Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay
Tác giả: Ái Khanh
Em chúc cho anh tròn hạnh phúc
Bên người vợ trẻ cưới hôm nay
Còn em một cánh chim cô độc
Xin trọn đời theo dõi bóng mây.
(không biết tác giả)
*
Trong lúc chờ đợi ghe qua thăm Cồn Phụng của ông Đạo Dừa, Tịnh và Uyển tay trong tay dạo quanh công viên Lạc Hồng. Uyển tựa đầu lên vai Tịnh thỏ thẻ:
- Mình ngồi nghỉ một chút đi anh.
Tịnh dìu người yêu xuống băng ghế, tựa vào nhau im lặng hưởng niềm hạnh phúc... Tự dưng Uyển cười khúc khích, Tịnh chẳng hiểu gì cũng cười theo và hỏi:
- Em nghĩ gì mà cười vậy?
- Em nhớ lại chuyện tình cảm của tụi mình, thiệt giống như giấc mơ.
- Anh thì cứ nhớ câu nói của em “Sao lính ưa bị sốt rét quá hén”. Đêm về anh cứ tương tư giọng nói em hoài.
Uyển cười e ấp, tay vân vê tà áo. Cả hai im lặng hồi tưởng đến ngày vừa quen nhau: cũng “nhờ” Tịnh bị sốt rét nên được thuyên chuyển đến Quân Y Viện Vũng Tàu để điều trị; đồng thời Uyển và người chị cũng theo mẹ vào bệnh viện chăm sóc cho cha... Nơi đây chị em Uyển gặp Tịnh và họ yêu nhau từ dạo đó...
Sáu năm thoáng qua trong hạnh phúc với bao vui buồn trong tình yêu. Thư đi, thư về cho nhau Uyển lúc nào cũng dùng mực tím, nét chữ đẹp, ẻo lả dịu dàng với những lời thư nồng nàn trìu mến...
Một mùa hạ, lúc phượng vừa nở đỏ rực chân trời, Tịnh được phép về thăm nhà. Trong thâm tâm Tịnh đã định sẵn dịp này sẽ xin ba mẹ đi hỏi cưới Uyển cho chàng. Nhưng thực trớ trêu, ngày về quê thì ba mẹ đã tự ý đi hỏi vợ cho chàng mà không cần chàng có ý kiến. Tịnh ngồi như pho tượng khi nghe ba mẹ nói về người vợ tương lai của mình. Thật ra thì Trang -người vợ sắp cưới- cũng không có gì cho chàng phải phân vân cả; hơn nữa Tịnh cũng hiểu Trang là một giáo viên trong xóm, trẻ đẹp, thùy mỵ và đã từng chăm sóc cha chàng tại bệnh viện trong suốt thời gian ông lâm trọng bệnh mà không có chàng ở nhà... Tịnh rất đau khổ không biết phải nói thế nào với Uyển?
Cuối cùng, nhìn cha mẹ già héo hắt cô đơn trong căn nhà lạnh lẽo, Tịnh đành chọn chữ hiếu để thành hôn với Trang mặc dù trong lòng Tịnh hình ảnh của Uyển vẫn là một tình yêu sáng chói...
Ngày chàng thú thật với Uyển là mình đã có vợ, Uyển trầm ngâm không oán trách. Nhưng, trong im lặng của Uyển, Tịnh đã đọc được một sự đau khổ khôn cùng.
Cuộc sống trôi qua trong lặng lẽ, Tịnh luôn mang mặc cảm mình có lỗi với Uyển vì đã phụ lòng yêu thương của nàng. Với vợ, Tịnh cũng ân hận tình yêu không trọn vẹn cho Trang.
Năm 72, "mùa hè đỏ lửa" đã lan tràn khắp chiến trường, sau một trận đánh ác liệt Tịnh còn nhớ anh nhặt được một tập nhạc rất đẹp trong đó có bản "Phượng Yêu" mà nàng rất thích, Tịnh nghĩ một ngày nào gặp Uyển anh sẽ tặng nàng để kỷ niệm tình yêu đầy khói lửa và nước mắt. Những bài hát trong tập nhạc được “ai đó” viết với những nét chữ nắn nót rất đẹp... Tịnh cứ cầm tập nhạc và tự hỏi biết còn có dịp nào để gặp lại Uyển không?
Bỗng nhiên, một người lính vào báo tin cho Tịnh biết có người đến thăm. Tịnh sửng sốt khi thấy Uyển hiện ra trước căn nhà đổ nát. Nàng phải băng qua một vùng làng mạc điêu tàn không còn một bóng người dân để đến nơi đóng quân của chàng. Chàng kinh ngạc, không ngờ một nữ sinh văn khoa yếu đuối của Sài thành lại kiên cường như thế.
Đêm ấy, Tịnh thu xếp rời đơn vị với người yêu. Tình cảm ngang trái đã khiến cho Uyển và Tịnh càng thấy yêu thương nhau nhiều hơn... Một đêm biết bao nhiêu điều muốn nói. Tịnh và Uyển đã nói hết cho nhau. Bóng đêm đồng lõa với tình yêu không lối thoát, xót xa, bất lực với hoàn cảnh... nhưng bằng một tình yêu thuần khiết, Uyển đã dâng hiến cho Tịnh tất cả...
Cuối cùng giờ phút chia tay cũng phải đến... Kỷ vật cuối cùng cho Uyển là tập nhạc mang chứng tích của chia lìa đổ vỡ.
Cuộc đời đã ngăn cách họ. Tịnh còn nhớ đêm cuối cùng ấy, nàng đã gạt lệ chua xót chúc cho Tịnh hạnh phúc bên người vợ mới cưới. Tịnh vẫn sống tròn bổn phận với vợ, chàng lại âm thầm đau khổ lo lắng khi không có một tin tức gì của Uyển... Tịnh không khỏi tự trách mình đã yếu đuối không dám cưỡng lại lời cha mẹ để phải sống với những chuỗi ngày buồn nản, trong thâm tâm mong được một lần nào đó gặp lại Uyển để hỏi thăm về cuộc sống nàng.
Năm 75, cuộc chiến lan tràn trên khắp nẻo quê hương. Phước Tuy thất thủ. Tịnh bị bắt đưa vào trại tù binh GK3 ở Long Khánh và nhiều trại cải tạo tiếp theo những nhục hình mà Tịnh có lúc tưởng chừng không thể sống nổi nếu không có những người thân yêu mình an ủi, thăm nuôi. Trang nhẫn nhục trong đồng lương giáo viên khiêm nhường, chắt chiu từng đồng để chờ ngày thăm nuôi chồng. Mỗi dịp được thăm nuôi trong nổi vui gặp lại người thân, Tịnh càng chua xót hơn khi biết cảnh nghèo túng của gia đình... Tịnh đã từng nghĩ đến trốn trại, đến cái chết, để bớt gánh nặng cho gia đình. Nhưng, đôi lúc chàng phân vân tự hỏi khi mình không còn nữa, cha mẹ chàng, và vợ chàng có bớt khổ không hay lại càng đau đớn hơn? Tịnh thường suy nghĩ vẩn vơ để lướt đi sự đau khổ và khắc phục cơn đói...
Một hôm, Tịnh đang cùng anh em tù tháo gỡ mìn bẫy thì một tên vệ binh đến cho chàng biết có thân nhân đến thăm. Chàng hết sức ngạc nhiên, vội vàng phủi tay vào ống quần để đi theo tên vệ binh này. Đến nơi, Tịnh sửng sốt khi thấy Uyển đang đứng bên hai tên vệ binh khác... Tịnh được phép gặp Uyển trong vòng một giờ và cả hai được vào một cái quán hoang trước cổng trại.
Tịnh đăm đăm nhìn Uyển: cũng cặp mắt to đen ngơ ngác, cũng nụ cười e ấp u buồn như lần gặp cuối trước khi đất nước rơi vào tay giặc. Tịnh không biết nói gì, sững sờ cho đến lúc Uyển ngồi xuống chiếc ghế và Tịnh cũng như cái máy ngồi xuống theo, cách nhau một chiếc bàn gỗ tạp loang lổ, bụi bặm. Lúc đó Tịnh mới trấn tĩnh được tinh thần, cầm lấy hai bàn tay nhỏ nhắn của Uyển đang đặt trên bàn rồi hỏi:
- Tại sao biết anh ở đây mà em đến?
Như dòng thác lũ, nước mắt Uyển tuôn rơi, nàng bặm môi kể lể biết bao nhiêu công khó thăm hỏi, tìm tòi mới tới được nơi đây.
Tịnh hỏi thăm về gia đình Uyển thì Uyển nghẹn ngào cho biết lẽ ra cha mẹ và chị em nàng đã ra đi an toàn tại phi trường Tân Sơn Nhứt từ hạ tuần tháng Tư, nhưng nàng khóc lóc không chịu lên máy bay, nên cả nhà đành ở lại và bị kẹt cho đến ngày nay. Chỉ vì lý do duy nhất là nàng đã yêu chàng, không thể lìa bỏ đi khi chưa biết một tin tức gì về chàng; và ra đi là biết không bao giờ gặp lại. Uyển tự trách đã biết Tịnh có vợ rồi mà tại sao nàng lại yếu đuối không thể lìa xa được... Uyển nói như không kịp thở, nàng nhắc lại một câu trong truyện dịch của Anne Phillipe mà nàng rất thấm thía: “Em muốn cứu vớt lấy em nhưng không muốn giải thoát khỏi anh”. Tịnh bàng hoàng ngây dại, lắng nghe những lời thố lộ của Uyển. Chàng xúc động siết chặt bàn tay thon nhỏ của Uyển, thỉnh thoảng lắc đầu đau xót. Tịnh đột ngột ngắt ngang lời nàng:
- Anh là kẻ phụ tình em, có còn gì đáng để cho em phải thiết tha đau khổ như vậy hở Uyển? Trước hoàn cảnh đau xót, em phải quên anh đi để lo cho tương lai hạnh phúc của em.
Uyển cũng chỉ biết khóc, nói trong nghẹn ngào:
- Em cũng thực sự không hiểu nổi em!!!
Nhưng Tịnh thì hiểu: một tâm hồn ngây thơ trong trắng, chưa hề vướng bận bởi bóng hình ai. Khi gặp Tịnh, và nhất là cuộc đời của nàng đã trao hết cho anh trong... mùa hè đỏ lửa thì tìm quên một bóng hình đối với một người như thế không phải dễ. Tịnh giờ như cá chậu chim lồng, xác thân tả tơi, cha mẹ và vợ hiền đang ngày đêm trông ngóng ngày về của chàng. Với bao ưu tư khắc khoải, chàng thấy mình nặng tội: bất hiếu cùng cha mẹ, không chăm sóc họ khi tuổi già bóng xế; không thủy chung gần gũi với vợ và cũng đã phụ tình của Uyển khi Uyển đã hết lòng yêu thương tin tưởng trao gửi hết cuộc đời cho mình...
Siết chặt tay Uyển, thật tình Tịnh muốn gào cho Uyển biết những điều ấy để Uyển oán trách chàng, xa chàng dễ dàng hơn...
Một giờ gặp gỡ trôi nhanh. Khi tên vệ binh đến sát bên bàn cho biết đã hết giờ, Tịnh và Uyển như tỉnh cơn mơ, hoảng hốt níu kéo bàn tay nhau... nhưng rồi cũng phải chia lìa...
Tịnh bước đi, quay đầu lại nhìn Uyển, bịn rịn muốn kéo dài giây phút chia tay... Uyển hai mắt mở lớn nhìn theo từng bước đi xiêu vẹo của Tịnh cho đến khi chàng khuất sau dãy nhà tôn.
Tịnh về lại với công việc. Chàng chán nản, muốn khóc cũng không khóc được, muốn cười cũng không xong.
*
Ngày tháng âm thầm trôi qua. Cuộc đời của Tịnh cũng như bao anh em tù khác: đói khát, bệnh tật và biết bao nhiêu kỷ niệm buồn... Cuối cùng rồi Tịnh cũng được phóng thích, về với gia đình và sống bên vợ với những ngày dài vô định, không biết tương lai về đâu. Nhìn đất nước ngày một tang thương, nạn cướp giật, nạn đói, thất nghiệp, tệ nạn xã hội lan tràn, Tịnh nghe ngao ngán khi được chú Mẫn xóm trên kể lại chú bị móc túi, tới lúc móc được chỉ thấy gói giấy vấn thuốc rê nó quăng trả lại và đạp chú chúi nhủi bên hè phố...
Rồi chương trình ra đi diện H.O. được loan ra, Tịnh tức tốc về Mỹ Tho cũng như vào Saigon, căn nhà mà Uyển đã học trọ, mong được gặp nàng lần cuối trước khi rời Việt Nam... Nhưng Tịnh đã tuyệt vọng vì cả hai nơi Uyển trú ngụ đã đổi chủ, họ cũng không biết tin tức gì của chủ nhân ngày trước...
Ngày được phép qua Mỹ với diện H.O., Tịnh và vợ đã có hai đứa con thơ. Chàng lên đường với tâm trạng lo âu hơn là mừng rỡ.
Thế rồi, cuộc sống quần quật tại Mỹ, Tịnh đã cùng vợ ra sức làm việc để có tiền “down” mua một căn nhà nhỏ. Ngày ngày đi về có nhau, Tịnh nhiều lúc muốn xua đuổi đi hình ảnh của Uyển song cứ mỗi lần gặp một hình bóng người con gái nào có cặp mắt to và nụ cười e ấp là tim Tịnh lại đau nhói lên vì nhớ Uyển...
Tịnh lo âu muốn biết tin tức của Uyển giờ ra sao? Bao nhiêu bạn bè chàng quen biết đã âm thầm tìm kiếm tin tức giùm Tịnh nhưng thật sự một Uyển ngây thơ đã không một hồi âm. Tịnh chỉ mong được một câu xác nhận của Uyển là nàng đang còn hiện hữu ở trên trái đất này, đã có hạnh phúc và đã tha thứ cho Tịnh vì tình yêu của Uyển quá tuyệt đối mà Tịnh đã không thể nào hồi đáp được.
Hôm qua, Tịnh đọc được bốn câu thơ rất hay của Du Tử Lê:
Ta đã đợi em từ hạt bụi
Mai về nhớ lấy dấu mưa đi
Bàn chân nhớ đất còn khô nẻ
Môi nhớ tàn phai lệ nhớ mi.
Bỗng dưng Tịnh nhớ Uyển tha thiết. Uyển cũng rất yêu thơ... bằng một tâm hồn đa sầu đa cảm, tấm lòng ngây thơ Uyển đã cho Tịnh một tình yêu tuyệt vời. Tịnh từng tiếc nuối trong trại tù đã không nói được điều gì để Uyển được vui khi chia tay. Riêng Tịnh, lần thăm viếng ấy đã cho Tịnh thêm sức sống, muốn sống để có ngày gặp lại Uyển, trìu mến nói với Uyển rằng: "Anh mãi mãi yêu em với một tình yêu giấu kín... và anh thành thực xin lỗi đã phụ lòng em bao năm qua... Em giờ ở đâu? Anh đợi chờ một tin tức về em đó Uyển ạ!"
Ước mơ gió mây hãy nhắn tin này cho Uyển yêu thương của Tịnh!
10/17/01
Em chúc cho anh tròn hạnh phúc
Bên người vợ trẻ cưới hôm nay
Còn em một cánh chim cô độc
Xin trọn đời theo dõi bóng mây.
(không biết tác giả)
*
Trong lúc chờ đợi ghe qua thăm Cồn Phụng của ông Đạo Dừa, Tịnh và Uyển tay trong tay dạo quanh công viên Lạc Hồng. Uyển tựa đầu lên vai Tịnh thỏ thẻ:
- Mình ngồi nghỉ một chút đi anh.
Tịnh dìu người yêu xuống băng ghế, tựa vào nhau im lặng hưởng niềm hạnh phúc... Tự dưng Uyển cười khúc khích, Tịnh chẳng hiểu gì cũng cười theo và hỏi:
- Em nghĩ gì mà cười vậy?
- Em nhớ lại chuyện tình cảm của tụi mình, thiệt giống như giấc mơ.
- Anh thì cứ nhớ câu nói của em “Sao lính ưa bị sốt rét quá hén”. Đêm về anh cứ tương tư giọng nói em hoài.
Uyển cười e ấp, tay vân vê tà áo. Cả hai im lặng hồi tưởng đến ngày vừa quen nhau: cũng “nhờ” Tịnh bị sốt rét nên được thuyên chuyển đến Quân Y Viện Vũng Tàu để điều trị; đồng thời Uyển và người chị cũng theo mẹ vào bệnh viện chăm sóc cho cha... Nơi đây chị em Uyển gặp Tịnh và họ yêu nhau từ dạo đó...
Sáu năm thoáng qua trong hạnh phúc với bao vui buồn trong tình yêu. Thư đi, thư về cho nhau Uyển lúc nào cũng dùng mực tím, nét chữ đẹp, ẻo lả dịu dàng với những lời thư nồng nàn trìu mến...
Một mùa hạ, lúc phượng vừa nở đỏ rực chân trời, Tịnh được phép về thăm nhà. Trong thâm tâm Tịnh đã định sẵn dịp này sẽ xin ba mẹ đi hỏi cưới Uyển cho chàng. Nhưng thực trớ trêu, ngày về quê thì ba mẹ đã tự ý đi hỏi vợ cho chàng mà không cần chàng có ý kiến. Tịnh ngồi như pho tượng khi nghe ba mẹ nói về người vợ tương lai của mình. Thật ra thì Trang -người vợ sắp cưới- cũng không có gì cho chàng phải phân vân cả; hơn nữa Tịnh cũng hiểu Trang là một giáo viên trong xóm, trẻ đẹp, thùy mỵ và đã từng chăm sóc cha chàng tại bệnh viện trong suốt thời gian ông lâm trọng bệnh mà không có chàng ở nhà... Tịnh rất đau khổ không biết phải nói thế nào với Uyển?
Cuối cùng, nhìn cha mẹ già héo hắt cô đơn trong căn nhà lạnh lẽo, Tịnh đành chọn chữ hiếu để thành hôn với Trang mặc dù trong lòng Tịnh hình ảnh của Uyển vẫn là một tình yêu sáng chói...
Ngày chàng thú thật với Uyển là mình đã có vợ, Uyển trầm ngâm không oán trách. Nhưng, trong im lặng của Uyển, Tịnh đã đọc được một sự đau khổ khôn cùng.
Cuộc sống trôi qua trong lặng lẽ, Tịnh luôn mang mặc cảm mình có lỗi với Uyển vì đã phụ lòng yêu thương của nàng. Với vợ, Tịnh cũng ân hận tình yêu không trọn vẹn cho Trang.
Năm 72, "mùa hè đỏ lửa" đã lan tràn khắp chiến trường, sau một trận đánh ác liệt Tịnh còn nhớ anh nhặt được một tập nhạc rất đẹp trong đó có bản "Phượng Yêu" mà nàng rất thích, Tịnh nghĩ một ngày nào gặp Uyển anh sẽ tặng nàng để kỷ niệm tình yêu đầy khói lửa và nước mắt. Những bài hát trong tập nhạc được “ai đó” viết với những nét chữ nắn nót rất đẹp... Tịnh cứ cầm tập nhạc và tự hỏi biết còn có dịp nào để gặp lại Uyển không?
Bỗng nhiên, một người lính vào báo tin cho Tịnh biết có người đến thăm. Tịnh sửng sốt khi thấy Uyển hiện ra trước căn nhà đổ nát. Nàng phải băng qua một vùng làng mạc điêu tàn không còn một bóng người dân để đến nơi đóng quân của chàng. Chàng kinh ngạc, không ngờ một nữ sinh văn khoa yếu đuối của Sài thành lại kiên cường như thế.
Đêm ấy, Tịnh thu xếp rời đơn vị với người yêu. Tình cảm ngang trái đã khiến cho Uyển và Tịnh càng thấy yêu thương nhau nhiều hơn... Một đêm biết bao nhiêu điều muốn nói. Tịnh và Uyển đã nói hết cho nhau. Bóng đêm đồng lõa với tình yêu không lối thoát, xót xa, bất lực với hoàn cảnh... nhưng bằng một tình yêu thuần khiết, Uyển đã dâng hiến cho Tịnh tất cả...
Cuối cùng giờ phút chia tay cũng phải đến... Kỷ vật cuối cùng cho Uyển là tập nhạc mang chứng tích của chia lìa đổ vỡ.
Cuộc đời đã ngăn cách họ. Tịnh còn nhớ đêm cuối cùng ấy, nàng đã gạt lệ chua xót chúc cho Tịnh hạnh phúc bên người vợ mới cưới. Tịnh vẫn sống tròn bổn phận với vợ, chàng lại âm thầm đau khổ lo lắng khi không có một tin tức gì của Uyển... Tịnh không khỏi tự trách mình đã yếu đuối không dám cưỡng lại lời cha mẹ để phải sống với những chuỗi ngày buồn nản, trong thâm tâm mong được một lần nào đó gặp lại Uyển để hỏi thăm về cuộc sống nàng.
Năm 75, cuộc chiến lan tràn trên khắp nẻo quê hương. Phước Tuy thất thủ. Tịnh bị bắt đưa vào trại tù binh GK3 ở Long Khánh và nhiều trại cải tạo tiếp theo những nhục hình mà Tịnh có lúc tưởng chừng không thể sống nổi nếu không có những người thân yêu mình an ủi, thăm nuôi. Trang nhẫn nhục trong đồng lương giáo viên khiêm nhường, chắt chiu từng đồng để chờ ngày thăm nuôi chồng. Mỗi dịp được thăm nuôi trong nổi vui gặp lại người thân, Tịnh càng chua xót hơn khi biết cảnh nghèo túng của gia đình... Tịnh đã từng nghĩ đến trốn trại, đến cái chết, để bớt gánh nặng cho gia đình. Nhưng, đôi lúc chàng phân vân tự hỏi khi mình không còn nữa, cha mẹ chàng, và vợ chàng có bớt khổ không hay lại càng đau đớn hơn? Tịnh thường suy nghĩ vẩn vơ để lướt đi sự đau khổ và khắc phục cơn đói...
Một hôm, Tịnh đang cùng anh em tù tháo gỡ mìn bẫy thì một tên vệ binh đến cho chàng biết có thân nhân đến thăm. Chàng hết sức ngạc nhiên, vội vàng phủi tay vào ống quần để đi theo tên vệ binh này. Đến nơi, Tịnh sửng sốt khi thấy Uyển đang đứng bên hai tên vệ binh khác... Tịnh được phép gặp Uyển trong vòng một giờ và cả hai được vào một cái quán hoang trước cổng trại.
Tịnh đăm đăm nhìn Uyển: cũng cặp mắt to đen ngơ ngác, cũng nụ cười e ấp u buồn như lần gặp cuối trước khi đất nước rơi vào tay giặc. Tịnh không biết nói gì, sững sờ cho đến lúc Uyển ngồi xuống chiếc ghế và Tịnh cũng như cái máy ngồi xuống theo, cách nhau một chiếc bàn gỗ tạp loang lổ, bụi bặm. Lúc đó Tịnh mới trấn tĩnh được tinh thần, cầm lấy hai bàn tay nhỏ nhắn của Uyển đang đặt trên bàn rồi hỏi:
- Tại sao biết anh ở đây mà em đến?
Như dòng thác lũ, nước mắt Uyển tuôn rơi, nàng bặm môi kể lể biết bao nhiêu công khó thăm hỏi, tìm tòi mới tới được nơi đây.
Tịnh hỏi thăm về gia đình Uyển thì Uyển nghẹn ngào cho biết lẽ ra cha mẹ và chị em nàng đã ra đi an toàn tại phi trường Tân Sơn Nhứt từ hạ tuần tháng Tư, nhưng nàng khóc lóc không chịu lên máy bay, nên cả nhà đành ở lại và bị kẹt cho đến ngày nay. Chỉ vì lý do duy nhất là nàng đã yêu chàng, không thể lìa bỏ đi khi chưa biết một tin tức gì về chàng; và ra đi là biết không bao giờ gặp lại. Uyển tự trách đã biết Tịnh có vợ rồi mà tại sao nàng lại yếu đuối không thể lìa xa được... Uyển nói như không kịp thở, nàng nhắc lại một câu trong truyện dịch của Anne Phillipe mà nàng rất thấm thía: “Em muốn cứu vớt lấy em nhưng không muốn giải thoát khỏi anh”. Tịnh bàng hoàng ngây dại, lắng nghe những lời thố lộ của Uyển. Chàng xúc động siết chặt bàn tay thon nhỏ của Uyển, thỉnh thoảng lắc đầu đau xót. Tịnh đột ngột ngắt ngang lời nàng:
- Anh là kẻ phụ tình em, có còn gì đáng để cho em phải thiết tha đau khổ như vậy hở Uyển? Trước hoàn cảnh đau xót, em phải quên anh đi để lo cho tương lai hạnh phúc của em.
Uyển cũng chỉ biết khóc, nói trong nghẹn ngào:
- Em cũng thực sự không hiểu nổi em!!!
Nhưng Tịnh thì hiểu: một tâm hồn ngây thơ trong trắng, chưa hề vướng bận bởi bóng hình ai. Khi gặp Tịnh, và nhất là cuộc đời của nàng đã trao hết cho anh trong... mùa hè đỏ lửa thì tìm quên một bóng hình đối với một người như thế không phải dễ. Tịnh giờ như cá chậu chim lồng, xác thân tả tơi, cha mẹ và vợ hiền đang ngày đêm trông ngóng ngày về của chàng. Với bao ưu tư khắc khoải, chàng thấy mình nặng tội: bất hiếu cùng cha mẹ, không chăm sóc họ khi tuổi già bóng xế; không thủy chung gần gũi với vợ và cũng đã phụ tình của Uyển khi Uyển đã hết lòng yêu thương tin tưởng trao gửi hết cuộc đời cho mình...
Siết chặt tay Uyển, thật tình Tịnh muốn gào cho Uyển biết những điều ấy để Uyển oán trách chàng, xa chàng dễ dàng hơn...
Một giờ gặp gỡ trôi nhanh. Khi tên vệ binh đến sát bên bàn cho biết đã hết giờ, Tịnh và Uyển như tỉnh cơn mơ, hoảng hốt níu kéo bàn tay nhau... nhưng rồi cũng phải chia lìa...
Tịnh bước đi, quay đầu lại nhìn Uyển, bịn rịn muốn kéo dài giây phút chia tay... Uyển hai mắt mở lớn nhìn theo từng bước đi xiêu vẹo của Tịnh cho đến khi chàng khuất sau dãy nhà tôn.
Tịnh về lại với công việc. Chàng chán nản, muốn khóc cũng không khóc được, muốn cười cũng không xong.
*
Ngày tháng âm thầm trôi qua. Cuộc đời của Tịnh cũng như bao anh em tù khác: đói khát, bệnh tật và biết bao nhiêu kỷ niệm buồn... Cuối cùng rồi Tịnh cũng được phóng thích, về với gia đình và sống bên vợ với những ngày dài vô định, không biết tương lai về đâu. Nhìn đất nước ngày một tang thương, nạn cướp giật, nạn đói, thất nghiệp, tệ nạn xã hội lan tràn, Tịnh nghe ngao ngán khi được chú Mẫn xóm trên kể lại chú bị móc túi, tới lúc móc được chỉ thấy gói giấy vấn thuốc rê nó quăng trả lại và đạp chú chúi nhủi bên hè phố...
Rồi chương trình ra đi diện H.O. được loan ra, Tịnh tức tốc về Mỹ Tho cũng như vào Saigon, căn nhà mà Uyển đã học trọ, mong được gặp nàng lần cuối trước khi rời Việt Nam... Nhưng Tịnh đã tuyệt vọng vì cả hai nơi Uyển trú ngụ đã đổi chủ, họ cũng không biết tin tức gì của chủ nhân ngày trước...
Ngày được phép qua Mỹ với diện H.O., Tịnh và vợ đã có hai đứa con thơ. Chàng lên đường với tâm trạng lo âu hơn là mừng rỡ.
Thế rồi, cuộc sống quần quật tại Mỹ, Tịnh đã cùng vợ ra sức làm việc để có tiền “down” mua một căn nhà nhỏ. Ngày ngày đi về có nhau, Tịnh nhiều lúc muốn xua đuổi đi hình ảnh của Uyển song cứ mỗi lần gặp một hình bóng người con gái nào có cặp mắt to và nụ cười e ấp là tim Tịnh lại đau nhói lên vì nhớ Uyển...
Tịnh lo âu muốn biết tin tức của Uyển giờ ra sao? Bao nhiêu bạn bè chàng quen biết đã âm thầm tìm kiếm tin tức giùm Tịnh nhưng thật sự một Uyển ngây thơ đã không một hồi âm. Tịnh chỉ mong được một câu xác nhận của Uyển là nàng đang còn hiện hữu ở trên trái đất này, đã có hạnh phúc và đã tha thứ cho Tịnh vì tình yêu của Uyển quá tuyệt đối mà Tịnh đã không thể nào hồi đáp được.
Hôm qua, Tịnh đọc được bốn câu thơ rất hay của Du Tử Lê:
Ta đã đợi em từ hạt bụi
Mai về nhớ lấy dấu mưa đi
Bàn chân nhớ đất còn khô nẻ
Môi nhớ tàn phai lệ nhớ mi.
Bỗng dưng Tịnh nhớ Uyển tha thiết. Uyển cũng rất yêu thơ... bằng một tâm hồn đa sầu đa cảm, tấm lòng ngây thơ Uyển đã cho Tịnh một tình yêu tuyệt vời. Tịnh từng tiếc nuối trong trại tù đã không nói được điều gì để Uyển được vui khi chia tay. Riêng Tịnh, lần thăm viếng ấy đã cho Tịnh thêm sức sống, muốn sống để có ngày gặp lại Uyển, trìu mến nói với Uyển rằng: "Anh mãi mãi yêu em với một tình yêu giấu kín... và anh thành thực xin lỗi đã phụ lòng em bao năm qua... Em giờ ở đâu? Anh đợi chờ một tin tức về em đó Uyển ạ!"
Ước mơ gió mây hãy nhắn tin này cho Uyển yêu thương của Tịnh!
10/17/01