Dấu Ấn
Tác giả: Ái Khanh
Thục rón rén đẩy cửa vào phòng định đi ngủ, bất chợt chuông điện thoại reo, nàng vội quay lại chụp nhanh điện thoại vì sợ làm Khánh thức giấc.
- A lô!
- Cho hỏi thăm, có phải chị Thục đó không?
- Dạ! Xin lỗi, ai đầu dây?
- Em, Thủy đây, chị Thục ơi!
Rồi có tiếng cười đầu dây bên kia:
- Em biết ngay là chị không nhận ra em mà! Em là Thủy bạn hồi xưa học cùng trường với chị, nhà bà ngoại em đối diện với nhà chị đó!
- Hả? Thật hả? Thủy đó hả?
Tiếng Thục la lên khiến Khánh chồng nàng giật mình thức dậy chạy ra, mắt nhắm mắt mở:
- Chuyện gì vậy em?
Thục cười, bịt điện thoại, trả lời chồng:
- Con bạn em, con Thủy ở đối diện nhà em hồi trước, nó gọi cho em nè!
Khánh còn ngái ngủ, tới nằm phịch ở sofa , nghe vợ nói chuyện.
Cả giờ đồng hồ mà chuyện vẫn chưa dứt! Nghe câu được câu mất, Khánh lờ mờ hiểu được Thủy có số phone của vợ chồng chàng là qua người dì của Thủy ở Việt Nam trong chuyến Thủy về thăm quê hương tháng trước...
Khi Thục gác máy vẫn còn tiếng cười giòn của nàng, khiến Khánh tỉnh ngủ hẳn. Lên giường, Thủy bắt đầu kể tỉ mỉ về Thủy cho Khánh nghe: Năm 1976, Thủy theo bà ngoại từ Sài Gòn về Thủ Đức, cư ngụ đối diện với nhà Thục, cả hai còn học chung một trường tiểu học. Thủy vừa sinh ra, mẹ nó giao cho bà ngoại chăm sóc, rồi sau đó mẹ nó theo tiếng gọi tình yêu, bỏ hẳn Thủy không bao giờ trở lại. Từ đó, coi như Thủy mồ côi cả cha lẫn mẹ... Bù lại, Thủy được bà ngoại thương yêu, nâng niu rất mực.
Thục say sưa kể về chuyện có một buổi trưa tan trường, cả hai đang sánh vai về nhà, bỗng nhiên vừa quẹo vào một con hẻm thấy cả xóm nhốn nháo lên, hỏi ra mới biết... có một người “phản động” gì đó bị mấy ông công an áo vàng kéo... đàng kia. Thục và Thủy không hẹn mà cùng chạy về phía đó: Thật hãi hùng – một thanh niên, rất trẻ, bị hai công an kéo xềnh xệch trên đất, hai tay chàng quờ quạng tìm nút của sợi dây buộc thắt ở cổ cho lỏng bớt, hai mắt chàng đỏ bầm. Thủy còn rất nhỏ, nhưng chịu không thấu trước cảnh đó bèn chạy đến bên chàng thanh niên la lên:
- Dẫn người ta đi cũng được, làm gì mà kéo lê dưới đất chết người ta làm sao?
Một tên công an đứng lại chỉa họng súng vào Thủy:
- Con bé kia! Mày con ai vậy? Có cút xéo đi không?
Thục hoảng hồn, lật đật chạy tới chụp tay Thủy lôi ngược về phía sau, hai đứa vừa chạy vừa nói:
- Thôi kệ! Mày coi chừng tụi nó bắt luôn bà ngoại của mày đó!
Nghe nhắc tới bà ngoại, Thủy xìu ngay, nó nói lớn như cho hả giận:
- Tụi Việt Cộng ác thiệt!
Thục kể đến đó, nghe tiếng thở đều đều của Khánh, nàng ngưng bặt, nhưng Khánh lại hỏi:
- Rồi sau đó ra sao hả em?
- Tưởng anh ngủ rồi chớ! Sau đó thì tụi em về nhà, đứa nào cũng bị la là con nít đừng tò mò chuyện người lớn có ngày bị vạ lây.
- Bây giờ bạn em ở đâu?
- Nó ở California , nó rủ Ba Mươi tháng Tư này mình sang nó chơi, tụi nó giờ khá giả lắm.
- Sao lại rủ qua đúng ngày Ba Mươi tháng Tư?
- Ừ, nó nói ngày đó là ngày nó quen với ông xã của nó đó là ngày kỷ niệm đặc biệt nữa! Anh đi với em nha!
- OK ! Em muốn là Trời muốn!
*
Khi Khánh và Thục đến phi trường Los Angeles thì đã thấy Thủy và Vũ cùng đi đón. Gặp nhau lần đầu tiên trên đất khách quê người, Thục và Thủy ôm nhau vừa cười vừa khóc. Khánh và Vũ có lẽ nghe hai bà vợ “ca” quá nên cũng rất niềm nở, vui vẻ với nhau.
Về đến nhà thì trời đã tối. Thủy và Thục thay quần áo ra là cùng lo bày biện thức ăn mà Thủy đã đặt mua nhà hàng trước khi đi. Thủy nhìn bàn la liệt thức ăn, hỏi:
- Bộ mời đông lắm sao?
- Không, chỉ có bốn người mình mà thôi. Đêm nay là đêm Hăm Chín tháng Tư, đêm mai Cộng Đồng tổ chức tưởng niệm Ba Mươi tháng Tư, em dẫn chị và anh Khánh đi dự cho biết, ở đây họ tổ chức Đêm Thắp Nến cảm động lắm chị ơi!
Trong bữa cơm thân mật, hỏi thăm về gia cảnh của nhau... Thủy cho biết bà ngoại của Thủy mất sau khi gia đình Thục vượt biên vài năm. Thủy rất bơ vơ, phải về Bạc Liêu phụ với người cô buôn gánh bán bưng. Sau đó có một gia đình vượt biên họ để quên giấy tờ hộ thân quan trọng ở nhà họ gặp Thủy ở bãi biển; cho Thủy tiền và hết lòng năn nỉ Thủy về nhà theo địa chỉ họ căn dặn, gặp một bà cụ nói rõ ràng thì sẽ được trao cho và Thủy hãy cầm cái túi đó ra đưa giùm cho họ ngay. Họ không dám trở về nhà lấy vì sợ tàu đến đón đi bất cứ lúc nào. Thủy làm y theo lời nhờ cậy. Ba chân bốn cẳng chạy về rồi chạy ra, vừa lúc tàu sắp nhổ neo, đám người đi vượt biên bắt Thủy phải lên tàu luôn cho yên bụng, khỏi lo “bể dĩa”. Thế là bỗng nhiên Thủy thành người vượt biên không tốn một cắc. Đó là “nguyên do” Thủy có mặt ở Hoa Kỳ!
Ăn uống dọn dẹp xong, Thủy mời tất cả ra phòng khách cùng uống trà và nói chuyện. Tình cảm càng lúc càng đậm đà. Thục hỏi Thủy:
- Sao Thủy với anh Vũ gặp nhau vậy? Cưới nhau lâu mau rồi?
- Mới cưới nhau gần hai năm thôi chị à. Bây giờ chị kể trước cho em nghe chuyện chị và anh Khánh đi rồi em kể cho chị nghe chuyện tình của tụi em. Hi hữu lắm chị ơi!
Thục cười, nhìn Khánh:
- Anh kể đi!
Vũ lên tiếng:
- Đúng rồi đó! Nãy giờ chẳng nghe anh Khánh nói gì hết!
Khánh cười:
- OK ! Để coi chuyện tình của ai hay hơn nghe!
Thủy và Vũ khoái chí, vỗ tay thật lớn.
*
Uống xong một hớp trà, Khánh đặt tách trà xuống, mơ màng:
Chà! Bắt đầu từ đâu đây nhỉ? Ờ... thì... một buổi chiều, tôi đang đứng... bên hiên một tiệm tạp hóa để chờ dứt cơn mưa. Bỗng dưng Thục từ trong tiệm bước ra, đứng cạnh tôi...Vẻ đẹp tự nhiên của Thục thu hút tôi ngay. Nhưng, sáu tháng trước đó, tôi đã bị người yêu cũ của lừa tôi cả tình lẫn tiền. Cô ta chỉ đóng kịch với tôi; tôi mua sắm đủ thứ cho nàng để chuẩn bị ngày đám cưới, từ chiếc nhẫn đến các món nữ trang khác... nàng ẵm đi hết, chỉ để lại vài lời giã từ. Lúc gặp Thục, tôi cũng... sờ sợ dù lòng rất thích nét đẹp dịu dàng của Thục. Tôi phải “bể đầu” mới tìm được một kế nhỏ để thử lòng Thục... Tôi bắt đầu theo dõi Thục, hỏi dò chủ tiệm tạp hóa biết Thục sống với cha mẹ cùng một nhà nên có lẽ còn độc thân. Tôi cứ mỗi chiều canh Thục đi chợ Việt Nam để gặp... nhưng mãi tới tuần lễ thứ ba tôi mới thấy Thục xuất hiện. Tôi đậu xe tuốt đàng xa, lững thững đi bộ tới; gặp Thục tôi gật đầu chào. Thục cũng lịch sự chào lại. Tôi bắt chuyện:
- Xin lỗi cô, tôi hơi đường đột một tí! Xe tôi bị hư mà tôi không có tiền đi xe bus , cô cho tôi mượn vài đồng, bữa nào tôi gửi chủ tiệm này trả lại cho cô được không?
Thục mau mắn hỏi:
- Anh cần mượn bao nhiêu?
- Chỉ năm, mười đồng thôi...
Thế là tôi có cớ để canh Thục mà... trả nợ! Lần đầu, tôi mời nàng vào tiệm uống nước, Thục vui vẻ nhận lời. Vào tiệm, Thục hỏi tôi:
- Anh ở tiểu bang này hay ở đâu?
Tôi thở dài áo não:
- Tôi ở tiểu bang khác, bị thất nghiệp! Tôi đến đây mong kiếm việc làm...
Chỉ vì một câu nói của tôi mà Thục giành trả tiền hai ly nước và không chịu nhận lại mười đồng mà tôi nợ. Thục bảo:
- Tôi làm lương nhiều lắm.
Tiếng “nhiều lắm” khiến tôi về... tương tư! Tương tư không phải vì giọng nói mà tôi hiểu được đó là lời nói xuất phát từ một tấm lòng nhân hậu. Tôi hỏi thăm thì Thục cho tôi biết nàng đang sống cùng cha mẹ; nàng lại ân cần hỏi về gia cảnh tôi. Tôi bèn ca bài “con cá”, kể cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi tôi ăn học, giờ mẹ tôi đang bệnh mà tôi lại thất nghiệp... khổ quá!!! Rồi Thục tự động xin địa chỉ của tôi, bảo có dịp sẽ đến thăm mẹ tôi. Tôi bảo nhà tôi nghèo lắm, ở khu bình dân, tăm tối, cô tới e hàng xóm dị nghị mất thể diện của cô ta. Thục tin lời tôi nói. Một hôm, lại gặp nhau, gần tiệm thực phẩm, nàng dắt tôi vào và mua một bịch thức ăn đưa tôi, bảo:
- Tôi chưa biết nhiều về anh, nhưng hồi tôi và ba má tôi qua Mỹ cũng khốn khổ lắm, nhất là lúc tôi bị lay off . Tôi và ba mẹ tôi ăn uống rất thiếu thốn nên tôi hiểu nỗi khổ của anh lắm! Anh cứ nhận chút đỉnh này đem về cho Bác gái, đừng bận tâm gì hết. Mong anh sớm tìm được việc làm...
Rồi Thục từ giã, trước khi đi nàng còn hỏi:
- Bữa nay anh đi xe hay bus ?
Câu hỏi của nàng khiến tôi xúc động ngay, tôi muốn nói thật... tất cả chỉ là vở kịch! Nhưng nàng thấy tôi đứng như trời trồng, nàng càng hiểu lầm là tôi nghèo thật, mở ví rút ra tờ hai mươi đồng trao tôi rồi bảo:
- Tôi cho anh mượn, lúc nào có việc làm, cộng thêm mười đồng kỳ trước rồi trả luôn một thể cho tiện. À, anh tên gì?
Tôi đáp cụt ngủn:
- Khánh! Còn cô?
- Thục!...
Tôi xách bịch ni lông nàng vừa đưa, chạy theo nàng hỏi:
- Cô mua cái này hết bao nhiêu để sau này tính luôn!
- Không! Cái này tôi biếu mẹ anh!
Tiếng cười của Thủy cắt ngang:
- Trời ơi! Đúng là vở kịch hay!
Vũ gắt:
- Để nghe tiếp, em! Đừng chen vô!
Thục đưa ly trà cho chồng:
- Anh uống một miếng đi rồi kể tiếp. Chuyện tụi mình mà em nghe anh kể hay, cứ tưởng... kịch thôi.
Khánh uống hết ly nước, kể tiếp:
Sau đó, tôi bắt đầu tấn công Thục. Tôi vờ đưa trả bịch thức ăn cho Thục và bảo:
- Cho tôi trả lại cô, nợ cô nhiều quá làm sao tôi trả nổi? Hơn nữa, nếu chồng cô biết được thì phiền phức cho cô lắm!”.
- Ông này! Tôi đâu đã có chồng!
- Ờ, thì... bồ của cô, cũng phiền vậy!
- Tôi đã có bồ gì đâu!
Tôi chỉ chờ có thế...Và tôi xin Thục cho phép tôi được đến thăm gia đình nàng. Nàng lúng túng:
- Từ từ đi... Để tôi còn xin ba mẹ tôi đã.
Rồi tuần sau đó, gặp Thục tôi đi chiếc xe mới toanh. Thục chạy đằng trước, tôi chạy theo về đến nhà nàng. Bước ra xe, nàng e dè đến bên tôi hỏi:
- Anh mượn xe... người ta hả?
Tôi cười:
- Xe anh...
Nghe tôi đột ngột đổi cách xưng hô, nàng đỏ hồng đôi má. Bước vô nhà, thấy ba mẹ nàng đang ngồi xem ti vi, Thục giới thiệu:
- Đây là ba má tôi! Còn đây là... anh tên gì, tôi quên rồi!
Ba má nàng há hốc miệng nhìn con; tôi vội đỡ lời:
- Chào hai bác! Cháu là Khánh, Đỗ Nguyên Khánh ạ. Cháu hân hạnh quen được cô Thục lâu nay, hôm nay cháu được Thục cho phép đến thăm hai bác.
Có lẽ nhìn cách ăn mặc của tôi không đúng như lời Thục kể lại về một thanh niên nghèo hiếu thảo, mẹ nàng dò hỏi:
- Cháu ở đây hay tiểu bang nào? Nghe con Thục nói cháu ở đâu đó đang thất nghiệp phải không? Tội nghiệp!
Đến lúc này tôi không còn giấu giếm làm chi nữa, tôi trịnh trọng đến bên Thục nói:
- Thục, em ngồi xuống bên hai bác cho anh được thưa chuyện cùng một lúc...
Không hiểu sao Thục lại ngoan ngoãn, ngồi xuống cạnh mẹ, cặp mắt mở lớn, nhìn tôi chờ đợi. Tôi ngăn lại khi mẹ nàng bảo nàng đi rót nước cho tôi. Tôi nói:
- Thục, trước hết anh xin lỗi em đã giấu giếm về gia cảnh của anh. Thưa hai bác, sự thật chín tháng trước đây cháu bị một cô bạn gái lừa cháu rất thảm não; cháu không định lập gia đình nữa, nhưng một hôm đứng đụt mưa ở khu chợ Việt Nam cháu gặp Thục, cháu làm quen và đóng vai nghèo khổ để... thử xem con gái đối xử với cháu như thế nào. Cuối cùng, Thục hoàn toàn tin vào cháu, giúp đỡ cháu rất tận tình... Chỉ một thời gian thật ngắn cháu thấy cháu yêu thương Thục và giờ đây trước mặt hai bác, trước mặt Thục, cháu xin phép hai bác cho cháu được làm bạn của Thục để Thục tìm hiểu thêm về cháu một thời gian... sau đó, nếu Thục đồng ý, cháu sẽ xin phép hai bác cho cháu được cưới Thục.
Thục từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, cứ ngồi ngẩn người ra, còn mẹ Thục thì bình tĩnh hơn, hỏi tôi:
- Vậy sự thật gia đình cháu ra sao?
- Thưa hai bác, ba má cháu ở Atlanta , có một cửa tiệm kim hoàn, còn cháu thì đã tốt nghiệp đại học, cháu là kỹ sư cơ khí, hiện cháu ở đây để học thêm kinh nghiệm do sở cháu yêu cầu và đài thọ, coi như là cháu đang tu nghiệp.
Thục không nén nổi tức giận, nàng quăng hết mấy cái gối trên sofa về phía tôi, tôi chỉ đưa tay ra đỡ. Nàng làm như không biết là mình đang ngồi bên cha mẹ. Nàng la lên tức giận:
- Anh gạt tôi! Anh lừa tôi!
Rồi nàng ôm mặt khóc ngon lành. Ba Thục lúc đó mới điềm nhiên đứng dậy bảo:
- Thục, con đừng giận cậu ấy nữa! Ba biết được câu chuyện, ba rất cảm động về lối... kiếm vợ của cậu ấy! Ba tin con lấy cậu Khánh này thì cả hai đứa rất là hạnh phúc.
Thục vừa cười vừa khóc khi nghe lời phán của bố. Tôi đến bên ôm nàng mặc kệ cho nàng đánh thùm thụp lên đầu lên cổ tôi. Đó! Chuyện tình của chúng tôi như thế đó!
*
Khánh dứt câu chuyện, mọi người im bặt như chia sẻ hạnh phúc của Khánh. Một phút trôi qua, Thục nói:
- Rồi bây giờ, tới phiên Thủy và ông xã đi!
Thủy thúc cùi chõ vào hông chồng:
- Anh kể đi!
Vũ đằng hắng lấy giọng, chàng trầm trầm kể:
Chuyện tụi tôi như một giấc mơ! Ngày Ba Mươi Tháng Tư hai năm trước đây, tụi tôi chưa hề biết nhau. Rồi Cộng đồng tổ chức đêm thắp nến tưởng niệm ngày đau thương và cầu nguyện cho những người đã mất... Tan cuộc lễ, có một anh rủ một số người về nhà anh ấy tổ chức một đêm không ngủ. Anh ấy cho biết ngày Ba Mươi tháng Tư là ngày em trai của anh ấy ở Sư Đoàn 1 Bộ Binh bị mất tích từ ngày miền Trung tan rã đến nay vẫn không có tin tức. Cả nhà coi mất tích như là chết nên lấy ngày Ba Mươi Tháng Tư làm ngày đám giỗ. Anh bạn ấy mời anh em tới nhà ăn đám giỗ chỉ với cháo trắng và hột vịt muối. Anh bạn cho biết đây là món mà thằng em lúc sống thích nhất. Anh ôm cây đàn ghi ta, vừa đánh vừa hát những bài ca não nùng, lệ anh rơi theo từng tiếng hát khiến ai cũng ngậm ngùi... Sau đó, một người đề nghị mỗi người hát hay ngâm thơ, hay kể lại một câu chuyện gì có liên quan đến ngày mất miền Nam. Ai cũng có mục riêng, tài nghệ riêng; phần tôi, không biết hát hay ngâm thơ, bí quá tôi bèn đem chuyện anh ruột tôi bị công an phường vu oan giá họa, bắt đi, buộc dây vào cổ kéo xềnh xệch trên đường giữa làng Phước Bình (làng Phế Binh Thủ Đức). Lúc đó, Thủy nhảy tõm ra giữa bàn hỏi tôi:
- Ủa! Người bị buộc cổ kéo đi hồi đó là anh ruột của anh hả?
Tới phiên tôi ngạc nhiên:
- Sao cô biết?
- Trời ơi! Hôm đó em chạy theo em chửi hai thằng công an đã kéo anh của anh đó!
- Ủa! Thì ra người đó là cô? Gia đình tôi hỏi thăm cùng xóm không ai chịu nói.
Kể từ hôm đó, tôi và Thủy quen nhau, yêu nhau và kết hôn với nhau. Hôm Thủy về Việt Nam làm buổi tiệc ra mắt hai gia đình hai họ có mời dì của chị Thục, tụi này mới biết số phone của chị đó chứ!
Khánh cười:
- Vậy mới biết trên đời này cái gì cũng không qua số mệnh cả! Mà phải cảm ơn ông mai là đúng nhất!
- Mai? Ông mai nào?
Cả ba người nhao nhao hỏi. Khánh trả lời:
- Thì cái ông mời ăn đám giỗ bằng cháo trắng với hột vịt muối đó.
Thủy lên tiếng như thêm cho kết luận chuyện kể của chồng:
- Dạ! Đương nhiên rồi anh! Ngày mai, Ba Mươi tháng Tư, tụi em dẫn anh chị đi tới chỗ thắp nến “Đêm Nguyện Cầu Cho Quê Hương Việt Nam”. Họ tổ chức cảm động lắm anh chị ơi!!!
Tất cả im lặng, mọi người như thả hồn về với quá khứ - quá khứ tang thương, kinh hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam.