Chương 12 (tt)
Tác giả: Zalin Grant
Thay vì bắt ông ta phải đuổi Nhu thì chúng ta sẽ nói: “Chúng tôi có một chỗ làm rất tốt cho Nhu và chúng tôi muốn ông giúp thuyết phục Nhu nhận, ông ta sẽ thuyết phục Nhu. Ông ta sẽ nghĩ rằng việc này tốt cho ông em, mà tốt thật”. Không ai quan tâm đến ý kiến của Lansdale cả. Các nhà vạch chính sách ở Washington đang có hứng muốn dùng đến bắp thịt chứ không thích chơi trò thuyết phục tế nhị, mặc dù nhóm của Harriman-Hilsman có vạch ra một kế hoạch lâu dài và phức tạp, gợi ý rằng Lansdale sẽ cầm đầu một nỗ lực hoà giải với Diệm, nếu giải pháp này được chấp nhận. Nhưng giải pháp này bị bác.
Ngày 5 tháng Mười, Tổng thống Kennedy quyết định một số biện pháp đặc biệt để gây sức ép với Diệm. Cùng ngày hôm đó, Lou Conein gặp Minh Lớn, theo yêu cầu của ông này. Minh Lớn nói rằng cuối cùng các tướng đã thoả thuận được một kế hoạch đảo chính. Cách dễ nhất là giết Nhu và giữ Diệm làm bù nhìn. Conein báo cáo lại với Lodge. Chi cục CIA đề nghị đại sứ không nên chống lại cuộc ám sát, bởi vì hai giải pháp khác mà Minh đề nghị sẽ dẫn đến đổ máu kéo dài. Nhưng giám đốc CIA John McCone đã lập tức điện cho chi cục rút lui ngay đề nghị của họ với Lodge, bức điện nói rằng Cục tình báo “không ở trong cương vị có thể khuyến khích chấp nhận hay ủng hộ cuộc ám sát, nhưng mặt khác, chúng ta cũng không có trách nhiệm ngăn chặn những sự đe doạ như vậy mặc dầu có thể là chúng ta có biết một phần. Chắc chắn là chúng ta không khuyến khích giết Diệm… Do đó, cách hay nhất là đừng nhúng tay vào. Nhưng dĩ nhiên là chúng ta quan tâm tới tin tức về bất cứ phương diện nào”.
Đó là những dấu hiệu cho thấy John McCone và William Colby đang cáu tiết với Cabot Lodge. Nếu cần phải có một cuộc đảo chính thì đó sẽ là cuộc đảo chính của Lodge, không phải của CIA. Họ giận nhất là việc Lodge đã sa thải John Richardson và tống ông này về Hoa Kỳ, theo gợi ý của Mike Dunn. Việc gọi Richardson về, ngày 5 tháng Mười, 1963, là nhằm gây áp lực với Nhu, vì Nhu là người tiếp xúc với Richardson. Chiến thuật này có hiệu quả hay không thì không biết, chỉ biết rằng Lodge và Dunn có thêm nhiều kẻ thù. Cũng trong thời gian này, Dunn tìm cách để được làm đổng lý văn phòng của Lodge, với một người cạnh tranh duy nhất, đó là một sĩ quan CIA, bạn của con của Lodge, đã đến Sài Gòn trong nhóm của Lodge. Nhưng việc Dunn tha thiết muốn làm tay chân thân tín của Lodge không ảnh hưởng gì tới công việc của ông cả.
Sau đó, CIA đã theo tán tỉnh Dunn, bảo Conein mời Dunn về nhà uống rượu, khéo lái cho Dunn phát biểu vài nhận xét về Lodge rồi bí mật ghi âm, và gửi băng ghi âm đó cho Lodge. “Chính McCone đã làm việc này”, Dunn nói. “Tôi hiểu là họ đang đánh những canh bạc lớn ở đây. Những con bạc đầu đàn. Họ muốn tống tôi đi khỏi đây vì họ nghĩ rằng tôi là chướng ngại cho chi cục của họ. Nhưng tôi rất thống nhất ý kiến với Lodge nên cái đó cũng không ăn thua gì. Tôi vẫn giữ ý kiến tôi nói. Nếu họ cắt xén thêm bớt gì đó một chút thì có lẽ có lợi cho họ hơn”. Và Dunn cũng không để bụng thù hận gì Conein, ông hiểu rằng đó chỉ là công việc.
Những việc bày mưu lập kế của Lodge đã đưa ông tới chỗ làm mất lòng Tướng Harkins, vốn là người bạn của gia đình khi hai người trước đây đã cùng phục vụ tại Folt Bliss trong những năm một chín hai mươi. Lodge không cho Harkins biết những bức điện liên lạc của ông với Washington chung quanh cuộc đảo chính. Ông liên lạc thẳng với Washington mà không thông báo cho Harkins. Nhưng sau đó, Bộ ngoại giao yêu cầu Lodge cho Harkins biết nội dung các bức điện đó nhưng khi Harkins biết được chuyện gì đang xảy ra thì ông kịch liệt phản đối mưu toan đảo chính lật đổ Diệm.
Harkins nói “Trong những người tôi tiếp xúc ở đây, không ai có tính cách mạnh mẽ như Diệm, ít ra là về việc chiến đấu chống cộng sản. Rõ ràng là không có ông tướng nào có đủ tư cách để bác bỏ ý kiến của tôi cả”.
Nhưng không có ai đánh giá cao hiểu biết của tướng Paul Harkins trong việc đánh đấm như thế nào trong một cuộc chiến tranh có tính chất chính trị - quân sự cả. Nhưng ông là một sĩ quan chuyên nghiệp và ông chỉ có quan hệ chặt chẽ với mấy ông tướng Việt Nam mà thôi. Washington coi thường đánh giá của ông về những người có khả năng thay thế Diệm - còn William Colby lại coi điều đó là khó hiểu.
“Có một điểm làm cho tôi khó hiểu là tôi không thấy có một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh nào ở cấp làm chính sách xem ai là người có thể thay thế Diệm”, Colby nói. “Lúc nào cũng nói các viên tướng. Anh không thể cai trị một nước với các viên tướng như vậy được. Anh phải tìm ra một ai đó. Không ai tin rằng Dương Văn Minh làm được cả. Không có hy vọng gì ở ông ta. Tôi biết Dương Văn Minh, đó chỉ là một người huênh hoang khoác lác, đầu óc rỗng tuếch”.
Lodge lấy tin tức ở đâu thì không rõ lắm. Có thể có một số từ các nhân viên ngoại giao trong toà đại sứ nay đã quay ra chống Diệm. Cũng có thể có sự rạn nứt bên chi cục của CIA. Nhưng có một số tin tức, theo Mike Dunn, là từ các nhà báo đang hoạt động như là tai mắt của Lodge vậy.
Mike Dunn cho biết “Tôi không quan tâm đến điều họ nói. Nhưng họ thường hay vào văn phòng của tôi trong đại sứ quán và cho tôi biết mọi việc đang xảy ra. Họ không ngồi đấy như những nhà quan sát trung lập đâu. Họ là những người tham gia cuộc chơi. Tôi nghĩ rằng không có gì quá khi nói rằng Đại sứ Lodge dựa rất nhiều vào nguồn tin của họ, không phải qua những gì họ điện về nước để đăng báo, mà qua những gì họ nói riêng cho ông biết”.
Dunn nói rằng điều đó không có nghĩa là Lodge nhất quyết phải lật đổ Diệm. “Các ông biết đấy, đây là điều mà mọi người đều hiểu sai về Lodge. Ông ta xem có vẻ xảo quyệt và láu cá chỉ đơn giản là vì ông ấy rất cởi mở. Ông ấy không sợ cái gì mà cũng chẳng sợ ai. Ông chỉ tôn trọng có Tổng thống phủ. Nhưng theo ông thì không có ai lên hay xuống chức được cả. Ông chỉ làm theo ý ông mà thôi. Đó là điều mạo hiểm lớn cho một tổng thống, khi ông bổ nhiệm một người vì lý do chính trị. Ông đã trải qua ngày cuối tuần trước cuộc đảo chính với Diệm và nói chuyện dài dòng với ông ta về việc đưa thêm nhiều phần tử khác vào trong nội các. Trong cuộc gặp gỡ này chỉ có ba người Mỹ - Đại sứ, vợ ông và tôi. Tôi lúc nào cũng đi với ông và tôi biết là ông không có khả năng đánh lừa tôi. Do đó tôi nghĩ rằng ông thành thật tin rằng tới giờ phút muộn màng này vẫn còn có thể làm cho chế độ Diệm hoạt động được. Và chắc chắn là ông không đánh giá cao bộ ba đang chờ chực ở cánh gà”.
Những bức điện của Lodge gửi về Washington lúc này cho thấy là ông định áp dụng chiến lược của Pontius Pilate([iii]) trong cuộc đảo chính. Đã lên dây cót cho các tướng xông lên rồi bây giờ ông lại đề nghị John F. Kennedy rằng Hoa Kỳ không xúi giục mà cũng không ngăn cản ai làm đảo chính cả. “Thứ nhất”, Lodge nói “không ai dám chắc rằng cái chính phủ sau này có không làm hỏng việc hoặc vấp ngã như chính phủ hiện nay hay không. Thứ hai, thật là không khôn ngoan về lâu về dài nếu chúng ta lại dội gáo nước lạnh vào mưu toan đảo chính, nhất là khi nó mới bắt đầu. Chúng ta cần phải nhớ rằng đây là cách duy nhất cho nhân dân Việt Nam giành được sự thay đổi trong chính phủ. Nếu chúng ta tìm cách ngăn cản đảo chính, như chúng ta đã làm trong qúa khứ, chúng ta sẽ gánh lấy sự oán giận lâu dài, chúng ta đảm nhận một trách nhiệm quá sức mình là giữ cho những người có chức vụ ở lại cầm quyền, và nói chung chúng ta tự đặt mình vào chỗ nhận sự phán xét về vấn đề Việt Nam”.
Thủ đoạn của Lodge nhằm rửa tay không chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính có tác dụng là thúc đẩy toà Nhà Trắng vốn do dự nay phải lao vào, mặc dầu họ làm như vậy chỉ vì muốn tránh cho mọi việc rơi vào hỗn loạn. Những phần tử chống Diệm trong Bộ ngoại giao tất nhiên là hiểu Lodge muốn gì, họ gửi cho ông một bức điện bật đèn xanh, cho phép ông tuyên bố với các tướng Nam Việt Nam rằng Hoa Kỳ không chống lại một cuộc đảo chính, theo lời William Colby, có giá trị như một “sự tán thành dứt khoát” việc thay thế Diệm. Nhưng hai ngày sau, 29 tháng Mười, 1963, thay mặt Kennedy, nói với Lodge “Chúng ta đòi có bằng chứng cho thấy rằng nhóm đảo chính có khả năng giành thắng lợi nhanh chóng, nếu không, chúng ta cần phải can ngăn họ đừng tính sai mà làm hại tới vị trí của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á”.
Nhà Trắng rất bực dọc với thái độ không chịu trách nhiệm của Lodge, nên Kennedy đã gửi cho ông những chỉ thị chi tiết về cuộc đảo chính lần đầu tiên, ngày 30 tháng Mười, có thể đây là bức điện cuối cùng mà Lodge nhận được về vấn đề này trước khi Diệm bị lật đổ hai ngày sau đó. Sự lo ngại của Kennedy và ban tham mưu của ông về một ông đại sứ “làm theo ý mình” đã được thể hiện rõ ràng trong điểm một của bức điện, nói rõ một lần nữa rằng “Chúng ta không chấp nhận việc Hoa Kỳ không có quyền lực đình hoãn hoặc can ngăn một cuộc đảo chính”. Nói vậy rồi, Nhà Trắng đưa ra đường lối cho cuộc đảo chính. Hoa Kỳ không trực tiếp can thiệp vào bên nào, không cho lực lượng quân sự của mình dính líu vào đó, và sẽ nhận cho những người liên quan được tị nạn trong trường hợp cuộc đảo chính thất bại. “Nhưng một khi cuộc đảo chính dưới sự lãnh đạo của những người có trách nhiệm đã nổ ra, và trong khuôn khổ những hạn chế trên, Hoa Kỳ mong muốn nó sẽ thắng lợi”.
Dù cho ông có định làm như vậy hay không thì rõ ràng là Lodge, đóng vai Pilate, đã buộc vị tổng thống đang đóng vai Hamlet, phải hành động.
***
Một tuần trước cuộc đảo chính, Nhà Trắng bỗng nhiên sợ bóng sợ gió về vai trò của Conein. Các cố vấn của ông Kennedy sực nhớ ra rằng thực tế toàn bộ những gì họ biết về cuộc đảo chính đều từ một nhân viên tình báo mà tiếng tăm còn phải bàn cãi. Nhà Trắng càng lo sợ khi Tướng Harkins, muốn ngăn cản một cuộc đảo chính, nói rằng Conein là một thằng nói láo và đầu mối của Conein, Trần Văn Đôn đang chơi trò thò lò hai mặt. Sau khi Lodge đưa Richardson về nước, để lại Dave Smith, anh chàng phó chi cục có tính phớt lạnh làm quyền chi cục trưởng thì Conein trở nên, trong lúc này, người tình báo quan trọng nhất trên thế giới. Lodge bảo vệ nhân viên của mình, nói với Nhà Trắng rằng Conein “thực hiện lệnh của tôi trong mọi trường hợp một cách dứt khoát”.
Nghe Conein nói, các viên tướng cũng chưa định ngày cụ thể cho cuộc đảo chính nhưng có thể là trước ngày 2 tháng Mười Một, 1963. Điều đó cho thấy một cách rõ ràng, trong một phạm vi nào đó, các tướng chưa thoả thuận được với nhau một kế hoạch. Họ nghi ngờ và không tin cậy lẫn nhau. Nhưng chuyển cho Conein những dự định về ngày giờ chưa dứt khoát, các tướng cũng muốn tìm hiểu lập trường rõ ràng của Nhà Trắng. Phải chăng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các tướng quyết định hành động chỉ hai ngày sau khi Kennedy trực tiếp dính líu qua bức điện chỉ thị cụ thể về cuộc đảo chính? Hay là việc Conein ra dấu cho Trần Văn Đôn bằng một cái nháy mắt và một cái gật đầu cho biết là Washington đã đồng ý?
Đã có nhiều cuộc đảo chính bị đập tan ở Sài Gòn trước đây rồi. Chính Nhu cũng phao tin rằng ông ta đang vạch kế hoạch cho một cuộc đảo chính phủ đầu để quét sạch những người âm mưu đảo chính. Conein nói “Tôi cho rằng dù các tướng có chia rẽ và ganh tị với nhau, ít ra họ cũng nắm được quân đội. Và nếu một cuộc đảo chính có nổ ra thì họ sẽ tham gia”.
Sáng 1 tháng Mười Một, buổi sáng ngày đảo chính, Đại sứ Lodge tháp tùng Đô đốc Harry Felt từ Honolulu đến thăm nước này theo lời mời của Tổng thống Diệm. Felt biết rằng một cuộc đảo chính đang được chuẩn bị ông hỏi Lodge xem nó sẽ tiến hành như thế nào. Lodge không cho Felt biết gì cả. Ông nói với Felt “Không có viên tướng Việt Nam nào dám làm việc đó cả”. Sau khi Felt và Lodge gặp Diệm thì Diệm yêu cầu Lodge nán lại một chút để nói chuyện riêng.
Diệm nói rằng “Tôi biết sắp có đảo chính nhưng tôi không biết ai làm việc đó”. Diệm than phiền rằng có nhân viên Mỹ mưu đồ chống lại ông. Ông nói với Lodge rằng ông sẽ cho sứ quán tên những người Mỹ đó.
Sau này, Lodge nhắc lại “Tôi nói rằng tôi muốn có tên những người đó và nếu có người Mỹ nào dính dáng với những việc làm không thích đáng thì tôi sẽ đưa họ ra khỏi Việt Nam”. Cái trò hai mặt hiếm thấy này làm cho bất kỳ ai cũng phải huýt sáo.
Lodge dự định trở về Washington để tham khảo ý kiến. Diệm nói rằng Lodge cần phải nói chuyện với William Colby và cựu đại sứ Nolting về em của Diệm. Diệm nói rằng sẽ cho Lodge biết là Diệm cần sự giúp đỡ và lời khuyên của Nhu như thế nào. Diệm nói rằng vấn đề của Nhu đã bắt đầu khi Colby còn làm chi cục trưởng CIA ở đây năm 1960. Colby đến gặp Diệm và nói với ông rằng Nhu không nên sống trong tháp ngà mà phải đi ra ngoài, về nông thôn. Nolting đồng ý với Colby và chính là “do sức ép của họ” mà Nhu đã nhận một vai trò tích cực hơn trong chính phủ. Diệm nói rằng sau đó dân chúng lại tố cáo Nhu chuyên quyền, Nhu bị mất lòng dân.
Khi Lodge đứng dậy ra về, Diệm nói “Xin ông hãy nói với Tổng thống Keunedy rằng tôi là một đồng minh tốt và thành thật, thà là tôi nói thẳng và đặt vấn đề ngay bây giờ còn hơn là sau này mới nói lúc đó thì chẳng còn gì nữa. Xin nói với Tổng thống Kennedy rằng tôi rất coi trọng những gợi ý của Tổng thống và tôi sẽ thực hiện, chỉ còn vấn đề thời gian mà thôi”.
Cha của Rufe Phillips đã chết mấy tuần trước đó và sau đám tang ông phải trở lại đây để thu xếp đưa vợ con trở về Hoa Kỳ. Ông có kế hoạch rời Sài Gòn trong vài hôm nữa, sau khi giúp cho người giám đốc mới của chương trình phát triển nông thôn làm quen với công việc.
“Buổi sáng hôm đảo chính, trước khi nó bắt đầu, tôi nhận được một cú điện thoại của Lou”, Phillips nói. “Anh ấy nói “Anh có ở lại chơi với Elyette với mấy đứa nhỏ không? Tôi nghĩ là hôm nay thì qủa bóng bay đấy”.
Một người trợ lý của Trần Văn Đôn nói Conein tới bộ chỉ huy quân đội Việt Nam ở sân bay Tân Sơn Nhất. Mặc dầu ông đã rời khỏi quân đội, nhưng Conein không muốn mạo hiểm bị bắt trong bộ quần áo dân sự, có thể bị bắn chết như một gián điệp nên ông đã mặc bộ quân phục Trung tá và đội cái mũ của Lực lượng Đặc biệt. Ông bỏ số tiền Việt Nam tương đương với bốn mươi hai ngàn đô-la vào cái cặp nhỏ để đem cho các viên tướng. Số tiền này được dùng để mua thức ăn cho quân đội tham gia đảo chính và để bồi thường thiệt hại cho gia đình những người chết trong đảo chính. Số tiền đó có được sử dụng đúng như dự định không thì cũng do các viên tướng thanh toán mà thôi. Conein mang lên xe gíp một số lựu đạn và một cây tiểu liên rồi phóng ra phi trường trước khi Trần Văn Đôn đi tiễn Đô đốc Felt trở về.
Minh Lớn ngạc nhiên khi thấy Conein tới, nhưng Conein nói rằng do Đôn yêu cầu ông đến trình diện mấy ông tướng. Minh chỉ cho ông ngồi trên một cái bàn có điện thoại tại một văn phòng rộng. Các ông tướng ngồi bên gian phòng bên cạnh và thỉnh thoảng lại sang cho ông hay tình hình đang diễn ra. Cuộc đảo chính bắt đầu vào một giờ ba mươi chiều, khởi sự bằng một trận chạm súng ngắn gần cổng của bộ chỉ huy với Lực lượng Đặc biệt Việt Nam trung thành với Diệm. Viên tư lệnh Lực lượng Đặc biệt và người em ông ta đã bị bắt và sau đó đã bị quân đảo chính bắn chết trong ngày.
“Tôi có một cái máy điện đàm”, Conein nói. “99 là mật mã đã thoả thuận trước để cho biết là cuộc đảo chính đã nổ ra. Thế là tôi liên lạc với sứ quán và cho họ số điện thoại của tôi để khi cần họ có thể tiếp xúc với tôi. Minh Lớn bước đến và nói với tôi “Conein, nếu chúng tôi thất bại thì ông đi với chúng tôi”. Họ tính là nếu đảo chính thất bại họ sẽ chạy sang Campuchia. Chúng tôi có chín xe bọc thép. Chúng ta sẽ mở đường mà đi”.
Diệm đã phản ứng như ông đã phản ứng năm 1960, ông nhấc máy điện thoại và tìm người trung thành với mình trong các tư lệnh quân đội. Nhưng tình thế bây giờ đã khác. Những tướng lĩnh đã cứu ông lần trước lần này đã tham gia đảo chính. Ba giờ sau cuộc đảo chính bắt đầu, Diệm đã điện thoại tới sứ quán xem người Mỹ có giúp gì được cho họ không. Ông ta nói chuyện với Cabot Lodge, ông này ghi âm cuộc nói chuyện và điện báo cáo về Washington.
DIỆM: Một số đơn vị nổi loạn, tôi muốn biết thái độ của Hoa Kỳ như thế nào?
CABOT LODGE: Tôi không nắm được tình hình đầy đủ để cho ông biết. Tôi có nghe tiếng súng nổ nhưng tôi không nắm được mọi sự kiện. Vả lại bây giờ là bốn giờ ba mươi ở Washington và chính phủ Hoa Kỳ không thể có ý kiến được.
DIỆM: Nhưng ông có thể có một khái niệm nào đó. Dù sao tôi cũng là quốc trưởng. Tôi đã cố gắng làm nhiệm vụ của tôi. Bây giờ tôi cố gắng làm những gì mà nhiệm vụ và sự khôn ngoan đòi hỏi. Tôi tin tưởng ở nhiệm vụ trên hết.
CABOT LODGE: Chắc chắn là ông đã làm nhiệm vụ của mình. Như tôi đã nói với ông sáng nay, tôi khâm phục lòng can đảm và cống hiến của ông cho đất nước. Không ai có thể tước bỏ công trạng của ông. Tôi lo cho sự an toàn cá nhân của ông. Tôi nhận được báo cáo là những người làm đảo chính đề nghị ông và em ông được đưa an toàn ra nước ngoài nếu ông chịu từ chức. Ông có nghe cái đó không?
DIỆM: (ngừng một lúc) Ông có số điện thoại của tôi.
CABOT LODGE: Vâng, nếu tôi có thể làm gì cho sự an toàn cá nhân của ông, xin ông gọi tôi.
DIỆM: Tôi đang cố gắng lập lại trật tự.
Phần lớn những bài viết về cuộc đảo chính, mặc dầu có khác nhau về chi tiết, đều đồng ý với nhau về những gì xảy ra sau đó. Diệm và Nhu từ chối đầu hàng. Họ vẫn dùng điện thoại để tập hợp sự ủng hộ. Đêm hôm đó, lợi dụng lúc tối trời, họ trốn khỏi dinh tổng thống bị bao vây đến nhà một nhà buôn người Hoa ở Chợ Lớn. Vào khoảng bảy giờ sáng ngày 2 tháng Mười Một họ chịu đầu hàng tại một nhà thờ đạo Thiên chúa. Các tướng đưa một xe bọc thép đi bắt họ và trên đường về tổng hành dinh quân đảo chính họ đã bị quân cận vệ của tướng Minh Lớn hạ sát.
Vai trò của Henry Cabot Lodge trong việc đầu hàng của Diệm ra sao? Theo tài liệu của Lầu Năm Góc và nhiều tài liệu khác, ông chẳng có làm gì cả. Cuộc nói chuyện của ông với Diệm buổi chiều hôm trước, tài liệu Lầu Năm Góc nói, “là buổi nói chuyện cuối cùng của người Mỹ với Diệm”. Lodge theo thói quen đã đi nghỉ lúc chín giờ ba mươi tối. Những lần tường thuật như vậy nghe không hợp lý nếu người ta nhớ rằng Lodge đã nhấn mạnh với Diệm ông lo ngại cho an toàn của Diệm. “Nếu tôi có thể làm gì cho sự an toàn cá nhân của ông, xin ông cứ gọi tôi”. Thế thì tại sao Diệm sợ bị giết khi lọt vào tay các viên tướng, lại không chịu liên lạc với Lodge?
Diệm đã gọi Lodge một lần vào khoảng bảy giờ sáng sau khi ông đã quyết định đầu hàng.
“Lodge nói chuyện với Diệm hai lần” Mike Dunn nói. “Một lần vào buổi chiều và một lần vào buổi sáng hôm sau. Buổi sáng hôm đó, Diệm hỏi chúng ta có thể làm gì được không. Lodge bỏ máy xuống và đi tìm cái gì đó. Tôi vẫn giữ máy. Tôi là người Mỹ cuối cùng đã nói chuyện với Diệm khi ông ta còn sống, mặc dầu tôi nghĩ rằng Lodge sẽ trở lại máy và nói lời tạm biệt. Lodge đã nói với Diệm rằng sẽ cho Diệm cư trú và sẽ làm việc gì có thể làm được cho Diệm. Tôi muốn tới đó - trên thực tế, tôi đã hỏi Lodge rằng tôi có thể đến đó và mang họ ra không. Tôi nói, “Bởi vì chúng sẽ giết họ mất”. Tôi nói với ông thẳng thừng như thế. Ông nói “Chúng ta không thề làm việc đó. Chúng ta không thể dính líu như vậy được”, và vân vân. Tôi rất là ngạc nhiên thấy rằng chúng ta không làm gì thêm cho họ cả”.
Có thể làm gì đó để cứu Diệm và Nhu không?
“Phải”, Dunn nói, “Tôi nghĩ là chúng ta phải có một quyết định cần thiết ngay tức khắc”.
Diệm và Nhu đã bị giết vào khoảng giữa bảy giờ tới chín giờ sáng ngày 2 tháng Mười Một, 1963. Trần Văn Đôn và Lou Conein kể lại thời gian này có phần khác nhau đáng chú ý. Theo lời kể trong hồi ký của Đôn thì Diệm đã gọi tướng Khiêm hồi sáu giờ bốn mươi lăm, nói rằng ông chịu đầu hàng. Đôn nói như là Diệm muốn được các viên tướng bắt vậy. “Ông nói với Khiêm về tình hình chung quanh nhà thờ ở Chợ Lớn và yêu cầu cho xe tới chở ông đi vì ông cảm thấy ở đấy không an toàn”. Theo Đôn kể lại, Đôn và Khiêm cho Minh Lớn biết chỗ ở của Diệm, Minh Lớn đưa một xe thiết giáp vào Chợ Lớn bắt họ.
Theo lời kể của Conein cho quyển sách này thì sự thật không phải như vậy. Theo Conein, Diệm đã ba lần gọi điện cho các tướng lĩnh trong buổi sáng hôm ấy. Lần thứ nhất, Diệm không chịu nói chuyện với người lãnh đạo cuộc đảo chính là Minh Lớn. Ông nói với một viên tướng khác. Diệm muốn có một sự dàn xếp theo đó ông sẽ từ bỏ quyền hành và đi khỏi đất nước trong danh dự. Ông được trả lời là ông phải nói chuyện với Minh Lớn mới được. Ông ta gọi lại và nói chuyện với Minh Lớn cũng với đề nghị ấy. Minh Lớn bác bỏ đề nghị đó và cuộc nói chuyện đã kết thúc trong giận dữ. Một lúc sau, Diệm gọi lại, chỉ yêu cầu được đưa ra sân bay an toàn và rời khỏi Việt Nam. Lúc đó, theo lời kể của Conein, Minh Lớn hỏi sứ quán có thể cho một cái máy bay cho Diệm và Nhu đi ra khỏi nước không. Conein gọi cho chi cục CIA và được đáp rằng phải mất hai mươi bốn giờ đồng hồ mới thu xếp được một chiếc máy bay có thể đưa hai anh em bay không ngừng tới nước tỵ nạn. Washington đã quyết định từ trước rằng Diệm không được dừng lại chỗ nào để lấy xăng vì như vậy ông ta sẽ có điều kiện để tổ chức một cuộc phản đảo chính chống lại các tướng lĩnh. Conein báo cho Minh Lớn như vậy.
Báo cáo của Conein viết gửi cho bộ chỉ huy của CIA nhiều ngày sau cuộc đảo chính, và năm 1975 đã được trao cho tiểu ban của thượng nghị viện điều tra về việc ám sát các lãnh tụ nước ngoài. Trong một cuộc phỏng vấn để viết cuốn sánh này, Conein có kể thêm nhiều chi tiết về bản báo cáo đó cũng như về việc ông ra điều trần trước quốc hội. Theo Conein thì các viên tướng đã cắt hết điện thoại trong vùng, chỉ chừa mấy chỗ quan trọng như sứ quán Mỹ, dinh tổng thống nhà Conein và một số ban chỉ huy quân sự. Như vậy, mặc dầu có những báo cáo nói ngược lại, Minh Lớn và các tướng khác vẫn tưởng là Diệm còn trong dinh tổng thống và gọi điện thoại tới đó. Họ không biết rằng Diệm đã bí mật tổ chức một đường dây điện thoại tới nhà ông bạn người Hoa, để dùng trong trường hợp khẩn cấp. Trong mưu toan đảo chính năm 1960 những người chủ mưu vẫn để tổng đài trong dinh tổng thống hoạt động. Dinh tổng thống bị ném bom và bao vây nhưng đội bảo vệ của Diệm vẫn giữ vững. Chính là theo một điều kiện của Minh Lớn mà Diệm đã ra lệnh ngừng bắn, vào khoảng bảy giờ sáng.
Theo lời Lou Conein, có hai nhóm kéo đến dinh tổng thống vào lúc bảy giờ để bắt Diệm. Một nhóm, gồm cả Minh Lớn đi từ sân bay qua sân đánh gôn ở phía sau dinh. Nhóm có xe bọc thép thì đi vào cổng chính. Conein viết trong bản báo cáo năm 1963 rằng một đội hộ tống đã được phái đến dinh tổng thống vào lúc tám giờ nhưng Diệm đã không còn đó nữa.
Vậy thì làm sao chỉ trong vài phút Minh Lớn lại biết được chỗ ở thực sự của Diệm? Tới chỗ này, Conein dừng lại và trở lại với tuyên bố ban đầu của ông năm 1963. Ông nói rằng có một “người báo tin” đã trông thấy Diệm và Nhu và đã gọi điện cho quân đảo chính. Khi được hỏi kỹ cho cuốn sách này, ông nói “Rất đơn giản. Có người nào đó đã trông thấy họ”. Mặc dầu Conein là một người biết rất nhiều chi tiết và nghe rất nhiều chuyện ngồi lê đôi mách nhưng ông từ chối suy đoán xem “người nào đó” là ai.
Không có tư liệu nào từ những nhà nghiên cứu tài liệu của Lầu Năm Góc hay bất cứ ai khác nói về cú điện thoại của Diệm cho Lodge vào lúc bảy giờ sáng hôm ấy. Mà cũng ít có lý do nghi ngờ lời kể của Mike Dunn. Không những Dunn yêu mến và kính trọng Cabot Lodge, mà ông còn thấy mang ơn Lodge mãi sau khi ông này mất. Mấy tháng sau cuộc đảo chính, phái bộ quân sự Mỹ ở Sài Gòn, cũng như CIA đã tìm cách khử Dunn nhưng Lodge đã cứu ông. Tướng Paul Harkins và Tướng William Westmoreland đồng đứng tên đòi truy tố Dunn ra trước toà án quân sự về việc làm dối trá, đặc biệt là trong những điều mà Tướng Harkins muốn nói với Lodge không chỉ riêng trong thời gian đảo chính mà thôi. Lodge doạ sẽ đưa việc này ra công khai để ủng hộ người giúp việc của mình, lời tố cáo bị bỏ. Nhờ sự lanh lợi của Dunn, và sự ủng hộ của Lodge, mà Dunn thănh chức làm Trung tướng, và sau đó làm trợ lý cho cả Spiro Agnew và Gerald Ford khi hai người làm phó tổng thống.
Chắc là không có gì khiên cưỡng khi suy luận rằng Diệm gọi điện thoại cho Lodge, sau khi Minh Lớn từ chối đảm bảo an toàn cho ông rời khỏi đất nước, để nói rằng ông muốn đầu hàng người Mỹ thay vì đầu hàng các viên tướng. Cũng chắc không có gì sai lắm nếu nói rằng Diệm đã cho Lodge biết chỗ ở thực sự của mình chứ không phải cho Minh Lớn. Lodge bỏ máy xuống, đi “tìm cái gì đó” theo Dunn kể lại, có thể là để liên lạc với Conein.
Theo lời kể của Conein, ông đã rời tổng hành dinh của quân đảo chính vào lúc bảy giờ mười lăm, vài phút sau khi Minh Lớn tới dinh tổng thống. Ông đã định về nhà vì các tướng lãnh chuẩn bị một cuộc họp báo sau đảo chính và ông không muốn các nhà báo thấy ông ở đây, mặc quân phục và đeo vũ khí. Lou Conein phải mất hai mươi phút mới về tới nhà qua những đường phố vắng teo. Ông ở cách dinh tổng thống vài khối nhà. Nhưng không biết vì sao với hai cái radio mà ông lại mất liên lạc với chi cục CIA khá lâu nên người quyền chỉ huy ở đây yêu cầu Stu Methven tới tổng hành dinh quân đảo chính để tìm Conein. Methven không nói gì về sự vắng mặt của Conein và nhiều năm sau cũng không thảo luận việc đó với Conein.
“Tôi sống ở ngoài rìa Sài Gòn, tại Gia Định và là người ở gần sân bay nhất”, Stu Methven nói. “Do đó họ bảo tôi đi tìm Conein. Họ muốn liên lạc với anh ta mà không được. Tôi cũng không hiểu vì sao họ muốn liên lạc với anh. Nhưng tôi tới tổng hành dinh quân đảo chính lúc người ta mang mấy cái xác vào, và có rất nhiều nhà báo ở đấy. Tôi thấy tốt nhất là chuồn khỏi đấy cho nhanh”.
Nhưng không có cách nào để bác bỏ lời của Conein là ông đã rời sân bay vào bảy giờ mười lăm và về nhà. Nhưng ông cho rằng Diệm và Nhu chết về tay Minh Lớn là do hành động xảo trá cuối cùng của họ là họ nói đầu hàng mà lại không chịu nói mình ở đâu.
“Tôi không có gì làm căn cứ cả”, Conein nói. “nhưng tôi tin rằng Minh Lớn lúc nào cũng nghĩ rằng Diệm đang ở trong dinh, nhưng khi ông ta tới đó mà không thấy thì ông ta hết sức cáu”.
Theo Trần Văn Đôn, chính Conein mới nổi cáu, khi đêm đó họ nhận được tin là có thể Diệm và Nhu không còn trong dinh Gia Long nữa. “Vào khoảng ba giờ sáng thì tôi được tin là Diệm và Nhu không còn trong dinh nữa, tôi liền ra lệnh cho nhân viên an ninh đi tìm họ ngay, mặc dầu không biết tin đó có đúng không nữa”, Đôn viết trong hồi ký như vậy. “Conein xem ra rất bực tức với tin đó và nói là phải tìm cho được Diệm và Nhu bằng bất cứ giá nào”
Nhưng giả thuyết nói rằng Lodge đã trao Diệm cho quân đảo chính sáng hôm đó cũng không phải là hoàn toàn không có cơ sở, nếu xét cách ông ta đối xử với một người em khác của Diệm, trên thực tế là người cai trị miền Trung. Ngô Đình Cẩn xin cư trú tại lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Huế ba ngày sau khi hai anh ông bị giết. Cẩn đi khỏi Huế trên một máy bay của Mỹ, hộ tống bởi một vị phó lãnh sự, một chuẩn tướng, và hai quân cảnh - tất cả đều là người Mỹ. Nhưng khi tới Sài Gòn thì Cẩn được giao lại cho Lou Conein và sau đó cho những người lãnh đạo đảo chính, theo lệnh của Lodge. Đôn viết trong hồi ký rằng Lodge đặt điều kiện là Cẩn phải được đối xử theo đúng luật pháp. Ông ta bị giam và bị hành quyết mấy tháng sau đó, khi Lodge vẫn còn làm đại sứ.
“Thế là tôi rời bỏ ban chỉ huy đảo chính mà về nhà sáng hôm ấy”, Lou Conein nói. “Tôi mệt quá. Người tôi hôi như cú. Tôi muốn tắm một cái. Lực lượng Đặc biệt giữ nhà tôi đã uống hết bia. Không lâu sau khi tôi tới nhà, có điện thoại gọi”.
“Hello”
“Lou, ông phải đến sứ quán ngay”.
“Tôi mệt lắm”.
“Phải đến ngay”.
“Được”.
“Tôi tới sứ quán và được đưa cho coi một bức điện của Washington: “Diệm và Nhu đâu?” Tôi nói “Tôi không biết. Các tướng đang đi bắt ông ta tại dinh tổng thống”.
“Ông biết bức điện này của ai gửi tới không?”
“Phải, tôi có thể nói là từ cấp cao nhất. Okay, tôi sẽ đi tìm họ”.
“Tôi trở lại bộ tổng tham mưu và gặp một trợ lý của Minh Lớn. “Tôi muốn nói chuyện với Minh Lớn”. Và tất nhiên ở đó lúc đó thật là lộn xộn, với những thành viên của chính phủ cũ chạy quanh đấy. Tôi đưa cho Minh Lớn mấy bức thư của đại sứ rồi hỏi: “Tổng thống Diệm với Nhu đâu?”, “Họ tự tử rồi”. “Ở đâu?” “Trong nhà thờ đạo Thiên chúa. Một nhà thờ trong Chợ Lớn. Ông muốn trông thấy họ không? Họ đang ở đây”.
Conein nói với Minh Lớn rằng ông nhất quyết không muốn xem xác chết, bởi vì ông không tin một chút nào chuyện họ tự tử và cũng không nghĩ rằng có ai khác tự tử cả. Ông không muốn dính líu vào cuộc đảo chính nhiều hơn nữa. Ông báo cáo cho sứ quán rồi về nhà nhưng khích động quá không ngủ được. Mấy hôm sau Minh Lớn mời Conein và Elyette tới tổng hành dinh tặng ông một huân chương. “Cái này cũng như Bắc Đẩu Bội tinh, nhưng là của Việt Nam”, Elyette nói, thích thú.
Năm tháng đi qua. cuộc đảo chính Diệm không những không lu mờ trong trí não các quan chức Mỹ mà còn hiện ra to lớn hơn, khi họ đánh giá lại cuộc chiến tranh và cho rằng đảo chính là một trong những sai lầm lớn nhất trong chiến tranh. Không ai trách Lou Conein về vai trò của ông trong đó. Chính Henry Cabot Lodge là người chịu phê phán nhiều nhất - và những nhà báo ở Sài Gòn thời đó.
Edward Lansdale nói rằng “Các nhà báo có thành kiến nên họ không thấy được sự thật Tôi cho rằng Halberstam có phần nào chịu trách nhiệm về cái chết của Diệm. Ông ta đã đến phỏng vấn tôi để viết cuốn sách - Những người giỏi nhất và thông minh nhất - tôi đã hỏi ông ta “Sao ông không viết một cuốn sách về những gì ông đã làm ở Việt Nam? Ông cũng là một khuôn mặt lịch sử ở đấy, thật đấy”
Ông ta hỏi “Ông nói vậy là có ý gì?”
Tôi nói với ông ta “Tôi không nói ai đã nói với tôi nhưng sau khi Diệm bị biết, một người Mỹ, bạn của ông, có kể lại với tôi rằng trước đó ông đã nói với ông ta về Diệm: “Tôi cho anh biết là tôi đang tóm cái thằng chó đẻ ấy đấy”. Điều đó có nghĩa là ông đã tác động ghê gớm tới mọi người ở Việt Nam, và ông cần phải thú nhận tất cả những cái đó trong một cuốn sách mới phải”.
Ông ta nổi nóng với tôi. Ông không phủ nhận điều đó. Nhưng ông ta nổi nóng suốt cuộc phỏng vấn. Và sau đó đã thể hiện trong cuốn sách của ông ấy. Tôi là một người tốt một phần và xấu một phần khác. Tôi lo là có ngày nào đó ông ta trở lại và nói “Cái thằng chó đẻ ấy, tôi cũng sẽ tóm nó luôn cho mà coi”.
***
Việc lật đổ Diệm đem lại những hậu quả tai hại cho công việc bình định của Châu. Không có thể làm gì nếu không có sự ổn định chính trị ở Sài Gòn, và trong những năm sau đó thì hết cuộc đảo chính này tới cuộc đảo chính khác bởi vì các viên tướng đã lật đổ Diệm tranh giành quyền bính với nhau. Tình hình an ninh đã trở nên tồi tệ trong tỉnh của Châu và hầu hết những chương trình của ông đều bị người kế tục ông bỏ hết, ông này cũng củng cố đội chống khủng bố ba người của ông thành ra những đơn vị cỡ trung đội và đại đội, biến chúng thành những tên đánh thuê giết người, cũng như hầu hết trong nước, dùng để củng cố địa vị cho những tỉnh trưởng tham nhũng.
Chú thích:
Tác giả ám chỉ cuốn sách nổi tiếng của Halberstam “Những người giỏi nhất và thông minh nhất” (The Best and the Brightest) - N.D
[ii] Cô thư ký mà Richardson nói, tiếng Anh gọi là amanuensis, Lou Conein nghe không được mới hỏi “Amanda who?” (Amanda nào vậy?) - N.D
[iii] Pontius Pilate, toàn quyền xứ Judéa hồi đầu công nguyên đã xử Chúa Jésus, nhưng lại rửa tay nói mình không chịu trách nhiệm - N.D.