ai đi cứu viện được?
Lê Chân vọt lên ngựa nói:
– Để em cùng Đàm Ngọc-Nga xin đi.
Bà vẫy Phan Tương-Liệt, Trương Quán mang đoàn Thần-hổ, Thần-báo theo.
Đến xế chiều, xa xa thấy khói bốc lên ở núi My-sơn, lẫn với tiếng quân reo, ngựa hí. Hai bà xua quân tới. Từ xa Lê Chân nói:
– Kìa quân Lĩnh-Nam bị vây trên núi. Quân Hán đang đánh lên.
Đàm Ngọc-Nga bàn:
– Chị Thánh-Thiên lệnh cho Đào Phương-Dung, Lê Ngọc-Trinh đợi quân Mã Viện đi qua hãy đổ quân ra đánh. Hai người này vốn tính cẩn thận, chắc không dám trái lệnh đâu. Hẳn Mã Viện đi trước. Lưu Long đi sau. Khi Lĩnh-Nam đổ quân ra đánh Lưu Long thì Mã Viện đem quân đánh quật lại. Vì hai người chỉ có một vạn quân. Trong khi Lưu, Mã có tới bốn vạn người.
Tướng Hán thấy Lĩnh-Nam có quân viện, lập tức chia làm hai lực lượng. Mã Viện kéo quân đánh Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga. Còn Lưu Long tiếp tục đánh Đào Phương-Dung. Quân sĩ hai bên reo hò vang dội xông vào trận. Quân Lĩnh-Nam có voi, hổ, báo trợ chiến, chiếm được ưu thế. Quân Hán phải lui dần. Thình lình có hai người từ xa cỡi ngựa phi tới. Chúng hô lên một tiếng xung vào đánh dạt đoàn Thần-hổ, Thần-báo ra. Lê Chân kinh hãi nghĩ:
– Thì ra hai tên Phùng Đức, Sầm Anh. Hèn chi võ công chúng cao.
Bà cầm cờ chỉ huy quân vây chúng như thành đồng vách sắt. Phùng Đức vọt khỏi đám quân sĩ. Y tiến về phía Lê Chân. Bà vội lui vào giữa đoàn Thần-hổ. Phùng Đức đuổi theo rất gấp. Y vung chưởng tấn công. Chưởng đánh đến binh một tiếng, hai con hổ với Lê Chân bay ra xa. Y đánh một chưởng nữa định kết liễu tính mệnh bà, chưởng phong chụp xuống. Thình lình một người từ trên cây cao gần đó nhảy xuống, hô lớn:
– Phùng Đức, đỡ lấy này!
Người đó liệng về phía y một vật to như bao gạo. Phùng Đức vung chưởng đỡ. Bốp một tiếng, cái bao bay ra xa xa. Trong bao có tiếng kêu thảm thiết. Thì ra một người bị giam trong đó.
Người kia vung chưởng đánh Phùng Đức. Hai chưởng đụng nhau đến binh một cái. Người kia kêu lên một tiếng kinh ngạc. Phùng Đức đã nhận ra người kia. Y kêu lớn lên:
– Chu Tái-Kênh! Ngươi với ta cùng theo Mã thái-hậu. Tại sao ngươi lại đánh ta ?
Chu Tái-Kênh cười:
– Ta đánh ngươi vì ta thích làm ngươi đau khổ.
Bà vung chưởng đánh tới. Phía sau bà Trần Năng đấu với Sầm Anh. Trần Năng đã phát huy hết Thiền-công. Trận đấu chưa phân thắng bại. Trong khi đó quân Hán, quân Lĩnh-Nam tiếp tục giao chiến. Tuy Lê Chân bị thương, nhưng bà vẫn nghiến răng chịu đau, đứng trên bành voi đốc chiến.
Mã Viện, Lưu Long trải qua một đêm chiến đấu, quá mệt mỏi. Chúng đang vây Đào Phương-Dung, Lê Ngọc-Trinh, tưởng đâu diệt được đạo quân này. Không ngờ đạo quân Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga tới. Quân Hán không còn sức chiến đấu, lui dần về Kinh-châu.
Trận đấu diễn ra hơn giờ nữa, Trần Năng đã yếu thế lắm rồi. Thình lình có tiếng quân reo, ngựa hí. Từ phía xa một đạo quân hùng hổ tiến tới. Sức mạnh như núi lở băng tan. Đi đầu là hai tướng, một nam, một nữ. Trần Năng liếc nhìn. Nàng bật lên tiếng reo, vì lá cờ đi đầu bay phất phới, trên có hàng chữ đề Bắc-bình vương Đào, lá thứ nhì đề Tể Tướng Nguyễn.
Trần Năng kêu lớn:
– Tiểu sư thúc, cứu cháu với!
Đào Kỳ từ mình ngựa vọt lên cao. Ở trên cao vương đánh xuống chiêu Loa-thành nguyệt ảnh. Kình lực mạnh kinh người. Phùng Đức vung chưởng đỡ. Sầm một tiếng. Đào Kỳ bay vọt lên cao. Vương lộn liền bốn vòng. Người tà tà đáp xuống. Vương đánh thêm chiêu Thiết-kình phi chưởng. Phùng Đức bị chưởng đầu bật lui hai bước. Y nhảy lui lại phía sau. Sắc mặt nhợt nhạt hỏi:
– Ngươi là ai, mà chưởng lực đến dường này?
Chợt nhìn thấy lá cờ. Y kêu lên:
– Thì ra mi là Đào Kỳ. Ta đang muốn tìm mi trả thù cho cháu ta là Phùng Dị đây.
Đào Kỳ thấy chưởng lực Phùng Đức cao hơn Phùng Dị nhiều. Vương nghĩ thầm : Trước khi phục hồi Lĩnh-Nam, ta không phải là đối thủ của y. Từ khi Lĩnh-Nam phục hồi. Vương có thời giờ luyện tập, công lực tiến mau không thể tưởng được. Vì vậy vương muốn thử xem kết quả đến đâu. Vương đấu với Phùng Đức được trên hai trăm chiêu, thì y nhảy vọt ra ngoài nói:
– Hôm nay mi với ta mới biết nhau mà thôi. Ta bại trận, mệt mỏi mấy ngày, nên đấu không lại mi. Ta hứa sẽ tìm đến mi.
Y quay lại nhìn, Lưu Long, Mã Viện đã rút quân chạy từ bao giờ. Y vẫy Sầm Anh cùng lên ngựa, chạy theo. Sầm Anh bị Phương-Dung dùng kiếm cắt mất búi tóc. Trông y thực thảm não.
Đào Phương-Dung được Đào Kỳ bất thần xuất hiện tiếp cứu. Bà mừng rơi nước mắt hỏi:
– Anh Kỳ! Tại sao anh biết em bị vây mà đến giải cứu?
Anh em họ Đào thương nhau như chân tay. Đào Kỳ quên mất cô em họ đã lớn, làm đại tướng quân. Ông đến bên nắm tay, chỉ vào vợ:
– Chúng ta kéo quân lên hồ Động-đình cùng với thái sư thúc Phật-Nguyệt phòng quân Hán vượt sông. Được thư của Phùng Vĩnh-Hoa báo tình hình trận chiến. Chúng ta vội rủ Chu lão bá cùng Trần Năng đem thiết kị tiếp cứu. Đến đây thì gặp em bị nạn.
Không thấy Lê Chân đâu, ông hỏi:
– Công-chúa Đông-triều đâu rồi?
Một tên quân nói:
– Công-chúa cùng quân mã trực thuộc đuổi theo Mã Viện, Lưu Long rồi.
Nguyễn Phương-Dung bảo Đào Kỳ:
– Anh giải quyết chuyện ở đây! Em tiếp ứng Lê Chân.
Phương-Dung dẫn đội thiết kị Văn-lạc theo. Họ đều là tráng sĩ được huấn luyện nhiều năm. Kiến thức võ công đều cao. Đoàn thiết kị phóng như bay. Một lát thấy quân Lĩnh-Nam với Hán đang giao chiến với quân Lê Chân. Thấy đạo Thiết kị Văn-lạc tới, chúng vẫn không sờn lòng, chia làm hai chiến đấu. Đạo Thiết kị Văn-lạc tinh nhuệ, khỏe mạnh, xung vào trận. Chỉ một lát đạo quân Mã Viện bị đánh bật về sau. Chúng quăng vũ khí chạy.
Lê Chân truyền lệnh đuổi theo. Phương-Dung phi ngựa gọi:
– Chị Lê Chân, về thôi!
Lê Chân như không nghe tiếng Phương-Dung, bà thúc voi đuổi theo tàn quân Mã. Mã Viện kinh hoàng, y vừa đánh vừa chạy. Lê Chân rút trong bọc ra lưỡi đao nhỏ. Bà nhắm đầu Mã Viện phóng. Lưỡi đao sắp tới đầu Mã, thì con ngựa của y vấp vào mô đất, ngã lăn ra. Lưỡi đao bay sát qua đầu y.
Lê Chân phóng voi lên định kết liễu tính mệnh y. Y hoảng sợ chui vào bụng voi, luồn ra phía sau, biến vào rừng mất. Lê Chân dừng voi lại, người bà lảo đảo muốn ngã. Phương-Dung kinh ngạc, vọt lên lưng voi, bồng bà xuống. Bà mửa ra một búng máu tươi. Hơi thở yếu ớt.
Ghi chú tác giả: Trước năm 1945, tại vùng duyên hải từ Hải-phòng tới Quảng-yên, Hòn-gai, Cẩm-phả, hàng năm đến ngày giỗ công-chúa Đông-triều Lê Chân, dân chúng thường diễn vở hát chèo, thuật lại tích Mã Viện bị Lê Chân đánh thua, quì xuống xin tha mạng. Lê Chân bắt chui qua háng ba lần, mới tha chết cho. Có lẽ dân chúng Việt-Nam hận Mã Viện, thêm thắt vào chi tiết này, chứ thực sự võ công Mã cao hơn bà nhiều, làm sao bà bắt y luồn qua háng?
Phương-Dung vội thúc voi trở về tìm Trần Năng:
Trần Năng dùng Lĩnh-nam chỉ trị thương cho Lê Chân. Đào Kỳ đến bên xem xét hỏi:
– Sao? Còn hy vọng gì không?
Trần Năng lắc đầu:
– Chưởng Phùng Đức mạnh quá. Tạng phủ bị dập nát hết rồi. E khó qua khỏi. Thôi chúng ta đưa Lê Chân về Thường-sơn tìm thuốc chữa.
Có tiếng quân reo ở Vĩnh-định vọng lại. Đào Kỳ nói với Trần Năng:
– Công-chúa đem công-chúa Đông-Triều về chạy chữa. Tôi với Phương-Dung, Chu lão bá đi tiếp viện Vĩnh-định.
Ông vẫy thiết kị lên đường. Từ xa xa Đào Kỳ thấy quân Lĩnh-Nam đang bị hai đạo quân Hán vây phủ. Ông bảo vợ:
– Em đánh vào phía trái. Anh đánh vào phía phải. Chu lão bá đánh vào trung ương.
Hai người cầm kiếm xung vào trận. Người đi đến đâu, đầu rơi đến đó. Phút chốc vòng vây dãn ra. Phương-Dung để Đào Kỳ đấu với Vương Hùng. Chu Tái-Kênh đấu với Ngô Anh. Bà đứng chỉ huy thiết kị đánh quân Hán. Một lát đạo quân Hán bị cắt đôi, chạy tứ tán. Bà thấy sư thúc Phan Đông-Bảng bị thương, vội đỡ lên, lấy thuốc chữa thương băng bó cho ông. Bà hỏi Nguyễn Tam-Trinh:
– Tại sao mình đem quân vây chúng, mà bị chúng đánh bại?
Nguyễn Tam-Trinh thuật:
– Chúng ta đem quân phục ở đây. Thấy bại binh của Ngô Anh, Vương Hùng chạy về, đồng đổ ra đánh. Có Thần-ngao, Thần-ưng yểm trợ. Giữa lúc chúng ta đang thắng thì có một đội thiết kị Hán đến tiếp viện. Vì vậy chúng ta bị thua, phải lui lên đồi phòng thủ, nhờ Thần-ngao, Thần-ưng cản đường tiến quân giặc. Vũ Công-Chất trúng tên chết. Phan sư huynh anh dũng đứng chỉ huy cản đường tiến của giặc. Sư huynh bị trúng mũi tên vào vai. Người nhổ tên ra, tự băng bó, rồi lại đứng đốc chiến. Cuối cùng bị hai mũi tên vào bụng mà ra nông nỗi.
Đến đó ông ngừng lại, vì Ngô Anh, Vương Hùng bị Đào Kỳ, Chu Tái-Kênh đánh bay ra xa. Chúng chạy biến vào rừng mất dạng.
Phan Đông-Bảng mở mắt ra thấy Phương-Dung. Ông tát yêu cháu nói:
– Suốt từ Lĩnh-Nam phục hồi đến giờ, sư thúc cứ ngồi ở Quế-lâm chán quá. Mới đây theo hoàng-thượng kinh lý mặt trận. Thánh-Thiên nhờ ta xuất quân. Không ngờ lại bị thương nặng.
Ông thở một hơi dài, than:
– Thôi, như thế cũng được. Hôm nay ta chết, sẽ được gặp cha cháu, gặp các anh cháu.
Phương-Dung đỡ ông lên ngựa, đưa về Thường-sơn. Dọc đường ông mơ mơ tỉnh tỉnh. Đến Thường-sơn. Ông mở mắt ra thấy Trưng-đế. Ông mỉm cười:
– Tôi thực vô dụng. Mới xuất trận đã bị tử thương. Mong bệ hạ bảo trọng mình rồng, chăn dắt trăm họ Lĩnh-Nam.
Ông nghẹo cổ sang một bên, nhắm mắt lại.
Phương-Dung được sư thúc Phan Đông-Bảng yêu thương đặc biệt. Không ngờ hôm nay ông lại chết trước mặt mình. Bà ôm sư thúc, khóc như mưa như gió.
Bà khóc một lúc, thấy nhẹ người, nhìn lại phía trong. Lê Chân mơ mơ, tỉnh tỉnh. Bà hỏi Trần Năng:
– Có cứu được không?
Trần Năng lắc đầu:
– Dù sư phụ ở đây cũng bó tay mà thôi.
Chợt Lê Chân mở mắt ra. Bà thấy Đào Kỳ, Phương-Dung thì vẫy tay gọi:
– Hai em nhớ ngày nào tới Đăng-châu không? Chị giả làm người bán quán, rồi chúng ta hợp với Phùng Vĩnh-Hoa, Đàm Ngọc-Nga mưu phục quốc. Hôm nay chúng ta đều hiện điện đầy đủ. Ta sắp chết rồi. Ta sẽ được gặp lại sư phụ. Trước đây ta hứa sẽ làm một bữa canh cá rô nấu cải bẹ xanh cho em ăn. Bây giờ ta đành thất hứa.
Bà nói với vua Trưng:
– Chị Trưng Trắc! Chúng mình vẫn là chị em. Em chết rồi, chị nhớ đưa xác về trang An-biên chôn. Để ngày ngày hồn em còn bảo vệ trang ấp em đã lập ra. Sư phụ em dạy: Người ta sinh ra ai cũng phải chết. Chết cho đại nghĩa mới thực xứng đáng.
Bà nói với Trưng Nhị, Trần Năng, Hồ-Đề:
– Mới hôm nào chúng ta dùng thuyền du ngoạn hồ Động-đình, viếng nơi Quốc-tổ, Quốc-mẫu đã từng ở. Tôi cầm dao khắc vào đá. Như vậy, dù vạn năm sau, con cháu đất Lĩnh-Nam còn nhắc truyện này.Hôm ấy chúng ta gặp Tăng-Giả Nan-Đà. Không biết nay ngài ở đâu?
Có tiếng vọng từ xa lại:
– A Di Đà Phật. Bần tăng ở đây!.
Phút chốc, mọi người thấy hoa mắt một cái, Tăng-Gỉa Nan-Đà đã đứng cạnh Lê Chân. Ngài chắp tay kính cẩn nói với Trưng Đế:
– Bần tăng tự tiện vào đây, mong bệ hạ hỉ xả khoan thứ.
Trưng Đế chắp tay:
– A Di Đà Phật. Đại sư giáng lâm, trẫm và triều thần đều cảm kích.
Lê Chân nói với ngài:
– Trước đây sư phụ thường nói đến thế giới Cực-Lạc. Người dạy rằng khi sắp lâm chung, phải niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Ngài sẽ độ cho về Tây-phương Cực-lạc. Bây giờ đệ tử muốn được niệm.
Tăng-Giả Nan-Đà cầm mỏ gõ, miệng đọc kinh A Di Đà. Lê Chân, Trần Năng, Hùng Xuân-Nương đều đọc theo.
Lê Chân mệt quá, chỉ còn thoi thóp thở.
Bà lả đi một lúc rồi mở mắt ra. Tay bà nắm lấy tay Trưng Đế, thở phào một cái, niệm một câu chót:
– Nam-mô A-di-đà Phật.
Mắt sáng ngời, rồi mỉm cười tắt thở.
Trưng Đế truyền tẩm liệm Lê Chân, Phan Đông-Bảng, Vũ Công-Chất về Giao-chỉ an táng. Lê Chân được phong làm:
Anh thư trấn Bắc, Đông-triều công-chúa.
Dân chúng An-biên xây đền thờ bà. Ngày nay đền thờ vẫn còn ở giữa thành phố Hải-phòng. Vì lúc lâm chung, bà xin được qui y tam bảo. Vì vậy có nhiều chùa thờ bà. Khi cúng thường cùng chay.
Ghi chú của tác giả.
Trong những lần về Việt-Nam công tác cho CEP (Coopétative Européenne pharmaceutique), hễ có dịp qua Hải-phòng, tôi đều tới hành hương tại đền thờ công-chúa Đông-triều. Đền khá lớn, hai phía quay ra hai phố. Đền được bảo quản, trùng tu rất tốt. Có đến năm người phụ trách giữ đền. Hai người phụ trách lau chùi, quét dọn. Hai người phụ trách lễ nghi. Một người là hướng dẫn viên. Vị này là giáo sư văn sử, tốt nghiệp đại học sư phạm. Trong những lần hành hương đó, năm 1994 tôi đi cùng giai nhân Bùi Phương-Lan và Soupaseum. Soupaseum có tài quay vidéo, chụp hình, vì vậy cuốn vidéo này được lưu hành tại Pháp. Năm 1998, tôi lại hướng dẫn người đẹp Lê Thị Kim-Thanh và ông anh họ Nguyễn Đức Tuệ tại Úc tơí hành hương. Ông là giáo sư dạy về kỹ thuật phim ảnh, nên ông chụp rất nhiều hình, quay vidéo mang về Úc.
Phan Đông-Bảng được phong:
Đại-nghĩa, chí minh Cổ-loa vương.
Truyền đem thi hài về quê ở Gia-lộc, Cổ-loa an táng. Cho xây đền thờ. Trải gần hai nghìn năm. Đến nay đền thờ của ông vẫn còn tại thôn Gia-lộc, xã Cổ-loa, ngoại ô Hà-Nội. Hiện còn một bài thơ, một đôi câu đối ở đền thờ ông.
Tại tích phù Trưng, nghiệp triệu thành,
Công thùy vũ trụ, dãng nan danh.
Huy lai tướng lệnh tiêu Tô Tặc.
Phi xuất thành lâu khước Hán binh,
Trung nghĩa nhất tâm năng bất tử,
Anh linh vạn cổ, lẫm như sinh.
Lưu đồn thử địa, di từ miếu,
Lịch đại ba chương lũ biểu tinh.
Dịch nghĩa:
Trước giúp vua Trưng đại nghiệp thành,
Công bằng vũ trụ, sáng ngời danh.
Cờ trương, tướng lệnh trừ Tô Tặc,
Lâu mở, thần uy đuổi Hán binh.
Một lòng trung nghĩa, muôn năm sống,
Anh linh vạn đại, tựa bình sinh.
Đồn xưa, nền cũ nay thành miếu,
Trải đến muôn đời vẫn hiển linh.
Câu đối:
Thánh đại dương, trục Định, phù Trưng thùy sử bút,
Thần công, vĩnh bá, tí dân hộ quốc trạc linh thanh.
Dịch nghĩa:
Bút ghi sử sách, triều đại đã phong tặng vì đuổi Tô Định, phò vua Trưng.
Công ơn giữ mãi vì giúp dân giữ nước, tiếng anh linh vang dậy.
Vũ Công-Chất được phong:
Chí thánh, đại hùng, Tản-viên vương.
Truyền Bát-nàn công-chúa Vũ Trinh-Thục đem về Phượng-lâu đất Giao-chỉ an táng.
Lê Thị-Hoa trước đã được phong làm Nga-Sơn công-chúa, nay đổi thành:
Thiên-đức, địa hạnh, Nga-Sơn công-chúa.
Trước 1945 tại huyện Nga-sơn có nhiều đền thờ bà. Không biết nay có còn không?
Trưng Đế cùng quần thần chờ hai ngày vẫn không có tin tức của đạo binh Trần Quốc. Bỗng Thần-ưng từ xa đem thư đến. Trần Ngọc-Tích lấy thư ra. Chàng vội trình với Đào Kỳ:
– Vương gia! Thư của Cu Bò.
Đào Kỳ cầm thư đọc qua. Ông vỗ đùi một cái, đưa thư cho Phương-Dung:
– Em thấy không? Anh nói có sai đâu. Này em coi thư này.
Phương-Dung cầm thư đọc. Bà đọc đi đọc lại rất kỹ, vì thư khá dài. Bà liếc con mắt nghiêm khắc nhìn Đào Tam-Gia:
– Sún Lùn! Thi thể Mã thái hậu để đâu?
Thánh-Thiên hỏi:
– Cái gì? Điều này Sún Lùn vô can. Tôi sai tẩm liệm thi hài Mã thái hậu trả về cho Mã Viện. Việc gì đã xảy ra?
Phương-Dung cầm thư trình vua Trưng:
– Việc chị Thánh-Thiên trả xác Mã thái hậu cho Mã Viện em biết rồi. Khi được tin ấy, anh Kỳ nói rằng: Giữa Tây-vu Thiên-ưng lục tướng với Mã thái hậu thù sâu tựa biển. Khó lòng Sún Lùn chịu tẩm liệm Mã thái-hậu như chị Thánh-Thiên truyền làm. Nó sẽ bỏ xác một người nào đó vào quan tài, rồi đem băm thây Mã thái hậu trộn với phân để trả thù. Em không tin. Không ngờ.
Trưng vương hỏi Đào Tam-Gia:
– Có đúng em làm thế không?
Đào Tam-Gia gật đầu:
– Em băm xác mụ ra, vứt xuống cầu tiêu. Còn trong quan tài, em để hai con trăn, ba con rắn kịch độc, và xác con đười ươi chết.
Vua Trưng lắc đầu:
– Em làm như vậy không được. Chúng ta khác Quang-Vũ với người Hán. Người chết là hết, không nên trả thù xác chết. Vì vậy dù lăng mộ Trường-sa vương tại Vương-sơn. Quang-Vũ tàn hại Lĩnh-Nam, ta vẫn sai người tu bổ, giữ gìn. Chứ không như người Trung-nguyên, họ sẽ quật mồ lên, lấy xương đốt ra tro để trả thù.
Tăng-Giả Nan-Đà chắp tay:
– A Di Đà Phật. Đào tiểu tướng quân. Hán gây thù, Việt cũng gây thù. Thù oán chồng chất, bao giờ mới hết? Tiểu thí chủ cho rằng Mã thái-hậu gây ra cái chết của ba trong Thiên-ưng lục tướng. Vậy thì trận Bạch-đế tiểu thí chú dùng Thần-ưng đốt quân Thục chết biết bao nhiêu mà kể. Lại nữa tiểu thí chủ cho Thần-ưng ăn thịt mấy chục ngàn binh tướng Hán. Nếu tất cả họ hàng, bạn hữu của họ cùng tìm đến tiểu thí chủ trả thù... Chiến tranh bao giờ mới dứt?
Phương-Dung tiếp:
– Khi đem quan tài về Lạc-dương. Quang-Vũ và triều thần ra đón. Y truyền mở nắp quan tài, lấy nước ngũ vị hương tắm rửa tử thi. Quan tài mở ra, Hàn thái hậu cúi đầu xem, bị rắn độc vọt lên cắn vào mặt bà. Quang-Vũ truyền thái y chữa trị. Thái y vào tới nội cung, thì Hàn thái-hậu đã chết rồi. Hiện cả triều Hán dù phe Mã, phe Hàn đều thù hận Lĩnh-Nam. Quang-Vũ truyền đem quân nghiêng nước, quyết san bằng Lĩnh-Nam trả thù.
Vua Trưng hỏi:
– Thư còn gì nữa không?
Đào Kỳ tâu:
– Thư cho biết, Hàn thái hậu từ trần được năm ngày. Đại ca Tự-Sơn, sư tỷ Thiều-Hoa, Ngũ-Phương thần kiếm về chịu tang. Triều đình cho rằng tại vì đại ca Tự-Sơn, Ngũ-Kiếm giúp đỡ Lĩnh-Nam phục quốc, mới nên cơ sự. Họ nói những lời nhục mạ. Đại ca Tự-Sơn ôm xác Hàn thái-hậu khóc thảm thiết, sau đại ca rút kiếm tự tử. Sư tỷ Thiều-Hoa đoạt kiếm cứu thoát. Rồi giữa các võ quan triều Hán với Ngũ Kiếm xảy ra động thủ. Ngũ-kiếm, sư tỷ Thiều-Hoa giết mười tám đại tướng quân, mới chạy thoát. Quang-Vũ sai thị vệ về Liêu-đông bắt ba họ nhà Ngũ-kiếm giết. Thứ sử Liêu-đông là đệ tử của Ngũ-kiếm đem quân bắt thị vệ giết đi, cùng Ngũ-kiếm kéo binh làm phản.
Hồ Đề ngắt lời:
– Thế đại ca Tự-Sơn với Hoàng sư tỷ đâu?
– Trong thư không nói rõ.
Đào Tam-Gia tự biết lỗi. Chàng lui lại rút kiếm đưa lên cổ tự tử. Trần Năng đứng gần. Bà phóng một Lĩnh-Nam chỉ đánh bay thanh kiếm của Đào Tam-Gia. Đào Kỳ mắng:
– Sư đệ! Ngươi gây ra đại họa, rồi định tự tử để chạy tội ư?
Trưng hoàng-đế ôn tồn:
– Đào Tam-Gia hành động đúng võ đạo. Em không có tội gì cả. Ta hãy tự đặt mình vào địa vị của Tam-Gia. Sún Cao chết, do Mã thái-hậu ; Sún Lé, Sún Đen đều do Mã thái hậu mà chết. Chẳng qua số phận Hàn thái-hậu bị hại mà thôi. Đào tam đệ đừng trách Đào Tam-Gia. Vụ Hàn, Mã hậu chẳng qua là cái cớ để Quang-Vũ khởi quân đánh Lĩnh-Nam. Tam đệ thừa hiểu, Mã hậu chết, Quang-Vũ nhổ được cái gai lớn trước mắt. Hàn thái-hậu chết, y cũng chẳng tiếc thương gì. Dù không có vụ này, y vẫn muốn diệt Lĩnh-Nam. Tờ biểu của Đào Lục-Gia trước khi tuẫn quốc đã nhận định như vậy.
Đào Kỳ thở dài:
– Sau này gặp đại ca Tự-Sơn, sư tỷ Thiều-Hoa. Thần phải nói sao đây? Hàn thái-hậu một đời thuần hậu, mà chết thực thảm thiết.
Phùng Vĩnh-Hoa vốn cảm tình với Thục, ghét Hán. Bà bênh Đào Tam-Gia:
– Quang-Vũ tàn ác, y đã gây cho Lĩnh-Nam chết trước sau biết bao nhiêu người tại trận hồ Động-đình, Tượng-quận, Nam-hải. Đào Tam-Gia có giết Hàn thái-hậu, cho Quang-Vũ đau lòng, cũng chưa trừ hết tội của y.
Bỗng có Thần-ưng từ xa bay lại. Trần Ngọc-Tích gỡ thư trình Đào Kỳ. Đào Kỳ trình Trưng-đế. Ngài cầm thư đọc, vẫy Thánh-Thiên lại gần:
– Có thể nói trận Nam-hải lớn nhất từ trước đến giờ. Em tự làm quân sư, tự làm đại tướng. Diệt của Hán bốn mươi vạn binh. Trong khi mình chỉ mất có sáu vạn. Chiến thắng vĩ đại. Song em không tinh tế như Phương-Dung. Em chỉ huy Đào Tam-Gia mà không biết y. Em lại càng không hiểu Trần Quốc, Vương-Phúc, Sa-Giang, Sún Rỗ, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa, Tử-Vân. Vì vậy mới có đại họa.
Thánh-Thiên nghiêm chỉnh:
– Xin chị ban chỉ dụ.
– Này nhé, Trần Quốc với Vương-Phúc cảm nhau vì tài, đồng điệu âm nhạc. Họ là vợ chồng, là tri kỷ. Cho nên việc của Quốc là việc Lĩnh-Nam. Vương Phúc sẵn sàng gánh vác. Hai người nuôi chí diệt Hán, dựng Thục.
– Em hiểu.
– Còn nữa, Đào Nhị-Gia làm chồng Sa-Giang. Sa-Giang đàn ngọt hát hay. Nàng đã từng theo cha trình diễn bao năm. Nghệ thuật của nàng tuyệt hảo. Với bản chất chân thực như Sún Rỗ, Sa-Giang muốn gì, y phải chiều theo. Vì vậy nếu có dịp trả thù Hán, Sa-Giang sẽ thúc Sún Rỗ làm liền.
– Em hiểu.
– Đạo quân biển, do Trần Quốc, Vương-Phúc chỉ huy. Chở theo đạo Nhật-nam, của Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa. Hai người này thù Mã thái-hậu vì mẹ bị Mao Đông-Các giết chết. Tử-Vân tiếp ứng, nàng đâu quên hận cha, mẹ bị Hán giết?
Thánh-Thiên "à" lên một tiếng:
– Hỏng rồi! Em cho mấy người ấy đi cùng một cánh quân. Họ sẽ thẳng tay tiến về Lạc-dương, diệt Hán trả thù nhà, dựng lại Thục. Ừ! Em không nghĩ ra. Giá em cho đạo Giao-chỉ của Đào Phương-Dung, thì không dễ gì Trần Quốc khống chế được.
– Hôm hội quân. Vương Phúc tâu với ta rằng: Y muốn được quyền tự giải quyết chiến trường. Ta không nghĩ kỹ, chấp thuận. Thì ra y cố ý phục một cái bẫy. Ta mắc vào, em mắc vào. Đây thư đây em đọc đi.
Thánh-Thiên đọc xong. Bà ngẩn người ra, hỏi vua Trưng:
– Bây giờ phải làm gì?
Trưng-đế giảng cho triều thần:
– Trần Quốc, Vương Phúc dẫn thủy quân đánh Phúc-châu. Chỉ hơn nửa ngày chiếm được năm quân cảng, đốt cháy sạch các xưởng đóng chiến thuyền. Đạo quân Nhật-nam, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa bất thần đổ lên, quân Hán không ngờ tới, lại thấy họ mặc y phục quân Hán. Thành ra một ngày họ đánh chiếm được tới tám thành. Thế như trẻ tre. Giữa lúc họ muốn rút về, lại gặp Tử-Vân đem năm vạn thủy binh lên tiếp viện, cho biết Lĩnh-Nam đại thắng khắp nơi. Tử-Vân xúi Trần Quốc đánh tới Lạc-dương, lật đổ nhà Hán, lập lại triều đình Thiên-sơn. Trần Quốc, Vương Phúc làm theo.
Triều thần đều trợn mắt, há mồm kinh ngạc, gai ốc nổi lên.
Trưng-đế tiếp:
– Hiện họ đánh tới Nam-xương, Hợp-phì. Không chừng giờ này sắp tới Lạc-dương cũng nên. Biết cháu không ai bằng ông. Khất đại phu đã dặn trẫm nhiều lần: Quế, Quỳnh võ công cao, mưu lược giỏi. Song phải cái chứng khinh địch. Khi trao binh quyền cho chúng cần phải có người kiểm soát.
Chu Tái-Kênh vỗ tay cười:
– Hai con bé đó làm đúng. Hoàng thượng chẳng từng dặn chúng phải tuân lệnh Trần Quốc đó sao? Bây giờ Trần Quốc sai chúng đánh thành. Chúng không thể trái lệnh.
Phùng Vĩnh-Hoa cũng thêm vào:
– Có lẽ nên nghe lời Sún Đen thì hơn. Chúng ta thử cho Phật-Nguyệt đánh lên Kinh-châu. Còn chúng ta đem quân tiếp ứng Trần Quốc, lật đổ triều Hán.
Phương-Dung lắc đầu:
– Không ổn! Chúng ta không đủ quân số làm việc đó.
Vua Trưng bảo Đào Kỳ:
– Đào đệ với Phương-Dung khẩn đuổi theo chúng. Đừng quản nhọc mệt, ngày đêm bắt chúng về ngay. Nếu không thì cả đạo quân bị diệt bây giờ.
Phùng Vĩnh-Hoa thở đài:
– Phương-Dung nghe chị đi. Bây giờ Ngũ-phương thần kiếm đều làm phản. Đạo quân Trần Quốc chỉ đánh lên Bắc một chút, thì bắt liên lạc được với Ngũ-kiếm. Hán bắt được tù binh Thục, Thục bắt được tù binh Hán, đều có thể tuyển làm binh sĩ của mình. Trong khi Lĩnh-Nam bắt được tù binh Hán, không thể dùng được. Chúng ta nuôi cơm vô ích. Chi bằng thuyết phục họ, thăng cấp cho các cấp chỉ huy, tổ chức thành các đạo quân, giao cho Ngũ-kiếm.
Thánh-Thiên đem sổ ra tính:
– Cửu-chân, Hải-nam bắt được năm vạn người. Trần Quốc bắt trên biển ba vạn. Các đạo bộ binh bắt được năm vạn nữa. Tổng cộng mười ba vạn.
Trưng Nhị, Phương-Dung, Đào Kỳ đều tâu Trưng-đế chấp nhận đề nghị của Phùng Vĩnh-Hoa:
Trưng-đế giao cho Phùng Vĩnh-Hoa phụ trách việc tổ chức tù binh Hán thành các đạo quân.
Đào Kỳ cầm binh phù trao cho Phùng Vĩnh-Hoa:
– Trước hết sư tỷ đến Liêu-đông gặp Ngũ-kiếm, nói cho họ biết rõ thiện ý Lĩnh-Nam. Sau đó sư tỷ tìm đến bản dinh công-chúa Gia-hưng, truyền chỉ dụ triều đình phải giao thành trì cho Ngũ-kiếm, rồi rút quân về.
Trưng vương lắc đầu:
– Không xong! Tôi hiểu Gia-hưng rất nhiều. Gia-hưng giỏi âm nhạc, nhiều tình cảm, lãng mạn, cần cù học hỏi. Sau này gặp Vương Phúc, một đấng tài hoa, văn võ song toàn. Gia-hưng tự biết rằng mình đánh Hán, nếu không có công với Lĩnh-Nam cũng chẳng có tội. Gia-hưng đã thế, còn thêm Vương Phúc, Tử-Vân, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa, Sa-Giang, Đào Nhị-Gia... thù nhà, nợ nước sâu tựa biển. Với bằng ấy người, cần một người có thể khiến bằng ấy tướng sợ oai mới bắt họ về được.
Vua Trưng bảo Đào Kỳ:
– Bàn về uy quyền, thì ta hơn hết. Bàn về tình ngoài tam đệ, không ai có đủ điều kiện bắt bằng ấy tướng về. Thôi tam đệ đừng quản ngại, lên đường ngay.
Bắc-bình vương Đào Kỳ, tể tướng Phương-Dung tuân chỉ, lấy ngựa lên đường, không kể ngày đêm. Phải hơn mười ngày, mới tìm đến bản dinh của Vương Phúc, Trần Quốc. Trần Quốc đem các tướng đón Đào Kỳ vào trướng. Bà truyền pha trà đãi khách. Đào Kỳ chưa kịp nói gì. Bà đã nói trước:
– Đào đại ca! Nghĩ lại hồi chúng mình mới gặp nhau trên sông Vị-hoàng, đại ca nói rằng sau này em sẽ là Đô-đốc đuổi giặc Hán, đem hạnh phúc cho dân chúng. Chúng ta đã đuổi giặc Hán khỏi Lĩnh-Nam. Bây giờ cần đuổi giặc Hán khỏi Trung-nguyên.
Đào Kỳ nói thầm:
– Cô này lợi hại thực. Mình nói đuổi giặc Hán là đuổi ngoại xâm. Bây giờ cô ấy bẻ quẹo ra rằng đuổi giặc Hán là lật đổ triều đình nhà Hán.
Trần Quốc tiếp:
– Em nhớ lời đại ca không lúc nào quên. Hôm ban chỉ cho Phúc với em đem quân đánh vào đất Hán. Trưng sư tỷ cho phép chúng em toàn quyền quyết định. Vì vậy em với Phúc bàn rằng: Đốt chiến thuyền, phá căn cứ giặc, sao bằng đánh chiếm thành giặc. Đánh chiếm thành Hán sao bằng lật đổ triều Hán. Vì vậy bọn em không đốt lương thảo. Trái lại dùng lương thảo phát cho dân. Đánh đến đâu, em tuyên bố miễn thuế cho dân. Cắt cử người tài ra làm quan, xử tử tham quan. Dân chúng nổi lên theo bọn em.
Quế-Hoa tiếp:
– Khi nhận được chỉ dụ dẫn binh đánh lên bắc. Em có xin chỉ dụ của Trưng sư tỷ rằng, sau khi đốt chiến thuyền giặc, phải làm gì. Trưng sư tỷ bảo mọi quyết định sẽ do Vương đại ca và Gia-hưng. Vương đại ca, Gia-hưng quyết định đánh thẳng về Lạc-dương. Chúng em tuân lệnh người, tức tuân chỉ của Trưng sư tỷ.
Tử-Vân phụ thêm vào:
– Chiến thắng Cửu-chân, đạo Nam-hải, bọn em được lệnh tiếp viện cho Gia-hưng. Trưng sư tỷ nói, phải tuân lệnh Gia-hưng. Gia-hưng quyết định đánh về Lạc-dương. Bọn em đành tuân theo.
Vương Phúc nhìn Đào Kỳ. Vương nói:
– Đại ca với em tình như ruột thịt. Đại ca ơi! Đại ca hy sinh thân mình cho dân Việt. Phái Thiên-sơn của em cũng hy sinh cho dân Trung-nguyên. Triều Hán không vì mưu hạnh phúc cho dân. Quang-Vũ chỉ biết sự nghiệp của tổ tiên. Triều đình chỉ biết phú quí. Vì vậy em quyết diệt triều Hán, đem cho dân Hán đời sống như dân Việt.
Trần Quốc cười:
– Có phải Trưng sư tỷ sai đại ca với sư tỷ Phương-Dung lên chi viện cho bọn em không? Như vậy thực phải.
Phương-Dung tự thị nhiều mưu, nói giỏi. Bà đi với chồng, với mục đích dùng uy quyền của hoàng đế, dùng miệng lưỡi buộc Trần Quốc rút quân. Không ngờ hai vợ chống tới nơi, bị Trần Quốc dùng lời khuyên xưa của Đào Kỳ, dùng chỉ dụ của Trưng-đế, dùng đại nghĩa dân tộc cột Đào Kỳ. Rồi Quế-Hoa dùng chỉ dụ của trưng đế biện luận cho hành động của mình. Tử-Vân cùng lối lý luận với Trần Quốc. Cuối cùng Vương-Phúc dùng tình cảm, dùng hiệp nghĩa chống đỡ. Còn chính Trần Quốc làm như hành động của mình đúng với ý muốn của hoàng-đế nên được hoàng-đế gửi hai người lên tăng viện. Bà biết họ đã chuẩn bị trước, xếp đặt trước với nhau. Đấu lý với họ rất khó, để chồng dùng tình với họ mới được.
Đào Kỳ lắc đầu:
– Không phải thế. Hoàng đế sai ta lên gọi các em trở về khẩn cấp, cùng giao thành trì, đất đai lại cho Ngũ-phương thần-kiếm.
Nói rồi ông tường thuật biến cố tại triều Hán và việc Ngũ-kiếm khởi binh cho mọi người nghe.
Trần Quốc ngạc nhiên:
– Nếu vậy bọn em càng nên tiến quân. Một là tạo hạnh phúc cho dân Hán, hai là giúp Ngũ-kiếm, ba là trả thù nhà. Nếu bây giờ sư-tỷ Phật-Nguyệt đánh lên Kinh-châu, sư-tỷ Thánh-Thiên kéo quân về. Chúng ta có bốn đạo binh, chỉ trong vòng một tháng, chiếm được Lạc-dương. Bấy giờ chỉnh bị binh mã, thiên hạ ắt không còn chỗ đứng cho Lưu Tú nữa.
Có quân báo:
– Ngô Hán được lệnh khởi binh ở Thanh, U-châu hơn năm mươi vạn, tiến đánh phía Bắc xuống. Đặng Vũ đã khởi binh Tinh, Ký-châu bốn mươi vạn kéo về. Mã Viện dốc toàn bộ binh Kinh-châu trên hai mươi vạn. Còn quân Trường-an, Lương-châu cũng gần ba mươi vạn nữa do Phùng Tuấn tiếp viện Lạc-dương. Chu Hựu đã dẫn hai mươi vạn Ngự-lâm quân dàn ra bảo vệ Lạc-dương.
Phương-Dung bảo Vương Phúc, Trần Quốc, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa:
– Thôi chúng ta rút quân đi. Trao đất cho Ngũ-phương kiếm. Sau trận Nam-hải, chúng ta tổn thất khá nhiều. Nhân lực bổ sung đã cạn. Sư muội đánh nữa tất thắng. Song sư muội mất năm người, không có năm vạn khác. Còn Hán mất hai mươi vạn này, lập tức có hai mươi vạn khác ngay.
Vừa lúc đó Hoàng-kiếm, Phùng Vĩnh-Hoa tới. Trần Quốc nhìn Vương Phúc, Sa-Giang. Cả hai không nói một lời, nước mắt cùng dàn giụa. Trần Quốc ngửa mặt lên trời than:
– Trời hỡi trời! Người ta sinh ra có mười điều, những sự bất như ý hết tám, chín. Nếu dân Lĩnh-Nam bằng một phần năm Trung-nguyên, thì nào là Lưu Tú, nào là Ngô Hán, nào là Đặng Vũ, nào là Chu Hựu, Trần Quốc này có coi ra gì.
Bà truyền lệnh giao thành trì, đất cát cho Hoàng-kiếm, rồi ra lệnh lui quân.
Phải hơn một tháng mới rút về tới Nam-hải. Tới nơi Vương Phúc, Trần Quốc, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa, Đào Nhị-Gia, Sa-Giang, Nguyễn Tử-Vân tự trói mình vào triều kiến, chịu tội trước Trưng-đế.
Vua Trưng ứa nước mắt nói:
– Ta cùng các em mưu đại sự. Ta biết các em thù nhà cao như núi, khó mà quên được. Song nếu rút chậm, e cả năm vạn quân đạo Nhật-nam, bảy vạn thủy quân sẽ bị tiên diệt.
Ngài truyền cởi trói tha các tướng.

Ghi chú :
Trận Nam-hải diễn ra từ 11 tháng ba đến 28 tháng tám năm Nhâm-dần nhằm niên hiệu Trưng-đế thứ ba. Bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu thứ Kiến-Vũ thứ mười tám, tức là 42 năm sau Thiên-Chúa giáng sinh.
Năm 1982-1985, thuật giả đến thăm chiến trường cũ, thời Lĩnh-Nam. Nay thuộc tỉnh Quảng-đông, đi dọc gần nghìn cây số bờ biển, từ đảo Hải-nam đến giáp Phúc-kiến, chỗ nào cũng thấy di tích đền thờ "vua Bà", "Giao-long". Bởi vì trận đánh khủng khiếp thời Lĩnh-Nam. Sau này dân chúng huyền thoại hóa đi bằng câu chuyện như sau:
...Ngày kia Ngọc-hoàng thượng-đế ngự trên cung Linh-tiên, có hai nàng công-chúa đứng hầu. Vì lỡ tay, hai công-chúa đã đánh vỡ chén ngọc.Ngọc-hoàng truyền đầy hai nàng xuống trần. Hai công-chúa vữa đầu thai xong, Tiên-lại giữ sổ vào tâu rằng có một trăm sáu mươi hai tiên vừa nam, vừa nữ đầu thai theo hai công-chúa. Thượng-đế sợ hai nàng làm loạn, mới cho Thanh-y đồng-tử giáng trần cùng Nhị-thập bát-tú theo phò tá để dẹp loạn.
Hai công-chúa đầu thai vào nhà họ Trưng ở quận Giao-chỉ. Chị Trưng Trắc, em là Trưng Nhị. Trưng Trắc gả về Đặng Thi-Sách. Nhân nhà Hán tham lam tàn bạo, Tô Định giết Thi-Sách. Trưng Trắc, Trưng Nhị nổi lên, có một trăm sáu mươi hai tướng nam, nữ theo ghíup, đánh chiếm được hết vùng Lĩnh-Nam. Quân Hán đại bại, Trưng Trắc xưng Vua, được dân chúng yêu kính thường gọi là Vua Bà.
Bấy giờ có một con Giao-long ở đất Giao-chỉ đã nghìn năm, thành tiên. Giao-long giúp Vua Bà đánh chiếm từ đảo Hải-nam đến hết Phúc-kiến. Quân Hán không địch lại.
Giao-long tiên đi đến đâu cũng lấy của nhà giàu cho người nghèo. Gặp tham quan giết không tha.
Nhị-thập bát tú của triều Đông-Hán như: Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí, Vương Bá, Phùng Dị, Sầm Bành... đánh không lại. Ngọc-hoàng sai Thiên-lôi trợ chiến cũng bị thua.
Một hôm Phật-tổ Như-lai đi qua thấy Giao-long nữ hung hăng. Ngài đứng trên mây thuyết pháp. Giao-long nữ ngộ đạo được Phật mang về thả ở hồ sen Tây-phương cực lạc. Từ đấy dân chúng lập đền thờ, lên đồng, cần đảo. Không gì mà không được.
Đạo thờ Giao-long tướng của vua Bà đến hồi 1949 vẫn còn. Dân chúng thường lên đồng, Giao-long tiên về cứu giúp dân chúng chống với thiên tai, với tham quan, cường hào ác bá.
Trước đền thờ Giao-long Trần Quốc có đôi câu đối, không rõ ai làm và làm từ đời nào:
Tô khấu tước bình, trực bả quần thoa đương kiếm kích.
Trưng-vương dực tải, hảo tương cân quốc hộ sơn hà.
Nghĩa là:
Đuổi giặc Tô Định cứu dân, quyết lấy quần thoa thay kiếm kích.
Phù vua Trưng giữ nước, quyết đem tài khăn yếm giữ giang sơn.
Mà thuật giả lấy làm đầu đề cho hồi này.
Trong khi đó cuốn phổ tại đền thờ nữ tướng Trần Quốc thời Lĩnh-Nam tại xã Kiêu-kỵ, huyện Gia-lâm, Hà-nội kể rằng: Nàng Quốc không biết cha là ai, mẹ họ Đào đi tu ở chùa Thiên-thai. Một hôm sư cô họ Đào đi qua một con sông bị một con Giao-long nổi lên quấn lấy. Trở về mang thai đẻ ra Trần Quốc.
Thuyết này thật hoang đường và vô lý. Vì thời bấy giờ mới có một vị tăng đầu tiên, pháp danh Tăng-giả Nan-Đà đến Lĩnh-Nam, thì làm sao có chùa, có sư nữ ? Có lẽ cuốn ngọc phổ này được soạn sau khi Trương Phụ lấy mất nguyên bản mang về Kim-lăng hồi 1407.
Thuật giả đi dọc bờ biển đảo Hải-nam, Quảng-đông cho đến Phúc-châu. Chỗ nào cũng thấy kể chuyện Giao-long như tiên nữ nổi lên phò Vua Bà. Dân chúng thờ kính, lên đồng. Rõ ràng Giao-long Trần Quốc bên Trung-nguyên với nàng Quốc nữ tướng của vua Trưng là một. Những sự kiện đó cho ta kết luận rằng có Giao-long nữ Trần Quốc, thì có trận Nam-hải. Có trận Nam-hải thì lãnh thổ Lĩnh-nam cũ gồm tỉnh Quảng-đông, đảo Hải-nam.
Sau này vua Quang-Trung đại thắng quân Thanh. Ngài chỉnh bị binh mã định chiếm lại các tỉnh Quảng-đông, Quảng-tây, Vân-nam, Quý-châu, Hồ-nam vốn là lãnh thổ Lĩnh-Nam cũ. Song việc sắp hoàn tất, ngài đã băng hà. Đó là chuyện sau. Xin xem tiếp bộ ANH HÙNG TÂY SƠN của Yên-tử cư sĩ.
Q3 - Cẩm Khê Di Hận
Hồi 1
Hồi 2
Hồi 3
Hồi 4
Hồi 5
Hồi 6
Hồi 7
Hồi 8
Hồi 9
Hồi 9
Hồi 10
Hồi 11
Hồi 12
Hồi 13
Hồi 14
Hồi 15
Hồi 16
Hồi 17
Hồi 18
Hồi 19
Hồi 20
Hồi 21
Hồi 22
Hồi 23
Hồi 24
Hồi 25
Hồi 26
Hồi 27
Hồi 28
Hồi 29