watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Q3 - Cẩm Khê Di Hận-Hồi 3 - tác giả Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Hồi 3

Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Dù ai không mong đợi,
Dù ai không lắng nghe
(Hàn-mặc-Tử)
Chu Hựu nghiêm mặt hỏi Lê Đạo-Sinh:
– Tướng quân bảo ta lên đồi triều kiến Thái-hậu? Thái-hậu hiện đang ở Lạc-dương chứ đâu có ở đây? Mới giờ Mão hôm nay, ta còn bái kiến ngài tại Hoàng-thành, sao ngươi bảo Thái-hậu ở trên đồi? Ngươi mới làm quan, mà dám giả chỉ dụ cả Thái-hậu, ta e rằng khó giữ nổi cái đầu.
Lê Đạo-Sinh ỷ vào chỉ dụ Quang-Vũ, và Hàn thái-hậu, y nói cứng:
– Phải! Đó là điều quân hầu chưa biết. Mã thái-hậu thì vẫn ở Lạc-dương. Còn Thái-hậu đây là Hàn thái-hậu. Người mới từ Lĩnh Nam về trùng phùng với Hoàng-thượng.
Chu Hựu nghiêm mặt:
– Không có truyện đó. Sáng nay ta được chiếu chỉ của Thái-hậu và Hoàng-thượng truyền mang quân đến đây bắt bọn phản tặc Lĩnh Nam, đang ủng hộ một người đàn bà giả xưng là sinh mẫu Hoàng-thượng, làm loạn lòng dân. Lê tướng quân, sao ngươi lại theo chúng?
Lê Đạo-Sinh lắc đầu:
– Vô lý! Tại sao có truyện vô lý như vậy. Đêm qua, chính kim khẩu của Hoàng-thượng đã ban chỉ dụ cho tôi phải hộ tống loan giá Hàn thái-hậu đến Nghi-dương. Người sẽ đích thân cùng Hoài-nam vương, Tần-vương, tam công, tể tướng tới đấy cung nghinh sau. Quân-hầu thử nghĩ coi, nếu không có chỉ dụ, sao tôi có thể điều động được đội thiết kị Cấm-quân? Chính Lữ trưởng Bạch Sùng đã nhận binh phù tại phủ Hoài-nam vương đem thiết kị theo tôi. Hiện trên đồi còn có ba vị đại tướng quân trong Tương-dương cửu hùng là Mã Vũ, Đoàn Chí, Lưu Long. Ba vị hầu tước, đại thần cũng vâng chỉ hoàng thượng tới đón Hàn thái-hậu.
Một thái giám đứng cạnh Chu Hựu lên tiếng:
– Thưa Lê tướng quân. Chính tiểu nhân được chỉ dụ của Thái-hậu đi theo Chu tướng quân, bắt phản tặc.
Nói rồi y trình lệnh bài có khắc con phượng.
Lê Đạo-Sinh là người thông minh tuyệt đỉnh. Y nhận ngay ra bọn Chu Hựu thuộc phe đảng của Mã thái-hậu. Chu tuân chỉ Mã thái-hậu đến đây hại Hàn thái-hậu. Trước kia Mã thái hậu đã phong chức tước giả cho y. Làm y bị nhục nhã không cùng. Bây giờ chỉ trong có hơn tháng hộ tống Hàn Tú-Anh, y được bệ kiến Hoàng-đế. Đựơc Hoàng-đế phong chức tước. Hồi còn làm Đô-úy Giao-chỉ, y lao tâm khổ tứ, chèn ép anh hùng Lĩnh Nam. Nào bắt, nào vu vạ, nào kiềm chế... Hầu lập công cho danh chính ngôn thuận. Sau đó mang vàng ngọc sang Trung-nguyên hối lộ với các đại thần, mong được chức Thái thú Giao-chỉ. Giấc mơ đó bị Trần Đại-Sinh, Trần Tự-Sơn, Đào Kỳ phá vỡ. Y còn bị mất chức Đô-úy. Bao nhiêu trang ấp, châu động, mất hết.
Y dẫn đệ tử sang Trung-nguyên, nhập Thục, mưu phế trưởng, lập thứ, kiếm chức Thái-thú. Một lần nữa y thất bại. Y dẫn đệ tử về Lạc-dương mở võ đài, Mã thái-hậu nghe tiếng y, triệu y vào triều kiến, phong cho chức tước giả... Thế rồi sau một tháng hộ giá Hàn thái-hậu. Đêm qua thầy trò y được đến trước Hoàng-đế quì gối, được bái lạy. Được Hoàng-đế ban khen, phong làm Thứ-sử, ban cho tước Hầu. Sáu quận Lĩnh Nam, sáu đệ tử được phong Thái-thú. Y nghiễm nhiên thành ông vua một vùng đất rộng ngang với Trung-nguyên. Trước đây, đến nằm mơ, y cũng không tin mình được hạnh ngộ đến thế. Giờ đây... là sự thực. Đừng nói trung thành với Hàn thái-hậu. Nhược bằng bà bắt y với đệ tử làm ngựa kéo xe cho bà, y cũng khoan khoái trong lòng.
Y nghĩ:
– Bây giờ trong lúc hai thái hậu tranh đấu. Ta theo Hàn thái-hậu vẫn hơn. Bà là mẹ đẻ Hoàng-đế. Bà không có nhiều vây cánh. Nay ta theo bà, lập một thế lực phù bà, ta nghiễm nhiên trở thành đại công thần của bà. Trước kia, vì mưu cầu công danh, ta theo Tô Định chống Nghiêm Sơn. Bây giờ ta thành người chân tay của nhũ mẫu Nghiêm, đời nào Nghiêm ghét nổi ta?
Nghĩ vậy, y thêm can đảm:
– Tiểu tướng quân chỉ biết tuân thánh chỉ, lại được chỉ dụ của Thái-hậu. Quân-hầu lên tiếp giá hay không tùy Quân-hầu. Tiểu tướng chỉ biết truyền lệnh. Mong ngài miễn thứ.
Chu Hựu nổi giận quát:
– Chúng ta vào sinh ra tử cả ngàn lần, nằm gai nếm mật hàng chục năm qua, biết bao cơ cực mới đạt được chức Vũ-kị đại-tướng quân, được phong Hầu, được coi như khai quốc công thần. Còn mi, mi xuất từ Lĩnh Nam, mới làm quan một ngày. Bây giờ mi núp bóng quần hồng con kỹ nữ, đòi lên mặt với ta ư? Bay đâu, bắt lấy nó cho ta!
Lập tức cạnh Chu Hựu, vọt ra hai thị vệ. Một người tấn công từ trên xuống. Một người tấn công từ dưới lên. Chưởng lực quái dị, mãnh liệt. Trong chưởng có mùi tanh hôi nồng nặc.
Phong-Châu song quái đứng sau Lê Đạo-Sinh. Chúng mỉm cười, bước tới. Hai người không đỡ chưởng của đối phương, mà tấn công thẳng vào người chúng. Chiêu phát ra vừa nhanh, vừa mạnh. Hai thị vệ, thu chưởng trở về đỡ chiêu của Song-quái, nhưng chậm một chút. Chưởng lực đã bao phủ khắp người rồi.
Hai thị vệ kinh hoàng, nhảy lui liên tiếp bốn bước, lăn đi mấy vòng, giải áp lực chụp lên người. Song quái thuộc loại cao nhân Lĩnh Nam, kinh nghiệm giang hồ bậc nhất. Chúng nhảy theo phóng liên tiếp bốn chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Chiêu nào cũng cách hai thị vệ một, hai tấc. Mỗi chiêu đánh ra, bụi bay mù mịt, đất lủng thành hố sâu. Hai thị vệ lăn đến góc cây, chưởng Song-quái chuyển theo. Tất cả cùng kêu lớn:
– Chết!
Hai tên thị vệ nằm ngửa người lên đỡ. Chúng đỡ hụt. Song-quái đã thu chưởng về. Chúng mỉm cười, lùi lại sau Lê Đạo-Sinh, đứng nhìn trời, lơ đãng. Hai tên thị vệ thoát chết, nhảy dựng người dậy, chửi thề:
– Con bà nó! Tụi mọi rợ Lĩnh Nam ghê thực!
Song quái nghe chửi, lại vọt người lên cao. Từ trên cao đánh xuống hai chưởng. Hai tên thị vệ xuống trung bình tấn, phát chưởng ngược lên đỡ. Song quái biến chưởng thành quyền, đánh vào giữa chưởng đối thủ. Hai tên thị vệ chửi thầm trong lòng:
– Hai vợ chồng tên Nam-man này ngu như chó. Chưởng đối chưởng còn chưa ăn ai. Trong khi chúng từ chưởng biến sang quyền, mà đòi thắng ta ư ? Cho chúng tự tử?
Song quái đợi cho tay mình gần chạm chưởng đối phương, bấy giờ chúng uốn cong người như con tôm, lộn hai vòng trên không. Hai tên thị vệ cảm thấy bàn tay mình đau nhức không tả. Chúng đưa tay lên nhìn: Mỗi bàn tay bị ghim vào hai mũi kim nhỏ. Máu đen ri rỉ chảy ra.
Chúng chửi thề:
– Đồ hèn hạ!
Song-quái cười lớn:
– Ta dùng kim đánh người, đường đường chính chính. Còn ngươi dùng Ngũ độc chưởng đánh chúng ta mới thực là tà ma quỉ quái, hèn hạ.
Lê Đạo-Sinh tỉnh ngộ:
– Hai tên thị vệ này cùng môn phái với Xích-Mi.
Lê Đạo-Sinh cười nhạt:
– Thì ra các vị xuất thân từ phái Trường-bạch đấy! Không biết các vị với tên giặc Xích-Mi Phan Sùng là thế nào? Lão phu mắt kém, không nhận ra hai vị là ai. Một vị dùng nội công âm nhu Lĩnh Nam, một vị dùng nội công dương cương Ký-bắc, xuất chưởng Huyền-âm, qua lại mấy chiêu với hai đệ tử của lão phu ?
Hai tên thị vệ đấu một chưởng với Song-quái suýt mất mạng. Ngũ tạng lục phủ đảo lộn, chân khí hỗn loạn. Chúng nhận thấy công lực Song-quái thấp hơn chúng một chút, nhưng Song-quái chiếm được tiên cơ, vì kinh nghiệm chiến đấu mà thôi. Cả hai lùi lại sau Chu Hựu, thở hít, điều hòa khí tức.
Mã Vũ ở trên đồi, nghe Lê Đạo-Sinh nói. Y phi ngựa xuống chỉ vào mặt hai tên thị vệ:
– Thì ra hai người là Thứ sử Trường-an Tạ Thanh-Minh, Tả quân hiệu úy Trần Lữ. Hai chúng bay là đại khâm phạm của triều đình. Chúng bay từng hành thích Hoàng-thượng giữa điện Vị-ương, cách đây mấy tháng ở Trường-an. Sau đó các người bị Hán-trung vương Đào Kỳ bắt giao cho Tần vương. Sau nghe nói các ngươi vượt ngục, hôm nay các người còn dám xuất hiện phạm giá Thái-hậu ư?
Hai tên thị vệ thấy bị lộ hình tích, chúng vuốt mặt, gỡ râu. Chu Hựu nhận ra chúng quả thực là Tạ Thanh-Minh, cựu thứ sử Trường-an, dưới quyền của Mã Viện. Hôm Đào Kỳ đại náo Trường-an, Vương đấu chưởng với Tạ Thanh-Minh rồi Trần Lữ. Trong khi đấu Vương khám phá ra chúng dùng độc chưởng. Vương áp dụng phương pháp của Khất đại phu, rồi đẩy độc chưởng về người chúng, khiến chúng bị thương. Chúng bị bắt giam trong ngục Trường-an. Giữa lúc đó, quân Thục chiếm Trường-an, Mao Đông-Các tới cứu chúng ra.
Nguyên bọn Tạ, Trần vốn thuộc phái Trường-bạch, chúng là đệ tử đắc ý của Mao Đông-Các. Hồi Mao được Mã hậu thu làm người tình, y cho Tạ, Trần yết kiến Mã thái hậu. Mã thái hậu dùng thế lực bổ nhiệm chúng vào những chức vụ quan trọng. Tạ bên cạnh Tần vương. Trần theo giúp Mã Viện.
Sau trận Trường-an, Mao cứu chúng ra khỏi ngục, đưa về Lạc-dương, ẩn thân dưới lớp áo thị vệ. Bây giờ Mã thái-hậu cần đánh xả láng, giết Hàn Tú-Anh. Bà mới sai Mao dẫn chúng, theo yểm trợ Chu Hựu. Không ngờ chúng gặp thầy trò Lê Đạo-Sinh võ công cao cường. Chúng phải xử dụng võ công của Mao, mới bị lộ chân tướng.
Tạ Thanh-Minh đấu một chưởng với Song-quái. Y biết rằng võ công đối thủ ngang với mình. Y nghiệm thấy võ công Song-quái hơi giống Khất đại phu, lên tiếng hỏi:
– Hai tên Nam man kia! Chúng ta là người phái Trường-bạch. Còn bọn ngươi có gì hay ho hơn đâu? Các ngươi cùng môn hộ với tên đầu sỏ phản bội Trần Đại-Sinh ở Lĩnh Nam, mà Triều đình đang muốn tru diệt.
Lê Đạo-Sinh gật đầu:
– Đúng đó! Khất đại phu Trần Đại-Sinh với lão phu đều xuất thân phái Tản-viên. Song mỗi người một chí. Sư huynh lão phu theo bọn Thi-Sách phản Hán. Còn lão phu thì khuông phò Hán triều.
Quân sĩ Chu Hựu bao vây kín ngọn đồi. Tình hình mỗi lúc một nguy ngập. Lê vội lên đồi, bàn với Hoàng Thiều-Hoa, Phật-Nguyệt, Tiên-Yên nữ hiệp. Hoàng Thiều-Hoa đã được Phương-Dung dặn trước: Đứng ngoài cuộc, để cho Lê-Đạo-Sinh, Mã-Vũ đối phó với người của Mã thái hậu. Nàng đáp:
– Lê tiên sinh làm đại tướng quân, lĩnh kị binh hộ giá Thái-hậu. Chúng tôi không dám xen vào truyện của người.
Nàng đưa mắt nhìn cung cách. Lê Đạo-Sinh, y lăng xăng, tỏ ra hãnh diện với cái chức Đại tướng quân. Làm vợ Trần Tự-Sơn đã lâu, Thiều-Hoa hiểu biết tâm lý bọn người ham danh vọng. Nàng nghĩ thầm:
– Ta dùng lời khích Lê Đạo-Sinh, để y với phe Mã thái-hậu đánh nhau cho bõ ghét.
Nàng vẫy tay gọi y:
– Lê tướng quân. Ngươi mới được phong Thứ-sử Giao-châu, lĩnh chức Trấn-viễn đại tướng quân, cùng với sáu Thái-thú, mà không hộ giá được Thái-hậu à ? Như vậy tỏ ra ngươi bất lực quá, thì còn mong gì ở hoạn lộ nữa?
Lê Đạo-Sinh định lên tiếng mắng Thiều-Hoa. Y chợt nhớ lại Thiều-Hoa là vợ Lĩnh-nam vương, là sư tỷ Hán-trung vương. Lĩnh-nam vương với Hoàng-đế có nghĩa anh em, làm mất lòng nàng, e rằng tiến trình của y khó khăn.
Y vội vàng khúm núm:
– Tiểu nhân nhận lời trách phạt của Vương phi. Tiểu nhân nguyện hết sức khuyển mã hộ giá Thái-hậu.
Bên dưới, quân Chu Hựu đã dàn quân bao vây kín ngọn đồi. Trận thế dàn xong, chỉ cần chờ lệnh, sẽ tấn công. Lê Đạo-Sinh nghĩ:
– Tại sao ta không nhân lúc này, tỏ lòng trung với Hàn thái-hậu ? Người mà hài lòng, ắt sau này công danh của ta thênh thang, đường mây mở rộng.
Y đến trước kiệu Hàn Tú-Anh, quì gối, rập đầu bình, bình bốn lần:
– Tâu thái-hậu, Vũ-kị đại tướng quân mang theo người của Mao Đông-Các đến phạm giá. Thần đã cho phòng vệ cẩn thận. Xin thánh giá Thái-hậu an tâm. Thần quyết đem gan óc đền ơn tri ngộ của Thái-hậu.
Đám anh hùng Lĩnh Nam đã được Phương-Dung dặn trước Không được động thủ. Họ hiểu ý: Cứ để cho đám Lê Đạo-Sinh, Mã Vũ đánh nhau với đám của Mã thái-hậu. Mình đứng tọa thủ bàng quan, ngư ông hưởng lợi. Họ lãnh đạm, cùng ngồi bên nhau nhìn mây bay.
Phương-Dung đứng trên đỉnh đồi quan sát. Nàng nhận biết tất cả mọi sự, nói sẽ với Trần Năng:
– Bọn Mao Đông-Các sắp sửa đại chiến với bọn Mã Vũ, Lê Đạo-Sinh rồi. Phe ủng hộ Hàn thái-hậu nhiều cao thủ hơn. Còn phe Mã thái-hậu lại đông quân hơn. Không hiểu giờ này tên Quang-Vũ khả ố ở đâu? Y mong muốn giữa Lĩnh Nam với Mã thái-hậu đánh nhau, để y ôm gối ngồi cao hưởng lợi. Đời nào chúng ta mắc mưu y. Có điều, chúng ta muốn đứng ngoài cuộc, e rất khó. Trường hợp phe Mã Vũ, Lê Đạo-Sinh bại, bọn Chu Hựu hại Hàn Tú-Anh, thì Hoàng sư tỷ ắt nhập cuộc. Sư tỷ nhập cuộc, Lục Sún cũng nhảy vào. Chúng ta phải làm sao đây? Còn Giao-Chi, không biết giờ này ở đâu?
Dưới chân đồi, Chu Hựu gọi viên tướng chỉ huy đoàn thiết kị theo Lê Đạo-Sinh tên Bạch Sùng đến đối diện hỏi:
– Ngươi tuân lệnh ai, mà mang thiết kị đi giúp bọn phản tặc Lĩnh Nam?
Bạch Sùng lễ phép thưa:
– Tiểu nhân nhận lệnh bài của Hoài-nam vương trong đêm qua. Ngài dạy tiểu tướng dẫn bản bộ quân mã đặt dưới quyền chỉ huy của Thứ-sử Giao-châu.
Nói rồi y đưa lệnh bài ra. Chu Hựu cầm lệnh bài xem qua một lượt, rồi trả lại Bạch Sùng. Y quay lại hỏi Tạ Thanh-Minh:
– Ban nãy Bô-lỗ đại tướng quân gọi tên hai người ra. Ngươi tên Tạ Thanh-Minh lĩnh chức Vũ-kị đại tướng quân của Tần vương. Còn người này tên Trần Lữ lĩnh chức hiệu úy. Ta nghe nói hôm trước tại điện Vị-ương Trường-an, hai người làm phản hành thích hoàng thượng, rồi bỏ trốn. Có đúng thế không?
Tạ Thanh-Minh đáp:
– Chức tước của chúng tôi thì đúng, không sai. Còn bảo chúng tôi hành thích Hoàng-thượng là sai.
Chu Hựu làm quan đã lâu, quá nhiều kinh nghiệm. Y theo Quang-Vũ đánh đông dẹp bắc hơn chục năm. Y hiểu ngay : Sáng nay Tạ Thanh-Minh, Trần Lữ, cùng tên thái giám trong hoàng cung đến trình mật chỉ của Thái-hậu. Thái-hậu truyền y mang quân đến Nghi-dương bắt bọn phản tặc Lĩnh Nam đang ủng hộ một kỹ nữ phao lên là sinh mẫu của hoàng thượng, làm náo loạn lòng dân, bại hoại danh giá hậu cung.
Y tin là thực, vội điều động hơn vạn thiết kị tinh nhuệ theo thi hành chỉ dụ. Bây giờ y thấy dường như có một cái gì bất tường ở trong. Y đã nghe phong phanh truyện này từ lâu. Y tuân chỉ Mã thái-hậu đem binh tới đây mà không chờ lệnh Đại tư mã Đặng Vũ, hoặc tướng quốc Hoài-nam vương đã là phạm quân luật rồi. Cái tội này phải giết cả nhà. Hoàn cảnh bây giờ đẩy y phải nhập cuộc tranh dành trong hậu cung. Dù phe Hàn hay phe Mã thắng, Hoàng đế cũng chặt đầu y.
Nghĩ vậy y phi ngựa lên đồi. Vũ Hỷ đứng chắn trước mặt, lễ phép:
– Xin Nghi-dương hầu, Vũ-kị đại tướng quân lùi lại. Tôi Bình-nam đại tướng quân, phụ trấn Thứ-sử Giao-châu có nhiệm vụ bảo giá Thái-hậu, không thể chiều lòng Quân-hầu. Mong Quân-hầu thứ lỗi.
Chu Hựu gò cương ngựa nói:
– Ta muốn lên hỏi truyện với người mà mi tôn làm Hàn thái-hậu. Xem có đúng không?
Lê Đạo-Sinh đã xuống đồi đứng bên cạnh Vũ Hỷ:
– Quân hầu nói như vậy, tức không tin Hàn thái-hậu là sinh mẫu Hoàng-thượng, đời nào lão phu để Quân-hầu lên đồi?
Chu Hựu giận cành hông:
– Được! Ta muốn lên yết kiến Hàn thái-hậu.
Lê Đạo-Sinh gật đầu:
– Xin mời Đại tướng-quân.
Tạ Thanh-Minh tiến lên nói:
– Xin Đại tướng-quân phải cẩn thận. Bọn phản tặc Lĩnh Nam rất đông. Lỡ ra chúng mạo phạm vào tướng quân thì nguy.
Chu Hựu tỉnh ngộ,nghĩ:
– Tên Tạ Thanh-Minh nói quả không sai. Nếu người đàn bà này đúng là Thái-hậu thì mình không ngại. Lỡ mụ không phải Thái-hậu, ắt mình nguy mất. Phải cẩn thận mới được.
Y vẫy đội Thị-vệ của Tạ Thanh-Minh, Trần Lữ đi theo. Hai đội cộng khoảng hai mươi người. Gần đến đỉnh đồi, y đưa mắt quan sát : Trước mặt y, một thiếu phụ tuyệt sắc, tuổi trên ba mươi, bà ngồi trên chiếc kiệu. Bên cạnh có Hoàng Thiều-Hoa. Chu biết mặt nàng hôm đến phủ Hoài-nam vương. Ngoài ra còn Công chúa Vĩnh-Hòa, Quận chúa Chu Thúy-Phượng, Lý Lan-Anh. Y đã gặp ba nàng nhiều lần. Xa chút nữa, một số người mặc quần áo theo lối Lĩnh Nam, khí thế cực ký uy dũng.
Y đến trước Công-chúa Vĩnh-Hòa, chắp tay làm lễ:
– Tiểu tướng Chu Hựu lĩnh chức Vũ-kị đại tướng quân, xin tham kiến công chúa điện hạ và hai quận chúa.
Công chúa chỉ thiếu phụ đẹp nói:
– Đây là Hàn thái-hậu, tướng quân mau hành lễ.
Chu Hựu ngạc nhiên vô cùng vì bề ngoài thiếu phụ chỉ ngang tuổi với Quang-Vũ, làm sao mụ đẻ ra Hoàng-đế được. Y ngơ ngác hỏi:
– Phải chăng người họ Hàn? Người năm nay bao nhiêu tuổi? Tuổi người bất quá ngang với Hoàng-thượng, mà người dám xưng là Thái-hậu ư?
Hàn Tú-Anh nói nhỏ nhẹ:
– Ta không phải Thái-hậu. Ta cũng chẳng thèm làm Thái-hậu. Ta chỉ biết rằng ta đẻ ra hai tên Lưu Hiệp, Lưu Tú. Ta muốn đến Lạc-dương gặp con ta sau bao nhiêu năm xa cách. Ngươi làm Đại tướng-quân nhà Hán, mặc ngươi. Ta không cần ngươi ra mắt. Ngươi cũng không được phép hạch hỏi ta.
Trần Lữ quát lên:
– Vị này là Nghi-dương hầu, Vũ kị đại tướng quân, thống lĩnh Ngự-lâm quân. Ngài vâng chỉ Thái-hậu bắt một kỹ nữ, mạo xưng sinh mẫu thiên tử. Ngươi mau mau chịu trói đi.
Hàn Tú-Anh rơi nước mắt hỏi Lê-Đạo-Sinh:
– Lê tiên sinh! Tiên sinh bảo Lưu Tú cho người đến đón ta. Tại sao bọn Thị-vệ lại đến nhục mạ ta?
Công-chúa Vĩnh-Hòa nói:
– Chu đại tướng quân. Ngươi có biết rằng người đem quân đến nhục mạ Thái-hậu như thế này, thì cái họa diệt tộc khó tránh khỏi.
Nàng rút thanh Thượng-phương bảo kiếm bên cạnh trao cho Vũ Hỷ:
– Bình-nam đại tướng quân. Ngươi cầm thanh Thượng-phương bảo kiếm này, hộ giá Thái-hậu. Kẻ nào bất kính, người chặt đầu cho ta.
Nàng chỉ Tạ Thanh-Minh, Trần Lữ:
– Hai tên kia làm gian tế cho Xích-Mi. Chúng thuộc phái Trường-bạch. Triều đình treo thưởng một vạn lượng vàng, với chức Vạn-hộ hầu cho ai giết, bắt được đồ đảng Xích-Mi. Tướng quân bắt chúng cho ta.
Vũ Hỷ kính cẩn tiếp Thượng-phương bảo kiếm đưa ra nói lớn:
– Hạ thần xin tuân chỉ.
Y nói với đám thị vệ:
– Chúng ta tuân chỉ Công-chúa điện hạ bắt dư đảng của phản tặc Xích-Mi. Các người vô can, hãy tránh ra. Ai bên vực chúng, sẽ bị tru di tam tộc.
Y vung kiếm lên, xả vào Trần Lữ đánh năm chiêu liền. Hoàng Thiều-Hoa kinh ngạc kêu lên một tiếng. Vì y dùng kiếm pháp Cửu-chân. Kình lực xé gió, rít lên vo vo. Lưỡi kiếm hướng Trần Lữ. Trần Lữ kinh hoàng, y bật người ra sau, lộn đi một vòng tránh khỏi. Trên đầu y, tiếng vo vo lại bổ xuống. Y lăn người đi một vòng. Trong khi lăn, y rút kiếm đỡ. Hai thanh kiếm đụng nhau tóe lửa.
Trần Lữ quát:
– Phản tặc Lĩnh Nam! Bản lĩnh ngươi được làm bao, mà dám bắt ta? Ta há sợ mi hay sao? Lại đây! Lại đây, chúng ta đấu với nhau mấy trăm hiệp.
Hai người vung kiếm chém nhau. Vũ Hỷ xử dụng kiếm pháp Tản-viên, pha lẫn Cửu-chân. Còn Trần Lữ xử dụng một thứ kiếm pháp rất thô kệch, nhưng chiêu nào phát ra cũng hung dữ vô cùng.
Phái Trường-bạch chỉ sở trường về độc chưởng. Còn về kiếm thuật, thì thua xa bất cứ phái nào. Vũ Hỷ biết thế. Y tấn công liên tiếp, dồn Trần Lữ đến gần một gốc cây.
Tạ Thanh-Minh đứng ngoài, thấy Trần Lữ lâm nguy, y vung chưởng đánh vào lưng Vũ Hỷ, để cứu đồng bọn. Chưởng của y vừa phát ra. Y cảm thấy phía sau, có một kình lực chụp xuống lưng. Y vội thu chưởng về, vung tay ra sau gạt. Đồng thời nhảy về trước hai bước. Choang một cái, chỏm mũ bằng đồng trên đầu y bị tiện đứt. Y lăn đi ba vòng, vọt người lên nhìn lại, thì ra Vũ Phương-Anh.
Chu Hựu quát lớn:
– Ngừng tay.
Vũ Hỷ, Vũ Phương-Anh thu kiếm lùi lại, cười ha hả.
Trần Lữ nhổ một bãi nước miếng xuống đất chỉ Song-quái:
– Mẹ cha bọn Việt. Hôm nay ta nhịn mi một lần.
Câu nói này lọt vào tai Phật-Nguyệt. Nàng vốn điềm đạm, nhu mì, khoan hoà, nhưng một lòng với Lĩnh Nam, yêu thương, kiêu hãnh giòng máu Việt của mình. Nghe Trần Lữ mạ lị người Việt, bóng trắng thấp thoáng xoẹt, xoẹt, nàng xẹt tới, nhảy lui. Không ai nhìn rõ nàng làm gì, đã thấy nàng tra kiếm vào vỏ đến cách một cái. Động tác rút kiếm, tấn công, tra kiếm nhanh không thể tưởng tượng được. Trần Lữ bưng miệng, nhảy lùi lại. Miệng y bị Phật-Nguyệt khoanh một kiếm, máu ra lênh láng. Mặt y tái nhợt, đứng run run nhìn nàng.
Phật-Nguyệt nói như dạy con cháu:
– Ngươi liệu giữ miệng. Mi đấu với Vũ phu phụ, là truyện của mi. Nhưng mi không được nhục mạ tộc Việt của ta. Nếu mi tái phạm, kiếm ta không khoanh miệng ni nữa, mà cắt lưỡi mi.
Chu Hựu bảo Lê Đạo-Sinh:
– Ngươi nhận chỉ dụ từ Hoàng-thượng, không có gì làm chứng. Còn ta nhận chỉ dụ của Thái-hậu, có lệnh bài trong tay. Bây giờ ta cho quân bắt tất cả bọn ngươi đem về Lạc-dương, thì trắng đen sẽ rõ rệt.
Phía Lê Đạo-Sinh còn Mã Vũ, Lưu Long, Đoàn Chí. Đúng lý ra chúng xuất thủ bắt Trần Lữ, Tạ Thanh-Minh. Nhưng chúng được chỉ dụ của Quang-Vũ để cho Lê Đạo-Sinh đánh nhau với phe Mã thái hậu. Sau đó, dù phe nào thắng, phe nào bại. Chúng chỉ dơ tay ra là bắt được. Chúng lên đồi, ngồi nhìn hai bên tranh dành.
Đức-Hiệp chỉ Trần Lữ, Tạ Thanh-Minh nói với Song-quái:
– Sư đệ! Sư muội. Hãy kiềm chế tên này, lấy thuốc giải cho ta. Ta bị trúng huyền âm độc chưởng. Mấy tháng nay đau khổ vô cùng.
Song-quái chợt nhớ ra. Vũ Hỷ đến trước Trần Lữ nói:
– Trần-Lữ, ngươi là khâm phạm. Đáng lý ra chúng ta bắt ngươi nộp triều đình lĩnh thưởng. Song sư huynh ta bị trúng độc chưởng của các ngươi. Vậy các ngươi đưa thuốc giải độc, cứu sư huynh ta. Ta sẽ tha cho bọn ngươi xuống núi.
Trần Lữ cười nhạt:
– Ta theo Chu đại tướng quân, đem một vạn thiết kị tới đây bắt bọn ngươi. Bọn ngươi như cá nằm trên thớt, mà còn dám buông lời đe dọa ta ư? Chết đến gáy, còn làm bộ.
Vũ Hỷ vung kiếm đâm Trần Lữ liền mười chiêu thần tốc. Vũ Phương-Anh cũng tấn công Tạ Thanh-Minh. Hai bên lại thi diễn cuộc đấu. Được trên trăm hiệp. Song quái dồn Trần, Tạ lùi dần về phía trận của y.
Thình lình từ hai bên, hai tên thị vệ, dáng người nhỏ bé, xuất chỉ điểm vào sau lưng Song-quái. Chỉ lực phát ra khí lạnh ghê người. Song quái, vung tay gạt. Bộp một tiếng. Hai tên thị vệ nhảy lùi về sau. Tạ-Thanh-Minh quát:
– Phong-Châu song quái. Các ngươi bị trúng độc chưởng của chúng ta rồi.
Song-quái đối chưởng với hai tên thị vệ, trong chưởng có mùi tanh hôi, đã biết không ổn. Khi nghe nói vậy. Chúng đưa tay lên nhìn, bàn tay ẩn sắc tím xanh. Song quái nổi giận, phóng liền mười chiêu kiếm hiểm ác. Vũ Hỷ nói:
– Được ta hãy giết hai tên này đã.
Trần, Tạ luống cuống chân tay. Hai tên thị vệ kia lại xuất chưởng tấn công nữa. Hoàng Đức, Vũ Nhật-Thăng đồng xuất chưởng đánh hai tên thị vệ cứu đồng bọn.
Từ lúc hai tên thị vệ nhảy ra cứu Trần Lữ, Tạ Thanh Minh, thì Phật-Nguyệt đứng nhìn lưng chúng, nàng thấy dáng dấp chúng quen quen, song không nhận ra là ai. Bây giờ một người nữa nhảy ra cứu Tạ Thanh-Minh. Phật-Nguyệt kêu lên:
– Thì ra Tiêu Hồng-Hoa, Văn Thanh-Hoa! Nhị vị là cành vàng lá ngọc, đệ tử danh môn. Hèn chi võ công kinh người.
Mã Vũ quen với Phật-Nguyệt từ hồi theo đạo Kinh-Châu. Y hỏi:
– Nữ hiệp Phật-Nguyệt! Cái gì mà cành vàng lá ngọc? Đệ tử danh gia?
Phật-Nguyệt đáp:
– Hai vị cô nương đây một tên Hồng-Hoa, một tên Thanh-Hoa. Họ là con tư sinh của Mã thái-hậu với Mao Đông-Các. Họ ẩn thân trong hoàng cung gần hai chục năm, mà không ai biết. Bản lĩnh hai vị cô nương được chính Mao-Đông-Các truyền thụ cao thâm hơn Trần Lữ với Tạ Thanh-Minh nhiều. Này Bô-lỗ đại tướng quân Tiêu, Văn hai nàng phải được tôn là công chúa mới đúng. Hà! Hậu cung nhà Hán thêm hai công chúa võ công cao cường, chẳng đáng mừng ư?
Mã thái-hậu chứa đàn ông trong hoàng cung, làm sỉ nhục không ít cho triều đình. Hơn nữa, Mao ở vai sư phụ tên đại phản tặc Xích-Mi, cái sỉ nhục còn nặng hơn. Mao với Mã thái-hậu có hai con gái tư sinh, truyện trấn động thiên hạ. Phật-Nguyệt biết thế. Nàng diễu Mã Vũ, hầu đẩy y với bọn Lưu Long vào vòng chiến.
Tiêu Hồng-Hoa ngây thơ, không hiểu ý Phật-Nguyệt, nàng nói:
– Phật-Nguyệt có con mắt tinh thực. Tại hạ đã cải trang mà còn nhận ra. Lâu nay tỷ tỷ vẫn mạnh chứ?
Phật-Nguyệt gật đầu:
– Đa tạ tỷ tỷ! Tôi vẫn mạnh.
Qua câu truyện đối đáp giữa Hồng-Hoa với Phật-Nguyệt. Mã Vũ nắm được vấn đề trong tay: Truyện Phật-Nguyệt nói phải có. Bởi chính Hồng-Hoa chấp nhận lời nói của Phật-Nguyệt.
Bỗng Tiêu, Văn cùng nhảy lui lại cười khúc khích:
– Hoàng Đức, Vũ Nhật-Thăng. Các ngươi bị trúng chưởng Huyền-âm của ta rồi. Mau ngồi xuống qui tức, vận công. Nếu không nọc độc vào tim. Dù ta có cho thuốc giải cũng vô ích.
Hoàng, Vũ nghiến răng phát chưởng tấn công liền ba chiêu. Song kình lực đã mất. Hai người loạng choạng ngã ngồi xuống.
Ngô Tiến-Hy, Hàn-Thái-Tuế vọt người ra tấn công hai nàng Tiêu, Văn.
Hồng-Hoa, Thanh-Hoa mỉm cười, phát chưởng:
– Các ngươi còn tên nào, cứ ra cả đây. Ta cho thưởng thức mùi Huyền-âm độc chưởng.
Miệng nói, tay phát chiêu vù vù.
Phía song quái, chúng dồn Trần Lữ, Tạ Thanh-Minh cuống cả chân tay. Song chúng bị chưởng độc của Hồng-Hoa, Thanh-Hoa, chất độc đang phát tác, kiếm pháp rời rạc. Chúng biết nguy hiểm, vội nhảy lui lại nói:
– Ta tha cho hai ngươi.
Trần, Tạ không biết tưởng Song-quái tử tế. Hai người dựa vào nhau thở ra hồng hộc như bò rống.
Phật-Nguyệt muốn đổ dầu vào cho bọn Mã Vũ với Mao-Đông-Các đánh nhau. Nàng nói lớn:
– Nhị vị công chúa Hồng-Hoa, Thanh-Hoa xin nhẹ tay. Hàn Thái-Tuế là thần tử nhà Hán. Tại sao hai vị nhẹ thế đấu với chúng làm gì? Đợi chúng về Lạc-dương. Hai vị xin chỉ dụ của Thái-hậu, sai thị vệ đem chúng ra chặt đầu có hơn không?
Bộp, bộp, chưởng Hồng-Hoa, Thanh-Hoa lại chạm vào chưởng Hàn Thái-Tuế, Ngô Tiến-Hy. Trong chưởng có mùi hôi tanh nồng nặc. Hai nàng nhảy lùi lại cười khúc khích:
– Các ngươi bị trúng Huyền-âm độc chưởng rồi. Ta không đấu với ngươi nữa. Các ngươi ngồi xuống vận công đi thôi.
Sún-Lé xen vào:
– Này ông Hàn Thái-Tuế. Các vị phạm vào công chúa ta e khó sống. Bề gì các nàng cũng là em cùng mẹ khác cha với vua Quang-Vũ. Phạm vào, chết là phải.
Hai thị vệ che mặt đứng cạnh Mã Vũ nghe Sún-Lé nói vậy, chúng ghé tai Lưu Long, Đoàn Chí thì thầm mấy câu. Lưu Long phóng chưởng tấn công Hồng-Hoa. Đoàn Chí tấn công Thanh-Hoa.
Từ lúc xảy ra cuộc động thủ, Chu Hựu đứng ngoài quan sát. Bây giờ thình lình y nhảy vào tấn công Hàn Tú-Anh bằng một chưởng mạnh khủng khiếp. Mã Vũ, Lê Đạo-Sinh đồng xuất chưởng một lượt. Bình, bình hai tiếng. Chu Hựu bị đẩy lui hai trượng. Mã Vũ hỏi:
– Vũ-vệ đại tướng quân. Ngươi làm phản ư?
Chu Hựu tuy làm Đại tướng quân như Mã Vũ, tuy được phong hầu như Mã. Trước kia y theo Quang-Vũ, bị đặt dưới quyền điều khiển của Mã một thời gian. Cho nên dư oai của Mã với y vẫn còn. Nghe Mã quát hỏi. Y đáp:
– Tiểu tướng nhận được chỉ dụ của Mã thái-hậu, bắt hết bọn phản tặc Lĩnh Nam cùng kỹ nữ này về phục lệnh.
Mã Vũ nổi giận:
– Từ sáng đến giờ, khi ngươi mang thiết kị tới, tuy ta không lên tiếng, song ngươi cũng phải biết rằng ta với Lưu Long, Đoàn Chí có mặt ở đây, cùng với Lê Đạo-Sinh thì chắc chắn phải có thánh chỉ. Khi có thánh chỉ, ắt truyện Hàn thái-hậu phải có thực chứ ?
Chu Hựu run run, mặt tái mét không trả lời. Mã Vũ tiếp:
– Huống hồ trong đám theo ngươi, lại có tên Trần Lữ, Tạ Thanh-Minh. Chúng là đại khâm phạm. Bọn chúng là sư đệ của Xích-Mi, đã từng phạm giá, mưu thí hoàng thượng ở Trường-an trước đây mấy tháng. Bây giờ mi lại ra tay tấn công Hàn thái-hậu, rõ ràng mi theo giặc Xích-Mi rồi. Cái tội tru di tam tộc không tránh khỏi.
Chu Hựu xuất thân từ vùng Liêu-đông, cắp gươm theo phò Quang-Vũ hơn mười năm. Sau y được giữ chức Thống-lĩnh thị vệ. Từ đó y được Mã thái-hậu thu dụng. Đường công danh của y lên vùn vụt. Từ một tướng dưới quyền Mã Vũ, y được thăng lên chức Vũ-kị đại tướng quân, trông coi hết hai mươi vạn quân Ngự-lâm của Hoàng-đế. Rồi y được phong Hầu trước cả Mã Vũ, Lưu Long, Đoàn Chí.
Hàng ngày Mã thái-hậu triệu y vào triều kiến luôn, sai làm những công tác bí mật: Khi thì ám sát hoàng thân này, khi thì giết Phi-tần kia, có lúc lại kiềm chế chức quan nọ. Dần dà, y trở thành chân tay đắc lực của Mã thái-hậu.
Một ngày kia, Mã thái-hậu truyền cho y giảo nghiệm võ công tên Thị-vệ già. Đấu được ba hiệp, y bị bại. Y đã từng theo Trần Tự-Sơn, Mã Vũ chinh chiến đánh Xích-Mi. Y nhận ra võ công tên thị vệ già cao hơn Xích-Mi một bậc. Y biết Xích-Mi xử dụng độc chưởng. Ai bị đánh trúng, cứ cách ngày lên cơn một lần đau đớn đến chết đi sống lại. Sau bốn mươi chín ngày người mất hết lực, chết như ngọn đèn hết dầu. Bây giờ tên Thị-vệ này võ công cao hơn Xích-Mi, chắc hẳn hắn ở vai sư thúc, sư bá Xích-Mi.
Y kinh hoàng hỏi:
– Mi cùng bọn với Xích-Mi?
Tên Thị vệ già nói:
– Đúng đấy. Ta là sư phụ của y. Ngươi trúng phải độc chưởng của ta rồi.
Chu Hựu nhìn bàn tay, thấy tím xanh, ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Một lát sau, y cảm thấy toàn thân như bị hàng nghìn con rắn cắn, đau đớn đến chết đi sống lại.
Tên Thị-vệ già nói:
– Ta tên Mao Đông-Các. Ta là người hầu cận Thái-hậu. Mi trúng phải chưởng độc của ta, thì chỉ có hai đường. Một, nhất nhất tuân chỉ Thái-hậu, mi sẽ được thăng quan tiến chức mau chóng. Được Thái-hậu thăng thưởng. Ta sẽ cho mi uống thuốc giải. Hai, ta để cho độc chất làm mi đau đớn mà chết. Mi sẽ bị Thái-hậu tru di tam tộc.
Chu Hựu biết thế không đừng, đành cúi đầu tuân phục. Từ đấy cứ sáu tháng Mao Đông-Các cho y một viên thuốc giải.
Sáng sớm hôm nay, y được Mao Đông-Các, đem theo Trần Lữ, Tạ Thanh-Minh, Hồng-Hoa, Thanh-Hoa đến truyền đạt chiếu chỉ bắt Hàn Tú-Anh và bọn người Lĩnh Nam. Y tuyển một vạn thiết kị lên đường. Không ngờ tới đây vỡ lẽ ra Hàn Tú-Anh là mẹ đẻ của Quang-Vũ. Bà được Quang-Vũ cử Mã Vũ, Lưu Long, Đoàn Chí cùng thầy trò Lê Đạo-Sinh đi tiếp giá.
Y hoảng sợ chưa biết giải quyết sao, thì Mao Đông-Các đứng sau ra lệnh cho y giết Hàn Tú-Anh. Một liều ba bảy cũng liều, y tấn công Hàn Tú-Anh thì bị Mã Vũ, Lê Đạo-Sinh cản lại.
Bây giờ y đã hiểu: Y bị mắc kẹt giữa hai thế lực của Mã thái hậu và Quang-Vũ. Y theo bên này thì bị bên kia giết. Việc bắt Hàn Tú-Anh coi như khó thực hiện. Chỉ có cách xua thiết kị tấn công lên đồi. Như vậy thì rõ ràng y làm phản. Họa tru di tam tộc đến tức khắc.
Y nhìn Lưu Long, Đoàn Chí đấu với Hồng-Hoa, Thanh-Hoa có vẻ thắng thế. Trần Lữ, Tạ Thanh-Minh đang ngồi vận công phục hồi công lực. Trong bảy đệ tử của Lê Đạo-Sinh, cả bảy đều bị trúng Huyền-âm độc chưởng. Chúng đang ngồi rên rỉ, vận nội công chống đau đớn.
Mã Vũ ghé tai Lê Đạo-Sinh nói nhỏ mấy câu. Lê Đạo-Sinh gật đầu lia lịa. Thình lình Lê vọt người tới. Chỉ một chiêu, y đánh Tạ Thanh-Minh bay bổng ra xa. Hàn Thái-Tuế, Hoàng Đức trói y lại, đem nộp cho công chúa Vĩnh-Hòa.
Lê Đạo-Sinh chuyển động, nhảy lui bốn bước, tay chụp hai nàng Thanh-Hoa, Hồng-Hoa định bẻ tay, quăng cho đệ tử trói lại. Thì một thị vệ già vung chưởng tấn công Lê-Đạo-Sinh cứu hai nàng. Chưởng của y hùng hậu không thể tưởng được. Binh một tiếng. Lê Đạo-Sinh bật lùi trở lại hai bước. Tên thị vệ cũng bị lùi lại bốn bước. Lê Đạo-Sinh kinh hoàng:
– Ta tưởng trên đời chỉ có sư huynh với Đào Kỳ có thể đối chưởng với ta được mà thôi. Tại sao tên thị vệ này cũng có chưởng lực mạnh dường này?
Hồng-Hoa, Thanh-Hoa phát hai chưởng đẩy lui Hàn Thái-Tuế cứu Tạ Thanh-Minh.
Bỗng Lê Đạo-Sinh kêu lên:
– Mao Đông-Các, thì ra mi. Trong thành Trường-sa mi đã giết Trần Thiếu-Lan, con gái của sư huynh ta, đoạt Ngọc-tỷ truyền quốc. Ngọc-tỷ mi dấu đâu? Mau đem nộp, để ta dâng Hoàng-thượng.
Từ xưa luật lệ phái Tản-viên đặt ra, coi trọng đồng môn như tính mệnh mình. Đệ tử phái Tản-viên, dù cấu xé nhau thực. Nhưng khi một người bị người ngoài hãm hại, cả môn phái phải trả thù. Lê Đạo-Sinh chẳng tử tế gì với Trần Đại-Sinh. Song dầu sao y cũng là một đại tôn sư võ học Lĩnh-nam, Tản-viên. Y được Trưng Nhị kể cho nghe rằng: Trần Thiếu-Lan là con gái Khất đại-phu. Nàng giữ Ngọc-tỷ của Xích-Mi, bị Mao Đông-Các giết chết đoạt mất. Y muốn đánh bại Mao Đông-Các đoạt Ngọc-tỷ dâng cho Quang-Vũ lập công, và trả thù cho Thiếu-Lan. Thực ra Ngọc-tỷ đang nằm trong tay Trưng Nhị, Trưng Nhị đã bịa truyện Ngọc-tỷ bị Mao đoạt mất, để cho cao thủ triều đình tìm hại Mao.
Mao Đông-Các cười:
– Ta, Mao Đông-Các, muốn giết ai cứ giết. Quả ta có giết Thiếu-Lan còn Ngọc-tỷ thì ta không biết.
Hai thị vệ đeo khăn che mặt nghe Lê-đạo-Sinh nói vậy, lại ghé tai Mã Vũ nói mấy câu. Mã Vũ tiến ra tấn công Mao Đông-Các:
– Mao Đông-Các. Mi mau đưa Ngọc-tỷ ra đây.
Võ công Mã Vũ ngang với Sầm Bành, Phùng Dị, Lê Đạo-Sinh. Y phóng chưởng tấn công Mao Đông-Các bằng một chiêu thức dương cương mạnh đến long trời lở đất. Mao Đông-Các thản nhiên vung chưởng đỡ. Bộp một tiếng. Cả hai đều lùi lại. Mao Đông-Các cười gằn:
– Ta nghe Phùng Dị, Sầm Bành và mi là ba đại cao thủ nhất Trung-nguyên, không ngờ bản lĩnh cũng tầm thường thôi. Hãy đỡ chưởng nữa của ta.
Lần này chưởng của Mao Đông-Các có mùi tanh hôi khủng khiếp, khiến mọi người phải nôn oẹ. Mã Vũ vung chưởng đỡ. Hai bên đấu với nhau đến chưởng thứ chín, mặt Mã Vũ đỏ như gấc. Còn mặt Mao Đông-Các tím xanh. Đúng ra công lực Mã ngang với Mao. Song nội lực Mao Đông-Các là nội lực âm nhu của phái Long-biên. Vạn-Tín hầu xưa nghiên cứu để khắc chế võ công Trung-nguyên, cho nên mỗi chiêu Mã Vũ đánh ra. Mao Đông-Các hóa giải dễ dàng.
Xưa kia, Mã Vũ đấu với anh em Xích-Mi nhiều trận. Mã biết rằng chưởng pháp của bọn chúng là Huyền-âm độc chưởng. Không cẩn thận, trúng chưởng, thì chỉ có nước quì lạy xin tha mạng, mới hy vọng thoát khỏi cái chết.
Đấu được trên trăm hiệp. Mã Vũ đã bắt đầu thấy công lực cạn dần. Thình lình Mao Đông-Các gầm lên như hổ, phát ra một chưởng rất thô kệch. Mã-Vũ ngơ ngác tự hỏi:
– Chưởng gì mà kỳ dị thế này?
Y vung tay đỡ. Bộp một tiếng. Mao Đông-Các nhảy lùi lại cười:
– Mã Vũ! Ngươi mau quì xuống bái ta làm sư phụ, ta cho thuốc giải. Ngươi trúng Huyền-âm chưởng của ta rồi.
Lê Đạo-Sinh, thấy vậy phóng chưởng tấn công Mao Đông-Các cứu Mã Vũ. Mao Đông-Các đã đối chưởng với Lê Đạo-Sinh. Y không dám coi thường. Y vung chưởng đỡ. Binh một tiếng. Y bật lùi đến ba bước, ngoài sự tưởng tượng của mọi người.
Còn Lê Đạo-Sinh thì tỉnh ngộ:
– Thì ra thế! Nội lực của Mao là nội lực Long-biên, tức nội lực Lĩnh Nam chỉ khắc chế với nội lực Trung-nguyên. Còn nội lực Lĩnh Nam với nhau, thì nội lực Tản-viên ta đứng đầu.
Lê Đạo-Sinh tỉnh táo, phát chiêu Ngưu hổ tranh phong trong Phục ngưu thần chưởng tấn công. Mao Đông-Các vung chưởng đỡ. Binh một tiếng, lão lùi lại hai bước. Râu tóc dựng đứng.
Y đứng tần ngần, suy nghĩ. Y chưa dám dùng Huyền-âm độc chưởng. Vì sợ nội công Lê-Đạo-Sinh cao hơn, sẽ bị nội lực của Lê đẩy chất độc ngược trở về, như trường hợp Tạ Thanh-Minh, Trần Lữ bị Đào Kỳ đánh ở điện Vị-ương, Trường-an ngày nọ. Lê Đạo-Sinh phát chiêu Ngưu tẩu như phi trong Phục-ngưu thần chưởng tấn công. Chưởng phong ào ào chụp xuống. Mao Đông-Các vung chưởng đỡ. Bộp một tiếng. Hai chưởng dính liền với nhau. Cuộc đấu chưởng trở thành cuộc đấu nội lực. Lê Đạo-Sinh tỏ ra ung dung nhàn nhã. còn Mao Đông-Các râu tóc dựng ngược. Tay trái Mao Đông-Các phát một chiêu nữa tấn công Lê Đạo-Sinh. Lê Đạo-Sinh vung tay trái đỡ. Hai đại cao thủ thi diễn cuộc đấu lực với nhau.
Giữa lúc đó Chu Hựu cho thiết kị tấn công lên đồi. Đội quân của hắn tới hơn vạn. Còn đội thiết kị của Lê Đạo-Sinh do Bạch Sùng chỉ huy chỉ có năm trăm người. Mối nguy đến trước mắt. Lê Đạo-Sinh đang thắng thế, bị phân tâm một chút, nội lực yếu đi.
Trong khi ấy, Lưu Long, Đoàn Chí đã bỏ Hồng-Hoa, Thanh-Hoa trở về trận mình. Họ tiến đến đứng cạnh hai tên thị vệ bịt mặt dường như bảo vệ chúng. Tên thị vệ bịt mặt từ từ tiến đến trước mặt Chu Hựu. Y lên tiếng rất sẽ:
– Chu tướng quân. Ngươi hãy lui lại đây. Ta có mật chỉ cần trao cho tướng quân.
Chu Hựu nghe tiếng tên thị vệ bịt mặt rất quen. Trong lúc nhất thời y chưa nhận rõ được tiếng của ai. Song tiếng nói đó uy nghiêm vô cùng khiến y líu ríu lùi lại một gốc cây. Tên thị vệ nói:
– Ngươi phải án binh bất động. Ta sẽ tâu với Hoàng-thượng tha hết tội lỗi hôm nay cho ngươi. Nếu ngươi không tuân lệnh, ta giết ngươi trước, rồi tâu với Hoàng-thượng tru di tam tộc nhà ngươi. Nhà ngươi đã nhận ra tiếng ta chưa?
Chu Hựu đã nhận ra tiếng tên thị vệ bịt mặt. Chân tay y bủn cả ra. Song lời nói của tên thị vệ khiến y tìm được lối thoát khỏi cái thế kẹt cứng giữa Mã thái-hậu với Quang-Vũ. Y ra lệnh cho thiết kị bao vây kín quanh đồi. Bảy đệ tử của Lê Đạo-Sinh xúm vào vây bắt Hồng-Hoa, Thanh-Hoa. Chỉ mấy hiệp, họ đã bắt được hai nàng, với Tạ Thanh-Minh, Trần Lữ.
Mao Đông-Các liếc nhìn bên mình: Đệ tử, con gái đều bị bắt trói ngồi đó. Chủ lực chính là Chu Hựu, thì Chu trở mặt theo phe Mã Vũ. Không còn một hy vọng nào nữa. Y tính kế:
– Ta thoát thân, thì không khó khăn gì. Ngặt vì còn Hồng-Hoa, Thanh-Hoa, với hai gã đệ tử Tạ, Trần. Phải làm sao bây giờ? Bên địch ngoài Lê Đạo-Sinh ra còn có Lưu Long, Đoàn Chí. Phía Lĩnh Nam hơn chục người. Thực là nát bét.
Phân tâm một chút, nội lực y kém thế. Bị Lê Đạo-Sinh đẩy lui hai bước. Y hoảng sợ, vội hít một hơi, dồn hết chân khí ra hai tay. Râu tóc dựng đứng, mặt đỏ phừng phừng.
Lê Đạo-Sinh đấu nội lực với Mao Đông-Các thắng thế. Bỗng Mao Đông-Các khạc một tiếng, nhổ bãi đờm vào mặt Lê. Hai người đứng gần nhau quá. Lê Đạo-Sinh có ngờ đâu một đại tôn sư như Mao Đông-Các lại hèn hạ đến độ khạc đờm vào mặt y. Y vận sức chịu. Bộp một tiếng, nước miếng Mao Đông-Các bắn tóe vào mặt Lê Đạo-Sinh, dư lực bay ra xung quanh, trúng vào người Sún Rỗ, Giao-Long nữ.
Sún Rỗ chửi tục:
– Thằng Mao Đông-Các thực dơ bẩn hơn giống... chó...
Nói chưa dứt câu mặt nó tái mét, ngã lăn xuống đất xùi bọt mép, chân tay run rẩy.
Từ hôm gặp Lục Sún, Hoàng Thiều-Hoa thương chúng vô hạn. Nàng luôn ở cạnh chúng, trông chúng như trước kia trông coi Đào Kỳ. Vì vậy tình nghĩa như mẹ con. Nàng thấy Sún Rỗ ngã lăn ra, vội chạy đến bồng dậy hỏi:
– Sao vậy Rỗ? Cái gì vậy?
Sún Rỗ run lập cập chỉ vào Mao Đông-Các, nói thều thào:
– Em bị trúng độc của nó.
Đến đó Giao-Long nữ cũng run lập cập rồi ngã lăn ra. Phật-Nguyệt chạy lại bồng nàng dậy.
Thì ra trong khi đấu với Lê Đạo-Sinh. Mao Đông-Các thấy khó thắng được Thái-sơn Bắc-đẩu Lĩnh Nam. Y nghĩ được một kế: Móc trong bọc ra một viên thuốc kịch độc, bỏ vào miệng nhai, rồi y vận sức đấu nội lực với Lê. Giữa lúc hai bên phát huy nội lực đến cùng độ. Y phun nước miếng đầy chất độc lên mặt Lê. Nước miếng bắn tung vào Sún Rỗ, Giao-Long. Sún Rỗ công lực yếu nhất, ngã lăn ra đầu tiên, sau đến Giao-long nữ.
Được một lát, Lê Đạo-Sinh lảo đảo rồi ngã ngồi xuống. Mặt tái xanh. toàn thể thầy trò Lê đều bị trúng Huyền-âm độc chưởng.
Tên thị vệ bịt mặt nói với Đoàn Chí mấy câu. Đoàn Chí hô lớn:
– Ngừng tay!
Y nói với Mao Đông-Các:
– Mao Đông-Các. Bên ngươi chỉ có năm mạng. Dù võ công ngươi cao, nhưng liệu ngươi có địch nổi một vạn thiết kị của Chu Hựu không? Huống hồ bên ta còn ta, Lưu Long, Chu Hựu ?
Mao Đông-Các nói:
– Vậy ngươi muốn gì?
Lưu Long chỉ vào Mã Vũ, thầy trò Lê Đạo-Sinh:
– Ngươi hãy trao thuốc giải cho các vị này. Ta sẽ tha cho các ngươi xuống đồi. Nếu không, ta cho thiết kị tấn công liền.
Mao Đông-Các liếc mắt nhìn tên thị vệ bịt, y mặt nghĩ:
– Bọn Mã Vũ, Lưu Long, Đoàn Chí thân làm đại tướng. Tại sao tên thị vệ này lại có thể ra lệnh cho chúng? Ta nhìn dáng người y quen quá. Không biết đã gặp chúng ở đâu. Không lẽ Đặng Vũ? Hoài-nam vương? Không phải... Đặng Vũ cao lớn hơn tên này nhiều. Hoài-nam vương gầy gò. Tên này ta gặp nhiều lần rồi chứ không phải một lần.
Chợt nhớ ra điều gì. Mao Đông-Các mỉm cười hướng tên thị vệ bịt mặt:
– Được, ta trao thuốc giải cho ngươi, để ngươi cứu Mã Vũ với Lê Đạo-Sinh.
Y móc túi lấy mấy viên thuốc, đến trước mặt tên thị vệ bịt mặt. Tên thị vệ đưa tay ra nhận thuốc. Thình lình Mao Đông-Các túm cổ áo tên thị vệ bịt mặt nhắc lên. Y nhảy nhót mấy cái ra xa, đặt chưởng lên đầu tên thị vệ nói:
– Tất cả đứng im. Nếu ai nhảy vào, ta nhả độc chưởng liền.
Bọn Đoàn Chí, Lưu Long, Chu Hựu cùng la hoảng. Mao Đông-Các giật miếng vải che mặt tên thị vệ bịt mặt ra. Chúng nhân kinh hãi la lên. Y là Quang-Vũ!
Trên đồi Phương-Dung nói với Đặng Đường-Hoàn:
– Lúc mới lên đồi, cháu thấy lưng hai tên thị vệ này quen quen, mà không đoán tên chúng. Thì ra Quang-Vũ. Bọn Mao Đông-Các với Quang-Vũ chém giết nhau đến nơi rồi.
Chu Hựu quát lớn:
– Mao Đông-Các! Ta tuy trúng độc của ngươi. Song ta tuyệt đối trung thành với Hoàng-thượng. Hôm nay đã nguyện lấy cái chết báo đáp hoàng ân. Ngươi hãy tha Hoàng-thượng ra ngay. Nếu không thiết kị của ta sẽ băm vằm bọn ngươi như băm chả.
Mao Đông-Các cười:
– Bây giờ thế này: Các ngươi mở vòng vây cho chúng ta xuống đồi. Xuống đến chân đồi, ta sẽ buông tha Quang-Vũ. Song ta sợ các ngươi dùng thiết kị đuổi theo. Vì vậy ta hãy phóng vào người y một ít độc chất. Các ngươi phải cử một người theo ta. Ta sẽ trao thuốc giải cho.
Chu Hựu gật đầu. Y vung kiếm, cắt dây trói cho bốn người của Mao.
Một phụ nữ tha thướt đến bên Mao Đông-Các. Mao quát lớn:
– Dừng lại! Con điếm kia, mi dừng lại!
Thì ra Hàn Tú-Anh. Hàn Tú-Anh xa con từ khi Quang-Vũ mới có sáu tháng. Trải hơn ba mươi năm trời, nhớ thương chồng chất. Bây giờ mẫu tử trùng phùng, lại thấy con gặp hiểm nguy. Bà tiến lên nhìn mặt con.
Hồng-Hoa, Thanh-Hoa rút kiếm chỉ vào cổ bà.
– Hoàng Thiều-Hoa đối với Trần Tự-Sơn một mối nhu tình sâu như biển. Ngày nàng cùng Trần Tự-Sơn đem quân đánh Thục, về Quế-Lâm thăm Hàn Tú-Anh. Bà tỏ ra thương yêu Thiều-Hoa như bà Đào Thế-Kiệt. Nay bà bị làm nhục, thì Thiều-Hoa chịu sao được?
Thiều-Hoa lạng người một cái, nàng vung hai chưởng tấn công Hồng-Hoa, Thanh-Hoa. Binh, binh hai tiếng. Hồng-Hoa, Thanh-Hoa bật lùi trở lại. Khí huyết nhộn nhạo, muốn hộc máu ra. Còn Thiều-Hoa đã ôm Hàn Tú-Anh nhảy lui bốn bước.
Đám anh hùng Lĩnh Nam đều kinh hãi. Vì trước đây bản lĩnh Hoàng Thiều-Hoa rất bình thường. Trong trận đánh Độ-khẩu, nàng đấu ngang tay với Vương Phúc. Ai cũng nhận ra bản lĩnh nàng cao hơn sư phụ Đào Thế-Kiệt. Đến trận đánh Trường-an, nàng đấu ngang tay với Đoàn Chí, thì bản lĩnh nàng cao hơn Trưng Nhị, Trần Tự-Sơn một bực không ngờ...
Chỉ mới mấy tháng qua, hôm nay nàng có thể đánh lui Hồng-Hoa, Thanh-Hoa bằng hai chưởng hời hợt. Như vậy công lực của nàng đã vượt lên hơn cả Nam-hải nữ hiệp, chỉ thua Lê Đạo-Sinh, Đào Kỳ, Khất đại phu mà thôi.
Nguyên trong thời gian tiến quân vào Thục. Đào Kỳ sống cạnh Hoàng Thiều-Hoa, chàng truyền hết nội công dương cương phái Cửu-chân trong Văn-lang vũ kinh cho sư tỷ. Chàng lại đem lý thuyết mình sáng chế ra bằng cách qui liễm chân khí âm, dương, rồi dạy Thiều-Hoa nội công âm nhu. Sau đó chàng dạy sư tỷ cách vận công theo kinh mạch của Khất đại phu. Thời gian đó, Thiều-Hoa chưa có thời giờ luyện tập, nên tiến triển không làm bao. Cho đến khi nàng bị Quang-Vũ bắt giam. Ngồi trong tù, nàng mới có thời giờ luyện công suốt ngày suốt đêm. Đào Kỳ với Thiều-Hoa là sư tỷ, sư muội. Cho nên những khám phá, phát minh của Đào Kỳ nằm trong căn bản Cửu-chân. Hai chị em tình thâm như ruột thịt. Tâm ý tương thông. Nên chi Đào Kỳ phát minh ra bất cứ điều gì, cũng không ngoài căn bản Cửu-chân. Vì vậy chàng dạy Thiều-Hoa, nàng tập rất mau.
Nếu Trần Năng, Tiên-yên không được Tăng-Giả Nan-Đà truyền Thiền-công, cũng thua nàng.
Hàn Tú-Anh bảo Thiều-Hoa:
– Thiều-Hoa! Má má khẩn cầu, bất cứ giá nào con cũng phải cứu Lưu Tú. Nó... là con của má má, anh của Tự-Sơn. Chúng nó tuy không cùng giòng máu, nhưng uống cùng giòng sữa. Chúng nó sống chết có nhau bao năm trời rồi.
Lời của bà nói ôn nhu, ngọt ngào. Thiều-Hoa vốn dĩ đa tình đa cảm. Nàng từng ước hẹn với Mao Đông-Các giết Quang-Vũ, làm đảo lộn Trung-nguyên để Mã thái hậu lập ấu quân lên thay. Như vậy lợi cho Lĩnh-nam. Theo như nàng ước tính, nếu Quang-Vũ chết, thì Trung-nguyên muốn ổn định, đem quân đánh Lĩnh Nam cũng phải mười năm nữa. Trong mười năm đó, Thục, Lĩnh Nam đã chỉnh bị xong quân mã, dư sức ăn thua với triều Hán.
Bây giờ đứng trước lời kêu gọi của Hàn Tú-Anh. Nàng liếc mắt nhìn các anh hùng Lĩnh Nam: Hiện diện tại đây, chỉ cần Phật-Nguyệt, Phương-Dung cũng đủ sức chế ngự Mao Đông-Các. Trần Năng, Tiên-yên, Đặng Đường-Hoàn, Trần Công-Minh, dư sức đàn áp bọn Trần Lữ, Tạ Thanh-Minh. Ngoài ra còn Lục Sún, Giao-long nữ. Song làm sao có thể xin họ ra tay cứu Quang-Vũ?
Thiều-Hoa đưa mắt nhìn Phương-Dung, thì nàng lắc đầu ngoắc tay, tỏ ý đừng can thiệp. Như vậy ba vị Thái-bảo phá Sài-sơn cũng không chịu ra tay. Chỉ còn Lục Sún, với Trần Năng, nàng có thể sai được.
Phương-Dung tiến lại cạnh Thiều-Hoa, Hàn Tú-Anh nói:
– Chúng ta để cho Mao Đông-Các đi. Nếu y không chịu thả Quang-Vũ, bấy giờ chúng ta ra tay cũng vừa.
Mao Đông-Các ôm Quang-Vũ cùng đám đệ tử xuống đồi. Hàn Tú-Anh, Thiều-Hoa theo bén gót. Lục Sún cũng chạy theo Thiều-Hoa. Sún Lé thấy Thiều-Hoa buồn rười rượi, nó nói nhỏ vào tai nàng:
– Sư tỷ có muốn cứu Quang-Vũ không?
Thiều-Hoa hỏi:
– Cứu bằng cách nào?
Sún Lé nói nhỏ vào tai nàng mấy câu. Thiều-Hoa tỉnh ngộ, nàng gật đầu.
Lập tức Sún Lé cầm tù và thổi lên một hồi. Lục Sún dàn ra chặn trước mặt Mao Đông-Các. Sún Lùn nói:
– Mao tiên sinh! Quang-Vũ là chúa tể triều Hán. Quân Hán đến Lĩnh Nam giết hại cha mẹ chúng tôi, làm chúng tôi côi cút suốt bao năm trời. Hôm nay xin Mao tiền bối để chúng tôi giết y trả thù cho cha mẹ. Chúng tôi muôn vàn cảm tạ Mao tiên sinh.
Mao Đông-Các đã biết lợi hại của Lục-Sún. Y nói:
– Không được. Tôi cần thả y, để thoát thân, cứu các đệ tử của tôi. Các cháu muốn trả thù hãy đợi khi khác.
Sún Lé lắc đầu:
– Y làm vua, lúc nào cũng có hàng vạn người hộ vệ, khi khác e không còn dịp. Tây-vu Thiên-ưng lục tướng! Hãy cho Thần-ưng ăn thịt Quang-Vũ gấp.
Lục Sún cầm cờ phất, một đoàn Thần-ưng hai mươi lăm con từ trên cao nhào xuống tấn công Quang-Vũ. Mao Đông-Các hoảng kinh vung chưởng đánh dạt Thần-ưng lên cao. Sún Lé huýt sáo một tiếng. Hai con trăn trong túi của nó vọt ra lao đến cuốn chân Mao Đông-Các. Mao Đông-Các bị trăn cuốn, suýt nữa té xuống. Y định tung Quang-Vũ cho Trần Lữ. Thì Thần-ưng lao xuống tấn công Trần Lữ. Trần Lữ vội vung chưởng chống Thần-ưng. Lục Sún cũng tung trăn tấn công vào Tạ Thanh-Minh, Hồng-Hoa, Thanh-Hoa.
Sún Lé kêu lớn:
– Hoàng sư tỷ, Hải-triều lãng lãng gấp!
Hoàng Thiều-Hoa vung tay phát chiêu Hải-triều lãng lãng tấn công vào Mao Đông-Các. Mao Đông-Các thấy chưởng pháp kỳ diệu, vung chưởng đỡ lớp thứ nhất, thì lớp thứ nhì đã chụp xuống. Y kinh hoàng vội vận hết sức đỡ, thì chân y bị trăn cuốn. Trên trời Thần-ưng nhào xuống tấn công. Y hoảng kinh tung Quang-Vũ lên cao. Một tay đỡ lớp thứ ba của chiêu Hải-triều lãng lãng. Y đã bị hai Thần-ưng cào mặt. Y vung tay đánh bật Thần-ưng thì lớp thứ tư của Hoàng Thiều-Hoa đánh tới. Y vội lăn tròn người đi tránh thế chưởng ác liệt. Sún Lé, Sún Cao nhảy đến đỡ Quang-Vũ trao cho Phật-Nguyệt.
Hoàng Thiều-Hoa bảo Sún Lé:
– Ngừng tay!
Sún Lé cầm cờ phất. Lục Sún cùng nhảy lùi lại đứng trước mặt Thiều-Hoa, mặt cương quyết rắn rỏi. Mỗi đứa tay cầm lá cờ. Trên đầu chúng Thần-ưng bay lượn. Tuy chỉ có sáu đứa, mà khí thế như hàng vạn thiết kị.
Mao Đông-Các nhìn Hoàng-Thiều-Hoa:
– Vương phi! Ngươi quên lời ước hẹn rồi ư?
Sún Lé đã được nghe cuộc đối thoại giữa Mã thái-hậu, Hoàng Thiều-Hoa, Mao Đông-Các. Nó biết, khi Thiều-Hoa cứu Quang-Vũ đã phạm vào lời hứa. Nó nói:
– Mao tiên sinh! Hoàng sư tỷ ước hẹn với tiên sinh, chứ có phải chúng cháu hứa đâu? Tiên sinh bảo Lĩnh Nam hay Mã thái-hậu giết Quang-Vũ đều được. Vậy cháu bắt Quang-Vũ cho chim ưng ăn thịt cũng thế.
Mao Đông-Các nói:
– Không thể cho chim ưng ăn thịt Quang-Vũ được đâu.
Sún Rỗ nói:
– Sao lại không? Thịt vua chắc ngon hơn thịt lính Hán. Nhất định chim ưng thích lắm.
Mao Đông-Các nói:
– Lão phu nói không được là không được. Vì Quang-Vũ đã trúng độc của lão. Nếu Thần-ưng ăn thịt y thì sẽ bị trúng độc mà chết.
Sún Lé nói:
– Thế cho trăn quấn y đến nghẹt thở mà chết vậy.
Hoàng Thiều-Hoa nói với Mao Đông-Các:
– Tiểu nữ xin lỗi Mao tiên sinh. Tây-vu Thiên-ưng lục tướng tuổi còn trẻ. Các sư huynh sư đệ dạy chúng những gì phục hồi Lĩnh Nam, hiếu thảo. Vì vậy chúng muốn bắt Quang-Vũ trả thù. Điều này không liên quan đến tiểu nữ.
Nàng nói với Chu Hựu:
– Tướng quân tiễn Mao tiên sinh với các vị cao đồ của người xuống núi. Nhớ cấp cho mỗi người một con ngựa loại tốt.
Chu Hựu là người thông minh, mẫn tiệp. Y thấy Hoàng Thiều-Hoa thân thiết với Hàn Tú-Anh. Hàn Tú-Anh là mẹ đẻ Quang-Vũ, thì không thể có truyện Lục Sún cho trăn quấn chết Quang-Vũ.
Y cúi đầu:
– Xin tuân chỉ của Vương-phi.
Mao Đông-Các dẫn bọn đệ tử khoan thai xuống núi. Công-chúa Vĩnh-Hòa rút kiếm chắn trước mặt Mao Đông-Các:
– Các ngươi đứng lại. Anh hùng Lĩnh Nam tha cho ngươi. Nhưng chúng ta không tha cho ngươi. Mao Đông-Các! Trước kia ngươi theo Xích-Mi hãm hại phụ hoàng ta. Hôm nay ta phải lấy đầu ngươi để trả thù.
Hồng-Hoa cười khảy:
– Đến Lê Đạo-Sinh, Mã Vũ còn sắp mất mạng về Huyền-âm độc chưởng. Huống hồ bọn ngươi. Hãy tránh ra.
Y thị vung chưởng lên, một kình lực nhu hòa đẩy bay thanh kiếm của công chúa Vĩnh-Hòa ra ngoài. Hồng-Hoa dơ tay bắt kiếm, thì một vật nhỏ từ xa hướng thanh kiếm kêu vo vo, rồi hất thanh kiếm bay đến trước mặt Hoàng Thiều-Hoa. Hoàng Thiều-Hoa bắt lấy kiếm.
Mao Đông-Các kinh hoàng nghĩ:
– Lối phóng ám khí này sao lại giống Lê Đạo-Sinh, hôm trước đã thử nghiệm võ công Thanh-Hoa ở hồ Động-đình thế này? Lê Đạo-Sinh đã bị thương ngồi kia, thì ai phóng ám khí đây?
Hồng-Hoa xuất một thế hổ trảo chụp công chúa Vĩnh-Hòa. Trảo sắp tới người nàng, lại tiếng véo vang lên. Một vật bay trúng vào khuỷu tay Hồng-Hoa làm thị mất kình lực.
Hồng-Hoa lui lại quát:
– Cao nhân nào, xin xuất hiện. Nếu không đừng trách ta tàn độc !
Y thị phát chưởng đánh vào ngực Vĩnh-Hòa. Một vật từ trong bụi cây gần đó bay đến, kêu lên những tiếng Vù, vù inh tai, hướng đầu Hồng-Hoa. Mao Đông-Các nhấp nhô một cái, chạy đến bắt vật đó. Thì vật đó tan ra từng mảnh một.
Y bắt hụt.
Trần Năng kêu lên, chạy lại bụi cây:
– Sư phụ! Sư phụ! Sư phụ tới hồi nào, mà đệ tử không biết ?
Có tiếng Khất đại phu:
– Tự-Sơn, Đào Kỳ, Chu Bá, chúng ta xuất hiện đi thôi!
Từ bốn phía, bốn người cùng vọt khỏi bụi cây bước ra. Khất đại phu cười ha hả, chạy lại xoa đầu Trần Năng:
– Con giỏi lắm. Con ngoan lắm. Con đã được một vị Phật gia dạy Thiền-công. Nếu con biết hợp những gì sư phụ với ngài dạy, thì chỉ một năm nữa công lực con sẽ bằng sư phụ.
Trần-thị Phương-Chi, Trần Công-Minh chạy đến kính cẩn hành lễ:
– Cháu tham kiến thúc phụ. Kính chúc thúc phụ sống lâu trăm tuổi.
Khất đại phu nhìn Tiên-yên:
– Chú đi kiếm thuốc trị Huyền-âm độc chưởng cho cháu chưa thành công. May đâu cơ duyên đưa đến. Cháu được một vị Phật gia dạy Thiền-công, đẩy được chất độc ra ngoài. Công lực cháu lại cao thâm vô tận. Mừng cho cháu.
Trần-Năng nắm tay ông hỏi:
– Sư phụ! Người biết hết rồi ư?
Khất đại phu cười:
– Biết hết. Hôm ở trên đồi Vương-sơn chúng ta núp gần đó. Thấy hết. Còn Tiên-yên thì ta nhìn mặt mà biết.
Chu Bá xoa đầu Sún Lé:
– Mấy cháu giỏi lắm. Chắc cháu tự hỏi tại sao hôm ở trên đồi Vương-sơn, Thần-ưng không khám phá ra bọn ta phải không? Này cháu ơi, Thần-ưng tìm ra rồi đấy chứ. Bọn ta phải dở mặt nạ ra cho chúng nhìn. Chúng thấy người nhà, mới không báo động. Nếu không thì Trưng Nhị đã khám phá ra bọn ta. Bọn ta bí mật theo giúp Hàn thái-hậu trong bóng tối. Bây giờ mới bị con bé ngạnh đầu Trần Năng khám phá.
Ông bảo Trần Năng:
– Sư phụ bảo con thông minh đến chỗ không tưởng tượng được. Bản lĩnh cứng đầu thì e hạng nhất Lĩnh Nam.
Khất đại phu bảo Trần Năng:
– Sư thúc Lê Đạo-Sinh lỗi đạo là lỗi đạo với người Lĩnh Nam. Lỗi đạo với ta. Song người vẫn là người của phái Tản-viên. Sư thúc với bảy đệ tử của người trúng Huyền-âm độc chưởng. Con hãy cứu chữa cho họ đi.
Trần Năng hỏi:
– Sư phụ! Chữa bằng cách nào?
Khất đại phu cười:
– Con vận công dẫn khí ra Thủ-tam âm kinh, rồi để lên huyệt Bách-hội, truyền chân khí Thiền-công vào thì đẩy được chất độc ra. Con với sư tỷ Tiên-yên đều học Thiền-công, có thể chữa bệnh cho người được.
Trần Năng lắc đầu:
– Con không hiểu.
Khất đại phu cười:
– Có gì mà không hiểu. Con dùng Thiền-công. Thiền-công đặt trên căn bản kinh Kim-cương, Bát-nhã ba la mật, lấy cái "Không làm căn bản. Xóa bỏ hết Sắc tướng. Vì vậy con vận khí hóa giải được hết Ngũ-độc là năm sắc tướng của thế gian.
Trần Năng thích quá nói:
– Sư phụ! Con trị cho Lê sư thúc trước.
Khất đại phu lắc đầu:
– Không! Con nhớ võ đạo Lĩnh Nam nhà mình lấy chữ Nghĩa hiệp làm đầu. Phàm là thầy thuốc, thì kẻ thù cũng chữa. Còn Hiệp phải trị cho người ngoài trước. Con hãy chữa cho Lưu Tú, Mã Vũ, Chu Hựu.
Các tướng thấy ông gọi tên tục Quang-Vũ là Lưu-Tú. Họ định quát mắng, song họ thấy rằng tính mạng Quang-Vũ và bản thân họ đang nằm trong tay ông. Họ đành nín nhịn.
Mao Đông-Các đang cùng hai con gái, Tạ Thanh-Minh, Trần Lữ xuống đồi, thì gặp hai người đi lên. Một người tướng mạo uy nghi, tuổi hơi già. Một người còn trẻ, phong lưu tiêu sái. Đào Kỳ tinh mắt kêu lên:
– Bố! Bố đến đây từ bao giờ? Đặng đại ca!
Từ Khất đại phu trở xuống nghe Đào Kỳ kêu, thì biết là Đào Thế-Kiệt, Đặng Thi-Sách. Tất cả nhìn xuống, thấy hai người đứng chắn mất lối đi của bọn Mao Đông-Các. Mao Đông-Các nghe Đào Kỳ kêu, y giật mình, đứng lại hỏi:
– Phải chăng hai vị là Đào hầu đất Cửu-chân và Đặng tiên sinh đất Mê-linh đó chăng?
Đặng Thi-Sách thi lễ:
– Không dám. Bọn tai hạ tới đây từ lâu rồi.
Mao Đông-Các thấy gương mặt hai người lộ sát khí, thì chột dạ:
– Đào-hầu, Đặng tiên sinh. Giữa bọn tại hạ với anh hùng Lĩnh Nam, đi cùng đường, cùng mưu sự. Không hiểu sao Đào-hầu với Đặng tiên sinh lại cản trở tại hạ thế này?
Đào Thế-Kiệt lắc đầu:
– Chúng ta là người nghĩa hiệp. Vì dân Lĩnh Ham mưu phục quốc. Phục quốc, thì ứng lòng dân, hợp lòng trời, kéo cờ nghĩa. Chứ quyết không đi cùng đường với bọn Xích-Mi các người. Các người ăn trộm, ăn cướp, tàn hại dân Trung-nguyên đã nhiều. Phan Sùng chết đi, ta tưởng đã yên. Không ngờ bọn mi còn sống ở thế gian này để hại người. Hôm nay chúng ta phải ra tay tiễu trừ bọn độc Xích-Mi.
Giọng nói uy nghiêm, thái độ dứt khoát của Đào Thế-Kiệt, làm cho Mao Đông-Các kinh sợ. Y nói cứng:
– Ta đã vì đại nghiệp, mà hợp tác với các ngươi. Chứ ta có coi bọn Lĩnh Nam các ngươi ra gì đâu. Được! Lại đây! Lại đây, chúng ta đấu với nhau ngàn chưởng.
Nói rồi y vận sức vào tay, phóng chưởng vào một cây lớn trước mặt. Binh một tiếng, cây gãy gục xuống.
Đào Thế-Kiệt nói với Khất đại phu:
– Khất đại phu. Người là danh y, suốt đời lo cứu trị cho thiên hạ. Dù Hán, dù Việt, dù thú vật bị bệnh tiên sinh cũng đều ra tay cứu chữa. Bây giờ trước mặt tiên sinh, có năm con trùng, đã hại không biết bao sinh linh. Nếu chúng ta không trừ khử đi, thì chúng sẽ còn hại nhiều người khác nữa. Có phải thế không?
Khất đại phu gật đầu:
– Trung-nguyên, Lĩnh Nam tuy cương thổ khác nhau, vua chúa tranh dành nhau. Chứ dân chúng không thù oán nhau. Cái độc hại người, dù ở đâu cũng cần trừ diệt. Đào hầu dạy phải. Hôm nay lão phu quyết diệt bọn Trường-bạch các ngươi, trừ hại cho trăm họ.
Khất đại phu vung chưởng tấn công Mao Đông-Các. Chưởng của ông là Phục-ngưu thần chưởng, mạnh đến long trời lở đất, Mao Đông-Các nghiến răng đỡ. Binh một tiếng, người y bật lùi trở lại hai bước. Y chưa đứng vững thì Khất-đại phu vận khí phóng một chỉ vào giữa ngực y. Lĩnh-nam chỉ kêu véo một tiếng, trúng vào chiếc bình bằng đồng Mao đeo trên lưng. Choang một tiếng, bình đồng bay lên không. Chu Bá vọt tới bắt lấy.
Mao Đông-Cát quát lên:
– Các ngươi định dùng đông bắt nạt bọn ta ư? Thế mà cũng đòi xưng anh hùng Lĩnh Nam. Trần Đại-Sinh! Người đời tôn mi là tiên ông, là đệ nhất cao nhân, không ngờ ngươi đã hứa cho bọn ta đi, mà lại nghe lệnh một tên Lạc-hầu, võ công không bằng đệ tử ngươi.
Đặng Thi-Sách quát lên:
– Đúng! Thái sư thúc của ta, tuy võ công cao, đạo đức nức tiếng thiên hạ, song ngài vẫn là dân Việt. Người cũng như phái Tản-viên nhà ta nhất nhất tuân lệnh Đào-hầu. Vì Đào-hầu tượng trưng cho tinh thần phục hồi Lĩnh Nam.
Q3 - Cẩm Khê Di Hận
Hồi 1
Hồi 2
Hồi 3
Hồi 4
Hồi 5
Hồi 6
Hồi 7
Hồi 8
Hồi 9
Hồi 9
Hồi 10
Hồi 11
Hồi 12
Hồi 13
Hồi 14
Hồi 15
Hồi 16
Hồi 17
Hồi 18
Hồi 19
Hồi 20
Hồi 21
Hồi 22
Hồi 23
Hồi 24
Hồi 25
Hồi 26
Hồi 27
Hồi 28
Hồi 29